Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Chuyện vui về "thằng Tây" và "Kỹ nghệ lấy Tây" thời nay

Chuyện vui về "thằng Tây" 
và "Kỹ nghệ lấy Tây" thời nay
Chuyện thằng Tây 1
Một thằng sinh viên Việt Nam du học ở châu Âu dẫn bạn là một thằng Tây về nhà chơi. Hai thằng đi bằng xe máy, thằng Việt Nam đưa cho thằng Tây cái mũ bằng nhựa mỏng dính nói thằng Tây đội vào, thằng Tây nói:
- Tao có mũ vải rồi.
- Không được, cái này gọi là mũ bảo hiểm, theo luật giao thông, nếu không đội mũ này mày sẽ bị phạt.
- Nhưng cái mũ này làm sao có tác dụng bảo hiểm?
- Mày đúng là thằng Tây, tao có nói để bảo hiểm đâu, chỉ để khỏi bị phạt thôi.
Đi một đoạn, thấy mấy tay công an đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, thằng Tây hỏi:
- Luật giao thông Việt Nam không áp dụng cho công an à?
- Có áp dụng.
- Vậy sao họ không đội, họ không lo bị phạt sao?
- Vì đó là công an, không đội cũng không bị phạt, vì công an không ai lại đi phạt công an.
Đi tiếp, thấy mấy thanh niên không đội mũ bảo hiểm đi ngang qua cảnh sát giao thông cũng không bị phạt, thằng Tây hỏi:
- Đó cũng là công an à?
- Mày lại hỏi đểu à, đó là bọn trẻ trâu, nó không bị phạt vì nó nhuộm tóc vàng và khoe hình xăm ở cánh tay, nó sẵn sàng bỏ chạy khi bị thổi còi, lâu dần nó không cần bỏ chạy cũng không bị phạt.
- Tại sao tóc tao cũng vàng, tay tao cũng có hình xăm mà mày bắt tao đội mũ bảo hiểm?
Thằng Việt Nam bí quá nói đại:
- Tại tóc mày chỉ có một màu vàng, bọn kia tóc nó nhuộm hai màu. Mắt mày lại xanh, mũi lõ nên không giống mấy đứa đó được.
Đến ngã tư, có đèn đỏ thằng Việt Nam vẫn đi tiếp, thằng Tây kinh ngạc hỏi:
- Mày không nhìn thấy đèn đỏ à?
- Có.
- Vậy sao mày không dừng?
- Mày không hiểu cái gì hết, cần phải xem xe container đằng sau nó có dừng không, nếu nó vẫn lao nhanh thì phải chạy tiếp không nó húc chết.
Thằng Tây ngoái lại thấy một xe container lù lù chạy đằng sau, mặt xanh lét, vừa sợ vừa khâm phục kiến thức giao thông của thằng Việt Nam. Đến ngã tư khác, gặp đèn xanh, thằng Việt Nam dừng lại không đi, thằng Tây hỏi:
- Sao đèn xanh mày lại dừng?
- Tại phải chờ cho các anh em nhân dân ở đường vuông góc với đường này nó vượt đèn đỏ xong đã rồi mới đi được, không nó húc chết.
Vừa nói xong thì một người nhân dân thiếu kinh nghiệm bị xe của làn vuông góc húc ngã vì liều lĩnh vượt đèn xanh. Thằng Tây lại càng khâm phục kiến thức giao thông của thằng Việt Nam. Xe vượt đèn đỏ gây tai nạn bỏ chạy, thằng Tây gọi thằng Việt Nam đến hỗ trợ người bị nạn, đỡ người, vẫy xe ô tô để chở nạn nhân đi viện nhưng không ai hỗ trợ, cũng không ai cùng vào giúp, thằng Tây hỏi:
- Tại sao không ai cùng giúp nạn nhân như chúng ta?
- Tại người Việt Nam ai cũng bận.
- Người châu Âu không bận sao?
- Nhưng người Việt Nam bận hơn người châu Âu, và cứu người cũng có thể gặp phiền phức, mà thôi không hỏi nữa, mày với tao chở nạn nhân vào viện bằng xe máy.
Hai thằng đến quá nửa đêm mới về đến nhà. Sáu giờ sáng hôm sau, đang ngủ, bị đánh thức bởi tiếng loa phường, thằng Tây hỏi:
- Tại sao loa không thông báo muộn hơn?
- Tại muộn hơn thì mọi người đi làm, không có ai nghe.
- Vậy phát thanh sớm thì có người nghe không?
- Cũng không có.
- Vậy tại sao phải phát thanh sớm?
- Tại muộn hơn thì mọi người đi làm, không có ai nghe.
Chuyện thằng Tây 2
Sáng hôm sau, chỉ có thằng Tây và thằng Việt Nam ở nhà, hai thằng tổ chức nấu ăn. Thằng Việt Nam nấu, nhờ thằng Tây đi… đổ rác:
- Mày ra cổng, rẽ trái, đi 40 mét gặp một cái biển ghi chữ “Cấm đổ rác” thì đổ ở đó.
- Lạy Chúa, sao lại đổ rác ở chỗ cấm đổ rác?
- Vì đó là chỗ duy nhất có thể đổ rác, cả tổ dân phố này đều ngầm quy ước đó là chỗ đổ rác.
Nấu ăn một lúc, thằng Việt Nam phát hiện ra không còn thực phẩm, nói thằng Tây trông nhà để đi chợ, thằng Tây nói:
- Mày ở nhà, để tao thử đi chợ, tao thử đi một mình xem sao, tao muốn trải nghiệm. Mà chợ chỗ nào?
- Mày đi ra cổng, rẽ phải 300 mét, thấy một cái biển ghi…
- Ghi “Cấm họp chợ” phải không?
- Đúng, mày thành người Việt Nam mất rồi. Đó, chợ ở ngay sau cái biển đó.
Ăn xong, thằng Tây muốn đi ra trạm ATM rút tiền. Thằng Việt Nam nói:
- Chắc mày chuẩn bị muốn đi đến vùng không có máy rút tiền hả.
- Đúng, hôm trước tao rút mấy lần, có lần thì bị “nuốt thẻ”, có lần thì phải chờ gần nửa giờ, chờ xong thì máy… hết tiền, nên tao muốn rút nhiều một chút đỡ phải đi rút.
- Để tao gọi taxi đi!
- Tao muốn đi xe máy, tao bắt đầu thích xe máy.
- Vậy mày cầm cái túi không quai này, ngồi sau tao chở đi rút tiền.
- Cái túi để làm gì vậy? Đựng tiền hả?
- Không, cái túi này không có gì, mày cứ cầm ngồi sau, cầm lỏng thôi để cho cướp giật nó giật.
- Không có quai để khi nó giật thì không bị ngã xe phải không?
- Mày đoán như thần vậy.
- Còn tiền rút xong để đâu?
- Mày để trong túi áo, túi quần chứ còn để đâu.
Trên đường về thì thấy một thằng ô tô biển xanh vượt qua các xe khác với tốc độ khoảng trên 100km/h ở làn đường chỉ cho ô tô chạy không quá 70km/h. Thằng Tây hỏi:
- Nó là xe ưu tiên à?
- Không, như xe biển trắng thôi.
- Nhưng sao nó phóng vậy mà không bị “bắn” tốc độ, hay lái xe biển xanh nhuộm tóc vàng và xăm hình ở cánh tay?
- Không phải, lái xe không nhuộm tóc xăm hình. Đó là xe của cơ quan nhà nước, tay sếp của cơ quan đó kiểu gì cũng quen biết bên cảnh sát giao thông, không quen trực tiếp thì quen gián tiếp. Cảnh sát giao thông có bắt thì lại phải nghe điện thoại “giải mã” rồi lại phải thả nên thà không bắt nữa cho khỏi mất thời gian.
Trên đường đi, thấy nhiều nơi ghi “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Thằng Tây hỏi:
- Ghi vậy làm gì mày?
- Khi mày đang rất đói thì mày muốn bàn chuyện đi đâu?
- Tất nhiên là đi ăn.
- Đó, thiếu cái gì thì nói nhiều về cái đó.
Tiến Sĩ Phổ Cập
Nhiều chuyện ngồi nghĩ lăn tăn mà không giải thích được.
Ngày xưa, trước 1975 ở miền Nam, gia đình nào có người thân, họ hàng, con cái mà lấy người ngoại quốc, nhất là lấy Mỹ thì lấy làm xấu hổ lắm. Che dấu, giữ kín, cảm thấy bị xúc phạm. Nhất là có con với Mỹ nữa thì khốn đốn, nhục nhã vô cùng, bất luận Mỹ trắng hay Mỹ đen, có học hay thất học. Dù nhiều người vẫn có cưới hỏi đàng hoàng, nhưng họ hàng, bà con, xóm giềng vẫn dị nghị. Thời đó người ta gọi họ là Me Mỹ, như trước đó gọi là Me Tây. Thường khi có con, họ đưa vào cô nhi viện hoặc đem bỏ vất vưởng đâu đó.
Thế rồi thời cuộc đổi thay, hàng triệu người phải lưu vong ở xứ người, chuyện lấy người bản xứ nơi họ định cư trở thành chuyện bình thường. Ở trong nước, cuộc sống khó khăn, cứ ngỡ xứ người là thiên đường, phụ nữ Việt Nam lũ lượt lấy chồng ngoại. Không chỉ lấy Mỹ, người Âu hay các nước giàu có, họ lấy cả người Hoa, người Phi mong có một cuộc sống khá hơn. Và bỗng nhiên, lấy được chồng người nước ngoài trở thành một niềm kiêu hãnh, không những cho bản thân mà gia đình, cha mẹ, họ hàng bè bạn đều vui vẻ và tự hào với sự lựa chọn ấy. Họ trở về thăm quê với anh chồng mắt xanh, mũi lõ, với những đúa con tóc vàng đẹp như búp bê. Cả làng xuýt xoa, cả xóm khen ngợi. Âu cũng là lẽ thường tình của cuộc sống, sự đổi thay cũng phù hợp với quá trình thế giới mở rộng hơn, gần gũi hơn và cũng vì những nhu cầu thường tình của cuộc đời. Và dư luận không còn khắt khe, miệng đời không còn xì xầm, cũng là điều nên hoan hỉ.
Nhưng mới đây, một cô người mẫu cưới một anh Tây ở Hà Nội mà Đảng ủy và Ủy ban của địa phương tổ chức một buổi lễ long trọng, bandroll, cờ xí đỏ lòm để trao giấy chứng nhận kết hôn thì coi chướng mắt quá. Lại đem khoe tè le trên mạng, lấy làm thoả mãn lắm.
Có chuyện gì mà ghê thế, nghe nói cô gái còn phát biểu là lấy chồng ngoại là góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Báo chí làm như hết chuyện viết, cũng đua nhau đăng lên. Quan trọng vậy sao? Bỗng dưng muốn chửi thề một cái. Thời buổi gì mà mọi thứ đảo lộn tùm lum tà la. Ngó không được chút nào.
Giặc đang mấp mé ngoài kia, tàu ngư dân bị đâm nát, chúng xả thuốc độc cho cá chết, biển chết, chúng chôn chất thải độc hại trên đất cho đất chết. Rồi người sẽ cũng lần lượt chết vì những thứ độc địa. Biết bao nhiêu chuyện để viết, biết bao việc chính quyền phải lo, lại đi tổ chức phát giấy kết hôn cho một cá nhân, lại đăng hình, đưa báo chuyện tào lao.
Thối không ngửi được!.
14/7/2016
Đỗ Duy Ngọc
Theo https://www.trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...