Nguyễn Tuân
Trong di cảo của nhà thơ Phạm Tiến Duật, báo Tinh Hoa Việt, số
ra ngày 10-11-2016, có đoạn:
Trong số các nhà văn quý trọng sự uống rượu có cụ Nguyễn
Tuân. Cụ chơi với rượu như chơi với phở. Nhấm rượu như nhấm đời vậy thôi. Chúng
tôi là đám cây bút ranh con làm sao dám đánh đu với Nguyễn Tuân. May mà không bị
cụ đuổi khéo lần nào. Về mặt phẩm chất, Nguyễn Tuân là một nhà thơ nhiều hơn là
một nhà văn. Cụ là một nhà thơ và nhà báo, có nghề nghiệp của nhà điều tra viên
cao cấp. Người đời cứ nghĩ cụ kiêu, nhưng không phải. Chẳng hạn như trường hợp
Đỗ Chu khi ấy mới cho ra được dăm cái truyện ngắn nổi tiếng mà Nguyễn Tuân đã bỏ
thì giờ thẩm từng câu văn của cậu lính trẻ pháo binh. Ngồi với cụ rất thú, học
hỏi được nhiều, nhưng phải chịu lời mắng mỏ của cụ. Nguyễn Tuân mắng: “Thằng
này không biết ăn phở. Người ta bỏ ra 10 đồng mua bát phở là bỏ ra 7 đồng để
mua nóng, 3 đồng để mua phở. Ăn phở mà ăn chậm là không biết ăn”. Nguyễn Tuân mắng:
“Cậu không biết nói chuyện. Nghe người ta kể, chuyện biết rồi cũng phải tỏ ra
như người chưa biết mới là người biết nói chuyện”. Nguyễn Tuân mắng: “Chê ai
thì chê, đừng chê thẳng thừng thằng có quyền. Phải chê cái thằng na ná như thằng
có quyền nó mới tiếp thu được”… Lần ấy, tôi và nhà văn Đỗ Chu, ngẫu nhiên, ngồi
với Nguyễn Tuân. Đỗ Chu hấp háy mắt, giơ cái cốc lên, tôi biết là thằng trạng
ranh này sắp bịa chuyện. Đỗ Chu không chỉ “xiếc” bạn bè mà dám “xiếc” với cả
các ông lớn. Đỗ Chu nói: “Bác nhìn, đáy cốc đỏ như có máu?”. Nhật xét ấy là
đúng kênh của Nguyễn Tuân, nhưng cụ già không bị lừa. Nguyễn Tuân nói ngay sang
việc khác. Cụ bảo:
- Nhìn và nói phải đúng cái của mình. Bọn phê bình đã bắt bẻ
tớ về cách dùng từ “rúm rượu”. Ơ hay, khi ấy tớ ở Sibêri, nước đông thì rượu
cũng đông. Rượu đã đông thì không thể ngụm một ngụm, tợp một tợp, mà chỉ có thể
bốc một rúm.
Cụ cười khoái trá rồi nói tiếp: Tớ mới ở Hoàng Liên Sơn về. Tớ
có mang về một tảng rêu, cho vào hộp để tặng một nhà lý luận văn nghệ. Đó là một
tảng rêu đỏ như máu chứ không phải rêu xanh. Để nếu tớ viết thì không bị mắng.
Cụ nói như vui chuyện mà nói, nhưng tôi và Đỗ Chu đều hiểu đấy
là thông điệp chúng tôi nghe lúc đầu năm cho chúng tôi và cho xã hội. Phải cầu
thị trước đời sống. Sự cầu thị cần cho đời và cần cho văn chương.
Cho đến tận bây giờ, khi các bậc thầy ấy đã không còn nữa,
tôi vẫn trăn trở mãi, rằng hình như tâm hồn và suy nghĩ của các vị ấy lớn hơn
nhiều so với những gì họ đã viết ra, vẽ ra…
Đương thời, nhà thơ Hoàng Cầm kể:
Cái đêm Nhà xuất bản Hội nhà văn ra mắt các bạn văn nghệ sĩ
là một đêm cuối xuân sang hè. Mưa phùn, có lúc man mác, có lúc oi ả. Không khí ẩm,
lớp nhớp. Năm ấy là 1957.
Trong Ban giám đốc, tôi được phân công làm người giới thiệu
và dẫn dắt chương trình buổi họp mặt, tuy gọi là long trọng nhưng rất có vẻ
thân mật “người nhà”. Cũng có ca sĩ hát mới, hát dân ca, có ngâm thơ, đọc thơ
rôm rả. Đặc biệt tôi mời được bà Nguyễn Thị Phúc, một danh ca trong nghệ thuật
ca trù. Năm ấy, 1957, bà đã quá 40 tuổi, dáng người vẫn thanh tao, đài các, tiếng
phách vẫn ròn, tiếng hát vẫn lanh lảnh, có cả bác Ban, nghệ sĩ đàn đáy, từng lắm
phen bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Tôi lại hẹn trước với anh Ngô Linh
Ngọc: “Cậu sẽ cầm chầu thật phong lưu công tử đấy nhé”. Đủ mặt các nhà văn đàn
anh: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng,
cả Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư… Tôi thắp hương cắm vào
bình đặt dưới ảnh Tản Đà, Ngô Tất Tố và Nam Cao. Mọi người có một phút tưởng niệm
rưng rưng - nhớ nhất Nam Cao. Chắc hẳn đêm nay anh ấy cũng ngồi ở góc nào đấy,
để xem “thế sự” vui buồn gì chăng?
Đêm đã có vẻ gần khuya. Lúc này nghe ca trù mới hợp cảnh,
sinh tình. Bài hát nói Cánh bèo của Tản Đà, mở đầu cho cái nguồn ca
trù, vào giờ ấy, thành ra thiêng. Roi chầu của Ngô Linh Ngọc cũng nhiều xao xuyến.
Hết bài, không có vỗ tay, vì ai cũng như đang đi vào cõi u tĩnh trang nghiêm.
Bác Nguyễn Tuân lặng lẽ rón rén đến rỉ tai tôi:
- Tì bà hành đi!
Tôi bèn trịnh trọng giới thiệu Tì bà hành. Bà Phúc
se sẽ hỏi tôi:
- Hát cả hay trích đoạn, anh Hoàng?
Tôi cũng đáp nhỏ nhẹ, gần như nói thầm:
- Tùy sức khỏe của chị, chứ ai chả thích nghe toàn bài.
Trước cái im lặng chờ đợi, trong niềm rung động nghệ thuật,
bà Phúc lựa lại cỗ phách, bác Ban so lại dây đàn và tôi mời bác Nguyễn cầm chầu.
Nguyễn từ tốn ung dung, bảo nhỏ tôi rót cho bác một ly rượu quê, một thứ rượu
chính cống nếp cái hoa vàng tôi đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Chỉ uống một ngụm
rượu ấy cũng như uống cả một cánh đồng quê tháng mười. Ba tiếng trống gọi của
bác Nguyễn dóng lên, nghe thật đĩnh đạc và ruột gan mình cứ như đang nở ra.
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách.
Tiếng hát của bà Phúc cất lên, chim kêu, vượt hót nào
tày, quyện với nhịp phách như suối reo, thác đổ với ngón đàn đáy bậc thầy
dẫn dắt mọi người vào một cơn say văn hóa đồng bằng sông Hồng, mà tiếng trống
sành điệu của bác Nguyễn cứ đều đều điểm những dấu chấm son cho một bản tình sử
thi buồn xa vời vợi… - Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Đinh Hợi,
2007.
Nhân dịp tuần 100 ngày (30-10-1987) nhà văn Nguyễn Tuân, nhà
văn Đoàn Giỏi nhớ lại chuyến đi biển với nhà văn Nguyễn Tuân cùng nhiều nhà văn
khác năm nào. Bài có tựa đề “Bèo gió giang hồ” đăng trên báo Văn nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh, 30-10-1987).
Chiều tháng Giêng năm Nhâm Tý (1972) trên chiếc khinh hạm
T.152. Ngoài khơi vịnh biển Bắc Bộ trời còn lạnh lắm. Trên đường từ đảo Cô Tô về
đảo Vân Hải, trời đã ngớt mưa. Mấy anh em cùng kéo cả lên boong. Đợt gió mùa
đông bắc “bổ sung” đã dịu rồi, nhưng biển vẫn không ngớt gầm gào.
Trong bài Huyện Đảo, ghi lại chuyến đi này, Nguyễn Tuân
có viết: “Chúng tôi là năm người viết văn xuôi, một nhà điêu khắc và một
anh bạn nhiếp ảnh…”. Đó là Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Bổng, Diệp Minh Châu,
Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Duy Đức và tôi. Nằm chịu lắc ngất ngư gần cả
ngày trong vỏ sắt dày của hầm tàu sực mùi dầu mỡ, ù tai vì tiếng máy tiếng
sóng, buổi chiều tạnh ráo là dịp tất cả chúng tôi kéo nhau lên boong hít thở
không khí trong lành và ngắm biển. Không một cánh chim, không một bóng thuyền.
Chỉ có bao la trời nước vừa tan hết sương mù. Tia nắng mặt trời chiều vàng vọt,
từng lúc hiện ra, từng lúc biến đi, hư ảo chập chờn trên lưng sóng miên man.
Nguyễn Tuân nhắc tẩu thuốc lá ra, nhả khói, nhìn theo làn
khói bay hồi lâu và cười, bảo anh em chúng tôi đang đứng tựa lưng vào một khẩu
đại bác:
- Bây giờ chúng ta cùng làm chung một bài thơ đi, cho vui. Liền
ngâm. Mỗi người hai câu. Một người xướng lên trước, ai nối được ngay vào, cứ nối.
Không biết anh bạn Duy Đức nhiếp ảnh thế nào, chứ nhà điêu khắc
Diệp Minh Châu còn sôi nổi hưởng ứng hơn những anh em văn xuôi chúng tôi. Anh
cười hà… hà…
- Phải rồi. Làm ngay đi, các cha. Anh Tuân đề xuất, vậy anh
xướng trước đi.
Anh Tuân cười - cái cười bằng mắt, gieo vui ấm áp cho tất cả
bạn bè xưa nay - thong thả móc chai rượu dẹp bỏ túi, trong áo véttông và chiếc
cốc bạc tùy thân ra, đặt xuống sàn tàu, rồi anh ngồi phệt xuống bên cạnh:
- Mời các cha mỗi người làm một cốc cho ấm.
Chai rượu và chiếc cốc bạc, bằng cái hạt mít bên trong mạ
vàng vẫn để nguyên đó, chưa ai chạm đến. Mặt người nào coi cũng có dáng vẻ trầm
tư. Hồi lâu, anh Tuân lại cười, bảo: “Bây giờ mình xướng đây!”. Tay với cầm
chai rượu rót ra cốc, anh đọc chậm rãi đúng âm sắc, rõ từng tiếng một bằng một
thứ giọng thổ hơi trầm và kéo dài:
Chút thân bèo gió giang hồ
Vạn Hoa buổi sớm, Cô Tô buổi chiều.
Anh tợp cạn cốc rượu, lại rót đầy: “Xin mời các cha. Nào, xin
mời”. Vừa mời uống mà cũng còn có ý mời nối tiếp đây. Tất cả đều im lặng. Không
biết các nhà thơ tìm hứng tìm vần sục chữ, mặt mũi thế nào, chứ bọn văn xuôi
chúng tôi trông mặt anh nào cũng khó đăm đăm. Kẻ tì tay lên lan can, anh chấp
tay sau đít đi tới đi lui. Còn tôi thì đi vòng quanh khẩu đại bác. Lững thững một
vòng. Lững thững hai vòng. Có ý rồi mà thiếu chữ, thiếu vần. Tôi nhẩm lại mấy
chữ cuối của câu thơ anh… “Cô Tô buổi chiều”. Chiều, liều, triều, miều… không
được. Phải lấy vần giảm chế? Èo, vèo, tèo, chèo… Lượn hết vòng thứ
ba, tôi reo lên: “Được rồi, tôi xin tiếp vào hai câu trên”. Mọi người ngồi xuống
quanh anh. Anh Tuân vuốt ria, nhấp một ngụm rượu rồi ngâm lại:
Chút thân bèo gió giang hồ
Vạn Hoa buổi sớm, Cô Tô buổi chiều.
Mọi cặp mắt đều nhìn vào tôi, chờ đợi. Tôi ngâm tiếp bằng một
thứ giọng Huế pha chè, bởi thừa biết giọng Nam Bộ không thể nào hay được. Thơ
ngâm giọng Bắc, giọng Huế thơ dở cũng nghe thành hay. Tôi hắng giọng:
Thuyền đời chẳng bến không neo
Ngại chi chuyện chống, chuyện chèo về đâu!
Mọi người lại im lặng. Anh ngồi tréo tay gác lên hai đầu gối,
mắt đăm chiêu, thoáng buồn, rồi lại tươi cười, cầm cốc đưa vào tay tôi:
- Dữ! Nhà ngươi đường phiêu bạt còn dữ hơn ta! Số kiếp chú
mày rồi đây còn sẽ bồng bềnh, nổi trôi, dạt xô nhiều đấy!
Bầu không khí hào hứng, rôm rả lúc nãy trầm lắng hẳn xuống.
Anh em động viên nhắc nhau mãi vẫn không ai nối tiếp: “Đủ rồi! Bốn câu tròn rồi.
Phát triển nữa là thừa, đâm nhạt, đâm chán”. Rồi cùng rót rượu chuyền nhau, nói
chuyện khác để xua cái buồn lúc nào cũng chực sẵn trong tấm lòng của những con
người xa xứ.
Bây giờ thì anh đã nằm xuống rồi. Gót chân phiêu lãng đã dừng
lại. Nấm mồ dưới nghĩa trang Văn Điển đã vĩnh viễn khép chặt cánh cửa đen ngòm,
giữ lại dưới tầng đất sâu một con người hào sảng, phóng túng lúc nào cũng chực
muốn đi.
Bây giờ thì tôi một mình ngồi trong buồng khách của Hội Văn
nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Chiều lặng phắc. Nhìn ra bốn hướng trời vần vụ mây
đen, nhớ, nghĩ về anh mà bời bời niềm kia nỗi nọ. Tâm sự Lỗ Tấn (trong bài Ai
Phạm Quân) cứ chờn vờn như một ám ảnh, càng muốn quên đi thì hai câu thơ buồn
đó lại càng xô tới, vây bọc lấy mình:
Cố nhân vân tận tán
Duy ngã đẳng khinh trần!
Bạn bè tan tác mây trôi - Chỉ còn hạt bụi thân tôi sá gì! Mấy
tháng vừa đây, ngày 17 tháng 3-1987, trong bức thư gửi thăm anh L, tôi có viết:
“Đi đâu? Về đâu? Về Nam nhớ Bắc, ở Bắc nhớ Nam, suốt đời chìm trong nỗi nhớ về
một chốn xa nào đó khôn nguôi…”.
Anh Tuân ơi! Anh vậy là xong phận của anh rồi. Còn anh em bạn
bè sống chết gắn bó mấy mươi năm, nhất hạng là bọn cùng chuyến đi hãn hữu ngày
đó? Biết “Tàn dung còn bạn bên mồ cố nhân” hay rồi đây cũng sẽ nằm xuống
tận nơi chân trời góc biển nào? Mỗi người có một số kiếp, hay gọi là số phận
cho dễ lọt tai. Lời tiên đoán, gần như phán quyết của anh giữa trùng khơi ngày
nọ, giờ quả thấy ứng nghiệm thật. Có điều, chính bởi tự thân tôi hay đó là do mắc
chứng lây xê dịch của anh thì chẳng rõ. Mà thôi, ta bận tới chuyện ấy làm gì?
… “Khăn gói xe đưa” chuyến này, trong đám đi có hai anh cũng
từng lang bạt kỳ hồ nhiều năm, trước cách mạng tháng Tám.
Diệp Minh Châu từ 14-15 tuổi đã ăn quán ngủ đình, lặn lội
theo thầy Hoàng Tuyển học vẽ “phông” cho các gánh hát bội, hát cải lương, đi khắp
kẻ chợ thì quê trước khi thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội… Phạm
Tường Hạnh đã tha phương cầu thực vào Nam, khi làm thợ may, lúc làm công chức tận
Pnôm Pênh, tập kết ra Bắc xung phong vào địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh làm công
tác thông tin văn hóa, thay Rum Bảo Việt vừa được gọi về du học Liên Xô… So với “nghiệp
giang hồ của sư phụ Nguyễn Tuân” thì hai anh này hãy còn là “đệ tử” chứ
chưa lên được hàng “sư thúc”. Thầy giáo Nguyễn Văn Bổng hãy kha khá,
còn lại chúng tôi chỉ là loại tép riu.
Chuyến đi chơi biển này (nói chơi cho sang trọng, chứ là đi
thâm nhập thực tế) nếu ví Nguyễn Tuân như con cá Ông, thì phải xem Phạm Tường Hạnh
và Đoàn Minh Tuấn là hai con cá đao, phò hai bên, theo huyền thoại biển.
Chiều rồi. Triều xuống. Khinh hạm không cặp gần bờ đảo được.
Hạm trưởng Trần Động cho bắn pháo hiệu để trong ấy đưa thuyền ra đón. Pháo hiệu
màu phải bắn đến ba chập. Lâu lắm mới thấy thuyền du kích của xã đội chèo ra. Bởi
nghe tiếng máy tàu, dân đảo nghi biệt kích Mỹ - Tưởng mò vào như năm ngoái. Ộp
oạp lội bùn lên, đảo cát vắng hoe, nhà nhà im ỉm. Vậy mà chốc sau, Tuấn đã chạy
tìm liên lạc được với Ủy ban… và Hạnh đã bưng đâu về một rổ cá, tay cầm nắm lá
gì màu nâu đỏ trông như lá mèo gà, nói là để nấu ngay một nồi canh chua. Tất
nhiên là canh chua cá biển, phải có ít tửu mới ra hương vị. Các gương mặt bèo
nhèo, tái xanh đã tỉnh táo, khởi sắc lại, hồng hào cả; và chuyện sẽ đi tới xóm ấp
nào, sẽ gặp những ai những ai… lại râm ran.
Ngay từ mồng bốn Tết, trước phút khởi hành, theo lệnh của anh
Tuấn, mỗi người phải “trình làng một lít rượu”. Ai không có, không được lên xe!
(Thời đó chưa cấm rượu, mà anh nào tửu lượng cũng khá cả).
Xem như thuốc, để dùng khi cần thiết. Vả lại, ở đảo lương thực
khó khăn, phải chở gạo từ đất liền ra. Có rượu đấy, mà toàn rượu cất bằng khoai
sắn, vừa nghe mùi “cồn” vừa đắng! Anh bảo chúng tôi thế. Chuyến ra đảo này là
chuyến đi thứ ba của anh.
Mỗi người lần lượt lôi biđông, chai trong giỏ xách tay của
mình ra trình diện. Thấy trong làn mây của anh Tuân còn có một lọ nước mắm cô hạt
tiêu, và một hộp cá “xác đin” nhập ngoại.
Anh em đều la: “Trời ơi, chở củi về rừng! Đi biển lại mang
theo nước mắm và cá!”.
Anh cười nhẹ nhàng:
- Phòng xa vẫn tốt hơn. Biết đâu chẳng có lúc chúng ta cần!
Ở nhà khách tỉnh, câu lạc bộ thủy thủ Cửa Ông đâu đâu chiêu
đãi cũng có rượu mời, và các chai rượu uống dở, chủ đều nhét cả vào làn cho
khách, để làm “xăng dầu” đi đường. Mới qua đêm, hôm sau tới huyện đường Cẩm Phả,
bi đông của Diệp Minh Châu không còn giọt nào, mà hành trình thì còn những hai
tuần lễ nữa.
- Ê, cha nào còn không ta, cho mình cốc coi! Châu cười hà…
hà… cầm cốc nhựa tổ bố rà ra theo các làn, túi xách của anh em.
Nguyễn Tuân lại lấy chiếc cốc bạc của anh ra, châm cho Diệp
Minh Châu một cốc. Cả hai anh đều là “dân chơi” mà lại là “dân chơi của hai
thái cực”. Điều này, nhà thơ Bảo Định Giang nhiều lần nhắc tôi: “Phải học cái
tính chu đáo của người miền Bắc. Mà người về mặt giao tế, tiêu biểu là anh
Tuân! Nhậu lớn, nhậu nhỏ gì, bao giờ uống xong rượu thỉnh của chủ, anh cũng rút
chai dẹp trong túi áo véttông ra, mời người quanh mâm mỗi vị một cốc”.
Lại còn chuyện này. Khi chiến hạm sắp rời căn cứ, có một sĩ
quan trẻ chạy đến tỏ ý lấy làm tiếc không được nghe cuộc nói chuyện của bác
Nguyễn Tuân đêm qua, và hỏi thăm tên tôi, xưng là Ngô Tám, người cùng quê với
tôi. Hóa ra cậu này biết tôi mà tôi không nhớ cậu. Tập kết ra Bắc, cậu còn lứa
tuổi thiếu nhi, được gởi ngay sang học ở Ôđếtxa, giờ đang là sĩ quan huấn luyện
tại đây. Cậu này là con thứ tám của một gia đình cách mạng nòi: chú, bác, cha,
anh đều hy sinh từ Nam Kỳ khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi
cùng ôm nhau, rưng rưng nước mắt.
Anh Tuân lại cười cười, vẻ cảm động:
- Cửu thư phùng cam võ/ Tha hương ngộ cố tri… Đây là niềm vui
lớn thứ hai của người xưa. Vậy hai ông hãy uống với nhau mỗi người một chén! -
Anh lại rút chai rượu dẹp và cái cốc hạt mít của anh ra, trao cho chúng tôi. Và
sau đó, anh cũng xin chia vui với chúng tôi bằng chính chai rượu và cái cốc đó
của anh. Và anh còn kéo cả Ngô Tám xuống tàu, bảo đứng cạnh tôi, cùng chụp
chung một tấm ảnh kỷ niệm với anh em.
Nguyễn Duy có may mắn được trò chuyện với cụ Nguyễn nhiều lần,
mỗi lần đều nhặt ra được vài ba điều tâm sự cũng độc đáo như cốt cách của cụ.
Còn phỏng vấn cụ Nguyễn theo yêu cầu của báo thì chỉ có một lần, lần đầu tiên
và cũng là lần cuối cùng, tôi nhớ đời vì bị cụ đuổi ra cửa, đuổi yêu thôi,
nhưng vẫn có nội dung để nhớ.
Đó là mùa thù năm 1983, nhà thơ Nguyễn Duy kể: Tôi ra Hà Nội
dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ ba, và được cử vào ban phóng viên thường
trực Đại hội. Tôi tới thăm cụ Nguyễn, kết hợp làm bài phỏng vấn cụ nhân dịp Đại
hội ấy, cùng với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cụ Nguyễn chưa mời ngồi đã phỏng vấn
tôi trước:
- Chú mày ra ngoài này lâu chưa?
- Thưa, ba ngày rồi ạ.
- Sao mà mãi hôm nay mới tới tôi?
- Thưa, em bị bắt vào tổ phóng viên, mấy hôm rồi đi làm phỏng
vấn các nhà văn từ các nơi về…
- À, ra chú mày tới đây là để phỏng vấn tôi à?
- Dạ, vừa tới thăm anh, vừa kết hợp việc đó.
- Này, thôi nhé. Đi, đi, đi… Đi mà phỏng vấn người khác. Để
cho tôi nằm, tôi mệt. Đừng có bắt tôi đụng vào cái đại hội nhà văn nhà veo kỳ
này nhé. Định mượn mồm tôi để ca tụng đại hội chứ gì? Đi, đi, đi…
Tôi đưa mắt nhìn Phạm Tiến Duật, lo lắng. Chắc ông già đang
có điều giận ai đó, giận cái gì đó, chứ đâu phải giận chúng tôi, càng không phải
giận cái đại hội… Tôi trấn tĩnh và quyết định phải liều mạng choảng
yêu cụ một đòn:
- Thôi, anh đã đuổi thì bọn em đành phải đi vậy. Nhưng xin
phép anh cho in mấy câu anh vừa nói để thay cho bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn
Tuân.
- Này….
- cụ Nguyễn đang ngả người trên cái ghế nằm bỗng nhỏm dậy - vào đây, vào đây đã… Chú mày định chơi tôi đấy à?
- cụ Nguyễn đang ngả người trên cái ghế nằm bỗng nhỏm dậy - vào đây, vào đây đã… Chú mày định chơi tôi đấy à?
- Thưa, không ạ. Em định làm thật chứ không phải chơi.
- Được đấy! Vào đây, ngồi đây đi… Mời hai ông trẻ ngồi…
Cụ Nguyễn với tay lôi chai rượu trắng từ dưới gầm bàn viết
ra, rót ba chén nhỏ và trỏ mời chúng tôi:
- Thôi, hòa nhé. Cứ ngồi chơi với tôi, hết buổi sáng nay cũng
được. Ngồi chơi, uống chơi, nói chơi chứ không có làm báo ở đây. Tôi biết các
ông cũng muốn hỏi cái gì đó. Cứ hỏi. Tôi sẽ trả lời. Nhưng cấm in lên báo.
Sau kỳ Đại hội Hội Nhà văn năm đó, tôi tới chào cụ Nguyễn để
về Nam, cụ cười khì khì:
- Sao, chú mày thất vọng hả? Thôi, đừng nóng ruột. Việc của
chú mày là viết, cứ viết đi là tốt nhất. Cái gì tới thì sẽ tới…
Nhân có tuyển tập Nguyễn Tuân vừa được xuất bản, cụ Nguyễn tặng
sách cho tôi và tôi thành tâm chúc mừng cụ. Cụ Nguyễn cả cười mà rằng:
- Ông không phỏng vấn tôi nữa à? Rất nên phỏng vấn tôi về cái
tuyển tập này, thì các ông lại không làm. Lạ thật.
Tôi lúng túng thật sự. Điều cụ Nguyễn nói đúng quá. Tôi cũng
tiếc là báo Văn nghệ đã không làm việc đó. Riêng tôi thì xin hỏi để
biết, để nhớ thôi và thầm hứa sẽ làm kỹ cái phỏng vấn nghề văn cụ Nguyễn. Cụ
Nguyễn tâm sự:
- Nhiều người chết rồi mà không nhìn thấy tuyển tập của mình
đấy, trong đó có người thật là tài, thật là lớn… Còn tôi, đằng sau cái mừng,
còn có cái buồn. Nửa thế kỷ làm nghề văn, được chọn lại mấy trăm trang sách. Ít
quá. Sách trong bụng thì nhiều hơn gấp mấy, mà bày ra giấy chưa được bao nhiêu.
Thời trẻ, tôi phí sức cho cái sự chơi lang bạt quá. Chết đến nơi rồi mới biết
tiếc việc thì đã muộn… Đã ít mà lại còn thiếu.
Trầm ngâm một lát, cụ Nguyễn lại cười tủm tỉm:
- Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa
Đàn khỏi tuyển tập này cũng giống như là cắt cái lá gan của tôi ra khỏi bụng
tôi. Họ sợ nó ung thư hay sao ấy, gan rượu mà. Thực ra, nó là gan lành, nó bị
nghi oan. Này, sau này nếu chẳng may có chút quyền hành, thì các ông chớ có đè
mấy anh nhà văn ra mà cắt ruột cắt gan nhau đấy nhé… Nào, uống đi, có thể đây
là chén rượu cuối cùng tôi cụng với chú mày đây…
Đó là chén rượu cuối cùng của năm 1983 cụ Nguyễn
chìa ra cho tôi. Lần đầu tiên tôi nghe cụ Nguyễn dùng cái chữ chén rượu cuối
cùng là năm 1982, khi cụ nhận được giấy của Hội Người Việt Nam tại Pháp mời
cụ sang Tây chơi một chuyến dối già. Cụ Nguyễn cho tôi xem cái giấy mời sang trọng
đó và cười khà khà:
- Lúc còn trẻ, còn ham đi, thì chả có ai mời. Già, hết chơi bời
nổi rồi thì người ta lại mời đi. Này, cái sự đời nó oái oăm nhỉ… Thôi chả đi
đâu nữa, ở nhà lo chết là vừa. Đi chuyến này, lại trúng năm tuổi, khéo chết ở xứ
người mất. Nào, có thể đây là chén rượu cuối cùng tôi cụng với chú mày…
Cụ Nguyễn đã từ chối chuyến đi Tây ấy thật. Nhưng chén rượu
cuối cùng thì chưa. Cụ còn chìa cho tôi có tới mười cái chén cuối
cùng như vậy. Cụ vẫn uống lai rai và viết lai rai cho tới khi cụ đi thật,
là vừa đúng năm năm nữa. - Báo Sài Gòn Giải phóng, 16-8-1987.
Nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ nổi tiếng về văn chương, mà còn
nổi tiếng là người sành ăn. Báo chí có nhiều bài viết của bạn bè về chuyện sành
ăn, sành uống của ông rất phong phú. Đọc thấy còn vài món, vài cách độc đáo của
ông chưa ai viết, Nguyễn Quang Sáng muốn bổ sung vài chuyện nho nhỏ cho vui.
Nguyễn Tuân thích trứng vịt bắc thảo với tôm khô củ kiệu như
người Sài Gòn, nhưng cách ăn không ai giống ông. Trứng vịt bắc thảo không cắt
ra từng miếng bằng dao, cũng không dẽ không dầm be bét ra bằng đũa, mà ông lấy
một sợi chỉ, một đầu cắn vào răng, đầu kia là hai ngón tay, tay kia đưa trứng
đã lột rồi dùng sợi chỉ cắt từng khoanh, từng khoanh mỏng. Xong ông nhìn từng
cái khoanh mỏng trứng bắc thảo để trên một cái dĩa kiểu, ngắm nhìn cái màu sắc
một lúc rồi mới khẽ khàng cầm đôi đũa nhón từng miếng nhỏ, nhấm nháp. Rõ ràng
là ông muốn thưởng thức đến tận cùng cái ngon của món ăn.
Về trứng, ta thường ăn trứng vịt lộn, ít nghe ăn hột gà lộn.
Nguyễn Tuân lại muốn ăn loại trứng lộn khác nữa kìa. Đố bạn đấy? Ông muốn ăn trứng
cút lộn, cái trứng cút to lắm cũng bằng đầu ngón tay cái. Nhưng một khi ông đã
muốn thì ắt phải có. Chẳng biết làm thế nào mà em gái Trịnh Công Sơn cũng tìm
ra một chục. Ông đã rời Sài Gòn rồi, lại phải gửi ra Hà Nội cho ông.
- Trứng cút lộn ông thấy sao?
Ông cười:
- Biết thế.
Có lẽ không thích nên ông không yêu cầu thêm.
Có lần, trong một bữa nhậu, ông nói với tôi, ông muốn mở một
cái quán, lấy tên quán Nguyễn Tuân, nghĩa là người vào quán phải ăn và uống
theo kiểu Nguyễn Tuân. May mà ông không mở quán, nếu mở, chỉ có sập tiệm!
Sau 30-4-1975, Nguyễn Tuân là người rất sớm vào Sài Gòn và
cũng là người rong ruổi về đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn rất nhiều văn nghệ
sĩ miền Bắc.
Đầu xuân năm 1976, tôi và anh Mai Văn Tạo đưa ông về An Giang
quê của hai anh em.
Đường về Mỹ Luông, con đường đá hẹp, xoài chạy dài theo hai
bên đường, có đoạn xoài giao cành rợp mát con đường đá. Xoài đầu mùa treo lủng
lẳng.
- Ngồi xe, chỉ cần đưa tay ra là có cái ăn rồi. Đúng là đất
Nam Bộ.
Nghe ông nói, tôi chợt nhớ trước 1975, lúc còn ở Hà Nội, có lần
tôi trả lời ông về con tôm càng. Tôi bảo, ăn xong con tôm, cái càng của nó có
thể làm ống đót hút thuốc. Ông nhìn tôi không nói gì. Tôi biết ông chưa hẳn
tin, nhưng không có gì làm chứng. “Đợi đấy! Rồi sẽ có một ngày”, tôi thầm nghĩ.
Và cái ngày ấy đã đến, tôi hỏi:
- Ông đã ăn con tôm càng chưa?
- Rồi, tao thử đút cái điếu thuốc vào cái càng của nó, không
phải vừa mà còn lỏng, khiếp!
Viết đến đây tôi sực nhớ đến chuyện con tôm của Trịnh Công
Sơn. Xin mở ngoặc: (Trịnh Công Sơn ở Huế vào, thời còn đi học, trưa ăn cơm dĩa.
Một hôm, Sơn gọi:
- Một dĩa cơm tôm.
Cô bán cơm vừa bới cơm cho khách vừa đáp:
- Không có tôm hùm!
Sơn chỉ tay vào dĩa tôm rang:
- Tôm một dĩa sao bảo hết?
Cô bán cơm trừng mắt nhìn Sơn, nói như quát:
- Đó là tép, tôm gì mà tôm?
Trịnh Công Sơn cười, thấy mình quê, nhớ suốt đời cô bán cơm tên
Phụng).
Hôm đó, từ Mỹ Luông qua bắc An Hòa qua Long Xuyên, từ Long
Xuyên đi thẳng về đến thị xã Châu Đốc thì trời vừa chiều. Anh Mai Văn Tạo đưa
hai đứa tôi đến nhà đứa cháu. Lến - chủ nhà bảo:
- Chiều nay, cháu xin đãi bác với chú và cậu (Mai Văn Tạo) một
món đặc biệt.
Đặc sản Châu Đốc là mắm: mắm ruốc, mắm thái, mắm cá trèn.
Cũng tại Châu Đốc tôi đã ăn mắm ruột, tôm càng nướng, thịt ba rọi, bún với rau
sống. Chắc cũng là mắm. Nhưng không! Lến chủ nhà, tuổi độ 40, đặt lên bàn một
chai Whisky và một trái sầu riêng. Lạ! Nguyễn Tuân nhìn tôi, tôi nhìn Nguyễn
Tuân, rồi cùng nhìn anh Mai Văn Tạo.
- Sầu riêng làm mồi, đặc biệt lắm! - Lến nói. Anh bổ trái sầu
riêng, mùi thơm đặc biệt của sầu riêng bừng lên mũi; xong, anh vặn nắp chai
Whisky - phải có mùi rệp, không có mùi rệp là giả. Đó là điều dứt khoát. Rượu
rót ra bốn ly, Lến lịch sự đưa tay:
- Xin mời.
Một miếng sầu riêng, một hớp rượu Whisky, vị và mùi lạ quá,
ngầy ngậy cay cay và tôi không thể tả nổi hai thứ mùi trộn lẫn vào nhau, chỉ biết
nói lạ và ngon.
Cạn một ly, nhà văn Nguyễn Tuân hai tay chống lên hông, thẳng
lưng, cúi nhìn xuống bàn như tìm kiếm một cái gì rất nhỏ, nhỏ đến độ không nhìn
thấy, mà chỉ có thể cảm nhận nó, đó là hương vị của Whisky với sầu riêng.
- Sao ông? - Tôi khẽ hỏi.
Ông không đáp thẳng điều tôi muốn hỏi mà nói:
- Đáng một chuyến đi!
Kể từ đó, sau này có dịp ra Hà Nội, bạn bè kháo với tôi, ở
Sài Gòn về, Nguyễn Tuân có một món nhậu vừa độc đáo vừa tuyệt. Hết sẩy! “Món
gì?” - tôi hỏi. Bạn bè nói với giọng lắng đọng rằng: “Uống Whisky với sầu
riêng! Biết ai không? Cụ Nguyễn nhà ta đó!”. Ông chẳng những đãi bạn quý trong
nước, cả bạn nước ngoài. Ông nói với người bạn Pháp “It faut déguster du Whisky
avec le durion. Cà vous donnera un gout très originan!”. (Nên thưởng thức
Whisky với sầu riêng. Nó sẽ cho anh một hương vị rất đặc sắc).
Tôi cười thấy vui lây.
Tôi với Nguyễn Tuân lại ngồi uống với nhau. Bỗng dưng ông dừng
chuyện, nhướng mày hỏi tôi:
- Cậu có biết nhà văn Nguyễn Tuân ăn cắp bản quyền không?
Tôi hơi sững, không biết đó là chuyện gì? Rồi ông như giận,
đưa tay xỉ xỉ trước trán tôi:
- Không phải là bản quyền văn chương gì đâu nhá! - Ông đưa
tay chỉ trái sầu riêng với chai Whisky - nó đó! Bạn bè Tây cũng như ta ai cũng
tưởng Nguyễn Tuân là người phát hiện ra món nhậu này - Mình lờ…
Như để kết thúc câu chuyện, ông đưa tay gặt xuống:
- Biết thế nhá!
Nhà văn Nguyễn Tuân! Kỷ niệm nhỏ tưởng chừng không có ý nghĩa
gì, nhưng không thể quên. Mỗi lần uống Whisky với sầu riêng cùng bạn bè, tôi đều
nói: “Nhậu theo “gu” của Nguyễn Tuân!”. - Báo Công an Thành phố Hồ Chí
Minh, số Xuân Đinh Sửu, 1997.
Nguyễn Quang Sáng cho biết tiếp:
Đừng nghĩ anh Nguyễn Tuân là người khó tính - Tôi biết. Một
buổi sáng mùa đông năm 1963, anh đến nhà tôi. Nhà tôi ở số 2 đường Cổ Tân Hà Nội,
trong sân có bụi tre vàng, ngoài rào trên vỉa hè là quán bia hơi, đối diện với
Viện Bảo tàng, nhìn xéo qua Nhà hát lớn.
Anh hỏi:
- Ngày nay cậu đi đâu?
- Dạ ở nhà.
- Vậy thì trưa 12 giờ, còi hụ, cậu đến nhà tôi nhậu.
- Với ai nữa anh?
- Không ai nữa.
Anh chỉ bảo vậy rồi ra về, để cho tôi làm việc. Tôi ngẩn ngơ.
Sao chỉ có một mình tôi. Nếu tôi biết chỉ có tôi thì tôi đã nói dối bận đi đâu
đó để trốn. Chỉ có một mình mình đối diện với anh trong buổi nhậu, tôi ngán.
Ngán, bởi vì, những nhà văn đàn anh lúc bấy giờ, hồi trước người nào cũng nể,
cũng sợ anh. Anh chẳng có quyền hành gì, nhưng có cái oai của trời cho, cái oai
“vang bóng một thời”, cái oai của văn học. Ngồi với anh, phải biết uống cái gì
trước, ăn cái gì sau, ăn cái gì với cái gì, món nào với rượu nào, không thể
luông tuồng. Nhưng đã hẹn rồi thì phải đến. Nhà anh căn phòng lầu 2, hẻm 90 đường
Trần Hưng Đạo, đi thẳng ra ga Hàng Cỏ.
Đúng là chỉ có một mình tôi với anh. Và tôi cũng không thể
không ngạc nhiên vì sao cái bữa cơm lại có thể thịnh soạn và long trọng đến như
vậy. Trên mâm có một đĩa lạc rang, rồi nào giò lụa, nào nem, chả quế… cuối cùng
là món cháo gà nấu theo kiểu của anh, gà nấu rục.
Trước nhứt anh rót cho tôi một cốc chè pha trong một cái ấm đất
chỉ lớn hơn ngón chân cái - độc ẩm. Chè đậm, tôi không quen, nhưng không dám từ
chối. Sau đó, tôi luôn để ý, anh gắp món nào tôi gắp món ấy. Chuyện chính của
buổi ăn hôm nay là chuyện “Đất lửa”, tiểu thuyết của tôi vừa xuất bản
và tôi đã tặng cho anh.
- “Đất lửa” cậu viết được. Nhân vật, được. Nhưng
còn cái dòng sông thì đáng nhẽ phải tả gấp đôi gấp ba mới được, phải dữ dội hơn
nữa mới cân xứng.
Trong nghề, tả cảnh là điểm yếu của tôi. Khi anh chỉ ra, tôi
rất dễ thấy. (Sau này tôi có cố gắng hơn trong Dòng sông thơ ấu). Quyển “Đất
lửa” mà tôi tặng cho anh, đến 1972 từ miền Nam trở về Hà Nội, biết tôi
không còn quyển nào anh đã tặng lại cho tôi. Cũng buổi trưa hôm đó, anh hỏi tôi
nhiều chữ lóng của địa phương Nam Bộ.
- Sao gọi là rượu đế.
- Làm sao gọi là làm phách.
- Làm phách rồi lại làm tàng là sao?
- Treo thế nào là treo tòn teng.
- Nhậu rồi nhẹt, sao lại nhẹt.
- Say sao lại nói là xà quần…
Nhiều nữa, tôi và anh cùng tìm những tiếng của Hà Nội có đủ
nghĩa hoặc tương đương với tiếng lóng của miền Nam. Cũng tưởng là bàn chơi,
không ngờ anh lấy sổ tay ghi chép cẩn thận. Sau này, qua nhiều chuyến đi với
anh, tôi để ý thấy, anh không bỏ qua một tiếng lạ nào của địa phương.
Anh còn hỏi nhiều nữa. Tôi biết là tôi sẽ bí. Phải trốn thôi.
Bằng cách nào bây giờ. Tôi rót hai ly đầy, mời anh cạn. Anh chỉ uống nhâm nhi
ít khi nào uống cạn. Cạn đến ly thứ ba thì anh ngả ra ghế, mắt lim dim. Còn tôi
thì rón rén, bước ra cửa, xuống cầu thang.
Cho đến cuối đời anh vẫn tìm học ngôn ngữ. Mới đây vài tháng,
tôi đến thăm anh nhằm lúc nhà tắt điện. Anh thắp đèn dầu.
- Tưởng là vứt nó đi rồi. Bây giờ nó lại quí. Đây gọi là đèn
huê kỳ đó, “trỏng” gọi là gì?
- Đèn trứng vịt.
- Ối cha! Đèn trứng vịt! - Anh kêu lên và sướng đến hai con mắt.
- Vì cái bóng của nó tròn và nhỏ như cái trứng vịt.
- Hình tượng đến thế là cùng. Cha… cha… thế mà tôi không biết.
Bà ơi bà…
Anh đưa tay chỉ cái bóng đèn. Đèn này là đèn trứng vịt. Từ
nay không xài cái tiếng “huê kỳ” nữa - Chị cũng vui lây với anh…
Anh là một nhà văn luôn luôn muốn đi đến tận cùng từng tiếng
từng chữ nghĩa của ngôn ngữ Việt Nam.
Anh đã sắp 80 rồi, nhưng vẫn đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều,
anh trẻ hơn nhiều so với một số trẻ của chúng ta…
Nhà văn, nhà phê bình văn học, Giáo sư Hà Minh Đức thì kể rằng:
Khi tôi ở Hàng Ngang, thỉnh thoảng được nhà văn Tô Hoài tạt qua thăm khi ông
lên Hội Văn nghệ Hà Nội ở phố Hàng Buồm. Tình cờ một lần, cùng đi có nhà văn
Nguyễn Tuân. Số nhà 31 Hàng Ngang vốn tăm tối đi từ ngoài vào trong từ tầng một
lên tầng ba gập ghềnh, khúc khuỷu, phải qua nhiều nhà ngổn ngang bên lối đi.
Trông thấy ông, tôi cúi chào, ông giơ tay và nói: “Tôi lạc vào Hồng Kông rồi”.
Đúng là cái Hồng Kông cũ kỹ mà Nguyễn Tuân đã có dịp biết đến trong chuyến đi
quay phim tại Hồng Kông. Nhân gần ngày Tết, Tô Hoài rủ tôi xuống phố, đi về
phía Hàng Đào và tạt vào một hiệu rượu. Tôi mua một chai rượu mơ - một chai rượu
bình dân - và cầm ở tay. Nguyễn Tuân chỉ vào tôi, bảo: “Ông Đức, ông phải bảo họ
bọc lại, trông ông cầm chai rượu không nó thế nào ấy”. Đúng thế, cầm chai rượu
không bọc đi giữa phố như thiếu một cái gì, thiếu vỏ bọc, hơn thế nữa, đúng là
thiếu văn hóa. Nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Tuân đi về phía Bờ Hồ và đến nhà Thủy
Tạ. Chúng tôi cùng uống nước và ngắm cảnh hồ quen thuộc. Trong câu chuyện Nguyễn
Tuân bảo tôi: “Ông Đức, ông hãy kể về căn nhà của ông ở và cái khu phố cổ này
xem như thế nào”. Tô Hoài thường thân tình gọi tôi là Đức, còn Nguyễn Tuân gọi
bằng ông, tuy tôi bấy giờ mới ở tuổi ba mươi. Tô Hoài bảo: “Đức có chuyện gì
thì kể đi”. Tôi kể vài chuyện trong sinh hoạt của căn nhà như chuyện đổ thùng
đêm, chuyện tắc cống, chuyện người Hoa người Việt xô xát vì hiểu nhầm ngôn ngữ,
chuyện công an khu phố. Nguyễn Tuân bảo: “Nghe cách ông kể chuyện, ông có thể
viết văn được”. Tôi xúc động và cảm ơn: “Thưa bác, tôi cứ thấy sao nói vậy
thôi”.
Có người chê Nguyễn Tuân và văn ông phức tạp. Sự vật nhiều
khi được lật đi lật lại, soi ngắm kỹ lưỡng đến mức “chẻ tóc làm tám”. Nguyễn Ngọc
Thống nghĩ, đúng con người và văn chương Nguyễn phức tạp. Nhưng phức tạp theo
nghĩa đó là “dấu hiệu của sự phát triển”, chống lại sự khô cứng, giản đơn, máy
móc. Kiên trì theo hướng này Nguyễn Tuân bao giờ cũng tìm cách mô tả đến cùng một
cách chính xác, cụ thể, chi tiết những gì ông thấy, ông nghe, ông cầm nắm được.
Nguyễn là con người không bao giờ chịu được sự chung chung đại khái từ nội dung
đến hình thức. Một con người từng đếm được cầu Hiền Lương có 7 nhịp 894 miếng
ván và dài 178 mét, chia đôi mỗi bên 89 thước “nhưng ván cầu thì 450 tấm thuộc
về Bắc và như thế là ta hơn mấy tấm” (Cầu ma). Một nhà văn khi viết về một giọt
mật ong thấy trong đó là kết quả của 2.700.000 chuyến đi với tổng cộng đường
bay là 8.000.000 cây số và thấy trong nửa lít mật ong ngời lên 5 vạn thứ hoa. Một
nhà tùy bút đi trên sông Đà, từng đếm được và chép ra 73 cái thác có tên. Nhiều
tên khác đọc lên đã thấy rùng mình và dễ viết sai chính tả như thác Hát Nó
Kéo, Hát Soong Pút, Hát Soong Mon, Mó nàng, mèo quen… Cũng như khi viết về
rừng, ông kể ra rành rọt 94 thứ gỗ (Tình rừng). Và dù chưa đến được Cà Mau, ông
vẫn kể ra cặn kẽ 69 tên đất, tên làng nơi “cái gót chân chưa khô bùn vạn dặm” ấy…
Một nghệ sĩ như thế làm sao chịu đựng được sự giản đơn trong những trang viết.
Và muốn thế, ông không thể không tự trang bị một vốn ngôn từ phong phú để trợ
giúp cho ngòi bút đỡ bất lực trước một hiện thực phức tạp như đang ganh đua,
tròng ghẹo và thách thức ông. Đọc Truyện Kiều, bên cạnh việc ông phát
hiện Kiều đánh đàn 7 lần và 51 lần Nguyễn Du nói tới trăng, ông còn định danh
ra 21 kiểu trăng, 21 nội dung - tình thế trăng trong truyện
Kiều.
Tiếng Việt có tới hơn 70 từ chỉ cái chết, tuy vậy, Nguyễn
Tuân vẫn có hệ thống từ để tạo nên cách nói của riêng mình: Lãng hỏng rồi, cháu
nó đi rồi, bỏ một cháu, chẳng được làm người, nỗi buồn bỏ trẻ, ngày tử, việc
chết, sắp hết làm người, hết lộc, tắt nghỉ, chưa được nếm mùi đời, sự làm người
chưa trọn vẹn, hai năm mươi… Nhìn vào những từ chỉ cái chết của Nguyễn, thấy
ít xuất hiện trong từ điển. Khảo sát kỹ ngôn ngữ Nguyễn Tuân các nhà soạn từ điển
sẽ bổ sung được một lượng từ đáng kể, các nhà tu từ học có thể phải điều chỉnh
vài điểm nào đó trong lý thuyết về phong cách - tu từ học. Tuy vậy, tôi vẫn
nghĩ đến việc có thể làm một cuốn sổ tay từ đồng nghĩa Nguyễn Tuân. Ví
dụ, ở mục từ, Cái vết chống sào của người lái đò sẽ có: cái
khoanh củ nâu, cái vết nghề nghiệp, cái đồng tiền tụ máu, một thứ huân chương
lao động… Hoặc xung quanh mục từ Rượu của Nguyễn Tuân sẽ thấy: nước
say, cơm men, rượu cất, những chén sủi tăm, tửu, rồi vò rượu,
hũ cơm ủ, lứa rượu, mẻ rượu, bữa rượu giỗ, tửu đồ, tửu hậu và đến những từ
này thì đúng chỉ có ở Nguyễn Tuân: Huyệt rượu, tửu phần, mả rượu, gò chôn
rượu, luỗng tửu phần… (Chùa đàn).
Nguyễn Tuân thật là con người giàu có về ngôn từ nghệ thuật.
Cái ‘trữ lượng” khổng lồ ấy quả là khó tính, bởi trong văn Nguyễn Tuân nó không
chịu đứng yên. Chúng kết hợp, chuyển đổi, sinh sinh hóa hóa, biến thiên liên tục
tạo nên nhiều dáng vẻ, nhiều màu sắc lung linh huyền ảo. Về vốn ngôn từ nghệ
thuật, chỉ có thể ví Nguyễn Tuân như một pho từ vị sống phong phú độc đáo.
Báo An ninh thế giới cuối tháng, số 8, tháng
4-2002, Nguyễn Triều cho biết: Cụ Nguyễn Tuân bàn về rượu cũng khiếp lắm. Kinh
hoàng là chuyện ông già đầu ô chỉ uống rượu với một cái đinh. Tợp một hơi, ông
lại mút cái đinh một cái. Ấy là rượu mắt ếch, loại rượu tăm nổi tiếng của người
Việt. Nặng mà êm. Say mà mềm.
Rượu sang hình như phải như thế mới được.
Trụ sở Báo An ninh thế giới ngày nay ở 100 Yết
Kiêu, mấy chục năm trước có quán bánh cuốn của bà Chi, ngay dưới gốc cây dâu
da. Bánh cuốn nóng, có cả rượu. Bánh cuốn ngon, rượu cũng khá ngon, tuy đắt. Một
dạo, buổi sáng, chừng gần 8 giờ, cụ Nguyễn Tuân lọc cọc khua ba toong từ cái
ngõ nhà cụ ở phố Trần Hưng Đạo, đầu phố Yết Kiêu, xuống đây. Lặng lẽ như một
cái bóng, cụ Văn Cao từ đầu phố Vũ Lợi cách đó mấy chục mét đến. Hai cụ ngồi
vào bàn trên. Tôi và một người bạn nữa ngồi bàn dưới. Các cụ nhấm nháp, thong
thả trò chuyện. Lúc đó tôi cứ lạ cho cụ Nguyễn, một người tinh tế như thế trong
ẩm thực mà lại uống rượu với bánh cuốn, lại còn bánh cuốn trứng nữa. Nghĩ thế
nhưng không dám hỏi. Xong bữa, cụ Nguyễn lấy đầy một cái be con con luôn mang
theo bên người rồi lọc cọc đi về phía Hội Nhà văn ở phố Nguyễn Du.
Nhà văn Thiếu Mai có một bài ngắn trên báo Văn nghệ số
ra ngày 8-8-1987, về lần gặp cuối cùng với nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Đặng
Thai Mai:
Hôm ấy là ngày 22-3-1984 - 10 giờ sáng. Bác Tuân đến tòa soạn
báo Văn nghệ rủ tôi đi thăm bác Mai. Tôi gọi điện báo trước cho bác Đặng
Thai Mai. 10 phút sau hai bác cháu chúng tôi đến. Được tin bác Tuân đến chơi,
bác Mai rất vui. Bác đã chuẩn bị cái ly con và chai rượu ngoại để đón ông bạn
già.
Hai ông già bắt tay thân thiết như đã từ lâu lắm họ chưa gặp
lại nhau. Chuyện nở như pháo trong lúc cả hai còn chưa kịp ngồi xuống ghế.
Đặng Thai Mai: Thế nào, độ này ông có khỏe không?
Nguyễn Tuân: Ông tính, làm thế nào mà khỏe được? Phải cố gắng
lắm mới khỏe được ông ạ!
Đặng Thai Mai (vừa đi lại tủ lấy chai rượu, vừa nói): À
này, hỏi cái này trước kẻo lại quên mất. Ông có viết về trà đạo ở đâu
ấy nhỉ? Lâu ngày mình quên mất.
Nguyễn Tuân: Tôi có viết chữ ấy bao giờ đâu! Tôi chỉ viết về
cái chuyện uống trà trong Vang bóng một thời, truyện Cái ấm đất.
Đặng Thai Mai: Mình đang viết Hồi ký. Mình có viết
một câu về trà đạo, tưởng là chữ ấy của Tuân. Thằng Nhật dịch
là livre du thé. Đúng hơn chữ của ông Liên Xô: voie du
thé. Nhưng có lẽ phải là doctrine du thé mới đúng, phải không
ông?
Nguyễn Tuân (đứng lùi ra, ngắm bức tranh họa sĩ Văn Cao
vẽ nhà văn Đặng Thai Mai năm ông thọ 75 tuổi, 1977): Ông Mai ạ, Văn Cao nó vẽ
ông được lắm. Đúng là cốt cách của ông. Tôi thích cái gậy và cách chống gậy của
ông lắm (cười), cố nhiên là cách chống gậy trong bức tranh này. (quay sang nói
với tôi): Này, cô Thiếu Mai này, hôm nào rỗi, tôi với cô lại xuống đây, ta rủ cả
thằng cha Hoàng Kim Đáng xuống, chụp lại bức tranh này. Rủ cả cô Ngọc Trai nữa.
Tôi với ông Mai, chúng tôi sẽ nói chuyện bằng tiếng Tây cho các cô tập dượt
nghe và nói nhé.
Đặng Thai Mai: Tuân này, Trần Hữu Tước chết rồi. Đáng tiếc.
Anh ấy thật là một người tốt, và là một con người văn hóa.
Nguyễn Tuân: Tôi không sợ chết ông à. Nhưng tôi sợ là sợ những
người cùng với mình có chung những kỷ niệm vui buồn dần dần đi hết. Khi người
ta càng sống được một cuộc đời phong phú thì người ta càng ít bận tâm vì sợ mất
nó. Nếu ông muốn biết về cái chết, ông nên tìm đọc cuốn La mort của một
tay nhà văn Pháp. Một tiểu luận cực hay. Bà xã nhà tôi vẫn hỏi thăm sức khỏe của
ông đấy. Cả sức khỏe chị Mai nữa. À, mà chị đi đâu, sao tôi không thấy?
Ông không bận tâm về hoa nở à? (nhìn quanh phòng, không thấy
có một bông hoa, một cành lá nào). Ông nên bảo các cháu nó để cho ông một vài
chậu hoa nhỏ ở đây (chỉ vào góc phòng).
Đặng Thai Mai: Có, có đấy. Thường tôi vẫn có lọ hoa ở trong
góc đi văng (chỉ tay vào góc đi văng giáp tường), nhưng giờ hoa đắt quá. Dix
piastres, vingt piastres…
Nguyễn Tuân: Khi nào có cái gì bực bực trong lòng, ông cứ
nhìn một bông hoa, thích ông ạ. À, tôi đọc ông nghe mấy câu thơ nhé.
Đặng Thai Mai (cười ngạc nhiên): Thơ của ai? Của Tuân à?
Tuân mà cũng làm thơ à? Này, uống một chút đi.
Nguyễn Tuân (nhắp một ngụm rượu nhỏ rồi chậm rãi nói):
Có người bạn tặng mình một nhành lan hàm tiếu. Tối hôm đó một bà bạn cũng đến
thăm. Bà ấy về rồi mình đi ngủ, một giờ sáng mình thức dậy, độc ẩm, bỗng nhìn
thấy hoa lan nở, tức cảnh làm mấy câu thơ. Chỉ có hai câu thôi:
Người cũ về rồi hoa mới nở
Nổi tăm lòng rượu một hương ai
Đặng Thai Mai: Cái gì? Nổi tăm gì? (lòng rượu). Nổi tăm lòng
rượu! Nhiều tình nhỉ! (cười dí dỏm).
Nguyễn Tuân: Năm ngoái mình vào Sài Gòn, ở tại khách sạn Bến
Nghé. Cuối tháng ba, sang tháng tư, Sài Gòn vẫn mùa xuân. Ông có biết chữ của
hoàng phái tả mùa xuân? Chữ của hoàng phái nhiều hình ảnh lắm. Nhức chân không
ngủ được, mình làm hai câu, hai câu thơ enjambement phonétique:
Oi oi, xuân Bến Nghé
Nghe mà buồn nhức xương!
Đặng Thai Mai: Thú vị đấy, Nguyễn Tuân cũng làm thơ! Hay! Mấy
lâu có viết được gì không?
Nguyễn Tuân: Lâu nay tôi chả bận tâm cái sự viết lách lắm. Chỉ
có Tết vừa rồi có viết cho báo Nhân Dân một bài về cái cầu Thăng
Long, vì đã trót hẹn với họ. Cái tôi lý thú nhất là họ không thêm bớt một chữ
nào. Nhuận bút được 400 đồng với hai chai rượu. Loại rượu chanh ngọt ngọt mình
không thích, đưa cho bà xã bán được mỗi chai 50 đồng, vị chi được 500 đồng. Một
tuần sau họ lại đưa đến một cái phiếu 100 đồng thưởng cho những bài có chất lượng.
Tổng cộng nhuận bút bài ấy được 600 đồng. Bà xã phấn khởi lắm, bảo mình: sao
ông không viết nữa đi (cười). Khốn nạn, có phải cái gì cũng viết được đâu!
Đặng Thai Mai: Đúng đấy, bà ấy nói có lý đấy, thiếu gì cái để
viết, sao lại không viết được? Viết, vui, không viết thì buồn lắm.
Nguyễn Tuân: Bây giờ mình thích đọc. Mình bày một lúc ba bốn
quyển trên bàn, tùy hứng mà đọc, đang đọc quyển này, không thích nữa, vứt xừ nó
đi, đọc sang quyển khác. Cách đọc ấy ông thấy được không? Ăn, tôi ăn như thế này:
thấy đói, lấy ăn, đủ rồi; đậy lồng bàn lại, để đấy. Ăn suốt ngày. Ai cũng bảo
tôi khó nết ăn, nhưng thực tình tôi không quan tâm nhiều đến cái sự ăn.
Đặng Thai Mai (cười): Làm tội bà ấy cung phụng ông cũng
khổ. Ăn rồi còn phải uống nữa chứ! Nguyễn Tuân là phải có rượu phải không?
Nguyễn Tuân: À, à, về cái khoản ấy thì thế này. Tôi uống là
chính, ăn ít thôi. Tôi ký sổ. Tôi ăn hết ít gạo lắm. Chỗ tôi uống là vào suất gạo
của tôi. Tôi uống như người đi tu ấy mà. À, tôi dặn ông, hễ có rượu gì hay hay,
rượu ngoại càng tốt, ông nhớ để phần cho tôi nhé.
Đặng Thai Mai: Ừ, hôm nọ mình vừa gửi cho ông chai rượu Tây đấy
thôi. Da dẻ ông đẹp lắm (ngắm Nguyễn Tuân, cười).
Nguyễn Tuân: Da mượn của rượu đấy ông ạ.
(Lại lùi ra xa ngắm bức tranh). Văn Cao nó có tài thực đấy
ông ạ. Tài quá! Tài quá! Mà nhạc của nó cũng thiệt là hay. Những bài hát của nó
thời chống Pháp bây giờ nhớ lại vẫn thấy hay. Câu chuyện ấy… rồi cũng im bặt
luôn… (Đột nhiên đứng dậy). Thôi, tôi về.
Đặng Thai Mai: Bận gì mà vội thế! Ngồi thêm ít phút nữa.
Nguyễn Tuân: À, hôm khác tôi lại đến. Đến thăm ông, thấy ông
vui, thế là mừng. Tôi gửi lời thăm chị Mai - Bà nhà tôi cũng gửi lời thăm chị
Mai, ông nhớ nói hộ nhé.
Trên ô tô về nhà, bác Tuân cứ cười một mình, xúc động thực sự.
“Đến thăm ông Mai, nghĩ cứ thương ông anh cả quá. Thỉnh thoảng phải thu xếp thì
giờ đến thăm ông ấy mới được. Mình vui mà chắc ông ấy cũng vui”.
Nhưng thật không ngờ, đó là lần đến thăm nhà văn Đặng Thai
Mai cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhân tiện nói cụ Nguyễn Tuân làm thơ, gần đây Khuất Bình
Nguyên đưa ra một tư liệu khá quý là, lúc sinh thời, Nguyễn Tuân có làm thơ thật.
Bình Nguyên cho biết, người bạn vong niên của ông tóc trắng, da đồng - nhà thơ
Ngô Thế Oanh có chép tay cho ba bài thơ của ông Nguyễn lên trên mặt sau của mấy
tờ lịch cũ. Bài Say và Khúc tương tư viết theo thể lục bát
đăng trên tờ An Nam tạp chí, số 5 ngày 1-12-1932. Và bài Trăng
liềm viết về sự hồi sinh của Điện Biên Phủ theo thể thơ tự do đăng trên
báo Văn học, số 22 ngày 25-12-1958. Cách nhau đúng 26 năm! Tôi giật
mình sửng sốt vì không nghĩ đó là Nguyễn Tuân. Nếu như ông Nguyễn lấy nghiệp viết
thơ làm chính thì không biết có được ngồi gần cùng chiếu với ông Tản Đà để
mà nợ men gấp mấy nợ tình, cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng hay
không? Nhưng sự đời lại không bao giờ có chữ “nếu” như thế xảy ra. Cái mệnh của
ông Nguyễn là làm thơ trên những dòng văn xuôi chải chuốt vô tiền khoáng hậu mà
tôi được thấy.
Nhà văn Phong Lan viết một bài ngắn đăng trên báo Hà Nội
mới số ra ngày 21-6-2003 với tựa đề “Vang bóng một thời” đã… cứu một “bàn
thua” như sau:
Khoảng năm 1980, nhà văn Nguyễn Tuân vào Huế chơi. Đích thân
Chủ tịch tỉnh đã giao cho hai nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Trần Công Tấn tháp tùng,
săn sóc cụ Tuân với lời dặn: “Cụ muốn xơi món gì, cứ y thực đơn bảo nhà khách tỉnh
phục vụ chu đáo”. Nhưng cụ Nguyễn lại thích lang thang ghé qua các quán tuềnh
toàng như cơm Âm phủ, quán Bún bò dốc Nam Giao, bánh bèo An Cựu, bánh khoái Thượng
Tứ… Tính cụ vốn rộng rãi, thường trả tiền bao hết những lần ngồi quán cùng những
người tháp tùng. Hai chàng nhà văn trẻ “áy náy” lắm, định bụng sẽ mời nhà văn
già một bữa cháo lòng để đáp lễ.
Bữa đó, cả ba người kéo đến quán cháo lòng nổi tiếng ở gần cửa
Đông Ba. Tiệc đãi vừa tàn, cụ Nguyễn và hai anh chàng tháp tùng còn đang thưởng
thức chén trà ướp sen thì bà chủ quán đã kịp vào mặc chiếc áo dài màu tím “đặc
trưng Huế” rồi dắt đầy đủ con cái, dâu rể đến xếp hàng trước mặt khách. Cụ Nguyễn
và hai nhà văn trẻ còn chưa kịp ngạc nhiên thì bà chủ quán đã chắp tay, nói:
- Dạ thưa cụ, cả nhà tôi vô cùng vinh dự được xếp hàng cảm ơn
cụ đã đoái hoài đến thăm bản quán.
Nhà văn Nguyễn Tuân trố mắt nhìn, vuốt ria hỏi:
- Vậy thì bà nhầm chúng tôi với các quý vị chức sắc nào?
Bà chủ quán xoa tay:
- Thưa cụ… Cả nhà chúng tôi đã bái phục cụ từ lâu rồi. Thưa…
cụ chính là cụ Nguyễn “Vang bóng một thời!”.
- Vậy ạ? Nguyễn Tuân vui vẻ cười và cũng chắp tay lễ phép -
Thưa bà, tôi cũng xin bái phục bà vì không hiểu do đâu bà lại biết chúng tôi
thích ăn những món ấy và khoái dùng loại rượu kia?...
Tô Nhuận Vỹ xin tính tiền. Bà chủ quán nhất nhất không chịu
nhận, lại còn rối rít cảm ơn cụ Nguyễn Tuân “đã đoái hoài đến bản quán”. Khỏi
phải nói, hai nhà văn trẻ tháp tùng… thở phào nhẹ nhõm và trong lòng thầm biết
ơn tấm lòng của người bạn đọc ấy!
Âu cũng là cái duyên tiền định của Hà Nội với Huế, ngày cuối
cùng của “Triển lãm Hội họa kết nghĩa Huế - Hà Nội” (trưng bày tranh - thảm của
Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận tại 19 phố Hàng Buồm, Hội Nhà văn Hà Nội), sáng ngày
25-7-1987, các tác giả được vinh dự tiếp đón nhà văn Nguyễn Tuân và vợ chồng nhạc
sĩ Văn Cao đến thăm phòng tranh mà không hẹn trước.
Đúng 5 giờ chiều ngày chúa nhật 28-7-1987, anh Nguyễn Tuân đến
như anh đã hẹn. Chị Ngọc Trai khi ấy đang nấu nướng các thứ ở nhà bếp. Còn tôi
với anh ngồi nói chuyện với nhau ở phòng khách. Anh rút từ trong túi ra và đưa
cho tôi xem một vỉ thuốc trợ tim. Anh nhìn tôi, cười hóm hỉnh kể, chiều nay
đáng lẽ bác sĩ bắt tao phải vào bệnh viện Việt - Xô, nhưng tao xin khất vào sáng
thứ hai, tao bảo với họ chiều nay tao phải bận đi “ký hợp đồng” với môt người bạn
ở tỉnh xa đến. Anh nheo mắt, kể tiếp, nghe tao bảo đi “ký hợp đồng”, bác sĩ lại
càng ngăn cản tợn, lấy lý do là ký hợp đồng thì phải làm việc nhiều rất có hại
cho tim, tao bí quá bèn nói đại là ký hợp đồng nhưng chẳng phải làm gì cả… Bỗng
nhiên khuôn mặt anh lộ ra đầy vẻ bất bình, anh nhìn tôi và nói, này Chỉ ơi mày
nghĩ coi bác sĩ chơi tao có ác không? Nó bảo quả tim của tao có vấn đề, vì vậy
phải tránh làm việc nặng và nhất là tránh không được xúc động mạnh. Thế là tao
bảo với bác sĩ, nếu các ông cấm không cho tao xúc động, thì chi bằng các ông bắt
tao bỏ mẹ cái nghề văn của tao cho rồi!...
Tại bàn tiệc, toàn là “Huế kiều” được cái hân hạnh tiếp anh
Nguyễn Tuân. Trong số đó có: tôi, Hoàng Đăng Nhuận, chị Ngọc Trai (chủ nhà),
anh Trần Phương Trà; sau đó lại có thêm anh Lê Huy Cận (Tổng thư ký “Hội Những
người yêu Huế” ở Pari, vừa mới đến Hà Nội), anh Võ Bạt Tụy (thành viên của Hội).
Anh chị Văn Cao đến sau cùng. Lại có mời thêm hai thợ chụp ảnh. Một cách định mệnh,
tất cả những hình ảnh sinh hoạt chiều hôm đó đã được ghi lại một cách đầy đủ.
“Thực phẩm trần gian” được bày biện một cách đẹp mắt, và theo
lối Huế, lại có cả rượu quý mà anh Cận đã mang từ Pháp về. Anh Tuân mở đầu cuộc
vui, nhưng anh vẫn giữ cái thói quen cố hữu là “ăn bằng mắt”, và uống chậm rãi.
Anh có cái tư thế chễm chệ của thần Bacchus đang chủ tọa cuộc “Lễ rượu” vậy.
Tuy nhiên, có một điều làm cho tôi ngạc nhiên là hôm ấy anh vui đùa một cách
khác thường và uống rất nhiều.
Hầu như không có bữa tiệc rượu nào, dù với nhiều người hoặc
chỉ một vài người, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nhớ đến Nguyễn Tuân và Văn
Cao. Có khi chỉ nhớ thoáng qua, có khi lòng trầm xuống, nhớ nhiều. Lúc ấy phải
tìm ly rót rượu cho hai anh, đốt lên một nén nhang thơm. Làn khói bay luẩn quẩn
và biết đâu hồn người không về đâu đó.
Trong một bài báo “Giữa Sài Gòn uống rượu nhớ Nguyễn Tuân và
Văn Cao”, Trịnh Công Sơn viết: Tôi có một căn phòng riêng vừa đủ dùng để uống
rượu, viết nhạc và vẽ. Ở đây rất nhiều năm tháng anh Nguyễn Tuân và Văn Cao đã
nằm, ngồi uống rượu cùng tôi mỗi lần các anh từ Hà Nội vào. Thường xuyên nhất
là anh Nguyễn Tuân những năm sau ngày thống nhất. Hình như anh Tuân và tôi ghiền
gặp gỡ nhau để vừa uống rượu vừa nói về một thứ chuyện đời hư hư thực thực. Thậm
chí có những ngày tôi đang ở Huế, anh vẫn một mình đến căn phòng quen thuộc
này, nằm trên chiếc võng, sai bảo em gái tôi lấy rượu và kho một om nhỏ cá bống
thệ để anh nhậu một mình. Anh bảo với em gái tôi: Cô Diệu này, mỗi ngày tôi sẽ
đến đây nằm võng uống rượu và nhấm cái bầy bống kho trên nệm ớt ấy để nghĩ đến
anh cô trong một tiếng rưỡi đồng hồ rồi tôi về. Cái ông Tuân nghịch ngợm này là
thế đó, cười bằng con mắt có đuôi, vừa thầm giễu cợt vừa khinh bạc đời.
Đời sống trôi qua êm đềm thế. Những ly rượu lướt qua. Thời
gian trôi qua. Những khuôn mặt Nguyễn Tuân, Văn Cao chập chờn qua ở góc này, phố
nọ giữa Sài Gòn này. Như chưa hề có 30 năm chiến tranh chia cách người nọ với
người kia. Như chưa hề có đớn đau rồi hạnh phúc. Như chưa bao giờ có ly biệt rồi
trùng phùng.
Những ngày vui chơi giữa Sài Gòn này cùng các anh tưởng như
vô tận mà lại có lúc tận. Rượu thì vô hạn mà đời người thì hữu hạn.
Đã bao nhiêu mùa xuân qua rồi. Bao nhiêu đêm giao thừa tôi ngồi
uống rượu và nhớ đến các anh Nguyễn Tuân, Văn Cao. Trầm hương không đủ để làm ấm
lại một không gian đã vắng những khuôn mặt người vắng để nhớ. Nhớ như nhớ một vết
thương.
Bạn trong đời sống uống rượu đường dài có nhiều nhưng không
phải ly rượu nào cùng uống cũng quí và bữa tiệc rượu nào cũng vui.
Những ngày sắp cuối năm dương lịch trời trở lạnh. Cái rét như
thế này Sài Gòn thật hiếm khi có. Một thứ trời đất dễ làm những con người cần gặp
gỡ nhau và nâng lên cốc rượu. Những ly rượu hôm nay lại nhắc nhở những ly rượu
xưa. Những ly rượu cùng anh Tuân ở một quán cóc giữa đêm mưa cạnh một nhà ga ở
Huế. Những ly rượu trên một căn gác ở Hà Nội. Và những ly rượu ở Sài Gòn. Thời
tiết này mà vắng những người bạn vong niên ấy thật là một điều tệ hại của đời.
Đời có những sự, những cách sắp xếp riêng của nó, nhưng thường khi và có lẽ
luôn luôn như vậy, không theo kiểu mưa thuận gió hòa. Điều ta cần để lại thì nó
lấy đi. Điều ta không cần thì nó để lại. Nếu có thật một bàn tay nào đã sắp xếp
cuộc đời này thì đó là bàn tay của ma quỷ.
Khi ta ngồi uống rượu một mình và nhớ đến những người đã khuất
thì đó là một điều bất hạnh. Khi ta ngồi uống rượu một mình và không còn nhớ đến
ai cả thì đó là một điều bất hạnh gấp đôi.
Mỗi ngày, trong đời sống, khi đã nâng cốc rượu lên thì phải uống.
Có thể uống vì rượu ngon, có thể uống vì ly đẹp và trước hết uống vì người cùng
uống nhưng trong sâu thẳm là uống để chia sẻ những ngọt bùi đắng cay với chính
mình.
Những ngày cuối năm 1998 ở Sài Gòn uống rượu và nhớ anh Tuân,
anh Văn. Nhớ các anh như nhớ những tiểu phẩm cuối đời chưa viết xong. Nhớ các
anh như nhớ những ly rượu để chênh vênh bên thềm cửa sổ chực ngã xuống lòng đường
để vỡ nát.
Bên lề một thế kỷ khác, sắp bước vào. Nỗi nhớ bạn vong niên
trầm luân đã khuất. Nỗi nhớ ấy sẽ mang một vóc dáng nào nữa đây và ly rượu này
sẽ mang một hình hài nào khác nữa không? - Báo Sài Gòn Tiếp thị, số
Xuân 1999.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn rất thân Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Lần
nào ra Hà Nội, anh cũng đến thăm các vị ấy và tất nhiên cùng đi uống rượu. Anh
viết:
Lần nào từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tôi và các anh Tô
Hoài, Kim Lân cũng đến quán Huế. Chúng tôi thích ngồi ở góc phòng mà bác Nguyễn
Tuân ngồi uống rượu lần cuối cùng.
Hồi ấy chưa mở quán (1987), tháng bảy trời hè, chỉ tuần sau
là bác Tuân qua đời - chị Ngọc Trai và các bạn văn nghệ Huế: Bửu Chỉ, Trần
Nguyên Vấn mời bác Tuân đến uống ly rượu, đàm đạo chuyện văn, chuyện đời, chuyện
Huế đánh Mỹ, chuyện lá cờ Mặt trận dân tôc giải phóng 96m2 thượng lên kỳ
đài cao 60 mét từ trong đêm nổi lửa Tổng tấn công. Hôm ấy bác Tuân vui đến tận
khuya, hết một chai Henessy mới lững thững đi bộ về nhà.
Hôm nay tôi mời cả giáo sư Xuân Đào - con trai của Nguyễn
Tuân; Tổng biên tạp báo Bạn đường, nhà báo Phạm Mạnh đến cái góc
phòng mà bác Nguyễn ngồi để uống với Tô Hoài, Kim Lân và hoài niệm về nhà văn lớn
Nguyễn Tuân.
Thực đơn quán này rất phong phú và bình dân, theo nhà văn,
nhà báo Thái Duy - thì đó là một quán ăn rẻ và ngon, độ 10.000 đồng có thể ngồi
ăn bún bò giò heo Huế. Từ món nem nướng, chả Huế, đến món cao cấp hơn như cá hấp,
súp, cá bỏ lò, nem chạo tôm, bánh bèo, bánh nậm dân dã đều có. Bác kể với tôi,
có lần cha bác cho bác đi ăn cơm tại nhà một bà thập lục đờn nổi danh. Nghe đờn
xong thì ăn cơm muối. Chỉ có cơm và muối. Muối rồi lại muối. Trong lòng mâm đồng
tam khí bày đủ 12 đĩa muối. Nào muối riềng, muối tỏi, muối ớt, muối tiêu, muối
đậu phụng, muối sườn, muối mè, v.v…
Bác Nguyễn Tuân sinh thời rất coi trọng văn hóa ẩm thực, nên
bác hay đến nhà chị Ngọc Trai để thưởng thức tay nghề gia chánh của chị. Bởi vậy
nhà văn Ngọc Trai đã sưu tầm, chọn tuyển và viết một cuốn sách về Nguyễn Tuân.
Mới đây, cách chưa đến tuần lễ, tôi có đến thăm con đường mà thành phố Huế đã đặt
tên Nguyễn Tuân ở phường Xuân Phú, và con đường Nguyễn Tuân ở Hà Nội.
Bác Nguyễn Tuân là người rất yêu Huế có những trang tùy bút về
Huế rất hay. Sau giải phóng, có lần tôi đưa bác đến thăm Huế (1976), nhà văn
Nguyễn Quang Hà cùng bác đứng bên bờ sông Hương, ngay chân cầu Tràng Tiền; bác
Nguyễn đã xúc động nói vọng xuống mặt sông: “Sông Hương ơi! Nguyễn Tuân đã về
đây!”. Câu chuyện này mấy lần tôi được Nguyễn Quang Hà nhắc lại với lòng tự
hào, vì đã đưa nhà văn lớn Nguyễn Tuân đến sông Hương, nhắm rượu với nem chua ở
chợ Đông Ba. Mỗi lần vào Huế sau này, bác Nguyễn đều dùng cơm hến, cơm muối ở
dưới thuyền lềnh bềnh trên sông.
Quán của nhà văn Ngọc Trai cũng như các quán mà văn nghệ sĩ mở
(Thanh Tùng, Trần Tiến, Nguyễn Du, Trịnh, con nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở Sài
Gòn), tuy chưa phải là tuyệt vời nhưng được cái sạch sẽ, gọn gàng, có văn hóa
nên bạn bè, khách khứa tìm một góc tâm tình. Nghe đâu trước nhà số 6 Lý Thường
Kiệt cũng có quán Huế, nhưng sau đổi thành cơm Huế. Xứ Huế thơ đẹp, văn vật có
những món ăn lạ, nhất là nước chấm hàng chục loại mà bác Nguyễn Tuân đã ngợi ca
trong bài bút ký Nhớ Huế khi đất nước còn chia cắt.
Tô Hoài và chúng tôi thết khách hay đưa ra quán này. Có khách
nước ngoài sang trọng hơn thì đưa ra Ngự Thiện - phố Phủ Doãn - sinh thời, nếu
còn bác Tuân, chắc bác rất vui, nhưng bác sĩ đổi tên là quán “Cơm Vua” từ Ngự
Thiện là chỉ dành cho hoàng đế. Nhưng bây giờ “thượng đế” dân dã cũng có thể
dùng cơm vua chứ!
Chúng tôi nâng cốc tưởng niệm người bạn vong niên - nhà văn
Nguyễn Tuân - nếu còn bác, chắc bác sẽ đến góc quán Huế này mà dùng rượu thuốc
và món ăn Huế bình dị, sang trọng và ngon miệng ở đây. Bác đã từng nói bao
nhiêu thịt cá yến tiệc cũng không làm sao quên được bữa cơm đạm bạc rất Huế ở
nhà bà thập lục đờn để lại lòng bác một dư vị bữa cơm bình dị với “thập nhị sứ
quân muối”. Vừa rồi ra họp Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi: Tô
Hoài, Kim Lân, Nguyễn Xuân Đào, Hồ Hải Thụy, Phạm Mạnh lại đến quấy quả nhà văn
Ngọc Trai; thắp hương, rót rượu tưởng niệm Nguyễn Tuân.
Cũng Đoàn Minh Tuấn viết:
Năm nào cũng vậy, kể từ những năm chiến tranh leo thang của
giặc Mỹ vượt vùng “cán xoong” thập niên 60-70, thường vào giao thừa, tôi hay đến
xông đất nhà bác Nguyễn.
Năm 1968, giao thừa của cái năm gây sự kiện chấn động cả nước
Mỹ, năm miền Nam tấn công và nổi dậy khắp 120 thị thành làm rung chuyển Nhà Trắng
và thế giới!
Năm mà thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng núi sông:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Tôi và anh Mai Văn Tạo như thường lệ chuẩn bị chai rượu từ
ngay chiều 30, hễ nghe pháo giao thừa, người người đi hái lộc quanh hồ Hoàn Kiếm
trước nhà tôi thì chúng tôi “xuống đường” đến thăm nhà bác Nguyễn.
Năm ấy chúng tôi đến vào lúc 2 giờ sáng. Hình như giao thừa
không năm nào thấy bác Nguyễn ngủ. Bác nằm trên ghế xếp giữa nhà, một bóng điện
tròn bé tí có chụp che vừa đủ tỏa sáng, căn phòng nhỏ hơn mười mét vuông, căn
phòng giờ bác gái vẫn giữ làm “bảo tàng” cho nhà văn bậc thầy tài hoa và nổi
danh từ lâu khắp từ cõi Âu sang Á.
Cái cảnh “gần chùa gọi bụt bằng anh”, chúng tôi đều lếu láo gọi
anh Út Cả - từ của anh em nhà văn miền Nam chúng tôi xưng hô với bác - Anh Út Cả
mừng vui, không đứng dậy, chỉ ghế cho hai anh em tôi ngồi rồi chậm rãi đến chỗ
cái lò sưởi thời Tây, trong cái vòm nhỏ vuông vắn các viên gạch hồng ám khói tạo
thành cái tủ rượu, anh lấy một góc chưa đầy một phần năm chai Cô nhắc rót ra 3
ly nhỏ, với 1 miếng phó mát - phó mát Nga xén ra trên đĩa gốm Bát Tràng…
- Mời, chúc gì nhỉ?
- Kính chúc anh vạn hạnh!
Đối với chúng tôi, anh xem như con em trong nhà nên không bao
giờ anh nói nhiều, đêm nay anh chỉ nhắc câu thơ của Cụ Hồ:
Bao giờ kháng chiến thành công
Bắc Nam cùng uống một chung rượu đào.
Bây giờ kháng chiến sắp thành công rồi, Bắc Nam sắp thống nhất,
giang sơn một dải, cạn chén nhé!
Chúng tôi đứng dậy, cảm động, tay run run cầm ly rượu chát
màu nho tím cùng anh uống cạn…
Đêm ấy tôi có mang theo bánh pháo nhỏ, bấy giờ đang là cuộc
chiến tranh phá hoại, đến 2 giờ sáng pháo đã thưa thớt, chỉ còn đì đoàng phía
bên kia sông Hồng, gió tạt lại mùi nồng lạnh - tôi xin phép anh đốt cho vui, thế
là chúng tôi đều ra cái ban công nhà anh rộng chưa đầy hai mét, ba anh em nhìn
ra khoảng trời trống đầu ngõ hẻm và đưa pháo ra đốt.
Cũng may là pháo Bình Đà chánh hiệu nên nổ giòn và tỏa khói
vào các căn gác hẹp làm ấm áp trời xuân. Chúng tôi vừa nhắm rượu vừa nói chuyện
thời cuộc. Năm ấy thấy bác Nguyễn vui, không như mọi năm đầu của thập niên,
giao thừa bác thường tắt đèn ngồi trầm ngâm độc ẩm với làn khói mỏng của hương
trầm đặc biệt mua ở chùa Quán Sứ!...
Bác nói vui với chúng tôi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa công
du ở Đông Âu về có gửi cho bác chai rượu Tây ngon lắm, bác chờ ra Giêng hẹn có
cả Tô Hoài, cho vui. Hồi ấy rượu Cognac rất quí, phó mát Nga đóng cứng như bánh
xà phòng thế mà xem như của lạ.
Và bác lại tếu:
- Sáng nay hai thằng mày - bác gọi chúng tôi thế - có biết Út
Cả vui vẻ gì không? Lại có một cha hay theo “giúp đỡ” anh em văn nghệ chúng
mình đem rượu và giò lụa đến đây uống với Út Cả. Anh ta bảo: Thưa bác! Cả năm
nay bác cháu chúng ta bình yên, chúng cháu lại đến liên hoan cùng bác.
Anh Nguyễn cười hóm:
- Thế hai thằng mày thấy có vui không?
Mà vui thật, năm ấy anh Nguyễn vừa hoàn thành tác phẩm “Hà Nội
ta đánh Mỹ giỏi” nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao vẽ bìa, ngoài bìa có những chiếc hầm
tròn như những vại bia và hơi giống như mắt thần của bộ đội cao xạ nhìn thẳng
vào máy bay Mỹ.
- Năm nay vui vì tể tướng có bạn rượu uống và “Hà Nội ta đánh
Mỹ giỏi” vừa viết xong…
- Và năm nay Mai Văn Tạo phải hoàn thành “Củ Chi đất thép”,
còn Đoàn Minh Tuấn phải xong cuốn tiểu thuyết như đã dàn dựng về ông Vua áo vải
nhé! Thôi chúng ta cùng uống mừng xuân đại thắng!
Chúng tôi lại hỏi chuyện để níu thời gian giao thừa ở nhà anh
lâu hơn.
- Thế khi nào “Mỹ cút, ngụy nhào” bác sẽ vào đâu trước?
- Tất nhiên là Cà Mau rồi! Ta uống mừng đường ta đi mau tới
Cà Mau! Bác gái từ nãy giờ cứ ra ra vào vào, xem chừng để châm nước, và cũng
vui theo chúng tôi. Lúc đầu bác hơi ngại, mấy năm qua cụ ông đã gặp nhiều điều
không vui, nay giao thừa hai thằng miền Nam này lại đến? Nhưng trên thần sắc
bác gái đã đỡ lo âu và vui lây. Chúng tôi càng yên tâm, vì sợ bác gái kiêng cữ
đầu năm và cả năm dông thì chúng tôi khó ăn khó nói!
Có tiếng gà gáy - con gà trống dưới tầng trệt chuẩn bị đón
xuân cất tiếng gáy ò ó o!
Chúng tôi tạm biệt ra về. Bác Nguyễn Tuân tiễn chúng tôi xuống
hết cầu thang, tôi lấy ở giỏ xe ra một chai “cuốc lủi” cho vào áo bành tô của
bác gọi là quà xuân.
Và ngay sáng hôm ấy Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang vang loan
tin chiến sĩ thắng lớn Sài Gòn và cả các thị thành phương Nam…
Nhà báo Nguyễn Nguyên rất xúc động khi được một nửa ngày ngồi
uống rượu ở nhà Nguyễn Tuân mà anh thuật lại một bài khá dài trên báo Thanh
niên, số ra ngày 29-8-1988. Xin trích một vài đoạn:
Bữa rượu ở nhà anh Nguyễn Tuân hôm ấy (25-5-1981) bắt đầu lúc
11 giờ rưỡi trưa và kéo dài cho đến xế chiều.
Rượu thì chai lớn, chai nhỏ, chai đầy, chai lưng lưng, nào thứ
ngâm quả dâu tằm, nào ngâm mơ chùa Hương, nào nguyên chất Vân, nhưng giữa cái
khoảng thời gian một nửa ngày trôi đi lững thững ấy, có nhiều lúc chén rượu
nâng lên, anh Nguyễn thường chỉ nhắp rồi cặp mắt xa xôi lặng lẽ, hoặc chỉ hớp một
hớp nhỏ để xấp giọng sau mỗi câu phát biểu về một nhân vật hay một quan niệm, một
vấn đề.
“Nếu mặc cảm mà cứ mang nặng thì dù 1000 (một ngàn) lít vẫn cứ
mất oan, chẳng giải quyết được gì.
Phải vất bỏ cả tự cao lẫn tự ty, vất bỏ mặc cảm tức là tự chủ,
là dân chủ thực sự”.
Anh Nguyễn nhấn từng chữ và câu nói bật ra thật hết sức bất
ngờ khiến tôi phải đòi anh nhắc lại cho tôi ghi sổ tay. Của đáng tội, khi đòi
ghi chép tôi cũng có hơi chút ngài ngại. Nhưng anh Nguyễn gật gù rồi đọc và đọc,
có chấm có phết, y hệt như là thầy giáo đọc chính tả vậy. Đọc rồi diễn giải, rồi
lại nói. Rất nhiều câu chuyện không đầu, không cuối. Có câu nghe ngồ ngộ, có
câu thấy ngang ngang làm tôi ghi dứt xong một câu, chưa kịp buông bút, chưa kịp
gấp cuốn sổ, mà đã lại thấy cần ghi thêm ghi tiếp.
- “Có thứ đọc sách để phá người. Có thứ đọc sách để tu dưỡng,
đọc sách để signaler (báo cho biết) cho anh em điều hay, cái gì nên đọc, nếu
không sẽ lãng phí.
Lúc trẻ cái gì cũng đọc hết, giống như cái dạ dày trai trẻ,
gì cũng ăn, cũng tiêu hết vì cần ăn. Đến lúc đứng tuổi và có tuổi rồi vẫn đọc,
đọc cái mới và đọc lại những cái mình đã đọc mấy chục năm trước để xem xem cái
gì còn lại được qua những gì mình đã đọc, và đọc lại xem còn giữ được cái gì,
và cái gì phải từ chối đi”.
Ấy đại để nhiều câu như vậy. Có câu tự nhiên tôi bỗng nhớ nhập
tâm, khỏi cần ghi. Và nhằm lúc anh Nguyễn tạm ngưng, nhắp chén, tôi lại hỏi anh
về cô Tú, về Lý Văn, về ông Huấn Cao.
“Về cô Tú, cuộc đời giờ đã hết tất cả sán lạn rồi. Bởi vì đời
đã sớm đòi hỏi cô nhiều về bổn phận. Cô nhất định không đi lấy chồng và vui
lòng sống vậy cho đến lúc nào cậu Chiêu em đi thi được và làm nên được…
… Cái bây giờ của cô Tú đã là không đáng kể và cô chỉ sống bằng
mong chờ về cái mai sau của cậu Chiêu…”.
Tôi nói với anh Nguyễn rằng ở cái tuổi của chúng tôi, mấy chục
năm trước đây, trong xã hội cũng không hiếm lắm những cô Tú bằng xương bằng thịt
cũng như những cô Tú ở trong nhiều tác phẩm khác nhau của nhiều nhà văn; nhưng
cô Tú do ngòi bút của anh Nguyễn tạo ra, người con gái ấy cao hơn hết thảy, nổi
bật lên không chỉ riêng về sự hy sinh mà từ ứng xử, từ cái nhìn ra chung quanh,
từ cái cách so sánh, xét người, đánh giá một con người. Cô Tú chị của cậu
Chiêu, trong văn học chỉ có một, độc đáo.
- Anh Nguyễn ạ, -tôi nói một giọng đầy hào hứng- mấy tổng
vùng quê tôi và bên kia sông Ninh Cơ, ngày xưa cũng là đất những tay chơi. Cái
“bút chì” ở vùng tôi người ta gọi là cái móng giây. Đám cướp lớn, quân chiến
bao giờ cũng đi bộ ba gồm ngọn trường, móng giây và lá chắn. Hồi tuổi hai mươi
tôi vẫn còn gặp, ở đây đó trong vùng, những tay chơi nổi tiếng. Bọn họ trước
đó, nghe nói lâu lâu tổ chức đi ăn cướp không phải vì đói, vì miếng ăn mà vì có
cái láu nghịch ngợm, ăn cướp để chơi thôi. Tôi có dịp gặp gỡ và cũng từng trò
chuyện với họ, mặc dầu bọn họ có người tuổi lớn gấp đôi, gấp ba tuổi tôi. Có
người trông dáng dấp bề ngoài rất chững chạc phong nhã là khác. Nhưng tôi chưa
gặp ai có phong độ và suy nghĩ như ông Lý Văn. “Ngọn bút chì của chú hay đấy.
Nhưng cũng còn nặng tay. Chưa được ngọt đòn lắm. Có nhiều khi mình chỉ nên đánh
dọa người ta thôi. Nếu không cần đến, thì chớ nên làm tổn hại đến nhân mạng”.
Cái ông Lý Văn của anh đúng là một tay chơi có tư cách hơn tất cả những tay
chơi đấy anh Nguyễn à.
Anh Nguyễn Tuân nghe rồi cười cười, gật gật. Chén rượu nhắp cạn
lại rót tiếp. Câu chuyện cứ việc lan man không bến không bờ. Cùng dự bữa, anh
Nguyễn Văn Bổng đã uống rượu ăn cơm rồi đi họp. Khi tan cuộc họp quay trở lại,
thấy anh Tuân và tôi vẫn đang la đà, anh Bổng phải đứng sững, ngạc nhiên thốt
lên.
- Giỏi quá vậy!
- Ông có muốn uống thêm vài chén nữa thì ngồi xuống đây.
Anh Tuân hấp háy cặp mắt, chìa tay mời, giọng nói vừa thân mật
vừa như ra lệnh. Anh Bổng cười xòa. Ba chén rượu rót ra từ cái chai đã uống
phân nửa, nhưng bỗng thấy như nồng thêm bởi mấy mẩu thời sự sốt dẻo, bởi một
vài màn thay bực đổi ngôi ở ngoài Bắc trong Nam.
Trên căn gác ba của ngôi nhà số 43 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội,
ở buổi chiều một ngày đầu mùa hạ mà vẫn còn được hưởng cái mát dịu của hơi gió
xuân lạnh rớt, không khí từng lúc cứ đột ngột sôi nhộn.
Trong cuộc đời, ở một người nào đó, một loại người nào đó, bất
chợt chỉ với một nửa ngày, với một ngày nhưng có thể coi như đã sống một năm,
hoặc mười năm, hai ba chục năm. Anh Nguyễn Tuân rõ ràng đã sống nhiều ngày như
vậy, và bởi đã sống như vậy nên chắc chắn anh sẽ sống, vẫn sống mãi trong tâm
tưởng của nhiều người.
Trong sách Con chữ soi bóng người (NXB Hội Nhà
văn, 2010, nhà thơ Trần Thị Thắng có một bài “Nguyễn Tuân và nỗi buồn
dương thế”, có đoạn:
… Có người biết đem chữ và nghĩa ra chơi, sắp đặt cho đẹp mà ý
lại cao. Nhưng ngược lại, ông là một con người luôn cô đơn. Ông thường mời vợ
chồng tôi lại chơi nhà, trên sập nhỏ đựng những vỏ chai rượu Tây do bạn bè mang
lại. Hay những người trọng văn ông họ đi ra nước ngoài, đọc văn ông thấy gần lại
với quê hương thì lại nhớ ông mà mua rượu tặng. Người đọc văn ông là những người,
biết thưởng thức văn chương và cũng biết đến rượu ngon nên dành tặng ông. Những
lúc như vậy ông vui đấy mà buồn đấy, gọi Lê Quang Trang đến để nhấp chút rượu
cho vơi sầu:
- Tôi bị mang tiếng ăn uống khó, thực ra là buồn lắm Trang ạ,
ăn uống cũng là để vơi đi nỗi sầu. Nghề của mình đã đơn độc trước trang giấy,
có ai viết hộ mình được đâu mà mình phải tìm ra tứ để viết, viết rồi lại không
bằng lòng với mình, thế là đã cô đơn lại cô đơn. Còn ăn uống, nếu ăn cho xong
thì chỉ mấy phút, ăn uống nó đi với nhau để nguôi đi những cô đơn mà nghề mình
tự nó mang lại.
Nói đến đó, ông lại nhấc ly rượu Tây lên nhấp rồi đặt xuống.
Tôi mạnh dạn hỏi ông:
- Người ta đồn bác uống cà phê cho thêm một chút nước mắm?
Tôi chưa bao giờ thấy Nguyễn Tuân lại cười hiền lành như thế,
cười xong ông trả lời:
- Thiên hạ cứ khoác bừa vào những “chi tiết” thừa cho tôi,
nhưng người biết thưởng thức văn Nguyễn thì sẽ biết Nguyễn Tuân không bao giờ uống
cà phê như vậy.
Cùng sống và làm việc với Nguyễn Tuân suốt 40 năm ở Hội Nhà
văn, nhà thơ Tế Hanh có nhiều kỷ niệm khó quên đối với anh: Kỷ niệm về những
chuyến đi thực tế, đi tham quan trong và ngoài nước rồi cùng trao đổi, đọc sách
cổ kim Đông Tây và có khi cả những chuyện bất đồng, tranh cãi phê phán nhau, giận
nhau rồi lại dàn hòa… Tế Hanh kể lại trên báo Văn nghệ số ra ngày
1-8-1992 một bài rất dài do chị Ngọc Trai ghi lại:
Những chuyến đi công tác, đi nghỉ nước ngoài cho tôi thấy rõ
bạn bè văn nghệ nước ngoài quý trọng anh Tuân như thế nào! Tôi nhớ nhất chuyến
đi Bungari và Liên Xô cùng anh năm 1973. Hội Nhà văn Bungari mời ba nhà văn Việt
Nam sang nghỉ và thăm đất nước Bungari trong ba tháng. Hội cử Nguyễn Tuân, Kim
Lân và tôi. Tháng 10-1973 chúng tôi lên đường. Đi máy bay ghé qua Bắc Kinh, qua
Mátxcơva rồi mới sang Bungari.
Thời kỳ này trong phe ta đã có những quan điểm bất đồng rồi
hiều lầm, đối phó lẫn nhau nên các sứ quán ta ở Bắc Kinh, Mátxcơva và Xôphia rất
ngại đón tiếp đoàn nhà văn ta, nhất là trong đó lại có anh Tuân mà mọi người vẫn
đồn đại là rất ngang bướng và tự do. Hồi đó anh Lê Tư Vinh đang công tác ở sứ
quán ta tại Bắc Kinh, anh vốn đã quen biết với anh em chúng tôi, lại là người
hiểu biết khá sâu về Trung Quốc nên đã giúp cho những ngày ghé lại Bắc Kinh của
chúng tôi có thêm những hiểu biết thú vị. Hồi này đang là dịp trung thu, anh Lê
Tư Vinh có dịp đãi chúng tôi món dưa hấu Tân Cương và rượu Mao Đài. Anh giới
thiệu về chè Thiết Quan Âm và chè Long Tỉnh là hai thứ chè đặc sắc của Trung Quốc.
Còn qua Liên Xô thì chúng tôi được ở lâu hơn. Vì anh Kim Lân lần đầu tiên ra nước
ngoài nên từ nhà đã yêu cầu Hội cho ghé lại thăm Liên Xô một thời gian. Vì vậy
lượt sang, chúng tôi phải liên lạc báo trước với Hội Nhà văn Liên Xô để họ chuẩn
bị trong lượt về sẽ đón chúng tôi. Nhưng khi đến sân bay Mátxcơva, sứ quán ta
hơi ngán đoàn nhà văn chúng tôi nên muốn ta nghỉ tạm ở một khách sạn của sân
bay rồi đi luôn. Anh Kim Lân sợ nhỡ mất chuyến thăm Liên Xô nên kêu mệt không
thể đi tiếp ngay được. Tôi và anh Tuân đều không vui nhưng cố không tỏ ra mặt
mà chỉ yêu cầu đưa về nghỉ ở Sứ quán rồi hãy hay. Sứ quán đành đón chúng tôi về
nhưng nhét ba người vào một phòng chỉ có một chiếc giường.
Anh Tuân đùa vui nói châm biếm: “Thế là ta phải cư trú văn
nghệ tại đây!”.
Hội Nhà văn Bungari bố trí cho đoàn chúng tôi một ô tô riêng,
một phiên dịch và đưa đi thăm khắp đất nước Bungari. Chúng tôi đi bằng đủ mọi
phương tiện: ô tô, tàu hỏa, tàu thủy. Đến thăm Biển Đen, chúng tôi ở lại nhà
sáng tác của Hội Nhà văn Bungari trên bờ Biển Đen. Bạn tiếp đón chúng tôi rất
thân tình. Anh Tuân thích thú và thức suốt đêm uống rượu đến say mèm. Từ đó về
Xôphia anh Tuân đề nghị bạn cho chúng tôi đi chơi thuyền dọc sông Đa-nuýp trong
nửa ngày. Đến thung lũng Hoa Hồng bạn cho thăm xí nghiệp tinh chế nước hoa.
Theo phong tục mến khách của xí nghiệp, bạn vẩy cả một lọ nước hoa lên bộ râu của
anh Tuân và tặng chúng tôi nhiều nước hoa. Hội Nhà văn Bungari định mời chúng
tôi nghỉ lại ba tháng nhưng chúng tôi chỉ xin ở một tháng. Sau khi đi khắp đất
nước, bạn bố trí chúng tôi ở tại nhà sáng tác của Hội xây trên một đỉnh đồi gần
thủ đô Xôphia. Nhà xây dựng theo phong cách dân tộc Bun và được bài trí theo một
phong vị rất cổ kính. Chỉ có một tháng ở thăm đất nước Hoa Hồng mà chúng tôi có
nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước thơ mộng, cổ kính này. Khi về nước tôi đã
làm được một số bài thơ. Sau này khi có dịp tiếp đón các bạn nhà văn, nhà thơ
Bungari như Blaga Đimitrôva, những kỷ niệm đẹp về đất nước Bungari ngày đó lại
sống dậy trong tôi.
Nhà văn Kim Lân bảo rằng, người ta hay nói nhiều giai thoại về
Nguyễn Tuân, nhưng phải là người như thế nào mới có những giai thoại hay chứ?
Chỉ riêng Nguyễn Tuân là mới có thể viết được “yêu ngôn”. Bởi vì cuộc sống của
ông đã “yêu quái” lắm rồi, mới có được cái “thần bút” ấy! Nguyễn Tuân là người
cực kỳ sợ ma. Khi ông cùng Kim Lân sang công tác ở Bulgaria, mỗi người được cấp
một căn phòng riêng, nhưng ông sợ ma không dám ngủ một mình. Ông đòi Kim Lân
sang ngủ chung một phòng với ông cho bằng được. Nhờ vậy, Kim Lân phát hiện ở
Nguyễn Tuân có một thứ bệnh rất lạ: suốt thời gian ở Bulgaria, đêm nào cũng như
đêm nào, cứ đến độ một giờ sáng là Nguyễn Tuân thức dậy bật đèn sáng trưng, đi
đi lại lại nghĩ ngẫm, giở sách ra đọc. Sau đó, ông lại mở rượu ra uống, vừa uống
vừa đọc sách. Rồi lại mở tất cả vali quần áo ra nheo mắt ngắm nghía, xếp đi xếp
lại cả chục lần. Mãi gần bốn giờ sáng, vừa tàn bữa rượu thì ông mới chịu đi ngủ.
Một giấc ngủ ngon lành mới thật sự đến với nhà văn. Kim Lân bật cười, nhỏ giọng:
“Khổ lắm! Lúc mình cần ngủ thì ổng thức, lúc mình thức thì ổng lại ngủ khì. Mà
lạ lắm nhé! Nó như thành một thứ bệnh, rất giống như ma ấy, đêm nào cũng như
đêm nào. Đấy, huyền thoại đấy, huyền thoại Nguyễn Tuân đấy! Huyền thoại ở ngay
chính trong đời sống tâm linh của mỗi con người chứ đâu!”.
Từ Bungari về Liên Xô, anh Tuân muốn đi xe lửa để có dịp ngắm
nhìn phong cảnh Đông Âu mùa tuyết phủ nhưng bạn đã mua sẵn vé máy bay, chúng
tôi phải đi máy bay. Về Liên Xô, gặp một hội nghị quốc tế lớn, khách sạn không
còn chỗ, Hội Nhà văn Liên Xô nhờ sứ quán ta bố trí cho chúng tôi ở tại sứ quán
và bạn đài thọ. Lần này chúng tôi được ở đàng hoàng hơn.
Trong thời gian này anh Tố Hữu nhân đi dự Đại hội Đảng anh em
cũng ghé lại Liên Xô. Biết tin có đoàn nhà văn chúng tôi đang ở đại sứ quán,
anh Tố Hữu yêu cầu tổ chức một buổi liên hoan thân mật tại sứ quán. Buổi liên
hoan ấy tôi nhớ có món mực nướng và rượu Tây. Anh Tố Hữu đứng lên nâng cốc rồi
chỉ vào Nguyễn Tuân và nói theo giọng Huế: “Ông ni là xét lại, còn tui là giáo
điều, chừ ta cạn chén với nhau dàn hòa hè!”, rồi anh ngoặc tay cầm rượu của anh
qua tay cầm rượu của Nguyễn Tuân rồi hai người cùng cạn chén, động tác đó là biểu
hiện của sự bình đẳng và thân thiện. Anh Tuân uống cạn chén rượu và xúc động
rơm rớm nước mắt. Đặc biệt là anh chị em ở sứ quán, họ hết sức ngạc nhiên. Vì đối
với họ, anh Tố Hữu là một cán bộ lãnh đạo cao cấp, xưa nay dù anh Tố Hữu và một
số cán bộ lãnh đạo khác có tỏ ra thân mật với họ cũng không bao giờ có được
thái độ bình đẳng cởi mở thực sự như vậy. Chúng tôi, những văn nghệ sĩ vốn được
anh Lành quý mến và luôn luôn đối xử bình đẳng thân tình; lúc này, trước vẻ cởi
mở chân tình của anh Lành đối với anh Tuân và đoàn nhà văn, tôi và anh Kim Lân
hết sức cảm động.
Năm 1987, trong lần khác tôi được đi nghỉ ở Liên Xô, Marian
Tcasốp đến báo cho tôi tin dữ: “Anh Tuân mất”. Marian đặt ảnh thờ, thắp hương
cho anh Tuân rồi rơm rớm nước mắt nói: “Cuộc đời cụ Tuân gắn liền với con số 7:
sinh tháng 7, mất tháng 7 năm 87 và tròn 77 tuổi. Những người gắn nhiều với số
7 và số 9 thường là những người đặc biệt tài hoa”.
Gần 40 năm cùng sống với anh Tuân ở Hội Nhà văn, chúng tôi
khác nhau về tính nết về phong cách, có khi khác nhau về quan điểm nữa nhưng
tôi vẫn quý anh Tuân về tài năng và đức độ; và có lẽ anh Tuân cũng quý tôi. Tôi
còn nhớ một kỷ niệm ngọt ngào với anh. Có lần chúng tôi tranh luận với nhau về quan
điểm, anh Tuân đã nặng lời với tôi. Sau đó khi tôi đi mổ mắt ở Đức anh đã viết
thư thăm hỏi chân tình. Khi tôi khỏi bệnh trở về, trong bữa cơm thân mật ở Hội
Nhà văn, anh Tuân ngồi cạnh tôi, rồi cứ gắp thức ăn cho tôi và nói: “Mình trông
rõ hơn ông, để mình tiếp ông!”. Suốt buổi liên hoan tôi để ý thấy anh Tuân toàn
gắp thức ăn cho tôi và các bạn, riêng anh chỉ nhấm nháp cốc rượu suông với một
miếng giò nhỏ.
Không chỉ uống rượu, ông còn dùng rượu để ứng xử. Có người kể,
một lần ông sang thăm Mátxcơva theo lời mời của Hội Nhà văn Liên Xô. Hội cử một
nhân viên tới gặp ông, nói: Ông có một số tiền nhuận bút do sách dịch và xuất bản
ở Liên Xô. Có nhu cầu mua những hàng hóa gì, xin ông kê ra giấy, những người bạn
Nga sẽ lo chu tất, kể cả việc đóng hòm gửi tàu biển về Hải Phòng. Về nước, ông
chỉ việc xuống Hải Phòng nhận hàng.
Vào lúc ấy, đây là một sự ưu ái ghê gớm. Người Việt Nam ta được
dịp xuất ngoại (“oách” nhất là đi Đông Đức, thứ nhì là Liên Xô), chẳng ai quên
mang theo số lượng nhiều nhất có thể hàng tiêu dùng như quần bò, áo phông, son
phấn… để hưởng ứng phong trào “nhà nhà làm thương nghiệp” đã phát triển rộng khắp
trên cả nước. Bán được hàng để có đồng “rúp” đã vất vả, mua được hàng mang về
còn gian nan gấp bội. Các “nhà buôn” nghiệp dư thích nhất là mua được tủ lạnh,
thứ hàng có giá cao, rồi nồi áp suất, bàn là, quạt tai voi… thậm chí cả cái dây
maixo cũng được vơ vét. Mua hàng không dễ, vì Liên Xô là một nước mà nền kinh tế
có kế hoạch rất chi là đàng hoàng. Không ai sản xuất ra hàng hóa để các ông vơ
vét mang ra ngoài biên giới nước người ta. Thế mà ông Nguyễn Tuân được người ta
mời mua, lại chỉ cần “phán”, chẳng cần mất một giọt mồ hôi đã có và chắc chắn sẽ
có đầy đủ mọi thứ theo yêu cầu. Nhưng người nữ nhân viên của Hội Nhà văn Liên
Xô từ sửng sốt này tới ngạc nhiên khác khi nghe nhà văn nói đại ý: Các đồng chí
giúp tôi dùng số tiền này tổ chức một tiệc rượu, tôi muốn mời các nhà văn Liên
Xô hiện ở Mátxcơva tới dự. Tiền không có nhiều, món ăn có thể tùng tiệm, nhưng
rượu nhất định là phải loại rượu ngon nhất. Rượu ngon, nổi tiếng khi ấy chỉ có
bán trong các cửa hàng cung cấp (kiểu như Tôn Đản, Nhà Thờ của ta thời bao cấp),
Hội Nhà văn cũng không dễ dàng gì để mua được những chai rượu loại ấy. Khá nhiều
nhà văn người Nga tới dự đều nói lần đầu tiên được uống thứ rượu “sang” như thế.
Giải thích về cách tiêu tiền rất “ngông” này, ông bảo: Mình cũng phải để cho họ
hiểu người Việt Nam sang đây không phải chỉ đi xếp hàng mua tủ lạnh với nồi áp
suất. Nguyễn đã dùng rượu vớt vát chút vị thế của đất nước, của dân tộc bằng
chính những đồng tiền do ngòi bút và tâm huyết của ông làm nên.
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên có
tác phẩm được dịch sang tiếng Nga. Hiện nay, giáo sư Nguyễn Xuân Đào, con trai
của nhà văn vẫn giữ cuốn sách Vang bóng một thời được in ở Liên Xô:
“Nhuận bút của tác phẩm được dịch không nhỏ, hơn 7.000 rúp, thời đó đồng rúp có
giá ngang đồng đô. Thế mà cụ tiêu sạch cho bạn bè Xô Viết, chỉ mang về cái quạt
tai voi, mấy thước vải lĩnh, để may quần cho vợ, ít thuốc lá và vài chai rượu.
Vợ có trách, ông buông câu: “Của thiên trả địa thôi mà!”. - Báo Tiền
Phong, số xuân Bính Thân, 2016.
Cũng tờ báo này cho hay: Tác giả Người lái đò sông
Đà là một trong những nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu năm
1996. Toàn bộ số tiền thưởng (25 triệu) đã được gia đình nhà văn lập thành quỹ
học bổng Nguyễn Tuân, để ươm mầm những tài năng văn học của Khoa Văn học, Trường
Đại học Sư phạm I Hà Nội, những thầy, cô giáo dạy văn tương lai. Đến nay, quỹ vẫn
hoạt động tốt.
Người ta cũng kể, mỗi lần có dịp đi nước ngoài về, Nguyễn đều
lần lượt mời từng người bạn đến nhà mình. Mỗi người đến đều được ông mời một
chén trong cái chai rượu “Tây” nhiều khi là duy nhất ông mới mang về. Ông ngồi
tiếp bạn nhưng bằng chén rượu “cuốc lủi” quen thuộc. Uống hết, nếu khách có nhu
cầu, ông sẽ mời bằng loại rượu dân dã mà ông đang uống. Người cuối cùng được mời
bao giờ cũng là người được ông quý trọng nhất, chỉ vì chén rượu cuối cùng thường
có dung lượng nhiều hơn chén rượu bình thường. Quả là những chén rượu thấm đẫm
tình người. Rượu lúc này là dịp để những người bạn tâm đắc trò chuyện, có thể sẻ
chia tất cả những gì muốn nói không phải giữ ý, giữ kẽ vì sự hiện diện của người
thứ ba.
Sự có mặt của Nguyễn Tuân trên đời này làm cho người ta thấy
nghề viết văn, làm báo cũng sang trọng lắm chứ! Và những người cầm bút có được
một đồng nghiệp như ông cũng cảm thấy mình sang trọng lắm chứ. Nhưng Nguyễn
Tuân đã nằm xuống rồi! Ông mất ngày 28-7-1987 tại Hà Nội.
Nguyễn Tuân nổi tiếng là người khó tính và cẩn thận khi sử dụng
chữ nghĩa. Ông cũng nổi tiếng về những giai thoại về cuộc đời ưa giang hồ và
phóng khoáng của ông. Ông có bề ngoài khệnh khạng, khinh bạc, bất cần, nhưng
lòng dạ chân thành, hào hiệp trong giao du, chí tình với đồng nghiệp, bạn bè.
Người ta có nhiều lời đồn đại về di chúc của ông viết để lại trước khi nằm xuống.
Người thì bảo, ông yêu cầu đốt cho ông hình nộm một nhà phê bình, để xuống dưới
đó ông sẽ hỏi: Xuống đây rồi, ông đã nói thật chưa? Người lại bảo ông để lại một
danh sách: những người nhất thiết không được đến dự lễ tang của ông; những người
đến cũng được mà không đến cũng được và cuối cùng là danh sách những người nhất
thiết phải có mặt trong tang lễ thì ông mới nhắm mắt được.
Chuyện đến tai Nguyễn Tuân, ông bảo: Mọi lời đồn đại không
đúng. Mình di chúc lại thế này: Số tiền các cơ quan, đoàn thể dự định mua vòng
hoa và để vào phong bì viếng mình, xin dùng mua một téc bia, mời anh em bạn bè
uống, mừng cho Nguyễn Tuân về cõi vĩnh hằng.
Bút tích cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân là hai bức thư, một
gửi Nguyễn Khải và Đoàn Minh Tuấn, một nữa gửi nữ sĩ Mộng Tuyết ở Sài Gòn. Thư
viết vào 19 giờ 30 phút ngày 27-7-1987, nghĩa là trước khi nhà văn qua đời một
ngày. Thư viết trên giường bệnh, tại khoa Tim mạch bệnh viện Hữu Nghị Việt -
Xô. (Thư nhờ ông Nguyễn Đình Thi chuyển về Hội Nhà văn để rồi nhờ người vào Sài
Gòn chuyển đến tay người nhận). Hai thư ấy, chữ viết tài hoa, nét khỏe và bay,
trình bày có cân nhắc, so le, dụng ý, vẫn loại mực đen. Nội dung phong phú, câu
chữ chính xác, chấm, phẩy, văn phong từ ngữ đặc sệt Nguyễn Tuân. Vẫn là chuyện
đời, chuyện nghề. Chuyện đời, ông viết: “Trẻ, già ốm chết. Có nhiều cách chết.
Đừng ốm lâu”. Về chuyện nghề ông viết: “Nhà văn khuyên nhau đừng nghĩ ngợi gì
nhiều. Không nghĩ thì còn viết được gì nữa! Một đời vì mấy đường tơ/ Hành
người cho đến bây giờ chưa thôi”.
Cái Tết cuối cùng của Nguyễn Tuân, nữ sĩ Mộng Tuyết nhờ người
quen đem ra Hà Nội mấy trái bưởi ổi và mấy cây phát tài. Nguyễn Tuân rất cảm động.
Trên giường bệnh, Nguyễn Tuân gửi thư vào cho Mộng Tuyết, thư viết:
“Chị Mộng Tuyết,
Mấy trái bưởi ổi tôi cho khô hóa được một trái, nay nó nhỏ
khô, trông khá vui. Còn lũ cây phát tài, tôi cho mỗi cành vào một vỏ chai sâm
panh đều tươi tốt khá cả. Chúng trang trí cái ban công mặt tiền nhà người hàn
sĩ đỏ này.
Mong dịp Tết này lại được nhiều quả và cây của chị. Mong thư.
- Nguyễn Tuân”.
Sau khi viết hai bức thư này, 13 tiếng đồng hồ sau, nhà văn lớn
Nguyễn Tuân đã trút hơi thở cuối cùng.
Nữ sĩ Mộng Tuyết đã khóc “người anh cả văn chương” của mình bằng
một bài văn thống thiết, bài “Mưa dầm tháng Bảy” viết tại Úc Viên ngày
31-7-1987, đúng ngày cất đám Nguyễn Tuân. Nữ sĩ viết: “Tôi có thói quen yêu quý
những nét chữ của người thân, một cánh thiếp hay một phong thư, một chữ ký, tôi
hay để rải rác quanh chỗ tôi làm việc. Và lúc nào cũng thấy như người thân có mặt.
Chữ “có mặt” này cũng là chữ của anh đã dùng trong một cánh thiệp. Tôi sẽ đặt một
chai rượu bên những vật kỷ niệm quý ấy.
Nhà thơ Bảo Định Giang kể lại trên báo Văn nghệ thành phố
Hồ Chí Minh, số ra ngày 7-8-1987: “… Nghe tin anh Nguyễn Tuân mất, tôi thắp
hương, rót rượu cúng anh. Tôi bảo đứa cháu nội cùng bà nội lạy cúng ông Tuân.
Cháu tôi ngoan ngoãn nghe lời ông bà. Tôi nhìn vợ tôi và cháu tôi đang lạy mà
rơm rớm nước mắt. Tôi bắt đầu khóc anh Tuân từ phút cúng ấy.
Anh Tuân ơi, mấy lát giò chả mà vợ tôi mua để kèm theo trên
mâm rượu cúng anh chiều nay vô tình làm tôi nhức nhối về một nhà văn hơi chướng,
nhiều khi chỉ biết làm theo ý mình, thường gây khó chịu với một số người nào
đó, lại là người viết nhiều nhất về công cuộc chống Mỹ, cứu nước ở Hà Nội. “Hà
Nội ta đánh Mỹ giỏi”, là một trong những tác phẩm của Nguyễn Tuân được nhiều bạn
đọc đánh giá cao - là một chứng cứ rành rành ra đó.
Anh Tuân ơi, hôm nay, vợ tôi mua giò chả thật để cúng anh. Chắc
là anh không dùng? Anh không dùng, tôi càng nhớ anh, càng thương anh vô cùng về
câu nói: “Trước đây mình có nhấm nháp “giò chả” cũng chỉ nhấm nháp trên giấy,
thế mà nó cũng tìm đánh!”.
Anh Tuân ơi, bây giờ còn ai dám xúc phạm đến một nhà văn như
anh nữa đâu! Anh hãy dùng nắm cơm với mấy lát giò chả và ly rượu của gia đình một
đứa em lúc nào cũng thương anh và biết tôn trọng cá tính của anh…”.
Nguồn: Rượu với văn chương. Trần Thanh Phương sưu tầm,
biên soạn. NXB Hội Nhà văn, 2-2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét