Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Chốn cũ người xưa

Chốn cũ người xưa
Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện này từ đâu, để nói về một thời đã qua và những người mà tôi đã gặp. Dẫu vậy, dù thời gian có xa cách bao nhiêu, thì những người mà tôi đã gặp ấy, cùng những câu chuyện về họ, tôi đã nghe, đã thấy, thì có lẽ không bao giờ tôi quên được.
Trước hết, xin được nhắc lại một sự kiện xảy ra ở Vĩnh Linh cách đây 52 năm trước. Ấy là vào năm 1967, năm mà giặc Mỹ leo thang đánh phá Vĩnh Linh với một cường độ ác liệt chưa từng có. Trước tình hình đó, đồng bào Vĩnh Linh đã phải sơ tán ra các tỉnh phía bắc để tránh sự hủy diệt của bom đạn Mỹ. Kế hoạch sơ tán được chia làm hai đợt. Đợt một bao gồm tất cả học sinh các cấp sẽ sơ tán ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được gọi là “học sinh K8”. Đợt hai bao gồm người già, phụ nữ và trẻ em chưa đến tuổi đi học, sẽ tản cư ra Nghệ An, được gọi chung là “đồng bào K10”. Có thể nói, đây là cuộc di dân lớn nhất diễn ra chưa từng có nơi mảnh đất này.
Học sinh K8 trong những năm xa quê, đã được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân các tỉnh phía bắc. Và đây chính là khởi đầu cho nhiều câu chuyện cảm động, đầy ắp tình người xảy ra sau này…
Tôi nhớ vào khoảng tháng Ba hay tháng Tư gì đó năm 2003, Tổng cục Chính trị Quân đội có mở một Trại sáng tác văn học tại Cửa Tùng. Thành viên tham dự trại viết có đủ các thành phần trong và ngoài quân đội. Ban đầu, trại viên chẳng ai biết ai, nhưng khi giới thiệu bút danh, tên tuổi, thì phần đông mọi người ồ lên vui vẻ nhận ra nhau, vì ít nhiều đã từng đọc tác phẩm của nhau trên các báo, tạp chí. Có một người ở tận Lào Cao vào dự trại viết, đó là nhà văn Đoàn Hữu Nam. Anh có dáng người cao ráo, trắng trẻo, vẻ thư sinh. Qua giới thiệu, tôi được biết anh hiện đang làm Trưởng ban Biên tập Tạp chí Phansipan của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai...
Ngay hôm đầu tiên đến Cửa Tùng, Đoàn Hữu Nam đã tâm sự với tôi rằng, anh rất yêu Vĩnh Linh, dù là lần đầu đến đây, nhưng hai tiếng Vĩnh Linh đối với anh đã từ lâu trở nên rất đỗi thân thiết và quen thuộc. Tôi nhận ra trong giọng nói của anh có một cái gì đó rất thật, rất tình cảm. Rồi anh kể, quê anh ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thời chiến tranh có rất nhiều học sinh từ Vĩnh Linh sơ tán ra sinh sống, học tập. Gia đình anh cũng nhận đỡ đầu một cậu bé 10 tuổi, tên là Nguyễn Văn Bình. Bình sống với gia đình anh từ năm 1967 đến năm 1973, khi ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bình mới trở về quê hương. Bố mẹ anh ngày ấy rất thương Bình, coi Bình như con đẻ. Còn Nam, cùng tuổi với Bình nên cũng xem Bình như anh em ruột thịt.
Đất nước thời chiến tranh trăm bề khó khăn. Mọi gia đình đều túng thiếu. Thiếu từ cái ăn, cái mặc, đến cả cuốn vở, cái bút, lọ mực… của con trẻ đến trường. Học sinh K8 thời ấy, mọi điều kiện sinh sống, học tập, dù được Chính phủ chăm lo, vẫn phải dựa vào nhân dân là chính. Thấy các cháu còn quá nhỏ đã phải xa cha mẹ, người thân, đi sơ tán, nên ai cũng thương. Họ đã cưu mang, đùm bọc, chăm sóc cho các cháu như con cái trong nhà. Gia đình Nam rất nghèo. Bố mẹ anh làm nông, quanh năm đầu tắt mặt tối, nuôi bốn người con ăn học, thêm Bình nữa là năm. Cái ăn đã khó, cái mặc còn khó hơn. Áo quần, vải vóc ngày ấy rất hiếm, muốn mua được mảnh vải phải có tem phiếu. Nam đi học cũng chỉ có một chiếc áo sơ mi lành lặn. Đi học về lỡ không may bị mưa ướt, phải nhanh nhanh thay ra kịp giặt phơi khô để ngày mai mặc lại đi học. Áo Nam mặc chật, thì nhường lại cho các em. Đôi khi Nam và Bình còn mặc chung áo quần của nhau. Khổ nhất là vào mùa đông, chăn không đủ ấm, phải dùng rơm khô rải xuống bên dưới chiếu. Nam và Bình đã có “sáng kiến” lấy những chiếc bao tải được dệt bằng sợi đay, khoét thủng đáy, để khi ngủ luồn cả người vào bao, cuộn tròn lại cho đỡ lạnh. Cuộc sống khó khăn nhường vậy, nhưng gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Ngày ấy, bố Nam đi dân công lau súng cho bộ đội, có xin được mấy chiếc áo bộ đội cũ về cho các con. Những chiếc áo ấy là dẻ lau súng, thu lại của các anh bộ đội vào miền Nam chiến đấu, để phát quân phục mới. Hầu hết những chiếc áo đều bị rách ở phần lưng, hoặc vai, được bố mẹ anh chong đèn suốt đêm, khâu lại cho các con mặc thêm về mùa đông cho đỡ lạnh. Bình cũng được bố anh cho một chiếc áo như thế. Có một chi tiết Nam không thể quên, ấy là chiếc áo của Bình khi khâu chỗ bị rách, hiện rõ sau lưng một miếng vá to, có dáng dấp hình khẩu súng lục, khiến Bình rất thích. Bình đã mặc chiếc áo ấy suốt mấy mùa đông của những năm sơ tán.
Nam và Bình đã sống với nhau, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn cùng nhau, trong từng ấy năm trời. Từ ngày Bình chia tay trở về quê hương, tính đến nay đã 36 năm, chưa một lần gặp lại. Không một phong thư, không một tin tức. Không biết Bình nay ra sao? Khi biết Nam nhận được giấy mời vào Vĩnh Linh dự trại sáng tác văn học, bố anh vui lắm! Mấy ngày liền ông cụ cứ nhắc đến Bình mãi. “Hồi nó ra đây sống với nhà mình còn bé tý, người gầy gò, nước da đen nhẻm, thấy mà thương”. Rồi lại: “Ngày ấy tuy bé nhưng nó rất ngoan và chăm học, lại tranh thủ những ngày nghỉ học giúp nhà ta đi chăn trâu, cắt cỏ…”. Trước ngày Nam chuẩn bị ra đi, anh thấy bố anh trằn trọc cả đêm không ngủ, sáng ra ông cụ dặn đi dặn lại, như sợ anh không nhớ: “Con vào trong ấy cố tìm cho được thằng Bình xem nó thế nào. Phải tìm cho được nó, rồi bảo nó về ngoài này chơi…”. Bố anh dặn thế, âu cũng là nguyện vọng tha thiết của ông cụ, Nam không thể không thực hiện.
Câu chuyện của Nam về người học sinh K8 năm xưa thế nào lại đến tai ông Dương Cận, lúc ấy là Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Linh, thay mặt lãnh đạo huyện đến dự khai mạc trại viết. Cuối buổi chiều hôm ấy, ông Dương Cận trực tiếp gặp Nam và bảo: “Tôi có nghe câu chuyện của anh, nếu anh muốn tìm lại người học sinh K8 ấy thì tôi sẽ cử người cho ôtô xuống tại đây đưa anh đi”. Ban đầu nghe ông Bí thư Huyện ủy nói vậy, Nam rất mừng và đã cảm ơn ông. Nhưng rồi suy nghĩ lại, anh thấy đây là việc riêng, không nên làm phiền đến huyện, nên anh đã lựa lời từ chối. Trại viết diễn ra được chừng một tuần thì Nam rủ tôi cùng đi tìm Bình với anh. Vì cũng là học sinh K8, thấu hiểu được tình cảm của Nam, nên tôi vui vẻ đồng ý ngay.
Gần một ngày rong ruổi bằng xe máy đi qua rất nhiều xã, từ Vĩnh Hòa, lên Vĩnh Nam, về Vĩnh Chấp… chúng tôi vẫn không tìm được Bình. Cái khó là vì Nam không biết cụ thể Bình hiện sinh sống ở đâu. Thôn không biết đã đành. Đến xã cũng không biết nốt. Vĩnh Linh có đến hơn 20 xã, xã nào ngày ấy cũng có học sinh đi sơ tán ra các tỉnh phía bắc, vậy phải tìm thế nào đây? Đến lúc chán nản định quay về thì Nam sực nhớ ra ngày ấy có lần Bình nói với Nam rằng, nhà Bình ở gần sông Bến Hải, con sông chia cắt hai miền Nam - Bắc. Bình còn nói rằng, ngày ấy đứng ở bên này bờ bắc đã có thể nhìn thấy lính tráng, xe cộ của địch đi lại bên phía bờ nam. Chi tiết nhỏ ấy giúp tôi khẳng định, nơi ấy chắc chắn chỉ có thể là xã Vĩnh Sơn. Tôi và Nam tiếp tục lên Vĩnh Sơn, đi hầu hết các thôn dọc bờ sông Bến Hải, hỏi người này người kia, quả nhiên đây chính là quê Bình. Nhưng tiếc là Bình đã không còn ở làng cũ nữa, mà đã đi xây dựng vùng kinh tế mới Dục Đức, ở phía tây huyện. Nghe một người họ hàng với Bình kể, Bình hiện là thương binh, đã có thời gian làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, sau đó tình nguyện đưa vợ con đi xây dựng vùng kinh tế mới. Chúng tôi thở phào quên hết mọi mệt nhọc.
Đường lên vùng kinh tế mới Dục Đức ngày ấy chỉ là những lối mòn, nhiều khe suối, đèo dốc, có chỗ xe máy không đi được, phải xuống xe dắt bộ. Nhưng niềm vui đổi lại là chiều ấy chúng tôi đã tìm được đến nhà Bình. Dù đã 16 năm trôi qua, tôi vẫn không sao quên được phút giây gặp gỡ giữa Nam và Bình vào buổi chiều hôm ấy. Một cuộc gặp sau ba mươi sáu năm xa cách. Hồi ấy cả Nam và Bình mới lên chín, lên mười, nay họ gặp lại nhau, tóc ai cũng đã điểm bạc. Họ ôm lấy nhau, tay bắt mặt mừng, cười đấy, nói đấy, nhưng mắt ai cũng rưng rưng lệ.
Trong bữa cơm thân mật, Nam và Bình kể với nhau đủ chuyện, nhưng có lẽ nhiều nhất là chuyện về quê hương, gia đình. Bình rất xúc động khi biết bố mẹ nuôi vẫn khỏe, giờ không còn ở quê cũ Hà Nam, mà đã lên thành phố Lào Cai, nơi con trai công tác, sống cùng Nam, để tiện cho việc chăm sóc. Bình nói với bố mẹ nuôi qua máy ghi âm của Nam: “Bố mẹ ơi, con là Bình K8 ngày xưa của bố mẹ đây. Con rất vui vì Nam đã vào tận đây tìm con. Chúng con đã gặp lại nhau. Rồi con sẽ ra thăm bố mẹ và gia đình ta. Con chúc bố mẹ và các em sức khỏe!”. Tiếng Bình nghẹn lại giữa chừng. Rồi như bỗng nhớ ra điều gì, Bình đi vào buồng trong, một lúc anh đi ra, tay xách theo một chiếc cặp. Từ trong chiếc cặp ấy, Bình lấy ra một chiếc áo bộ đội. Cả tôi và Nam cùng hướng mắt về phía ấy. Bình dở tung chiếc áo ấy ra. Tôi nhận thấy chiếc áo bộ đội tuy cũ, nhưng vẫn còn nguyên màu xanh, đặc biệt phía sau lưng áo có một miếng vá mang hình khẩu súng lục. Không nói ra, nhưng tôi cũng đoán biết đó là chiếc áo bộ đội mà bố mẹ nuôi đã tặng cho Bình mấy mươi năm trước. Chiếc áo quân phục ấy, không ai có thể ngờ được là Bình còn giữ đến hôm nay. Bình nâng chiếc áo trên tay, nói tiếp vào máy ghi âm: “Bố mẹ ơi, chiếc áo bố mẹ cho con ngày ấy, con vẫn còn giữ. Mai kia ra thăm bố mẹ, con sẽ mang theo chiếc áo này ra. Chắc khi nhận ra chiếc áo này bố mẹ cũng sẽ cảm động lắm!”. Chiếc áo quân phục mới hôm nào được nghe Nam kể, giờ tận mắt nhìn thấy, là câu chuyện có thật, diễn ra ngay trước mắt tôi, vậy mà tôi vẫn ngỡ như trong mơ, vẫn ngỡ như ai đó tưởng tượng ra, thêu dệt nên. Tôi tiếc ngày ấy, mình đã không có chiếc máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc này.
Nam và Bình gặp nhau khiến tôi liên tưởng đến những cuộc hội ngộ, trùng phùng khác. Có cả những cuộc hội ngộ giữa học sinh K8 trước đây với… người xưa để rồi từ đó nảy nở tình yêu đôi lứa sau này. Hôm ấy tôi đã kể cho Nam và Bình nghe về một tình yêu đã đơm hoa kết trái trong một hoàn cảnh như thế. Đó là chuyện vợ chồng Thu, Thảo ở xã Vĩnh Giang. Thu là học sinh K8, còn Thảo là con gái bà chủ nhà, người đã nuôi Thu khi anh sơ tán ra Hà Nam. Năm ấy, cả Thu và Thảo mới chỉ 8 tuổi tròn. Cô cậu này ở chung với nhau một nhà, học chung với nhau một lớp. Họ đã sống với nhau như thế trong nhiều năm, cho đến khi Thu trở về quê hương. Họ không còn liên lạc với nhau từ đó. Lớn lên, Thu vào bộ đội. Cô bạn “chung một nhà” thuở ấu thơ của anh cũng nhập ngũ sau anh vài năm. Thế rồi mười năm sau, vào năm 1983, họ tình cờ gặp lại nhau trong một lần cả hai cùng đợi tàu từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc. Từ đó là những lá thư họ gửi cho nhau. Tình yêu của họ bắt đầu được nhen lên từ những lá thư ấy. Ba năm sau, Thu lần đầu một mình ra Bắc, tìm về chốn cũ người xưa, vừa để thăm bố mẹ Thảo, là người đã cưu mang anh từ bé, vừa để gặp người con gái mà anh hẹn hò. Mới bước vào cửa, mẹ Thảo đã chửi yêu: “Cha bố anh, anh hẹn với con gái tôi bao nhiêu lần, lần này anh không ra ngoài này, tôi sẽ vào Vĩnh Linh tôi chửi cho mà xem…”. Bây giờ thì vợ chồng Thu, Thảo đã yên bề gia thất, các con của họ cũng đã lớn, có gia đình, mỗi đứa một việc. Nhớ lại ngày còn trẻ, mỗi lần đưa các con ra thăm quê ngoại, khi nhắc đến mối nhân duyên giữa Thu và Thảo, mọi người lại cười bảo: “Chúng nó yêu nhau từ bé, khi còn ở với nhau một nhà!”.
Bà Nguyễn Thị Doan, hồi còn đảm đương chức vụ Phó Chủ tịch nước, vào năm 2013, đã có chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị. Khi đến thăm và tặng quà cho người dân địa phương bị thiệt hại do bão gây ra ở huyện Vĩnh Linh, bà đã hỏi thăm về hai học sinh K8 từng ở với gia đình bà thời chiến tranh. Bà kể, những năm học sinh Vĩnh Linh sơ tán ra Hà Nam sinh sống, học tập, thì bà đang học Đại học ở Hà Nội. Thỉnh thoảng vài ba tháng, bà mới có dịp về thăm quê một lần. Về vài ba ngày bà lại phải trở ra Hà Nội ngay, không ở nhà được lâu. Bà nhớ ngày ấy có hai học sinh là chị em ruột, đứa chị chừng 11, 12 tuổi, đứa em khoảng lên 9 lên 10, sống với mẹ và em trai bà ở quê nhà, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân. Vì đã hơn 45 năm, lại không ở cùng các em, nên tên của hai chị em, bà cũng chỉ nhớ mang máng cô chị tên Hương và thằng em tên Thủy. Bà bảo, hai chị em còn bé nhưng rất ngoan và chăm học. Cô chị là học sinh giỏi cấp II nhiều năm. Năm 1973, học xong Đại học, bà ở lại Hà Nội, công tác luôn ngoài ấy nên càng ít biết về các em. Bà cũng không rõ các em ở xã nào trong huyện. Bà muốn gặp lại các em, để biết xem các em bây giờ ra sao. Những người có mặt hôm ấy nghe chuyện cũng không ai biết hai chị em Hương và Thủy thuộc xã nào ở Vĩnh Linh. Bây giờ họ ở đâu, còn sinh sống ở quê, hay phiêu bạt làm ăn phương nào? Có thể, ở đâu đó, hai chị em họ chưa hay biết gì về chuyện này, và họ cũng chưa có may mắn gặp lại bà Nguyễn Thị Doan. Nhưng tôi vẫn hằng tin, nhất định một ngày nào đó, Hương và Thủy sẽ thăm lại nơi mình từng sống và gặp lại những người rất đỗi thân thương của họ.
Nửa thế kỷ trôi qua. Những học sinh K8 ngày ấy, nay đã thành ông thành bà, nhiều người thành đạt, có địa vị trong xã hội, nhưng cũng có người vẫn phải bươn chải mưu sinh kiếm sống hàng ngày. Nhưng, dù là ai đi chăng nữa, thì họ, những học sinh K8 ngày ấy vẫn không thể quên nơi một thời tuổi thơ gắn bó. Họ gọi những nơi ấy là quê hương thứ hai. Tôi được biết, mấy chục năm nay, hầu như năm nào cũng có người ra thăm quê hương thứ hai của mình. Những chuyến đi ấy thật xiết bao cảm động. Họ gặp lại thầy cô, bạn bè một thuở hàn vi khốn khó. Thăm lại trường xưa lớp cũ mà mình từng học. Tìm lại mái đình, cây đa, bến nước, dòng sông của làng quê yêu dấu. Rồi mái nhà xưa, với cái bậu cửa, chiếc mành mành tre treo phía trước, cái bể đựng nước mưa ở góc sân… dù có thay đổi, vẫn lưu lại hình dáng cũ của những năm tháng xa xưa đầy  kỷ niệm. Và hơn tất cả là được sống lại cái tình cảm thân thương, gần gũi, của những người đã từng cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, nuôi mình lớn lên.
Gần đây, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh; Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong huyện cũng đã cử đoàn ra thăm, cảm ơn, ủng hộ quỹ khuyến học cho những địa phương từng nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu K8. Nhiều huyện, xã ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Hà Bắc… trong những ngày lễ cũng cử đoàn đại biểu vào chia vui với Vĩnh Linh. Tình cảm giữa hai bên vì thế mà ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết hơn bao giờ hết.
Trở lại câu chuyện giữa Nam và Bình. Hồi đầu tháng Tư năm nay, nhân chuyến vào Đồng Hới dự Trại sáng tác Văn học về đề tài an ninh do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, Nam gọi cho tôi, và hẹn với tôi là anh sẽ vào Vĩnh Linh, rồi cùng tôi lên Dục Đức, thăm Bình. Tất nhiên tôi rất vui và đồng ý ngay. Vì dẫu sao thì cũng đã mười mấy năm rồi, tôi và anh chưa gặp lại nhau. Với Bình cũng vậy, dù anh ở ngay trong huyện, nhưng từ dạo ấy đến nay, tôi cũng chưa gặp lại anh lần nào. Vậy là, một phần mong gặp lại Nam, một phần mong gặp lại Bình, nên lòng dạ tôi cũng nôn nao, thấp tha thấp thỏm. 
Khác với lần gặp ban đầu, Đoàn Hữu Nam bây giờ đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đã có một số lượng tác phẩm đáng kể. Ngoài hơn 10 tập truyện ngắn, thơ, trường ca, và 5 cuốn tiểu thuyết, trong đó tiểu thuyết Thổ phỉ đã mang lại cho anh giải thưởng cao nhất của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam… Câu chuyện giữa anh và Bình, sau chuyến vào Vĩnh Linh ngày ấy, trở ra Lào Cai, anh đã có ngay tiểu thuyết Một thời như thế để nói về học sinh K8 thời bấy giờ. Cuốn tiểu thuyết đã được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2017. Nhân vật chính của tiểu thuyết không ai khác mà là Bình, được anh lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật của mình.
Còn Bình, nay cũng rất khác so với hồi tôi gặp lần đầu. Bình khoe với tôi, các con anh nay đã xây dựng gia đình, mỗi đứa đều có cuộc sống riêng và công việc làm ăn ổn định. Vợ chồng anh túc tắc làm nông nghiệp, cấy lúa, trồng tiêu, trồng cao su, và cả cây lâm nghiệp. Anh bảo, vùng kinh tế mới không gì thuận lợi bằng đất đai rộng rãi, tha hồ sản xuất, chăn nuôi. Vì thế mà anh có tới 2 hécta cao su, 3 hécta cây lâm nghiệp, 7 sào ruộng lúa. Mỗi năm sản phẩm nông nghiệp mang lại cho gia đình anh nguồn lợi không nhỏ. Căn nhà tạm xưa của anh nay được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố. Phong cảnh nơi vùng quê bán sơn địa này, non nước hữu tình, thật đẹp. Bình khoe với tôi, vợ chồng anh đã bốn lần ra Lào Cai thăm bố mẹ nuôi. Mỗi lần gặp là các cụ lại rỉ rả hàng giờ ngồi ôn chuyện xưa. Rồi mỗi khi chia tay ra về, bao giờ bà cụ cũng lấy khăn dụi mắt và bảo: “Nhớ ra ngoài này luôn luôn các con nhé! Mẹ già rồi, chẳng đi đâu được…”. Lần gần đây nhất là khi anh nhận được tin mẹ nuôi mất. Vợ chồng anh tức tốc lên xe đi cả đêm mà cũng không kịp nhìn thấy mặt bà cụ lần cuối. Khi anh ra tới nơi thì mọi việc đã đâu vào đó, anh chỉ còn biết nhìn di ảnh mẹ nuôi và khóc…
Tìm về chốn cũ người xưa là tìm lại một thời tuổi thơ đong đầy kỷ niệm. Với họ, các anh các chị học sinh K8 ngày ấy, có lẽ những ngày đã qua là những ngày đẹp hơn tất cả. Và tình đất, tình người, qua đó được soi sáng, càng trở nên đẹp đẽ biết bao. Họ là những người rất đỗi bình thường mà tôi đã gặp, nhưng cùng để lại trong tôi dấu ấn khó phai. Chuyện về họ là những câu chuyện chân thật, có thể nghe đấy rồi quên đấy, nhưng với những người như Nam, như Bình, như vợ chồng Thu - Thảo, thì chốn cũ người xưa và những kỷ niệm khó phai ấy, tôi tin sẽ đồng hành cùng họ trong suốt cuộc đời.
Vĩnh Linh, tháng 5.2019
Nguyễn Ngọc Chiến
Nguồn: Văn nghệ số 34/2019
Theo http://baovannghe.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...