Hôm qua, 26-7, những người
thân, bạn bè và học trò đã tiễn đưa Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, vừa từ trần vào tối
22-7, về đài hoá thân tại Hoá An, Bình Dương.
Ông sinh năm 1941 tại Gò Dầu,
Tây Ninh. Du học ở Pháp từ năm 1965, ông chọn đề tài lịch sử báo chí Việt Nam
làm luận án tiến sĩ, dưới sự bảo trợ của GS Jean Chesneau, và bảo vệ thành
công ở Đại học Sorbonne,
Paris vào năm 1971. Có điều kiện khai thác những tài liệu quý giá được lưu trữ
cẩn thận trong các thư viện của Pháp, luận án của ông là công trình nghiên cứu
công phu đầu tiên đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về quá trình hình thành và
phát triển của báo chí quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Hội đồng chấm
luận án với những sử gia có uy tín, am hiểu về Việt Nam như Philippe Devillers,
Jean Lacouture đánh giá cao luận án ở sự miêu tả xác thực, khách quan và hệ
thống về sự ra đời, hoạt động của những tờ báo trong quan hệ với chính sách của
chính quyền thực dân, với chủ đích của người sáng lập và với sự tiếp nhận của
bạn đọc đương thời.
Về nước năm 1972, Huỳnh
Văn Tòng bắt đầu tham
gia giảng dạy về báo chí tại các Viện đại học Vạn Hạnh, Đà Lạt, làm
khoa trưởng Văn khoa – Sư phạm thuộc Viện Đại học Hoà Hảo, An Giang và khoa
trưởng khoa Báo chí thuộc Viện Đại học Phương Nam, Sài Gòn. Trên cơ sở luận
án tiến sĩ, ông đã biên soạn cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ
đến 1930, được NXB Trí Đăng ấn hành năm 1973 với lời giới thiệu của GS
Nguyễn Văn Trung.
Trong những năm tháng sôi động
ở Sài Gòn, Huỳnh Văn Tòng vừa dạy học, vừa âm thầm tham gia hoạt động yêu nước
cùng với những người bạn của ông như Cung Văn, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá
Thành, Phan Văn
Hoàng…và có may mắn chứng kiến những giờ phút lịch sử trong Dinh Độc lập vào
ngày 30-4-1975. Những năm sau đó, ông làm phó chủ nhiệm khoa Lịch sử Trường Đại
học Sư phạm TP HCM, rồi về làm báo Công an TP HCM.
Khi Trường Đại học Tổng hợp
TP HCM được phép mở lại ngành Báo chí ở miền Nam sau 17 năm gián đoạn, chúng
tôi đã đến tận nhà mời ông trở lại bục giảng, phụ trách môn Lịch sử báo chí
Việt Nam. Huỳnh Văn Tòng là một trong những thầy giáo đầu tiên giảng bài cho
khoá sinh viên hệ mở rộng, khai giảng đúng vào ngày 03-5-1992. Một năm sau,
trước sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, Trường Đại học
Mở - Bán công TP HCM cũng thành lập Khoa Báo chí học và mời ông làm chủ nhiệm
khoa. Ông dành thời gian tu sửa, bổ sung,
phát triển cuốn sách của mình làm tài liệu giảng dạy cho cả hai trường và sau
đó tái bản ở NXB TP HCM năm 2000, với nhan đề Báo chí Việt Nam từ khởi
thuỷ đến 1945.
Hơn mười năm qua, nhờ cập
nhật tư liệu và áp dụng những phương pháp nghiên cứu hiện đại, việc nghiên cứu
lịch sử báo chí Việt Nam đã có thêm những thành tựu mới, nhưng cuốn sách của
Huỳnh Văn Tòng vẫn là công trình có ý nghĩa nền tảng, chắc chắn sẽ còn được sử
dụng lâu dài trong và ngoài nhà trường. Riêng với ông, dù đã viết thêm những
tác phẩm khác như Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945 (đồng
tác giả với Lê Vinh Quốc), Lịch
sử các quốc gia Đông Nam Á, Kỹ thuật quảng cáo…, nhưng có lẽ
công trình về lịch sử báo chí vẫn là cuốn sách mà ông tâm đắc nhất. Là người
viết lịch sử báo chí của một nước thuộc địa, ông hiểu sâu sắc ý nghĩa vô cùng
quan trọng của tự do báo chí đối với sự phát triển đất nước, sứ mệnh của báo
chí như một tấm gương phản ánh trung thực đời sống xã hội, trách nhiệm của
người làm báo và cả người nghiên cứu báo chí trong việc tôn trọng sự thật và
hướng dẫn dư luận, khi mà những gì viết ra lẫn những gì không viết ra đều làm
chứng cho lương tâm của người trí thức trước thời cuộc và nhân dân.
Vì sức khoẻ suy yếu, những
năm cuối đời Huỳnh Văn Tòng phải rời bục giảng. Nhưng các thế hệ học trò của
ông vẫn luôn nhớ đến ông, nhớ những bài học có ý nghĩa thời sự mà ông rút ra
từ lịch sử thăng trầm của báo chí dân tộc.
|
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
Người viết lịch sử báo chí đã ra đi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét