Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Sách của bạn tôi

Sách của bạn tôi
GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ
Anatole France (tên thật là François-Anatole Thibault, 16 tháng 4 năm 1844 - 13 tháng 10 năm 1924) sinh ở Paris, là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Học ở trường Collège Stanislas. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Trong thập niên 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Le Temps (Thời báo) và in thành 4 tập sách với tên La vie littéraire (Đời sống văn học).
Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tư tưởng và sáng tác của Anatole France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ. Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kỳ Trung cổ hoặc thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực”…
A. France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Ông mất ở Tours, Indre-et-Loire.
Tác phẩm chính:
- Những câu thơ vàng (Poèmes dorés, 1873), thơ.
- Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, 1881), tiểu thuyết.
- Sách của bạn tôi (Le Livre de mon ami, 1885), hồi ký.
- Bông huệ đỏ (Le lys rouge, 1894), tiểu thuyết.
- Vườn Epicure (Le jardin d'Epicure, 1894), tập cách ngôn.
- Lịch sử hiện đại (L'histoire contemporaine), gồm 4 tiểu thuyết: 
+ Cây du trên đường dạo chơi (L'orme du mail, 1897)
+ Hình người bằng cây liễu (Le mannquin d'osier, 1897)
+ Chiếc nhẫn tử thạch anh (L'anneau d'amethyste, 1899)
+ Ông Bergeret ở Paris (Monsieur Bergeret à Paris, 1901)
- Hung thần lên cơn khát (Les dieux ont soif, 1912), tiểu thuyết
- Thiên thần nổi loạn (La révolte des anges, 1914), tiểu thuyết.
Những tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam:
- Quyển truyện của bạn tôi (La livre de mon ami, hồi ký), Vũ Thị Hay và Lê Ngọc Trụ dịch, Trung tâm Học liệu xuất bản, 1962, tái bản 1972
- Sách của bạn tôi (La livre de mon ami, hồi kí), Hướng Minh dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, 1988, tái bản 2009.
- Đảo Panhgoanh (L'Île des Pingouins tiểu thuyết), Nguyễn Văn Thường dịch, NXB Văn Học, 1982.
- Thiên thần nổi loạn (La révolte des anges, tiểu thuyết), Đoàn Phú Tứ dịch, NXB Văn Học, 1987.
- Bông huệ đỏ (Le lys rouge, tiểu thuyết), Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Phụ Nữ, 1989.
- Các hung thần lên cơn khát (Les dieux ont soif, tiểu thuyết), Trần Mai Châu dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1990.
- Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Phương dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1996.
- Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Phương dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.
- Thais- Vũ nữ thoát tục, (Thaïs, tiểu thuyết), Hoàng Minh Thức dịch, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1989.
- Mối tình người thợ gốm, (tập truyện ngắn), NXB Văn học, Hà Nội 1987.
LỜI GIỚI THIỆU
Anatole France (1844-1924) tên thật là Anatole Thibault, nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa Pháp. Ông sinh ra tại Paris trong một gia đình có cửa hàng bán sách, nơi lui tới của nhiều nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Chú bé Anatole ham mê sách và văn học, nghệ thuật từ đó.
Anatole France là người chịu ảnh hưởng của phái Pascal, tác phẩm đầu tay là một tập thơ. Sau đó, hình tượng nhân vật Sylvestre Bonnard trong tiểu thuyết nổi tiếng Tội ác của Sylvestre Bonnard (1881) mở đầu cho một loạt nhân vật biểu hiện tư tưởng, tình cảm và tâm hồn nhà văn. Ðó là những con người rất dễ thương, yêu đời và yêu con người, ham mê sách vở khoa học và nghệ thuật, sống thoải mái với một tấm lòng cởi mở, một chủ nghĩa nhân đạo nhe nhàng, chút ít châm biếm và hoài nghi. Nhà văn phê phán tôn giáo và nhà thờ làm mê muội con người, phê phán lối sống hẹp hòi, đạo đức giả, bất công và tàn nhẫn.
Những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, chịu ảnh hưởng sâu sắc của “Sự kiện Dreyfus” và Cách mạng Nga 1905, sự nghiệp văn chương của A. France chuyển hướng mạnh mẽ. Trong thời kì sáng tác này, ông viết về những sự kiện lịch sử và xã hội đang biến diễn, tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền Cộng hoà thứ ba của Pháp, lên án chủ nghĩa thực dân và chế độ phân biệt chủng tộc...
Năm 1921, Anatole France được trao giải Nobel văn học vì những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tính tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gauloir đích thực.
Sách của bạn tôi (1885) là một trong những tác phẩm tự truyện của Anatole France và theo như lời tác giả nói ở đầu sách thì đây là cuốn sách được ông viết vào “giữa quãng đường đời” của mình. Phần đầu tác phẩm miêu tả quá trình phát triển nội tâm của nhân vật chính – chú bé Pierre Nozière, đặc biệt là các mối quan hệ của chú với xã hội, những con người đã đi qua tuổi thơ của chú và in vào tâm hồn chú những hình ảnh đẹp không phai mờ. Phần sau của tác phẩm tập hợp những bài viết của Pierre về cô con gái nhỏ khi anh đã trở thành bố và để ý, quan sát những cử chỉ, động tác của con mình.
Đặc điểm nổi bật trong văn phong của A. France là tính trong sáng tuyệt vời, nhẹ nhàng và nên thơ, đầy nhạc điệu, sâu sắc và dí dỏm, hài hước, biểu lộ một tâm hồn yêu con người thắm thiết, phát huy truyền thống của Pascal, Racine, Flaubert. Ông được coi là nhà văn Pháp mẫu mực về sự trong sáng của ngôn ngữ.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Văn học


SÁCH CỦA PIERRE
31 tháng Chạp năm 188…
Nel mezzo del cammin di nostra vita…
Giữa quãng đường đời….
Câu thơ ấy, câu mà Dante mở bài thánh ca thứ nhất của Thần khúc, trở lại tâm trí tôi, tối nay, có lẽ là lần thứ một trăm. Nhưng đây là lần đầu nó làm tôi xúc động.
Thích thú biết bao, tôi thầm nhắc lại câu thơ ấy, và tôi thấy nó nghiêm chỉnh và đầy ý nghĩa! Là bởi lần này tôi có thể áp dụng nó cho bản thân tôi. Đến lượt mình, tôi ở vào thời điểm của Dante xưa kia khi mặt trời già nua đánh dấu năm đầu của thế kỷ mười bốn. Tôi đang ở giữa quãng đường đời, giả dụ con đường ấy đối với tất cả mọi người đến dài như nhau và đều đưa tới tuổi già.
Trời ơi! Tôi đã biết, hai mươi năm trước, rằng sẽ phải tới bước này, tôi biết thế, nhưng tôi đã không cảm thấy thế. Lúc bấy giờ tôi quan tâm quãng nửa đường đời như tới con đường đi tới Chicago. Giờ đây đã leo hết sườn núi, tôi ngoảnh đầu lại để nhìn bao quát cả khoảng không mà tôi đã băng qua nhanh chóng chừng nào, và câu thơ của thi sĩ thành Florence bỗng khiến tôi triền miên suy tưởng đến đỗi tôi sẵn lòng ngồi thâu đêm trước ngọn lửa để khêu dậy những bóng ma. Hỡi ôi! Những người chết sao mà nhẹ vậy!
Hồi tưởng thật là êm dịu. Yên lặng ban đêm khêu gợi hồi tưởng. Tịch mịch ban đêm thuần hóa những hồn ma bản chất vốn dút dát, lẩn trốn và muốn có bóng tối vắng vẻ để đến thì thầm cùng những bạn bè đương sống. Các rèm cửa sổ đã kéo, các màn cửa buông nếp nặng trên mặt thảm. Chỉ có một cánh cửa hé mở, nơi kia, phía mắt tôi tự nhiên quay lại. Ở đấy thoát ra một ánh sáng xanh mờ nhạt, từ đấy đưa lại những hơi thở đều và êm, mà chính tôi cũng khó phân biệt được hơi thở của mẹ và của các con.
Ngủ đi, những người yêu dấu ngủ đi!
Nel mezzo del cammin di nostra vita…
Bên bếp lửa tàn, tôi mơ màng và tưởng tượng cái nhà gia đình này, với căn buồng trong đó rung rinh mờ sáng ngọn đèn khuya, và từ đó thoát ra những hơi thở trong trẻo kia, là một quán trọ lẻ loi trên con đường cái lớn mà tôi đã đi tới nửa chừng.
Ngủ đi, những người yêu dấu, ngày mai ta lại lên đường!
Ngày mai! Có một thời, từ ngữ ấy đối với tôi chứa đựng cái điều huyền bí, đẹp đẽ nhất. Đọc nó lên, tôi nhìn thấy những bộ mặt không quen và duyên dáng giơ ngón tay ra hiệu cho tôi và thì thào: “Lại đây!” Bấy giờ, tôi yêu cuộc sống biết bao! Tôi đặt vào nó lòng tin đẹp đẽ của một gã si tình, và tôi không nghĩ rằng cuộc sống có thể trở thành nghiệt ngã với tôi, mặc dù nó vốn là tàn nhẫn.
Tôi không oán trách nó. Nó đã không gây cho tôi những vết thương như nó đã gây cho bao người khác. Đôi khi ngẫu nhiên còn vuốt ve tôi nữa, cái cô nàng đại thờ ơ ấy! Đánh đổi cái gì nó đã lấy đi hay từ chối tôi, nó đã cho tôi những kho báu mà đem so sánh thì tất cả những gì tôi mong muốn chỉ là tro tàn và khói bụi. Dù sao mặc lòng, tôi đã hết trông mong, và bây giờ tôi không thể nghe nói: “Đến mai!” mà không có một cảm giác lo âu và buồn bã.
Không! Tôi không còn tin tưởng ở cô bạn cũ cuộc sống nữa. Tôi vẫn yêu đời. Chừng nào tôi nhìn thấy tia sáng thần diệu của cuộc sống lung linh trên ba vầng trán trong trắng, trên ba vầng trán yêu thương, tôi vẫn bảo đời là đẹp và tôi vẫn ca ngợi cuộc sống.
Có những giờ phút mà cái gì cũng khiến tôi ngạc nhiên, những giờ phút mà những sự vật đơn giản nhất cũng đem cho tôi cái rợn mình của điều huyền bí.
Bởi thế, lúc này, tôi thấy hình như ký ức là một tư chất tuyệt diệu và cái năng khiếu tái hiện quá khứ cũng dễ làm ta kinh ngạc và còn quý hơn nhiều cái năng khiếu dự đoán tương lai.
Kỷ niệm thực là một ân huệ. Đêm yên tĩnh, tôi đã vun các mẩu củi trong lò sưởi và nhóm lại lửa.
Ngủ đi, những người yêu dấu, ngủ đi!
Tôi viết hồi ký tuổi thơ và đó là để TẶNG CẢ BA NGƯỜI YÊU DẤU!




I

NHỮNG QUÁI VẬT
Những người bảo tôi rằng họ không nhớ tí gì về những năm đầu tuổi thơ của mình khiến tôi rất ngạc nhiên. Về phần tôi, tôi còn giữ những ký ức tươi sáng về cái thời tôi còn là một chú bé rất nhỏ. Thực ra, đó là những hình bóng lẻ loi, song chính vì thế nó lại càng nổi bật lên trên một cái nền tối mờ và bí hiểm. Mặc dầu tôi khá xa tuổi già, những ký ức yêu dấu đó hình như đến với tôi từ một quá khứ vô cùng sâu thẳm. Tôi hình dung thế giới bây giờ đương ở độ mới mẻ rạng rỡ và bao phủ toàn màu sắc tươi mát. Nếu là một kẻ man di, tôi sẽ tin rằng thế giới cũng trẻ, hay tùy ý bạn, cũng già như tôi vậy. Song không may tôi không là một kẻ man di. Tôi đã đọc nhiều sách về thời thái cổ của trái đất và nguồn gốc muôn loài, và tôi buồn rầu so sánh cuộc đời ngắn ngủi của cá nhân với sự tồn tại lâu dài của các chủng tộc. Cho nên tôi biết chẳng lâu lắm đâu, tôi có một chiếc giường thành nhỏ trong một căn buồng lớn của một ngôi nhà cổ rất cũ nát, ngôi nhà ấy đã bị phá để nhường chỗ cho những tòa nhà mới của trường Mỹ thuật. Chính ở nơi đây cha tôi đã sống, cha tôi là một thầy thuốc bình thường và rất thích sưu tập các vật lạ thiên nhiên. Ai bảo trẻ con không có trí nhớ? Bây giờ tôi còn nhìn thấy căn buồng ấy, với giấy bồi tường xanh lục vẽ hoa lá và một bức tranh khắc in rất đẹp mô tả, như về sau tôi được biết, nàng Virginie được chàng Paul bồng trên tay lội qua sông Đen 1 . Trong căn buồng ấy đã có những chuyện mạo hiểm phi thường xảy đến với tôi.
Như tôi đã nói, ở đấy tôi có một chiếc giường thành nhỏ kê ở trong một góc và, mỗi tối, được mẹ tôi kéo ra đặt ngay giữa buồng, hẳn là để cho gần giường mẹ, mà những tấm màn che mông mênh làm cho tôi vừa sợ hãi vừa thán phục. Bảo tôi đi ngủ là cả một việc khó khăn. Và đã hết chuyện đâu: Tôi mặc áo lót thoát ra và tôi nhảy như một con thỏ. Mẹ đuổi bắt lại tôi dưới một cái gầm bàn để đặt tôi lên giường, thật là nhộn!
Nhưng tôi cứ vừa nằm xuống là có ngay những nhân vật hoàn toàn xa lạ với gia đình bắt đầu đi diễu chung quanh tôi. Họ có những mũi mỏ cò, những bộ ria lởm chởm, những cái bụng nhọn hoắt và những cẳng như cẳng gà trống. Họ lộ nghiêng mặt, với một mắt tròn giữa má, và diễu hành, mang chổi, xiên nướng thịt, đàn ghi ta, ống tiêm và vài dụng cụ kỳ lạ. Xấu xí như họ thì đáng lẽ không nên lộ mặt, nhưng tôi phải thừa nhận một điều: Họ lặng lẽ lướt đi dọc tường nhà và không một ai, cả đến chú bé nhất đi sau chót đeo một cái bễ thổi lửa ở sau lưng, cũng không bao giờ tiến một bước đến giường tôi. Rõ ràng là có một sức mạnh giữ họ trườn đi dọc theo tường mà không phô ra một bè dày đáng kể. Điều đó làm cho tôi vững dạ một chút, vả chăng, tôi vẫn thức. Hẳn bạn cũng thấy, nằm cạnh đám người như vậy thì nhắm mắt sao được. Tôi mở mắt trân trân. Ấy thế mà (đó là một điều kỳ lạ khác) tôi chợt lại thấy mình ở trong buồng đầy ánh nắng, nhìn ra chỉ thấy có mẹ tôi mặc áo khoác hồng và không biết ban đêm với lũ quái vật đã biến đi đâu mất.
- Con ngủ gì mà khiếp thế! – Mẹ cười bảo tôi.
Phải nói là tôi ngủ say thật.
Hôm qua, dạo vơ vẩn trên các phố bờ sông, tôi trông thấy ở cửa hàng một người bán tranh khắc một quyển vở in những hình kỳ quái bây giờ đã trở thành hiếm hoi, trong đó Callot, nhà họa sĩ xứ Lorrain, đã trổ tài với mũi dao nhọn tế nhị và cứng rắn của ông. Hồi thơ ấu của tôi, một bà bán tranh in - mẹ Mignot - ở cạnh nhà tôi đã phủ tranh kín cả một bức tường, và hàng ngày tôi nhìn tranh, khi đi chơi và lúc trở về, mắt tôi được nuôi dưỡng bằng những quái vật đó và khi nằm vào chiếc giường thành nhỏ của tôi, tôi lại nhìn thấy chúng mà không nhận ra chúng. Ôi, ảo thuật của Jacques Callot!
Quyển vở nhỏ tôi lần giở đã đánh thức ở tôi cả một thế giới tan biến, và tôi cảm thấy dâng lên trong tâm tưởng như một làn bụi thơm tho trong đó những hình bóng yêu dấu đã trôi qua.


II

BÀ MẶC ĐỒ TRẮNG
Hồi đó có hai bà ở cũng nhà với chúng tôi, một bà mặc đồ trắng, một bà toàn đồ đen.
Xin đừng hỏi hai bà ấy còn trẻ không, điều đó vượt quá sự hiểu biết của tôi. Nhưng tôi biết các bà ấy thơm tho và có đủ mọi cung cách tế nhị. Mẹ tôi, rất bận và không thích giao thiệp với hàng xóm, nên không đến nhà hai bà. Nhưng tôi thì tôi đến luôn, nhất là vào giờ ăn quá trưa vì bà mặc đồ đen thường cho tôi ăn bánh ngọt. Vậy là tôi cứ đến một mình. Phải đi qua sân. Mẹ tôi đứng ở cửa sổ theo dõi tôi và gõ lên cửa kính khi nào tôi mải ngắm bác đánh xe chải lông cho mấy con ngựa. Tốn sức lắm mới leo lên được cái cầu thang lan can sắt, mà những bậc cao có phải làm cho đôi bắp chân nhỏ của tôi đâu. Nhưng công của tôi không uổng một khi tôi vào căn phòng các bà, vì trong đó có nghìn thứ cho tôi ngây ngất. Song không có gì bằng đôi phỗng sứ ngồi trên lò sưởi; hai bên đồng hồ quả lắc. Tự chúng, chúng rụt đầu và thè lưỡi. Người ta cho tôi biết chúng ở bên Tàu sang và tôi tự hứa sẽ đi tới đó. Cái khó nhất là làm thế nào bảo chị vú em đưa tôi đến đấy. Tôi đã đinh ninh rằng nước Tàu ở đằng sau Khải hoàn môn 2 , nhưng tôi chưa bao giờ có cách gì tiến đến tận đó.
Trong phòng các bà cũng có một cái thảm hoa, tôi thích thú lăn mình trên đó, và một tràng kỷ nhỏ êm và sâu, mà tôi chơi khi làm tàu thủy, khi làm ngựa hay xe. Bà mặc đồ đen, hơi béo thì phải, rất hiền và không bao giờ mắng tôi. Bà mặc đồ trắng tinh hay sốt ruột và cộc cằn, nhưng bà cười mới xinh chứ! Cả ba chúng tôi sống hòa thuận với nhau, và tôi đã dàn xếp trong óc rằng bao giờ cũng sẽ chỉ có tôi được vào phòng phỗng sứ mà thôi. Bà mặc đồ trắng mà tôi báo cho biết quyết định ấy, xem chừng hơi có vẻ giễu cợt tôi, nhưng tôi nài nỉ và bà ấy hứa tất cả những gì tôi muốn.
Bà hứa như vậy. Thế mà một hôm, tôi thấy một ông ngồi vào tràng kỷ của tôi, chân để lên thảm của tôi và nói chuyện với các bà, vẻ thỏa mãn. Hắn còn đưa cho các bà một bức thư, các bà đọc rồi trả lại. Tôi không thích thế, nên tôi đòi uống nước đường vì tôi khát và cũng để cho người ta chú ý đến mình. Quả nhiên, ông kia nhìn tôi.
- Đây là một chú bé hàng xóm, - bà mặc đồ đen nói.
- Mẹ chú ấy chỉ có một mình chú thôi, có phải thế chăng? - Ông kia láy lại.
- Đúng thế, - bà mặc đồ trắng nói. - Nhưng sao ông lại nghĩ như vậy?
- Vì chú có vẻ một đứa con rất được nuông chiều, - ông ấy láy lại. - Chú ấy thóc mach và tò mò. Bây giờ chú đang mở mắt thao láo như hai cánh cổng xe.
Ấy là để nhìn hắn cho kỹ. Tôi không muốn tự khoe, nhưng tôi rất hiểu, sau câu chuyện, rằng bà mặc đồ trắng có một người chồng chức tước gì đó ở một nước xa xôi, rằng ông khách đem đến một bức thư của người chồng ấy, người ta cảm ơn sự giúp đỡ của ông, và người ta chúc mừng ông đã được bổ nhiệm bí thư. Nhũng chuyện đó không làm tôi hài lòng và, khi ra về, tôi không chịu hôn bà mặc đồ trắng, để phạt bà ta.
Bữa tối hôm đó, tôi hỏi cha tôi xem bí thư là cái gì. Cha tôi không trả lời, và mẹ tôi bảo đó là một cái bàn gỗ nhỏ để xếp giấy tờ 3 . Hiểu thế được không? Tôi được bế đi ngủ, và các quái vật có mắt ở giữa má diễu hành chung quanh giường tôi, mặt nhăn nhó hơn bao giờ hết.
Nếu bạn tưởng hôm sau tôi nghĩ đến cái ông thấy ở nhà bà mặc đồ trắng, thì bạn lầm to, vì tôi đã quên khuấy hắn, và chỉ tùy ở hắn mà sẽ được xóa đi vĩnh viễn khỏi trí nhớ tôi. Nhưng hắn cả gan lại dấn thân đến nhà hai bà bạn tôi. Tôi không biết là mười hay mười lăm ngày sau cuộc đến thăm đầu tiên của hắn. Ngày nay tôi thiên về ý nghĩ cho là mười ngày. Cái ông ấy chiếm chỗ của tôi như thế, thật đến lạ. Lần này thì tôi ngắm nghía hắn, và chẳng thấy hắn có vẻ gì dễ thương. Đầu hắn rất bóng, ria mép đen, ria má đen, cằm cạo nhẵn, xẻ ở giữa, mình thon nhỏ, áo quần bảnh bao, và trông hắn có vẻ rất thỏa mãn! Hắn nói đến văn phòng Bộ trưởng ngoại giao, về các vở kịch, các thời thượng và sách mới, về những buổi dạ hội và khiêu vũ ở đó hắn đã hoài công tìm các bà này. Vậy mà các bà lắng nghe hắn! Như thế mà cũng là chuyện trò à? Sao hắn không thể nói, như bà mặc đồ đen nói với tôi, đến xứ sở có những núi bằng kẹo đường, và sông bằng nước chanh?  
 Khi hắn đi rồi, bà mặc đồ đen bảo hắn là một thanh niên có duyên. Tôi thì tôi bảo hắn ta già và xấu xí. Cái đó khiến bà mặc đồ trắng cười phá lên. Mà có gì đáng cười đâu nhỉ? Nhưng thế đó, bà ta cười vì điều tôi bảo, hoặc bà chẳng nghe tôi nói. Bà mặc đồ trắng có hai tính xấu ấy, không kể một tính xấu thứ ba làm tôi thất vọng: là khóc, khóc, khóc. Mẹ bảo người lớn không bao giờ khóc. À! Là vì mẹ đã không nhìn thấy như tôi bà mặc đồ trắng đó, đổ nghiêng người trên ghế bành, một lá thư mở trên đầu gối, đầu ngửa ra và khăn tay để trên mắt. Lá thư ấy (ngày nay tôi sẽ cuộc rằng đó là một lá thư nặc danh) làm bà khổ lắm. Thật tai hại, vì bà thường cười vui thế! Hai cuộc đến thăm ấy khiến tôi nảy ra ý định xin cưới bà ta. Bà bảo bà có một ông chồng lớn ở Tàu, bà sẽ có một chồng nhỏ ở phố bờ sông Malaquais; thế là thu xếp xong, và bà cho tôi một chiếc bánh ngọt.
Nhưng cái ông ria má đen thường trở lại luôn. Một hôm, khi bà mặc đồ trắng kể chuyện bà sẽ cho đem từ bên Tàu về cho tôi những con cá xanh lam với một chiếc cần để câu những con cá ấy thì hắn cho vào báo hắn đến và được tiếp. Xem cái kiểu chúng tôi nhìn nhau thì rõ là chúng tôi không ưa nhau. Bà mặc đồ trắng bảo hắn rằng cô bà (bà muốn nói bà mặc đồ đen) đi mua gì đó ở Hai Ông Phỗng 4 .Tôi nhìn hai ông phỗng trên lò sưởi và không nghĩ được phải đi đâu mua gì cho họ. Nhưng ngày nào cũng có những chuyện rất là khó hiểu! Ông kia không có vẻ buồn chút nào vì sự vắng mặt của bà mặc đồ đen, và hắn bảo bà mặc đồ trắng rằng hắn muốn nói chuyện đứng đắn với bà. Bà ngồi đỏm dáng trên tràng kỷ nhỏ và ra hiệu là bà nghe hắn. Nhưng hắn nhìn tôi và có vẻ lúng túng.
- Chú bé này ngoan lắm, - sau cùng hắn vừa nói, vừa đưa tay xoa đầu tôi, - nhưng…
- Chồng nhỏ của tôi đấy, - bà mặc đồ trắng nói.
- Này! - Ông kia láy lại. - Thế bà không thể trả chú về cho mẹ chú ư? Điều tôi sẽ nói với bà chỉ có bà nghe được thôi.
Bà nhượng bộ hắn.
- Báu ơi,- bà bảo tôi, - báu sang chơi bên buồng ăn, và chỉ khi nào tôi gọi báu hãy trở lại. Đi, báu nhé!
Tôi sang đấy, lòng nặng trĩu. Tuy nhiên nhìn cảnh buồng ăn rất kỳ thú, vì trong buồng có chiếc đồng hồ mặt là một bức tranh vẽ một ngọn núi ở bờ biển và một nhà thờ nổi bật dưới một bầu trời xanh biếc. Lúc chuông báo giờ, chiếc tàu thủy bập bềnh trên mặt sông, chiếc đầu tàu kéo các toa ra khỏi một đường hầm và chiếc khí cầu bay lên cao. Song khi lòng buồn thì chẳng gì làm vui được. Vả chăng mặt đồng hồ lại nằm im. Hình như đầu tàu, tàu thủy và khí cầu chỉ khởi hành mỗi giờ một lần, và một giờ thì thật là lâu! Ít nhất lâu vào lúc ấy. May thay, chị làm bếp đến tìm một cái gì ở tủ buýp phê và; thấy tôi buồn thiu, cho tôi mứt quả, xoa dịu những buồn phiền trong lòng tôi. Nhưng khi hết mứt rồi, tôi lại buồn như trước. Mặc dầu chuông đồng hồ chưa đánh, tôi tưởng tượng hàng giờ và hàng giờ đã chồng chất lên nỗi cô đơn buồn bã của tôi. Từng lúc tôi nghe từ buồng bên một vài tiếng nói to của ông kia; hắn van nài bà mặc đồ trắng rồi hình như hắn nổi giận với bà. Cho đáng kiếp! Nhưng họ sẽ không bao giờ chấm dứt chuyện trò à? Tôi dán mũi vào kính cửa, tôi rút các sợi cứng ở ghế dựa, tôi khoét rộng các lỗ ở giấy bồi tường, tôi bứt diềm của các màn che, nào tôi biết gì nữa? Chán chường là một điều ghê gớm. Sau cùng, không chịu được nữa, tôi lặng lẽ tiến đến cửa vào buồng các ông phỗng và vươn cánh tay lên để với tới quả nắm cửa. Tôi biết rõ là tôi đang có một hành động thô bạo và xấu xa, nhưng ngay điều đó cũng làm cho tôi có một chút gì như hiếu danh.  
Tôi mở cửa và thấy bà mặc đồ trắng đang đứng tựa lưng vào lò sưởi. Ông kia, quỳ dưới chân bà, dang rộng hai tay như để ôm lấy bà. Mặt hắn đỏ hơn mào gà trống, mắt hắn lồi ra. Người ta lại có thể đến tình trạng thế ư?
- Thôi đi, ông, - bà mặc đồ trắng nói, mặt đỏ hồng hơn bao giờ hết và tỏ ra hết sức xúc động. - Xin ông thôi đi, vì ông bảo rằng ông yêu tôi. Thôi đi để tôi khỏi phải hối tiếc…
 Bà có vẻ sợ hắn và đã kiệt sức.
Hắn vội đứng dậy khi trông thấy tôi; và tôi tin hắn thoáng có ý nghĩ quẳng tôi qua cửa sổ. Nhưng bà áo trắng, đáng lẽ mắng mỏ như tôi chờ đợi, lại ôm ghì tôi vào lòng mà gọi tôi là người yêu của bà.
 Bế tôi lên trường kỷ rồi, bà khóc hồi lâu rất êm ái bên má tôi. Chỉ có hai chúng tôi thôi. Để an ủi bà, tôi bảo rằng ông ria má đen là một người xấu và nếu bà cứ ở một mình với tôi, như đã thỏa thuận thì bà sẽ chẳng có chuyện buồn. Nhưng, có ăn thua gì đâu, tôi thấy người lớn đôi khi thật buồn cười.
 Chúng tôi chưa hoàn hồn thì bà mặc đồ đen bước vào với những gói bọc.
Bà hỏi có ai đến không.
- Ông Arnould đến, - bà mặc đồ trắng thản nhiên đáp, - nhưng ông ấy chỉ ở lại có một tí.
Tôi biết đó là một lời nói dối, song vị phúc thần của bà mặc đồ trắng, hẳn là đi với tôi từ nãy đến giờ, đã đặt ngón tay vô hình lên miệng tôi.
Tôi đã không gặp lại ông Arnould, và cuộc tình duyên của tôi với bà mặc đồ trắng không bị quấy rầy nữa; hẳn là vì thế nên tôi đã không nhớ chuyện ấy. Cho đến hôm qua, nghĩa là sau hơn ba mươi năm, tôi còn không biết bà ta bây giờ ra sao.
Hôm qua, tôi đến dự khiêu vũ ở nhà ông Bộ trưởng ngoại giao. Tôi cũng nghĩ như ông Palmerston, nếu không có những thú vui thì cuộc sống còn dễ chịu. Công việc hàng ngày của tôi không vượt quá sức lực cũng không quá trí tuệ của tôi, và tôi thấy thích thú. Chính những cuộc tiếp khách long trọng làm tôi mệt lử. Tôi biết đến khiêu vũ nhà ông bộ trưởng sẽ chán ngấy và vô ích; tôi biết thế mà tôi cứ đến, vì bản chất con người là suy nghĩ khôn và hành động dại.
Tôi vừa bước vào phòng khách lớn thì nghe người ta giới thiệu đại sứ và phu nhân. Tôi đã nhiều lần gặp ông đại sứ có nét mặt thanh tú mang dấu vết những mệt mỏi không phải tất cả đều do công việc ngoại giao. Người ta nói rằng hồi thanh xuân, ông đại sứ có nhiều cuộc tình duyên và trong những cuộc họp mặt của bọn đàn ông với nhau, người ta bàn tán về những chuyện trăng gió của ông ta.
Thời gian ông ở bên Tàu, ba mươi năm trước, thì đặc biệt phong phú về những chuyện mà người ta ưa đóng kín cửa với nhau trong khi uống cà phê. Bà vợ, mà tôi không có hân hạnh được quen, xem chừng đã quá năm mươi. Bà mặc toàn đồ đen, những đăng ten rất đẹp bao phủ rất khéo sắc đẹp đã qua của bà, nhưng như vẫn còn phảng phất. Tôi sung sướng được giới thiệu với và, và tôi vô cùng ưa thích nói chuyện với phụ nữ có tuổi. Chúng tôi nó nghìn chuyện, trong tiếng vĩ cầm đưa đẩy các phụ nữ trẻ khiêu vũ, và quẩn quanh ngẫu nhiên, bà nói với tôi đến hồi bà ở một tòa nhà cổ phố bờ sông Malaquais.
- Bà là bà mặc đồ trắng! - Tôi kêu lên.
- Quả thế thật, thưa ông, - bà bảo tôi. - Hồi bấy giờ tôi luôn luôn mặc đồ trắng.
- Còn tôi, thưa bà, tôi đã là chồng nhỏ của bà.
- Sao! Thưa ông, ông là con cụ bác sĩ Nozière ưu tú đó ư? Ngày trước ông thích bánh ngọt lắm. Ông còn thích không? Vậy mời ông đến ăn ở nhà chúng tôi. Thứ bảy nào chúng tôi cũng có một tiệc trà nhỏ thân mật. Chúng ta gặp lại nhau, hay thật!
- Thế còn bà mặc đồ đen?
- Bây giờ tôi là bà mặc đồ đen. Bà cô tội nghiệp của tôi mất năm xảy ra chiến tranh. Trong những năm cuối đời bà, bà thường nhắc đến ông.
Trong khi chúng tôi chuyện trò như vậy, một ông ria mép và ria má bạc trắng kính cẩn chào bà đại sứ với tất cả điệu bộ duyên dáng khệnh khạng của một lão già đỏm trai. Hình như tôi nhận ra cái cằm của ông ta.
- Ông Arnould, - bà đại sứ bảo tôi, - một ông bạn già.


III

MẸ CHO CON BÔNG HOA HỒNG NÀY
Chúng tôi ở trong một căn nhà rộng đầy những vật kỳ dị. Trên tường, dưới những sọ người và bộ tóc là những cụm binh khí man rợ. Trên trần treo những chiếc thuyền độc mộc cùng với tay chèo, kề cạnh với những con cá sấu nhồi rơm, tủ kính bày đầy những chim, tổ chim, san hô và vô vàn bộ xương bé nhỏ tựa hồ chứa chấp rất nhiều sự hằn thù và ác ý. Tôi không hiểu cha tôi đã có giao ước gì với những con vật kỳ quái đó, ngày nay, tôi mới hiểu: đây là sự giao ước của một người thích sưu tầm. Cha tôi, con người rất khôn ngoan và không hề hám lợi, mơ tưởng nhét cả thiên nhiên vào trong chiếc tủ. Đấy là vì lợi ích khoa học, cha tôi nói thế, tin như thế, nhưng sự thực chính là do cái tật của người thích sưu tầm.
Toàn bộ căn nhà đầy những vật kỳ dị hiếm có của thiên nhiên. Chỉ trừ phòng khách nhỏ hẹp là không bị thực vật học, khoáng vật học, chủng tộc học và biến thái học chiếm cứ, ở đây không có vẩy rắn, mu rùa, không có xương cốt, mũi tên bằng đá,mũi đinh ba mà chỉ có hoa hồng. Khắp căn phòng khách đều dán giấy in hoa hồng. Ðây là những bông hoa hồng còn nụ, cánh còn khép chặt khiêm tốn, tất cả như nhau và tất cả đều xinh đẹp.
Mẹ tôi, vốn có những mối tư thù đối với ngành thực vật học so sánh và việc đo sọ người, suốt cả ngày ngồi trong phòng khách trước bàn để đồ khâu. Tôi chơi quanh quẩn gần mẹ trên chiếc thảm, với một con cừu chỉ còn ba chân sau khi đã có bốn chân, điều đó làm cho nó không xứng đáng được chen vai thích cánh với những con thỏ hai đầu trong bộ sưu tập về biến thái học của cha tôi; tôi còn có thêm một con rối có thể cử động hai tay nhưng sặc mùi sơn, những giờ phút đó, tôi đã phải để cho trí tưởng tượng bay bổng rất nhiều vì đối với tôi, con rối và con cừu đã trở thành những nhân vật khác nhau trong hàng ngàn màn kịch kỳ thú. Lúc có điều gì xảy ra với con cừu và con rối làm cho tôi thích thú, tôi lại mách cho mẹ tôi biết. Nhưng lúc nào cũng chỉ là uổng công thôi. Cần phải nhận xét rằng người lớn không bao giờ hiểu những điều trẻ con giải thích. Mẹ tôi lại đãng trí nữa. Mẹ tôi không chú ý nghe tôi nói. Đấy là một nhược điểm rất lớn. Nhưng mẹ tôi có một cách trố mắt nhìn tôi và gọi tôi bằng “bé ngốc” làm lành được mọi chuyện.
Một ngày kia, trong phòng khách bé nhỏ, dừng tay thêu, mẹ tôi bế tôi lên cao, chỉ cho tôi một bông hồng in trên giấy và nói:
- Mẹ cho con bông hồng này.
Và để cho dễ thấy: mẹ tôi lấy mũi kim thêu đánh dấu chữ thập lên bông hoa.
Chưa bao giờ có một tặng vật nào làm cho tôi sung sướng hớn thế.


IV

CÁC CON VUA ÉDOUARD 5
- Với mớ tóc bù xù, thằng bé nhà tôi trông giống như một thằng kẻ cướp. Này ông Valence, ông hãy cắt tóc cho nó theo kiểu “con vua Édouard” nhé.   
Người nghe mẹ tôi nói mấy câu ấy là ông Valence, một ông thợ cắt tóc lành nghề và thọt chân. Mới nhìn thấy ông ta, tôi đã nghĩ đến cái mùi lợm mửa của thép nung, và tôi sợ ông vừa vì bàn tay tay nhầy nhụa pommat mà cũng vừa vì hễ cắt tóc cho tôi là cứ để tóc rơi vào cổ. Vì thế, lúc ông quàng cho tôi chiếc áo khoác trắng và quấn chiếc khăn mặt quanh cổ, tôi liền giãy giụa không chịu, ông ta phải nói:
- Chú bạn nhỏ ơi! Hẳn là chú muốn giữ bộ tóc man rợ như là vừa ở chiếc bè Méduse 6 lên chứ?
Với giọng choang choang của người miền Nam, lúc nào ông cũng kể chuyện chiếc tàu “Méduse” bị đắm và chính ông phải qua những khốn đốn kinh khủng mới thoát được nạn. Chiếc bè, những tín hiệu cầu cứu vô hiệu, những bữa ăn thịt người, tất cả những cái đó, ông đều kể lại với niềm lạc quan của một người chỉ quen nhìn sự việc theo khía cạnh tốt đẹp vì ông Valence là một người vui tính.
Ngày hôm đó, ông sửa đầu tóc cho tôi rất chậm, theo ý tôi và với một kiểu mà ngay lúc vừa nhìn vào gương, tôi đã cho là kỳ lạ. Tôi thấy tóc rủ cả xuống, cắt thẳng như một chiếc mũ vải trùm trên lông mày và lại xõa xuống tận má như đôi tai chó xù.
Mẹ tôi thì lấy làm thích thú lắm: quả là ông Valence đã cắt tóc cho tôi theo kiểu con vua Édouard. Mẹ tôi nói rằng cứ khoác một chiếc áo nhung đen như tôi vẫn mặc, người ta chỉ còn việc nhốt tôi vào trong tháp với anh cả tôi...
- Nhưng người ta cứ dám làm như thế đi xem! - Mẹ tôi vừa nói tiếp vừa bế tôi với một dáng quả quyết rất duyên dáng.
Thế là mẹ tôi cứ ôm chặt tôi đưa ra xe. Chúng tôi đi thăm một người bạn quen.
Tôi hỏi mẹ tôi về người anh cả mà tôi không biết là ai, và cả cái tháp khiến tôi sợ hãi là tháp nào.
Và mẹ tôi, với tính kiên nhẫn thần diệu và tính giản dị vui vẻ của những tâm hồn chỉ có một công việc duy nhất trên đời này là yêu thương, đã kể lại cho tôi, với một giọng líu lo đầy thi vị, câu chuyện hai cậu con của vua Édouard, xinh đẹp và ngoan ngoãn đã bị người chú độc ác Richard cướp khỏi tay người mẹ và bóp cổ chết trong gian ngục tối ở tháp Luân Ðôn như thế nào.
Mẹ tôi lại nói thêm, hình như căn cứ theo một bức tranh đương thời rất phổ biến, rằng con chó nhỏ của hai đứa bé đã sủa ầm ĩ để báo cho những người chủ nhỏ biết lúc bọn sát nhân đến gần.
Kết thúc câu chuyện, mẹ tôi còn nói rằng câu chuyện này rất xưa nhưng vô cùng cảm động và hay đến nỗi người ta lấy nó làm đề tài cho nhiều bức tranh, những buổi diễn kịch và người đi xem ai cũng khóc và mẹ cũng khóc như mọi người.
Tôi nói với mẹ rằng phải là kẻ độc ác lắm mới làm mẹ tôi và tất cả mọi người khóc như thế.
Mẹ tôi trả lời là trái lại, muốn làm được như thế, phải có một tâm hồn lớn và một tài năng tuyệt mỹ, nhưng tôi không hiểu lời mẹ tôi lúc bấy giờ, tôi không hiểu một chút gì về cái lạc thú của những giọt nước mắt.
Chiếc xe tới Đảo Saint-Louis, và dừng lại trước một căn nhà cổ mà tôi không quen biết. Chúng tôi bước lên một chiếc cầu thang bằng đá, có các bậc đá mòn và nứt nẻ trông ra vẻ giận dữ tôi.
Đến chỗ ngoặt đầu tiên, một con chó con lên tiếng sủa dồn. Tôi tự nghĩ: “Ðúng là nó, con chó của các con vua Édouard”. Và một nỗi sợ hãi bất thần, không gì thắng nổi và như điên dại xâm chiếm con người tôi. Rõ ràng chiếc cầu thang này là cầu thang dẫn đến ngọn tháp, và với đầu tóc cắt thành hình mũ vải, chiếc áo khoác hàng nhung đen, tôi là con vua Édouard. Người ta sắp giết tôi Tôi không muốn thế và nắm lấy áo mẹ, hét to:
- Đem con đi, đem con đi! Con không muốn lên cầu thang của tháp đâu.
- Im đi, bé ngốc... Ði đi, báu của mẹ, đừng sợ… Thằng bé này hay xúc động quá... Pierre, Pierre, con ngoan của mẹ, phải biết điều chứ!
Lúc đó, tôi níu chặt lấy váy mẹ, sững sờ, co quắp, tôi chẳng nghe gì cả. Tôi kêu lên, tôi gào lên đến nghẹt thở. Mắt tôi đầy kinh hoàng, chơi vơi trong bóng tối sôi động bởi một nỗi sợ hãi khủng khiếp.
Nghe tiếng tôi kêu, cánh cửa cầu thang mở ra và một cụ già xuất hiện. Dù tâm trí tôi còn kinh hãi và tuy cụ đội chiếc mũ trùm kiểu Hy Lạp và mặc áo dài trong nhà, tôi vẫn nhận ra đấy là ông bạn Robin của tôi, ông Robin bạn tôi, mỗi tuần một lần mang bánh ngọt tới cho tôi, đựng trong chiếc mũ. Đích là ông Robin, nhưng tôi không thể nào hiểu được rằng ông ta lại sống trong tháp, vì tôi không biết rằng là một thứ nhà và, vì nhà đã cũ kỹ thì lẽ tự nhiên là ông già này ở đó.
 Ông chìa tay mời chúng tôi vào, tay trái cầm hộp thuốc và tay phải, giữa ngón trỏ và ngón út, vân vê một nhúm thuốc lá. Đúng là ông ta.
- Mời bà vào! Nhà tôi đã đỡ và rất mừng được gặp bà. Cứ như tôi thấy thì hình như cậu Pierre không được yên tâm lắm. Có phải con chó cái của tôi đã làm cậu sợ? Lại đây, Finette.
Tôi đã vững tâm hơn và nói:
- Ông Robin ơi! Ông sống trong một cái tháp gớm ghiếc.
Tôi đang nói thì mẹ tôi bấm tay tôi với ý định mà tôi đoán biết là ngăn không cho tôi xin ông Robin một chiếc bánh ngọt, điều mà tôi sắp làm.
Trong phòng khách màu vàng của ông bà Robin, con chó Finette quả đã giúp tôi nhiều. Tôi chơi với nó, và tôi cứ đinh ninh rằng chính nó đã sủa lúc những đứa giết con vua Édouard mon men lại gần. Do đấy, tôi chia với Finette chiếc bánh ông Robin cho. Nhưng người ta không thể chú ý mãi một việc, nhất là lúc còn bé. Ðầu óc tôi nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, như con chim từ cành này sang cành kia và cuối cùng, tôi lại nghĩ đến những người con vua Édouard. Đầu óc tôi lúc ấy nảy ra một ý kiến về hai đứa bé, tôi vội vàng nói ra ngay. Tôi kéo ống tay áo ông Robin.
- Ông Robin, ông có biết không, nếu hôm ấy mẹ ở trong tháp Luân Đôn, mẹ đã ngăn lão chú độc ác bóp chết hai con vua Édouard dưới gối.
Hình như ông Robin không hiểu ý nghĩ sâu sắc của tôi, nhưng lúc ra đến cầu thang, mẹ bế tôi lên và nói:
- Đồ quỷ con dễ ghét! Để mẹ hôn con tí nào!


V

CHÙM NHO
Tôi sung sướng, vô cùng sung sướng. Tôi hình dung cha tôi, mẹ tôi và người vú tôi là những người khổng lồ rất hiền lành đã chứng kiến những ngày khai thiên lập địa, bất di bất dịch, vĩnh viễn và có một không hai. Tôi tin chắc rằng những người thân đó biết che chở cho tôi khỏi mọi điều chẳng lành, và sống gần gũi những con người đó, tôi cảm thấy hoàn toàn vững dạ. Niềm tin của tôi đối với mẹ tôi là một điều không có giới hạn; lúc tôi hồi tưởng lại niềm tin thần diệu và đáng tôn kính đó, tôi lại toan gửi mấy chiếc hôn cho cải thằng tôi bé bỏng ngày trước và những người hiểu được nỗi khó khăn giữ cho tình cảm của mình đầy đặn suốt đời sẽ hiểu cho nỗi lòng tôi quyến luyến đối với những kỷ niệm đó như thế nào.
Tôi sung sướng. Hàng ngàn sự việc, vừa thân thương vừa bí hiểm chiếm trí tường tượng của tôi; hàng ngàn sự việc vốn chẳng là gì cả, nhưng là những mảnh đời tôi. Đời tôi bé nhỏ nhưng cũng là một cuộc đời, nghĩa là trung tâm của sự việc, cái rốn của thế giới. Xin đừng cười những điều tôi nói hoặc chỉ cười với vẻ thân tình và hãy thử nghĩ xem: bất cứ cái gì có sống, dù là con chó nhỏ, đều là trung tâm mọi sự việc.
Hạnh phúc của tôi là được nghe và được thấy. Chỉ cái việc mẹ mở tủ gương cũng khơi gợi cho tôi một sự tò mò tế nhị và đầy thú vị. Trong cái tủ ấy thì có gì? Trời! Có đủ thứ quần áo, gói phấn sáp, hộp bằng bìa và hộp các loại. Ngày nay, tôi vẫn nghĩ rằng mẹ tôi là một người thích những chiếc hộp. Mẹ tôi có đủ các thứ hộp và nhiều vô kể. Và những chiếc hộp đó, mẹ tôi cấm không cho tôi đụng đến làm tôi suy nghĩ mông lung. Đồ chơi của tôi cũng bắt đầu óc tôi suy nghĩ, ít nhất là những đồ chơi người ta hứa cho và tôi đang trông chờ vì những thứ tôi đã có rồi thì không còn gì là bí hiểm vì thế không còn quyến rũ nữa. Nhưng đẹp biết bao những đồ chơi tôi mơ ước. Một điều kỳ diệu là, với một cây bút chì hay một cái ngòi bút, người ta có thể vẽ ra vô vàn đường nét hay hình thù khác nhau. Tôi vẽ những người lính: trước tiên là cái đầu hình bầu dục và vẽ thêm lên trên chiếc mũ xakô 7 . Phải sau nhiều lần quan sát tôi mới cho cái đầu lồng được vào trong mũ đến tận lông mày. Tôi rất dễ xúc cảm vì những bông hoa, những mùi hương, những đồ bày biện sang trọng trên bàn ăn và những quần áo đẹp. Tôi tự hào về chiếc mũ cắm lông và đôi tất ngũ sắc của tôi. Nhưng điều tôi yêu mến hơn cả mọi vật riêng biệt, đó là toàn bộ mọi sự vật: nhà ở, không khí, ánh sáng, và gì nữa? Tóm lại, đó là cuộc sống! Tôi cảm thấy như được đùm học trong cái sự êm ái vô hạn. Chưa bao giờ có con chim non nào cọ xát với chiếc lông măng trong tổ ấm mà lại thấy thích thú ngọt ngào như tôi.
Tôi sung sướng, vô cùng sung sướng. Tuy nhiên, tôi thèm khát muốn được như một đứa trẻ khác. Ðó là thằng Alphonse. Tôi không biết nó có cái tên nào khác nữa không nhưng khá chắc chắn là chỉ có cái tên ấy thôi. Mẹ nó làm nghề thợ giặt và làm việc ở ngoài phố. Suốt ngày, nó đi lang thang trên sân hoặc trên đường; và ngồi trong cửa sổ, tôi quan sát bộ mặt lem luốc của nó với bộ tóc bù xù vàng hoe, cái quần thủng đít và đôi giày tàng kéo lê ở các rãnh nước. Nếu tôi cũng được tự do lội bì bõm trong nước như nó thì thích lắm. Thằng Alphonse thường quanh quẩn gần các bà nấu bếp để nhận lấy khá nhiều bạt tai và một vài miếng chả đã thiu. Một đôi lần, những người giữ ngựa sai nó tới máy bơm múc một gầu nước mà nó khiêng về một cách vênh váo, mặt đỏ nhừ và lưỡi thè ra khỏi miệng. Và tôi muốn được như nó. Nó không phải học thơ ngụ ngôn La Fontaine như tôi, không sợ bị mắng vì một vệt bẩn ở áo. Nó không bị bắt phải nói: “Chào ông ạ! Chào bà ạ!” với những người mà những ngày và những đêm, xấu hay tốt, cũng không hề làm nó bận lòng 8 . Và nếu nó không có như tôi một chiếc thuyền Noé và một con ngựa lên dây cót, thì vẫn được tùy ý chơi đùa với những con chim sẻ bắt được, những con chó lang thang như nó và thậm chí với cả những con ngựa trong chuồng cho đến lúc nào người đánh xe lấy chổi đuổi nó ra. Nó sống tự do và bạt mạng. Từ chỗ sân là giang sơn của nó, nó nhìn tôi trong cửa sổ như người ta nhìn một con chim trong lồng. Cái sân ấy nhộn nhịp vì mọi loài súc vật và những người ăn kẻ làm lui tới. Đấy là một khoảng sân rộng, căn nhà chính chắn hướng nam của sân có một giàn nho già cỗi, thân sần sùi và gầy guộc, trên đó là chiếc đồng hồ tính giờ bằng bóng mặt trời với những con số đã mờ nhạt vì mưa nắng và chiếc kim bóng lướt nhẹ nhàng trên mặt đá khiến tôi ngạc nhiên. Trong số những bóng ma mà tôi gọi trở về đây, thì khoảng sân cũ kỹ này là một trong những điều lạ lùng nhất đối với người Paris ngày nay. Sân của họ bây giờ rộng bốn thước vuông, đứng giữa sân, người ta chỉ thấy được một mẩu trời bé tí tẹo như chiếc khăn tay trên năm tầng nhà chồng chất thẳng đứng như cái tủ đựng đồ ăn. Đấy là một sự tiến bộ, nhưng không lành mạnh lắm.
Nhưng một ngày kia, cái sân nhộn nhịp ấy, nơi các bà nội trợ cứ sáng sớm tới máy bơm lấy nước vào bình, nơi mà vào khoảng sáu giờ những bà nấu bếp tới rửa rau xà lách trong một cái rổ bằng thau, vừa rửa vừa chuyện trò với những người giữ ngựa, cái sân ấy được người ta cạy gạch lên. Cạy gạch chẳng qua là để lát sạch lại, nhưng vì trong lúc công việc đang tiến hành thì trời đổ mưa nên sân trở nên sục bùn và thằng Alphonse, nhưng một vị sơn thần ở chốn rừng thẳm từ đầu đến chân đều một màu đất bùn. Nó cạy các viên gạch một cách thích thú và hăng hái. Khi ngẩng đầu lên, nó thấy tôi như bị giam ở trên gác, nó liền ra hiệu bảo xuống. Tôi khao khát được cạy gạch với nó. Trong phòng tôi làm gì có gạch để cạy. May lúc đó cánh cửa buồng lại mở. Tôi xuống ngay dưới sân.
-Tao đây, - tôi bảo Alphonse.
- Cầm viên gạch này, - nó bảo tôi.
Nó có vẻ dữ tợn, giọng nói ồ ồ; tôi làm theo lời nó. Bất thình lình, viên gạch bị giật khỏi tay và tôi cảm thấy bị nhấc lên khỏi mặt đất. Thì ra người vú đã mang tôi đi một cách giận dữ. Vú tôi lấy xà phòng Marseille kỳ cọ cho tôi, mắng tôi không biết xấu hổ vì đã chơi với một thằng nhãi nghịch ngợm lêu lổng, một đứa bé hư thân mất nết.
Mẹ tôi nói thêm:
 - Thằng Alphonse là một thằng mất dạy; đấy không phải là lỗi tại nó mà là điều bất hạnh cho nó; nhưng những đứa trẻ có giáo dục không được chơi với những đứa vô giáo dục.
Tôi là một đứa trẻ thông minh và hay suy nghĩ. Tôi ghi nhớ lời mẹ tôi và không biết vì sao những lời nói đó lại liên hệ đến những điều tôi biết được về những đứa bé bị nguyền rủa khi nghe giảng quyển Thánh kinh cũ bằng những tranh vẽ. Tình cảm của tôi đối với thằng Alphonse thay đổi hoàn toàn. Tôi không muốn được như nó nữa. Nó khiến cho tôi vừa ghê sợ lại vừa thương hại. “Đấy không phải là lỗi tại nó mà là điều bất hạnh cho nó”. Lời nói của mẹ tôi đã khiến tôi băn khoăn vì nó. Mẹ ơi, mẹ nói cho con biết thế là phải lắm, mẹ đã làm một việc tốt khi mẹ cho con thấy từ buổi thơ ấu, những kẻ khốn khó không có tội tình gì. Lời mẹ thật là nhân đức; con phải ghi nhớ trong lòng suốt đời.
Nhưng chỉ một lần này, điều đó đã có tác dụng và tôi đã mủi lòng vì số phận của thằng bé bị nguyền rủa này. Một ngày kia, trong lúc nó đang đứng trên sân trêu con vẹt của một người đàn bà già ở chốn này, tôi chăm chú nhìn thằng Caїn đen đủi và dũng mạnh với tất cả sự ăn năn của một Abel 9 nhỏ ngoan ngoãn. Than ôi! Chính hạnh phúc đã đẻ ra những Abel. Tôi băn khoăn tìm cách làm cho thằng Alphonse hiểu rõ lòng trắc ẩn của tôi. Tôi nghĩ đến việc gửi cho nó một cái hôn nhưng khuôn mặt hung dữ của nó quả không xứng lắm và thâm tâm tôi cũng không muốn. Tôi nghĩ rất lâu xem nên cho nó cái gì; quả là tôi lúng túng vô cùng. Cho thằng Alphonse con ngựa lên dây cót, tuy đã mất cả đuôi lẫn bờm cũng là điều quá đáng. Vả lại, phải chăng cho con ngựa là biểu hiện tình thương? Cần phải có một tặng phẩm xứng đáng với hạng trẻ bị nguyền rủa này. Hay là một bông hoa? Trong phòng khách có nhiều bó hoa. Nhưng một bông hoa thì cũng như một cái hôn. Tôi không chắc là thằng Alphonse thích hoa. Trong lúc tôi phân vân, tôi nhìn khắp phòng ăn. Bất thình lình, tôi vỗ tay vui thích: Ðã nghĩ ra rồi! Trên đĩa để trong tủ đựng đồ ăn, có mấy chùm nho Fontainebleau rất tuyệt. Tôi trèo lên ghế và lấy một chùm vừa dài vừa nặng, chiếm gần ba phần tư đĩa. Quả nho xanh nhạt lại ửng màu vàng một phía, khiến người ta phải tin rằng bỏ vào miệng là nó tan ngay, ngọt lịm; tuy nhiên, tôi không hề nếm thử. Tôi chạy đi tìm một đoạn chỉ trong bàn đựng đồ may của mẹ tôi. Mẹ tôi cấm không được lấy gì ở đấy cả. Nhưng cần biết không vâng lời chứ! Tôi buộc chùm nho vào sợi chỉ, khom lưng trên thành sắt chấn song cửa sổ, gọi thằng Alphonse và thả từ từ chùm nho xuống. Ðể nhìn rõ hơn, thằng bé trời đánh ấy gạt đám tóc vàng che trước mắt và lúc chùm nho đã đến ngang tầm tay, nó giật luôn cả sợi chỉ rồi ngẩng đầu lên, thè lưỡi ra để chòng ghẹo tôi và chạy mất, vừa chạy vừa chìa đít cho tôi. Bọn trẻ bạn tôi thường không đối xử với tôi như thế. Thoạt đầu, tôi rất cáu. Nhưng sau đấy, tôi dịu đi vì nghĩ: “Mình không cho nó hoa, cũng không hôn nó, như thế là phải lắm!”.
Nỗi căm tức của tôi tan biến vì ý nghĩ đó, cho hay khi lòng tự ái được thỏa mãn, thì những điều khác không quan trọng lắm.
Tuy nhiên, tôi hết sức lo phiền lúc nghĩ đến việc phải đem câu chuyện này thú với mẹ tôi. Tôi đã lầm, mẹ tôi có mắng nhưng với thái độ vui vẻ; tôi nhìn thấy điều đó trong mắt mẹ cười.
- Phải cho cái gì là của riêng mình, không nên lấy của người khác mà cho. Và cần phải biết cách cho, - mẹ tôi nói.
- Đây là bí quyết của hạnh phúc và ít người biết thế, - cha tôi nói thêm.


VI

MARCELLE MẮT VÀNG
Hồi tôi lên năm, tôi có một ý nghĩ về cuộc đời mà từ ngày ấy tôi phải thay đổi; thật đáng tiếc vì đó là một ý nghĩ đẹp đẽ. Một ngày kia, trong lúc tôi đang vẽ nguệch ngoạc những hình người thì mẹ gọi tôi, không biết rằng như vậy là quấy rầy tôi. Các bà mẹ thường có những cái ngớ ngẩn như vậy.
Lần này, mẹ gọi tôi là để tắm rửa, chải chuốt cho tôi. Tôi cảm thấy không cần phải tắm rửa mà chỉ thấy phiền, nên tôi không chịu, tôi nhăn mặt; tôi đâm ra khó chịu tệ.
Mẹ bảo:
- Mẹ đỡ đầu của con sắp đến đấy, nếu con không chịu ăn mặc cho tươm tất thì trông sao được.
Mẹ đỡ đầu của tôi! Tôi chưa hề thấy bà. Tôi tuyệt nhiên không quen biết bà. Tôi cũng không hề biết có bà ta trên đời này. Nhưng tôi hiểu rất rõ thế nào là một bà mẹ đỡ đầu: tôi đã đọc thấy trong truyện cổ tích và nhìn được trong các hình vẽ; tôi biết rằng một bà mẹ đỡ đầu là một bà tiên.
Tôi để cho người mẹ thân yêu của tôi tha hồ chải đầu tắm rửa cho tôi. Tôi nghĩ đến bà mẹ đỡ đầu với lòng tò mò muốn được gặp mặt. Tuy hàng ngày tôi vẫn có tính hay hỏi đủ chuyện, lúc đó tôi không hỏi một chút gì đến những điều tôi khao khát muốn biết về mẹ đỡ đầu của tôi.
- Tại sao?
- Bạn hỏi tôi tại sao? A! Vì tôi không dám, vì những bà tiên, theo tôi hiểu, thích sự im lặng và bí mật; vì trong những tình cảm con người ta có một cái gì mơ hồ quý giá đến nỗi tâm hồn trong trắng nhất, do bản năng, cũng muốn cất giấu riêng; vì đối với trẻ con cũng như đối với người lớn, có những điều không nói ra được: vì tuy chưa biết, tôi đã yêu người mẹ đỡ đầu của tôi rồi.
 Tôi sắp làm các bạn phải ngạc nhiên nhưng may mà một đôi khi, sự thật lại có những điều bất ngờ làm cho nó trở nên dễ chịu. Bà mẹ đỡ đầu của tôi đẹp như tôi tưởng tượng. Nhìn thấy, tôi nhận ra ngay. Đúng là người tôi mong đợi, đúng là bà tiên của tôi. Tôi ngắm nhìn bà mẹ đỡ đầu không chút ngạc nhiên, mà mừng rỡ vô cùng. Và lần đó, kỳ dị thay, thiên nhiên đã đến ngang tầm với những giấc mơ đẹp đẽ của một đứa bé.
Bà mẹ đỡ đầu của tôi nhìn tôi: bà có đôi mắt vàng. Bà mỉm cười với tôi và tôi thấy hàm răng bà cũng nhỏ nhắn như hàm răng của tôi. Bà cất giọng nói: tiếng nói trong trẻo ngân vang như tiếng suối trong rừng. Bà hôn tôi, đôi môi mát dịu, và đến ngày nay, tôi vẫn còn cảm thấy làn môi ấy như vấn vương trên má.
Được gặp người mẹ đỡ đầu của tôi, tôi cảm thấy một sự êm ái vô ngần; mà có lẽ sự gặp gỡ ấy phải là tốt đẹp về mọi mặt nên cái kỷ niệm để lại cho tôi đến nay không vướng một chút gì có thể làm cho nó vẩn đục. Kỷ niệm đó đã trở thành một điều đơn giản sáng ngời.
Ðến nay, người mẹ đỡ đầu của tôi bao giờ cũng hiện ra trong tôi với ảnh của một người đàn bà đương đứng, hai cánh tay mở rộng và miệng hé mở để cười nụ và để hôn.
Bà mẹ đỡ đầu bế tôi lên và nói:
- Con cưng của mẹ, con để cho mẹ nhìn màu sắc của đôi mắt con.
Rồi vuốt mái tóc tôi, bà nói:
- Tóc vàng hoe nhưng rồi sẽ ngả màu nâu.
Bà tiên của tôi biết được tương lai. Tuy nhiên, những lời tiên đoán dễ dãi kia không được đúng lắm. Ngày nay, tóc tôi không vàng hoe cũng không đen.
Ngày hôm sau, mẹ đỡ đầu của tôi gửi cho tôi những đồ chơi mà theo tôi, đều là những thứ không phải làm ra cho tôi. Tôi sống với sách vở, tranh ảnh, lọ hồ và tất cả bộ đồ của một đứa bé thông minh và yếu ớt, suốt ngày ru rú một chỗ và do những đồ chơi đó, đã vỡ lòng học được ý thức về hình khối và màu sắc, nguyên nhân của mọi nỗi vui buồn trên đời này.
 Quà tặng của bà mẹ đỡ đầu tôi lại không đúng với những lề thói đó. Đây là toàn bộ dụng cụ của một đứa trẻ thể thao và tập thể dục: đu lộn, dây co, xà, tạ, nghĩa là tất cả những thứ để rèn luyện sức lực của một đứa bé và chuẩn bị cho nó có cái đẹp hùng mạnh.
Nhưng chẳng may, tôi đã quen với nếp sóng bàn giấy, với cái thú đêm khuya, dưới đèn, ngồi tẩn mẩn cắt xén những tờ giấy, với cả ý nghĩa thâm thúy của những hình vẽ; và khi tôi bỏ những trò chơi của một nghệ sĩ bẩm sinh ấy, chính là lúc tôi phải trải qua những phút điên rồ, những phút say mê phá phách để liều lĩnh lao mình vào những trò chơi không phép tắc, không nhịp điệu như chơi ăn trộm, chơi đắm tàu, chơi cháy nhà. Tất cả những dụng cụ bằng gỗ hoàng dương đánh bóng và bằng sắt đó, đối với tôi tựa hồ lạnh lẽo, nặng nề và không có linh hồn, cho đến lúc, dạy tôi cách sử dụng mẹ đỡ đầu của tôi mới làm cho chúng có được chút thú vị. Bà nâng đôi quả tạ một cách bạo dạn và vòng khuỷu tay ra đằng sau, giải thích cho tôi hiểu vì sao để xà vòng ra sau lưng và dưới cánh tay thì giúp cho ngực nở nang.
Một ngày kia, bà bế tôi vào long và hứa sẽ cho tôi một chiếc tàu thủy với đầy đủ thiết bị, có buồm và súng đại bác hai bên mạn. Bà nói về nghề đi biển không khác gì một thủy thủ lão luyện. Bà không quên nhắc đến sân tàu, lầu quan sát, dây leo cột buồm, buồm thấp buồm cao. Bà luôn luôn nhắc tới những danh từ xa lạ đó, những danh từ mà bà nói với một giọng thân thiết. Chắc chắn những danh từ ấy gợi cho bà nhiều điều lắm. Một bà tiên, tất nhiên là phải đi được trên mặt nước.
Tôi đã không nhận được chiếc tàu đó. Nhưng dầu còn ít tuổi, tôi vẫn không hề cần có những đồ vật thật mới chơi vui được, vậy mà chiếc tàu của bà tiên đã khiến tôi suy nghĩ hàng giờ. Tôi đã trông thấy nó và đến bây giờ vẫn còn thấy. Đấy không phải là một thứ đồ chơi mà là một bóng ma. Con tàu trôi lặng lẽ trên mặt biển mờ sương. Trên mạn tàu, một người đàn bà đứng lặng im, hai cánh tay buông xuôi, mắt mở to ngơ ngác.
Tôi không còn bao giờ được gặp lại bà mẹ đỡ đầu của tôi nữa.
Từ đấy, tôi mới có được một ý niệm đúng đắn về tính tình của bà.Tôi cảm thấy bà sinh ra trên đời là để làm đẹp lòng người và để yêu đương và đấy chính là công việc của bà ở trên đời này. Chao ôi! Tôi đã không lầm. Từ ngày ấy, tôi được biết bà Marcelle (tên bà mẹ đỡ đầu của tôi là Marcelle) suốt đời chỉ làm điều đó.
Phải nhiều năm về sau, tôi mới biết được ít nhiều về cuộc đời bà. Bà Marcelle và mẹ tôi quen biết nhau ở tu viện. Nhưng mẹ tôi, lớn hơn và tuổi đã quá chín chắn và quá mực thước, nên khó mà trở thành người bạn tri kỷ của bà Marcelle, người đã đi đến tình bạn với một sự nồng nhiệt khác thường, với một cái gì như si như dại. Cô nữ sinh ở ký túc xá đã khơi gợi cho Marcelle có những tình cảm thái quá nhất là con gái của một lão lái buôn, một cô gái to béo, điềm đạm, thiển cận và hay chế nhạo, Marcelle không rời cô ta một giây nào, òa lên khóc vì một lời nói, một cử chỉ của bạn, thề thốt với bạn đủ điều, luôn luôn kiếm chuyện để ghen tuông, viết cho bạn trong giờ học những bức thư dài tới hai chục trang giấy, cho đến một lúc cô con gái to béo đó bực mình quá, tuyên bố rằng cô ta đã chán ngấy thứ tình bạn đó và muốn được sống yên tĩnh.
Bà Marcelle tội nghiệp phải lìa xa bạn, lòng ê chề và rầu rĩ đến nỗi mẹ tôi trông thấy mà thương tình. Mối quan hệ bạn bè giữa hai người đã bắt đầu từ ngày đó, trước lúc mẹ tôi rời tu viện không lâu lắm. Hai người hứa sẽ năng tới thăm nhau và họ đã giữ lời hứa.
Bố bà Marcelle là người tốt nhất trên đời này, một con người rất thông minh và không bình thường. Sau hai mươi năm sống với biển cả, ông ta bỏ nghề đi biển, không hề có một lý do nào. Mọi người đều thấy ngạc nhiên. Nhưng đáng lẽ người ta chỉ nên ngạc nhiên tại sao ông ta đã ở lại với nghề trong một thời gian lâu như thế. Gia sản của ông đã không có gì mà cái đức tiêu tiền thì lại đáng chê trách.
Một ngày mưa, ngồi trong cửa sổ, ông nhìn thấy vợ và con gái đi chân đất, lúng túng với cái váy và cả dù to che mưa nắng. Lần đầu tiên, ông nhận thấy rằng vợ con không có xe đi và sự phát hiện đó làm ông rầu lòng lắm. Lập tức, ông bán hết các cổ phiếu của mình, tư trang của vợ, vay tiền bạn bè và chạy đi Bade. Vì ông ta có một nước bạc trăm phần trăm ăn chắc, ông đánh to để kiếm ngựa, xe và kẻ hầu người hạ. Sau tám ngày, ông trở về nhà không một xu dính túi và hơn bao giờ hết, vẫn tin ở nước bạc ăn người của mình.
Ông chỉ còn một mảnh đất nhỏ ở Brie để trồng dứa. Sau một năm canh tác, ông lại phải bán đất để trả tiền mua nhà kính trồng dứa. Sau đấy, ông lại lao vào việc sáng chế máy móc, thậm chí bà vợ chết cũng không được ông để ý tới. Ông đã gửi đến các bộ, các viện, hàn lâm viện và các hội bác học những chương trình và những bản trần tình. Những bản trần tình này đôi khi lại viết thành thơ. Tuy nhiên, ông cũng kiếm được ít tiền và có được đồng nào trong tay là đem đi mua mũ hết.
Mặc dù lúc bấy giờ còn là một thiếu nữ, mẹ tôi cũng không hiểu cuộc đời theo cách ấy và Marcelle đã làm cho mẹ tôi run sợ. Nhưng mẹ tôi vẫn yêu Marcelle.
Mẹ thường nói với tôi: Nếu con biết lúc bấy giờ cô Marcelle đáng yêu như thế nào?
-Mẹ ạ! Con cũng tưởng tượng ra được.
 Tuy nhiên giữa hai người đã xảy ra một sự bất hòa và nguyên nhân là một tình cảm tế nhị mà người ta không thể che giấu như người ta giấu lỗi của những người thân thiết, nhưng tôi không có nhiệm vụ phải phân tích như tất cả như tất cả những người khác có thể làm. Tôi nói tôi không có nhiệm vụ và không thể làm việc đó vì tôi chỉ có những bằng chứng hết sức mơ hồ. Lúc bấy giờ mẹ tôi đã đính hôn với một bác sĩ trẻ và cách đấy không lâu thì làm lễ thành hôn: người đó là cha tôi. Marcelle là một cô gái xinh xắn, điều đó đã được nói khá nhiều rồi. Con người của cô gợi lên tình yêu và toát ra tình yêu. Cha tôi lại trẻ. Họ đã gặp nhau và nói chuyện với nhau. Tôi còn biết thêm nữa… Mẹ tôi đã làm lễ cưới và không còn gặp lại Marcelle nữa.
Nhưng sau hai năm bị đày ải, người đàn bà đẹp có đôi mắt vàng ấy đã được tha thứ. Marcelle được tha thứ hẳn, thậm chí được mời làm mẹ đỡ đầu của tôi. Trong thời gian xa cách này, Marcelle đã lấy chồng. Tôi nghĩ rằng điều này đã góp phần rất nhiều vào việc mẹ tôi làm lành với cô ấy. Marcelle rất mực yêu chồng. Đấy là một người thấp bé, có nước da nâu, hình dáng xấu xí, làm công cho một chiếc tàu buôn từ lúc lên bảy và tôi ngờ rằng ông ta đã từng làm nghề buôn người da đen. Ông ta có dinh cơ ở Rio de Janeiro 10 , nên đưa bà mẹ đỡ đầu của tôi sang bên ấy.
Mẹ tôi thường nói với tôi:
- Con không thể hình dung chồng cô Marcelle hình thù như thế nào: một con vượn, một con khỉ mặc đồ màu vàng từ đầu đến chân. Ông ta không nói một thứ tiếng nào cả. Ông ta biết mỗi thứ tiếng một chút và diễn đạt ý nghĩ bằng la hét, bằng điệu bộ và bằng mắt. Nói cho đúng, ông ta có đôi mắt rất đẹp. - Mẹ tôi nói thêm. - Con chớ nghĩ rằng ông ta là dân sinh quán ở Ðảo, ông ta là người Pháp, sinh ở Brest và tên là Dupont.
Nhân tiện, cũng cần nói để các bạn biết rằng mẹ tôi dùng danh từ "Đảo" để chỉ tất cả những nơi không thuộc châu Âu và điều đó làm cha tôi, một người có nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc học đối chiếu bực mình vô cùng.
Mẹ tôi nói tiếp:
- Cô Marcelle yêu chồng say đắm. Lúc đầu, tới thăm họ, người ta như có cảm giác là quấy rầy họ. Cô đã sống ba hoặc bốn năm hạnh phúc. Nói hạnh phúc là vì ở đời ai có sở thích của kẻ ấy. Nhưng trong thời gian cô Marcelle về thăm Pháp... Con không nhớ vì con còn bé lắm.
- Không mẹ ơi! Con nhớ rõ lắm.
- Thế thì, trong dịp đó, cái anh chồng có nước da nâu kia ở lại trên Đảo đã bị tiêm nhiễm những thói xấu kinh khủng: hắn ta chè chén bê tha ở các quán rượu của thủy thủ với bọn gái điếm. Kết quả là bị một nhát đao. Vừa được tin, cô Marcelle vội đáp tàu thủy sang. Cô dốc hết nhiệt tình để chăm sóc chồng. Nhưng anh ta thổ ra huyết và chết.
- Cô Marcelle không trở lại nước Pháp? Mẹ ơi, tại sao con không còn được gặp bà mẹ đỡ đầu của con nữa?
Nghe hỏi thế, mẹ tôi trả lời một cách lúng túng:
- Sống góa bụa ở Rio de Janeiro, bà ta đã dan díu với những sĩ quan hải quân làm hại đến danh tiết của bà. Nhưng con ạ, không nên cho rằng Marcelle là người xấu. Đây là một người đàn bà ngoại lệ, mà hành vi không giống như những người khác. Có điều vì thế mà khó lòng gặp Marcelle ở nhà mình.
- Mẹ ơi, con không nghĩ rằng bà Marcelle là người xấu, con chỉ xin mẹ nói cho con biết bây giờ bà ra sao.
- Con ạ, một viên đại úy hải quân yêu bà ta và điều tất nhiên là đã làm bà ta bị tai tiếng vì quyến rũ được một người đàn bà đẹp như thế làm hả lòng hiếu thắng của ông ta. Mẹ không nói tên con người ấy vì bây giờ đây, ông ta là một phó thủy sư đô đốc và con đã nhiều lần ăn tiệc với ông ta.
- Sao! Chính là ông V…, cái ông to béo da hung hung đỏ ấy à? Thế thì ông đô đốc ấy chính là người đã thường kể những câu chuyện thú vị về phụ nữ sau mỗi bữa tiệc.
- Marcelle yêu ông ta say đắm, theo ông ta đi khắp mọi nơi. Con hiểu là mẹ không rõ câu chuyện đó lắm. Nhưng câu chuyện đã kết thúc một cách thảm thương. Hai người cùng sống ở Mỹ nhưng mẹ không nhớ rõ chỗ nào, vì tính mẹ không thích nhớ tên các địa phương. Do chán Marcelle, ông ta đã kiếm cớ bỏ rơi bà ta, rồi trở về Pháp. Trong lúc Marcelle đang chờ đợi ở mãi bên kia châu Mỹ thì một tờ báo nhỏ ở Pháp đưa tin cho biết là ông ta đi xem kịch với một con hát. Không thể chịu nhịn được và mặc dầu bị sốt, Marcelle đã xuống tàu về châu Âu. Ðó là chuyến đi cuối cùng của bà ta. Marcelle đã chết trên tàu và con ơi, người ta đã liệm bà mẹ đỡ đầu của con trong một chiếc chăn và ném xuống biển.
Đấy là những điều mà mẹ tôi đã kể. Tôi không còn biết gì hơn. Nhưng mỗi bận bầu trời nhuộm một màu xám nhạt êm dịu và gió đưa vọng lại những lời ai oán nhẹ nhàng thì tâm trí tôi lại nghĩ đến bà Marcelle và tôi nói với vong linh người:
- Hỡi tâm hồn đau khổ đáng thương lênh đênh trên biển cả muôn đời đã ru ngủ những mối tình đầu của trái đất, hỡi linh hồn thân yêu, hỡi người mẹ đỡ đầu và bà tiên của con, hãy nhận lời cảm tạ của người yêu trung thành nhất, có lẽ giờ đây chỉ còn một mình nhớ tới người. Con cảm tạ người vì cái thiên tư mà người đã ban cho con khi người cúi xuống trên nôi của con; con cảm tạ người đã làm cho con biết được lần đầu khi trí óc của con mới biết suy nghĩ, những đau khổ tuyệt diệu dành cho những tâm hồn khát khao mỹ cảm; con cảm tạ người, con, một đứa con mà người đã bồng lên khỏi mặt đất để xem sắc của màu mắt. Người con ấy đã được biết hạnh phúc và, có thể nói, là người bạn tốt nhất của người. Chính người đã cho con nhiều hơn cả, hỡi người đàn bà hào phóng vì với hai cánh tay, người đã mở rộng cho con cả cái thế giới của mộng ảo!


VII

GHI CHÉP VÀO LÚC BÌNH MINH
Đây là mùa gặt của một đêm đông; lượm kỷ niệm đầu tiên của tôi. Phải chăng tôi sẽ tung cho gió cuốn đi? Hay nên buộc lại và đem cất vào kho? Tôi nghĩ rằng đây sẽ là thứ đồ ăn tốt cho tinh thần.
Ông Littré, con người ưu tú và thông thái bậc nhất trên đời này, mong muốn mỗi gia đình đều có tủ lưu trữ văn thư và quyển sử tinh thần riêng. Ông nói: “Từ lúc mà một nền triết học tốt đẹp đã dạy cho tôi biết đánh giá cao truyền thống và sự bảo tồn, nhiều lần tôi rất tiếc là ở thời Trung cổ, có những gia đình trung lưu đã không nghĩ đến việc đóng những quyển sách nho nhỏ ghi chép lại những sự kiện chính trong đời sống gia tộc và lưu truyền cho nhau chừng nào gia đình còn tồn tại. Dầu sơ sài đến đâu đi nữa, nếu còn lại đến ngày nay, những điều ghi chép đó sẽ có biết bao điều lý thú. Đã mất đi biết bao tri thức và kinh nghiệm đáng lẽ còn được lưu lại, nếu người ta thận trọng và chịu khó một chút thôi!”
Và đây, về phần tôi, tôi sẽ thực hiện ý nguyện của của lão hiền giả đó. Những điều ghi chép hôm nay sẽ được giữ lại, và nó sẽ mở đầu cho quyển gia phả của nhà họ Nozière. Chúng ta đừng bỏ mất một chút gì của quá khứ. Có quá khứ ta mới xây dựng được tương lai.
--------------------------------
1
Một cảnh trong tiểu thuyết Paul và Virginie của Jacques-Henri Bernardin de Saint Pierre (1737-1814), tiểu thuyết gia Pháp. (Tất cả những chú thích trong tập này đều là của người dịch)
2
Khải hoàn môn (Arc de Triomphe) ở quảng trường Champs- Elysées, một công trình kiến trúc lớn của thành phố Paris.
3
Secrétaire vừa có nghĩa là bí thư vừa có nghĩa là bàn giấy.
4
Faire une emplette aux Deux Magots:Mua gì đó ở (cửa hàng) Hai Ông Phỗng cũng có thể hiểu mua cho hai ông phỗng.
5
Chỉ các con vua nước Anh Édouard IV: tức Édouard V (1470-1443), nối ngôi chỉ được vài tháng và người em trai bị chú là Richard de Gloucester sát hại trong tháp Luân Đôn (N.D)
6
Tàu Méduse (con sứa) bị đắm ngày 2-7-1816.
7
Mũ nhà binh có một túm lông cắm ở trên.
8
Bonjour (Ngày tốt) ngụ ý chúc một ngày tốt đẹp. Lộng ngữ trong câu này rất khó dịch.
9
Theo quyển đầu của Cựu ước, hai vợ chồng Adam và Eva là thủy tổ của loài người. Con trai của hai người là Caїn một hôm cùng em trai là Abel đem lễ vật dâng lên Chúa trời. Chúa ưng lễ vật của Abel hơn khiến Caїn tức tối và giết em. Chúa nguyền rủa Caїn, đày y phải sống lang thang và lúc nào cũng vẳng nghe câu hỏi: “Caїn kia, mi đã làm gì em trai mi?”
Rio de Janeiro: thủ đô Brazin.
NHỮNG TÌNH DUYÊN MỚI


I

NƠI ẨN DẬT Ở VƯỜN BÁCH THẢO
Tôi chưa biết đọc, còn mặc quần xẻ đũng, và còn khóc mỗi lúc người vú lau mũi cho tôi, vậy mà tôi đã bị giày vò vì lòng tham danh vọng. Sự thật là như vậy; ở tuổi còn măng sữa, tôi đã nuôi ước vọng được nhanh chóng nổi tiếng và sống mãi trong trí nhớ của người đời. Vừa dàn những tên lính bằng chì trên mặt bàn ở phòng ăn, tôi vừa tìm mọi cách để thực hiện mục đích đó. Nếu có thể tôi đã xông ra chiến trường để được lưu danh thiên cổ, giống như một vài ông tướng, tôi đang vung vẩy trong hai bàn tay nhỏ và ban phát rủi may chiến trận cho họ trên tấm vải sơn.
 Song không phải tự tôi mà có được một con ngựa, một bộ binh phục, một trung đoàn và những kẻ địch, nghĩa là tất cả những điều cần thiết cho vinh quang võ công. Do đấy tôi nghĩ đến việc trở thành một ông thánh. Ðiều đó đòi hỏi ít sự chuẩn bị hơn và mang lại khá nhiều tiếng khen. Mẹ tôi vốn giàu lòng mộ đạo. Lòng mộ đạo ấy - cũng như con người của mẹ, vừa dễ yêu lại vừa trang nghiêm - đã làm tôi cảm kích. Mẹ thường đọc cho tôi nghe quyển Đời các Thánh và tôi lắng nghe một cách thích thú, lòng đầy ngạc nhiên và mến thương. Nhờ vậy mà tôi biết đồ đệ của Chúa đã làm thế nào để đời họ đáng quý và đầy công trạng. Tôi đã biết những bông hồng của kẻ tuấn kiệt ngào ngạt hương trời biết bao. Nhưng tử vì đạo là một hành động cực đoan tôi không nghĩ đến. Tôi cũng không nghĩ đến việc truyền giáo và thuyết pháp, không hợp với khả năng của tôi. Tôi chủ trương khổ hạnh, điều ấy dễ dàng và chắc chắn.
Ðể thực hiện ngay điều đó, tôi không chịu ăn sáng. Mẹ tôi không biết gì về tín ngưỡng mới của tôi lại tưởng tôi bị ốm và nhìn tôi một cách lo lắng khiến tôi phiền lòng. Tôi vẫn cứ nhịn ăn. Rồi nhớ lại chuyện thánh Siméon stylite sống trên một cái cột, tôi trèo lên vòi nước của nhà bếp; nhưng tôi không thể sống được ở đây vì Julie, chị người hầu, đã tống cổ tôi đi ngay. Ở vòi nước xuống, tôi lại hăng hái đi vào con đường tu hành đắc đạo, kiên quyết bắt chước thánh Nicolas de Patras phân phát của cải cho người nghèo. Cửa sổ phòng làm việc của cha mẹ tôi trông ra đường bờ sông. Từ cửa sổ đó, tôi ném luôn cả một lúc mười hai đồng xu người ta cho tôi vì chúng còn mới toanh, và sau đấy, tôi ném luôn cả mấy hòn bi, con quay, con cù và cái roi bằng da lươn.
- Thằng bé này thật là ngu ngốc, - vừa đóng cửa sổ, cha tôi vừa kêu lên.
Tôi cảm thấy giận dữ và hổ thẹn vì bị đối xử như thế. Nhưng tôi cho rằng cha tôi không phải là thánh như tôi nên sẽ không được hưởng vinh quang của những vị chân phúc thành nhân, và ý nghĩ đó đã an ủi tôi rất nhiều.
Lúc đến giờ đi chơi, người nhà đội mũ cho tôi thì tôi liền nhổ chiếc lông chim trên mũ vì muốn bắt chước thánh Labre lúc được người ta cho một chiếc mũ cũ kỹ và cáu ghét, đã cẩn thận đem dìm nó vào trong bùn trước lúc đội. Biết câu chuyện phân phát của và nhổ lông trên mũ, mẹ tôi nhún vai và thở dài. Quả là tôi đã làm cho mẹ buồn phiền.
Trong lúc dạo chơi, tôi không ngước mắt nhìn lên để khỏi bận trí vì những vật xung quanh, theo đúng như lời dặn trong cuốn Ðời các Thánh.
 Sau cuộc đi chơi bổ ích này, để đắc đạo hoàn toàn, tôi đã tự chế cho mình một thứ áo khổ hạnh của kẻ chân tu bằng cách độn vào sau lưng áo cái lông cứng lấy ở nệm một chiếc ghế cũ. Do đó, tôi lại gặp thêm những rắc rối mới vì chị Julie bắt được quả tang lúc tôi đang bắt chước mấy người đồ đệ thánh François. Chỉ nhìn bề ngoài mà không chú ý đến tinh thần của sự việc, thấy tôi làm thủng nệm ghế, chị Julie phết vào đít tôi mà không đắn đo gì cả.
Nghĩ đến những chuyện rắc rối đáng buồn trong ngày, tôi nhận thấy thật là khó mà tu hành đắc đạo được trong gia đình. Tôi hiểu vì sao các thánh Antoine và Jérôme đã vào sống ở sa mạc, giữa lũ sư tử và những thú dữ khác, tôi quyết định từ ngày mai, sẽ đi ẩn dật ở một nơi vắng vẻ. Tôi đã chọn một nơi rậm rạp của vườn Bách thảo để làm nơi xa lánh cõi đời.Tôi định sẽ sống ở đấy trong cảnh trầm tư mặc tưởng, lấy lá cọ làm áo quần như thánh Paul l’Ermite. Tôi tự nghĩ: “Ở trong vườn chắc sẽ có rễ cây để ăn. Người ta thấy có một cái lều trên đỉnh núi. Tôi sẽ sống giữa muôn vật của tạo hóa. Con sư tử đã lấy móng đào mộ cho nữ thánh Marie người Ai Cập chắc chắn sẽ tìm đến tôi để chôn cất cho một vị ẩn sĩ nào đó quanh vùng. Như thánh Antoine, tôi sẽ được thấy giống người có chân dê và giống ngựa có thân người. Và có thể các thiên thần sẽ hát những bài thánh ca trong khi đưa tôi bay bổng lên cao”.
Ý định của tôi sẽ không có gì lạ lùng nếu người ta biết rằng từ lâu vườn Bách thảo là đất thánh của tôi, ít nhiều giống với một Thiên đường trên trần gian như tôi đã được nhìn thấy trong quyển Kinh thánh cũ bằng tranh của tôi. Chị người hầu thường dắt tôi tới vườn Bách thảo và ở đấy tôi cảm thấy một sảng khoái thần thánh. Dường như đối với tôi, trời cao linh thiêng và trong trẻo hơn, và trong những đám mây bay qua trên chuồng vẹt, chuồng hổ, sân nuôi gấu và nhà nuôi voi, tôi lờ mờ thấy Thượng đế với chòm râu trắng và mặc áo xanh giơ tay ban phúc cho tôi cùng với những con sơn dương và ngựa vằn, thỏ và chim bồ câu, và lúc tôi ngồi dưới bóng cây ba hương của xứ Libăng, tôi thấy tỏa xuống trên đầu tôi qua các nhành cây, những tia sáng mà Đấng cha vĩnh hằng để thoát ra từ các ngón tay người. Những con vật ăn trên tay tôi và nhìn tôi dịu dàng gợi lại những điều mẹ tôi đã dạy cho tôi về Adam và những ngày tạo thiên lập địa. Cả tạo vật tập hợp ở chốn này như ngày xưa trong chiếc nhà bềnh bồng của vị lão trượng ngời lên trong mắt tôi, đầy vẻ đẹp ngây thơ. Không một cái gì làm hư hỏng Thiên đường của tôi. Tôi không cho là chướng khi thấy ở đây có những chị người hầu, những quân nhân và người bán dưa. Trái lại, tôi còn thấy sung sướng được gần gũi những con người nghèo hèn bé nhỏ mà tôi là kẻ bé nhỏ nhất. Lúc ấy, tôi thấy cái gì cũng rõ ràng đáng yêu và tốt lành, vì với sự trong trắng ngây thơ cao độ ngự trị trong người, tôi quy hết mọi việc theo lý tưởng non trẻ của tôi.
Tôi ngủ thiếp đi với ý định sẽ tới sống giữa khu vườn đó để đạt được những công trạng và trở thành người ngang hàng với các vị đại thánh mà tôi đã được đọc tiểu sử hoa mỹ.
Sáng ngày hôm sau, quyết tâm của tôi vẫn còn được giữ vững như thường Tôi đem thổ lộ với mẹ tôi. Mẹ tôi phá lên cười:
- Ai đã cho con cái ý nghĩ làm ẩn sĩ ở khóm cây um tùm vườn Bách thảo kia? - Vừa nói, mẹ vừa chải đầu cho tôi và vẫn tiếp tục cười.
Tôi trả lời:
 - Con muốn được nổi danh và ghi lên danh thiếp: “Ẩn sĩ và Thánh nhân của niên lịch” như bố thường ghi lên thiếp của bố: “Được giải thưởng của Viện Hàn lâm Y học và thư ký Hội Chủng tộc học”.
Nghe đến đây, mẹ tôi đánh rơi chiếc lược đang chải trên đầu tôi và kêu lên:
- Pierre! Pierre! Điên quá và tội quá. Khổ thân tôi! Thằng bé này đã mất trí ở cái tuổi mà con người chưa có trí khôn.
Rồi quay lại phía bố tôi, mẹ tôi nói tiếp:
- Đấy, ông nghe chưa, mới bảy tuổi đầu mà đã muốn nổi danh.
- Rồi bà xem, - bố tôi trả lời, - đến hai mươi tuổi, nó sẽ chán ngấy danh vọng.
- Cầu trời cho như vậy, - mẹ nói tiếp, - tôi không thích những đầu óc hám danh.
Quả thật Thượng đế đã muốn thế và bố tôi đã không nhầm. Như vua xứ Yvetot 1 , tôi sống thoải mái không cần đến danh vọng và cũng không hề tơ tưởng đến việc khắc cái tên Pierre Nozière vào trí nhớ của mọi người.
Tuy nhiên, ngày nay, mỗi lần dạo chơi trong vườn Bách thảo, giữa khung cảnh quạnh hiu và cô tịch này, ôn lại chuỗi kỷ niệm xa xăm, không hiểu sao tôi lại muốn kể cho những người bạn không quen biết nghe điều ước mơ ngày xưa của tôi được sống cuộc đời ẩn dật ở đó, tựa hồ chút ước mơ đó của một đứa bé đem pha lẫn với những ý nghĩ của người khác có thể làm nảy ra một nụ cười êm dịu.
Với tôi, còn một vấn đề nữa là không biết hồi lên sáu, tôi đã từ bỏ ý định sống cuộc đời của một quân nhân như vậy có đúng hay không; vì sự thực, từ ngày ấy đến nay, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm quân nhân. Tôi cũng hơi tiếc. Trong quân đội có một phẩm cách sống lớn lao. Bổn phận ở trong quân đội là rõ ràng và có tính cách xác định hơn là không phải lấy lý lẽ mà xác định bổn phận. Người nào có thể lý giải những hành vi của mình sẽ nhanh chóng thấy rằng trong những hành vi của mình, ít cái là trong trắng. Cần phải trở thành một tu sĩ hay một người lính để khỏi bị nỗi nghi ngờ dằn vặt.
Còn ước mơ làm một ẩn sĩ, tôi vẫn nhen nhóm trong lòng mỗi lần tôi cảm thấy bản chất cuộc đời quả thật là xấu xa, nghĩa là ngày nào tôi cũng sống với cái ước mơ đó. Nhưng ngày nào ông tạo hóa cũng béo tai tôi, đưa tôi trở về với những thú vui của cuộc sống tầm thường.


II

BỐ LE BEAU
Trong tập Hồi ký của Henri Heine 2 , người ta thấy những mẫu nhân vật mà tính hiện thực như đập vào mắt, nhưng đồng thời lại bao trùm trong một chất thơ. Chẳng hạn đoạn tả chân dung Simon de Geldern, chú của thi sĩ Henri Heine viết: “Đó là một người độc đáo, bề ngoài hết sức hèn mọn lại hết sức kỳ dị, vẻ người điềm đạm, khuôn mặt xanh nhợt và nghiêm nghị, mũi thẳng như mũi người Hy Lạp, tuy chắc chắn là dài hơn cái mũi thông thường của người Hy Lạp đến một phần ba... Ông đi đâu cũng mặc những kiểu quần áo đã lỗi thời, quần cụt, tất lụa trắng, giày dây thắt vòng và theo thói quen cũ, một đuôi sam khá dài. Lúc con người thấp bé đó đi lách chách từng bước nhỏ qua đường phố, cái đuôi sam nhảy từ vai này sang vai kia, tung tăng đủ kiểu và dường như nấp sau lưng ông chủ để giễu ông”.
Con người đó có một tâm hồn hết sức cao thượng và chiếc áo rơđanhgốt có đuôi giống như đuôi chim chìa vôi đã bao lấy tấm thân của nhà hiệp sĩ cuối cùng. Tuy nhiên, nhà hiệp sĩ đó lại không phải là một hiệp sĩ lãng du 3 . Ông sống ở ngôi nhà bé nhỏ tại Düsseldorf Chiếc thuyền Noé. Ngôi nhà bé nhỏ được cha ông để lại đã mang tên như thế vì trên ngôi nhà này, người ta thấy hình chiếc thuyền Noé được chạm trổ một cách khéo léo và quét sơn sặc sỡ. Ở đó, ông có thể miệt mài dán mình vào mọi hứng thú, mọi trò trẻ con bác học, vào tật nghiền sách và hùng hục viết văn, chủ yếu là cho “các tờ báo chính trị và các tạp chí vô danh”.
Nhiệt tình vì lợi ích chung đã thúc đẩy Simon de Geldern cầm bút viết. Geldern vất vả nhiều trong công việc đó. Chỉ việc suy nghĩ cũng đã đòi hỏi ông ta cố gắng kiệt lực. Ông sử dụng một thể văn cũ cứng nhắc mà người ta đã dạy ông ở các trường thầy dòng.
“Chính là ông chú đó”, như lời Henri Heine nói với chúng ta, “đã có ảnh hưởng lớn đến sự bồi dưỡng tâm trí tôi, và về điểm đó, tôi có hàm ơn chú tôi vô cùng. Mặc dù cách nhìn của chúng tôi rất khác nhau, những mơ ước về văn nghiệp của chú tôi, dù là đáng thương hại có lẽ đã góp phần nhen nhóm ở trong tôi hoài bão muốn viết văn”.
Diện mạo ông già Geldern nhắc tôi nhớ tới một diện mạo khác mờ nhạt và không có gì quyến rũ, chỉ tồn tại trong ký ức riêng của tôi. Nói thực, tôi sẽ không bao giờ làm nổi một trong những chân dung vừa quái dị vừa hiện thực mà Rembrandt và Heine có được bí quyết. Thật đáng tiếc! Nguyên mẫu đáng có một họa sĩ tinh thông.
Phải, tôi cũng có ông Simon de Geldern của tôi để gây cho tôi từ tuổi thơ ấu lòng yêu những sản phẩm tinh thần và lòng ham mê viết văn. Ông tên là Le Beau 4 . Có lẽ vì ông mà từ năm mười lăm tuổi tôi đã biết bôi bác lên giấy những ước mơ của tôi. Không biết tôi có thể cảm ơn ông về điều đó không. Vì sao ông đã gây cho học trò của ông một cái tật vô hại như tật của ông.
Tật của ông là làm những mục lục. Ông làm mục lục, làm mục lục, làm mục lục. Tôi thán phục ông và, lên mười thôi, tôi thấy làm những mục lục đẹp hơn là thắng các trận. Từ đấy đến nay, trí phán đoán của tôi tuy có ít nhiều giảm sút nhưng, về căn bản, tôi đã không thay đổi ý kiến như người ta có thể nghĩ. Bố Le Beau, như người ta vẫn gọi ông, đối với tôi vẫn đáng được ngợi khen và đáng được thèm ước, và, nếu có khi tôi mỉm cười nghĩ tới ông bạn già ấy, niềm vui của tôi là toàn âu yếm và toàn cảm động.
Bố Le Beau đã rất già khi tôi còn đang rất trẻ; điều đó cho phép chúng tôi rất hợp ý nhau.
Mọi cái ở ông đều gây cho tôi một sự tò mò tin cẩn. Đôi kính xỏ vào đầu cái mũi to tròn của ông, bộ mặt hồng hào đầy đặn, chiếc áo gilê vải hoa, cái áo khoác bông lớn của ông mà các túi toang hoác đầy căng sách cũ, toàn thân ông toát ra một vẻ hiền lành với chút ít điên điên. Ông đội chiếc mũ thấp rộng vành, quanh đó tóc bạc của ông xoắn xuýt như cây kim ngân quấn vào lan can các sân thượng. Mọi lời ông nói đều giản dị, ngắn gọn, phong phú, đầy hình ảnh như một câu chuyện cổ tích kể cho trẻ em. Tính ông vốn hồn nhiên như một đứa trẻ và mọi việc của ông làm tuy không cố ý nhưng vẫn gây hứng thú cho tôi. Vốn là bạn thân của bố mẹ tôi và thấy tôi là một đứa trẻ thông minh và ít nghịch ngợm, ông thường khuyến khích tôi tới chơi nhà ông, một ngôi nhà từ trước tới nay chỉ có chuột tới thăm.
Đấy là một ngôi nhà cũ kỹ nằm bên một con phố chật hẹp gồ ghề dẫn tới vườn Bách thảo, nơi đây, hồi bấy giờ, tôi cứ nghĩ là chỗ tập trung của tất cả những người làm nút chai và thợ đóng thùng của Paris. Ở đây nồng nặc mùi dê và gỗ thùng làm tôi suốt đời không thể quên được. Đi qua một cái sân nhỏ của vị mục sư có bà nữ bộc già Nanon dắt tôi bước lên mấy bậc thang và đi vào một căn nhà hết sức kỳ dị. Trong phòng đợi, kẻ đón tiếp các bạn là những xác ướp xếp thành hàng dài, có một xác ướp nằm trong cái bao nạm vàng, có cái chỉ còn mảnh vải đen thui bọc chút thân thể khô đét; sau hết, một cái được gỡ ra khỏi các dải thắt, đứng nhìn với đôi mắt men sứ và nhe hàm răng trắng. Còn cầu thang cũng không kém phần kinh khủng: nào là xích xiềng, nào là khóa ngục to hơn cả cánh tay treo lủng lẳng trên tường.
Ông Le Beau còn có đủ gan để thêm vào bộ vật sưu tầm một cái giá treo cổ đã cũ cũng như chàng Bouvard thuở nọ. Nhưng ít ra ông còn có cả chiếc thang của Latude 5 và một tá những quả lê đắng 6 ra tuồng nữa. Bốn căn phòng của nhà ông, cái nào cũng giống cái nào, sách vở chồng chất đến trần nhà và phủ đầy các giá sách với bản đồ, huy chương, binh giáp, cờ tranh ám khói và những mảnh què quặt còn lại của các tấm chạm trổ bằng gỗ hay bằng đá. Trên một cái bàn khấp khểnh và một cái tủ mục, có những núi đồ sứ vẽ hình.
Bất cứ một cái gì có thể treo được đều treo trên tường ở tư thế thảm hại. Trong cái phòng bảo tàng hỗn độn đó, mọi vật đều giống nhau, dưới một lớp bụi và dương như chỉ được giữ gìn niêm phong bằng rất nhiều mạng nhện.
Ông Le Beau bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quan điểm của ông, ông cấm bà Nanon không được quét nhà. Điều kỳ lạ là tất cả trong cái đống hỗn mang đó đều có một bộ mặt hoặc buồn rầu hoặc tinh nghịch và nhìn bạn một cách hung dữ. Tôi tưởng chừng nó là cả một lũ ma quỷ ranh mãnh.
Ông Le Beau thường ở trong phòng ngủ, tuy cũng bề bộn như các phòng khác nhưng ít bụi hơn vì người nữ bộc già được phép đưa phất trần và chổi vào quét ở đây. Một chiếc bàn dài trên để ngổn ngang những mảnh bìa cứng, chiếm mất nửa căn phòng.
Người bạn già của tôi mặc áo dài nội thất thêu cành lá, đội chiếc mũ ngủ, ngồi làm việc ở bên bàn đó với tất cả sự thích thú của một tâm hồn bình dị. Ông đang làm mục lục, còn tôi thì mở to đôi mắt, nín thở đứng ngắm nghía. Chủ yếu ông kê mục lục các sách và huy chương. Ông dùng một chiếc kính lúp và ghi lên các mảnh giấy nhỏ những dòng chữ li ti đều đặn. Tôi không thể tưởng tượng được rằng con người ta có thể có một công việc nào khác đẹp hơn. Tôi đã lầm. Đến một ngày kia, có một nhà in nhận in cho ông cụ bản mục lục đó, và bây giờ là lúc ông đang chữa các bản in thử. Ông ghi những ký hiệu bí mật bên lề các bản dập thử. Bỗng chốc tôi hiểu đây là công việc đẹp nhất trên đời và tôi đứng ngẩn người ra vì kính phục.
Dần dần tôi càng mạnh dạn hơn và tự hứa một ngày kia tôi cũng có những bản in thử như vậy để chữa. Lời hứa đó không được thực hiện. Nhưng tôi không thấy tiếc lắm vì giao thiệp với một nhà văn quen thân, tôi đã nhận ra rằng rồi người ta cũng chán ngấy tất cả, kể cả việc sửa chữa những bản in thử. Dù sao, người bạn già đó đã xác định thiên hướng của tôi. Bằng cách bày biện căn phòng không theo một lối thông thường, ông làm cho tâm trí trẻ thơ của tôi quen với những hình thức cũ kỹ độc đáo, hướng tâm trí tôi quay về quá khứ và gợi cho tôi những hiếu kỳ khéo léo, nêu tấm gương lao động trí óc đều đặn được thực hiện một cách thoải mái nhẹ nhàng, ông đã luyện cho tôi tính ham thích cần cù học tập. Chính nhờ ông mà trong đời tư, tôi đã trở thành một tay ngốn rất nhiều sách, một người chú giải nhiệt thành các bản văn cổ và mải mê viết những tập hồi ký không bao giờ được in.
Năm tôi mười hai tuổi, ông già đáng yêu và đặc biệt đó đã chết một cách nhẹ nhàng. Bản mục lục của ông như các bạn biết, vẫn cứ là bản dập thử mà không được in. Nanon đem bán những xác ướp và mọi thứ còn lại cho người mua đồ cũ và đến nay những kỷ niệm đó đã già hơn một phần tư thế kỷ rồi.
Tuần trước, tôi thấy trưng bày ở Viện Drouot một trong những mô hình ngục Bastille thu nhỏ mà năm 1789 Palloy đã chạm bằng những đá tảng của nhà ngục bị phá và đem bán cho các hội đồng thành phố và các công dân chỉ lấy đủ tiền công. Tác phẩm này không hiếm lắm và cầm tay thì cũng bất tiện. Tuy nhiên tôi ngắm nó với sự tò mò của bản năng và hơi cảm động lúc đọc mấy dòng chữ đã gần mờ hẳn dưới một cái tháp của mô hình: Nguyên ở thư phòng ông Le Beau.


III

BÀ NỘI NOZIÈRE
Sáng hôm đó, bố tôi có vẻ mặt thảng thốt. Mẹ tôi bận rộn, giọng nói rất khẽ. Trong phòng ăn, một cô thợ may đang may những quần áo đen.
Bữa ăn sáng buồn bã, mọi người chỉ thì thầm nói chuyện với nhau. Tôi cảm thấy có chuyện gì đã xảy ra.
Cuối cùng, mẹ tôi mặc toàn đồ đen và che mạng đen, nói:
- Đi, con.
Tôi hỏi mẹ tôi đi đâu thì mẹ đáp:
- Pierre, nghe mẹ nói đây, bà nội Nozière của con tức là mẹ của bố con vừa mất đêm qua… Mẹ con ta tới vĩnh biệt và hôn bà một lần cuối cùng.
Tôi thấy mẹ tôi đã khóc, còn tôi, tôi cảm thấy bị xúc động rất mạnh, nhưng nó quá mơ hồ nên tôi không thể diễn đạt thành lời được. Tôi cũng không thể nói được rằng đây là một ấn tượng buồn. Ít nhất cái buồn ở đây chẳng có gì là gay gắt. Có lẽ chỉ có một từ ngữ lãng mạn, có thể giải thích được ít nhiều cái ấn tượng quá là không có mảy may thực tế.
Dọc đường, tôi nghĩ đến bà tôi, nhưng không hình dung được điều gì đã xảy đến với bà. Chết, tôi không thể tưởng tượng được điều đó đã xảy ra như thế nào. Tôi chỉ cảm thấy giờ phút đó thật là nghiêm trọng.
Do một sự linh cảm có thể giải thích được, lúc tới gần nhà bà tôi, tôi cảm thấy mọi vật xung quanh đường chịu ảnh hưởng cái chết của bà tôi, sự yên tĩnh lúc ban mai trên các đường phố, tiếng những người láng giềng gọi nhau, bước chân vội vã của khách bộ hành và tiếng búa của người thợ bịt móng ngựa đều do một nguyên nhân cái chết của bà tôi. Tôi đã đem vẻ đẹp của cây cối, sự dịu mát của không khí và bầu trời trong sáng lần đầu tiên tôi nhận thấy, gắn với ý nghĩ đó, một ý nghĩ đang xâm chiếm đầu óc tôi.
Tôi cảm thấy mình đang đi trên một con đường huyền bí và đến chỗ ngoặt của góc phố, chợt thấy một khoảng vườn nhỏ và tòa nhà quen thuộc, tôi như thất vọng chẳng thấy có gì kỳ lạ. Chim đang ca hót. Tôi đâm sợ và nhìn mẹ tôi. Mắt mẹ đăm đăm với một vẻ sợ hãi kính cẩn, nhìn vào một điểm mà đến lượt mình, tôi cũng đưa mắt nhìn theo.
Qua khung cửa kính và những bức rèm trắng trong phòng bà tôi, tôi thấy một thứ ánh sáng yếu ớt, mờ nhạt và leo lắt. Trong ánh sáng chói lòa ban ngày, ánh sáng đó ảm đạm quá khiến tôi phải cúi đầu để khỏi nhìn thấy nó.
Chúng tôi bước lên một cầu thang gỗ nhỏ, đi qua căn phòng chìm trong im lặng mênh mông. Lúc mẹ tôi đưa tay để mở cửa, tôi muốn giữ tay mẹ lại. Chúng tôi bước vào. Một nữ tu sĩ ngồi trong ghế bành đứng dậy và chỉ cho chúng tôi ngồi xuống đầu giường. Bà tôi nằm đó, mắt nhắm nghiền.
Hình như đầu bà tôi trở nên nặng hơn, nặng như hòn đá, làm lõm cả gối… Tôi nhìn bà tôi mới rõ làm sao. Một chiếc mũ trắng che kín tóc, bà tôi dường như trẻ hơn ngày thường, tuy da dẻ đã mất khí sắc.
Ờ nhỉ, bà tôi không có dáng đang ngủ chút nào! Nhưng do đâu bà có được nụ cười tinh quái và bướng bỉnh khiến tôi thấy mà rầu lòng?
Tôi thấy như mi mắt của bà tôi hơi mấp máy, hẳn là vì ánh sáng chập chờn của hai ngọn nến thắp trên bàn, bên cạnh chiếc đĩa có cành hoàng dương nhúng vào bát nước thánh.
- Con hôn bà đi, - mẹ tôi bảo.
Tôi ghé môi lại gần, tôi cảm thấy một cái lạnh không rõ tên và sẽ chẳng bao giờ có tên cả.
Tôi cúi nhìn xuống và nghe thấy mẹ tôi thổn thức.
Quả thật tôi không biết mình sẽ ra sao nếu chị người hầu của bà tôi không dắt tôi ra khỏi phòng.
Chị cầm tay tôi, đưa tôi đến một cửa hàng bán đồ chơi và nói:
- Em chọn đi.
Tôi chọn một cái nỏ và thích thú bắn những hạt đậu vào lá cây.
Tôi đã quên bà tôi.
Chỉ đến buổi chiều, gặp lại bố, tôi mới nhớ lại những ý nghĩ lúc sáng. Người cha tội nghiệp của tôi trông không nhận ra được nữa. Mặt cha tôi như sưng phù ra, sáng bóng và đỏ bừng, mắt đầm đìa, môi run run.
Ai bảo gì, cha tôi cũng không nghe ra và từ phiền muộn trở thành bồn chồn. Ngồi bên cha, mẹ tôi viết địa chỉ lên những thư viền đen. Có những thân nhân đến giúp mẹ. Người ta chỉ cho tôi cách gấp thư. Một chục người chúng tôi ngồi quanh một cái bàn lớn. Trời nóng. Tôi làm một công việc mới; cái đó khiến tôi trở nên quan trọng và làm tôi thích thú.
Đối với tôi, sau khi mất, bà tôi đã sống một cuộc đời thứ hai đặc sắc hơn cuộc đời thứ nhất. Tôi nhớ lại với một sức mạnh không thể tưởng tất cả những gì tôi đã thấy bà làm hay nghe bà nói xưa kia, và hàng ngày cha tôi kể về bà những chuyện làm cho bà trở thành sống động, thậm chí có khi, buổi tối, sau bữa ăn, chúng tôi hầu như đã thấy bà bẻ bánh ra cho chúng tôi. Tại sao chúng tôi đã không nói với hình bóng thân yêu ấy lời mà các người hành hương ở Emmaüs 7 nói với Đấng bề trên:
- Xin người ở lại với chúng tôi, vì giờ đã muộn và bóng chiều đã ngả.
Ôi! Bà là một bóng ma xinh xắn biết bao, với cái mũ trùm đăng ten dải xanh lục của bà! Không ai có thể nghĩ được rằng bà thích ứng với thế giới bên kia. Cái chết hợp với bà ít hơn bất cứ ai. Cái chết hợp với một thầy tu, hay một nữ anh hùng xinh đẹp nào đó. Song, cái đó không hợp tí nào với một bà già nhỏ nhắn hay cười và lanh lẹn, nét mặt nhẹ nhõm dễ ưa, như bà nội Nozière.
Để tôi kể bạn nghe những điều tôi đã tự mình khám phá được khi bà còn sống.
Bà có tính phù phiếm: bà có một thứ đạo đức dễ dãi; bà mộ đạo không sâu sắc hơn một con chim. Phải thấy cặp mắt tròn nhỏ của bà nhìn chúng tôi, ngày chủ nhật, khi mẹ tôi và tôi đi lễ nhà thờ.
Bà tôi mỉm cười trước thái độ trang trọng của mẹ tôi đối với mọi việc của thế giới này và thế giới bên kia. Bà tôi rất dễ dàng tha thứ những lỗi lầm của tôi, và tôi tin rằng bà là người đàn bà có thể tha thứ những lỗi lầm lớn hơn thế nữa. Bà tôi thường nói:
- Cái thằng bé này về sau chắc sẽ láu lỉnh hơn bố nó.
Ý bà tôi nói là tôi sẽ tiêu phí tuổi trẻ vào các cuộc khiêu vũ và sẽ là tình nhân của hàng trăm ngàn cô gái đồng trinh. Bà tôi đã quá lời khen tôi. Điều duy nhất mà bà tôi sẽ tán thành ở nơi tôi, nếu bà còn ở cõi này (tính đến bây giờ thì cũng đến một trăm mười tuổi) là lối sống dễ dãi và lòng khoan dung quý báu mà tôi đã trả một giá không đắt lắm với một số tín điều về luân lý và chính trị. Ở bà tôi, những đức tính đó có cái vẻ đẹp tự nhiên của nó. Bà tôi đã chết mà không biết rằng mình vốn có những đức tính ấy? Chỗ thấp kém của tôi là biết rằng mình hay dung thứ và dễ dãi.
Bà tôi là người của thế kỷ mười tám. Và xem ra thì đúng thế! Tôi tiếc người ta đã không viết hồi ký về bà. Còn tự viết lấy, thì hẳn bà không làm nổi. Cha tôi sao đã chẳng làm việc ấy hơn là đo sọ não những người Papou và Boschiman 8 ? Bà Caroline Nozière sinh tại Versaille ngày 16 tháng tư năm 1772; bà là con gái thầy thuốc Dussuel, mà tài trí và tính tình được Cabanis 9 quý trọng. Chính Dussuel, năm 1786, chữa bệnh cho hoàng thái tử, bị sốt ban nhẹ. Một cỗ xe của hoàng hậu hàng ngày tới Lucienne đón ông tại căn nhà nhỏ, ở đấy ông sống thanh bạch với sách và tập bách thảo của ông, như một đồ đệ của Jean-Jacques 10 . Một hôm xe trở về cung điện trống không; thầy thuốc đã chối từ không đến. Lần thăm sau, hoàng hậu tức giận bảo ông:
- Vậy ra ông đã quên chúng tôi rồi, thưa ông!
- Thưa lệnh bà, - Dussuel đáp, - lời trách của lệnh bà làm phật ý tôi; song nó làm rạng rỡ cho thiên tính và tôi phải bỏ qua một người mẹ. Tôi chữa bệnh cho hoàng tử với lòng nhân đạo, xin lệnh bà đừng nghi ngờ điều đó. Song hôm qua tôi bận chăm sóc một chị nông dân ở cữ.
Năm 1789, Dussuel xuất bản một cuốn sách mà tôi không thể mở ra không kính cẩn và đọc không mỉm cười. Tên sách là: Những nguyện vọng của một công dân, và với một đề từ Miseris succurrere disco. Tác giả nói mở đầu rằng, dưới mái tranh, ông cầu nguyện cho hạnh phúc của người Pháp. Sau đó, ông thật thà vạch ra những quy tắc của hạnh phúc công cộng: đó là những quy tắc của một tự do khôn ngoan, được Hiến pháp đảm bảo. Để kết luận, ông nêu lên cho những người trắc ẩn 11 biết ơn Louis XVI, vua của một dân tộc tự do và ông báo trước thời đại hoàng kim trở lại.
Ba năm sau, người ta đưa lên máy chém các bệnh nhân của ông, đồng thời cũng là bạn thân của ông, và chính ông, bị tình nghi là ôn hòa chủ nghĩa, theo lệnh ủy ban quận Sèvres bị dẫn tới Versaille, vào tu viện dòng thành François 12 biến thành nhà giam. Ông tới người đầy bụi bặm, trông giống một lão ăn mày hơn là một thầy thuốc có tư tưởng tự do. Ông đặt xuống đất một cái túi nhỏ đựng các tác phẩm của Raynal 13 và của Rousseau, buông mình xuống một chiếc ghế dựa và thở dài:
- Phải chăng đây là phần thưởng của năm mươi năm tu nhân tích đức?
Một thiếu phụ cực kỳ xinh đẹp, mới đầu ông không nhìn thấy, tiến lại gần với một chậu nước và một miếng nước bọt biển, bảo ông:
- Có thể tin rằng chúng ta sẽ bị lên máy chém, thưa ông. Trong khi chờ đợi, ông có thể cho phép tôi được lau mặt và tay ông không? Vì trông ông như một người mọi rợ.
- Hỡi người phụ nữ trắc ẩn, - ông già Dussuel kêu lên, - phải chăng tôi phải gặp bà ở nơi tội lỗi này? Tuổi bà, gương mặt, cung cách của bà, mọi cái bảo tôi rằng bà vô tội.
- Tôi chỉ có tội là đã khóc cái chết của nhà vua tốt nhất, - nữ tù nhân xinh đẹp đáp.
- Louis XVI đã có những đức tính tốt, - ông tôi nói tiếp – song quang vinh của ông sẽ to lớn biết bao nếu ông đã trung thành đến cùng với bản Hiến pháp tuyệt vời nọ!...
- Sao! Thưa ông, - thiếu phụ kêu lên và vung vẩy miếng bọt biển còn rỏ nước, - ông là một người jacobanh 14 và thuộc đảng quân kẻ cướp!..
- Ồ sao! Thưa bà, bà về phe những kẻ thù của nước Pháp? – Dussuel, đã được lau mặt nửa chừng, thở dài. – Có thể tìm thấy lòng trắc ẩn ở một bà quý tộc được ư?
Bà ta tên là de Laville và đã để tang vua. Trong bốn tháng hai người cùng bị giam với nhau, bà không ngớt gây sự với người bạn tù và khéo tìm cách giúp đỡ ông. Trái với sự chờ đợi của họ, người ta không chém đầu họ; họ đã được phóng thích vì một báo cáo của nghệ sĩ Battelier, và bà de Laville sau trở thành người bạn tốt nhất của bà tôi, bấy giờ bà tôi hai mươi mốt tuổi và đã kết hôn được ba năm với công dân Danger, chánh quản cơ của một đại đội quân tình nguyện sông Ranh thượng.
- Đó là một người rất xinh trai, - bà tôi nói, - song tôi không chắc có nhận ra được anh ấy ở ngoài phố.
Bà cam đoan rằng chẳng hề gặp mặt ông ta, tổng cộng lại, được quá sáu giờ trong năm lần. Bà đã lấy ông vì một ý nghĩ trẻ con, để được đội một chiếc mũ kiểu quốc gia. Sự thực thì bà không muốn có chồng. Còn ông thì muốn tất cả các phụ nữ. Ông cứ đi; bà để cho ông đi mà chẳng giận gì ông hết.
Đi theo danh vọng, Danger để lại tất cả làm tài sản cho vợ, trong ngăn kéo một bàn giấy chỉ gồm toàn những biên lai nhận tiền của một người anh ông ta, Danger de Saint Elme, sĩ quan trong binh đội của Condé 15 , và một tập thư của những người đào vong 16 . Cái đó đủ để đưa lên máy chém bà tôi và năm chục người với bà.
Về việc ấy, bà có đôi chút nghi ngờ, và, mỗi lần có chuyện khám xét nhà trong khu phố, bà lại tự bảo: “Dù sao mình cũng sẽ phải đốt các giấy má của cái anh chồng trời đánh nhà mình”. Song nhiều ý nghĩ cứ nhảy múa trong đầu bà. Tuy nhiên bà cũng quyết định thực hiện điều đó vào một buổi sáng kia.
Bà tôi đã làm kịp thời.
Ngồi bên lò sưởi, bà lựa các giấy tờ trong tủ đã được lấy ra vứt lung tung trên ghế dài. Và bình tĩnh, bà sắp thành từng đống nhỏ, để riêng những gì có thể giữ lại, riêng những gì phải hủy đi. Bà đọc một dòng ở chỗ này, một dòng ở chỗ nọ, trang này hay trang khác, và tâm trí bà ngao du từ kỷ niệm này sang kỷ niệm kia, dọc đường lượm một vài mẩu của quá khứ, và bất thình lình bà nghe có tiếng mở cửa vào nhà. Lập tức, như do bản năng bỗng nhiên báo hiệu, bà biết đây là một cuộc khám xét nhà.
Bà vơ cả ôm các giấy tờ và ném nó xuống dưới trường kỷ, mà vải bọc đệm kéo dài sát tận đất. Và, do giấy tờ thò ra ngoài, bà đưa chân đẩy vào dưới ghế. Một mẩu thư còn chìa ra như đầu tai một con mèo trắng nhỏ, khi một phái viên của Ủy ban An ninh chung bước vào phòng với sáu người của khu bộ, võ trang bằng súng, gươm và giáo, bà Danger đứng trước trường kỷ. Bà nghĩ rằng chưa hoàn toàn chắc chắn là bị nguy hại, vẫn còn chút may mắn trong một phần nghìn và việc gì sắp xảy ra đây khiến bà thích thú hết sức.
- Nữ công dân, - chủ tịch khu bộ nói với bà, - chị bị tố giác là duy trì liên lạc với những kẻ thù của nền Cộng hòa. Chúng tôi đến tịch biên tất cả các giấy tờ của chị.
Người của Ủy ban An ninh chung ngồi vào ghế trường kỷ để viết biên bản của việc tịch biên.
Thế là những người đó lục lọi tất cả các đồ đạc, dùng móc mở các ổ khóa và dốc hết các ngăn kéo. Không thấy gì ở đấy hết, họ phá thủng các tủ hộc tường, xô đổ các tủ commôt, lật các bức tranh và dùng lưỡi lê chọc vỡ các ghế bành và đệm, nhưng đều vô ích. Họ gõ thử các mặt tường bằng báng súng, thăm dò các lò sưởi và nạy bật vài ván lát sàn nhà. Họ mất công toi. Cuối cùng sau ba giờ lục lọi không kết quả và phá phách vô ích, mệt mỏi, thất vọng, mất thể diện, họ rút lui, hứa sẽ còn trở lại. Họ đã không nghĩ đến chuyện nhìn dưới trường kỷ.
Vài hôm sau, đi xem hát về, bà tôi thấy đứng ở cửa nhà bà một người đàn ông gầy rạc, tái xanh, mặt bị biến dạng vì một bộ râu xám bẩn, người ấy phục xuống chân bà và nói:
- Nữ công dân Danger, tôi Alcide đây, xin bà cứu tôi với!
- Trời! – Bà nói – Lại có lẽ nào ông là ông Alcide thầy dạy khiêu vũ của tôi ư? Tôi gặp lại ông trong tình trạng thảm bại quá ông Alcide ơi!
- Tôi đang bị truy nã, nữ công dân ạ, mong bà cứu tôi!
- Tôi chỉ có thể gắng làm thôi. Chính tôi cũng bị tình nghi, và chị bếp của tôi là jacobanh. Đi theo tôi. Nhưng chú ý đừng cho anh gác cửa nhà tôi trông thấy. Hắn là chức viên thành phố.
Họ lên cầu thang, và bà Danger bé nhỏ tốt bụng ấy đóng cửa ở trong nhà mình với ông Alcide đáng thương hại, đang run rẩy lên cơn sốt và lặp đi lặp lại, răng đập vào nhau:
- Cứu tôi với, cứu tôi với!
Nhìn bộ mặt thiểu não của ông ta, bà muốn phá lên cười. Tuy nhiên tình thế đáng nguy kịch.
“Giấu ông ta vào đâu đây?” - Bà tôi tự hỏi trong khi đưa mắt nhìn lướt các tủ lớn và tủ ngăn.
Vì không tìm được một chỗ khác cho ông, bà nảy ra ý cho ông lên giường bà. Bà kéo hai tấm nệm ra ngoài các tấm khác và, hình thành như vậy một khoảng trống gần tường, bà tuồn Alcide vào đấy. Thành thử giường trông ra có vẻ lộn xộn. Bà cởi áo và đi nằm. Rồi bà bấm chuông gọi chị bếp:
- Zoé ơi, tôi bị mệt, chị cho tôi một con gà giò, xa lát với một cốc vang Bordeaux. Này Zoé, hôm nay có gì lạ không?
- Có chuyện âm mưu của những quân ăn mày quý tộc, chúng nó muốn lên máy chém đến tên cuối cùng. Anh em không quần cụt 17 đương để mắt. Sẽ ổn thôi! Sẽ ổn thôi!... Anh gác cửa cho biết là người ta đang truy nã trong khu một đứa gian tên là Alcide. Bà có thể bị khám nhà đêm nay đấy.
Ông Alcide, nằm giữa hai tấm đệm, nghe những lời ngọt ngào ấy. Sau khi Zoé đi rồi, ông lên một cơn bệnh thần kinh làm rung cả giường, và hơi thở ông khó nhọc đến nỗi thành một tiếng rít vang lên khắp phòng.
“Thế này thì ổn rồi”, - bà Danger nghĩ bụng.
Rồi bà ăn cánh con gà giò, và đưa cho Alcide đáng thương một chút rượu Bordeaux.
- Ôi! Thưa bà!... Ôi! Jesuma!... - Alcide kêu lên.
Rồi không hiểu vì sao, ông ta càng rên mạnh hơn.
“Tuyệt thật!” – Bà Danger tự nhủ, - “tòa thị chính cứ việc đến thôi...”
Bà đang nghĩ như vậy thì một tiếng báng súng nện nặng xuống đất rung chuyển cả đầu cầu thang. Zoé dẫn vào bốn nhân viên thành phố và ba mươi chiến sĩ vệ quốc.
Ông Alcide không còn cựa quậy nữa và không ho he một hơi thở nhỏ nhẹ nào.
- Nữ công dân, đứng dậy đi, - một anh vệ quốc nói.
Một anh khác bảo rằng chị nữ công dân không thể mặc quần áo trước mặt đàn ông.
Một công dân, trông thấy một chai rượu vang, cầm lấy, nếm thử, và các anh khác cùng chuyền tay nhau dốc cả chai vào miệng.
Một anh vui tính ngồi lên giường, và nắm lấy cằm bà Danger:
- Thật đáng tiếc, một bộ mặt xinh xắn thế này mà lại là một con mẹ quý tộc và phải chặt cái cổ nhỏ nhắn này đi!
- Thôi đi, - bà Danger nói, - tôi thấy các anh là những người dễ thương cả. Các anh làm mau đi và tìm bới tất cả những gì các anh phải tìm, vì tôi buồn ngủ quá đi mất.
Họ ở lại trong phòng suốt hai giờ chết khiếp đi được, cả bọn lần lượt qua lại hai mươi bận trước giường và nhìn xuống gầm giường để xem có ai không. Rồi, sau khi tuôn ra nghìn câu hỗn xược, họ bỏ đi.
Người cuối cùng vừa mới trở gót, bà Danger bé nhỏ, ngả đầu vào khe tường bên giường, gọi:
- Ông Alcide! Ông Alcide!
Một tiếng nói rên rỉ đáp:
- Trời! Họ có thế nghe thấy tiếng ta, Jêsuma! Bà ơi, hãy thương tôi!
- Ông Alcide, - bà tôi nói tiếp, - ông đã làm tôi sợ quá chừng! Tôi đã chẳng nghe thấy ông nữa, tôi tưởng ông chết rồi, và nghĩ nằm trên một người chết, tôi đã tưởng ngất đi trăm bận. Ông Alcide ạ, ông đối xử với tôi không tốt. Khi mình không chết thì phải nói lên chứ, quái quỷ! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông đã làm tôi sợ.
Bà chẳng đã là tuyệt diệu chăng, bà tôi, với ông Alcide đáng thương của bà? Hôm sau bà đã đem ông đi giấu ở Meudon và cứu sống ông tử tế.
Người ta sẽ không thể nghi ngờ con gái nhà triết học Dussuel đã dễ tin những sự thần bí, hoặc đã dẫn mình vào lĩnh vực thế giới siêu phàm. Bà đã chẳng theo một mảy may tôn giáo nào và lương tri của bà hơi thiển cận lấy làm tức giận vì mọi chuyện huyền bí. Tuy nhiên, con người rất biết điều đó đã kể lại cho ai muốn nghe thì nghe một việc huyền diệu mà chính mình đã chứng kiến.
Trong dịp đến thăm cha, tại tu viện dòng thánh Françoi ở Versailles, bà đã quen bà de Laville bị giam tại đấy. Khi được thả ra, bà này đã đến ở phố Lancry, cùng một ngôi nhà với bà tôi. Hai căn nhà mở cửa ra cùng một khoang cầu thang.
Bà de Leville ở với em gái tên là Amélie.
Amélie cao lớn và xinh đẹp. Gương mặt xanh xao của bà ta được tôn lên vì mớ tóc đen, biểu lộ một vẻ đẹp vô song. Đôi mắt, khi u uất, khi bừng sáng dường như tìm kiếm quanh mình một cái gì kỳ bí.
Amélie thuộc dòng thế tục ở Argentière, trong khi đợi kết hôn theo người ta đồn Amélie ngay khi vừa ra khỏi tuổi thơ, đã phải chịu những đau buồn của một mối tình không san sẻ và bà đã bắt buộc phải giữ kín.
Bà có vẻ u uất buồn phiền. Có lần bà đã òa khóc mà chẳng có lý do gì rõ rệt. Khi thì suốt trọn mấy ngày bà cứ thẫn thờ bất động, khi thì bà đọc ngấu nghiến các sách sùng tín. Bị cắn rứt bởi chính những không tưởng của mình, bà quằn quại trong một nỗi đau đớn khôn tả.
Việc chị bà bị bắt, khổ hình của nhiều bạn thân bà lên máy chém vì bị coi như mưu phản, và những báo động đã đem ông đi không ngớt đã hoàn toàn phá hoạt thể chất lung lay của bà. Bà gầy rạc đi một cách kinh khủng. Những tiếng trống kêu gọi hàng ngày ở các khu xuất trận, các đoàn công dân mũ trùm đỏ và mang giáo mác diễu hành dưới các cửa sổ nhà bà, vừa đi vừa hát bài Sẽ ổn thôi! khiến bà hoảng sợ rồi tiếp theo liền là những cơn hôn mê và kích động. Những rối loạn thần kinh biểu hiện ra với một sức mạnh ghê gớm và gây những hiệu quả kỳ lạ.
Amélie có những giấc mơ mà sự minh bạch làm ngạc nhiên những người ở quanh bà.
Ban đêm đi vơ vẩn, thức hay ngủ, bà nghe những tiếng động xa xôi, tiếng thở dài của những nạn nhân. Có khi bà đứng vươn cánh tay chỉ một cái gì không trông thấy trong bóng tối, và gọi tên 18 .
- Em tôi, - chị bà nói, - có những linh cảm chắc chắn và tiên đoán tai họa sắp xảy ra.
Vậy, trong cái đêm mồng 9 rạng ngày mồng 10 thermidor 19 , bà tôi, cùng với cha, đang ở trong phòng hai chị em: cả bốn người đều rất nôn nao, đang điểm qua các sự biến nghiêm trọng của ngày hôm ấy và cố đoán kết cục ra sao: kẻ chuyên chế bị hạ lệnh bắt, đưa tới Luxembourg 20 và bị người gác cổng không nhận, lại được đưa tới các phòng cảnh sát ở phố Thợ kim hoàn bờ sông, rồi được Công xã giải thoát và đem về Tòa Thị sảnh…
Hắn còn ở đấy chăng, và thái độ ra sao, sỉ nhục hay đe dọa? Cả bốn người đều rất lo lắng và không nghe thấy gì, trừ phi, từng lúc, tiếng vó ngựa phi của những người đưa thư của Henriot đang đốt cháy các đường phố lát đá. Họ chờ đợi, thỉnh thoảng trao đổi một ký ức, một nghi ngờ, một ước vọng. Amélie ngồi im lặng.
Bỗng bà kêu to lên.
Bấy giờ là một giờ rưỡi sáng. Cúi nhìn trên một tấm gương, bà hình như đang xem một cảnh tượng thê thảm.
Bà nói:
- Tôi nhìn thấy hắn! Tôi nhìn thấy hắn! Hắn mới xanh xao làm sao! Máu trào từng hộc ra khỏi miệng, răng và hàm bị giập nát. Đội ơn Chúa! Tên uống máu sẽ chỉ uống máu của mình thôi!...
Nói xong những lời ấy, với giọng kỳ dị, bà hét lên một tiếng kinh hoàng và ngã vật xuống. Bà đã ngất đi.
Cùng lúc ấy, tại phòng hội đồng của Tòa Thị sảnh, Robespierre bị một phát súng lục bắn vỡ quai hàm và chấm dứt thời Khủng bố.
Bà tôi, vốn là một người không tín giáo, lại rất tin cái ảo ảnh ấy.
- Anh giải thích việc đó thế nào?
Tôi giải thích bằng cách xin lưu ý rằng bà tôi, là người không tín giáo, lại khá tin có quỷ và ma chó sói 21 . Hồi còn là thiếu nữ, bà thích tất cả những chuyện yêu thuật ấy, và như người ta nói bà đã là một cô chúa hay đoán việc vị lai. Về sau, bà đâm ra sợ quỷ; song đã muốn quá rồi: nó đã nắm lấy bà, bà không thể không tin là có nó nữa.
Ngày 9 thermidor làm cho cuộc sống trở thành chịu đựng được đối với cái xã hội nhỏ ở phố Lancry. Bà tôi rất thích cuộc thay đổi ấy; song bà không thể giữ lòng căm hờn đối với những người cách mạng. Bà không thán phục họ - bà chỉ từng thán phục có tôi thôi – song bà chằng hề ghét họ; chẳng bao giờ bà có ý nghĩ đòi thanh toán với họ vì nỗi sợ hãi họ đã gây cho bà. Nguyên do có lẽ là họ đã chẳng khiến bà sợ hãi. Nguyên do chủ yếu là bà tôi là một bà xanh 22 , một bà xanh trong tâm hồn. Và như người kia đã nói, những xanh thì bao giờ cũng sẽ cứ xanh.
Trong thời gian đó ông Danger theo đuổi sự nghiệp vẻ vang của mình trên khắp mọi chiến trường. Lúc nào cũng sung sướng, ông mặc đại lễ phục dẫn đầu lữ đoàn của ông, khi ông bị giết vì một quả đạn súng lớn ngày 20 tháng tư năm 1808, trong trận chiến đấu đẹp đẽ ở Abensberg.
Bà tôi xem báo Tân văn biết rằng mình là quả phụ và tướng Danger dũng cảm “đã được mai táng với huân công”.
Bà kêu lên:
- Khổ thay! Một người đẹp thế!
Năm sau, bà lấy ông Hippolyte Nozière, tham biện thượng hạng ở Bộ Tư pháp, người trong sạch và vui tính, ông thổi sáo từ sáu đến chín giờ sáng và từ năm đến tám giờ tối. Lần này thì là một cuộc hôn nhân thực sự. Họ yêu nhau và, chẳng còn thanh xuân lắm nữa, họ biết khoan dung đối với nhau. Caroline tha thứ cho Hippolyte cái ống sáo muôn thuở. Và Hippolyte bỏ qua cho Caroline mọi ý nghĩ ngang ngang trong đầu óc bà. Họ đã sống hạnh phúc.
Ông nội Noziére của tôi là tác giả một bộ Thống kê các nhà tù, Paris, Nhà in hoàng gia, 1817-1819, 2 tập; và Các con gái của Momus 23 , Những bài ca mới, Paris, tại nhà tác giả, 1821, khổ 18.
Bệnh thống phong đã tấn công ông tôi một cách ác liệt. Song nó đã không làm ông mất tính vui vẻ, không ngăn được ông chơi sáo; cuối cùng, nó đã quật ngã ông. Song tôi còn giữ chân dung của ông: ông mặc áo xanh lam, tóc uốn xoăn như một con cừu non và cằm lẫn trong một cái ca vát mênh mông.
- Cho đến hơi thở cuối cùng, tôi vẫn tiếc thương ông ấy, - bà tôi nói thế năm tám mươi tuổi, bấy giờ bà ở góa đã được mười lăm năm.
- Cụ nói rất đúng, - một ông bạn già đáp, - cụ ông Nozière có đủ mọi đức tính của một người chồng tốt.
- Mọi đức tính và mọi thiếu sót, ông ạ, - bà tôi láy lại.
- Vậy ra, thưa cụ, muốn là một người chồng hoàn toàn thì phải có những thiếu sót ư?
- Chứ sao! – Bà tôi vừa nói vừa nhún vai. - Không nên có những thói hư, và cái đó chính là một thiếu sót lớn.
Bà mất ngày 4 tháng bảy năm 1853, thọ tám mươi mốt tuổi.


IV

CÁI RĂNG
Nếu người ta chăm lo ẩn mình cũng công phu như người ta vẫn chăm lo tự phô trương thì sẽ tránh được bao đau khổ. Tôi đã sớm có được một kinh nghiệm đầu tiên về điều đó.
Ấy là một hôm trời mưa. Tôi đã nhận được làm quà cả mớ đồ lề của người đánh xe trạm gồm mũ cát két, roi, dây cương và nhạc. Rất nhiều nhạc. Tôi đóng ngựa vào xe; ấy là tôi đóng mình vào chính mình, vì tôi là tuốt cả: người đánh xe lẫn lũ ngựa và xe. Chặng đường của tôi trải dài từ bếp đến phòng ăn qua một hành lang. Đối với tôi cái phòng ăn ấy tượng trưng rất tốt một quảng trường của làng quê. Tôi thay ngựa trạm ở chỗ dựng tủ chén gỗ đào hoa tâm, nên tôi dễ hình dung cái tủ là quán ăn Ngựa trắng. Hành lang đối với tôi là một đường cái lớn với những quang cảnh đổi thay và những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Bị giam hãm trong một khoảng nhỏ tối tăm, tôi được hưởng một chân trời rộng rãi và, giữa những bức tường quen thuộc, tôi cảm thấy những cái không ngờ nọ vốn là thú vị của những chuyến đi. Là vì bấy giờ tôi là một nhà ảo thuật lớn. Để vui chơi tôi gọi dậy những sinh vật dễ thương và tôi sử dụng thiên nhiên theo ý sở cầu. Từ đó về sau tôi đã bất hạnh mất cái thiên tư quý báu đó. Vào hôm trời mưa mà tôi làm anh đánh xe ngựa đó, tôi được tận hưởng cái thiên tư ấy một cách dồi dào.
Sự tận hưởng đó đáng lẽ đủ làm cho tôi hài lòng; nhưng phải chăng người ta chẳng bao giờ hài lòng? Tôi chợt nảy ra ý muốn làm ngạc nhiên, muốn lòe khán giả. Cái cát két nhung và những nhạc của tôi nếu chẳng ai ca tụng thì không còn là gì cho tôi nữa. Vì nghe thấy bố mẹ tôi nói chuyện ở phòng bên, tôi xông ào vào đấy. Cha tôi ngắm nhìn tôi một lát; rồi ông nhún vai và nói:
- Thằng bé này không biết làm gì ở đây cả. Phải cho nó đi ở ký túc xá thôi.
- Nó còn nhỏ quá, - mẹ tôi nói.
- Thế thì, - cha tôi nói, - ta sẽ cho nó ở với những đứa nhỏ.
Tôi nghe những câu ấy quá là rõ ràng; những câu sau, tôi chỉ nghe câu được câu mất và, nếu bây giờ đây, tôi có thể thuật lại chính là vì từ dạo ấy tôi được nghe nhắc lại nhiều lần.
Cha tôi nói thêm:
- Thằng bé này không có anh chị em gì cả, trong cảnh cô đơn ở đây nó phát huy cái sở thích mơ mộng sẽ có hại cho nó sau này. Cảnh đơn chiếc kích thích trí tưởng tượng của nó và tôi đã để ý thấy đầu óc nó đã đầy những không tưởng rồi. Ở trường những trẻ nhỏ cùng tuổi mà nó cùng chơi đùa sẽ cho nó kinh nghiệm về xã hội. Nó sẽ học được ở chúng, con người là thế nào; nó không thể học được điều ấy ở bà và tôi, chúng mình đối với nó có vẻ là những thần hộ mệnh. Các bạn nó sẽ xử sự với nó như những kẻ bình đẳng mà khi thì phải thương và bảo vệ, khi thì phải thuyết phục hay chống đối. Với chúng, nó sẽ làm cái việc tập sự cuộc sống xã hội.
- Ông ơi, - mẹ tôi nói, - ông không sợ rằng trong số những đứa trẻ ấy, có những đứa xấu ư?
- Chính ngay những đứa xấu, - cha tôi đáp, - cũng sẽ có ích cho nó nếu nó thông minh, vì nó sẽ học tập cách phân biệt chúng với những đứa tốt và đó là một tri thức rất cần thiết. Vả chăng, chính bà sẽ đi thăm các trường của khu phố, và bà sẽ chọn nhà trường nào có những trẻ em theo học mà sự giáo dục thích hợp với lối giáo dục bà đã biết đem cho Pierre. Bản chất con người ở đâu cũng là một; nhưng cái chất “nuôi dưỡng” họ, như người xưa nói, khác rất nhiều từ nơi này đến nơi khác. Một nền văn hóa tốt, thực hành từ nhiều thế hệ, sinh ra một bông hoa vô cùng tế nhị, và bông hoa ấy đã tốn một thế kỷ để hình thành có thể mất đi trong ít ngày. Những đứa trẻ không được giáo dục, qua sự tiếp xúc với chúng, sẽ làm thoái hóa cái giáo dục của con trai chúng ta mà không ích lợi gì cho chúng. Những tư tưởng cao quý do thượng đế ban cho; những cử chỉ do gương mẫu mà có được và hình thành cố hữu do di truyền. Sự cao quý ấy đẹp hơn cái cao quý của tên tuổi. Nó là tự nhiên và tự chứng minh bằng cái đẹp của bản thân, còn sự cao quý của tên tuổi tự chứng minh bằng những giấy tờ cũ kỹ chẳng làm sao mà dò ra được.
- Ông nói phải ông ạ, - mẹ tôi đáp. - Ngay ngày mai tôi sẽ đi tìm một ký túc xá tốt cho con chúng ta. Tôi sẽ chọn nó như ông bảo, chọn một ký túc xá thịnh vượng, và những lo âu về tiền bạc thường làm sao lãng tâm trí của thầy giáo và khiến tâm tình ông ta chua cay. Ông ơi, ông nghĩ thế nào về một ký túc xá do một phụ nữ trông nom?
Cha tôi không trả lời.
- Ông nghĩ thế nào? - Mẹ tôi nhắc lại.
- Đó là một điểm phải xem xét. - Cha tôi nói.
Ngồi trong ghế bành, trước cái bàn giấy hình trụ, ông đang xem xét từ nãy đến giờ một thứ xương bé nhỏ, nhọn một đầu và đầu kia thì rất nhẵn. Ông mân mê nó trong các ngón tay; chắc chắn ông cũng mân mê nó trong tâm trí, và, đã như thế thì với tất cả những nhạc của tôi, tôi không còn tồn tại với ông nữa.
Mẹ tôi, tựa khuỷu tay vào lưng ghế bành, theo đuổi cái ý nghĩ bà vừa nói ra.
Bác sĩ giơ cho bà xem cái xương nhỏ xấu xí và nói:
- Đây là cái răng của một người sống vào thời giống mammut ngày xưa, trong thời đại băng thạch, ở một cái hang xưa kia trống trơn và ảm đạm, bây giờ thì một nửa phủ đầy nho xanh và đinh tử hoa và ở gần đó dựng lên từ nhiều năm nay cái ngôi nhà trắng xinh kia mà chúng ta đã ở trong hai tháng hè, năm cưới của chúng ta. Đó là hai tháng sung sướng. Vì ở đấy có một chiếc dương cầm cũ, em đã chơi nhạc của Mozart suốt ngày, em yêu ạ, và, nhờ có em, tiếng nhạc huyền diệu và mê hồn bay bổng qua các cửa sổ làm sinh động nơi thung lũng này, một chốn mà xưa kia người ở hang chỉ nghe những tiếng hổ gầm.
Mẹ tôi ngả đầu lên vai cha tôi, ông nói tiếp:
- Con người ở hang chỉ biết có cái sợ và cái đói. Họ không khác gì một con thú. Trán họ lép. Những cơ lông mày của họ khi co lại hình thành những nếp nhăn gớm ghiếc, quai hàm bạnh ra tạo thành một cái gò to tướng, răng nhô ra khỏi miệng. Em xem cái răng này dài và nhọn biết bao.
Nhân loại đầu tiên là như thế đấy. Nhưng dần dần, bằng những cố gắng chậm chạp và đẹp đẽ, con người đỡ khốn khổ hơn, trở thành dữ tợn hơn, do sử dụng các cơ quan trong cơ thể thay đổi. Thói quen suy nghĩ làm cho óc phát triển, và vừng trán rộng ra. Răng không còn dùng để xé thịt sống nữa nên mọc ngắn hơn trong cái hàm ít bạnh hơn. Bộ mặt con người có một vẻ đẹp tuyệt vời và nụ cười nở trên môi phụ nữ.
Đến đây, cha tôi hôn má mẹ tôi, mẹ mỉm cười rồi thong thả nâng lên quá đầu cái răng của người ở hang, ông kêu lên:
- Hỡi người cổ xưa, đây là cái thánh tích thô lỗ và dữ tợn, ký ức về người làm tôi xúc động tận đáy lòng; tôi tôn kính người và yêu người, ôi ông tổ của tôi! Người an nghỉ trong quá khứ xa xăm, xin người hãy nhận lấy niềm tri ân tôi kính dâng, vì tôi biết tôi chịu ơn người biết bao. Tôi biết rằng nhờ những cố gắng của người, tôi đã tránh được bao khốn khổ. Người đã chẳng nghĩ đến tương lai, đành rằng thế; một ánh sáng thông minh leo lét chập chờn trong tâm hồn tăm tối của người; người đã chỉ có thể nghĩ đến việc tự nuôi sống và ẩn mình thôi. Tuy nhiên, người đã là người. Một lý tưởng mơ hồ đẩy người tới cái gì là đẹp và tốt cho loài người. Người đã sống khốn khổ; người đã không sống phí hoài, và cuộc đời mà người đã nhận gớm ghiếc như thế, người đã truyền nó lại đã truyền nó lại đỡ xấu hơn một chút cho các con của người. Đến lượt mình, họ đã làm việc để nó trở nên tốt đẹp hơn. Tất cả, họ đã bắt tay vào các nghệ thuật: người này sáng chế cái cối đá mài, người khác cái bánh xe. Tất cả họ đã ra sức, và sự cố gắng liên tục của bao trí tuệ qua các thời đại đã sinh ra những điều kỳ diệu làm đẹp cuộc sống bây giờ. Và, mỗi lần họ sáng tạo ra một nghệ thuật hay thành lập một kỹ nghệ, do ngay việc đó họ đã làm nảy sinh những cái cái đẹp tinh thần và tạo nên những đức hạnh. Họ đã đem cho phụ nữ những khăn trùm, và đàn ông biết cái giá trị của sắc đẹp.
Đến đây, cha tôi đặt cái răng tiền sử lên bàn giấy và ôm hôn mẹ tôi.
Ông nói tiếp:
- Như vậy chúng ta chịu ơn các ông tổ ấy, tất cả mọi cái, tất cả và ngay cả tình yêu!
Tôi muốn sờ cái răng kia, nó đã gợi cho cha tôi những lời mà tôi không hiểu. Tôi đến gần bàn giấy để cầm lấy nó. Nhưng, nghe tiếng động do những chiếc nhạc của tôi phát ra, cha tôi quay nhìn một cách nghiêm nghị và bảo:
- Khoan khoan! Nhiệm vụ chưa xong, chúng ta sẽ kém nhân hậu những người ở hang nếu, đến lượt mình, chúng ta không làm việc để khiến cuộc đời mình thành an toàn và tốt đẹp cho các con chúng ta hơn là cho chính chúng ta. Có hai bí quyết để làm cái đó: yêu và biết. Với sự hiểu biết và tình yêu, con người làm nên thế giới.
- Hẳn là thế, ông ạ, - mẹ tôi nói, - nhưng càng nghĩ tôi càng tin rằng một đứa con trai nhỏ vào tuổi thằng Pierre của ta thì phải giao cho một người phụ nữ. Tôi đã nghe nói đến một cô Lefort. Ngày mai tôi sẽ đi thăm cô ấy.


V

PHÁT HIỆN RA THƠ
Cô Lefort, quản lý một ký túc xá cho trẻ nhỏ tuổi ở ngoại ô Saint-Germain, bằng lòng nhận tôi từ mười giờ đến trưa và từ hai giờ đến bốn giờ chiều. Tôi đã có trước một ý nghĩ ghê gớm về cái ký túc xá ấy, và, khi chị người hầu lôi tôi đến đấy lần đầu, tôi cảm thấy nguy quá.
Nên tôi hết sức ngạc nhiên, khi vào, trông thấy một căn buồng lớn năm sáu đứa con gái nhỏ và khoảng mười hai đứa con trai nhỏ đang cười đùa nhăn mặt để lộ vẻ vô tư lự và tinh nghịch của chúng. Tôi cho là chúng đã rất dạn dầy.
Trái lại, tôi thấy cô Lefort buồn vô hạn. Cặp mắt xanh của cô ướt và đôi môi cô hé mở.
Những vòng tóc nhợt nhạt kiểu Anh rủ trên má cô, như những cành dương liệu buồn bã rủ bên bờ nước. Cô nhìn mà không trông thấy và hình như đắm mình trong một giấc mơ.
Vẻ dịu hiền của cô thiếu nữ sầu muộn ấy và sự vui vẻ của lũ trẻ gây cho tôi niềm tin, rằng tôi sắp chia số phận của nhiều đứa gái nhỏ, dần dần mọi nỗi e sợ của tôi tiêu tan hết.
Cô Lefort đưa cho tôi một tấm bảng đá với một cái bút chì, rồi bảo tôi ngồi bên cạnh một đứa con trai trạc tuổi tôi, hắn có đôi mắt sáng và vẻ tinh ranh.
- Tao tên là Fontanet, - hắn bảo tôi, - còn mày?
Rồi hắn hỏi bố tôi làm gì. Tôi bảo bố tôi là thầy thuốc.
- Bố tao làm trạng sư, - Fontanet đáp, - như thế tốt hơn.
- Tại sao?
- Mày không thấy làm trạng sư thì hay hơn à?
- Không.
- Thế thì mày ngu.
Fontanet có đầu óc phong phú. Nó khuyên tôi nuôi tằm và khoe với tôi một bảng Pythagore đẹp chính nó làm. Tôi cảm phục Pythagore và Fontanet. Tôi, tôi chỉ biết những ngụ ngôn thôi.
Khi ra về, tôi được cô Lefort cho một phiếu tốt mà tôi nghĩ mãi không biết dùng để làm gì. Mẹ tôi cắt nghĩa rằng đặc tính của vinh dự là không có lợi ích gì cả. Rồi mẹ hỏi tôi đã làm gì trong cái ngày đầu tiên ấy. Tôi đáp là đã ngồi nhìn cô Lefort.
Mẹ chế giễu tôi, nhưng tôi đã nói sự thật. Xưa nay tôi vẫn có cái khuynh hướng coi cuộc đời như một trò diễn kịch. Tôi chưa hề bao giờ là một người quan sát thực sự; bởi vì sự quan sát cần có một hệ thống chỉ huy nó, mà tôi chẳng có hệ thống gì. Người quan sát điều khiển mắt nhìn; người khán giả để cho đôi mắt lôi cuốn mình đi. Tôi sinh ra là khán giả và tôi nghĩ tôi sẽ giữ suốt đời cái vẻ ngây thơ của những anh chàng hiếu kỳ ở thành phố lớn, mà cái gì cũng làm cho vui thích và họ vẫn giữ, ở cái tuổi đầy tham vọng, cái tính hiếu kỳ không vụ lợi của trẻ nhỏ. Trong mọi cảnh tượng tôi đã xem, cảnh tượng duy nhất khiến tôi chán ngán là cái cảnh người ta ngồi ở rạp hát nhìn lên sân khấu. Ngược lại, những biểu tượng của cuộc đời làm tôi thích thú, bắt đầu từ những biểu tượng ở ký túc xá của cô Lefort.
Vậy tôi cứ tiếp tục nhìn cô giáo của tôi và, yên trí với ý nghĩ cô ấy buồn, tôi hỏi Fontanet vì sao cô buồn. Không khẳng định điều gì cụ thể, Fontanet quy cái buồn ấy cho sự hối hận và nó nhớ lại rằng sự hối hận ấy đã đột nhiên in lên nét mặt cô Lefort cái hôm, cái hôm, đã lâu rồi, cô ta không có quyền gì mà tịch thu của hắn một con quay bằng gỗ hoàng dương và hầu như liền sau đó lại phạm một sự mưu hại mới; bởi vì, để dập tắt những tiếng than vãn của kẻ bị cô tước đoạt, cô đã ấn cái mũ lừa lên đầu hắn.
Fontanet quan niệm rằng một tâm hồn bị vấy nhơ vì những hành động ấy thì phải mất mãi mãi niềm vui và yên tĩnh; song các lý do của Fontanet không đủ sức thuyết phục tôi và tôi tìm những lý do khác.
Thực ra, khó mà tìm được cái gì trong lớp học của cô Lefort, vì lớp ồn ào không ngớt. Học trò dự vào những cuộc chiến đấu lớn ở đấy, trước mặt cô Lefort, ngồi sờ sờ đó, nhưng xa vắng. Chúng tôi ném vào nhau bao nhiêu sách giáo lý và cùi bánh mì, khiến không khí bị tối sầm lại và phòng học đầy những tiếng lách cách liên tục. Duy chỉ có những đứa ít tuổi nhất, hai tay nắm bàn chân và lè lưỡi ra ngoài miệng, là nhìn lên trần nhà, miệng cười bình thản.
Bất chợt cô Lefort xông vào cả đám trẻ với vẻ người mê ngủ, phạt một đứa vô tội, rồi cô lại trở về nỗi buồn của cô như bước vào một ngọn tháp. Xin bạn hãy nghĩ tới cái tâm trạng của một đứa con trai nhỏ tám tuổi, ở giữa cái náo động không hiểu được ấy, từ sáu tuần lễ nay cứ viết lên một tấm bảng đá đen.
Cái đói đưa Malfilâtre xuống mồ không ai biết.
Việc làm của tôi là thế. Có những lúc tôi ôm đầu suy nghĩ; nhưng chỉ có một ý rõ rệt: nỗi buồn của cô Lefort. Tôi không ngớt quan tâm về cô giáo sầu não của tôi. Fontanet làm tăng thêm tính tò mò của tôi bằng những chuyện kể lạ lùng. Hắn kể rằng buổi sáng không thể đi qua trước cửa phòng cô Lefort mà không nghe thấy những tiếng kêu thảm thiết, xen lẫn những tiếng dây xích.
- Tao nhớ, - hắn nói thêm, - đã lâu, có lẽ một tháng rồi, cô ấy đọc cho cả lớp nghe, vừa đọc vừa nức nở, một câu chuyện hình như bằng thơ.
Trong câu chuyện kể của Fontanet có một biểu lộ kinh sợ làm cho tôi thấm thía. Ngay hôm sau, tôi có lý do nghĩ rằng câu chuyện kể ấy không phải là tưởng tượng, chí ít về việc đọc to lên; bởi vì, về những dây xích làm Fontanet sợ tái người, tôi chẳng bao giờ biết gì hết và ngày nay tôi đồ chừng tiếng những dây xích ấy thực ra là tiếng những xẻng và những kẹp cời lửa thôi.
Ngày hôm sau, cơ sự như thế này:
Cô Lefort lấy thước kẻ gõ lên bàn để lớp im lặng, rồi cô ho và nói, giọng âm thầm:
- Jeanne tội nghiệp!
Nghỉ một tí, cô thêm:
- Trinh nữ trong xóm, Jeanne là người đẹp nhất.
Fontanet thúc một cùi tay vào ngực tôi mà cười ngầm với tôi. Cô Lefort nhìn hắn một cách giận dữ, rồi bằng một giọng buồn hơn những thánh thi sám hối, cô tiếp tục chuyện cô Jeanne tội nghiệp. Có lẽ và có thể nói chắc chắn rằng câu chuyện ấy là bằng thơ từ đầu đến cuối, nhưng tôi bắt buộc phải kể lại như tôi đã nhớ. Mong rằng trong văn xuôi của tôi, người ta sẽ nhận ra những vế rải rác của nhà thơ bị phân tán.
Jeanne là vị hôn thê, nàng đã đính ước với một thanh niên dũng cảm trên núi. Oswald là tên chàng mục đồng sung sướng đó. Mọi việc chuẩn bị cho đám cưới đã xong xuôi cả rồi, các bạn gái của Jeanne đem voan và khăn vành đến cho nàng. Sung sướng thay Jeanne! Song bỗng nàng bị suy nhược nặng. Đôi má nàng nhợt nhạt như má người chết. Oswald xuống núi. Chàng chạy tới và bảo nàng: “Em chẳng là vợ của anh ư?”. Nàng trả lời, giọng nghẹn ngào: “Anh Oswald yêu quý, vĩnh biệt! Em chết đây!”. Tội nghiệp Jeanne! Nấm mồ là giường cưới của nàng, và các chuông trong xóm, đáng lẽ phải gióng lên cho đám cưới của nàng, lại gióng lên cho lễ an táng nàng.
Trong câu chuyện kể ấy có một số lớn từ ngữ tôi được nghe lần đầu tiên và không hiểu ý nghĩa, song toàn bộ hình như rất buồn và rất đẹp, khiến nghe đọc tôi cảm thấy rung động một cách kỳ lạ. Lần đầu tiên tôi được biết cái thú của sự u buồn qua một số khoảng ba chục câu thơ mà tôi không thể nào cắt nghĩa được từng chữ. Quả là trừ phi lúc mình già nua, người ta không cần phải hiểu nhiều mới xúc cảm nhiều. Những cái tăm tối có thể là những cái xúc động, và đúng thực là những tâm hồn trẻ ưa thích sự mơ hồ.
Nước mắt trào tuôn tự lòng tôi quá tràn đầy, và Fontanet cứ việc nhăn mặt và chế giễu cũng không kìm hãm được những tiếng nức nở của tôi. Tuy vậy bấy giờ tôi vẫn tin là Fontanet hơn tôi. Phải đến khi hắn trở thành quốc vụ thứ trưởng tôi mới nghi ngờ điều ấy.
Nước mắt của tôi làm đẹp lòng cô Lefort. Cô gọi tôi đến bên cô và bảo:
- Pierre Nozière, em đã khóc; cô thưởng cho em cái huy hiệu danh dự này. Em nên biết rằng cô đã làm bài thơ ấy. Cô có một quyển vở lớn đầy những câu thơ cũng hay như những câu kia; nhưng cô chưa tìm được những người xuất bản để in những bài thơ ấy. Phải chăng đó là một điều ghê tởm và không thể tưởng tượng được.
- Thưa cô, - tôi nói, - em rất bằng lòng. Bây giờ em biết vì sao cô buồn. Cô yêu cô Jeanne tội nghiệp chết trong xóm, và vì cô nghĩ đến cô ta, phải không cô, nên cô buồn và không bao giờ cô nhìn thấy chúng em làm gì trong lớp?
Không may những lời đó lại khiến cô Lefort không thích; vì cô tức giận nhìn tôi và bảo:
- Jeanne là một hư cấu. Em là một đứa ngu độn. Trả lại cái huy hiệu này và về chỗ đi.
Tôi vừa khóc vừa trở về chỗ ngồi. Lần này thì tôi khóc cho tôi, và tôi thú thực rằng những giọt nước mắt mới này không có cái vị êm dịu nọ, nó đã hòa vào những nước mắt mà cô Jeanne tội nghiệp đã khiến tôi tuôn nhỏ. Một điều làm tôi thêm bối rối; tôi chẳng biết hư cấu là cái gì hết; Fontanet cũng không biết được hơn.
Tôi hỏi mẹ tôi, khi trở về nhà:
- Một hư cấu, - mẹ tôi trả lời, - là một điều bịa đặt.
- Chà! Mẹ ơi, - tôi bảo mẹ, - Jeanne là một điều bịa đặt thì tai hại quá.
- Jeanne nào? – Mẹ tôi hỏi.
- Trinh nữ trong xóm, Jeanne là người đẹp nhất.
Và tôi kể lại chuyện Jeanne như nó còn lại trong ký ức tôi.
Mẹ tôi không trả lời gì tôi hết; nhưng tôi nghe mẹ nói rỉ vào tai cha tôi;
- Người ta dạy cho thằng bé những điều vô vị biết bao!
- Quả thật đó là những điều vô vị lớn, - cha tôi nói. - Bà còn mong một cô gái già hiểu gì về khoa sư phạm! Tôi có một phương pháp giáo dục mà hôm nào tôi sẽ trình bày với bà. Theo phương pháp ấy, phải dạy cho một đứa trẻ vào tuổi của Pierre những đặc tính của loài vật giống như nó, do khao khát và do trí năng. Pierre có thể hiểu sự trung thành của một con chó, sự tận tâm của một con voi, những cái ranh mãnh của một con khỉ; phải kể những cái đó cho nó nghe, chứ không phải chuyện cô Jeanne kia, cái xóm kia và những cái chuông kia chẳng có nghĩa lý gì.
- Ông nói phải, - mẹ tôi đáp, - đứa trẻ và con vật thông hiểu nhau lắm, cả hai đều gần với thiên nhiên. Nhưng, ông ạ, thực ra có một điều mà trẻ con còn hiểu rõ hơn những mưu mẹo của giống khỉ: đó là những hành vi cao đẹp của những người vĩ đại. Tính anh hùng sáng tỏ như ban ngày, ngay đối với một đứa trẻ nhỏ; và nếu người ta kể cho Pierre nghe cái chết của hiệp sĩ d’Assas 24 , nó sẽ hiểu ý nghĩa cái chết ấy như ông và tôi vậy, nhờ sự giúp đỡ của Chúa.
- Hỡi ôi!- Cha tôi thở dài. - Trái lại tôi nghĩ rằng tính anh hùng được hiểu theo nhiều cách, tùy lúc, tùy nơi và tùy con người. Nhưng không hề gì; cái quan trọng trong hy sinh, là chính sự hy sinh. Nếu đối tượng vì nó mà người ta tận tụy là một ảo tưởng, sự tận tụy không vì thế mà không là một điều hiện thực; và cái hiện thực ấy là để trang sức đẹp đẽ nhất mà con người có thể trang trí cho sự nghèo khốn tinh thần của mình. Bà bạn yêu quý ơi, tính nhân hậu tự nhiên của bà đã khiến bà hiểu những chân lý ấy hơn chính tôi đã hiểu do suy nghĩ và kinh nghiệm bản thân. Tôi sẽ đưa những chân lý ấy vào phương pháp của tôi.
Bác sĩ và mẹ tôi tranh luận như thế đó.
Tám hôm sau, tôi viết lần cuối cùng lên bảng đá đen của tôi, giữa những tiếng ồn ào:
Cái đói đưa Malfilâtre xuống mồ không ai biết.
Fontanet và tôi, chúng tôi cùng rời bỏ ký túc xá của cô Lefort.


VI

TEUTOBOCHUS
Tôi cảm thấy nếu người ta được nuôi dưỡng trên những đường bờ sông của Paris, đối diện với Louvre và điện Tuileries, gần lâu đài Mazarin, trước con sông Sine quang vinh, chảy giữa các ngọn tháp lớn, tháp nhỏ và những chóp nhọn gác chuông của Paris cổ xưa, thì không thể nào người ta có tâm hồn tầm thường được. Ở đấy, từ phố Guénégaud đến phố Bến Phà, các cửa hàng sách, hàng bán đồ cổ và các nhà buôn tranh in tay bày ra nhiều vô kể những hình thức đẹp đẽ nhất của nghệ thuật và những di tích kỳ lạ nhất của quá khứ. Mỗi tủ kính, trong cái duyên dáng lạ lùng và cái lộn xộn thú vị của nó, là một sự cám dỗ đối với con mắt và tâm trí người ta. Người qua đường biết nhìn bao giờ cũng mang theo đi một ý nghĩ về những cái đó, như một con chim bay đi với một cọng rơm mang về tổ của nó.
Vì ở đấy có cây cối với sách vở, và có phụ nữ đi ngang qua, đó là nơi đẹp nhất trần đời.
Vào thời thơ ấu của tôi, còn hơn bây giờ rất nhiều, cái chợ của hiếu kỳ ấy bày đầy những đồ đạc cổ, tranh in khắc cổ, tranh cũ và sách cũ, bàn nhỏ chạm trổ, độc bình cắm hoa, đồ sứ, đồ sành trang sức, đồ thêu kim tuyến, vải dệt hoa, thảm dệt hình người, sách có hình và những nguyên bản đóng gáy da dê. Những thứ đáng yêu ấy chờ đợi các tay chơi lịch sự và uyên bác mà những kẻ buôn cổ phiếu và các đào hát chưa mua tranh được. Những thứ ấy đã trở nên quen thuộc với Fontanet và tôi, khi chúng tôi còn mặc áo cổ lớn thêu, quần cụt và bắp chân để trần.
Fontanet ở ngay góc phố Bonaparte, cha hắn có phòng trạng sư ở đấy. Nhà cha mẹ tôi ở cạnh viện Chimay. Chúng tôi, Fontanet và tôi, là láng giềng và là bạn thân của nhau. Những ngày nghỉ cùng nhau đến chơi ở điện Tuileries, chúng tôi qua cái đường bờ sông Voltaire ấy, và, ở đấy, tay cầm một cái vòng và một quả bóng trong túi, vừa đi chúng tôi vừa nhìn các cửa hàng cũng như các ông già, và chúng tôi có những ý nghĩ theo kiểu của chúng tôi về tất cả những cái kỳ lạ ấy, từ quá khứ xa xăm để lại.
Chứ sao! Chúng tôi đi lang thang, chúng tôi tìm tòi các sách cổ, chúng tôi ngắm nghía các tranh ảnh.
Việc đó làm chúng tôi thích thú lắm. Nhưng tôi phải nói rằng Fontanet không như tôi, có lòng tôn kính tất cả những vật cổ xưa đó. Hắn cười những đĩa cạo râu cổ và những vị giám mục chí tôn bị sứt mũi. Ngay từ bấy giờ Fontanet đã là người tiến bộ mà bạn đã nghe ở diễn đàn Nghị viện. Những sự ngạo mạn của hắn làm tôi run lên. Tôi không thích hắn gọi những bức chân dung lạ lùng của các cụ tổ là nõ điếu. Tôi đã là người bảo thủ. Tôi vẫn giữ lại một chút gì của tính đó, và tất cả mớ triết học của tôi đã khiến tôi trở nên người bạn thân của những cây cổ thụ và các cha xứ nông thôn.
Tôi còn khác Fontanet về một khuynh hướng cảm phục những cái gì tôi không hiểu. Tôi yêu say mê những sách hiểm hóc; và tất cả, hay gần như thế, đều là hiểm hóc cho tôi. Fontanet, trái lại, chỉ thích xem một đồ vật chừng nào hắn hiểu rõ công dụng của nó. Hắn bảo: “Cậu thấy không có một chiếc bản lề nó mở ra được. Một chiếc đanh ốc, có thể tháo ra được.” Fontanet là người có đầu óc chính xác. Tôi phải nói thêm rằng hắn cũng có thể cảm kích khi xem các bức tranh vẽ các trận đánh. Tranh Qua sông Bérézina 25 làm nó xúc động. Cửa hàng bán vũ khí được cả hai chúng tôi đều thích. Khi chúng tôi nhìn thấy, giữa những giáo, khiên, áo giáp và lá chắn tròn, ông Petit Prêtre, mặc một cái tạp dề vải xéc xanh, đi lại khập khiễng như Vulcain 26 , lấy ở cuối xưởng một thanh kiếm cổ rồi đặt lên bàn thợ mộc của ông, kẹp nó vào một chiếc êtô sắt để lau lưỡi kiếm và sửa chuôi nắm thì chúng tôi tin chắc là được xem một cảnh tượng lớn: chúng tôi thấy ông Petit Prêtre có vẻ cao lớn ghê gớm. Chúng tôi im lặng đứng nhìn, mắt dán vào cửa kính. Đôi mắt đen của Fontanet long lanh và cả gương mặt bé nhỏ màu nâu và tinh ranh của nó sinh động hẳn lên.
Buổi tối, nhớ lại sự việc đó, chúng tôi rất phấn khích, và hàng ngàn dự định phấn khởi nảy mầm trong đầu óc chúng tôi.
Một lần Fontanet bảo tôi:
- Giả thử, với bìa và giấy bạc bọc sôcôla, chúng mình làm những vũ khí giống vũ khí của ông Petit Prêtre nhỉ!...
Ý nghĩ ấy hay. Nhưng chúng tôi không xoay xở để thực hiện được nó ra hồn. Tôi làm một cái mũ cứng mà Fontanet lầm tưởng là một cái mũ của nhà quỷ thuật.
Thế là tôi nói:
- Hay là ta lập một nhà bảo tàng!...
Ý nghĩ tuyệt diệu! Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi chỉ có để vào nhà bảo tàng ấy khoảng năm chục hòn bi và hơn một chục con quay.
Đến nước ấy Fontanet chợt nảy ra một ý thứ ba. Hắn kêu lên:
- Chúng mình hãy soạn một bộ Sử nước Pháp, với mọi chi tiết, gồm năm mươi quyển.
Đề nghị ấy làm tôi khoái chí, và tôi hoan nghênh nó giữa những tràng vỗ tay và tiếng kêu vui mừng. Chúng tôi thỏa thuận với nhau là sẽ bắt đầu ngay sáng hôm sau, mặc dù chúng tôi phải học một trang De Viris 27 .
- Mọi chi tiết – Fontanet nhắc lại, - phải ghi đủ mọi chi tiết!
- Tôi cũng nghĩ đúng như thế. Mọi chi tiết!
Chúng tôi bị lùa đi ngủ. Nhưng tôi thao thức trong giường đến mười lăm phút không ngủ được, náo nức hết sức vì ý nghĩ cao cả về một bộ Sử nước Pháp gồm năm mươi quyển, với mọi chi tiết.
Bộ sử ấy, chúng tôi đã bắt đầu viết. Thú thực, tôi cũng không biết tại sao chúng tôi lại bắt đầu nó bằng vua Teutobochus 28 . Nhưng kế hoạch của chúng tôi đòi hỏi như vậy. Chương đầu của chúng tôi đặt chúng tôi trước vua Teutobochus, người cao ba mươi piê 29 , như người ta có thể cầm chắc bằng cách đo các xương của ông, ngẫu nhiên tìm lại được. Ngay từ bước đầu, đã phải chạm trán với một người khổng lồ như vậy! Cuộc gặp gỡ thật là ghê gớm. Chính Fontanet cũng lấy làm lạ.
- Phải bỏ qua Teutobochus thôi, - hắn bảo tôi.
Tôi không dám.
Bộ Sử nước Pháp năm mươi quyển bị dừng lại ở Teutobochus.
Trong đời tôi, hỡi ôi? Đã bao lần tôi bắt đầu lại cuộc phiêu lưu đó của cuốn sách và người khổng lồ! Đã bao lần, khi sắp bắt đầu một tác phẩm lớn hay tiến hành một công trình lớn tôi đã bị chặn đứng bởi một Teutobochus, thông thường gọi là số phận, ngẫu nhiên, tất yếu. Tôi đã quyết một bề là cảm ơn và tỏ lòng ngưỡng mộ tất cả những Teutobochus đó, trong khi ngăn bước chân tôi trên con đường bấp bênh của công danh đã để tôi ở lại với hai nàng giám thủ trung thành của tôi, là sự tăm tối và sự tầm thường. Cả hai nàng đều dịu dàng đối với tôi và yêu tôi. Nhất định tôi phải đền đáp lại các nàng chứ!
Còn về Fontanet, anh bạn lanh lợi Fontanet của tôi, trạng sư, tổng cố vấn, người quản lý của nhiều công ty, nghị viên, thật kỳ lạ thấy anh coi thường mọi thứ và chạy len vào chân tất cả những Teutobochus của đời sống công cộng, mà ở vào địa vị anh, nếu đụng phải tôi sẽ bị vỡ mũi ngàn lần.


VII

UY TÍN CỦA CHA VIỆN TRUỞNG JUBAL
Tôi vào học lớp tám dự bị 30 lòng đầy lo sợ và kiêu hãnh. Ông giáo phụ trách lớp, cha tu viện trưởng Jubal, tự ông không có gì là đáng sợ; ông không có vẻ là một người ác độc, đúng hơn ông có vẻ một cô gái. Nhưng ông ngồi trong một chiếc ghế giảng cao và đen, và cái đó khiến tôi đâm ra sợ ông. Ông có giọng nói và mắt nhìn dịu dàng, tóc xoăn, hai bàn tay trắng trẻo, tâm hồn khoan hậu. ông gióng như một con cừu, có lẽ hơn là một vị giáo sư.
Mẹ tôi, một hôm gặp ông ở phòng nói chuyện, đã thì thầm: “Ông ấy còn trẻ quá!” Và câu ấy được nói với một giọng ngụ ý gì đấy.
Tôi bắt đầu không sợ ông nữa khi tôi thấy mình bắt buộc phải khâm phục ông. Việc đó xảy ra trong khi tôi đọc thuộc lòng bài học của tôi, nó là những câu thơ của cha tu viện trưởng Gauthier về những nhà vua đầu tiên của nước Pháp.
Tôi đọc một câu thơ thằng một hơi và như thể nó gồm có một từ duy nhất:
Truyền rằng Pharamond là người đầu tiên trong các vua ấy
Mà người Francs trong nước Gaule đã tôn lên ngôi báu
Glodion chiếm Cambra rồi Mérovée...
Đến đấy tôi tịt hẳn và lặp lại: Mérovée, Mérovée, Mérovée. - Cái vần ấy, vừa êm tai vừa có ích, nhắc tôi nhớ rằng, thời ngự trị của Mérovée, Lutèce 31 được bảo vệ. Nhưng bảo vệ thoát khỏi cái gì? Tôi không tài nào nói được, vì đã quên mất. Điều đó, thú thực, đã khiến tôi ít chú ý. Tôi đã có ý nghĩ rằng Lutèce là một bà già. Tôi hài lòng rằng bà ta được bảo vệ nhưng thực ra tôi rất ít quan tâm đến công việc của bà ta. Khốn nỗi cha tu viện trưởng Jubal hình như rất muốn tôi nói ra được bà ta đã được bảo vệ thoát khỏi tai họa gì. Tôi ngắc ngứ: “Ờ… Mérovée... ờ, ờ, ờ". Tôi sẽ bỏ không đoán nữa giá như cái lệ ở lớp tám dự bị cho phép làm như thế. Bạn Fontanet ngồi bên chế nhạo tôi và ông Jubal ngồi giũa móng tay. Cuối cùng ông bảo tôi:
- Thoát khỏi những cơn thịnh nộ của Attila, Lutèce được bảo vệ.
Vì anh đã quên câu thơ ấy, anh Nozière ạ, thì anh nên đọc lại nó, chứ đừng đứng chưng hửng thế. Anh có thể nói:
Thoát nạn xâm lăng của Attila, Lutèce được bảo vệ.
hoặc là
Thoát tayAttila ảm đạm, Lutèce được bảo vệ.
hoặc hay hơn nữa:
Thoát tai ương của Thượng đế, Lutèce được bảo vệ.
Người ta có thể thay đổi các từ, miễn là tôn trọng âm luật thơ.
Tôi đã bị một điểm xấu, nhưng cha tu viện trưởng Jubal đã có được một uy tín lớn trước mắt tôi vì tài thơ dễ dàng của ông. Cái uy tín ấy về sau càng tăng hơn nữa.
Ông Jubal, do chức phận của ông buộc phải gắn bó với sách văn phạm của Noël và Chapsal và với Sử nước Pháp của tu viện trưởng Gauthier, tuy vậy vẫn không sao lãng việc giáo dục đạo đức và tôn giáo.
Một hôm tôi không biết nhân cớ gì, ông tỏ vẻ nghiêm trang bảo chúng tôi:
- Các con ạ, nếu các con phải tiếp đón một ông thượng thư, hẳn các con sẽ ân cần khoản đãi ông, như một vị đại diện của nhà vua. Thế thì làm sao các con không tỏ ra tôn kính nhiều hơn các vị giáo sĩ, là những người thay mặt choThượng đế trên đời này. Thượng đế ở trên các nhà vua chừng nào thì giáo sĩ ở trên các thượng thư chừng ấy.
Tôi chưa từng tiếp ông thượng thư nào bao giờ và từ lâu chẳng định tiếp ông thượng thư nào cả. Tôi lại còn tin chắc rằng nếu có một ông nào đến nhà, ngày hôm ấy mẹ sẽ bảo tôi xuống ăn chung với các cô hầu, như điều không may ấy vẫn thường xảy ra mỗi khi nhà có tiệc, tuy vậy tôi vẫn hiểu rằng các vị giáo sĩ là những người vô cùng đáng kính và, áp dụng cái chân lý ấy đối với ông Jubal, tôi cảm thấy hết sức băn khoăn. Tôi nhớ là đã có lần trước mặt ông, tôi đã buộc một con rối bằng giấy lên lưng Fontanet. Điều đó có phải là tôn kính không? Tôi có bao giờ dám buộc một con rối vào lưng Fontanet trước mặt một ông thượng thư không? Chắc chắn là không. Thế mà tôi đã buộc, con rối đó, tất nhiên là một cách lén lút, nhưng ngay trong lúc có mặt ông Jubal - người ở trên các vị thượng thư! Thậm chí con rối đó còn thè lưỡi ra nữa. Tâm hồn đã sáng tỏ. Tôi bị hối hận giày vò, tôi bèn quyết tâm tỏ hết lòng kính trọng đối với tu viện trưởng Jubal, và nếu từ đó về sau, còn có những lần tôi nhét sỏi vào cổ Fontanet trong giờ học hay vẽ những hình người ngộ nghĩnh lên ngay ghế của tu viện trưởng Jubal, thì ít nhất, lúc làm điều đó tôi cũng có chút yên tâm là đã thấy rõ lỗi lớn của mình.
Sau đó ít lâu, tôi dã có dịp biết được đức độ lớn lao của tu viện trưởng Jubal.
Tôi đang ở trong nhà thờ, cùng hai hoặc ba người bạn chờ đến lượt mình xưng tội. Ngày tối dần. Ánh sáng của ngọn đèn thắp suốt ngày đêm làm rung rinh những ngôi sao mạ vàng của vòm nhà đen sẫm. Sau ban đồng ca, chân dung Đức Mẹ Đồng Trinh biến vào trong vẻ mờ nhạt của một sự hiển linh. Bàn thờ đầy những chiếc bình mạ vàng cắm đầy hoa; mùi hương ngào ngạt trong không khí; người ta phảng phất thấy hàng ngàn đồ vật và sự buồn chán, ngay cả sự buồn chán, cái tội lớn của trẻ con, cũng có màu sắc êm dịu trong không khí của nhà thờ. Tôi cảm thấy nhà thờ như tiếp giáp với chốn thiên đường ở phía bàn thờ.
Ngày đã tàn. Bỗng nhiên, tôi thấy tu viện trưởng Jubal tay cầm đèn lồng, bước tới chỗ dàn đồng ca. ông khuỵu gối một cách cung kính rồi mở cánh cửa lưới sắt, ông bước lên bục tam cấp của bàn thờ. Tôi chú ý quan sát thấy ông mở ra một cái gói, trong có những tràng hoa giả nhìn giống như những bó hoa anh đào mà vào độ tháng bảy, các bà già vẫn bán ngoài đường phố và tôi kinh ngạc thấy ông tiến lại gần tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Ông tu viện trưởng ơi, lúc đó, ông đã ngậm một nhúm kim găm ở miệng, ban đầu tôi lo là để nuốt những kim ấy, nhưng đó chỉ là để lấy cho tiện mà thôi. Ông đứng lên chiếc ghế đẩu và bắt đầu cắm những tràng hoa quanh bệ tượng Đức Mẹ. Rồi có lúc ông từ trên ghế bước xuống để ngắm nghía kết quả công việc đã làm và ông tỏ ra hài lòng: má ông đỏ hồng, mắt long lanh, và nếu miệng không ngậm kim găm thì chắc ông đã cười nụ. Còn tôi, tôi mải mê ngắm ông. Và mặc dầu ngọn đèn lồng đặt dưới đất toả sáng khiến mũi ông trở nên ngộ nghĩnh, tôi vẫn thấy ông rất đẹp. Lúc này tôi hiểu rõ ràng địa vị của ông cao hơn các ông thượng thư như ông đã từng gợi ý cho chúng tôi trong một câu chuyện khéo léo. Tôi nghĩ rằng làm một ông tướng đầu đội mũ có cắm lông và cưỡi con ngựa trắng để thắng một trận đó cũng không phải là điều dẹp đẽ và đáng mong muốn hơn cái việc treo những tràng hoa lên tường nhà thờ. Tôi biết cái chí hướng của tôi là bắt chước ông.
Về nhà, ngay tối hôm đó, tôi đã bắt chước ông lấy kéo của mẹ tôi cắt tất cả những giấy tôi có thế tìm được đế làm những tràng hoa. Các bài làm của tôi vì thế mà phải chịu tổn hại. Đặc biệt, bài tập tiếng Pháp của tôi chịu tổn hại nhiều nhất.
Đấy là một bài tập trong quyến sách của một ông Coquempot nào đó, một quyển sách độc ác. Tôi vốn không có thù hằn gì cả, nhưng nếu tác giả quyển sách mang một cái tên dễ quên hơn thì tôi đã có sẵn lòng nhân từ để quên đi rồi. Nhưng người ta không quên được Coquempot. Tôi không muốn quá tay đối với ông ta trong trường hợp ngẫu nhiên đó. Tuy nhiên cho phép tôi lấy làm lạ rằng người ta lại phải làm những bài tập khổ sở như thế để học một thứ tiếng gọi là tiếng mẹ đẻ mà mẹ tôi đã dạy cho tôi một cách rất tài tình bằng cách nói chuyện trước mặt tôi. Vì rằng mẹ tôi nói chuyện hay lắm.
Nhưng ông Jubal lại cảm thấy một cách sâu sắc công dụng quyển sách của ông Coquempot và vì không thông cảm được với tôi, nên đã cho tôi điểm xấu. Năm học kết thúc không xảy ra một sự kiện nào đáng kể. Fontanet bắt đầu nuôi sâu ở trong ngăn bàn học. Vì lòng tự ái, tôi cũng nuôi sâu, mặc dù tôi rất ghê tởm chúng. Fontanet ghét Coquempot và mối ác cảm đó đã làm chúng tôi gần nhau. Chỉ nghe đến cái tên Coquempot, chúng tôi đã trao đổi với nhau những cái nhìn đồng tình và cùng nhau nhăn mặt một cách đầy ý nghĩa. Điều đó như đã trả thù cho chúng tôi. Fontanet tâm sự với tôi là nếu lên lớp tám mà còn phải dùng cái món Coquempot nữa thì nó sẽ xin làm một thủy thủ nhỏ trên một chiếc tàu thủy lớn. Quyết định đó làm tôi thích thú và tôi hứa sẽ làm thủy thủ cùng với nó. Chúng tôi thề kết bạn với nhau từ đó.
Ngày phát phần thưởng, Fontanet và tôi đều như thay đổi hình dạng. Đó là vì đầu chúng tôi đều được chải tươm tất. Những bộ áo mới, những chiếc quần trắng tinh, cái cạp bằng vải chéo, sự tập hợp đông đủ của bố mẹ học sinh ở trường, chiếc bục trang hoàng đẹp, tất cả những cái đó làm chúng tôi xúc động như trong những buổi diễn kịch lớn. Tôi lo lắng, tìm phần của mình trong những quyển sách và vòng hoa chất thành một chồng rực rỡ và tôi ngồi hơi run trên ghế của mình. Nhưng Fontanet, khôn ngoan hơn, không cần hỏi xem số phận mình sẽ ra sao. Nó giữ thái độ trầm tĩnh một cách đáng kính phục. Nó quay cái đầu chồn đen nhỏ tọc mạch nhìn tứ phía, nhận ra được những cái mũi dị hình cửa các ông bố và những chiếc mũ buồn cười của các bà mẹ đến nỗi tôi phải chịu thưa sự nhanh trí của nó.
Nhạc nổi lên. Thầy hiệu trưởng, khoác ngoài chiếc áo thầy tu một chiếc áo lễ, xuất hiện trên bục bên một ông tướng mặc đại lễ phục và dẫn đầu các thầy giáo. Tôi đều nhận mặt được hết thảy. Mỗi người đều theo ngôi thứ của mình mà ngồi xuống sau ông tướng: trước hết là thầy hiệu phó, rồi các thầy lớp trên; rồi đến thầy Schuwer, giáo viên dạy ký xướng âm, thầy Trouillon, giáo viên dạy viết tập và thầy đội Morin, giáo viên thể dục. Tu sĩ Jubal tiến ra cuối cùng và ngồi sau chót, trên một chiếc ghế nhỏ, vì thiếu chỗ nên chỉ có ba chân ở trên bục còn một chân nữa thì đâm thủng tấm vải màn. Nhưng tu sĩ Jubal cũng không giữ được lâu cái chỗ ngồi hèn mọn đó. Những người mới tới đẩy ông lùi vào một góc và rồi ông biến mất sau một lá cờ. Người ta đặt ở chỗ ông một cái bàn nữa và thế là hết. Fontanet rất thích thú về việc truất bỏ ông tu sĩ. Còn tôi thì lấy làm áy náy thấy người ta có thể bỏ rơi ở trong một xó như một chiếc dù hay chiếc gậy một người sành họa và giỏi thơ và đại diện cho Thượng đế trên trái đất này.


VIII

CHIẾC MŨ CÁT KÉT CỦA FONTANET
Cứ mỗi ngày thứ bảy, người ta dẫn chúng tôi đi xưng tội, nếu ai có thể nói với chúng tôi xưng tội để làm gì, người đó sẽ làm cho tôi thích thú. Công việc đó gợi cho tôi những ý nghĩ cung kính và buồn chán. Tôi không tin rằng cha tuyên úy thực sự thích nghe tôi xưng tội. Nhưng quả thật tôi thì không thích xưng tội chút nào. Cái khó khăn thứ nhất là tìm ra tội để mà xưng. Có thể là các bạn sẽ tin tôi nếu tôi nói rằng vào cái tuổi lên mười, tôi không có được những năng khiếu thuộc về tâm linh và những phương pháp phân tích cho phép tôi thăm dò một cách hợp lý nội tâm của mình.
Nhưng cần phải có tội, vì nếu không có tội thì không xưng tội được. Nói đúng ra, người ta đã cho tôi một quyển sách nhỏ chứa đầy đủ tất cả mọi tội lỗi. Tôi chỉ có việc chọn. Nhưng chọn cho được cũng khó. Trong quyển sách đó có rất nhiều điều và là những điều mờ ám về tội ăn cắp vặt, buôn bán đồ thánh, tội phế khoáng chức vụ, tội thông dâm và dâm dục. Tôi thấy trong sách có những câu: “Tôi tự thú là đã tuyệt vọng - Tôi thú là đã nghe những câu chuyện bậy bạ”. Điều đó nữa không khỏi làm tôi lúng túng nhiều lắm. Vì vậy tôi thường chú ý đến chương về những sao nhãng ờ buổi lễ trong bữa ăn, trong các “cuộc tụ tập”, tôi thú nhận tuốt, và sự trống rỗng thảm hại của lương tâm làm tôi hết sức hổ thẹn.
Tôi cảm thấy nhục nhã vì không có tội.
Cuối cùng, một ngày kia tôi nghĩ đến cái mũ cát két của Fontanet; tôi nắm được tội của tôi đây rồi, thế là thoát nạn!
Từ đó, mỗi ngày thứ bảy, tôi cung kính trút gánh nặng chiếc mũ của Fontanet trước mặt cha tuyên úy.
Với cách thức tôi làm hư tài sản của người khác qua chiếc mũ của Fontanet, mỗi ngày thứ bảy, trong vài phút, chiếc mũ đó đã gây cho tôi những lo lắng day dứt về sự cứu rỗi linh hồn. Tôi bỏ cát vào đầy mũ; tôi quẳng nó lên cây cao đến nỗi phải dùng đá ném cho nó rơi xuống như người ta ném những quả chưa chín. Tôi dùng mũ làm giẻ chùi những hình vẽ bằng phấn trên bảng đen; tôi đã ném chiếc mũ qua lỗ cửa sổ nhỏ xuống những cái hầm không ai xuống được, thành ra sau mỗi buổi học cu cậu Fontanet tài tình tìm ra được nó thì chiếc mũ chỉ còn là một mảnh giẻ bẩn thỉu.
Nhưng một bà tiên đã chăm lo đến số phận của nó vì sáng hôm sau, nó lại xuất hiện trên đầu Fontanet dưới hình dạng bất ngờ một cái mũ cát két sạch sẽ, tươm tất và hầu như xinh xắn. Và ngày nào cũng thế. Bà tiên đó là người chị cả của Fontanet. Chỉ việc đó, người ta cũng có thể biết cô ta là một người đàn bà đảm đang.
Đã nhiều lần, trong lúc tôi quỳ trước tòa án linh thiêng thì cái mũ cát két của Fontanet đã bị chính tay tôi dìm dưới đáy bể nước trước sân chính. Những lúc ấy, hoàn cảnh của tôi kể cũng có điều hơi khó xử.
Nhưng tình cảm nào đã thúc đẩy tôi thù ghét cái mũ cát két kia? Sự thù hằn.
Fontanet đã hành hạ tôi vì tôi có một cái cặp sách đeo lưng hình thù cổ xưa và kỳ lạ, mà chú tôi, một người cần kiệm, đã cho ra nó đã làm khổ tôi. Cái cặp quá lớn đối với tôi, còn tôi thì quá bé so với nó. Hơn nữa, cái cặp sách này không giống một cặp sách vì nó vốn không phải là một cặp sách. Đấy là một cái cặp da có thể kéo ra xếp lại như một chiếc phong cầm mà người thợ da của chú tôi đã khâu thêm vào một quai da.
Nói rằng tôi chúa ghét cái cặp ấy kể ra không phải không có lý do. Nhưng ngày nay tôi nghĩ nó không đến nỗi xấu lắm để người ta lăng nhục nó như thế. Đấy là một cái cặp da dê thuộc màu đỏ, viền đăng ten rộng màu vàng, khóa bằng đồng, trên có hình một mũ miện và những huy chương. Bên trong cặp có lót lụa cũ màu xanh đã bợt. Nếu cái cặp ấy còn đến ngày nay, tôi sẽ chú ý đến nó biết bao! Vì hồi tưởng lại, tôi vẫn nhớ đấy là một vòng miện, có thể là một vương miện, và trên cái nắp và trên hình huân chương. ta còn thấy rõ (nếu tôi không mơ tưởng) ba bông hoa huệ mà vết dao cạo chưa hết; ngày nay tôi nghĩ rằng cái cặp da đó nguyên là của một ông thượng thư dưới triều vua Louis XVI.
Nhưng Fontanet không đếm xỉa đến quá khứ của chiếc cặp một khi thấy tôi mang cặp trên lưng, nó không thể không vốc tuyết hoặc quả dẻ tùy theo mùa, và những quả bóng bằng cao su, suốt cả năm, ném cặp.
Thực ra, bạn bè của tôi và cả Fontanet, chỉ ghét chiếc cặp của tôi ở mỗi điềm nó có hình thù kỳ quặc. Nó không giống những cái cặp khác và chính vì vậy đã gây cho tôi mọi tai họa. Trẻ nhỏ có ý thức thô bạo về sự bình đằng. Chúng không chịu được cái gì là đặc biệt và độc đáo. Chú tôi đã không để ý đến tâm lý đó lúc làm quà cho tôi cái cặp tai hại này. Cái cặp đeo lưng của Fontanet cũng gớm ghiếc; hai người anh của nó lần lượt kéo lê trên ghế nhà trường, nên chiếc cặp không còn có thể bẩn hơn được nữa, da đã bị trợt cả và bị thủng, mấy cái quai không còn nữa và đã được thay bằng dây nhưng vì chiếc cặp đó không có gì khác thường, nên Fontanet không phải chịu những sự rủi ro như tôi. Còn tôi cứ mỗi lần bước vào sân trường, vai đeo chiếc cặp thì lập tức, tai tôi bị ù lên vì những tiếng hò hét. Tôi bị bạn bè vây quanh xô đẩy và vật ngã sấp mặt xuống đất. Fontanet cho như thế là bắt tôi chơi cái trò con rùa ra nó ngồi lên mai rùa của tôi. Nó không nặng lắm, nhưng tôi cảm thấy nhục nhã. Vừa đứng dậy được, tôi liền chồm đến giằng lấy cái mũ của nó.
Than ôi! Chiếc mũ của Fontanet vẫn mãi mãi mới toanh và chiếc cặp của tôi vẫn không thể phá nổi Và những cuộc xô xát xưa chúng tôi vẫn nối tiếp xảy ra tuân theo một định mệnh khắc nghiệt như những tội ác trong dòng họ Atrides 32 cổ xưa.


IX

NHỮNG LỜI TRĂNG TRỐI CUỐI CÙNG CỦA DÉCIUS MUS
Sáng nay, lần tìm sách cũ trên đường bờ sông, tôi thấy trong hộp sách giá hai xu có một cuốn lẻ bộ của The - Live 33 . Giở xem lất phất, tôi bắt gặp câu này: “Tàn quân La Mã đến được Canusium nhờ đêm tối”, và câu ấy nhắc tôi nhớ tới ông Chotard. Mà khi tôi nhớ đến ông Chotard thì lòng thấy vui vui. Tôi còn nhớ đến ông khi trở về nhà, vào giờ bữa sáng. Và, vì nụ cười còn đang trên môi, người nhà hỏi tôi nguyên do.
- Nguyên do, các con ạ, là ông Chotard.
- Cái ông Chotard làm mình mỉm cười ấy là ai thế?
- Để tôi kể cho mà nghe. Nếu câu chuyện của tôi nhạt thì cứ giả vờ như nghe và để mặc tôi tưởng rằng người thuật chuyện bướng bỉnh kể chuyện mình không phải cho chính nghe nhé.
“Bấy giờ tôi mười bốn tuổi và tôi học lớp đệ tam. Thầy giáo của tôi tên là Chotard, có nước da tươi tốt của một tu sĩ già và chính ông là một tu sĩ già.
“Thầy tu Chotard, sau khi đã là một trong những con chiên hiền nhất của giáo đường thánh François, năm 1830 bỏ áo tu và mặc áo người thế tục, tuy vậy cũng không mặc được nó một cách thanh lịch. Thầy tu Chotard đã có lý do gì hành động như vậy? Người bảo vì tình, người bảo vì sợ và rằng sau ba ngày Vinh quang 34 nhân dân nắm chủ quyền đã ném vài cái lõi cải bắp cho các thầy dòng của XXX, thầy tu Chotard bèn nhảy qua tường tu viện để tránh cho các kẻ ngược đãi mình một tội lỗi lớn đến như hành hạ một thầy dòng.
“Thầy tu hiền lành ấy là một nhà uyên bác. Ông được thăng trật, dạy học và sống ra trò thậm chí đến hoa râm mái tóc, phị đôi má và đỏ hồng cái mũi khi tôi dược dẫn với các bạn tôi đến thụ giáo với ông.
“Ông giáo lớp đệ tam chúng tôi thật là một tay thượng võ biết bao! Phải nhìn ông, khi bản văn cầm tay, ông đưa tới Philippes những quân lính của Brutus. Dũng cảm thay! Tâm hồn cao cả nhường nào! Anh hùng biết mấy! Nhưng ông đã chọn thời để làm một người anh hùng, và thời đó không phải là thời hiện. tại. Bình sinh ông Chotard tỏ ra lo lắng và nhút nhát, người ta dễ làm ông kinh sợ.
“Ông sợ kẻ trộm, chó dại, sấm sét, xe cộ và tất cả cái gì có thể từ gần hay xa làm tổn hại đến lớp da một ngươi lương thiện.
“Bảo rằng chỉ có thân thể ông ở lại giữa chúng ta là nói đúng, tâm hồn ông ở thời cổ đại. Cái con người cao siêu ấy sống ở Thermopyles 35 với Léonidas; ở biển Salamine 36 trên tàu biển của Thémistocle ở chiến trường Cannes gần Paul – Emile 37 ông đã ngã xuống hồ Trasimène 38 mình đầy máu, sau này, một người đánh cá sẽ tìm thấy dưới hồ chiếc vòng hiệp sĩ La Mã của ông. Ở Pharsale 39 ông thách thức César và các thần linh, ông vung thanh đoản kiếm gẫy của ông trên xác Varus 40 , trong rừng Hecrynie. Đó là một chiến tướng lỗi lạc.
“Quyết tâm chết thì chết nhưng cũng phải giết được nhiều kẻ thù ở bờ sông Egos - Potamos 41 và kiêu hãnh cạn chén rượu giải phóng ở Numance 42 bị vây hãm, ông Chotard với các tướng sĩ mưu trí, không ngại dùng những mưu kế hiểm độc nhất.
“Một trong những mưu kế nên dùng, - một hôm ông Chotard bảo chúng tôi trong khi bình luận một bản văn của Elien, 43 - là nhử quân địch vào một đường hẻm và nghiền nát nó dưới những tảng đá.
“Ông không nói cho chúng tôi biết quân địch thường có sẵn lòng để cho ông thực hiện mưa kế ấy không. Nhưng tôi muốn nói ngay tới đoạn mà hình ảnh ông Chotard đã gây một ấn tượng oai hùng trong tâm trí tất cả các học trò ông.
“Ông lấy các trận đánh, các cuộc bao vây, các buổi lễ giải oan và cầu phúc làm đầu đề cho các bài tập làm văn bằng tiếng La tinh cũng như tiếng Pháp, và chính khi đọc cho chúng tôi chép bài chữa những luận văn ấy, ông đã phát huy được cả tài hùng biện của mình. Lời văn và cách đọc của ông trong cả hai ngôn ngữ cũng biểu hiện một sự hăng hái thượng võ ấy. Đôi khi ông phải ngắt dòng ý nghĩ để phân phát cho chúng tôi những trừng phạt đích đáng, nhưng ngay trong những việc đột xuất ấy giọng ông cũng vẫn hùng hồn; thành thử nói lần lượt với khẩu khí của một quan chấp chính cổ vũ binh lính và một ông thầy giáo lớp đệ tam trừng phạt học sinh ông dồn tâm trí học trò vào một tình thế cực kỳ hoang mang vì không thể nào biết ông quan chấp chính hay là ông giáo đang nói đây. Một hôm, ông trổ tài kiệt xuất với một diễn từ vô song. Diễn từ ấy, tất cả chúng tôi đều thuộc lòng, tôi đã cẩn thận chép nó vào vở không để sót tí gì.
“Và đây là nguyên văn của bài đó như tôi đã nghe và đang còn nghe vì dường như tiếng nói sang sảng của ông Chotard vẫn còn văng vẳng bên tai tôi, với cái giọng trang trọng đơn điệu”.
NHỮNG LỜI TRĂNG TRỐI CUỐI CÙNG
CỦA DÉCIUS MUS
“Đến lúc sắp hiến thân cho các vị thần Mânes, Décius Mus thúc mạnh vào hông con kiệu mã, quay lại nhìn những người bạn chiến đấu một lần cuối cùng và nói:
- Nếu các trò không giữ yên lặng hơn được nữa, tôi sẽ trừng phạt cả lớp phải ở lại. Vì tổ quốc, tôi đi vào cõi bất tử. Vực thẳm đang chờ tôi. Tôi sẽ chết vì lợi ích chung. Trò Fontanet, trò sẽ chép cho tôi mười trang của quyển văn phạm sơ yếu. Đó là sự quyết định sáng suốt của Jupiter Capitolinus, người bảo vệ vĩnh viễn của thành La Mã bất diệt. Này Nozière, như tôi thấy, nếu trò còn trao bài làm của mình cho Fontanet để trò ấy cóp như mọi lần, tôi sẽ viết thư báo cho ông thân của trò. Điều hợp với lẽ phải và cần thiết là một người công dân phải hiến thân cho lợi ích chung. Hãy ước ao được như tôi và đừng có thương tiếc tôi. Cái cười vô cớ là cái cười ngu xuẩn. Trò Nozière, trò sẽ bị phạt ở lại lớp ngày thứ năm tới. Gương sáng của tôi sẽ lưu mãi với các người. Này các trò, thái độ cười cợt của các trò là một sự vô lễ mà tôi không thể tha thứ được. Tôi sẽ báo cáo với ông hiệu trưởng về hành vi của các trò. Và tôi sẽ thấy ở trong điện Elysée dành cho vong linh các vị anh hùng - những trinh nữ của nước Cộng hòa, treo những chuỗi hoa dưới chân dung của tôi!”
“Hồi bấy giờ, tài cười của tôi ít người sánh kịp. Tôi đã thi thố hết tài năng ấy ra trong lúc nghe những lời trăng trối cuối cùng của Décius Mus, và khi thầy Chotard, sau lúc đã cho tôi một cớ chắc chắn nhất đế cười, lại nói thêm rằng cười vô cớ là một việc ngu xuẩn, thì tôi bèn chui đầu vào quyển tự vị và cười ngất đi. Những ai chưa từng bị một trận cười điên dại làm rung động năm mười lăm tuổi, dưới một trận mưa trừng phạt thì quả chưa biết một thứ khoái cảm đặc biệt.
“Nhưng xin đừng tưởng tôi đến lớp để chơi lêu lổng, tôi là một nhà cổ văn khá giỏi, theo kiểu riêng tôi. Tôi đã cảm thấy được một cách mãnh liệt những gì đáng yêu và cao thượng trong cái mà người ta gọi rất đúng là văn chương.
“Hồi ấy, tôi đã biết thích những lời văn đẹp bằng tiếng La tinh và tiếng Pháp và cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa mất cái thú ấy mặc dù những người cùng lớp tuổi tôi và ra đời thành đạt hơn tôi, đã khuyên nhủ và nêu gương. Về phương diện này, cái điều đã xảy ra với tôi cũng là cái điều thường xảy ra với những người mà ý kiến bị khinh rẻ. Tôi đã tự coi là một niềm tự hào cho mình cái có lẽ chỉ là một trò cười cho thiên hạ. Tôi cứ khăng khăng ôm lấy văn chương và cho đến nay tôi vẫn là một đồ đệ của phái cổ điển. Người ta có thể coi tôi là một tay quý tộc, một vị quan lại; nhưng tôi tin là sáu hoặc bảy năm nghiền ngẫm văn học sẽ cho một tâm hồn sẵn có tư chất để tiếp nhận cái thanh cao, cái mạnh mẽ uyển chuyển, và cái đẹp mà người ta không thể có được bằng cách khác.
“Còn tôi, tôi đã thích thú thưởng thức Sophocle vàVirgile. Ông Chotard, tôi thú thật, ông Chotard với sự giúp đỡ của Tite - Live, gởi cho tôi những giấc mơ tuyệt vời. Trí tưởng tượng của trẻ con thật là kỳ diệu. Và trong đầu óc của những đứa bé nghịch ngợm xuất hiện biết bao hình ảnh xinh đẹp! Khi nào ông ta không làm cho tôi cười lăn ra thì ông Chotard lại làm cho tôi dạt dào cảm kích.
“Mỗi lần, với cái giọng sang sảng của một nhà thuyết giáo già, ông đọc chậm rãi câu: "Tàn quân La Mã đến được Canusium nhờ đêm tối", tôi thấy lặng lẽ diễn qua dưới ánh trăng giữa cánh đồng trơ trụi, trên một con đường viền lăng tẩm, những bộ mặt tái mét đầy máu và bụi bặm, những chiếc mũ sắt bẹp, những mảnh áo giáp xám xịt và méo mó, những thanh gươm đã gãy. Và bức tranh mờ nhạt đang dần dần biến đi ấy có một cái gì vừa trang trọng, vừa buồn bã, mà cũng vừa kiêu hãnh khiến trái tim tôi dội lên trong lồng ngực, vừa thán phục lại vừa xót xa.”


X

CỔ VĂN HỌC 44
Tôi xin kể các bạn nghe những gì hàng năm cái cảnh trời thu mây vần, những bữa ăn tối đầu tiên dưới ngọn đèn và những chiếc lá úa vàng trong lùm cây rún rẩy nhắc tôi nhớ lại; tôi xin kể các bạn nghe những gì tôi trông thấy lúc đi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khu vườn có vẻ đìu hiu và đẹp hơn bao giờ hết, vì đấy là thời lá rơi từng chiếc, từng chiếc trên vai trắng ngần của các pho tượng. Cái mà lúc bấy giờ tôi nhìn thấy trong khu vườn, đó là một chú bé, tay đút túi, cặp sách trên lưng, trên đường tới trường nhảy nhót như một con chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú, vì chú bé ấy là một cái bóng của tôi hai mươi lăm năm về trước.
Quả thật, chú bé đó, tôi tha thiết quan tâm đến chú: trước kia, khi chú đương tồn tại thì tôi chẳng bận tâm gì mấy đến chú; nhưng bây giờ chú không còn nữa, dù tôi lại rất yêu chú. Nói tóm lại, chú còn hơn tất cả những cái tôi khác của tôi sau khi đã mất cái tôi đó. Chú rất khờ dại; nhưng không xấu bụng và tôi phải công nhận rằng chú không hề để lại cho tôi một kỷ niệm nào xấu, đó là một kẻ thơ ngây vô tội mà tôi đã mất, dĩ nhiên tôi tiếc chú, dĩ nhiên tôi trông thấy chú trong tâm tư, và trí óc tôi vui thích nhen nhóm lại hồi ức về chú.
Hai mươi lăm năm trước đây, cũng vào thời điểm này, chú đi xuyên qua, trước tám giờ, khu vườn đẹp kia để đến trường. Lòng dạ chú hơi não nề: đó là ngày tựu trường.
Tuy vậy, chú vẫn bước đi thoăn thoắt, sách vở trên lưng và con quay trong túi. Cái ý nghĩ được gặp lại bạn bè làm cho lòng chú vui trở lại. Chú có bao điều muốn nói và muốn nghe! Há chẳng phải chú cần được biết thằng Laboriette có đi săn thực sự trong rừng Đại Bàng không? Há chẳng phải chú cần được trả lời rằng chú, chính chú, đã cưỡi ngựa trong những núi rừng của xứ Auvergne? Hay khi người ta làm một cái trò như thế thì không phải để mà giấu giếm. Với lại, gặp lại bạn bè, thú vị biết bao! Chú hết sức nóng ruột muốn gặp lại thằng Fontanet, bạn thân của chú; thường vẫn chế giễu chú một cách dễ thương, thằng Fontanet, không lớn gì hơn một con chuột mà tinh khôn hơn cả Ulysee, ở đâu cũng chiếm hàng đầu với một vẻ duyên dáng hồn nhiên!
Chú cảm thấy lòng dạ lâng lâng, khi nghĩ đến chuyện gặp lại Fontanet. Chính trong tâm trạng như vậy, khi chú đi xuyên qua vườn Luxembourg trong không khí mát lạnh buổi sớm mai. Tất cả những gì chú thấy lúc đó, bây giờ tôi cũng đều trông thấy. Cũng trời ấy và đất ấy; các sự vật đều có linh hồn ngày xưa của chúng, áng linh hồn nó làm tôi vui và làm tôi buồn, và làm tôi xao xuyến, chỉ có chú là không còn nữa.
Vì thế cho nên, ngày càng tuổi tác, tôi càng thiết tha với ngày tựu trường.
Ví thử tôi đã là học sinh lưu trú trong một trường trung học quốc gia 45 thì cái kỷ niệm học hành của tôi sẽ là cay độc và tôi sẽ xua đuổi nó đi. Nhưng bố mẹ tôi đã không đặt tôi vào cái ngục tù đó. Tôi là học sinh ngoại trú trong một trường trung học địa phương 46 cũ kỹ hơi có vẻ khổ hạnh và lẩn khuất; hàng ngày tôi trông thấy phố xá và nhà cửa và không bị cách biệt như những học sinh lưu trú, với cuộc sống ngoài xã hội và cuộc sống trong gia đình. Vì thế, những cảm nghĩ của tôi không phải là của một kê nô lệ, chúng được phát triển vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, như tất cả những gì mọc trên mảnh đất của tự do. Không có tí hờn giận nào xen lẫn vào với chúng. Sự ham biết trong đó lành mạnh và chính là để được yêu mà tôi muốn dược biết.
Tất cả những điều tôi nhìn thấy trên đường đi, những người, những con vật, những đồ vật đã giúp cho tôi cảm thông được cái giản đơn và mãnh liệt của cuộc sống, hơn người ta có thể tưởng tượng. Không gì bằng con đường phố, để làm cho một đứa trẻ hiểu được guồng máy xã hội. Phải để cho dứa bé mỗi sáng được nhìn thấy những người bán sữa, những người xách nước, những người bán than, phải cho nó được ngắm nghía các cửa hàng tạp hóa, các cửa hàng thịt và hàng rượu, phải để cho nó được thấy các đoàn quân kéo qua, với đội quân nhạc đi đầu; cuối cùng phải để cho nó được thở cái không khí của đường phố đế cảm thấy luật lao động là thần thánh và trong thế giới này, mỗi người phải lĩnh một nhiệm vụ. Qua các cuộc hành trình mỗi ngày hai buổi từ nhà tới trường học và từ trường học về nhà, cái gì còn giữ lại được trong tôi ngày nay là một sự tò mò âu yếm đối với các nghề nghiệp và những con người lao động.
Nhưng tôi xin thú thật rằng không phải đối với mọi người và mọi vật tôi đều có cảm tình như nhau. Đầu tiên, những người bán hàng giấy, bày trước cửa hiệu các bức tranh Épinal 47 đã chiếm được thiện cảm của tôi. Biết bao lần, mũi dán vào kính, tôi đọc từ đầu đến cuối nhưng lời chú giải của những truyện kịch nhỏ bằng hình vẽ đó.
Tôi được biết nhiều những hình vẽ đó trong một thời gian ngắn; có những hình kỳ quái bắt trí tưởng tượng của tôi phải làm việc, và phát triển trong tôi cái năng khiếu đó, không có nó thì người ta không tìm thấy gì cả, ngay cả về địa hạt những thực nghiệm và trong lĩnh vực các khoa học chính xác. Có những bức tranh, miêu tả những cuộc đời dưới một hình thức ngây thơ và lý thú, làm tôi lần đầu tiên nhìn vào cái trò khủng khiếp nhất, hay nói đúng hơn, cái trò duy nhất khủng khiếp - số kiếp. Nói tóm lại, tôi ơn nhờ những hình vẽ của Épinal rất nhiều.
Về sau, vào hồi mười bốn hoặc mười lăm tuổi, tôi không còn dừng lại trước các cửa hàng tạp hóa nữa tuy trong một thời gian dài dường như, đối với tôi những hộp mứt quả là những vật đáng thán phục. Tôi coi thường những hàng tạp hóa và không còn mày mò để đoán nghĩa chữ Y bí mật vàng chói trên tấm biển của họ. Ít khi tôi dừng lại để đọc những câu ẩn ngữ trên tấm chấn song cửa những cửa hàng rượu lâu năm, chỗ mà người ta thường thấy một quả mộc qua hay một ngôi sao chổi uốn bằng sắt.
Trí óc của tôi trở nên tế nhị hơn, chỉ còn chú ý đến những quán hàng nhỏ bán tranh khắc gỗ, những quầy hàng tập tàng và những hộp sách cũ.
Hỡi mấy ông già Do Thái nhếch nhác của phố Cherche Midi 48 , những ông bán sách cũ hồn nhiên ở các phố bờ sông, những ông thầy của tôi, tôi mang ơn các ông biết mấy. Cũng ngang và còn hơn các giáo sư của trường đại học, các ông đã đào luyện tri thức cho tôi. Hỡi những con người hồn hậu, các ông đã bày ra trước mắt vui thích của tôi các hình thể huyền bí của đời sống dĩ vãng và đủ mọi thứ công trình quý báu của tư duy loài người. Chính khi mày mò trong các hộp sách của các ông, chính trong lúc chiêm ngưỡng những quầy sách bụi bặm của các ông, chất đầy những thành tích tội nghiệp của ông cha chúng ta và những tư tưởng tốt đẹp của các vị mà tôi vô hình trung thấm nhuần được nền triết lý lành mạnh nhất.
Đúng vậy, các bạn thân yêu của tôi ơi, nhờ sự tiếp xúc với các sách cũ đã bị sâu bọ gặm nhấm, còn đồ sắt vụn han gỉ và các đồ gỗ mọt ruỗng mà các bạn bán để sinh sống, tôi đã tiếp thụ được, hồi còn trẻ thơ, một mối cảm nghĩ sâu sắc về sự trôi qua của vạn vật và sự hư không của hết thảy. Tôi đã đoán biết rằng mọi sinh vật chỉ là những hình ảnh đổi thay trong sự hư ảo phổ biến, và ngay từ khi đó, tôi đã có xu hướng về u buồn, hiền dịu và xót thương.
Trường học ngoài trời truyền thụ cho tôi, như các bạn thấy đấy, những kiến thức cao cả. Trường học trong nhà lại còn bổ ích cho tôi hơn nữa. Những bữa ăn gia đình, rất êm ái khi thấy các bình nước trong veo, khăn trải bàn trắng tinh và mọi nét mặt thanh thản bữa ăn tối hàng ngày với câu chuyện trò thân mật, đem lại cho đứa trẻ sự yêu thích và thấu hiểu các sự vật trong nhà, những sự vật tầm thường và thiêng liêng của đời sống. Nếu nó có cái hạnh phúc được có, như tôi, những bậc cha mẹ thông minh và nhân hậu, thì các câu chuyện trò ở bàn ăn mà nó nghe được, đem lại cho nó nhiều nhận thức đúng đắn và lòng thích yêu thương. Mỗi ngày nó được ăn miếng bánh thánh mà người ta thiêng liêng bẻ ra và ban cho những khách hành hương trong quán ăn ở Emmaỹs.Và nó tự nghĩ như họ: “Trái tim của tôi nóng hổi ở trong tôi”.
Những bữa ăn của học sinh lưu trú ở nhà ăn công cộng không có được sự êm ái và hiệu năng đó. Ôi! Trường học trong nhà là trường học tốt đẹp thay!
Tuy nhiên, sẽ là hiểu lầm ý nghĩ của tôi rất nhiều, nếu cho rằng tôi coi thường những cái học kinh điển. Tôi nghĩ rằng, để đào tạo một đầu óc, không gì bằng sự học tập hai nền cổ đại kia 49 theo các phương pháp của những nhà cổ văn học Pháp thời xưa. Cái tiếng gọi cổ văn học đó, có nghĩa là ưu nhã, áp dụng rất đúng cho nền giáo dục kinh điển.
Chú bé loắt choắt mà tôi nói đến ban nãy với các bạn, với một mối thiện cảm mà các bạn có lẽ cũng sẽ miễn thứ cho, khi nghĩ rằng mối thiện cảm đó không có gì vị kỷ mà đó là thiện cảm với một cái bóng thôi, chú bé loắt choắt đó đi xuyên qua vườn Luxembourg, nhảy nhót như một con chim sẻ,chú bé ấy là, xin các bạn hãy tin cho, một tay cổ văn học khá đấy. Chú biết thưởng thức, trong tâm hồn trẻ thơ của chú, cái hùng khí La Mã và những hình tượng cao đẹp của nền cổ thơ. Tất cả những cái trông thấy và cảm thấy trong đời sống tự do tốt lành của học sinh ngoại trú la cà ở các cửa hàng và về nhà ăn với bố mẹ, không làm cho nó đến nỗi thờ ơ với lời văn hoa mỹ người ta giảng dạy ở nhà trường. Trái hẳn lại, chú tỏ ra cũng đủ tính cách phong nhã của Aten, và hùng hồn của Cicéron 50 gần bằng mức có thế có trong một đám học trò nhãi nhép dưới quyền quản lý của những ông giáo gàn nhân hậu.
Chú làm việc để lấy tiếng tăm thì ít và không được rạng rỡ mấy trên các bảng khen thưởng, nhưng chú làm việc nhiều để mua vui, như La Fontaine đã nói. Những bản dịch xuôi của chú rất mực trôi chảy và những diễn từ La tinh của chú đáng lẽ được cả đến ông thanh tra cũng phải khen ngợi, nếu không có những lỗi ngữ pháp thường làm cho chúng kém vẻ tao nhã. Chú há đã chẳng kể với các bạn rằng hồi mười hai tuổi, những truyện kể của Tite - Live làm chú rỏ nhưng giọt nước mắt hào hùng đấy sao?
Nhưng mãi đến khi đề cập đến Hy Lạp, chú mới trông thấy cái đẹp trong vẻ đơn giản huy hoàng. Chú đến với Hy Lạp muộn. Trước hết, những ngụ ngôn của Esope đã làm cho tâm hồn chú ủ rũ. Một thầy giáo gù giảng những ngụ ngôn đó cho chú, gù cả thân thể và cả tâm hồn. Các bạn có thấy Thersite 51 dẫn dắt các thanh niên Galates trong những lùm cây của các nữ thần Thi ca 52 không? Chú bé loắt choắt không quan niệm được điều đó. Người ta sẽ tưởng rằng ông thấy giáo gù của chú vốn đặc biệt dốc lòng giảng dạy các ngụ ngôn của Esope, đáng được chấp nhận vào chức vụ đó. Không đâu! Đó là một kẻ gù giả hiệu, một kẻ gù khổng lồ, không có trí thông tuệ và không có tính nhân đạo, thiên về điều ác và là kẻ bất công nhất trên đời này. Ông ta không được cái trò gì cả, ngay cả để giảng những tư tưởng của một anh gù. Vả chăng những truyện ngụ ngôn lặt vặt khô khan và tồi tệ, mang cái tên Esope, đến tai chúng tôi thì đã được mài giũa bởi một thầy tu hư phiếm, có một cái sọ nhỏ hẹp và khô cằn dưới bộ tóc gọt của kẻ tu hành. Hồi còn học lớp năm, tôi không được biết xuất xứ của những ngụ ngôn đó, và cũng ít quan tâm đến việc biết đó; nhưng tôi vẫn phán đoán nó như tôi phán đoán hiện nay.
Sau Esope, người ta cho chúng tôi học Homère. Tôi trông thấy Thétis hiện lên như một đám mây trắng trên mặt biển, tôi trông thấy Nausicaa và các thi nữ của nàng, và cây cọ của xứ Délos... Tôi hiểu, tôi cảm thấy. Trong sáu tháng trời, tôi không thể nào dứt ra khỏi Odyssée. Đó là nguyên nhân làm cho tôi bị phạt rất nhiều. Song những hình phạt đối với tôi có quan trọng gì? Tôi vẫn cùng với Ulysse ngao du "trên mặt biển tím"! Sau đó, tôi khám phá các tác gia bi kịch. Tôi chẳng hiểu gì mấy về Eschyle; nhưng Sophocle, nhưng Euripide mở cho tôi cái thế giới thần tiên của những bậc anh hùng và anh thư và vỡ lòng cho tôi thơ ca tai họa. Một vở bi kịch mà tôi đọc, lại là những niềm hoan lạc và những dòng lệ mới và những rùng rợn mới.
Alceste và Antigone 53 đem lại cho tôi những giấc mơ cao quý nhất mà một đứa trẻ có thể có được khi vùi đầu vào cuốn từ điển, trên mặt bàn viết lem nhem vết mực, tôi trông thấy những khuôn mặt thần thánh, những cánh tay ngà buông thõng trên những tà áo dài trắng và tôi nghe thấy những tiếng nói du dương hơn tiếng nhạc du dương nhất, thánh thót than vãn.
Cái đó lại làm cho tôi bị những hình phạt mới nữa. Bị phạt như thế là đúng: tôi bận tâm đến những trò không liên quan gì đến lớp học. Than ôi! Cho đến nay tôi vẫn chứng nào tật nấy. Trong bất cứ lớp học nào của cuộc đời mà người ta đặt tôi vào cho đến trọn đời, tôi cũng e rằng, tuy đã già nua, vẫn còn bị quở trách như ông giáo lớp nhì của tôi đã quở tôi: “Anh Pierre Nozière, anh bận tâm đến nhưng trò không liên quan gì đến lớp học”.
Nhưng chính là trong những buổi chiều tối mùa đông, rời trường học ra về qua các phố, tôi say sưa với thứ ánh sáng và khúc ca đó. Tôi đọc dưới những ngọn đèn phố và trước những khung kính sáng đèn của những cửa hàng, những câu thơ mà sau đó tôi vừa đi xa vừa tự lẩm nhẩm đọc thầm. Không khí sinh hoạt của những buổi chiều tối mùa đông tỏa khắp các phố chật hẹp của ngoại ô đã chìm trong bóng tối.
Tôi thường gặp một chú thợ học nghề làm bánh mì, cái giỏ dội đầu, cũng đương theo dõi giấc mơ của chú như tôi theo dõi giấc mơ của tôi, hoặc bỗng nhiên cảm thấy trên má hơi thở nóng hổi của một con ngựa khốn khổ đương kéo xe. Thực tế không hề làm hại gì giấc mơ của tôi, vì tôi vẫn rất yêu thích những đường phố ngoại ô cũ kỹ của tôi, mà những đá lát đường đã trông thấy tôi lớn lên. Một buổi tối, tôi đọc được những câu thơ của Antigone dưới ánh đèn lồng của một anh bán hạt dẻ, và một phần tư thế kỷ sau đó, tôi không thể nào nhớ lại những câu thơ này:
Tấm mồ! Ôi giường nệm tân hôn!
mà không trông thấy lại anh chàng xứ Auvergne thổi vào trong một cái túi giấy 54 mà không cảm thấy bên cạnh tôi hơi nóng của cái chảo đương rang hạt dẻ. Và cái kỷ niệm về anh chàng hồn hậu đó xen lẫn một cách hài hòa trong ký ức tôi với những tiếng than vãn của nàng trinh nữ thành Thébaine.
Như thế đó, tôi học được rất nhiều câu thơ. Như thế đó, tôi thâu hái được những kiến thức bổ ích và quý báu. Như thế đó, tôi học khoa cổ văn học của tôi.
Cách thức đó đối với tôi là tốt; đối với một người khác thì nó sẽ chẳng ra gì. Tôi hết sức tránh không khuyên ai dùng nó.
Vả lại, ta phải thú thực với các bạn rằng, được dinh dưỡng bằng Homère và Sophocle, tôi kém khiếu thẩm mỹ khi lên lớp tu từ học. Chính thầy giáo của tôi bảo thẳng tôi như vậy, và tôi sẵn lòng tin như vậy. Khiếu thẩm mỹ người ta có hoặc biểu lộ hồi mười bảy tuổi, ít khi là tốt. Để bồi dưỡng năng khiếu đó của tôi, thầy giáo tu từ học của tôi khuyên tôi nên nghiên cứu kỹ toàn bộ tác phẩm của Casimir Delavigne 55 . Tôi không theo lời khuyên bảo của ông. Sophocle đã làm cho tôi nhiễm một cái nếp không thể nào xóa bỏ được. Ông thầy dạy tu từ học đó, hồi ấy tôi không thấy và bây giờ cũng vẫn không thấy có vẻ gì là một nhà văn học tinh tế, nhưng, với một tính khí hay buồn bực, ông có một tính tình thẳng thắn và một tâm hồn cao thượng. Ông có dạy cho chúng tôi một vài tà thuyết về văn học đấy, nhưng ít ra ông cũng tỏ cho chúng tôi thấy, bằng gương mẫu bản thân, thế nào là một con người nhân hậu.
Sự hiểu biết đó được đền đáp xứng đáng. Ông Charron được tất cả học trò của ông kính trọng. Vì bọn trẻ con đánh giá rất đúng giá trị đạo đức của các thầy giáo. Tôi nghĩ thế nào, hai mươi lăm năm trước đây, về con người gù khả ố và về con người nhân hậu Charron, hiện nay tôi vẫn còn nghĩ như thế.
Nhưng bóng chiều buông rủ trên những cây phong của vườn Luxembourg và cái bóng ma loắt choắt mà tôi đã gợi lên kia, biến mất vào bóng tối. Vĩnh biệt nhé, hỡi cái tôi bé nhỏ mà ta đã mất và ta sẽ đời đời nhớ tiếc, nếu ta không thấy lại mi đẹp hơn lên trong đứa con trai của ta.


XI

RỪNG SIM
Trước kia tôi là một chú bé rất thông minh, nhưng đến năm mười bảy tuổi, tôi bỗng trở thành đần độn. Bấy giờ tôi nhút nhát đến nỗi ở nơi có nhiều người tôi không thể chào hay ngồi xuống mà không toát mồ hôi trán. Sự có mặt của phụ nữ làm cho tôi như hoảng loạn. Tôi theo đúng lời răn dạy này của sách Noi gương Jésus - Christ mà tôi đã được học không biết ở lớp dưới nào và tôi còn nhớ vì những câu thơ trong đó của Corneill đã có vẻ kỳ lạ đối với tôi:
Hãy hết sức chú ý tránh giao thiệp với phụ nữ;
Về mặt ấy kẻ thù anh có thể biết nhược điểm của anh,
Hãy cầu xin đấng Chí cao giáng phúc chung
Cho những phụ nữ tâm hồn đẹp đẽ vì đức hạnh
Và bao giờ cũng chỉ nên gặp họ với một lời cáo biệt nhanh chóng
Hãy yêu tất cả những người ấy, nhưng ở Thượng đế.
Tôi theo lời khuyên của thầy tu già thần bí; nhưng nếu tôi theo lời khuyên ấy, thì đó thật là trái với lòng mình. Tôi những muốn gặp phụ nữ với một lời cáo biệt ít nhanh chóng hơn.
Trong các bạn thân của mẹ tôi, có một bà mà tôi rất thích được ngồi nói chuyện lâu với bà. Đó là quả phụ của một nghệ sĩ dương cầm chết trẻ và nổi tiếng Adolphe Gance. Bà tên là Alice. Tôi chưa hề bao giờ nhìn thấy rõ tóc bà, hay mắt bà, hay răng bà... Làm sao nhìn thấy rõ được cái gì phất phới, lung linh lấp lánh, sáng chói. Nhưng tôi thấy bà ta đẹp hơn mộng và rạng rỡ một ánh thần tiên. Mẹ tôi thường nói rằng cứ phân tích kỹ thì mọi nét ở bà Gance chẳng có gì là đặc biệt. Mỗi lần mẹ tôi nói cảm nghĩ ấy, cha tôi lại lắc đầu vẻ không tin. Hẳn là ông cũng làm như tôi, người cha ưu tú ấy: ông không phân tích mọi nét ở bà Gance. Và, dù chi tiết riêng như thế nào, toàn thể mọi nét của bà cũng là có duyên. Xin đừng tin mẹ tôi: tôi cam đoan với bạn rằng bà Gance đẹp. Bà Gance thu hút tôi: sắc đẹp là một sự êm dịu; bà Gance làm tôi sợ: sắc đẹp là một sự ghê gớm.
Một buổi tối, bố tôi tiếp mấy người khách, bà Gance đi vào phòng khách với một vẻ mặt phúc hậu khiến tôi có phần nào vững dạ. Giữa đám đàn ông, một đôi khi, bà có vẻ là một người dạo chơi ném thức ăn cho bầy chim bé nhỏ. Rồi bỗng nhiên, bà có một thái độ kiêu kỳ, khuôn mặt trở nên lạnh lùng và bà phe phẩy chiếc quạt một cách chậm rãi đến khó chịu. Hồi đó, tôi không hiểu được vì sao. Ngày nay tôi đã hoàn toàn hiếu rõ: bà Gance là một người đàn bà hay làm duyên, chỉ có thế thôi.
Tôi đã nói tối hôm đó, bước vào phòng khách, bà đã phân phát cho tất cả mọi người, kể cả kẻ hèn mọn nhất là tôi, một vài nụ cười. Tôi nhìn bà không dứt và nghĩ rằng trong đôi mắt xinh đẹp đó, có những nét buồn đang lởn vởn khiến lòng tôi xao xuyến. Vì rằng, như các bạn biết, tôi là một người tâm địa tốt. Bà được mời chơi dương cầm và bà đã chơi một bản dạ khúc của Chopin: chưa bao giờ tôi được nghe một bản nhạc hay như thế. Dường như tôi cảm thấy chính những ngón tay của bà Alice, những ngón tay thon và trắng, mà bà vừa mới rút nhẫn ra, lướt qua tai tôi như một cái ve vuốt kỳ diệu.
Lúc bà chơi xong bản nhạc, do bản năng và cũng không suy nghĩ gì cả, tôi tới đưa bà về chỗ và ngồi bên bà. Thoảng ngửi mùi hương thơm từ ngực bà, tôi nhắm mắt lại. Bà hỏi tôi có thích âm nhạc không; giọng bà làm tôi rung động. Tôi mở mắt và thấy bà đang nhìn tôi, cái nhìn ấy làm tôi mất hồn.
- Thưa ông, có, - tôi lúng túng trả lời.
Lúc bấy giờ mặt đất không hé ra để nuốt chửng tôi đi thì chỉ là vì tạo hóa đã vô tình với những ước nguyện nồng nhiệt nhất của con người. Tôi thức suốt đêm trong phòng riêng để tự gọi mình là thằng ngốc, là đồ súc sinh và để tự đấm vào mặt mình. Buổi sáng, sau khi đã ngẫm nghĩ mãi tôi thấy không thể tự dung thứ cho mình được. Tôi tự bảo: "Muốn nói với một người đàn bà rằng người ta đẹp, đẹp quá và người ta khéo làm cho chiếc đàn ngân lên được những tiếng thở dài, những tiếng nức nở, những giọt lệ chân thành, mà chỉ có thế nói được với người ấy ba tiếng: “Thưa ông,có”, thế thì thật là ăn nói vụng về một cách quá sức tưởng tượng. Pierre Nozière ơi, mi là một thằng tàn phế, trốn đi đâu thì trốn đi!"
Than ôi! Tôi không thể trốn đi đâu được. Tôi phải đi học, ngồi ăn và đi dạo chơi. Tôi che giấu tay tôi, chân tôi và cổ tôi như tôi có thể làm được. Nhưng người ta vẫn nhìn thấy tôi và tôi cảm thấy hết sức khổ sở. Với bạn bè, ít nhất, tôi còn có phương kế cứu vãn là đánh đấm chúng và chịu cho chúng đánh đấm mình; đây cũng là một thái độ. Nhưng với bạn gái của mẹ tôi, tôi là một kẻ đáng thương hại Tôi cảm thấy lời răn dạy trong quyển Noi gương đúng quá:
Hãy hết sức chú ý tránh giao thiệp với phụ nữ.
“Lời khuyên bổ ích biết bao!” Tôi tự nhủ. Nếu tôi đã tránh được bà Gance trong cái buổi tối rủi ro mà bà đánh một bản dạ khúc với biết bao thi vị, làm tỏa ra trong không khí những rung cảm đê mê; nếu lúc bấy giờ tôi tránh được bà, thì bà đã không nói với tôi: “Anh có thích âm nhạc không?” và tôi đã không trả lời: “Thưa ông, có.”
Mấy tiếng “Thưa ông, có”, cứ văng vẳng mãi bên tai tôi. Kỷ niệm đó lúc nào cũng ở trong trí nhớ của tôi hay nói đúng hơn, do một hiện tượng đáng kinh khủng của ý thức, tôi cảm thấy tựa hồ như thời gian bỗng nhiên đứng lại, ở giây phút tôi vừa mới thốt ra câu nói lỡ làng không gì chữa lại được: “Thưa ông, có”... Đấy không phải là một sự hối hận, nó làm tình làm tội tôi. So với cái mà lòng tôi phải chịu đựng trong lúc này, thì sự hối hận còn là một điều êm dịu. Tôi cứ triền miên trong một u buồn ảm đạm suốt sáu tuần lễ. Sau đó, ngay cha mẹ tôi cũng nhận thấy tôi đâm ra ngớ ngẩn.
Điều làm cho tính ngớ ngẩn của tôi như tăng thêm là ý nghĩ của tôi càng táo bạo bao nhiêu, thì cử chỉ tôi càng nhút nhát bấy nhiêu. Bình thường trí thông minh của những người thanh niên thiếu tính nhuần nhuyễn. Nhưng ở tôi, nó lại không uyển chuyển. Tôi tưởng rằng mình nắm được chân lý. Những lúc chỉ có một mình, tôi là một đứa thô bạo và cách mạng.
Một mình, tôi hết sức hoạt bát và vui nhộn. Từ bấy, tôi đã thay đổi nhiều rồi. Giờ đây, tôi không còn gờm những người cùng thời nhiều lắm nữa. Tôi cố gắng tự đặt mình vào đúng vị trí, ở giữa những người hơn tôi và những người kém tôi về mặt lý trí và tôi tin vào sự thông minh của những người kia. Trái lại, tôi không vững tâm lắm lúc phải đối diện với chính lòng mình... Nhưng tôi kể cho các bạn nghe ở đây một câu chuyện xảy ra vào năm tôi mười bảy tuổi. Như vậy, các bạn thấy rằng tính nhút nhát và táo bạo đó lẫn lộn nhau, đã biến tôi thành một người hoàn toàn vô nghĩa lý.
Sáu tháng sau cái việc tệ hại mà tôi đã kể với bạn, và do tôi đã hoàn thành chương trình tu từ học với ít nhiều vẻ vang, cha tôi cho tôi đi nghỉ hè ở vùng quê. Cha tôi gửi tôi cho một trong những người bạn nghèo nhất và quý nhất của ông, một thầy thuốc già ở Saint-Patrice.
Tôi đã đến đấy. Saint-Patrice là một làng nhỏ trên bờ biển Normande, dựa lưng vào một khu rừng và chạy thoai thoải tới một bãi cát, nằm gọn giữa hai bờ đá cao. Hồi ấy bãi cát còn hoang vắng, cảnh biển cả mà tôi nhìn thấy lần đầu và những rặng cây yên tĩnh êm dịu, mới đầu làm cho tôi đắm say ngây ngất. Mặt nước mông lung, rừng xanh bát ngát như hòa hợp với tâm trạng mơ màng của tôi. Tôi phi ngựa trong rừng, tôi mình để trần lăn người trên bãi cát, khát khao một cái gì mới lạ mà tôi tưởng chừng tìm thấy khắp mọi nơi, nhưng chẳng thấy ở một nơi nào.
Cả ngày, tôi khóc vô cớ một mình; một đôi khi, bỗng nhiên cảm thấy trái tim phồng lên rất mạnh, tưởng mình có thể chết được. Cuối cùng tôi cảm thấy hết sức xao xuyến; nhưng trên đời này có một sự thanh thản nào sánh được với nỗi lo lắng của tôi không? Không, tôi xin lấy những rặng cây mà cành lá quất vào mặt tôi, tôi xin lấy mỏm đá, nơi tôi hằng đến để ngắm mặt trời lặn trên mặt biển làm chứng cho tôi, không gì có thể sánh được với nỗi đau khổ đang dằn vặt lòng tôi. Không gì có thể sánh được với những giấc mơ đầu tiên của con người. Nếu sự ước mong làm tăng thêm vẻ đẹp của những vật mong ước, thì sự ước mong một cái gì mới lạ càng làm cho vũ trụ tươi đẹp thêm.
Con người tôi vốn là tế nhị, nhưng lại có lúc ngây thơ lạ lùng. Có lẽ tôi còn phải chờ bao ngày nữa mới tìm ra nguyên nhân của tâm trạng xao xuyến và những ước vọng mông lung của tôi. Nhưng một nhà thơ đã sớm phát hiện cho tôi.
Từ thuở còn ở trường trung học, tôi đã thích các nhà thơ, cũng may đến nay tôi vẫn giữ được lòng yêu thích đó. Năm mười bảy tuổi, tôi tôn thờ Virgile và nếu thầy giáo không giảng đi nữa, tôi vẫn hiểu thơ Virgile khá thấu đáo. Trong dịp nghỉ hè, tôi luôn luôn có một truyện thơ Virgile trong túi. Đó là một quyển sách nhỏ xấu xí in ở Anh của Bliss. Quyển sách ấy đến nay tôi còn giữ được. Tôi trân trọng nó rất mực tưởng như người ta không thể trân trọng cái gì hơn, mỗi lần tôi giở quyển sách, những bông hoa héo khô lại rơi ra. Những bông hoa cũ nhất trong đó là của rừng cây Saint-Patrice, nơi mà tuổi mười bảy của tôi đã biết thế nào là rất mực sung sướng. Thế nào là cùng cực đau khổ.
Vậy một ngày kia tôi đi một mình ở ven rừng, vừa đi vừa thích thú hít thở hương thơm của cỏ mới cắt, trong lúc gió từ biển thổi vào mang theo vị mặn của muối, tôi có một cảm giác mệt mỏi không sao thắng nổi, tôi ngồi bệt xuống đất, và ngắm nhìn rất lâu những áng mây trên trời cao.
Rồi theo thói quen, tôi giở tập Virgile của tôi và đọc Hic, Quos dums amor...
“Kìa, những kẻ mà mối tình bất nhân đã làm chết dần mòn một cách tàn nhẫn, đến ẩn tránh trong những con đường đầy bí mật, và rừng sim tỏa bóng xung quanh...”
“Và rừng sim tỏa bóng...”
Ôi! Tôi biết lắm, khu rừng săn đó! Tôi mang cả rừng sim ấy trong lòng tôi. Nhưng tôi không biết tên nó là gì. Virgile vừa làm cho tôi thấy được căn bệnh của tôi. Nhờ Virgile, tôi biết là tôi đã yêu.
Nhưng tôi còn chưa biết là tôi yêu ai. Thì mùa đông năm sau, được gặp lại bà Gance, tôi đã phát hiện ra điều đó. Chắc hẳn các bạn có con mắt tinh đời hơn tôi. Các bạn đã đoán rằng tôi yêu Alice. Các bạn phải chịu là số phận đối với tôi cay nghiệt biết chừng nào! Chính tôi đã yêu người đàn bà mà trước mặt con người ấy, tôi đã đem thân ra làm một trò cười và đối với tôi người đó phải có ý nghĩ tệ hại hết sức. Tôi có đủ mọi lý do để tuyệt vọng. Nhưng lúc bấy giờ sự tuyệt vọng cũng không có hiệu lực gì; ông cha chúng ta đã sử dụng nó quá nhiều, khiến cho nó không còn sắc bén nữa. Vì vậy, tôi đã không làm điều gì to chuyện hay đáng sợ lắm. Tôi không hề dám đem thân nương náu dưới cửa tò vò đổ nát của một tu viện cũ kỹ, cũng không đi lang thang với nỗi buồn vơ vẩn trong sa mạc; tôi cũng không gọi gió bắc đến lôi cuốn tôi đi. Tôi chỉ rất khổ sở và đã thi đậu tú tài.
Chính hạnh phúc của tôi lúc này cũng nhuộm màu chua chát: đó là nhìn và nghe Alice và để nghĩ rằng nàng là người đàn bà duy nhất trên đời này tôi có thể yêu được, và tôi lại là người đàn ông duy nhất trên đời nàng không thể chịu được. Lúc nàng chơi dương cầm, tôi vừa lật các trang vừa nhìn những sợi tóc nhẹ vờn trên cổ trắng trẻo của nàng. Nhưng để không đến nỗi phải nói với nàng một lần nữa "Thưa ông, có", tôi thề không nói với nàng một lời nào. Rồi do những thay đổi đã đến trong đời tôi, tôi không còn được gặp Alice và đã không phản bội lời thề của mình.
Mùa hè vừa rồi, tôi đã gặp lại bà Gance đến tắm nước suối ở miền núi. Giờ đây, một nửa thế kỷ đè nặng lên cái vẻ đẹp đã mang tới cho tôi những xao xuyến đầu tiên mê ly nhất. Nhưng cái sắc đẹp đã tàn đó vẫn còn duyên dáng. Về phần tôi, dưới mái tóc hoa râm, tôi đã giũ bỏ lời thề hồi thiếu thời. Tôi chào bà Gance.
- Chào bà.
Và lần này, chao ôi. Nỗi xúc động của tuổi trẻ không còn làm xao xuyến mắt nhìn và giọng nói của tôi nữa.
Bà nhận ra tôi một cách dễ dàng. Những kỷ niệm chung đã gắn bó chúng tôi và câu chuyện nhàn đàm đã giúp chúng tôi làm cho cuộc sống buồn tẻ ở khách sạn có thêm chút ý vị. Không mấy chốc, những quan hệ mới đã tự nó hình thành giữa chúng tôi và những quan hệ đó tất nhiên là vững bền hơn cả. Đó là quan hệ giữa những người cùng chung với nhau những nhọc nhằn, phiền muộn. Sáng sáng, trên một chiếc ghế xanh, dưới ánh mặt trời, chúng tôi nói chuyện với nhau về bệnh tê thấp và những tang tóc của mình, đây là những đề tài làm cho câu chuyện không bao giờ hết. Để cho vui câu chuyện, chúng tôi trộn lẫn quá khứ với hiện tại một hôm tôi nói với bà:
- Xưa kia, bà đẹp biết bao và được nhiều người khen ngợi biết bao!
- Quả có như thế thật, - bà vừa mỉm cười vừa trả lời. – Tôi có thể nói được điều đó, vì ngày nay, tôi đã là một bà cụ già rồi, xưa kia tôi dược người ta yêu chuộng. Kỷ niệm đó an ủi tôi trong cảnh già. Hồi ấy, tôi được người ta dành cho những lời tán nịnh quá bùi tai. Nhưng nếu tôi nói để ông rõ, trong tất cả mọi lời tán nịnh đó, lời gây cho tôi xúc động mạnh mẽ nhất, chắc ông sẽ phải ngạc nhiên.
- Xin bà cứ cho biết.
- Được để tôi xin nói ông nghe. Một buổi tối (cách đây đã lâu lắm rồi), một cựu học sinh trung học, nhìn tôi và đã xúc động đến nỗi, để trả lời một câu hỏi của tôi, cậu ta nói: “Thưa ông, có”. Không có một biểu hiện tán tụng nào làm tôi hài lòng và thỏa mãn bằng câu “Thưa ông, có” và giọng điệu cậu ta khi nói câu ấy.


XII

CÁI BÓNG
Một việc lạ kỳ đã xảy đến với tôi vào năm hai mươi tuổi. Được cha tôi sai tới vùng Maine hạ để giải quyết một công việc gia đình, một bưổi chiều, tôi đã rời thành phố Ernée bé nhỏ, xinh xắn, để tới thăm, cách đó chừng bảy dặm, một ngôi nhà, giờ đây để hoang vắng nhưng trong hơn hai trăm năm qua, là nơi nương náu của gia đình bên nội tôi, nằm trong giáo khu Sait-Jean nghèo nàn. Bấy giờ là vào đầu tháng mười hai. Tuyết rơi từ sáng. Con đường chạy len lỏi giữa những bờ rào cây xanh, bị sục bùn nhiều chỗ; con ngựa và tôi vất vả lắm mới tránh được những vũng lầy.
Nhưng còn cách Saint-Jean chừng năm sáu cây số, tôi nhận thấy con đường ít lầy lội hơn, và mặc dù gió nổi lên điên cuồng, tuyết quất vào mặt, tôi vẫn phóng ngựa nước đại kỳ quái và thiểu não trong đêm tối. Những thân cây đen sạm đó, ngọn bị chặt đứt, thân đầy u bướu và vết thương, cánh tay gãy cụt, nhìn thật kinh hãi. Ở vùng Miane hạ, người ta gọi chúng là cây ốm. Tôi cảm thấy sờ sợ vì nhớ đến một câu chuyện mà vị linh mục của nhà thờ Saint-Maral ở Eniée đã kể cho tôi nghe ngày hôm qua. Theo lời ông linh mục, trong số những cây tàn tật đó, có một cây dẻ bị cụt ngọn từ hơn hai trăm năm và rỗng như một cái tháp, đã bị sét đánh chẻ làm đôi ngày 24 tháng 2 năm 1849, và lúc bấy giờ, qua thân cây bị xẻ đôi người ta thấy một bộ xương người dựng đứng, bên cạnh có một khẩu súng và một chuỗi tràng hạt. Trên chiếc đồng hồ nhặt được dưới chân người xấu số, người ta thấy có dòng chữ: Claude Nozière. Cái ông Claude Nozière này là ông bác của cha ông, sinh thời là một tay đầu trộm đuôi cướp và buôn lậu. Năm 1794, ông tham gia vào cuộc khởi loạn của bọn phản cách mạng cùng với tụi Treton, lấy biệt danh là Chân Bạc. Bị thương nặng và bị quân cách mạng truy nã, ông chạy trốn và chết trong hốc cổ thụ này. Bạn bè cũng như kẻ thù, không ai biết số phận của ông ra sao; và nửa thế kỷ sau khi ông chết, thi thể ông mới dược khai quật lên do một lưỡi tầm sét.
Tôi nghĩ đến ông, trong khi nhìn những thân cổ thụ chạy vụt qua hai bên đường và kìm ngựa phi chậm lại. Tôi tới Saint-Jean lúc trời đã tối mịt.
Tôi bước vào quán trọ mà tấm biển buộc sợi dây xích rên rỉ trước gió trong bóng tối. Sau khi tự mình dắt con ngựa vào tàu, tôi đi vào gian phòng dưới và ném mình vào một chiếc ghế bành có gối, ở bên lò sưởi. Trong lúc đang sưởi ấm như thế, nhờ ánh lửa, tôi có thể nhìn được bộ mặt bà chủ. Đây là một bà già xấu xí đến phát sợ lên được. Trên khuôn mặt đã xám nhợt, người ta chỉ thấy một chiếc mũi chuột gặm và đôi mắt không sinh khí giữa những đường mi như ứ máu. Bà ta nhìn tôi một cách nghi kị như một người lạ, vì thế, để làm bà ta vững lòng, tôi nói tên họ mình vì nghĩ rằng bà phải biết rõ. Nhưng bà lắc đầu và nói rằng không có ai có họ Nozière. Tuy nhiên, bà vẫn sẵn lòng làm món xúp cho tôi ăn. Bà ném mấy thanh củi vào bếp lửa rồi đi ra.
Tôi cảm thấy vừa buồn vừa mệt và một nỗi phiền muộn khó tả day dứt lòng tôi. Những hình ảnh đen tối và hung hãn ám ảnh tôi. Tôi ngủ thiếp đi được một chốc và trong lúc nửa thức nửa ngủ như thế, tôi vẫn nghe thấy tiếng rên rỉ không ngớt của gió thổi trong tro tàn của lò sưởi lên đôi ủng của tôi.
Và chừng mấy phút sau, lúc mở mắt, tôi đã thấy điều mà tôi không bao giờ quên được, tôi đã nhìn thấy rõ, ở cuối phòng, trên tường quét vôi trắng, một cái bóng đứng im không cử động, đấy là bóng của một người con gái. Dáng dấp của người ấy, rất dịu dàng, thanh tú và xinh xắn đến nỗi, được nhìn thấy, tôi có cảm giác như mọi mệt nhọc và buồn phiền của mình hòa tan vào nỗi lòng thán phục mê ly.
Tôi ngắm cái bóng, chừng đâu trong một phút, tuy nhiên, nỗi say mê của tôi có thể dài hoặc ngắn hơn, nhưng tôi không có cách nào để đánh giá được đúng thời gian. Sau đó, tôi ngoảnh lại để xem người con gái có bóng dáng đẹp như thế là ai. Nhưng trong phòng lúc ấy không có ai cả... chỉ có bà chủ quán già nua đang trải chiếc khăn trắng lên bàn ăn.
Tôi quay lại nhìn bức tường: cái bóng người không còn nữa.
Và một cái gì như nỗi buồn về tình yêu giày vò trái tim tôi, và sự mất mát vừa qua làm tôi tê tái.
Tôi suy nghĩ một lát, rồi, hết sức sáng suốt, tôi nói:
- Này bà mẹ, vừa rồi ai ở đây thế?
Bà chủ, kinh ngạc trả lời rằng bà không thấy ai cả. Tôi chạy ra cửa. Tuyết rơi nhiều, phủ kín mặt đất, và trên tuyết không có in dấu vết chân một ai.
-      Bà mẹ, bà mẹ có dám chắc rằng trong nhà không có một người đàn bà nào cả không?
Bà ta trả lời là chỉ có mình bà.
- Nhưng còn cái bóng người ấy? - Tôi kêu lên.
Bà ta im lặng.
Lúc bấy giờ, tôi cố tìm cách xác định, theo những nguyên tắc vật lý chính xác, vị trí của người mà tôi chỉ thấy bóng và, lấy ngón tay chỉ, tôi nói:
- Cô ta ở chỗ kia kìa.
Bà cụ tiến lại gần, tay cầm nến, đôi mắt kinh rợn, lờ đờ nhìn chằm chằm vào tôi rồi nói:
- Giờ đây, tôi thấy rõ là anh không lừa tôi, đúng là anh là con cháu dòng họ Nozière. Có phải anh là con trai ông Jean, làm bác sĩ ở Paris không? Tôi có biết người chú của ông thân sinh ra anh, anh chàng René ấy mà. Anh ta cũng nhìn thấy một người đàn bà mà không ai thấy cả. Cần phải tin rằng đấy là một hình phạt của Thượng đế đối với tất cả dòng họ vì tội lỗi của tên phiến loạn Claude, một đứa đã mất linh hồn với mụ vợ của tên thợ làm bánh mỳ.
- Có phải bà nói về chuyện ông Claude mà người ta đã tìm thấy hài cốt trong hốc một cây cổ thụ với khẩu súng và chuỗi tràng hạt không?
- Thưa cậu, chuỗi tràng hạt không giúp gì cho anh ta cả. Anh ta đã tự đầy ải xuống địa ngục vì một người đàn bà.
Bà cụ già không nói gì thêm nữa. Tôi chỉ nhấm nháp qua loa mất thứ: bánh, trứng, mỡ và rượu táo do bà dọn ra. Mặt tôi luôn luôn nhìn về phía bức tường, chỗ tôi đã thấy hiện ra cái bóng. Không! Tôi đã nhìn thấy cái bóng ấy rất rõ. Cái bóng thanh mảnh và rõ nét hơn một cái bóng ma bình thường, ánh sáng lờ mờ của bếp lửa và ngọn đèn mùa khói không thể nào tạo ra được như thế.
Ngày hôm sau, tôi đến thăm ngôi nhà hoang vắng mà hai ông Claude và René đã sống thuở sinh thời. Tôi đi khắp vùng, tôi hỏi chuyện cha xứ; nhưng tôi không lượm lặt được một điều gì giúp tôi hiểu về người con gái, mà tôi đã nhìn thấy bóng.
Cho đến mãi ngày hôm nay, tôi vẫn không biết có nên tin hay không, lời bà chủ quán. Tôi cũng không biết phải chăng đó là một hồn ma nào đã đến với những người nông dân trong dòng họ nhà tôi ở cái đất Bocage heo hút này, hay phải chăng cái bóng ma truyền kiếp đã từng ám ảnh tổ tiên hung dữ và ngoan đạo của nhà tôi, lần này lại hiện ra với một vẻ duyên dáng mới trước mắt đứa cháu hay mơ mộng.
Phải chăng tôi đã nhìn thấy trong quán trọ ở Saint -Jean con ma quen thuộc của dòng họ Nozière, hay đó chỉ là một dấu hiệu cho biết rằng số phận tôi ở đời này sẽ khá hơn và ông hóa công rộng lượng đã ban cho tôi cái thiên tư quý báu nhất, là sự mơ mộng?
--------------------------------
1
Nhân vật trong bài hát của Béranger (1813), trở thành điển hình một nhà vua dễ dãi.
2
Henri Heine (1797-1856) – nhà thơ Đức, tác giả những bài thơ trữ tình đượm một nỗi buồn mỉa mai đau đớn, viết bằng tiếng Đức và tiếng Pháp.
3
Chevalier errant – hiệp sĩ đi đây đó để trừ hung diệt bạo, mà Don Quichotte là một điển hình bất hủ.
4
Le Beau – cái đẹp, người đẹp.
5
Jean Henri Latude (1725-1805) tức Masers de Latude – người phiêu lưu đã vì những âm mưu chống bà de Pompadour mà bị tống giam lần lượt ở các ngục Bastelle, Vincennes, Châtelet, Charenton, vượt ngục nhiều lần nhưng vẫn bị tù ba mươi lăm năm.
6
Một loại dụng cụ tra tấn có hình quả lê, bỏ vào mồm người bị tra tấn cho khỏi kêu la.
7
Emmaüs - thị trấn ở Judea, gần Jerusalem, nơi Jésus hiển hiện lần đầu trước các môn đồ sau khi phục sinh.
8
Papou – người da đen châu Đại dương, Boschiman (do từ tiếng Anh Bushmen, người bụi rậm) – dân tộc Nam Phi, ở phía Bắc Mũi đất châu Phi.
9
George Cabanis (1757-1808) – thầy thuốc người Pháp, bạn thân của Mirabeau, môn đệ của Condillac, tác giả tập Luận văn về thể chất và tinh thần con người rất nổi tiếng.
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) – nhà văn Pháp, truyền bá tư tưởng trở lại sống với thiên nhiên, lòng nhân ái tự nhiên của con người, sự cần thiết của một khế ước xã hội đảm bảo quyền của mọi người. Cách mạng Pháp và chủ nghĩa lãng mạn khởi phát từ các tác phẩm của ông. Nàng Héloise mới, Khế ước xã hội Émile, thổ lộ suy nghĩ của một người đi chơi đơn độc, v.v.
Hommes sensible – từ ngữ của thời Cách mạng tư sản Pháp, cũng như những từ citoyen, patriote (công dân, người yêu nước) thông dụng thời bấy giờ.
Hécollets – thầy tu dòng thánh François cải lương.
Guillaume Raynal (1713-1796) – nhà sử học và triết học Pháp, tác giả một cuốn sách nổi tiếng Lịch sử những kiến thiết của người Âu ở hai xứ Ấn Độ.
Jacobanh – tên ngày xưa của các tu sĩ dòng thánh Dominic. Trong Cách mạng Pháp 1789, là đảng cấp tiến dân chủ, đóng trụ sở ở tu viện dòng tu sĩ đó, gọi là Câu lạc bộ phái Jacobanh khét tiếng. Thành viên là những người cách mạng quá khích ủng hộ đến cùng Cứu quốc ủy viên hội (Comité du Salut public) và Robespierre.
Louis Henri Joseph Condé (1736-1818) – hoàng thân, xuất ngoại năm 1792, thành lập ở Coblence trên bờ sông Ranh đạo quân gọi là Của Condé.
Émigrés:bọn quý tộc chạy ra nước ngoài sau cuộc Cách mạng Pháp (1789) âm mưu đưa quân đội nước ngoài về để khôi phục chế độ quân chủ.
Sans-culottes – không quần cụt, tên gọi mà những người quý tộc, vào khoảng 1792, chỉ những người cách mạng đã bỏ quần cụt, mặc quần dài; tên mà những người này sau cũng chấp nhận như đồng nghĩa với người yêu nước.
Thermidor – tháng mười một của năm Cách mạng Pháp (từ ngày 20 tháng bảy đến 18 tháng bảy).
Luxembourg (lâu đài) – xây dựng từ năm 1615 đến 1620 cho hoàng hậu Marie de Médicis. Lâu đài dùng làm trụ sở của Thượng nghị viện đến năm 1940, nay là trụ sở của Hội đồng Quốc gia (Conseil de la République).
Loup garou – loại yêu tinh hay phù thủy, theo ý nghĩ những người mê tín biến thành chó sói ban đêm.
Une bleu - thời Cách mạng Pháp, người ta gọi những người nổi loạn xứ Vendée, theo Đảng cờ trắng, là trắng, các chiến sĩ cộng hòa mặc áo xanh lam là xanh. Mở rộng nghĩa Đảng cờ trắng chỉ những người bảo hoàng, Đảng áo xanh lam chỉ những người cộng hòa.
Momus – thần nhạo báng.
Louis d’Assas (1733-1760) sinh ở gần Vigan, trung úy ở lien đội xứ Auvergne, nổi tiếng vì một chiến công đêm trước trận Clostercamp. Trong đêm 15 tháng mười, ông vào sâu một cánh rừng ở bên lộ dinh quân Pháp đóng, để dò xét vì sợ một cuộc đánh úp. Bất ngờ ông bị địch quân vây, đe dọa giết nếu ông lên tiếng. Chỉ nghe theo bổn phận, ông kêu lên: ‘‘Cứu tôi, Auvergne, quân địch đấy!’’ và bị đâm chết.
Bérézina – sông nước Nga, nhánh của sông Dniepe, nổi tiếng vì cuộc tháo chạy qua sông của quân Pháp ngày 26 tháng mười một 1812.
Vulcain – thần lửa và kim khí của người La Mã, con của Jupiter và Junon, chồng của Venus. Sinh ra xấu xí, thần bị mẹ ném từ Olympe rơi xuống đảo Lemnos, bị què và lập những lò rèn dưới núi lửa Etna làm việc với các thần khổng lồ Cyclopes.
De Viris – những từ đầu tiên của một cuốn sách sơ cấp, quyển Deviris illustribus urbis Romae ( Về những bậc anh tài của đô thành La Mã) của Lhomond, dùng trong các trươgf trung học và thành chung cho học sinh mới bắt đầu học tiếng Latinh.
Teutobochus – thủ lĩnh dân tộc Teutons (Đức), có sức khỏe phi thường. Dân Teutons cùng với dân Cimbres xâm lược nước Gaule, và bị Marius đánh tan tành gần Aixen Provence.
Pied – đơn vị đo chiều dài bằng 0,3048m.
Lớp thấp nhất của bậc trung học.
Lutèce: tên cũ của Paris. Thời đó, Attila là vua người Hoong (Hung), năm 445. Thắng các hoàng đế Đông phương và Tây phương, ông bắt họ phải triều cống, rồi tàn phá các thành thị nước Gaule, miễn trừ cho Lutèce, được nữ thánh Geneviène bảo hộ. Nữ thánh này sinh ở Nanterre; là nữ thành hoàng của Lutèce, bà nói chắc với dân thành phố này rằng họ không phải lo sợ gì về Attila, và lời của bà đã dược thực hiện. Attila tự xưng là tai ương của Thượng đế (fléau de Dieu).
Atrides - tên chỉ những con cháu của Achae, đặc biệt là Agamemnon và Menelaus. Người ta luôn ám chi đến dòng họ Atrides và những trọng tội làm tan hoang gia đình ấy.
Tite - Live (59 tr. CN - 17 sau CN) - sử gia người La Mã, sinh ở Padoue. Ông đã để lại, dưới tên là Thập Chương một bộ sử La Mã đặc sắc về văn hơn là tính xác thực của các sự việc.
Những ngày 27, 28, 29 tháng 7 năm 1830.
Thermopyles hay là Những cửa nóng - đường hẻm nổi tiếng ở xứ Thessalie, giữa núi Anopae và vịnh Maliaque, ở đây Léonides, với ba trăm người Sparte, cố chặn quân của Xerxès. Không thể tưởng tượng được nhóm người đó dám giành chiếm đường đi với mình, Xerxès viết cho Léonidas một bức thư chi có mười chữ: “Nộp khí giới đi!” Léonides viết ở dưới: “Đến mà lấy”, nhưng một tên bội phản, Ephialtes, chỉ cho quân Ba Tư một đường mòn cho phép đi vòng quanh ngọn núi Anopae. Léonides, thấy không thể thoát chết, mời các bạn ăn một bữa đơn bạc và nói: “Đêm nay, chúng ta sẽ ăn bữa tối ở cung Diêm vương.”
Salamine - đảo của Hy Lạp, trên bờ tây biển Attique, nổi tiếng vì trận Thémistocle, cầm đầu thủy binh Hy Lạp, chiến thắng thủy binh của Xerxès, năm 480 tr. CN.
Paul - Emile - chấp chính quan năm 219 và 216 tr.CN, bị giết ở trận Cannes.
Trasimène – hồ của xã Etruria xưa; trận thắng của Hannibal (217 tr. CN đánh bại Flaminus Gaius, chấp chính quan La Mã.
Pharsale - đô thành cổ xứ Thessalie, ờ đây César thắng Pompée năm 48 tr.CN trong một trận quyết định.
Varus - tướng của hoàng đế Agustus, bị Aiminius dụ vào một nơi phục kích, ở đấy ông chết với ba quân đoàn, năm 9 sau CN. Rừng Hercynie: rừng bát ngát phủ nước Đức xưa, từ những núi Herynie (nay là Erzgebirge) đến sông Ranh và cao nguyên Ardenner.
Egos - Potamos (sông Con dê cái) - sông nhỏ xứ Tracio, gần đó Lisandro, vào cuối cuộc chiến Peloponeso, phá thủy binh của Atena (405 tr.CN).
Numance - thành phố ở Tây Ban Nha xưa, bi Scipion Émilien đánhchiếm và tàn phá ( 183 tr.CN).
Elien - nhà văn Hy Lạp, thế kỷ III, tác giả Những chuyện khác nhau rất lý thú.
Lycée - trường trung học do chính quyền trung ương đài thọ.
Collège - trường trung học do chính quyền địa phương đài thọ.
Một tinh lỵ ở Vosges cách Paris 378km về phía Đông - Nam có nghề làm tranh nổi tiếng.
Cherche Midi - nghĩa là đi tìm giờ Ngọ. Có câu thành ngữ: Đi tìm giờ Ngọ giữa giờ Dần (Cherche Midi à quatorze heures), nghĩa là vớ vẩn.
Hy Lạp và La Mã.
Cicéron ( 106-43 tr.CN) - diễn giả La Mã hùng biện, nhà văn mẫu mực của phong cách cổ điển.
Thersite, nhân vật trong Iliat, điển hình của hèn mạt trơ tráo, lác mắt và què, y đã khinh suất giễu cợt Asin khóc nữ anh hung Penthésilée, vì thế bị Asin đâm chết.
Muses - chín nữ thiên thần, theo người xưa, trông nom về các nghệ thuật tự do, nhất là khoa hùng biện và thi ca. Galates là một miền đất xưa thuộc tiểu Atena, bị người Gaule chiếm đoạt (278 tr.CN) và người La Mã chinh phục (25 tr.CN)
Alceste - con gái Pélias và vợ Admète, tận tâm đến chết đế cứu chồng. Không nên lầm với Alceste nhân vật chính trong hài kịch Người chán đời của Molière, điển hình con người bẳn tính, ngay thẳng không lay chuyển, thù địch với những sự nương nhẹ bắt buộc của đời sống xã hội.
Antigone - con gái Oedipus, em gái của Eteocles và Polyneices. Sau khi cha tự chọc mắt, cô dần dát cha và bị tội tử hình vì đã chôn Polyvneices, trái lện vua Créon.
Túi giấy để đựng hạt dẻ nóng giòn.
Casimir Delavigne (1793 – 1843) – nhà thơ trữ tình và nhà soạn kịch Pháp.
SÁCH CỦA SUZANNE
Cùng bạn đọc
Những kỷ niệm của Pierre Noziére ngừng lại ở câu chuyện các bạn vừa đọc. Chúng tôi thấy cần phải thêm vào một vài trang do chính bàn tay cùng một tác giả viết ra. Sách của Suzanne được rút ra từ những ghi chép của người bạn chúng tôi. Để hình thành quyển sách này, chúng tôi đã góp nhặt tất cả những gì trong những ghi chép của Pierre Nozière có liên quan, xa hoặc gần, đến tuổi thơ ấu người con gái của ông. Nhờ vậy, chúng tôi đã thêm được một chương mới cho quyển sách gia đình này mà dụng ý của tác giả là viết tiếp dần một cách liên tục, nhưng hiện nay chỉ còn lưu lại mấy đoạn thôi.
Người xuất bản


SUZANNE


I

CON GÀ TRỐNG
Trước đây, Suzanne thưa từng đi tìm cái đẹp. Lần này, đến cái tuổi trọn ba tháng hai mươi ngày, cô ta đã bắt tay vào công việc đó, với rất nhiều hăng hái.
Sự việc đã xảy ra ở phòng ăn. Bề ngoài, căn phòng có vẻ cổ kính với những bát đĩa bằng sứ, chai lọ bằng đá vân, bình có quai bằng chiếc và binh nhỏ bằng thủy tinh Venice, chất đầy trên giá. Chính bà mẹ của Suzanne đã bày tất cả những thứ đó với tâm hồn của một người đàn bà Paris thích những thứ đồ chơi lặt vặt ấy. Giữa những thứ đồ cổ đó, Suzanne, trong chiếc áo dài trắng thêu trông càng tươi tắn hơn, và nhìn thấy cô bé, người ta phải tự bảo: “Quả là một cô bé mới toanh!”
Cô Suzanne không để ý đến những bát đĩa lâu đời đó, những bức chân dung màu đen cũ kỹ, những chiếc đĩa lớn bằng đồng treo trên tường. Tôi chắc rằng sau này tất cả những đồ cổ sẽ tạo ra cho cô ta những ý nghĩ kỳ quặc và gieo vào đầu cô những mơ mộng vô lý và xinh đẹp. Cô ta sẽ có những ảo tưởng. Cô sẽ áp dụng vào việc đó, nếu cô chịu chú ý, cái trí tưởng tượng khả ái về chi tiết và về phong cách để tô điểm cho cuộc đời. Tôi sẽ kể cho cô nghe những câu chuyện điên rồ, không quá hoang đường hơn so với những câu chuyện khác, nhưng lại nhiều thi vị hơn, cô sẽ phát điên. Tôi cầu chúc cho tất cả những người tôi yêu mến đều có được chút điên dại. Điều đó làm cho trái tim thêm vui. Trong khi tôi nói, cô Suzanne không hề cười mỉm với chú Bacchus ngồi trên thùng tônô. Ở cái tuổi ba tháng hai mươi ngày, người ta đã biết nghiêm trang lắm rồi.
Hôm ấy là một buổi sáng, một buổi sáng có màu xám dịu. Những dây khiêu-ngưu-lang xen với những cành nho “trinh nữ” rủ xuống chung quanh khung cửa sổ, những chùm hoa hình ngôi sao màu đậm nhạt khác nhau. Hai vợ chồng chúng tôi vừa ăn xong, đương ngồi chuyện phiếm với nhau như tất cả những người không có gì để nói. Trong những giờ phút như thế, thời gian trôi đi như một dòng sông êm đềm. Dường như người ta thấy dòng sông đang trôi đi và mỗi lời nói ra là một hòn sỏi nhỏ ném xuống nước. Tôi nhớ rõ là chúng tôi đang nói về màu mắt của Suzzanne. Đấy là một đề tài vô tận.
- Mắt nó xanh như đá thạch bàn.
- Mắt nó màu vàng cũ và nước xúp nấu với hành.
- Mắt nó ánh lên những tia sáng xanh.
- Nói thế nào cũng đều đúng; mắt nó thật là kỳ diệu.
Vừa lúc đó, Suzanne xuất hiện; lần này, đôi mắt mang màu sắc của thời gian, một màu xám xinh đẹp. Cô bé vào trên cánh tay người vú. Thói phong lưu đài các muốn rằng đó là người vú sữa. Nhưng Suzanne cũng như con cừu non của La Fontaine và tất cả mọi con cừu non khác: em bú sữa mẹ. Tôi biết rõ trong trường hợp như thế và trong sự quê mùa thái quá đó, ít nhất, người ta phải giữ thể diện và có một người vú nuôi khô sữa. Người vú nuôi khô sữa cũng có những chiếc kim găm lớn, những dải cuốn mũ như những người vú khác; nhưng chỉ trừ một điều là không có sữa. Sữa, điều đó chỉ quan hệ cho đứa bé, còn ai cũng thấy dải cuốn mũ và kim găm. Khi một bà mẹ đã có cái nhược điểm tự nuôi con thì phải lấy một người vú nuôi khô sữa để khỏi xấu hổ với thiên hạ.
Nhưng mẹ Suzanne là một người khinh suất khờ khạo, nên không nghĩ đến thứ mỹ tục đó.
Người vú sữa Suzanne là một thôn nữ từ làng quê lên, một người đã từng nuôi dưỡng bảy, tám em trai nhỏ, và suốt ngày hát những bài ca vùng Lorence. Được nghỉ một ngày để đi xem thành phố Paris, lúc trở về, chị hết sức thích thú vì đã được nhìn thấy những của cải rất đẹp. Còn cái gì khác nữa, chị không chê là xấu, nhưng những của cải làm cho chị không ngớt lời tán thưởng, chị viết thư kể chuyện đó với bà con ở quê nhà. Tính chất phác, giản dị đó làm cho chị hoàn toàn hợp với tính của Suzanne vì cô bé dường như trong khắp bầu trời, chỉ chú ý đến đèn đuốc và chai lọ.
Lúc Suzanne xuất hiện, phòng ăn trở nên rất vui nhộn, người ta cười với Suzanne và Suzanne cười lại: lúc đã yêu nhau thì bao giờ cũng có cách để ý hợp tâm đầu. Mẹ cô đưa đôi cánh tay mềm mại mà ống tay áo choàng tuôn xuống một cách hồn nhiên trong buổi sáng mùa hạ hôm đó. Suzanne giơ đôi cánh tay bé nhỏ và vung về như cánh tay của con rối không gập lại được vì ống áo có chân kim. Suzanne xòe ngón tay ra khiến người ta tưởng thấy năm cánh hoa hồng nhỏ ở cuối tay áo. Người mẹ mặt rạng rỡ, bế Suzanne đặt lên gối, và cả ba chúng tôi đều cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc, có lẽ vì lúc này, trong lòng chúng tôi không phải băn khoăn vì một ý nghĩ nào cả. Nhưng tình trạng đó không thể kéo dài được. Suzanne cúi xuống mặt bàn, cố giương to đôi mắt làm cho tròn xoe, vung vẩy đôi cánh tay nhỏ xíu, trông tựa hồ như đôi cánh tay bằng gỗ. Trong mắt nhìn của Suzanne, có cả sự kinh ngạc và sự thán phục. Trên khuôn mặt nhỏ ngây ngô nhưng cảm động và đạo mạo của cô, người ta thấy thoáng hiện một chút gì như tinh anh.
Suzanne bỗng kêu lên như một con chim bị thương:
- Không khéo lại bị kim găm đâm vào da, - người mẹ nghĩ thế vì, may thay, vốn sẵn tính gắn bó với thực tế cuộc sống.
Những chiếc kim găm kiểu Anh đó thường bật ra mà người ta không trông thấy, và trên mình Suzanne có đến tám chiếc tất cả!
Không, không phải vì một chiếc kim đâm vào da. Chính là vì lòng yêu cái đẹp.
- Lòng yêu cái đẹp ở tuổi ba tháng hai mươi ngày?
- Thì đây, hãy suy xét: chuồi một nửa mình ra khỏi cánh tay mẹ, vung vẩy nắm tay trên mặt bàn, lấy vai và đầu gối làm đà, cô bé vừa thở vừa ho, vừa sùi nước bọt và cuối cùng ôm được cái đĩa. Một người thợ quê mùa ở Strasbourg (có lẽ là một con người mộc mạc, cầu trời phù hộ cho ông ta an nghỉ dưới suối vàng!) đã vẽ một con gà trống đỏ lên trên mặt đĩa.
Suzanne muốn nắm con gà đó: không phải để ăn, vậy thì chính là vì cô bé thấy con gà đẹp. Mẹ cô, nghe tôi lập luận một cách đơn giản như thế, trả lời:
- Mình ngốc lắm! Nếu Suzanne có thể tóm được con gà, nó đã lập tức cho vào miệng chứ không để mà ngắm đâu. Quả là những người thông minh lại không biết lẽ phải thông thường.
- Chắc chắn nó sẽ không quên điều đó, - tôi trả lời, - nhưng việc này chứng tỏ cái gì nếu không phải là những năng khiếu khác nhau của nó và đã khá phong phú đều lấy miệng làm cơ quan chủ yếu? Nó đã dùng miệng trước lúc dùng mắt, và làm thế là đúng! Giờ đây, cái miệng được luyện tập tế nhị và nhạy cảm, là phương tiện nhận thức tốt nhất để cho nó sử dụng. Nó sử dụng là phải. Tôi xin nói rằng con bà là cả một sự khôn ngoan. Phải, nó sẽ bỏ con gà trống kia vào miệng, nhưng nó bỏ vào miệng như là một vật gì đẹp chứ không phải là một thứ đồ ăn. Chú ý mà xem, cái thói quen đó ở trẻ con là một thực tế, sẽ tồn tại trong ngôn ngữ của người lớn bằng hình tượng. Chúng ta nói thưởng thức một bài thơ, một bức tranh, một vở nhạc kịch.
Trong lúc tôi phát biểu những ý kiến không đứng vững được mặc dù giới triết học sẽ sẵn sàng chấp nhận nếu được trình bày với một thứ ngôn ngữ hóc hiểm, thì Suzanne nắm tay đấm lên mặt đĩa, lấy móng tay cào chiếc đĩa và nói chuyện với đĩa (bằng một thứ bi-ba-bi-bô bí mật nhưng khả ái biết bao) và rồi cầm cái đĩa lắc mạnh để lật nó lại. Suzanne làm việc đó một cách vụng về; đúng như thế, vì động tác thiếu chính xác. Nhưng một động tác, dù xem ra đơn giản đến đâu, nếu không phải là thói quen, thì cũng khó làm được. Nhưng làm sao đứa bé mới ba tháng hai mươi ngày có được những thói quen? Thử nghĩ xem, cứ một việc giơ cái ngón tay nhỏ xíu lên, cũng đã cần phải điều khiển nào là các sợi dây thần kinh, các xương và bắp thịt. Việc điều khiển tất cả các sợi dây con rối của ông Thomas Holden, nếu đem so sánh, cũng chỉ là một việc nhỏ mọn. Darwin, một nhà quan sát thâm thúy kinh ngạc về việc trẻ em có thể cười và khóc. Ông ta đã viết cả một cuốn sách dày để giảng giả việc đó. Đúng như ông Zola nói: “Chúng ta, những nhà thông thái, chúng ta thật là tàn nhẫn.”
Nhưng may thay, tôi không phải là một nhà đại thông thái như ông Zola. Tôi là một người chỉ có kiến thức nông cạn. Tôi không lấy Suzanne để tiến hành những thí nghiệm và chỉ muốn quan sát, lúc tôi thấy có thể làm việc đó mà không làm trái y cô bé.
Suzanne cào vào con gà của mình và trở nên băn khoăn, không thể hiểu nổi rằng có một vật thấy được mà lại không nắm được. Điều đó vượt quá trí thông minh của cô bé, mà tất cả mọi sự đều vượt quá. Chính điều đó làm Suzanne trở nên đáng thán phục. Trẻ em luôn luôn sống trong tình trạng thần kỳ, mọi việc đối với chúng đều kỳ diệu, do đấy, chúng có cái nhìn thầy thi vị. Ở cạnh chúng ta, chúng sống trong những miền khác chúng ta. Chúng tắm mình trong cái thế giới xa lạ thiêng liêng.
- Con bé ngốc, - mẹ nó nói.
- Em ạ, con cái em dốt, nhưng biết theo lẽ phải. Khi người ta thấy một vật đẹp, người ta muốn chiếm làm của riêng. Đó là khuynh hướng tự nhiên mà pháp luật đã dự liệu. Những người Bohém của Béranger 1 nói rằng thấy tức là có đều là những triết gia thuộc loại hiếm có. Nếu tất cả mọi người đều nghĩ như họ thì chẳng còn có văn minh nữa, và những người dân ở xứ Đất lửa. Em không nghĩ như họ; em thích những bức thảm cổ trên có thêu những con cò đứng dưới cây và đem treo kín cả mấy bức tường. Anh không trách em về chuyện đó, không bao giờ. Nhưng em phải hiểu Suzanne và con gà trống của nó.
- Em hiểu nó, nó cũng như thằng bé Pierre đòi cho được mặt trăng trong chậu nước. Người ta không cho nó mặt trăng. Nhưng mà, anh đừng nói rằng Suzanne lẫn lộn con gà trống vẽ với một con gà trống thật, vì nó đã thấy gà trống thật bao giờ đâu.
- Chưa bao giờ, nhưng nó lấy một ảo tưởng làm một sự thực. Và chăng các nhà nghệ sĩ cũng có trách nhiệm trong việc lầm lẫn của nó. Đã từ lâu, các nghệ sĩ đi tìm mô phỏng bằng những đường nét và màu sắc, hình dáng của sự vật. Ai biết được cái anh chàng giỏi giang nào đó trong thời kỳ ở hang đã mô phỏng tự nhiên mà tạo nên hình con voi “mamút” lên trên một mảnh ngà, đã chết được mấy nghìn vạn năm rồi! Cái tuyệt diệu là sau bao nhiêu cố gắng dai dẳng trong nghệ thuật tả chân, các nghệ sĩ đã cám dỗ được một đứa bé mới có ba tháng hai mươi ngày! Hiện tượng! Ai mà không bị hiện tượng cám dỗ? Ngay cả khoa học, mà chúng ta nghe nói đã chói tai, khoa học có thể đi xa hơn những hiện tượng được không? Thử hỏi giáo sư Robin đã thấy được gì qua kính hiển vi của ông ta? Những hiện tượng, chỉ là những hiện tượng. “Chúng ta bị những ảo tưởng làm cho rối trí một cách vô ích”, Euripide đã nói như vậy.
Tôi nói thế và sắp sửa bình luận về câu thơ của Euripide. Chắc chắn tôi sẽ tìm ra ở trong đó những ý nghĩa sâu xa mà con trai của bà bán hàng cỏ không bao giờ nghĩ đến! Nhưng hoàn cảnh phòng ăn lúc bấy giờ không thích hợp với một cuộc cao đàm về triết lý; vì rằng Suzanne không làm thế nào rứt được con gà ở chiếc đĩa ra, đương nổi xung lên, mặt đỏ như gấc, mũi phồng như mũi người Cafre 2 , má xếch lên tận mắt và lông mày dựng ngược lên quá trán. Vừng trán này bỗng chốc đỏ lên và trở thành một cảnh tượng hỗn loạn, chỗ lồi chỗ lõm, với những nếp nhăn ngang dọc, chẳng khác gì mặt đất ở miền có núi lửa. Miệng của nó như xẻ ra đến lỗ tai và qua răng lợi, thốt ra những tiếng kêu man rợ. Tôi nói to:
- Hay lắm! Đó là sự kích phát của lòng ham mê! Ta không nên nói xấu lòng ham mê. Tất cả những gì là lớn lao ở trên đời đều do lòng ham mê làm ra. Và giờ đây, chỉ một cái chớp nhoáng của nó cũng đủ làm cho một đứa bé nhỏ xíu trông đáng sợ chẳng khác gì một tượng thần nhỏ Trung Hoa. Con gái của cha ạ, cha rất bằng lòng con. Con hãy nuôi ở trong lòng mình những ham mê mãnh liệt, để nó lớn lên và con lớn lên cùng với nó. Và nếu, sau này, con trở nên người chủ ngoan cường chế ngự được chúng, thì sức mạnh của chúng sẽ là sức mạnh của con, sự vĩ đại của chúng sẽ là cái đẹp của con. Ham mê đó là tất cả sự giàu sang về tinh thần của con người ta.
- Ồn quá! - Mẹ Suzanne kêu lên. - Chẳng tài nào nghe rõ được ở cái phòng này, giữa một nhà triết học lý luận quàng xiên và một đứa bé lăn lộn một con gà trống vẽ với một con gà thật. Những người đàn bà tội nghiệp phải là người biết điều lắm mới sống được với một người chồng và con cái!
- Con gái của mình, – tôi trả lời, - vừa mới đi tìm cái đẹp lần đầu. Một nhà văn lãng mạn sẽ cho đó là sự thôi miên của vực thẳm; tôi thì tôi cho đó là một sự tập dượt của những tâm hồn trong trắng. Nhưng không nên bắt tay vào làm việc đó sớm quá với những phương pháp chưa hoàn bị. Em ạ, em có những phép nhiệm màu để làm dịu bớt những đau đớn của Suzanne. Em ru cho con ngủ đi.


II

NHỮNG TÂM HỒN TỐI TĂM
Cả bầu trời bất biến
Với trẻ là thần kỳ;
Hồn tôi lúc ra đời
Nở ra trong say đắm.


Dưới ánh soi thần diệu
Đôi mắt trẻ sáng ngời;
Và ảo tưởng tuyệt vời
Giục trái tim non yếu.


Cõi mang nhiên huyền bí
Tắm gội tuổi trẻ thơ;
Dù tiếng gọi thiết tha,
Chung sống ngoài cõi tục.


Mắt mở to trong suốt
Đầy mộng lạ, vô ngần;
Ôi! Đẹp những tiểu thần
Lạc trong trời đất cũ.


Đầu trẻ thơ vui nhẹ,
Mơ trong lúc người suy,
Vượt rung cảm mà đi,
Khám phá ra sự sống.


III

NGÔI SAO
Tối nay, Suzanne ra đời vừa đúng mười hai tháng và từ một năm nay sống trên trái đất già cỗi này, cô bé đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm. Một người, mà trong vòng mười hai năm, đã có thể khám phá được lắm điều cũng rất bổ ích như những điều mà Suzanne đã khám phá trong mười hai tháng, thì người đó sẽ là một người nhà trời. Trẻ con là những thiên tài không được người đời biết đến; chúng nhận thức thế giới với một nghị lực siêu nhân. Không gì sánh được cái sức đầy đầu tiên của sự sống, sự tung ra lần thứ nhất của tâm hồn.
Các bạn có nghĩ rằng những con người bé nhỏ đó nhìn, sờ mó, nói năng, quan sát, so sánh và ghi nhớ không? Các bạn có nghĩ rằng chúng bước đi và đi lui đi tới không? Các bạn có nghĩ rằng chúng chơi đùa không? Đặc biệt, chơi đùa là một điều kỳ diệu vì trò chơi là nguyên lý của mọi nghệ thuật. Những con búp bê và những bài hát, đó là hầu như tất cả Shakespeare.
Suzanne có một cái giỏ đựng đầy đồ chơi, trong đó chỉ có một vài cái là đồ chơi do bản chất và công dụng riêng của nó như những con vật bằng gỗ trắng, và nhiều con búp bê bằng cao su. Những cái khác, do một sự xoay chuyển bất kỳ trong số phận của chúng, đã trở thành đồ chơi như cái ví cũ, giẻ rách, đáy hộp, cái thước đo, túi đựng kéo, ấm nấu nước, bảng chỉ dẫn đường sắt và một hòn sỏi. Tất cả đều hư nát một cách đáng thương. Hàng ngày, Suzanne lôi từng cái một ra khỏi giỏ và đưa cho mẹ nó. Nó không chú ý đặc biệt đến cái gì cả và nói chung, cũng không có phân biệt giữa cái gia tài bé bỏng này với các vật khác. Đối với nó thế giới là một thứ đồ chơi khổng lồ được cắt xén và tô vẽ.
Nếu người ta muốn hiểu rõ thứ quan niệm về thiên nhiên đó và gắn nó với mọi hành động và y nghĩ của Suzanne, người ta sẽ thán phục tính logic của tâm hồn bé bỏng này, nhưng người ta lại xét đoán tâm hồn Suzanne theo những ý nghĩ của mình chứ không phải của cô bé. Và vì cô bé không có cái trí phán đoán của chúng ta, nên người ta cho rằng cô bé không có trí phán đoán. Thật là bất công! Còn tôi, tôi biết nhìn theo quan điểm đúng đắn, tôi khám phá ra một tinh thần liên tục, chỗ mà người khác chỉ nhìn thấy những cử chỉ rời rạc.
Tuy nhiên, tôi không phải là kẻ tự lừa dối mình, tôi không phải là một ông bố sùng bái con cái; tôi thừa nhận rằng con gái tôi không có gì đáng thán phục hơn một đứa trẻ khác. Nói đến con gái mình, tôi không dùng những danh từ phóng đại. Tôi chỉ nói với mẹ nó:
- Em ạ! Chúng ta có một đứa con gái khá xinh.
Câu trả lời của vợ tôi cũng tương tự như câu trả lời của bà Primerose lúc nghe những lời khen ngợi tương tự của hàng xóm:
- Anh ạ! Thượng đế đã sinh ra nó như thế nào thì Suzanne sẽ như vậy: khá xinh nếu nó khá ngoan.
Nói thế, mẹ Suzanne cúi xuống nhìn con một lúc lâu với cái nhìn trang trọng và hồn nhiên trong đó, người ta đoán thấy, dưới hai hàng mi trĩu xuống, con ngươi ngời sáng vì tự hào và yêu thương.
Tôi nói như nài thêm lần nữa:
- Em phải nhận nó là xinh thật.
Nhưng vợ tôi có nhiều lý do để không chịu nhận điều đó. Những lý do mà tôi đã khám phá ra hơn là chính vợ tôi tự tìm thấy. Vợ tôi muốn được nghe nói mãi, nói mãi rằng đứa con gái nhỏ của mình là xinh đẹp. Nhưng nếu tự mình nói thế vợ tôi cảm thấy không lịch sự và không tế nhị lắm. Đặc biệt, vợ tôi như sợ làm xúc phạm đến một quyền lực vô hình, đen tối nào đó không biết được, nhưng cảm thấy đang ẩn náu trong bóng tối sẵn sàng trừng phạt con cái của những bà mẹ kiêu ngạo.
Vả lại ai là con người có hạnh phúc mà lại không sợ cái hình ma nhất định đương núp sau bức rèm ở trong phòng kia? Nào ai, một buổi tối, ôm vợ con ở trong cánh tay, còn dám nói trước con ma vô hình đó: “Những người yêu dấu của tôi ơi, cái phần vui sướng và xinh đẹp chia cho chúng ta hiện đã được bao nhiêu rồi?”. Vì vậy, tôi nói với vợ tôi:
- Em nói đúng, em nói bao giờ cũng đúng. Hạnh phúc chính ở chỗ này, dưới mái nhà bé nhỏ này. Suỵt! Đừng làm ầm lên nó bay mất. Các bà mẹ ở thành Aten sợ thần Némésis 3 , vị nữ thần luôn luôn có mặt nhưng không ai nhìn thấy, họ cũng không biết gì về Némésis cả, trừ việc bà ta là tượng trưng cho lòng ghen ghét của các vị thần. Chao ôi, Némésis! Ngón tay bà ta in khắp mọi nơi, mọi lúc, trong cái điều thông thường và bí mật: tai nạn. Các bà mẹ thành Aten!... Tôi muốn hình dung được một người trong số những người ru con trong tiếng ve sầu, dưới cành cây ngâu, cạnh chân bàn thờ, đứa con trần truồng như một vị tiểu thần.
“Tôi tưởng tượng bà ta tên là Lysilla, sợ Némésis như em sợ và cũng như em, không hề làm tủi những người đàn bà khác bằng trang sức lộng lẫy kiểu phương Đông mà chỉ mong được người đời tha cho cái hạnh phúc và sắc đẹp của mình... Lysilla! Lysilla! Phải chăng nàng đã đi qua trên trái đất này mà không để lại một chút bóng dáng của hình hài nàng, một chút hơi thở của tâm hồn yêu kiều của nàng? Phải chăng nàng đã sống như một người trong mộng”.
Mẹ Suzanne đã cắt đứt sợi dây tư tưởng lông bông của tôi.
- Anh ạ, - vợ tôi nói, - tại sao anh lại nói như thế về người đàn bà đó? Người đó và chúng ta, kẻ nào thời nấy. Đời người là thế đấy.
- Như vậy, em yêu của anh, em cho rằng không thể có cái gì đã qua mà còn tồn tại được hay sao?
- Hẳn là như thế, em không như anh, cái gì cũng lấy làm kinh ngạc.
Vừa nói, giọng bình tĩnh, vợ tôi vừa mặc áo ngủ cho Suzanne. Nhưng cô bé nhất thiết cự tuyệt không chịu ngủ.
Sự cự tuyệt ấy, nếu là của một Titus, một Vespasien 4 hay một Alexandre Sévère chắc đã được ghi lại trong lịch sử La Mã, như một nét đẹp về cuộc đời các vị ấy. Nhưng sự cự tuyệt đó đã làm cho Suzanne bị mắng. Công lý người đời là như thế đấy. Nói cho đúng ra, Suzanne sở dĩ muốn đứng nguyên không phải là để bảo vệ Đế quốc mà để lục lọi trong ngăn kéo của cái tủ cũ đồ sộ và có những quả nắm lớn bằng đồng.
Nói chúi cả mình vào tủ, một tay vịn vào tủ, một tay vơ nào mũ, nào áo cộc, nào áo dài, vừa ném thật mạnh xuống chân, vừa thét lên những tiếng kêu nhỏ và mạn rợ, thay đổi tùy lúc. Lưng Suzanne, quàng chiếc khăn bông trong buồn cười đến là dễ thương, và cái đầu nhỏ nhắn, thỉnh thoảng quay lại phía tôi, biểu hiện một sự thích thú còn cảm động hơn nữa.
Không cầm lòng được, tôi quên cả Némésis và kêu lên:
- Trông kìa, nó đang lục ngăn kéo và trông nó đáng yêu quá!
Với một cử chỉ vừa như bướng bỉnh, vừa như e sợ, mẹ nó đặt một ngón tay lên miệng tôi. Sau đấy, lại quay nhìn cái ngăn kéo bị lục phá. Trong khi đó, tôi vẫn mải miết với những ý nghĩ của mình:
- Này em, nếu Suzanne đáng mến vì những điều nó biết thì nó cũng không kém phần đáng mến vì những điều nó không biết. Chính trong những điều không biết đó mà nó đầy chất thơ.
Nghe thế, bà mẹ của Suzanne quay nhìn tôi, nhếch mép cười ra ý chế nhạo, rồi kêu lên:
- Thơ của Suzanne! Thơ của con gái ông! Nhưng con gái của ông chỉ thích thú với bếp núc thôi! Hôm trước tôi tìm thấy nó ngồi giữa một đống những vỏ rau quả vứt bỏ của nhà bếp, mặt mày tươi tỉnh rạng rỡ. Ông gọi đấy là thơ hay sao?
- Em ạ, hẳn là như thế. Toàn bộ thiên nhiên phản ánh vào trong tâm hồn nó với sự trong sáng tuyệt vời, khiến trên thế giới này không có gì là bẩn đối với nó, kể cả cái giỏ đựng rau quả vứt đi. Vì vậy mà hôm trước, em đã thấy nó say sưa với lá su, vỏ hành và đuôi tôm. Thưa bà, đấy quả là một sự mê say. Tôi muốn nói với bà rằng con gái nhỏ của bà cải tạo thiên nhiên với một sức mạnh thiên thần, tất cả những gì nó nhìn thấy, sờ mó, đối với nó đều nhuốm màu sắc đẹp.
Trong lúc tôi thuyết lý như vậy thì Suzanne bỏ cái tủ và tiến tới gần cửa sổ. Mẹ nó theo ôm lấy nó. Đêm yên tĩnh và nóng bức. Bóng tối êm dịu trùm lên cành lá thanh mảnh của cây dạ hợp rũ hoa rụng thành những vệt trắng trên sân nhà chúng tôi. Con chó ngủ yên, thò chân ra ngoài chuồng. Xa xa mặt đất dường như nhuộm màu xanh da trời. Cả ba chúng tôi đều lặng im.
Rồi trong sự yên tĩnh, cái yên tĩnh uy nghi của đêm tối, Suzanne cố gắng hết sức giơ cánh tay thật cao, và lấy một ngón tay, không thể nào duỗi thật thẳng, chỉ trỏ một ngôi sao, ngón tay nhỏ bé lạ thường, có lúc uốn cong lại như để kêu gọi.
Và Suzanne nói chuyện với ngôi sao! Điều nó nói không gồm chữ và lời, đấy là một thứ ngôn ngữ tối nghĩa và đáng yêu, một điệu hát kỳ lạ, một cái gì êm dịu và vô cùng bí mật, nói tóm lại, một cái gì cần để diễn đạt tâm hồn một em bé khi có ánh sáng một ngôi sao rọi vào.
- Con bé này ngộ quá, - mẹ nó vừa nói vừa ôm hôn nó.


IV

GUIGNOL
Ngày hôm qua, tôi đưa Suzanne tới Guignol 5 . Cả hai chúng tôi đều rất thích thú vì đấy là một nhà hát hợp với trình độ chúng tôi. Nếu là tác giả kịch bản, tôi sẽ viết kịch bản cho trò múa rối. Tôi không biết mình có đủ tài năng để thành công hay không, nhưng ít nhất, công việc đó sẽ không làm cho tôi sợ. Còn việc soạn lời cho những cái miệng thông thái của các nữ diễn viên xinh đẹp của nhà Hý viện Pháp, tôi không bao giờ dám làm. Vả lại, theo quan điểm của người lớn, kịch bản là một cái gì vô cùng phiền phức đối với tôi. Tôi không hiểu một chút gì về những tình tiết sắp xếp lắt léo. Tất cả tài nghệ của tôi là mô tả những ham mê của người đời, và tôi sẽ chọn những ham mê giản đơn nhất. Điều đó không có giá trị gì đối với những kịch viện như Gymnase, Vaudeville và nhà Hý viện Pháp 6 , nhưng lại là một điều tốt đối với nhà hát Guignol. À! Ở đây, những ham mê thật là giản đơn và mãnh liệt. Chiếc gậy là dụng cụ thông thường. Hẳn là chiếc gậy có một sức mạnh hài hước lớn. Nhờ động lực này, vở kịch có một khí thế mạnh mẽ dị thường, nó được dòn đến cuộc “đại náo cuối cùng”. Đó là danh từ mà người ở thành phố Lyon, những kẻ đã tạo ra đầu tiên nhân vật Guignol dùng để chỉ cuộc hỗn chiến sau cùng kết thúc các vở kịch thường đưa ra diễn. Cuộc “đại náo cuối cùng” đó là một câu chuyện muôn thuở của số mệnh! Đó là câu chuyện ngày 10 tháng 8 hay ngày mồng 9 của Nhiệt nguyệt, đó là câu chuyện Waterloo 7 !
Tôi đã nói với các bạn là ngày hôm qua tôi dắt Suzanne tới nhà hát Guignol. Chắc chắn là vở kịch chúng tôi xem có ít nhiều nhược điểm, chẳng hạn tôi thấy có nhiều đoạn tối nghĩa nhưng không làm cho một người thích suy nghĩ hứng thú vì vở kịch làm người ta suy nghĩ rất nhiều. Qua sự hiểu biết của tôi, vở kịch mang tính chất triết lý; các tính cách nhân vật đều hiện thực và diễn biến mạnh mẽ. Để tôi kể lại với các bạn như tôi đã nghe thấy được.
Lúc màn kéo lên, chúng tôi thấy Guignol xuất hiện. Tôi nhận ra được anh ta đúng là anh ta! Khuôn mặt to và điềm đạm, còn mang dấu vết của những chiếc gậy đánh trước kia đã làm bẹp gí chiếc mũi nhưng không làm giảm vẻ ngây ngô đáng yêu của đôi mắt và nụ cười.
Anh ta không mặc chiếc áo dài bằng vải “xéc” và đội mũ vải, những thứ mà vào năm 1815, trên đường đi Brotteaux, người dân Lyon đã không thể nhịn cười khi trông thấy. Nhưng nếu trong số những chú bé thời đó đã được thấy cùng một lúc cả Guignol lẫn Napoléon, ở bên bờ sông Rhône, có người sống sót và trước lúc chết già, đã đến ngồi bên cạnh chúng tôi ngày hôm qua tại đại lộ Champs Elysées, thì họ sẽ nhận ra mớ tóc “lá hẹ” nổi danh của vai hề thân mến, một cái đuôi nhỏ ve vẩy rất ngộ nghĩnh ở trên gáy của Guignol. Toàn bộ trang phục, áo quần màu xanh và mũ đen hai sừng theo đúng với truyền thống lâu đời của người Paris vốn coi Guignol là một loại thằng hầu.
Guignol trố mắt nhìn chúng tôi và lập tức, tôi bị cám dỗ bởi cái dáng điệu ngây thơ trâng tráo và tâm hồn mộc mạc của anh chàng làm cho thói xấu cũng được một vẻ trung hậu không bao giờ mờ nhạt. Đúng là, về tình thần cũng như biểu hiện bề ngoài, cái anh chàng Guignol khờ khạo, mà lão Mourguet ở Lyon đã làm sống lại với trí tưởng tượng rất dồi dào. Tôi tưởng chừng như còn nghe lão trả lời ông chủ Canezou khi ông này trách lão ta là “kể những câu chuyện buồn ngủ”.
- Ông nói đúng, vậy thì chúng ta đi ngủ.
Guignol còn chưa nói gì cả, cái đuôi nhỏ ve vẩy trên gáy, mọi người đã phá lên cười.
Kế đó, Gringalet, thằng con của Guignol, tới gặp bố và húc đầu vào bụng bố với một duyên dáng tự nhiên. Công chúng không bực mình mà lại phá lên cười. Mào đầu như vậy là tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Và nếu các bạn không biết vì sao sự táo bạo đó thành công thì tôi xin nói rằng Guignol là đầy tớ và mặc áo quần đầy tớ. Gringalet là con thì mặc áo choàng, nó không hầu hạ cho ai và cũng không dùng vào được trò trống gì. Ưu tiên đó cho phép nó hành hạ bố nó mà không chướng mắt.
Đó là điều mà cô bé Suzanne hiểu rất đúng cho nên mối thiện cảm đối với Gringalet không bị giảm sút. Quả vậy, Gringalet là một nhân vật dễ mến. Người thì yếu ớt, mảnh khảnh nhưng rất cơ trí. Chính hắn ta đã đánh sen đầm. Lúc lên sáu, cô bé Suzanne đã có định kiến đối với những nhân viên của chính quyền, cô bé ghét họ và cười lúc thằng đội xếp Pandore bị ăn đoàn. Hẳn là cô bé sai. Nhưng thú thật rằng nếu cô bé không sai trái như vậy thì tôi lại không thích lắm. Tôi muốn ở bất cứ mọi lứa tuổi nào, người ta phải bướng đôi chút. Người nói với bạn đây là một công dân an phận thủ thường biết tôn trọng chính quyền và hết sức tuân theo luật pháp; nhưng nếu được thấy người ta chơi xỏ một gã sen đầm, một ông quận trưởng hay một người phu canh đồng thì anh ta sẽ cười trước tiên. Nhưng chúng tôi đang chứng kiến một cuộc tranh cãi giữa Guignol và Gringalet.
Cô bé Suzanne cho Gringalet đúng. Tôi lại cho Guignol đúng. Các bạn hãy nghe và phân xử: Guignol và Gringalet đã “cuốc bộ” khá lâu để đến một làng bí mật chỉ duy họ đã khám phá ra được, nơi mà bọn người gian tham liều lĩnh sẽ kéo nhau đến nếu chúng biết được. Nhưng làng này lại ẩn giấu kín đáo hơn cả lâu đài của Nàng tiên ngủ trong rừng trong vòng một trăm năm. Trong câu chuyện này, có ít nhiều ma thuật; vì ở nơi đây, có một nhà pháp sư cao tay và người này dành cả một kho báu cho bất kỳ ai vượt qua được những thử thách mà chỉ nghe nói đến cũng đã đủ sờn gáy rồi. Hai người lữ khách bước vào xứ mê hồn với tâm trạng khác nhau. Guignol thì mệt và đi ngủ. Cậu con trách bố mềm yếu.
- Có phải như thế là bố con ta sẽ chiếm được kho báu mà chúng ta đến đây tìm không? - Cậu con hỏi.
Và ông bố trả lời:
- Có kho báu nào hơn được giấc ngủ?
Tôi thích câu trả lời đó. Tôi cho Guignol là một nhà hiền triết biết được cái hư không của mọi sự vật và mong muốn nghỉ ngơi, xem đấy là của quý duy nhất sau những cuộc bôn ba tội lỗi hay vô bổ trong đời. Nhưng cô Suzanne lại cho Guignol là một thằng ngốc, ngủ không đúng lúc và do lầm lỗi đó, sẽ mất cả những của cải đi tìm, những của cải có giá trị lớn lao, có thể là: dây băng, bánh ngọt và hoa. Cô bé khen ngợi Gringalet hăng hái tìm cho được những kho báu đó.
Song những thử thách mà tôi đã nói, đáng kinh hãi. Phải đương đầu với một con cá sấu và giết một con quỷ sứ. Tôi nói với Suzanne.
- Này Suzon 8 , con quỷ đấy!
Nhưng cô bé trả lời:
- Đấy là một người mọi đen!
Câu trả lời mang tính chất duy lý đó làm tôi thất vọng. Nhưng tôi đã biết rõ câu chuyện, tôi thích thú xem cuộc đánh nhau giữa quỷ sứ và Gringalet. Cuộc đánh nhau kinh khủng kết thúc bằng cái chết của con quỷ. Gringalet đã giết được quỷ sứ.
Nói thẳng ra, đấy không phải là điều mà anh ta làm tốt hơn cả và tôi hiểu rằng những khán giả duy tâm hơn cô bé Suzon vẫn tỏ ra lạnh lùng và ít nhiều kinh hãi. Quỷ chết, hết tội lỗi. Có lẽ cái đẹp, người bạn đường của quỷ sứ, cũng sẽ đi theo nó? Phải chăng chúng ta sẽ không còn thấy nữa những bông hoa làm cho lòng người say sưa và những khóe mắt làm cho lòng người mê đắm? Và trên thế giới này, tình cảnh con người sẽ như thế nào? Đến cái phương sách làm người nhân đức cũng sẽ có còn nữa không? Tôi nghi ngờ điều đó. Gringalet đã không nghĩ thấu đáo rằng điều ác cần thiết đối với điều thiện, như bóng tối đối với ánh sáng, đức hạnh hoàn toàn ở trong sự cố gắng, và nếu không còn ma quỷ để đánh thắng nữa thì các ông thánh cũng vô công rỗi nghề như những kẻ có tội. Người ta sẽ buồn chán đến chết. Tôi muốn nói với các bạn rằng giết quỷ sứ đi, Gringalet đã phạm phải một sự khinh suất nghiêm trọng.
Chú hề Polichinelle đã ra kính cần chào chúng tôi, màn đã hạ, các cậu bé, cô bé đã ra về nhưng tôi vẫn miên man suy nghĩ. Cô bé Suzon thấy tôi đang tư lự, cho là tôi buồn. Nó thường có ý nghĩ rằng những kẻ suy nghĩ là những kẻ khổ sở. Vì vậy, với một lòng thương hại tế nhị, nó nắm lấy tay tôi và hỏi vì sao tôi buồn.
Tôi thú rằng tôi bực mình vì Gringalet đã giết mất quỷ sứ.
Nghe thấy thế, Suzanne quàng lấy cổ tôi với hai cánh tay bé nhỏ, và ghé môi sát tai tôi thì thầm:
- Con nói với bố một điều: Gringalet đã giết thằng mọi đen nhưng không giết thật sự đâu.
Lời nói đó làm tôi vững tâm, tôi tự nhủ rằng quỷ sứ chưa chết, rồi chúng tôi hài lòng ra về.
--------------------------------
1
Một số tác giả hài kịch đương thời ác tâm cho rằng Euripide là con một ông chủ quán và một bà bán rau.
2
Cư dân xứ Cafre ở miền Đông Nam Châu Phi.
3
Némésis - nữ thần Hy Lạp của sự báo thù và quyền chia thưởng phạt.
4
Vespasien – Hoàng đế La Mã, từ 69 đến 79, cương quyết, giản dị, lập nhiều công trạng, khi ốm còn cố trở dậy nói: “Một hoàng đề phải chết đứng”.
Titus con Vespasien nối ngôi cha từ 79 đến 81, cũng là một ông vua thành thực tìm cách làm nhẹ những đau khổ của dân, ngày nào không có dịp làm được việc thiện thì nói: “Tôi đã mất không ngày của tôi”.
Alexandre Sévère – Hoàng đế La Mã nối ngôi Heliogabale năm 222, cũng sáng lập nhiều thiết chế hữu ích.
5
Guignol – nhân vật chính của những con rối Pháp, có từ cuối thế kỷ XVIII. Gốc từ Lyon, Guignol và bạn y, Gnafron, trở thành bình dân trong khắp nước Pháp. Tên của Guignol còn chỉ trò múa rối, rạp múa rối.
6
Gymnase – tên đầy đủ là Gymnase Dramatique, rạp hý kịch thành lập từ 1820. Vaudeville - rạp thành lập năm 1792, sau đổi thành rạp chiếu bóng từ 1925. Hý viện Pháp, thành lập từ 1680 theo lệnh của Louis XIV.
7
Ngày 10-8-1971: phế bỏ nền dân chủ. Ngày 9 tháng Nồng (9 Thermidor, 27-7-1794), kết thúc sự độc tài chuyên chính của Robespierre. Waterloo - cuộc thất trận của Napoléon bị quân liên minh Anh và Phổ đánh bại ngày 8-6-1815.
8
Cách gọi yêu thay cho Suzanne.
BẠN BÈ CỦA SUZANNE


I

ANDRÉ
Các bạn đều biết bác sĩ Trévière và nhớ khuôn mặt nở nang, cởi mở sáng ngời và đôi mắt xanh đẹp của ông. Ông ta có tay nghề và tâm hồn của một nhà giải phẫu lớn. Người ta thán phục sự nhanh trí của ông trong những trường hợp hiểm nghèo. Một ngày kia, trong một trường hợp mổ gay go tại giảng đường, công việc đang dang dở thì người bệnh bị kiệt sức. Thân lạnh ngắt, máu ngừng chảy, người bệnh lịm dần. Lập tức, Trévière lấy hai cánh tay ôm người bệnh, ngực áp vào ngực, lay cái thân thể đầy máu và bị cắt xẻ đó với sức mạnh của một người đánh vật. Sau đấy, ông ta lại tiếp tục cầm dao mổ và điều khiển nó một cách táo bạo nhưng thận trọng như bình thường. Máu lại lưu thông, người bệnh được cứu sống.
Cởi áo mổ. Trévière lại trở thành một người hiền lành, chất phác. Người ta thích tiếng cười oang oang của ông. Vài tháng sau trường hợp mổ tôi vừa nhắc, trong lúc chùi một con dao mổ, ông đã sây sát và vì xem thuờng, vết thương sưng mủ và hai ngày sau ông từ trần, lúc ấy ông mới ba mươi sáu tuổi. Ông để lại một người vợ và một đứa con trai mà ông rất mực yêu dấu.
Những ngày nắng, dưới rặng thông ở rừng Boulogne người ta thấy một người đàn bà trẻ mặc đồ tang, ngồi thêu ren, qua mũi kim, mắt nhìn xuống một chú bé bò lê quanh chiếc xẻng, chiếc xe một bánh và những đống đất nhỏ. Đấy là bà Trévière. Ánh sang mơn trớn da mặt xanh ấm áp và, từ lồng ngực một đôi khi như bị nén lại, cũng như từ đôi mắt nâu lấp lánh ánh vàng, đang thoát ra một sức sống và một tâm hồn quá tràn đầy. Bà ta âu yếm nhìn đứa con đang ngửng cái đầu hung hung và đôi mắt xanh (giống hệt như đầu và mắt bố) để chỉ cho mẹ nó xem những chiếc bánh “patê” bằng đất của nó mới vắt xong.
Thằng bé tròn trĩnh và hồng hào. Nhưng càng lớn lên, nó càng gầy đi, và đôi má, lấm chấm tàn nhang, trở nên xanh xao. Người mẹ lo lắm. Một đôi lần, trong những lúc thằng bé vui đùa chạy nhảy với bọn bạn nhỏ ở trong rừng cây, nếu nó sà lại gần chiếc ghế bà đang ngồi thêu, bà liền nắm lấy tay nó giữa lúc nó đang mải chạy, lặng lẽ nâng cằm đứa con lên, cau mày nhìn khuôn mặt xanh xao và lắc đầu rất khẽ, còn thằng bé thì lại tiếp chạy. Ban đêm bà rón rén trở dậy và đi chân không, đứng bên chiếc giường nhỏ, cúi xuống nhìn mãi. Các ông thầy thuốc, bạn cũ của người chồng, cố làm bà vững dạ. Thằng bé chỉ yếu thôi. Nó cần được sống ở nông thôn.
Bà Trévière thu xếp hành lý và tới Brolles nơi bố mẹ chồng làm nghề cày ruộng. Các bạn biết đấy, Trévière là con một gia đình nông dân và cho đến năm mười hai tuổi, trên đường đi học về, cậu bé này còn trèo cây bắt tổ sáo.
Người ta đã ôm hôn nhau dưới những khúc giăm bông treo lủng lẳng trong gian buồng hun khói. Bà cụ Trévière ngồi xổm trước lò sưởi lớn và không hề rời chiếc cán xoong, nhìn người đàn bà Paris và người vú với cặp mắt nghi ngại. Nhưng bà cụ thấy thằng bé “kháu đáo để và giống bố nó như đúc”. Còn ông cụ Trévière, người cứng đơ trong chiếc áo vét bằng dạ, dày, thì hết sức hài lòng được thấy thằng cháu André.
Bữa xúp ăn chưa xong, nhưng André đã hôn ông nó chùn chụt, người ông có râu cằm đâm vào mặt. Rồi nó trèo ngay lên đầu gối ông, nó ấn nắm tay vào má ông và nói tại sao má ông lại hõm.
- Vì ông không có răng nữa.
- Nhưng vì sao ông không có răng nữa?
- Bởi vì răng ông hóa thành đen nên ông đem gieo xuống luống cày để xem nó có mọc thành răng trắng không.
Và rồi André cười ngặt nghẽo. Má ông nó khác hẳn má mẹ nó!
Người ta đã nhường cho người đàn bà Pari và đứa bé căn phòng danh dự có đặt chiếc giường cưới mà hai vợ chồng ông lão phúc hậu chỉ ngủ một lần và chiếc tủ bằng gỗ sến, chất đầy quần áo, khóa kỹ, chiếc giường nhỏ, trước dùng cho thằng con trai bây giờ lại được lôi từ trên tầng nóc xuống cho đứa cháu. Chiếc giường được đặt vào một góc kín đáo nhất, ngay dưới một cái tủ con chồng chất những lọ mức. Bà Trévière, vốn tính ngăn nắp, đã quần quanh đi lại trên sàn nhà bằng gỗ thông khấp khểnh đến ba mươi sáu lần để xem tình hình. Nhưng bà thất vọng vì không tìm thấy một cái mắc áo nào cả.
Trần nhà có những cái rầm lòi ra ngoài và tường quét vôi trắng. Bà Trévière không chú ý mấy đến những bức tranh màu sặc sỡ làm cho căn phòng xinh đẹp thêm tươi vui, nhưng bà thấy ở phía trên giường cưới một bức ảnh chụp mấy đứa trẻ mặc áo vét đen và quần trắng, cùi tay đeo băng, cầm nến, đang đi thành hàng trong nhà thờ kiểu gôtích. Dưới bức ảnh, trong cái mẫu in sẵn, có tên, ngày tháng và chữ ký điền vaò bằng tay: Tôi, ký tên dưới đây, chứng nhận là Pierre Agénor Trévière, đã chịu phép thông công lần đầu tiên tại nhà thờ xứ Brolles, ngày 15 tháng 5-1849. Cha xứ Gontard.
Người đàn bà góa đọc và thở dài, tiếng thở dài đó của một người đàn bà biết điều và có nghị lực, cùng với những giọt nước mắt yêu thương, là những báu đẹp nhất trên trần gian. Những kẻ được yêu đáng lẽ không nên chết.
Sau khi cởi áo quần cho André, người mẹ nói:
- Con cầu nguyện đi.
Thằng bé thủ thỉ:
- Mẹ ơi, con thương mẹ lắm.
Và nói xong điều tín tâm đó, thằng bé gục đầu xuống, nắm hai tay và ngủ một cách yên lành.
Lúc tỉnh dậy, nó nhìn thấy cái sân. Lạ lùng, thích thú và say mê, nó ngắm đàn gà, con bò sữa, con ngựa già chột một mắt và con lợn. Nó mê thích con lợn nhất. Sự mê thích đó kéo dài trong nhiều ngày. Đến giờ ăn cơm, người ta vất vả lắm mới lôi được nó về, mình đầy rơm và phân, tóc vướng mạng nhện và giày bê bết nước phân, tay đen thủi, đầu gối sây sát, má đỏ bừng, cười vui sung sướng.
- Không được lại gần tao, đồ quỷ con! – Bà mẹ hét lên.
Và sau đó, là những cái hôn không dứt. Ngồi cạnh bàn, trên một chiếc ghế nhỏ, gặm một cái đùi gà lớn, nhìn nó giống như một chàng Hercule tí hon đang nhai ngấu nghiến cái chùy của mình.
Thằng bé ăn ngon lành, quên cả uống và cứ líu lo nói luôn miệng.
- Mẹ ơi, con gà giò xanh là con gì?
- Chỉ có thể là một con vẹt, - người đàn bà Pari trả lời một cách nông cạn.
Vì thế André gọi von vịt của ông nó là con vẹt, điều đó làm cho câu chuyện của nó hết sức tối nghĩa.
Nhưng không phải dễ dàng mà nó chịu để cho thuyết phục.
- Này mẹ, mẹ có biết ông nói với con những gì không? Ông nói rằng gà đẻ trứng. Nhưng con biết là không đúng. Con biết rõ là người bán rau quả ở đường Neuilly đã đẻ trứng và sau đấy, người ta mang tới cho gà ấp. Và, mẹ nhỉ, gà làm thế nào đẻ trứng được trong lúc nó không có tay?
Và André vẫn tiếp tục thăm dò thiên nhiên. Khi dạo chơi trong rừng với mẹ, nó cũng cảm thấy tất cả những hồi hộp của chàng Robinson Crusoé. Một ngày nọ, trong lúc bà Trévière đang ngồi thêu ren dưới một gốc sồi bên đường, thằng bé thấy một con chuột chũi. Đấy là một con chuột chũi rất lớn nhưng quả là đã chết rồi. Mõm con chuột lại còn cả máu nữa. Bà mẹ hét lên:
- André, tránh những thứ gớm ghiếc ấy đi… Này, nhìn kìa, ở trên cây kia kìa.
Và nó thấy một con sóc đang nhảy trên các cành cây. Mẹ nó đã nói đúng: một con sóc còn sống đẹp hơn một con chuột chết.
Nhưng con sóc biến đi nhanh quá và André tự hỏi có phải sóc có cánh không. Vừa lúc đó, một người khách qua đường có khuôn mặt rắn rỏi và trung hậu, có bộ râu quai nón uy nghi màu nâu, ngả chiếc mũ rơm và dừng lại trước bà Trévière.
- Chào bà, bà khỏe chứ? Không ngờ lại gặp bà ở đây! Cậu bé nhà đấy à? Trông kháu lắm. Người ta cho tôi biết là bà ở tại nhà ông lão Trévière… Xin lỗi bà. Tôi biết cụ nhà từ lâu lắm rồi!
- Chúng tôi tới đây vì cháu nó cần được thở không khí thoáng mát. Còn ông, tôi nhớ là ông đã ở vùng này từ thời nhà tôi còn sống.
Tiếng nói của người quả phụ trẻ vừa như tắt đi trong cổ họng, người khách lạ đã tiếp lời, giọng nghiêm trang:
- Thưa bà, tôi đã được biết.
Và rất tự nhiên, ông ta nghiêng đầu như để chào một cái tang lớn vừa nhắc tới.
Rồi im lặng trong chốc lát, ông nói tiếp:
- Ấy là thời buổi yên lành! Từ bấy đến nay biết bao con người trung hậu đã qua đời rồi. Các nhà họa sĩ phong cảnh tội nghiệp của tôi! Ông bạn Millet tội nghiệp của tôi! Nhưng thôi cũng chẳng sao. Tôi vẫn là bạn của các họa sĩ, như ở Barbizon người ta vẫn gọi tôi. Tôi đều quen biết họ cả. Bọn họ đều là những con người trung hậu.
- Xưởng của ông thế nào?
- Xưởng của tôi ấy à? Nó vẫn hoạt động như thường không cần tôi có mặt.
Vừa lúc ấy, André chạy sà tới giữa hai người.
- Mẹ ơi! Ở dưới một hòn đá lớn có những con bọ dừa. Ít nhất là một triệu con. Thật đấy!
- Im ngay và đi chơi đi! – Người mẹ xẵng giọng trả lời.
Ông bạn của các họa sĩ lại tiếp tục với một giọng ngọt ngào và ấm áp:
- Gặp lại bà, tôi mừng lắm! Bạn bè tôi thường hỏi bà Trévière xinh đẹp hiện nay như thế nào. Tôi sẽ trả lời họ là hơn bao giờ hết, bà vẫn là bà Trévière xinh đẹp. Xin chào bà.
- Chào ông Lassalle.
André lại xuất hiện:
- Mẹ ơi, có phải tất cả mọi con vật đều do Chúa sinh ra không? Hay còn có những con vật do quỷ sứ sinh ra, hả mẹ? Sao mẹ không trả lời cho con đi? Tại sao?
Và rồi nó nắm lấy váy mẹ nó mà kéo. Người mẹ liền mắng:
- André, con không được hỏi mẹ lúc mẹ nói chuyện với người khác. Con biết chưa?
- Tại sao?
- Vì như thế là không lễ phép.
Một vài giọt nước mắt lại rỏ và biến thành một nụ cười sau những chiếc hôn. Nhưng hôm đó vẫn còn là một ngày vui vẻ. Trên cánh đồng quê, bầu trời ẩm ướt, thấp thoáng những ánh nắng, vừa gợi buồn vừa xoa dịu lòng người.
Sau đấy vài ngày, giữa một cơn mưa lớn, ông Lassalle, chân đi ủng, tới thăm người quả phụ trẻ.
- Chào bà… Thế nào, bố Trévière khỏe hơn trước chứ?
- Người thì đang còn mạnh chán, nhưng đôi chân chẳng làm được gì cả.
- Thế còn bà mẹ? Bà mẹ vẫn luôn luôn bận bịu với nồi niêu đấy à? Bà mẹ đang nếm xúp đấy phải không? Quả là một tay nấu ăn giỏi.
Những lời nói than mật đó làm bà cụ cười, mắt nhấp nháy giữa đôi má nhăn nheo.
Ông Lassalle bế thằng André lên gối và véo má nó. Nhưng thằng bé giã ra một cách đột ngột và nhảy cưỡi lên trên chân ông nó.
- Ông làm ngựa cháu cưỡi! Hệ! Phi mạnh lên nữa đi!
Cuộc đi thăm chỉ có thế thôi. Người quả phụ và ông khách không trao đổi với nhau qua bốn câu nhưng ánh mắt của họ đã nhiều lần gặp nhau khác nào như những tia chớp lóe ra giữa mặt đất và bầu trời trong những đêm mùa hè oi ả.
- Bố ơi bố có quen ông khách ấy lắm không? – Người đàn bà trẻ tuổi hỏi với một giọng thờ ơ.
- Tao biết ông ta từ thời ông ta còn chưa mặc quần kia đấy. Và ở vùng này thì ai lại không biết ông cụ sinh ra ông ta. Những con người hoàn toàn phúc hậu, chân thực, đối với ai cũng đều như bát nước đầy. Họ lắm của. Ông Philippe (ở đây người ta quen gọi là ông Philippe) thuê ít nhất là sáu mươi công nhân để làm việc ở phân xưởng ông.
André thấy đã đến lúc cần phát biểu ý kiến của mình:
- Cái ông ấy là người xấu.
Người mẹ trả lời một cách gay gắt rằng nếu mở miệng ra để nói những lời ngu ngốc thì tốt hơn là nên câm đi.
Từ đấy, sự tình cờ cứ bày đặt để cho ba Trévière gặp ông Lassalle trên mọi nẻo đường.
Người đàn bà ấy trở nên tư lự, đãng trí va mơ màng. Có lúc bà ta rùng mình vì tiếng gió trong kẽ lá, có khi bỏ quên tấm ren đang thêu dở và sinh ra thói quen ngồi chống cằm mà mơ màng.
Một đêm mùa thu, trong lúc một cơn bão lớn, từ biển tới, gào thét từng hồi lâu trên mái nhà cụ Trévière và khắp cả vùng, người đàn bà trẻ đã vội cho người vú lui ra sau khi nhen xong lửa, và cho André đi ngủ. Trong khi mẹ sửa lại đôi tất len cho con và đưa cả hai tay sờ bàn chân lạnh lẽo của con thì thằng bé nghe tiếng gào thét của gió và tiếng mưa rào đập vào cửa kính, liền giơ hai tay ôm lấy cổ người mẹ đang cúi xuống:
- Mẹ ơi, con sợ lắm.
Nhưng người mẹ hôn con và nói:
- Đừng quấy, ngủ đi, con yêu của mẹ.
Rồi bà ta đến bên ngọn lửa và đọc một bức thư.
Càng đọc, má bà càng dần dần ửng đỏ; một hơi thở ấm từ ngực dâng lên. Và khi đã đọc xong, bà ngả duỗi mình trên ghế dài, tay không cử động, tâm hồn chìm đắm trong mơ mộng. Bà nghĩ:
“Anh ta yêu mình, anh ta rất tốt, rất thẳng thắn, rất chân thành! Đêm đông một mình buồn lắm. Anh ta đối với mình hết sức nhã nhặn! Chắc chắn là anh ta có nhiều chân tình. Mình thấy được ngay cả ở cách ngỏ lời cầu than”.
Rồi đôi mắt của bà nhìn tấm ảnh lễ ban thánh thể đầu tiên: “Tôi, ký tên dưới đây, chứng nhận la Piere – Agénor Trévière…”
Mắt bà cúi xuống. Rồi bà lại tiếp tục suy nghĩ.
“Một người đàn bà sống một mình không biết cách nuôi dạy một đứa con trai… André sẽ có một người cha”.
- Mẹ ơi!
Tiếng gọi từ chiếc giường nhỏ làm bà giật mình.
- Con muốn gi, André? Tối nay con quấy quá.
- Mẹ ơi, con nghĩ đến một điều.
- Sao con lại không ngủ… Con nghĩ đến điều gì?
- Bố chết rồi, phải không mẹ…?
- Chết rồi, con tội nghiệp của mẹ.
- Vậy bố không bao giờ trở lại nữa chứ?
- Hỡi ơi! Không, con yêu của mẹ.
- Thế thì mẹ ơi, vẫn cứ hạnh phúc lắm. Đấy mẹ xem, con yêu mẹ nhiều biết bao, nhiều vì con yêu mẹ như yêu cho cả hai người. Và nếu bố có trở về, con cũng sẽ không thể yêu bố nữa đâu.
Người mẹ nhìn con trong khoảnh khắc, lo lắng, rồi buông mình xuống chiếc ghế bành, im lặng, hai tay ôm đầu.
Hơn hai tiếng đồng hồ đã trôi qua, đứa bé vẫn ngủ yên trong tiếng gào thét của bão táp và bà Trévière bước lại gần con, thì thầm nói:
- Ngủ đi con! Bố sẽ không bao giờ về nữa đâu.
Nhưng hai tháng sau, ông bố lại trở về. Ông trở về trong khuôn mặt bạnh và rám nắng của ông Lassalle, người chủ mới của căn nhà. Và, cậu bé André lại bắt đầu trở nên vàng vọt, gầy gò và ốm yếu.
Giờ đây, cậu bé đã hồi phục. Và cậu yêu người vú như trước đây yêu mẹ cậu. Cậu bé không biết rằng người vú cũng đã có một người yêu.


II

PIERRE
- Thưa bà, chú bé của bà lên mấy rồi?
Nghe câu hỏi ấy bà mẹ nhìn chú bé của bà như người ta nhìn cái đồng hồ treo tường để xem giờ. Và bà đáp:
- Pierre! Cháu được hai mươi chín tháng, bà ạ.
Kể ra thì cũng đáng nói là hai mươi tuổi rưỡi; song, vì thằng bé Pierre có nhiều trí khôn và làm ngàn sự lạ lùng đối với tuổi nó, nên bà sợ làm cho các bà mẹ khác kém ghen tị đi một chút, nếu phô nó ra với họ nhiều hơn tuổi của nó một chút, và như thế thì kém kỳ lạ đi một chút. Còn vì một lý do khác nữa là bà không muốn người ta làm cho thằng Pierre của bà già đi thêm dù chỉ một ngày thôi. À! Là vì bà muốn giữ nó cữ bé tí, cứ là hài nhi mãi. Bà cảm thấy nó dần dần thoát ra khỏi bà. Hỡi ôi! Chúng chỉ tìm cách dứt mình đi thôi, những đứa bé tệ bạc ấy. Cuộc chia ly đầu tiên bắt đầu từ lúc đẻ ra chúng. Thế là, mặc sức mình là mẹ chúng, mình chỉ có một bộ ngực và đôi cánh tay để giữ lại chúng thôi.
Tất cả những lẽ đó khiến Pierre vừa đúng hai mươi chín tháng. Vả chăng, đó là một cái tuổi đẹp đẽ và, về phần tôi, nó gợi cho tôi nhiều trọng vọng; tôi có nhiều bạn trạc tuổi đó mà cách đối đãi với tôi rất tốt. Song không chú nào trong các bạn trẻ ấy có nhiều tưởng tượng bằng Pierre. Pierre gom ghép các ý nghĩ một cách hết sức dễ dàng và hơi thất thường.
Nó nhớ một số ý nghĩ rất cũ. Nó nhận ra những mặt người xa vắng từ hơn một tháng. Nó phát hiện thấy, trong những tranh tô màu người ra cho nó, ngàn đặc tính làm cho nó thích thú và băn khoăn. Khi nó lật quyển sách minh họa mà nó ưa thích và chỉ mới xé đi có nửa số trang, má nó đỏ ửng, và trong mắt nó thoáng qua một ánh sáng rực rỡ.
Mẹ nó sợ cái nước da ấy và đôi mắt ấy; bà e ngại một cái đầu bé thế và còn mềm yếu mà lại làm việc nhiều quá thì mệt chăng; bà ngại bệnh sốt, bà ngại mọi cái. Bà sợ gieo họa cho đứa con mà bà lấy làm kiêu hãnh. Bà hầu như mong ước rằng đứa con trai nhỏ của bà, mà bà rất hãnh diện, giống thằng bé con ông làm bánh mì hàng ngày bà thấy lê la ở bậc cửa hàng, với một bộ mặt to tướng và bèn bẹt, đôi mắt xanh ngơ ngác, cái miệng lẩn dưới đôi má và một vẻ khỏe mạnh đần độn.
Thằng bé đó, ít nhất, nó không làm cho phải lo sợ! Trong khi Pierre cứ mỗi lúc lại thay da thịt; hai bàn tay nhỏ của nó nóng bỏng, và ngủ trong nôi nó cứ trằn trọc suốt.
Thầy thuốc cũng chẳng ưa chú bạn nhỏ của ta nhìn tranh ảnh. Ông khuyên cần giữ cho tâm trí nó yên tĩnh.
Ông bảo:
- Ông bà hãy nuôi nó như một con chó con. Mà như thế có khó khăn gì!
Nghĩ thế là ông lầm: trái lại, như thế là rất khó. Ông bác sĩ không có một ý niệm gì về tâm lý một chú bé hai mươi chín tháng. Vả lại, ông bác sĩ có chắc rằng tất cả những con chó con đều lớn lên trong sự yên ổn về tư tưởng không? Tôi đã biết đến một con, tuổi vào khoảng sáu tuần lễ, mơ màng cả đêm và, trong giấc ngủ, hết cười lại khóc với một sự mau chóng nặng nề. Nó làm căn buồng tôi tràn ngập biểu thị của những tình cảm hỗn độn nhất. Cái đó là sự yên tĩnh chăng?
Không phải! Cho nên con vật nhỏ cũng như Pierre cứ gầy đi. Tuy nhiên nó sống. Cũng thế Pierre có trong người nó những mầm mống của một cuộc sống dồi dào. Nó không bị bệnh gì trong một bộ phận quan trọng nào của cơ thể. Nhưng người ta cứ muốn nhìn nó đỡ gầy và đỡ xanh xao.
Pari ít thích hợp với chú bé người Pari ấy. Không phải chú không thích sống ở đấy. Trái lại, ở đấy chú vui chơi quá độ; ở đấy chú bị lôi cuốn bởi quá nhiều hình dáng, màu sắc và chuyển động; ở đấy, phải cảm thấy và hiểu nhiều thứ quá khiến chú mệt mỏi.
Sang tháng bảy, mẹ chú đem chú xanh mướt và mảnh khảnh về sống ở một nơi hẻo lánh của Thụy Sĩ, ở đấy người ta chỉ thấy những cây thông trên các sườn núi, đồng cỏ và những con bò cái ở thung lũng.
Một sự nghỉ ngơi như thế trong lòng bà nhũ mẫu lớn và yên tĩnh đã kéo dài ba tháng, ba tháng đầy những hình ảnh tươi vui và trong ba tháng ấy chú bé đã ăn nhiều bánh mì hầm. Trong những ngày đầu tháng mười, tôi đã thấy trở về Pari một chú bé Pierre mới, như được tái sinh; một chú bé Pierre sạm nâu, chuốt vàng, dạn dày, má phính, tay đen, cười nói oang oang.
- Anh xem thằng bé Pierre của tôi, nó khiếp quá, – bà mẹ vui vẻ nói, – da dẻ nó trông như của một con búp bê hai mươi chín xu!
Nhưng rồi da dẻ ấy không giữ được mãi. Thằng bé trở lại xanh xao khó tính dễ cảm, với một cái gì như quá hiếm hoi và quá tinh tế. Pari láy lại tác động của nó. Tôi muốn nói cái Pari tinh thần, nó không ở đâu hết và nó ở khắp chốn, cái Pari khêu gợi cảm hứng và trí tuệ, làm xáo động lòng ta, rèn luyện trí ta, ngay cả khi ta còn nhỏ xíu.
Và thế là Pierre lại tái đi và đỏ mặt lên trên các tranh ảnh. Vào cuối tháng chạp, tôi lại thấy tính khí nó thay đổi thất thường với đôi mắt mở to và đôi bàn tay nhỏ khô đét. Nó ngủ kém và biếng ăn.
Thầy thuốc bảo:
- Nó chẳng sao cả; bà cứ bắt nó ăn đi.
Nhưng làm thế nào? Bà mẹ tội nghiệp đã tìm đủ mọi cách, nhưng chẳng cách nào thành công. Bà phát khóc nhưng Pierre vẫn cứ không ăn.
Đêm Noel đem tới cho Pierre vô số những chú hề, ngựa và lính. Và, sáng hôm sau, trước lò sưởi, bà mẹ mặc áo khoác, tay buông thõng nhìn một cách nghi kỵ tất cả những bộ mặt nhăn nhó của những đồ chơi ấy.
“Cái đó lại sắp kích thích nó nữa!” – Bà tự nhủ. - “Có nhiều thứ quá!”.
Và nhẹ nhàng, sợ làm Pierre thức dậy, bà ôm trong cánh tay chú hề mà bà thấy có vẻ dữ tợn, những chú lính mà bà sợ, nghĩ rằng chúng rất có thể sau này lôi kéo con trai bà vào những trận mạc; bà cầm cả chính con ngựa đỏ, và bà đi, nhón gót chân, cắt tất cả những đồ chơi ấy vào trong tủ của mình.
Chỉ còn để lại trong lò sưởi một cái hộp gõ trắng, quà tặng của một người đáng thương, một chuồng cừu ba mươi chín xu, bà lại gần chiếc giường nhỏ, và nhìn con trai bà ngủ. Bà là đàn bà, và cái vẻ hơi gian dối của việc tốt bà vừa làm khiến bà mỉm cười. Nhưng trông thấy những mi mắt xanh xao của chú bé, bà lại nghĩ:
“Thằng bé này, không làm cho nó ăn được thì thật sợ quá!”
Vừa mặc áo xong, chú bé Pierre đã mở ngay cái hộp và trông thấy những cừu, bò cái, ngựa, cây cối, những cây xoan. Nói cho đúng, đó là một cái trại hơn là một chuồng cừu.
Chú bé trông thấy ông chủ trại và bà chủ trại. Ông chủ mang một cái hái và bà chủ một cái cào. Họ ra đồng làm cỏ, nhưng họ không có vẻ bước đi. Bà chủ trại đội mũ rơm và mặc áo đỏ. Pierre hôn bà ta và bà làm cho má chú bị nhem nhuốc. Chú trông thấy cái nhà: nó bé quá và thấp quá, đến nỗi bà chủ trại sẽ không thể đứng trong ấy được; nhưng nhà ấy có một cái cửa, và vì thế Pierre mới nhận ra đó là một cái nhà.
Làm thế nào những hình vẽ sơn màu ấy đã được phản ánh vào đôi mắt man rợ và tươi tắn của một đứa bé con? Người ta không biết, nhưng thật là một phép ảo thuật. Nó nắm chắc những vật ấy trong đôi tay nhỏ bé làm cho tay bị dính bẩn; nó dựng chúng lên bàn con rồi gọi tên từng cái với giọng tha thiết: đa đa! tu tu! mu mu! Vừa nhấc lên một cây xanh kỳ dị, thân cây nhẵn và thẳng, cành lá bằng vỏ bào làm thành hình nón, nó kêu lên: “Một cây thông”.
Đối với mẹ nó, đó là một thứ phát hiện. Có lẽ chẳng bao giờ bà tìm ra điều ấy. Vậy mà một cây xanh, hình nón, trên một thân thẳng thì chắc chắn là một cây thông. Nhưng phải là Pierre bảo cho bà mới biết, bà nói:
- Thiên thần của mẹ!
Và bà ôm hôn nó rất mạnh, khiến cái chuồng cừu bị chúc đổ đến ba phần tư.
Trong khi ấy, Pierre phát hiện ra những cây của cái hộp giống với những cây nó đã trông thấy ở xa kia trong núi, ngoài trời khoáng đãng.
Nó còn nhìn thấy những cái khác mà mẹ nó không nhìn thấy. Tất cả những mảnh gỗ nhỏ bôi màu này gợi lên ở nó những hình ảnh cảm động. Do chúng, nó sống lại trong cảnh thiên nhiên vùng núi Alpe: một lần nữa nó lại ở cái xứ Thụy Sĩ nọ đã nuôi dưỡng nó trở nên béo tốt. Thế là, ý nghĩa nọ liên hệ với ý nghĩ kia, nó nghĩ đến ăn và bảo:
- Con muốn ăn sữa và bánh mì.
Nó ăn và uống. Sự thèm ăn lại nổi dậy. Nó ăn bữa tối như nó đã ăn bữa sáng. Hôm sau, nó lại thèm ăn khi nhìn lại cái chuồng cừu. Cho hay trí tưởng tượng có tác dụng như thế đó! Mười lăm hôm sau, nó thành một thằng bé béo tốt. Mẹ nó rất mừng rỡ. Bà nói:
- Hãy xem kia: má nó phính ra! Một thằng bé mười ba xu chính cống! Đó là cái chuồng cừu của cái ông X. Đáng thương nọ đã làm nên chuyện ấy.


III

JESSY
Ở Luân Đôn, dưới thời Elizabeth, có một nhà bác học tên là Bog, rất nổi tiếng dưới cái tên Bogus, vì một chuyên luận nhan đề Những sai lầm của con người, mà không ai biết đến.
Bogus biên soạn chuyên luận ấy trong hai mươi nhăm năm mà chưa cho in một trang nào; nhưng bản thảo của ông, chép lại rõ ràng và xếp trên những tấm ván nhỏ trong khung một cửa sổ, gồm không kém mười tập khổ giấy đôi. Tập thứ nhất luận về cái sai lầm sinh ra đời, nguyên lý của tất cả những sai lầm khác. Ở các tập sau người ta thấy những sai lầm của trẻ em trai và gái, của thanh thiếu niên, của người đứng tuổi và người già, và những sai lầm của những người thuộc mọi nghề nghiệp, như: các chính khách, nhà buôn, binh lính, người nấu bếp, người làm báo, v.v… Những tập cuối, chưa hoàn chỉnh, gồm những sai lầm của chính thể cộng hòa, kết quả của tất cả những sai lầm cá nhân và nghề nghiệp. Và trong cái tác phẩm đẹp đẽ ấy, các ý kiến liên hệ với nhau chặt chẽ hết sức, người ta không thể rút bỏ một trang mà không làm hỏng cả tác phẩm. Các luận chứng được rút từ điều nọ qua điều kia, thành ra có thể nói chắc chắn rằng luận chứng cuối cùng nếu lên bản chất của cuộc sống là xấu và, nếu cuộc sống là một số lượng, thì người ta có thể khẳng định với một sự chính xác toán học rằng trên trái đất này có bao nhiêu cuộc sống thì có bấy nhiêu sự xấu xa.
Bogus đã không mắc phải cái sai lầm lấy vợ. Ông sống một mình trong căn nhà nhỏ của ông với một bà quản gia già tên là Kat, nghĩa là Catherine mà ông gọi là Clausentina, vì bà quê ở Southampton.
Người em gái của nhà triết học, đầu óc kém cao siêu hơn ông anh, đã từ sai lầm này đến sai lầm khác, yêu một người buôn dạ của đô thành, lấy nhà buôn ấy và đẻ ra một em gái nhỏ đặt tên là Jessy.
Cái sai lầm cuối cùng của người đàn bà này là đã chết mười năm sau và đã gây ra cái chết của người chồng buôn dạ, vì ông này không thể sống sau khi vợ chết. Bogus đưa cháu bé mồ côi về nhà nuôi phần vì thương tình, phần vì hy vọng rằng nó sẽ cung cấp cho ông một bản mẫu tốt về những sai lầm của trẻ em.
Bấy giờ em lên sáu tuổi. Trong tám hôm đầu ở nhà ông bác học, em cứ khóc và không nói gì hết. Sang ngày thứ chín, em nói với ông Bog:
- Cháu vừa thấy mẹ cháu, mẹ mặc toàn đồ trắng; mẹ có những bông hoa trong một nếp áo dài; mẹ đã rắc hoa lên giường của cháu, nhưng sáng nay cháu không còn thấy những bông hoa ấy nữa. Cậu ơi, cậu đưa cháu những bông hoa của mẹ cháu.
Bog ghi cái sai lầm ấy, nhưng trong lời bình luận ông nhận rằng đó là một sai lầm vô tội và kể cũng dễ thương.
Sau đó ít lâu, Jessy lại nói với ông Bog:
- Cậu Bog ơi, cậu già rồi, cậu lại xấu xí; nhưng cháu yêu cậu lắm và cậu phải yêu cháu cơ.
Bog cầm lấy bút; nhưng, sau vài phút suy nghĩ căng thẳng ông nhận ra rằng ông không còn trẻ lắm nữa và ông chưa từng bao giờ là người đẹp trai, ông không ghi lời nói của em bé. Ông chỉ nói:
- Tại sao lại phải yêu cháu, Jessy?
- Bởi vì cháu còn bé.
“Có thực,” - Bog tự hỏi, - “có thực là phải yêu các trẻ nhỏ không? Có thể như thế; vì thực ra, chúng rất cần được người ta yêu. Do đó sẽ có thể tha thứ cho cái sai lầm chung của các bà mẹ đem cho con mình cả sữa lẫn tình yêu. Đây là một chương trong chuyên luận của ta cần phải viết lại”.
Sáng ngày lễ sinh nhật của ông, nhà bác học bước vào căn phòng để sách và giấy tờ mà ông gọi là nhà sách của mình, ông thấy một mùi thơm và nhìn thấy một bình hoa cẩm chướng trên thành cửa sổ.
Đó là ba bông hoa, những ba bông hoa đỏ thắm mà ánh sáng mơn trớn một cách vui vẻ. Và mọi vật như tươi cười trong căn phòng bác học; cái ghế bành cũ bọc đệm, cái bàn gỗ hồng đào; những gáy sách cổ kính cũng tươi cười trong màu da bê màu hung, da giầy thuộc và da lợn. Bogus khô héo như chúng, cũng bắt đầu mỉm cười như chúng, Jessy vừa ôm hôn ông vừa nói:
- Cậu Bog ơi, cậu trông: đây là trời này (và qua những kính cửa lát chì, em chỉ màu xanh dịu nhẹ của không khí), rồi thấp hơn, là đất này, đất nở hoa (và em chỉ bình cẩm chướng); rồi, ở dưới nữa là những quyển sách đen to tướng, đó là địa ngục.
Những quyển sách đen to tướng ấy đúng là mười tập của thiên chuyên luận Những sai lầm của con người, xếp nơi cửa sổ, trong khung cửa. Cái sai lầm ấy của Jessy nhắc nhà bác học nhớ đến tác phẩm của mình, mà ít lâu nay ông sao lãng để đi chơi với cô cháu gái trong các phố và các vườn hoa. Cô bé phát hiện ra ngàn điều hay và đồng thời cũng làm cho Bogus phát hiện những điều đó, vì suốt đời ông chưa hề ló mũi ra ngoài. Ông mở lại những bản viết tay của ông, nhưng ông không nhận ra mình trong tác phẩm của ông nữa, ở trong đó chẳng có hoa mà cũng chẳng có Jessy.
May thay, triết học đến cứu giúp ông bằng cách gợi cho ông ý nghĩ cao siêu này là Jessy chẳng được cái tích sự gì. Ông càng bám chặt vào chân lý ấy, vì nó cần thiết cho kết cấu tác phẩm của ông.
Một hôm ông đang nghiền ngẫm về vấn đề ấy thì thấy Jessy, trong nhà sách, đang xâu chỉ vào kim trước cửa sổ để hoa cẩm chướng. Ông hỏi em muốn khâu cái gì.
Jessy trả lời:
- Vậy, cậu Bog ơi, cậu không biết rằng chim én đã bay đi rồi?
Bogus chẳng biết gì hết vì điều đó chẳng có trong sách của Pline, cũng chẳng có trong Avicenne 1 . Jessy nói tiếp:
- Chính Kat hôm qua đã bảo cháu…
- Kat? – Bogus kêu lên, con bé này muốn nói đến bà Clausentina đáng kính!
- Kat hôm qua đã bảo cháu: “Chim én năm nay bay đi sớm hơn lệ thường; điều đó báo trước mùa đông sẽ đến sớm và sẽ rét dữ”. Đấy Kat đã bảo cháu thế. Với lại cháu đã thấy mẹ mặc áo dài trắng, tóc sáng lung linh; chỉ có điều mẹ không có hoa như lần trước. Mẹ đã bảo cháu: “Jessy ạ, con phải lôi ở trong hòm ra cái áo choàng rộng lót long của cậu Bog và vá lại nếu nó không còn lành lặn”. Cháu tỉnh giấc và vừa trở dậy là cháu lôi ngay cái áo choàng rộng ra khỏi hòm; và, vì nó đã bục ở nhiều chỗ nên cháu đi khâu lại nó đây.
Mùa đông đến và rét như chim én đã dự báo. Bogus, khoác áo choàng để chân trước lửa, tìm cách vá víu vài chương trong chuyên luận của ông. Song, cứ mỗi lần ông dung hòa được những kinh nghiệm mới của ông với thuyết điều xấu phổ biến, thì Jessy lại làm rối các ý nghĩ của ông bằng cách đem đến cho ông một bình rượu bia ngon, hoặc chỉ bằng đôi mắt và nụ cười của em.
Khi mùa hè trở lại, hai cậu cháu thường đi dạo chơi trên các cánh đồng. Jessy mang về những cây cỏ mà người cậu nói tên cho cháu biết, và tối đến cô bé xếp loại theo thuộc tính từng cây. Trong các cuộc đi chơi ấy, cô bé tỏ ra có một trí óc đúng đắn và một tâm hồn đáng yêu. Rồi một buổi tối, trong khi em bày trên bàn những cây cỏ hái được ban ngày, em nói với Bogus:
- Cậu Bog ơi, bây giờ cháu biết tên tất cả những cây mà cậu đã chỉ cho cháu. Đây là những cây chữa khỏi bệnh và đây là những cây an ủi người ta. Cháu muốn giữ những cây này để mãi mãi nhận ra chúng và làm cho người khác cũng biết chúng. Cháu cần có một quyển sách dày để ướp khô những cây ấy.
- Cháu lấy quyển này này. – Bog nói.
Và ông chỉ cho cô bé tập thứ nhất của chuyên luận Những sai lầm của con người.
Khi tập sách đã có một cây ở mỗi tờ, người ta lấy tập tiếp theo, và, trong ba mùa hè, kiệt tác của nhà bác học đã hoàn toàn biến thành một bộ bách thảo.
--------------------------------
1
Pline: nhà vạn vật học La Mã, tác giả bộ Vạn vật học gồm ba bảy quyển, một thứ bách khoa toàn thư quý giá cho khoa học sử thời cổ đại. Ông mất trong trận núi lửa Veduver phun năm 79.
Avicenne (980-1037) – thầy thuốc nổi tiếng của Iran, được mệnh danh là Vua của các thầy thuốc, một trong những người lỗi lạc nhất của phương Đông vì những tri thức rộng và hoạt động tinh thần của ông.
TỦ SÁCH CỦA SUZANNE


I

GỬI BÀ DXXX
Pari, ngày 15 tháng Chạp năm 188x
Ngày đầu năm mới sắp đến. Ngày ấy là ngày của những tặng vật và những lời chúc tụng, nên trẻ em được phần ưu đãi nhất. Và đó là điều tự nhiên, trẻ em rất cần được người ta yêu thương. Vả chăng trẻ em có điều đáng yêu là chúng nghèo. Ngay cả những em sinh ra trong cảnh xa hoa cũng chỉ có được cái gì người ta cho chúng. Sau hết, chúng không trả lại; cho nên ai cũng thích tặng quà cho chúng.
Không có gì thú vị bằng chọn đồ chơi và sách thích hợp với trẻ em. Một ngày nào đây tôi sẽ viết một tiểu luận triết lý về các đồ chơi. Đó là một đề tài hấp dẫn, nhưng tôi không dám đề cập tới mà không có một sự chuẩn bị lâu dài và chu đáo.
Hôm nay tôi chỉ xin nói về những sách giải trí cho trẻ em, và, vì bà đã có nhã ý mời tôi phát biểu, tôi sẽ xin trình bày vài ý nghĩ về vấn đề này.
Trước hết một câu hỏi được đặt ra. Có nên ưu tiên cho trẻ em xem những sách viết riêng cho chúng không?
Kinh nghiệm đủ trả lời câu hỏi đó. Thực đáng chú ý là trẻ em thường tỏ ra rất chán ghét đọc những sách viết cho chúng. Sự chán ghét ấy cũng dễ hiểu thôi. Ngay từ những trang đầu chúng đã cảm thấy tác giả cố gắng đi vào lĩnh vực của chúng trong khi đáng lẽ đưa chúng vào lĩnh vực của mình, vì vậy chúng sẽ không thấy, dưới sự hướng dẫn của tác giả, cái mới, cái lạ mà tâm hồn người ta khao khát ở bất cứ lứa tuổi nào. Lũ trẻ nhỏ đó đã bị ám ảnh vì tính hiếu kỳ cũng là tính của những nhà bác học và những nhà thơ. Chúng muốn người ta phát hiện cho chúng thấy vũ trụ, cái vũ trụ huyền bí. Tác giả nào đưa chúng trở lại với bản thân chúng và giữ chúng trong sự chiêm ngưỡng trò con nít của chúng thì làm chúng chán ngấy.
Vậy mà, thật không may, người ta lại miệt mài làm cái việc đó, khi người ta sáng tác, như người ta nói, cho tuổi thơ. Người ta muốn làm cho mình giống trẻ nhỏ. Người ta trở thành trẻ con, mà không có cái ngây thơ trong trắng và đáng yêu của trẻ con. Tôi còn nhớ một quyển sách nhan đề Trường trung học bị cháy mà người ta đã cho tôi với dụng ý rất tốt. Bấy giờ tôi lên bảy và tôi đã hiểu đó là một sự ngớ ngẩn. Nếu cho tôi một quyển Trường trung học bị cháy khác nữa thì sẽ có thể làm cho tôi đến chán ngấy sách, mà tôi lại rất mê sách.
Nhưng có thể bà sẽ bảo, cần phải viết cho hợp với trình độ nhận thức của trẻ em.
Hẳn thế, nhưng người ta sẽ không đạt ý muốn đó bằng cách thường dùng là giả bộ ngớ ngẩn, lấy giọng ngây ngô nói một cách vô duyên những điều không sức mạnh, cuối cùng là tự tước bỏ những gì, trong một trí tuệ trưởng thành, làm cho người ta say mê và thuyết phục được người ta.
Để được tuổi thơ hiểu thì không gì bằng một thiên tài lớn. Những tác phẩm được trẻ em trai và gái thích nhất là những tác phẩm cao cả, đầy những sáng tạo lớn, trong đó các phần được xếp đặt hài hòa hình thành một tổng thể sáng sủa, và được viết với một bút pháp mạnh mẽ đầy ý nghĩa.
Tôi đã nhiều lần cho những trẻ em rất nhỏ đọc vài khúc ca của Odysée, trong một bản dịch tốt. Các em đó đã nghe rất say sưa. Cuốn Don Quichotte, nếu cắt xén nhiều đoạn, thì sẽ là sách đọc thích thú nhất cho những tâm hồn mười hai tuổi. Về phần tôi, ngay từ khi biết đọc, tôi đã đọc cuốn sách hào hiệp của Cervantes và tôi đã hết sức yêu nó và hiểu nó, cho nên nhờ nó mà tôi có được phần lớn cái tính vui vẻ tôi còn có hiện giờ trong tâm trí.
Chính Robinson Crusoé, là sách cổ điển cho tuổi thơ từ một thế kỷ nay, đã được viết trong thời đại đó cho những người lớn nghiêm trang, cho các nhà buôn của đô thành Luân Đôn và cho các thủy thủ của Anh hoàng. Tác giả đã để vào đấy tất cả nghệ thuật của mình, tất cả sự thẳng thắn của trí tuệ, sự hiểu biết rộng rãi, sự lịch duyệt của mình. Và tất cả những cái đó là điều cần thiết để làm vui cho các học sinh.
Những kiệt tác tôi kể đó đều chứa đựng một tấn kịch và những nhân vật. Quyển sách hay nhất thời chẳng có ý nghĩa gì đối với một đứa trẻ nếu những ý tưởng trong đó đều diễn đạt một cách trừu tượng. Khả năng trừu tượng hóa và lĩnh hội những điều trừu tượng phát triển chậm và rất không đồng đều ở con người ta. Ông giáo dạy chúng tôi ở lớp đệ lục – tôi nói đây không phải có ý trách ông, đã chẳng là một ông Rollon cũng không là một ông Lhomond 1 , đã khuyên chúng tôi nên đọc cuốn Tuần chay của Massillon 2 trong dịp nghỉ hè để giải trí. Ông giáo đã bảo chúng tôi thế để chúng tôi tin rằng chính ông đã tự giải trí với cuốn sách đó và để làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Một đứa trẻ mà cuốn Tuần chay làm cho thích thú được hẳn phải là một quái vậy. Vả chăng tôi tin rằng không có lứa tuổi nào thích đọc những cuốn sách như thế.
Khi bạn viết cho trẻ em, bạn đừng tạo ra một phong cách đặc biệt. Bạn suy nghĩ thật kỹ, viết thật hay. Sao cho trong chuyện kể của bạn mọi cái đều thật sống, mọi cái đều thật lớn lao, khoáng đạt, mạnh mẽ. Đó là cái bí quyết duy nhất để làm vừa lòng người đọc.
Tôi nói chừng ấy có lẽ cũng đủ rồi nếu từ hai chục năm nay ở nước Pháp và, tôi nghĩ, ở cả toàn thế giới người ta không nảy ra ý kiến chỉ nên cho trẻ em đọc những sách khoa học thôi, vì sợ thi ca làm hư hỏng tâm trí trẻ em.
Quan niệm này đã ăn sau vào tâm trí nhiều người đến nỗi ngày nay, khi người ta in lại Perrault, là chỉ để cho các nhà nghệ sĩ và những người chơi sách. Bạn xem, chẳng hạn, những sách truyện của Nhà xuất bản Perrin và Lemerre. Những sách ấy đều đi vào tủ sách của những người ham chơi sách quý và được đóng toàn bằng bìa da với gáy chữ mạ vàng.
Trái lại, những bản mục lục sách có tranh ảnh để làm quà cho trẻ em thường trình bày, để quyến rũ mắt nhìn, những con cua, những con nhện, những tổ sâu, những máy chạy bằng hơi. Thật là ngán cho thân phận làm trẻ con. Mỗi cuối năm, những sách phổ biến khoa học, nhiều vô kể như những ngọn sóng của đại dương, tràn ngập và chìm đắm chúng ta và cả gia đình chúng ta. Chúng ta bị tối tăm mặt mũi chết ngập ở trong đó. Còn đâu những hình thức đẹp, còn đâu những tư tưởng cao thượng, không còn nghệ thuật, không còn thẩn mỹ, không còn gì là con người nữa. Chỉ là những phản ứng hóa học và những trạng thái sinh lý học.
Hôm qua người ta đã đưa tôi xem cuốn Sơ thảo về những kỳ tích của ngành công nghiệp!
Trong mười năm nữa, tất cả chúng ta đều là những người thợ điện.
Ông Louis Figuier 3 , tuy là một người trung hậu, văn không giữ được tính điềm nhiên bình thường của ông chỉ vì nghĩ rằng những trẻ em trai và gái nước Pháp còn có thể được biết truyện Da lừa. Ông đã viết một bài tựa để khuyên các bậc cha mẹ đừng cho con cái đọc những Truyện của Perrault 4 và nên thay bằng những sách của bác sĩ Ludovicus Ficus là bạn của ông ta. – Này cô Jeanne, cô gấp quyển sách lại, để lại đấy, cho tôi nhờ, truyện Con chim xanh, mà thời gian mà cô rất yêu thích và cô đã khóc vì nó, và cô hãy học mau cách đánh mê bằng ête đi. Lên bảy tuổi rồi mà cô chưa có một ý niệm gì về sức mạnh gây tê của chất prôtôcxit azôt, thì thật là đẹp lắm đấy! – Ông Louis Figuier đã khám phá ra rằng các nàng tiên là những nhân vật tưởng tượng. Vì vậy ông không thể chịu được cho người ta nói chuyện các nàng tiên với trẻ con. Ông nói với chúng về phân của chim biển, nó chẳng có gì là tưởng tượng cả, - Thế thì ông bác sĩ ạ, các nàng tiên có thực, chính vì họ là những nhân vật tưởng tượng. Họ tồn tại trong những trí tưởng tượng thơ ngây và tươi mát sẵn sàng đón lấy một cách tự nhiên cái chất thơ mãi mãi trẻ trung của những truyền thiết dân gian.
Một quyển sách nhỏ bé nhất mà gợi lên một ý nên thơ, gây được một tình cảm đẹp, làm rung động được tâm hồn, thì đối với tuổi thơ và tuổi thanh niên, có giá trị gấp vạn lần tất cả các sách của các ngài nhồi đầy những khái niệm cơ học.
Phải có những truyện cho trẻ con và người lớn, những truyện hay bằng thơ hoặc văn xuôi, những quyển sách làm cho ra cười hoặc khóc, và đưa ta vào cõi say sưa.
Tôi rất hài lòng nhận được ngay hôm nay, một quyển sách tên là Thế giới lỳ diệu, chừng gồm mười hai truyện thần tiên.
Ông de Lescure, một người thông thái và đáng mến, đã tập hợp những truyện ấy, trong bài tựa ông đã chúng minh rằng những truyện thần tiên đáp ứng như cầu vĩnh cửu nào của tâm hồn. Ông nói:
“Nhu cầu quên trái đất, quên thực tại, những thất vọng, những giày vò quá gay gắt cho những tâm hồn kiêu hãnh, những va chạm tàn bạo, quá đau đớn cho những trái tim đa cảm, là một nhu cầu phổ biến. Sự mơ mộng, hơn cả cái cười, phân biệt con người với loài vật và khẳng định tính ưu việt của con người”.
Đã thế thì cái nhu cầu mơ mộng ấy, trẻ em cũng có. Trẻ em cảm thấy trí tưởng tượng của nó hoạt động, và chính vì thế nó thích những truyện hoang đường.
Những người viết truyện táo tạo thế giới theo cách của họ và giúp những kẻ yêu, những người bình dị, trẻ em có cơ hội tái tạo thế giới theo ý muốn của mình. Cho nên họ có cái ảnh hưởng rất đáng mến. Họ giúp cho người ta tưởng tượng, cảm biết và yêu thương.
Và bạn đừng sọ họ lừa dối trẻ em trong khi gieo vào tâm trí trẻ em những người lùn hoặc những và tiên. Trẻ em thừa biết rằng đời thực không có những hiện hình dễ yêu như thế. Chính cái khoa học mua vui của bạn lừa dối trẻ em: chính cái khoa học ấy gieo rắc những sai lầm khó sửa chữa. Các em trai nhỏ chẳng chút nghi ngờ, tin vào ông Verne 5 , tưởng tượng ra rằng người ta dùng một viên đạn để lên mặt trăng và một cơ chế có thể vô hại thoát khỏi những quy luật của trong lực.
Những biếm họa ấy của khoa học cao quý các khoảng không vũ trụ của khoa thiên văn cổ kính đều là phi lý và không đẹp chút nào.
Trẻ em rút ra được lợi ích gì từ nên một khoa học không có phương pháo, từ một nền văn học thực tiễn giả hiệu không có chút ý nghĩa đối với lý trí và tình cảm con người,
Cần phải về với những truyện hoang đường đẹp đẽ, với thơ ca của các nhà thơ và các dân tộc, với tất cả cái gì đen cho ta những rung cảm của cái đẹp.
Hỡi ơi! Xã hội chúng ra dạy những nhà bào chế sợ tưởng tượng. Và họ rất lầm. Chính trí tưởng tượng với những ảo mộng của nó, giao rắc mọi cái đẹp và mọi cái tốt trên cõi đời. Người ta lớn lên là nhờ nó. Hỡi các bà mẹ! Các bà đừng sợ nó làm hại con cái các bà; trái lại, nó sẽ ngăn giữ cho chúng khỏi mắc những tội lỗi tầm thuồng và những sai lầm dễ dãi.


II

ĐỐI THOẠI VỀ NHỮNG CHUYỆN THẦN TIÊN LAURE, OCTAVE, RAYMOND
LAURE
Dải đỏ tía rạch ngang trời tây đã nhạt dần và chân trời đã nhuộm một ánh cam, trên cao bầu trời xanh một màu xanh nhạt. Ngôi sao đầu tiên xuất hiện tráng tinh và nhấp nháy… Nhưng tôi lại tìm thấy một ngôi sao khác, rồi một ngôi sao khác nữa và lát nữa ta sẽ không thể nào đếm xuể. Cây cối trong vườn đen sì và dường như to lớn thêm. Con đường nhỏ này, đi xuống đằng kia giữa những hàng giậu gai, con đường mà tôi biết từng hòn sỏi, và giờ này thấy có vẻ sâu thẳm, mạo hiểm và huyền bí, và dù không có ý, tôi vẫn cứ tưởng tượng rằng con đường nhỏ ấy dẫn tới những xứ sở mà người ta chỉ thấy trong giấc mơ. Đêm đẹp quá! Và thở không khí dễ chịu làm sao! Ông anh họ ơi, tôi lắng nghe anh đây; anh hãy nói với chúng tôi về những truyện thần tiên, vì anh có biết bao điều kỳ lạ để nói. Nhưng, xin anh đừng làm hỏng chúng đấy nhé. Tôi nói trước với anh là tôi say mê truyện thần tiên. Vì lẽ đó tôi hơi giận con gái tôi khi nó hỏi tôi những quỷ ăn thịt trẻ con và các bà tiên, “có thực không?”.
RAYMOND
Đó là một đứa con của thời đại. Sự hoài nghi đã mọc ra ở nó trước khi mọc răng. Tôi không ở trường phái của cái cô triết gia mặc váy ngắn ấy, và tôi tin ở các bà tiên, Các bà tiên có thật, cô ạ, bởi vì con người đã tạo ra họ. Tất cả cái gì người ta tưởng tượng ra đều có thực: chính lại chỉ có cái đó là thực thôi. Nếu một thầy tu già đến bảo tôi: “Cha đã trông thấy một quỷ có đuôi và sừng”; tôi sẽ trả lời: “Thưa cha, giả sử may không có quỷ, thì cha đã tạo ra nó rồi đó; bây giờ thì chắc chắn là có. Cha hãy đề phòng nó!”. Cô em ơi, cô hãy tin ở các bà tiên, các quỷ ăn trẻ con và mọi cái khác.
LAURE
Ta hãy nói chuyện các bà tiên, và gác lại mọi cái khác. Anh vừa nói với chúng tôi rằng các nhà bác học cũng bận bịu về các truyện thần tiên, tôi nhắc lại với anh rằng tôi rất sợ họ làm hỏng các truyện ấy. Lôi cô bé Quàng Khăn Đỏ ra khỏi “nhà trẻ” để dắt nó đến Học viện! Người ta có thể tưởng tượng được việc đó không?
OCTAVE
Trước tôi cứ tưởng các nhà bác học ngày nay coi thường những truyện ấy, nhưng tôi thấy các bạn là những người dể chịu và không khinh thường những truyện hoàn toàn vô lý và hết sức trẻ con.
LAURE
Quả thật những truyện thần tiên rất vô lý và trẻ con. Nhưng tôi thực khó lòng đồng ý như thế được, vì tôi thấy truyện thần tiên hay quá.
RAYMOND
Cứ đồng ý như thế đi, cô ạ, đừng e sợ gì cả. Truyện Iliade cũng trẻ con lắm nhưng đó là bài ca hay nhất người ta được đọc. Nền thi ca trong trẻo nhất là thi ca của các dân tộc ấy trĩ. Các dân tộc cũng như con chim họa mi trong bài hát: họ ca hát hay chừng nào lòng họ vui. Trở về già, họ thành ra trang nghiêm, uyên bác hay lo âu, và các nhà thơ ưu tú nhất của họ chỉ còn là những nhà hùng biện có tài. Quả thật, truyện Ngàng công chúa ngũ trong rừng là truyện trẻ con. Điều đó khiến nó giống một ca khúc trong truyện Odysée. Cái tính giản đơn tuyệt mỹ, cái chất ngây thơ thần thánh đó của nhân loại sơ khai mà người ta không thấy lại trong các tác phẩm văn học thời kỳ cổ điển, vẫn được giữ nguyên như bông hoa đượm hương thơm trong các truyện cổ tích và thơ ca dân gian. Ta phải nói ngay, như Octave, là những truyện ấy hết sức vô lý. Nếu chúng không vô lý, thì chúng sẽ không còn thú gì nữa. Các bạn hãy yên trí rằng những điều vô lý là những điều duy nhất thích thú, duy nhất đẹp đẽ, những điều duy nhất đem ý vị cho cuộc sống và ngăn chúng ta chết mòn vì buồn chán. Một bài thơ, một pho tượng, một bức tranh hợp lẽ phải sẽ làm mọi người ngáp dài, ngay cả những người biết lẽ phải. Đây này, cô ạ, những viền đăng ten ở váy cô này, những đường nếp này, những đường gấp này, những đường thắt nút này, tất cả mớ vải linh tinh này là vô lý, thế mà xinh đẹp biết bao. Tôi xin khen cô đấy.
LAURE
Đừng nói chuyện phục sức, anh chẳng hiểu gì về cái đó. Tôi đồng ý với anh là về nghệ thuật không nên cứ nhất nhất phải hợp lẽ phải. Nhưng trong đời sống…
RAYMOND
Trong đời sống chỉ có những ham mê là đẹp, nhưng những ham mê là những điều vô lý. Cái ham mê đẹp đẽ nhất lại là điều vô lý nhất: đó là tình yêu. Có một ham mê ít vô lý hơn, đó là tính biển lận; cho nên tính biển lận là điều xấu xa kinh khủng. Dickens đã nói: “Chỉ những kẻ điên mới làm cho tôi thích”. Bất hạnh thay cho những ai đôi khi không giống Don Quichotte và không bao giờ nhầm những cối xay gió với những người khổng lồ! Cái anh chàng Don Quichotte kia chính là kẻ tự bỏ bùa mê cho chính mình. Anh ta đã nâng tâm hồn mình lên ngang tầm với tạo vật.
Như thế, đâu có phải là bị lừa. Nhưng bị lừa là những kẻ không thấy trước mắt mình có gì là đẹp, là vĩ đại.
OCTAVE
Raymond ạ, tôi cảm thấy cái vô lý mà anh hết sức ca ngợi kia, bắt nguồn từ trí tưởng tượng và điều anh vừa nói với chúng tôi dưới một hình thức hào phòng và ngược đời có thể diễn đạt đơn thuần như thế này: trí tưởng tượng biến một người xúc động thành một nghệ sĩ, và một người can đảm thành một anh hùng.
RAYMOND
Anh diễn đạt khá đúng một khía cạnh tư tưởng của tôi; nhưng tôi rất muốn được biết anh hiểu như thế nào về từ trí tưởng tượng và, trong tâm trí anh, có phải đó là cái năng khiếu hình dung ra những sự vật có thực hay không có thực.
OCTAVE
Tôi là một người chỉ biết trồng bắp cải, và tôi nói về trí tưởng tượng như một anh mù nói về màu sắc, nhưng tôi nghĩ nó chỉ xứng đáng với tên gọi ấy khi nó làm cho những hành động hoặc những tâm hồn mới mẻ, thành thực thể sống. Nói tóm lại, khi nào nó sáng tạo.
RAYMOND
Trí tưởng tượng, như anh định nghĩa đó, không phải là một năng khiếu của con người. Con người không thể tưởng tượng được một cái gì mình chưa thấy, chưa nghe, chưa cảm xúc, chưa thưởng thức. Tôi không theo thời thượng và tôi chỉ căn cứ vào ông già Condillac 6 của tôi thôi. Mọi ý nghĩ của ta do các giác quan mà đến, và trí tưởng tượng không phải ở chỗ sáng tạo, mà là kết hợp các ý nghĩ.
LAURE
Anh dám nói thế ư? Tôi có thể, khi nào tôi muốn, trong thấy những thiên thần.
RAYMOND
Cô trông thấy những trẻ em với những cánh ngỗng. Người Hy Lạp đã trông thấy những vị thần đầu người mình ngựa, những nữ thần mình ngựa đuôi cá, những quái vật mặt đàn bà mình diều hâu, bởi vì trước đó họ đã trông thấy đàn ông, đàn bà, ngựa, cá và chim. Swedenborg 7 một người có óc tưởng tượng, miêu ta dân cư các hành tinh, người sao Hỏa, người sao Kim, người sao Thổ. Mà này, ông không cho họ một đức tính nào không thấy có trên trái đất; nhưng ông kết hợp những đức tính ấy một cách rất kỳ cục; ông luôn luôn mê sảng. Trái lại, hãy xem sự sáng tạo của một trí tưởng tượng ngây thơ đẹp đẽ: Homère, hay nói đúng hơn, người hát rong vô danh, đã cho xuất hiện từ mặt biển tráng bạc một thiếu phụ, “như một áng mây”. Nàng nói, nàng than vãn với mọi sự thanh thản tuyệt trần! Nàng nói: “Chao ôi! Con yêu của mẹ, tại sao mẹ đã nuôi con?... Mẹ đã sinh ra con trong nhà mẹ để con chịu một số phận hẩm hiu. Nhưng mẹ sẽ lên núi Olympe tuyết phủ… Mẹ sẽ đến ngôi nhà bằng đồng của thần Zeus, mẹ sẽ ôm đầu gối người, và mẹ tin rằng người sẽ mủi lòng”. Đó là lời nói của Thétis, một vị nữ thần. Tạo hóa đã tạo nên người đàn bà, biển và áng mây; nhà thơ đã gắn bó những cái đó lại. Tất cả cái gì là thơ, là thần tiên đều ở trong sự kết hợp tài tình ấy.
Hãy nhìn xem qua chòm cành lá tối sẫm một tia ánh trăng lướt nhẹ trên vỏ bạc của những cây bạch dương. Tia sáng chập chờn đó không phải là một tia sáng, đó là cái áo dài trắng của một bà tiên. Những em bé nào chợt thấy thế thì sẽ bỏ chạy, lòng xao xuyến vì một nỗi sợ hãi kỳ thú.
Các bà tiên và các vị thần đã sinh ra như thế đó. Trong thế giới siêu nhiên, không có lấy một nguyên tử nào mà không tồn tại trong thế giới tự nhiên.
LAURE
Anh khéo lẫn lộn các nữ thần của Homère với các bà tiên của Perrault!
RAYMOND
Các bà tên này và nữ thần nọ đều chung một lai lịch và cùng một bản chất. Những ông vua ấy, những vị hoàng tử diện mạo khôi ngô ấy, những nàng công chúa đẹp như hằng nga ấy, những hung thần là cho trẻ con vui thích hay sợ sệt vốn thuở xưa là những vị thần nam và thần nữ đã làm cho tuổi thơ của nhân loại trả qua bao nỗi sợ hãi hay hoan hỉ. Chú bé tí hon, Da lừa và Râu xanh là những truyện cổ đã đến với chúng ta từ những thời rất xa xưa.
LAURE
Từ đâu?
RAYMOND
Ồ! Sao biết được? Người ta đã muốn và còn muốn chứng minh với chúng ta rằng những truyện ấy xuất xứ từ xứ Bactriane 8 ; người ta cho rằng chúng đã được các tổ tiên du mục của những người Hy Lạp, người Latinh, người Celte và người German sáng tạo nên dưới những hàng cây thông của miền khốc liệt ấy. Kẻ đề xướng và bảo vệ lý thuyết đó là những nhà bác học rất nghiêm túc, và nếu họ có nhầm thì ít ra cũng không nhầm một cách nông nổi. Và phải có đầu óc vững vàng mới dựng lên được những truyện hão huyền một cách khoa học. Một người biết nhiều thứ tiếng có thể một mình nói vớ vẩn bằng hai mươi thứ tiếng. Những nhà bác học tôi nói ở đây không bao giờ nói vớ vẩn. Song một số sự việc liên quan đến các truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và truyện hoang đường mà họ cho là có nguồn gốc Ấn – Âu, gây cho họ một dự bối rối không gỡ được. Kho họ đã phải ướt nhiều mồ hôi để chứng minh rằng truyện Da lừa xuất xứ từ xứ Bactriane và truyện Con cáo ở là riêng của nòi giống Japhé 9 , thì nhiều người du lịch gặp lại truyện Con cáo ở dân Zoulous 10 và truyện Da lừa ở dân Papous 11 . Lý thuyết của họ bị tổn thương một cách thảm hại. Song các thứ lý thuyết chỉ được tạo nên và ra đời để chịu đựng những sự kiện người ta đặt vào đất, để bị ra rời tứ chi, phồng lên và cuối cùng bị vỡ như những quả bóng. Tuy nhiên, điều khá chắc chắn là những truyện thần tiên, và nhất là những truyện của Perrault, xuất xứ từ những truyền thiết cổ xưa nhất của nhân loại.
OCTAVE
Anh Raymond, cho phép tôi ngắt lời anh ở đây. Mặc dù ít am hiểu về nền khoa học hiện đại, và chăm lo đồng ruộng hơn là học hành uyên bác, tôi đã đọc trong một cuốn sách nhỏ viết rất hay rằng những hung thần ăn thịt trẻ con là bọn rợ Hung nô nào đó đã tàn phá châu Âu vào thời trung cổ, và truyện Râu xanh được mô phỏng theo một câu chuyện rất thực về tên thống chế quái ác de Raiz dã bị xử treo cổ dưới thời vua Charles VII.
RAYMOND
Chúng ta hãy thay đổi tất cả những cái đó, anh Octave thân mến của tôi ạ, và quyển sách nhỏ của anh, mà tác giả là nam tước Walckenaer 12 chí tốt ở chỗ có thể dùng để gói kẹo. Quả vậy quân Hung nô đã sà xuống châu Âu như một bầy chau chấu vào cuối thế kỷ XI. Đó là những tên man rợ kinh khủng; song hình thức tên của họ trong các ngôn ngử rômanh chống lại cách chuyển hóa mà nam tước Walckenaer đề nghị, Diez 13 cho từ ogre, một nguồn gốc cổ xưa hơn; ông ta cho nó xuất xứ từ tiếng Latinh ocrus, từ này, theo Alfred Maury 14 có nguồn gốc ở xứ Étrusque 15 , Ocrus là địa ngục, vị thần thích ăn thịt, nhất là thịt trẻ con còn trong nôi. Còn về Gilles de Raiz, quả thật, hắn bị treo cổ ở Nantes năm 1440. Nhưng không phải vì hắn giết bảy người đàn bà; chuyện của hắn quá ư xác thực không giống truyện hoang đường ở chỗ nào, và đêm Râu xanh ra đánh lộn với viên thống chế ghê tởm kia là làm thiệt hại cho hắn. Râu xanh không đến nỗi đen tối như người ta tả hắn đâu.
RAURE
Không đen tối à?
RAYMOND
Hắn chẳng đen chút nào, vì đó là mặt trời.
LAURE
Mặt trời giết vợ rồi lại bị một long kỵ binh và một ngự lâm pháo thủ giết. Cái đó thật lố bịch! Tôi chẳng biết cái ông Gilles de Raiz, cũng chẳng biết bọn Hung nô; nhưng tôi thấy hình như tin, cùng với chồng tôi, là phải lẽ hơn nhiều, rằng một sự kiện rất lịch sử…
RAYMOND
Này! Cô em họ, tôi thấy hình như cô lầm thì phải lẽ hơn. Cả nhân loại cũng như cô đấy, Nếu mọi người đều thấy cái sai lầm có vẻ vô lý, thì sẽ chẳng có ai mắc sai lầm cả. Chính cái lẽ phải thông thường sinh ra mọi phán đoán sai. Lẽ phải thông thường dạy ta rằng quả đất đứng yên, rằng mặt trời xoay quanh nó và những người sống ở hai đối cực địa cầu đi đầu lộn xuống dưới. Đấy, cô đừng tin ở cái lẽ phải thông thường. Chính nhân danh nó mà người ta phạm mọi sự bậy bạ và mọi tội ác. Hãy tránh xa nó đi và quay về với Râu xanh, vốn là mặt trời. Bảy người vợ hắn giết là bảy bình minh. Quả vậy, mỗi ngày của tuần lễ, mặt trời, khi mọc lên, kết liễu một bình minh. Thiên thể được ca ngợi trong những tán ca Vệ đà, đi vào truyện hoang đường Gaulois, đã lấy cái diện mạo khá dữ tợn của một tên tiểu bạo chúa phong kiến; song nó đã giữ lại một tính chất chứng tỏ nguồn gốc cổ xưa của nó và làm cho người ta nhận ra vị thần mặt trời cũ trong tên chúa đất tàn ác đấy, đồng hóa nó với thần Vệ đà Indra 16 là thần của bầu trời, vị thần rạng rỡ, làm mưa, nổi sấm, có bộ râu màu xanh da trời.
LAURE
Anh ơi, làm ơn cho tôi biết hai hiệp sĩ, một là long kỵ binh và người kia là ngự lâm pháo thủ, cũng là những thần của Ấn Độ chăng.
RAYMOND
Cô đã nghe nói đến những Açwins và những Dioscures 17 chưa?
LAURE
Chưa bao giờ.
RAYMOND
Thần Açwins của người Ấn Độ và thần Dioscures của người Hy Lạp tượng trưng hai buổi rạng đông hay hoàng hôn. Thế cho nên, trong thần thoại Hy Lạp, Dioscues Castor và Pollux đã giải phóng Hellènes, ánh sang ban mai, bị Thésée, thần mặt trời bắt giam. Anh long kỵ binh và anh ngự lâm pháo thủ trong truyện thần tiên không làm gì khác hơn khi giải phóng bà Râu xanh, vốn là chị của họ.
OCTAVE
Tôi không phủ nhận rằng cách giải thích đó là thần tình; song tôi cho là hoàn toàn không có căn cứ. Anh vừa tống tôi trở về với lúa mạch và những quân Hung nô của tôi. Đến lượt mình tôi sẽ bảo anh rằng thuyết của anh không có gì mới và sinh thời ông nội tôi, một người rất ham đọc sách Dupuis, Volney và Dulaure 18 , đã nhìn thấy hoàng đạo ở nguồn gốc mọi tín ngưỡng. Ông cụ trung hậu đã nói với tôi – câu nói làm bà mẹ tội nghiệp của tôi rất tức giận – rằng Jésus Christ là mặt trời, và mười hai tông đồ của người là mười hai tháng trong năm. Nhưng, thưa nhà bác học, anh có biết bằng cách nào một người tài tình đã làm cho cả Dupuis, Volney, Dulaure và ông nội tôi phải tưng hửng không? Người đó áp dụng lý thuyết của họ vào lịch sử của Napoléon đệ nhất và bằng cách ấy chứng minh rằng Napoléon không có thật, rằng lai lịch ông ta là một cây chuyện hoang đường. Vị anh hung ấy sinh ra trên một hòn đảo, chiến thắng ở các xứ phương Đông và phương Nam, mùa đông đến thì kiệt sức ở phương Bắc và biến mất trong đại dương; theo tác giả mà tôi quên mất tên, đó chính là mặt trời. Mười hai vị thống chế của Napoléon là mười hai cung của hoàng đạo, và bốn anh em ông ta, là bốn mùa. Raymond ạ, tôi e rằng anh lại lý giải về Râu xanh, như người tài tình kia lý giải về Napoléon đệ nhất.
RAYMOND
Tác giả mà anh nói đó là người tài tình, và có học thức; ông ta tên là Jean Baptiste Pérès. Ông làm việc ở thư viện Agen và mất năm 1810. Quyển sách nhỏ kỳ lạ của ông: Như vậy là Napoléon chưa bao giờ có thật, nếu tôi không lầm đã được in ra năm 1817.
Quả thật, đó là một sự phê bình rất khéo phương thức của Dupuis. Song cái lý luận mà tôi vừa đem ra ứng dụng một cách riêng rẽ và do đó thiếu sức thuyết phục được xây dựng trên cơ sở khoa văn phạm à thần thoại học so sánh. Như ta biết, anh em Grimm đã sưu tập những truyện dân gian của nước Đức. Ở hầu hết các nước, người ta cũng làm như vậy và ngày nay ta có những sưu tập truyện dân gian Bắc Âu, Đan Mạch, Flamand, Nga, Anh, Ý, Zoulous, v.v… Đọc những truyện ấy, nguồn gốc rất khác nhau, người ta ngạc nhiên thấy tất cả hay hầu hết những truyện ấy đều xuất phát từ một số ít điển hình. Một truyện Bác Âu nào đó dường như rập theo một truyện Pháp nọ và chính cái này lại phỏng theo những nét chính của một truyện Ý. Mà không thể cho rằng những sự giống nhau đó là kết quả của những trao đổi liên tục giữa các dân tộc khác nhau. Vì vậy như tôi vừa nói người ta đã giả thiết rằng các gia tộc của loài người xưa kia đã có những truyện đó trước khi phân tán và đã sáng tạo ra chúng trong những thời gian nghỉ ngơi xa xưa, lúc họ còn quay quần đoàn tụ trong cái nôi chung của họ. Nhưng, vì chưa bao giờ người ta nghe nói đến một miền hay một thời đại nào đó những người Zoulous, Papuos và Ấn Độ cùng chăn bò với nhau cho nên phải suy đoán ra rằng những sự kết hợp của trí tuệ con người, ở thời thơ ấu của nó, ở đâu cũng như nhau, và những cảnh tương tự gây nên những ấn tượng tương tự trong những đầu có cổ sơ, và có những con người, cùng cái đói, tình yêu và cái sợ chi phối, tất cả cũng đều đầu đội trời chân đạp đất, tất phải tưởng tượng ra những tấn kịch nhỏ tương tự để tìm hiểu thiên nhiên và số mệnh.
Những truyện của vú nuôi về nguồn gốc cũng là một cách biểu hiện cuộc sống và sự vật phù hợp với ý muốn của những con người còn rất ngây thơ. Chắc chắn là cách biểu hiện ấy không khác nhau mấy trong đầu óc những người da trắng, những người da vàng và những người da đen.
Nói thế rồi, tôi cho rằng chúng ta chỉ nên căn cứ vào truyền thuyết Ấn – Âu và đi ngược lên tới các tổ tiên ta ở xứ Bactriane mà không cần phải quan tâm đến các gia tộc khác của nhân loại.
OCTAVE
Tôi thích thú nghe câu chuyện của anh, nhưng anh có tin rằng một vấn đề tối tăm như thế lại có thể đem phó mặc cho những tình cờ của cuộc nói chuyện mà không sợ có gì nguy hiểm chăng?
RAYMOND
Nói thật, tôi cho rằng những tình cờ của một cuộc nói chuyện thân mật ít nguy hiểm cho dù chủ đề của tôi hơn là những phát triển logic của một công trình nghiên cứu viết thành văn bản. Xin đừng lạm dụng lời thú nhận của tôi ở đây, tôi báo trước là tôi sẽ phủ nhận nó một khi các bạn có ý dựa vào đó để bắt bẻ lại tôi. Từ giờ trở đi, tôi sẽ chỉ dùng những khẳng định thôi. Tôi sẽ tự cho mình cái thú nắm chắc điều gì mình nói ra. Xin cứ xem như được báo trước rồi nhé. Tôi nói thêm rằng nếu tôi tự mâu thuẫn, điều đó rất có thể sẽ xảy ra, thì tôi sẽ yêu thương như nhau cả hai đứa con thù địch của tư tưởng tôi, để không làm thiệt hại cho đứa nào tốt hơn trong hai đứa. Sau hết, tôi sẽ nghiêm khắc gay gắt, và, có thể cuồng tín nữa đấy
LAURE
Ta sẽ xem cái điệu bộ ấy có hợp với bộ mặt anh không. Nhưng ai buộc anh phải làm như thế?
RAYMOND
Kinh nghiệm đã chứng minh rằng ở đâu bắt đầu có lời nói hoặc hành động thì chủ nghĩa hoài nghi mở rộng nhất cũng phải chấm dứt. Khi người ta nói là người ta khẳng định. Phải quyết lấy một bề, tôi đành làm thế thôi. Như vậy, tôi sẽ không dùng đến những “có lẽ”, những “nếu tôi dám nói”, những “đại để là”, và những “khăn quàng” khác của ngôn ngữ, mà chỉ có một ông Renan 19 mới có thể tự trang sức cho mình mà văn có duyên.
OCTAVE
Anh hãy cứ nghiêm khắc gay gắt. Nhưng xin anh trình bày có thứ tự một chút. Và bây giờ anh đã có một luận đề, anh hãy cho người ta biết luận đề của anh là thế nào.
RAYMOND
Tất cả những ai biết điều khiển đầu óc mình trong các công trình nghiên cứu bác học đều tìm thấy, trong các truyện thần tiên, những thần thoại và những ngạn ngữ cổ xưa, Max Muller 20 đã nói (tôi nghĩ có thể dẫn đúng lời ông): “những truyện cổ tích là thổ ngữ hiện đại của thần thoại, và, nếu chúng phải trở thành chủ đề cho một công trình nghiên cứu khoa học, thì công việc đầu tiên là tìm manh mối của mỗi truyện hiện đại ở một truyện hoang đường xưa hơn và mỗi truyện hoang đường đó ở một thần thoại nguyên thủy”.
LAURE
Này, thế anh đã làm việc ấy chưa?
RAYMOND
Nếu tôi đã làm cái việc đồ sộ ấy, thì tôi sẽ chẳng còn lấy một sợi tóc trên đầu, và tôi sẽ chỉ còn cái thú nhìn các bạn qua bốn cặp kính tròn ẩn dưới một vành mũ xanh. Việc ấy chưa ai làm; song người ta đã thu thập đầy đủ tài liệu cho phép các nhà bác học tin rằng những truyện thần tiên không phải là những truyện tưởng tượng vu vơ, mà trái lại như Max Müller đã nói: “trong nhiều trường hợp, chúng bắt rễ ở chính những mầm mống của ngôn ngữ cổ và tư tưởng cổ”. Các vị thần già nua lụ khụ bỗng trẻ lại tuổi nhi đồng, và bị gạt ra ngoài công việc nhân gian, vẫn làm được cả việc mua vui cho các trẻ em trai gái. Đó là phần việc của những người ông. Còn có việc nào thích hợp hơn với tuổi già của các vị lãnh chúa cổ của đất và trời? Các truyện thần tiên là những bài thơ tôn giáo đẹp đẽ bị con người quên đi nhưng còn được giữ lại nhờ các bà tổ mẫu sùng đạo có trí nhớ dai dẳng. Những bài thơ ấy đã trở thành trẻ con và vẫn còn sức quyến rũ trên đôi môi mềm mại của bà già kéo sợi kể lại cho các con nhỏ của các con trai mình, ngồi xổm chung quanh bà trước bếp lửa.
Những bộ lạc của người da trắng đã phân tán; bộ lạc này tới sống dưới một bầu trời trong trẻo, dọc theo những mũi đất trắng tắm trong biển biếc rì rầm ca hát; bộ lạc khác đi vào chốn sương mù ảm đạm trên các bờ biển miền Bắc, chỗ đất trời lẫn lộn khiến người ta chỉ đoán được những hình thù mơ hồ và kỳ quái. Có bộ lạc đã đến đóng trại trên những thảo nguyên đìu hiu với bầy ngựa gày gò gặm cỏ; có bộ lạc đến nằm trên mặt tuyết đã đóng cứng lại, trên đầu là một bầu trời màu sắt và kim cương. Có bộ lạc đã đi hái bông hoa vàng trên một mặt đất đá hoa cương. Và những người con của Ấn Độ đã uống nước ở tất cả các sông châu Âu. Nhưng, khắp nơi, trong nhà tranh, hay dưới lều vải, hay trước ngọn lửa bụi rậm đốt lên giữa cánh đồng, đứa bé ngày nào, giờ đầy đã trở thành bậc tố mẫu, kể lại cho các trẻ nhỏ những truyện cổ tích bà đã từng nghe hồi thơ ấu. Vẫn là những nhân vật ấy và truyện phiêu lưu ấy; duy người kể chuyện đã vô tình đem vào câu chuyện mầu sắc của không khi mình đã thở bấy lâu và của đất đai đã nuôi dưỡng mình và nay mai sẽ lại đón mình. Bộ lạc lại tiếp tục cuộc hành trình qua nhưng nhọc mệt và nguy hiểm, để lại sau lưng, về phía Đông, bà tổ mẫu yên giấc giữa bao người chết già hay chết yểu. Song những truyện cổ tích thoát ra từ môi bà giờ đây đã giá lạnh, đã bay đi như những con bướm của Psyché 21 , và những con vật bất tử mỏng manh ấy, lại đến đậu trên miệng của những trẻ thơ của giống nòi cũ. Vậy thì ai đã kể chuyện Da lừa cho các em trai gái nhỏ của nước Pháp, “nước Pháp êm đềm”, như lời của bài ca? Những người thông thái ở làng sẽ trả lời rằng đó là Bà Mẹ Ngỗng. Bà Mẹ Ngỗng vừa mải miết kéo sợi vừa mải miết kể chuyện. Và các nhà thông thái cứ tìm tòi. Họ đã nhận ra Bà Mẹ Ngỗng ở bà hoàng, Pédauque nọ mà các tay danh họa đã vẽ lên trên cửa chính của nhà thờ Nữ thánh Marie ở Nesles trong giáp khi Troyes, trên cửa chính của nhà thờ Nữ thánh Bénigne ở Dijion, trên của chính của nhà thờ Thánh Pourçain ở xứ Auvergne và của nhà thờ Thánh Pierre ở Nevers. Họ đã đồng hóa Bà Mẹ Ngỗng với hoàng hậu Bertrade là vợ và mẹ đỡ đầu của của Robert, với hoàng hậu Berth chân to là mẹ của Charlemagne; với hoàng hậu của Saba, có bàn chân chĩa hai vì sùng bái ngẫu tượng; với Freya chân thiên nga là người đẹp nhất trong các nữ thần Bắc Âu, với nữ thánh Lucie, mà than thể, như tên bà, là ánh sang. Nhưng như thế là để tìm quá xa và để bị lạc hướng. Thế Bà Mẹ Ngỗng là ai, nếu chẳng phải bà tổ mẫu của tất cả chúng ta và những tổ mẫu của các tổ mẫu chúng ta, là những người đàn bà long chất phác, cánh tay khẳng khiu, họ làm công việc hang ngày với một sự cao cả khiêm nhường và khô héo vì tuổi tác, mình hạc xác ve, vẫn kể chuyện bên bếp lửa, dưới xà nhà ám khói, thu hút tất cả trẻ nhỏ trong nhà bằng những câu chuyện dai dẳng khiến cho chúng nhìn thấy muôn vàn sự vật? Và nền thi ca thôn dã, thi ca của đồng ruộng đồi cây và giếng nước thoát ra tươi mát từ môi bà già móm mém.
… Như những dòng nước rất trong và rất đẹp,
Chảy lững lờ từ những suối tự nhiên.
Trên tấm vải thô của tổ tiên, trên nền cũ Ấn Độ, Bà Mẹ Ngỗng đã thêu dệt những hình ảnh than mật, cái lâu đài và những ngọn tháp lớn, cái nhà tranh, cánh đồng màu mỡ, khu rừng bí hiểm và những giai nhân, những bà tiên rất quen thuộc với người dân làng, và nàng Jeanne d’Arc có thể bắt gặp, một chiều nào, dưới cây dẻ lớn, bên bờ giếng nước.
Thế nào, cô em họ, tôi có làm hỏng những truyện thần thiên của cô không?
LAURE
Anh nói đi, nói đi, tôi vẫn nghe đây.
RAYMOND
Đối với tôi, nếu cần phải lựa chọn, tôi sẽ vui lòng nhường cả một tủ sách triết học để được giữ lại truyện Da lừa. Trong tất cả nền văn học của ta chỉ có La Fontaine đã cảm thấy như Bà Mẹ Ngỗng cái chất thơ của đất ruộng, cái sức quyến rũ mạnh mẽ và sâu xa cả những sự vật trong nhà ngoài ngõ.
Nhưng cho phép tôi tập hợp và thu tóm lại vài nhận xét quan trọng không nên để tản mạn trong sự tùy tiện của câu chuyện. Những ngôn ngữ đầu tiên đều bằng hình ảnh và đem sinh khí vào tất cả những gì chúng gọi tên. Chúng đem tình cảm của con người ban cho các vì sao, cho những đám mây, “ những con bò cái nhà trời”, cho ánh sáng, cho các luồng gió, cho bình minh. Thần thoại nảy ra từ ngôn ngữ hình tượng, sinh động và truyện cổ tích lại từ thần thoại mà ra. Truyện cổ tích luôn luôn biến đổi, vì sự biến đổi là nhu cầu thứ nhất của cuộc sống. Nói sao tin vậy, đúng như từng lời từng chữ và, may thay nó không gặp phải những người tài trí làm nó chỉ còn là biểu tượng và giết nó ngay tại trận. Những người chất phác đã nhìn thấy, ở Da lừa, chính là Da lừa, không hơn không kém. Perrault đã không tìm thấy ở đấy cái gì khác. Khoa học đến, nó nhìn bao quát một lượt quãng đường dài của thần thoại và của truyện cổ tích và bảo: “Bình minh đã trở thành Da lừa”. Nhưng nó phải nói thêm rằng, từ khi được tưởng tượng ra, Da lừa đã mang một diện mạo đặc biệt và sống cuộc sống riêng của nó.
LAURE
Tôi bắt đầu nhìn rõ trong các điều anh nói. Nhưng, vì anh kể tên Da lừa, tôi thú thực với anh rằng trong chuyện của nàng có một cái gì làm tôi phật ý đến cực điểm. Có phải một người Ấn Độ nào đó đã gán cho ông bố của Da lừa cái dục vọng bỉ ổi đối với con gái hắn ta?
RAYMOND
Ta hãy đi sâu vào ý nghĩa của thần thoại, và các điều loạn luân mà cô ghê tởm sẽ thành ra không có gì là tội lỗi cả.Da lừa là bình minh; nàng là con gái của mặt trời, và nàng sinh ra từ ánh sáng. Khi người ta nói nhà vua say mê con gái mình, thế có nghĩa là mặt trời, lúc mọc lên, chạy theo sau bình minh. Cũng thế, trong thần thoại Vệ đà, Prajâpati, đấng chúa tể của sự sáng tạo, người phù hộ cho mọi sinh vật, giống hệt như mặt trời, đã đuổi theo cô con gái Ouôchas là bình minh, bỏ chạy trốn trước mặt mình.
LAURE
Dù đúng là mặt trời đấy, ông vua của anh vẫn làm tôi phật ý, và tôi giận những người đã tưởng tượng ra ông ta.
RAYMOND
Họ đã là những người ngây thơ do đấy không có luân thường… Cô đừng cãi chính vì có sự thường luân bại lý nên luân lý mới có lý do tồn tại nhưng cũng như chính sự hung bạo đòi hỏi phải có luật pháo. Cái tình cảm đó của ông vua đối với cô con gái được tập tục và Perrault tôn trọng với một sự chất phác có tính chất tôn giáo, chứng tỏ tính cổ kính của truyện cổ tích và làm cho người ta thấy rằng chuyện đo bắt nguồn từ những bộ lạc tộc trưởng của Ariadne. Sự loạn luân không bị coi là ghê tởm trong những gia đình mục dân chất phác đó, họ gọi cha là “người bảo hộ”, anh là “người giúp đỡ”, chị là “người an ủi”, con gái là “người vắt sữa bò”, chồng là “người đàn ông khỏe”, và người vợ là “người đàn bà khỏe”. Những người chăn bò ấy của xứ mặt trời đã chẳng hề biết thẹn thùng. Đối với họ, người đàn bà vốn không có gì bí mật thì không có gì nguy hiểm. Ý muốn của người tộc trưởng là luật pháo duy nhất cho phép hay không người chồng được đem theo một người vợ trên cỗ xe kéo bằng hai con bò trắng. Nếu, trên thực tế, sự hôn phối giữa người bố và con gái là điều hiếm hoi thì hôn phối đó cũng không có gì đáng nguyền rủa. Ông bố của Da lừa đã không làm điều gì trái luân thường. Sự việc trái luân thường là đặc tính của những xã hội lịch sự, và đó còn là một trong những trò tiêu khiển thích thú nhất của những xã hội ấy.
OCTAVE
Anh cứ nói đi. Nhưng tôi tin chắc rằng những lời giải thích của anh chẳng có giá trị gì hết. Luân lý là bẩm sinh trong con người.
RAYMOND
Luân lý là khoa học của phong tục; nó thay đổi với phong tục luân lý mỗi nước một khác và chẳng ở nơi nào luân lý vẫn nguyên như thế trong mười năm.
Octave ạ, cái luân lý của anh không giống cái luân lý của bố anh. Còn về những ý nghĩ bẩm sinh thì đó là một sự mơ mộng lớn mà thôi.
LAURE
Các ông ơi, xin các ông hãy gác lại cái luân lý với các ý nghĩ bẩm sinh là những điều rất chán, và ta hãy trở về với ông bố của Da lừa là mặt trời.
RAYMOND
Cô có nhớ là ông bố của Da lừa đã nuôi trong chuồng ngựa của ông, giữa những con tuấn mã “mang nặng đệm thêu và vàng bạc, một con lừa mà tạo hóa đã sinh ra kỳ lạ hết sức, thậm chí chỗ ổ nằm của nó, đáng lẽ là bẩn thỉu, thì mỗi buổi sáng lại phủ đầy những đồng êquy rực rỡ và những đồng luy vàng đẹp đủ loại”? Thì đấy cái con lừa phương Đông ấy, lừa rừng, lừa hoang hay lừa vằn, chính là con thiên lý mã của mặt trời, và những đồng luy vàng phủ đầy ổ nằm của nó là những vừng ánh sáng rọi lên đám lá cây. Chính da nó cũng là một hình tượng riêng biệt chỉ đám mây. Bình minh ẩn sau mây và biến đi. Cô có còn nhớ cái cảnh xinh đẹp tả chàng hoàng tử đẹp trai nhìn qua lỗ khóa thấy nàng Da lừa trong tấm áo dài màu trời của mình. Chàng hoàng tử ấy, con nhà vua, là một tia ánh sáng của mặt trời…
LAURE
Chiếu qua cánh cửa, nghĩa là giữa hai đám mây, có phải thế không?
RAYMOND
Không thể nói hay hơn, cô em ạ, và tôi thấy là cô rất am hiểu khoa thần thoại học so sánh. – Ta hãy lấy đi cái truyện giản dị nhất, truyện về một cô gái mỗi lần mở miệng là phun ra hau bông hồng, hai viên ngọc và hai viên kim cương. Cô gái ấy là bình minh làm nở hoa và tắm hoa trong sương sớm và trong ánh nắng. Người chị độc ác của cô ta, mửa ra cóc nhái, là sương mù. Cô Lọ Lem bị tro bếp làm đen đi, đó là bình minh bị mây làm cho u ám. Chàng hoàng tử trẻ lấy cô ta là mặt trời.
OCTAVE
Thế là mấy bà vợ của Râu xanh là những bình minh, Da lừa là một bình minh, cô gái phun ra hoa hồng và châu ngọc là một bình minh. Anh chỉ cho chúng tôi thấy toàn những bình minh.
RAYMOND
Là vì bình minh, cái bình minh rực rỡ của Ấn Độ, là cái nguồn phong phú nhất của thần thoại dân tộc Aryen. Trong các bài thánh ca Vệ đà, bình minh được ca ngợi dưới nhiều danh hiệu và hình hức. Ngay trong đêm tối người ta gọi nó, người ta chờ nó với một niềm hy vọng pha lẫn lo sợ.
“Bình minh, người bạn cố tri của chúng tôi, sẽ trở lại chăng? Nhưng hung thần của đêm tối có bị thần ánh sáng đánh bại không?” Nhưng nàng đến, cô gái sáng ngời đó, “nàng lại gần từng nhà”, và ai nấy mừng vui trong lòng. Chính nàng, chính con gái của Dyaus, vị nữ thần chăn bò mỗi buổi sáng vẫn dẫn ra đồng cỏ những con bò nhà trời, mà vú căng tròn để rỏ xuống mặt đất khô cằn những giọt sương tươi mát và dồi dào.
Như đã ca ngợi lúc nàng đến, người ta sẽ ca hát lúc nàng bỏ đi, và bài ca lại sẽ tán dương chiến thắng của mặt trời:
“Hỡi thần Indra! Đây lại thêm một hành động dũng mãnh và oai hùng của người. Người đánh người con gái của Dyaus là một người đàn bà khó đánh bại. Phải, con gái của Dyaus, vị nữ thần quang vinh, nử thần bình minh, hỡi thần Indra, đấng anh hùng vĩ đại, người đã đánh nàng tơi tả.
“Bình minh từ trên cỗ xe gãy nát nhảy xuống để chạy trốn vì sợ thần Indra, con bò mộng sẽ đánh nàng”.
“Cỗ xe của nàng nằm đó, gãy tan thành từng mảnh; còn nàng, nàng bỏ chạy rất xa”.
Người Ấn Độ cổ sơ tưởng tượng về bình minh với mộ hình ảnh luôn luôn thay đổi; nhưng bao giờ cũng sinh động; những nét yếu ớt và mờ nhạt của hình ảnh ấy còn nhìn thấy rõ trong các truyện chúng ta vừa nói, cũng như trong Cô bé Quàng Khăn Đỏ. Màu sắc cái mũ trùm của cô bé là một dấu hiệu đầu tiên về nguồn gốc nhà trời của cô ta. Việc người ta giao cho cô bé mang một tấm bánh tráng và một bình bơ khiến cô ta giống với bình minh trong kinh Vệ đà, là một người con gái đưa tin. Còn con sói ăn thịt cô…
LAURE
Là một đám mây.
RAYMOND
Không phải, cô em ạ. Đó là mặt trời.
LAURE
Mặt trời, một con chó sói?
RAYMOND
Con chó sói ăn thịt người, lông óng ánh, Vrika là con chó sói trong kinh Vệ đà. Đừng quên rằng hai vị thần mặt trời, Apollon Lycien của người Hy Lạp và Apollon Soranus của người Latinh, đều lấy cho sói làm vật tượng trưng.
OCTAVE
Làm sao người ta lại có thể ví mặt trời với một con chó sói?
RAYMOND
Khi mặt trời làm khô cạn các bể chứa nước, đốt cháy các đồng cỏ và làm khô da lưng những con bò gầy thở hổn hển và những con bò lè lưỡi ra, đó chẳng phải là một con chó sói ăn thịt người ư? Lông con chó sói ánh lên, mắt nó long lanh; nó nhe những răng trắng, quai hàm và lưng nó mạnh: con chó sói giống mặt trời ở bộ lông và đôi mắt ngời sáng cũng như sức mạnh tàn phá của cơ quai hàm. Anh Octave, ở cái xứ ẩm ướt này mà những cây táo ra hoa, anh không sợ mặt trời lắm; nhưng Cô bé Quàng Khăn Đỏ, từ xa đến, đã đi qua những xứ nóng bức.
LAURE
Bình minh chết rồi tái sinh. Nhưng Cô bé Quàng Khăn Đỏ chết và không bao giờ trở lại nữa. Em đã sai lầm đi hái hạt dẻ và nghe lời con chó sói; tuy vật đó có phải là một lý do khiến em bị ăn thịt mà không đáng thương chăng? Cho em chui ra khỏi bụng con chó sói, như bình minh từ đêm tối đi ra, có phải hơn không?
RAYMOND
Lòng thương của cô, cô ạ, thật đầy ý nghĩa. Cái chết của Cô bé Quàng Khăn Đỏ không thể là thực sự. Bà Mẹ Ngỗng đã không nhớ kỹ phần kết của truyện.
Tuổi già có thể quên điều gì đó.
Song những bà tổ mẫu ở nước Đức và nước Anh đều biết rõ rằng Cô bé Quàng Khăn Đỏ chết rồi sống lại như bình minh. Các bà kể rằng một người đi săn mổ bụng con vật và lôi ra một em bé hai má đỏ hồng, em mở to đôi mắt và nói:
- Chao ôi! Em sợ quá và trong đó tối quá!
Mới đây, trong buồng con gái cô, tôi đã giở xem một quyển tranh màu do một người Anh là Walter Crane 22 tô màu với một phong cách phóng khoáng và hài hước. Nhà họa sĩ tài tử này có óc tưởng tượng vừa uyên bác vừa thân mật; ông ta vừa thấu triệt ý nghĩa các truyện hoang đường vừa đầu tình yêu cuộc sống; ông biết tôn trọng quá khứ và cũng biết thưởng thức hiện tại. Đó là tinh thần của người Anh. Quyển sách tôi đã lật xem có in truyện và các bức minh họa của Little Red Riding Hood (Cô Bé Quàng Khăn Đỏ của nước Anh). Con chó sói nuốt em; nhưng một ông chủ trại áo xanh, quần vàng, chân đi ủng, bắn một viên đạn vào giữa đôi mắt sáng quắc của con sói, lấy dao đi săn phanh bụng nó, và cô bé bước ra, tươi như một bông hồng.
Có một người đi săn (ông ta hẳn là một nhà thiện xạ)
Đã bắn vào con chó sói khi cô bé kêu lên;
Thế là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ bình yên trở về nhà, có phải không?
Và sống hạnh phúc cho đến khi cô chết 23 .
Đó là sự thật, cô em ạ, và cô đã đoán đúng. Còn về truyện Nàng công chúa ngủ trong rừng thì câu chuyện đượm một chất thơ vừa mộc mạc vừa sâu sắc…
OCTAVE
Đó là bình minh!
RAYMOND
Không, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Con mèo đi hia và Chú bé tí hon thuộc vào một loại khác của truyện cổ tích Aryen, loại truyện tượng trưng cho cuộc đấu tranh giữa mùa đông và mùa hè, sự đổi mới của thiên nhiên, cuộc phiêu lưu ngàn đời của chàng Adonis 24 , của các bông hồng trên trần gian cứ héo rồi lại nở không ngừng.
Nàng công chúa ngủ trong rừng chẳng phải ai khác hơn là Astéria, người em gái trong sáng của Latone, là Cora và Proserpine. Trí tường tượng dân gian đã cảm hứng rất hay khi đem cho ánh sáng hình thể của cái gì ánh sáng vuốt ve âu yếm nhất trên trái đất, là hình thể một cô gái đẹp. Về phần tôi, tôi yêu Nàng công chúa ngủ trong rừng ngang với nàng Eurydice của Virgile và nàng Brunhild của Edda 25 , một người bị rắn cắn, một người bị gai đâm, cả hai đều được đưa từ bóng tối vĩnh cửu, của âm ti trở về cõi sống, cô gái Hy Lạp do một nhà thơ, cô gái Bắc Âu do một chiến binh, cả hai đều là người yêu của hai nàng. Số phận chung của vị anh hùng ánh sáng của thần thoại là chết ngất đi khi bị một vật nhọn đâm, một cái gai, một cái móng sắc hay một con thoi. Trong một truyện xứ Dekan, do cô Frere sưu tập, một cô bé bị cây kim của con quỷ Rakchasa bỏ quên ở cửa đâm vào đầu ngón tay, lập tức cô ngã xuống bất tỉnh. Một ông vua đi qua, ôm hôn cô và làm cô sống lại. Đặc tính của những tấn kịch ấy về mùa đông và mùa hè, về bóng tối và ánh sáng, về đêm và ngày và lặp đi lặp lại không ngừng. Câu chuyện do Perrault kể lại, bắt đầu trở lại khi người ta tưởng nó hết rồi. Nàng công chúa lấy hoàng tử và cuộc hôn nhân ấy mang lại hai đứa con, em trai Bạch Nhật và em gái Bình Minh là Aithra và Héméros của Hésiode 26 hay ta có thể gọi là Phoebus và Artémis. Trong lúc hoàng tử đi vắng mẹ hoàng từ là một con quỷ cái, một Rakchasa, tức là một hung thần của đêm tối dọa ăn thịt hai đứa trẻ, hai ánh sáng trẻ trung, nhưng ông vua mặt trời đã kịp trở về cứu thoát. Ở miền Tây nước Pháp nàng công chú ngủ trong rừng có một cô em quê mùa, chuyện cô ta được kể lại một các mộc mạc trong một bài hát rất cổ như sau 27 :


Thuở em còn nhỏ dại,
Em ở với mẹ cha,
Em đi vào rừng xa
Em vào rừng hái quả.


Em con nhà nghèo đói,
Quần áo rách tả tơi.
Lòng em vẫn cười vui
Nhảy đùa như ngày hội.


Em vào rừng hái quả,
Cây cao lại cành cao.
Người em bé tí teo.
Không tài nào với tới.


Em vào rừng hái quả,
Tay em với cành cây,
Tay em chạm phải gai,
Em lăn ra ngủ thiếp.


Ba chàng trai hào hiệp,
Bỗng cưỡi ngựa đi qua.
Ba chàng trai vui đùa,
Trông thấy em đang ngủ…


Chàng đầu tiên mới nhủ:
- Tôi thấy một cô nàng.
Chàng thứ hai nói sang:
- Cô nàng đang mê ngủ.


- Cô nàng đang mê ngủ.
Chàng thứ hai nói thêm:
Chàng thứ ba tiếp liền:
- Tôi cưới nàng làm vợ.


Ở đây câu chuyện thần kỳ đã phai nhạt đến tột bực và nếu thiếu những tư liệu trung gian thì sẽ không thể nào nhận ra được cô gái quê mùa rách rưới ấy các ánh sáng thần linh yếu ớt trong mùa đông rồi lại hồi sinh khi mùa xuân đến. Thiên hùng ca của Ba Tư, Schahnameh, cho ta biết một nhân vật mà số phận giống số phận của Nàng công chúa ngủ trong rừng. Isfendiar, vốn không thể bị thương vì một thanh kiếm nào, lại chết vì một cái gai đâm vào trong mắt. Sự tích của Balder, truyện edda Bắc Âu, có nhiều chỗ rất giống với Nàng công chúa ngủ trong rừng.
Cũng như các bà tiên quanh nôi của công chúa, tất cả các vị thần đứng trước người chú bé thiên thần Balder đều thề sẽ làm cho mọi vật trên trái đất này thành vô hại đối với chú bé. Nhưng cây tầm gửi không mọc trên mặt đất, đã bị các vị thần quên đi, cũng như vua và hoàng hậu đã quên bà già kéo sợi ở trên đỉnh tháp. Một mũi thoi đêm vào cô gái và một cành tầm gửi giết chết Balder.
“Thế là, Balder nằm chết trên mặt đất, và khắp chung quanh chồng chất những thanh kiếm, những bó đuốc, những giáo mác mà các vị thần để đùa giỡn đã ném một cách vô hiệu vào Balder, con người không thể bị một thứ khí giới nào đâm thủng hay làm cho sây sát; nhưng trong ngực chàng đã cắm sâu cành tầm gửi tai ác mà Lok, kẻ tố cáo, đã đưa cho Hoder, và Hoder đã ném ra không có một ác ý nào”.
LAURE
Tất cả những chuyện ấy hay lắm; nhưng anh chẳng nói gì cả về con chó cái nhỏ Pouffe nằm trên giường công chúa à? Tôi thấy con chó có vẻ đỏm dáng: nó được nuôi trên đầu gối các bà hầu tước và tôi tưởng tượng bà de Sévigné đã vuốt ve nó với bàn tay đã viết nên những bức thư tuyệt tác.
RAYMOND
Để chiều ý cô, ta sẽ gán cho con Pouffe những tổ tiên là thiên thần; ta cho nó là thuộc dòng giống Saramâ, con chó cái đi tìm bình minh, và Deirios con chó đực canh giữ các vì sao. Nếu tôi không lầm, thì đây là một dòng quý tộc đẹp đẽ. Con Pouffe chỉ còn có việc chứng minh cho dòng dõi quý tộc của mình để được chấp nhận làm nữ tu sĩ của một tu viện Remiremont của loài khuyển 28 . Chỉ có một Hozier 29 bốn chân mới có đủ thẩm quyền để xác lập dòng dõi đó. Tôi chỉ xin chỉ một trong các ngành của cái cây phổ hệ lớn ấy. Ngành Phần Lan: con chó con Flô, mà bà chủ nó đã bảo nó ba lần: “Đi đi, con chó Flô nhỏ của ta, đi xem trời sắp sáng chưa”.
Đến lần thứ ba, thì trời tảng sáng.
OCTAVE
Tôi thán phục việc anh đã đưa người và vật trong các truyện cổ tích lên ở trên trời một cách dễ dàng. Người La Mã đưa các vị hoàng đế của họ lên các chòm sao, cũng không dễ dàng hơn thế. Theo ý muốn của anh, hầu tước Carabas không phải ít nhất là đích thân mặt trời.
RAYMOND
Đừng nghi ngờ điều đó, Octave ạ. Cái nhân vật nghèo khổ bị sỉ nhục, lớn lên trong giàu có và quyền thế, chính là mặt trời mọc lên trong sương mù và sáng chói giữa một buổi trưa trong trẻo. Hãy chú ý điều này: hầu tước de Carabas hiện lên từ mặt nước để mặc những quần áo rực rỡ. Người ta không thể biểu hiện cảnh mặt trời mọc bằng một hình tượng trong sáng hơn.
LAURE
Nhưng trong câu chuyện, vị hầu tước là một nhân vật không hoạt động bị người ta dẫn dắt: đó là con mèo suy nghĩ và hành động, và đáng lý ra con mèo ấy cũng như con chó Pouffe, phải là con vật nhà trời.
RAYMOND
Thì chính nó là một con vật nhà trời, và, cũng như chủ nó, nó tượng trưng cho mặt trời.
LAURE
Tôi rất hài lòng về điều đó. Nhưng nó có mang những bằng sắc hợp lệ như con Pouffe không? Nó có thể chứng minh cho dòng dõi quý tộc của mình không?
RAYMOND
Như Racone đã nói đó:
Hôn lễ không phải khi nào cũng có hoa,
Có thể Con mèo đi hia là dòng dõi những con mèo nọ kéo cỗ xe của Freya, thần Vệ nữ Bác Âu. Song các viên quản lý văn khế họ nhà mèo chẳng nói gì về điều ấy cả. Người ta được biết một con mèo dòng dõi mặt trời rất cổ xưa, một con mèo Ai Cập, giống như Ra, đã nói trong một nghi thức tang lễ, mà ông Rougé đã diễn ra như sau: “Ta là con mèo lớn ở trên con đường lớn của cây đời, trong An, đêm có trận đánh lớn”. Nhưng con mèo ấy là một người Khouschite, con trai của Cham. Con mèo đi hia thuộc nòi giống Japhet và tôi không biết làm sao người ta lại có thể gắn con nọ với con kia được.
LAURE
Con mèo Kouschite lớn kia, nói rất tối nghĩa trong nghi thức tang lễ có bị và đi hia không?
RAYMOND
Sách nghi thức không nói gì về điều đó cả. Đôi hia của con mèo của vị hầu tước là thuộc dòng dõi hia bảy dặm của Chú bé tí hon và tượng trưng cho sự thần tốc của ánh sáng. Theo nhà bác học Gaston Paris 30 , Chú bé tí hon vốn là một trong những vị thần Aryen chăn bò và ăn cắp bò của nhà trời cũng như chú bé Hermès. Mà các họa sĩ vẽ trên những chiếc bình với một chiếc giày làm nôi. Trí tưởng tượng dân gian đặt Chú bé tí hon vào ngôi sao bé nhất của chòm Đại hùng tinh. Nhân chuyện những chiếc hia như người ta nói, các bạn biết rằng ông Jacquemart 31 nhà nghệ sĩ của những bức tranh khắc đồng tuyệt đẹp, đã sưu tầm được rất nhiều giày dép. Nếu noi gương ông a, người ta làm một bảo tàng giày dép thần thoại, thì sẽ chất đầy cả một tủ kính. Bên cạnh đôi giày bảy dặm, chiếc giày của chú bé Hermès và đôi hia của ông chủ mèo, sẽ phải đặt những mảnh da lót gót chân của Hermès lúc lớn lên, đôi dép của Persée, đôi dày bằng vàng của Athénée, đôi păngtúp bằng thủy tinh của cô Lọ Lem và những chiếc giày hở gót chật hẹp của Marie, cô bé người Nga. Tất cả những thứ giày dép ấy thể hiện mỗi thứ một cách, tốc độ ánh sáng và sự vận hành của các tinh tú.
LAURE
Phải chăng vì lầm lẫn mà người ta nói những păngtúp của cô Lọ Lem làm bằng thủy tinh? Không thể nào hình dung được rằng giày cũng làm bằng một loại vật liệu với các bình đựng nước. Nói giày làm bằng da lông trắng xám 32 nghĩa là giày lót lông, còn dễ hình dung hơn, dẫu rằng cho một cô bé mang thứ giày như thế để đi dự khiêu vũ là một điều không hay. Cô Lọ Lem đi đôi giày ấy tất phải có đôi chân có lông như con bồ câu. Mang đôi giày nóng đến thế mà vẫn nhảy được thì cô ta phải là một cô bé điên dại,; Song các cô gái đều điên dại cả; có đi giày đế bằng chì họ cũng vẫn nhảy được.
RAYMOND
Cô ạ, tôi đã từng báo trước cô là đừng tin vào lẽ phải thông thường. Cô Lọ Lem đã mang đôi giày không phải bằng da thú, mà bằng thủy tinh, cái thứ thủy tinh trong suốt như kính Saint-Gobain 33 , như nước suối và pha lê. Đôi giày đó là tiên: người ta đã bảo thế, và điều đó gỡ được mọi khó khăn. Một cỗ xe tiên từ một quả bí chạy ra là rất tự nhiên. Điều trái ngược mới đáng lấy làm lạ. Cô Lọ Lem của nước Nga có một cô chị đã chặt ngón chân cái để đi giày cho vừa và vết máu trên giày đã giúp cho hoàng tử biết sự gian trá dũng cảm của kẻ gian tham.
LAURE
Perrault chỉ nói hai người chị gian ác đã tìm đủ mọi cách để xỏ chân vào giày nhưng không được. Tôi thích thế hơn.
RAYMOND
Bà Mẹ Ngỗng cũng nghĩ như thế đấy, Song, nếu cô là người Slave, cô sẽ hơi tàn bạo và việc chặt ngón chân lại rất hợp với ý muốn của cô.
OCTAVE
Từ nãy đến giờ Raymond nói chuyện với chúng ta về các truyện thần tiên nhưng chưa nói một lời nào về chính các bà tiên.
LAURE
Đúng thế. Nhưng cứ nên để các bà tiên trong sự mơ hồ và huyền bí của họ.
RAYMOND
Cô em ạ, cô sợ rằng những nhân vật tính khí thất thường ấy khi tốt khi xấu, khi trẻ khi già tùy thích thống trị thiên nhiên và gần như lúc nào cũng sắp biến mất không chiều theo sự tò mò của chúng ta và bỗng thoát khỏi thay ta vào lúc ta tưởng nắm được họ. Lúc bà tiên hình thành từ một ánh trăng. Chỉ có tiếng lá xào xạc mách họ đi qua, và tiếng nói của họ hòa lẫn với tiếng róc rách của suối nước. Nếu người ta dám nắm lấy một tà áo bằng vàng của họ, người ta chỉ thấy trong tay một nắm lá khô. Tôi không muốn tỏ ra bất kính để đi đuổi theo các bà tiên; nhưng chỉ riêng cái tên gọi cũng đủ cho chúng ta biết được bản chất huyền bí của họ.
Fée 34 trong tiếng Ý là fada, tiếng Tây Ban Nha là hada, tiếng Bồ Đào Nhà và Provence là fada và fade; fadette trong thổ ngữ berrichon mà George Sand 35 đã làm cho lừng lẫy, là do tiếng Latinh fatum mà ra, nghĩa là số mệnh. Các bà tiên ra đời từ quan niệm êm đềm nhất và bi đát nhất, thân thiết nhất và phổ biến nhất về đời người. Các bà tiên là số mệnh của chúng ta. Một gương mặt đàn bà rất hợp với số mệnh, nó là thất thường, hấp dẫn, phũ phàng, đầy quyến rũ, lo âu và nguy hiểm. Rõ ràng mỗi bà tiên là mẹ đỡ đầu của một người chúng ta, cúi mình trên nôi của mỗi người, bà ban cho những thiên tư tốt lành hoặc ghê gớm mà mỗi người sẽ giữ trọn đời. Hãy lấy các sinh vật, hãy thử hỏi họ là gì, cái gì làm nên họ và họ làm cái gì; bạn sẽ thấy rằng cái lý do tối cao của cuộc đời họ sung sướng hay khổ ải, đó là bà tiên. Claude được mọi người ưa thích vì anh ta hát hay; anh hát hay vì những dây thanh quản của anh được cấu tạo hài hòa. Ai đã xếp đặt những dây thanh quản như thế trong cổ họng của anh? Đó là bà tiên. Tại sao nàng công chúa lại bị cái thoi của bà già đâm vào tay. Vì nàng nhanh nhẹn, nhưng hơi lơ đễnh…và bởi quyết định của các bà tiên đã ra lệnh như vậy.
Đó đúng là giải đáp của truyện hoang đường và sự không ngoan của con người không đi quá lời giải đáp đó. Tại sao, cô em, cô lại xinh đẹp, sắc sảo và trung hậu? Bởi vì một bà tiên đã cho cô lòng tốt, một bà khác cho trí tuệ, một bà khác cho vẻ đẹp. Cô đã có những điều đó như các bà đã muốn. Khi ta ra đời, một bà mẹ đỡ đầu bí mật đã xác định mọi hành động, mọi ý nghĩ của đời ta, và chúng ra sẽ sung sướng và tốt chừng nào, các bà tiên muốn như thế. Tự do là một ảo tưởng và và tiên là một sự thực. Các bạn ơi, đạo đức, cũng như tính xấu, là một như cầu không thể tránh được… Ồ! Các bạn đừng kêu la. Dù không tự nguyện, đạo đức không vì thế mà kém phần cao đẹp và đáng ít tôn sùng.
Trong một tấm lòng nhân đức, điều người ta quý không phải là cái giá phải trả, mà là cái điều tốt do nó làm ra.
Những tư tưởng đẹp phát xuất từ những tâm hồn đẹp tỏa ra bản chất của chúng, như hương thơm là những phần nhỏ tỏa ra từ bông hoa. Một tâm hồn cao thượng chỉ có thể cho người ta hít thở sự cao thượng, cũng như một bông hồng chỉ có thể tỏa hương hồng. Các bà tiên đã muốn như vậy. Cô em ạ, hãy tạ ân các bà tiên đi.
LAURE
Thôi, tôi không nghe anh nữa đâu. Sự thông thái của anh thật đáng kính sợ. Tôi biết quyền lực các bà tiên: tôi biết tính khí thất thường của họ; các bà không tha cho tôi những yếu đuối của tâm tình, những buồn phiền và những nhục nhằn như họ cũng đã không tha cho những người khác. Nhưng tôi biết rằng trên các bà tiên, trên những may rủi của cuộc đời, vẫn bay lượn cái tư tưởng vĩnh cửu của nó đã gây cho ta lòng tin, hy vọng và lòng nhân từ. - Chúc anh ngủ ngon, ông anh họ.
Chú thích:
1.
Charles Rollin (1661 - 1741) nhà nhân văn và sử học Pháp, tác giả cuốn Luận về nghiên cứu về một Lịch sử La Mã.
Charles Frandois Lhomond (1727 - 1794) (tu viện trưởng) - nhà văn phạm học Pháp, tác giả cuốn Văn phạm Latinh nổi tiếng và nhiều sách khác.
2.
Jean Baptiste Massillon (1663 - 1742) - nhà thuyết giáo Pháp, tác giả cuốn Tuần chay (Petit Carême), một trong những nhà giảng đạo hùng biện.
3.
Louis Figuier (1819 - 1894) - nhà truyền bá Pháp, tác giả của nhiều cuốn sách.
4.
Charles Perrault (1628 - 1703) - nhà văn và nhà thơ Pháp, sinh ra và mất ở Paris, tác giả nhiều sách và nhất là những Truyện Bà Mẹ Ngỗng đã khiến tên ông thành bất tử. Trong những truyện này có Da lừa bằng thơ (1715), nhưng truyện này phổ cập nhất trong một phóng tác bằng văn xuôi.
5.
Jules Verne (1828 - 1905) - nhà tiểu thuyết Pháp, tác giả Hai vạn dặm dưới đáy biển và nhiều tiểu thuyết khoa học viễn tưởng khác.
6.
Ếtienne Bonnot de Condilla (1715 - 1780) - triết gia Pháp, cầm đầu trường phái chủ nghĩa cảm giác, tác giả cuốn Luận về cảm giác và cuốn Luận lý học.
7.
Emanuel Swedenborg (1688 - 1772) - nhà thông thần luận và người ảo tưởng Thụy Điển, có nhiều môn đồ.
8.
Bactriane - nước của châu Á cổ đại, một trong những nơi ở cũa người Iran, nay nhập vào nước Turkextan và Ba Tư. Thủ đô: Bactrios.
9.
Japhé - con trai thứ ba của Nóe, sau Sent và Cham. Theo Thánh kinh, có lẽ là tổ nhiều ngành của dòng họ Âu - Germain.
10.
Zoulous - bộ lạc xứ Cafre ở Nam Phi.
11.
Papous - người da đen châu Đại dương, ở rải rác tại nhiều hòn đảo: Tân Guimée, Salomon, Tân Hebrides, Tân Cale donie, Fiji, v.v…
12.
Charles Athanase Walckenaer (1771 - 1852) nam tước - nhà văn Pháp, sinh và mất ở Paris. Tác phẩm: Truyện đời sống và các tác phẩm của La Fontaene; Truyện đời sống và thơ của Horace; Hồi ký vè bà de Servigné.
13.
Friedrich Christian Diez (1794 - 1876) - nhà ngữ học Đức, sinh ở Giesen, mất ở Bonn, tác giả những công trình đáng chú ý về các ngôn ngữ rômanh, nhất là một cuốn Tự điển ngữ nguyên của những ngôn ngữ rômanh.
14.
Alfred Maury (1817 - 1892) - nhà bác học Pháp, sinh ở Meaux, mất ở Paris, tác giả nhiều nghiên cứu về lịch sử phong tục học; Tín ngưởng và truyện thời trung cổ; Rừng xứ Gaule và nước Pháp cổ; Đất và Người v.v…
15.
Étrusque - miền cổ đại nước Ý, giữa sông Tibre, núi Apennins, biển Tireni và sông Macra, nay là xứ Toscane.
16.
Indra - thần lớn nhất trong các thần Vệ đà, Chúa trên trời, làm sấm sét.
17.
Açwins - thần Vệ đà tương đương với các thần Dioscuesa (con của Jupiter). Dioscures - biệt danh của thần Castor và Pollux.
18.
Charles FrancoisDupuis (1742 - 1809) - nghị viên Quốc ước hội nghị, tác giả củaNguồn gốc mọi tôi giáo, trong đó ông tìm nguồn gốc các tôn giáo ở các sự kiện thiên văn học.
Constantin Volney (1757 - 1820) - bá tước - bác học Pháp, tác giả những Điêu tàn hay Suy nghĩ về những biến thiên của các đế quốc.
Jacques Antoine Dulaure(1755 - 1835) - nghị vien6Quoc61 ước hội nghị và sử gia Pháp, tác giả cuốn Lịch sử Paris.
19.
Ernest Renan (1823 - 1892) - nhà văn Pháp mềm dẻo và rất khéo, sử gia và nhà chú giải bác học, nhưng bạo dạn trong giả thiết của mình, say mê một duy tâm luận khoa học. Tác phẩm: Tương lai của khoa học, Nguồn gốc của Cơ đốc giáo, Lịch sử Israel, Ký ức tuổi thơ, Triết lý kịch, v.v...
20.
Max Muller (1823 - 1900) - nhà ngữ học và thần thoại học Đứa, đã giảng dạy ở Luân Đôn.
21.
Psyché - thiếu nữ rất đẹp được thần Ái tình yêu và bắt cóc, sau cùng trở thành bất tử.
22.
Walter Crane (1845 - 1915) - họa sĩ và nhà minh họa Anh, sinh ở Liverpool.
23.
Nguyên văn tiếng Anh:
Some sportsman (be certainly was a dead shot)
Had aimed at the Wolf when she cried;
So Red Riding Hood got safe home did she not?
And lived happily there till she died.
24.
Adonis - thanh niên ở Byblos, rất đẹp trai, bị một con lợn lòi cán chết; Venus biến chàng thành cây thủ mẫu đơn. Adonis là điển hình của cái đẹp mềm yếu.
25.
Edda - chỉ những truyền thiuết thần thoại và hoang đường của các dân tộc Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch cổ đại.
26.
Hésiode - nhà thơ Hy Lạp thế kỷ VIII tr.CN tác giả của những câu thơ có tính chất giáo huấn và luân lý.
27.
Nguyên văn là một bài dân ca có điệp khúc. Đây chỉ cố dịch đúng tinh thần và nội dung.
28.
Remiremond - là một quận trên sông Moselle, xưa có nhà tu nam và đạo viện nữ nổi tiếng; có huy hiệu riêng.
29.
Pierre de la Garde Hozier (1592 - 1660) - nhà nghiên cứu phổ hệ, sinh ở Marseille. Con trai và nhiều người trong họ cũng là những nhà nghiên cứu phổ hệ.
30.
Gaston Paris (1839 - 1903) - sinh ở Avenay, con nhà bác học Paulin Paris, đã có những công trình quan trọng về thơ thời trung cổ.
31.
Jules Ferdinand Jacquemart (1837 - 1880) - thợ khắc Pháp, sinh ở Paris.
32.
Vair - da ông trắng xám, cũng đọc như Verne - thủy tinh.
33.
Saint-Gobain - thuộc quận Aise (Pháp); có những nhà máy quan trọng sản xuất gương nổi tiếng.
34.
Tiên (tiếng Pháp).
35.
Amandine Aurore Dupin (1803 - 1876), nữ nam tước Dudevant, tức George - nữ tiểu thuyết gia lỗi lạc Pháp, sinh ra ở Paris. Đã có những tác phẩm rất phong phú thuộc thể loại tiểu thuyết tình cảm, xã hội và nông thôn; trong loại sau cùng này có tác phẩm nổi tiếng La Petite Fadette, ám chỉ tới trên đây.
Anatole France
Dịch giả: Hướng Minh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trong hương xuân em nghe giai điệu mềm môi xứ sở Thông điệp xuân// Tràn ngập trăng mà da diết nhớ trăng/ Nốt nhạc mùa xuân vừa kịp tra đ...