Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Đọc "Hoa nở không mùa" của Phạm Hồng Oanh

Đọc "Hoa nở không mùa" 
của Phạm Hồng Oanh
Đọc gần năm chục bài thơ của Hồng Oanh trong tập “Hoa nở không mùa”, một cảm xúc thật khó tả, bồng bềnh như trận gió đầu tiên của mùa về sau những ngày dài khao khát bừng lên. Quen quen lắm mà lạ lạ thường. Thơ Hồng Oanh không màu mè, kỹ xảo; nó thật thà, thắng thắn một cách cương trực; nó sừng sững hiện ra một mình mà chẳng cần e dè, tránh né; nó như độc lập với Hồng Oanh, như là thứ tự nó phải được sinh ra như vậy.
Cái độc lập trong thơ Hồng Oanh có thể khái quát thành mấy cụm từ được thể hiện khá nổi bật, gắn với chữ “tự”: tự hiểu; tự bạch; tự trách, tự lo.
Tự hiểu: Có những câu thơ hình như Hồng Oanh viết chỉ để tự hiểu về mình:
“Những khoảng lặng tưởng không còn bão tố
Chỉ bất chợt lòng bời bời lá đổ
Mới bàng hoàng: mình cũng vào thu!”.
(Nhặt ở vườn rau)
Những điều tưởng như vô nghĩa, mà có tác động lớn lao:
“Xe cát về để ngăn cản triều dâng
Em khao khát điều đời chưa khao khát”
“Lời không mới với dã tràng xe cát
Trong âm vang, hình như biển trở mình”.
(Lời cũ với dã tràng)
Thấu hiểu những cảm nhận có tính dự báo, khắc khoải trong lòng:
“Gió đã vàng
Trên vòm lá còn xanh”
“Mang lạnh đến
từ ngày chưa lạnh lắm”.
(Cho một ngày cuối năm)
Tự bạch: Đôi chỗ biểu đạt nỗi niềm sâu kín:
“Lúc cầm cày tiếc mình còn thi sĩ
Vác bút lên lại hóa dáng thợ cày…”.
(Tự bạch)
Đôi chỗ bộc bạch những nhận thức, trăn trở:
“Mỗi ngày lại có ngày mai
Thời gian cứ nhặt tàn phai góp vào”.
(Mỗi ngày)
Hay:
“Đốt làm chi đám lá đa
Không gom được lửa, chỉ nhòa khói bay”
Lá đa đã là biểu tượng của dối lừa. Cố tình đốt, hủy diệt cái dối lừa ư? Chỉ đau thêm chứ ích gì.
Có lẽ về khía cạnh tự bạch, không thể không nhắc đến “Muối dưa”:
“Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa”.
(Muối dưa)
Tôi được đọc cảm xúc của không ít người về bài thơ này. Riêng tôi, tôi cứ bị câu thơ đầu tiên trong bài làm cho váng vất. Nó không phải “mất cái còn tươi” mà là “cái mất” vẫn tươi roi rói. Biết làm sao khi con tim cứ đay đi nghiến lại rằng: “không thể nguôi ngoai được”. Người ta thường nói: “Thời gian là phương thuốc nhiệm màu, chữa lành mọi nỗi đau”. Thế nhưng nếu thời gian lại vô nghĩa với “cái mất”; và “cái mất” cứ tươi nguyên như vậy, thì chắc hẳn “cái mất” đó là nỗi đau vượt ra ngoài những thứ mà thời gian có thể chữa lành. “Muối dưa” nói về cái mất như vậy hẳn là đỉnh cao của việc dùng ngôn từ để chuyển tải những thứ mà ngôn ngữ hiếm khi có thể chuyển tải được.
Tự trách:
“Ta đâu phải biếng lười
Mà mất mùa hạnh phúc
Sao người còn đi mót
Nhặt thêm hạt lép về”.
(Không đề)
Không biết có phải tứ thơ này đã thành tên của tập thơ này không: “Hoa nở không mùa”, nhưng nụ hoa nở không theo mùa thực sự là thứ độc lập, lạ thường:
“Chỉ còn lại nụ hoa
Lỡ mùa không thành trái
Và hạt buồn sót lại
Nên mùa không thành mùa”.
(Không đề)
Tự lo: Hồng Oanh có những câu thơ rất riêng mà như gợi lên những liên tưởng lớn:
“Chiều hoang hoải lung lay từng nỗi nhớ
Để u hoài vương trên mặt người qua”.
(Đường phố chiều…)
Đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Rồi:
“Bầu trời sót ánh sao đêm
Như chưa tan được nỗi niềm năm canh”.
(Lời thu)
Và:
“Mảnh hồn thay một mảnh gương
Nửa soi, nửa giấu mà dường bất yên”.
(Tạp cảm cho mình)
Những câu thơ về tự lo của Hồng Oanh không nói về cá nhân mà nói về nghiệp sáng tác, về cái không đâu cứ ràng buộc, cứ canh cánh trong lòng. Hồng Oanh e sợ lối mòn:
“Vốn liếng nhặt gom lưng túi lép gầy
Gậy đang mòn trên những con đường cũ”.
(Tự bạch)
Hồng Oanh lo ngại cho nghiệp “đa đoan”:
“Câu tình bằng trót hát sai
Bao nhiêu phận gái đã phai má hồng…
Tôi mang tùy hứng đèo bòng
Đi dò những khúc sông… không đợi mình!”.
(Tùy hứng… qua sông)
Chao ơi, tôi cứ tưởng mình đã hiểu đôi chút tiếng Việt. Đọc câu thơ này của Hồng Oanh, tôi tự đập vào trán mình. Hóa ra “tình bằng” nó là như thế. Suy nghĩ cái “tình bằng” riêng tư đã là đáng kể. Nhưng Hồng Oanh không lo “tình bằng” cá nhân. Hồng Oanh mang phận “má hồng” của mình dò con sông cuộc đời. Quai nón của Hồng Oanh đã buộc vào nghiệp “Trời cho làm thơ [1]”, rồi băn khoăn về chuyện đa đoan tình đời.Sau những nỗi lo và trăn trở, những dự cảm mãnh liệt cũng xuất hiện:
“Xạc xào gió cuối mùa đông
Rau răm đang lụi, cải ngồng đang hoa”.
“Bất ngờ từ phía chiều xa
Bừng bừng thắp một vạt hoa cuối mùa”.
(Viết cuối mùa đông)
Những ngồng cải xao xác cuối mùa ấy lại lồng vào khung cảnh tráng lệ của cánh đồng trời. Những dự cảm ấy hứa hẹn sự bùng nổ như trong Kinh Dịch đã viết “Cùng tất biến, biến tất thông”.
Xin chúc mừng Hồng Oanh về những thành công đã đạt, chúc mừng cả những trăn trở hiện tại và dự cảm nhiều thành công lớn hơn nữa trong tương lai.
Chú thích:
[1] Một câu thơ của Đoàn Thị Tảo.
13/11/2019
Bùi Đại Dũng
Theo http://nhabup.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...