Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Đôi điều cảm nhận từ tập truyện ngắn "Đi qua đồng cói" của Vũ Thanh Lịch

Đôi điều cảm nhận từ tập truyện ngắn 
"Đi qua đồng cói" của Vũ Thanh Lịch
Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội, khoảng hơn chục năm trở lại đây, bộ mặt văn học đương đại Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cây bút nữ có triển vọng. Đặc biệt, những cây bút sinh sau 1975, họ lớn lên trong bối cảnh đất nước đã giải phóng nhưng còn ngổn ngang, bộn bề khó khăn.
Sự pha trộn, ám ảnh giữa cái cũ và cái mới, sự trăn trở đi lên phát triển kinh tế trong thời mở cửa đã tác động không nhỏ đến thế giới quan của thế hệ này. Chính sự trải nghiệm đó đã đem đến sự khác biệt trong cách nhìn, cách tiếp cận, cách viết, khi chính họ là những người tự mình phác diện về mình, về xã hội mình bằng ngôn ngữ từ thân thể họ mà những nhà văn nam không dễ chiếm loát. Trong những cây viết nữ trẻ xuất hiện gần đây, chúng tôi quan chú đến tác giả Vũ Thanh Lịch.
Chỉ quan tâm một chút đến đời sống văn học hiện nay, nhất là ở mảng truyện ngắn (mà Báo “Văn nghệ”, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo “Văn nghệ quân đội” là hai cầu nối quan trọng) ta cũng thấy nhiều truyện ngắn của chị được đăng tải, và chúng tôi ấn tượng với truyện ngắn “Cây son ngừ” của chị đăng trong “10 truyện ngắn hay Báo Văn nghệ 2014”. Giờ đây có trên tay tập truyện ngắn “Đi qua đồng cói”, vẻn vẹn với 8 truyện ngắn, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, tôi thực sự ấn tượng hơn với lối văn phong trữ tình, đằm thắm, đầy chất nữ tính của cây bút trẻ Vũ Thanh Lịch.
“Đi qua đồng cói” là một bức tranh chân thực, sinh động về cuộc sống con người và xã hội. Đặc biệt tác phẩm gợi những suy tư, trăn trở của con người trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội, một xã hội với đầy rẫy những tiêu cực, cám dỗ và cạm bẫy. Sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, cái cũ ngậm ngùi nhường chỗ cho cái mới đi lên để lại những vết xước, những mất mát trong tâm hồn những con người đơn lẻ (“Cây son ngừ”, “Tiếng còi ủ”, “Đi qua đồng cói”, “Chuyện chép dưới chân núi Kẹ”). Bên cạnh đó, hình ảnh con người với những cảm thức về bản thể, đi kiếm tìm quá khứ đã qua để sống cùng hiện tại cũng được phác họa qua truyện “Người đi tìm cánh tay”. Là một cây viết nữ, Vũ Thanh Lịch cũng không bỏ qua những mảng đề tài về giới nữ. Trong tập truyện, ta bắt gặp những cô gái đôi mươi, tuổi trẻ giàu khát khao, chủ động đến với tình yêu, chủ động hiến dâng cho tình yêu với cá tính mạnh mẽ, tình cảm trong sáng, tươi mát (“Bãi bồi”, “Suối nữ”, “Những con sóng màu mật”).
“Đi qua đồng cói” còn  là một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, thanh bình. Người đọc đắm chìm trong không gian từ miền biển sóng to gió lớn đến những đêm trăng bên bờ suối, đến cảnh cao nguyên “rộng thênh”. Tất cả đã góp phần tạo nên chất thơ hiếm có trong toàn tập truyện. Người đọc dõi theo toàn tập truyện sẽ không có cảm giác đơn nhàm bởi mỗi truyện là một mảnh đời, một khoảnh khắc suy tư về cuộc sống và bản thể…
Trong tình hình một số cây bút coi sex như một đề tài thu hút câu khách, nên không ít người dường như sa đà vào lối viết buông thả, dễ dãi, thô kệch thì tập truyện “Đi qua đồng cói” cũng đề cập đến đề tài này, nhưng tác giả khắc họa nhẹ nhàng, ý nhị, kín đáo, đằm thắm hơn, nghiêng về chất thơ nồng nàn cảm xúc mà vẫn không nhạt đi những khát khao bản năng tâm hồn.
Nhiều trang văn miêu tả thật rung động những khoảnh khắc của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, khám phá vi diệu từng cung bậc, từng ngõ ngách, từng góc khuất của cảm xúc, khiến người đọc như chìm đắm, như sống lại cái thời cháy bỏng nỗi khát khao, đó là các truyện “Bãi bồi”, “Những con sóng màu mật”, “Suối nữ”. Ở “Bãi bồi” là chuyện tình giữa Miên, chàng nhà báo làm thơ với cô gái Dịu, một cô gái miền biển nhà nghèo, bố mất sớm, phải bươn trải với cuộc sống mưu sinh. Hai người đến với nhau trong một lần gặp gỡ tình cờ rồi sau đó “thao thức” về nhau, nhưng cô gái tính cách mãnh liệt và ám ảnh hơn chàng trai. Tác giả khá thành công khi khắc họa diễn biến nội tâm, tâm trạng của Dịu sau ngày gặp Miên, khi thấp thỏm đợi chờ, lúc mơ màng tê dại xa xăm, làm người đọc hồi hộp dõi theo cái kết. Truyện tựa một bài thơ trữ tình sinh tượng nhưng có vẻ diễn trình đi đến cái kết có phần hơi vội vàng nên chăng tác giả cần dụng công hơn vào đoạn kết. Đoạn kết còn gợi cảm giác hụt hẫng, đành rằng đó là một cái kết mở. “Những con sóng màu mật” viết về mối tình Ngận và Huy tuy không dài nhưng khá lắng, tác giả không mấy chú ý đến cốt truyện mà để dòng cảm xúc chảy trôi mạnh mẽ tới độ nhòe mờ, vượt tầm kiểm soát của mạch lạc. Truyện diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc, hứng thú, người đọc phải tỉnh táo để cảm. Còn với “Suối nữ” tác giả đã khai thác được chất thơ, đầy lãng mạn thi vị của đôi trai gái Thảo Vụ ở một nông trường miền Bắc những năm kháng chiến chống Mỹ. Tình yêu đôi lứa được đặt trong bối cảnh lao động sản xuất thiếu thốn gian khổ mà ấm áp tình người. Truyện toát lên vẻ đẹp nhân văn trong những năm miền Bắc vừa sản xuất vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Bức tranh con người và xã hội cũng được phác họa tiêu biểu qua những truyện ngắn “Cây son ngừ”, “Đi qua đồng cói”, “Người đi tìm cánh tay”, “Chuyện chép dưới chân núi Kẹ”. “Cây son ngừ” phản ánh cuộc vật lộn mưu sinh, cuộc đấu tranh giữ hay bỏ trong sự đổi mới của hai làng. Câu chuyện về cây son ngừ của gia đình ông bà Quận Liên đặt ra một vấn đề lớn, giữa thời buổi này cần bảo tồn và phát triển như thế nào, để vẫn giữ được đạo lý và tính nhân văn. Ý nghĩa của truyện rất nhẹ nhàng mà sâu xa.
Sau năm 1986 văn học Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng ở phương diện nhận thức sáng tạo. Hình mẫu nhân vật chấn thương xuất hiện như một sự phản ánh và thấu cảm sâu sắc về thế giới tâm linh, bản thể con người, đặt trong hoàn cảnh đầy tính vấn đề của xã hội: hoàn cảnh những người lính trở về sau chiến tranh. Ông Vự trong “Người đi tìm cánh tay” là một kiểu nhân vật như vậy.   Từ chiến tranh trở về ông chỉ còn lại một cánh tay trái, cánh tay phải nằm lại ở chiến trường. Trái gió trở trời mình mẩy đau nhức, nhưng nỗi đau thân thể chỉ là một phần, không lớn bằng nỗi đau tinh thần, khi ám ảnh về sự toàn vẹn của thân thể đã không còn. Xây dựng nhân vật này, hẳn nhà văn ít nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo “Thân tứ đại phải trả về tứ đại”, sinh ra nguyên vẹn chết đi phải vẹn nguyên. Ông quyết tâm đi tìm cánh tay đã mất, sau những năm hòa bình, những ẩn ức, hồi cố chiến tranh luôn là những thước phim trở đi trở lại trong ông. Cách kể của nhà văn có đôi chỗ hóm hỉnh đáo để, gợi chất lính chiến. Ở trong hoàn cảnh nào người lính cũng mang giọng đùa vui tưng tửng, vẫn toát lên niềm lạc quan vui sống. Đây là lời của lão Chân Như, bạn của ông Vự: “Đánh dấu làm chó gì, về lúc nào thì về, chả về thì coi như trọn bộ trong rừng”. Tác giả rất dụng công trong việc tái hiện lại không gian chiến trường qua hồi ức của ông Vự. Trở lại chiến trường xưa tìm lại một phần cơ thể đã mất, quá khứ chiến tranh lại hiện về với ngổn ngang những chi tiết chân thực; yếu tố tâm linh pha màu sắc bí ẩn đã đưa người đọc vào thế giới hư hư thực thực; hiện thực trộn lẫn với quá khứ chiến tranh như một vết thương không bao giờ lành. Tiếng hát “nhỏ giọt trong không trung trầm lạnh” của lão Chân Như khi ngân nga bài “Văn tế thập loại chúng sinh” làm cho không gian trở nên huyền bí, ma mị, ớn lạnh. Và trong không gian ấy, ông Vự lần dò từng bước đầy căng thẳng. Có thể nói, cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần của người lính vẫn còn âm ỉ nhức nhối, thực khó khỏa lấp. Theo dõi truyện, người đọc thấy có sự chồng lấn nhiều trạng thái tâm trạng, khi hồi hộp dõi theo, khi căng thẳng ngột ngạt. Đọc truyện tôi phải tự cho mình một độ giãn nghỉ ngơi nhất định để có thể tiếp tục đồng hành cùng nhân vật trên trang sách. Những mảnh ký ức bộn bề, đau thương, khốc liệt của chiến tranh liên tiếp hiện về, khiến người đọc choáng ngợp trong một mê cung hoài niệm. Phải thấy rằng thuộc thế hệ sinh sau 1975, nhưng cảm thức về chiến tranh của cây bút Vũ Thanh Lịch cũng tỏ ra khá am tường khi dựng lại những chấn thương chiến tranh còn ảnh hưởng trong thời hậu chiến. Cảm quan về một xã hội thương tổn dường như là nỗi ám ảnh chi phối nhãn quan sáng tác của nhà văn qua thiên truyện này.
“Tiếng còi ủ” lại là nỗi niềm khắc khoải của tác giả trước hội chứng đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh. Con người mải mê với cuộc sống mưu sinh mà trở nên hời hợt vô tâm vô cảm, không quan tâm đến những người xung quanh. Cách dẫn truyện thú vị, tạo được tình huống bất ngờ, tính nhân văn toát lên ở từng chi tiết. Truyện dần bong ra ở đoạn cuối như một cảnh báo thấm thía con người đang sống dư thừa tâm lý, thiếu hụt tâm hồn. Nhịp sống nguy hiểm này đang đẩy nhiều người vào những bi kịch chưa từng có của thời đại. Còn “Chuyện chép dưới chân núi Kẹ” cũng phản ánh quá trình đô thị hóa, người nông dân mất đất, mất tư liệu sản xuất, cuộc sống đảo lộn, bị cuốn vào vòng xoáy của những dự án, để rồi rơi vào mất đất, kiện tụng và đói nghèo. Truyện có tính thời sự báo chí với những chi tiết giàu chất phóng sự. Một bức tranh xã hội đương thời đã phần nào được lột tả, với tính cảnh báo cao.
“Đi qua đồng cói” là truyện lõi của cả tập truyện ngắn, so với dung lượng thông thường đây là một truyện khá dài. Tác phẩm đã tái hiện sinh động bức tranh xã hội thu nhỏ qua một gia đình trồng cói, ở một vùng ven biển trải qua nhiều thế hệ, với  nhiều mối quan hệ gia đình và xã hội. Mỗi nhân vật trong truyện là một số phận: kẻ chết vợ tục huyền, người bỏ chồng tái giá, con chung con riêng… nhưng xuyên suốt tập truyện, ta ấn tượng với nhân vật “tôi” từ tuổi thơ bên gia đình đến khi lớn lên trở thành cô gái trẻ trung trong trắng luôn nỗ lực vươn lên. Và ta tưởng như những trang đời hạnh phúc, những chân trời mơ ước sẽ mở ra với cô nhưng cuộc đời cô gái trẻ ấy phải bước những bước chân đầu tiên vào nghề với bao tủi nhục đớn đau, khi vấp phải những Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến thời hiện đại. Cả một thế giới đảo lộn, sụp đổ, người đọc ngao ngán cho bức tranh nhân tình thế thái. Cũng là một nhà giáo, cũng có những năm tháng tuổi trẻ với những bước đi đầy gian khó, tôi thực sự đồng cảm và chua xót cho nhân vật “tôi” trong câu chuyện. Sự phá vỡ từng mảng lớn từ trong gia đình đến ngoài xã hội khiến người đọc thảng thốt giật mình. Lựa chọn ngôi kể thứ nhất, đậm chất hồi kí làm cho câu chuyện hiện lên chân thực xúc động, người đọc cứ lần theo dòng mạch kể của nhân vật để đồng cảm chia sẻ. Tác giả cũng khéo léo lột tả, bóc từng lớp những đổi thay tiêu cực của cuộc sống. Từ chỗ bỏ đi từng phần của đồng cói đến chỗ phải phá bỏ đi cả rừng vẹt chắn sóng chắn gio là những thảm họa uy hiếp, đe dọa cuộc sống của người dân. Truyện đặt ra nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, có tính thời sự nóng hổi. Sự phát triển đi lên không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc bình yên, cùng những giá trị thiết thân cho người dân mà đôi khi nó là sự đánh đổi không thương tiếc. Người ta không tìm cách kế thừa phát triển mà tìm cách phá bỏ. Thật đáng buồn. Tình trạng mất đất, mất nghề dẫn đến mất tình mất nghĩa, giá trị đạo đức đảo lộn đã được tác giả lột tả một cách trần trụi, đó thực sự là một mối “quan hoài” thường trực trong ngòi bút của nhà văn ở truyện ngắn này nói riêng và cả tập truyện nói chung. Sự mất mát của rừng vẹt đâu chỉ là cái mất dễ quy đổi bằng vật chất mà sự mất mát lớn hơn chính là những tổn thương về tinh thần, những kí ức đẹp đẽ, bất ngờ bị xóa sổ “Bao nhiêu người dân Sơn Tú đang vây kín chân đê. Cỗ máy đỏ choét vươn gọng câu lên bằm xuống những bụi vẹt cuối cùng. Không ít người Sơn Tú đã gào thét đến lạc giọng, át tiếng máy, át tiếng sóng. Không ít người mắt đỏ hoe nhìn những con sóng bạc đầu từ xa chồm tới mỗi lúc một gần. Vẹt đổ ngổng ngang, phơi lên những trảng đất đầy ắp phù sa, hai mươi năm rừng vẹt đã gom giữ bao nhiêu bọt biển. bao nhiêu con sóng dữ đã phải quay đi khi chạm vào rừng vẹt, bao nhiêu đêm ngày mẹ đã về náu dưới gốc vẹt để trò chuyện với cha con tôi”. Bằng khen chứng nhận đỏ chi chít bốn bức tường không đủ sức chống đỡ, cứu vãn ông (bố của nhân vật “tôi”) trước bão táp của lòng người. Truyện viết có chất văn chương. Nhân vật được khắc họa có tính cách, nhân vật bà cụ bề ngoài nhấm nhẳng, lạnh lùng, đầy vẻ cay nghiệt nhưng lại lam lũ chắt chiu, chịu thương chịu khó, hết lòng thu vén tính toán cho con, cho cháu. Đó cũng là một trong những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam mà ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống hằng thường. Cô cháu gái thì giàu tình cảm hay suy tư, dễ xúc động, có nghị lực khát khao vươn lên. Còn nhân vật người cha thì hết mực thương yêu con. Qua câu chuyện về một gia đình, về hành trình trở thành cô giáo của nhân vật “tôi”, người đọc xót xa trước những biểu hiện tiêu cực từ mặt trái của đời sống xã hội hiện đại.
Truyện khá dài nhưng người đọc không bị cảm giác “cố đọc”, ngược lại đến những trang cuối vẫn muốn câu chuyện được kể tiếp. Mạch văn liên tục tự nhiên, nối các sự việc tạo thành khối liên hoàn, chặt chẽ. Có thể ví “Đi qua đồng cói” là một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ, toàn cảnh bức tranh đời sống xã hội đã được phản ánh cô đọng trong một dung lượng gọn gàng của thể truyện ngắn.
Đọc tập truyện, người đọc không thể bỏ qua chất thơ trong miêu tả thiên nhiên và những phong tục của người miền biển. Thiên nhiên thấm đẫm hồn người, thiên nhiên nâng đỡ những trăn trở tâm tư của con người và làm nền cho mạch kể chảy trôi. Đó là những đồng cói bao la, bạt ngàn, là những rừng vẹt xanh thẫm, những bọt sóng tung bay…Tất cả làm nên chất văn chất thơ, neo giữ tâm hồn người đọc. Có thể chưng cất, chiết xuất những đoan văn trong truyện “Đi qua đồng cói”  thành những bài tản văn đầy sinh động, hấp dẫn “Nhà tôi ở ven biển. Biển quê tôi không có cát. Miên man bãi bồi và sình lầy. Gió biển lồng lộng. Nắng biển vàng giòn the mặn. Mỗi năm phù sa theo con nước tụ về đầm bãi rộng càng thêm rộng. Cha kể, hồi tôi hai tuổi, đồng cói đầu tiên của cha mẹ ngút tầm mắt. Mẹ xuống đồng, cói cao lút đầu” (trang 68). Phải là người trải nghiệm, có tâm hồn phong phú và nhạy cảm mới ghi lại một cách sống động cảnh vật và con người miền biển trong một lối văn sáng trong, ngọt ngào, tinh khiết như vậy. “Vẹt phủ kín dần từng đám sình lầy, trải dài theo triền đê. Không con sóng lớn nào đủ sức tràn qua. Không trận bão nào cuốn được đồng cói (…). Rễ vẹt bện dần thành bụi, đủ sức  vỗ về những con sóng dữ, chắt lấy bọt sóng, ghim chúng ngoài chân đê. Nhờ vẹt, mỗi ngày biển nhích dần ra một ít, đất đầy lên một ít…” (trang 79). “Tôi hợp với gió biển, càng lớn càng hồng hào. Cha bảo tôi đẹp như mẹ. Mắt đen láy, thăm thẳm như bầu trời dưới đáy biển. Tóc tôi dài ngang bắp chân, thẳng và óng như cói. Đó là do biển hát ru tôi hằng đêm. Gọi thức tôi mỗi bình minh. Vỗ về tôi mỗi hoàng hôn” (trang 80).
Và đây nữa, tác giả còn đưa người đọc tìm về nếp sống sinh hoạt, thói quen phong tục văn hóa đời nối đời ở một gia đình miền đồng cói ven biển “Họ nhà tôi độc đinh từ thời cụ tổ, bao nhiêu đời chỉ có một người con trai nối dõi, con gái thì nhiều. Con gái cũng được chia đất đai vườn tược như con trai. Từ đời này sang đời khác, các cụ chia đất cho con trai ở ngoài cùng. Đàn bà con gái chân yếu tay mềm ở phía bên trong, đàn ông con trai sức dài vai rộng, đứng nơi đầu sóng. Năm nào biển cũng bồi tụ thêm, đàn ông phải biết bám vào biển, biết lựa theo sóng mà giữ đất, giữ phù sa, có thế đất mới dài rộng thêm ra được.” (trang 81). Biết là trích dẫn có dài nhưng thực sự tôi thích thú với những câu văn, đoạn văn gọn nhẹ mà chất chứa sự tinh tế trong cảm nhận của tác giả. Cả một vùng quê với bao nếp sống, nếp nghĩ mang những nét đặc trưng của văn hóa vùng miền hiện lên thật chân thực. Quê tôi cũng gần biển, đọc truyện, tôi cũng bắt gặp hình ảnh của quê hương bàng bạc trong những trang văn của chị. Đọc, đọc đi đọc lại vẫn thấy hấp dẫn. Đọc các tác giả phương Nam tôi như thấy tâm hồn mình trở nên khoáng đạt đáng yêu với những cánh đồng lúa Cửu Long bạt ngàn, những kênh rạch sông nước, dừa đước chằng chịt. Đọc văn Vũ Thanh Lịch tôi lại được trải mình trong một không gian biển trời mênh mông với những bãi bồi sình lầy, những con đê quen thuộc gần gũi gắn bó từ bao đời nay ở miền ven biển Bắc Bộ.
Đọc “Đi qua đồng cói” người đọc còn được trải hồn qua những trang văn miêu tả ánh trăng. Ta cảm tưởng tác giả có duyên nợ với ánh trăng, thao thức nhiều cùng trăng nên trong tập truyện hiện ra ngời ngợi ánh trăng. Thiên nhiên với ánh sáng của trăng đã làm nền nâng đỡ, bao bọc, chở che cho những tâm trạng suy tư của con người. Con người hòa vào trăng tạo thành những bức tranh nên thơ sinh động. Những đoạn văn tả người và trăng giao hòa tuyệt diệu. Trăng được nhân hóa, ẩn dụ giàu sức gợi, sức suy tưởng bất ngờ, thú vị “Trời sáng trăng. Se se lạnh. Thi thoảng sương mù tung một lớp voan lờ lững lên cung trời. Trắng như vòm ngực trinh nữ giấu trong lớp váy mỏng” (trang 126). Trong “Những con sóng màu mật”, trăng là mối tình của Ngận và Huy “Mảnh trăng trong veo trên nền trời không một gợn xám. Trong veo và mỏng manh như thể anh chỉ bóp nhẹ nó sẽ vỡ vụn tan biến mất. Tấm thảm dệt bằng hoa tinh lang tím biếc, chùng chình nâng hứng giọt trăng trong vắt vào nõn nhụy.” (trang 152). “Trăng tung tẩy trên sóng, ngụp lặn trong sóng, hò hét với sóng, rồi lả lướt tãi lên bờ cát, từng mảnh váng trăng ngờn ngụa” (trang 161). ở “Người đi tìm cánh tay” ánh trăng đem đến sự thanh tẩy tâm hồn “Trăng càng lúc càng xanh trong. Cây vả già vươn rộng vòng tay ôm ấp khoảnh ao đầy trăng. Gió thổi, trăng vào cửa sổ, mang theo mùi vả chín và tiếng kêu rên của mạch nước đang len qua bờ đá” (trang 127). Còn trong “Suối nữ” trăng mang chở bao cung bậc tình yêu diệu vợi “Gió lả lướt. Trăng ỡm ờ. Cành lau vừa bung búp trắng xốp, sà xuống. Trượt. Trượt từng khúc, từng khúc man dại” (trang 166). “Từng vốc nước tung vút lên trăng. Trăng đầm đìa đổ xuống cơ man nào là pháo sáng” (trang 168). “Trăng trễ nải đậu lên mẩu đá cao nhất trên đỉnh núi thõng thượi, thả xuống từng mảng sáng lô nhô… Trăng xộc xệch dãi dề” (trang 183). Tác giả miêu tả trăng như một phương tiện để truyền tải những khoảnh khắc suy tư trong cuộc sống, trăng mang hồn người, dùng trăng để phô diễn tâm trạng đó là một thành công, nó làm gia tăng chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, gia tăng chất văn chương cho truyện. Người đọc được thưởng lãm vầng trăng không phải trong thơ mà ngay trong những trang truyện mượt mà, đằm thắm.
Gần đây, bên cạnh thơ, truyện ngắn luôn là một thể loại có sức hút, nhiều cây bút trẻ đều bắt đầu thử sức với thể loại này, và ít nhiều khẳng định được chỗ đứng trong lòng độc giả bởi thể loại này có thế mạnh khai thác tâm trạng, đi sâu vào từng số phận, từng niềm vui nỗi khổ, từng góc khuất nổi chìm của từng con người. Với hình thức nhỏ xinh, gọn ghẽ và tính truyền dẫn cực nhanh những thông tin mới mẻ, truyện ngắn có nội khí “một lời thiên cổ, một gợi trăm suy” (Nguyễn Thanh Hùng). “Đi qua đồng cói” của Vũ Thanh Lịch đã chạm đến tính truyền dẫn của thể loại này. Dẫu biết rằng “Đường dài mới biết ngựa hay” nhưng qua tập truyện ngắn này chúng tôi có một niềm tin, tác giả Vũ Thanh Lịch đã có đóng góp đáng kể cho mảng văn xuôi nữ; và trong tương lai sẽ khẳng định được năng lực viết dồi dào của bản thân, định hình được một phong cách viết. Hy vọng với những thành công bước đầu, chị sẽ vững tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiệp bút nghiên, luôn có những tìm tòi phát hiện những điều còn ẩn dấu dưới “đáy hồn nhân thế”, để viết lên những trang văn hừng hực chất liệu cuộc sống. Tôi tin và hy vọng như vậy!.
15/8/2019
Nguyễn Văn Nhượng
Theo http://tapchivanngheninhbinh.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...