Bức tranh Mona Lisa có gì đẹp?
Tranh Mona Lisa đã 500 tuổi và giờ đây hầu như cả thế giới mặc nhiên coi đó là bức
tranh đẹp nhất.
Nhưng nếu bỗng có câu hỏi rằng: “Thế nó đẹp ở chỗ nào?” thì
chắc gì đã có ai dám đứng ra trả lời đến nơi đến chốn, bởi cái đẹp là tùy mỗi
người, nào ai cân đong đo đếm làm gì. Tuy nhiên, trừ những người cùn hoặc cố
tình trả lời qua quýt, còn với những thầy dạy môn Lịch sử Mỹ thuật thì đây là
chuyện hết sức nghiêm túc và cần có lý giải thỏa đáng.
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của hoạ sĩ đại tài người Ý
Leonardo de Vinci (15/4/1452 - 2/5/1519), chúng ta hãy cùng mổ xẻ lý do tại
sao bức tranh chân dung với nụ cười huyền bí này lại chinh phục được tâm trí của
nhiều người đến thế nhé.
1. Giá trị độc bản
Nếu tác phẩm Văn chương, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh có thể
in ra, diễn đi, chiếu lại hàng nghìn, hàng vạn lần mà người xem vẫn thấy hài
lòng thì với Hội họa không ai dám khoe đã xem phiên bản của một bức tranh. Tất
nhiên văn, nhạc, kịch, phim cũng có bản gốc viết tay của tác giả nhưng nếu
không in ra hay không trình diễn hoặc trình chiếu thì chắc chẳng ai xem (trừ
gián điệp và tòa án). Chỉ có Hội họa (và phần nào đó của Điêu khắc) là ngành
nghệ thuật duy nhất có tiêu chí Độc bản (hoặc Nguyên bản). Mọi tranh chép và
in, dù đẹp đến đâu chăng nữa, cũng đều bị coi là hạng nghiệp dư và chỉ dùng để
tham khảo vì dấu ấn sáng tạo và thực chất đã không còn!.
Mặt khác, vẫn theo quy luật tiền hàng tiền của tư bản
thì ai là chủ sở hữu của bức tranh gốc sẽ giá trị hơn nhiều so với chủ
sở hữu của văn bản gốc hay bản nhạc gốc, kịch bản gốc vì tranh gốc chắc chắn là
tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, còn văn nhạc kịch phim buộc phải in diễn chiếu
mới trở thành tác phẩm hoàn chỉnh, mới có công chúng.
Như thế thì bức tranh La Gioconda trong Bảo tàng
Louvre là báu vật độc nhất vô nhị. Ai thích thì phải đến tận nơi mà xem tận mắt.
Giả sử có bức thứ 2 tương tự thì ai còn trả 4000 đồng tiền vàng hay bảo hiểm
100 triệu USD làm gì nữa? Tiền cực đắt là vì người ta đành cắn răng trả cho báu
vật duy nhất ở tầm cỡ thế giới, ở đây có lẽ là bức tranh đẹp nhất.
2. Tranh và nhân vật rất có thần, như muốn tâm tình với
khán giả
Tiêu chuẩn số một của tranh chân dung là phải giống, bất kể
tác giả của nó theo trường phái nào: Hiện thực, Ấn tượng hay Lập thể… Thế mà tự
các họa sĩ đều biết - nếu vẽ chân dung thì đa số sẽ vẽ chỉ nhang nhác là cùng
vì chưa đủ trình độ chủ động diễn hình; thiểu số khá hơn sẽ vẽ giống ngoài mặt;
chỉ rất ít họa sĩ có thể vẽ không những giống mà còn có thần. Đây là từ
chuyên môn của giới mỹ thuật, xin các độc giả tạm hiểu điều đó là nhân vật
có nội tâm, có thần thái và cá tính.
Trích đoạn so sánh hai khuôn mặt của
tranh gốc (trên) và bức
Islewoth Mona Lisa (dưới)
Cụ thể trong bức La Gioconda thì nhân vật ở thế đối
diện với khán giả và dù câm lặng vĩnh viễn thì nàng Mona Lisa vẫn luôn có cái
nhìn tươi tắn đầy gợi cảm như muốn đối thoại kiểu tâm tình với người xem. Những
ai yêu thích thể loại tranh chân dung đều biết có vô vàn cách biểu hiện mặt mũi
trong tranh nhưng cái cách mà nàng Lisa dịu dàng, đằm thắm, đầy nữ tính với cái
nhìn tinh tế như thấu tận tâm can của mỗi người xem thì cực hiếm trong thể loại
này. Đó chính là cái thần ít khi có được. Ngay cả với họa sĩ lớn cũng chỉ
khi nào họ thăng hoa mới có thể xuất thần mà vẽ có thần.
3. Dám chơi kiểu rất khó: vẽ phong cảnh làm nền phía sau
Trích đoạn phong cảnh phía trên, bên phải tranh,
có chiếc cầu
rõ ba vòm và vòm thứ tư mờ dần
Đa số các họa sĩ khi vẽ chân dung sẽ chọn nền là bức tường
hay phông vải cho đơn giản để tập trung giải quyết mặt (là trọng tâm và khó hơn
nhiều). Cái khó là nếu cảnh xấu thì tranh thêm dở mà cảnh đẹp thì sẽ làm mất tập
trung vào chân dung. Quả thật, trong suốt chiều dài của Lịch sử Mỹ thuật, rất
hiếm họa sĩ cả gan vẽ thêm phong cảnh làm nền cho chân dung mà tranh vẫn thành
kiệt tác. Số người thành công kiểu này chỉ đếm trên đầu ngón tay và lại đều xếp
sau bậc kỳ tài Leonardo.
Soi vào tranh, ta thấy ông dám liều chơi rất khó: chọn bối cảnh
rộng bát ngát với trời mây, núi non, đường mòn, sông suối, cầu cống, cây cỏ…
bao la, phức tạp và tinh tế. Tất cả đều đậm hoặc sáng vừa phải, lại có sắc màu
ngả lạnh để đẩy ra thật xa và nhường ưu tiên cho nhân vật ở phía trước. Tác giả
đã phát minh ra kỹ thuật sfumato, nghĩa là làm mờ dịu trong trẻo các ranh giới.
Chính kỹ thuật này đã khiến ông vẽ được cả những thứ mà phần lớn các họa
sĩ không vẽ được: độ dày của bầu không khí mờ ảo man mác mà người xem
cảm giác được từ sau lưng nhân vật đến tận núi non đằng xa. Về điểm này thì một
số họa sĩ ta có vẽ cảnh làm nền cho chân dung nhưng hoặc là họ nhằm hiệu quả
khác, hoặc họ chỉ đạt hiệu quả như phông nền vẽ giả trong tiệm ảnh để chụp kiểu
đánh lừa mắt: cảnh phẳng lừ, bẹp dí, không có thứ tự lớp lang, không có độ dày
không khí giữa nhân vật và phong cảnh.
4. Tranh tạo ra được tới 3 ảo giác
Dù ta muốn tin hay không thì cũng phải thừa nhận: tranh không
hấp dẫn số đông đến vậy nếu không có những yếu tố ma mị mà ở đây là
các ảo giác.
Nụ cười bí ẩn là ảo giác thứ nhất:
Đa số khán giả bị hấp dẫn bởi ảo giác này. Thực ra không có
gì gọi là quá cao siêu khi tác giả chọn nụ cười mỉm - là khởi đầu của hành động
cười nên ta càng nhìn thì hành động có vẻ như càng tiếp diễn và tất nhiên càng
cuốn hút. Đây là phương án lựa chọn tối ưu trong mỹ thuật khi mô tả hành động,
có từ thời Hy Lạp cổ đại.
Khác với các ngành nghệ thuật khác, mỹ thuật không diễn tả được
một quá trình nên nó buộc phải chọn thời điểm. Thoạt tiên người ta chọn cao
trào của hành động nhưng đa số thất bại vì quá khó khi nhân vật phải giang tay,
vung chân, há mồm hết cỡ, trông rất phản cảm. Tai hại hơn nữa, thời điểm cao
trào gây cảm giác sắp kết thúc nên xem càng lâu càng thấy hẫng hụt. Vì lẽ đó mà
Hy Lạp cổ đại đã làm tượng Lực sĩ ném đĩa ở thời điểm lấy đà tối đa,
khiến người xem có cảm giác thấy lò xo nén hết cỡ, chỉ tích tắc nữa là bung ra,
chiếc đĩa sẽ vụt bay đi. Cái tài của cụ Vinci là không chỉ vẽ miệng cười mà mắt
cũng cười và toàn thân toát lên vẻ tươi tắn. Mặt khác, nụ cười mỉm duyên thầm
hơn và hợp với nữ tính hơn.
Đôi mắt luôn dõi theo từng khán giả, bất kể họ ở vị trí nào trước
mặt là ảo giác thứ hai:
Chúng tôi từng chứng kiến khá nhiều người khi vào xem Mona
Lisa đã vội vàng chạy sang phải, dạt sang trái, công kênh nhau lên cao rồi nằm
mọp sát đất, mắt vẫn không rời tranh. Hóa ra họ muốn kiểm chứng về đôi mắt nhân
vật luôn chăm chú nhìn từng khán giả, bất kể họ đứng hay nằm ở đâu, miễn là trước
mặt nàng. Kết quả đúng như vậy, với bất kỳ ai. Về cơ bản thì cách làm này không
khó: chỉ cần vẽ hai lòng đen chính giữa đôi mắt nhìn thẳng thì đều tạo ra ảo
giác tương tự. Tuy nhiên oái oăm ở chỗ nhân vật của Leonardo lại đang liếc về một
bên, vậy mà nếu ta né sang bên kia thì nàng vẫn dõi theo ta không kém phần chăm
chú. Có giả thiết cho rằng vì một trong hai mắt của nhân vật đã được đặt đúng vị
trí trên đường trục dọc chia đôi tranh. Kể ra cũng khó loại trừ nhưng chẳng mấy
thuyết phục. Và đây lại thêm một bí ẩn hấp dẫn nữa của tranh.
Có hai đường chân trời hơi vênh nhau ở hai bên là ảo giác thứ
ba:
Khán giả xem tranh sẽ thấy ngay chân trời bên phải, không
thăng bằng mà hơi chếch. Chân trời bên trái thì ẩn nhưng bằng kinh nghiệm
chuyên môn, các họa sĩ sẽ cảm giác được nó ở vị trí thăng bằng hơn. Thật khó khớp
hai đường vì mối nối sẽ bị vênh. Tất nhiên trong nghệ thuật thì 2+2 chưa chắc
đã bằng 4, nghĩa là đúng hay sai không phải là điều quan trọng nhất. Mặt khác,
danh họa kiêm nhà khoa học như Leonardo chắc không kém đến độ vẽ sai đường chân
trời. Chỉ có thể hiểu là ông đã cố tình. Và chính hai đường vênh nhau này lại tạo
ra ảo giác khiến phong cảnh có vẻ sống động hơn, thoát được vẻ chết lặng, đồng
thời nhân vật cũng có vẻ nhúc nhích đôi chút, đỡ ngay đơ như tượng. Vậy là ảo
giác thứ ba giúp tăng phần sinh động cho tranh.
Sau 5 thế kỷ, chỉ với bức tranh nhỏ này, vinh quang của tác
giả đã lên tới tột đỉnh. Đây là bức tranh đắt giá nhất, được bảo vệ kỹ lưỡng nhất
và đông người xem nhất thế giới. Thị phi càng nhiều thì lại càng như thêu dệt thêm
cho Mona Lisa trở thành huyền
thoại.
Tranh góp phần tạo ra nguồn du lịch lớn lao cho nước Pháp và
gián tiếp làm ra lợi nhuận không kém gì một nhà máy loại lớn nhất. Về mặt
chuyên môn, danh họa Leonardo da Vinci để lại cho hậu thế một số bài học kỹ thuật
kỳ diệu như hiệu quả và độ bền 5 thế kỷ của chất sơn tự chế, sự đột phá khi dám
tả cảnh thiên nhiên làm nền cho chân dung, quái chiêu tạo ra các ảo giác… và
trên hết, các khán giả đến xem tranh mà không biết rằng: ngược lại, chính họ
luôn bị nhân vật nhìn như thấu vào tâm can bằng một cái nhìn lúc nào cũng dịu
dàng, đằm thắm.
Chilaxu
Nguồn: soi.today
Theo https://idesign.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét