Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Băn khoăn 2

Băn khoăn 2
PHẦN THỨ HAI 
CHƯƠNG 1
Tuy tối hôm trước thức khuya, sáng hôm sau Hảo cũng dậy sớm.
Dậy sớm đối với nàng đã thành thói quen trong liền bốn năm gần đây, từ khi nàng bắt đầu luyện tập thân thể. Thời ấy nàng mười bảy. Một hôm mẹ nàng thết tiệc, mời các quan Pháp, Nam ở tỉnh về dự. Thết tiệc là một nhược điểm của người đàn bà góa, hầu như một thị hiếu có từ khi còn sinh thời chồng. Cố nhiên có khiêu vũ, tuy bà Án không biết "nhảy". Hảo thì đã được người anh họ dạy cho vài điệu dễ và nàng hãy còn e lệ - sự e lệ tự nhiên của cái tuổi mới lớn lên - nên chỉ giữ việc ngồi đặt đĩa vào máy hát.
Một người Pháp trẻ tuổi đến nói chuyện với nàng - Hảo nói tiếng Pháp khá thạo, tuy chỉ mới theo hết các ban Sơ học Pháp Việt - và khen cái nhan sắc của nàng. Người ấy lại bảo nàng: "Cô nên tập khiêu vũ vì khiêu vũ cũng là một môn thể thao. Cô sẽ nhờ môn thể thao ấy mà có một tấm thân nở nang, mạnh mẽ vì cô nên biết rằng có dung nhan xinh đẹp không đủ, phải có thân thể xinh đẹp nữa mới hoàn toàn là một mỹ nhân".
Tuy đó chỉ là một câu tán tụng, và Hảo cũng biết thế, nhưng nàng đột ngột tìm ra được một khuyết điểm của nhan sắc mình. Từ đó nàng chăm luyện tập và sung sướng thấy thân thể mình một ngày một thêm cân đối, da dẻ mình một ngày một thêm hồng hào.
Đẹp, đó là mục đích của đời nàng. Nàng cho một thiếu nữ không đẹp thì không thể nào sung sướng được. Thông minh, có học vấn càng hay, nhưng thiếu cái nhan sắc cần thiết thì thông minh, học vấn cũng bằng thừa, cũng vứt đi. Thông minh, học vấn chi để làm tôi tớ cho nhan sắc mà thôi. Muốn đắc thắng, muốn có một tương lai vẻ vang, trước hết cần phải đẹp.
Hảo tin chắc như thế, vì luôn luôn nàng nhớ lại, nàng ngắm lại cái đời quá khứ vẻ vang của mẹ.
Mẹ nàng xưa là con một gia đình bán hàng tấm ở phố Hưng Yên. Thời bấy giờ Đào, tên mẹ nàng, nổi tiếng là đẹp nhất tỉnh và nhiều người lăm le muốn hỏi làm vợ, về sau nàng vào tay ông phủ Khoái Châu. Ông này đã có vợ cả, nhưng đó là một người đàn bà nhà quê hiền lành, và chỉ ham mê việc làm ruộng.
Vì thế, bà cả bỏ về làng và chỉ ba năm sau bà chết. Từ đó, tuy không chính thức kết hôn, Đào cũng nghiễm nhiên trở nên vợ kế ông quan họ Đặng đã thăng chức Án sát.
Bản tính thông minh, lại hay giao thiệp chơi bời với khắp các bà trong đám quan liêu, nàng đã đóng được vai bà lớn rất ra vẻ đường bệ và hách dịch. Đến nỗi ông Án cũng tự thú rằng lấy được nàng, ông thực nhẹ mình nhẹ mẩy. Ông là người quảng giao, thích khách khứa, tiệc tùng, thì người vợ của ông cáng đáng việc thết đãi cho ông được hoàn toàn chu đáo, hơn lòng ông ước nguyện. Điều đó cũng dễ hiểu, xa hoa vẫn là một thị hiếu của người đàn bà kia ngay từ thời người ấy còn là một thiếu nữ ở nhà cha mẹ.
Hảo mười tuổi thì cha nàng hồi hưu về làng sống trong một tòa lâu đài lộng lẫy, kiểu Âu Tây. Cuộc đời xa hoa vẫn tiếp tục. Ba năm sau, ông Án mất. Bẵng đi hơn hai năm tang chồng, miễn cưỡng sống trong sự giữ gìn, trong sự yên lặng, cái đời ầm ỹ vui thú của người đàn bà góa lại bắt đầu. Cái nhan sắc bốn mươi, vẫn còn đủ lộng lẫy để làm tôn những bàn tiệc long trọng.
Cái gia sản hơn chục vạn của chồng để lại tưởng tiêu không bao giờ hết, ngờ đâu mới thấm thoát có bốn năm trời đã hao hơn quá nửa. Người đàn bà chợt như tỉnh một giấc mộng và âm thầm nhớ đến câu tục ngữ:
"Ngồi mà ăn thì núi cũng lở".
Trước kia bà không hẳn chỉ ngồi mà ăn. Bà cũng cho cấy thuê cấy rẽ gần trăm mẫu ruộng, nhưng lợi tức không thấm vào đâu với sự tiêu hoang phung phí, vì thế bà đem bán dần dần để có những món tiền phải cần dùng đến. Bán mãi cho tới ngày nay, ba phần bà không còn lấy một. Bà giật mình, vì chỉ làm qua một phép tính nhỏ là cũng thấy rằng chẳng bao lâu số ruộng còn lại sẽ hết. Đó là cái cớ chính khiến bà thiên gia đình lên Hà Nội. Lên ở Hà Nội, bà cũng chưa có mục đích buôn bán, kiếm lợi để cứu vãn lại tình thế nguy ngập đã bắt đầu. Lên ở Hà Nội chỉ cốt xa lánh một nơi nguy hiểm, còn ở làng bà còn phải tiêu pha rộng rãi, bà còn phải nay tiệc tùng mai khiêu vũ. Nếu bà bỗng thôi đi, người ta sẽ cho rằng bà sa sút, vả lại ở làng bà cần giữ thể diện, giữ oai vệ, của một bà quan to.
Mà thể diện, oai vệ bà cho chỉ có thể giữ bằng tiền, bằng ăn uống linh đình, bằng tiêu pha rộng rãi, bằng quà cáp biếu xén: sống tối tăm, sống lụi xụi, của một người đàn bà góa, thì sẽ bị người ta coi thường ngay. Thôi! Còn gì là thanh danh một bà đường quan hách dịch. Bỏ làng lên Hà Nội, tức là đến một nơi bình đẳng. Ở Hà Nội bà tiêu một tháng ba bốn trăm hay năm sáu chục cũng chẳng ai biết đấy là đâu mà dẫu biết, người ta cũng chẳng bình phẩm lôi thôi, ở Hà Nội sẽ chẳng phải mua chuộc ông nọ ông kia.
Bà đã tưởng bà sẽ bỡ ngỡ, sẽ khó chịu, sẽ thất vọng với cái đời sống mới này. Nhưng không, ngay buổi đầu bà làm quen, bà thân mật với nó ngay, nó không buồn tẻ như bà lo lắng.
Mà được thế là nhờ ở Hảo, con gái bà.
Hảo, đó là một cớ, cái cớ thứ hai khiến bà lên Hà Nội là Hảo đã hai mươi tuổi, cái tuổi già dặn của một thiếu nữ chưa chồng, chưa vị hôn phu, chưa cả ý trung nhân. Phải đâu Hảo không có nhan sắc! Trái lại thế, nhan sắc Hảo là thứ nhan sắc đặc biệt, nhan sắc lộng lẫy của hạng người sống cuộc đời phô trương, chứ không phải nhan sắc thùy mị ngây thơ của các cô sống đời rụt rè trong chốn phòng khuê những gia đình quan cổ.
Hảo đẹp, bà Án biết thế. Bà cũng không thể không biết rằng có nhiều đám ngấp nghé muốn dạm hỏi, nhưng còn chưa dám ngỏ lời, vì thấy hai nơi con nhà quyền quý đều không được Hảo ưng thuận. Bà mẹ tự hỏi thầm: "Chẳng hay nó định kén chọn hạng nguời nào?" Bà bàn với Hảo về việc hôn nhân của con, thì nàng chỉ trả lời vắn tắt: "Thưa mẹ, chưa muộn". Chưa muộn! Ngoài hai mươi rồi còn chưa muộn à? Bà biết thế nhưng không dám ép nài; bà như vì nể, sợ sệt con.
Một hôm, bà gọi chuyện để dò ý Hảo:
- Cô Ngân con bà Án Tuyên mới mười tám tuổi đầu mà đã làm bà huyện rồi đấy.
Hảo mỉm cười đáp:
- Bà huyện mà không sẵn tiền thì cũng chẳng làm gì.
Mẹ hơi có giọng gắt:
- Làm Tri huyện thì sao lại không sản tiền!
Con vẫn ôn tồn:
- Thưa mẹ, chán ông huyện chả nợ đìa ra đấy là gì, như ông huyện Du Tiên, ông huyện Thư Trì vẫn vay tiền mẹ, chẳng hạn.
Thấy mẹ yên lặng, nàng tiếp luôn:
- Với lại có nhiều tiền nhưng không để vợ tiêu. Họ có tiền mà họ để dành tậu nhà tậu ruộng hay họ giữ trong tủ sắt thì cái giàu có ích gì cho người vợ? Không những thế, có khi họ ham làm giàu quá, họ sinh ra bo xiết, keo bẩn, ăn chả dám ăn, tiêu chả dám tiêu... Làm vợ hạng người ấy thì thà tự tử.
- Mày cứ nói thế chứ... Với lại chả làm bà huyện thì còn làm gì nữa!
Hảo vẻ mặt trang nghiêm:
- Thưa mẹ, muốn làm bà gì thì làm, miễn là có tiền, có rất nhiều tiền.
Sau câu chuyện ấy, bà Án sinh ra lo sợ vẩn vơ. Nhất bà lại thấy con hay lên Hà Nội với mấy người chị em họ ở Thái bình về rủ đi, có khi cả vợ chồng những ông huyện trẻ về dự tiệc. Bà thấy khó lòng mà từ chối không cho phép con được. Vì bà thường nghĩ lẩn thẩn: "Mình là một người đàn bà góa mà còn thích ăn chơi, huống hồ nó đang tuổi sung sướng! Cấm đoán nó thì thực là vô lý!" Vả lại bà hình như ngầm muốn cho con bà cũng chịu một phần trách nhiệm về sự phá tán cái gia tài của chồng để lại. Sau này, dẫu sao nữa, Hảo cũng không oán trách bà được, mẹ có tiêu pha xài phí thì con có xin vài ba trăm để sắm quần áo hay nữ trang mẹ cũng cho ngay.
Nhưng bà Án không lo sợ về sự tiêu pha. Bà chỉ lo sợ về sự sa ngã của con thôi. Bà vẫn biết Hảo thường xử sự một cách dõng dạc đường hoàng trong những cuộc giao duyên với phái đàn ông, và nhận xét theo tâm lý - bà mẹ nào chả hiểu tâm lý con - Bà tin chắc rằng Hảo không thể sa ngã được. Nhưng lo sợ thì bà vẫn lo sợ. Để một thiếu nữ hai mươi một mình đi Hà Nội, có bà mẹ nào yên tâm hẳn được, vì thế, nhiều khi con xin đi Hà Nội bà làm ra mặt cưng con, bắt tài xế đánh ô-tô đưa nàng đi, và dặn ngay chiều phải đưa nàng về. Chẳng đừng được, thì bà thân đi với con, để tiêu nhảm ở Hà Nội thêm vài trăm bạc.
Vậy thì thiên gia đình lên ở Hà Nội là thấy giải quyết được cả hai vấn đề khó khăn trên kia; lại còn một vấn đề thứ ba nữa, một vấn đề chẳng kém phần quan trọng ấy là việc kén chồng của Hảo. Ở Hà thành thì chẳng thiếu hạng thanh niên phú quý, trí thức lịch thiệp. Thế nào chẳng có được một đám mà Hảo và bà đều ưng thuận. Còn như rử cho bọn họ kéo đến nhà mình, thì đó là một việc rất dễ dàng không cần phải suy tính trước.
Bà dự đoán quả không sai. Làm dân Hà thành chưa đầy nửa năm, bà đã thu phục được nhiều nhân vật, trong đủ các hạng. Mà được chóng thế một phần là nhớ khóe cạnh khôn ngoan của bà: bà mời con người anh bà đến cùng ở với bà. Giáo sư Vũ văn Hoằng, một trang thiếu niên trí thức đứng đắn mà ai cũng biết tiếng, sẽ giúp cho sự giao du buổi đầu của mẹ con bà. Việc gì cũng chỉ khó buổi đầu.
Chính nhờ về địa vị làm môi giới ấy mà giáo sư Hoằng vụt trở nên một người quảng giao. Biết bao sinh viên trường luật, trường thuốc, biết bao ông tham, ông giáo, ông huyện trẻ chăm chỉ đến chơi với chàng và thành những bạn thân của chàng, để hy vọng trở nên bạn thân của Hảo, của cô em gái xinh đẹp và lịch thiệp của chàng.
Riêng bà mẹ cũng có nhiều may mắn trong giao du. Ngay hôm mới tới Hà Nội ngẫu nhiên bà gặp Thanh Đức, một người bạn của ông chồng bà, thời chồng bà còn Tri phủ. Ông ta đã giúp đỡ bà trong các công việc dọn nhà, trang hoàng bài trí. Rồi đưa các chỗ thân thích bạn bè đến giới thiệu với bà. Biết Thanh Đức là một tay cự phú, bà hết lòng chiều chuộng, tiếp đãi một cách đặc biệt hẳn. Và thấy ông bạn xưa của chồng quá đỗi săn sóc trông nom đến mình, bà tưởng ông ta còn cảm về cái nhan sắc cuối thu - bà vẫn tự biết rằng bà chưa hết duyên, tuy đã bốn sáu bốn bảy tuổi đầu.
Tới khi bà đoán thấy rằng Thanh Đức say mê đắm đuối nhan sắc con gái bà, thì bà lo lắng nghĩ ngợi, cho đó là một sự vô lý lạ lùng. Trước thái độ bình thản của con, bà càng hoảng hốt sợ hãi. Bà thấy Hảo thân mật với bọn thanh niên. Bà cho đó là một lối xã giao, nhưng bà không khỏi ngờ vực, mỗi lần bà đưa mắt ngắm vẻ mặt tươi cười rạng rỡ của con, một mình ngồi đối diện Thanh Đức ở phòng bên và chăm chú nghe những câu tán tỉnh của ông ta.
CHƯƠNG 2
Tập thể thao và tắm xong, Hảo ăn điểm tâm. Nàng vẫn ăn điểm tâm một mình. Vì một là nàng không thể đợi mẹ dậy cùng ăn được, bà Án hôm nào cũng ngoài tám giờ mới thức giấc, hai là những món ăn sáng nàng đã lựa chọn cẩn thận theo như lời dặn của thầy thuốc để thân thể nàng được nẩy nở đều đặn, không gầy quá, không béo quá, hai cái thái cực mà nàng rất sợ. Cùng ăn điểm tâm với bà Án, nàng sẽ phải chiều ý mẹ mà dùng bánh cuốn chấm nước mắm giấm ớt, hay cháo gà có răm với hạt tiêu, những thứ gia vị mà nàng không bao giờ được phép dùng tới nếu nàng muốn giữ gìn sức khỏe và nhan sắc. Luyện tập thân thể, giữ gìn vệ sinh, chăm nom sức khỏe, mục đích chỉ để tăng vẻ đẹp. Nếu đã không đẹp mà còn đi làm những việc ấy thì thực mất thì giờ vô ích. "Như Duyên chẳng hạn, Hảo tự nhủ, càng tập người càng thô, mặt càng yêu thì tập làm gì cho mệt xác. Nằm mà nghỉ có sướng hơn không?"
Hảo nghĩ liên miên, tay lơ đãng quấy chén sữa sô-cô-la: "Bắt đầu từ mai phải quay về ‘régime’ một dạo mới được. Đã hơi béo ra, vì hôm qua đến hiệu thuốc cân, lên gần năm mốt kí-lô rồi. Thế nào cũng phải xuống dưới năm muơi mốt mới nghe. Mà bụng đã có vẻ kém thon, vì độ rày mình lười tập ‘mouvement’ nằm quá".
Có tiếng gõ cửa. Hảo ngửng lên. Tiếng Hoằng ở phía ngoài:
- Vào được không?
- Được, mời anh vào chơi.
Hoằng rón rén mở cửa tiến vào, miệng cười bẽn lẽn:
- Cô chưa ăn sáng?
- Em đương ăn.
Hảo ngắm nghía Hoằng từ đầu đến chân:
- Anh đi dự tiệc đâu đấy?
Hoằng mỉm cười:
- Định đến "dự tiệc" sáng với cô, nhưng cô lại ăn rồi.
- Chết chưa! Anh chưa...
Hoằng ngắt lời liền:
- Nói đùa đấy, tôi đã ăn bánh mì với sữa rồi.
- Thực đấy chứ?
- Lại chả thực!
- Nếu chưa thì em bảo nó bưng bữa sáng của anh vào đây cùng ăn cho vui.
Hảo vẫn lơ đãng quấy sữa:
- Này, anh Hoằng ạ, nguy quá, bụng em to ra...
Thấy vẻ mặt Hoằng ngơ ngác, sợ hãi, Hảo tiếp luôn:
- Anh chỉ được cái nghĩ bậy! Em bảo độ rày ít tập những "mouvement" nằm nên bụng em kém thon.
Hoằng thở ra:
- Ừ! Có thế! Nếu cô đem câu ấy nói với mợ thì mợ đến chết ngất đi được.
Hảo cười:
- Chết ngất đi cơ à? Tưởng dẫu có thực thì cũng là một việc thường! Dẫu sao cái việc thường hay phi thường ấy vẫn chưa xảy ra và có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra, vậy chưa cần lo vội, phải không anh? Bây giờ hãy nói chuyện hiện tại đã. Nhưng anh sắp đi dạy học rồi thì phải.
Hoằng vơ vẩn nhìn đồng hồ tay đáp:
- Hôm nay thứ năm.
- Ồ nhỉ! Em chẳng còn nhớ ngày nào với ngày nào nữa. Có lẽ vì ngày nào của em cũng là thứ năm, chủ nhật.
Hảo thở dài nói tiếp:
- Em nhàn rỗi quá anh ạ.
Rồi lơ đãng như nói một mình:
- Chỉ sợ nhàn cư vi bất thiện!
Hoằng cười:
- Cô cũng chẳng nhàn gì, vì chẳng mấy lúc cô ở nhà mà tôi không thấy cô không đan một cái gì.
- Đó có lẽ cũng là công việc bày ra để khỏi làm điều bất thiện, vì nếu không đan thì lại chạy rông, hay đánh mạt chược, rút bất, lên quần ngựa.
Hoằng nịnh khéo một câu:
- Cô làm như cô hư lắm! Kỳ thực cô rất ngoan ngoãn nết na.
- Ngoan ngoãn nết na! Anh khen em kia à? Em muốn anh dạy dỗ răn bảo em hơn là cứ tán tụng em luôn miệng. Em mà hư thì anh có một phần trách nhiệm đấy nhé.
Câu nói âu yếm làm Hoằng đỏ bừng mặt.
Hảo nhận thấy thế nên nói lảng:
- Nhưng mà hình như anh có "rendez - vous" thì phải?
- Không, tôi chẳng đợi ai, mà cũng chẳng ai đợi tôi.
- Thôi, anh đừng giấu em nữa đi. Em thấy anh cứ chốc chốc lại xem giờ.
Mặt Hoằng càng đỏ, xem giờ đồng hồ tay đã thành một thói quen của chàng khi chàng bẽn lẽn. Sự thực thì chàng chỉ nhìn mà chẳng xem gì hết.
- Thực mà, tôi không... bận gì cả.
- Vậy chúng ta đi phố nhé? Có được không anh?
- Được lắm chứ.
- Anh ngồi chờ em một lát nhé.
Hảo uống vội vàng chén sữa sô-cô-la, ăn qua loa mấy miếng bánh mì, rồi đứng dậy nói:
- Báo hôm nay đây. Anh ngồi đọc xong thì em cũng sửa soạn xong.
Nàng sang phòng rửa mặt trang điểm. Hoằng ngồi lại một mình, cầm tờ báo hằng ngày đọc tin vặt. Bỗng chàng kêu lên:
- Trời ơi!
Tiếng Hảo ở phòng bên:
- Cái gì thế, anh?
Hoằng giọng hoảng hốt:
- Kính tự tử rồi!
Hảo thản nhiên:
- Thế à! Tự tử vì cớ gì thế, anh?
- Đây này, tôi đọc cho cô nghe! "Tự tử vì tình hay vì tiền? Ông Vũ văn Kính, một điền chủ ở hạt ta mà ai cũng biết tiếng, không rõ vì duyên cớ gì đã uống thuốc phiện giấm thanh tự tử; ông Kính là một trang thiếu niên học thức vừa nối nghiệp cha đứng trông coi cái đồn điền Ba Ngã được hai năm nay. Người ta đoán cái chết của ông Kính có dính líu đến chuyện tình, vì thấy sáng thứ hai ông Kính ở Hà Nội về, vẻ mặt buồn rầu, rồi ngay tối hôm ấy ông quả quyết lìa đời, và lúc khám nghiệm tử thi, nhà chức trách tìm thấy trong ví người bạc mệnh một bức ảnh mỹ nhân. Lại có người đồn rằng ông Kính tự tử vì tiền, vì thua bạc, nhưng đó toàn là lời phỏng đoán cả, ông Kính không để lại thư từ cũng không dối dăng lại người nhà một câu nào; ông chết đi, để lại một vợ trẻ và một đứa con gái lên ba".
Hảo giọng thản nhiên, không chút cảm động, bảo Hoằng:
- Nhưng việc xảy ra ở tỉnh nào?
- À!... Đây rồi... Phải, Kính ở Phú Thọ, thế mà mình quên bẵng...
Và Hoằng như nhìn thấy đứng sững trước mặt một thanh niên vạm vỡ, cao lớn, khổ mặt, thân hình, cho chí ngôn ngữ cử chỉ nết na giống một người Âu. Kính rất ít nói tiếng Việt, và khi trò chuyện rất hay làm điệu bộ. Hoằng không thể ưa được cái anh chàng động cãi lý là như sừng sộ với người ta ấy, nhưng nay nghe tin hắn tự tử, Hoằng cũng cảm động thương xót. Mới cách đây chừng hai tháng, Hoằng vì nể Hảo, đã miễn cưỡng ngồi đánh bất với hắn, trong suốt một đêm ròng. Không thấy ai lại thị của, lại coi rẻ tiền như hắn! Đặt một cuốn giấy bạc năm đồng, đặt không đếm, mà cửu vạn còn thò tay rút lấy để thua. Hắn cười, nói lớn rằng rút lấy mười để cướp trang của Hảo, nhưng kỳ thực hắn coi như có hân hạnh được Hảo thu tiền của mình; Hảo thì sáng suốt lắm, tính từng nước bài, thận trọng từng nước rút, tuy nàng làm ra vẻ hồi hộp, làm ra không cần ăn thua, đánh bạc chỉ cốt để tiêu khiển. Hoằng cũng nhận thấy thế, trước kia chàng cho rằng Hảo chỉ giữ gìn để khỏi thua, khi mà xã giao không thể tránh được những cuộc hội họp đỏ đen rất hợp thời trong đám sang trọng đời nay. Một hôm chàng chợt nghĩ: "Nếu Hảo không được bạc thì không hiểu nàng lấy tiền đâu mà tiêu xài rộng rãi quá sức tưởng tượng của Hoằng. Xin bà Án thì cũng phải có chừng thôi. Thì ra cờ bạc là một sự tính toán trong đời xa hoa của Hảo".
Buồn rầu Hoằng quay nghĩ đến mình.
Chàng là người ghét chơi bời, nhất là ghét cờ bạc. Thế mà vì nể Hảo, chẳng một cuộc hội họp nào mà chàng không góp một chân. Đành rằng chàng chỉ đánh nhỏ và không cốt ăn thua như Hảo, nhưng cờ bạc bê tha thì vẫn là cờ bạc bê tha. Có lần ở trong lớp học chàng đã xấu hổ ngừng lại giữa một bài luân lý về cái hại đổ bác! Chàng ướt mồ hôi, lạnh cả người như vừa phạm tội gian ác và được nghe tiếng dõng dạc tuyên án, và chàng tự hứa, chàng quả quyết sẽ cản ngăn Hảo, không cho Hảo đi sâu mãi vào con đường lầm lỗi ấy nữa. Nhưng lòng quả quyết, chỉ tới nhà, khi chàng gặp Hảo, là đã tan vụn như ngói non. Không bao giờ chàng dám khuyên Hảo một câu. Đừng nói khuyên răn, đến trái ý Hảo chàng cũng sợ hãi cuống quýt lên rồi.
Bây giờ cũng vậy, những cảnh tượng bê tha về cờ bạc, mà cái chết của Kính vừa gợi vẽ ra trong ký ức chàng vẫn đương làm chàng băn khoăn muốn ngăn cản Hảo, và chàng đương đợi một cơ hội may mắn đến giúp chàng bắt đầu được. Bê tha nhất cái cảnh tượng rút bất ở giường ngủ của Hảo! Hảo mệt quá mà đêm đã khuya, lúc đó vào khoảng hai giờ sáng, nàng liền bàn thiên cuộc bất, từ bàn ăn vào giường ngủ. Cố nhiên ai nấy ưng theo. Còn Kính thì mừng reo lên. Hảo nằm đắp chiếc mền chiên trắng lên đến vai, và vừa ngái ngủ vừa rút bài...
Hảo đánh phấn xong, ở phòng bên bước ra đứng trước mặt Hoằng và hỏi:
- Anh ngắm hộ, cái áo len này, nó cắt có được không?
Hoằng ngả đầu về đằng sau, nghiêng đầu bên nọ bên kia, rồi khen: "Được lắm, với lại cắt áo cho cô rất dễ, chỉ những cô gầy, béo thân thể xộc xệch mà cắt được đúng áo mời tài".
Hảo mỉm cười, sung sướng, vẻ mặt rạng rỡ, tuy câu khen ngợi của Hoằng nhắc lại lần này không biết là lần thứ mấy mươi. Hoằng lại tiếp luôn:
- Anh Hiên, professeur de culture physique ấy mà, hẳn cô cũng biết đấy. Anh ấy bảo chính những ông thợ may, nhất là những ông thợ may giỏi ngày nay đã làm hại các cô và cả các cậu nữa. Họ khéo độn, khéo thắt khiến các cô các cậu che đậy được cái thân lệch lạc, xấu xí. Thành thử các ngài không nghĩ đến tập thể dục nữa. Chính phủ cứ ra lệnh cấm độn y phục nam hay nữ thì chẳng bao lâu thanh niên nước nhà sẽ ra người hết.
Hảo cười to, nói:
- Anh đi xa quá, vả nếu chỉ có tấm thân nở nang, có chí quả quyết luyện tập thân thể mà không bỏ những tập quán xấu làm hèn yếu con người về phương diện vật chất cũng như về phương diện tinh thần, cái tập quán đánh bài đánh bạc chẳng hạn.
Hoằng mừng thầm đã tóm được dịp để khuyên răn Hảo. Nhưng Hảo lơ đãng cúi xuống ngắm nghía:
- Màu này được chứ?
- Màu nước biển là màu mùa thu.
Thấy Hảo mủm mỉm cười, Hoằng ngừng lại, hỏi nàng:
- Có phải màu nước biển là màu mùa thu không, cô?
- Em cũng không nghe ai nói màu nước biển là màu mùa thu, nhưng hình như đúng đấy, Thu thủy mà lại.
Hoằng vơ vẩn tiếp luôn:
- Phải. "Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc".
- Anh giỏi chữ Hán nhỉ?
- Chuyện! Thập niên đăng hỏa của người ta, cô phải biết, tôi sắp soạn một cuốn chữ Hán dài tới hai nhăm vạn chữ.
Dứt lời Hoằng cười vui thú. Nhưng Hảo đã không để ý đến lời chàng nói. Nàng đương nghĩ tới chuyện khác. Và nàng đột ngột hỏi:
- Quái! Sao mãi bây giờ mình mới biết nhỉ?
Hoằng ngơ ngác nhìn, không hiểu. Chàng chợt nghĩ tới câu chuyện Kính tự tử mà cái áo len màu nước biển của Hảo đã làm cho hai người quên bẵng đi.
- Thì bây giờ mình xem báo mới biết.
Hảo vốn như mơ màng:
- Xem báo? Em nói chuyện anh... anh Cảnh kia mà. Sao mãi bây giờ chúng ta mới biết ông Thiện có con trai vừa đậu Cử nhân luật nhỉ?
Hoằng lạnh lùng:
- Vì mãi hôm qua mình mới mời ông ta lại chơi.
- Em lại cứ tưởng anh chơi bời quen biết rộng thì việc gì ở Hà thành anh cũng rõ kia đấy.
Câu nói, Hoằng nghe như trách móc. Chàng mát mẻ đáp lại:
- Cô nói như tôi là thổ công Hà Nội không bằng? Vả ông Thiện năm nay năm mươi mà có người con trai hăm nhăm hăm sáu là một việc rất thường, có gì mà cô phải lấy làm lạ?
Hảo giọng hơi gắt:
- Em có lạ rằng ông ấy có con đâu, em chỉ lạ một điều là mãi nay mới biết ông ấy có con trai lớn. Không bao giờ ông ấy nói chuyện ông ấy có con trai lớn. Một điều lạ nửa, em cứ tưởng ông ấy không ở Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng về chơi thôi.
- Thì vẫn! Ông Thiện quanh năm ở đồn điền. Ở Hà Nội thường chỉ có Cảnh và một người em gái.
- Em gái Cảnh hay em gái ông Thiện?
- Em gái Cảnh, vào trạc tuổi cô. Hôm qua lúc đến tìm Cảnh tôi gặp cô ta ở cửa sổ nhìn ra... Người cũng đẹp.
- Cũng đẹp! Nghĩa là không đẹp lắm?
- Đẹp lắm thì không đẹp lắm, nhưng mà đẹp.
- Có thể mời đến chơi được không nhỉ?
- Sao không được?
Hảo như vừa nhớ ra:
- Phải rồi! Em nói mẹ em làm bữa tiệc mời ông Thiện và hai người con đến dự.
- Có thì phải mau mau lên, không... nhỡ, ông Thiện lại đi đồn điền.
- Chủ nhật này nhé! Vậy phải gửi thiếp mời ngay từ hôm nay nhỉ? Nhưng thôi đi chứ.
- Mẹ em đã dậy rồi đấy.
Nàng lắng tai nghe tiếng dép.
- Hôm nay cụ dậy sớm nhỉ! Chờ tí nửa mình hãy xuống... À! Sao anh biết ông Thiện năm mươi tuổi?
- Tôi cũng đoán phỏng... Thì cũng chừng tuổi ấy.
- Em cứ tưởng ông ấy độ ngoài bốn mươi.
- Không thể nào, Cảnh lại không đến hăm nhăm, hăm sáu rồi à? Vậy ông Thiện ít ra phái bốn bảy, bốn tám, mà biết đâu Cảnh lại không có một vài anh hay chị?
- Được, rồi sẽ biết. Bây giờ thì hãy đi chơi đã.
Hai người xuống nhà vào phòng riêng của Hảo, người đầy tớ gái đương ngồi lau bàn ghế, đứng lên nói:
- Thưa cô, anh tài xế chờ cô mãi, anh ấy...
Hảo ngắt lời:
- Anh ấy đâu?
- Thưa cô, bà sai anh ấy xuống phố có tý việc. Anh ấy bảo đưa hầu cô tờ giấy này.
- Đâu? Đưa đây!
Hảo cầm tờ giấy chữ viết bút chì nhẩm đọc rồi trao lại cho Hoằng:
- Năm con, ông Thiện có năm con.
Hoằng đọc to:
- "Bốn gái và một trai. Người con gái đầu lòng lấy ông Huyện, người thứ hai lấy chồng Tham tá. Người thứ ba là con trai, hiện đã đỗ cử nhân luật. Người con gái thứ tư vừa lấy chồng đốc-tờ, người con gái út tên là Oanh đã đỗ tú tài, chưa chồng".
Rồi Hoằng cười nói:
- Điều tra tường tận lắm. Cô mà làm trinh thám thì hẳn là đắc lực.
Hảo vẻ mặt suy nghĩ:
- Thì ra Cảnh là con một.
Nàng hỏi người đầy tớ gái:
- Nhài, cụ đã xơi sáng chưa?
- Thưa cô, cụ lớn đương xơi, cụ lớn bảo mời cô và cậu xuống xơi, con bẩm cậu và cô đã thất lễ rồi.
Nhài bỏ xuống bếp, Hảo bảo Hoằng:
- Vậy chúng ta đợi một lát nữa, để cụ ăn xong đã.
Nàng ngồi im lặng, nhớ lại cuộc phụ đồng chén tối hôm trước, bỗng nàng hỏi:
- Anh có tin phụ đồng chén không?
Hoằng mỉm cười hỏi lại:
- Nhưng cô có tin không đã!
Rồi chàng nói buông sõng:
- Để đến chủ nhật cô hỏi Cảnh!
- Luyện nghe chừng đáo để lắm, phải không anh!
- Nghe đâu thế. Tôi ngờ rằng Luyện đã bài trí cuộc gặp gỡ tối hôm qua.
Hảo chau mày:
- Cuộc gặp gỡ?
- Phải, cuộc gặp gỡ của hai cha con ông Thiện.
- Bài trí như thế để làm gì mới được chứ?
- Nào biết!
Hảo giọng không bằng lòng:
- Vậy thì anh ấy chẳng bài trí gì cả. Hai người gặp mặt nhau là do một sự ngẫu nhiên.
- Cũng có lẽ thế, mà cũng có lẽ Luyện đã muốn cho có cuộc gặp gỡ.
Hảo khó chịu:
- Anh hay ngờ vực lôi thôi lắm! Cha con người
ta luôn luôn trông thấy mặt nhau. Bài trí ra cuộc gặp gỡ để làm gì?
Hoằng như trêu tức:
- Gặp nhau ở nhà khác, gặp nhau ở đây khác, khác nhiều.
Hảo có dáng giận dử, nói lảng:
- Sang phòng ăn đi! Chắc mẹ em xơi xong rồi đấy.
Thực thế, bàn ăn đã thu dọn. Bà Án ngồi uống nước xỉa răng.
Hảo đùa bỡn hỏi mẹ:
- Hôm nay mẹ không bắt tóc sâu?
Bà Án cười:
- Nó mọc nhiều lắm, mẹ sợ bắt mãi thành trọc mất, nên từ nay mẹ để vậy.
Hoằng chữa thẹn cho cô:
- Thưa cô, sợ để thế ngứa.
- Cô già rồi cháu ạ. Để đầu hoa râm là phải.
Bà thở dài nói tiếp:
- Chả còn mấy năm nữa mà đầu tóc bạc phơ!
Rồi bà hỏi:
- Hai anh em đi chơi đâu đấy.
Hảo đáp:
- Chúng con xuống phố có tí việc.
- Hôm nay thứ năm, anh giáo nghỉ, mẹ toan cho tài xế đi mời ông Thanh Đức đến đánh mạt chược, nhưng lại không biết nhà ông ấy ở đâu...
Rồi bà phàn nàn:
- Có thế mà cứ quên không lần nào hỏi xem ông ấy về Hà Nội ở phố nào, với lại cái ông ấy cũng lạ, hôm nào về cũng đến thẳng đây rồi lại ở đây đi thẳng đồn điền, không mấy khi lai vãng qua nhà qua cửa, cho nên mẹ thấy cũng không cần hỏi chỗ ở của ông ấy làm gì. Mãi hôm qua con ông ấy lại chơi mẹ mới biết ông ấy có nhà ở Hà Nội đấy.
Hoằng nói:
- Thưa cô, cháu biết nhà ông Thanh Đức.
- Vậy cháu bảo tài xế đi mời nhé?
Hảo gạt phắt:
- Thôi mẹ ạ, anh con bận chút việc phải xuống phố. Để khi khác. Hay là thế này: Mẹ mời ông Thanh Đức và hai con ông ấy chủ nhật này đến xơi cơm rồi đánh mạt chược, hay tổ tôm, tùy mẹ.
- Thế cũng được. Nhưng ông Thanh Đức có hai con ở Hà Nội à?
- Một trai một gái.
- Vậy con viết thiếp mời hộ mẹ.
- Vâng, thưa mẹ con viết thiếp mời ngay nhé?
- Ừ, tùy con.
Sau khi Hoằng và Hảo ra đi, bà Án ngồi lặng hồi lâu, như cố tính toán xếp đặt việc khó khăn.
CHƯƠNG 3
Cũng sáng hôm ấy, Cảnh thức giấc có cảm tưởng vừa qua một giấc chiêm bao. Nằm suy nghĩ trong vài phút, Cảnh nhớ lại ngay rằng giấc chiêm bao ấy chỉ là những sự thực đã xảy ra đêm hôm trước, và liền đó sự ngờ vực lại nhóm lên, mãnh liệt như lúc ban đầu, người vợ kế của cha sẽ là Hảo: "Phải, không Hảo thì còn ai vào đấy? Chả lẽ là người đàn bà góa, chả lẽ là bà Án?... Nhưng mà sao lại không thể là bà Án được?"
Cảnh ngừng ngay lại, không dám luận lý nữa, chàng cho sự phân vân ngờ vực giữa hai mẹ con Hảo trong lức này, ở trường hợp này, là thừa, là sáo nữa, sáo trong tư tưởng cũng như trong thực tế. Chàng thấy chàng không thành thực, hơn thế, chàng thấy chàng có vẻ kịch, đóng một vai kịch, chẳng khác Rodrigue trong sự phân vân giửa tình và hiếu và chàng bật cười: "Là ai, rồi sẽ biết, mà muốn biết ngay cũng không khó khăn lắm, chẳng hạn hỏi thẳng ông cụ..."
Tiếng chuông đồng hồ "Wesminter" ở phòng khách dưới nhà vọng lên rõ từng tiếng, thong thả và ngân nga như một điệu âm nhạc buồn. Cảnh đếm nhẩm, rồi tung chiếc chăn ra, vùng ngồi dậy, tự nhủ thầm: "Chín giờ rồi!" Chàng chạy sang phòng rửa mặt, quay về phòng ngủ vội vàng mặc quần áo, như người hấp tấp sửa soạn ra ga, và sợ lỡ giờ xe hỏa sắp tới.
Y phục trang sức xong, Cảnh ngồi thừ trên ghê nệm, vẻ mặt, dáng bộ chán nản. Có lẽ chàng vừa chợt thấy cái việc cần kíp phải làm ngay của chàng đã lỡ dịp rồi, hoặc không còn có nghĩa gì nữa và chàng đành bỏ rơi.
Yên lặng một lúc lâu, Cảnh trở lại bình tĩnh, lấy thuốc ra hút; rồi ra đứng tỳ ở cửa sổ huýt sáo nhìn xuống sân.
Có tiếng gõ cửa phòng, tiếp liền tiếng Oanh:
- Anh thức hay ngủ?
- Thức, em cứ vào!
Oanh mở cửa, cười, giơ ra một tấm thiếp:
- Đố anh biết thiếp mời của ai?
- Thiếp mời anh?
- Mời thầy, anh và em.
Cảnh giật mình, tâm linh như vừa báo cho chàng biết rằng người gửi thiếp là Hảo, và chàng hỏi:
- Có phải...
Bỗng chàng sợ hãi ngừng lại.
- Đố anh đoán được là ai?
- Anh chịu. Ai thế em?... Hay anh Đoan?
- Không phải nhé! Bà Đặng Khác Thuần nhé! Bà Đặng Khắc Thuần nhé!
Cảnh ngơ ngác:
- Bà Đặng Khắc Thuần?
- Vâng, bà quả phụ Đặng Khắc Thuần.
Vô tình Cảnh hỏi:
- Tên bà ấy là Đặng Khắc Thuần à em?
- Chừng thế. Cũng bây giờ em mới biết. Trước em chỉ nghe người ta gọi là bà Án.
Cảnh đỡ lấy cái danh thiếp trên tay em, cầm tò mò đọc: "Madame veuve Đặng Khắc Thuần, 9... phố Quan Thánh" và buột miệng kêu:
- Đích rồi, chỗ ở đúng.
- Anh cũng biết? Anh đã đến đấy!
Cảnh lí nhí đáp:
- Đã.
Và đọc luôn: "Xin mời ông và lệnh lang, lệnh nữ chủ nhật này..."
- Chủ nhật này? Hôm nay mời là thứ... thứ mấy, nhỉ?
- Hôm nay là thứ năm, còn những ba hôm nữa.
- Nhưng thầy đâu?
- Thầy đi từ sáng sớm. Có lẽ thầy lên đồn điền.
- Vậy phải từ chối chứ?
- Thầy không về thì cố nhiên là phải từ chối, nhưng biết đâu thầy lại không đến đấy.
- Đến nhà bà ta?
- Hay nhà cô ta cũng thế.
Cảnh nhìn thẳng vào mắt em, hỏi:
- Vậy em tin chắc rằng cô ta... rằng thầy sẽ cưới cô ta làm vợ... Anh thì anh cho... khó lòng Hảo bằng lòng... Hảo ưng thuận.
- Tên cô ta là Hảo?
Và Oanh mỉm cười. Cảnh tiếp luôn:
- Anh chẳng trinh thám gì cả. Tối hôm qua cô ta mời anh đến chơi và từ lúc ở nhà cô ta về anh đã hai ba lần nói đến cái tên ấy với em. Chẳng qua em quên đấy thôi.
- Vâng thế thì em quên thực. Nhưng chính cô ta mời anh đến chơi? Câu chuyện ngộ nghĩnh nhỉ!
- Thật ra thì đó là câu chuyện ngẫu nhiên: một linh hồn đã gọi anh đến, một linh hồn người chết. Hảo và Hoằng và mấy người bạn Hoằng phụ đồng chén. Thế rồi hồn bắt đi tìm anh đến.
- Phụ đồng chén? Anh có tin phụ đồng chén không?
- Tin hay không, đó là một chuyện khác. Chỉ biết ông Hoằng lại đây tìm anh, và anh đã đến.
- Ông Hoằng là ai?
- Ông Hoằng là anh em cô cậu với Hảo. Ông ta ở cùng nhà với Hảo. Hình như ông ta chiều Hảo lắm, Hảo bảo làm gì, sai đi đâu là vâng lời răm rắp.
Oanh cười sung sướng vì thấy câu chuyện mỗi lúc một thêm ngoắt ngoéo, đầy chi tiết mới lạ, nàng hỏi:
- Ông Hoằng làm gì, hử anh?
- Làm giáo sư. Lúc ông ta đến tìm anh, anh cứ tưởng ông ta là người nhà ai, vì ăn mặc lôi thôi quá, đánh cái áo trắng dài, cái quần trắng dài, đầu đội mũ dạ, chân đi dép Nhật Bản. Hình như ông ta vội vàng ra đi nên không kịp nghĩ tới ăn mặc chỉnh tề. Đương phụ đồng chén thì thầy và bà Án xem chiếu bóng về.
- Thầy?
Oanh kinh ngạc hỏi.
- Ừ, thầy về. - Cảnh thản nhiên kể tiếp - Lúc ấy trời mưa to. Rồi tan cuộc phụ đồng chén.
- Thì ra anh gặp thầy ở nhà... cô ta. Thầy có ngượng không?
- Không, việc quái gì thầy ngượng!
- Thế mà tối hôm qua anh không cho em biết ngay, anh tệ quá.
- Tối hôm qua có thầy ở nhà, anh sợ thầy nghe thấy.
Sự thực tối hôm trước, Cảnh trí rối bời tâm hồn xao xuyến, chưa bình tĩnh mà thuật lại câu chuyện đương làm đảo điên tất cả người chàng.
Oanh thở dài nói:
- Thế nghĩa là có thực rồi.
- Có thực thì cũng chưa chắc có thực.
Oanh giọng hơi gắt:
- Vậy thế nào mới có thực? Đưa bà mẹ vợ đi xem cinéma.
- Ấy chính thế mà anh ngờ rằng không có thực. Sao thầy không mời Hảo cùng đi. Chẳng lẽ thầy yêu cô ta, say mê cô ta mà lại để cô ta ở nhà phụ đồng chén với một lũ bạn đẹp trai... hơn mình?
Oanh cười:
- Chặc... với lại cần lấy lòng bà mẹ hơn lấy lòng cô con nhiều. Bà mẹ bằng lòng là xong.
Cảnh chau mày:
- Là xong! Dễ dàng quá! Anh thì anh cho trái ngược thế. Cần nhất phải Hảo bằng lòng. Em chưa biết đấy. Anh chỉ thoáng qua cũng rõ rằng quyền bính ở trong tay cô con, ở cả trong tay Hảo. Hảo muốn sao là mẹ phải theo vậy.
- Ấy là anh đoán.
- Nhưng đoán đúng... Em có chắc thầy đi đồn điền rồi không?
Oanh cười:
- Anh băn khoăn lắm nhỉ! Chừng anh sốt ruột muốn hỏi thầy.
- Không phải thế, nhưng phải trả lời người ta chứ.
- Điều ấy thì không lo. Ban nãy em đã trả lời miệng người mang thiếp rằng thầy đi vắng khi nào thầy về sẽ có thư phúc đáp... À này anh ạ, nếu chuyện có thực, thì sẽ có việc vui mừng của thầy trước hay việc mừng của anh trước đấy?
Cảnh gắt:
- Thôi, đừng nói đến câu chuyện ấy nữa, anh sốt ruột lắm.
- Việc gì mà sốt ruột?
- Nhưng anh cứ sốt ruột thì biết làm thế nào?
Rồi để chấm hết câu chuyện, Cảnh hỏi em:
- Em đã ăn sáng chưa? Có gì cho anh ăn không? Anh đói lắm.
- Nhưng gần mười giờ rồi còn ăn uống gì nữa. Chờ bữa cơm trưa ăn cho ngon miệng anh ạ.
- Em pha cho anh cốc cà phê sữa vậy.
- Vâng. Em đi pha ngay nhé!
Oanh ra khỏi phòng. Cảnh mừng rằng đã thoát được câu chuyện mà chàng tưởng sẽ kéo dài không bao giờ dứt.
Nhưng ngồi một mình, câu chuyện ấy lại âm thầm nói tiếp. Và tránh được bàn cãi với em, chàng vẫn tự bàn cãi với chàng.
Bây giờ thì lòng chàng chỉ loay hoay về sự ngờ vực. Sự ngờ vực làm chàng khổ sở đến nỗi chàng không còn sáng suốt bình tĩnh mà nghĩ tới việc gì khác nữa. Cả đến hình ảnh mỹ nhân cũng không còn để dấu vết! Mặt nước nổi sóng in sao được bóng trăng tròn?
Lúc này Cảnh rất mong gặp cha để hỏi cho biết rõ và chàng cô tìm ra những câu hỏi lọt tai, những câu hỏi đỡ sống sượng. Những câu mà con có thể nói với cha được!
"Bẩm thầy, con nghe nói thầy sắp tục huyền. Có phải không ạ?" Câu ấy Cảnh cho chưa được ổn. Vả nếu cha chàng gật thì chàng vẫn chưa rõ tục huyền với ai, điều mà chàng muốn biết đích xác, vì trừ Hảo ra cha chàng tục huyền với ai chàng cũng mặc, chàng cũng bằng lòng. Vậy phải hỏi: "Thầy sắp lấy cô Hảo, phải không?" Câu hỏi đại khái sẽ như thế, nhưng xoay sao cho khéo, cho có vẻ lễ phép và thân mật. Chẳng hạn: "Bẩm thầy hôm qua cô Hảo nói chuyện với con, nhắc mãi đến thầy, con xem ra có chiều mến yêu thầy lắm". Nói thế nhất định không được rồi. Vì ông cụ có thể tưởng Hảo luyến ái mình, mà bỗng nảy ra ý muốn tha thiết lấy Hảo làm vợ, ý muốn mà trước kia ông cụ chưa có hay đã có, nhưng còn bấp bênh. Như thế, có khác gì xúi giục cha lấy Hảo. Cảnh âm thầm suy nghĩ và mỉm cười. Chàng vừa chợt có dã tâm nói xấu Hảo với cha. Để khỏi tự thẹn, tự bỉ rằng mình sẽ là một người sàm báng, không tốt, Cảnh cho ngay rằng đó chỉ là một mưu mẹo khôn khéo để dò biết sự thực mà thôi.
Có tiếng kẹt cửa. Chàng giật mình quay lại, Oanh đi vào bưng cốc cà-phê sữa đặt trong chiếc khay nhỏ, cười nói:
- Anh dùng tạm. Chắc không được ngon. Vì em pha cà-phê với nước trong thermos (bình thủy). Em muốn chóng nên không bảo nó đun nước sôi.
- Cũng được, em ạ.
Cảnh đỡ lấy cốc ở tay Oanh, uống một hớp rồi ngẫm nghĩ bảo nàng:
- Cũng ngon đấy, em ạ. Cám ơn em nhé.
Oanh như có vẻ suy nghĩ, nhìn qua cửa sổ như ngắm nghía ngọn cây sữa xa. Và không quay lại, bảo anh:
- Anh ạ, em rất mong thầy nhận lời.
Cảnh để cốc cà-phê xuống bàn hỏi:
- Nhận lời ai cơ em?
- Nhận lời mời dự tiệc ấy mà. Em muốn gặp mặt mẹ con bà ta.
Cảnh không trả lời câu hỏi của em.
- Anh thì anh rất không tin, không tin một tý nào.
Oanh ngơ ngác:
- Anh không tin cái gì? Không tin thầy nhận lời?
- Anh không tin thầy sẽ cưới Hảo. Đây nhé, nếu người ta định lấy thầy thì khi nào người ta lại mời ba bốn ngươi con thầy đến dự cùng một bữa tiệc với mẹ con người ta, mà có lẽ chỉ với mẹ con người ta thôi hay với Hoằng nữa là cùng.
Oanh vần im lặng, suy nghĩ; Cảnh lại nói tiếp:
- Ừ, nếu người ta định lấy thầy, thì những mặt người ta muốn tránh cho tới khi thành vợ thành chồng, là những đứa con, là bọn chúng mình... Đó là một lẽ rất thường, rất tự nhiên... Đằng này không... người ta... Không, anh quyết không... Phải thế này, em à, chắc thầy cũng có nhiều lần giúp đỡ bà ta, cho bà ta vay muợn chẳng hạn... Thế rồi người ta phải tử tế lại... Thiệt gì cách giao thiệp nhã nhặn những lời nói... thân mật... có khi...
Cảnh ngừng lại cất tiếng cười.
- Phải, có khi âu yếm nữa. Đàn bà con gái thì bao giờ ngôn ngữ cử chỉ chẳng âu yếm, nhất khi người ta lại có ý muốn, người ta lại định bụng làm ra thân mật, âu yếm, anh chắc thế, vì anh thấy Hảo khéo lắm. Bữa tiệc cũng vậy. Đó là một dịp để thêm sự thân mật với... với nhà ta... Chả người ta biết thầy yêu mến anh em mình mà! Người ta cho rằng mời cả anh em mình đến dự tiệc với thầy thì thầy cảm động lắm. Có thế thôi.
Oanh lơ đãng đứng nghe. Bỗng nàng lắng tai chú ý rồi báo Cảnh:
- Hình như thầy về. Đích rồi! Còi ô-tô nhà.
Một lát sau, quả thực xe ông Thiện qua cổng tiến vào vườn, sỏi trên lối đi kêu lạo xạo.
Cảnh và Oanh lặng lẽ đứng chờ. Tiếng ông Thiện hỏi: "Cậu Cảnh và cô Oanh có nhà không?" Oanh vội chạy ra cầu thang nói xuống:
- Bẩm thầy có ạ, chúng con có nhà.
Nàng xuống phòng khách, Cảnh cũng mỉm cười theo xuống, rắp đem thi hành mưu kế đã dự định.
Vừa thấy Oanh ông Thiện vui cười nói:
- Thầy đã hỏi giá sắt. Cao lắm.
- Thầy mua sắt?
- Ừ để làm nhà. Thầy đương dựng dãy nhà làm chè.
Cảnh tới sau, nói:
- Con cứ tưởng thầy đi đồn điền rồi.
- Thầy đi bây giờ đây.
- Có giấy mời thầy dự tiệc đấy.
Ông Thiện hỏi vội vàng:
- Ai mời? Mời hôm nào?
Cảnh làm như chưa xem thiếp mời, bảo Oanh:
- Giấy đâu em?
- Em để trên buồng anh.
Oanh chạy lên lấy thư xuống đưa cho cha, ông Thiện đọc, vẻ mặt nghĩ ngợi, hàm răng trên cắn môi dưới:
- Đằng bà Án. Mời cả anh em con.
Ba người cùng im lặng, và không ai nhìn ai. Oanh mở đầu:
- Ban nãy con bảo anh người nhà rằng lúc nào thầy về sẽ có thư phúc đáp.
Cảnh tiếp:
- Vậy thầy có nhận lời không?
- Được, thầy rẽ qua đằng ấy.
Cảnh và Oanh đưa mắt nhìn nhau.
- À, nhưng các con... Các con đến nhé?
Cảnh vờ không hiểu:
- Đến với thầy bây giờ?
- Không, chủ nhật đến dự tiệc ấy chứ.
Oanh giọng nũng nịu:
- Con thì con ký cả hai tay.
Cảnh mỉm cười:
- Con cũng vậy.
- Vậy được rồi!
Cảnh làm như hỏi cho có chuyện:
- Bẩm thầy, bà Án Thuần giàu lắm, có phải không?
- Cũng chả giàu lắm.
- Bẩm không giàu mà sao ăn tiêu rộng rãi như một bà hoàng thế! Tiệc tùng khách khứa luôn.
- Không giàu lắm, nhưng mà cũng vào bực khá giả.
- Lại cả cô con nữa. Chả làm gì, chỉ ngồi mà ăn tiêu như thế, núi cũng phải lở. Con chắc trước kia nhà ấy giàu lắm.
- Hình như thế.
- Ăn tiêu đã vậy, lại còn bạn bè chơi bời... bạt mạng.
Ông Thiện cô giữ điềm tĩnh, bảo con:
- Không, con cứ tưởng thế đấy, chứ người ta cũng là nhà nền nếp. Người ta tiêu pha rộng rãi nhưng người ta cũng làm ra tiền để mà tiêu pha rộng rãi.
Cảnh mỉm cười:
- Bẩm thế bà Án có buôn bán?
- Có chứ. Con đừng thấy nhiều người ngồi một chỗ mà tưởng người ta không buôn bán. Thời buổi kinh tế này thường thường những người không có vẻ buôn bán lại chính là những người lãi hàng nghìn hàng vạn. Người ta buôn đấy, rồi bán đấy, chẳng cần có cửa hàng cửa họ gì cả đâu.
- Bẩm những tay đầu cơ chứ gì! Vậy chừng bà Án cũng là một nhà đầu cơ.
Ông Thiện cười:
- Đầu cơ! Cái tiếng mới to làm sao! Nói rộng ra và rất đúng lý thì phàm những nhà phú thương đều là những nhà đầu cơ tuốt. Hàng đương lên giá, giữ lại không bán vội, thế cũng là đầu cơ chứ gì. Đằng này người ta thấy cửa hàng kia cần tiền, người ta mua hàng giúp rồi gửi đây để chờ giá cao hơn đem bán, có khi lại đem bán ngay cho chính cửa hàng đã để hàng cho mình. Hai trường hợp trên này có khác gì nhau? Nếu cho là đầu cơ thì cả hai cũng là đầu cơ. Thầy cho ở đời thì bao giờ cũng khôn sống mống chết. Đứa nào dại, không biết che đậy để bại lộ việc làm của mình sẽ bị coi là đầu cơ và sẽ bị pháp luật trị tội nữa. Con trót lọt được thì vẫn chẳng tiếng tai gì. Đó là tất cả mánh khóe làm giàu ở đời này và đời nào cũng vậy.
Cảnh thản nhiên đứng nghe cha. Chàng chỉ muốn dò ý cha về việc lấy Hảo. Còn câu chuyện đầu cơ và làm giàu thì chàng có cần gì biết tới. Chàng hỏi thêm:
- Bẩm, bà Án chỉ kiếm tiền bằng cách buôn bán... giấu diếm ấy thôi.
- Bà Án còn ngồi cái họ nữa. Con tính cầm cái họ mà không lãi à: cầm một bát họ một nghìn, lãi tới ba nghìn là thường. Thế mà nghe đâu bà ấy cầm một bát, con bà ấy cầm một bát.
- Bẩm thế thì một tháng kiếm đã có mấy trăm bạc rồi.
- Đấy con xem.
- Nếu vậy ai chả muốn cầm cái họ!
Ông Thiện cười:
- Con tưởng dễ lắm đấy! Phải giao thiệp rộng, phải có tư bản, phải kén chọn những người tử tế ngồi họ chứ. Nếu không có thì sạt nghiệp. Hãy nói chỉ một nhà quân mua họ rồi bỏ đi mất hay vỡ nợ không đóng được nữa cũng đủ sạt vào đấy gần nghìn bạc rồi, nếu chơi họ một nghìn thôi. Huống chi trong một bát họ có thể hai ba nhà chơi cái lối khiếm nhã hay bất đắc dĩ ấy. Vì thế trước khi mời một người họ thường phải lui tới chơi bời với người ta hàng tháng hàng năm để biết tính nết, gia thế người ta đã, tóm lại, một cái cần phải quảng giao, phải tinh khôn, phải thông minh...
Cảnh mỉm cười:
- Thảo nào mà cô Hảo có nhiều bạn, cả bạn trai nữa.
Ông Thiện đăm đăm nhìn con:
- Sao con biết?
- Tối hôm qua thầy cũng trông thấy các bạn của cô ta.
- Ồ! Đó là bạn ông giáo Hoằng đấy chứ.
- Con thấy đối với cô Hảo họ cũng tự do lắm.
- Trong bọn thiếu niên nam nữ ngày nay, ngôn ngữ tự do là một sự thường rồi.
Ông Thiện cười lớn nói tiếp:
- Thầy cứ tưởng con chẳng lạ gì điều ấy.
Oanh cũng cười, yên lặng nhìn anh.
Cảnh hơi ngượng, vì thấy rõ sự tà khuất của mình. Chàng lặng thinh, lòng tự thẹn. Ông Thiện, nét mặt trở nên suy nghĩ.
Bỗng ông vui vẻ nói:
- Vả lại chuyện riêng của người ta thì thầy biết đâu. Đến chuyện riêng của con thầy cũng chẳng biết được nữa là!
Cảnh kinh ngạc nhìn cha. Ông Thiện lại tiếp luôn:
- Cũng có lẽ con đoán đúng vì có thể cô Hảo chẳng đứng đắn tý nào, nhưng thầy đã nói đó là việc riêng của cô ấy, có liên can gì đến con mà con cần lưu ý tới.
Oanh thích chí cười ròn, nàng có vẻ sung sướng lắm.
- Thôi thầy đi đồn điền. Các con ở nhà nhé.
Cảnh nhắc:
- Thầy nhớ chủ nhật về dự tiệc.
Ông Thiện như chợt nhớ ra:
- Ờ nhỉ! Suýt nữa thầy quên, vậy tối thứ bảy thầy về. Thầy đi đây. Cái áo paderssus nó đã đem ra cho thầy chưa, con?
- Bẩm đã.
Ông Thiện vừa đi ra hiên vừa nói:
- Bắt đầu rét rồi đấy.
Cảnh và Oanh tiễn cha tới xe, ô-tô qua cổng, ông Thiện giơ tay ra ngoài cửa xe vẫy và nói:
- Au revoir, mes enfants!(Chào, các con)
Sau một phút im lặng, Oanh báo Cảnh:
- Có lẽ không phải thực, anh ạ.
Cảnh tươi cười đáp:
- Đấy, anh đã bảo.
Nhưng có một điều Cảnh không biết, là chàng đã ngã vào cái bẫy mà chính chàng giương ra. Ông Thiện từ tối hôm trước vẫn ngờ vực thái độ của con đối với Hảo, nay thấy con nói xấu nàng, ông cho rằng ông có thể ngờ vực oan, nhân tiện ông thêm vào một câu úp mở về đời tư của Hảo, để dứt hẳn cảm tình của Cảnh, nếu Cảnh còn có một chút cảm tình đối với nàng.
CHƯƠNG 4
Sau khi ông Thiện đi rồi. Cảnh đứng thần người nhìn ra cổng hồi lâu, chẳng để ý tới câu chuyện của em. Oanh không bằng lòng bỏ lên gác. Cảnh thủng thẳng đi ra cổng, tiếng Oanh gọi ở cửa trên gác:
- Anh! Anh đi đâu đấy?
Cảnh ngửng lên mỉm cười đáp:
- Trời cuối thu đẹp quá, anh đi dạo quanh một lát.
- Nhưng gần mười một giờ rồi, anh ở nhà xơi cơm thôi chứ!
- Được, anh sẽ về ngay.
Đi vài bước, chàng quay lại nói tiếp:
- Chờ cơm anh đến mười hai giờ. Hễ mười hai giờ anh không về thì em cứ ăn, mà đừng để phần cơm nhé.
- Vậy anh ăn cơm ở đâu?
- Gặp đâu ăn đấy, thiếu gì cao lâu.
Rồi chàng rảo bước đi thẳng về phía Hồ Hoàn Kiếm; nửa giờ sau chàng tới phố Quan Thánh. Chàng tự hỏi một cách thiếu thành thực: "Sao mình lại đến đây? Mình lại đi đâu bây giờ!" Và chợt nhớ ra rằng Hảo ở phố này: "Nhân tiện đến thăm Hoằng". Chàng thấy chàng ưa thích cái tính hiền lành và ít lời của Hoằng.
Nhưng khi tới cổng bà Án, tự nhiên chàng do dự, nhút nhát, dù xưa nay chàng rất không hay nhút nhát. Để giúp chàng lui binh, một ý tưởng may mắn vụt đến trong ý nghĩ của chàng: bây giờ Hoằng sắp về tới nhà. Chàng cho rằng Hoằng sẽ ngờ vực thái độ hành vi của mình.
Chàng liền nghiễm nhiên bước qua, mắt thoáng ngước nhìn lên gác và thấy hàng cửa sổ đóng kín, chàng liền rẽ sang đường Cửa Bắc. đi ngược lên phố Nhà Thờ, lại rẽ sang phố Victor Hugo để theo đường Giám về phố Cửa Nam.
Tới nhà và ngước mắt nhìn lên gác, chàng vẫn thấy Oanh ở cửa sổ như lúc chàng ra đi, tưởng chừng nãy giờ chàng vẫn đứng yên môt chỗ, không hề nhúc nhích. Trông thấy chàng lại gần, cô em gái ngoan ngoãn cúi xuống nói:
- Chưa đến mười hai giờ, anh ạ. Anh về đúng giờ lắm. Em bảo nó sắp cơm nhé?
Oanh chạy xuống, tay nàng cầm chiếc phong bì, Cảnh hỏi:
- Thư nào thế?
Oanh vội giấu phong bì, hỏi lại:
- Đố anh biết?
Cảnh hơi cau mày:
- Thư của Lan Hương, phải không em?
- Đích! Chữ chị làm gì mà thoáng qua anh không nhận được ngay. Nếu anh đi chậm độ năm phút thì có phải đã được đọc thư chị rồi không? Không nghe lời em bao giờ cũng thiệt.
Cảnh đỡ lấy thư, Oanh nói tiếp:
- Chị hoang quá, dán tới mười hai xu tem. Thư tuy có nặng thực, nhưng giá dán chín xu cũng vừa. Độ tám trang là cùng chứ gì.
Cảnh đáp:
- Mấy trang thì cứ bóc phăng ra sẽ biết.
Vừa nói chàng vừa hấp tấp xé phong bì, và rút tập thư ra đếm tờ:
- Mười hai trang.
Oanh cười:
- Chị thực có tài viết thư. Em thì cố kéo lắm họa may được ba, bốn trang là cùng.
Cảnh cũng cười:
- Em thì cần gì phải viết dài, mà cần gì phải viết thư nữa, Bản ở cách em có một quãng đường.
- Thôi, em để anh đọc thư, em đi bảo nó sửa soạn bày bàn.
Cảnh bỏ tập giấy vào túi, đáp:
- Ăn đã rồi hãy hay. Đói lắm.
Nhưng chàng cũng lên gác vào phòng mở thư ra đọc. Chàng vừa chợt tức tối hằn học nghĩ đến Hảo, và chàng cho như đọc thư của vị hôn thê tức là trả thù được cô thiếu nữ kia.
"Anh Cảnh yêu dấu của em,
Em mong, em ước ao rằng người thương mến nhận bức thư này của em vẫn mạnh khỏe như thường. Em ước mong thế là vì em lo sợ lắm, luôn bốn hôm nay em không tiếp được thư anh".
Cảnh ngừng lại suy nghĩ. Chàng vừa có cảm giác sung sướng được một thiếu nữ tưởng nhớ từng phút, mong đợi tin tức từng giờ, vừa thấy khó chịu, cái khó chịu đột nhiên của hạng người ích kỷ muốn đời mình được hoàn toàn tự do, không phụ thuộc, không ăn cùng nhịp cùng điệu với một đời nào khác, yêu hay không yêu, quyền ấy phải ở chàng, chứ không thể ở ngoài, và chàng cho mấy lời bắt đầu thư của Lan Hương là những lời trách móc, hơn thế, là một mệnh lệnh của ái tình. "Có lẽ Lan Hương bắt ta không một lúc nào được rời nghĩ đến nàng chăng?" Tự nhiên và như do một sức mạnh huyền bí, Cảnh nghĩ đến Hảo. Hình ảnh lộng lẫy đầy tình ái của Hảo hiện ra, rõ rệt trong ký ức chàng, chàng chau mày nhịn thở, cố chống lại sự áp bức sự khiêu khích và hai tay ôm đầu, chàng cúi đọc tiếp:
"Tới đây, xin anh hãy ngừng lại, lấy giấy bút viết cho em mấy chữ anh vẫn mạnh khỏe, và bỏ phong bì gửi ngay cho em đã, để em yên lòng. Rồi anh sẽ đọc tiếp.
Đáng lẽ thư em viết tới đây là chấm hết, đế anh khỏi phải đọc nữa và đi biên thư để trả lời em ngay. Rồi mai em hãy viết cho anh bức thư khác dài hơn, nhưng em không cưỡng lại được lòng em. Em muốn viết cho anh hết cả những chữ những nét của em, anh trông rõ được lòng trung thành của em đối với anh. Anh mà ngờ vực lòng trung thành của em đối với anh thì em không thế sống được đâu.
Anh có thấy ngờ vực thì khổ sở như thế nào không anh? Em không muốn anh khổ, vậy anh đừng ngờ vực gì. Anh nên biết rằng Lan Hương là hoàn toàn của anh, trong khi tỉnh cũng như trong khi mộng. Trời ơi! Ngờ vực thì khổ biết bao!"
Cảnh rời bức thư, ngẩng lên mơ mộng nhìn trời: "Lan Hương ngờ vực chăng?" Rồi mỉm cười chàng đọc tiếp:
"Anh Cảnh thân mến của em, anh phải tin chắc như thế. Lan Hương là hoàn toàn của anh. Dĩ vãng cũng như hiện tại, cũng như tương lai của Lan Hương là của anh. Dĩ vãng của Lan Hương để đợi anh. Còn hiện tại và tương lai của Lan Hương là chắc thuộc hẳn về anh rồi.
Quan niệm của em về tình ái là thế: thanh khiết và thuần túy và chuyên nhất. Một tấm lụa trắng không ố, một viên ngọc quý không vết. Trời ơi! Em không thể tưởng tượng một thiếu nữ có một dĩ vãng... đừng nói ô uế vội, hãy nói một dĩ vãng không hoàn toàn trong sạch mà còn có thể trở nên một vợ hiền được! Trong một tiểu thuyết em đọc đã lâu và quên cái tên truyện lẫn tên tác giả, em còn nhớ một câu này của người vợ trả lời chồng: ‘‘Đời dĩ vãng của em anh không được phép nhòm nhỏ tới. Anh chỉ nên biết rằng từ ngày em làm vợ anh, thì chuyên nhất yêu anh, thế thôi...’’
Thế thôi? Không, không thể thôi được, phải không anh? Nước ao tù là nước ao tù, mà nước giếng khơi là nước giếng khơi. Có ai lấy nước ao tù đem đánh phèn để dùng làm nước uống không? Bây giờ nó trong, nhưng nó vẫn là nước ao tù. Uống vào, nếu miền cưỡng phải uống, khỏi sao không lợm giọng!"
Cảnh cau mày tự nhủ: "Dễ thường Lan Hương ám chỉ ta chăng?" Thì thư của Lan Hương trả lời chàng ngay:
"Quan niệm của em là riêng về phụ nữ. Chứ về phía nam nhi mà mong được người chồng ‘trinh tiết’ thì đó hẳn là một ảo mộng. Được người ta thương mình bằng một tình thương chuyên nhất cũng là sự hạn hữu; ấy em chắc em đã được, mà được mãi từ ngày, từ buổi sáng em gặp anh trên biến Sầm Sơn! Em đã đọc rất rõ ràng trong cặp mắt thắng thắn ấy sẽ không bao giờ phản em!"
Cảnh gấp bức thư lại, ngồi thừ ra suy nghĩ. Chàng lo lắng, sợ hãi: đôi mắt sáng của Lan Hương đương mỉa mai nhìn thẳng vào mắt chàng và chàng ngần ngừ chưa dám đọc tiếp. Tiếng mở cửa vừa đến giúp chàng ra khỏi một sự băn khoăn.
Oanh cười hỏi:
- Anh xem xong thư chị chưa?
- Xong rồi, em ạ.
Và chàng tự nhủ:"Thôi để lát nữa đọc nốt".
- Vậy ăn cơm anh nhé?
- Ừ, phải đấy. Anh đương đói.
- Thế thì hay lắm. Anh sẽ nếm món cá kho tương của em và sẽ "nói cho em biết những tin tức về nó".
Dứt lời nàng cười khanh khách. Cảnh như còn đang cáu kỉnh với bức thư của Lan Hương, tàn nhẫn bảo em:
- Giá câu ấy em nói lần đầu tiên thì anh cũng cố cười để làm đẹp lòng em, nhưng hình như câu văn nhạt nhẽo ấy em dùng đã tới lần thứ một trăm mấy rồi thì phải.
Oanh vui vẻ đáp lại:
- Vậy thì anh đừng cười và cũng đừng cố cười là hơn hết.
- Nhưng được cái món cá kho tương của em thì hẳn là không nhạt nhẽo. Thế cũng đủ rồi.
- Cũng đủ rồi? Em ước ao rằng anh sẽ cứ dễ dãi như thế mãi đối với Lan Hương sau này.
Cảnh cười lành:
- Em giận đấy? Thôi, nếu lời của anh có lẽ phạm tới em thì anh xin lỗi.
- Chả bao giờ em giận anh. Vả anh nói rất đúng, công việc của phụ nữ có lẽ chỉ ở nồi cá kho tương.
- Thôi, cái vấn đề phụ nữ ấy sau sẽ giải quyết. Bây giờ thì anh em ta đi ăn cơm đã.
- Đúng lắm, vậy xin mời anh.
Cảnh theo Oanh xuống phòng ăn, rồi hai người yên lặng ngồi vào bàn.
Cảnh vừa ăn vừa nghĩ tới đoạn thư đã đọc. Chàng mơ mộng, buồn rầu.
- Thế nào! Món cá chép kho tương của em thế nào?
- Ngon đấy chứ!
Oanh cười:
- Đấy chứ? Nghĩa là cũng ngon vậy vậy, phải không anh?
- Không, ngon chứ!
- Cũng như hôm qua em hỏi anh: "Cô Hảo đẹp không?" Anh trả lời: "Đẹp chứ!" Khiến em ngờ vực cái nhan sắc của cô ta.
Cảnh như tỉnh mộng, chăm chú nhìn em. Rồi chừng sợ Oanh ngờ vực điều gì, chàng cười đánh trống lảng:
- Đó là một thói quen của anh. Em đừng lưu ý đến là hơn hết.
- Vậy bây giờ em hỏi lại nhé. "Cô Hảo có đẹp không?"
- Rồi chủ nhật em sẽ biết. Thực ra anh cũng không rõ cô ta có đẹp hay không.
Cảnh cố nói chữ "cô ta" với giọng thực lãnh đạm, tưởng để lừa dối mình. Chàng lại thêm:
- Vả đẹp với không đẹp thì làm gì?
Oanh cười:
- Phải không anh, đẹp với không đẹp thì cần gì! Chỉ cốt biết làm cá kho tương cho thật ngon như em là được rồi. Với lại điều đó quan hệ đến thầy hơn là đến anh em mình.
Cảnh cau mày:
- Vậy em vẫn tin chắc rằng thầy lấy cô Hảo ư?
Và chàng buông bát đứng dậy.
- Mời anh xơi cơm.
- Anh đủ.
- Anh vội lên xem lại thư chị phải không?
- Có thế.
Cảnh lên gác, đứng trên cầu thang nói xuống:
- Em bảo nó mang cà phê lên cho anh nhé!
- Vâng, tí nữa em mang cà phê và bánh ngọt lên phòng anh.
Câu hỏi của Oanh khiến chàng quyết định đọc nốt bức thư còn bỏ dở nhưng khi thấy thư kéo dài mãi một giọng như trên, toàn những lời đo đắn, dò xét, chàng chán nản khó chịu, lại bỏ dở một lần nữa, để ngồi hút thuốc lá thơm, nhìn trần, mơ mộng.
CHƯƠNG 5
Hảo từ trên gác bước xuống phòng ăn, mỉm cười nhìn khắp một lượt, rồi mở cửa bên sang phòng khách lớn; ở đây, Hoằng đương sửa lại mấy bình hoa hồng va hoa nhài, quay lại hỏi:
- Cô đi đâu, bây giờ?
- Không, em chả đi đâu cả. Bây giờ đã gần mười giờ rồi còn đi đâu kịp.
Nàng cười khanh khách, nói tiếp:
- Hôm nay nhà ta như có việc vui mừng. Em tưởng tượng đương sửa soạn tiệc cưới... Và anh là chú rể, trong bộ y phục mới kia.
Hoằng lặng thinh bẽn lẽn, che khuất cái mặt đỏ gay sau bó hoa hồng lớn màu lụa bạch, cắm trong cái bình Giang Tây thấp rộng đặt trên chiếc kỷ nhỏ và cao. Thấy thế, Hảo càng trêu ghẹo:
- Được cái con cô con cậu không lấy được nhau, nếu không, chết người ta cũng ngờ anh là vị hôn phu của em.
Hoằng cố bạo dạn, lên tiếng:
- Cô thì cứ trẻ con suốt đời! Có đi trang điểm đi không! Khách sắp đến rồi đấy.
- Em chả trang điểm rồi là gì đây.
Nàng đứng thẳng lên xòe hai bàn tay ra như người lính đứng trước mặt một vị thượng tướng, chờ lệnh. Hoằng quay lại ngắm nghía và khen:
- Màu xanh chuỗi ngọc thạch ăn nhịp với màu tím chiếc áo nhung lắm.
Hảo bật cười:
- Anh làm thơ đấy à? Còn tóc, em vấn có được không?
- Được, nhưng sao cô lại đánh phấn màu gạch. Không đẹp đâu. Chính cô cũng bảo cô không ưa màu phấn ấy kia mà?
- Không ưa, nhưng hôm nay đánh màu ấy chơi.
Câu trả lời của Hảo như giấu một vẻ bí mật ở trong; sự thực thì nàng nói rất đúng ý nghĩ của nàng, nàng muốn ngộ nghĩnh, muốn trêu tức, muốn khiêu khích, điều mà nàng dự định ngay từ tối hôm phụ đồng chén. Khiêu khích vì tính thích đùa nghịch cũng có, vì một sự tính toán cũng có! Nàng biết rằng bọn đàn ông càng bị khiêu khích càng say mê đeo đuổi.
Vậy nàng muốn ai say mê đeo đuổi nàng?
Thanh Đức chăng?
Thực ra, nàng không yêu hay chưa yêu Thanh Đức. Mà điều đó rất dễ hiểu. Thanh Đức quá gấp đôi tuổi nàng. Tuy ông ta chưa phải là một ông già, dù một ông già quắc thước, mà chỉ là một người đứng tuổi, tráng kiện, thông minh, có duyên nữa. Nhưng yêu ông ta, hơn thế tưởng đến có thể yêu ông ta được, nàng ngơm ngớp lo sợ rằng hình như danh dự nàng, phẩm giá nàng, lòng tự cao tự đại của nàng sẽ bị xúc phạm. Song ghét ông ta thì quả thực nàng không ghét. Trái lại, nàng rất có cảm tình với ông ta. Ông ta là một người nhã nhặn, lẽ phép, lịch thiệp, thạo khoa xã giao, khéo biết lấy lòng phụ nữ. Nàng lại kính phục cái tài làm giàu của ông ta. Ông ta không giấu diếm gì về cái đời kinh doanh, kể với bà Án và nàng, tất cả những mánh khóe, những mưu mô khéo léo hay gian giảo mà ông ta đã biết bao phen dùng tới để đắc thắng. Những hành vi của ông ta Hảo không hề cho là nhơ nhớp.
Nàng chỉ thấy ở trường hợp ấy mà hành động như thế là đúng, là phải, là giỏi. Nàng coi ông ta như một viên đại tướng thao lược, dàn thế trận hiểm hóc để đánh bại quân địch. Đánh bại quân địch, mục đích chỉ có thế. Tới được mục đích là làm được một việc đẹp đẽ ở đời, và người thắng trận tự nhiên đẹp đẽ tăng lên bội phần.
Triết lý ấy, quan niệm ấy về đời, trời như đã phú bẩm cho nàng. Ngay từ thời thơ ấu nàng đã thích những người manh, những người có thế lực, những người thắng trong các cuộc chơi. Đầy tớ mà đánh nhau, không bao giờ nàng tỏ lòng thương hại thằng bị thua. Nàng cho thế là đáng kiếp. Ai bảo yếu? Và trong bàn bất, bàn tổ tôm, hay mạt chược, thường lập ở nhà nàng, nàng thấy những người được bạc dễ yêu quá. Mặt mày nở nang, trò chuyện vui cười. Còn những người thua, bất cứ đàn ông hay đàn bà, sao mà đáng ghét thế! Đầu bù tóc rối, môi nhợt nhạt, mắt không còn tinh thần.
Rồi tuổi nàng lớn lên, triết lý ấy, quan niệm ấy càng rõ rệt thêm càng dần dần ăn sâu mãi vào tâm khảm nàng, đến nỗi nay đã thành một chân lý, một sự dĩ nhiên không cần phải luận lý để tìm thấy. Sống là giàu, mạnh và đẹp. Sống là thắng, ở đời chỉ những người giàu, mạnh và đẹp là đáng kể. Ngoài ra, coi như không có gì nữa. Hay có mà mình không bận tâm đến thì cũng vậy.
Mỗi người phải sống trong cái xã hội của mình. Phải quên những xã hội khác đi. Mà Thanh Đức thì ở cùng một xã hội với nàng. Điều đó cũng không cần bàn cãi. Nàng cho không có gì vô lý bằng cách phân biệt xã hội quan trường, xã hội công chức, xã hội văn sĩ nghệ sĩ, chỉ có xã hội khỏe và xã hội yếu, xã hội thắng và xã hội bại.
Có một tiếng mà Hảo không dám mạnh dạn gán cho "xã hội của nàng": tiếng ấy là "tiền"; xã hội của nàng là xã hội tiền. Và tiền chính là cái khiến được nàng có cảm tình với Thanh Đức tuy chưa hẳn yêu ông ta, tiền và cách tiêu tiền.
Nàng chưa từng thấy Thanh Đức lúng túng về tiền bao giờ. Và cách tiêu tiền của Thanh Đức nàng cho đẹp như một con ngựa phi vụt lên về đích, mà chiếm giải, giữa những tiếng hoan hô của khán giả.
Mẹ nàng tiêu tiền cũng không kém và cũng không đẹp bằng. Cả một thời thơ ấu và thời thanh xuân của nàng, nàng sống trong đống tiền rừng bạc biển, ném tiền tung tóe không tiếc tay. Mùa nào thức ày không mấy khi bà Án chịu thiếu một thứ thực phẩm quý nhất trong nước, dù phải tốn kém, khó khăn đến đâu mặc lòng. Mà đã mua thì mua thật nhiều, dùng không hết, biếu bà con thân thuộc và bọn người nhà. Khách đến chơi nhà bà là làm ơn cho bà, vì tự nhiên bà lại được một dịp tiêu tiền sướng tay. Bà quí khách, chiều khách không phải vì khách mà chính vì bà. Yến tiệc xong, lại ra cuộc bài bạc, nếu thiếu chân vì khách không sẵn tiền bà bỏ ngay tiền ra cho khách dùng.
Một việc tiêu tiền này, Hảo lấy làm khâm phục lắm; trước nhà bà có một cái hồ sen rộng. Một hôm ông khách nói: giá ở giữa hồ xây một cái lầu thủy tạ thì đẹp biết bao. Cũng vui câu chuyện mà khách bàn phiếm, ai ngờ bà Án đem thực hành ngay cái ý tưởng đẹp đẽ ấy và chỉ năm sau ở giữa hồ đột ngột mọc lên một ngọn núi đá và dựa vào sườn núi một lâu đài bé nhỏ xinh xắn, y như cảnh non bộ trong bể cạn, nhưng to gấp hàng trăm lần. Công trình ấy đã giúp bà Án tiêu được một món tiền hơn vạn bạc.
Vậy sự tiêu tiền chính là dây liên lạc, dây tình cảm giữa Hảo và Thanh Đức, một người quen sống trong cái gia đình tiêu tiền, dễ dàng và không nghĩ ngợi, tiêu tiền cho sướng tay, một người có đủ tư cách đủ đức tính để tiêu tiền dễ dàng, tiêu tiền không cần đếm.
Chưa bao giờ Hảo đã tính toán đến nước bài lấy Thanh Đức. Cũng chưa bao giờ nàng đã tưởng đến kén chọn một người nào trong bọn đi lại nhà nàng. Kể thì cũng chưa có ai ngỏ lời xin lấy nàng. Tuy nhiều người Hà thành tuyên truyền rằng Thanh Đức sắp tục huyền với nàng, sự thực, ông ấy vẫn chưa dám nói thẳng đến việc hôn nhân, tuy vẫn mua chuộc lòng bà Án, coi như là mẹ vợ, và ân cần săn sóc đến Hảo như săn sóc đến vị hôn thê chính thức. Sự yên lặng của Hảo càng khuyến khích ông ta. Ông ta đem những chuyện làm ăn ra nói với Hảo. Có lần ông ta đả động cả đến vấn đề ái tình nữa. Hảo chỉ mỉm cười vơ vẩn. Ông ta cho rằng Hảo đã ngầm ưng thuận rồi.
Ưng thuận thì Hảo chưa ưng thuận. Nhưng giá Thanh Đức đánh bạo ngỏ thẳng với nàng, thì nàng cũng hơi nghĩ ngợi. Nàng không bạo dạn làm một việc mà nàng cho là quá liều. Nhưng nàng thường lờ mờ nhận thấy rằng nếu lấy Thanh Đức được thì nàng cũng chẳng khổ, cũng chẳng thất vọng. Trái lại thế, cũng nên.
Sự giao thiệp của hai người đến chỗ ấy thì dừng lại, hình như sẽ không tiến nữa, cũng không lùi nữa..
Nhưng tối hôm nọ Hảo gặp Cảnh. Chợt thấy mặt, nàng cho ngay đó là người không tầm thường. Kịp lúc nàng biết Cảnh là con ông Thanh Đức, một câu hỏi bỗng đột ngột hiện ra trong tâm trí nàng:
"Có thể nhận Cảnh là con được không?". Câu hỏi ngấm ngầm đã làm nàng phá lên cười, không phải cười bẽn lẽn mà cười sung sướng.
Ngay bây giờ đây, câu hỏi ấy đương vẩn vơ trong đầu nàng và chẳng hiểu sao nàng thấy đời đẹp quá, và nàng lại cất tiếng cười sung sướng.
Bỗng tiếng chuông điện reo lên. Hoằng đi ra hiên nói:
- Khách đã đến! Còn đứng ấy mà cười à?
- Đố anh biết cả ba cha con có cùng đến một lúc không nào?
- Chắc đến cùng một lúc, vì ông Thiện ở đồn điền về thế nào chả tạt qua nhà để đưa hai con lại.
Hảo lại cười:
- Anh làm như Cảnh và Oanh còn bé bỏng lắm, và ông Thiện đưa đi kẻo sợ lạc. Đấy rồi anh xem.
Như đáp lại sự ức đoán của Hảo, ông Thiện một mình đi vào phòng khách, ngả đầu chào và đến bắt tay Hoằng. Đoạn, ông quay ra hỏi Hảo:
- Cô vẫn mạnh?
- Cám ơn ông, em vẫn được như thường.
- Thưa cô, bà lớn có nhà không?
- Mẹ em ở trên gác! Mời ông ngồi chơi để em mời mẹ em xuống.
- Ấy thôi! Cô cứ tự nhiên, chỗ thân tình...
Thanh Đức như chợt thấy, kêu:
- Ồ. Sao cô lại đánh phấn màu da mỹ châu như thế? Tôi đã khuyên cô nhiều lần...
- Ông vẫn không thích màu gạch?
Hoằng nói chen:
- Đấy nhé! Tôi vẫn bảo cô rằng màu ấy không đẹp.
Hảo mỉm cười:
- Có lẽ màu ấy... trẻ quá!
Thanh Đức như chột dạ, nói cho khỏi phải đứng im:
- Già đi thì có.
Hảo ranh mãnh:
- Nếu thế thì em cứ để vậy, không đánh phấn lại nữa.
Rồi đương chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, nàng hỏi Thanh Đức:
- Ông biết anh Hoằng tôi là một thầy bói trứ danh không?
Thanh Đức cho là Hảo nói đùa, cười ha hả, cười làm duyên.
- Thực đấy mà! Anh Hoằng đã khảo cứu tinh tường về môn bói bài... rất là khoa học.
Thanh Đức mỉa mai:
- Khoa học?
Hoằng giọng thực và quả quyết:
- Khoa học hẳn chứ! Không phải cái khoa học vật chất tầm thường ngày nay, nhưng cái khoa học huyền bí của tất cả vũ trụ mà hiện nay người ta chưa tìm ra được đầu mối. Hoặc giả người ta bị cái khoa học vật chất làm quáng lòa, làm mê man mà xao nhãng, mà quên hẳn những điều cổ nhân trong thời toàn thịnh đã phát minh ra thì chưa biết chừng. Khoa học cao siêu ấy hiện giờ chỉ còn lại một vài dấu vết mà người ta hiểu sai đi, hay không hiểu nữa, muốn hiểu tất phải có bộ óc sáng suốt trong sạch, hoàn toàn trong sạch, không bợn một chút thị hiếu vì vật chất. Những dấu vết còn lại ấy như khoa thiên văn, khoa địa lý, khoa tướng số, khoa bói toán chẳng hạn.
Thanh Đức lại cười và chế giễu:
- Thì ra tướng số, bói toán là khoa học, chứ không phải là dị đoan nữa.
Hoằng rất là tự nhiên:
- Hẳn chứ! Phải thế. Nhưng người trần mắt thịt đã ngu ngốc làm cho thành dị đoan thì còn biết sao? Hay thế này: cửa máy huyền bí mới hé mở cho cổ nhân thoáng qua, không thể nào tìm hiểu được, giản dị cho ngay là dị đoan. Muốn hiểu tất phải gột rửa cho sạch bộ óc đã bị cái khoa học vật chất nó tiêm nhiễm, nó làm sai lạc mất quan niệm về vũ trụ. Vũ trụ có những định luật vật lý phiền phức mà bọn khoa học vật chất mới tìm thấy một vài, có tính cách trẻ con mà thôi, chẳng hạn như luật định về điện khí, về ánh sáng. Những người quá sốt sáng tin ở khoa học cho rằng các nhà thông thái đã phát minh ra hầu hết những luật định huyền bi của vũ trụ. Có biết đâu rằng trong trăm phần số thần luật mênh mông kia loài người mới tìm được một phần.
Hảo nhìn Thanh Đức mỉm cười, nói:
- Ông thấy chưa? Bói toán thuộc trong số thần luật của vũ trụ.
Hoằng chau mày đáp:
- Có thể lắm, tuy vẫn chưa chắc. Chỉ biết rằng phải có nhiều luật định huyền diệu điều khiển không những đời vật chất mà cả đời tinh thần của động vật, của sinh vật. Còn những luật định vật lý hiện đã phát minh chỉ là những khái niệm sơ cấp, chỉ là a b c của bọn trẻ con vỡ lòng. Hay bàn như thế này: Hẳn ông và cô đã có đọc những tiểu thuyết kiếm hiệp của Tàu?
Thanh Đức gật:
- Có. Sao?
Hảo cũng đáp:
- Truyện kiếm hiệp thì hay tuyệt! Nhưng kiếm hiệp lại có liên lạc đến luật định vật lý, hử anh?
- Mời cô và ông ngồi xuống. Câu chuyện hơi dài, đứng mãi sợ mỏi chân.
Hảo và Thanh Đức như nóng ruột muốn nghe nốt câu chuyện kiếm hiệp lạ lùng, cùng ngoan ngoãn ngồi xuống đi văng. Hoằng kéo một ghế tựa ngồi đối diện:
- Đây nhé, trong chuyện kiếm hiệp hay Chinh Đông, Chinh Tây, Phong Thần gì đó, thường có những tay lên núi tìm thầy học đạo, rồi học được ít phép ma quái để chống đỡ. Đó! Khoa học của chúng ta chỉ là những phép ma phép quái. Ấy là những phép giết người. Và những nhà khoa học trứ danh chính là bọn hạ sơn còn non nớt kia mới học được mấy phép nhỏ, còn chưa biết những phép cao cấp của vũ trụ mà các tiên ông đương tĩnh tọa để trầm tư mặc tưởng đến một cách thấu đáo.
Thanh Đức không cười nữa. Ông ta buồn rầu và nghiêm trang bảo Hoằng:
- Những tiên ông đã thâu thái được các phép cao cấp không xuống mà cứu nhân độ thế ra khỏi lầm than.
- Cứu sao được! Vì đã là định luật, dù là vật lý luật hay thần luật, thì phải là những điều bất di bất dịch. Hành tinh phải chạy quanh mặt trời. Đó là một định luật vật lý. Chỉ nhận thấy thế chứ làm thế nào ngăn không cho hành tinh quay chung quanh mặt trời được. Chiến tranh cũng là một định luật vật lý mà con người chưa tìm ra nguyên tắc. Vậy chỉ còn ngồi mà ngắm loài người giết lẫn nhau. Cản trở sao được một thần luật của vũ trụ. Mọi việc xảy ra trên trái đất từ việc nhỏ như lỗ kim, cho chí việc lớn như núi Thái Sơn đều theo đúng định luật của tạo hóa. Đó là nguyên tắc khoa tử vi.
Thanh Đức cười, nhưng không phải cười chế nhạo nữa:
- Những lời nghị luận của ông nghe cũng có lý.
Hảo tiếp luôn:
- Phải biết rằng anh Hoằng dạy khoa vật lý và hóa học đấy nhé Bây giờ thì xin anh thí nghiệm thần luật bằng một quẻ bói bài.
Thanh Đức giọng ngờ vực:
- Căn cứ vào đâu mà thí nghiệm?
- Căn cứ vào sự thực.
Có tiếng giày ở cầu thang. Thanh Đức nhìn Hảo thì thầm:
- Bà lớn xuống.
- Vâng, mẹ em xuống.
Nàng đứng dậy ra cửa phòng khách và nói với bà Án:
- Mẹ vào đây xem bói bài.
Bà Án trang sức rực rỡ, bước vào phòng khách. Thanh Đức đứng lên chào:
- Lạy bà lớn ạ.
- Không dám, chào ông, mời ông ngồi chơi.
Bà quay ra hỏi:
- Con đã bảo nó pha nước chưa?
Hảo cười:
- Ồ! Con quên. Chúng con nói chuyện về tướng số, bói toán nên đã quên bẵng.
Nàng chạy vội lên gác. Bà Án ngồi trên sạp trắc, mở sáp trầu mời Thanh Đức. Chỉ một lát, Hảo đã xuống, mang theo một cỗ bài "ít xì" ba mươi hai cây còn mới.
Thanh Đức mỉm cười:
- Xin mời cô bói trước!
- Tôi thì bói lúc nào chẳng được. Với lại tôi bói nhiều rồi. Xem cho ông một quẻ nhé? Ông sẽ không dám coi thường khoa bói bài nữa.
- Vâng thử xem một quẻ. Có phải khấn khứa gì không?
Hoằng đáp:
- Nhưng bói đi thôi chứ?
Cảnh quay sang phía nàng:
- Đương giở quẻ bói thì chúng tôi đến à?
Hảo cười:
- Vâng, chúng tôi sắp sửa bói thì ông đến. Xin giới thiệu với ông và cô Oanh rằng anh Hoằng tôi là một nhà... một nhà gì, anh Hoằng?
Hoằng giọng đạo mạo:
- Một nhà cốt bài chiêm bốc.
Hảo cười cố gắng:
- Anh cứ nói một nhà bói bài có dễ hiểu hơn không?
Cảnh cũng nói chen:
- Chừng một nhà cartomancien (Thuật bói bài hay người bói bài)?
- Vâng, chính thế.
- Vậy bắt đầu nhé?
Hảo vừa nói vừa đi lại sập lấy cỗ bài đưa cho ông Thiện, ông này hỏi:
- Ông giáo bảo phải chia? Chia như thế này?
- Phải rồi. Chia thế cho kỹ. Cũng như trang bài ấy mà. Ông khấn đi khấn thầm cũng được, muốn xin gì thì xin. Cần phải tâm tâm niệm niệm vào những điều xin. Xong rồi?
Hoằng đỡ lấy cỗ bài trang vài cái, rồi lại đưa cho Thanh Đức trang một lần cuối cùng. Chàng bảo Thanh Đức cô bằng tay trái, đoạn cầm bài bắt hai cây một, theo thứ tự từ trên xuống dưới cứ gặp hai cây cùng màu hoa thì lấy cây cao hơn.
Ai nấy yên lặng nhìn từng cây bài đặt xuống bàn theo hàng trên dưới. Thỉnh thoảng Hoằng lại se sẽ kêu. "À! À!" hay "Hừ!"
Mười phút sau, bắt đủ mười bốn cây. Quẻ bói xong. Mọi người vẫn yên lặng chờ, Thanh Đức sốt ruột hỏi:
- Thế là thế nào? Hay hay dở? Tốt hay xấu?
- Tốt chứ, nhưng quẻ bói hơi lạ. - Hoằng trầm ngâm đáp.
- Lạ ư? Lạ ở chỗ nào anh?
Không trả lời câu hỏi của Hảo, Hoằng nói:
- Giải nhé? Toàn thể quẻ này thì tốt, và quẻ đã hiện ngay ra từ đầu, vì có lần thứ nhất ông đã bắt ngay được neuf de cœur (9 cơ). Màu coeur là màu tốt mà neuf de coeur là hòa mục, là concorde (thuận thảo, đồng tâm, nhất trí), một là hòa mục trong gia đình, hai là hòa mục... hòa mục trong tình ái.
Thanh Đức cất tiếng cười đánh trống lảng. Hoằng vẫn thản nhiên nói tiếp:
- Cứ như quẻ này thì tay đoán non có thể cho là bản mệnh không ra, vì cây bài cầm bản mệnh ông phải là cây vua pique, vua pique trỏ quan tòa, hoặc người đàn ông góa vợ. Nếu vua pique (bích) không ra thì lấy cây vua trèfle (già chuồn) hay vua carreau (già rô) cũng được vì vua trèfle trỏ một người đàn ông trí thức có địa vị, thông minh, hoạt bát, danh lợi, vua carreau trỏ một thương gia, một kỹ nghệ gia, một điền chủ vân vân. Cả ba cây bài ấy cũng không ra, vậy trong quẻ này cây vua cœur (già cơ) cầm bản mệnh ông. Tôi đoán thế này ông có chịu thì tôi mới đoán tiếp. Trong quẻ này ông xin về việc tình duyên, phải không?
Thanh Đức giọng nửa đùa, nửa thực:
- Chịu thầy!
- Vua coeur giữ bản mệnh thì quẻ thiên về mặt tình cảm, mặt tình nghĩa là trong lúc khấn khứa ông đã quên hết các ông việc làm ăn bề bộn, các kinh doanh to tát, phiền phức mà chỉ tâm tâm niệm niệm vào có một tình duyên. Nhưng không phải vì thế công cuộc kinh doanh không hiện ra. Lúc nào nó cũng ở trong tiềm giác của ông. Ông muốn quên bẵng nó đi, nhưng không quên nổi, dù chỉ trong phút chốc. Đây này! (Hoằng vừa nói vừa trỏ xuống bài), công việc lớn của ông đây này, chính là cây dix de trèfle (10 chuồn). Nó xếp vào một góc rât xa bản mệnh góc đó là nơi tiềm giác của ông. Cứ quẻ này thì công việc làm ăn đương phát đạt, và phát đạt lớn. Một bên có dix de coeur một bên có dame de coeur. Tuy sắp phải tiêu một món tiền nhưng chẳng vào đâu.
- Một món tiền là bao nhiêu?
- Cái đó tùy. Nếu ở tôi thì có thể là vài trăm. Nhưng ở ông Thanh Đức thì có thể là vài vạn. Tôi đoán thế là vì ở dưới as de trèfle (ách chuồn) có huit de trèfle (8 chuồn) đây là món tiền nhỏ đối với người bói. Tôi nói đây, vì ở quẻ khác huit de trèfle lại là con trai.
Tự nhiên ai nấy đều nhìn vào Cảnh và Hảo gật chàng mỉm cười.
Chàng cũng mỉm cười lại, Hoằng nói tiếp:
- Bản mệnh đứng ở gần cuối cùng đầu kia. Sau lưng có dame de pique (đầm bích) để ngăn bản mệnh ra với huit de cœur (8 cơ).
- Huit de coeur là gì? - Cảnh hỏi.
- Huit de coeur là một thiếu nữ xinh đẹp, tình tứ hoặc là con gái hoặc là... người yêu. Đây tôi đoán chắc không phải là con gái mà là người yêu. Vì tôi xem ra ông với cô Oanh hợp tính nhau, không thể có dame de pique xen vào giữa được. Cây dame de pique đây là tất cả những lời gièm pha, những lời nói xấu, những mưu mô man trá. Cũng có thể là một đàn bà góa.
Sợ đụng chạm đến cô, chàng nói liền:
- Nhưng đây quyết không phải. Đó chỉ lá những cạm bẫy nguy hiểm mà thôi. Và cô Oanh đã có vị hôn phu rất trung thành với cô và được cô rất trung thành. Đàng này, ngay dưới huit de coeur có anh chàng valet de cœur (lá bồi cơ). Mà chàng valet de coeur thì đáo để lắm. Trước mặt có dame de cœur (lá đầm cơ), sau lưng có dame de carreau (lá đầm rô), phía trên có huit de coeur. Valet ở giữa huit de coeur và một darne là một anh chàng chơi bời, tính tình khinh phú, không thể trung thành mãi với một ai; chắc đó không phải là anh Bản, một người tính tình trái ngược hẳn thế.
- Cám ơn anh.
Oanh bắt đầu rất tự nhiên dùng tiếng anh đối với Hoằng. Hoằng vẫn đoán:
- Đằng sau cây valet de coeur có cây neuf de coeur lộn ngược, nghĩa là sự thiếu hòa mục; bên cạnh cây này liền cây as de coeur cũng lộn ngược. Vậy anh chàng trẻ tuổi này đương có điều khó khăn, bất hòa về tình cảm, về ái tình hay tình thân thích, có lẽ về cả ba thứ tình cũng chưa biết chừng.
- Nhưng anh chàng trẻ tuổi ấy là ai? - Oanh hỏi.
- Là một người đương có liên lạc hay sẽ có liên lạc với cô huit de coeur.
Cảnh nâng chén uống nước, mắt lơ đãng nhìn qua cửa sổ ra vườn. Bà Án và ông Thiện cũng yên lặng. Hảo thấy tình thế hơi gay go, liền can thiệp. Nàng đứng dậy tiếp thêm nước trà mạn sen và nói:
- Anh bói bài rất tài tình và có khoa học. Nhưng xin anh hãy ngừng mà xơi nước kẻo nguội.
Bà Án tiếp luôn:
- Ờ! Mà sao con không mời rượu khai vị?
Hảo vội lại tủ rượu lấy ra bốn chai rượu mới mở. Và người nhà đứng hầu đã bưng ra một cái khay đầy cốc.
- Ông xơi?
Thanh Đức trù trừ:
- Cô cho tôi cốc porto (Một loại rượu nhẹ ở xứ Bồ Đào Nha)
- Còn cô Oanh.
- Tôi xin uống nước chè.
- Một giọt porto cũng chẳng sao.
Vừa nói Hảo vừa rót rượu vào cốc. Rồi hỏi tiếp:
- Đến lượt anh Cảnh.
- Whisky soda.
Hảo gọi người nhà, mở soda và thân đi lấy cốc, Hoằng không đợi hỏi ra tủ cầm chai porto rót vào cốc mình. Đoạn, chàng bảo bà An:
- Cô cũng nên uống một tí cho đói.
- Thôi anh ạ. Cô uống không đói bao giờ. Chỉ say thôi.
Cảnh nói cảm ơn Hảo, khi nàng rót rượu và soda vào cốc. Rồi chàng giữ vẻ mặt lãnh đạm, quay sang hỏi Hoằng:
- Ông xem cartomancie (cách bói bài) ở sách nào thế?
Hoằng cười đáp:
- Một người bạn dạy tôi chứ tôi chả đọc sách cartomancie bao giơ. Nhưng anh biết những sách nào khá mua giùm để tôi khảo cứu thêm càng hay.
Nhưng chợt nghĩ ra, chàng nói thêm:
- Xin phép anh, chúng ta kêu nhau bằng anh cho tiện.
Chàng đưa mắt nhìn Thanh Đức:
- Phải không, ông Thanh Đức?
Ông Thanh Đức cười rất tự nhiên:
- Nhã ý của ông đáng khen lắm. Nhưng cái đó có hề gì. Nhiều người bạn của tôi cũng là bạn của Cảnh. Có khi cả ba cùng họp mặt một nơi. Thế mà bạn chung xưng hô cả hai cha con tôi đều là anh, tôi chẳng thấy ngượng nghịu một tí gì. Phải không Cảnh, anh Tuấn ấy mà?
- Vâng chính thế. - Cảnh trả lời rời rạc.
Hảo đương nói chuyện với Oanh, quay ngoắt lại. Thấy Cảnh đăm đăm nhìn mình, nàng hỏi:
- Cả anh Cảnh nữa, anh cũng khó chịu về cái màu phấn gạch tôi dùng?
Cảnh vờ kinh ngạc:
- Cô đánh phấn màu gạch à?
Hảo lạnh lùng:
- Chắc khoa hội họa của anh hơi kém. Màu ấy không gọi là màu gạch thì gọi là màu gì?
- Vâng chính màu gạch. Nhưng tôi chưa nhận kỹ. Giá ban đêm mà đánh phấn màu gạch thì đẹp vì màu ấy ăn đêm.
Hảo cười:
- Cám ơn! Anh làm như tôi lên sân khấu nhà hát không bằng!
Hoằng thật thà:
- Ồ phải. Các đào kép hát Tây họ hay đánh phấn màu gạch.
- Chính thế, anh Cảnh đã nghĩ thế.
Cảnh cãi:
- Khi nào tôi lại dám có ý tưởng vô lễ như thế đối với cô.
Bà Án thấy cần phải can thiệp vào câu chuyện của hai người. Biết Cảnh đã có vị hôn thê bà hỏi:
- Cậu Cảnh đã chấm đám nào chưa?
Ông Thiện trả lời cho con:
- Thưa đã.
Hảo tiếp theo:
- Thưa mẹ, cô Lan Hương, hiện cô ở Sầm Sơn.
Cảnh mỉm cười, hai má ửng hồng vì men rượu:
- Cô biết tường tận lắm nhỉ?
- Thưa anh, cô Oanh vừa cho tôi biết. Nghe nói cô Lan Hương đẹp lắm.
- Cũng đẹp, nhưng đẹp sao bằng cô được!
- Anh nói thực đấy chứ?
- Không tin, cô hỏi Oanh mà xem. Có phải cô Hảo đẹp hơn Lan Hương không, Oanh?
Oanh ngẫm nghĩ đáp:
- Cả hai cùng đẹp, mỗi người một vẻ, không thể cho ai đẹp hơn ai được. Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai.
Hảo và Cảnh cùng cười, vui vẻ. Ông Thiện ngắt đứt câu chuyện:
- Thưa bà lớn, có lẽ chúng ta chơi appéritif (món khai vị) một hội mạt chược rồi ăn cơm thì vừa ngon.
Hảo biểu đồng tình:
- Phải đấy.
Nàng ra bàn mạt chược sửa soạn bầy những con bài nhựa ở hộp ra.
- Mẹ một chân, ông Thanh Đức một chân, anh Hoằng một chân, anh Cảnh một chân.
Cảnh vội nói:
- Tôi không biết đánh mạt chược.
Hảo liếc mắt và bĩu môi:
- Thôi đừng vờ! Mạt chược khó gì mà không biết đánh!
- Tôi không biết thực mà.
- Được rồi, tôi mách cho, cứ đánh. Hay chung chân?
- Vâng, chung chân thì xin vâng.
Hai người đã có nhiều thân mật, và ghẻ lạnh, hờn dỗi lúc ban đầu hình như đã tiêu tán hết. Có lẽ đó là kết quả của Whisky và Porto.
Tiếng lách tách xoa bài đã ầm ỹ bắt đầu, và bốn người đã ngồi vào bốn phía cái bàn vuông, Hảo bắc ghế ngồi sau Cảnh.
Cảnh chưa đánh mạt chược lần nào, nên Hảo phải mách từng nước ăn, nước đánh, nước ù; giảng nghĩa dài dòng thế nào là cao, thế nào là thấp. Trong khi ấy, Cảnh chỉ nghe tiếng nàng nói mà chẳng hiểu gì hết. Có lần Cảnh nhặt cây bài toan đánh, Hảo phải vội vàng kéo tay chàng lại nhưng chỉ dăm ván sau Cảnh đã biết cách chơi vì mạt chược giống tổ tôm, mà tổ tôm chàng đánh rất cao. Còn tính bài thì Cảnh vẫn lầm mãi, không sao nhớ được. Ông Thiện vin vào cớ ấy để bảo con đứng dậy nhường chỗ cho Hảo, ông nói đánh với người mới tập mất cả thú.
Cảnh vâng theo ngay, vì chàng muốn xem Hảo đánh hơn là tự ngồi đánh để phải chăm chú hết cả tinh thần vào nước bài. Chàng ngắm nghía hai bàn tay Hảo, chàng mơ màng nhìn sắc bóng những sợi tóc vấn vương trên tai và trên gáy trắng mịn, đến nỗi có lần chàng không trả lời câu hỏi khẽ của người chung chân, làm Hảo quay lại hỏi:
- Ngủ rồi đấy à?
Một lần Cảnh táo bạo kẽ đáp:
- Ngủ không ngủ nhưng hồn đương theo mộng.
Oanh ngồi xem bà Án, vẻ mặt lo lắng, mắt luôn luôn nhìn về phía anh.
Thanh Đức nét mặt sa sầm. Có lẽ vì ông chưa ù một ván nào. Ông vui mừng, sung sướng khi thấy người nhà vào, mời sang phòng ăn.
CHƯƠNG 6
Từ đó thường thường Cảnh lại chơi với Hoằng. Và chẳng bao lâu hai người thiếu niên đã trở nên một cặp bạn thân. Hoằng tính tình ngay thẳng, giản dị, dễ tin, không để ý ngờ vực hay đã quên hẳn hành vi và cử chỉ và ngôn ngữ của Cảnh ở trước mặt một cô em họ xinh đẹp. Chàng yên trí rằng Cảnh chỉ vì yêu mến mình mà đến chơi. Cảnh cố làm cho Hoằng tưởng thế. Mỗi lần đến, chàng đi thẳng lên phòng Hoằng; cái thang gác chia nhà ra làm hai phần cách biệt hẳn nhau.
Rồi một hôm không xa, tình cờ Hảo vào phòng Hoằng bắt gặp Cảnh ở đó. Nàng mời Cảnh xuống phòng khách. Bà Án ngồi phá trận trên sập, niềm nở tiếp chàng. Hảo nói với mẹ:
- Mẹ ạ, anh Cảnh lại chơi anh Hoằng luôn mà con không biết.
Bà Án hỏi:
- Ông Cảnh đã làm gì chưa nhỉ?
- Bẩm bà lớn chưa ạ.
- Ngồi rồi cũng buồn. Hay xin đi dạy học với Hoằng cho vui.
- Vâng, để con xem.
Bà Án chợt nhớ lại Cảnh đánh mạt chược bữa nọ và như lo lắng sợ hãi vẩn vơ. Bà liền hỏi:
- Thế nào, bao giờ... ông... cử cưới vợ?
- Bẩm con cũng chưa biết bao giờ.
Dứt lời, ngẫu nhiên chàng quay lại nhìn Hảo, và thấy Hảo mỉm cười, chàng cũng mỉm cười. Chàng cho cái mỉm cười chung ấy ngụ một tư tướng bất chính ở trong. Và chàng thấp thỏm sung sướng.
- Ông cử đánh mạt chược hẳn đã cao rồi chứ?
- Thưa cô cũng khá, cũng tàm tạm được.
Bà Án phỉnh một câu:
- Đến văn chương, luật pháp khó thế nào còn học được nữa là đánh mạt chược.
- Bẩm về môn mạt chược thì không bao giờ con dám quên ơn thầy.
Bà Án ngơ ngác:
- Thầy nào thế?
Cảnh trỏ Hảo:
- Đây ạ, thầy dạy mạt chược của con đấy ạ. Chính con đã được thầy khai tâm cho hôm chủ nhật mười ba tháng một Tây.
Hảo hơi lo lắng về cái giọng có vẻ quá tự do của Cảnh. Nàng thấy Cảnh có thể liều lĩnh được. Nên nàng nghiêm ngay sắc mặt lại, và lạnh lùng nói:
- Mời ông ngồi chơi.
Bà Án thì đã tóm được một chân mạt chược mới. Bà vui mừng, sung sướng không để ý đến một điều gì khác nữa. Bà chỉ nghĩ làm thế nào giữ chặt lấy con người quý hóa ấy để cho khỏi trốn thoát, thế thôi. Từ ngày đến ở Hà Nội bà thường phàn nàn: "Cứ tưởng ở nơi đô thị phồn hoa thì dễ tìm được chân tổ tôm, mạt chược, hơn ở nhà quê và tỉnh nhỏ. Sự thực đã trái ngược hẳn thế".
Bà bảo Hoằng:
- Anh giáo ạ. Hôm nay thứ năm anh nghỉ. Hay mời cậu cử ở đây xơi cơm rồi đánh mạt chược. Cậu cử không bận gì.
Đối với Cảnh cảm tình của bà đã tăng lên, và đã đi từ tiếng ông xa cách tới tiếng cậu thân mật. Cảnh nhận lời.
- Thế thì tốt lắm. Vậy Hảo xuống bảo làm cơm nhé. Đánh hội mạt chược rồi ăn thì vừa vặn. Đánh nhỏ thôi mà, cậu cử ạ, chả ai định bóc lột cậu đâu mà cậu sợ.
Hảo cười nhìn Cảnh:
- Có bóc lột cũng chẳng sao. Không bóc lột con một ông triệu phú thì bóc lột ai?
Cảnh cũng cười đáp lại:
- Nhưng đời thực tế thường luận chứng rằng bóc lột người nghèo rất dễ, còn bóc lột những ông triệu phú và con những ông triệu phú lại là một việc khó khăn và nguy hiểm.
- Được! Rồi sẽ biết.
Hảo định ám chỉ rằng thế nào Cảnh cũng sẽ thua mạt chược thế thôi, nhưng chợt nghĩ lại, nàng thấy câu nói của nàng có một ý nghĩa rộng hơn, và không được đẹp, và nàng nóng bừng cả mặt. Hoằng tính nết thực thà, vội phân trần hộ Cảnh:
- Anh Cảnh nói đúng lắm. Tôi có biết một người, con một nhà cự phú, mà lại một nhà cự phú đã khuất, thế mới đáng ghê. Anh chàng học thức hẹp nhưng chơi rất rộng. Trong đám bạn có nào văn sĩ, họa sĩ, nào bác sĩ, kiến trúc sư. Có mấy người bạn thân thường thường đi lại chơi bời với anh ta. Ai cũng bảo bọn kia lợi dụng tình bè bạn, nhất là người ta lại thấy họ ngồi ô tô kính của ông nhà giàu trẻ tuổi. Ngờ đâu lại chính ông nhà giàu trẻ tuổi lợi dụng bọn họ.
Cảnh tò mò hỏi và nhân thể trêu Hảo vì thấy nàng đưa mắt ra hiệu bảo Hoằng mãi, mà Hoằng vẫn vô tình cứ kể.
- Anh nhà giàu trẻ tuổi lợi dụng bạn bằng cách nào?
- Chẳng hạn xin anh này bức tranh sơn, xin anh kia cái kiểu nhà. Còn các bạn bác sĩ thì chả bao giờ lấy được của hắn một đồng xem mạch cho đơn.
Muốn tránh khỏi ngượng cho Hảo - vì chàng cho Hảo ngượng về nỗi người anh họ đã vô tình đụng tới cái xã hội cự phú của chàng - Cảnh cất tiếng cười rất tự nhiên và bảo Hoằng:
- Có phải không anh, bóc lột một nhà cự phú khó lắm chứ.
Bà Án chấm dứt câu chuyện:
- Thôi! Đi đánh mạt chược chẳng hết cả thời giờ.
Hôm ấy mãi gần tối Cảnh mới về nhà ăn cơm chiều.
Oanh hỏi đi đâu, chàng nói dối rằng ra ngoại ô, đến chơi một nhà người bạn và bạn giữ lại ăn cơm sáng rồi đánh tổ tôm.
Dứt lời, chàng hối hận ngay. Chàng cho không cần phải giấu diếm em, và chàng có thể thuật lại hết những sự đã xảy ra ở nhà bà Án.
Sự thực, cũng chưa có điều gì đáng giấu diếm, ngoài cái dã tâm của chàng. Chàng thấy Hảo vẫn thẳng thắn, vần đường hoàng chững chạc, tuy có cảm tình với chàng hơn trước. Và chàng đoán tình cảm ấy thực ra còn sâu xa hơn, nếu có thể lột được cái mặt nạ xã giao mà không mấy lúc nàng chịu rời bỏ.
Phải, nàng khéo léo và thông minh. Khó lòng mà đoán rõ được thâm tâm của nàng, và Cảnh ghen tuông nghĩ thầm: "Không biết khi tiếp tất cả những bạn bè khác của Hảo hay của Hoằng, Hảo có tỏ cảm tình thân mật như khi tiếp mình không?" Chàng như nghe thấy câu trả lời "có" kèm theo một nhịp cười ròn, nhịp cười của Hảo.
Chàng nghĩ tiếp đến cha, mà từ bữa tiệc ở nhà bà Án chàng vẫn cố quên đi. Nhưng chàng không còn dám tự hỏi câu đã thường làm chàng bán khoăn nữa: "Có thực cha định lấy Hảo làm vợ không?". Bây giờ câu ấy không có nghía gì đối với chàng, hơn thế, nó không bao giờ hiện thành hình ở trong tâm tư chàng. Cha chàng đi vắng xa. Chàng không mấy khi gặp mặt để nhìn thấy cặp mắt mà chàng cho là đã trở nên nghiêm khắc đối với chàng. Như thế đủ cho chàng lắm rồi... Chàng muốn đi thẳng tới đích, để theo đuổi một cái gì đó, và không đưa mắt nhìn sang hai bên. Hình ảnh trừu tượng ấy còn chưa được đúng, chàng như con đà điểu rúc đầu vào cát để khỏi nhìn thấy nguy hiểm xung quanh. Vì động ngửng đầu nhìn lên, nhìn ra xa một chút thôi, chàng đã thấy nguy hiểm vây bọc lấy mình chàng. Đừng vội cho rằng người thiếu nữ chàng đương say mê theo đuổi sẽ có thể trở nên dì ghẻ chàng. Hãy nói ngay Lan Hương, người thiếu nữ mà chàng khổ sở cầu cạnh mãi mới được nàng nhận lời, bây giờ chàng có đủ can đảm bỏ rơi được không? Giọt lệ trắc ẩn chỉ chực ứa ra, và để khỏi cảm động không đâu, chàng phải cố tự trấn tĩnh: "Rồi đâu có đó, và đã xảy ra việc cỏn con gì khiến mình hối hận đâu? Mọi cái cứ để mặc đời trôi đi là hơn hết. Theo cái triết lý huyền bí của anh Hoằng thì việc phải xảy ra như thế nào cũng sẽ xảy ra; như thế, chỉ còn ngồi mà nhìn hay chịu lấy, chứ có tài thánh cũng xoay không ra thế nào được". Tự nhiên chàng đem lòng yêu mến Hoằng hơn nữa. Chàng thấy Hoằng thông minh, học rộng, biết nhiều, thấu đáo hết lẽ sống của loài người và vũ trụ. Loài người cũng như vũ trụ đã có một đời định trước, ăn ngàm ăn đố, từng tí từng ly trong các luật định vật lý bao quát khắp hàng triệu thế gian ở không trung.
Khổ sở nhất cho Cảnh là trong khi hầu như mất hết ý chí, trong khi chàng sống như trôi theo dòng nước, không muốn cưỡng lại, không bó bíu vào một vật gì để đứng lại, thỉnh thoảng chàng lại phải bắt buộc nghĩ tới bổn phận, vì hai ba ngày chàng lại nhận được thư của Lan Hương mà chàng cố trả lời cho thực thân mật, thực âu yếm, thân mật âu yếm hơn cả thời kỳ chàng còn đương say đắm nàng. Mỉa mai hơn nữa, có lần giữa lúc đương moi hết những lời nồng nàn ra phúc đáp vị hôn thê, chàng nhận được mấy chữ của Hoằng mời lại đánh mạt chược, chàng liền bỏ giở thơ đấy, đi ngay.
Đánh mạt chược nay là một lạc thú của chàng hầu thành một thị hiếu. Chàng đã cao hơn trước, đã bớt thua hơn trước. Nhưng thua, được không phải là điều đáng kể. Điều đáng kể là được gần Hảo. Chàng lờ mờ nhận thấy rằng sở dĩ bà Án chóng có cảm tình với chàng là chỉ vì chàng thua hết canh này đến canh khác và thua một cách vui vẻ, hả hê. Vậy sao không cứ thua mãi để được bà cho tìm mãi đến đánh mạt chược? Đã có lần chàng ngẫu nhiên nghĩ tới câu tục ngữ: "Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu". Nhưng chàng lấy làm thẹn ngay về tà tâm của mình.
Dẫu sao, Cảnh cũng đã được lòng tin của bà Án rồi. Và thường thường bà đã mời chàng cùng đi xem chiếu bóng với bà, và Hảo và Hoằng. Lần nào bà cũng dặn Cảnh mời hộ cả Oanh nữa, nhưng Cảnh cố ý quên, hay bịa đặt ra rằng em bận và gửi lời xin lỗi. Cảnh tránh không cùng đến vòng đua ngựa với gia đình bà Án, song, bao giờ Hảo cũng gặp chàng ở đó. Sự ngẫu nhiên ấy thực ra chỉ là một sự tính toán: Cảnh biết rằng cha rất có thể từ đồn điền tới thẳng vòng đua ngựa và họa hoằn cha vẫn về Hà Nội đón gia đình bà Án đi đánh mạt chược vào buổi sáng chủ nhật. Chàng đã bắt đầu ngơm ngớp sợ cha. Xưa nay chàng hầu như một người bạn, luận việc đời với cha mà còn vì cha bài trí nhiều cuộc chơi vui, hoặc ở Hà Nội, hoặc ở đồn điền, hoặc ở một vùng đồi núi nào đó. Trong những nơi hội họp vui ấy ít khi thiếu phụ nữ và đó không phải là một cớ có thể làm mất tự nhiên trong tình phụ tử. Những chỗ quen biết đều cho hai cha con ấy là kỳ dị, là quá nhẹ dạ.
Nhưng lần này tự nhiên đã mất, ngờ vực đã nhóm, một ngày mọt ăn sâu mãi vào hai tâm hồn. Và hai cha con cùng cố ý tránh mặt nhau không những chỉ ở nhà bà Án mà ở ngay chính nhà mình.
CHƯƠNG 7
Mùa đông đã qua, một mùa đông rét sớm và ẩm và dai dẳng mãi như không bao giờ dứt.
Rồi mùa xuân đột ngột tới, như một người tình đi xa bỗng dưng một hôm về mà không báo tin trước. Một mùa xuân sáng sủa, ấm áp đem nhựa non đến cho cây cỏ, đem tươi trẻ ham muốn lại trong lòng người.
Đêm hôm trước còn mưa sập sùi. Gió hiu lạnh, sáng hôm sau đã tạnh ráo, quang đãng. Anh sáng trong từ vòm trời xanh tỏa xuống. Làn không khí dịu dàng bao phủ, ôm ấp vạn vật. Người ta có cảm tưởng sưởi ấm lòng, và máu nóng tự tim man mác bốc lên đầu. Và người ta say sưa êm ái. Cảnh đương có cảm tưởng ấy. Chàng đứng tựa cửa sổ ngắm nghía những búp tơ trên cành bàng lực lưỡng, như trông thấy những nõn vàng mũm mĩm đương mọc, và nghe tiếng nhựa chảy trong huyết quản khắp người chàng. Những cây sữa màu xanh non xòe ra như bàn tay mỹ nữ, bên cạnh hàng chùm tơ mơn mởn mà những trận mưa ròng rã mấy hôm nay đã rửa sạch bụi.
Tất cả, cái gì cũng mới, cũng tươi, cũng đẹp như để sửa soạn đón tiếp một ý tưởng, một nguyện vọng, một thị hiếu vừa nẩy nở và đương bay liệng, không mục đích, trong không gian ngây ngất hương hoa men nhựa.
Chàng tự hỏi không biết có thể hay có nên cứ sống mãi trong tình cảnh này không. Chàng thấy cái đời sống của chàng ở Hà thành có nhiều thú vị.
Nhưng hôm nay, giờ này chàng có cảm giác rằng những thú vị ấy không còn đủ cho chàng nữa. Lòng chàng đương sôi lên phản kháng. Ái tình che đậy, ái tình thuần khiết, hai bên chỉ thầm kín tương tư với nhau, sầu muộn vì nhau mà bấy lâu chàng ôm du trong giấc mộng dài, vừa vụt trở nên nhạt nhẽo trong ý nghĩ chàng. Chàng cho phải đi xa hơn nữa. Và chàng chắc Hảo cũng bằng lòng, cũng ao ước điều ấy như chàng.
Chàng cố nhớ lại dáng điệu, ngôn ngử, cử chỉ của Hảo: Hảo không thể không yêu chàng được, có khi còn yêu chàng nồng nàn là khác nữa.
Cảnh vươn vai hít khí trời vào đầy ngực, rồi thở ra khoan khoái và chàng mỉm cười. Hạnh phúc mênh mang vừa theo khí trời thấm vào tâm hồn chàng.
Bỗng chàng như sắp đi tới một cuộc hẹn hò, vội vàng xem giờ rồi hấp tấp ra đi. Chàng đi lang thang không mục đích. Ra Hàng Kèn xuống Cửa Nam, qua Hàng Bông, Hàng Gai, thẳng lên hồ Hoàn Kiếm. Bên hồ tơ liểu thướt tha bỗng gợi lòng buồn, mối buồn man mác, vô cớ và thoáng qua. Vì chỉ một phút sau, cảnh đền Ngọc Sơn đã đưa cái vui cũng man mác và vô cớ vào lấn chỗ cái buồn vụt tan đi. Chàng cho tòa đền là viên bạch ngọc nạm trong cái khung ngọc thạch Chàng lại so sánh nó với một thiếu nữ trong trắng đứng mơ mộng chờ ai, và tự nhiên chàng nghĩ đến Hảo. Một người đến vỗ vai. Chàng giật mình quay lại.
- Ồ! Anh Hoằng! Sao anh lại đi đường này?
Hoằng cười:
- Tôi ở trường ra, đi vòng lên phố Trường Thi, quanh ra Hàng Trống rồi thủng thỉnh tới đây. Đi bách bộ một lát về ăn cơm cho ngon. Chắc hẳn anh cũng vậy, còn hỏi gì tôi?
Cảnh, tâm hồn còn ngây ngất say sưa:
- Anh có thấy không, mùa xuân đẹp quá, ấm áp, dịu dàng, khiến người ta yêu sống.
Hoằng cười mỉa mai:
- Yêu sống quá hóa điên cuồng. Tôi càng nghĩ càng thấy tạo hóa chí công và rất khôn khéo sinh ra bốn mùa liên tiếp nhau. Nếu chỉ có toàn một mùa thì trong nhân loại không còn trật tự gì nữa.
Cảnh lạnh lùng:
- Anh nói trật tự về đạo đức?
- Về đạo đức, về tinh thần cũng như về vật chất, nghĩa là nói chung về đời sống. Anh trông những búp non kia kìa. Thực là một cuộc sống bồng bột, kiêu ngạo, lăng loàn. Được rồi! Sẽ có mùa hè để thiêu bớt nhựa mát, sẽ có mùa thu để cạn bớt nhựa đầy, và sẽ có mùa đông để làm cho nhựa héo khô mà chờ đợi cuộc tái sinh với mùa xuân tới.
- Nhưng nếu quanh năm toàn là mùa xuân, thì có phải không có cuộc tái sinh!
- Và thay vào đó một cuộc sống hỗn độn và ngắn ngủi. Hỗn độn vì không có cái gì kiềm chế nổi sự bồng bột. Ngắn ngủi vì một năm bốn mùa xuân sẽ dài bằng bốn năm, và số một trăm năm giới hạn đời người sẽ thu lại còn có hăm lăm năm.
Cảnh cười:
- Ồ! Thế thì sung sướng quá nhỉ! Tôi chỉ ước ao sống ồ ạt lấy mười năm như thế rồi chết.
- Vậy mời anh sang quần đảo Tahiti. Nghe nói quanh năm ở đó chỉ có một mùa xuân, và quanh năm trai gái đàn hát, nhảy nhót nô giỡn nhau trong làn ánh sáng êm dịu, trong làn không khí ấm áp. Không những đó là một sự hỗn độn, một sự thiếu trật tự trong tâm hồn, đó là một sự nguy hiểm ghê gớm hơn nữa. Anh có biết dân tộc trong quần đảo ấy sống tới đâu không?
- Đi tới đâu? - Cảnh mỉm cười hỏi lại.
- Đi đến chỗ tiêu diệt, và vài trăm năm tới đây người ta sẽ không còn nghe đọc đến tên thổ dân các đảo Polynésie nữa. Làm sao thoát ra ngoài định luật vật lý của vũ trụ được?
Sợ Hoằng lại giở mớ định luật vật lý của chàng ra như mọi lần bàn luận về vũ trụ, Cảnh ngắt đứt câu chuyện:
- Nhưng tôi hãy hỏi anh có thích mùa xuân không?
- Tôi thích mùa xuân như tôi thích mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Anh đừng tưởng ai ai cũng thích mùa xuân một cách bồng bột, ham mê như anh cả. Và các cụ ta thường đặt mùa thu ở trên mùa xuân. Mùa thu rất được nhắc nhỏm, ca tụng trong những câu thơ bất diệt của cổ nhân. Mùa thu là một mùa có điều độ, có trật tự chớ không ngạo nghễ, ầm ỹ, say sưa như mùa xuân. Những tính chất này, cổ nhân rất ghét.
- Thế Lý Bạch? Lý Bạch rất hay ca tụng, rất yêu mến mùa xuân.
- Vì thế Lý Bạch mới điên cuồng, mới mất hết điều độ và trật tự trong cuộc sống.
Cảnh khó chịu không phải chàng thầm cho Hoằng là gàn - ý nghĩ mà Hảo thường tỏ ra một cách rõ rệt tuy cố giữ kín đáo - song những lúc này, chàng không muốn nghe những lời triết lý đạo đức của Hoằng. Nhân có xe điện tới, chàng cười nói:
- May cho anh quá, vừa gặp chuyến xe điện.
Chàng giơ tay bắt tay Hoằng và hầu như thì thầm, chàng hỏi:
- Mai thứ năm, có mạt chược chứ?
Hoằng cười bí mật:
- Ngay chiều nay cũng được. Nếu muốn đánh thì ăn xong lại.
Cảnh ngần ngừ mắt đăm đăm nhìn Hoằng:
- Thôi, mai... Mai tôi lại sớm.
Hoằng bắt tay một lần nữa và nói tiếp:
- Được, vậy mai nhé!
Cảnh thủng thỉnh quay về, lòng dịu xuống.
Tới cổng, chàng giựt mình trông thấy ô-tô của cha đậu ở sân. Chàng vào phòng ăn và gặp Oanh ở đó:
- Thầy về?
- Vâng, thầy vừa ở đồn điền về. Thầy chưa xơi cơm, thầy bảo thầy cùng ăn cơm với chúng ta. Xong cả rồi, chỉ chờ có anh vẻ.
- Anh lên chào thầy nhé!
Cảnh lên gác. Một lúc sau chàng cùng ông Thiện nhanh nhẹn bước xuống thang. Rồi ba cha con ngồi vào bàn ăn.
Trái với mọi lần trước, Cảnh thấy cha vui vẻ ân cần. Chàng nghĩ thầm: "Chắc ông cụ lại đã vừa tóm được một việc gì lãi hàng vạn" và chàng dò ý:
- Bẩm, độ này trông thầy khá, da dẻ hồng hào. Đấy, thầy xem, cứ nghỉ ngơi là lại người ngay.
Ông Thiện cười:
- Nghỉ ngơi! Nghỉ ngơi gì! Thầy thì khác hẳn với người thường. Hễ cứ ngồi rồi, không có việc gì để làm, hay để suy tính thì ăn kém ngon, ngủ kém yên, rồi người sút hẳn đi. Còn khi nào bận bịu công kia việc nọ thì thầy lại khỏe mạnh ngay.
Ông cười càng to, nói tiếp:
- Thân thầy thực là thân cái lưỡi cầy. Có làm việc mới sáng, mới bóng, vất xó thì gỉ sét liền.
Oanh cũng cười:
- Chúng con chẳng giống thầy được một vài phần. Anh nào em nấy lười chảy xác ra.
Ông Thiện bỗng trở nên trang nghiêm:
- Các con cũng tập kinh doanh đi thì vừa. Ăn không ngồi rồi mãi sinh hư thân mất nết. Thầy định tháng này anh Cảnh con cưới vợ rồi thầy để trông coi cái đồn điền Phú Thọ.
Cảnh yên lặng và lơ đãng. Ông Thiện nói tiếp:
- Thầy đã ngỏ ý với ông Quản và Lan Hương. Lan Hương vui mừng hí hửng. Nó thích làm đồn điền lắm. Mà thầy xem ra nó cũng đảm đang, sau này có thể giúp đỡ con được.
Ông vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Cảnh:
- Ông bà bên ấy cũng muốn cho cưới ngay năm nay... thầy tưởng tháng ba này. Thế nào! Tháng ba được chứ? Thầy về hôm nay cũng cốt để bàn với con việc ấy.
Cảnh cố lấy giọng tự nhiên đáp lại:
- Bẩm thầy hãy cho chúng con thư thả. Làm gì vội.
- Không phải là thầy muốn vội. Nhưng nhà gái người ta... sốt ruột chứ.
Cảnh vui vẻ:
- Bẩm thầy, nhà gái là Lan Hương... Lan Hương mà...
Ông Thiện cướp lời:
- Thì chính Lan Hương. Thầy bảo Lan Hương nó sốt ruột. Con tính làm gì mà chẳng sốt ruột, lo lắng... vị hôn phu của nó ở nơi Hà Thành hoa lệ, đây những thiếu nữ xinh đẹp.
- Bẩm thầy về điều đó thì chị Lan Hương không sợ, ở Hà thành chả có ai đẹp được bằng chị con.
- Cả con nữa, năm nay thầy cũng cho cưới. Để thầy lo một chuyến cho xong cả đi... Rồi thầy để vợ chồng con ở cái nhà này... Thầy định cho con cái nhà này!
Oanh đỏ mặt cúi xuống:
- Bẩm thầy để Bản học xong đã chứ.
- Còn có một năm nữa nó ra. Sang năm chỉ còn phần luận án đề thì phỏng khó khăn gì!...
Lâu nay Oanh vẫn chờ tin tục huyền của cha. Tin ấy nàng thấy mọi ngày một thêm chắc chắn. Người ta còn kháo nhau rằng lễ dẫn cưới là một cái đồn điền. Điều này nàng cũng cho là đúng vì một lần nàng có nghe cha nói muốn bán lại một cái đồn điền nhỏ để có thể thêm tiền khai khẩn nơi còn bỏ hoang trong những đồn điền khác. Thì ra ông Thiện nói chặn trước và ở Hà thành không có điều bí mật gì mà người ta không đoán biết.
Vậy thì hai đám cưới có vẻ vội vàng hấp tấp của hai anh em nàng, nàng cho phải có liên lạc với việc tục huyền của cha. Cha muốn các con thành gia thất cả đi, để không còn chút cản trở gì tới việc riêng của mình nữa.
- Thế nào? Các con bằng lòng như thế cả chứ?
Cảnh trù trừ đáp:
- Bẩm thầy, cho phép con nghĩ kỹ đã.
- Ừ con nghĩ kỹ đi. Sáng mai trả lời cho thầy biết. Thầy chắc rằng việc này thế nào anh cũng không để thầy phải phiền lòng.
Chừng cho câu nói của mình hơi quá nghiêm khắc đối với con, ông Thiện cười vui vẻ. Rồi ông gấp khăn để lên bàn đứng dậy, lên gác.
- Thầy xơi cà phê đã.
- Thôi thầy uống cà phê sợ không ngủ. Thầy đi nghỉ trưa một lát.
Ngồi lại ở bàn ăn hai anh em yên lặng nhìn nước cà phê chảy từng giọt từng giọt từ cái lọc xuống cốc. Chẳng biết làm gì, thỉnh thoảng Oanh lại mờ nắp lọc và hý hoáy tháo lỏng cái hãm cho cà phê chảy mau hơn. Cảnh thì cầm thìa gõ vào đĩa, miệng se sẽ huýt sao. Bỗng Oanh ngửng lên nhìn anh, mỉm cười nói:
- Anh đã nghĩ kỹ từ lâu rồi?
- Em bảo nghĩ kỹ về việc gì?
- Về việc hôn nhân của anh.
- Anh không hiểu.
- Anh lừa dối thầy. Anh lại muốn lừa dối cả anh. Nhưng em biết, em biết hết. Hảo đã nói hết với em.
Cảnh giật mình:
- Hảo nói hết với em? Hảo nói những gì?
- Nghĩa là Hảo chỉ nói một câu hình như không quan trọng, nhưng câu ấy em thấy giấu một ý nghĩa... em có thể cho là mênh mang... đấy là nói theo các thi sĩ.
Cảnh sốt ruột, chau mày hỏi.
- Hảo bảo em cố khuyên anh cưới vợ ngay đi.
Cảnh phá lên cười. Rồi lại hỏi:
- Em gặp Hảo ở đâu?
- Ở Gô-đa. Với lại em thường gặp Hảo ở các nhà chị em bạn.
Hai người lại yên lặng. Oanh vẫn theo đuổi ý nghĩ. Nàng thấy rõ rệt lắm. Hình dung và tính tình anh thay đổi, nét mặt anh ủ rũ và buồn phiền mỗi khi anh ở đằng bà Án về. Đó là hình dung và tính tình một người thua bạc? Nhất định không phải! Được thua không có ý nghĩa gì đối với Cảnh, một người không bao giờ mê cờ bạc.
Nhưng nàng còn hy vọng ở phía Hảo. Nàng thấy Hảo là một người tính toán, một người không bao giờ bồng bột, một người trái ngược với Cảnh. Nàng đoán rằng nếu Hảo có để Cảnh tán tĩnh đi nữa thì cũng do lòng kiêu căng, tự ái của một mỹ nhân, chứ không phải do ái tình. Nàng thân mật với Cảnh cũng như với ông huyện Tố, ông tham Văn thường đến nhà nàng đánh tổ tôm, mạt chược, thân mật theo lối xã giao. Yêu thì nhất định người ấy không thể yêu ai được. Trừ khi yêu người nhiều của, lúc nào cũng sẵn sàng vứt ra nghìn ấy, vạn ấy cho mà tiêu. Oanh đã sẵn có thành kiến ấy đối với Hảo, nên nàng rất tin Hảo có thể lấy cha nàng được lắm. Cha nàng là một người chồng hoàn toàn của hạng thiếu nữ chỉ thích có một việc tiêu tiền như Hảo, hoàn toàn trong hiện tại và cả về tương lai vì Hảo sẽ trở nên một quả phụ còn trẻ, còn đẹp như mẹ nàng, một quả phụ với một kho tài sản hầu vô tận: tha hồ mà phung phí, mà chơi bời.
Luận lý như thế, đã nhiều lần Oanh thấy hơi tiểu thuyết. Nhưng nào phải trong đời thực tế không có những thiếu nữ nơi quý tộc lấy kế những người đứng tuổi mà cả người già nữa và định luật ấy, dùng theo chữ của Hoằng, định luật vật lý ấy, loài người làm thế nào mà tránh thoát được; ở phía dân tộc Việt Nam nó đã phả vào ca dao rồi.
Trời mưa nước chảy qua sân,
Em lấy ông lão qua lần mà thôi.
Bao giờ ông lão chầu Trời,
Thì em lại kiếm một chàng trai tơ.
Câu ca dao đúng tới muôn đời, có khác là thời nay họ thích ở góa hơn là "lại lấy một người trai tơ". Người xưa người ta chất phác. Tình người ta giản dị, người ta chỉ nghĩ đến lấy người trai tơ. Chứ ngày nay người ta khôn ngoan hơn, tình người ta phiền phức hơn, người ta thấy ở góa có lợi cho hạnh phúc người ta hơn. Về hạng này Oanh cho một cái gương bà Án đủ chứng tỏ.
Xưa kia bà là một thiếu nữ xinh đẹp có tiếng ở một tỉnh nhỏ. Năm mười chín tuổi, bà lấy kế một ông Phủ gần năm mươi. Năm băm hai bà góa chồng. Và bắt đầu ngay từ đấy, bà sống một cuộc đời ầm ỹ, xa hoa cho mãi tới ngày nay. Vậy sao Hảo lại không giống bà? Giống vì di truyền huyết thống hay vì ảnh hưởng hoàn cảnh. Những luận đề tâm lý mà Oanh đã học mấy năm qua trở lại trong ký ức nàng để bênh vực cho lý thuyết của nàng.
Nhưng từ hôm nàng nghe câu Hảo khuyên nên giục Cảnh cưới vợ thì nàng sinh ra nghĩ ngợi. Đối với nàng câu ấy có thể ngẫu nhiên mà có. Nhưng nàng ngờ rằng Hảo yêu anh nàng. Vì yêu nên sợ phạm tội lỗi. Và vì sợ phạm tội lỗi nên muốn Cảnh lấy vợ ngay, đề cắt đứt hết ái tình mới nhóm giữa hai người.
Chính hôm nay nàng thốt câu ấy ra cũng là để dò tâm tình Cảnh. Nhưng hình như Cảnh không lưu ý tới. Nàng thở dài chua chát bảo anh:
- Bọn đàn ông họ tệ thực! Họ muốn, cầu cạnh khổ sở, chỉ còn thiếu họ lạy van nữa. Thế mà khi đã mê một người khác thì họ quên mình ngay.
Cảnh cười đáp:
- Thiết tưởng em chả nên có ý nghĩ yếm thế ấy. Bản thì chẳng bao giờ quên được em.
- Em nói chung cả bọn đàn ông. Chứ nếu em mà biết Bản say mê một ai thì em đoạn tuyệt ngay. Chẳng yêu nhau thì lấy nhau làm gì để làm bận lẫn nhau.
- Anh thì anh tưởng yêu nhau khác, lấy nhau khác.
- Câu ấy mà đến tai chị Lan Hương thì hẳn chị ấy phải khổ lắm.
Cảnh đứng dậy, ôn tồn nói:
- Hôm nay em tức tối điều gì nên em ác cảm lây với anh.
- Trái lại thế, em chỉ muốn cứu vớt anh và cứu vớt danh dự gia đình.
Oanh biết câu ấy quá mạnh, quá dữ dội, nhưng dầu thế nào cũng phải nói ra một cách sống sượng với anh một lần. Danh dự gia đình! Nàng thấy chữ hơi to tát. Làm thế nào mà giữ được danh dự cho cả một gia đình. Tự cứu mình đã khó, cứu sao được người khác trong gia đình? Nhưng sự ngờ vực, sự ghen tuông, sự tranh giành giữa hai cha con, vì một thiếu nữ, nàng thấy sẽ thành một đầu đề làm trò cười cho công chúng. Làm trò cười! Đó mới là một điều đáng sợ. Làm trò cười còn nhơ nhuốc bằng mấy mươi mất danh dự; nàng như trông thấy ở trong một khách sạn những ngón tay trỏ vào nàng, như nghe thấy tiếng thì thầm vào tai xóm giềng: "Oanh đấy! Nó là em gái của Cảnh con gái ông Thiện, hai người cùng phải lòng một cô Hảo đây mà!"
Không, không thể thế được. Nước mắt Oanh chảy ướt má, nước mắt tức giận và xấu hổ, và nàng trở vào phòng, sợ anh quay lại trông thấy mình khóc.
CHƯƠNG 8
Đã hai hôm liền Cảnh không ngủ nhà, và cũng hai hôm liền, ông Thiện không đá động gì đến chàng và con gái nữa. Hầu như ông quên hẳn chàng đi. Hầu như có bao nhiêu lời tức giận, tàn nhẫn ông đã trút cả lên đầu con trai và nhờ đó ông đã hả lòng, ông đã bình tĩnh lại. Sự thực thì tâm hồn ông đương bị nung nấu. Yên lặng là cái triệu chứng của đau khổ, đau khổ ngấm ngầm không thể thú với ai được.
Mà ông tức giận, ông tàn nhẫn, ông đau khổ, không phải vì Cảnh đã bán mất của ông một biệt thự ở Sầm Sơn mua đứng tên chàng. Đó chỉ là một cớ để ông nổi được thịnh nộ, để ông biểu lộ được sự căm tức bấy lâu bị nén ở trong lòng. Cái cớ đau khổ của ông sâu xa hơn và ông nhận thấy rõ từ khi Cảnh bỏ nhà ra đi, ông cảm thấy ông nhớ con thương con.
Cảnh là người con ông yêu nhất. Không phải vì Cảnh là trai và những con khác đều là gái; vẫn biết ông không tránh được chỗ thường tình của xã hội trưởng giả, yêu con vì con làm danh giá cho mình, cho nhà mình. Có một người con tuấn tú đậu cử nhân luật, đó là một hãnh diện ở đời. Ông yêu Cảnh cũng có lẽ một phần vì tính tình cha con giống nhau, và vì hai người cùng có những thị hiếu mãnh liệt như nhau. Nhưng ông yêu Cảnh nhất vì một sự hấp dẫn tự nhiên. Ông yêu Cảnh như yêu một người bạn thân, lần đầu thoáng gặp nhau là yêu nhau liền.
Thế mà người bạn thân ấy bây giờ ông phải ghét, ghét thực sự, ghét sâu xa không thể tưởng tượng được, ghét như ghét kẻ thù không mong có ngày hòa giải, ông đương chờ dịp để phá tung lòng ghét ngấm ngầm ra thì nay dịp ấy đến. Cảnh bán nhà lấy tiền tiêu.
Kể thì ông cũng định tâm, cố ý tìm dịp chứ ông không chờ nó đến. Ông thấy Cảnh tiêu xài quá đáng. Mua ô tô, mua mô tô, ông lại nghe Cảnh mua cả ngựa hàng nghìn bạc. Vậy tiền ở đâu ra? Vay mượn? Ông biết Cảnh có tính tự cao tự đại, không chịu quy lụy đi vay mượn các nơi bà con thân thích bao giờ. Vậy, chỉ còn nguồn độc nhất nữa bán nhà, và ông nghĩ ngay đến biệt thự Sầm Sơn đứng tên Cảnh.
Biết chắc thế rồi ông sung sướng. Ông sẽ làm khổ Cảnh, làm khổ một người mà ông coi như một kẻ cừu địch. Khác nào con mèo vờn chuột trước khi cắn nhát quyết liệt.
Ông về nhà gặp giữa lúc Cảnh ra đi với cái ô-tô thể thao mới mua. Ông ôn tồn hỏi:
- Ở nhà thầy nói chuyện này đã.
Cảnh yên lặng lùi ô-tô vào sân, rồi vui vẻ ra tiếp chuyện cha.
Ông Thiện đi gần lại chỗ ô tô đậu, thân mật vỗ vai Cảnh hỏi:
- Cái xe đẹp lắm, con mua bao nhiêu?
- Bẩm xe của anh Đoàn đấy ạ. Đây này, thầy coi.
Trên biển đồng quả có khắc dòng tên bác sĩ Nguyễn văn Đoàn. Sự thực thì Cảnh đã nghĩ tới lòng ngờ vực của cha và đã nhờ bạn đứng tên mua hộ.
- Đoàn cho con mượn?
- Vâng.
Ông Thiện mỉm cười, chép miệng:
- Con cũng chả nên mượn lâu quá. Nhỡ xảy ra rủi ro sẽ thêm khó nghĩ cho con. Thà là người khác thì đền tiền là xong, chứ đấy là anh vợ chưa cưới của con.
Cảnh lạnh lùng:
- Vâng, để rồi con giả.
- À thầy giữ con lại định để rủ con vào nghỉ mát Sâm Sơn ít bữa. Cảnh hoảng hốt nhưng định thần ngay được.
- Vào ngay bây giờ... hơi sớm.
- Thầy mệt muốn nghỉ ít bữa.
- Bẩm với lại...
Ông Thiện sung sướng hỏi dồn:
- Sao con? Với lại sao, con?
- Bẩm con... trót cho người anh em bạn mượn...
- Ồ! Tưởng gì! Cái nhà ấy rộng chán...
- Bẩm... người ta ở với gia đình... mình ở chung không tiện.
- Thế thì thôi vậy. Ra Đồ Sơn ở khách sạn vậy. Con ra Đồ Sơn với thầy nhé?
Cảnh cố giữ lại tiếng thốt ra: Thoát!
- Con đi sửa soạn hành lý thôi. Đi ngay chiều nay.
Cảnh trầm ngâm:
- Hay, hay thầy ra trước. Mai con xin ra. Con hơi bận chút việc.
- Cũng được.
Ông Thiện lên gác.
Ngay chiều hôm ấy tấn kịch bắt đầu. Ông Thiện đi hỏi sở Quản lý văn khế và biết đích xác rằng Cảnh đã bán ngôi biệt thự với một giá rất lời, một vạn sáu. Tuy tức giận mà ông cũng không thể không nghĩ tới điều ấy, và ông tự hỏi: "Sao cần tiền mà nó bán được giá cao thế?". Tới nhà vào giờ ăn chiều. Oanh đương cùng đầy tớ gái bày bàn. Ông thở dài bảo nàng:
- Thằng Cảnh hỏng mất rồi con ạ.
Oanh ngơ ngác:
- Bẩm...?
- Thằng Cảnh sinh ra chơi bời... quá độ... nó đâu con?
- Bẩm anh con ở trên gác.
Ông Thiện đi thẳng lên gác. Oanh nghe tiếng cha thét mắng ầm ầm, vội chạy lên. Nàng thấy ông Thiện nắm tay đập xuống bàn giấy của Cảnh thình thình và gào:
- Mày là một thằng khốn nạn. Một thằng khốn nạn, mày đã biết chưa?
Từ sáng, Cảnh lo sợ hiểu rằng cha đương ngờ vực. Bây giờ thấy cha biết cả, chàng lại bình tĩnh hơn. Chàng nghĩ thầm: "Thà thế còn hơn". Chẳng khác một phạm nhân trốn tránh khổ sở, khi bị bắt tự an ủi: "Thì mình đành chịu tội còn hơn lẩn lút, sợ hãi, chạy lủi như một con thú dữ bị nã".
Sự bình tĩnh của Cảnh khi đứng nghe chửi, Ông Thiện cho là một sự khiêu khích, sự thách thức. Và ông càng cáu, càng giận, đem những câu tàn nhẫn ra nói như tát vào mặt con. Oanh lạy van cha tha tội cho anh. Nàng nói dẫu sao thì việc cũng lỡ rồi, giận dữ thêm mệt người ra vô ích; ông Thiện mắng át cả con gái:
- Nó chia cho mày bao nhiêu, hử? Mà mày còn binh nó. Mày bảo đã lỡ, vậy để nó bán hết, để nó phá hết của tao hay sao? Chúng mày phải biết tiền mồ hôi của tao; tao khổ sở làm lụng mới kiếm ra được chứ có phải ông bà để lại cho tao đâu. Chúng mày tưởng kiếm ra tiền dễ lắm hay sao?
Ông Thiện nói nhiều nên lòng cũng nguôi dần, nhất lại nói về tiền là vấn đề phụ trong việc khiến ông nổi giận. Nhận thấy lời cha ôn tồn, Cảnh nói chen một câu:
- Bẩm thầy, hiện con mới tiêu hết ngót một vạn. Còn sáu nghìn để con nộp thầy, như thế thì thầy cũng chỉ mất nửa số tiền bỏ ra mua nhà.
Câu nói ấy khiến ông Thiện đã dìu dịu, lại ầm ầm thét lớn:
- Thôi! Còn bao nhiêu đem đi đâu mà tiêu cho hết, đừng hòng nhìn thấy mặt tao nữa. Xéo ngay! Xéo! Oanh! Bảo người nhà tống cổ nó ra khỏi cửa ngay lập tức.
Giọng ông lại êm xuống:
- Đấy, tiền vốn tao cấp cho đấy. Đi mà kiếm ăn. Mà hưng cơ lập nghiệp. Mày lớn tuổi rồi, gần ba mươi, còn bé bỏng gì mà không lập được thân. Lúc bỏ nhà ra kinh doanh, tao còn kém tuổi mày. Mà tiền vốn lại cũng kém, chỉ vỏn vẻn có một vạn bạc; nay mày có những vạn sáu ấy là tao kể số tiền mày lấy của tao. Còn như mày mua ô tô mà không mua ruộng như tao là lỗi tại mày.
Thấy Cảnh trân trân nhìn mình, ông Thiện lại hét:
- Đã bảo đi ngay mà lại! Xéo ngay! Đừng ở lại nhà tao một phút nào nữa.
Cảnh cúi đầu thong thả bước xuống nhà rồi chàng lái ô tô đi; ông Thiện đứng im như lắng nghe tiếng chân Cảnh trên thang gác, tiếng máy ô tô rú và tiếng lạo xạo dưới bánh cao su. Bỗng ông quay lại nhìn Oanh:
- Cả mày nữa, mày cũng cút xuống nhà!
Oanh đứng yên, không nhúc nhích, và ông Thiện chợt hối hận, thở dài bảo nàng:
- Thầy buồn lắm, con ạ. Có thằng con trai thì hư mất rồi. Thầy vẫn biết con gái hay con trai thầy coi cũng như nhau. Nhưng quá hy vọng vào nó... Thôi nay thì hết, hết hy vọng... Vì thầy coi như không có nó nữa.
Oanh bình tĩnh:
- Mời thầy xơi cơm.
Không nói một lời, ông bước xuống thang gác, vào phòng ăn. Rồi hai cha con ngồi đối diện hai bên bàn, ăn, im lặng và vội vàng.
Xong bữa, ông Thiện lên ngay phòng ngủ thay quần áo đi nằm. Tâm ông dần dần tĩnh lại, ông hối hận về ngôn ngữ, cử chỉ hành vi của ông. Ông thương con và lấy làm ngượng với con, người con mà xưa nay ông vẫn vị nể. "Chẳng hiểu rồi nó đi đâu, rồi nó làm gì? Mình cũng quá nóng!... Biết đâu rằng nó lại không buồn phiền quá đến nỗi tự hủy hoại thân thể..."
Ông bật lên tiếng cười. Ông cho ý tưởng của ông thực đáng tức cười. Một thiếu niên ham mê chơi bời như Cảnh, trong ví lại còn một số tiền sáu nghìn bạc thì tự tử sao được. Họa chăng trụy lạc. Ông tự trả lời ngay: "Thì nó trụy lạc rồi còn gì!" Tình thương con vụt tan đi. Còn lại lòng khinh bỉ. "Nó có tự tử mình cũng chẳng nên tiếc".
Ý ông nghĩ thế nhưng lòng ông thấy tiếc, tuy cái nạn kia chỉ mới có trong tưởng tượng. Không tiếc sao được! Cảnh là hy vọng của ông, như ông đã nói với con gái ban nãy. Là người nối dòng dõi ông, là người đèn nhang thờ phụng ông sau này. Là người hiện đang làm cho ông hãnh diện, làm tôn giá trị ông trên thương trường và trong gia tộc. Mỗi lần ông về làng, những bà con thân thích đều xúm xít hỏi thăm "cậu cả". Và biết cậu cả đã đậu cử nhân luật và sẽ làm trạng sư hay xuất chính làm quan thì ai nấy trầm trồ khen ngợi. Hai anh em ruột ông ghen tỵ với ông, thèm muốn địa vị ông một phần lớn cũng vì Cảnh và Oanh hai người con thông minh, học giỏi, nết na của ông.
"Nết na! Mỉa mai không? Tin này mà về tới làng thì mình còn ra sao nữa! Thằng con nết na, đốn mạt mất rồi".
Ông thấy ông loanh quanh. Ông thấy ông tự dối ông. Ông thấy ông có tà tâm. Vì cái cớ chính khiến ông khổ sở về Cảnh ông vẫn không dám tự thú. Cái cớ ấy là Hảo. Chỉ có Hảo. Ngoài ra không có gì khác trong giờ này. Cái biệt thự, số tiền vạn sáu! Láo tuốt! Nhưng mỗi lần cái tên Hảo lóe ra tâm tư, ông lại vội tắt đi mà nghĩ lạc sang chuyện khác...
Sáng hôm sau, ông Thiện dậy sớm ngồi ngay vào bàn giấy làm việc. Ông ghi số trang, ông cài ghim nhiều tờ vào nhau, biên những cột số dài dằng dặc vào sổ sách.
Mười hai giờ trưa, Oanh lên, đứng nấp cửa hé nhìn vào phòng giấy, thấy vẻ mặt cha bình tĩnh, sung sướng nữa, nàng tưởng như đã không xảy ra một tấn kịch gì trong gia đình.
Nàng bước vào nói:
- Mời thầy xuống xơi cơm.
Ông Thiện ôn tồn, thân mật:
- Con thư cho thầy nửa giờ nữa, nửa giờ nữa thôi.
Nửa giờ sau ông đã thu dọn hết giấy tờ vào tủ và ung dung bước xuống phòng ăn. Hai cha con ăn yên lặng. Không ai nói với ai một câu. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Bỗng vừa xong bữa, ông Thiện chợt nhớ ra điều gì, hấp tấp ra đi, hấp tấp đến nỗi không kịp bảo cho tài xế biết rằng mình định đi đâu. Khi ô tô đồ trước cổng bà Án, ông hơi ngượng, tự hỏi sao tài xế lại đoán biết mình đến đây. Người thứ nhất ông gặp là Hoằng vừa ở trường về tới cổng cùng một lúc với ô tô của ông. Ông vội cất mũ chào, hỏi:
- Thằng Cảnh có lại đây không ông?
- Thưa ông tôi cũng không biết, vì tôi vừa về tới đây. Nhưng mời ông vào chơi để tôi hỏi cô Hảo xem.
Hảo nghe tiếng ô tô đỗ cũng đã bước xuống sân đón tiếp. Thanh Đức đăm đăm nhìn chuỗi hạt trai quý giá đeo ở ngực Hảo. Hôm qua ông còn nghi nghi hoặc hoặc. Hôm nay thì ông tin chắc rằng cái chuỗi hạt ấy chính Cảnh đã biếu nàng... Và ông thề với ông rằng thế nào ông cũng sẽ trả thù. Trả thù ai ông không rõ.
Hoằng nói:
- Cô Hảo, ông Thanh Đức hỏi thăm anh Cảnh có lại đây không?
Hảo ngả đầu chào khách rồi đáp:
- Không ạ, mấy hôm nay không thấy anh ấy đến.
Thanh Đức mỉm cười ngờ vực:
- Bà lớn có nhà không, cô?
- Có đấy ạ, mời ông vào chơi.
Vừa gặp mặt Thanh Đức, bà Án đã hỏi ngay:
- Ông đã nhận được thơ của tôi chưa?
- Đã. Chính vì cái thơ ấy mà tôi về đây. Tôi không hiểu sao tự nhiên bà lớn lại không thích ở đồn điền nữa.
Bà Án cười:
- Không phải tôi không thích, nhưng tôi thấy khó lòng mà trả nợ ông được dù ông cho chịu bao nhiêu năm đi nữa.
- Thì tôi đã nói chỗ bà lớn với tôi phỏng có làm gì mấy vạn bạc. Chẳng qua bà lớn muốn dùng thì tôi... thì tôi...
Tìm mãi không được chữ đúng nghĩa, bất đắc dĩ Thanh Đức phải dùng tạm chữ "nhường" ông ta muốn nói biếu, nhưng thấy ngay rằng không tiện thốt tiếng ấy ra. Bà Án nhìn Hảo và đáp:
- Tôi bảo em nó trả lời ông rằng hãy để thong thả chả việc gì mà phải vội, thế thôi, chứ tôi có nói thích với không thích đâu. Hảo, con viết gì thế, con? Thế thì thôi, cô xúi tôi trả lời hãy để thong thả, rồi cô lại không viết như thế.
Bà quay sang phía Thanh Đức nói tiếp:
- Thôi, xin lỗi ông. Kể thì việc ấy quả không cần vội thực.
Thanh Đức đưa mắt hầm hầm nhìn Hảo:
- Nghĩa là cô muốn quên lời hứa, chứ gì?
Hảo nghiêm sắc mặt:
- Ô hay! Tôi có hứa gì với ông đâu. Ông nói lạ!
Bà Án sợ lỡ chuyện và việc hỏng hẳn không vớt vát lại được nữa, liền nói tuế tóa:
- Thôi, tôi can cả đôi bên, việc rồi đâu sẽ có đấy. Bây giờ hãy đánh mạt chược đã. Chiều nay mời ông Thanh Đức ở đây xơi cơm với tôi nhé.
Hảo cũng tỏ ra người thạo xã giao, vui vẻ nói:
- Thế nào ông có nhận lời không? Hay giận đấy!
Một câu ấy đủ làm cho Thanh Đức sung sướng:
- Tôi đâu dám giận.
Thế là cuộc mạt chược bắt đầu liền. Ông Thiện tuy ngoài mặt niềm nở mà trong lòng vẫn hằn học với Hảo. Ông càng suy nghĩ càng thấy hai người có tình ý với nhau. "Chắc chắn chúng nó yêu nhau rồi, nên Hảo vội nhạt nhẽo với mình. Đích thế, không còn sai được". Lòng căm hờn của ông biểu lộ ra lời nói; ông không cần khai mào, ông nói thẳng, ông nói phăng, ông nói thật sống sượng cho mà biết tay, và ông bắt đầu:
- Thưa bà lớn, thằng Cảnh nhà tôi hỏng mất rồi, nó hư mất rồi.
Ông liếc Hảo ngồi cánh trên. Hảo không đổi sắc mặt, bà Án hỏi xoắn xuýt:
- Khổ! Sao thế ông? Cậu Cảnh ngoan ngoãn thế mà...
- Nó chả ngoan ngoãn như bà lớn tưởng đâu. Nó vừa lấy của tôi vạn sáu bạc.
Ông lại liếc nhìn Hảo. Và nhận thấy nét mặt Hảo hơi buồn. Bà Án hốt hoảng như được nghe tin báo chính mình bị mất trộm:
- Một vạn sáu? Cậu ấy mở tủ két à?
- Không, nó bán của tôi mất một cái nhà.
- Bán nhà?
Hoằng cũng hỏi:
- Anh Cảnh bán sao được nhà của ông nếu không có chữ ký của ông?
- Cái nhà ấy lúc mua đứng tên nó.
Một mình Hảo yên lặng, không bàn nửa lời, yên lặng rất có ý nghĩa, ông Thiện cho là thế.
Hoằng lại hỏi:
- Đứng tên anh Cảnh? Nghĩa là ông cho anh ấy chứ gì?
- Đứng tên khác, cho khác chứ, với lại dù tôi có cho nó nữa, cũng không phải để nó bán đi lấy tiền đánh bạc, đánh cá ngựa và... và... - Ông định nói "và cho gái", nhưng ông ngượng, dừng lại.
- Cái đó là theo quan niệm của ông. Chứ tôi thì tôi tưởng đã cho là cho, dù cho con hay một người khác, và khi ấy người nhận được vật cho muốn làm gì tùy ý, cho lại ai hay bán đi lấy tiền tiêu xài, đánh bạc mặc lòng. Như thế sao gọi là lấy của ông được.
Hảo yên lặng mỉm cười. Bà Án khuyên:
- Ông cũng chẳng nên giận cậu ấy quá mà trước là mất thể diện cậu ấy, sau là làm mang tiếng cả ông. Cứ im là hơn, rồi sau mà tìm lời hơn lẽ thiệt mà dạy bảo cậu ấy.
Thanh Đức cười ha hả:
- Bà lớn tưởng tôi đăng báo cáo việc riêng chăng? Không khi nào tôi lại đi làm cái vô ích ấy để hiến một trò cười cho thiên hạ. Tôi đã hỏi thầy kiện từ lâu về việc này rồi...
- Hỏi từ lâu? Hỏi thầy kiện trước khi việc này xảy ra.
Thanh Đức hơi ngượng và luống cuống.
Ông cố nói đánh trống lấp:
- Thưa bà lớn, tôi có thể không cho nó hưởng một xu gia tài nào, việc ấy tôi có thể làm lắm. Chưa kể việc tôi dự định sau này vội hãy nói ngay bây giờ tôi cắt hẳn số lương tháng của cậu cả xem cậu cả lấy gì mà tiêu xài phung phí.
Hoằng cười:
- Anh Cảnh cũng còn hơn vạn bạc. Hết số tiền ấy đã, rồi sẽ hay.
- Còn có sáu nghìn. Già lắm cho cu cậu sáu tháng. Sau hạn ấy thì sẽ biết... Bà lớn tính hạng ấy xa cha ra thì rạc rời ra đấy mà. Làm nên trò trống gì cái quân lười biếng, chơi bời, bê tha, lêu lổng ấy! Thanh niên! Trời ơi! Thanh niên!
Bà Án như chợt nghĩ ra một điều quan trọng:
- Rõ tôi cũng lú ruột rú gan.
- Bẩm cái gì đấy ạ.
- Sáng nay có người đến rủ tôi bỏ vốn chung vào việc khai mỏ vàng ở một vùng Hòa Bình nào đó, nghe đâu cái mỏ ấy ông ta...
Thanh Đức sửng sốt hỏi:
- Trịnh Viết Thành, phải không?
- Chính, tài nhỉ! Sao ông biết!
- Tôi hiện đương tìm ông ta về việc này. Ông ta nói cần bao nhiêu ạ?
- Ông ta định làm to, mua máy móc tối tân để khai khẩn theo lối khoa học. Ông ta không nói bao nhiêu nhưng hình như phải bỏ ra hàng chục vạn, có lẽ tới trăm vạn, ông ta rủ tôi, nhưng ông tính tôi thì khéo lắm bỏ ra được một vạn là cùng, nên tôi có giới thiệu ông.
Mắt Thanh Đức sáng lên:
- Bây giờ ông ta ở đâu, thưa bà lớn?
- Ông ta dặn ông ta ở đằng ông hàn Dương.
- Vậy xin phép bà lớn, tôi phải đi tìm ông ta ngay mới được.
Thanh Đức đứng dậy nói tiếp:
- Xin lỗi bà lớn. Tối nay hay mai tôi xin lại...
- Nhưng ông về xơi cơm chiều nhé. Tôi đợi đấy.
- Xin bà lớn tha cho. Chạy đuổi theo công việc thì không dám hẹn giờ với ai nữa. Thôi lạy bà lớn, kính chào cô.
Ông giơ tay bắt tay Hoằng, vui mừng nói:
- Au revoir, mon cher.(xin chào, bạn thân của tôi)
Đoạn đi thẳng ra ô tô.
Hoằng phá lên cười, và nhại giọng Thanh Đức "Mon cher".
Rồi chàng đạo mạo kêu:
- Kim tiền! Trời ơi! Kim tiền! Kim tiền làm cho người ta quên mất hết ghét, yêu, thù, tức để nghĩ đến nó, chỉ nhớ đến nó, chỉ chạy theo một nó. Kim tiền vạn tuế!
Hảo vừa xếp cỗ mạt chược lại vừa bình tĩnh nói:
- Làm gì mà như điên thế?
- Sống mãi trong cái xã hội này, thì một ngày kia tôi điên thật.
Bà Án cười buồn:
- Người đâu mà nóng nảy! Thành thử mới đánh được có hai ván. Biết thế đừng nói chuyện đến cái việc khai mỏ vàng ấy vội.
Hoằng định bỏ đi. Hảo giữ lại nói khẽ:
- Anh đi tìm anh Cảnh lại chơi ngay.
Hoằng chau mày nhìn Hảo:
- Tìm anh Cảnh?
- Vâng. Sao?
- Biết anh ấy ở đâu mà tìm.
- Không biết ở đâu mới phải tìm.
Nàng mỉm cười vồn vã nói tiếp:
- Chịu khó một tý đi. Chóng ngoan anh!
- Được rồi!
Hoằng vội vàng ra đi. Hảo táy máy đứng xếp những con mạt chược thành một chồng cao. Rồi mỗi khi công trình của nàng đổ ụp, nàng lại loay hoay bắt đầu lại.
CHƯƠNG 9
Trong liền mấy ngày Thanh Đức bận công việc túi bụi. Hôm nào cũng vậy ngay từ sáng sớm, Thành đã cắp cái cặp lớn phồng lên vì ních chặt giấy má, đồ đạc, cùng đi với Trương lại nhà ông Thiện. Thành vào trạc ba mươi tuổi, người dong dỏng cao, vẻ mặt thông minh, mắt sáng trán cao, miệng rộng, nhưng hình dáng hơi ẻo lả, cử chỉ như đàn bà. Còn Trương thì người to lớn lực lưỡng, đầu đội cái mũ vành tay cầm cái hèo nhỏ xíu và tiếng nói nhỏ nhỏ như có vẻ bẽn lẽn sợ sệt. Ba người đưa nhau lên gác, vào phòng giấy; ông Thiện bảo người nhà dọn cơm ngay trong phòng giấy để khỏi phí một phút thì giờ nào. Và có hôm nào làm việc khuya quá, ông Thiện phải giữ Thành nghỉ lại nhà mình. May đã có gian phòng bỏ không của Cảnh đem dùng được việc. Ý ấy đã khiến ông Thiện nghĩ đến con trong dăm phút, nghĩ lướt qua.
Sáng hôm thứ tư, ba người ra đi rất sớm.
Ở một mình trong cái nhà rộng thênh thang, Oanh cảm thấy cô độc, hiu quạnh. Ít lâu nay Bản bận học thi bác sĩ nên cũng chưa đến. Nàng thấy Bản khác hẳn với cha và anh nàng. Tính tình điềm đạm, thực thà, ưa theo cổ tục, tuy sống giữa một bọn dễ theo mới, là bọn sinh viên trường thuốc. Nàng vẫn phàn nàn về điều đó, nhất là nàng lại thấy Bản nhiều phen đã làm cái đích cho những mũi tên chế riễu. Tấn kịch gia đình vừa xảy ra khiến nàng xét kỹ lại, ngẫm kỹ lại những tính tình lạ lùng của cha và anh, và thấy Bản đáng là một người chồng kiểu mẫu. Nàng cho tình yêu nhè nhẹ thường bền. Còn tình yêu bồng bột chỉ là một cơn giông tố ầm ỹ nổi lên rồi tan đi trong chốc lát. Nàng nghĩ đến Lan Hương. Nàng thương hại Lan Hương.
Người nhà gõ cửa báo có bác sĩ Đoàn cùng đi với một thiếu nữ lại chơi. Oanh vội vàng đi trang điểm qua loa, rồi xuống phòng khách. Thiếu nữ đi với Đoàn là Lan Hương.
- Anh! Ồ chị Lan Hương, tôi đương nghĩ đến chị thì chị đến chơi.
- Cô nghĩ tới tôi! Trong trường hợp buồn hay vui?
- Trong cả hai trường hợp; mời chị ngồi chơi.
Nàng gọi người nhà bảo đun nước. Nhưng tâm trí nàng để cả vào diện mạo Lan Hương; Lan Hương hơi gầy đi, nhưng vẫn đẹp, dưới hàng mi dài, mắt vẫn sáng và ngây thơ.
- Chị mới ra?
- Gì... ạ?
Lan Hương hỏi thẳng:
- Anh Cảnh bỏ nhà đi từ hôm nào, cô?
- Chị biết?...
- Dạ tôi biết hết. Tôi ra mời anh Cảnh vô nghỉ Sầm Sơn ít bữa. Cô ạ, anh Cảnh không thể ở xa chị em mình được; ở gần cô, tôi được yên lòng. Ở xa gia đình, nghĩa là xa cô, tôi lo cho anh Cảnh lắm, không khéo sẽ...
Lan Hương ngập ngừng mãi mới nói tiếp được hai tiếng chót:
- Trụy lạc.
Hai giọt lệ đọng trên mi nàng.
Đoàn nãy giờ vẫn ngồi im. Chàng coi như công việc của chàng chỉ là đưa em gái lại nhà Oanh. Uống cạn chén nước, chàng đứng dậy cáo từ, và bảo Lan Hương:
- Em ở đây chơi với cô Oanh. Chốc nữa anh lại đến.
Oanh đỡ lời:
- Anh cho phép chị Lan Hương ở đây chơi với em cả ngày hôm nay rồi nghỉ đêm nay với em. Chị em xa nhau lâu ngày, em có nhiều chuyện muốn nói với chị quá.
Đoàn mỉm cười bảo Lan Hương:
- Tùy em đấy! Em nghĩ sao?
- Dạ! Vậy anh cho phép em nhé?
- Được rồi. Anh đi gửi điện tín vào cho cô biết rằng em đã tới nơi để cô khỏi sốt ruột.
Lan Hương cười âu yếm:
- Anh chu đáo quá!
Oanh hỏi:
- Vậy chị vừa tới Hà thành?
- Tôi tới tối hôm qua.
Đoàn chào ra về. Oanh tiễn tới hiên rồi quay vào. Lan Hương gục ngay vào Oanh khóc:
- Chị ơi, sao em khổ thế này?
Trong lúc đau đớn, Lan Hương đã quên khuấy địa vị là hôn thê của anh bạn, và đã xưng em với Oanh một cách rất tự nhiên. Hai người ngồi kể lể tâm sự với nhau. Nói chuyện đến bà Án và Hảo, họ coi Hảo như một con yêu tinh hiện lên dương gian để phá hanh phúc các gia đình đương sống bình tĩnh, đương sống yên vui. Oanh bảo Lan Hương:
- Chị còn đỡ khổ. Em mới đau đớn chứ, vị hôn phu của chị, chị còn có đủ can đảm coi như một người dưng nước lã được...
Lan Hương ngắt lời bạn:
- Trời ơi! Sao chị lại nói thế?
- Chỗ chị em thân thiết em mới dám thổ lộ hết tâm can với chị. Vâng, chị còn có thể lãnh đạm coi anh như một người dưng, chứ em thì cha em, anh em... Trời ơi! Em chết mất, chị ạ.
Oanh không nói dứt được câu, vì nàng cho rằng việc đã xảy ra ấy quá sức tưởng tượng của loài người. Lan Hương, giọng đầy nước mắt:
- Bây giờ thì chỉ còn cầu trời giáng phúc để cứu vớt lấy hai linh hồn tội lỗi ấy mà thôi.
Oanh buồn rầu đáp:
- Em thì em cho mình phải tự cứu lấy mình, trời mới cứu mình được. Em sẽ liều một nước cờ cuối cùng, rồi có thua mới đành chịu thua.
- Chị làm thế nào?
- Em sẽ đến chơi Hảo.
- Chị đến Hảo? Vô ích chị ạ? Em thì em không bao giờ chịu nhìn mặt cái con người ấy.
Có tiếng chuông điện. Hai người lắng tai nghe. Oanh bảo Lan Hương:
- Có lẽ thầy em về chăng? Không, không nghe thấy tiếng còi ô-tô!
Nàng ra cửa sổ, nhìn qua cánh cửa chớp xuống cổng. Bỗng nàng tái người đi! Hảo ở phía ngoài cổng đương nói chuyện với một người ở gái đứng phía trong! Nàng thì thầm: "Lại một sự ngẫu hợp! Sao lại thế được. Động nói đến ai là người ấy hiện ra". Tự nhiên, nàng sợ hãi, như sợ hãi yêu quỷ, thần thánh.
- Chi đó chị?
Oanh thì thào, giọng khủng khiếp:
- Hảo!
- Hảo!
Hai người yên lặng ngồi chờ. Một lát người ở lên nói có Hảo lại chơi.
Oanh hỏi:
- Mày đã bảo tao có nhà chưa?
- Đã ạ!
- Rõ khổ!
Nàng quay lại dặn Lan Hương:
- Chị nằm nghỉ một lát, để em xuống xem cô ta muốn cái gì.
Nàng trù trừ... bỗng quả quyết bảo người ở:
- Không. Mày xuống nói tao ốm và đương ngủ.
Lan Hương cười:
- Thế cũng xong.
Một lát sau, người ở gái lên mang theo ba cái phong bì lớn giấy dày, Lan Hương tò mò và Oanh kinh ngạc nhìn. Tay Oanh run run cầm đọc lần lượt từng cái. Một chiếc gửi cho cha, một chiếc gửi cho anh, một chiếc gửi cho chính nàng. Nàng mở ra xem càng kinh ngạc hơn.
Tâm linh nàng như vừa báo cho nàng biết rằng chính Hảo đã cứu vãn danh dự cho nàng. Nàng thấy Hảo khác hẳn người mà nàng thường tưởng tượng phác ra?
- Có thể như thế được không?
Giữa lúc ấy có tiếng còi ô-tô ở cổng.
- Lần này thì thực thầy em về.
Tiếng ông Thiện ở phòng khách dưới nhà:
- Oanh! Oanh!
Oanh không kịp nói gì, để Lan Hương ở lại trong phòng ngủ, cầm cả ba phong bì hấp tấp chạy xuống. Ông Thiện mặt mày hớn hở bảo con, làm như con đã biết rõ công việc của ông:
- Cái mỏ ấy về thầy rồi... Thầy không mua lại. Nhưng thần tình lắm. Thầy mà đã định là phải được. Đấy nhé, thầy biếu ông ta, ông Trường ấy mà, thầy biếu ông ta có năm nghìn bạc, ông ta làm giấy xin bỏ cái périmètre 1 ấy, cùng một lúc thầy đệ giấy xin luôn cũng cái périmètre ấy. Chỉ năm phút sau, cái mỏ vàng vào tay thầy. Thành thử bây giờ thầy hoàn toàn làm chủ nhân cái mỏ quý ấy. À! Anh Cảnh con đâu?
Oanh cười:
- Thầy đuổi anh con đi rồi thầy còn hỏi anh con đâu.
- Thế con đi tìm anh con ngay, việc này thầy cần đến anh con. Ồ! Giấy má quan hệ lắm.
- Vâng, con xin đi tìm. Nhưng trước hết con hãy trình thầy biết một tin này đã.
Nàng nhân lúc cha đương vui thích về công cuộc kinh doanh để cho ra ngay cái tin buồn, và nàng đưa cho cha xem ba tờ giấy báo hỷ.
Ông Thiện đỡ lấy xem. Bỗng ông chân tay run lên, mặt mày tái mét, miệng lẩm bẩm:
- Lạ! Có lý nào!
Và ông chạy vội ra ô tô, bảo tài xế lái lại đằng bà Án.
Oanh chạy lên gác; Lan Hương hỏi:
- Cái gì thế, chị?
- Hảo báo tin mừng.
- Tin mừng?
- Vâng, tin mừng. Hảo lấy ông huyện Tố, mười sáu này cưới.
Lan Hương sung sướng ôm chặt lấy Oanh:
- Chị bảo gì?
- Có thể Hảo tốt thực không?
- Biết đâu rằng Hảo tốt, Hảo chỉ kén chọn lấy một người chồng mà Hảo yêu.
Oanh giọng bí mật:
- Không phải! Quyết không phải thế. Nếu quả thế thì sao Hảo cưới vội vàng, hấp tấp thế này, như cưới chạy tang vậy. Chị ạ, em cư xử với chị Hảo thực là khiếm lễ. Chiều nay em phải xin lỗi mới được.
Chú thích:
1. Biên giới cái mỏ.
Khái Hưng
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngày xuân đọc thơ thiền Trần Ngọc Tuấn Trong tập thơ Chân Thân, Trần Ngọc Tuấn có nhiều bài thơ trăn trở về quá trình hành Thiền của mìn...