Thanh Thản, một đời thơ lửa cháy
Khi tôi sinh ra, nhà thơ Thanh Thản đã qua hành trình “xẻ dọc
Trường Sơn” với chiếc ba lô trên vai cùng vốn liếng thơ có được. Thời gian
trôi, trải qua nhiều công việc từ thày giáo đến cán bộ quản lý rồi về giữ cương
vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình.
Ngày đó, mỗi khi có cuốn Tạp chí Văn Nghệ Ninh Bình, tôi được
làm quen thơ ông nhiều hơn. Và rồi, như nét duyên của đời, sau này tôi được
sinh hoạt trong Hội biết về ông qua các tác phẩm và câu chuyện của các thế hệ kể
lại. Một chất lính vẹn nguyên, thẳng thắn mà thân thiết, mộc mạc mà sâu lắng,
luôn dấn thân cho cái đẹp và cho con người.
Mới đây, được ông tặng tập thơ do chính tác giả chọn lọc “Nhịp
bước mùa đi”. Trao sách, vẫn cái chất khiêm tốn của người lính trận, ông nhỏ nhẹ:
“Hoàn Nguyễn đọc xem sao nhé!” Dẫu biết, đó có thể là lời nhắc khéo với bạn viết,
bạn nghề hãy đọc của nhau, nhưng với tôi, đó còn là sự trân trọng với thế hệ đi
trước. Nhất bây giờ, ông đã nghỉ hưu, thói đời “phù thịnh chứ ai phù suy”; những
thân thiết một thời đã lùi dần vào quá khứ, thành hoài niệm đêm đêm mất ngủ của
tuổi già.
1. Chất hào sảng một thời lửa cháy
Để đánh giá về thơ ông ư? Tôi sao có
thể đánh giá được. Bởi trong con chữ là cả một cuộc đời của người cầm bút, mà ở
đó, thế hệ chúng tôi tri ân biết bao nhiêu cũng chưa đủ. Đây lại là tập thơ do
chính ông chọn lọc, sắp xếp theo thời gian, theo chặng đường đời; nó không chỉ
là con đường thơ mà chính là con đường người, ông đã trải, đã qua và đã có được.
Cũng như rất nhiều các thế hệ cầm bút thời chiến tranh, chất
thơ hào sảng luôn là yếu tố chủ đạo trong thơ Thanh Thản. Khí thế giục giã người
ra trận, xả thân vì nghiệp lớn, chí nam nhi đâu xá sa trường. Ra trận, đối
diện với sự hy sinh, đối diện với mất mát, nhưng ở đó là cả một sự dâng hiến,
là niềm vui, là hạnh phúc và có cả sự hãnh diện “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”
(Phạm Tiến Duật). Bởi thế, biết trước sự hy sinh, người lính vẫn sẵn sàng, đón
nhận như một niềm hạnh phúc thiêng liêng Tổ Quốc gọi tên mình: “Đất nước gọi
rồi, đẹp lắm tên anh/ Đời dồn lại một phút giây đẹp nhất/ Bộc phá trong
tay, mắt nhìn phía trước/ Anh mỉm cười chờ một phút thiêng liêng” (Anh
bộc phá viên).
Với người lính, không ai khi ngã xuống mong ước được trở
thành bất cứ điều gì. Với họ, sự hy sinh như là niềm vinh quang của chiến thắng,
bởi họ biết, có vinh quang nào, có chiến thắng nào không phải đổ máu và nước mắt.
Để có được hòa bình, có được sự toàn vẹn đất nước, có được sự yên ấm trong mỗi
căn nhà, sự hy sinh đó đã là một giá trị vĩnh cửu. Người lính không mong nhưng
lịch sử sẽ phải gọi tên. “Ngọn đồi không tên/ Đi vào lịch sử/ Đồi sẽ có
tên/ Đồi bốn chiến sĩ” (Bài ca chốt giữ trên đồi không tên). Để “Đêm
giải phóng/ Bầu trời mặt đất bình yên/ Những mái tranh sáng lửa đỏ đèn/ Đầm ấm” (Đi
trong đêm giải phóng). Đấy chính là cái đích mà trước khi người lính ngã xuống
mong ước, hy vọng và chờ đợi.
Trên con đường ra trận, không chỉ có sự hy sinh, ở đấy cũng đậm
chất thơ, đậm chất người và tha thiết những yêu thương. Hình ảnh người lính,
trên đường lái xe kéo pháo vào trận gian khổ, vất vả và đầy hiểm nguy nhưng vẫn
cứ lấp lánh sáng, thơ thới biết bao: “Một đàn chim se sẽ bay qua/ Như
thương anh đã hõm sâu quầng mắt/ Như biết anh đêm nay còn thức/ Kéo pháo vào tiếp
cận Phước Long”. Và ở đó cũng ăm ắp những yêu thương của đồng chí, đồng đội: “Có
cô giao liên đi qua cũng bước rất nhẹ nhàng/ Dường như cô nén từng hơi thở mạnh/
Và rất êm, rất êm cô bước đến/ Xua cho anh những đàn muỗi bay vào” (Anh
lái trẻ ngủ trong cabin). Hãy hình dung, trong chiến tranh, khoảng lặng im giữa
hai trận đánh, có sự tĩnh lặng nào hơn thế, chút tĩnh lặng có được trước giờ nổ
súng dành cho người lính, đến đàn chim cũng “se sẽ” đập cánh khi bay qua, cô
giao liên “bước rất nhẹ nhàng”, “nén từng hơi thở” và “rất êm, rất êm”. “xua
đàn muỗi bay vào”. Cách sử dụng ngôn ngữ “se sẽ”, “rất” trạng từ để chỉ hành động,
biểu thị trạng thái của đối tượng được tác động, đưa đến cho người đọc một sự
biểu cảm trong tâm lý về sự yêu thương, gắn kết và gần gũi.
Vẫn giữ âm hưởng hào sảng vào các tác phẩm sau chiến tranh,
tác giả Thanh Thản luôn giữ cho mình cái nhìn ngọn lửa của niềm tin yêu và sức
sống. Nét lạc quan của tác giả dường như làm nên nét chủ đạo của giọng thơ giai
đoạn này. Trước những tháng năm vất vả khi quản lý kinh tế vẫn giữ hành chính
bao cấp, cuộc sống sau bao năm dài chiến tranh đã tác động đến đời sống xã hội.
Có thể, lúc đó, sẽ có nhiều người nhìn nhận cuộc sống không chỉ màu hồng,
cái đói, rét vẫn hiển hiện trong mỗi căn nhà. Với Thanh Thản, người lính chiến
trở về, vẫn sáng một niềm tin vào ngày mai. “Và em nữa, sao mà em đẹp lạ/
Gió xuân bay tà áo hoa bay/ Anh ngỡ ngàng như muôn hoa rực rỡ/ In cả lên trên
cánh áo xuân này” (Chợ hoa). Phải nói rằng, nếu bây giờ, khi đọc lại những
câu thơ này, có lẽ, có nhiều người sẽ có cái nhìn khác. Nhưng vào những năm
1983, đây là giai đoạn nền kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn, những bữa
cơm bo bo, bát mỳ ép từ sự cứu trợ của các nước mới thấy, có được niềm tin như
thế đâu phải ai cũng có. Một niềm tin từ chính những hy sinh của người lính đã
trải qua bao mất mát mới có được.
2. Nỗi niềm của lửa trong tim
Nói như thế không có nghĩa là tác giả chỉ ngợi ca, thiếu cái
nhìn của hiện thực. Thanh Thản viết về cái đói, cái khổ, không né tránh: “Trường
tôi mái trường đồng chiêm/ Đơn sơ nhà tranh vách đất/ Tháng tư đã mùa úng lụt/
Cá rô lách cả lên hè”. Hay: “Học trò quê vùng đồng chiêm/ Suốt ngày
mò cua, bắt ốc/ Trò nào trông cũng gầy guộc/ Bữa no, bữa đói đến trường” (Mái
trường đồng chiêm). Khổ đấy, vất vả đấy, nhưng ai nói ở đó thiếu vắng niềm vui,
thiếu vắng sự thanh bình và yên ả. Quê hương lam lũ, tảo tần dẫu có vất vả đến
đâu thì vẫn cứ mãi là nơi đẹp nhất, hạnh phúc nhất mà trái tim ta luôn hướng về,
nét đẹp trong gian khó; bởi “Quê hương mỗi người chỉ một/ như là chỉ một mẹ
thôi” (Quê hương - Đỗ Trung Quân). Đọc lại những câu thơ một thuở, có mấy ai tự
thấy giật mình về những gì đã qua, về những gì đã nghĩ, khi để trái tim đi lưu
lạc mất quê? Ngay bây giờ, khi tất cả lam lũ, tảo tần, vất vả đã lùi xa, cuộc sống
đã đổi khác, cũng còn có mấy ai thấy được “Về làng quen mà lạ/ Từng bước cứ
ngẩn ngơ/ Gặp một đàn em nhỏ/ Chân vấp vào tuổi thơ” (Về làng). Nếu không
yêu quê hương đến cháy bỏng, nếu không đằm mình vào đất quê đến mê say và, nếu
không có những trải nghiệm từ những tháng năm xa nơi chiến trường, liệu có mấy
người nhận ra như thế. Đau mà không buồn, khổ mà không tủi, bởi đó là quê
hương, là nơi đã ru ta trong vành nôi và rồi nơi ấy, cũng đón ta về ga đời cuối
cùng.
Sẽ là không phải nếu chỉ nhìn những tác phẩm của Thanh Thản ở
giọng thơ hào sảng của thời chiến tranh Cách Mạng. Bản thân tác giả cũng có nhiều
trăn trở với những quá trình biến thiên của cuộc sống. Tự làm mới mình và tự
làm mới trong thơ cũng là nét cần nói đến trong thơ của ông.
Khi cuộc sống đổi thay, khi chất lượng cuộc sống đã khác và đương
nhiên, những tác động của cuộc sống lên đời sống tinh thần là không thể tránh
khỏi. Có một vấn đề là, với Thanh Thản, tác giả đã đối xử với tiến trình thay đổi
ấy như thế nào? Thanh Thản có như bao người xuổi tay khi nhìn về quá khứ? Liệu
có như “lên đồng” khi chạy theo những giá trị “vờ” của vật chất đến giá trị vay
mượn đưa vào thi ca? Tồn tại hay không tồn tại chính là phải biết tự đổi mới, tự
làm mới, bắt đầu từ chính nhận thức để đến với thi ca.
Chấp nhận quy luật của cuộc sống nhưng sự chấp nhận có chọn lọc
đó chính là cốt cách của con người, là nét chân chất người quê, làm nên một
Thanh Thản gắn bó với cội rễ của cuộc sống? Thanh Thản trăn trở, dằn vặt và đôi
khi đến đớn đau những mất mát từ tác động của lối sống gấp, lối sống thực dụng
của đương thời. Nỗi đau mà không thể nói, nỗi buồn mà không thể sẻ chia. Ngôn
ngữ thơ của ông đi vào tự sự, sẻ chia: “Ơi đâu những mùa bông súng nở/ Ao
hồ lấp san chia đất làm nhà/ Mái chóp nhọn cò không về làm tổ/ Đâu ngõ quê râm
bụt đỏ mùa hoa” (Về làng nhớ làng).
Có lẽ không có nỗi đau, nỗi buồn nào hơn thế, nơi chôn nhau cắt
rốn, nơi ra ngõ gặp ký ức cuộc đời. Ấy thế mà, về ngay làng, ở ngay làng lại nhớ
đến làng xưa Câu hỏi về làng day dứt khôn nguôi, dằn vặt đến đớn đau
trong ký ức và nỗi niềm. Có lẽ thế, Thanh Thản phải thốt lên: “Có người gặp
lại thêm thân thiết/ Có người gặp lại tan hết mọi vấn vương” (Hai câu). Những
xô bồ cuộc sống, những tác động của kinh tế xã hội, những tiêu cực của lối sống
vật chất đã đánh mất và lấy đi nét con người đầm ấm và nhân nghĩa làng quê. Nỗi
đau ấy đẩy lên mức đỉnh điểm trong câu chữ của Thanh Thản: “Chiều thu sợi
nắng vàng tơ/ Lá trầu liệm quả cau khô cuối vườn” (Thương lắm trầu cau).
Thu vẫn thu đấy, nắng vẫn vàng, nhưng nét văn hóa “quả cau”, “miếng trầu” đã
không còn vẹn nguyên, đã tiễn đưa nhau vào miền quá vãng. Ngôn ngữ ông sử dụng
trở nên mộc mạc, gần chất ca dao, đằm lại, “Tiếng khoan như gió thoảng
ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” (Kiều - Nguyễn Du), là
tiếng lòng day dứt khôn nguôi.
Tất nhiên, buồn mà không được đau, tiếc nhớ nhưng không bi lụy,
bởi đó là quy luật. Biết chấp nhận, biết những điều sẽ đến để tỉnh táo, để nhận
ra chân giá trị cuộc đời, và để từ đau đớn ấy mà lớn lên, đứng dậy: “Cũng
cần có những lần vấp váp/ Để đi đường biết nhìn xuống dưới chân” (Cũng cần
có…). Tôi muốn nói thêm ở đây một chút. Thanh Thản nói “vấp váp” chứ không
phải vấp ngã. Vấp váp chỉ là cái đau nhẹ, bất chợt, thời gian nhanh, không ngã,
nỗi lo thoáng qua rồi sẽ trở về nguyên cũ; còn vấp ngã thì đó mới là sự đổ vỡ,
lúc ấy phải gượng dậy mới là nỗi lo lớn, dễ mất, khó hồi phục. Và nó sẽ là bài
học cho bước đường đi phía trước còn chờ đợi để trưởng thành, để nhận ra con đường
ta đang đi ở đâu và như thế nào. Đó có phải chăng là sự cảm thông, sự chia sẻ
và cũng là lời khuyên, trách nhiệm của người đi trước, không chỉ nhìn lại mình
mà với cả mai sau. Cuộc đời là cái đẹp, văn chương cũng là cái đẹp, hãy tự biết “Cần
chi chuyện gương với lược/ Tự mình soi lấy mình thôi” (Lời người chiến sĩ
khiếm thị) mang tính triết luận của trải nghiệm cuộc sống.
3. Vĩ thanh
Tập thơ “Nhịp bước mùa đi” của Thanh Thản là tập hợp những
bài thơ ông tự chọn một đời làm thơ với 173 bài có 2 phần: Thơ chọn theo thời
gian (121 bài) và Thơ viết cho thiếu nhi (52 bài). Thơ của ông đã có nhiều đổi
mới về thi ảnh và ngôn ngữ. Song, nét nổi bật vẫn thủy chung với những gì qua
tháng năm ông có được, nó không chịu ảnh hưởng hay tác động gì của lối thơ “thể
nghiệm”, “hậu hiện đại” hay “phi hình thức”, “phi cấu trúc”. Ông vẫn là ông,
thơ của người lính một đời lửa cháy cho đời và cho thơ. Dẫu cho hiện tại, có ai
đó nhìn nhận khác về “chất thơ” hào sảng một thời chiến tranh Cách Mạng, cho rằng
đó là giai đoạn thơ mang nặng âm hưởng ngợi ca. Trong bài viết ngắn này, tôi
không có ý lý giải hay phân tích, đánh giá về những cái nhìn như thế. Việc đó
xin dành cho lịch sử. Và tôi tin, lịch sử sẽ định đúng giá trị của nó.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến câu chuyện của Chúa Giêsu được
tường thuật trong Phúc Âm Nhất Lãm. Chuyện rằng, bấy giờ những người Pharisêu
bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các
môn đệ của họ cùng những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa thầy,
chúng tôi biết thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên
Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.
Vậy xin thầy cho biết ý kiến: Có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?” Đức
Giêsu biết họ có ác ý, nên nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả
hình. Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế.” Họ liền đưa cho Giêsu một quan tiền.
Giêsu hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Caesar.”
Bấy giờ, Giêsu bảo họ: “Thế thì, của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả
về Thiên Chúa.”
Đó có lẽ cũng là giá trị đích thực mà “Nhịp bước mùa đi” muốn
gửi đến người đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét