Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đi giữa Ngự Bình - Thiên An thông reo

Đi giữa Ngự Bình - Thiên An thông reo

Rừng thông vi vu xanh biếc bốn mùa trên núi Ngự Bình ở đất Cố Đô Huế xưa nay là nơi thưởng ngoạn nổi tiếng của những ai đi qua thời áo trắng, của du khách khi đến thăm Huế. Cùng với sông Hương, núi Ngự là biểu tượng của Huế, sơn thủy hữu tình: "Đi đâu cũng nhớ quê mình. Nhớ sông Hương gió mát, nhớ Non Bình trăng treo".
Trước năm 1802, Ngự Bình có tên là Bằng Sơn. Thấy dãy núi uy nghi, cân đối, lại tọa lạc ở phía trước vua Gia Long đổi tên núi thành Ngự Bình làm tiền án cho hệ thống phòng thành đồ sộ, nguy nga của Đế Đô. Núi Ngự Bình cao 105 m, có độ dốc thoai thoải, lên núi Ngự được ngắm toàn cảnh cung điện, thành quách, đền đài, chùa miếu, các khu nhà vườn, phố cổ và các khu phố Nam bờ sông Hương thơ mộng. Hàng chục năm qua, đồi thông Thiên An (Gọi là khu Thiên An - Hồ Thủy Tiên) vẫn là nơi du ngoạn lý tưởng của người Huế. Thiên An đẹp chẳng khác gì một Đà Lạt thu nhỏ, với những hồ nước trong xanh in bóng rừng thông cổ thụ trên 100 tuổi. Những cánh rừng thông ở đây trên 100 ha, vào mùa đông thay lá, thảm lá thông khô và quả thông rơi đầy mặt đất. Mùa trời lam dìu dịu, hư ảo trong sương mờ, trên đỉnh đồi cao, giữa rừng thông già bạt ngàn là Đan Viện Thiên An, với nhà thờ của dòng tu kín có kiến trúc bằng đá 2 tầng uy nghi sừng sững. Đứng trên tháp chuông có thể ngắm toàn cảnh thành phố Huế. Nhà thờ dòng tu này được lập nên hơn nửa thế kỷ. Từ nhà thờ đi sâu vào khoảng hơn 1 km, dưới chân đồi có vườn cam nổi tiếng 4 ha do các tu sĩ trồng, năm nào cũng cho sai quả. Ở đây du khách được nếm thử rượu cam nguyên chất được ướp lên men và chưng cất từ sản phẩm của Thiên An. Cạnh vườn cam là hồ Thủy Tiên Hạ, lên quá một chút là hồ Thủy Tiên Thượng. Hồ Thủy Tiên là hồ tự nhiên rộng khoảng 4ha, bao quanh hồ là những bãi cỏ mịn. Những dịp nghỉ thứ 7, chủ nhật, lễ hội, ngày hè, Thiên An thu hút hàng trăm lượt học sinh, sinh viên, du khách đến du ngoạn, nghỉ ngơi mỗi ngày. Họ tham gia những trò chơi: bơi thuyền, leo núi, chụp ảnh, quay phim lưu niệm, văn nghệ, giao lưu thơ phú, cắm trại... Thiên An nằm giữa vùng du lịch vui chơi, giải trí, tham quan lớn. Cạnh Thiên An có trại cá Cư Chánh, với nhiều hồ quanh các ngọn đồi để nuôi cá nước ngọt, đi khoảng hai cây số là bờ sông Hương, từ bến thuyền đi thăm điện Hòn Chén, Lăng Minh Mạng, Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức. Bao quanh Thiên An là dãy núi Động Dài, giống hình con rồng đang uống nước Hồ Thủy Tiên. Cạnh Thiên An có nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây gần thế kỷ như: Chùa Trà Am, Thuyền Tôn, Trúc Lâm, Ba Đồn... Phía Tây Thiên An là núi Phượng Hoàng chất ngất, phía Nam là núi Thiên Thai... Thiên An tự khắc đã có các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", là nơi vui chơi, giải trí, tham quan, thưởng ngoạn về thiên nhiên thắng cảnh, di tích lịch sử đầy ngoạn mục, để núi Ngự Bình và rừng Thiên An đã xanh rồi càng thêm xanh. Bên những cánh rừng thông cổ thụ, xây dựng các điểm du lịch nghỉ ngơi, du lịch leo núi, đi bách bộ ven rừng để hít thở không khí trong lành, câu cá giải trí ven hồ, hoặc nghiên cứu các loài cây bản địa tại rừng thực vật và du lịch ẩm thực, giới thiệu những món ăn truyền thống, đặc sản và đầy chất dân dã của đất Cố Đô - Huế. Vùng phía trong hồ cá Tư Chánh có thể xây dựng làng trồng hoa, cây cảnh làm đẹp cho vùng du lịch Thiên An, vừa là nơi cung cấp hoa mỗi ngày cho Huế. Kết quả gặt hái được qua kinh doanh du lịch khu Thiên An - Thủy Tiên sẽ là bước đầu tư lớn cho khu này phát triển đẹp đẽ, hấp dẫn hơn trong tương lai, miễn sao việc xây dựng, khai thác khu du lịch Thiên An - Thủy Tiên phải tôn trọng thật nghiêm túc cảnh quan, môi trường ở đây, có như vậy mới bảo đảm tính du lịch bền vững ở vùng đất có di sản văn hóa nhân loại.
Nguồn: Tạp chí Quê hương
Theo https://thanhnien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...