Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đọc tác phẩm "Giấc mơ bốn mùa" của nhà thơ Thiên Di

Đọc tác phẩm "Giấc mơ bốn mùa" 
của nhà thơ Thiên Di
Đã bao lần tôi mở ra rồi gấp lại tập thơ GIẤC MƠ BỐN MÙA (GMBM), NXB HNV 2019, của nhà thơ THIÊN DI (TD). Ngập ngừng mãi bởi càng đọc tôi cứ như bềnh bồng trôi vào cái mênh mang diệu vợi của không gian thơ hoa mộng lắm sắc màu của nhà thơ nữ xinh đẹp này. Hơn 100 bài thơ đủ thể loại, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những giây phút thăng hoa về tình yêu muôn thuở, trăng sao, mưa nắng bốn mùa, đến mộng đời phù du, và những thổn thức nội tâm sâu kín. Tất cả đan xem, không hề sắp lớp, không hề quy hoạch thành những miền cảm thức khi thi ý trào dâng. Có lẽ thi nhân đã viết trong trạng thái không thể kìm nén khi ý thơ bùng cháy. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói, cái đẹp của thơ là để độc giả tự phát giác sự việc ở cái bề sâu của nó. Thơ, thay vì làm thỏa mãn thị hiếu nhất thời, nó phải tạo điều kiện độc giả đón nhận cái trạng thái đồng sáng tác, để cùng tác giả nhìn ngắm và sáng tạo cái đẹp. Theo tôi, thơ Thiên Di trong GMBM đã bước đầu thỏa mãn cái điều kiện tiên quyết đó. Nhà thơ đã vận dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, đưa vào thơ mình những hiểu biết về triết lý nhân sinh, kế thừa vốn liếng văn học dân gian, mang lại cho thơ cái hấp dẫn của sự hàm ngôn, súc tích, cái quyện hòa giữa xưa và nay, truyền thống và hiện đại.
1/ Thơ tình Thiên Di kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa hiện thực cuộc sống và ảo huyền giấc mơ.
Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở trong thơ, nhà thơ Thiên Di cũng vậy, đây là nơi  thi nhân trải mộng, gieo mơ, khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình đặc sắc, với không gian và thời gian lớp lớp bụi mù sương khói ảo huyền, như từ quá khứ, như từ vị lai, hòa quyện với cảm xúc thực tại tạo thành khúc tình diễm lệ.
Về cùng em, người từ muôn kiếp
Linh hồn đau vết cắt thời gian
Nét phong sương hằn lên đôi mắt
Cùng em nghe chuông đổ chiều ngân.
(Về cùng em)
Nhà thơ Thiên Di ít viết về tình yêu hiện hữu, nhân vật trữ tình của thi nhân mang tính biểu trưng rất cao, chàng về “từ muôn kiếp”, để cùng nàng “nghe chuông đổ chiều ngân”. Thi ý thú vị quá, tôi như trôi giữa mộng và thực, như được chạm tay vào yên cương vó ngựa phong trần đang dừng bước trước cửa thiền am vấn vương lam khói chiều hôm.
Thi ngôn trong thơ tình Thiên Di trang nhã với những nét chấm phá sáng tạo độc đáo. Hình như thiếu vắng tiếng thở dài, những tính từ gây quặn thắt tim gan của giai nhân sầu lẻ bóng. Nàng thơ đợi chờ người tình trở về với cảm xúc rất lạ, rất mới, là chấp chới “cánh nắng mỏi” rả rời, sau đó những tia nắng cuối cùng phải “gối lên màn sương” để đôi tình nhân dìu nhau vào “đêm thơm”. Thật quá kỳ ảo, sự thăng hoa của thi tứ đã đạt đến mức bùng vỡ, bật chợt bay vút lên thoát xác khỏi ngôn ngữ sáo mòn:
Và khi anh về tới
Cánh nắng mỏi chiều hôm
Gối lên màn sương tối
Dìu nhau vào đêm thơm.
Và có lẽ trong cái “đêm thơm” huyền diệu ấy, thi nhân mơ hồ cảm nhận cái phút nàng cùng chàng nhắp chén rượu đào, cả hai chếnh choáng say say ngây ngây, nửa hư nửa thực, như giấc mộng đêm hè liêu trai, mà lại thanh khiết như giấc mơ thục nữ, nửa hồn lãng đãng hương trầm:
Thong dong nhắp chén rượu đào
Nửa bừng đôi má nửa thao thức tìm
Nửa chìm bóng tối lặng im
Nửa tim rạo rực nửa tìm hương say
(Nửa hồn về đâu)
Theo tôi, đây là thi tài thực sự, tác giả đã pha trộn hoàn hảo sắc màu của phong cách cổ điển và hiện đại, kết hợp nhuần nhụy cái ấp e truyền thống và cái rạo rực hiện sinh khiến không gian trong thơ như đêm hồng thắp nến, lung linh mộng ảo.
Giấc mơ tình yêu trong một số bài lại được thi nhân thể hiện bằng bút pháp mới mẻ, tiếng lòng nhân vật bộc trực cởi mở, đó là tiếng réo gọi trong trẻo từ con tim hồng nhung nhớ, là lời từ đáy lòng thiết tha, chân thật, không che dấu ẩn dụ rườm rà, có thể gọi đây là thi pháp hiện đại:
Khi đêm ngự trị
nỗi nhớ em lang thang đi tìm anh
Hành trang mang theo là giấc mơ xanh
Và ước mơ bên nhau hạnh phúc
Người yêu ơi
Dù dòng trong hay đục thì nước vẫn xuôi về
biển cả mênh mông
(Lời tự tình của giấc mơ)
Có thể nói, trào lưu thơ hiện đại trong những thập niên gần đây đã chắp đôi cánh tự do cho bản thể được nhà thơ Thiên Di lĩnh hội, từ đó, thi nhân viết nên những khúc ca tình yêu nhiều dáng vẻ, mà nét khắc họa chính là cái tôi tự thân ít bị ràng buộc, nhân vật trữ tình có quyền bộc bạch nội tâm cởi mở hơn. Bên cạnh đó, nhà thơ có năng lực và tố chất để viết nhiều thể loại, đề tài rộng, không gian trữ tình mênh mông cả trên bình diện lẫn chiều sâu tâm cảm, khả năng nắm bắt và biểu đạt những phút giây thi hứng rất tự nhiên, nhuần nhụy.
2/ GIẤC MƠ BỐN MÙA bát ngát nỗi niềm riêng chung nhân thế.
Thơ khai thác biểu cảm bốn mùa xuân hạ thu đông trong văn chương đông tây kim cổ thì không thể nào kể ra cho hết. Tôi đoan chắc rằng ai là người làm thơ thì ít nhất họ cũng đã một đôi lần sáng tác vài bài cảm xúc mùa. Thơ Haiku cổ điển yêu cầu phải có quý ngữ tượng trưng, bởi giác quan con người luôn chạm đến những nét chấm phá từ thiên nhiên qua sự biến thiên của cảnh vật trong năm. Nhà thơ Thiên Di cũng vậy, là một nữ thi nhân  mẫn cảm và dễ dàng rung động trước những sắc màu kì ảo của thiên nhiên nên ta bắt gặp trong GMBM rất nhiều các bài thơ mang hương sắc thời gian chuyển động không ngừng.
Tôi đi tìm nét xuân đặc sắc của thi nhân khi lạc vào thanh âm của “Cung đàn xuân” :
Xuân về hơi ấm dần lan
So dây nắn nót cung đàn nhẹ rung
Buồn chi câu hát nửa chừng
Nhớ chi buông tiếng não nùng phím tơ
(Cung đàn xuân)
Chẳng cần hoàng mai nở nụ, chẳng cần rộn ràng bếp lửa bập bùng nồi bánh chưng bánh tét, xuân của Thiên Di đơn giản là “hơi ấm dần lan”, để trong khuê phòng, ai đó so dây “nắn nót cung đàn” mà bồi hồi tiếc nhớ những gì khó nói thành lời, khắc khoải âm vọng trong tiếng tơ rung. Hơi thở xuân nồng đượm mà ơ hờ trong từng cung bậc của tiếng tơ lòng thổn thức.
Theo nhịp điệu luân vũ bốn mùa, xuân rạo rực đi qua, Hạ đến, thi nhân gọi tên mùa hạ đặc trưng của riêng mình với sen trắng, rượu đỏ và môi thơm, tạo thành một khúc tình ca diễm tuyệt say đắm mà chứa chan hy vọng:
Này hạ trắng ven hồ sen trắng rụng
Chút hồng phai lãng đãng giữa mây trời
Này rượu đỏ uống say ngày từ tạ
Nét môi thơm thắm lại sáng mai này.
Và đây, lạc bước vào mùa thu của nhà thơ Thiên Di, tôi chạnh lòng ngơ ngác, dù thi nhân chỉ vẻ một nét trăng thu vừa rơi rụng bên thềm hoa:
Từ độ thu về thêm thương nhớ
Em nhìn trăng sáng chiếu bên thềm
Vườn khuya lay động theo cơn gió
Để phiến lá gầy nhỏ lệ đêm.
Ba câu đầu của khổ thơ như một lời tỉ tê tự sự, thi nhân dồn nén cảm xúc cho câu thơ cuối cùng. Theo tôi, tác giả đã vận dụng hết tinh lực, viết nên câu thơ bất hủ, chất thơ ứa tràn cả trang thơ. Cho phép tôi được nói thẳng rằng, đây là một câu thơ hay, hay nhất trong GMBM.
Mùa đông của thi nhân không sương gió giá buốt, không băng tuyết lạnh lùng, ta thầm ngưỡng mộ cái chân thật của thi nhân, mạnh dạn bỏ qua khuôn sáo, để linh hồn mùa đông ẩn hiện với cái chất hiện thực, rất riêng của Thiên Di:
Đợi hoài cho hết mùa thu
Sang đông rũ lá liễu ru nguyện buồn
Đóa Quỳnh vừa hé trong vườn
Trà thơm tỏa khói quyện hồn xuân xưa.
Lượt qua bốn mùa, tôi nhận ra một điều, chất liệu mùa chỉ là duyên cớ để thi nhân gieo vào đó những cảm xúc nội tâm, tạo ra vô vàn những bức tranh cảnh vật với nồng độ tâm tưởng đậm đặc, diễm tình.
3. Thơ Thiên Di trong GMBM là một khối cảm xúc phiêu bồng ý vị.
Khó mà sắp xếp những bài thơ trong GMBM thành những nhóm nhỏ theo một định nghĩa nào đó. Cảm xúc của thi nhân bao trùm nhiều lĩnh cực mà cảm quan có thể chạm tới. Ta sẽ bắt gặp cái nhìn qua lăng kính phù du khi nhà thơ chiêm nghiệm triết lý sống trong cõi nhân sinh. Thi nhân hiểu đời là quá trọ nên” Trọ trần gian hai áo vải cơ hàn/ Chăn chiếu mỏng gối đầu đêm tràn mộng”. Cuộc người chỉ là một thoáng ảo ảnh, như bóng câu lướt qua ngoài cửa sổ, nhân thế đảo điên khiến thi nhân phải thốt lên: “Ta bàng hoàng thảng thốt như điên/ Ngơ ngác đứng dốc bờ ảo vọng”. Chính vì vậy, nhà thơ ước mơ trở về với mái nhà thiên nhiên: “Mai lên đồi vắng hái hoa/ Giường là nệm lá, nhà là mênh mông”. Vậy mà, ước vọng khó thành hiện thực, nên nhiều lúc nhà thơ thấy tâm hồn mình trống vắng quá: “Đêm thao thức dài lê thê? Nhìn quanh chỉ thấy bốn bề hư không”vv và v.v…
Có thể nói rằng, GMBM là một tập thơ của trí tuệ, ở đó, mỗi bài thơ mang đến cho người đọc một bức tranh nhiều màu sắc, đậm chất suy tưởng. Khi đọc tác phẩm, ta không bắt gặp cảm giác đơn điệu nhờ sự hòa quyện tuyệt đẹp giữa cảnh vật và tâm linh, tâm tình tự sự với lòng trắc ẩn, hướng thiện. Đề tài đa dạng cũng là thế mạnh của nhà thơ nữ Thiên Di. Những tìm tòi sáng tạo về thi ngôn bút pháp giúp nhà thơ định hình bước đi của mình trên sự nghiệp văn chương. Chúc cho con đường thơ của nhà thơ Thiên Di luôn mãi lấp lánh những vần thơ bất tuyệt.
Bà Rịa, 23/5/2020
Nguyên Bình
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...