Nghệ thuật là sự thể hiện cái tôi tối thượng, nó hoàn toàn chịu
sự chi phối của ý chí chủ quan người sáng tác cảm nhận về thế giới tự nhiên, xã
hội và tư duy. Ý chí chủ quan ấy lại chịu sự tác động rất lớn từ sự trải nghiệm
của bản thể mỗi cá nhân.
Có thể, sự trải nghiệm ấy được
chia thành 3 cấp độ. Ở tầm thấp, là những cảm xúc được ghi nhận. Đó là sự ghi
nhận tác động của thế giới ở tần suất nhanh, bất chợt. Tầm cao hơn, là những điều
muốn nhắn nhủ, gửi gắm về mối quan hệ giữa cuộc sống với hiện thực khách quan. Ở
tầm cao, nó thành triết lý cho lẽ sống, chân lý của cuộc sống. Đó chính là tạo
nên một trường liên tưởng, vượt ra khỏi những điều có trên ngôn ngữ. “Trăng hẹn
một lần thu” của Bình Nguyên chính là như thế. Một triết lý sống cùng những trải
nghiệm với cung bậc tận cùng của kiếp người.
Cái nhìn nhân sinh về
lẽ sống
Nói đến
Bình Nguyên, hẳn nhiều người đã quen với giọng thơ đậm chất quê, tình rất quê
và ngôn ngữ cũng rất quê. Chính những thi ảnh, thi hình “rất quê” ấy đã làm nên
một Bình Nguyên thơ chân chất, mộc mạc, gần gũi mà lôi cuốn, đắm đuối. Sự thi vị
của thơ Bình Nguyên cứ như tự có từ trong cách nói dân dã “Đời đất cát lên
hương từ đất cát” (Những ngọn gió đồng) mà không kém phần làm mê đắm người đọc.
Ẩn trong sự chân chất ấy là những điều về lẽ nhân sinh, kiếp người phải sống. Một
Bình Nguyên bình lặng mà sâu sắc: “Bao nhiêu đá trẻ, đá già/ Không cao được đội
nhau mà cao lên/ Kề lớp dưới với lớp trên/ Nối sau với trước mà nên rộng dài”
(Với cao nguyên đá).
Căn cốt
nhất sống ở đời là đức hy sinh. Muốn có thể cao lên, dài ra, mỗi con người phải
tự biết hy sinh và tự biết tựa vào nhau mà lớn. Trong ca dao có câu: Một cây
làm chẳng lên non/ Ba cây chụm lại lên hòn núi cao. Trong cuộc sống, trong mỗi
con người, nếu tự đứng có lẽ cũng chỉ với cao quá một tầm tay. Như trái núi
kia, cao lên chính là từng viên đá ấy biết nương vào nhau, tựa vào nhau, kề bên
nhau, lớp lớp mà thành. Cái sự nối ấy có trước có sau, có quá khứ và hiện tại
cùng với tương lai. Trong cuộc sống hiện tại, có thể vì lý do nào đó đưa đẩy mà
tự đánh mất “nhân chi sơ tính bản thiện”. Muốn làm nên non cao, mỗi con người
hãy biết sống như đá, yêu như đá, hy sinh cho nhau như đá. Ta tôn người, người
lại tôn ta. “Núi cao bởi có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?/ Muôn
dòng sông đổ biển sâu/ Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?” (Tiếng ru - Tố Hữu).
Nó là cả một nhân cách mà con người phải biết hy sinh vì người, luôn đặt con
người lên trên tất cả. Đọc câu thơ về đá mà lòng bỗng chùng xuống, xót xa, nghĩ
về cuộc sống hôm nay, với biết bao bon chen, xô vai hích cánh, đánh mất cái
tình, cái làm nên gốc con người. Âu đó cũng là quy luật. Một quy luật sống đến
cay nghiệt, phũ phàng và đầy đắng đót: “Qua nghìn vật vã cơn đau/ Mới thành núi
mới thành câu chuyện tình” (Với cao nguyên đá)
Câu
chuyện tưởng sẽ đơn giản nhưng với những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại,
khi những tiêu cực, nhiễu nhương xảy ra thường xuyên và có tính phổ quát thì
nghĩ để sống, để hoàn thiện và sống cho nhau, dựa vào nhau trong lẽ sống “bí bầu”
là cả một lẽ sống rất cần cho hôm nay. Đức hy sinh sẽ mang đến hạnh phúc cho cuộc
sống, để có được “Ngã vào núi bám chon von/ Ngã vào khuyết để biết tròn mai
sau” (Dấu chân) như Nguyễn Khoa Điềm viết chương “Đất nước” trong trường ca “Mặt
đường khát vọng”: “Dẫu phải cay đắng dập vùi/ Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu/
Cây khế chua có đại bàng đến đậu/ Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta”. Đó là mong
muốn về một lẽ sống, là niềm tin cho mỗi con người. Những trăn trở đến đớn đau,
vật vã ấy đến độ, người thi sĩ Bình Nguyên, vốn quen với “áo nâu lấm mấy thân
người” phải thốt lên: “Càng xa lánh cái bon chen/ Em ơi sao thấy bạc đen càng
nhiều” (Đêm suông)
Khi
nhìn nhận về thói đời “Còn bạc, còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu hết ông
tôi” (Thói đời - Nguyễn Bỉnh Khiêm), Bình Nguyên cũng không né tránh mà dám
nhìn thẳng vào sự vật hiện tượng, đọc đúng tên, chỉ đúng việc, gọi đúng người.
“Còn chồi kẻ bám người theo/ Đến khi thân mốc dây leo cũng tàn” (Cậu tôi). Thói
đời đen mà bạc ở ngay trong kiếp con người, là cái thói người luôn xảy ra. Đây
là bản lĩnh của người cầm bút. Phải vững lắm, có đủ trí, tâm, tầm, tài mới có
thể có được cái nhìn dũng cảm mà nhân văn đến thế.
Triết luận về phận kiếp
con người
Vẫn biết,
văn chương là quá trình phản ánh về thân phận của mỗi kiếp người, cũng như bản
thân mỗi con chữ cũng mang phận kiếp của mình. Có những điều thoáng qua, tưởng
như không lắng lại mà thành dấu ấn của đời. Có những điều tưởng như còn đọng lại,
ấy thế rồi cũng lại chỉ thoáng qua. Sự lắng lại, đọng lại trong con người không
phải là tần suất xuất hiện mà nó phải là những dấu ấn của cuộc đời, dẫu chỉ một
lần. “Trăng hẹn một lần thu” của Bình Nguyên cũng là một trường hợp như thế. Với
Bình Nguyên, dường như người đọc luôn bắt gặp trong mỗi câu thơ, mỗi ý thơ là
câu hỏi: Tại sao? Câu hỏi cứ lặng lẽ, âm thầm trong tâm hồn của Bình Nguyên, nó
là con sóng ngầm cứ thôi thúc phải trả lời.
Khi viết
về phận kiếp, không an phận như ca dao: “Chuông khánh còn chả ăn ai/ Huống là mảnh
chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Không than thở “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho
thanh tao mới được phần thanh tao” (Kiều - Nguyễn Du). Không chán chường theo
kiểu ngông “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế em nay chán nửa rồi” (Muốn
làm thằng Cuội - Tản Đà). Cũng viết về thân phận, Bình Nguyên có cái nhẹ mà lắng,
thoảng mà sâu, như trữ lượng của vỉa tầng mỏ quặng, càng sâu càng quý, càng ngẫm
càng thấy thấm: “Chảy qua nghìn khúc sông đau/ Mới êm đềm thế mới sâu nhường
này/ Cứ trong xanh đến hao gầy/ Qua bao chìm nổi mà đầy đặn đâu” (Thơ viết trước
dòng sông)
Đọc rồi
giật mình tự hỏi: Con sông cuộc đời này còn chảy qua bao khúc đau nữa mới được
đầy đặn? Hỏi là thế chứ thực ra, trong đó đã có đủ câu trả lời rồi. Bởi, cuộc đời
vốn đã là bể khổ, kiếp trầm luân với đầy đủ các cung bậc hỷ, nộ, ái, ố. Để có
thể vượt ra, thoát khỏi, trong mỗi cá thể cần phải có niềm tin, cần phải có một
sự trải nghiệm, kiến văn đủ nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc đời. Đó
chính là “Ruộng bần vũng vũng như gương/ Soi nhau buổi sáng mà thương buổi chiều”
(Quê ơi).
Cũng
là một phận kiếp vất vả tảo tần, cái nhìn của Bình Nguyên cũng rất khác. Không
oán thán, kêu ca; không chán chường thất vọng như Tú Xương: “Chết quách yên mồ/
Sống càng nặng nợ” (Văn tế sống vợ). Chất thi sĩ, chất con người đất quê “Cuối
con sông cái là quê/ Cuối con đường đất là về nhà ta” (Lục bát cho quê) ngấm
vào Bình Nguyên thành một lẽ sống: “Năm xô dạt tháng chòng chành/ Qua bao kiếp
nạn mà thành đời ta” (Một năm). “Cuối đông gió đã xác rồi/ Kìa trên xác gió bao
chồi non tơ...” (Cuối đông). Giữa những trái ngang của hiện tại, giữa những nhiễu
nhương đang xảy ra trong cuộc sống, sự nhìn nhận một cách bình thản như cây lúa
củ khoai, như một lẽ đương nhiên đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn khác, bình
tâm về những điều đang xảy ra. Đó là một triết luận về quy luật của thân phận
nhân kiếp, nó là một lẽ bình thường trong cuộc sống của con người. “Buồn vui
thì cũ từ lâu/ Nhưng không mới những vàng thau kiếp người” (Gửi chị Tầm).
Cái gốc của nhân sinh
Ngôn
ngữ thơ của Bình Nguyên là sự luôn đi tìm gốc rễ của con người. Triết lý, tất cả
rồi sẽ qua đi, chỉ tình người còn lại. Nhà triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus
có nói: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Mỗi cá nhân cũng là sự vận động
và phát triển liên tục, và sự phát triển, vận động ấy cũng đang xảy ra ngay
chính trong bản thể của mỗi cá nhân. Những tác động khách quan từ bên ngoài lên
mỗi cá thể chỉ giữ vai trò quan trọng, chính cá thể, cái bản ngã mới đóng vai
trò quyết định. Bình Nguyên không chỉ một lần mà có rất nhiều lần đã nói đến
cái gốc của mọi sự vật hiện tượng. “Mặt mình mình có thấy đâu/ Thấy làm sao được
mặt sau cuộc đời” (Mẹ) bởi “Làm sao biết nẻo nông sâu mà vòng” từ chính cuộc sống,
mà là phép tính mang cấp số nhân của mỗi thân phận con người. Bàn tay không thể
nắm cổ tay, để biết được, mỗi cá thể phải từ mình “Không tu ai mặc nâu sồng/
Không yêu ai biết hoa hồng có gai” (Dọc lối mai này) mà đâu đã là thế.
Con
người là trung tâm của mọi sự vật hiện tượng. Và chỉ có con người, từ “mỗi mảnh
ghép cá thể” mà tạo nên xã hội, nên cộng đồng. Từ bản thân hãy “Chắt từ bùn đất
lên hương/ Cứ âm thầm với gió sương đất trời/ Ngắn dài thì cũng một đời/ Tự
trong thanh sạch mà ngời nên bông” (Hoa bần) như chính Bình Nguyên “Đời đất cát
lên hương từ đất cát” là vậy.
Một Bình Nguyên
- bản ngã
Có nhiều
bạn đọc hiện nay cho rằng “thơ bỏ bạn đọc” bởi những điều “cao siêu” với các
“tân” hình thức khác nhau. Và, Bình Nguyên biết điều đó, cứ dung dị, cứ chân chất
mộc mạc chất quê mà đằm lại với người, với đời. “Trăng hẹn một lần thu” lại là
một vỉa quặng mới, vỉa quặng ẩn sâu trong tầng tầng con chữ. Vẫn một Bình
Nguyên “Tôi về bán cũ mua xưa” (Viết cuối mùa đông); “Tôi tìm về cõi tôi đây”
(Cõi tôi). Có thể nói, “Trăng hẹn một lần thu” là phép “tự thử” của Bình Nguyên
đối với chính mình. Vẫn biết, khi nói đến thơ Bình Nguyên, bạn đọc nhắc đến một
“chân dung thơ” thể lục bát. Nhưng để đủ can đảm ra một tập chỉ với một thể thức
không phải mấy ai dám làm. Đây cũng chính là cách mà Bình Nguyên tự ném mình
vào dòng sông thi ca để tự khẳng định mình. Vẫn là cách tiếp cận ngôn ngữ gần
gũi như cách nói của người lao động lam lũ, câu nói vần của đất quê, người quê,
nhưng nó làm nên một diện mạo riêng cho khuôn mặt thơ hiện nay, khi mà có rất
nhiều các trào lưu “phi hình thức”, “phi cấu trúc”, “hậu hiện đại” nhiều người
theo đuổi. Bình Nguyên như dòng sông, lặng lẽ trôi, lặng lẽ chảy, gắn bó với chất
quê, người quê để làm một cái tôi - bản ngã Bình Nguyên.
Khi tiếp
cận với “Trăng hẹn một lần thu” của Bình Nguyên, tôi tin rằng nhiều người có
các cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau. Tôi muốn tiếp cận một góc nhìn khác về
thơ của Bình Nguyên. Một góc nhìn về nhân sinh mà lâu nay trong thơ dường như
đã lãng quên, và “Trăng hẹn một lần thu” là sự tiếp nối những giá trị nhân sinh
của thơ ca đọng lại, như chính Bình Nguyên đã viết: “Tóc ta rụng nữa sợi này/
Níu làm sao được tháng ngày trôi mau/ Tuổi trời còn mấy nữa đâu/ Tuột tay từng
cái từ lâu đợi chờ” (Trăng hẹn một lần thu). Và qua “Trăng hẹn một lần thu”, bạn
đọc gặp được còn có một Bình Nguyên như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét