Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Hải âu không cô đơn

Hải âu không cô đơn
Tôi ngỡ ngàng trước một sĩ quan Hải quân, một người "ăn, sống, ngủ" cũng "mơ" về những nghiêm khắc khuôn khổ, quy tắc, điều lệ ngành... ấy vậy mà hồn thơ lãng mạn, rất phiêu, nói quá rất "đa tình". Cái lạ nữa, nói đến đa tình thì từ ngữ phải "ngôn tình" ấy thế ngôn ngữ trong thơ của Phạm Hồng Soi rất mộc mạc, gần gũi, gần như hơi thở thường nhật, gần như gió nồm đằm mình trong mùa muối mặn mòi... và nhiều lúc chát đắng, còn bồi hồi, hối lỗi mênh mang... Và nữa, thế mạnh hồn thơ là dáng dấp trữ tình tự sự, tập thơ “Biển và em” như một cuốn nhật ký biên niên có thể dựng thành phim mà ở đó các phân cảnh, góc quay dù “cận hay viễn” đều hướng về nhân vật trữ tình, nhân vật ấy “vừa đặt câu hỏi và tự trả lời cho câu hỏi đó” nên “sự tròn vai” có tính chất duy chỉ. Những bài thơ trong tập "Biển và em" có dung lượng câu, từ - ngắn dài biến hoá, thể thơ tự do là chủ đạo và các ,"nhánh" khác như thể lục bát, thể bẩy chữ, sáu chữ, năm chữ... sự phong phú đó như gia vị hấp dẫn cho tập thơ được lật mở đọc đến trang cuối vẫn hứng khởi... Thơ Phạm Hồng Soi thể hiện cái tình và nỗi niềm nhiều băn khoăn, trăn trở. Mảng tình trong tập thơ như mạng lưới của dòng sông tình lớn được chia ngả thành các nhánh nhỏ vươn xa, như tình yêu quê hương, đất nước, yêu địa miền, thổ cư, yêu những nơi đã đi qua, những nơi mong đến và sẽ đến... tình yêu con người đến với người thân ruột thịt, người ông, người mẹ, người vợ đảm đang, và những tin yêu, hy vọng tới những người con, người bạn, hay đồng chí hàm đồng quân...
Điểm nổi trội trong thơ Phạm Hồng Soi là tác giả biết “hóa thân” để chiêm nghiệm kết hợp thực thi khi “đặt mình vào vị trí của người khác”, của người đối diện, của người nghĩ, mong, nhớ tới để hiểu, biết và hoàn tất, mong hoàn thiện những nhu cầu, mong muốn, ước nguyện đó. Ở đây giống nghệ thuật “phân thân” trong điện ảnh, nghệ thuật “ám thị nhiệm màu” trong tâm lý học, nên các bài thơ là kết quả của sự “lâm sàng dị mộng” nó vừa thật, vừa khoa học mà cũng ảo diệu khôn lường...
“Thơ là sự thần thánh hóa thực tại” hay “Thơ là ngôn ngữ chưng cất mạnh mẽ nhất của bản thân tác giả” đều có những ý đúng, nhưng cái đúng hơn cả “thơ được trích từ tâm hồn, sức lực thể xác, nhiều khi cả máu và nước mắt - được chưng cất, thanh lọc từ nhãn quan và trải nghiệm của tác giả thơ”. Ở Phạm Hồng Soi, công việc của tác giả gắn liền với biển, biển là sự sống thường nhật, biển là người bạn tri kỷ... là “người” mà tác giả cùng đồng đội, đồng chí ngày đêm canh gác bảo vệ, nên hiểu về biển, trân trọng, hàm ơn biển, yêu thương, ca ngợi biển như một tất yếu là đương nhiên, hiển nhiên là vậy... Và ở hậu phương, “em” là đại diện cho “người thương”, người thân của tác giả, của những gì thân thuộc, trân trọng  nhất... là chỗ dựa tinh thần, là nguồn động viên mạnh nhất cho nhân vật trữ tình hay chính tác giả để vững bước, kiên định, hiên ngang hoàn thành nhiệm vụ được giao, nên nghĩ đến “em”, thương yêu em là điều vô cùng đúng đắn. Từ những cơ sở “đúng” và “đáng” đó hồn thơ Phạm Hồng Soi đã “phát tiết” triệt để những khao khát, mong ước, những trăn trở,  bồi hồi... giống như cánh chim Hải Âu bay trên biển trời rộng lớn của đất mẹ thương yêu, bay lên với tâm ước khát vọng thương yêu và được yêu thương mà điểm tựa  là sự kỳ vọng tin yêu, dõi theo gửi trao của hậu phương, Cánh Hải Âu đó không hề đơn độc, không cô đơn mà được thỏa trí tang bồng... từ “giấc mơ” đến “thực tế” một cách tự nhiên đó - để hồn thơ lãng mạn được dựng xây trên bề diện của hiện thực nhân sinh vốn nhân bản và rất mỹ quan...
Biển và em” với lời thơ giản dị, chân thành, chân chất được thẩm lọc và “phả” hồn qua cái tình thi sĩ. Chính những điều giản dị, chân thành ấy là dòng chảy thanh trong  dồi dào, tràn đầy nhựa sống cho thơ phát triển. Bởi đơn giản, vẻ đẹp của tình người sắc son bao giời cũng luôn thơm thảo, ngát hương... "mây sẽ bay về trời” còn sóng biển mãi hôn bờ thiết tha, như tình ca tha thiết của nhân vật trữ tình trong tập thơ “Biển và em” của Phạm Hồng Soi mãi dạt dào vút cao, nó vừa vô tận rộng dài, vừa hữu hình gần gũi, để đích cuối truyền tải thông điệp tình đã xuất sắc khi “một mũi tên bắn trúng hai đích”. "Biển và em", biển thì mênh mông rộng lớn, sâu thẳm hàm dụ sức mạnh, thách thức, và muôn vàn mê lực ẩn tìm... còn em đằm thắm, kín đáo, nồng nàn, và men say..."ngã" vào đâu cũng ấm nồng ân tình, nhưng cái "khôn" và rất khéo của nhân vật trữ tình đã "vơ" hết cho mình, của chỉ riêng mình khi đặt "đòn cân" giữa biển và em là một "dấu cộng", chính xác “bóng” của “dấu cộng” nói theo ngôn ngữ viết tượng hình là chữ "và" nhuộm sắc... và ta thấy, dù “vùng vẫy”, hiên ngang ở trời biển rộng lớn hay hãn hữu, gần gũi hậu phương thì nhân vật trữ tình, “cánh Hải Âu” đó không hề cô đơn mà luôn được giang tay và tin yêu... Đây là dụ ý mong muốn và tự khẳng định bao chùm “khít đóng” toàn bộ tập thơ, nó là “vía”, là “hồn” của tập thơ, chính vì vậy tập thơ có tiêu đề súc tích, cô đọng ẩn ý, hàm nội là “Biển và em”!.
Hà Nội, tháng 6 năm 2019
Nguyễn Thanh Huyền
Theo https://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...