Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Ao trường vẫn nở hoa sen

Ao trường vẫn nở hoa sen
Tôi và bạn học từ thời phổ thông thong dong chạy xe máy trên con đường cũ về thăm lại trường xưa. Bao năm xa trường, bạn bè bận bịu công việc, mỗi đứa một nơi nên chẳng mấy khi có dịp gặp lại. Giật mình thảng thốt nghĩ rằng xa cách về địa lý dễ khiến con người dần quên nhau.
Ấy vậy mà ngày gặp lại vẫn như thuở áo trắng đến trường vô tư trong sáng. Sớm bình minh, hàng xà cừ già đứng lặng lẽ nghiêng mình bóng nắng, từng dãy lớp học khang trang sừng sững trước khoảng sân rộng. Chúng tôi đưa nhanh ánh mắt để tìm lại dãy hành lang có lớp học nhỏ ngay đầu hồi dãy. Nhưng tất cả chỉ là ký ức tuổi hồng…
Đôi bạn vòng ra phía sau trường. Đây rồi khoảng ao rộng gói tròn bao kỷ niệm vẫn còn đó. Thoảng trong gió thổi vào hương sen ngan ngát. Từng cánh sen rung rinh khoe sắc hồng dưới nắng mai. Chiếc ao này ghi dấu những ngày chúng tôi cùng nhau lao động tập thể. Ngày còn học phổ thông, trường quê đơn sơ, các lớp học tổ chức lao động củng cố cảnh quan khuôn viên. Chiếc ao được nạo vét, chúng tôi hăng hái vớt bèo, chuyền tay nhau múc từng xô bùn. Khi làm đến giữa ao, có một vật thể nhô lên. Thầy trò múc sâu xuống dần lộ ra tấm bia lớn. Cứ nghĩ chắc những năm chiến tranh chùa chiền bị đốt phá, bà con giấu văn bia xuống dưới lòng ao, thế nên nhà trường gửi tấm bia lớn vào ngôi chùa gần đó. Sư thầy lần đọc theo từng nét chữ khắc mới hay đây là bia ghi dấu ngày thành lập trường. Thì ra ngôi trường được xây từ thời Pháp thuộc. Thuở ban đầu là Trường Tiểu học Pháp-Việt, con em nhà khá giả mới có điều kiện vào học. Sau khi địa phương giành được chính quyền, trường thành nơi xóa nạn mù chữ, dần dần mở thêm nhiều lớp học mới. Thế rồi chiến tranh ác liệt, trường phải sơ tán vào trong dân, bia đá vì thế được giấu dưới lòng ao. Thời gian đằng đẵng xa vời, thế hệ các thầy lên đường chiến đấu người nằm lại chiến trường, người trở về tiếp tục dạy học cho đến khi nghỉ hưu. Học trò trưởng thành tỏa đi muôn phương. Tất cả không ai nhớ đến tấm bia nữa. Cho đến ngày trường nhận lại văn bia mới, dựng lầu tám mái, cho rùa đá đội bia, đắp vẽ bệ thờ để thầy trò cùng nhau tưởng nhớ khắc ghi.
Ao trường một mảnh con con như gói trọn ký ức tuổi học trò. Ngày ấy chúng tôi hiếu động, hết buổi học thường tụ tập ra sân vận động đá bóng. Trời nắng mồ hôi nhễ nhại, để giải tỏa cái nóng nực ấy, cả đội bóng liền kéo nhau ra tắm ao sau trường. Tiếng hò hét nô đùa nghịch nước vang cả khoảng ao. Tôi hỏi lại bạn: “Thành có nhớ lần cậu ra giữa ao hái đài sen mà suýt bị đuối nước không?”. Bạn trầm tư hồi lâu trả lời: “Quên làm sao được! Tại chân tôi bị chuột rút nên không đạp được nước, tay chỉ chới với giữa dòng, khi ấy các cậu mới hốt hoảng hô lên. May sao thầy giáo dạy thể dục ở khu tập thể giáo viên gần đó nghe tiếng mới phi ào xuống cứu, thế tôi mới thoát nạn. Sau lần ấy, hơn chục nam sinh trong lớp phải mời phụ huynh đến gặp nhà trường. Thật là một trận nhớ đời!”.
Nhớ lại ngày ấy, những cậu học trò nhà quê chúng tôi tuy có láu lỉnh nghịch ngợm nhưng học tập vẫn luôn chỉn chu. Từ mái trường quê, chúng tôi đã trưởng thành, người làm bác sĩ, người trở thành kỹ sư, tôi lên đường nhập ngũ. Mỗi người một phương nhưng tất cả đều giữ trong mình ký ức về mái trường thân yêu, về khoảng ao trường thân thuộc. Lớp chúng tôi hầu hết đều đỗ đại học, cao đẳng, được ví như lứa sen già kết hạt bội thu, là niềm tự hào của cả trường năm đó. Sau bao năm ra trường, những mùa sen ngan ngát hương thơm đã trở thành một phần ký ức trong tâm trí những cô cậu học trò ngày ấy. Hè này nắng vẫn vàng rực rỡ, sen lại hồng thắm ao trường để rồi kết đài sai hạt như những em học sinh sắp ra trường mang tri thức đi khắp phương trời xa.
 8/7/2020
Ngọc Nam
Theo https://www.qdnd.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...