Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đôi dòng cảm nhận tác phẩm “Sương mù thuở ấy” - Thơ Kiều Huệ

Đôi dòng cảm nhận tác phẩm 
"Sương mù thuở ấy" - Thơ Kiều Huệ
Tôi gặp gỡ nhà thơ nữ Kiều Huệ rất tình cờ, chị là hội viên Hội nhà văn TP.HCM, duyên dáng, cởi mở. Mà cái tình cờ nào cũng ẩn chứa những điều thú vị. Thú vị ở chổ chúng tôi như hai cánh cò từ đẩu từ đâu bay về đậu chung trong vườn thơ lục bát đầy sắc hương do nhà thơ Tâm An canh giữ, đúng một thời điểm. Giới thiệu đơn sơ vậy thôi các bạn nghe. Và rồi, bắt tay với nhà thơ là chắc chắn được rinh về nhà những món ăn tinh thần bổ dưỡng. SƯƠNG MÙ THUỞ ẤY là món “nem công chả phụng” mà tôi được thưởng thức. Đương nhiên, nhận lãnh không phải để chưng lên kệ sách, mà suốt đêm tôi ru tôi theo từng dòng tâm tư mà thi nhân kiều diễm ấy gởi gắm trong tác phẩm của mình.
SƯƠNG MÙ THUỞ ẤY (NXB HNV, 2019) là một tập thơ xinh xắn, đầy đặn 96 trang, in ấn tuyệt đẹp, bìa trước thanh nhã gợi cảm, bìa sau với hình nữ thi sĩ lẻ loi nơi miền đất lạnh mù sương. “Thi ca là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim của tất cả mọi người”. (Lawrence Ferlinghetti) Tôi cầm tác phẩm SƯƠNG MÙ THUỞ ẤY trên tay và chợt nhận ra sự tinh tế từ cái định nghĩa ngắn mà thú vị đó.
Chắc hẳn nhà thơ Kiều Huệ có căn phần gắn kết với xứ sở ngàn hoa tự thuở nào. Và sương mù Đà Lạt là miền rung cảm bao trùm đời sống tâm linh bàng bạc trong suốt cuộc hành trình thi ca mà nhà thơ dâng tặng cho đời:
“Mưa bay chiều Đà Lạt/ Buốt giá hồn bơ vơ/ Nghe nỗi buồn hòa đá/ Lặng lẽ một vần thơ.” (Mưa chiều Đà Lạt). Ôi! Mưa bay bơ vơ hóa đá lặng lẽ. Lắng lòng giữa bốn câu thơ mà Kiều Huệ phác họa từ cảm xúc tự thân, tôi nghe mù sương “thấm đẫm” tâm tư nữ thi sĩ trong chiều mưa bay, tôi chợt nhìn thấy ai kia lặng lẽ bên hồ Xuân Hương sương khói, tôi bắt gặp hình ảnh thiếu phụ khoác măng tô, cổ quấn khăn san phơ phất dạo bước dưới cội thông già trên đồi Cù khi hoàng hôn buông xuống. Bốn câu thơ như những kí tự giải mã, giúp tôi len lén du hồn vào khoảng lặng tâm linh đơn lạnh, không phải của riêng Kiều Huệ nữa, mà là của biết bao thân phận trong cuộc sống phù du này. Phải chăng thi nhân đang thực hiện sứ mệnh của thi ca? Có một nhà thơ nổi tiếng đã nói: “Thơ thực sự là một điều gì đó rất thiêng liêng, thơ ghi lại những khoảnh khắc đỉnh cao và hạnh phúc nhất của tâm hồn”. Thơ Kiều Huệ cũng vậy.
Và rồi, đi dọc triền đồi thơ Đà Lạt mù sương, chị thì thầm kể cho chúng ta nghe: “Một thời Đà Lạt yêu đương/ Cuộc tình ngày ấy còn vương vấn lòng” (Lời thề đành quên, tr 11) Đơn sơ mà chân thật, lay động trái tim tôi. Có ai trong đời mà không một lần vương mang một mối tình sương khói? Tôi linh cảm chừng như đây là tình yêu học trò, có thể là mối tình đâu kia đấy. Thuở ấy đất nước chiến chinh, biết bao chàng trai ra trận, cô nữ sinh bé nhỏ thơ ngây Kiều Huệ cũng ấp ủ mộng lòng, bởi: “Người đi hứa hẹn đợi mong/ Đêm nay Đà Lạt mênh mông nhớ về”. Đêm nay là đêm nào? Đêm thăm thẳm mịt mù của ký ức? đêm của kỷ niệm nào xa xôi? Hay đêm bây giờ của vắng xa cách trở? Đêm của thiếu phụ mỏi mòn? Tiếng lòng thi nhân âm ỉ cháy, tí tách như ngọn lửa củi thông đêm cao nguyên cay xè đôi mắt, không gian thơ tình của thi nhân lãng mạn biết bao, tôi có nằm mơ cũng chẳng bao giờ được nếm trải cái chất thơ mộng của khung trời diễm lệ mà Kiều Huệ sở hữu.
Đây này các bạn, là chứng tích, là khung trời kỉ niệm của thi nhân: “Lang Bi ang ánh trăng treo/ Bâng khuâng thác réo bên đèo Prenne” (Đà Lạt đêm trăng,tr.16). Tình yêu họ trải trăng treo mộng, tình yêu họ thác réo gọi tình, làm sao mà thi sĩ quên được, nên nổi nhớ cứ mãi ùa về ứa tràn trang thơ: “Trăng thương lưu luyến mơ màng/ Soi em nổi nhớ vội vàng người đi”. Tình yêu, muôn vạn lối, ngàn nhớ thương, thi sĩ cứ thì thầm bộc bạch: “Thời gian lạnh chổ em nằm/ Trăng xưa trót hẹn nỡ đành lãng quên”. Có tình yêu nào mà không có hờn ghen trách móc. Bởi người đi ngàn phương, đã thề non hẹn biển mà biền biệt không thấy quay về, để nàng thơ mong chờ từng đêm trong tái tê hoang lạnh, mà cái lạnh đêm Đà Lạt thì se sắt thịt da biết bao. Ôi, những đêm dài đợi chờ và trăn trở, bạn có thấu chăng tình thi sĩ?
Đọc bài thơ “Màu hoa nhớ”, ta lại càng thấm thía và xuyến xao với bao rung cảm diệu vợi ẩn tàng tâm hồn nhà thơ, lay động từng kỳ niệm ngọt ngào. Tâm hồn nữ thi nhân tinh tế lắm, biểu đạt uyển chuyển dịu dàng sắc màu của không gian thơ lộng lẫy trữ tình. Làm sao mà thiếu vắng một màu hoa: “Lối xưa trải vàng màu hoa nhớ/ Đôi ngã chia ly lạc mất nhau/ Chạnh nghe tiếc muối tình dang dở/ Hoàng hôn buồn, hoa rụng lòng đau” (Màu hoa nhớ, tr28). Không nói, các bạn cũng hình dung Đà Lạt rực vàng màu hoa dã quỳ dưới “khung trời đầy nắng”, với Kiều Huệ, đó là “màu hoa nhớ” của con đường tình mà đôi tình nhân đã đi qua. Rồi họ lạc mất nhau, nhà thơ ngẫn ngơ buồn khi hoàng hôn về, nắng tắt trên ngàn hoa tàn úa, rụng rơi bên đường. Thi ảnh thân quen mà rưng rức lòng người đọc. Tôi cũng rưng rưng.
Và đây, bài thơ chủ đề của tập thơ SƯƠNG MÙ THUỞ ẤY. Xin mời các bạn cùng nhà thơ, cùng tôi thưởng một tiếng lòng ngân vọng, từ quá khứ xa vời, từ tiếc nuồi ray rức, và từ róc rách tuôn chảy của ý từ, tạo thành dòng suối mát, ngọn gió xanh diễm tình: “Em nhớ lắm một chiều Đà Lạt/ Hai đứa mình sánh bước bên hồ/ Xuân Hương trầm lắng đẹp mộng mơ/ Làm gió buốt cơn mưa nhỏ hạt.” Kỷ niệm ùa về ngập tràn không gian kỷ niệm người xưa ơi? bây giờ anh ở đâu? Lòng em như chùng xuống: “Đà Lạt ơi thông reo nổi nhớ/ Khúc ru tình vi vút ngẫn ngơ/ Thành phố buồn sương mù thuở ấy/ Người đi đâu em vẫn đợi chờ” (Sương mù thưở ấy, tr 32). Biết làm sao đây?. Thôi đành nén tiếng thở dài cho thơ đẫm chất nhớ nhung trong “Đà Lạt hẹn mùa sau”: “Người xa cách muôn trùng em vẫn đợi/ tháng năm qua ôm ấp một nổi sấu/ Níu câu thơ để xoa dịu buồn đau/Đà lạt ơi hẹn mùa sau trở lại”. Ôi, thủy chung nào đớn đau bằng niềm thủy chung trong nổi đợi chờ vô vọng. Niềm tin yêu le lói trong tim có thắp lên ngọn lửa soi đường cho người tình quay trở về?
Hơn bốn mưởi bài thơ ngút ngát đậm chất hoài nệm trữ tình. Thơ Kiều Huệ không có tiếng thở dài than vắng, nổi nhớ nhung tiếc nuồi trong thơ chị lặng lẽ, êm ả trong vòm xanh lơ đãng của xứ sở sương mù. Ngôn ngữ thơ chín chắn, thuần phát, cởi mở như tính cách thi nhân. Tình yêu trong thơ chị là những giây phút tình nhân hẹn hò từ quá vãng, từ kiếp nào, chị tái hiện bằng vài nét đơn thanh, đưa chúng ta trôi bàng hoàng vào cõi mộng mà thực, lạnh bên ngoài mà ấm áp bên trong.
Bên cạnh chuyện tình diễm mộng trên đỉnh Lang Bi-ang lộng gió, những con đường dã quỳ quanh co ngập nắng, rừng thông xanh vi vu chan chứa tình yêu trong quá khứ xa lắc, SƯƠNG MÙ THUỞ ẤY còn có sự hiện hữu khiêm tốn mà đậm đà tình quê tình người của nhà thơ.
Mẹ trong tâm thức nhà thơ chan chứa yêu thương, luôn hiện hữu trong trái tim người con hiếu để, mỗi bài thơ chị viết về mẹ là một hạt ngọc đằm thắm đậm sau nghĩa tình, kết thành chuỗi ngọc trai lóng lánh: Nguyện cầu cho mẹ (tr.52). Chuyện tình cũ. (tr .38) “Huế và mẹ” (tr.44) ta cảm nhận được nét đẹp của tính nhân văn trong thơ Kiểu Huệ, đó là nổi thiết tha yêu kính của một người con gái hiền ngoan nết na mang nặng phong cách Việt ngàn đời.
Huế, không phải là quê mẹ dấu yêu, chỉ là nơi mối tình đầu của chị lắng lại từ thuở mười tám đôi mươi, vẫn mãi hoài đậm sâu trong kí ức nhà thơ: “Thời con gái tôi quen người trai Huế/ Mẹ dặn dò con chớ yêu người ta/ Mẹ bảo rằng trai Huế rất đào hoa/ Riêng các mệ phận làm dâu khó lắm” Vậy nên, người con gái hiền ngoan ấy đành phải: “Đành giã từ tình đầu trong nuối tiếc/ Dù thương anh, nghe lời mẹ phân vân/ Nén tâm tư thổn thức buồn lặng thầm/ Nói lời cuối chia tay mắt ngấn lệ”. Mắt tôi cũng ngấn lệ đây này, tôi hình dung chuyện tình đầu này đã ngoài 40 năm phải không nhà thơ hiền thục? Tôi hoàn toàn đồng cảm với chị, bởi thời ấy, người con gái hiếm khi dám khi cãi lời mẹ cha, chỉ biết đành lòng nuốt nước mắt chia tay người mình yêu vì hiếu hạnh. Thơ lại là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử, cho cơ cảnh yêu đương xưa cũ, lãng mạn mà nên thơ.
Sài Gòn của những tháng ngày êm đềm nhà thơ lớn lên trong vòng tay yêu thương, lang thang phố đêm Noel diễm ảo, nhâm nhi ly cà phê nơi góc quán ven đường. Có chân trong các dàn đồng ca thánh lễ từ thuở còn bé tí, giọng thơ Kiều Huệ hiền lành như tiếng chuông nhà thơ ngân nga. Phú Yên, một vùng quê đẹp như tranh ẩn hiện trong lòng tác giả, với những địa danh không thể phai mờ: Vũng Rô, Mũi Điện, Thạch Bi, Đầm Ô Loan bỗng trở nên là máu thịt, rồi chắt lọc để viết thành những câu thơ đậm đà sắc màu vùng miền, nhà thơ tận tình vun vén, điểm tô, càng làm cho quê hương đất nước mình ngàn năm tươi đẹp. Đồng bằng sông Cửu Long và mãi tận Hà giang xa xôi, nơi địa đầu cực bắc của tổ quốc, nơi nào nhà thơ đi qua là cũng để lại trong thơ những dấu ấn khó phai.
Khép lại tập thơ, tôi xin nói đôi câu về nét thơ Kiều Huệ. Chị viết bằng trái tim nhân ái, chân thật, ít tu từ, hiếm khi ẩn dụ. Ngôn ngữ thơ tinh khôi như nắng, tình thơ man mác như sương lạnh chiều đông. Mời các bạn cùng tôi lắng lòng nghe tiếng thơ vang vọng từ những hoài niệm ngổn ngang mà chan chứa tình người, tình đời dù kiếp sống là phù du mộng ảo.
Bà Rịa, 23/10/2019
Nguyên Bình
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...