Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế
I. Những trái cây trác tuyệt tiến cung
Cố đô Huế còn mệnh danh là "thành phố xanh". Ngoài những cung điện, lăng tẩm, đền đài, màu xanh cây cối cũng là bộ phận di sản hàm chứa biết bao câu chuyện đặc biệt thú vị, độc đáo chẳng nơi nào có.
Con đường trước điện Phụng Tiên trong 
hoàng cung rợp bóng nhãn - Ảnh: Thái Lộc
Chùa có hàng chục cây mọc quanh núi, lưu truyền trồng thời vua Minh Mạng. Năm ni xoài rất trúng, tiếc là vừa hết từ tháng trước rồi.
Sư Thích Minh Chính
Du khách đến Huế sẽ có cảm giác trầm mặc mà nhẹ nhàng, dịu mát khi lạc bước dưới các tán xanh cổ thụ này...
Những chùm nhãn lồng Đại nội tuyệt ngon, những trái xoài tiến cung thơm lừng. Chúng đều từ những trân phẩm tiến cung ngày xưa đến từ Nam, Bắc nay còn cho trái mê mẩn lòng người.
Nhãn lồng tuyệt hảo
Liên hệ trong sự bất ngờ, anh Lê Trung Hiếu, trưởng phòng cảnh quan Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nói: "Đang hái nhãn lồng Đại nội, anh cần sẽ biếu để xem nhãn tiến cung xưa đặc biệt thế nào".
Những chùm nhãn được hái trong cung ấy, trái nhỏ tròn đều, thớ cơm không dày lắm, có độ ướt vừa phải, mà vị ngọt thanh, hương thơm tỏa lan tuyệt hảo, khác hẳn những loại nhãn bán nhiều ngoài thị trường. 
Chúng tôi chia phần đem biếu những người thân quen, ai cũng khen nức. Anh Hiếu cho biết số nhãn hái từ những cây lớn ven đường giữa Tử Cấm thành cạnh cung Diên Thọ và ven đường trước điện Phụng Tiên, nguồn giống có thể từ nhãn tiến cung xưa.
Nhãn lồng Đại nội nức tiếng từ lâu, nằm trong số ba loại danh quả trác tuyệt của Đại nội đi vào ca dao: "Vải trạng cung Diên/Nhãn lồng Phụng Tiên/ Đào tiên Thế miếu". 
Thật tiếc cổ thụ nhãn trong điện Phụng Tiên đã hết mùa, hẹn dịp sau được nếm. Nhãn hiện chiếm số lượng nhiều nhất trong các loài cây ở hoàng cung, rợp bóng các con đường, các sân cung, góc miếu. Dường như ít được chăm bón nên trái nhỏ và ít, nhưng có lẽ chính vì vậy nó lại ngon đặc biệt.
Vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, gần cửa Thượng Tứ (Đông Nam) trong kinh thành được giới thiệu bán nhãn Đại nội. Hôm tôi ghé, chị bán hàng giới thiệu chỉ còn ít nhãn Đại nội, còn lại phần lớn là nhãn hái ở khu Lục bộ (các bộ của triều xưa). 
"Nhãn Lục bộ cũng ngon kém chi nhãn Đại nội, thì cũng trong cung ra cả mà" - người bán lột một trái nhỏ mời dùng thử và quả quyết.
Quanh khu vực những cơ quan đầu não triều xưa như viện Cơ Mật, Tôn Nhơn phủ, Khâm Thiên giám và các bộ, nhãn mọc thành hàng rợp bóng các đường phố, che phủ nhiều công trình... Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, nhãn xưa của Huế chủ yếu từ nhãn quý Hưng Yên tiến vào. 
Riêng việc trồng nhãn đường phố ở khu Lục bộ là có chủ trương, được tổ chức trồng bài bản, nằm trong tâm thế của người Việt Nam, những trái cây ngon ngọt tiến cung thường được vua san sẻ, chia cho các phủ hoàng thân, hoàng tử, công chúa và quan viên ở kinh đô.
Cây xoài ở vườn ngự Thiệu Phương 
trong Tử Cấm thành Huế - Ảnh: Thái Lộc
"Xoài nội" ăn vô nhớ đời
Ở Huế, nằm trong số trái cây thơm ngon nức tiếng khác chính là xoài. Tôi tới chùa Thánh Duyên, hỏi thăm thượng tọa trụ trì Thích Minh Chính về xoài ngự danh tiếng phía sau chùa còn trái không. 
Chùa Thánh Duyên nằm trên núi Túy (Thúy) Vân nổi lên trên dải cát giữa biển và đầm phá, cách Huế chừng 40 cây số vốn là quốc tự rất nổi tiếng, được xếp vào thắng cảnh đất Thần kinh thời Nguyễn.
Sư Minh Chính tỏ ý tiếc không chia sẻ được với người quan tâm như tôi về loại trái ngon đặc biệt của chùa, vì đã hết mùa. Nhà sư bày tỏ: "Chùa có hàng chục cây mọc quanh núi, lưu truyền trồng thời vua Minh Mạng. Năm ni xoài rất trúng, tiếc là vừa hết từ tháng trước rồi". 
Nhà sư cho biết thêm xoài tượng ở chùa có lẽ quá lâu năm, lão hóa, nên cách vài năm mới có mùa sai trái. Xoài ở đây có 2 giống: trái to và trái nhỏ khá tròn. Dù cơm mỏng, song điều đặc biệt là "hương và vị tuyệt thơm ngon, thử ăn mới biết chứ không diễn tả hết được".
Hai giống xoài tương tự ở ngôi quốc tự kể trên có rất nhiều cổ thụ tại quần thể di tích Huế, nằm rải rác trong hoàng cung, trong Tử Cấm thành, các cung miếu, vườn Cơ Hạ và lăng Gia Long... 
Một cán bộ quản lý di tích tỏ ý tiếc nuối, bảo "sao không nói sớm hơn để được nếm "xoài (đại) nội" trác tuyệt?". Vị này bảo loại trái nhỏ ngon nổi tiếng nhất vẫn là cây ở hồ Tịnh Tâm. Còn trái to ngon nhất vẫn là cây ở Thế miếu và Thái miếu.
Tại hồ Tịnh Tâm, một cây xoài to lớn xanh tốt nằm trên đảo Phương Trượng ngay cạnh mặt nước. Người gác di tích Tịnh Tâm cho biết năm nay xoài rất được mùa và trái chín khá sớm, ngay từ đầu năm. "Xoài ni trái nhỏ thôi, khá tròn, cơm cũng không dày lắm nhưng vị ngọt vừa, rất thanh và rất thơm, ăn vô nhớ đời. Đúng là "xoài (đại) nội" đẳng cấp thiệt" - người này khoe...
Hầu hết xoài cổ thụ ở di tích Huế đều là giống quý có gốc gác từ tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Đặc biệt hơn cả là giống xoài xuất xứ khu vực chùa Đá Trắng (Tuy An, Phú Yên) nhiều lần theo lệ dâng tiến về kinh. Sử ghi thời Thiệu Trị cuối năm 1842, quan tỉnh Phú Yên là Lê Quốc Trinh và Nguyễn Văn Lý về kinh dâng xoài được vua khen nức. 
Vua nói: "Đào tiên dâng tuổi thọ, là thứ quả ứng điềm tốt! Xưa nay các thứ quả ở Bắc kỳ, cho vải là thứ nhất, nhãn là thứ nhì; đến như xoài thì hình trạng giống quả đào, vị nó ngọt và thơm, vải và nhãn không thể sánh kịp. Ngày khánh tiết, được thứ quả quý này cũng là ít có!". Vua tự tay dâng lên bà nội, nhận sự bằng lòng kèm nhiều lời trầm trồ.
Ngày xưa vật phẩm cung tiến
Triều Nguyễn quy định các địa phương tiến cung phẩm vật phục vụ tế lễ và sử dụng trong cung: "Các quan địa phương chính tay lựa chọn lấy những thứ ngon tốt, xếp vào sọt gánh, ngoài niêm phong đánh dấu theo phép, giao trạm phái đệ đi, trước hẹn 1, 2 ngày đã đến kinh do bộ (Lễ) chuyển giao cho thị vệ chiểu nhận, hội đồng dâng lên. Năm nào khí hậu thời tiết đến muộn khác nhau sẽ tư lên bộ trả lời sẽ tuân làm".
Trong đó, tỉnh Hà Nội tiến vải; Ninh Bình và Nam Định tiến mắm rươi; Hải Dương và Thanh Hóa tiến cam đường; Cao Bằng tiến sa lê; Tuyên Quang tiến tuyết lê; Thừa Thiên tiến gạo mới và một số hoa quả; Vĩnh Long và Định Tường tiến dừa; Phú Yên tiến xoài; Bình Định tiến chanh; Quảng Nam tiến chanh và loòng boong; Quảng Bình tiến dưa hấu, bột hoàng tinh, thịt cửu khổng khô (con hàu), tương đậu và rượu dâu...
Ngoài cung tiến theo thời trân - sản vật quý từng mùa của mỗi địa phương, triều đình còn phân công các tỉnh chịu trách nhiệm thu mua các loại quả phẩm (kèm giá thành) nộp về kinh. Thời Minh Mạng định rõ: Gia Định mua long nhãn, vải, táo đỏ, táo đen, táo vàng, nho, cam tàu, mứt cam, mứt hồng. Hà Nội mua vải, bánh phục linh, bánh mì, mứt khoai, bánh cốm, cốm nếp. 
Thừa Thiên mua vải, táo đỏ, táo đen, táo vàng, long nhãn, nho, mứt hồng, quýt kim tiền, loòng boong. Cao Bằng và Tuyên Quang mua tuyết lê và sa lê. Thanh Hoa (Hóa) và Hải Dương mua cam đường. Quảng Bình mua dưa hấu. Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên mua chanh. Đến thời Tự Đức thì định thêm tỉnh Quảng Ngãi mua vải, táo đỏ, táo đen, long nhãn, nho, mứt hồng...
Nhân giống cây trái từ yến tiệc vua ban
"Những dịp yến tiệc đãi các quan, bao giờ cũng có trái cây từ sản vật cung tiến, trong đó có nhãn.
Được vinh dự ăn, họ giữ gìn hạt gieo ra, nhưng gieo với tính cách cá nhân thì không thành hình thành dạng, cho nên tổ chức gieo ra để phủ bóng các tuyến đường trong Lục bộ, như vậy là có chủ trương" - nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhận định.
Trái vải từ miền Bắc cung tiến về kinh đô Huế được gắn danh thơm "vải trạng" có hương vị thơm ngon khác lạ ngày nay còn truyền.
II. Danh thơm vải trạng
Trái vải từ miền Bắc cung tiến về kinh đô Huế được gắn danh thơm "vải trạng", có hương vị thơm ngon khác lạ ngày nay còn truyền.
Vườn từ đường thờ công chúa 
An Thường rợp bóng xanh - Ảnh: Thái Lộc
Nhà vua biệt ân, tự tay ban lộc là những trái vải quý cho các tân khoa. Những hạt vải được đem về gieo trồng, nảy mầm chăm bón tốt tươi, người ta gọi loài cây cho trái quý thơm ngon lạ thường là vải trạng từ đó.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn
"Chở củi về rừng"
Phủ An Thường công chúa nằm số 63 đường Nguyễn Công Trứ cạnh phố Tây tấp nập của Huế có chiếc cổng gỗ cổ xinh xắn, tuyệt đẹp, tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách. Lối dẫn vào ngôi từ đường bà chúa thứ tư của vua Minh Mạng này với hai hàng chè tàu thẳng tắp, mượt xanh, bên trên rất nhiều cổ thụ tỏa bóng mát rượi. 
Ở vườn sau, một cây vải trạng cổ thụ cao lớn, tỏa rợp cả khu vực hơn trăm mét vuông của khu vườn, được xem là "lộc" của bà chúa để lại, truyền đời cho con cháu.
Ông Phan Văn Triển, hậu duệ đời thứ 5 của phò mã Phan Văn Uýnh, cho biết tuổi vải hàng chục năm, có thể là "con cháu" cây vải được trồng từ thời bà chúa. Cây nay xanh tốt, nhưng biểu hiện lão hóa, sâu bọ làm mục ruỗng thân. Hướng về cây vải nhỏ cạnh bên, ông cho biết sợ mất giống quý, gia đình chiết cành trồng thêm cây mới, đến mùa cho trái thừa hưởng hương vị giống quý tuyệt ngon của cây mẹ.
"Không như những loại cây khác, cây vải ni ba năm mới có trái. Nhưng mỗi lần có là trĩu cả cây, năm vừa rồi cũng được mấy tạ. Trái to vừa, nhưng hột nhỏ, cơm dày, thơm và ngon dữ lắm. Tháng trước, vải miền Bắc đóng về đầy chợ, rứa mà thương lái đến thầu giá cao, hái trái xuất đi Hà Nội, kiểu như chở củi về rừng rứa đó" - ông Triển không giấu niềm vui dưới tán vải xanh.
Nguyên xưa khi kén phò mã rời cung, công chúa được triều đình cấp tiền sang khu đất ven sông Như Ý này lập phủ. Nơi ở ban đầu của bà chúa là ngôi nhà rường 9 gian rộng lớn hướng mặt ra sông; phía trước làm bến để thuyền di chuyển vào cung và đi lại khắp nơi. Sau khi nhà sập do cơn bão năm Thìn 1904, đến năm 1917 con cháu chỉ đủ sức dựng lại ngôi nhà 3 gian, và hướng mặt về phía đường bộ lúc ấy vừa mới mở (đường Nguyễn Công Trứ).
Lập hương án nhận lộc vua ban
Bà Nguyễn Thị Thúy Vi, tác giả sách Thuật ngữ kiến trúc truyền thống nhà rường Huế, tỏ ý tiếc nuối khi nhớ đến cây vải trạng suốt mấy chục năm tỏa bóng cho trái ngon tuyệt ở sân nhà. Bà Vi ở trên đường Đặng Thái Thân, sau lưng hoàng cung Huế, trong khuôn viên nhà ông nội xưa vốn là chưởng vệ của thị vệ hoàng cung Nguyễn Hữu Duyên. Cây vải xưa kia ông cụ gieo từ trái vải tiến cung vua ban.
"Chuyện ba tôi hay kể: thời ngài Bảo Đại, trong (Đại) nội sai người ra truyền vua sắp sửa ban lộc. Ông nội vội vàng chỉnh tề khăn áo, nghiêm cẩn soạn bày hương án. Một lúc sau, có vị thái giám bưng một cái tráp, hai bên có hai người cầm lọng che rất trịnh trọng. Tráp đặt lên hương án, ông nội quỳ lạy 5 lạy tạ ơn vua ban lộc, soạn chút tiền "kỉnh" các vị thái giám và lính tùy tòng. 
Quan lính đi rồi, ông nội kính cẩn đưa tráp vào nhà mở ra thì trong đó có... 2 trái vải trạng" - bà Thúy Vi kể. Sau khi hưởng lộc vua ban, hai hột vải được ông cụ ươm lên cây, đem trồng trước sân và sau vườn, cây được chăm bón tốt tươi rợp bóng cả khoảnh sân rộng. 
Trái của nó đến mùa nhiều và tuyệt ngon, nức lòng mọi người. Hai cây vải lộc vua ban sau mấy chục năm già cỗi, rỗng ruột kèm vài lý do khác, gia đình buộc phải đốn hạ trong sự tiếc nuối đến tận bây giờ.
Câu chuyện trên trong số hàng loạt những cây vải trạng đang rợp bóng trong các phủ đệ ông hoàng bà chúa, danh gia vọng tộc xuất xứ từ cung vua mà phủ An Thường công chúa trong số đó. Theo các nhà nghiên cứu, đến mùa vải tiến cung, triều đình dành dâng cúng trong các miếu điện và tôn lăng, một số để dùng và một phần ban cho con cháu, quan lại thân cận ngoài cung cùng hưởng.
Không chỉ tiến cung, ngay thời Minh Mạng, vải quý được trồng trái trĩu trong cung, trở thành nguồn giống cho nhiều vườn phủ bên ngoài. Sử chép năm 1840, vua ngự vườn Thiệu Phương, "cho triệu hoàng tử và các quan vào chầu; sai hái vải và pha trà cho uống, rồi làm một bài thơ, sai sao ra cấp cho mọi người để ghi việc vua tôi tương đắc". Cũng khu vườn này, tài liệu từ phủ Tùng Thiện vương ghi: "Vừng hồng chiếu lại, trên các nhánh lục, chĩu chít những quả đỏ ngang tay, mặc sức cho khách của vua ăn rồi còn đem hột về ương, có người bỏ luôn cả quả trong tay áo".
Ông Phan Văn Triển bên cây vải có nguồn gốc từ 
tiền nhân ở phủ An Thường công chúa - Ảnh: Thái Lộc
Danh thơm vải trạng
Vải được tiến cung từ sớm. Thời Gia Long năm 1805, vua đã truyền "Khiêm Hòa hầu Bộ Hộ được rõ: trình khâm sai Tổng trấn Bắc thành Bình Tây đại tướng quân biết để xuất quan tiền mua 4.200 trái vải để cung tiến cho lễ Hạ hưởng". Sau nhiều lần sai mua cung tiến, đến năm 1812 thì "Định lệ... Bắc thành (Hà Nội) hằng năm tiến cam ngọt 4.500 trái, vải 4.200 trái, để cúng các lễ nguyên đán và tế hưởng xuân, hạ, đông".
Đầu triều Minh Mạng 1820, phó tổng trấn Bắc thành có bản tâu: nhân lễ Hạ hưởng, xin chiếu lệ chọn mua 4.200 trái vải đựng vào 13 cái giỏ cung tiến. Vua ghi vào bản tâu: "Từ nay về sau hạn định là 10 giỏ". 
Năm 1825, việc tiến vải đối với Hà Nội được giảm xuống còn 2.000 trái. Lần quy định giá cả cho các địa phương mua các vật phẩm cung tiến năm 1836, số vải tươi giảm xuống còn 1.000 trái giá 3 quan, còn vải khô thì 1 cân 5 tiền. 
Khi xây dựng lầu Tĩnh Bắc ở hành cung Bắc thành, người xưa trồng vải và nhiều loại cây quý. Vải nằm trong 9 loài trái quý được vua cho khắc lên Cửu đỉnh biểu tượng vương triều...
Riêng danh xưng vải trạng cũng xuất phát từ cung vua thời Minh Mạng (trạng, tức là trạng nguyên; thời Nguyễn không ai đỗ trạng nguyên nên đây là lối ngoa dụ về những người đỗ đạt cao). 
Tháng 5 (âm lịch) 1838, vua ban ân cho các tân tiến sĩ dự ngự yến ở vườn ngự Thư Quang trong kinh thành. Theo sách Đại Nam thực lục: "Tiến sĩ mới lĩnh yến xong, trước hết đi xem vườn hoa của vua, lại cấp cho mỗi người một con ngựa thượng tứ, Bộ Lễ mặc phẩm phục dẫn đi trước, biền binh che lọng đi theo, từ cửa đông đi ra, đi khắp các đường phố xem hoa, người đi xem đứng như bức tường, tiến sĩ cưỡi ngựa xem hoa bắt đầu từ đấy".
Dịp này, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, có một chi tiết chính sử không ghi nhưng dân gian vẫn lưu truyền, chính là: "Nhà vua biệt ân, tự tay ban lộc là những trái vải quý cho các tân khoa. Những hạt vải được đem về gieo trồng, nảy mầm chăm bón tốt tươi, người ta gọi loài cây cho trái quý thơm ngon lạ thường là vải trạng từ đó".
Trong hồi ức của ông Phan Văn Triển thời còn nhỏ, mê mẩn nhất là đủ thứ cây trái cổ thụ tuyệt ngon trong vườn nhà, nhất là trái vải trạng này. Sau 1975, số bị bão quật, số phải đốn hạ nhường chỗ trồng khoai sắn, hoa màu, cây vải xưa may còn giữ nguyên.
Qua đoạn khó khăn, con cháu bắt đầu gầy dựng lại khu vườn. Vậy là quanh cây vải - lộc thơm của tiền nhân, giống bưởi đỏ ruột lẫn vỏ từ miền Bắc, những xoài, hồng xiêm, sa kê, vú sữa gốc gác phương Nam cùng những loại cây bản địa như hồng, nhãn, mãng cầu, dâu da, đào, mít tiếp tục được gầy dựng.
Vườn nay con cháu sống quanh khu từ đường tán vải rợp bóng, ríu rít chim muông, ăm ắp kỷ niệm tổ tiên ông bà.
Măng cụt được quan tổng trấn Gia Định tiến dâng về kinh, được Thánh tổ Minh Mạng sai trồng và ban tên giáng châu - ngọc trời ban xuống.
III. Giáng châu Gia Định
Măng cụt do quan tổng trấn Gia Định tiến dâng về kinh, được Thánh tổ Minh Mạng sai trồng và ban tên giáng châu - ngọc trời ban xuống cho hương vị tuyệt hảo ít đâu sánh bằng.
Cây măng cụt được truyền kể do Tả quân Lê Văn Duyệt 
trồng trong vườn Thường Lạc ở Huế - Ảnh: Thái Lộc
Ngày ương hột măng cụt, Tùng Thiện vương nhớ ngày trồng những cây tùng ở đàn Nam Giao mới viết câu: Cùng thông xin tự sánh/Gốc nhánh tốt muôn năm.
Tác giả Ưng Trình
Măng cụt trong vườn Tả tướng quân
Chúng tôi ghé Thường Lạc viên, phủ thờ Tả tướng quân Lê Văn Duyệt tại 20 đường Phú Mộng (phường Kim Long, TP Huế) theo lời giới thiệu về cây măng cụt "cổ thụ nhất Huế". Ngay sân trước khu từ đường cổ kính là một cây măng cụt cao chỉ hơn 10m nhưng phần gốc rất lớn. Ông Lê Chánh Tuấn cho biết cây do cụ tổ Lê Văn Duyệt trồng hơn 180 năm trước, khi xây dựng ngôi nhà.
Ông Tuấn là hậu duệ đời thứ 9 của cụ Lê Văn Yến, gọi Tả quân Lê Văn Duyệt là bác ruột, được nhận làm con nuôi nối dòng. Đầu thế kỷ 19, Tả quân được vua ban khu đất này lập nên vườn Thường Lạc, trồng rất nhiều măng cụt. Về sau, nhà cửa con cháu đông dần, số thì bị phá làm nhà, số tàn lụi do bão hay lão hóa, nay chỉ còn lại hai cây kỷ niệm của đức ông.
Măng cụt của Tả quân năng suất rất thấp, mỗi mùa chỉ vài chục trái. Mỗi ngày, vài trái chín rụng, người nhà rửa sạch, trước dâng tiên tổ, sau cấp cho con cháu trong gia đình. "Có lẽ cây lão quá nên trái rất ít, nhưng hương vị rất thơm và rất ngon không đâu sánh bằng. Nhiều người biết cây ni tuyệt ngon nên hay tới hỏi mua giá gấp mấy lần. Làm chi có mà bán" - ông Tuấn nói.
Vườn Thường Lạc nằm giữa khu nhà vườn Kim Long của Huế, cây trái nhiều tầng bậc, sum sê, vốn là khu vực của các quan đại thần triều Nguyễn ngày xưa. Ngay cạnh Thường Lạc viên là tiểu cung Xuân Viên của quan thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển cũng tỏa bóng nhiều cây măng cụt cổ thụ.
Cách đó không xa là khu vườn xưa của quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cùng nhiều vườn tược của các vị quan lớn... Danh tiếng nhất của vườn tược Kim Long vẫn là măng cụt, hầu hết đều giống trái nhỏ, nhưng hương thơm lẫn vị ngọt thanh khác lạ không đâu sánh bằng. Đến mùa măng cụt miền Nam hay Thái Lan nhập về đầy chợ, nhưng người sành ăn ở Huế vẫn bằng mọi cách tìm cho được măng cụt Kim Long với giá gấp đôi, gấp ba để vừa thưởng thức vừa gửi biếu phương xa.
Phủ Tùng Thiện vương, nơi thờ “ông tổ” 
trồng măng cụt ở Huế - Ảnh: Thái Lộc
Ông tổ nghề trồng
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi măng cụt đưa về kinh thời Minh Mạng, được vua ban tên giáng châu - ngọc quý trời ban. Tùng Thiện vương, hoàng tử thứ 10 vua Minh Mạng, được giới thiệu "ông tổ nghề" trồng măng cụt của Huế. 
Ghé thăm khu phủ nằm hướng ra sông An Cựu, ông Bửu Tộ, hậu duệ đời thứ 4 của vị thân vương, mở cổng mời thăm ngôi từ đường cổ kính nằm giữa nhiều cây cổ thụ, từ mai vàng, mít, nhãn, mận và vú sữa... 
Ông Bửu Tộ tỏ vẻ tiếc nuối vì vườn xưa cụ tổ không còn măng cụt, loài cây được ghi chép do chính cụ thừa lệnh vua cha ươm trồng.
Tác giả Ưng Trình chép chuyện ông cố nội mình: "Dân ở tỉnh Gia Định có người đem cá phát lác (thác lác), quả măng cụt ra dâng; đức Minh Mạng sắc cho ông Hoàng Mười ương hột vào ngự viên, nuôi cá vào ngự hà để gây giống cho dân dùng, vì hai thứ ấy hoàng đế cho là vưu vật. 
Ngày ương hột măng cụt, Tùng Thiện vương nhớ ngày trồng những cây tùng ở đàn Nam Giao mới viết câu: Cùng thông xin tự sánh/Gốc nhánh tốt muôn năm. Ngày nay cả hạt Thừa Thiên không thiếu gì hai thứ ấy".
Thiệt lạ, măng cụt được vua ban tên giáng châu, cho là vưu vật đất nước. Nhưng ông Lê Công Sơn, người từng nghiên cứu phục hồi cây xanh di tích Huế, không giấu băn khoăn: "Vườn tược Kim Long trồng rất nhiều, gần như vườn nào cũng có, nhưng trong hoàng cung không thấy măng cụt. Phải chăng người xưa kiêng kỵ điều gì chăng?". Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn bật cười khi liên tưởng sự dung tục từ cái tên măng cụt, ông nói: "Người xưa cũng nói lái dữ lắm. Có lẽ các vị tránh trồng trong cung vì nghĩ đến cách nói lái thành ra dung tục cái tên này!".
Kỳ hoa dị thảo
Vườn Ý Thảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong thành nội Huế là một nơi lý thú để thưởng ngoạn với hàng trăm loại "kỳ hoa dị thảo" quanh năm khoe sắc, tỏa hương. Ông mua vườn năm 1975, lúc ấy rợp kín hồng xiêm và nhiều loại cây trái. 
Ý tưởng biến thành khu vườn thưởng ngoạn vào năm 1990, sau khi người mẹ qua đời: "Sau khi mẹ mất, hễ ra vườn gặp gốc hồng xiêm hay gốc măng cụt là lòng nặng trĩu, cứ thấy gắn liền hình ảnh của mẹ. Buồn quá, hai vợ chồng bàn bạc thay đổi khu vườn. Hồi đó túng thiếu nên mượn mọc bạn bè cải tạo dần dần, khi thì đào hồ nước thả sen súng, đắp ụ trồng cỏ đặt mấy khóm hoa, khi thì bắc giàn phong lan rồi đi nhiều nơi tìm kiếm cỏ hoa, suốt mấy chục năm mới thành vườn như đang thấy".
Ban đầu, ông Hoa cũng trồng nhiều loại hoa thơm, hoa quý như hồng lai, hồng ghép, layơn, thược dược... Mấy loài hoa ấy đỏng đảnh, chăm sóc quá khổ nên ông chuyển sang chọn những cây bản địa, có thể là hoa dại ven các bụi bờ hoặc những loài ít ai trồng. Ông ưu tiên những loại chịu được nắng, được mưa lụt hay rét mướt dài ngày, có hương thơm lạ, hoa nở từng mùa hoặc quanh năm càng tốt.
Nay vườn nhà ông có đến hàng trăm loại cây rất nhiều tầng bậc, nở hoa khoe sắc và thoảng hương quanh năm. Tầng cao thì có ngô đồng, hoàng yến, ngọc lan, hoàng lan, tùng la hán, cọ hoa đỏ, trầm dó... Nép mình bên dưới là những bụi cây chuồn chuồn, bướm trắng, bướm hồng, chuỗi ngọc, ngưu tất, sim, muông... 
Độc đáo có cây khói lam chiều lúc nào cũng nở hoa màu như sương khói vươn từ kẽ đá; gần đó là bụi cây chuỗi ngọc trái vàng xen hoa li ti màu tím nhạt. Rồi những cây quân tử mai, râm, trang mẫu đơn hay dạ minh châu trắng muốt nở đầy. Nằm sát mặt đất là nhiều loại cỏ hoa li ti màu trắng nhạt, tươi vàng hay thâm thẫm tím...
Đứng giữa biết bao "kỳ hoa dị thảo", ông Hoa chia sẻ về một hiện tượng thú vị của Huế: sự đài các hóa tên cây. Nhiều loài phổ biến lẫn hoang dã, khi trồng ở Huế được khoác lên mình cái tên sang trọng, quý phái. 
Thể hiện rõ nhất thông qua hàng chục loại phong lan: vũ nữ được gọi quần phong hội, như đàn ong gặp nhau. Lan đai trâu/tai trâu thành nghinh xuân, nở đúng dịp đón xuân. Kiều đạm thanh thành hiến hạ. Quế lan hương thành giáng thu... "Điều thú vị, vẫn vóc dáng, hình thể cốt cách đó, không thay đổi gì nhưng đến Huế được khoác cho cái tên thật đài các, kiêu sa" - ông Hoa nói.
Đổi tên cho đỡ quê mùa
"Nước ta việc kiến trúc điện đường tàu thuyền, vật kiện không chỉ một hai thứ, từ trước đến nay vẫn gọi bằng tiếng Nôm. Vâng Hoàng thượng ta nhân việc đặt tên (chữ Hán), như lương tâm (lòng rường), thừa lưu (máng nước), long tu (râu rồng), long hiếp cốt (đòn nóc), cho đến nam mộc (gỗ kiền kiền), thiết mộc (gỗ lim), kiên thán (than đá), nam trân (quả loòng boong), theo ý đặt tên, đủ cho đương thời thông hành, ngày sau noi theo. Nay xin tóm lấy đại lược, rộng tìm chữ cũ, phụ lấy ý thường. Hoặc dùng lối hội ý, hoặc dùng lối hài thanh, phàm tên cũ các đồ vật có quê mùa thì đổi đi... Vua y lời tâu" - quyển 63, sách Đại Nam thực lục đời Minh Mạng.
Mỗi khu vườn trong "thành phố vườn" của Huế trồng đủ thứ hoa trái, rau màu, thuốc thang ứng với thói quen ăn uống, sở thích và nhu cầu thưởng ngoạn của chủ nhân.
24/8/2020
Thái Lộc
Theo https://tuoitre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...