Hình tượng con hổ trong văn hóa
Hình tượng con hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch
sử của loài người. Trong nhiều nền văn hóa khác
nhau thế giới, hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẽ
đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn
sóng cũng như tính hung hãn, thú tính của một dã thú
là động vật săn mồi hàng đầu và cũng là một biểu tượng của đẳng cấp chiến
binh [1] đồng
thời toát lên vẽ đẹp khôi vĩ và sức mạnh [2] [3]. Về
bản chất tự nhiên, hổ là dã thú có sức mạnh, to khỏe, nhanh nhẹn, thuần thục về
kỹ thuật chiến đấu, thành thạo về kỹ năng săn mồi,
loài vật này còn đặc trưng bởi tính hung dữ, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công
hay đối địch nhiều thú to khỏe khác cùng với tiếng gầm rống rung chuyển núi rừng gây
khiếp đảm cho muôn loài và còn là động vật tinh khôn từ đó hổ được người ta tôn
lên vị trí Chúa tể của rừng núi và coi hổ là con vật linh thiêng [4] [5].
Đối với nhiều nước châu Á là Châu
lục mà loài hổ phấn bố thì hổ còn là biểu tượng của sức mạnh, thực lực, uy quyền
và tâm
linh. Tại đây, hổ được coi là có vị trí thống trị trong giới động vật nên nhân
dân ở một số nước phương Đông đã thần thánh hóa loài này với tập
tục thờ hổ hay thờ thần hổ đã đi vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng
đồng [6] [7] nhất
là ở những chốn rừng núi sâu thẳm thì hổ luôn được thờ phụng, [8] một
số dân tộc khác còn tôn thờ hổ như thần giám
hộ, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng hình ảnh con hổ là biểu tượng của đất nước, là vật
tổ của dân tộc mình. Hình ảnh con hổ đã đi sâu vào văn hóa, lịch
sử, nghệ thuật như Trung
Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn
Độ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á...
Ở một số nơi khác, trong văn hóa, hổ cũng tượng trưng cho quyền
uy, thực lực, sức mạnh, uy mãnh, hung hiểm, và ở một khía cạnh nào đó, những tập tính của hổ được
đánh giá cao và được hình mẫu như là biểu hiện cho nhiều phẩm
chất đáng trân quý của con người như sự kiên trì nhẫn nại và ẩn nhẫn dấu mình,
do khi quan sát tập tính của nó, người ta thấy hổ còn thể hiện bản chất kiên nhẫn
và giỏi chịu đựng vì theo bản
năng các con hổ biết khi nào nên nằm yên phục kích con mồi,
là bậc thầy về ngụy trang, chúng từ từ tiếp cận con mồi một cách âm thầm
từng bước một, tận dụng mọi vật bình phong che chắn để dấu mình, và một khi điều
kiện chưa chín muồi, thời cuộc chưa rõ ràng, nó sẽ tránh bọc lộ quá sớm ý đồ của
mình, hành sự kín đáo, không nóng vội.
Nhưng loài hổ cũng bộc lộ và thể hiện phẩm chất của kẻ săn mồi
thượng thặng khi cũng biết nắm chắc thời cơ và vồ lấy cơ hội một khi con mồi mất cảnh
giác, bản năng này được con người xem như việc thể hiện sự quyết đoán, bạo liệt,
mạnh mẽ, lạnh lùng, mãnh liệt và dứt khoát khi ra tay hạ thủ vào chỗ hiểm yếu
chí mạng, hổ luôn khiến muôn loài phải e sợ vì những cú vồ đầy chết chóc, những
nhát cắn chí
mạng vào yết hầu (cổ họng) một cách chuẩn xác và thuần thục để
đoạt mạng. Nó còn được biết đến với phẩm chất hành sự cẩn trọng, luôn quan sát, nghe ngóng tình hình tứ phương,
tám hướng, khi thời cơ không thuận lợi và bất trắc thì thu mình rút lui một
cách lặng lẽ để bảo toàn sức lực tránh phiền phức, chính
vì tập tính cẩn trọng, quan sát nghe ngóng kỹ càng, cảnh giác đề phòng, không
quá ham mồi mà mắc bẫy như các loài phàm ăn sài lang, linh cẩu đã
được con người đánh giá cao.
Các triều đại phong
kiến ở các nước Phương Đông coi hổ cùng với rồng là
biểu trưng cho vương quyền, trong quân
sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử, chính vì vậy mà hình ảnh
con hổ xuất hiện khá phổ biến trong cung cấm, doanh
trại và trong trường thi [9]. Đứng
hàng thứ ba trong thập
nhị địa chi, hổ là vị vua mang nhiều ẩn dụ nhất trong các loài dã thú.
Trong dân gian Việt Nam, hình ảnh con hổ phổ biến trong các kiến trúc đình, miếu,
dưới chế độ quân chủ của triều đình phong kiến, hình ảnh Hổ được biểu tượng cho
sức mạnh quân sự, cho các vị võ tướng và thường được thêu trên áo các võ quan
hàng tứ phẩm [10] ở
một khía cạnh khác, người ta thường kể nhiều chuyện dân gian, sự đồi thổi, vẽ
tranh, tạc tượng về con hổ rất nhiều và khiến cho nó trở thành những nhân vật
trung tâm của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đại chúng [11].
Trong ngôn ngữ, nghệ thuật, người ta vẫn dùng đến hình ảnh
con hổ với nhiều tác phẩm có sự hiện diện của loài hổ. Trong một số lĩnh vực
khác đặc biệt là lĩnh vực quân sự thời hiện đại lại có sự hiện diện rất lớn của
hình ảnh con hổ với biểu tượng về sức mạnh của các đơn vị vũ trang, các loại vũ
khí. Ngày nay, trong văn hóa đại chúng trên nhiều lĩnh vực như thể thao, kinh tế, quảng
cáo đặc biệt là dùng để chỉ về tiềm lực hùng mạnh cũng như sự trỗi dậy
của nền kinh tế ở các quốc gia đặc biệt là ở châu Á như Bốn con hổ châu Á, bốn con hổ con kinh tế (Tiger
Cub Economies), Những con hổ kinh tế mới [12]. Những con Hổ kinh tế (Tiger
economies) là cách nói hình tượng dành cho những nền kinh tế với tốc độ phát
triển rất nhanh và mạnh, thường gắn liền với sự cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống [13]. Người
ta cũng sử dụng hình tượng, biểu tượng, biểu
trưng, phù hiệu, nhãn
hiệu có thể hiện hình ảnh con hổ. Nói chung, hổ là loài vật có sức lôi
cuốn và là biểu tượng cho sự đa dạng phong phú về sinh thái, văn hóa và kinh tế
của châu Á [14].
Trong thời hiện đại, hình tượng con hổ đã trở nên ngộ nghĩnh,
đáng yêu hơn rất nhiều so với hình ảnh của một loài ác thú trước đó nhằm đề cao ý thức
bảo vệ, bảo tồn loài hổ khi loài này đã trở thành một động vật quý hiếm và
có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một cuộc thăm dò dư luận của kênh truyền
hình Animal Planet cho kết quả hổ là con vật được yêu
thích nhất trên thế giới với kết quả điều tra đối với hơn 50.000 người xem đến
từ 73 quốc gia, theo kết quả bỏ
phiếu thì hổ nhận được 21% số phiếu bầu và đứng hạng nhất,
tiếp theo là chó với
số phiếu sát sao 20%, cá heo đạt 13%, ngựa đạt
10%, sư tử chỉ đạt 9%, rắn được
8%, tiếp theo là voi, tinh tinh, đười ươi và cá voi [15] [16] [17]. Ngày
nay, cả thế giới đã dành riêng một ngày để kỷ niệm về loài hổ đó là Ngày quốc tế về bảo tồn hổ (nhằm
ngày 29 tháng 7 hàng năm) [18] [19] [20] lần
đầu tiên, ngày này đã diễn ra tại Việt Nam vào
năm 2011, tại công viên Thống Nhất diễn ra mít tinh và
hội thảo về tăng cường công tác bảo tồn hổ nhân Ngày quốc tế về Bảo tồn
hổ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề bảo tồn loài hổ [21].
1. Khái yếu:
Hổ là động vật biểu tượng cho sức mạnh và sự
hung hãn trong
nhiều nền văn hóa và được mệnh danh
là Chúa tể của rừng núi hay Chúa sơn lâm
Một con hổ đang thư giãn
Loài hổ phân bố chủ yếu ở vùng châu Á với
nhiều nòi khác nhau trong đó có năm phân loài còn tồn tại đến ngày nay. Hổ là đối
tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại,
là đối tượng trung tâm của nhiều truyền thuyết, huyền thoại kỳ vĩ, được tạo dựng
và tồn tại sâu đậm trong tâm trí con người qua hàng ngàn năm. Với vẻ đẹp nổi bật
rực rỡ bởi bộ da, thân hình lượn sóng, vằn vện và khỏe, uyển chuyển và kiêu
hùng của hổ là đề tài hấp dẫn xưa nay của nhiều ngành mỹ thuật, hội họa, đúc nặn,
điêu khắc, nhiếp ảnh. Chuyển động, hình dáng, thần thái của hổ (gọi là thế
hổ) được thể hiện trong hội họa, điêu khắc, phong thủy, võ thuật và là một thế
cơ bản trong thư pháp (nghệ thuật viết chữ đẹp) của người phương Đông. Hổ có
dáng đi đặc trưng được gọi là hổ bộ, bốn chân khi đi rất khoan thai, nhưng
chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống đất thì các xương cốt, cơ bắp trên phần thân
thể đều lộ ra [22].
Là động vật có những khả năng vượt trội như phi nhảy, chạy, bơi, tính nhạy cảm,
hổ trở thành đối tượng nghiên cứu hữu ích cho các nhà khoa học trong nhiều lĩnh
vực, rất nhiều vườn thú lớn trên thế giới ngày nay đều nuôi hổ phục vụ nhu cầu
tham quan, chiêm ngưỡng của người xem.
Với việc gắn bó tương đối sâu sắc và từ lâu đời với các dân tộc
ở châu Á, với sức mạnh, sự uy quyền, vẽ đẹp bí ẩn đồng thời với sự phá hoại,
tinh ranh đã để lại hình ảnh sâu đậm trong văn hóa của các dân tộc châu Á nhất
là các dân tộc Phương Đông. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các nên văn minh
với nhau tạo điều kiện cho hình ảnh con hổ được tiếp cận với văn hóa Tây Phương theo
cách nhìn nhận của người phương Tây, và ngày nay hình ảnh hổ được
phổ biến rộng rãi trên thế giới. Cái nhìn về hổ trong văn hóa đại chúng của các
dân tộc khác nhau trên thế giới hình ảnh con hổ trong thế giới này nay tuy muôn
vẻ và đa dạng nhưng có những điểm chung đó là vừa sùng bái, ngưỡng mộ trước sức
mạnh, sự hung hãn vẽ đẹp bí ẩn nhưng vừa sợ hãi, khinh ghét, hắt hủi, cũng như
cách nhìn của thế giới hiện đại ngày nay hổ đã trở nên ngộ nghĩ, đáng yêu hơn.
Ngày nay, không gian sinh tồn của hổ ngày càng trở nên thu hẹp,
và số lượng hổ ngày càng giảm dần do nạn săn bắt trái phép. Hổ đã không còn là
mối hiểm họa của con người nữa, ngược lại chúng đã và đang bị con người đưa đến
thảm họa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đã có tên trong sách
đỏ. Từ một biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, huyền bí của rừng xanh, hổ
đã trở thành biểu tượng cho lời kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng sinh
thái [23]. Ngày 28
tháng 7 năm 2009 tại thủ đô New Delhi của Ấn
Độ hơn 2.000 sinh viên đã vẽ mặt mình như hổ, tuần hành và xếp thành
hình hổ để kêu gọi mọi người bảo vệ loài động vật quý đang bị giảm sút nhanh ở
quốc gia này đồng thời lập kỷ lục số người hóa trang thành hổ đông nhất.
1.1. Văn hóa Phương Đông
Trong văn hóa châu Á, hổ là một linh vật trong 12
con giáp và tượng trưng cho sức mạnh [24]. và
trở thành một biểu tượng trong nền văn hóa cổ phương Đông, có rất huyền thoại,
sự huyền bí về hổ [25]. Trong
tâm thức người dân phương Đông thì hổ vẫn là một ác thú, nó hung hãn nhất trong
12 con giáp dù rằng về sự khôn ngoan, nó không thể sánh với khỉ và chuột, sự
kiên trì, có thể không sánh với trâu, nhanh không bằng ngựa, uy vũ không so
sánh bằng Rồng, luồn lách và hiển độc không thể bằng rắn nhưng, trong 12 con
thú, hổ hội đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công
cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà cọp là một trong những
loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được
con người thần thánh hóa bởi nhiều nước đưa hổ vào đời sống xã hội, văn hóa, và
nghệ thuật [26]. Đặc
biệt là trong rừng, không có một con vật nào sao chép được sự uy dũng của Hổ,
đó chính là Hổ xú hùng tâm tại tức là, khi con Hổ về già xấu xí nằm
yên một chỗ nhưng hùng tâm của Hổ vẫn còn, chẳng một con vật nào dám qua mặt.
Đây là ý dân gian muốn ca ngợi những vị anh hùng tuy tuổi đã cao, nhưng khí
phách hào khí vẫn không bị mất đi, vì thế chẳng một ai dám xem thường...
Hổ Amur giữa tuyết mùa đông
Với người phương Bắc thì hổ còn là biểu tượng cho quyền uy, sự
dũng mãnh nơi chiến địa [27] và
Hổ trắng là hình ảnh của đấng minh quân [28] đồng
thời tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền của vị tướng quân dũng mãnh, can trường [29]. Chính
vì thế hổ thường là đại diện và biểu trưng cho các vị tướng lĩnh, quân đội, các
lực lượng quân sư, những vũ khí chiến tranh. Ở Việt Nam có truyền thuyết, vị tướng
họ Hùng có công đánh đuổi giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra
(ngày nay đền Trình ở thắng cảnh Hương Sơn thuộc Mỹ Đức, Hà Nội còn thờ vị thần hổ này và được hương khói khắp bốn
mùa). Truyện Tam quốc có Ngũ hổ tướng, trong Truyện Kiều
có nhắc nhiều về hổ và liên quan đến Từ Hải.
Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là Hùm thiêng Yên Thế. Các võ tướng ngày xưa có
phù hiệu, ấn tín khắc hình đầu hổ, gọi là hổ phù.
Các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình hổ, thể hiện sự linh thiêng, bất
khả xâm phạm [29].
Trong tâm thức của nhiều dân tộc, hổ được coi là quái vật của
bóng tối và tuần trăng mới, hổ cũng là một trong những hình tượng của thượng giới
và thế giới được đồng nhất với mặt trăng tái hiện. Hổ còn là ông tổ của một số thị
tộc.[30]. Hình
ảnh con hổ trong đời sống người châu Á đã ăn sâu trong tâm thức, những đặc
tính của hổ được so sánh với những gì được cho là tốt, mạnh mẽ trong đời sống
hàng ngày như: hổ dữ không ăn thịt con (chỉ về đạo lý làm người, tình
cảm mẫu tử), cọp chết để da, người ta chết để tiếng (nói về danh dự), nam
thực như hổ (chỉ về ăn khỏe), mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói (chỉ
về sự hoàn thiện của một cơ thể đầy sức mạnh) hổ bộ, hổ bôn (dáng đi
như hổ), rồng cuộn hổ ngồi (chỉ về địa thế đẹp), hổ phụ sinh hổ
tử (chỉ sự tự hào khi có thế hệ tiếp nối), long tranh hổ đấu (chỉ
về đối thủ ngang tài ngang sức) hoặc còn nói khá nhiều trên bình diện quan trọng
trong một đời sống xã hội với thiết chế xã hội như làm bạn với vua như đùa
với hổ... [31].
Hổ còn được tôn thờ và là hình tượng phổ biến đầy ấn tượng
trong đời sống dân gian của người Việt với tục thờ hổ hay thờ thần hổ ở nhiều
vùng miền. Hình tượng hổ bên cạnh mang sự quyền uy còn đáng nể cùng với nhận thức
về công năng y tế và mỹ
thuật khiến hổ sở hữu một những phẩm chất để có thể trở thành một linh
vật của tôn giáo. Hổ chiếm toàn bộ vũ trụ, ngự 5 phương, được gọi là ngũ hổ,
ngũ dinh. Đạo mẫu đã lấy con hổ làm biểu tượng cho quyền
uy. Ngũ hổ là chủ thể quyền uy 5 phương, có một sức mạnh lớn và nhờ sức mạnh có
tính chi phối đó, vạn vật có trật tự. Về mặt quan hệ xã hội, 5 phương chính là
cộng đồng và đây chính là điểm đưa hổ lên tầm của sự đại đồng và bảo hộ (ví dụ
như ở Hàn Quốc, hổ đóng vai trò là Thần bảo hộ). Ở Việt Nam, sau
khi triết học Trung Hoa thâm nhập vào Việt
Nam, tinh thần của loại triết thuyết này với ngũ sắc đã kết hợp với đạo Mẫu thuần
Việt tạo nên ngũ hổ với 5 màu sắc. Biểu tượng này của tôn giáo lan sang nghệ
thuật dân gian, tạo nên bức tranh 5 ông hổ quay quần quanh một điện thờ hương
khói vấn vít, chầu vào trung ương để che chở bảo hộ. Trong phong
thủy, hổ là con vật tượng trưng cho sự quyền uy, mạnh mẽ, nhanh nhẹn và bản
lĩnh [31].
Cũng trong văn hóa, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa, hổ là động
vật có thật và gần như là duy nhất được người ta sánh đôi với rồng - một
loài vật hư cấu tượng trưng cho quyền năng của tự nhiên. Nhiều bức hội
họa, thư pháp, tranh thủy mặc ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc,
Nhật Bản... có vẻ cảnh hổ và rồng đang ở tư thế gầm ghè chuẩn bị giao chiến và
điều này cũng thể hiện trên những bức tượng, phù điêu khác. Người Hàn Quốc
quan niệm rằng khi trời mưa to là lúc rồng và hổ đang giao chiến kịch liệt. Nhiều
câu thành ngữ, vần vè cũng có sự sánh đôi giữa rồng và hổ Có thể kể đến như:
Long tranh, hổ đấu (tiếng
Hán: 龙争虎斗) hoặc Long hổ giao đấu hay Long
hổ tranh hùng dùng để chỉ về một trận đấu ác liệt ngang sức ngang tài giữa
hai kỳ phùng địch thủ vì cuộc đối đầu giữa rồng và hổ luôn chỉ đến những cuộc
tranh đấu giữa các thế lực mạnh [32]. hoặc
những trận đấu có tính chất quyết liệt [33]. Đây
cũng là tựa đề của một bộ phim võ thuật của điện ảnh Hồng
Kông có tên: Long tranh, hổ đấu (tựa
tiếng Anh: Enter The Dragon) với sự
tham gia của diễn viên Lý Tiểu Long.
Rồng cuộn, hổ ngồi (Hán
Việt: Long bàn, hổ cứ, chữ
Hán: 藏龙卧虎) hay Hay hổ phục rồng chầu có nghĩa là chỗ
đất hiểm yếu hay một địa điểm chiến lược. Thành ngữ này được nhắc đến
trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ khi đề cập đến địa thế của Đại La và
chọn đây là kinh đô của nước Việt. Câu nói này cũng là cảm hứng cho tựa đề của
bộ phim của Đài Loan của đạo diễn Lý An có
tựa đề Ngọa hổ, tàng long (tựa tiếng Anh: Crouching
tiger, hidden dragon) có nghĩa là một nơi có vẻ vô hại nhưng lại có những lực lượng
rất mạnh ẩn nấp.
Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ: Rồng xanh bên trái, hổ
trắng bên phải
Long đàm hổ huyệt (chữ Hán: 龙塘虎穴) hay Ao rồng, hang hổ: Chỉ về một nơi nguy hiểm.
Long đằng hổ dược (chữ Hán: 龙腾虎跃) nghĩa tiếng Việt là: Rồng nhảy, hổ vọt
Vân tùng long, phong tùng hổ tức mây theo rồng, gió theo hổ
Long sinh quyển, hổ sinh phong tức Rồng sinh ra mây, hổ
sinh ra gió
Rồng bơi vũng cạn bị tôm cợt/ hổ xuống đồng bằng bị chó kinh:
Câu thành ngữ chỉ về sự thất thế
Long hổ tương phùng, hàng long phục hổ hay câu khẩu
quyết trong võ học: Đao tựa mãnh hổ thương tựa giao long ngoài ra còn
có: Long hổ hội, một điệu múa trong cung đình Huế [34] hay Long
hổ môn: Một cánh cửa khó khắc hình con rồng và con hổ và cũng là tựa của một bộ
phim võ thuật - xã hội đen của Hồng Kong (Dragon Tiger Gate) với sự tham gia của
các diễn viên: Chung Tử Đơn, Lâm Phong...
Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê: Câu ngạn ngữ ở Việt Nam
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh
Long, dịch nghĩa: Trấn ải, thương vàng như cọp trắng/ Giữ quan, kiếm bạc tựa
thanh long lời tựa trong bài Hùng kê quyền.
Một bức tranh của Nhật Bản vẽ về cảnh rồng và hổ
Hổ đấu với sư tử
Ngoài việc so sánh với loài rồng, với bản năng chiến đấu hung
dữ của mình, hổ cùng là loài động vật được người ta chọn làm một bên trong các
cuộc giao chiến giữa các loài muông thú mà điển hình là cặp đấu hổ với sư tử luôn là đề tài được quan
tâm của nhiều người trong suốt lịch sử. Bên cạnh đó, một cặp đấu đáng chú ý
khác là cuộc chiến giữa hổ và voi, đặc biệt ở Việt Nam người ta trong lịch sử
người ta thường tổ chức những cuộc quyết đấu giữa các con voi
chiến và các con hổ ở đấu trường với một cuộc chiến khá bất công dành
cho hổ, [35] ngoài
ra hổ còn là đối thủ của nhiều động vật khác chẳng hạn như sói lửa (hồ), gấu, cá sấu, đại
bàng hoặc những trận chiến với trâu nhà thông
qua những câu chuyện kể lại của những người dân. Bên cạnh đó còn có những câu chuyện về những
cuộc chiến đấu giữa hổ và người, những người có sức khỏe phi thường, tay không
đánh hổ như Võ Tòng trong Thủy Hử, Phùng Hưng, Nguyễn Huệ, Lê Văn Khôi, Võ sư
Nhật Bản Gogen Yamaguchi,... [36]
Cao hổ cốt và Pín hổ
Sự khôn khéo của con người trong cách đối xử với hổ còn mang
lại lợi ích về mặt sức khỏe theo quan niệm của Đông y,
đó là một trong những lý do quan trọng khiến cư dân Nam Á trân
trọng hổ. Đặc biệt là trong quan niệm đời sống, người ta đánh giá rất cao công
dụng của xương hổ và loại thuốc trứ danh Cao hổ cốt, theo đó Cao hổ cốt có thể làm thay đổi chất lượng sức khỏe
con người, cứu bệnh hiểm nghèo, giúp bệnh ung thư,
cứu người hậu sản... Bên cạnh đó, theo quan niệm của nhiều người thì hổ. loài vật
đã đi vào huyền thoại về sức mạnh tình
dục với biểu tượng là chiếc pín hổ (tức dương vật của con hổ) mặc dù trên thực thế khả năng
sinh dục của hổ cũng chỉ ở mức bình thường [37]. Nhiều người Việt Nam hay người Trung Quốc vẫn rất tin vào công dụng của
những sản phẩm làm từ động vật hoang dã, ăn gì bổ nấy, con gì càng khỏe, càng
quý hiếm thì càng tốt và do hổ là con vật khỏe hàng đầu nên cao hổ, móng hổ, da
hổ, nanh hổ và cả pín hổ vẫn được săn lùng ráo riết. Tuy nhiên việc cho phép
đem chúa sơn lâm linh thiêng ra giết mổ như... bò, lợn, gà vịt thì rất chi là
phản tâm linh, sản phẩm của hổ như da làm thảm, răng và vuốt để làm trang sức,
các trang trại nuôi hổ ở Trung Quốc rất lớn, với hàng ngàn con hổ bị nhốt, nuôi
lấy giống và giết thịt giống như nuôi gà [38] [39].
1.2. Quan niệm Phương Tây
Theo cách nhìn phương Tây thì trong văn hóa châu Á, hổ chỉ đóng
vai trò thay thế sư tử để trở thành vua của muôn thú (King of
the Beasts) khi sư tử luôn là biểu tượng của hoàng gia, biểu tượng của sức mạnh [40]. Trong
đời sống và văn hóa phương Tây có mô tả về hình ảnh của hổ nhưng đặt trong sự
so sánh và một cuộc chiến với sư tử, điều này được tái hiện trong tranh vẽ của Eugène Delacroix, George Stubbs, và James Ward vào thế kỷ thứ
XVIII và XIX, [41] cũng
trong Văn học Anh đã so sánh sức mạnh chiến đấu của hổ
và sư tử, và các nhà thơ Edmund
Spenser, Allan Ramsey, và Robert Southey hay mô tả
chiến thắng của sư tử [42]. Oliver Goldsmith cho rằng
hổ là hiện thân như một kẻ hay gây hấn, hung dữ và tính tình tàn bạo không cần
thiết [43]. Charles Knight cũng khẳng
định sự tàn khốc vô cớ, sự tàn ác không cần thiết, và sự hèn nhát của hổ trong
sự tương quán với lòng quảng đại và sự oai vệ của sư tử.
Trên những huy hiệu của các quốc gia
phương Tây, hổ được khắc họa là một con quái vật huyền ảo với một cơ thể thon gọn
của một con con chó sói, có bờm, râu và chỏm lông ở đuôi giống sư tử cùng một
cái mõm nhọn [44] điều
này phản ánh việc nhiều nghệ sĩ châu Âu thời Trung cổ chưa từng bao giờ nhìn thấy
một con hổ thực sự, cộng với một truyền thuyết về một con hổ mẹ dữ dằn, sẵn
sàng quyết liệt bảo vệ con cái của họ trước những thế lực muốn bắt con của nó
và nếu nó đứng trước một tấm gương thì con hổ cái sẽ bị thôi miên bởi chính
hình ảnh của mình do đó một số huy hiệu có mô tả cảnh hổ nhìn chằm chằm vào
gương. Cũng theo cách nhìn của phương Tây thì trong văn hóa dân gian châu Á thì hổ cũng là con vật
thay thế chó sói để hóa thành thành những loài yêu
quái hay yêu tinh chuyên biến hóa, hại người, hổ với hình dạng
là những con mèo ma, yêu quái mèo (werecat) thay thế cho ma sói hay người sói [45][46].
2. Trong tín ngưỡng
Hổ là con vật được nhắc đến
rất nhiều trong tín ngưỡng dân
gian
Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, vùng miền hổ là
loài vật được tôn thờ và sùng bái thông qua tập tục thờ hổ, hổ còn đóng vai trò
là thần giám hộ của quốc gia, sự ngưỡng mộ loài hổ còn thể hiện thông qua danh
xưng, đặt tên, làm linh vật, biểu tượng. Trong tiềm thức dân gian Việt Nam, hổ
hay ông ba mươi là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình,
chùa, miếu mạo. Tục thờ hổ bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người
còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của
cuộc sống nông nghiệp thì lúc này hổ chính là sức mạnh thiên
nhiên vừa gần gũi và là tai họa đối với con người, chính vì vậy mà con người thờ
hổ.
2.1. Tên gọi
Trong số các tên gọi tên được dùng phổ biến và tồn tại trên
văn bản, các vùng nhiều nhất là Hổ. Người phương Đông gọi Hổ bằng nhiều
tên hơn người Phương Tây. Trong hệ ngôn
ngữ châu Âu, từ hổ bắt nguồn bằng từ tigre vốn được
vay mượn từ tiếng Hy Lạp tigris, bản thân từ này lại vay mượn
từ tiếng Ba Tư [47] trong từ Anh-Mỹ thì hổ cái (tigress)
lần đầu tiên được ghi lại năm 1611 và thuật ngữ Mắt hổ (yellowish-brown quartz)
được ghi lại năm 1891.
Thuật ngữ tiếng Anh thông dụng chỉ về hổ là Tiger và
chỉ về hổ cái là Tigeress, trong tiếng
Pháp thì hổ còn gọi là Tigris, tiếng Tây Ban Nha thì hổ được gọi
là El Tigre.
Ở châu Á, người Tungus một dân tộc ở vùng Tây Bá Lợi Á gọi
giống hổ Mãn Châu bằng tên gọi với ý nghĩa tôn xưng
là Ông hay Ông già, còn người Udege và người Nanai ở vùng Viễn Đông Nga gọi hổ Mãn Châu bằng
tên gọi Amba [48] với
ý nghĩa sùng kính cùng với gấu (Doonta), người Mãn Châu gọi tên hổ với ý nghĩa là Vua (Hu
Lin) [49] Người Mông Cổ gọi hổ là Ba-lưa (Бар)
đây là từ gốc của danh hiệu Ba Đồ (Баатар)
và Ba Đồ Lỗ (Baturu) của người Mãn Châu. Ở Trung Quốc,
người Trung Quốc hay gọi hổ là Lão hổ. Ở Mã Lai, hổ
Mã Lai cũng được người Mã Lai đặt cho nhiều loại tên hiệu, đáng
chú ý có Pak Belang có nghĩa là Chú có sọc hay Bác có
sọc Ở Indonesia, người ta gọi hổ là Harimau, người Thái Lan gọi hổ là Seua. Người Thái ở
Việt Nam gọi hổ là Tu xưa, Xưa cả, Xưa cản tao, người Mường thì gọi là Tu khán, người M'Nông gọi hổ là Rơnong, người Êđê gọi là Êman, người Hà Nhì ở Lai Châu gọi hổ là Khà dừ, [50] người Khơ Mú gọi hổ là Rvai, người La Hủ gọi hổ là Hủ và tên của dân
tộc này được đặt theo tên của con hổ, người Tà Ôi gọi hổ là Avó.
Hổ có rất nhiều tên gọi
đặc biệt là trong tiếng Việt
đặc biệt là trong tiếng Việt
Trong chữ
Hán, chữ hổ (唬) nghĩa là dọa nạt, có bộ
khẩu đứng trước chữ hổ để tượng hình cho việc nghe tiếng hổ gầm, tạo
ra sự khủng khiếp và trong tiếng Việt từ hùng hổ hay hùng hùng hổ hổ cũng có
thể xuất phát từ ý nghĩa này [23]. Trong
dân gian Việt Nam, với những đẳng cấp và những giai cấp khác nhau, người ta còn
gọi hổ là: Cọp, Hùm, hoặc những danh xưng mang tên Ông như ông
Hổ, ông Cọp, ông Hùm, ông Kễnh, ông Hầm, ông Ba Mươi, ông
Khái, bà um... trong đó người ta thường gọi con hổ với cách gọi rất trân
trọng là ông Hổ, ông Ba Mươi Trong các loài thú dữ, chưa có loại thú nào được
con người sợ hãi, thờ cúng, kỵ húy nhiều bằng con cọp, quan điểm nhiều người
không dám gọi thẳng tên, [51] một
số người già không dám kêu đích danh con hổ mà chỉ dám gọi chệch đi ông kễnh,
ông ba mươi hay ông hùm vì sợ Ngài giận.
Cái nhìn dân gian Việt về con cọp thể hiện trong cách gọi
tên, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những câu chuyện cổ
tích, ngụ ngôn. Ngoài tên Cọp, là Hổ, tiếng Hán
Việt là Dần, hổ còn có tên là Khái, là Kễnh, Ba Cụt (cọp
ba chân), Ba Ngoe (cọp ba móng), Ông Chằng hay Ông Kẹ, Ông
Dài, Ông Thầy (cọp thành tinh), Ông ba bị. Dựa vào tiếng gầm của,
hổ còn có tên gọi là Hầm, là Hùm, dựa vào sắc màu của da còn gọi
là Gấm, là Mun. Ở Nam Bộ cò gọi cọp là Ông Cả vì sợ cọp quấy
phá, lập miếu thờ, tôn cọp lên hàng Hương Cả là chức cao nhất trong
Ban Hội Tề của làng xã Nam Bộ trước đó, người dân ở một số vùng thuộc Quảng
Trị (như làng Thủy Ba) còn gọi hổ bằng tiếng địa phương
là coọc có nghĩa là cọp.[52] [53]. Như
vậy, người Việt gọi là hổ, cọp, hùm, kễnh, khái (miền
Trung), Thầy, Hạm, (miền Nam) và các tên ẩn dụ như chúa sơn lâm, Mãnh
chúa rừng xanh, chúa tể rừng xanh, ông cả cọp, ông ba mươi, ông
thầy [54]...
Ở Miền Đông Nam Bộ, những danh xưng cao nhất được
dành cho hổ như Sơn quân chi thần, Sơn quân chúa xứ, Sơn quân
mãnh hổ, Sơn lâm chúa tể, Sơn lâm chúa xứ, Sơn lâm đại tướng
quân, Sơn quân chúa động, Chúa xứ sơn lâm, Mãnh Hổ, Thần Hổ, Ông, ông
Thầy, ông Cả, Ngài, ông Ba Mươi, Hương quản. Ở các làng quê
Nam Bộ, thường có tập tục cử cọp giữ chức Hương cả của làng, Có nơi
như Bến Tre, dân làng gọi hổ với chức Đại hương cả. Nguyên nhân do tương
quan lực lượng giữa con người và tự nhiên vào buổi đầu, nên dù có diệt cọp
nhưng những người dân đi khai phá vẫn phải tôn thờ nó vì hổ tượng trưng cho sức
mạnh của tự nhiên mà cư dân buổi đầu phải đối đầu, điều đó giải thích một tập tục
thờ hổ phổ biến trong buổi đầu đi khai phá khi con người phải thừa nhận những sức
mạnh của tự nhiên, mà cọp là một đại diện tiêu biểu [55].
Sở dĩ hổ thường gọi nhiều tên như thế vì con người rất sợ
loài thú hung dữ này khi họ phải lên rừng núi để khai thác gỗ, đốn củi, đốt
than, khai thác trầm kỳ, mây, tre, cây thuốc, lấy mật ong... hay nhà ở gần núi,
nên thời xưa, không những con người lập miếu thờ cọp, gọi cọp là Sơn Thần, Sơn
Quân Chúa Sơn Lâm mà còn kỵ húy,
kiêng kỵ tên chính thức nên gọi tránh đi và bao giờ cũng có chữ Ông, chữ Ngài đứng
trước để tỏ ý tôn trọng hay thành kính. Hoặc là hổ nhiều khi vồ cả người cho
nên người dân xưa, đặc biệt là dân vùng sơn cước thường sợ, tôn sùng hổ, khi đi
rừng không dám nhắc đến hổ, hoặc nói trại tên đi [23]. Ở
vùng Sơn
La, đồng bào dân tộc ở đây họ rất sợ hổ và họ gọi là ông hổ, chứ không dám
gọi là con hổ.[56]
Trong tiếng Việt, tuy có nhiều tên gọi nhưng tập trung vào một
số tên gọi chính với cách dùng trong những trường hợp cụ thể là:
Hổ: Liên tưởng đến sự hùng hổ, mạnh mẽ, hung ác, quyết thắng.
Người ta cũng thường dùng từ hổ dữ để mô tả về những con hổ chỉ về sự
hung tợn, dữ dằn hoặc tấn công làm hại người.
Cọp: Liên tưởng đến động tác ngoạm, cắp rất dữ dội, tham lam,
ăn tươi, nuốt sống.
Hùm: Liên tưởng đến tiếng gầm dữ dội, nhằm đe dọa đối phương.
Ông Ba mươi: chỉ thọ 30 tuổi và hay rình dò kiếm ăn vào đêm
30 Tết và kêu lên với sự tôn trọng, hay Cọp đi ba mươi bước là quên hết mọi thù
oán hoặc Đêm ba mươi cuối tháng âm lịch, trời tối đen như mực, là thời gian
thích hợp cho cọp dễ lộng hành, tìm mồi. Truyền thuyết kể rằng, vua Gia Long
trong những ngày sống trong rừng, hết cả lương thực may mắn có thịt thú rừng do
hổ tiếp tế. Biết ơn hổ, vua cho lập miếu thờ và ra lệnh ai lỡ tay giết hổ bị phạt
30 trượng hoặc bắt sống thì thưởng 30 quan tiền. Vì vậy mà con hổ còn được gọi
là ông ba mươi.
Kễnh: Liên tưởng đến việc con cọp có thể chỉ cần chạy bằng ba
chân, khi một chân bị thọt, hoặc vướng vì tha con mồi to hơn mình.
Quan lớn tuần dinh, hoặc Quan 5 dinh: được thờ cúng trong các
đền, coi là bộ hạ của Thần, Thánh, Mẫu…
Ông Mãnh: Mạnh mẽ, tàn bạo, thù dai.
Hạm: Trong miền Nam cũng có nghĩa là cọp nhưng là những con cọp
ác, hung dữ ăn thịt người quấy phá cuộc sống của người dân, đối lập với cọp bạch,
tức là cọp tu, cọp hiền
Hàm: cũng như Hùm, từ tượng thanh dùng làm danh từ dựa vào tiếng
gầm của hổ.
Gấm, Mun: Tên gọi dựa vào màu sắc của hổ.
Về vị trí của hổ trong rừng, người ta còn gọi hổ bằng Chúa
sơn lâm, sau đó được nhấn mạnh thêm là Chúa tể sơn lâm hoặc Chủ
tể Sơn lâm [57] hay Chúa
tể rừng xanh, Mãnh chúa rừng xanh, Chúa tể núi rừng, Sơn Quân, Sơn
Thần, Vua hổ, Vua cọp..., có thể nói, trong họ hàng
nhà mèo thì có lẽ hổ là con thú được nhắc đến nhiều nhất với danh hiệu
Chúa sơn lâm. Ở Ấn
Độ và người Phương Tây hay dùng thuật ngữ Hổ
Hoàng gia hay Chúa sơn lâm (Tigre Royale/ Royal Tiger) để chỉ về hổ
Bengal. Hổ Mãn Châu còn được mệnh danh là Chúa tể của rừng
Taiga [58] [59]. Người
ta cũng dùng những thuật ngữ gọi về hổ như con hổ, con cọp nhưng
đây chỉ là những từ ngữ mang tính mô tả chứ không có ý miệt thị như những thuật
ngữ kiểu như (đồ) con chó, (đồ) con lợn, (như) con bò, (như)
trâu, (như) con dê già…. Và cũng chính sự dữ tợn nguy hiểm của hổ mà nhiều
người gọi hổ bằng danh xưng Ông
2.2. Sùng kính và tôn thờ
Tục thờ Hổ
Người Trung Hoa cho rằng những vệt vằn trên trán hổ có hình
chữ Vương (王), có nghĩa khi sinh ra hổ là vua của
muôn thú [60].
Người Trung Hoa quan niệm rằng những vết sọc trên trán của hổ
liên tưởng đến chữ 王 (chữ Vương), theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là vua do đó người dân
nước này tin rằng con hổ sinh ra vốn dĩ đã là vua, chữ vương trên trán hổ được
hội họa Trung Hoa cũng như Hàn Quốc khai thác rất nhiều. Bên cạnh đó,
trong văn hóa Trung Hoa, hổ là loài vật có thực được
tôn lên ngang hàng với rồng (long) một con vật trong tưởng tượng biểu tượng cho sức
mạnh của trời đất, người Trung Hoa có câu mô tả sự sóng đôi giữa hai loài này. Ở
Trung Quốc rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền, phượng hoàng biểu tượng cho hoàng
hậu thì hổ biểu tượng cho các vị tướng và đại diện cho quân đội Người Trung Quốc
coi hổ là biểu tượng của sự can đảm, người Trung Quốc cổ xưa tôn sùng đấu sĩ dữ tợn, không biết sợ hãi
này và coi đây là biểu tượng chống lại ba đại họa của một gia đình như hỏa
hoạn, trộm cắp và ma tà. Người Trung Hoa cũng suy tôn con vật linh Hổ gọi
là: Thần Thái Tuế cứu nhân độ thế: Hổ cứ Sơn Lâm phù xã tắc, vật
linh Hổ từ đó được lan truyền vào các ngôi đình, đền, chùa, miếu, thể hiện thế
lực, sức mạnh, áp đảo.
Hổ thường dùng để chỉ những nhân vật xuất chúng, những người
mạnh mẽ, còn trẻ tuổi thường được gọi là những chú hổ nhỏ (hổ nhi) để
thể hiện sự kỳ vọng của mọi người. Hổ là một mãnh thú dữ tợn và thường được coi
là nguy hiểm với con người, tuy nhiên, theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, hổ
cũng là biểu tượng của sự may mắn. Hổ, cùng với những con vật mang lại may mắn
khác như Long (rồng) và Kỳ Lân có yếu tố bảo vệ cho người Trung Quốc. Trong khi
hầu hết những con vật may mắn trong văn hóa Trung Quốc đều là giả tưởng thì con
hổ là con vật có thật trong cuộc sống. Theo truyền thống, người ta tin rằng trẻ
em đội mũ, đi giày có hình đầu hổ vào năm mới sẽ được bảo vệ khỏi ma tà [61]. Long Hổ Tông ở Trung Quốc
là một đạo giáo lấy hổ cùng với rồng làm biểu tượng. Trong tiếng Trung Hoa, chỉ
có chuột và hổ mới được gọi tên một cách kính cẩn bằng cách gắn thêm từ
"lão" phía trước: lão thử (cụ chuột) và lão hổ [62].
Trong lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, hổ vừa được dân gian xứ
Hàn tôn làm thần giám hộ, hổ vừa là biểu tượng của uy dũng và quyền lực, giúp
con người tránh được vận hạn và đem đến cho họ nhiều phúc lộc, dân tộc Hàn Quốc
đã có lịch sử lâu dài gắn bó với hình ảnh con hổ [63] tại
đây con hổ là giống vật thiêng biểu tượng cho điềm lành và là loài vật gần gũi
theo như câu ngạn ngữ Hổ thắp lửa mở lối trên chặng đường leo núi. Theo
quan niệm dân gian Hàn Quốc thì khi trời mua to đó chính là lúc hổ đang đánh
nhau quyết liệt với rồng Hình hổ còn được in lên bùa. Tấm bùa thường
mang hình hổ vì đây là con vật biểu trưng của tinh thần dũng mãnh tạo cho người
ta niềm tin tâm linh về sự an lành, được bảo vệ khỏi mọi điềm gở trong đời sống.
Người Hàn Quốc xưa quan niệm rằng trong ngày vui hôn lễ, để tránh cho cô dâu khỏi
gặp họa vì lòng người đố kỵ khó lường, nên phủ lên kiệu hoa một tấm da hổ hay tấm
chăn có họa tiết hình hổ. Nếu cô dâu
ngồi kiệu phủ trướng da hổ thì chú rể luôn phải giữ móng hổ bên mình. Ngày xưa,
người ta thường treo chuỗi xương hổ trước cửa hay cổng nhà để xua đuổi khí xấu.
Cũng ở Hàn Quốc, Khu lăng mộ của vua cũng là nơi người ta nhận
ra sự hiện hữu của hổ, linh vật hộ vệ, che chở cho con người khỏi mọi tai
ương. Tượng hổ tạc bằng đá Nằm ngay phía trước mộ xuất phát từ
quan niệm xưa cho rằng hổ có thể bảo vệ lăng mộ, chốn yên nghỉ cho linh hồn vua
chúa, điều này cũng có nét tương đồng với văn hóa Việt Nam. Tính chất linh
thiêng của hổ còn được thể hiện trong lễ cầu mưa. Sử liệu thời Joseon ghi lại rằng
vào thời Taejong (Triều Tiên Thái Tông), Sejong (Triều Tiên Thế Tông), Munjong (Triều Tiên Văn Tông) và Danjong (Triều Tiên Đoan Tông), đầu hổ đã được dùng để
cúng thần khi hành lễ cầu mưa Seokcheokgiuje (Tích dịch kỳ vũ tế) Hoạt động khởi
sự việc nhúng đầu hổ xuống nước, nơi rồng náu ẩn trước bến cây liễu, cây phác [64]. Trong
nghi lễ cầu mưa của hoàng gia, đầu hổ được ném xuống sông, nơi được coi là chốn
ngự trị của rồng bởi quan niệm chỉ có hổ mới trị được Long thần, kẻ cai quản
nguồn nước.
Ở Việt Nam,
theo quan niệm thông tục, người ta cho rằng, hổ là chúa tể của muôn loài muông
thú, thậm chí uy lực của hổ còn trấn ngự được cả những linh hồn người đã chết
do nó ăn thịt. Trong văn hóa, hổ xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, năm Dần
mang cầm tinh cọp, là một hình tượng đa nghĩa vừa phức tạp trong tâm linh người
Việt, vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là
tà ma không dám xâm nhập. Hổ là ác thú được người kinh sợ đến độ
lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm, như tục thờ Thần Hổ, làng
Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương mà Phạm đình Hổ (1768-1839) đã kể lại kỹ
càng trong Vũ Trung tùy bút, đến
năm 1800, tục
mới chấm dứt. Mặt khác, hổ lại là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm
quái. Tranh Hổ còn được bày nơi nhiều đền chùa, nhất là các đền thờ Thánh Mẫu,
như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội. Ngày nay, tại miền Bắc
Việt Nam, từ đồng bằng lên Mạn Ngược, nhiều nhà còn sùng tín vào Tranh Hổ.
Hổ là con vật linh thiêng và là kẻ gác đền
trong những khu rừng
già ở Ấn Độ
Việc tồn tại dai dẳng tục thờ thần Bạch
Hổ trong người Việt cũng như nhiều dân tộc sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam
một mặt phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy từ
rất xa xưa, đồng thời phản ánh tàn dư tôn sùng loài vật này gắn với sự phát triển
của Đạo Giáo vốn xuất hiện ở Việt Nam chậm nhất là vào khoảng đầu công nguyên.[65]. Từ
rất lâu trong tín ngưỡng dân gian Việt, hổ được coi là con vật linh thiêng, bởi
thế mà danh xưng của nó cũng được thần thánh hóa bằng những cái tên như ngài, ông...
Rất nhiều gia đình có tục thờ ông ba mươi như một cách để cầu công
danh, mang lại sự may mắn. Tranh Ngũ hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống đất
Thăng Long trở thành dòng tranh thờ nổi tiếng. Theo Phạm Đình Hổ thì qua tục giết người tế Thần Hổ nhắc
đến thần Xương Cuồng có ghi vào sử sách như Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tục tế Thần Hổ này có từ
xa xưa trước Tây Lịch, khi quân nhà Tần của Nhâm Ngao và Triệu Đà mới lấn chiếm
và đô hộ đất Văn Lang.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam con Hổ được gắn với tục thờ
Mẫu. Dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một
biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng
trấn giữ cửa ải ngũ phương. Trên phương diện này hổ đã hoá thành vật linh
thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn
quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa
Sơn Lâm, ông Ba Mươi trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần
Bạch Hổ... Bùa ông Hổ còn được dán và ếm ngay trước cửa cái ra vào nhà để trừ
tà. Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân
gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất
nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy… Nhưng mẫu tranh được biết đến nhiều nhất
là tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội)
xưa.
Thần Hổ vừa là huyền thoại vừa là hiện thân của vẻ đẹp dũng
mãnh, hiểm ác vì thế hổ linh được chạm trổ trên các lăng mộ, nhang án, nó được
in trên hoa văn gạch ở các móng chùa, đền, miếu cổ xưa với một mô típ đẹp
uyển chuyển, nhẹ nhàng và có tính thiêng liêng. Hổ đã hoá thân thành vật linh
như: Long Hổ hội tượng trưng cho sự quần tụ của giới trí thức nho học
(Bảng rồng: Tiến sĩ, bảng hổ: Cử nhân). Trong tín ngưỡng dân gian tục thờ Mẫu
người ta thường vẽ tranh ngũ hổ để tượng trưng cho ngũ phương. Ngoài việc mô tả
chạm trổ đá, gỗ và in hoa văn Thần Hổ trên gạch, không ít ở các cổng đền, miếu,
bệ thờ, án gian trong gia đình đều chạm khắc, hoặc đắp Hổ phù nhô
ra, miệng há to dữ tợn xung quanh răng nanh đâm ra như một cái hang. Trong một
số hoàn cảnh đặc biệt Thần Hổ trắng còn là biểu tượng của thần chữa bệnh và thần
tài của một số gia đình hiện nay đang buôn bán phát lộc, thường tôn thờ ông Hổ.
Hàng ngày đèn nhang, lễ vật bằng trứng sống đều đặn, coi đó như linh vật trong
tâm thức, tín ngưỡng dân gian. Việc thờ Thần Hổ gắn với việc thờ Mẫu trong dân
gian là một lệ tục tín ngưỡng văn hoá tâm linh đã trải qua nhiều mốc thời gian
cho đến ngày nay vẫn đang tồn tại bóng dáng ở những ban thờ Mẫu, ở chùa, đền và
miếu.[66] ở
những nơi này, Ngôi đền nào cũng có đắp tượng hổ ở cửa vào, coi như Thần tướng
gác đền và thần tướng này cũng được khách đi lễ thắp hương, khấn vái, chẳng hạn
như người dân lập miếu thờ hổ ở vùng Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang, Việt
Nam [23].
Vào những ngày rằm, mùng một hoặc lễ chạp, ngoài hương hoa,
những người lớn tuổi còn cúng một miếng thịt heo sống trên bàn thờ ông hổ.
Trong tục thờ, có gia đình thờ tranh ngũ hổ, có gia
đình chỉ thờ một ông. Những người thờ phụng ông hổ đều tin rằng có một
sức mạnh siêu nhiên phù hộ cho gia trạch bình an, loại trừ tai nạn. Các nhà
nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: tục thờ này bắt nguồn từ một cuộc sống
nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai
đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, thì hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần
gũi và là tai họa đối với con người, do đó phải thờ hổ. đặc biệt là do khiếp sợ
oai linh thần hổ, người dân miền sơn cước luôn thờ cúng chúa sơn lâm [67][68] [69, vị thần họ tin
rằng nắm giữ bổn mạng của cả vùng đất này, đại diện cho thần rừng, không phải
loài nào khác mà chính là hổ dữ - vị chúa sơn lâm đầy quyền uy, do nỗi sợ hãi
đã khiến người dân Tiên Cảnh tôn sùng loài ác thú này như thần thánh [70] hay
người dân Mường Mõ bao đời nay thờ hổ, tôn kính hổ như thần linh, ở đây núi cao
vực sâu thêm huyền bí vì những truyền kỳ về hổ.
Con hổ luôn đe dọa đến đời sống con người nên một số địa
phương đã có tục thờ thần hổ. Tục này xuất xứ từ làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường,
tỉnh Vĩnh Phúc. Đến thế kỷ XVI,XVII, khi lưu dân đến khai phá đất Nam Bộ, một
vùng hoang dã mà có thời dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua, thì việc thờ
hổ được xem như một nhu cầu thiết thực đối với đời sống tâm linh, nên thời bấy
giờ ở Nam Bộ có rất nhiều miếu thờ hổ. Có nơi thì đúc thành tượng hổ uy nghi,
có nơi thì thờ tranh ngũ hổ, quanh năm khói hương nghi ngút. Đối với người miền
Tây thì những câu chuyện về hùm beo, rắn khổng lồ vẫn luôn là đề tài hấp dẫn,
loài cọp dữ, loài vật hấp dẫn chỉ đứng sau rắn hổ mây khổng lồ trong những câu
chuyện đường rừng, nhằm khắc họa lại một phần cuộc sống sông nước miền Tây thời
xưa. Ở vùng sông nước miền Tây, lại có đình, đền, miếu thờ ông
cọp hay ông cả cọp và thay vì thờ thần thánh, người ta lại khói
hương nghi ngút, khấn vái thành kính loài vật được cho là thú dữ, sợ hãi và tôn
kính cọp, nên người dân lập đình, miếu thờ cọp hằng năm làm heo cống nạp, cầu
được bình an, không bị loài hổ trả thù, [71] [72] một
số dòng họ còn đổi cả họ vì kinh sợ hổ bắt người để trả thù mà lập miếu thờ phụng
cầu an [73]. Người
miền Tây còn quan niệm rằng rừng thiêng nước độc luôn có chủ nhân của rừng núi
và hổ là Chúa sơn lâm, thợ săn nên tránh nó nếu không cần thiết [74].
Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt
Nam cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ mú sống ở khu vực Tây Bắc và miền
tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ Mú thuộc họ Rvai (hổ), đó là nghi lễ
cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn
lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục
những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Với
quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động
tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Trong các hội hè, các nghi lễ người
hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú thuộc họ Rvai phải khóc
than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ
hóa thành kiếp hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ,
khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống
màu lông hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với hổ, có
nghĩa là về với tổ tiên. Với người Thái, khi được nghe tiếng hổ gầm vang trên đồi
cao là niềm hân hoan, sảng khoái nhất của bản mường [75].
Người Tà Ôi cũng có tục thờ Thần hổ (Giàng avó).
Trong hệ thống thú rừng của người Tà Ôi, con hổ được coi là con vật có sức mạnh
nhất. Hổ được người Tà Ôi coi như vị thần bảo hộ cho làng, việc bắt được hổ
theo quan niệm của người Tà Ôi được ví như món quà tặng của thần rừng. Việc thờ
đầu hổ xuất phát từ niềm tin rằng hổ sẽ báo mộng cho người ta biết làng sắp gặp
chuyện chiến tranh, mất mùa, có dịch bệnh. Các điềm báo xấu đó
thông qua giấc mộng đến với người trong làng. Hàng năm người ta vẫn đến tiến
hành thăm nhà mồ có đầu hổ. Trong các thôn của xã Nhâm chỉ có làng Nhâm còn
có tục thờ thần hổ, làng Ka Linh, Tà Kêu trước đây ở Lào cũng có tục
này. Hàng năm khi người Tà Ôi tiến hành tổ chức ăn năm mới, hay cúng khánh
thành nhà rông, thần hổ đều được chia phần, khi tuốt lúa mới phải thổi cơm dành
phần cho thần hổ ăn.
Người dân địa phương ở Trà
Bồng cũng có lập am thờ con hổ, họ thờ Bạch Hổ sơn quân hay
còn gọi là ông hổ đi tu, Bạch Hổ sơn quân là tùy tướng thân cận nhất của Thiên
Y A Na, tương truyền khi có giặc đánh tới, hổ cùng nữ chúa xung trận, tùy
tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây
đa trong vùng. Khi hết giặc, Bạch Hổ sơn quân vào núi đi tu. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, người dân ở
Trà Bồng còn lập miếu thờ riêng. Người ta cho biết, vào dịp lễ cúng Thiên Y A
Na, cứ đến khoảng 2 đến 3 giờ sáng, cũng là lúc Bạch Hổ sơn quân xuất hiện, có
niềm tin hoang đường rằng cứ mỗi lần khấn xin hiện hình là đêm đó Bạch Hổ sẽ xuất
hiện. Những ai muốn Bạch Hổ sơn quân hiện hình thì rải cát ở căn nhà phía sau
điện thờ. Sáng hôm sau, vào căn nhà này sẽ thấy dấu chân Bạch Hổ to lớn hiện
lên theo hướng đi vào đại điện thờ [76].
Con hổ còn là con vật tổ của những dân tộc khác nhau, Hổ là
con vật tổ theo tín ngưỡng Bái vật tổ (Tôtem) của dân tộc
miền tây Trung Quốc thời xa xưa, vùng đất Sở Hùng, Xuyên, Điền ở Vân Nam Trung
Quốc từ xưa đã thịnh hành tín ngưỡng Tôtem thờ vật tổ là con hổ, là nơi tập
trung tín ngưỡng thờ hổ của Trung Quốc. Dân tộc ở những vùng này phần lớn là hậu
duệ của người Nhung Địch cổ (người Phương cổ) như: Di tộc, Bạch tộc, Thổ gia tộc,
Na-xi tộc, La Hủ tộc, Li-su tộc, hiện họ vẫn còn giữ lại tín ngưỡng và tập tục
thờ hổ. Vào thời hoang sơ cổ, người Phương cổ thờ hổ ở vùng Thanh Hải, Cam Túc,
Thiểm Tây sống bằng chăn nuôi du mục khi vào đến Trung Nguyên, bộ tộc hổ của
vùng Hoa Bắc đã chung sống với các bộ tộc thờ rồng. Hổ nguyên là tín ngưỡng của
dân tộc miền tây, theo từng bước chân di cư, hòa hợp dân tộc, dần dần lan truyền
đến phương đông. Lộ Sử - Quốc danh kỷ có ghi chép: Vào thời Thương Chu, Hổ tộc
là một tộc lớn, họ phân bố ở khắp vùng Giang Hoài, Hồ Nam, Tứ Xuyên. Nước Hổ
Phương lúc đó là nước Từ phương, nay là vùng giao hội giữa Giang, Hoài, Tô, Hoản
ở phía nam Từ Châu, đó là người Từ - vùng đất chủ yếu của Hổ tộc thời xưa. Những
chạm trổ chủ yếu trên đồ đồng thời kỳ Thương chu là đầu hổ và mặt thú.
Ở góc độ cá nhân, tại nước Mỹ có một người tên là Dennis
Avner có sở
thích kỳ lạ là sống trong hình hài loài hổ và đã qua
nhiều lần phẫu thuật, chỉnh sửa cơ thể nhất thế giới để cho giống một con hổ,
ông luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt của những con mèo cái hung
ác hoặc những con hổ, sau đó, ông đã mất một thời gian dài theo đuổi nỗ lực biến
mình thành người hổ (hóa hổ), cơ thể trở nên giống với hổ, từ răng nanh, mái
tóc dài, ria mép, tai, đuôi giả. Ông còn thích hàng ngày ăn thịt sống và leo
trèo cây rất cừ đồng thời ông thỉnh thoảng xuất hiện trên truyền hình với biệt
danh Con hổ đi săn [77] [78] [79] [80] [81] [82] nữ
diễn viên người Mỹ Angelina Jolie có hình xăm con hổ rất độc đáo
trên eo lưng mình, tác phẩm ấn tượng này được thực hiện tại Thái Lan năm 2004, góp phần làm nên
thành công của cô trong bộ phim Truy sát (Wanted). Một công ty ở Trung Quốc đã
chế ra ấm trà hổ với trên vỏ ấm được chạm vẽ hình 99 con hổ rất tỉ mỉ với nhiều
tư thế khác nhau, tạo nên một bức tranh hổ vô cùng sống động, hấp dẫn. Bảo vật
này không lớn hơn ấm trà thường nhưng được làm ra từ đất sét trộn lẫn với những
hạt vừng nghiền nát để tạo nên vẻ đẹp đặc biệt.
2.3. Huyền kỳ
Những câu chuyện kể về hổ, loài thú gieo rắc nổi
khiếp sợ cho
làng bản ở miền sơn cước, khi hồ về làng,
bản thì các gia súc, vật nuôi, đặc biệt
là chó rất kinh sợ
khi đánh hơi thấy mùi nồng nặc của hổ.
Câu chuyện về loài thú đầy bí ẩn trong rừng xanh sâu thẳm và
sự tinh quái, bí hiểm đã khiến hổ trở thành trung tâm của nhiều câu chuyện kể,
kéo theo đó là những đồn thổi, truyền miệng về những khả năng, tập tính kỳ lạ của
loài vật này đến mức trở thành những câu chuyện khá hoang đường và dị đoan.
Theo quan niệm của những người dân sơn tràng thì trong rừng con hổ là loài vật
hùng mạnh và rừng thiêng nhờ có hổ dữ. Hổ còn rất tinh ranh và rất thính hơi.
Nó có thể phân biệt được mùi của voi, gấu, nai và cả hơi người và dường như là
loài vật có linh tính [83]. Sự
ám ảnh về loài hổ còn hằn sâu trong tâm khảm con người theo một cách vô thức,
khi người ta đi vào một khu rừng, rú hoang vắng thì luôn có cảm giác sợ hãi, từ
lâu hình ảnh loài hổ hung dữ, quật ngã, xé xác con người đã hằn sâu vào tâm trí
nhiều người cho nên người ta một khi trông thấy hổ giữa rừng già, nếu không phải
là người có kinh nghiệm đi rừng chắc chắn người ta sẽ hốt hoảng.
Vị chúa tể chí tôn của rừng xanh có uy quyền với những cú vồ
chết chóc và tiếng gầm vang động, với dáng uyển chuyển và oai dũng, chậm rãi,
đôi mắt hổ xanh biếc dữ dằn long lên sòng sọc với ánh mắt xanh lè quắc lên như
nhiếp hồn, khi hổ xuất hiện thì một trận gió thổi qua mang theo mùi hôi thối lợm
giọng, đi theo nó là mùi tanh tao chết chóc tạo ra không khí nặng nề, ngột ngạt,
hổ xuất hiện giống như một cái bóng chớp nhoáng mờ ảo, trong làng gà không gáy,
chó không sủa, trên rừng, dế, nhím, chồn, cáo đang kêu tự nhiên im như thóc [84]. Nhiều
người thợ săn rất ngán sợ khi gặp hổ và truyền nhau kinh nghiệm đi rừng rằng nếu
vào một khu rừng mà không nghe tiếng chim hót, không thấy bóng một con thú nào,
thì khu rừng đó có hổ vừa đi qua, hổ có mùi đặc trưng là rất thối và tiếng gầm
kinh hoàng của hổ, làm cho chim chóc cũng không dám hót. hoặc khi nghe tiếng
chó săn sủa loạn xạ, kèm theo đó là tiếng chim kêu rít lên từng hồi thì đó là dấu
hiệu có hổ dữ xuất hiện [85]. Thợ
săn ai cũng tin rằng rừng thiêng có chủ nhân của nó và tốt nhất là nên tránh mặt
hổ mỗi khi lỡ gặp.
Một số người Việt Nam tin rằng hổ có linh khí, một số người
nuôi hổ cho biết linh khí của hổ có nhiều, nên trong bán kính gần 1 km, không có con vật nào
dám bén mảnh đến, kể cả giống chó săn cũng
không có con nào dám đến gần [86] những
con chó săn khi đánh hơi thấy hổ là đã không dám đánh hơi tiếp nữa mà cứ quanh
quẩn bên con người [87]. Ở
Miền Tây sông nước, khi đang đi rừng mà thấy đàn chó săn cụp đuôi, sợ sệt co cụm
lại là dấu hiệu nhận biết con hổ đang ở gần và họ chọn giải pháp là lùa bọn chó
xuống xuồng, rút êm để khỏi phải đối đầu [88].
Người dân kể rằng hổ nhiều lần xâm nhập vào các bản, làng,
khu dân cư để bắt trâu, bò, nghé, bê, heo, dê, gà và chó. Các loại gia súc,
vật nuôi và cả người rất sợ hổ, khi nghe tiếng hổ gầm rung cả mặt đất, rung cả
lán trại làm người ta rợn hết người, đàn bò thì sợ hãi đứng
tụm vào nhau, đàn chó thì chạy chui hết vào gầm, dưới sàn nhà, các xó xỉnh mà
không dám ló mặt ra, chúng im hơi và chẳng con nào dám sủa [89]. Hay
khi hổ vào làng bản, nhà dân thì đàn chó nhà khép nép vì sợ hãi núp ở trong góc
sân và hổ quá dễ dàng vồ bắt lấy một con chó rồi cắp lấy đem xác lên rừng, một
số con hổ ở làng bản nhiều lần mò vào bắt chó ăn thịt nên bén mùi [90].
Đồng bào còn kể lại rằng khi hổ về bản thì có nghĩa là sẽ mất
lợn, mất trâu, mất cả đàn dê vì những con dê rất dốt, thấy hổ chúng không biết
chạy mà chỉ đứng kêu khóc be be [91] còn
đàn trâu bò thì nhớn nhác, có con vì sợ quá mà lăn cả xuống vực thẳm, có con
thì chạy trốn mất tích, [92] hổ
thậm chí có thể chỉ một nhát vồ chết con nghé rồi cắp
theo con mồi nhảy phốc qua hàng rào cao 3m [83].
Sự ám ảnh của hổ trong tâm trí nhiều người một cách
vô thức dẫn
đến tâm lý nhiều người khi đi vào
một khu rừng vắng luôn có cảm giác ghê sợ
Một số người dân tộc còn quan niệm rằng hổ là có thiên tư
linh mẫn, tai nghe thấy hết mọi sự người ta nói, óc cảm thấy hết những gì người
ta nghĩ, nên hễ ai dám báng bổ, khinh nhờn hay hỗn xược, thì nó trừng trị cho
khốc hại thì thôi, nhẹ thì hổ bắt đi con bò, con lợn để cảnh
cáo, nặng hơn thì nó sẽ cắn cổ và hổ vốn thù dai [93] hổ
là con vật không chỉ mạnh khỏe, hung dữ, tham lam và kiên nhẫn trong việc rình
mồi mà nó còn là một ông chúa thù dai và quyết trả thù bằng được [94] nó
sẽ nhớ và tấn công người nào đã đánh nó,[74] nhất
là thần hổ báo thù thì vô cùng khốc liệt, [95] nhiều
con hổ được cho là hóa thân của những vong hồn hổ đã bị giết trước đó trở về
báo thù dân làng [83]. Nhiều
thợ săn tin rằng hổ là loài vật có tánh linh hay có linh tính có thể nhận biết
hơi người, tránh các loại bẫy [96]. Kenneth Anderson thì
cho rằng hổ dường như có một giác quan thứ sáu thật sự sắc sảo và nó có thể
phân biệt giữa một con người không có vũ khí và một người đàn ông có vũ trang
đang theo đuổi nó [97].
Một quan niệm khác thì cho rằng hổ có một thói quen lạ,
nếu vồ người, cắn cổ hoặc tát chết, nó tha vào rừng ăn thịt. Nhưng nếu cú vồ của
nó chạm vào tai của con mồi thì nó sẽ bỏ đấy mà không ăn thịt [98]. Một
kinh nghiệm khác thì hổ thường không dám chạm vào những cành lá nằm úp sấp (tức
mặt dưới của lá nằm ngửa lên trời) do đó những người săn hổ hay bố trí các đám
lá úp trái để ngăn hổ không đến gần những nơi bẫy chưa chắc chắn [99]. Hổ
cũng có khả năng giả chết, nó có thể nằm lỳ cả ngày giống như chết [100].
Bên cạnh đó, sự sùng bái đến mức mê tín hoang đường còn thể
hiện qua việc người ta thường làm chiếc nanh hoặc vuốt hổ, hoặc răng hổ bịt vàng bạc hoặc
chiếc vuốt làm bằng sứ, kim loại cho trẻ con đeo để trừ tà ma, hoặc người lớn
cũng đeo cho đẹp và tỏ ra oai vệ, người Campuchia khi giết
hổ thường lấy nanh hổ đánh bóng bán làm vật trừ tà, [101] Người
Hoa ở Bắc Giang thường đeo vòng đeo tay bằng kim khí có
đính móng hổ, vuốt gấu để hộ mệnh, trừ đuổi vía độc hay làm hại trẻ em [102]. Tuy
nhiên, thần uy từ chiếc nanh hổ có thể hợp với người này nhưng lại không tốt đối
với người khác, may mắn với người này nhưng lại là tai họa với người khác, rất
khó biện chứng về tâm linh.
Nhiều người quan niệm rằng, hổ là chúa tể của rừng xanh nên hội
tụ đủ sức mạnh thiên nhiên, chúng ăn toàn thực vật quý, uống nước rừng, sống
trong rừng sâu nên hấp thụ được linh khí của đất trời. Hổ càng già thì nanh
càng lớn và uy lực của nó càng mạnh. Người nào sở hữu được chiếc nanh hổ tinh
đã ăn thịt nhiều người thì sẽ không sợ con vật hung dữ nào [103] và
các loài chó sói, gấu, rắn hổ chúa khi nhìn thấy bóng vía là chúng sẽ quỳ xuống
đồng thời việc đeo móng hổ còn giúp chủ nhân tránh bị tà đạo, ma quỷ làm hại, đạn
bắn không trúng, tạo phong cách ngầu của người đeo [104]. Nhiều
người khác lại cho rằng móng hổ là vật bùa là vì con hổ trước khi kết thúc sự sống
của con mồi bằng bộ hàm thép thì nó cần những chiếc vuốt chụp và bấu chắc vào
con mồi làm cho con mồi không còn cơ hội trốn thoát, những người khởi nghiệp muốn
sở hữu những chiếc vuốt để nắm chắc hoặc tìm kiếm cơ hội chiến thắng trong cuộc
sống cũng như trong thương trường. Tại tỉnh Cà Mau từng
có thời kỳ đột nhiên nổi lên tin đồn những người tuổi Sửu, tuổi Ngọ, trong năm
2010 nếu không uống thuốc sẽ bị cọp vật, Tin đồn thất thiệt này khiến người dân
hoang mang, đổ xô đi mua "thuốc" phòng ngừa, gây xáo trộn đời sống [105].
Xương hổ nếu được dùng để gối đầu thì ngủ yên không chiêm bao
thấy những sự ghê sợ, hoặc treo lên giữa cửa nhà sẽ trừ được ma quỷ [106]. Những
người thợ trước khi nấu cao hổ thì người ta thường có nghi lễ cúng bái, có người
còn mời thầy cúng về cúng vì nếu không sẽ bị lừa lọc, vỡ nợ, tán gia bại sản hoặc
rơi vào vòng lao lý, đi tù vì ông hổ sẽ không cho sống đàng hoàng [107]. Người
Sán Dìu thì đem bộ da Hổ đem phơi khô, nhồi trấu vừa làm vật trang trí trong
nhà, vừa làm bùa hộ mệnh vì bộ da là dáng hình và linh hồn con Hổ còn quanh quẩn,
vừa để bảo vệ mọi người may mắn về sức khoẻ và an toàn cho các thành viên trong
gia đình, ít khi gặp ốm đau và bệnh tật [108].
Có giả thuyết cho rằng, râu cọp (hổ tu) cũng là một trong những
thành phần chủ yếu của trò chơi ngải của các thầy phù thủy ma giáo đồng thời
còn đó là quan niệm của một số người cho rằng râu hổ cắm vào búp măng tre có thể
chế thành ma thuốc độc hại người để làm giàu,[23] nhiều
thợ săn tin rằng, chỉ cần đem một sợi râu cọp nhét vào trong thân một cây măng
non đang mọc sau này nó sẽ biến thành một loài sâu có sức độc vô cùng khủng khiếp
và người xưa tin rằng nếu để râu cọp rơi vào tay kẻ có ác tâm sẽ gây ra nhiều hậu
họa chính vì vậy những người thợ săn sau mỗi lần hạ được hổ thì việc đầu tiên họ
cần làm là đốt đuốc thiêu rụi hoàn toàn bộ râu hổ đi hoặc cắt râu đi trước khi
xẻ thịt vì râu hổ có thể chế thành thuốc độc hại người [74].
2.4. Ghê sợ và bài trừ
Hổ vồ người và Săn hổ
Sự tinh ranh của hổ luôn làm con người sợ hãi chính
vì thế
luôn tồn tại hai ý niệm về loài hổ, sùng bái và khinh ghét
Bên cạnh những ý niệm ngưỡng mộ dành cho hổ thì trong dân
gian nhiều nước vẫn tồn tại luồng ý niệm sợ hãi, nỗi khiếp sợ, sự khinh ghét và
ý muốn chế phục loài hổ, xuất phát từ nỗi khiếp sợ về sự phá hoại của con hổ đối
với con người như là loài vật ăn thịt có bản tính ác độc, hổ hay ăn thịt người,
vồ người gây kinh hoàng và gieo rắc tại vạ cho người dân [109] hoặc
hoành hoành ăn thịt, giết hại gia súc, vật nuôi của con người, gieo rắc nhiều
tai ương cho con người [110] [111] do
đó người ta sẵn sàng triệt hạ loài hổ.[112] [113] Ngoài
ra những giá trị, lợi ích kinh tế từ hổ và các sản phẩm từ hổ như: cao hổ cốt,
bộ da hổ, pín hổ, móng, vuốt hổ đã khiến nhiều người nhìn nhận hổ như là một đối
tượng kinh doanh, săn bắt, nuôi nhốt [114].
Nhiều người vẫn coi hổ là thú dữ, là kẻ thù của con người với
truyền thuyết hổ thành tinh, là những con hổ to, thích ăn thịt người, tinh khôn
biết cách tránh được các loại bẫy của con người. Nhiều con hổ được dân gian cho
là đã thành tinh tức chỉ về những con hổ tinh không thoát khỏi các loại bẫy, những
đoàn thợ săn phục kích hổ do loài này vốn rất tinh ranh, nó đi được một đoạn lại
dừng bước, ngoái nhìn ra phía sau, do vậy để theo dõi mà không bị nó phát hiện
không phải là điều dễ dàng, hổ cái mũi rất thính và loài hổ rất thính hơi, nó
có thể phân biệt được mùi của voi, gấu, nai và cả hơi người, chúng đi nhẹ như
con chuột chạy và không để con người biết được dấu vết đi lại trong rừng. Cũng
có quan niệm cho rằng những con hổ chúa đã thành tinh còn là hóa thân của những
vong hồn cọp đã bị giết trước đó trở về báo thù dân làng [83] [115] [116]. Người
Việt Nam còn có quan điểm rằng hay tín ngưỡng rằng những con mãnh thú quá hung
hãn, mạnh khỏe khác thường là đã thành tinh, đã có linh hồn, trong đó hổ là
loài vật nguy hiểm nhất, những con cọp ba chân cũng là hình tượng thường xuất
hiện trong các giai thoại mãnh thú thành tinh lúc xa xưa [117] đặc
biệt là những con hổ trắng khi đã ăn thịt người thì sẽ hung hãn và hung tợn hơn
bất cứ loài thú nào [118].
Trong một dị bản phụ lục Lĩnh Nam Chích Quái, có truyện Trành
hay Ma trành là quỷ hiển linh về thần hổ đời Lê Mạt có tính cách mê tín. Trành
là linh hồn người bị hổ ăn thịt biến thành tinh của hổ, thường dẫn đường cho hổ
đi bắt người, khi có dịp lại hiện ra thành hình người. Thần hổ có nơi gọi là ma
khái, hoặc hùm tinh. Ở Trung Quốc có thành ngữ chữ Hán vị hổ tác trành nghĩa là
làm ma cho cọp ngoài ra trong niềm tin của một số dân tộc Miền Núi, có chuyện hổ
biết nghe tiếng sáo Nhà văn Sơn Nam trích dẫn việc người dân Nam Bộ
không những không sợ, mà có khi còn tỏ ra thân thiện qua tác phẩm Gia Định thành thông Chí của Trịnh Hoài Đức theo đó thì thái độ người dân đối
với hổ vừa vừa kính nể, coi như vị thần nhưng cũng coi thường. Tuyệt đẹp, hung
hãn, mau lẹ, sự quyến rũ và nỗi khiếp sợ với việc luôn sẵn sàng bất ngờ tiến
công và xé nát con mồi, đó là bản chất loài mèo hùng mạnh này thể hiện một tổng
thể các lực đẩy của bản năng vừa trá hơn vừa hung dữ hơn chó hoang và đặc biệt
hổ lại có sức quyến rũ vì nó to lớn và hùng mạnh, dẫu rằng nó không có được oai
vệ của sư tử. Bởi nó là một bạo chúa nham hiểm, không biết tha thứ [30]. Mười
tám thôn vườn trầu ở Hóc Môn ngày xưa, còn gọi là Thập bát phù viên cũng được
lưu truyền bởi câu chuyện đặc biệt là loài cọp tinh vì vậy, trong dân
gian thường truyền miệng câu "Hung dữ như cọp vườn trầu" [119]. Một
truyền thuyết dân gian Hàn Quốc về bầy hổ dữ kể về thời xưa ở đảo Jindo thường
xuyên bị hổ dữ quấy phá chúng vào làng, ăn thịt những người dân địa phương, tất
cả dân làng quyết định bỏ chạy, di cư sang đảo Modo sinh sống [120].
Theo quan niệm khác thì khi Hổ xuất hiện trong giấc mơ khiến
người ta lo sợ khi thức dậy. Sự xuất hiện đó khơi lại các nỗi khiếp sợ của con
người khi con ác thú đến gần và thường là điểm chẳng lành.[121]. Trong
tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa Hồi thứ 60, La
Quán Trung có kể về chuyện viên tướng Mã Siêu ở Tây Lương đêm nằm mơ thấy một đàn hổ
xé xác mình giữa trời tuyết, khi anh chàng này giật mình tỉnh giấc và kể lại câu chuyện
cho Bàng Đức, ông này đã khẳng định đó là điểm chẳng lành,
đúng lúc đó thì Mã
Đại trở về cấp báo việc Mã
Đằng, cha của Mã Siêu bị Tào
Tháo giết hại cùng với hai người anh em là Mã Hưu và Mã
Thiết. Người Mông ở Việt Nam có tục xếp 9 lớp đá đè lên
ngôi mộ của người đã khuất, bởi họ sợ con ma sẽ hóa thành hổ dữ, bắt hết người
thân, trâu bò, lợn gà của bản. Bắt đầu từ một điềm của một người thanh niên bị
chết, một con hổ lớn xuất hiện ngay trước cửa, con hổ chỉ nhìn mọi người gầm gừ
chứ không tấn công. Sau con hổ đi mất. Tuy nhiên, buổi sáng ngủ dậy, mọi người
thấy trong nhà gà lợn đã bị con hổ bắt sạch, không còn một mống, và sau này cứ
hễ có ai nhắc đến cái tên anh thanh niên quá cố thì con hổ lại xuất hiện, phá hết
nương rẫy, bắt sạch lợn gà, trâu bò. Nó còn mò sang tận các gia đình bên các xã
khác mỗi khi được gọi tên, khiến ai cũng hoảng sợ, cử một cụ trưởng bản ngồi
nói chuyện với con hổ, cầu xin nó đừng tàn phá làng bản [122].
3. Trong biểu tượng
Trong văn hóa Phương Đông, Bạch Hổ là một trong bốn linh vật
trong Tứ phương thần và biểu tượng cho phía Tây và
mùa Thu. Hổ gần gũi với đời sống con người nên có nhiều danh từ, thành ngữ mang
tên hổ, thông dụng là ở Việt Nam và Trung Quốc: Con hổ oai hùng và đầy sức mạnh
nên các võ tướng dũng mãnh, thiện chiến
của triều đình xưa thường được ví như cọp và tôn xưng là Hổ Tướng (ông
tướng mạnh như cọp). Trong chiến trận, đoàn quân bị mất tướng, coi như quân vô
tướng như hổ vô đầu. Ấn tín của quan võ hay các vị tướng nơi trận tiền gọi
là Hổ phù khi được cử ra trận, vị tướng cầm quân được nhà
vua giao cho cái phù hiệu làm tin. Phù hiệu này làm bằng gỗ, bằng ngà hay bằng
kim loại, khắc hình con cọp, cắt làm đôi, viên tướng được cầm một nửa, nữa kia
nhà vua giữ, người nào nắm trong tay Hổ phù thì có thể điều động được binh lính.
Nơi ở và làm việc của quan võ, doanh
trại của tướng quân chỉ huy quân sự cổ được gọi là Hổ doanh hay Hổ
quân doanh, cánh cổng vào doanh trại được gọi là Hổ môn, cửa ra vào dinh của
các tướng soái hay khu vực làm việc có treo bức trướng thêu hình hổ gọi
là Hổ trướng. Đào Duy Từ có tác phẩm quân sự trứ danh mang
tên Hổ Trướng Khu Cơ là một
bộ binh pháp kinh điển của nền quân sự Việt Nam [123] trong
Truyện Kiều có câu: Trướng hùm mở giữa trung quân, ngày xưa người ta thường
dùng da hổ làm thành cái màn lớn để chủ soái họp bàn nghị sự việc quân với các
tướng, nên người sau quen dùng chữ Hổ trướng để chỉ chỗ làm việc của các tướng
soái [23].
Bộ da lông hổ với những vệt vằn là biểu tượng sức mạnh của vị
tướng, nó còn được nhiều thủ lĩnh, đại vương ở các dân tộc phủ lên ghế ngồi hoặc
căn treo ở đại sảnh, làm tấm thảm. Trong dinh Độc lập, Nguyễn Văn Thiệu cũng đã từng căng da hổ
ở đại sảnh. Người có bộ đi hùng dũng bước đi như cọp gọi là Hổ bộ và dáng đi của
vua chúa cũng được gọi là Long hành hổ bộ tức dáng đi như rồng như cọp.
Người được gọi là Hổ đầu là người có tướng mạo tốt, hùng dũng như cọp. Mặt người
có mặt cọp (hổ diện), miệng cọp (hổ khẩu) và râu cọp (hổ tu) như hình tượng râu
hùm hàm én mày ngài của Từ Hải trong Truyện Kiều là người có tướng mạo của một người
anh hùng hoặc Trương Phi vểnh râu hổ. Mình hổ dùng để chỉ những
người có cơ thể hoàn hảo, đầy sức mạnh (mình hổ, tay vượng, bụng beo, lưng sói).
Hổ bôn là những người khỏe mạnh nhanh nhẹn và được gọi lên như Hổ bôn
trung lang tướng. Hổ cứ tức cọp ngồi là chỉ đạo vào địa thế hiểm yếu. Hổ đầu tức
đầu cọp cũng chỉ vào tướng mạng hùng dũng. Hổ lang chỉ về phường hung ác, tướng
tá tả hữu gồm người khoẻ mạnh thì gọi là hổ lĩnh.
Biểu tượng quốc gia và Linh vật
Một huy hiệu có biểu tượng con hổ
Ngày nay, hình ảnh con hổ được sử dụng làm linh vật, biểu tượng, biểu
trưng, phù hiệu, huy hiệu, cờ
hiệu, nhãn hiệu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức, hãng kinh doanh, công
ty, cộng đồng, dòng họ, các võ phái, câu lạc bộ... trong đó thường là
biểu tượng của nhà nước và các lực lượng quân sự võ trang. Nó cũng được tìm thấy
trong nhiều huy hiệu thời hiện đại.
Hổ Bengal là biểu tượng quốc gia (Quốc thú) của cả
hai quốc gia Ấn Độ và Bangladesh [124]. Hổ
Bengal cũng xuất hiện trên hầu hết các tờ giấy bạc của Bangladesh (Bangladesh Taka) và đồng xu
25 cent (poisha) [125]. Hình
tượng Con hổ Tippu (Tipu's Tiger
hay Tippoo's Tiger) là một ví dụ về tầm quan trọng trong nhận thức về con hổ đối
với người dân Ấn Độ như là một biểu tượng của sự phản kháng chế độ thực dân Anh
dành độc lập dân tộc, biểu tượng ước lệ này mô tả cảnh một con hổ giết chết một
tên lính Anh và đây là biểu tượng rõ ràng về chiến thắng của người dân Ấn Độ đối
với đế chế thuộc địa của người Anh [126].
Tại vùng Nam Á, hổ Bengal được gọi một cách trang trọng là hổ
Hoàng gia Bengal (Royal Bengal Tiger). Hổ Bengal là biểu tượng của đảng bảo thủ
Liên đoàn Hồi giáo Pakistan Nawaz. Con gái của nhà lãnh đạo đảng này là Maryam
Nawaz sử dụng hổ trắng quý hiếm trong các sự kiện của mùa tranh cử [127] [128]. Những
thành viên của chính quyền miền Đông Bengal (tiếng Bengali: ইস্ট বেঙ্গল রেজিমেন্ট) của Quân đội Bangladesh cũng sử dụng Hổ Bengal
làm phù hiệu cho mình với hình ảnh khuôn mặt của một con hổ. Biểu tượng của đội bóng
chày Kolkata của Ấn Độ là một con hổ hoàng gia Bengal, đồng thời Đội
bóng chày Bangladesh cũng sử dụng hình ảnh của hổ hoàng gia Bengal.
Hổ Mãn Châu là biểu tượng quốc gia của Nam Hàn và
là linh vật trong Olimpic tổ chức tại Seul, Hàn Quốc
(chú hổ Hodori - Hàn Việt: Hổ nhi). Hổ Mãn Châu được mô tả trên các lá cờ và
huy hiệu của vùng lãnh thổ Primorsky, trên huy hiệu của vùng
lãnh thổ Khabarovsk, cũng như trên nhiều huy hiệu biểu tượng của
thành phố và quận, huyện trong khu vực vùng Viễn Đông nước Nga. Ngoài ra nó còn
được mô tả trên các huy hiệu của Irkutsk. Hổ
Mã Lai là biểu tượng quốc gia của Malaysia.[129] hổ
Mã Lai được khắc họa trên quốc quy của Malaixia, biểu tượng của chính quyền,
pháp đình cũng như biểu tượng của lực lượng cảnh sát hoàng gia Malaixia, ngân
hàng quốc gia và là logo của Liên đoàn bóng đá Mã Lai. Cùng với sư tử,
Hổ Mã Lai được thể hiện trên Quốc huy của Sigapore như
một biểu tượng của nước này.
Một số đơn vị, bộ phận vũ trang của quân đội một số nước cũng
sử dụng tên gọi của hổ làm biểu tượng cho mình như: Trong lịch sử thời cổ của
Trung Quốc, Cơ Phát đã chỉ huy 3000 quân Hổ bí (võ sĩ tinh nhuệ) từng
tham chiến trong Trận Mục Dã. Trong thời kỳ Tam Quốc ở
Trung Quốc, triều Đình Tào
Ngụy đã tổ chức và xây dựng Đội kỵ binh tinh nhuệ có tên là Hổ Báo Kỵ
do Tào Thuần trực tiếp chỉ huy và từng tam chiến
trong trận Đồng Quan đánh thắng lực lượng Tây Lương do hổ trướng Mã Siêu chỉ
huy. Thừa tướng nước Ngụy là Tào
Tháo lúc bấy giờ cũng xây dựng một lực lượng bảo vệ thường trực với
tên gọi là Hổ Vệ quân do Hổ hầu Hứa
Chử đích thân chỉ huy. Ở Nhật Bản thời kỳ Mạc Mạt có Bạch Hổ đội (Byakkotai)
tham chiến trong trận Trận
Aizu khi đó thành phần đội này chủ yếu là những người trẻ tuổi chủ yếu
ở tuổi thành niên, samurai-nổi tiếng vì đã mổ bụng tự sát (seppuku) trên núi
Iimori, nhìn xuống thành.
Xe tăng Tiger II
Tại Mỹ, cư dân Columbia đã thành lập lực lượng vệ sỹ gia
đình, lực lượng đã trở nên với cái tên "Fighting Tigers of Columbia"
(tức Mãnh Hổ Columbia), sau
này Đại học Missouri-Columbia lập một đội
bóng bầu dục mới thành lập của trường nên được gọi là "Tigers" nhằm
tôn vinh những ai đã chiến đấu để bảo vệ Columbia, ngoài ra còn có tiểu
đoàn Những con hổ Louisiana (Louisiana
Tigers) do đại tá Roberdeau Wheat chỉ huy
từng tham chiến trong trận Chiến dịch Thung lũng 1862, thời hiện đại,
quân đội Mỹ còn có Sư đoàn không quân Phi
Hổ của Hoa Kỳ (Flying Tigers) và Lực lượng Mãnh Hổ của lục quân Hoa Kỳ trong
những trận thảm sát trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Ở châu Á thì có Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Nam Hàn từng
tham chiến tại Việt Nam. Tiểu đoàn Minh Hổ của Quân đội nhân dân Việt Nam từng
tham chiến trong trận Chiến dịch Đông Bắc II. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng sử
dụng hình ảnh con hổ để biểu trưng cho một số đơn vị như: Tiểu đoàn biệt động
Cọp đen của Sư đoàn 23 Bộ binh Quân lực
Việt Nam Cộng hòa, Tiểu
đoàn 42 Biệt động quân Cọp ba đầu rắn (KBC 4533), Tiểu đoàn Cọp Biển (tiểu
đoàn 6) của Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng Hòa từng tham chiến trong Trận Thành cổ Quảng Trị, căn cứ Lôi Hổ ở
Tây Nguyên của Việt Nam Cộng hòa. Sau này, Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil hay
còn gọi là Hổ Tamil sử dụng tên gọi và hình ảnh con hổ trên tất
cả các biểu tượng và tên gọi liên quan đến tổ chức này đặc biệt là sử dụng cho
biểu tượng của các lực lượng vũ trang (Lực lượng Hổ biển hay Hải hổ: Biểu trưng
về lực lượng hải quân của Hổ Tamil, Phi đội Hổ Bay chỉ đến lực lượng không lực của Hổ Tamil,
lực lượng Hổ Đen chỉ về đội quân chuyên đánh bom liều chết của lực lượng này.
Một số loại vũ khí sử dụng sức mạnh công phá lớn được gọi
là hỏa hổ, thanh đao được ví như hổ với câu: Đao như mãnh hổ, thương
tựa giao long. Thanh kiếm của Kondō
Isami được gọi là Hổ Triệt - "Kotetsu" (虎徹), là tác phẩm của một thợ rèn thế kỷ XVII tên là Nagasone
Kotetsu, thực ra có thể được làm bởi Minamoto no Kiyomaro, một thợ rèn kiếm
danh tiếng cùng thời với Kondō. Nhiều máy bay chiến đấu được đặt tên theo loài
hổ (tiger). Không quân Hoa Kỳ cũng sử dụng máy bay tiêm kích biệt hiệu con hổ Northrop
F-5 vào những năm 1960 ngoài ra còn nhiều máy bay chiến đấu được đặt
tên theo loài hổ như: Grumman F-11 Tiger, Grumman F11F Super Tiger, Fieseler F 2 Tiger, De Havilland Tiger Moth, Eurocopter
Tiger. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, cũng trong thời gian này,
phe Đức Quốc xã đã chế tạo và đưa vào sử dụng những
chiếc xe tăng lợi hại gồm 2 thế hệ là Xe tăng Tiger I và Tiger II,
Sau này điện ảnh Nga dự lại bộ phim Tiger
trắng (2012) để mô tả những trận kịch chiến với thế hệ xe tăng này.
Còn có loại xe tăng P'okpoong Ho (Hán Việt: Bão Phong Hổ, Hanja: 暴風虎, tiếng Anh: Storm Tiger) là một loại xe tăng của Bắc Triều
Tiên, xe tăng King Tiger -Tiger II (cọp vua) TVI của Đức, xe tăng Panzerjäger Tiger (P) Elefant. Về tàu
chiến, có mười lăm tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh từng được mang cái
tên HMS Tiger, theo tên loài hổ, Hải quân
Anh còn có Lớp tàu tuần dương trực thăng Tiger là
lớp đầu tiên loại này của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, và cũng là những tàu tuần
dương cuối cùng được chế tạo cho Hải quân Anh, xuất sắc nhất có chiếc HMS
Tiger (1913).
Logo của Câu
lạc bộ Hull City
Ngày nay, Câu lạc bộ bóng đá Đức là Bayer Muchen cũng được báo
chí đặt biệt danh là con Hùm Xám xứ Bavaria. Cúp bóng đá vô địch các quốc gia Đông
Nam Á trước đây còn có tên gọi là Tiger Cup do
hãng Tiger
Beer tài trợ. Đội bóng đá Hull
City A.F.C. của Giải ngoại hạng Anh cũng sử dụng hình ảnh
con hổ làm logo chính thức cho mình. Đại học Korea của Nam Hàn có
biệt hiệu là những con hổ Anam và lấy hổ làm linh vật. Con hổ cũng là
biểu tượng của Thế vận hội 1988 ở Seoul với hình ảnh
là chú hổ Hodori (tiếng Hàn: 호돌이). Logo của Đội tuyển bóng đá Hàn Quốc là hình một con hổ cách
điệu, bóng đá Hàn Quốc đã được biết đến là một mãnh hổ Đông Á với sức mạnh và
tinh thần thi đấu quả cảm và đội tuyển bóng đá Hàn Quốc được đặt biệt danh là hổ
Đông Á [130]
Hổ cũng được sử dụng trong quảng cáo hàng hóa như xăng dầu và
đồ ăn nhanh. Một số hãng sử dụng con hổ làm biểu tượng cho mình như dầu nhớt
Essso với câu khẩu hiệu: "Mãnh lực của hổ" và "Ới!! ông ba
mươi", các hãng bia Tiger, bia Laruer in hình con hổ. Hãng hàng
không Tiger Airways có logo với hình con
hổ đang tung mình. Sau khi được giới thiệu năm 1951, đến những năm 70
của thế kỷ XX, hổ Tony bắt đầu được nhân hóa.
Không chỉ là một biểu tượng quảng cáo do người đóng, hổ Tony còn có quốc tịch Mỹ
gốc Italy và một gia đình đầy đủ với Hổ bà Tony, Hổ mẹ Tony, con gái Antoinette
và con trai Tony bé, một phiên bản...gầy hơn của Tony và đang là linh vật của
công ty Kellogg's Frosted
Flakes. Năm 1974,
Tony đạt giải "Chú hổ của năm" trong một quảng cáo lấy bối cảnh năm
con Hổ của Trung Quốc [131]. Ở
Đài Loan thì có Tiểu Hổ Đội (tiếng Anh: The Little Tigers; chữ
Hán: 小虎隊), gồm ba thành viên Ngô Kỳ Long, Trần Chí Bằng và Tô Hữu Bằng, là ban nhạc của Đài Loan cuối thập kỉ 80,
đầu thập kỉ 90 của thế kỷ XX
Con hổ còn là biểu tượng của kinh tế với thuật ngữ Con hổ về
kinh tế (Tiger economy). Thuật ngữ những con hổ châu Á dùng để chỉ về các nên kinh tế của
châu Á trỗi dây và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế thế giới ngoài ra quốc tế
cũng dùng hình ảnh con hổ để chỉ về những quốc gia có sự phát triển kinh tế chẳng
hạn như Con hổ Celtic (Celtic
Tiger, tiếng Celtic: An Tíogar
Ceilteach) chỉ về sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Cộng hòa Ái
Nhĩ Lan giai đoạn năm 1995 đến năm 2000, Con hổ Baltic (Baltic
Tiger) chỉ về nền kinh tế các nước Estonia, Latvia, và Lithuania trong suốt thời
kỳ khủng hoảng kinh tế sau 2000 và kéo dài cho đến giai đoạn 2006-2007, thuật
ngữ Tatra Tiger là biệt danh của nền kinh tế Slovakia giải đoạn
2002-2007 [132] hay
thuật ngữ Con hổ Vùng Vịnh dùng
để mô tả sự tăng trưởng kinh tế của Dubai kể từ thập
niên 1990 cho đến nay. Con hổ xứ Nordic (Nordic Tiger) là biệt danh để chỉ về nền kinh tế của Iceland.
Để chỉ về tính cách, sức mạnh, chiến công, tên gọi, biệt hiệu,
danh xưng của nhiều người, vùng đất có đặt tên theo loài Hổ hay tên gọi ví von
về con hổ, Người La Hủ một dân tộc ít người ở Việt Nam cũng tự đặt
tên cho sắc dân mình gắn với con hổ, theo đó "La" là hổ, "Hủ"
là sóc,
"La Hủ" nghĩa là mạnh như con hổ, khéo léo và nhanh như con sóc. Một
số tên người về hổ có thể kể đến như:
Ở Việt Nam trong
lịch sử có nhiều danh thần, võ tướng có tên gọi gắn với con hổ như: Phạm Bạch Hổ, Lê Như Hổ (vô địch đấu vật thời nhà Lê), Bùi Cầm Hổ, Hoàng Đình Hổ, Phạm Đình Hổ (còn có tên gọi là Chiêu Hổ), Nguyễn Huy Hổ, Tăng Bạt Hổ, nhà văn Phạm
Hổ, Đào Văn Hổ, Đại tá Trần Văn Hổ, Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) - nguyên là Đốc Phủ Sứ
thời thuộc Pháp. Thời xưa thì có Tràng An tứ hổ (Nhất Quỳnh,
nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn), Trường An thất hổ (bảy
con hổ của kinh thành Thăng Long). Thời Tây Sơn có Tây Sơn thất hổ tướng [133] trong
đó có Hám hổ hầu Võ Văn Dũng. Nhà
Nguyễn cũng có Ngũ hổ tướng của nhà Nguyễn và Ngũ hổ tướng Gia Định, Nguyễn Hữu Tiến được gọi là Hổ tướng
còn người Bắc Hà thì gọi ông là Hổ Uy đại tướng, Long Hổ tướng quân Trần
Hầu, Lê Văn Hưng của Quân lực
Việt Nam Cộng Hòa được các phóng viên chiến trường gọi là một trong ngũ hổ U Minh Thượng, võ sư Long Hổ Hội (tên thật là Lâm Hữu
Hội) danh chấn xứ Bạc Liêu võ sư Ngô
Bông còn được gọi là Lâm Hổ,
nhà văn Trương Duy Toản bút hiệu Đổng Hổ.
Hùm xám là biệt danh của nhiều anh hùng
trong đó phải
kể đến là Hoàng Hoa Thám
Đặc biệt là danh xưng Hùm xám hay cọp xám, hổ xám.
Trong tâm thức người Việt, thuật ngữ Hùm xám còn là tên gọi đặt biệt
hiệu cho nhiều anh hùng, hảo hán ở Việt Nam, với cấu trúc cụm từ là Hùm xám và
địa phương nơi thành danh, như Hoàng Hoa Thám được tôn xưng là Hùm
xám Yên Thế, ngoài ra còn có ông Nguyễn Minh Kỳ nguyên Chủ
tịch Quảng Trị còn được đặt biệt hiệu là Hùm
xám đường 9-Nam Lào, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân
dân Việt Nam Nguyễn Đình Bảy (tự Bảy
Khiêm) được gọi là Hùm xám Trị Thiên, ông Đặng Văn Việt, Chỉ huy trưởng các trận đánh trên đường
số 4 của Việt Minh được người Pháp gọi là Con hùm xám
trên đường số 4, Anh hùng Lao động Nguyễn Phong Lưu được gọi là Hổ
xám Trường Sơn, Nahria Ya Duck đệ Nhất
Phó Thủ tướng Fulro được
mệnh danh là Hùm xám Tây
Nguyên [134] Trong
võ học, những cao thủ võ thuật Việt Nam danh chấn cũng được đặt biệt danh là
hùm xám. Võ sư Mã Thanh Long cũng được đặt
biệt danh là Hùm xám Hòa
Hưng, võ sư Huỳnh Long Hổ được mệnh
danh là Hùm xám Quảng
Ngãi [135] võ
sư Hà Trọng Ngự với tuyệt kỹ
quyền ba chân hổ được tôn xưng là Hùm xám miền Nam, [136] võ
sư Hà Trọng Sơn cũng có biệt
danh là Hùm xám miền Trung [137] cùng
với võ sư Lý Xuân Hỷ người được mệnh danh là Hùm xám cao nguyên. Người Việt
còn dùng thuật ngữ hùm xám để đặt tên cho các nhân vật nước ngoài như Đội
bóng Bayern Munich được báo giới Việt Nam đặt tên
là Hùm xám xứ Bavaria, thủ môn José Luis Chilavert được gọi là Con
hùm xám Nam Mỹ.
Ở Trung
Quốc có những người mang tên hổ như: Hoàng Phi Hổ, Đường Bá Hổ, Lôi Lão Hổ, Tô Hắc Hổ, Hàn Cầm Hổ, Hổ Tam Nương, Trần Hổ, Trương Văn Hổ, Thạch
Hổ, Dương Hổ, Lý Hổ, Tào Hổ, Hàn Hổ (tức
Hàn Khang tử), Hồ
Sa Hổ, Nghiêm Bạch Hổ, Dương Hổ Thành, Chu Thiết Hổ, Triệu Bá Hổ hay Cơ Hổ, Chu Nguyên Hổ (朱元虎), Chiêu Hổ, Hoàng Đắc Công hiệu là Hổ Sơn, Đinh Đắc Tôn có ngoại hiệu là Trúng tiễn hổ (Hổ
trúng tên), Đằng hầu Hổ (Đằng Hổ Quỹ), Mã Định Hổ (tự nhận là hậu
duệ đời thứ 39 của Phục ba tướng quân Mã Viện). Thời Tam Quốc, Viên
Thiệu được phong làm Hổ bôn trung lang tướng, Vu Cấm được
phong chức Hổ uy tướng quân... Trong Tam Quốc diễn
nghĩa, La Quán Trung dùng hình tượng con Hổ để mô tả về hình dáng của nhiều
viên tướng và dùng nó để ví về các anh hùng như: Tôn
Kiên được danh xưng là Mãnh Hổ Giang
Đông, Đổng Trác được xưng tụng là biên quan dã hổ (con
hổ dữ ở vùng biên) Lữ Bố được
Tào Tháo so sánh với hình ảnh của con hổ. Hứa
Chử được gọi là Hổ Hầu (tên gọi do Mã Siêu đặt,
ban đầu có tên là hổ si, tức con hổ dại), ngoài ra thì còn có danh
xưng Ngũ Hổ tướng thời Tam Quốc chỉ
về các viên tướng có sức mạnh như: Quan Vũ, Trương
Phi, Mã Siêu, Triệu
Vân, Hoàng Trung. Trong tác phẩm Thủy Hử, thì có Yến
Thuận biệt danh Cẩm mao hổ, Lý Vân ngoại
hiệu là Thanh Nhãn Hổ, Khiêu Giản Hổ Trần Đạt, Sáp Sí Hổ (Hổ chắp cánh) Lôi
Hoành, Điền Hổ, Lý Trung có ngoại hiệu Đả Hổ Tướng Thời.
Thời Nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích được nhà Minh phong danh hiệu Long
hổ tướng quân, triều Minh cũng phong cho Vương Đài làm Long Hổ tướng quân, La
Nhữ Tài được gọi là Đông Sơn hổ, Ngạch Diệc Đô được xưng là Đại hổ. Thời nhà Thanh thì
có danh xưng Quảng Đông Thập Hổ (10 con hổ ở đất Quảng Đông) trong đó có Tô Hắc Hổ ngoài ra cũng có ý
kiến xếp Hoàng Phi Hồng vào số này [138].
Một số nước khác, các danh tướng cũng dùng tên gọi về Hổ để
chỉ về mình như Takeda Shingen danh tướng thời chiến quốc Nhật Bản được
gọi là Con hổ xứ Kai, đối thủ của ông là Uesugi
Kenshin còn gọi là Nagao Kagetora (長尾景虎) (Trưởng Vĩ Cảnh Hổ) sau đó đổi tên thành Uesugi
Masatora (上杉政虎) (Thượng Sam Chính Hổ). Vị vua của
Triều đại Mogol là Babur được đặt
tên có nghĩa là hổ, Vị vua Sher khan của Hồi giáo, Tipu
Sultan là những vị vua lấy con hổ làm biểu tượng. Viên tướng Nhật Yamashita Tomoyuki còn được gọi là con hổ Mã
Lai. Võ sư Kim Chấn Bát được đặt biệt hiệu là Kim Phi Hổ. Radamel Falcao García được báo chí gọi
là mãnh hổ (El Tigre), Arthur Friedenreich cũng có biệt danh Mãnh
hổ. Tiger
Woods vận động viên golf số 1 thế giới được lấy từ tên người bạn quân
nhân Việt Nam của bố anh Vương Dang Phong, người khiến bố
Woods đã đặt tên cho anh cái nickname là Tiger. Sau này cái tên Tiger Woods đã
trở nên quen thuộc, thời điểm mà anh nổi lên ở tầm quốc gia với giải trẻ và
nghiệp dư cũng là lúc anh được biết đến với cái tên đơn giản Tiger Woods. Ngoài
ra còn diễn viên Liliane Tiger.
Vực Hổ Khiêu - Địa danh được đặt tên dựa
theo động tác của một
con hổ nhảy qua núi
Nhiều vùng đất, địa danh, công trình được đặt tên theo loài hổ
như: Ở Trung Quốc có Long Hổ Sơn hay còn gọi là núi rồng-hổ, một địa
danh linh thiêng của đạo giáo, Vực Hổ Khiêu tức hẻm sông Hổ Nhảy được đặt tên từ
sự việc theo truyền thuyết, đây là đoạn sông xưa kia có một con hổ phóng từ bờ
bên này sang bờ bên kia nên có tên là vực Hổ Nhảy (khiêu có nghĩa là nhảy - là
phóng), Hổ Khiêu Hiệp (Hẻm núi Hổ Nhảy), tương truyền rằng
để trốn khỏi một tay thợ săn, một con hổ đã nhảy qua con sông tại điểm hẹp nhất
(rộng 25 m), do đó người ta gọi đây là hẻm núi Hổ Nhảy. Hổ
Khâu, Hổ Môn nghĩa là "cổng hổ", Người phương Tây
thường biết đến Hổ Môn qua tên gọi xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha là Bocca
Tigris (nghĩa là "miệng hổ") hay Bogue, Hổ Lao Quan, Hổ Môn (trấn), Hổ Lâm, Cầu Hổ Môn, Đại Hổ Sơn (大虎山), cù lao Hổ Hạm (chữ
Hán: 虎槛洲, Hổ Hạm Châu). Ngoài ra ở các nước khác còn có Sông
Tigre ở Brazil, Sông Amba, Nong Suea (huyện) ở Thái Lan,
và đặc biệt là sông Tigrit một trong hai con sông của dòng sông Lưỡng
Hà.
Ở Việt Nam,
tại Tiền Giang có vùng đất miệt vườn có tên gọi
là Cù lao Ông Hổ là vùng đất sinh ra vị chủ tịch Tôn Đức Thắng, ngoài ra còn có Mỏ Bạch Hổ, Thị trấn Tăng Bạt Hổ, Cầu Bạch Hổ. Đặc biệt ở Nam bộ Việt Nam còn lưu truyền nhiều địa danh
liên quan đến cọp như Đìa Cứt Cọp (ấp 4, Hưng Nhượng, Giồng
Trôm, Bến Tre) là nơi có nhiều cọp tụ tập lại săn mồi và phóng uế
bừa bãi, Sân Ngự (thị trấn Bình
Đại, Bến Tre) là nơi theo truyền thuyết hàng năm vào mùa khô, cọp từ các
nơi tụ tập về đây gọi là cọp hội dưới sự đầu lĩnh của chúa cọp bạch ba chân, Đồn
Cọp (Phú Nghĩa, Chợ
Lách, Bến Tre) là nơi cọp thường đến phá phách dân chúng mới lập mưu vây cọp
lại, rồi báo cho tỉnh đưa lính về bắn, Mỏ Cày (Bến Tre) cọp ở đây rất nhiều do đó, người
dân vừa cày, vừa đánh mỏ để cọp sợ không dám đến làm hại, rạch Ông Hổ (Long Hưng, Châu Thành, Tiền
Giang), Rạch
Gầm (Châu Thành, Tiền Giang) là nơi trước có nhiều cọp và chúng gầm
thét vang động cả một vùng nên có tên Rạch Cọp Gầm, về sau, gọi tắt thành Rạch
Gầm [139] đồng
thời có các địa danh như suối Cọp và Hang Bạch Hổ (ở Định Quán), truyền rằng, trước kia, khi rừng rậm còn nhiều,
có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi, cặp hổ này không bắt người ăn thịt mà
thường xuống nghe kinh Phật ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, lại
thêm chiến tranh, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là Hổ thần nên đặt tên hang là Bạch
Hổ [140]. Ngoài
ra còn có Thác Hang Cọp ở Đà Lạt, tương truyền nơi đây
ngày xưa là nơi trú ngụ của một con cọp cho nên mới lấy hang cọp mà đặt tên cho
thác, hiện nơi đây có đặt tượng hổ cao khoảng 5m, dài 10m nằm trong khuôn viên
của thác.
Uy danh của loài hổ còn ảnh hưởng đến tên gọi nhiều sinh vật
hùng mạnh nhất trong họ mình hoặc có hình thức, cấu tạo giống bộ phận nào đó của
cơ thể hổ [141]. Có
thể kể đến là về động vật có các loài như: rắn
hổ, Họ Rắn hổ, rắn hổ chúa, rắn hổ mang Xiêm, Rắn hổ mang chúa, Rắn hổ đất, Rắn hổ trâu, Rắn hổ bướm các loại rắn hổ, một số loài rắn độc
quý hiếm có tên hổ như rắn Hổ trâu, Hổ lửa, Hổ mang, Rắn hổ hành... cá hổ hay còn gọi là cá răng đao, Cá hổ kình, Cá hổ kình lùn, Cá nhám hổ, Cá giả hổ kình, Cá mập hay
còn gọi là cọp biển, cá mập hổ, Cá hổ Xiêm, tôm hùm, Tép cọp, Bướm đêm hổ đốm tối, Ếch đồng hay còn gọi là ếch da hổ, Muỗi hổ (Aedes
albopictus), Mực nang vân hổ, Diệc hổ cổ trần, Kỳ giông hổ, hổ
Tasmania, con mèo thường được gọi là tiểu hổ, về các loài thực
vật có: cây lưỡi hổ, cây ba mươi, hổ bì, lá lưỡi cọp, cây ba mươi,
Bách thanh hổ, Cỏ đuôi hùm, Lưỡi cọp, Hổ vĩ xám, Hổ nhĩ trắng, Tai hùm, Hổ bì,
Lan da hổ, Bìm bìm chân cọp, Móng cọp xanh, Đơn lưỡi hổ, Vuốt hùm, Hài lưỡi hổ,
Hổ trương, Hổ béo. Trong kho tàng dược liệu y học cổ
truyền, nhiều cây, lá mang tên hổ là vị thuốc dễ kiếm tìm có tác dụng chữa bệnh [142] như Hổ thiệt, Hổ nhĩ thảo, Hổ trượng căn, Hổ
phách, Hổ vĩ, còn có Chín vị thuốc tên hổ như
Hổ kế (Cicus japonicus) Hổ thiệt (Aloe), Hổ cao (Siegesbeckia orientalis L) Hổ
trượng căn (Polygonum cuspidatum sieh Znce) Hổ vĩ, hay hổ vĩ mép vàng
(Sansevira trifasciata Prain var), Hổ phách (Succinum) Hổ chuối (Ptyas korros),
Hổ mang, hổ đất, hổ lửa (Ophiophagus hannah), Hổ cốt (Panthera tigris L) hay
Cao hổ cốt.
4. Trong văn học
4.1. Trung Quốc
Tranh vẽ tả cảnh Võ Tòng giết hổ
Hổ được miêu tả nhiều trong văn học của các nước, Trong văn học
Trung Hoa, hổ xuất hiện trong nhiều tác phẩm kinh điển như: Tây
Du Ký (hổ đóng vai trò là những con yêu quái hại người), trong đó hổ
xuất hiện và tấn công Đường Tam Tạng khi ông này chuẩn bị qua biên giới Đại Đường,
sau đó được một người thợ săn ở biên giới giải cứu và giết chết con hổ. Lần thứ
hai, con hổ tấn rình tấn công Đường Tam Tạng thì bị Tôn Ngộ Không đánh chết, Ngộ Không đã lấy da con
hổ để làm áo mặc và bộ da hổ này theo Tôn Ngộ Không suốt quá trình đi thỉnh
kinh. Một lần khác, Đường Tam Tạng từng bị con yêu tinh phù phép biến thành hổ [143]. Và
con hổ đáng chú ý nhất là con hổ tinh trong lốt yêu quái đạo sĩ ở nước Xa Trì gồm
Dương Lực Đại Tiên (con Dê), Hổ Lực Đại Tiên (hổ) và Lộc Lực Đại Tiên (con
hươu)
Tam Quốc Diễn nghĩa với việc làm nền cho
những anh hùng xuất hiện, trong tác phẩm này có kể về một trận đánh của quân Thục
với quân Nam Man trong đó, quân Nam Man đã dùng các loài dã thú, rắn rết trong
đó có hổ để tấn công quân Thục. Trong tác phẩm này ngoài Ngũ Hổ tướng, còn có Vương
Song viên tướng được mô tả là thân hình dài chín thước, lưng gấu, mình
hổ, mắt đen nhưng con ngươi vàng và được phong là Hổ oai tướng quân. Tác phẩm Thủy
Hử với hình tượng trứ danh Võ Tòng đã
hổ trên đồi Cảnh Dương ngoài ra
hổ còn được mô tả qua việc ăn thịt mẹ của Lý Quỳ và ông này đã trả thù bằng
cách tìm về hang cọp giết hổ báo thù cho mẹ của mình.
Trong điển tích Võ Tòng đã hổ, câu chuyện cụ thể là khi Võ
Tòng trên đường về quê thăm anh, khi đi ngang qua huyện Dương Cốc (nay là thành
phố Liễu thành), ông ghé vào một tửu
quán, bên ngoài ghi là "Uống 3 chén không nên qua đồi". Võ Tòng là một
người mê rượu, thấy dòng chữ này rất khó chịu, hỏi tại sao thì chủ quán kể có
chuyện con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người trên đồi Cảnh Dương, ai uống quá
say không nên đi qua đó. Võ Tòng nghe vậy rất phẫn nộ, uống một mạch hết rượu
trong quán. Chiều hôm đó, ông đang trong cơn say, một mình cầm gậy lên đồi tìm
Hổ. Sớm hôm sau gặp Hổ, ông cầm gậy vờn với mãnh thú tới tối. Đến lúc trời chạng
vạng sáng, sau khi dùng nhiều mưu kế mà không được, ông vứt gậy, một tay nhận đầu
hổ xuống đất, một tay đấm, con hổ bể đầu chết tươi [144].
4.2. Việt Nam
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta là chúa tể muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Thế Lữ, Nhớ rừng (trích)
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Thế Lữ, Nhớ rừng (trích)
Hình tượng con hổ cũng xuất hiện nhiều qua văn học Việt Nam,[23] bên
cạnh những câu chuyện cổ tích xuất hiện từ lâu như như Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời, Thỏ rừng và hùm xám, Con hổ có lá gan chuột
nhắt, Mèo vẫn hoàn mèo, thì hổ
còn được nhắc đến trong các tác phẩm văn học thời cổ như: Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Lĩnh Nam Chích Quái, Mãnh hổ hành" (Bài
hành về con hổ dữ) của nhà thơ Nguyễn Hành (nhà thơ), Truyện Kiều của Nguyễn
Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Cũng như những tác phẩm thời kỳ
cận đại và hiện đại như: Thần Hổ của Tchya, Đường Rừng của Lan Khai, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Tây
Tiến của Quang Dũng (với câu thơ: Đêm đêm Mường
Hịch cọp trêu người), Như những ngọn gió
Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp và đặc biệt là bài thơ Nhớ
rừng của Thế
Lữ khi tác giả mô tả chân thực cảnh một con hổ trong vườn bách thú và
hình dung ra hình ảnh của nó khi tự do trong rừng, thông qua hình ảnh con hổ,
Thế Lữ dùng để biểu tượng về hình ảnh của một đất nước, dân tộc Việt Nam
đang thời kỳ Pháp thuộc. Trong đó câu than thở Than
ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! đã trở nên trứ danh.[23]
Trong truyện cổ tích Trí khôn của ta đây người Việt đã lý giải
sự tích của những hình thù vằn vện trên mình hổ, con hổ được đóng vai trò là kẻ
xấu và truyện nhằm đề cao trí khôn của con người trong công cuộc chống lại những
loài thú giữ trong đó con hổ hiền lành, dại dột, bị người lừa. Trong truyện cóc
kiện trời thì hổ đóng vai trò quan trọng, là một trog những con vật theo cóc
lên thiên đình để kiện trời, hổ đóng vai trò quan trọng khi là con vật mạnh nhất
trong đoàn quân của nhân gian, chính hổ đã xé xác thiên lôi buộc Ngọc Hoàng phải
điều đình với đoàn quân của nhân gian.
Trong câu chuyện Chú
Cuội, kể việc Cuội vào rừng sâu tìm cây thì trông thấy một cái hang cọp, có
bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một
nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng
gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.
Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ
một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá
rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã
vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi
nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Ngoài ra trong nhiều truyện kể dân gian, cọp đóng vai thần cứu
tinh, như trong Tống Trân Cúc Hoa được truyền tụng trong giới người Kinh lẫn người Thượng phía Bắc, theo đó mô tả
chi tiết Sơn Thần thương tình biến thành mãnh hổ, tình nguyện mang thư Cúc Hoa
sang Tần. Trong câu chuyện Thoại Khanh, Châu Tuấn,
hổ xuất hiện giữa rừng khuya, cọp cõng Thoại Khanh và mẹ chồng sang tận nước Tề để tìm chồng. Giai thoại Con hổ có nghĩa đã
được đưa vào Sách giáo khoa ở Việt Nam cho thấy hổ cũng là con vật có tình
nghĩa, biết đền ơn xứng đáng người đã giúp đỡ mình [23].
Trong tuồng hát bội Hổ Thành Nhân, thế kỷ XIX cũng có kể chuyện
hổ sinh ra người. Truyện dân gian có Ông Nghè hóa cọp chế diễu những người chưa
đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng. Giai thoại về bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi,
1884-1964) ở Cà Mau còn có chuyện bắt cọp xay lúa, xử án cọp, [23] [54] người
ta cũng kể câu chuyện về việc bác Ba Phi từng đánh bại hổ dữ, theo đó, ở vùng U
Minh có con hổ đực rất khôn ngoan, nhiều người lạc chân trong rừng thường mất
tích một cách bí ẩn mà người ta nghi bị nó ăn thịt, sau này khi nó bắt một người
phụ nữ đang làm ruộng thì bác Ba Phi được mời tới để đánh hạ con hổ dữ này, một
cuộc chiến quyết liệt đã xảy ra và bác Ba Phi đã đánh thắng con hổ [145].
Trong truyện Lục vân Tiên hổ cũng được bố trí xuất hiện ba lần
một lần cởi trói cho tiểu đồng và đưa ra đại lộ, một lần dưới dạng du thần đưa
Vân Tiên ra khỏi hang Thương Tòng và lần cuối, cọp bắt hai mẹ con Thể Loan bỏ lại
trong hang Thương Tòng để quả báo nhưng không ăn thịt. Tác phẩm này, Nguyễn
Đình Chiểu đã mô tả về hổ trên góc độ cái nhìn của nhân dân Nam bộ, theo đó hai
diện mạo: khuôn mặt tự nhiên là ác thú vì Trên cơ bản, cọp vẫn là ác thú ăn thịt
người do đó Trịnh Hâm mới bắt tiểu đồng
trói vào gốc cây để trước cho hùm cọp ăn mày/Hại Tiên phải dụng mưu này mới
xong/ Vân Tiên ngồi những đợi trông/Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn (Truyện Lục
Vân Tiên câu 875-878) và khuôn mặt cứu tinh, lại là một nhân vật hư cấu có suy
tính khi hành động: Sơn quân ghé lại một bên/Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.
Hổ Shere Khan, con hổ tàn ác
trong tác phẩm Sách của rừng
xanh
Nhà văn Tchya đã phản ánh hình tượng con hổ vào tiểu thuyết Thần Hổ
xuất bản năm 1937,
và Ai hát giữa rừng khuya vào năm 1942 của tác giả Vũ Ngọc Phan (1902-1987). Trong tiểu thuyết này
đã mô tả về Thần Hổ xuất thân từ những con hổ đã ăn thịt hơn trăm người, trong
tai nổi lên hơn trăm tia máu đỏ, nghe được ngàn dặm, và nếu có chạm mình vào lá
cũng không quên. Vị thần Hổ đây là con hổ xám, hổ vàng, và khi họp hội đồng cơ
mật dưới gốc một đại thụ, vị thần Hổ thường trút bỏ bộ lông trắng, biến thành một
ông già đầu râu tóc bạc đường bệ. Bị hổ vồ là có số, những kẻ bị giống mãnh thú
ấy xơi đã có tên trong quyển sổ do thần Hổ giữ. Thật là một sự định mệnh, không
sao trốn thoát được. Rồi những người mang họ Đèo trong truyện Thần Hổ của Tchya
mà tất cả con cháu phải làm mồi cho hổ chỉ vì ông tổ của họ đã dám phạm đến một
con hổ già, làm hắn chột một mắt và tuyệt đường sinh sản, là một họ rất am tường
số mệnh. Sự báo thù thật là ghê gớm tất cả con cháu họ Đèo khi đã sa vào nanh
vuốt hổ, người nào cũng bị móc mất một mắt và cắn xé mất hạ bộ. Thần Hổ ra oai
và gieo vạ cho cả dòng giống những người đã dám phạm đến thần.
Ngoài ra, trong Truyện Đường Rừng, 1940, Lan Khai (1906-1945)
kể chuyện Người hóa hổ, người và súc vật có thể hóa kiếp cho nhau. Hình ảnh của
hổ với sự kỳ bí về bộ lông tráng lệ, oai phong lẫm liệt, và hành tung bí ẩn được
thể hiện qua Trái Tim Hổ trong nhóm mười truyện Như những ngọn gió Hua Tát của
Nguyễn Huy Thiệp, đăng trên báo Văn Nghệ 1987, xuất bản thành sách 1988 theo đó
ở bản Hua Tát có con hổ kỳ dị người ta đồn có trái tim khác thường, chỉ nhỏ bằng
hòn sỏi và trong suốt, là bùa hộ mệnh cùng là vị thuốc thần. Hình ảnh con hổ
qua văn học đã gây ảnh hưởng và điều kiện hóa đời sống tinh thần người dân với
hình ảnh của muông thú đang và đáng được bảo vệ là tài sản thiên nhiên, uy
dũng, hùng tráng diễm lệ và kỳ ảo, cọp là vẻ đẹp của một trần thế đang phôi
pha. Tác phẩm Bí mật trên đồi Hổ táng (1985) của nhà văn Bá Dũng cũng nhắc đến truyền
thuyết về con hổ có nghĩa [23].
4.3. Tây Phương
Shere Khan
Trong văn học phương Tây, hổ đã gây cảm hứng đến nhiều người.
Cả Rudyard Kipling trong The Jungle Books và William
Blake trong Songs of Experience miêu tả nó như là con thú dữ
tợn và đáng e sợ. Trong The Jungle Books, con hổ Shere Khan là
kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của Mowgli, ông vua không ngai của rừng rậm
nhiệt đới. Những chi tiết về con hổ cái Champawat và làm thế nào nó đã bị hạ
sát có thể được tìm thấy trong cuốn sách Những kẻ ăn thịt người ở Kumaon (năm 1944), được viết bởi
chính Jim Corbett. Tại thị trấn Champawat gần
cầu Chataar và trên đường đến Lohaghat, người ta đã đặt một tấm bảng xi-măng,
đánh dấu nơi con hổ bị hạ sát. Tuy nhiên, vị trí chính xác nơi mà các con hổ đã
bị giết bởi Jim Corbett là gần hơn với vị trí hiện tại của nhà máy thủy điện đó
là từ tấm bảng này khoảng 1 km (0,62 dặm).
Nhưng trong truyện
tranh Calvin and Hobbes của Bill Watterson, Hobbes là con
hổ đôi khi thoát ra khỏi vai trò của nó như là một con thú để ôm ấp. Ở một khía
cạnh khác là Tigger (Tíc-gơ), con hổ trong truyện Gấu Pooh của A. A. Milne, là con hổ luôn luôn
đem lại may mắn và không bao giờ đem lại sự sợ hãi, sau đó hãng Walt Disney
Television Animation sản xuất bộ phim My Friends Tigger and Pooh có
xây dựng hình ảnh về chú hổ Tíc-gơ là chú hổ giọng khàn, hay di chuyển bằng
cách nhảy tưng tưng bằng đuôi. Trong tác phẩm A Tiger for Malgudi thì
Yogi là con hổ tốt. Nhà văn Yann
Martel đã đoạt giải Man Booker Prize năm 2002 với tiểu
thuyết Cuộc đời của Pi (Life of Pi) về cậu bé Ấn Độ sống
sót trên Thái Bình Dương với con hổ Bengal và đã
được Lý An dựng thành bộ phim cùng tên.
Ở châu Âu, nhà thơ người Anh William
Blake đã sáng tác bài thơ về hổ với tựa đề The Tyger tạm dịch
là Chúa sơn lâm và được coi là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp của ông và là
bài thơ thuộc thể loại văn tuyển (anthology) hay nhất ở Anh [146] với
những trích đoạn nghệ thuật mô tả sự rực rỡ và mãnh lực của hổ:
Chao ôi hổ! Hổ cháy bừng như lửa
Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm
Ánh mắt nào, bàn tay nào bất tử
Có thể tạo ra cái vẻ kinh hoàng...
Bờ vai nào, và từ đâu nghệ thuật
Tạo đường gân thớ thịt của con tim?
Mỗi khi con tim dồn lên nhịp đập
Chân tay nào tạo nên vẻ khiếp kinh?...
4.4. Khác
Trong văn học Ấn Độ, Tiểu thuyết Cọp trắng nguyên bản tiếng
Anh The White tiger giải thiêng văn hóa Ấn Độ giải Man Booker 2008 [147] tác
phẩm mô tả việc xuất thân từ bóng tối nhưng Balram muốn làm cọp trắng, loài vật
trong rừng mà mỗi thế hệ chỉ có một con, phá cũi vươn về thế giới ánh sáng.
Khát vọng của Balram không dễ thực hiện được trong xã hội anh đang sống. Và cọp
trắng Balram đã không từ thủ đoạn, kể cả giết chết ông chủ và mặc kệ số phận
gia đình để một mình thoát khỏi bóng tối [148] trong
văn hóa của người Khmer Nam Bộ, trong những câu truyện cổ phổ biến có 02 câu
chuyện liên quan đến hổ là Thỏ và cọp và câu chuyện Thầy thuốc rắn
cứu cọp nhằm nêu lên khát vọng về công lý và công bằng, tuy vậy nhân vật
chính trong hai câu chuyện này lại là con thỏ [149].
5. Trong nghệ thuật
"Hổ tọa" tác phẩm của Kishi Chikudo khoảng đầy thế
kỷ XIX
Trong văn hoá nghệ thuật, là một loài vật rất đẹp và có sức
lôi cuốn [150] nên
hổ cũng là con mật được mô tả theo hướng trở nên gần gũi với con người, ngoài
việc là đối tượng không thể thiếu trong các vườn bách thú và còn là diễn viên
xuất sắc, thu hút nhiều khán giả trên màn bạc hoặc sân khấu xiếc. Hổ còn là đối
tượng và là đề tài trong nghệ thuật điêu khắc, trong nghệ thuật gốm xưa Việt
Nam và nhất là trong tranh dân gian Theo quan niệm dân gian Á Đông, đặc biệt là
Việt Nam và Trung Quốc, hổ là hình ảnh uy nghi, đầy ấn tượng, hổ tượng trưng
cho sức mạnh và dân gian cũng đã thần thánh hóa hổ, cho hổ sứ mạng thiêng liêng
có khả năng diệt trừ được ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở cửa thì
tà ma không dám thâm nhập. Bởi vậy hình tượng hổ đã trở thành phổ biến trong đời
sống văn học, nghệ thuật dân gian, đặc biệt hổ đã được vẽ thành tranh và tạc
thành tượng để thờ ở các đền, đình, miếu, điện... Hổ
cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường
ngày, nhà cửa, nơi thờ tự…
Trong nghệ thuật, con hổ, biểu trưng cho sức mạnh, được dùng
cho ngành võ bị, trang trí áo võ quan, miếu võ quan, trong chế độ phong kiến,
khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ được xem là biểu
tượng của quan lại (quan võ) [151] và
cho đến thế kỷ XIX, hình tượng con hổ trong Văn hóa Việt Nam thời nhà Nguyễn đã
có sự thể hiện đa sắc, đa diện từ sự mênh mông lan tỏa một cách trừu tượng hóa
qua vị trí địa lý trong phong thủy đến định hình trong kết cấu kiến trúc, tên gọi
di tích cụ thể, hay khắc dấu trên Cửu đỉnh, khoe cùng sương gió thời gian... Tất
cả góp phần khẳng định vị trí hình tượng con hổ trong Văn hóa Nguyễn, góp phần
tạo nên những nét đặc trưng của nền Văn hiến Việt Nam
5.1. Hội họa
Hổ được thể hiện trong nền hội
họa của Phương Đông lẫn phương Tây, rất nhiều bức tranh vẽ về loài hổ.
Với biểu tượng về sức mạnh, không chỉ ở phương Đông, rất nhiều nơi trên thế giới
có đại hội sơn lâm và theo quan niệm ở châu Á, với tư cách là chúa tể, hổ đóng
vai trò của quyền uy thống trị, có vai trò điều phối, chia khu vực sơn lâm cho
các dã thú khác. Đó là vai trò anh hùng. Đến khi có chủ nghĩa anh hùng phong kiến
thì hổ (cùng với đại bàng) là biểu tượng của anh hùng độc lập. Có thể thấy điều
này qua những bức tranh cổ vẽ cảnh hổ đang gầm mặt trời. Lúc này, hổ là anh
hùng giang hồ chống phá lại thể chế, không bị hàng phục dưới
bất kỳ một chính thể tập quyền nào [57].
Ở Phương Tây thời cổ, Người ta cũng thu thập
được những tài liệu qua tranh vẽ của những họa sĩ châu Âu sống vào khoảng thế kỷ
XVIII và XIX, theo những tài liệu này thì sư tử thường là kẻ chiến thắng trong
những trận đấu phân chia quyền lực trong các cuộc quyết đấu và loại tranh này
xuất hiện trên cả huy hiệu của Hoàng gia Anh. Các họa sĩ theo trường phái cổ ở
các nước Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vẽ rất nhiều bức tranh
về loài hổ bằng các chất liệu truyền thống, người Việt Nam có tranh Đông Hồ mô
tả về ngũ hổ, người Trung Quốc có tranh thủy mạc vẽ về hổ và rồng. Hội họa
phương Tây cũng có nhiều tác phẩm hội họa bằng tranh sơn dầu hoặc những nét vẽ
bằng bút chỉ để họa về hình tượng con hổ.
Người Hàn Quốc có bức họa thần núi (Sansindo) vẽ cảnh thần
núi ngồi tựa hổ hay cưỡi trên lưng hổ và một số bức tranh, con hổ chính là thần
núi trong quan niệm của người tạo tác. Nhưng trong những bức tranh khác, hổ lại
xuất hiện bên cạnh một cụ già nhân từ đó chính là thần núi và hổ là loài hầu cận
của ông này. Hổ tiếp nhận mệnh lệnh từ thần núi để trấn an cho làng xóm, cho từng
gia đình, bảo vệ sinh mệnh cho người dân. Giới Phật giáo Hàn Quốc cũng treo
tranh thần núi còn gọi là Sansintaenghwa mô tả một
cách sinh động, hài hước về sơn thần và hổ. Người Hàn Quốc còn có bức
tranh Jakhodo (Ác hổ đồ), tranh chim ác là và hổ.
Chim ác là đang đậu trên cành thông xanh ngắt còn hổ thì ngước nhìn cành cây.
Đây là hai loài vật rất được chuộng trong nghệ thuật dân gian Hàn Quốc, Chim ác là được quan niệm là
dấu hiệu của điềm lành. Hổ là giống vật nhân từ bảo vệ con người khỏi tai ương.
Còn cây thông tượng trưng cho tuổi thọ và sự trường tồn.
Vùng văn hóa Đông Á nói chung rất chuộng hổ, ngày Tết thích
treo tranh hổ, một cử chỉ mang biểu tượng cá tính, đặc biệt, người Hàn Quốc hay
treo những bức tranh Jakhodo trong nhà vào tháng Giêng âm lịch hàng năm vì có ý
nghĩa ngăn ngừa điềm họa nên đã hình thành tập quán treo tranh vì người xưa cho
rằng treo tranh trong nhà sẽ xua được hung khí để gia đình được an vui. Đề tài
về hổ nếu gạt bỏ cái vỏ tôn giáo thì bản thân nó sẽ trở thành những tác phẩm có
giá trị nghệ thuật cao như các tranh ngũ hổ, bạch hổ hay hắc hổ… do sự phối hợp
đường nét, hình khối và màu sắc tài tình của nghệ sĩ đã tạo nên những bức tranh
hổ đẹp, đầy sức sống mãnh liệt, biểu hiện trên nét mặt, chòm râu, ánh mắt sáng
dội của hổ nhất là thế ngồi của hổ, với thân hình vạm vỡ, chắc khỏe ngồi
nghiêng trên thế chống thẳng tuyệt đối vững chắc của hai chân trước, càng làm
tăng thêm sức mạnh của hổ luôn được khai thác.
Một bức tranh của Trường phái Trung Hoa
về cảnh hổ vồ khổng
tước (chim công)
Tranh Ngũ hổ
Trong tín ngưỡng phương Đông, Hổ là một con vật, tượng trưng
cho sức mạnh và sự thành công trong sự nghiệp [152], tranh
Ngũ hổ được cho là xuất hiện từ khoảng 400 năm trước và chịu ảnh hưởng rõ rệt của
các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo giữa các vùng miền ở Việt Nam và
là bức tranh của dòng tranh Hàng Trống ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa
cổ phương Đông. Tranh ngũ hổ trong gia đình người Việt không chưng trên bàn thờ
gia tiên như những bức tranh ngũ quả mà tranh ngũ hổ thường treo ở bàn thờ dành
riêng cho hổ hoặc trưng dưới ban thờ thần thánh hoặc thờ Phật. Một số ý kiến
khác cho rằng, những bức tranh ông Hổ được xuất hiện từ đời nhà
Trần, sau khi tướng Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên Mông do đó để
ca ngợi hào khí của dân tộc trong những ngày tháng đó, những bức tranh Hổ đã ra
đời như vậy [153].
Hội họa dân gian Việt Nam đã thần thánh hoá con hổ với trường
phái tranh Hàng Trống (Hà Nội) chuyên vẽ tranh hổ (hoàng hổ, hắc hổ, bạch hổ, tứ
hổ, ngũ hổ) để treo thờ với tư cách là những vị trấn giữ các phương trời đất. Bởi
vậy, khi vẽ tranh hổ, người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện đủ năm con hổ với 5 tư
thế, và 5 màu sắc khác nhau. Tranh ngũ hổ trong dân gian còn gọi là tranh ông
Năm Dinh. Đó là 5 vị thần tướng ngự trị năm phương trời. Với cách thức sáng tạo
của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng
tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật, thể hiện sức mạnh của
loài mãnh chúa. Nếu như năm Hổ (Dần) người Việt Nam hay treo tranh Tết Ngũ Hổ
hay Nhất Hổ; đây là bức tranh dân gian đẹp, hàm chứa các giá trị tâm linh, nghệ
thuật dân gian theo quan niệm, triết lý nhân sinh quan về vũ trụ của người xưa.
Trong ngày xuân, tâm trạng mọi người thanh thản ngồi bên sắc thắm cành đào, uống
chén rượu nồng và ngắm những bức tranh Tết - tranh Hổ con người thêm sảng
khoái, giàu sức sống mà tranh Tết chính là thông điệp chuyển lời cầu chúc tốt đẹp
cho mình và chúc điều tốt lành cho mọi người, là nếp ứng xử giàu tính nhân văn
của người Việt xưa [154].
Dựa trên cách thể hiện nguyên lý theo quan niệm văn hoá
phương Đông, người xem tranh /thờ tranh có thể suy luận theo nhiều hướng khác
nhau để dịch chuyển vấn đề từ Ngũ hổ (Hổ vàng, Hổ xanh, Hổ trắng, Hổ đỏ, Hổ
đen) tới Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng,
đen), Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm), Ngũ phúc (phú, quý, thọ,
khang, ninh), Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông),... hơn nữa khi suy luận rộng, mỗi
màu sắc trong tranh lại tương quan với tính cách của từng nhân vật hổ, theo
quan niệm tượng trưng sắc màu trong dân gian nhằm biểu đạt nổi bật chủ đề miêu
tả, làm cho tổng thể bức tranh hổ thêm thần bí, lôi cuốn người dùng (tâm linh)
và người xem (thưởng thức nghệ thuật). Sau này, tranh dân gian Hàng Trống lại
nghĩ thêm ra bộ Ngũ hổ tướng và lập bàn thờ trong đền. Có nhiều loại tranh hổ:
bạch hổ, hắc hổ, ngũ hổ… Trong đó, tranh ngũ hổ là nổi bật hơn cả. Tranh ngũ hổ
còn gọi là tranh ông Năm dinh, tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm
phương trời, nên các nghệ nhân khi vẽ tranh hổ, ngoài chòm râu ánh mắt dữ tợn của
hổ được vẽ bằng màu vàng kim, dân gian còn vẽ 5 màu nhất định, tượng trưng cho
trung tâm và bốn hướng với bố cục cân đối.
Tranh Ngũ hổ là một bức vẽ phổn thể 5 nhân vật (Hoàng hổ,
Thanh hổ, Bạch hổ, Xích hổ, Hắc hổ) được bố cục, trình bày theo một trật tự từ
trong ra ngoài, từ cao tới thấp, từ chính đến phụ dựa trên nguyên lý ngũ hành
(Kim mộc thủy hỏa thổ), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phương (đông,
tây, nam, bắc, và trung ương) để thể hiện uy vũ vị thần hổ. Đồng thời, ngũ hổ gợi
cho người xem cảm giác về một lá bùa chú và thể hiện sự xum vầy đầy đủ vì thế
treo tranh ngũ hổ cảm thấy yên tâm vì được che chở. Từ quan sát thực tế, người
hoạ công vẽ tranh thờ lấy nguyên mẫu từ con hổ hoang dã trong đại ngàn để phác
hoạ hình tượng thần hổ có sức mạnh phi thường, qua dáng ngồi, đứng, cưỡi mây,
lướt gió oai phong, đường bệ với mảng khối cơ bắp khoẻ mạnh, linh hoạt, các chi
tiết mặt, râu, mũi, vằn lông,...sắc nét dữ tợn; đặc biệt là những con mắt hổ
luôn rực lửa nội lực của loài mãnh thú. Bằng lối vẽ công bút, dầm bút, người hoạ
công vẽ tranh thờ xưa đã biểu đạt rõ nét tính cương - nhu trong thần hổ, mà ở
đó mỗi vị thần hổ lại được gắn với một hành, một phương, một sắc màu và những ý
niệm đầy tính triết lý qua hình tượng:
Ngũ hổ qua tranh thờ của Tranh Hàng Trống
Hoàng hổ tướng quân: được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm (địa
khu), trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ. Màu vàng
thể hiện sự thuận lợi, thăng tiến cùng niềm tin, sự bền vững, lâu dài.
Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc
(mộc khu). Màu xanh thể hiện sự êm đềm và dịu dàng. Tượng trưng cho sức khoẻ, sự
phát triển.
Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim
(kim khu). Màu vàng thể hiện sự ổn định. Tượng trưng cho sự trong trắng, thuần
khiết.
Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả (hỏa
khu). Màu đỏ thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc. Tượng trưng cho tốc độ, tính lãnh đạo,
quyền lực cá nhân.
Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc- ứng với hành thuỷ (thủy
khu). Màu đen thể hiện sự thanh thản, yên tĩnh. Tượng trưng cho trí tuệ, sự
thông minh.
Bộ tranh dân gian Ngũ hổ tướng dựa một phần vào sự kiện có thật.
Trong thiên nhiên, đôi khi con người cũng gặp hổ màu trắng hay đen. Đây là hiện
tượng bạch biến hay hắc biến của nhiều loài thú rừng. Màu đen do sắc tố đen
trong lông làm thành. Nếu toàn bộ lông bị sắc tố này chi phối, hổ sẽ có màu đen
tuyền. Nếu toàn bộ sắc tố này bị hủy, lông sẽ có màu trắng [155]. Thực
tế còn nhiều báo cáo ghi nhận được việc bắt gặp các loài hổ xám hay hổ lam (Thanh
hổ) và loài hổ vàng hay hổ khoang vàng. Loài hổ có màu đỏ thực tế là những
con hổ sậm màu thường gặp ở các chủng loài hổ ở Indonesia như hổ Sumatra, hổ
Bali.
Cũng có những khuyến cáo về mặt phong thủy đối với việc bài
trí tranh hổ trong nhà, theo đó, xuất phát từ quan niệm dân gian của mọi người
rằng hổ là con vật có uy lực và bị coi là hung thú nên khi hổ xuống núi vào nhà
thì sẽ hại người do đó không nên bài trí hổ trong phòng
ngủ (nhất là phòng ngủ vợ chồng), nếu trong nhà treo bức tranh con hổ,
nhất là khi đầu hổ hướng vào trong nhà được coi là đại hung đồng thời nếu treo
tranh thêu hình con hổ cũng sẽ khiến những người sống trong nhà có tâm trạng bất
an và nhà thường có nhiều chuyện buồn. Đặc biệt những người làm kinh doanh càng
kỵ không nên treo tranh hổ, bởi như thế sẽ khiến việc kinh doanh không gặp may
mắn, lợi ít hại nhiều [156].
Vào năm 2010, tức năm Canh Dần là
năm con hổ, tại Hà Nội, để chào mừng năm mới, một họa sĩ đã triển lãm giới thiệu
60 bức tranh Hổ với đủ tư thế, sắc thái và màu sắc, là món quà họa sĩ tặng bạn
bè, công chúng nhân dịp Xuân Canh Dần và chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
60 bức chân dung Hổ tượng trưng cho một vòng Hoa Giáp của đời người và được họa
sĩ từ khoảng 100 bức tranh về hổ, tượng trưng cho sự dũng mãnh, nhưng cũng đầy
sự bình tĩnh, tự tin để luôn luôn thành công. Các bức chân dung hổ được vẽ trên
bìa các-tông có nhiều màu sắc khác nhau, có bức rực rỡ màu đỏ, hồng, xanh, có bức
chỉ hai màu đen - trắng.
5.2. Điêu khắc
Hình tượng hổ đã xuất hiện từ lâu. Tượng hổ được tạc ở nhiều
nơi trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, trong các di tích văn hóa Ðông Sơn khai
quật được, đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ. Kiến trúc thời nhà Lý thể hiện ở
trên mái chùa Một Cột loài thú lạ vẫn thường được đắp tượng trang trí trên nóc,
mái các công trình kiến trúc cổ. Xi vẫn còn có tên là li vẫn, li đầu, xi vĩ, từ
vĩ, long vẫn, long vỹ, li hổ, li long cù vĩ, xi manh, thôn tích thú hay vẫn
thú, đều do người Trung Hoa dịch từ tiếng Phạn là Makara (Ma Kiệt ngư, Ma Ca
La, Ma Già La). Hình của nó thường được đắp trên nóc, mái của các công trình kiến
trúc thời cổ, với miệng há rộng, hoặc ngậm vào đầu kìm (nên mới có chữ vẫn là
miệng). Ở Nhật Bản gọi là hổ, kim hổ, shibi (xi vĩ), hay hổ mâu, trong đó hổ trỏ
loài cá kình, còn mâu trỏ hai vây (như hai lưỡi kiếm sắc nhọn) của loài cá này [157].
Tượng đá chạm khắc về hình con hổ ở một ngôi đền
của Nhật Bản,
thông thường tượng hổ thường được đặt
ở những nơi đền chùa chiền để trấn yểm
Hổ chính thức đi vào nghệ thuật tạo hình sớm nhất vào thời
nhà Trần với những tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ chạm ở bệ
đá tại chùa Quế Dương (Hà Tây cũ) được lưu truyền đến những con hổ đá thời Lê ở
Nam Kinh (Thanh Hóa). Trong các lăng mộ đời nhà
Trần, điêu khắc đá chủ yếu là tượng người, tượng thú chầu và làm thần canh
giữ cho thế giới vĩnh hằng của ông vua có vẻ đẹp trầm mặc và sinh động. Đặc biệt
là Cọp Đá ở Lăng Trần Thủ Độ, tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ ở Thái Bình là một
tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam và cũng là một
trong những kiệt tác điêu khắc đá quan trọng của lịch sử mỹ thuật nước này [158]. Mô
tả Con cọp ở tư thế nằm, dáng vẻ ung dung, hai chân trước sải dài, hai chân sau
thu gọn trong bụng, đầu ngẩng cao, đôi mắt lim dim, hai tai dỏng lên như đón
nghe một tiếng động nào đó vọng về từ chốn xa xăm với cái đuôi mạnh mẽ. Khối đá
không to như con cọp thực ngoài đời, nhưng nghệ thuật cổ đã khắc dựng một hình
tượng có sức lay động [26].
Trong các đề tài vẽ, những con thú linh như long, lân, quy,
phụng hoặc loài thú hiền như voi, ngựa, hươu, nai xuất hiện khá nhiều trên bề mặt
loại đồ đựng thông dụng gồm đĩa, bình, lọ, âu... Riêng hình ảnh con hổ là loài
dã thú thì khá hiếm hoi, tần suất xuất hiện của hổ trên đồ gốm cổ Việt Nam còn
thấp hơn các con vật bình thường khác như cá, chim, vịt, hươu, dù vậy sự hiện
diện của hổ trên gốm Việt cổ khá sớm và có tính liên tục. Hình tượng hổ xuất hiện
trên nhiều dòng đồ gốm khác nhau, với phong cách tạo hình khác biệt, tạo nên những
dấu ấn riêng, độc đáo và thú vị, tựu trung lại, hình ảnh dũng mãnh và oai hùng
của loài hổ luôn là một đề tài trang trí được các thợ gốm và những người sử dụng
gốm sứ Việt Nam ưa chuộng [159]. Chẳng
hạn như có những hình gốm mô tả hình con hổ dáng đứng với hai chân sau, chân
trước bên phải như con người vươn ra nắm khóm cây (giống cây tre), còn chân kia
choãi ra sau, con hổ có cái đuôi dài đưa ra trước đến chấm đất. Cách vẽ nhân
cách hoá này cho người xem cảm giác hổ đang vạch lá dọn đường đi vào thời Lê
Sơ, cuối thế kỷ thứ XV. Đó là gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải
Dương, [160] ngoài
ra, một số tác phẩm tiêu biểu như tiêu biểu nhất phải kể đến hình ảnh hổ khắc
trên thạp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ), tấm phù điêu nông dân đâm hổ ở đình Chảy
(Hà Nam), bức chạm khắc gỗ hổ chạy ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh) và bức chạm khắc gỗ
chàng trai cưỡi hổ ở đình Tiên Kỳ (Nghệ An). Nói chung tượng hổ thường được đặt
ở những nơi đền chùa để trấn yểm [161].
Trong nền điêu khắc cổ Việt Nam thì mô típ hổ
vồ mồi, hổ ngắm trăng, hổ và rồng, hổ và đại bàng… thường được dùng để diễn tả
một sức mạnh, cái oai, một ý chí và khai thác chất thơ trong cái hùng của hổ -
loài thú sơn lâm, trong nghệ thuật cổ Việt Nam khi mượn hình tượng hổ, những
nghệ nhân không dùng cương để biểu hiện mà dùng cái nhu, cái mềm để biểu hiện
chất hùng, chất thép mà khai thác ở ngay những hình ảnh bình thường nhất [26]. Theo
tín ngưỡng thì hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại
tà ma, đảm bảo cho cuộc sống phát triển. Những mô típ hổ vồ mồi, hổ trông
trăng, hổ và đại bàng, thường được dùng để diễn tả một sức mạnh, một ý chí và
người ta còn khai thác chất thi vị trong cái hùng của loài chúa sơn lâm. Hổ
cũng để lại dấu ấn trên Cửu đỉnh thời nhà Nguyễn, Hình ảnh con hổ
được đúc vào Cao đỉnh, sánh cùng mặt
trời, biển đông, con rồng, chim trĩ, hoa tử vi...tôn hết vẻ uy quyền, là một
trong những đỉnh cao nghệ thuật tạo hình Việt Nam [162].
Hổ chạm thành khối tượng tròn trên đá thì rất nhiều nhưng nhiều
hơn cả vẫn là hổ chạm nổi, chạm lộng trên gỗ. Hàng loạt đình làng ở Việt Nam,
phần lớn là nông thôn, các nghệ sĩ dân gian đã để lại đời sau rất nhiều hình mẫu
khác nhau về hình tượng con hổ đá. ở đình Chu Quyến (Hà Tây cũ) trong hoạt cảnh
táng mả vào hàm rồng, con hổ chạy theo bước chân Đinh Bộ Lĩnh đang hăm hở và
láu lỉnh đưa gói xương cốt vào miệng con rồng, nó vừa há miệng vẫy đuôi vui vẻ.
Con hổ ở đây mắt ánh lên, răng hơi nhe ra nhưng người nghệ sĩ đã cho nó một
dáng điệu rất dễ thương của con chó nhà. ở đình Đông Viên (cũng thuộc Hà Tây
cũ) con hổ cùng với các chàng trai tinh nghịch xông vào mấy cô gái đang tắm
trong đầm sen để đùa giỡn. Tiêu biểu nhất phải kể đến hình ảnh con hổ khắc trên
thạp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ), tấm phù điêu người nông dân đâm hổ ở đình Chảy
(Hà Nam), bức chạm khắc gỗ hình con hổ đang chạy ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh) và bức
chạm gỗ chàng trai cưỡi hổ ở đình Tiên Kỳ (Nghệ An), và còn rất nhiều hình tượng
hổ ở nhiều đình miếu nằm rải rác khắp nơi trong nước.
Ở Việt Nam, hổ được xếp vào nhóm hộ môn thú (những
con thú canh gác nhà cửa, lăng mộ, đình, chùa, miếu mạo), là một trong những
con vật được tạc trong các khu lăng mộ người Việt. Người Việt không sử dụng các
tượng đá sư tử để trấn yểm và để tạo nên sự thiêng liêng, hùng tráng cho không
gian này. Nếu cần có một con vật hung dữ, người Việt nghĩ ngay đến hổ/ cọp và hầu
như trong suốt lịch sử phát triển của lăng miếu của họ, hổ là con vật oai phong
nhất, không gì thay thế được [163] cho
nên người ta cũng sử dụng hình ảnh con hổ để trấn giữa tại các lăng mộ của các
bậc vua chúa, danh nhân, ngoài hình tượng con hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ, Lăng mộ
của Ngô Quyền cũng có tấm bình phong có hình con hổ, tuy nhiên đến
nay cũng có giấy lên tranh cãi về tấm bình phong này vì theo thiết kế, con hổ
này không có tư cách con hổ và nó giống như một con báo lai chó sói và nham nhở
trông như một con quỷ [164] [165] [166].
Tượng hổ mạ vàng thường được đặt trong phòng khách
để cầu sự
thăng tiến và may mắn trong kinh doanh
Ở góc độ phong
thủy, tượng hổ mạ vàng được coi là đại diện cho quyền lực do Hổ là con vật
linh thiêng và đầy uy quyền thường được thờ phụng, đại diện cho chư vị tướng
quân chuyên phù trợ chính pháp và từ đó nó là biểu tượng cho quyền lực, cho
công danh và sự tăng tiến trong kinh doanh, Là pháp khí của công danh, tài lộc
và quyền lực,chống lại tiểu nhân. Hổ dùng tiếp khí cho các cát tinh Lục Bạch,
Bát Bạch và cũng có thể bổ trợ cho bản mệnh người tuổi Dần và cũng có thể dùng
để trấn yểm khi nhà bị phạm vào cấm kỵ hoặc bị Sát tinh chiếu hướng do vậy tượng
hổ mạ vàng được đặt ở nơi phòng
khách, trên bàn làm việc [161].
Đồng thời, những người cầm tinh năm Ngọ, Tuất và Dần thì
không nên bài trí hổ trong nhà vì bài trí hổ trong nhà sẽ dễ ốm đau, gặp xui xẻo
trong công việc hoặc rất dễ gây nên bất hòa giữa các mối quan hệ trong gia
đình. Đối với nhà mở cửa hàng kinh doanh, việc bài trí hổ cũng sẽ ảnh hưởng xấu
tới uy tín và doanh thu của cửa hàng vì hổ bị coi là hung thú. Điều kỵ nhất là
không nên bài trí hổ trong phòng
ngủ (nhất là phòng ngủ vợ chồng) do đây là không gian cần sự kín đáo,
riêng tư. Nếu bài trí hổ sẽ khiến vợ chồng có tâm trạng bất an, tình cảm cũng bị
giảm dần. Nếu đặt con hổ đối diện với cửa chính sẽ khiến hàng xóm và những vị
khách đến nhà cảm thấy bất an [156].
5.3. Múa
Trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn, Long Hổ hội
là điệu múa được nhiều thế hệ nghệ nhân cung đình Huế sáng tạo dựa trên cơ sở
điệu múa tứ linh, là điệu múa được sáng tạo nhằm biểu hiện những sinh hoạt của
hai loài vật Điệu múa được chia làm ba phần, trong đó phần "Hổ độc diễn"
đã được các nghệ nhân cung đình mô phỏng theo những nét đặc trưng nhưng rõ ràng
và dễ hiểu. Trên sân khấu, ngoài hình tượng con Long (Rồng) oai nghiêm mềm mại,
thì hình tượng con Hổ đã được các nghệ nhân sáng tạo thông qua sự quan sát tinh
tế những thuộc tính của con vật được coi là chúa tể sơn lâm. Long và Hổ vờn
nhau thể hiện cuộc sống thanh bình, đất trời hòa hợp và cái đẹp chân thật của bản
năng.
Nghệ thuật múa Hổ độc diễn được miêu tả bằng chuỗi hành động
từ chậm đến nhanh và đạt đến cao trào với cách tạo hình động như: bắt đầu Hổ
lăn một vòng 3600, tiếp đến Hổ quan sát xung quanh, đào đất, nhảy ngồi trên 2
chân sau, nín thở, đại tiện, lấp đất, ngửi, lăn đất, cọ lưng, giỡn bóng nắng,
ngủ... Chuỗi hành động của Hổ độc diễn được các nghệ nhân tái hiện cực kỳ độc
đáo. Cũng như hành động đẻ trong điệu múa cung đình Lân mẫu xuất lân nhi,
hình ảnh Hổ đại tiện được miêu tả không hề trùng lặp với một điệu múa cung đình
nào nhưng đã gây bất ngờ và thú vị cho khán giả. Khi miêu tả Hổ đại tiện, các
nghệ nhân cho rằng, Hổ là giống lớn nhất trong họ nhà mèo và chỉ duy nhất họ
này biết che giấu khi đại tiện, đấy là sự khôn ngoan đặc biệt hơn hẳn các loài
khác, kể cả con người. Chính vì vậy, khi sáng tạo nên nhân vật Hổ, những người nghệ
nhân cung đình xưa đã miêu tả chi tiết này.
Khi biểu diễn hình tượng Hổ, người nghệ sĩ phải mang bộ lốt
màu vàng đất vì Hổ ở đây chính là Hoàng Hổ tượng trưng cho đất. Do đó khi biểu
diễn, Hổ có những động tác như: ngồi trên hai chi sau, hai chi trước chống đất,
lạy ba lạy với ý nghĩa Đất phải chịu Trời. Khi người nghệ sĩ biểu diễn, hình tượng
con Hổ trong điệu múa đã được nâng cao về mặt nghệ thuật, các thuộc tính của
loài vật này chẳng những không làm cản trở, trói buộc sự sáng tạo mà càng khiến
cho điệu múa thêm sinh động, uyển chuyển, mang nét đặc trưng riêng biệt, độc
đáo và hết sức tinh tế [167]. Điệu
múa được kết thúc bằng hình ảnh Long đứng tấn, Hổ nhảy chân phải đứng trên chân
trái Long, tay phải ôm vào cổ Long, tay trái đưa lên đối xứng với tay phải của
Long. Đây chính là cách tạo hình mà nhiều thế hệ nghệ sĩ trước đây thường biểu
diễn trong các ngày Gia Long khai quốc, Hưng quốc khánh niệm và những
ngày khánh hỷ trong cung để cầu mong đất trời hòa thuận, người dân được hưởng
thái bình an lạc.
6. Trong võ thuật
Hổ hình quyền và Ngũ hình quyền
Trong võ thuật, hình ảnh con hổ hiện diện trong các hình thức
biểu tượng, tư tưởng, phong cách và kỹ thuật chiến đấu [168]. Theo
quan niệm của người Á Đông hổ là hình ảnh
tượng trưng cho sức mạnh và khả năng chiến đấu, sự hung hãn nhưng tinh ranh và
xảo quyệt liều lĩnh cũng như bản năng tự vệ và chiến đấu cao, nói đến hổ là nói
đến tính dũng mãnh, oai phong lẫm liệt, không chịu khuất phục. Những cuộc chứng
kiến cảnh hổ quyết đấu, săn bắt cũng như những trận đụng độ với loài hổ khiến
cho nhiều dân tộc ở châu Á tích lũy và bổ sung vào kỹ thuật chiến đấu của dân tộc
mình với những thế võ, đòn đánh mô phỏng động tác của loài hổ. Khi ngắm hoạt động
của loài cọp, các nhà sư Thiếu Lâm đã thấy được sức mạnh, sự dũng cảm và
uy lực của chúng và đi tới kết luận đây là con vật có giá trị vô biên với tư
cách một mẫu mực để noi theo rèn luyện võ thuật [169].
Trong võ cổ truyền của nhiều dân
tộc, hổ là một trong số linh vật có vị trí chủ đạo. Hình tượng của hổ với những
động tác, tư thế và sức mạnh phi thường của loài chúa sơn lâm được thể hiện qua
nhiều bài quyền, thế võ, môn võ về hổ [170] đặc
biệt là các nước Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia (với
hệ phái Silat Harimau, tương truyền là
khởi nguồn từ việc chứng kiến cảnh quyết đấu của một con hổ với chim đại bàng)
cùng với những linh vật khác như Long, Xà, Hạc, Báo… với
những đòn đánh lấy trảo (hổ trảo) làm căn bản, tấn công mãnh liệt, hiểm độc chớp
nhoáng. Nhiều người cho rằng võ hổ ra đời ở Trung Quốc, căn cứ vào nhiều bài
quyền của phái Thiếu Lâm hay Võ Đang. Tuy vậy, trong Pencak Silat của
Indonesia, Karatedo của Nhật Bản, Kalari của Ấn Độ, võ cổ truyền Việt Nam cũng
có những bài võ hổ đặc trưng [171].
Một bức họa mô tả cảnh hổ vồ trâu rừng, những kỹ thuật
chiến
đấu điêu luyện của loài hổ khiến con người mô phỏng
và sáng tạo ra những chiêu
thức võ hổ lợi hại
Trong tự nhiên, hổ là loài động vật thuộc nhóm động vật ăn thịt đầu bảng, với thân thể
to lớn, bộ lông vằn vện, hàm răng khỏe, móng vuốt nguy hiểm, sức mạnh và tốc độ
rất cao nên hổ được mệnh danh là chúa tể sơn lâm và ít khi có kẻ thù tự nhiên.
Tuy vậy với môi trường rừng rậm với hệ sinh thái đa dạng, hổ cũng có những trận
chiến đấu sống mái với các dã thú và con mồi cũng như những trận quyết đấu với
những con hổ khác để sinh tồn, cạnh tranh lãnh thổ, giành quyền giao phối, bảo
vệ con cái… những đối thủ của hổ đa dạng như voi, gấu, sói lửa trâu
rừng, bò tót, [172] [173] và cá sấu,[174] [175] chúng
còn giết cả tê giác khi đang sinh con, [176] thậm
chí có những cuộc quyết đấu với những con trâu nhà để ăn thịt chúng [177]
Với kỹ năng chiến đấu tuyệt vời, sức mạnh và sự lanh lẹn hung
dữ của mình hổ đã làm các loài vật khác phải khiếp sợ, khả năng chiến đấu của hổ
rất cao, đặc biệt là hổ trảo, hổ thường tận dụng sức bật, sự dẻo dai cùng móng
vuốt sắc nhọn và các cú vả, bạt như trời giáng khi cận chiến với đối thủ [178] cùng
với những vũ khí của hổ như hàm răng nanh dài nhọn, rằng hàm khỏe, bộ móng vuốt
sắc nhọn, [179] sức
mạnh của những cú tát, cú vồ, những cú cắn chí mạng vào chỗ hiểm cùng tiếng gầm
gừ dữ tợn. Hổ tuy có thân hình to lớn, nhưng di chuyển rất nhanh, mạnh [180]. Từ
thời xưa, Khổng Tử đã có câu: phong tòng hổ (gió theo hổ), ông ta nói như vậy bởi
vì hổ chạy nhanh như gió cuốn [23].
Ngoài ra, đuôi hổ giữ vai trò quan trọng trong các động tác vồ,
nhảy qua trái hoặc phải, xoay trở trước, sau, cùng với sức bật tốt, Nó có thể cắn
họng một con bê,
nhảy vọt qua hàng rào cao vài mét khiến hổ trở thành sức mạnh được coi là vô địch.
Đối với con mồi thì hổ chế ngự con mồi của chúng từ mọi góc độ, thông thường từ
những cuộc tập kích và cắn cổ, thông thường là để làm gãy cột sống hay khí quản
của con mồi, hay làm tổn thương tĩnh mạch hoặc động mạch chủ. Đòn mạnh nhất của
loài hổ là vả thật mạnh vào khu vực mặt và cổ của đối phương, với nanh vuốt cực
sắc nhọn, chiêu đòn này thường khiến con mồi bất động ngay tại chỗ [181]. Trong
khi chiến đấu hổ còn có một tuyệt chiêu mà giới võ học gọi là thế trâu vằng với
việc con hổ khi chiến đầu thường nằm ngửa, chổng bốn chân lên trời để thế để giết
con mồi, nếu con mồi hoặc con người sơ ý nhảy vào tấn công là sẽ bị tấn công bằng
một đòn chí mạng [182].
Hổ thường chỉ tấn công con người trong trường hợp tự vệ vì con
người không phải là con mồi ưa thích của hổ, tuy vậy cũng vì nhiều lý do khác
nhau, hổ nhiều khi vồ, bắt và ăn thịt người. Khi gặp người hoặc rình bắt người,
hổ sẽ tấn công bất ngờ từ đằng sau, nếu con người bỏ chạy giống như chó nó sẽ
đuổi theo vồ, nhưng nhìn thẳng vào mắt nó, nó sẽ gườm đồng thời khi mặt đối mặt,
con hổ sẽ thủ thế, lấy đà chụp mồi, nếu nó đập đuôi bên phải, sẽ phóng về bên
trái, và ngược lại, vồ thẳng thì đuôi duỗi thẳng [183]. Khi
giao đấu với người, cọp luôn muốn đoạt vũ khí của người rồi mới dùng chân tát một
cú chí mạng, hay vồ đến cắn xé, lúc muốn đoạt vũ khí, chúng sẽ giương vuốt và
chồm lên, [184] hổ
thường tấn công theo kiểu lao lên không trung rồi phóng xuống chụp mồi, nên nó
rất sợ có vật nhọn giương lên trời [83] [185]. Khi
phóng đến con mồi, nó sẽ dùng cánh tay để thực hiện một cú tát, cú tát của hổ
có thể hổ sẽ khiến cổ trâu, bò phải gãy, trẹo đi hoặc làm vỡ sọ của một
con gia
súc, gãy lưng của một con gấu lười hay dễ dàng lấy mạng của một con sói lửa.
Hổ có vị trí chủ đạo trong Võ thuật cổ truyền, có nhiều bài
quyền về hổ. Các hệ phái về Hổ quyền là tượng hình quyền trong Võ thuật cổ truyền.
Hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống
rừng xanh hoang dã và chú trọng vào luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi,
nhanh nhẹn. Động tác tấn công của cọp là động tác ép tới giống như đang bị xô bởi
một cỗ xe. Sức cọp là một loại ngoại lực cương mãnh hung bạo. Từ thế kỷ thứ II
của Công Nguyên ở Trung Quốc đã xuất hiện bài ngũ cầm hý của Hoa Đà trong
đó có mô phỏng động tác của loài hổ, và sau đó đến Hình ý quyền của phái Thiếu Lâm, Ngũ hình quyền, Thập Hình quyền, Hổ hình quyền của Hồng
Hy Quan, Hổ hạc song hình quyền, Tượng hình quyền, Thập nhị hình quyền của Hình ý
quyền (võ Thiếu Lâm), Bạch Hổ Quyền của Lâm Đạo
Thai chuyên đánh vào tử huyệt, bắt nguồn từ việc quan sát trận chiến giữa hổ trắng
và khỉ đột [169]. Trung Ngoại Chu Gia của Trung Quốc có các
chiêu tiểu phục hổ quyền và Hổ báo quyền, Mãnh hổ xuất lâm của Bạch Mi quyền, Nam
quyền, Phách quải quyền, Hắc hổ quyền đạo [186][187] tuyệt
kỹ hổ trảo Võ lâm vườn trầu, Hóc Môn.
Người làng võ thường xếp hổ quyền vào nhóm ngạnh công bởi tính chất cương mãnh
của nó. Phái Thiếu Lâm có khẩu quyết Hổ quyền luyện cố, nghĩa là võ hổ lấy việc
luyện tập xương cốt làm nền tảng [188].
Trong Ngũ hình quyền của Trung Quốc thì hổ ở vị trí
thứ hai, sau rồng gồm Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo, điều đáng lưu ý khi con vật
này được nhắc đền đầu tiên trong hệ thống ngũ hình quyền cũng như hình ý quyền nói chung, nó cũng là
con vật được nhắc đến nhiều nhất trong các bài mô phỏng về động tác của thú,
trong hình ý quyền thì hổ thuộc mạng mộc và tiêu biểu cho mùa
xuân [189]. Ở
Việt Nam có bài Ngũ hổ cứ sơn tả về năm con hổ gồm Ngũ hổ là Hắc hổ,
Thanh hổ, Xích hổ, Hoàng hổ, Bạch hổ. Màu sắc và phương vị trấn giữ của Ngũ hổ
cũng theo ngũ hành mà sắp đặt [190].
Hắc Hổ tướng quân màu đen, trấn nhậm ở phương Bắc, thuộc
Thủy.
Thanh Hổ tướng quân màu xanh, trấn nhậm ở phương Đông,
thuộc Mộc.
Xích Hổ tướng quân màu đỏ, trấn nhậm ở phương Nam, thuộc
Hỏa.
Hoàng Hổ tướng quân màu vàng, trấn nhậm ở Trung ương tứ
quý, thuộc Thổ.
Bạch Hổ tướng quân màu trắng, trấn nhậm ở phương Tây,
thuộc Kim.
Lời thiệu trong bài quyền Hùng kê quyền cũng có nhắc đến hình tượng con hổ
trắng và cây thương. Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa
Thanh Long, dịch nghĩa: Trấn ải, thương vàng như cọp trắng/ Giữ quan, kiếm bạc tựa
thanh long
Có rất nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên
loài hổ để diễn tả các thế đánh Võ thuật cổ truyền thường gặp ở các bài quyền
truyền thống: Bạch hổ khởi động, Nhị hổ tiềm tung, Mãnh hổ xuất
sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Hiện Long tàng hổ, Hồi
đầu hổ vĩ, Hổ bằng báo lang, Mãnh hổ phục địa, Ngạ hổ tha dương, Sơn
trung cầm hổ, Lãn hổ thân yêu, Lão hổ thượng sơn, Bạch hổ xuất động…, Đại
Phục Hổ quyền, Tiểu Phục Hổ quyền, Cung Tự Phục Hổ Quyền ngoài
ra còn có các tuyệt chiêu như Hổ vĩ cước, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Phục
hổ la hán quyền, Hắc hổ thâu tâm, ngoài ra còn có các thế đánh bằng trảo
thủ trong Hổ hình quyền như: Mãnh Hổ Hồi Đầu, Ngạ Hổ Khiên Dương, đặc
biệt là Lão Hổ Tiển Đầu; Mãnh Hổ Thôi Sơn [169]. Trong Bạch Hổ võ phái tương truyền do Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập là môn quyền cước chiến
đấu, chú trọng đến kỹ thuật cận chiến, mọi đòn tấn công đều nhắm vào chỗ hiểm
trên thân thể đối phương. Đặc biệt, trong kỹ thuật thủ pháp, môn phái này sử dụng
khá nhiều đòn tay mô phỏng bàn tay hổ và được gọi là hổ trảo.
Hình tượng của hổ với sức mạnh của mãnh chúa rừng xanh đã đi
vào võ cổ truyền Việt Nam như một nét đẹp của
văn hóa Việt và tinh thần thượng võ. Trong võ cổ truyền Việt Nam, võ hổ xuất hiện
khá nhiều như Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền của hệ
phái Nam Hồng Sơn, Phục hổ công, Mãnh hổ quyền của Thăng Long võ đạo, Hồng hổ
quyền của Tây Sơn Bình Định… [171]. Võ
Bình Định- Tây Sơn nửa sau thế kỷ XVIII, Với phái võ An Thái - Bình Định góp phần
hình thành hệ thống quyền thuật của môn phái khá chặt chẽ, được xây dựng dựa
trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền
và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng Miên công chỉ được truyền
thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền… Cũng ở vùng Bình Định trong môn
phái An Thái có Thảo Tam Cước Hổ, tức là ba bước chân cọp chứ không phải
là con cọp có ba chân, bộ quyền này thuộc Hổ quyền [191] có
các bài quyền như Thần Đồng, Ngọc Trản, Lão Mai, Lão Hổ... Ngoài ra, các võ sư ở
Việt Nam còn nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên, sáng tạo thành những
bài hình tượng quyền như Ngũ cầm quyền (long, hổ,
báo, xà, hạc), Mãnh hổ xuất sơn...muốn thành đạt môn Hổ quyền phải tập luyện đều
đặn từ 1 đến 3 năm. Hổ Quyền được ứng với một con vật trong Đồ hình Bát Quái
tám con vật, gồm: Hổ, hạc, nhạn, gà (kê), chim phụng, rắn, long, khỉ. Mỗi con vật
ứng với một quẻ, được thiết lập ở một hướng khác nhau, trong đó ở quẻ con hổ
(trong võ học gọi là Hổ tấn - tức là bộ ngựa con cọp, ư thế này như hổ chuẩn
bị tấn công với các ngón tay cong đều, hơi hở ra như móng hổ đang vồ mồi -
trong võ học gọi là Hổ trảo)…
Bài quyền Lão hổ thượng sơn là một trong 10 bài võ được
liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào chương trình huấn luyện bắt buộc
và biểu diễn trong hệ thống thi đấu quốc gia. Lấy chúa sơn lâm làm hình tượng,
bài quyền là sự thể hiện sức mạnh và thần thái uy nghi của loài hổ. Các động
tác dứt khoát, xoay chuyển biến hóa, dũng mãnh mô phỏng động tác, tư thế tấn
công, phòng thủ của loài hổ trong rừng đời sống hoang dã rừng xanh [170]. Ngoài
ra còn có thế võ Tam bộ hổ hay Quyền 3 chân hổ là tuyệt kỹ công phu có từ gần
200 năm trước, xuất phát từ đất võ Bình Định được khai sinh tại khu vực núi Bà
thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định xuất phát từ đụng độ với loài cọp. Đây là
bài quyền thể hiện oai lực của con hổ ba chân đang săn mồi. Không chỉ di chuyển
bước chân, luyện tấn pháp, người tập phải luyện bộ tay (luyện hổ trảo) vì vũ
khí của hổ là vuốt. Chụp được mồi, xé mồi, cắn mồi được cũng chính là vuốt [192] để
phản xạ nhanh bắt đòn đối phương thể hiện sức mạnh của loài hổ đồng thời người
luyện phải nắm được cái thần thái của con hổ và biến mình thành mãnh hổ với đủ
mọi vũ khí của con cọp [193][194].
Trong môn võ Karate, hổ cũng được
coi như là một biểu tượng của sức mạnh và lòng can đảm, và là cảm hứng cho Võ
sư Gichin Funakoshi sáng lập ra phong cách
Shotokan của hệ phái Shotokai,[168] [195] đến
nay, hệ phái võ Không Thủ Đạo (Karate) Shotokan (松濤館 Shōtōkan?) cũng dùng hình ảnh con hổ
làm biểu trưng cho hệ phái của mình. Biểu trưng của phái võ Tân Khánh Bà Trà là hình ảnh một võ sư tung
cú đá vào đầu con hổ lớn trong tư thế đẹp. Đây chính là bắt nguồn từ những trận
đả hổ của các bậc tiền bối, [182] môn
phái Bạch Hổ Lâm ở Quảng Bình cũng có biểu tượng hổ, [196] lò
võ Bạch Hổ của võ sư Võ Thiện Đường ở Trung Nhứt, Trà Bay, Cần Thơ lấy linh vật
là con hổ trắng vì Bạch Hổ là tướng tinh, biểu tượng sức mạnh của Tiết Nhơn Quý trong truyện Trung Quốc. Cọp là
chúa tể sơn lâm, cọp trắng lại là chúa tể của chúa tể, nó còn gắn liền với truyền
thuyết Bạch hổ ở Cần Thơ [197].
7. Chiêm tinh, nhân tướng
Dần và Bạch
hổ
Trong hệ thống vật biểu theo Ngũ hành, con hổ trấn giữ phương
Tây và được dân gian tôn là linh vật. Bộ vật biểu cho 5 phương là Thanh Long (Rồng
xanh án ngữ phương Đông), Bạch Hổ (Hổ trắng coi trấn phương Tây), Chu Tước
(Chim sẻ đỏ quy tụ phương Nam), Huyền Vũ (Rùa đen cai quản phương Bắc) và Phượng Hoàng. Theo ý nghĩa này, Hổ
trắng tuy là loài động vật có thật nhưng lại được xem là vật biểu mang
tính ước lệ [63]. và
cũng là con vật năm trong nhóm tứ tượng hay tứ thánh thú gồm rồng, hổ, rùa, chim sẻ.
Hổ còn là con vật linh thiêng nằm trong bộ Tứ Linh là Long, Phượng, Quy, Hổ.
Trong Phong Thuỷ thường dùng hai khái niệm là Tả Thanh Long, Hữu Bạch hổ để chỉ
hai cục thế bên cạnh huyệt.
Trong lịch Can chi thì
hổ đứng hàng thứ ba của 12 con giáp, mang tên Dần. Về mặt chiết
tự, chữ Dần trong chữ tượng hình Trung Hoa có hình dáng con mãnh hổ đang xông tới
uy phong lẫm liệt, đôi mắt trừng trừng. Hổ còn nhập hệ lịch can chi 12 con vật,
là biểu tượng chi Dần với những ý nghĩa triết lý - nhân văn sâu sắc. Tháng con
hổ là tháng Giêng, đầu xuân, đầu năm mới, tháng mà 3 khí dương (của trời) cân bằng
với 3 khí âm (của đất), do đó cũng là tháng mở đầu của con người (nhân sinh ư dần),
vì con người là sự cân bằng giữa trời - đất và con người khoẻ mạnh là sự cân bằng
âm - dương, nóng - lạnh từ nội tạng…[198]. Trong 12
con giáp thuộc cung Hoàng đạo thì hổ là con vật đứng thứ hàng thứ ba
sau Chuột (Tý), Trâu (Sửu). Hổ đứng ở phương Đông, cung Dần, góc vuông thứ nhất
của môn toán học tử vi, gắn với Nam Á [57]. Tính
cách con giáp của hổ là tính cách của một năm mạnh mẽ nhất về sức khỏe, sung
mãn về làm ăn kinh tế, mở mang về học vấn và tính vượng khí của trục Dần-Thân đầy
sức chi định [57]. Trong
nhân tướng học, hổ là con vật linh thiêng và đầy uy quyền thường được thờ phụng,
chính vì thế nó là biểu tượng cho quyền lực, cho công danh học hành và sự tăng
tiến trong kinh doanh. Cũng có thể bổ trợ cho bản mệnh người tuổi Dần.
Những cô gái khoác áo da hổ
Theo Thuyết văn, chữ Dần biểu thị cho mùa xuân đương đến,
dương khí đang lên. Tháng Giêng đầu năm gọi là tháng Dần, là tháng mở đầu cho
con người Nhân sinh ư Dần. Năm Dần cầm tinh con hổ, quan điểm người xưa
thường coi đó là năm tốt, sanh được con trai thì càng quý bởi hổ tượng trưng
cho thế và lực, cho sự oai phong lẫm liệt và sức mạnh phi thường và những người
cầm tinh con hổ cũng được coi là có cá tính, mạnh mẽ, người tuổi hổ rất nhạy cảm,
dễ xúc động, có nhiều năng lực, còn tình yêu đối với người tuổi hổ thật nồng
nàn và mãnh liệt Theo quan niệm của tử vi phương Đông, người con trai sinh tuổi
Hổ (Dần) thường có tư chất thủ lĩnh, tướng mạo oai phong, tính cách nóng nảy,
quyết đoán, can trường, kiêu hãnh, đầy đam mê, nhân hậu [23]. Riêng
đối với những người con gái sinh năm Dần thường được coi là cao số và hay lận đận
trong đường tình duyên, gia đình và người ta hay xây dựng hình tượng những cô
gái này là nóng tính, đanh đá, kiêu căng vì mang tuổi chúa sơn lâm thì phải cần
người hầu hạ [199] [200] đặc
biệt con gái tuổi dần không hợp với người sinh tuổi Hợi vì quan niệm hổ sẽ vồ lợn
trong lý thuyết tứ hành xung gồm dần thân tỵ hợi [23].
Một số Danh nhân tuổi Hổ có những nhân vật xuất chúng, sự
nghiệp lẫy lừng có thể kể đến là: [23]
Nhà toán học Hy Lạp Euclide (Canh Dần,
330-257 tr. CN)
Vua Trần Thái Tông (Mậu
Dần, 1218-1277)
Francois Reblais (Giáp
Dần, 1494-1553)
Tướng quân Tokugawa
Ieyasu (Nhâm Dần, 1542-1616)
Danh nhân Lý Thời Trân (Mậu
Dần, 1578-1657)
Triết gia Hegel Goerg Wilhelm
Friedric (Canh Dần, 1770-1831)
Nhà sử học Phan
Huy Chú (Nhâm Dần, 1782-1840)
Nhà triết học Các Mác (Mậu
Dần, 1818-1883)
Nhà văn Ivan Sergeevits
Turgenev (Tuốc-Ghê-Nhép) (Mậu
Dần, 1818-1883)
Tổng thống Tôn Trung Sơn (Bính
Dần, 1866-1925)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Canh Dần,
1890-1969)
Tướng De Gaulle (Canh Dần,
1890-1970)
Boris Pasternak
Agatha Christie, nữ nhà văn Anh
Dwight David Eisenhower, tổng thống Mỹ
Khi giành được giang san, nhà Nguyễn lựa chọn việc đặt kinh
đô. Và nhà Nguyễn đã chọn Kinh thành Huế với địa thế Tả Thanh long, Hữu Bạch
hổ - Thanh long, Bạch hổ là hai trong bốn thánh thú hợp thành tứ tượng hay
tứ thánh thú. Bạch Hổ còn được xem là linh vật thiêng liêng thuộc về hành Kim ở
phía Tây, tương ứng với mùa thu. Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đã có
tám lần các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ rồi cuối cùng trở về lại Phú Xuân.[201]. Năm 1805, Kinh thành Huế
được khởi công xây dựng, nhà Nguyễn đã chọn xây kinh thành về hướng Đông Nam
(thuộc phương Nam) hai bên có cồn Hến và cồn Dã Viên tạo thế Tả Thanh long, Hữu
Bạch hổ chầu về trọng địa Kinh thành. Đó là thế rồng chầu hổ phục bảo vệ cho
vương triều. Hữu Bạch hổ (cọp trắng ở phía phải) là chỉ cồn Dã Viên, nằm ở phía
tây Kinh thành Huế. Ngoài ra, Cồn Dã Viên còn gắn với một dấu ấn khác: cầu Bạch
Hổ. Tương truyền, khi cầu Bạch Hổ (lúc đó chưa được đặt tên) đang được xây cất,
có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy.
Cũng chính vì thế mà cây cầu này được gọi là cầu Bạch Hổ trong tư tưởng phong
thuỷ của các nhà địa lý thì nó được xem như Bạch Hổ chầu bên hữu của Kinh
thành.
8. Trong Văn hóa Trung Quốc
Hổ trong văn hóa
Trung Hoa
Cùng với văn hóa thế giới, văn hóa Á Đông, trong văn hóa
Trung Quốc, hổ là biểu tượng của uy quyền và thanh thế, những sản phẩm xa xỉ
làm từ da hổ hay rượu ngâm xương hổ là món đồ hiếm và được ưa chuộng [202],
nó còn biểu tượng của sự dũng mãnh và võ công. Các vị tướng có sức mạnh, thiện
chiến được tôn xưng danh hiệu là hổ tướng, nhiều tước hiệu của các vị tướng
quân thường gắn liền với tên gọi của loài hổ như: Hổ bôn trung lang tướng, hổ
uy (oai) tướng quân.... các vật dụng quân sự cũng ít nhiều gắn tên loài hổ như
hổ trướng (dùng để chỉ về doanh trại của quân đội, hổ phù: vật hiệu lệnh của
quân đội, Hình mặt hổ được dùng phổ biến để trang trí giáp, trụ của các quan
văn, võ [155]. Hổ
còn là một trong những con vật biểu tượng cho võ thuật Trung Hoa mà tiêu biểu
là các võ phái Thiếu lâm Hình ý quyền, hệ phái Ngũ hình quyền, môn võ Hổ hình quyền sau này được phát triển và hoàn
thiện bởi phái Hồng gia quyền.
Biểu tượng của một con hổ
Trung Hoa
Con hổ cũng là một con vật đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc.
Người Trung Quốc ngưỡng mộ con hổ vì nhiều lý do. Trong cuốn sách viết về các
nghi lễ có từ khoảng 2.000 năm trước có viết Hổ là loài vật có ích cho con
người vì chúng ăn thịt những con lợn
lòi đến phá hoại mùa màng, trong cổ sử đề cao sức mạnh và dũng mãnh của
hổ, nó có thể bắt lợn lòi dễ như mèo bắt chuột. Dũng mãnh, có ích và rất đẹp -
những con hổ gần như đã rất hoàn hảo [61]. Trong
thời nhà Hán việc tôn thờ loài hổ trở thành một quan niệm ổn
định về "Tứ Linh thú" thể hiện trên gương và các đồ đồng lễ nghi
khác: Rồng, Hổ, Quy, Tước (mà sau này quen gọi là Long Ly Quy Phụng). Hổ (bạch
hổ) đại diện cho quyền lực và thần linh ở phía Tây [65]. Trong
văn hóa Trung Hoa, Bạch hổ (tiếng Trung: 白虎; bính âm: Bái Hǔ) là một trong tứ linh của
Trung Hoa và được biết đến với tên gọi Bạch hổ Tây phương (西方白虎) đại diện cho hướng Tây và mùa Thu
Con hổ cũng là biểu tượng thứ 3 trong cung hoàng đạo bao gồm 12 con vật.
Trong khoa địa lý cũng như trong thuật luyện đan Trung Quốc,
hổ đối lập với rồng (Thanh long/ Bạch hổ). Năm con hổ (năm Dần) được cọi là biểu
tượng của sức mạnh che chở, là những kẻ canh giữ bốn phương trời và tâm điểm,
trong sử sách và trong các truyền thuyết Trung Hoa, người ta nhiều lần gọi là
ngũ hổ những toán chiến binh dũng cảm bảo vệ vương quốc. Hổ
trắng xuất hiện là một dấu hiệu của đức độ nhà vua. Hổ đặc biệt là một
động vật của phương Bắc, của đông chí, ở đấy và vào thời điểm ấy triệt tiêu các
ảnh hưởng độc hại. Nếu đôi khi nó là vật cưỡi của một tiên ông, thì đó là do bản
thân nó vốn sống lâu. Ở Trung Quốc cũng có điển tích: Tam nhân thành hổ chỉ
về sức mạnh của dư luận xã hội tạo thành một áp lực ghê gớm [203].
Đặc biệt, Hình tượng con hổ trong truyền thống văn hóa Trung
Quốc chiếm một vị trí quan trọng, nó chỉ đứng sau con rồng. Trong Chu dịch Càn quái văn ghi chép rằng Mây
từ rồng, gió từ hổ. Rồng bay trên trời, hổ đi dưới đất, rồng hổ kết hợp thành
biểu tượng của sự cát tường thịnh vượng và quyền uy, là nét đặc sắc của văn hóa
phong tục dân tộc mang sức sống mãnh liệt. Từ xưa con người hay dùng Long đằng
hổ dược hoặc Sinh long hoạt hổ để thể hiện tinh thần và khí thế hào hùng của
dân tộc Trung Hoa. Văn hoá Long Hổ đã thấm sâu vào các mặt chính trị, quân sự,
y học, nghệ thuật của Trung Quốc. Cũng theo Chu dịch thì Long Hổ là càn khôn, thiên
địa, âm dương, nam nữ. Đời Hán có bài Thái Sơn kính minh viết: Cưỡi Giao
long, bay theo mây, bạch hổ dẫn đường thẳng lên trời xanh, được hưởng trường thọ
sống lâu mãi mãi. Trong tranh khắc đá đời Hán ở Sơn Đông có khắc: Thượng hữu
long hổ hàm lợi lai, bách điểu cộng trì chí tiền tài tức rồng hổ ở đây lại
trở thành thần tài…
9. Trong văn hóa Hàn Quốc
Hình tượng con hổ ảnh hưởng rất sâu đậm trong văn hóa Hàn Quốc, nó mang hơi hướng thần thoại vẫn tồn tại trong cuộc sống con người
Hàn Quốc cho đến ngày nay với tư cách là Thần giám hộ của đất nước này. Con hổ
tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh. Tuy là loài dũng mãnh, hung tợn
trong thế giới động vật hoang dã nhưng trong quan niệm dân gian Hàn Quốc, hổ vẫn
là loài vật thân thiết với con người. Hình tượng hổ được đưa vào đời sống hàng
ngày và tôn là linh vật bảo vệ cho loài người.
Người Hàn Quốc đặc biệt thần phục loài hổ
trắng, theo họ thì sau khi được tôi luyện trong vũ trụ, con hổ đã được trút
bỏ lốt cũ để trở thành hổ trắng, một giống vật thiêng, không bao giờ hại người.
Hổ trắng chỉ hung tợn với kẻ cầm quyền gây tội ác. Đối với người Hàn Quốc thì
năm Bạch Hổ, màu trắng của hổ được kỳ vọng là tín hiệu của may mắn. Người dân
tin rằng khi cầm theo bùa bạch hổ thì được bảo vệ khỏi mọi rủi ro, và dân gian
cho rằng hổ là loài vật át được khí vận xấu nên họ hay mặc áo in hình hổ để có
được sự khởi đầu tốt đẹp cho năm [63].
Những cứ liệu lịch sử lâu đời nhất liên quan đến hổ là thần
thoại về Đàn Quân (Dangun), người sáng lập Vương quốc Joseon cổ,
theo truyện đó thì cả gấu và hổ đều muốn trở thành người. Gấu, sau khi nằm 100
ngày trong hang, chỉ ăn cải cúc và tỏi như lời răn dạy, đã được biến thành một người
đàn bà. Còn hổ, vì không kham nổi thử thách, đã vùng chạy ra ngoài, bỏ dở ước
nguyện thành người của mình. Sử sách ghi chép rằng, vị vua Chân
Huyên gắn với một truyền thuyết về mẹ của ông đến từ Gwangju và hạ
sinh người con trai đầu tiên của bà sau khi tiếp xúc thân thể với một con
giun/sâu ngụy trang dưới dạng một người đàn ông, và rằng Chân Huyên lớn lên với
dòng sữa của một con hổ [204] [205]. Trong
cuốn Thực lục vương triều
Joseon còn lưu tới 635 điển tích về hổ [63]. Choi Nam-seon đã viết về
hổ và đã miêu tả con hổ khi khắc họa địa thế hình hổ của bán đảo Hàn Quốc lên
tranh vẽ rằng Rồng Trung Hoa, voi Ấn Độ, sư tử Ai
Cập, chó sói La Mã và khẳng định
linh vật của dân tộc Hàn là con hổ [63].
Người Hàn Quốc xưa thêu hình hạc lên lễ phục quan văn nhưng lại
thêu hình hổ lên ngực và lưng áo quan võ, da của hổ luôn được treo ở các doanh
trại võ binh, có nhiều bức tranh vẽ tư thế quan võ ngự trên thảm da hổ, [63] ngoài
ra hổ xuất hiện rất nhiều trong các tranh vẽ ở Hàn Quốc, hình ảnh con hổ trong
thần thoại hay nghệ thuật dân gian được đưa lên các vật dụng hàng ngày. Móng hổ
hay nhiều thứ khác được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Những vật
phẩm được tạo thành dựa trên hình tượng con hổ cũng rất đa dạng trong cuộc sống
thường nhật ở Hàn Quốc như Hogeon một loại mũ trẻ em hình đầu hổ, Norigae, dây
trang trí trên váy áo Hanbok truyền thống, bùa hộ mệnh in hình hổ, gối có hoa
văn hình hổ.
Hổ phân bố ở Việt Nam là Hổ Đông Dương,
hiện loài này đang thuộc nhóm nguy cấp
Với đặc thù là miền nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm, đồi núi,
Việt Nam là nơi có môi trường phù hợp cho sự phát triển của loài hổ (phân
loài hổ Đông Dương) do đó hổ là động vật xuất hiện nhiều
trong tự nhiên tại đây, Hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam một
cách phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít nơi nào con hổ mang nhiều tên gọi như ở
Việt Nam. Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của
người dân. Cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống và tôn giáo, con hổ đã trở thành một linh thú
mang rất nhiều nét tính cách của xã hội Việt Nam [57]. Con
hổ là một hình tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người
Việt Nam từ xưa cho đến nay, đối với văn hóa Việt Nam, hổ là biểu tượng của sự
hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song, Do sức mạnh và sự nhanh nhẹn của chúng,
người ta thường phong cho hổ là chúa sơn lâm.,[206] không
những thế, trong đời sống văn hóa ở Việt Nam, hổ được quan tâm đặc biệt, loài
mãnh thú, chúa tể rừng xanh này được mổ xẻ kỹ lưỡng, từ chuyện xây nhà, lấy vợ,
sinh con năm dần, đến tác dụng của cao hổ cốt, thậm chí, đến pín hổ cũng được mổ
xẻ tỉ mỉ. Xiếc hổ Việt Nam cũng xuất hiện từ khá sớm với nhiều nghệ sĩ tài năng
như nhà luyện hổ Tạ Duy Hiển.
Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư
dân Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng
2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ, điều này
cho thấy con hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam với sự trân
trọng và sau này được nhân nhân thờ cúng trong các miếu, đền. Con hổ còn xuất
hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và những bức tranh thờ Hàng
Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam. Ngoài ra, hình ảnh con hổ đi
vào nền văn hoá dân gian Việt Nam với những biểu hiện, những hình thức phong
phú và đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ,
phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề
tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại.
Hổ còn gợi nguồn cảm hứng mạnh cho nhiều thi sĩ để họ viết nên những bài thơ độc
đáo như bài thơ Nhớ rừng kể về lời con hổ trong vườn bách thú của Thế
Lữ [207] năm
1932). Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh
hoạt thường ngày, nơi thờ tự, nhà cửa. Câu chuyện về Hùm thiêng Yên Thế đề về
lòng yêu nước của Hoàng Hoa Thám. Truyện Trí khôn của ta đây nhắc về câu chuyện
trí tuệ chiến thắng sức mạnh. Tục ngữ Hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con nói
về tình cha mẹ dành cho con và mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia
đình, đất nước như câu: Hổ phụ sinh hổ tử.
Hoàng hổ - Tranh dân gian Việt Nam
Trong văn hóa Việt Nam tồn tại hai quan điểm song song về hổ,
một quan điểm văn hóa đề cao và sùng kính sức mạnh, vẽ đẹp, tài trí của loài hổ
đồng thời một quan điểm sợ và khinh gét, bài trừ loài mèo lớn này vì những nổi
ám ảnh của loài hổ trong mối quan hệ với con người (câu chuyện trí khôn của ta
đây, hổ thành tinh, yêu tinh hổ, phong trào săn giết hổ). Nhưng nhìn chung thì
quan điểm văn hóa thứ nhất luôn thắng thế. Người Việt Nam kính sợ hổ, gọi hổ bằng
Ông Ba Mươi, ông cọp, ông hổ, ông khái, ngài, chúa tể sơn lâm, chúa sơn lâm,
chúa tể rừng xanh, mãnh hổ rừng xanh, mãnh chúa sơn lâm, mãnh hổ, ngoài ra, tùy
địa phương, tùy sinh hoạt, quan hệ giữa người và hổ không đồng nhất ở các vùng
miền. Tuy rằng ở đâu cũng sợ cọp, kiêng dè gọi bằng ông cọp, ông ba mươi, ông
thầy, ông kễnh, ông Cả… nhưng dường như người dân Bắc Bộ kinh sợ cọp hơn người
dân Đồng bằng sông Cửu Long vấn đề sau là trong tâm lý người dân Miền Bắc và Miền
Nam, cách tiếp cận với con cọp, hay Thần Hổ, có phần khác nhau. Phía Bắc, từ đồng
bằng lên Mạn Ngược, có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tín. Người dân
Miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ hãi cụ thể, vật chất mà không sùng
tín. Tâm lý này thể hiện từ giới cầm quyền, các Chúa Nguyễn, Đàng Trong, đã tổ
chức những trận đấu Voi và Cọp. Voi được xem như thú vật tuân phục và hữu ích,
trái với cọp hung tợn và phá hoại.
Dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã
có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, trong đời sống thường
nhật và tôn giáo. Nó không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mà còn mang quyền uy
chi phối hung dữ của kẻ anh hùng. Sức mạnh này buộc con người phải nghĩ cách để
khuất phục hổ. Có thể thấy trong dân gian còn tồn tại câu chuyện về một cuộc đấu
trí giữa hổ và người, trong đó, con trâu, kẻ vốn đã bị con người thuần phục và
con hổ, kẻ luôn tìm cách áp chế con người được đặt đối xứng nhau để so sánh.
Con hổ, từ khía cạnh phá hoại, nó đã mang lại cho con người nhiều mối lo. Người
Việt Nam đánh giá rất cao tầm quan trọng và lợi ích kinh tế (nhất là giá trị dược
liệu) của hổ, đồng thời cũng từng phải chịu không ít hậu quả do hổ gây ra. Nhiều
trường hợp hổ mò vào các bản làng miền núi, bắt gia súc, gia cầm và cả người,
gây tổn thất vật chất cùng tâm lý lo sợ cho nhân dân. Chuyện hổ ăn thịt người
không hiếm gây kinh sợ cho cả cả cộng đồng người [73] (nhất
là một con hổ có tên là cọp ba móng hoành hành dọc hữu ngạn sông Đồng Nai
đã vồ chết và ăn thịt 128 người).
Mối quan hệ ban đầu của hổ với con người là sự đối địch. Tuy
nhiên, sự ý thức được của con người thông minh về sức mạnh của loài hổ đã khiến
họ nhận ra việc đối phó và chung sống với hổ là cần thiết. Trong lịch sử viết
theo thể ký có rất nhiều chuyện đã kể lại mối quan hệ của hổ với con người mà
điển hình là câu chuyện Bố cái đại vương Phùng
Hưng là một người phục hổ bằng tay không hoặc nhiều vị anh hùng, võ tướng,
các vị hảo hán khác đã đánh được hổ. Cho đến giờ, khi con người đã có nhiều
cách để khuất phục và thuần phục loài hổ nhưng về mặt văn hóa, tư tưởng quan hệ
giữa loài hổ và loài người vẫn không phải là quan hệ chủ tớ như các loài gia cầm,
gia súc, vật nuôi, voi, ngựa. mà hổ luôn chiếm một vị trí ngang hàng. Suy nghĩ
thông thường khi đàn thú xa rời môi trường tự nhiên, sống trong điều kiện nuôi
nhốt, chăm sóc của con người, nó sẽ bị thuần hóa. Tuy nhiên, với loài hổ thì
hoàn toàn ngược lại, càng bị nuôi nhốt trong điều kiện ngặt nghèo, chật chội, bản
năng hoang dã của chúng trỗi dậy càng mạnh mẽ, càng dữ dằn, nguy hiểm hơn [208] [209] và
chắc chắn, hổ chưa bao giờ là con vật như con mèo con trong nhà [210].
10.1. Người Việt cổ
Hình ảnh có thể là của một con hổ đã được phát hiện trên một
phiến đá mềm nằm trong tầng văn hóa gần 20 ngàn năm trước ở hang Xóm Trại. Cư
dân thuộc văn hóa Hòa Bình đã rạch lên phiến đá này những
đường khắc nghệch ngoạc mang dáng hình giống một con hổ. Nhưng dấu tích hổ dường
như ít hơn trong các làng xóm trồng lúa thời tiền sử và điều này cho thấy hổ
không bao giờ là đối tượng săn bắt lấy thịt làm thức ăn của các cư dân tiền sử
mà trái lại, với sự phát triển của những làng xóm nông nghiệp định cư hổ dần trở
thành con vật huyền thoại được đề phòng và tôn thờ [65]. Hình
tượng cọp, hổ đã từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn,[211]. hình
tượng hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn ở
các vùng Kur, Sangeang ở miền Đông Indonesia.
Hổ đánh nhau với cá sấu, gợi lại câu:
Dưới sông sấu lội trên
rừng cọp đua
Trên mặt trống Kur, hổ mình vằn đang đuổi theo một con hươu,
trong khi chính nó là mục tiêu của một người cầm cung đang ngắm bắn. Trên tang
chiếc trống này một con hổ mình vằn khác cũng đang trong tư thế đuổi theo một
con hươu sừng. Trên phần tang của trống Sangeang có cảnh một người tay phải cầm
khiên, tay trái cầm kiếm dạng tước (đốc tay cầm hình khuyên tròn) đang trong tư
thế đánh nhau với một con hổ chồm lên đứng bằng hai chân sau. Một con chó đứng
sau hình người cũng đang chồm lên sủa hỗ trợ cho chủ nhân đánh hổ [211]. Kiểu
cách những con hổ như vậy còn xuất hiện ở trên thân một chiếc bình trang trí
hoa văn Đông Sơn hiện được trưng bày tại phần Việt Nam của Bảo tàng Guimet
(Pháp). Tại phần vai rộng của chiếc bình này có một băng hoa văn thể hiện cảnh
những con hổ nhởn nhơ bên cạnh đàn hươu nai [211]. Một
số trống đồng có vẽ chi tiết một con hổ quay ngược đầu với hướng truyền thống của
đàn chim (ngược chiều kim đồng hồ) phản ánh sự phá vỡ quy chuẩn trang trí Đông
Sơn. Hình hổ khá rõ ràng, một con quay đầu lại, mắt hổ được thể hiện bằng hình
tròn có chấm ở giữa, trên thân có các chấm nhỏ tạo thành đường vằn ngang thân,
bên trong vành chim và hổ này là một vành trang trí cảnh lễ hội mùa lúa [65]. Những
chiếc trống có hình hổ kể trên đều thuộc loại trống Đông Sơn muộn (từ
khoảng thế kỷ II trước Công
nguyên trở về sau).
Ngoài những hình hổ trang trí trên mặt phẳng, người Đông Sơn
còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng kim loại. Chiếc
thạp đồng Đông Sơn tại khu mộ Vạn Thắng, trên nắp thạp hiển hiện bốn khối tượng
hổ cắp mồi rất sinh động. Ở chuôi một thanh kiếm đồng Đông Sơn được khai quật ở
vùng miền núi Nghệ An - Thanh Hóa do một người Pháp là Gallery Hioco sưu tầm
cũng có một bức tượng hổ trong tư thế đang rón rén lại gần con mồi. Tại một địa
điểm khảo cổ khác thuộc tỉnh Bắc Ninh có
tên là Lãng Ngâm (huyện Gia Bình), các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện nhiều
tấm đồng trổ thủng mang hình hươu và hổ. Sự xuất hiện hình ảnh loài hổ trong
nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm tôn thờ sức mạnh và sự nguy hiểm
của loài vật này. Sự tôn thờ này tồn tại khá đậm nét trong số các bộ lạc và tiểu
quốc người Ba Thục và người Việt ở vùng đất Dạ Lang, Tây Âu, Âu Lạc [65].
10.2. Thời kỳ Đại Việt
Con hổ là một đối tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và
tinh thần của người Việt Nam xưa nay cho nên các triều đại phong kiến coi hổ, rồng
là những biểu trưng vương quyền, vì vậy hình ảnh hổ xuất hiện phổ biến và trang
trọng nơi cung cấm. Từ thời nhà
Đinh (968 - 979), hầu hết các vua chúa đều nuôi hổ để giải trí và làm
đao phủ trừng phạt phạm nhân. Từ thời nhà
Trần (1226 - 1400), những cuộc đấu giữa hổ với voi gọi là hổ quyền được
tổ chức rầm rộ, đến thời Nguyễn được nâng lên thành lễ hội và tận năm 1904 mới
chấm dứt.
Tranh Bạch Hổ của Hàng Trống
Hình tượng con Hổ cũng xuất hiện liên tục trong thời kỳ phong
kiến Việt Nam qua các triều đại kế tiếp nhau. Trong lịch sử, Từ thời nhà Đinh
(968-978), sử sách có ghi chép lại việc các vị hoàng đế đều cho nuôi hổ để giải
trí và làm đao phủ để trừng phạt các phạm nhân. Đại Việt sử ký toàn thư có chép
về sự kiện Vua Đinh Tiên Hoàng muốn dùng uy chế ngự thiên hạ,
bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong chuồng cũi, hạ lệnh rằng: Kẻ nào
trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn thịt và cũng trong thư tịch cổ
này có đoạn viết: Tiên Hoàng Đế ban hành nhiều luật lệ rất khắt khe. Ngài
đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ trong vườn, dựng cột đồng nung đỏ để trừng trị
những kẻ gian ác và phản bội [212]. Thời
nhà Lý, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ có đề cập đến Đại La với
thế rồng cuộn, hổ ngồi là nơi để dựng nghiệp đế vương muôn đời. Trong lịch sử
phong kiến, có kể về Vụ án hoá hổ đây là một kỳ án còn có nhiều uẩn khúc và nhiều
lý giải, [213] về
sự kiện Lê Văn Thịnh hóa hổ mưu hại vua, Đại Việt sử ký
toàn thư chép: Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá.
Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái
chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ,
mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận
quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại
thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang.
Thời nhà
Trần so với thời Nhà Lý thì hình tượng con hổ hiện diện trong thời kỳ
Nhà Trần (1226-1400) đậm nét hơn, dùng để phản ánh một xã hội, quốc gia thượng
võ với lực lượng quân đội thiện chiến dũng mạnh đã từng lập nên nhiều chiến
công hiển hách. Viên tướng Phạm Ngũ Lão đã so sánh quân đội nhà Trần đương
thời khí thế như hổ báo qua bài thơ Thuật hoài với câu: Tam Quân tỳ
hổ khí thôn ngưu (Ba quân khí thế mạnh như hổ báo nuốt trâu). Trước đó Hổ
được nhắc đến trong bài hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo với điển tích Lấy
thịt mà nuôi hổ đói chỉ về sự tham lam của quân Nguyên Mông. Đầu tập Lĩnh Nam Chích Quái cũng nói đến tương
quan giữa Thần Hổ và Thần Mộc Tinh. Hổ chính thức đi vào nghệ thuật tạo hình sớm
nhất vào thời nhà Trần với những tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến
Tông, hổ chạm ở bệ đá tại chùa Quế Dương (Hà Tây cũ) được lưu truyền đến những
con hổ đá thời Lê ở Nam Kinh (Thanh Hoá).
Cũng trong thời kỳ nhà Trần tinh thần thượng võ, chuộng bạo lực
được thể hiện qua hành vi của các quý tộc thích đánh nhau để chứng tỏ sức mạnh,
địa vị, tục xăm mình ngày càng thịnh hành, việc rèn luyện thao trường, các hội
thề được phổ biến thì các vị hoàng đế cũng thích nuôi nhiều hổ để đấu với voi
xem đó làm tiêu khiển, ở thời kỳ này thì các trận quyết đấu này chỉ giới hạn
trong Hoàng thành. Sử cũ cho biết vua Trần Nhân Tông có một thú vui là được xem quân
lính đấu với hổ vì thế ông đã cho làm chuồng đấu hổ ở Vọng Lâu. Và trong thời
nhà Trần từng diễn ra sự kiện một con hổ đã gây kinh hoàng đến vị vua này, theo
đó thì có tù trưởng vùng sơn cước dâng triều đình một con hổ lớn vằn đen vàng,
lưng thẳng, bụng thon. Vua Trần Nhân Tông bèn cho tổ chức buổi đấu hổ trước Vọng
Lâu với sự tham gia của Hoàng hậu, phi tần và các quan trong triều. Bảo Thánh Hoàng hậu thấy
chuồng cũi không an toàn, vô cùng lo lắng nên gọi viên tổng quản nhắc nhở: Ông
cho kiểm tra cái cũi này chưa? Con hổ to lớn dữ dằn đấy. Hôm nay, bệ hạ đến ngự
xem, ông phải rất cẩn thận mới được. Viên tổng quản đáp: "Bẩm Hoàng hậu,
đây là con hổ mới được đưa vào cung, thần đã lo liệu đầy đủ cả. Xin lệnh bề
trên cứ yên tâm".
Một lúc sau, quân lính khiêng một cũi sắt nữa vào chuồng đấu.
Nhưng sự thực thì con hổ đã bị bỏ đói mấy hôm, khi thấy đông người, hổ nhe nanh
gầm gừ đe dọa. Trong khi tất cả đang hào hứng chuẩn bị xem màn đấu hổ thì bất
ngờ con hổ thoát ra khỏi cũi rồi nhảy lên, lao về phía chỗ ngồi của vua Trần
Nhân Tông cùng Hoàng hậu, phi tần và bá quan văn võ. Mọi người đứng chết lặng
trong giây lát rồi hoảng sợ bỏ chạy, duy có Bảo Thánh tiến lên phía trước, xả
thân che cho nhà vua, đối diện hổ dữ. Không hiểu vì khiếp sợ uy lực của bà hay
vì lý do nào đó mà con hổ chỉ lúc lắc cái đầu, nhìn Hoàng hậu một lúc, rồi quay
đi, nhảy xuống chuồng thú) [214].
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về chuyện này như
sau: Thượng hoàng (tức Trần Nhân Tông) thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng
Lâu rồi sai quân sĩ đánh nhau với hổ. Có lần Thượng hoàng ngồi xem, Thái hậu (tức
Bảo Thánh) và phi tần đều theo hầu. Vì thềm lầu thấp, chuồng và thềm cũng thấp,
con hổ bỗng nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, mọi người đều sợ chạy tan cả, duy
chỉ còn có Thái hậu và bốn, năm người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng
không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho Thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu
kêu gầm rồi vội vàng nhảy xuống, không vồ hại ai cả. Sử thần Ngô Sĩ Liên khi nhắc đến Bảo Thánh đã ca ngợi rằng: Voi
và hổ là bậc hung dữ, ai cũng phải sợ, thế mà lúc voi, hổ hung tợn làm ngang,
Hoàng hậu vẫn thản nhiên không sợ. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám
nữ lưu vậy (Đại Việt sử ký tiền biên) [214].
Theo Đại Việt sử ký bản kỷ chép: Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng
Thái Hậu là vợ Trần Thánh tông thượng hoàng. Thượng hoàng thích xem đấu hổ. Một
hôm, ngồi trên vọng lâu, sai quân sĩ tổ chức thả hổ ra đấu với voi. Thái hậu
cùng các phi tần ngồi xem cùng thượng hoàng. Cửa chuồng hổ mới mở, hổ bất ngờ
nhảy lên vọng lâu. Các quan văn võ đều sợ hãi, bỏ chạy tán loạn, chỉ còn trơ
Thượng hoàng và hoàng thái hậu. Thái hậu không biết làm cách nào, vội vàng lấy
tấm chiếu lót dưới chân vua bao quanh che cho Thượng hoàng và mình. Hổ trèo lên
lầu nhìn chung quanh không thấy ai, gầm thét dữ dội và lao xuống. Thượng hoàng
và thái hậu vô sự. Một lần khác, Thượng hoàng Trần Thánh Tông ngồi trên điện Thiên An xem đấu
voi. Hôm ấy, con voi hung tợn này chưa gặp được hổ, nhưng đã hăm hở rống lên và
xông lên điện, quần thần tả hữu một phen mất vía, may có đội ngự vệ binh cầm
giáo chĩa ra che chở nên voi rút lui, thượng hoàng và thái hậu bình an [215].
Đời hậu Lê, trường hổ quyền - đấu hổ - ở kinh đô Thăng Long,
trước sân đấu võ. Các quan võ sợ hổ làm dữ có thể nguy hiểm đến tính mệnh mọi
người và để bảo vệ loài voi quý có ích cho chiến trận nên cùng bàn với quan phủ
liêu ngầm sai người dùng kìm cắt hết móng vuốt của hổ một tuần trước trận đấu.
Vì vậy, chỉ đấu độ vài ba hiệp, hổ đã bị voi gục [216]. Thời
Nhà Lê có lưu truyền câu chuyện về một con hổ có nghĩa. Con hổ này được Nguyễn Hợp, cha của danh tướng Nguyễn
Xí nuôi từ nhỏ, khi con hổ này lớn lên thì được giao nhiệm vụ canh giữ
đơm tôm cá ở đập Hạng và lò muối để phòng chống ăn trộm, sau đó lúc đêm đó trời
tối, trời chuyển mưa, khi ông trở về nơi đặt đó thì con hổ đang canh chừng ở đó
phát hiện ra và lầm tưởng có kẻ gian đang ăn trộm cá của chủ mình, hổ liền lao
thẳng vào vồ khiến ông Hội chết ngay tại chỗ. Sau khi vồ chết người, con hổ mới
nhận ra đó là ông chủ của mình. Nó liền vác ông lên lưng cõng vào khu Đồng Lầm,
thuộc làng Mượu Nậy rồi bới đất để an táng cho chủ. Ngày hôm sau, gia nhân và
bà con làng xóm bủa đi tìm thì tìm thấy xác đã được hổ chôn lấp tại Đồng Lầm.
Con hổ nằm canh giữ bên cạnh mộ và nhe răng và gầm gừ nhất quyết không cho mang
xác chủ đi. Gia đình tìm cách đưa thi hài đến nơi khác an táng, nhưng ban đêm hổ
lại mang xác cụ về vùi lấp ở chỗ cũ. Sau khi ông Hội chết được 100 ngày thì con
hổ bỏ đi vào núi Riềng, thuộc xã Nghi Thiết ngày nay [217]. Tuy
vậy vào giỗ đầu của ông, trước ngày làm giỗ 1 ngày, hổ tinh đã tha về một con lợn
rừng khoảng 50 – 60 kg đặt giữa sân rồi chạy vào rừng. Cứ thế, đều đặn
hàng chục năm trời năm nào cũng vậy trước ngày giỗ của ông Hội hổ tinh lại vác
lợn rừng về để con cháu làm giỗ cho ông, cho đến khi con hổ già và chết mới
thôi [218].
Trong văn hóa người Việt còn lưu truyền câu chuyện trước đó về
việc Phùng Hưng đánh hổ. Theo đó có một thời ở vùng Đường
Lâm, Hà Tây có một con hổ dữ từ rừng về giết người, bắt gia súc, Phùng Hưng liền
làm con bù nhìn bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường
xuất hiện. Hổ đi qua thấy bù nhìn tưởng người, lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc
gỗ độn rơm. Vài lần như thế, hổ không còn chú ý tới bù nhìn rơm nữa. Một hôm trời
chập choạng tối, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng
thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Khi hổ xuất hiện, hơi bùn non át hơi người nên
hổ không phân biệt được, cứ rảo bước qua như mọi lần. Phùng Hưng bất ngờ xông tới
nhảy lên mình hổ, ghì chặt con mãnh thú, sau một hồi người hổ vật nhau, hổ đuối
sức, Phùng Hưng giáng một cú đập vỡ sọ hổ [219]. Sau
này, Những câu chuyện dân gian lưu truyền sau này chuyện hổ cõng lợn về góp giỗ
tại đình Tổng, hàng năm, từ tờ mờ sáng mùng một tháng hai, dân làng lần nào
cũng thấy giữa sân đình một con lợn to, đứng im một chỗ, và đồn lên về huyền
thoại huyền thoại Hổ cõng lợn góp giỗ Phùng Hưng [220].
Tượng gốm hổ thời nhà
Nguyễn
Vào thời kỳ nhà Nguyễn, hình ảnh con hổ cũng trở nên phổ biến
gắn với sự hình thành và kiện toàn nhà nước phong kiến chuyên chế quân chủ tập
quyền ở Việt Nam, Truyền thuyết kể rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy
lùng, gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày mà
sống. Về sau, khi lên ngôi vua, ông đã cho lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc
tỉnh Bà Rịa để tạ ơn. Dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua còn
ban lệnh cấm giết hổ. Nếu kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt 30 trượng. Còn
nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là
Ông Ba Mươi.
Nhà Nguyễn đã cho xây dựng đấu trường bên bờ sông Hương gọi
là Hổ Quyền để cho voi và
hổ đấu nhau trước sự chứng kiến của vua quan và dân chúng kinh thành. Hổ quyền
là tên gọi một đấu trường là chuồng nuôi hổ Hổ Quyền là một di sản văn hóa độc
đáo, một đấu trường không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới: đấu trường của
voi và hổ. Nó là một phần quan trọng của di tích văn hóa lịch sử ở Cố đô Huế.
Dưới triều Nguyễn, chính nơi đây đã diễn ra những cuộc tử chiến vô cùng ác liệt
giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí, tiêu
khiển cho vua, quan và dân chúng. Trong cuộc quyết đấu đầu tiên giữa voi và hổ
năm 1750 tại
cồn Dã Viên trên sông Hương, 40 con voi đã giết chết 18 con hổ trước sự chứng
kiến của chúa Nguyễn Phúc Khoát và triều thần ngồi xem
trên 12 chiếc thuyền. Đây là trận đấu kinh hoàng, khủng khiếp và đẫm máu nhất.
Những trận tử chiến giữa voi và hổ thường mỗi năm tổ chức một
lần. Những trận đấu không chỉ để vui xuân mà cốt huấn luyện cho voi tập dượt
thêm can đảm khi lâm trận và ngoài ra còn nhằm để tế thần trong ngày hội và phục
vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho nhà vua, hoàng tộc và quan lại. Trước mỗi trận
đấu, hổ đều bị cắt nanh, bẻ vuốt, và buộc chặt vào cột cho nên voi luôn giết chết
và chà nát hổ, tuy nhiên tai nạn đôi khi vẫn xảy ra vì hổ chiến đấu vô cùng
dũng mãnh. Sau này, để bảo đảm an toàn, năm Canh Dần 1830, vua Minh Mạng đã hạ
chiếu cho xây dựng một đấu trường lớn gần đồi Long Thọ phía tây kinh thành Huế
lấy tên là Hổ quyền.
Những mô tả của sử sách và ghi chép của người Phương Tây đã
tái hiện cảnh chiến đấu đẫm máu giữa voi và hổ, một trận chiến có tính bất công
dành cho loài hổ, tuy nhiên qua những ghi chép này cũng có thể thấy sự hung hãn
và nguy hiểm của con hổ trong điều kiện hoàn toàn bất lợi. Những chi chép mô tả
về trình tự trận đấu khi ba tiếng trống lệnh đánh lên thì cửa chuồng hổ mở
toang, một con hổ vằn loang lổ nhảy vọt ra, ngoảnh nhìn trừng trừng bốn phía rồi
gầm lên vang dội. Bên kia, voi ngần ngại chần chừ chưa xông ra. Quân tượng phải
lấy búa đánh thúc voi xông trận. Thấy voi, hổ hung hăng sấn lại, tung mình bấu
vào cổ voi mà cấu xé. Voi chạy quanh lựa thế, lấy vòi lôi hổ xuống, định đưa
chân dẫm lên mình cọp. Nhưng càng đấu, hổ nhanh nhẹn tránh khỏi. Hai bên hăng
máu hăm hở vật lộn nhau mãi. Voi khỏe, hổ nhanh, hai bên không bên nào chịu
kém. Đấu gần hai tiếng đồng hồ, có khi kéo dài đến trưa, đợi khi hổ yếu dần,
voi lừa thế ép hổ vào tường, đưa vòi quật hổ rồi tung hổ lên cao, đưa ngà đón hổ.
Hổ rơi xuống, voi lấy chân đá hổ, rồi cả thân mình voi nặng như núi Ngự Bình dẫm
lên đè nát hổ. Dân chúng hò reo hoan hỉ, vì nghĩ voi là con vật có công với nước,
đã hạ được hổ thì vỗ tay reo mừng.
Hổ
Quyền, đấu trường diễn ra
những trận đánh giữa hổ và voi
Theo Michel Chaigneau trong
cuốn Souvenirs de Huế thì trước khi đấu bao giờ cũng dũa móng vuốt của
hổ hoặc bọc chân hổ trong những túi da dày để tránh nguy hại đến voi và khán giả.
Kết quả cuộc đấu voi - hổ bao giờ cũng ấn định theo ý người tổ chức đó phải là
voi thắng hổ, voi được quyền ưu tiên, còn hổ thì ngược lại, bị tước đi vũ khí lợi
hại. Khi vào cuộc đọ sức, voi đã được chăm sóc bồi dưỡng chu đáo, có quản tượng
điều khiển, có vài người lính cầm vũ khí ngồi trên bảo vệ, hỗ trợ. Còn hổ đã bị
nhốt lâu ngày, ăn uống kém, răng nanh bị bẻ, miệng bị khâu lại, móng bị cắt hết,
chân bị đút vào túi da kín, cổ phải mang xích sắt buộc chặt vào cọc đấu trường.
Dù vậy, sự việc không diễn ra dễ dàng thuận lợi cho voi do với sự hung hãn của
mình, trong những trận chiến, khi bắt đầu, hổ gầm gào vang động, nhảy dựng lên,
mắt trừng làm voi sợ hãi lùi. Quản tượng phải dùng búa đánh thúc voi tiến lại.
Hổ hung hăng, lồng lộn xông về phía voi nhưng bị dây xích gìm giữ, khi voi đến
gần, hổ bất ngờ tót lên đầu voi tấn công quản tượng và mắt, tai, cổ voi. Voi luống
cuống hất hổ ngã nhào xuống đất, hổ nhanh chóng bật dậy, bám vào vòi voi, voi
giũ vòi. Móng vuốt đã bị cắt, chân lại bị đút vào túi da nên được một lúc hổ bị
tụt khỏi ngà voi rắn chắc và ngã xuống đất. Quản tượng điều khiển voi xông lại
dùng chân và cặp ngà tấn công hổ. Cuộc chiến đấu giằng co kéo dài. Nếu hổ chưa
chết mà con voi thứ nhất tháo chạy, thì con voi khác vào đấu tiếp với hổ cho đến
khi hổ chết [221].
Nhưng nếu một con hổ khỏe mạnh mới bị bắt ở rừng về còn hung
hăng thì dẫu có bẻ răng cưa móng vẫn còn nguy hiểm. Chính Michel Chaigneau đã
chứng kiến một sự xảy ra dưới thời Gia Long. Có một trận đấu mà con hổ to lớn
khác thường và khi cửa chuồng vừa mở, nó đã vọt như một mũi tên ra xa, kề sát
bên voi, quật ngã ngay quản tượng. Voi như mất phương hướng vì không có người
điều khiển, quay đầu chạy đạp lên người quản tượng, lúc này con voi thứ hai được
đưa ra đấu trường, trên lưng voi có mấy binh sĩ cầm khí giới bảo vệ voi và quản
tượng. Hổ vờn vài hiệp, thấy thế cố xé rào tìm lối thoát. Ba bốn khán giả bị hổ
vồ cấu xé bị thương. Viên võ quan chỉ huy thấy vậy, ra lệnh phóng giáo giết hổ.
Các vệ binh kéo xác con hổ bị thương vào giữa đấu trường cho ba bốn con voi lấy
vòi tung lên như quả bóng rồi dẫm nát.
Ngoài việc đấu voi với hổ thì sử sách vẫn chép về việc đấu giữa
người và hổ. Theo Lê Đình Chân trong cuốn Cuộc đời oanh liệt của Tả quân
Lê Văn Duyệt thì khi Lê Văn Duyệt giữ chức tổng trấn thành Gia Định, một hôm,
có sứ thần Xiêm La ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ ta đấu với hổ. Dân chúng
thành Gia Định chen chúc nô nức đến xem. Lệnh của Tả quân là chỉ được bắt sống.
Nhưng võ sĩ Lê Văn Khôi gặp con hổ dữ đã bị nó chồm lên và tát ngay vào gáy.
Ông này né mình đánh một côn sắt vào hổ, hổ ngã lăn giãy giụa một lúc rồi chết.
Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi. Nhưng Tả quân tức giận truyền cho quân sĩ bắt
trói chịu tội. Lê Văn Khôi đến trước vọng đài cúi đầu xin tha tội vì đã giết lỡ
hổ mà lệnh chỉ bắt sống. Võ sĩ xin đấu lại để chuộc tội, Tả quân đã bớt giận,
truyền lính thả hổ khác cho Khôi bắt sống. Cuộc tỉ thí lần này thật hồi hộp, vờn
nhau với hổ dữ, Khôi đã dùng miếng võ hiểm đá vào hàm dưới của hổ bất ngờ. Hổ
đau quá, nằm lăn ra. Khôi lấy cuộn thừng giắt trong mình trói lại, trước khán
đài xin chuộc tội. Sứ thần không dứt lời khen dũng sĩ đấu với hổ. Tả quân Lê
Văn Duyệt trả lời rằng: Bọn quân sĩ dưới trướng tôi đều như thế cả, có gì
mà đại nhân phải ngợi ca. Đến cuối đời Tự Đức, hổ quyền mới bãi bỏ [215] nhưng
trận đấu cuối cùng diễn ra ở nơi đây vào 1904 dưới thời vua Thành Thái.
Trong dân gian, vào thời này, trong dân gian cũng lập am, miếu
thờ những con hổ hung dữ hại người hoặc những con hổ được truyền miệng là linh
thiêng. Chẳng hạn như ở Miếu thờ Bạch Hổ ở đình Tân Lộc Đông ở Cần Thơ,
con Bạch Hổ còn gắn liền với truyền thuyết về con cọp trắng thường lội qua sông
đến ở cù lao Tân Lộc vào mùa nước nổi những năm 1780 - 1800. Hiện nay, miếu thờ
Bạch Hổ vẫn còn ở chùa Ông Đạo Xuân, đình Tân Lộc Đông. Hằng năm, vào ngày vía
Bà Chúa Xứ, người dân địa phương vẫn tổ chức cúng, dâng tờ cử xin Bạch Hổ bảo vệ
dân làng [197]. Cũng
ở Cần Thơ có miếu cổ Long Tuyền thờ Thần Hổ từ năm 1844 và gắn liền với giai
thoại địa phương về vùng này có một con cọp tu lâu năm, tánh linh như người, nó
nghe được lời cầu khấn của một phụ nữ có thai, khi người phụ nữ này trở dạ thì
nó đã bắt một bà mụ (người đỡ đẻ) về giúp cho phụ nữ này, sau đó nó bắt một con
heo rừng (trên thân heo đầy vết móng cọp) để trả lễ. Hai phụ nữ này rằng đó là
hổ thần bảo vệ dân làng và cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. Ngoài ra, cư
dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc Thần
Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể
làm tượng cốt đặt trong miếu thờ [222].
Ở đình Võ Lâm,tỉnh Kon Tum có
thờ hình con bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ, bạch
hổ ở đây không chỉ trừ tà mà còn ngăn ngừa được ma rừng theo quan niệm
của người bản địa, điều này xuất phát từ câu chuyện một con bạch hổ ba chân, nó
vốn hung bạo ở rừng này, đã tấn công và ăn thịt tất cả các loài thú. Khi thiếu
mồi, nó còn tấn công cả người. Một khi bạch hổ đã ăn thịt người thì nó càng
hung tợn, càng dữ hơn bất cứ loài thú ác nào từ rừng đi vào chùa. Con bạch hổ
này đi về chùa để nghe tụng kinh và từ khi về chùa Bác Ái nghe kinh Phật, xung
quanh chùa thú dữ tránh đi hết, trong vùng không còn xảy ra các chuyện như người
bị hổ vồ, hay thú dữ tấn công vật nuôi của làng Võ Lâm [223]. Những
bản làng người Mường ở miền tây Thanh Hóa,
kéo dài từ vùng Thạch Thành lên đến Quan Hóa, Mường Lát, ngoài việc thờ cúng tổ
tiên, thần rừng, thần núi, thì họ còn cúng Ông Hổ tượng trưng cho thần rừng, [224] đặc
biệt người dân còn lập miếu thờ một con hổ gọi là Thần hổ xám khổng lồ hung
dữ, chuyên ăn thịt người, người dân còn đồn rằng, năm nào không cúng hổ thần,
mùa màng sẽ thất bát, lúa trồng chẳng thành hạt, cây cối chẳng chịu trổ hoa [225].
Ở vùng Phú Yên còn
có câu chuyện về hang hổ, gắn liền với câu chuyện thầy tu đả hổ, trước khi thầy
tu này đến, hổ sống rất nhiều ở trong và xung quanh hang. Ngày ngày, dân sống
dưới chân núi luôn khiếp sợ bởi tiếng gầm hú ghê rợn của hổ. Không ít người vì
mải mê săn bắn thú rừng mà bỏ mạng dưới nanh vuốt của hổ dữ. Từ ấy, dân quanh
vùng không ai dám bén mảng đến gần hang hổ. Mãi cho đến khi vị thầy tu xuất hiện
và sống ở đó, người dân mới an tâm làm rẫy, săn thú. Theo lưu truyền, vị thầy
tu đã làm cho bầy hổ trở nên thân thiện với người dân. Để nhớ ơn, khi ông qua đời,
dân lập miếu thờ ông Tạ Từ ngay trong hang, nay đã không còn dấu vết. Khi vị thầy
tu mất, thì hổ tái chiếm hang, những bầy hổ bỏ đi nơi xa cũng quay trở lại [226]. Tại
tỉnh tỉnh Quảng Ngãi, có câu chuyện bạch hổ và đôi rắn khổng lồ,
theo đó một người già nằm mơ thấy một con hổ trắng đến bảo rằng Ta là bạch hổ
coi ngó xứ này. Nay ta giao giấy tờ trông coi đình lại cho ông rồi từ nay trở
đi vào núi tu hành, không coi đình và xứ này nữa. Từ đó dân làng cúng đầu heo
không bị mất như ngày trước [227].
Chiến tranh Đông Dương là một
trận chiến
giữa hổ và voi (Hồ Chí Minh)
Trong chiến tranh Việt Nam, con hổ đã là hình tượng để ví von
cho quân đội nhân dân Việt Nam với cách đánh theo kiểu du kích, dựa vào núi rừng
để tiêu hao sinh lực địch, đây chính là luận điểm trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự.
"Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi dẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Con hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi sẽ chảy máu đến kiệt sức và chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy". Hồ Chí Minh [228] [229].
Ngày nay, hình ảnh con hổ đã trở thành biểu tượng cho sự khát vọng, mong muốn của người dân Việt Nam về một nền kinh tế hùng cường, có tầm ảnh hưởng và một xã hội thịnh vượng với hình tượng hóa hổ. Nhiều người Việt Nam, các nhà quản lý và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhận định cùng mong muốn kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến trở thành một con hổ mới của châu Á [230] hay một con hổ mới về giáo dục và đào tạo ở châu Á, nhiều người Việt Nam còn mong muốn Việt Nam sẽ là con hổ của thế giới trong 15 - 20 năm sau khi đổi mới và nhiều người khác mong rằng Việt Nam sẽ là con hổ châu Á [231].
"Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi dẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Con hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi sẽ chảy máu đến kiệt sức và chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy". Hồ Chí Minh [228] [229].
Ngày nay, hình ảnh con hổ đã trở thành biểu tượng cho sự khát vọng, mong muốn của người dân Việt Nam về một nền kinh tế hùng cường, có tầm ảnh hưởng và một xã hội thịnh vượng với hình tượng hóa hổ. Nhiều người Việt Nam, các nhà quản lý và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhận định cùng mong muốn kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến trở thành một con hổ mới của châu Á [230] hay một con hổ mới về giáo dục và đào tạo ở châu Á, nhiều người Việt Nam còn mong muốn Việt Nam sẽ là con hổ của thế giới trong 15 - 20 năm sau khi đổi mới và nhiều người khác mong rằng Việt Nam sẽ là con hổ châu Á [231].
Bên cạnh đó, quan niệm thái quá của con người khiến hổ ở Việt
Nam từ xưa đã bị săn bắt ráo riết chẳng kém gì ở những nơi khác trên thế giới,
có những người chuyên nghề dọi dấu (tìm dấu vết hổ) của làng Tịnh Yên Đông Tây
chuyên đi săn hổ, Săn hổ ở đây đã trở thành nghề cha truyền con nối. Thậm chí đến
nay, ở vùng biên giới Quảng Trị - nơi mà người ta tàn sát hổ, coi hổ như kẻ thù
và tổ chức săn bắt như ở Làng Thủy Ba. Do hổ thường xuyên thâm nhập vào các bản
làng của con người bắt gia súc như trâu bò dê heo và ăn thịt người dân, đây được
coi là trận chiến giữa người với mãnh thú mà còn là câu chuyện kể về sức mạnh của
người dân Việt chống loài ác thú và chống ngoại xâm… chính quyền, triều đình
phong kiến trước đó còn tặng thưởng cho những người săn hổ công với giá trị y học
và kinh tế mà hổ đem lại như xương hổ để nấu cao hổ cốt, da hổ để trang trí, bộ
móng vuốt, răng của hộ để đeo như những trang sức, pín hổ để tăng cường sinh dục, [232] còn
được dùng để trưng bày hoặc làm thành các sản phẩm lưu niệm, [233] điều
này dẫn đến những cuộc săn hổ, tàn sát loài hổ [85] [208] [234] [235] [236] [237][238] [239] [240] [241] [242] [243] [244].
Ở Việt Nam có tập quán đi săn Hổ của người Sán Dìu, từ xa xưa, người Sán Dìu thường đi săn
thú rừng nói chung và săn Hổ nói riêng lấy thịt để cải thiện bữa ăn trong
gia đình. Họ thường tổ chức đi săn vào dịp nông nhàn, dịp đầu xuân mới hoặc
khi phát hiện được con thú lớn là Hổ đi kiếm ăn. Dụng cụ đi săn Hổ chủ yếu là
súng kíp, ngoài ra mỗi người đi săn có thêm 1-2 con chó săn đi
cùng để hộ người quây đuổi thú. Nếu bắn được con Hổ to thì đem về nhà người trực
tiếp bắn trúng để làm thịt, và cúng báo mời tổ tiên về ăn mừng để cầu xin tổ
tiên phù hộ độ trì cho lần sau đi săn bắn được nhiều con Hổ và an toàn hơn. Sau
khi cúng xong, họ lấy thịt Hổ ra để chia phần cho người trực tiếp bắn trúng được
riêng một vai, đầu và bốn chân, số thịt còn lại chia đều cho những người đi
săn, nếu ai có chó đi săn cùng thì được thêm nửa phần của người đi săn. Nếu bắn
được Hổ nhỏ thì họ sẽ không chia phần, mà chỉ mang về nhà người trực tiếp bắn
trúng, làm thịt, không phải cúng tổ tiên rồi liên hoan một bữa vui vẻ,
chúc mừng nhau lần sau sẽ săn được một con Hổ to hơn. Món thịt Hổ cũng được người
Sán Dìu coi là món đặc sản từ lâu đời, đặc biệt là kiểu chế biến món ăn thịt Hổ
kiến đốt, người Sán Dìu biết dùng phổi của con Hổ để làm thuốc chữa bệnh ho lao
rất hiệu nghiệm. Nếu săn được con Hổ và dịp dầu xuân thì người ta tin rằng năm ấy
sẽ có sức khỏe như Hổ, và luôn gặt hái được nhiều thành công, may mắn. Câu chuyện
đầu xuân về tập quán đi săn Hổ và những món ăn đặc sản, những vị thuốc Nam được
chế biến từ thịt Hổ là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Sán
Dìu [245].
Hổ đang nuôi nhốt ở Việt Nam
Tại Việt Nam, hổ bị buôn bán trái phép chủ yếu sử dụng trong
các loại sản phẩm được cho là thuốc như cao hổ cốt, rượu hổ cốt. Ngoài ra, thịt,
da của chúng được dùng để trưng bày hoặc làm thành các sản phẩm lưu niệm, Việt
Nam vẫn là điểm nóng buôn bán hổ từ các quốc gia Đông Nam Á sang Trung
Quốc, đồng thời để phục vụ nhu cầu trong nước [246]. Tại
thị trường chợ đen giá 2,5 - 3 triệu đồng/ kg hổ, còn giá cao hổ cốt lên tới 7 -
8 triệu đồng/ lạng. Số lượng hổ giảm nhanh chóng, cả nước Việt Nam ước chừng 200
con hổ hoang dã và 95 con trong các vườn thú, trại chăn nuôi. Bình Dương đang có nhiều nhất với một số chủ doanh
nghiệp tỉnh này nuôi tổng cộng tới 63 con hổ trong đó có 3 chủ nuôi gồm một người
nuôi 23 con, hai người còn lại mỗi người nuôi 09 con, chính quyền từng định tịch
thu toàn bộ số hổ đang nuôi nhốt bất hợp pháp, giao cho tổ chức có chức năng
nuôi nhằm bảo tồn nhưng gặp phải sự phản đối, nhiều người dân cho rằng nên để
các chủ cơ sở được tiếp tục nuôi hổ vì mục đích bảo tồn [247]. Ngoài
ra ở Thanh Hóa hiện nay còn có trang trại nuôi dưỡng 11
cá thể hổ trưởng thành, con to nhất nặng trên 150 kg (Thức ăn của hổ chủ yếu
là thịt lợn, thịt gà. Trung bình mỗi ngày hổ ăn hết khoảng 5 kg thịt lợn,
thị gà) [248]. Ngoài
ra, tại Khu du lịch Đại Nam còn có nuôi một số cá
thể hổ Đông Dương [249][250]. Bên
cạnh đó, còn phát hiện được bốn con hổ trưởng thành tại điểm nuôi nhốt hổ trái
phép tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An)
trong căn phòng chưa đầy 15m2 của một hộ dân, có tới bốn
con hổ [251] [252] [253] một
phát hiện khác cho thấy còn có khoảng trên chục hộ cũng làm nghề này [254] trong
đó chính quyền đã bắt và xử lý 02 cá thể hổ [255] để
đưa về Khu Du lịch sinh thái trại bò ở xã Diễn Lâm (Diễn Châu). Nơi đó, hiện
đang nuôi hàng chục cá thể hổ và nhiều động vật hoang dã khác [256].
Ngay từ năm 1963, Nhà nước Việt Nam đã ban hành sắc lệnh bảo vệ hổ. Những
năm gần đây, nhiều biện pháp cụ thể cũng được thực hiện như ban hành Nghị định,
Quyết định, Thông tư, Chỉ thị về cấm săn bắt, buôn bán hổ và tiến hành xử lý
nghiêm những kẻ vi phạm, lập nhiều khu bảo vệ, rừng cấm, phối hợp với WWF khảo
sát, tạo môi trường sống thuận lợi tại những nơi hổ thường xuất hiện như Mường
Nhé, Vụ Quang, Cát Lộc, Nam Cát Tiên. Chính quyền Việt Nam từng có dự án chi 49
triệu USD để
bảo tồn hổ trong một dự án nhân đôi đàn hổ hoang dã ở Việt Nam trong 10 năm,
theo tính toán, chi phí cho việc nuôi một cá thể hổ đến tuổi trưởng thành tốn gấp
250 lần so với bắt một con trong hoang dã, trung bình mỗi con hổ cần không dưới
400 ha sinh cảnh rừng đặc dụng, nơi có nhiều loại thú khác nhau cùng tồn tại [257]. Năm 2011, Ngày Quốc tế Hổ
lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao
nhận thức về việc bảo vệ loài vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, Hoạt động này
sẽ diễn ra hằng năm trên toàn thế giới
Cảnh săn hổ ở Mãn Châu
Hổ đã để lại những dấu ấn đối với các dân tộc tại vùng Tây Bá Lợi Á vùng đất nơi cư ngụ của giống hổ Mãn
Châu to lớn. Người Tungus, một dân tộc ở vùng Tây Bá Lợi Á gọi giống
hổ Mãn Châu bằng tên gọi với ý nghĩa tôn xưng là Ông hay Ông già, người Udege
và người Nanai gọi hổ Mãn Châu bằng tên gọi Amba với ý nghĩa sùng kính cùng với
gấu (Doonta). Người Mãn Châu gọi tên hổ với ý nghĩa là vua (Hu Lin) đối với người Ghiliak thì hổ với
cuộc sống và tập tính của nó, là một con người đích thực, chỉ tạm thời khoác
hình dáng hổ [258]. Theo
ghi chú của Uno Harva thì Sternberg đã
xác nhận ở lưu vực sông Amur có
nhiều bộ lạc cho mình xuất thân từ hổ hay từ gấu, bởi thủy tổ
của họ đã nằm mơ có quan hệ tình dục với những con vật này [259].
Đối với những dân tộc ở vùng Ấn
Độ, với đặc điểm là khu vực phân bố nhiều loài hổ nhất trên thế giới cho
nên từ lâu trong văn hóa, hổ đã hiện diện rõ rệt ở đây. Trong tranh tượng đạo Hinđu, da hổ là một chiến quả
của thần Siva và Hổ là vật cưỡi của thần Shakti, của năng
lượng thiên nhiên mà Siva đã không phục tùng và ngược lại, đã chế ngự (Choc,
Dana, Crad, Gues, Kall, Lecc, Ogrj). Hổ còn là vật cưỡi của nữ thần Durga trong cuộc
chiến chống lại ác quỷ Parvati, ở miền Nam Ấn Độ thì hổ là bạn của vị thần Ayyappan [260]. Hổ
là một trong những động vật được khắc họa ở dấu ấn Pashupati của nền văn minh Sông Ấn đã
tàn lụi. Những hình ảnh của hổ được in trên phù hiệu của Vương triều Chola và những đồng tiền của
vương triều này. Những dấu ấn của vương triều Chola hiển thị hình ảnh của hổ và
quốc huy của vương triều Pandya cũng có hình của những
con hổ [261]. Trong Phật giáo Ấn Độ, hổ cùng với khỉ và hươu cũng
là một trong ba linh vật thiêng liêng [262]. Cũng
trong Phật giáo, con hổ biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi
trở ngại trên con đường tu chứng do đó hình ảnh thường thấy là hình tượng Bồ
Tát Văn Thù cưỡi trên lưng hổ và đó là sự tượng trưng cho sự diệt trừ được
tham, sân, si và ác nghiệp, tu thành quả Phật.
Ngoài ra, trong lục địa châu Á nói
chung, hổ đôi khi thường đóng vai trò của một con ma mèo (Werecat) hay còn gọi
là hổ thành tinh, hổ tinh hay hổ yêu tinh hay ma
hổ, đó là những con yêu tinh được hư cấu xoay quanh hình tượng con hổ [263]. Ở
Ấn Độ, hổ thành tinh thường là một thầy phù thủy nguy hiểm,
được miêu tả là một mối đe dọa cho những người chăn nuôi gia súc. Ở Thái Lan một
con hổ mà ăn thịt nhiều con người có thể trở thành một con hổ tinh. Ngoài ra
còn có các loại ma hổ chẳng hạn như phù thủy với quyền năng lớn, có thể thay đổi
hình dạng để trở thành động vật. Trong dân gian Indonesia và Malaysia có
một loại hổ tinh được gọi là Hổ jadian (Harimau jadian), [46] con
yêu tinh này có sức mạnh được truyền lại và biết sử dụng phép thuật, sự quyến
rũ nhưng nó không phải thù địch với người đàn ông. Trong các sinh vật truyền
thuyết ở Nhật Bản có quái vật Nue (鵺), đây là một con quái vật tổng hợp các
bộ phận của nhiều loài động vật trong đó nó có tấm thân, cái chân và bộ da của
một con hổ.
Hổ đang chiến đấu với yêu quái
Hổ Mã Lai là biểu tượng quốc gia của Malaysia, nó
xuất hiện trên quốc huy Malaysia cũng
như trong biểu trưng của một loạt các tổ chức nhà nước của Malaysia, như của Maybank, Tập tinm Negara
Malaysia và FAM. Nó tượng
trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh của người Mã Lai [129]. Hổ
Mã Lai được miêu tả nổi bật trong văn hóa dân gian Malaysia, trong vai trò của
một trong số các kẻ thù của Sang Kancil (hươu chuột), cũng ở Mã Lai, những vị thầy lang có phép
biến hóa thành hổ gợi nhắc đến chi tiết nhiều sắc dân ở vùng Đông Nam Á, con hổ
được tổ phụ huyền thoại được xem như thầy truyền pháp vì hính hổ dẫn các tín đồ
mới vào rừng để truyền phép cho họ, thực tế là để giết họ và làm họ sống lại Tại
Miến Điện, Hổ (ကျား kya) cũng là biểu tượng của 12 cung hoàng đạo và là
ngày thứ 2 đầu tuần và theo hướng đông. Trong văn hóa người Bali, hổ chiếm một vị trí đặc
biệt trong văn hóa dân gian nước này, điều này thể hiện ở những bức họa Kamasan
của Vương quốc Klungkung [264].
Ở vùng Lưỡng Hà, có những hình tượng khắc ghi về người anh
hùng huyền thoại Gilgamesh đã đánh bại người mục tử hung ác và biến nó thành
con hổ [265] và
những di chỉ của dấu ấn Mohenjodaro ở lưu vực sông Ấn thì vị anh hùng này còn
được mô tả cảnh đang vật lộn với hai con hổ, [266] những
con hổ còn thường được miêu tả ngay cả trong nghệ thuật của nền văn hóa thảo
nguyên châu Á khoảng từ 1000-500 trước Công
nguyên mà tiêu biểu là của người Scythia. Trong nghệ thuật Iran cổ đại
thì hình ảnh của hổ một mô hình tương đối hiếm, mặc dù những con hổ phân bố
tương đối nhiều ở vùng này. Truyền thuyết Hy Lạp, giải thích tại sao người ta đặt
tên Tigre hay Tigrit (con hổ) cho một con sông ở Mésopotamie (Lưỡng
Hà), con sông đó trước kia tên là Sollax. Để quyến rũ một nữ thần sông núi
châu Á là Alphésibée mà thần say mê, Dionysos đã
hóa thành hổ. Chạy đến bờ sông, Alphésibée không thể trốn đi đâu nữa và phải để
cho con ác thú túm lấy mình, và nó đã đưa thần sang bờ bên kia. Con trai họ,
Médès, là bán thần được lấy tên đặt cho dân tộc Mèdes còn con sông thì được đặt
tên là Tigre, để tưởng nhớ nữ thần sông núi và vị thần đã hợp thân trên bờ sông
này. Theo những truyền thuyết khác bắt nguồn từ Babylone, sông Tigre sinh ra từ
đôi mắt Đấng tạo hóa Mardouk
Trong văn hóa phương Tây thì hình ảnh của con hổ
không phổ biến,
nó không được tìm thấy trong Kinh Thánh
Trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại cũng như ở châu Âu,
con hổ được biết đến thường là chỉ thông qua các chiến dịch của Alexander Đại đế viễn chinh đến Châu Á.
Con hổ đầu tiên được người phương Tây mục sở thị là một món quà từ vua Seleukos gửi
đến Athens.
Tại thời điểm này sư tử hoang
dã vẫn đang sinh sống ở Hy Lạp,
điều này giải thích lý do tại sao hình tượng con con sư tử trong văn hóa phương Tây phổ biến hơn rất nhiều
so với con hổ [267] và
cũng bởi vì hổ không sinh sống ở châu Âu và
hình ảnh của nó không được tìm thấy trong Kinh
Thánh cho nên dường như con hổ đã rơi vào quên lãng ở châu lục này
trong một thời gian dài. Chỉ cho đến chuyến đi của Marco Polo đến
châu Á vào thế kỷ XIII, ông đã phát hiện và mô tả lại cho người châu Âu về hổ.
Marco Polo đã nhìn thấy chúng lần đầu tiên tại hoàng cung của Hốt Tất Liệt, Marco Polo mô tả nó như một con sư tử,
thậm chí còn to lớn hơn và nó có sọc màu đen, trắng và
màu đỏ.
Con hổ đầu tiên đến châu Âu trong giai đoạn hậu La Mã là một con hổ thuộc sở hữu
của nữ công tước Savoy ở Turin vào năm 1478, một thời gian ngắn sau khi chuyển
đến một địa điểm khác ở châu Âu [267].
Trong thời kỳ La Mã cổ đại, con hổ đã được nuôi trong các rạp xiếc.
Con hổ đầu tiên tại Rome là một món quà của Augustus từ Ấn Độ trong những năm
19 trước Công nguyên, con hổ thứ hai là việc mở cửa của Nhà hát
của Marcellus trong 11 trước Công
nguyên cho dân chúng được chứng kiến. Hổ là loài dã thú có sức mạnh và
được sử dụng vào những cuộc chiến đấu và mua vui vào thời La Mã cổ đại, trong các rạp xiếc, những con dã thú thường được tổ chức đọ sức
với nhau, những dã thú ăn thịt hoặc có sức mạnh như hổ, sư tử, gấu, báo, voi rừng, tê giác, lợn
lòi.... được sắp xếp trong một cuộc đấu mua vui cho giới quý tộc cũng
như giới bình dân để giải trí cũng như
thỏa mãn mục sở thị. Những bức phù điêu, chạm trổ trong một thần
điện tại Pompeii cho thấy một cuộc chiến giữa một con sư tử và hổ [268]. Cuộc
quyết đấu giữa cặp đôi hổ và sư tử được coi là kinh điển nhất và tỷ lệ đặt cược
thường ủng hộ cho những con hổ [269] [270] và
trong những cuộc chiến như thế này, hổ thường giành phần thắng và là kẻ cuối
cùng bước ra khỏi đấu trường [271] [272].
12. Trong truyền thông, giải trí
Hổ cũng xuất hiện nhiều trong các bộ phim ảnh, phim hoạt
hình, Trong bộ phim Cậu bé rừng xanh công
chiếu vào năm 1942 do Sabu Dastagir vào vai
Mowgli. Thì con hổ Shere Khan được mô tả đúng như tiểu thuyết là một
con hổ hung ác, và sau này bị Mơgli giết chết trong một trận đánh diễn ra dưới
nước. Trong bộ phim Cậu bé rừng xanh
(năm 1994) của Mỹ với sự tham gia của ngôi sao Jason Scott Lee vào vai
Mowgli thì con hổ Shere Khan được mô tả có khác với tiểu thuyết, trong phim,
Shere Khan thực sự là một con hổ thiêng, có nhiệm vụ thực thi Luật của rừng
xanh, nó là một con hổ tinh khôn, đóng vai trò là người canh giữa ngôi đền
thiêng trong rừng già Ấn Độ và là vị chúa tể của cả Khu rừng này, Shere Khan sẽ
vồ những kẻ xấu và vi phạm luật của rừng xanh. Sau
đó tiếp tục có hai bộ phim hoạt hình về chủ đề này là Cậu bé rừng xanh chiếu năm
1967 và Cậu Bé Rừng Xanh 2 (2003).
Một bộ phim nổi danh khác là Tây Du Ký (năm 1986) trong
đó có cảnh Đường Tăng hóa hổ trong tập 11 Cầu viện Mỹ Hầu Vương, đây là một
cảnh quay hết sức khó khăn và vất vả lúc bấy giờ. Ban đầu đoàn làm phim chọn một
chú hổ trong Vườn bách thú Tân Hương, tuy nhiên Chú hổ này vốn là hổ nuôi nhốt
nên tỏ ra lười biếng và không thực hiện cảnh quay theo đúng kịch bản, nó không
hề thấy hổ ló đầu ra khu sân trong lồng, chỉ đến lúc cho ăn, hổ thò ra ăn xong
lại vội chui vào bên trong và nằm luôn trong đó. Đoàn làm phim quyết định chọn
một chú hổ trong rạp xiếc của Đoàn xiếc Thượng Hải, vì những con hổ này đã được
huấn luyện, tuy vậy con hổ này lại tỏ ra rất cảnh giác vì bối cảnh quay lạ lẫm
và Đoàn làm phim luôn trong trạng thái căng thẳng vì chú hổ thay đổi tính nết
mà trở nên hung hãn, đặc biệt khi môi trường của chúng lại trở nên khác lạ.
Trong khi quay, người và hổ đối mặt một lúc, chú hổ đi quanh lồng xem xét một
vòng và nhân thấy người trong lồng không có ác ý nên nó tỏ ra không đề phòng, cảnh
giác, nó rướn người ngáp, nó ngồi xuống và thư thái gác đầu lên hai chân trước,
dùng lưỡi liếm liếm nhẹ vào chân. Để phục vụ theo yêu cầu của cảnh quay trong
phim, nhân viên huấn luyện hổ yêu cầu hổ đứng dậy cho quay phim ghi lại cảnh hổ
đứng dậy đi lại [143].
Một bộ phim của điện ảnh Nga có tên Coi chừng,
có động vật hoang dã trên tàu! (Chuyến tàu chở hổ) cũng có miêu tả về
loài hổ trong đó chiếu về một đàn hổ được chở trên một chuyến tàu và có một sự
cố xảy ra khi một chú khỉ nghịch ngợm đã lấy chìa khóa mở chuồng hổ. Đàn hổ bơi
vào một bãi biển và gây kinh hoàng náo động cho những người
đang tắm. Trong phim còn có một tiểu cảnh nhỏ mô tả cảnh đánh nhau giữa hổ và
sư tử. Một bộ phim Thái Lan công chiếu năm 2002 có tựa đề: ไพรรีพินาศ ป่ามรณะ (Sab Suea) tên tiếng Anh: Tigress of
the King River, phụ đề tiếng Việt: Hổ cái rừng thiêng có kể về một cô
gái bị chết trong chiến tranh và đầu thai vào một con hổ cái thành tinh, sau
này được một nhà sư cảm hóa ác tính.
Áp phích bộ phim Cuộc đời của Pi
Đặc biệt là bộ phim Cuộc đời của Pi được công chiếu
năm 2012 của
đạo diễn Lý
An đã gây ấn tượng với hình ảnh con hổ Richard Parker một con hổ
Bengal được xây dựng bằng công nghệ đồ họa tân tiến và hiện đại bậc nhất vào thời
điểm đó tạo nên hiệu ứng về hình ảnh của con hổ tuyệt đẹp và sống động, Con hổ
trong phim phần lớn là do sự sáng tạo kỳ diệu của kỹ thuật số CGI tiên tiến, kỹ
thuật này tạo nên một sinh vật sống động như thật dựa trên tư liệu về hình ảnh
và vật lý từ bốn chú hổ Bengal [273] và
được đánh giá là con hổ được tạo từ các kỹ xảo đồ họa máy tính thật nhất trong
lịch sử [274]. Và
việc tạo hình chú hổ này là cả một quá trình công phu của êkip làm phim. Trong
bộ phim có 23 cảnh quay với hổ thật và xen kẽ vào đó là hổ CG. Đoàn làm phim
quay phim với con hổ thật trước trong khoảng 4,5 tiếng, phần khó nhất là khuôn
mặt. Các chuyên gia đã thu thập tất những chi tiết quan trọng từ 4 chú hổ thật
với 3 chú hổ ở Pháp và 1 ở Canada. Chú hổ đực tên King là mô hình chính để tạo
dựng chú hổ Richard Parker, trong khi 2 hổ cái được sử dụng làm mô hình để tạo
nên những hành động hung hãn của Parker. Còn trong những lúc Parker ngoan ngoãn
hơn, như khi bị say sóng, thì các chuyên gia lại dựng mô hình theo chú hổ
Canada.[275] [276].
Shin Long
Trong trò chơi điện tử Đấu trường đẫm máu (tên gốc tiếng Anh:
Bloody Roar, tên tiếng Nhật: ブラッディロア (Nhật: Buraddi Roa ?) do công ty Hudson của Hoa Kỳ sản
xuất và sau đó được hãng Konami của Nhật
Bản phát triển trên hệ máy PS (Playstation) và XBox với nội dung là những
trận đánh giữa những người hóa thú, trong đó hai nhân vật là Shin Long một cao
thủ võ thuật và là một sát thủ khi biến hình (thú hóa) anh sẽ trở thành một
con hổ Trung Hoa, sử dụng võ công truyền thống của Trung
Hoa, với những đòn liên hoàn đẹp mắt từ tinh hoa của võ học Trung Hoa với những
đòn thế liên quan đến động tác của loài hổ. Cũng trong trò chơi này, Long có một
kẻ thù nguy hiểm là Shen Long (Thanh Long) cũng là một kẻ có khả năng thú hóa
thành một con hổ
trắng (chính xác là cọp
xám) và cũng chính là bản sao của Long với cách đánh tương tự như Long
nhưng lại sử dụng nhiều các chiêu thức của võ công đã cách tân (nhiều các đòn
thế của võ đường phố).
Một bộ truyện tranh của Nhật Bản được lưu hành tại Việt Nam có
tên Tiểu hòa thượng kể về chú tiểu Nhất Viên trong hành trình đi đi tìm 12 linh
thú và dùng sức mạnh của linh thú kết hợp với sức mạnh 12 sao tà, 12 đệ tử của
Tiên Đạo Môn để chống lại Kasa đang dần trở lại sau 500 năm để trừ họa cho thế
gian cũng có kể về một nhân vật liên quan đến đó là Ác hổ Lý Sam, đại ca của
băng Hổ đói anh này chính là một trong 12 linh thú và cầm tinh con hổ, sau khi
được hướng dẫn, Lý Sam đã sang Ấn Độ để tìm vũ khí cho mình đó là Bóng hổ, một
con hổ màu đen nhanh chập chờn và lợi hại. Điều thú vị là trong truyện này có kể
về 12 linh thú (tượng trưng cho 12 con giáp), 12 sao tà (tượng trưng cho 12
cung hoàng đạo).
Hổ độc không cự được cáo đàn
Là loài vật mạnh mẽ, lại ngộ nghĩnh, độc đáo và giàu ý biểu
tượng, hổ được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành
ngữ, tục ngữ, ngạn ngữ một cách rộng rãi.
Theo thống kê sơ bộ, người Việt có khoảng 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành
ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca có
liên quan đến loài hổ [277][278]. Những
thành ngữ chỉ về con hổ được trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực các nhau trong đời
sống xã hội, có nhiều câu chỉ trực tiếp hoặc gián tiếp và người ta thường sống
trong lời ăn tiếng nói của dân gian mượn chuyện con hổ để răn mình và nhắc nhở
người. Những câu thành ngữ có thể kể đến là:
Hổ dữ không ăn thịt con (Tục ngữ Việt Nam)
Hổ phụ sinh hổ tử và một thành ngữ ý trái ngược là Hổ
phụ sinh cẩu tử/ khuyển tử
Miệng hùm gan sứa.
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn (Truyện Kiều)
Râu hùm, hàm én, mày ngài (mô tả về Từ Hải trong
Truyện Kiều)
Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.
Hổ mọc thêm cánh.
Không vào hang hổ làm sao bắt được hổ con (Hán
Việt: Bất nhập hổ huyệt yên đắc hổ tử)
Cáo mượn
oai hùm hay cáo giả oai hùm (Hán Việt: Hồ giả hổ uy)
Thả hồ về rừng.
Điệu hổ ly sơn hay còn gọi là Dụ hổ rời núi (Binh pháp).
Hùm nằm cho lợn liếm lông.
Hoạ hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm (dịch
nghĩa: Vẽ hổ
vẽ da khó vẽ xương/ biết người, biết mặt, biết lòng sao?).
Tọa sơn quan hổ đấu: Ngồi ở trên núi cao mà xem cọp đánh
nhau (Binh pháp).
Làm bạn với vua như đùa với hổ.
14. Chú thích:
1. “Con hổ trong
văn hóa thế giới”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đ.T. Ngày 6 tháng 8 năm
2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
2. “Tigers in Popular
Culture”. Tigers-World.com. Ngày 15 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 7
tháng 10 năm 2013.
3. “Cuộc
giành giật xác người với bầy hổ đói ở Mường Lát”. VTC News. Lê Quân.
Ngày 5 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
4. “Chuyện
thú vị về lễ hội bắt hổ ở thung lũng Lòn Bon”. VTC News. Long Vân.
Ngày 23 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
5. “Bí
mật về đàn mãnh thú rừng xanh ở Hà Nội”. VTC News. Phạm Ngọc Dương.
Ngày 27 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
6. “Tranh dân gian
ngũ hổ”. VOV online. Phan Quán. Ngày 18 tháng 2 năm 2010. Truy cập
ngày 7 tháng 10 năm 2013.
7. “Xem
bẫy hổ”. 24h. Ngày 17 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm
2013.
8. “'Vương
quốc' của thần hổ và ma trành”. VTC News. Gia Linh. Ngày 20 tháng 7
năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
9. “Hình
tượng con hổ trong văn hóa Việt Nam”. Tạp chí VH, TT VÀ DL Vĩnh
Phúc. Côn Giang. Ngày 15 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
10. “Hình
tượng chúa sơn lâm trong điệu múa cung đình "Long Hổi hội". NET
Cố đô. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ngày 23 tháng 7 năm 2013. Truy cập
ngày 7 tháng 10 năm 2013.
11. “Ca
dao, tục ngữ, thành ngữ về Hổ”. 24h. Hipteen Sinja. Ngày 7 tháng 2 năm
2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
12. “Kinh
tế Việt Nam có cơ hội thành một 'con hổ' mới”. VnExpress. Anh Quân.
Ngày 21 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
13. “Con Hổ Việt Nam và
những tiếng gầm gừ”. Hội Doanh nhân. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
14. Nỗi
lo cho loài hổ trong năm Canh Dần
15. “Tiger
tops dog as world's favourite animal”. Independent Online. Ngày 6
tháng 12 năm 2004. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
16. “CBBC
Newsround - Animals - Tiger 'is our favourite animal'”. BBC News. Ngày 6
tháng 12 năm 2004. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
17. “Endangered
tiger earns its stripes as the world's most popular beast - Independent, The
(London) - Find Articles at BNET.com”. Findarticles.com. Ngày 6 tháng 12
năm 2004. Bản
gốc lưu trữ ngày 20 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm
2013.
18. “World's
first tiger summit ends with £330m pledged amid lingering doubts”. The
Guardian (London: Jonathan Watts). Ngày 24 tháng 11 năm 2010. Truy cập
ngày 1 tháng 9 năm 2011.
19. “Vietnam
observes International Tiger Day”. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
20. “International Tiger Conservation Forum”. Tiger
Conservation Forum. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
21. “Lần
đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày quốc tế Hổ”. VnExpress. Hương Thu. Ngày
28 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
22. “Cách
chọn chó con khôn giữ nhà theo kinh nghiệm dân gian”. infonet.vn. 4 tháng 1
năm 2016. Truy cập 4 tháng 2 năm 2018.
23. a ă â b c d đ e ê g h i k l m Năm
Dần, tản mạn về Hổ - Văn hóa Nghệ An
24. “Các
vị thuốc tên hổ”. Báo Sức khỏe và Đời sống. Nguyễn Đức Quang. Ngày
15 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
25. “Những
chuyện xung quanh "ông Ba Mươi". Báo Pháp luật và Xã hội.
Văn Thông. Ngày 8 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
26. a ă â Năm Dần nói chuyện cọp
trong nghệ thuật - Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh
27. “Chinese
Tiger Culture”. Cultural China. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
28. “Ý
nghĩa và biểu tượng của một số mô típ trang trí tiêu biểu trong điêu khắc đình
làng”. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa. Nguyễn Văn Cương. Truy cập ngày 7
tháng 10 năm 2013.
29. a ă “Năm
Dần, tản mạn về Hổ”. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Trần Quang Đại. Ngày 11
tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
30. a ă “Con hổ trong
văn hóa thế giới”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đ.T. Ngày 6 tháng 8 năm
2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
31. a ă “Hình
tượng con hổ trong văn hóa Việt”. Báo Gia đình và Xã hội. Chung Khắc
Nam. Ngày 11 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
32. “Cuộc
đối đầu giữa rồng và hổ”. tuanvietnam.net. Châu Giang. Ngày 25 tháng 4
năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
33. “18h00
chiều nay, XMXT.SG - XM V.HP: Long hổ giao đấu”. Báo Thể thao và Văn hóa. Tùy Phong. Ngày 15 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
34. “Hình
tượng chúa sơn lâm trong điệu múa cung đình "Long Hổi hội". NET
Cố đô. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ngày 23 tháng 7 năm 2013. Truy cập
ngày 7 tháng 10 năm 2013.
35. “Voi
đấu hổ - cuộc so tài đầy bất công”. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Dương Quán.
Ngày 6 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
36. “Năm
Dần, tản mạn về Hổ”. Báo Văn hóa Nghệ An. Trần Quang Đại. Ngày 11
tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
37. “Sự
thật bất ngờ về "năng lực phòng the" kém cỏi của hổ”. VTC
News. Phạm Ngọc Dương. Ngày 3 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm
2013.
38. “Cảnh
nuôi hổ như nuôi gà ở Trung Quốc”. Báo VietNamNet. Lê Thu. Ngày 26
tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
39. “Đi
buôn hổ, lợi nhuận cao, chế tài thấp”. TuanVietnam.net. Nguyễn Đình
Xuân. Ngày 5 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
40. Cooper,
J.C. (1992). Symbolic and Mythological Animals. London: Aquarian Press.
tr. 226–27. ISBN 1-85538-118-4.
41. Frank
McLynn (2006). 1759:
The Year Britain Became Master of the World. Canongate Books.
tr. 163. ISBN 9780802142283. [1]
42. Charles
Francis Richardson (1883). Good
literature: a literary eclectic weekly, Volume 5. AbeBooks. tr. 114.
43. Oliver
Goldsmith; Georges Léopold C.F.D. Cuvier (baron de.) (1847). A history of
the earth and animated nature, with an intr. view of the animal kingdom tr.
from the Fr. of baron Cuvier, notes and a life of the author by W. Irving.
tr. 367. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2011.
44. Neubecker,
Ottfried (1976). Heraldry: Sources, Symbols and Meaning. Maidenhead, England:
McGraw-Hill. ISBN
0-07-046312-3, p. 83
45. Summers, Montague (1966). The
Werewolf. University Books. tr. 21. ISBN 0-517-18093-6.
46. a ă Encyclopædia
Britannica Eleventh Edition. 1910-1911. Kiểm tra giá trị ngày tháng
trong: |date= (trợ giúp)
47. Zie
48. Valmik
Thapar, Permanent Black (2006). Saving Wild Tigers 1900-2000: The
Essential Writings. Orient Longman. tr. p347. ISBN 81-7824-150-1.
49. Matthiessen,
Peter; Hornocker, Maurice (2001). Tigers In The Snow. North Point
Press. ISBN 0-86547-596-2.
50. Ký ức
kinh hoàng về thú dữ
51. Xem
bẫy hổ - tin trong ngay - Tin tuc trong ngay 24h
52. Theo
Kiến thức ngày nay số 701, tr. 59.
53. Truyền
kỳ làng săn hổ
54. a ă Kỳ
1: Hậu duệ bác Ba Phi - Chính trị Xã hội - Phóng sự Ký sự - Tuổi Trẻ Online
55. Cọp
trong văn hóa dân gian Đông Nam Bộ
56. Thợ
săn hổ giải nghệ và phát súng trượt đêm trăng xế - VTC News
57. a ă â b c Hình
tượng con hổ trong văn hóa Việt - giadinh.net.vn
58. “Thế
giới chúa tể sơn lâm”. Báo Đà Nẵng. Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
59. “Nhiệt
độ xuống thấp đe dọa hổ Siberia - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt
Nam. Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
60. Cooper,
J.C (1992). Symbolic and Mythological Animals. London: Aquarian Press.
tr. 226-27. ISBN 1-85538-118-4.
61. a ă Con
hổ trong quan niệm của người Trung Quốc
62. CHUỘT
TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI
63. a ă â b c d KBS
World Radio
64. KBS
World Radio
65. a ă â b c Những
con Hổ trên mặt trống đồng Đông Sơn - Thể thao và Văn hóa
66. Năm
Canh Dần thần Hổ - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.
67. Phanh
xác hổ dữ, báo thù cho thiếu nữ bạc mệnh - VTC News
68. Giận
chúa sơn lâm, đập tan miếu cổ - VTC News
69. Bí
ẩn miếu thờ thần hổ bên bờ suối Vó Ấm - VTC News
70. Hổ
dữ bắt người và ký ức kinh hoàng về cuộc huyết chiến "ông ba mươi"
ngay trước sân nhà - giadinh.net.vn
71. Bí
ẩn chuyện cọp 3 chân tha mạng nhà sư - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
72. Bí
ẩn chuyện cọp 3 chân tha mạng nhà sư - VTC News
73. a ă Cả
họ kinh sợ vì cọp bắt người - VTC News
74. a ă â Tuổi
Trẻ Online - Tuổi trẻ cười:
75. Chuyện
xưa kỳ bí: Săn hổ dữ hại dân bằng… thần chú! - VTC News
76. Những
miền đất huyền sử - Kỳ 4: Thiên Y A Na và tùy tướng Bạch Hổ
77. Take the 'Guinness
World Records 2009' pop-culture quiz! - PopWatch - EW.com. Popwatch.ew.com.
Truy cập 2012-05-28.
78. The
World's... and Me - Series 3 - Episode 1 - The World's Strangest Plastic
Surgery and Me. Channel 4. Truy cập 2012-05-28.
79. It's
a weird world of world records. The Courier-Mail (2008-09-21). Truy cập
2012-05-28.
80. "Người
mèo" Mỹ chết bí ẩn
81. 'Người
mèo' Mỹ chết bí ấn
82. "Người
mèo" Mỹ chết bí ấn - Thời sự quốc tế - Người Lao động Online
83. a ă â b c Một
mình truy lùng cọp "chúa" thành tinh danh nhau voi cop - Tin tuc
84. Kỳ
1: Đối mặt chúa sơn lâm - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
85. a ă Rợn
tóc gáy với kỳ nhân giết hổ, nuốt lửa, cắn sắt nung - VTC News
86. “Những
chuyện xung quanh "ông Ba Mươi". Báo Pháp luật và Xã hội.
Văn Thông. Ngày 9 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
87. Xôn
xao vụ "hổ sổng chuồng, chân dính máu" - Thời sự - Dân Việt
88. “Săn
thú rừng U Minh”. Báo Nông nghiệp Việt Nam. Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
89. Rùng
rợn đêm nghe tiếng hổ gầm ở đại ngàn Yên Bái - VTC News
90. Chuyện
săn hổ giữa đêm khuya trong thung lũng - Cop - Tin tuc trong ngay
91. Chuyện
xưa kỳ bí: Săn hổ dữ hại dân bằng… thần chú! - VTC News
92. Thợ
săn hổ giải nghệ và phát súng trượt đêm trăng xế - VTC News
93. “Vào
nơi từng là tâm điểm của ma trành, thần hổ”. VTC News. Gia Linh. Ngày
19 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
94. Nam
con ho tan man ve ong Ba muoi
95. Bi
thảm số phận người sơn tràng giết hổ - VTC News
96. “Cọp
khổng lồ và mối thù phải trả với thợ săn U Minh Hạ”. VTC News. Phạm Ngọc
Dương. Ngày 16 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
97. Perry,
Richard (1965). The World of the Tiger. 260. ASIN: B0007DU2IU.
98. Thực
hư chuyện hổ dữ vượt biên từ Lào - Sự kiện - Dân trí
99. Làng
bắt hổ và trận chiến "không tưởng" giữa người với mãnh thú - Phóng sự
- Pháp Luật Xã hội
100. Cuộc
chiến sinh tử bắt sống "chúa sơn lâm" của phường săn huyền thoại -
giadinh.net.vn
101. Khi
quý ông "tiền mất, tật mang" vì tin nhầm… pín hổ - VietNamNet
102. Đôi nét về văn
hóa, tín ngưỡng của người Hoa ở Bắc Giang
103. Thú
chơi móng vuốt ngàn đô của đại gia - VietNamNet
104. Cuộc
chơi nanh vuốt: Bỏ ngàn đô săn lùng hàng giả - VietNamNet
105. Xôn
xao một tin đồn kinh dị-tin trong ngay |Tin tuc trong ngay 24h
106. Nhân
năm Dần nói chuyện... Hổ - Thể thao và Văn hóa
107. Kỳ
2: Chúa sơn lâm vào... nồi - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
108. Tập
quán đi săn Hổ của người Sán Dìu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc
109. “Bàng
hoàng hổ xuống núi 'vồ dân'”. 24h. Ngày 13 tháng 4 năm 2010. Truy cập
ngày 7 tháng 10 năm 2013.
110. “Năm
con Hổ tản mạn về… ông Ba mươi”. Báo Gia Lai. Đoàn Minh. Ngày 11 tháng
2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
111. “Huyền
thoại vua săn hổ núi rừng Tây Bắc”. 24h. Ngày 15 tháng 9 năm 2010.
Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
112. “Xem
bẫy hổ”. 24h. Ngày 17 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm
2013.
113. Chuyện
thú vị về lễ hội bắt hổ ở thung lũng Lòn Bon - Phóng sự - Khám phá - VTC News
114. Lời
cảnh báo từ cái chết của tê giác
115. “Bí
ẩn nơi yên nghỉ của những người bị hổ vồ”. VTC News. Ngày 24 tháng 12
năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
116. “SGGP Online”.
Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
117. Bí
mật sau chiếc sọ cọp cái ba chân ở chùa Diêu Quang - Phật giáo và đời sống
118. Đặc
biệt trên báo in ngày 01.11.2013 - Đời sống - Thanh Niên Online
119. Tuyệt
kỹ phái võ "hổ trảo" vang danh khắp thiên hạ
120. Giải mã bí ẩn bỗng dưng "biển tách làm
đôi" ở Hàn Quốc
121. Tạp chí văn
hóa nghệ thuật
122. Lời
đồn người chết hóa hổ và mộ 9 tầng đá ở Sơn La
123. Tản
mạn về hình tượng Hổ trong quyền thuật - Thể thao - Thanh Niên Online
124. Gupta,
O. (2006). Encyclopaedia
of India, Pakistan and Bangladesh. Delhi: Gyan Publishing.
tr. 313. ISBN 8182053897.
125. “Currency
in Circulation” (bằng tiếng Anh). Banca del Bangladesh. Truy cập 5
luglio 2010. Đã bỏ qua tham số không rõ |urlarchivio= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng
trong: |accessdate= (trợ giúp)
126. National
Geographic Magazine, À travers le livre de la jungle, "Lieux et
personnages", hors-série n°2, janvier 2003
127. Jackson,
P. (1999). The
tiger in human consciousness and its significance in crafting solutions for
tiger conservation. Pages 50-54 in: Seidensticker, J., Christie, S.,
Jackson, P. (eds.) Riding the Tiger. Tiger Conservation in human-dominated
landscapes. Cambridge University Press, Cambridge. hardback ISBN 0-521-64057-1, paperback ISBN 0-521-64835-1.
128. Pakistan
Hổ trắng chết vì vận động tranh cử-ho trang chet |Tin tuc
129. a ă DiPiazza,
F. (2006). Malaysia
in Pictures. Twenty-First Century Books. tr. 14. ISBN 978-0-8225-2674-2.
130. ĐT
Hàn Quốc: Hổ Đông Á vươn mình - Thể thao và Văn hóa
131. Những
biểu tượng thương hiệu thành công nhất thế kỷ 20 - VnExpress Kinh doanh
132. Jens
Jungmann,Bernd Sagemann. 2011. p. 525
133. Tây
Sơn thất hổ tướng: Vị tướng diệt ác, trừ gian - Văn hóa - Nghệ thuật - Thanh
Niên Online
134. “Bước
ngoặt kỳ lạ của 'Hùm xám' Tây Nguyên”. Báo Điện tử Tiền Phong. Truy cập 7
tháng 2 năm 2015.
135. “Giải
võ Việt: Truyền nhân Hùm xám dính đòn đau”. 24h.com.vn. Truy cập 7 tháng 2
năm 2015.
136. "Hùm
xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Ba chân hổ" huyền thoại”. Báo điện
tử VTC News. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
137. http://nongnghiep.vn/.
138. Truyền
kỳ về: "Quảng Đông Thập Hổ" - Thể thao - Thanh Niên Online
139. Tien
Giang
140. “Địa danh Đồng Nai mang tên động vật và thực
vật, Góc học tập, Đông Phương, Đại Học Lạc Hồng”. Truy cập 3 tháng 6 năm
2014.
141. Hình
tượng con hổ trong văn hóa Việt Nam-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh
Phúc
142. Các
vị thuốc tên hổ - Y học cổ truyền - suckhoedoisong.vn
143. a ă Chật
vật chiêu hàng hổ đóng Tây Du Ký
144. Nơi
Võ Tòng đả hổ bây giờ trở thành di tích của thành phố Liễu Thành
145. Sự
thật chuyện "vua nói xạo" một mình một gậy đả bại hổ dữ -giadinh.net.vn
146. Kazin,
Alfred. "Introduction". The Portable Blake. The Viking Portable
Library, trang 41-43
147. Tiểu
thuyết 'Cọp trắng' giải thiêng văn hóa Ấn Độ - VnExpress Giải Trí
148. Ấn
Độ trong Cọp Trắng - Văn hóa giải trí - Pháp Luật TP.HCM Online
149. Góp
phần tìm hiểu biểu tượng con thỏ trong văn hóa Khmer Nam Bộ qua truyện cổ
150. Bảo
tồn "chúa sơn lâm" ở Trung Quốc - Báo giấy - BáoTinTức.vn
151. Hình
tượng con hổ trong văn hóa thời Nguyễn
152. 60
bức tranh Hổ: khởi đầu cho năm 2010 - ĐÀI TIẾNG NÓI Việt Nam - VOV.VN
153. Thuyết
Âm Dương Ngũ hành trong tranh Hổ
154. Tranh
Ngũ Hổ - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc
155. a ă Tranh dân gian
ngũ hổ - ĐÀI TIẾNG NÓI Việt Nam - VOV.VN
156. a ă Những
cấm kỵ khi bài trí hổ phong thủy -ho phong thuy| Nha dep
157. Truy
tìm nguồn gốc loài thú lạ trên mái chùa Một Cột
Truy-tim-nguon-goc-loai-thu-la-tren-mai-chua-Mot-Cot
158. Nhận
thức tính phổ quát liên văn hóa trong mỹ thuật cổ truyền qua ví dụ hình tượng
con nghê ở đền miếu - Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam
159. Hình
tượng Hổ trên gốm cổ Việt Nam
160. Giác
Ngộ Online - Tết Canh Dần 2010 - Hình con hổ trên gốm Việt cổ
161. a ă Các
con vật linh trong phong thủy - aFamily
162. Hình tượng con hổ
trong văn hóa thời Nguyễn - Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu
163. Vị
thế của hình tượng sư tử trong Mỹ thuật Đại Việt - Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ
thuật Thành phố Hồ Chí Minh
164. Bình
phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền
165. Vụ
Bức bình phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền: Làm không đúng, báo cáo sai sự thật
166. Vụ
bình phong có con hổ ở lăng Ngô Quyền: Dòng họ Ngô không được tham gia giám sát
dự án
167. Hình
tượng chúa sơn lâm trong điệu múa cung đình "Long Hổi hội"
168. a ă “La tigre
e lo Shotokan”. Arti Marziali Salrno, M. Guerrasio. Truy cập 3 giugno2011. Kiểm
tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate
169. a ă â Câu
chuyện về võ thuật và linh thú cổ - Báo Điện tử Võ thuật Việt Nam
170. a ă Tư thế hổ
trong võ cổ truyền
171. a ă Võ
hổ ở Việt Nam
172. http://phunutoday.vn/
173. “Video:
Hổ Bengal săn bò tót Ấn Độ”. Báo Đất Việt. Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
174. [2]
175. Cuộc
chiến sinh tử giữa hổ vằn và cá sấu
176. “Vương
quốc của voi và hổ - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 3
tháng 6 năm 2014.
177. Trâu
đánh cọp
178. Xem
cuộc đấu sinh tử giữa hổ Bengal và hổ Siberia
179. Vào
nơi từng là tâm điểm của ma trành, thần hổ - VTC News
180. Cọp
khổng lồ và mối thù phải trả với thợ săn U Minh Hạ - VTC News
181. Hổ
vằn ác chiến đẫm máu giành lãnh thổ - VTC News
182. a ă Trận
đả hổ kinh thiên động địa của môn phái Tân Khánh Bà Trà
183. Theo
dấu người xưa - Kỳ 44: Chùa Diêu Quang và giai thoại đánh cọp - Văn hóa - Nghệ
thuật - Thanh Niên Online
184. Chiếc
sọ cọp huyền bí ở chùa Diêu Quang - Thiền - Kienthuc.net.vn
185. Vua
săn hổ và cái chết thảm - Xã hội - Dân trí
186. Cơ
duyên của trận "long tranh hổ đấu"
187. Trận
thách đấu chấn động làng võ của chưởng môn Hắc Hổ Thiết quyền đạo
188. Hổ
ở Việt Nam
189. Maciocia,
G 2005, p. 117, The Foundations of Chinese Medicine, 2nd edn, Churchill
Livingston, Edinburgh
190. Liên
đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
191. BaoBinhDinh - Về
đất võ xem Hổ quyền
192. BaoBinhDinh - Võ
sư "quyền 3 chân hổ": Tuyệt kỹ công phu
193. Tuyệt
kỹ võ công thuần Việt huyền thoại - VTC News
194. Tuyệt
kỹ võ công thuần Việt huyền thoại
195. “La scuola Shotokan”.
shotokaionline.com. Truy cập 3 giugno 2011. Kiểm tra giá trị
ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)
196. 15
năm thành lập môn phái Bạch Hổ Lâm
197. a ă Võ sư Bạch
Hổ
198. Tản
mạn về Hổ
199. Trót
mang tiếng "con gái tuổi Dần" - Tình yêu - Giới tính - Dân trí.
200. Vì
sao con gái tuổi Dần khó lấy chồng? | aFamily
201. Phat
Giao Bac Lieu - Hình tượng con hổ trong văn hóa thời Nguyễn (Hải Vân)
202. Hổ
nhảy lầu mất mạng vì pháo hoa
203. China
ABC-Câu chuyện "Tam Nhân Thành Hổ"
204. Il-yeon: Samguk Yusa: Legends
and History of the Three Kingdoms of Ancient Korea, translated by Tae-Hung Ha
and Grafton K. Mintz. Book Two, page 125. Silk Pagoda (2006). ISBN
1596543485
205. (tiếng
Triều Tiên) Gyeon
Hwon at Encyclopedia of
Korean Culture
206. Thảo
cầm viên Sài Gòn - vườn thú - thao cam vien
207. Tìm
hiểu kiến thức
208. a ă Chuyện
thú vị về tình trường của hổ - VTC News
209. Đấu
trường đấu hổ độc nhất thế giới ở Việt Nam - VTC News
210. Náo
loạn Thảo Cẩm Viên vì hổ xổng chuồng - ho - Tin tuc trong ngay 24h
211. a ă â Những
con Hổ trên mặt trống đồng Đông Sơn - 1000 Years Thang Long (VietNamPlus)
212. Nuôi hổ dữ để xử
án
213. “Bảo
vật quốc gia - Tượng rồng đá kỳ lạ”. Thanh Niên Online. Truy cập 3 tháng 6
năm 2014.
214. a ă Hoàng
hậu gan dạ hai lần bảo vệ vua trước hổ dữ, voi điên… - Phóng sự - Pháp Luật Xã
hội
215. a ă Chuyện
đấu hổ, đấu voi ngày xuân - Văn hóa - Thể thao -suckhoedoisong.vn
216. Người
đấu hổ cuối cùng ở Thất Sơn - PLO
217. Hổ
tinh' và cái chết oan của cha danh tướng Nguyễn Xí - Văn hóa - Dân trí
218. Hổ
tinh và cái chết oan khuất của cha Nguyễn Xí
219. Chuyện
về Phùng Hưng của đất Đường Lâm hai vua
220. Ly
kỳ chuyện hổ cõng lợn về góp giỗ tại dinh Tổng
221. Voi
đấu hổ - cuộc so tài đầy bất công - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử
222. Chuyện
thú vị bộ cốt 'Ông Cọp' ở Cần Thơ
223. Những
di tích kỳ bí - Kỳ 11: Hổ trắng ba chân về nghe kinh Phật
224. “Thần
hổ xám ăn thịt cả chục người bên gốc gạo khổng lồ”. Báo điện tử VTC News.
Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
225. Thần
hổ khổng lồ ăn thịt mấy chục người ở Thanh Hóa
226. Những
di tích kỳ bí - Kỳ 13: Thầy tu đả hổ
227. Những
di tích kỳ bí - Kỳ 17: Hổ trắng và đôi rắn khổng lồ ở thành Thọ An
228. Trả
lời phóng viên David Schoenbrun của báo New York Times trong cuộc phỏng vấn
ngày 11 tháng 9 năm 1946 tại Paris.
Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr. 379
Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr. 379
229. Tướng
Giáp kể 'cuộc chiến giữa hổ và voi' - VnExpress
230. Việt
Nam: Con hổ đang chuyển mình - Xã hội - Dân trí
231. Việt
Nam: Từ con hổ châu Á đến chú mèo ngủ đông
232. Sự
thật bất ngờ về "năng lực phòng the" kém cỏi của hổ - VTC News
233. Ngày
Quốc tế Hổ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam - ANTĐ - Báo điện tử An Ninh Thủ
Đô
234. Người
cắt đầu hai con hổ và cái chết của "vua săn hổ" - VTC News
235. "Võ
Tòng" kể đêm hạ sát ác thú khổng lồ trừ họa cho dân - VTC News
236. Tận
thấy "bảo tàng giết chóc thú" khủng khiếp ở Sơn La - VTC News
237. Cuộc
giành giật xác người với bầy hổ đói ở Mường Lát - VTC News
238. "Võ
Tòng" kể đêm hạ sát ác thú khổng lồ trừ họa cho dân - VTC News
239. Giai
thoại "Võ Tòng" đả hổ ở Sài Gòn - VTC News
240. Bí
ẩn nơi yên nghỉ của những người bị hổ vồ - VTC News
241. Chuyện
phi thường 2 cô gái "Võ Tòng đả hổ" ở VN - VTC News
242. BĂ
máşt váť Ä‘Ă n mĂŁnh thĂş rᝍng xanh áť&#x; HĂ Náť™i - VTC News
243. Hãi
hùng cọp dữ trêu người ở Mường Lát - VTC News
244. VTC News Những phóng sự hấp dẫn về 'chúa tể rừng xanh'
245. Chấm dứt nạn buôn bán hổ trái phép
246. Lần
đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày quốc tế Hổ - VnExpress
247. Thủ
tướng đồng ý thí điểm nuôi hổ tại Bình Dương - VnExpress
248. Cận
cảnh trang trại nuôi hổ lớn nhất miền Bắc - Những hình ảnh danh nhân, video hài
hước, hình ảnh thiên nhiên kỳ thú
249. Ở
nơi hổ đẻ sòn sòn - Tiền Phong Online
250. Trang
trại nuôi hổ: Để hay dẹp? - Tiền Phong Online
251. Sửng
sốt điểm nuôi nhốt hổ như nuôi lợn - Xã hội - Dân trí
252. Tiết
lộ của người "nuôi hổ như nuôi lợn" - Xã hội - Dân trí
253. Vụ
'nuôi hổ như nuôi lợn': Nơi được nhờ chăm lên tiếng - VietNamNet
254. Ai
bảo kê cho cả làng nuôi hổ trái phép? - Báo Lao động Điện Tử - Tin tức online
24h
255. Vụ
bắt 2 hổ dân nuôi: Chờ tỉnh! - VietNamNet
256. 'Tạm
gửi' 2 cá thể hổ bị bắt giữ tại Diễn Châu - VietNamNet
257. 49
triệu USD để bảo tồn hổ: Bài toán khó - Tiền Phong Online
258. Rouf, 303,
trích dẫn Zelenine, Tục thờ thần tượng ở Xibia, Paris, 1952
259. Hara
322 - Harva Uno, les representations religieuses des peuples altaiques, traduit
de l'alle - mand par Jean-Louis Perret, Paris,1959.
260. Balambal,
V (1997). “19. Religion -
Identity - Human Values - Indian Context”. Bioethics in India:
Proceedings of the International Bioethics Workshop in Madras: Biomanagement of
Biogeoresources, 16-ngày 19 tháng 1 năm 1997. Eubios Ethics Institute. Truy cập
ngày 8 tháng 10 năm 2007.
261. Singh, U. (2008. A
History of Ancient and Early Medieval India: From the Stone Age to the 12th
Century. Pearson Education, India.
262. Cooper,
JC (1992). Symbolic and Mythological Animals. London: Aquarian Press.
tr. 161-62. ISBN 1-85538-118-4.
263. Summers, Montague (1966). The
Werewolf. University Books. tr. 21.
264. Miguel
Covarrubias, Island Of Bali, 1937, NY published by Alfred A. Knopf Inc., pp. 75
265. THE EPIC OF
GILGAMESH
266. Indus
Valley Civilisation-1
267. a ă Vratislav
Mazák: Der Tiger. Westarp Wissenschaften; Auflage: 5 (April 2004), unveränd. 3.
Aufl. von 1983 ISBN 3-89432-759-6. trang 9
268. Anthony
King (2002), The natural
history of Pompeii, Cambridge University Press, ISBN 9780521800549
269. Roland
Auguet (1994), Cruelty and
civilization: the Roman games, ISBN 9780415104531
270. William
Bridges (ngày 22 tháng 8 năm 1959), “Lion
vs. tiger: who'd win?”, The Spokesman-Review
271. Wild
Animals in and out of the Zoo by William M. Mann, Director, National Zoological
Park, Vol. 6 of the Smithsonian Scientific Series, 1930, p. 82
272. Nguyên
văn:In the records of the Roman arena we found that the tiger was usually
victorious in such a combat
273. ‘Life
of Pi’, tin vào những điều không tưởng - VnExpress Giải Trí
274. Quá
trình tạo chú hổ đồ họa trong Life of Pi - Số Hóa VnExpress
275. "Life
of Pi" - Phim mạo hiểm nhất của Lý An - Thể thao và Văn hóa
276. "Cuộc
đời của Pi" Siêu phẩm điện ảnh mới! - Văn hóa - Giải trí
277. Ca
dao, tục ngữ, thành ngữ về Hổ-cuoi - Cuoi 24H 24h
278. Hình
ảnh con hổ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Vĩnh Phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét