Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Khi bóng chiều đổ xuống

Khi bóng chiều đổ xuống...
(Nhân đọc bài thơ "Dì tôi" của Ninh Đức Hậu)
Dì tôi
Bàn tay run rẩy bàn tay
Lơ thơ vài sợi tóc mây lâu rồi
Mặt nhăn nheo da đồi mồi
Bàn chân chầm chậm… Dì tôi… bóng chiều
Bóng chiều đổ xuống liêu xiêu
Đổ vào gầy guộc bao nhiêu nỗi đời
Mấy mươi năm không tiếng cười
Nước mắt chảy ngược tận nơi đáy lòng
Một thời thắt đáy lưng ong
Tóc xanh da trắng má hồng môi hoa
Trường Sơn hăm hở đi xa
Đạn bom sương khói nhạt nhòa tuổi xanh…
Rừng già sống chết mong manh
Cắm vào năm tháng mà thành cây khô
Chập chờn trong những giấc mơ
Lời thề hẹn ước người xưa xa vời…
Vào ra cùng với ngậm ngùi
Lẻ loi một bóng dì tôi chòng chành
Vàng khô cái lá mong manh
Phất phơ vào gió đầu cành đợi buông.
NINH ĐỨC HẬU
Lời bình của MAI THỊ HỒNG QUẾ
Sau cuộc hành trình đuổi theo sự cách tân của các thể thơ hiện đại, bị cuốn vào những vòng xoáy phức tạp không giới hạn của hình thức thơ ca, tôi muốn tìm về một khoảng bình yên quen thuộc: lục bát truyền thống. Lục bát vẫn giản dị, chân thành như chính những nỗi niềm được giãi bày trong thơ. Và dường như có một sự liên quan không nhỏ giữa thể thơ giàu tình cảm này với tính cách của những chủ thể sáng tạo. Tôi nhận ra điều đó khi đọc thơ lục bát của nhà thơ đồng hương, nhà thơ Ninh Đức Hậu.
Thơ lục bát của nhà thơ Ninh Đức Hậu, có một mảng lớn dành cho gia đình, với chân dung của những người thân thiết và ký thác vào đó tình cảm trước hết là của cháu con, sau đó đến tình người với người trong cõi nhân sinh
Từng rưng rưng xúc cảm khi đọc bài thơ viết về người mẹ có đứa con hi sinh trong chiến trận, mùa nào năm nào cũng ngồi “bấm đốt ngón tay”, đọc đến “Dì tôi”, tôi chợt nhận ra, Ninh Đức Hậu có một “thế giới” những câu chuyện kể thời hậu chiến, những câu chuyện mà với thế hệ chúng tôi đã trở nên xa lơ xa lắc. Chỉ có những người từng có một tuổi thơ “chiến trận” như anh, gắn bó với những con người mang vết đau hậu chiến mới có thể dễ dàng đồng cảm đến vậy. Với chúng tôi, hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi nào đó, như “dì” gặp ở ngoài đời, cũng chỉ là những bà già cô độc, còn với những người từng trải như nhà thơ, anh hiểu được đằng sau dáng vẻ “lẻ loi một bóng” ấy là cả một cuộc đời, với những hi sinh, mất mát, những yêu thương, mỏi mòn đợi chờ.
Bài thơ “Dì tôi” có năm khổ thơ, mỗi khổ bốn câu như một bài tứ tuyệt xinh xắn. Tứ thơ kết nối là hình ảnh người dì với run rẩy, nhăn nheo, chầm chậm… của dáng vẻ bề ngoài với chồng chất nỗi buồn thương trong cõi lòng sâu thẳm. Đó cũng là sự kết nối giữ bà già lẻ loi, đơn côi chiếc lá vàng sắp rụng với người thiếu nữ da trắng tóc xanh thủa nào. Nhìn dì hiện tại có đứa con cháu nào lại không thấy xót xa: “Bàn tay run rẩy bàn tay/ Lơ thơ vài sợi tóc mây lâu rồi/ Mặt nhăn nheo da đồi mồi/ Bàn chân chầm chậm… Dì tôi… bóng chiều”.
Nhà thơ Ninh Đức Hậu có biệt tài sử dụng từ láy, không phải chỉ để cho nó vang lên những thanh âm trầm bổng, líu ríu của ngữ âm tiếng Việt, mà nâng cao tính hình tượng của ngôn ngữ lên cực nhiều. Sao trông cái bà lão tuổi đã xế chiều thấy cảm thương đến thế: bàn tay gầy guộc run rẩy lần rờ từng sợi tóc đã bạc trắng xóa, lơ thơ; khuôn mặt nhăn nheo với cơ man là nếp nhăn. Rồi làn da đồi mồi ấy nữa, người chưa từng gặp chẳng thể hình dung trong hình hài ấy, đã từng là một người con gái xinh đẹp, trẻ trung..
Dâng lên theo nỗi xót xa “dì tôi… bóng chiều”, mạch thơ vận về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, ngược về mãi cái thủa dì còn thắt đáy lưng ong/ tóc xanh da trắng má hồng môi hoa. Rõ ràng là một người con gái đẹp nhưng người con gái đẹp không ở lầu hoa, nàng là gái thời loạn. Trai thời loạn đã đi hết chiến trường, gái thời loạn chẳng ngồi đợi truân chuyên, mà mạnh mẽ xung phong vì nghĩa lớn: “Trường Sơn hăm hở đi xa/ Đạn bom sương khói nhạt nhòa tuổi xanh…”
Sự lựa chọn của dì không khác sự lựa chọn của nhiều nữ thanh niên thời chống Mỹ. Cũng đâu phải chỉ mình dì phải trải qua tất cả những cảnh ngộ, đau thương có, oai hùng có, yếu đuối có, yêu thương lại càng nhiều, nhưng nghe kể lại cảnh ngộ của dì, vẫn thấy bất bình: lỗi tại chiến tranh. “Rừng già sống chết mong manh/ Cắm vào năm tháng mà thành cây khô/ Chập chờn trong những giấc mơ/ Lời thề hẹn ước người xưa xa vời…”
Ký ức tình yêu, có lẽ là thứ kể lại dễ khiến người ta ngậm ngùi đồng cảm nhất, nhưng trong dòng hồi tưởng này, thi sĩ chỉ để nó chạy thoáng qua nhanh như một tia chớp. Có phải vì thời gian gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức tình yêu trong dì đã phai nhạt dần, người xưa đã thành người thiên cổ, chu du bồng bềnh nơi chốn khác thênh thang? Cũng có thể như thế lại hay với dì. Nhớ mãi, mơ mãi một giấc mơ không thành, đau lắm! “Vào ra cùng với ngậm ngùi/ Lẻ loi một bóng dì tôi chòng chành/ Vàng khô cái lá mong manh/ Phất phơ vào gió đầu cành đợi buông.”
Người già không nghĩ suy nhiều, đau khổ nhiều nữa đâu, thậm chí bà lão - người đẹp thủa nào đã vì tuổi tác mà trở thành lẫn cẫn, chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi. Chỉ có trong âm thầm day dứt của đứa cháu thương dì mà chẳng biết phải làm sao, mới ám ảnh mãi cái bóng dáng lẻ loi vào ra của dì trong ngôi nhà hiu quạnh. Cái chòng chành kia cũng vì thế chỉ là cái chòng chành chợt đến với cháu khi hình dung ra một ngày không xa: “Vàng khô cái lá mong manh/ Phất phơ vào gió đầu cành đợi buông”.
Thôi thì, nỗi xót thương của đứa cháu cũng đã có thể xem là niềm an ủi cho dì, người đàn bà không chồng không con lúc tuổi xế chiều.
1/7/2020
Mai Thị Hồng Quế
Theo http://tapchivanngheninhbinh.org/
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...