Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Người đàn bà trong ngôi nhà cổ

Người đàn bà trong ngôi nhà cổ


Thím Út Hớn tấn mùng cho thằng bé rồi ra ngồi trước hàng ba. Đó là ngôi nhà cổ trên trăm tuổi của dòng tộc bên chồng thím. Căn nhà rộng, bảy tám cái bàn thờ, mỗi tối đốt tới mười mấy cây nhang. Nhà rộng vậy mà chỉ có hai mẹ con thím Út nên dáng thím như càng nhỏ hơn trước một không gian thênh thang, lạnh tới thấu xương.
Đêm đêm, thím nghe gió từ mé sông lật ngói khua lốp cốp, tiếng bù xè nhai mấy cây đòn tay trèo trẹo mà ngỡ tiếng khóc của lòng mình. Chồng chết lúc thằng Hòa mới lên bốn, bây giờ nó đã tròn chín tuổi.
Thím làm vợ của chú Út Hớn, âu cũng do số phận. Lúc đó thím hai mươi lăm tuổi, nhỏ hơn chú tròn một con giáp. Người ta hay nói chồng già vợ trẻ là tiên. Là tiên thì thím không dám nhưng thật lòng mà nói thì thím rất được chú thương yêu, chiều chuộng.
Thím ưng chú Hớn lúc ba mình bị tai nạn giao thông, cần một số tiền lớn. Không phải chú bỏ tiền ra để ép thím làm vợ, mà chú có lòng thương người và thương thím thật lòng.
Và cũng chính tấm lòng chân thật đó đã làm cho cô gái trẻ cảm động, chịu làm vợ để đền đáp cái ơn, cái nghĩa.
Hơn mười năm trước, mới tốt nghiệp ra trường, thím Út là cô giáo trẻ, chọn cù lao Nhỏ làm nơi công tác.
Bạn bè lúc đó đều can ngăn: “Xứ sở gì mà chỉ nghe cái tên thôi là đã thấy buồn hiu, buồn hỉu”, nhưng thím không nghe, tuổi trẻ thường muốn cống hiến, cống hiến một điều gì đó rất to tát, lớn lao.
Hôm mới đặt chân tới cù lao Nhỏ lần đầu, được mấy cụ già đến bắt tay, chắc không ai biểu ai, họ cùng đem tới nào gạo, nào cá, nào khô,... long trọng và chân tình quá làm thím thấy cảm động và ái ngại.
Thái cột xuồng vô gốc bần, bước lên sân. Con Phèn quen hơi chạy ra vẫy đuôi mừng.
- Dạ, chào cô!
Thím Út nhìn ra:
- Ủa, Thái, tối rồi, em…
Thái bước lên bậc thềm:
- Dạ, em đem qua cho thằng Hòa con sáo, hứa với nó lâu rồi mà mới vừa bắt được hồi trưa. Nó đâu rồi cô?
Thím Út ngó ngoái vô trong:
- Bữa nay nó hơi ấm đầu, ngủ sớm rồi. Em để cái lồng sáo ở đó đi, sáng mai biết được chắc nó mừng. Cô cảm ơn Thái lắm.
Cảm ơn, hai tiếng sao nghe xa lạ, không giống như tình cô trò như ngày nào. Phải, bây giờ thím không còn là cô giáo. Ngày chú Út đổ bệnh, thím xin nghỉ dạy chăm lo, thuốc thang cho chồng nhưng hơn năm sau thì chú cũng vĩnh viễn ra đi.
Thím Út vào trong pha bình trà. Thái nhìn theo thấy cô giáo ốm đi nhiều, chợt lòng nghe xót xót.
Thái nhớ lại buổi lên lớp đầu tiên của cô ở cù lao Nhỏ. Hồi đó dáng cô cũng nhỏ nhắn nhưng không quá ốm như bây giờ. Mà, nói thiệt tình, hồi đó cô đẹp lắm.
Là con gái thị thành, mới ra trường lại gặp ngay tụi học sinh ở vườn nên cô buột miệng: “Í, học sinh lớp chín mà lớn dữ vầy nè?” Nghe cô nói, cả lớp mắc cỡ cười cái rần: “Tụi nó học hết lớp chín là nghỉ, lấy vợ, có chồng hết á cô ơi!”
Cô tự giới thiệu tên Minh, Nguyễn Quế Minh, hăm hai tuổi, dạy môn Văn. Lúc ấy có mấy tiếng xầm xì: “Trời đất, cô giáo gì trẻ quá chừng! Mà, tên cổ sao giống y chang Quế Minh trong tuồng cải lương “Kiếp nào có yêu nhau” vậy”.
Đáng nhớ hơn là tới lượt tụi học sinh giới thiệu tên để cô làm quen: Đứa thì “dạ, con tên An”; đứa thì “dạ, con tên Đương”;…
Cô Minh lúng túng: “Ủa, sao các em lại xưng hô vậy? Gọi là cô và xưng em đi”. Lớp trưởng Thái đứng lên giải thích: “Dạ, hồi nào tới giờ mấy đứa con kêu vậy quen rồi.
Người lớn dạy, thầy cô là cha mẹ, nên xưng con để kính trọng”. Cô cười, hàm răng cô đều bon, còn giọng nói thì nghe dễ mến: “Thôi, cô còn trẻ lắm, các em kêu vậy nghe già thấy mồ”. Cả lớp vỗ tay đồng tình. Thái ngồi xuống ngẫm nghĩ: Ừ hén, mình với cổ tuổi bằng chang nhau hà.
Thái và cô bằng tuổi nhau. Chuyện học trò lớp chín bằng tuổi cô giáo nghe lạ, nhưng ở cù lao Nhỏ thì không lạ đâu. Thái học giỏi nhưng nhiều năm phải dở dang giữa chừng, khi thì theo ba nuôi vịt chạy đồng ở Long Xuyên, khi thì xuống tận Cà Mau làm khô, làm mắm,…
Bởi vậy tuổi đã hăm hai mà mới học lớp chín. Không chỉ Thái là trường hợp ngoại lệ, thằng Đương, thằng Quốc, con Thắm lúc đó cũng đã hai mươi, hai mốt hết rồi. Ở tuổi đó, đứa nào không chịu học tiếp thì đã có chồng, có vợ, thậm chí có khi còn tay ẵm, tay bồng.
Hôm trường vận động bà con cất cho cô Minh căn nhà, day mặt ra sông, mấy đứa học trò cũng tới giúp một tay: trao tấm lá, dừng vách, đóng cái bàn, bắc cho cô cây cầu xuống bến giặt đồ, rửa chén,… Giúp được cô, đứa nào cũng nghe vui trong bụng.
Cô giáo Minh ở thành thị nên ngày về cù lao Nhỏ thấy cái gì cũng lạ. Cô phân tích câu ca dao: “Thân em như trái bần trôi / Gió dập sóng vùi biết phải về đâu”, phân tích cảm động đến đỗi mấy đứa con gái trong lớp muốn rớt nước mắt.
Vậy mà cô thú thiệt hồi nào tới giờ chưa biết trái bần ra làm sao, mới chỉ thấy cây bần khi về đây dạy học, xui rủi không nhằm mùa bần có trái. Học sinh cười mà trong bụng nghe sao thương cô giáo quá. Thái xung phong: “Thưa cô, mơi mốt tới mùa bần chín, tụi em hái biếu cô ăn thử.
Mà thôi, tụi em sẽ bơi xuồng chở cô đi, ăn bần chín chấm muối ớt mà ngồi dưới gốc bần, nghe gió thổi mới sướng”.
Cô cười, nét mặt cô hiền như nàng Tấm trong truyện cổ tích: “Ừ, nhưng cô hổng biết lội”. “Đừng sợ, có thằng Thái bảo vệ cô là kể như ngon lành, hén Thái”, Đương nháy cặp mắt qua Thái, chờ thằng bạn gật đầu để cô yên tâm.
Nghe Đương nói, tự dưng Thái thấy mình quan trọng hẳn ra, muốn làm cái gì đó để đáp lại tấm lòng của cô, thí dụ như mỗi buổi đi chài đem qua biếu cô vài con cá chẳng hạn.
Qua nhà tặng con sáo cho thằng Hòa chỉ là cái cớ. Thằng bé ngủ rồi, Thái không biết phải nói gì với thím Út, cũng là người cô đáng mến của mình nên uống hết chung trà là xin phép ra về.
Nhưng Thái không về nhà, bơi xuồng đậu ở cầu Đúc, nằm dài ra xuồng nhìn trời cao, nghe nước chảy bên tai mà nhớ mãi những kỷ niệm xưa.
Hồi đó, Thái, Đương bơi xuồng chở cô Minh đi hái bần chín, xuồng bên kia là Thắm và Huệ. Vì mới biết ngồi xuồng lần đầu nên vừa bước xuống là chân cô cứ lắc lia lịa như đang sàng gạo. Sợ quá, cô chụp lấy tay Thái để giữ thăng bằng.
Bỗng dưng Thái nghe như có một luồng điện nào vừa chạy qua, trái cổ thì ầng ậng nhảy lung tung, người sượng trân: Chở cô giáo đi hái bần, mấy ông bà già gặp tưởng “ghệ gộc”, chắc mắc cỡ chết. Nhưng… Thái ơi, Thái à, người ta là cô của mầy mà tưởng tượng cái gì kỳ khôi vậy?
Tận mắt thấy trái bần, nếm được mùi bần chín ngay xứ sở của bần, cô Minh sung sướng như vừa khám phá ra một điều gì to lớn lắm.
Cô mở quyển sổ nhỏ ghi ghi, chép chép rồi mỉm cười một mình. Chắc cô giáo dạy Văn đang miêu tả trái bần, vị chua lẫn chát của bần chín khi ăn với muối ớt để về dạy học trò.
Cô giáo ơi, cô đâu biết rằng tụi con nít ở cù lao Nhỏ này, sáu bảy tuổi là đã biết lặn hụp mò tép, mò tôm ở gốc bần; trưa, mệt, ngồi nghỉ ở gốc bần, ăn bần chín; chiều, ngửi mùi khói bếp bằng củi bần của bà, của mẹ mà lớn lên. Hay cô ghi lại để mơi mốt rời xa cù lao Nhỏ dạy cho học trò ở thị thành.
Phải, ở xứ cù lao này thì nghèo, cái gì cũng thiếu làm sao giữ được chân người. Tự dưng trong lòng Thái cứ muốn cô đừng đi, ở hoài, ở mãi nơi này, có chồng, sanh con ở đất này.
Bây giờ điều đó đã thành sự thật, cô Minh hiển nhiên là thím Út Hớn trong ngôi nhà cổ ở cù lao Nhỏ nhưng lòng Thái bỗng nghe đau đau, xót xót như vừa có một cơn gió nào vừa thổi thốc ở tâm can.
Thái về tới nhà. Trời khuya lắm, tưởng má đã ngủ không ngờ bà vẫn còn ngồi trước cửa nhai nát bã trầu: “Đi thăm thím Út Hớn hả con? Thăm hoài kiểu này, không khéo nguời ta dị nghị”.
Trời đất, bà già nói chuyện cứ như trong bụng. “Con qua nhà thăm… thằng Hòa… gặp nó ngủ nên ra cầu Đúc ngồi coi nước chảy”. Bà bần thần nhìn xuống bến, chắc lưỡi: “Nước chảy, coi hoài, có gì vui đâu con!”
Phải, nước chảy có gì vui. Khoảng mười năm trước, thiếu chút nữa là dòng nước tại cầu Đúc đã cướp đi tính mạng của cô giáo Minh mất rồi.
Tối hôm đó, chú Út Hớn ngỏ lời muốn cưới cô làm vợ. Chú là người ơn, từ chối không đành, còn ưng thì cô biết mình không thương làm sao có hạnh phúc.
Cô đã có tình cảm với một người, tuổi bằng chang nhau nhưng người đó… dư luận sẽ thế nào? Cô quẫn trí định nhảy sông tự tử, may mắn Thái phát hiện, an ủi và đưa cô về nhà.
Trưa, Thái lại qua nhà, viện cớ thăm thằng Hòa hết bệnh chưa. Bé Hòa gặp Thái mừng, chạy tới ôm bấu vào vai:
- Cậu Thái qua kìa má.
Cậu Thái? Thằng Hòa xưng hô bề nào cũng không đúng: là học trò của má, đáng ra nó phải kêu bằng anh; cháu hàng xóm, gọi ba nó là chú thì cũng kêu bằng anh.
Vậy mà má biểu sửa hoài, nó hổng chịu: “Con thấy anh Tín, anh Quang,… mấy anh đó chỉ lớn hơn con vài tuổi. Còn cậu Thái lớn vậy… kêu anh là hỗn sao?” Thím Út lắc đầu chịu thua thằng con lý sự theo kiểu con nít.
Thái ôm hôn lên gò má phúng phính của nó, cười:
- Hòa hết bệnh chưa? Con sáo đâu rồi?
Hòa cầm tay Thái, kêu rờ lên trán mình:
- Má nói còn hầm hầm, uống thêm lần thuốc là hết liền. Con sáo, má biểu máng ở gốc nhãn, bắt cào cào, châu chấu cho nó ăn. Mơi mốt nó lớn má dạy nó nói chuyện. Sướng ghê!
Thái đưa cho Hòa một bịch cào cào, châu chấu, nó nhảy cẫng lên:
- Hoan hô cậu Thái! Hoan hô cậu Thái! Cậu là người thương con nhất!
Thái tặng riêng một con to cỡ ngón tay cái, cột sẵn sợi chỉ ở cổ và dạy nó bài đồng dao: “Cào cào giã gạo cho nhanh. Mẹ may áo đỏ, áo xanh cho cào...”.
Hòa lẩm bẩm đọc theo mà miệng cứ cười, chân nhảy tưng tưng theo nhịp cánh của con cào cào. Thím Út liếc qua, thấy Thái cũng đang vui cùng thằng bé. Thím ngó lảng xuống bến, nhìn hàng bần đang xạc xào trong gió.
Đứng trước cậu học trò cũ và thằng con của mình, bỗng dưng thím Út thấy sao giống y chang một gia đình hạnh phúc, cái hạnh phúc nói ra thì phải tội, thím chưa bao giờ có được khi chú Út còn sống.
Ý nghĩ kỳ thiệt, lãng thiệt, nào tình cô trò, nào là tình thím cháu hàng xóm, ai biểu tuổi tác ngang nhau và có biết bao là kỷ niệm. 
Nhất là cái đêm được Thái cứu ở bến cầu Đúc, trước bờ vực của sự sống và cái chết, cô giáo đã quên mất sự e dè, ngã quỵ vào người Thái, nghe hơi ấm dễ chịu tỏa ra từ bộ ngực rộng và đôi vai vững chãi của cậu học trò. Hỏi đó là thứ tình cảm gì thì vô phương trả lời được.
Chỉ biết ngày cất bước vu quy, thím muốn rớt nước mắt khi thấy thằng học trò tuổi đã hăm lăm đang thả xuồng dài trên sông, ngang qua cầu Đúc, thím thấy nó khóc. Ai biểu nó là học trò của thím? Có ai chấp nhận đôi vợ chồng là cô trò đâu. Và bây giờ, thím là thím Út Hớn, cái tên Quế Minh chắc không còn ai nhớ nữa.
Vậy mà ở cù lao Nhỏ có một người luôn nhớ da nhớ diết. Người đó thương cô giáo của mình mà chưa một lần dám nói, người đó thương thím Út Hớn góa chồng mà không dám tỏ bày, chỉ biết giả bộ qua thăm thằng Hòa, ráng kìm lòng để bao nhiêu nước mắt chảy ngược vào trong.
Nhiều đêm Thái chiêm bao thấy mình đạp trên dư luận, giẫm lên miệng đời để được sống với người thương. Nhưng rồi bà con của chú Út từ Sài Gòn về nặng nhẹ, đuổi thím ra khỏi nhà, dẫn thằng Hòa đi biệt. Thím khóc. Thái thấy mình cũng khóc theo.
Khi giật mình, trời đã khuya, Thái thấy mình đang nằm ngủ quên ngoài võng. Má anh cũng không ngủ, lưng má cong oằn lại: “Ngủ thấy gì mà kêu lớn dữ vậy, con?” Anh không trả lời má, ngó xuống sông, thấy nước đang chảy xiết trong lòng. Anh đã được sống với người thương trong giấc mơ, dù giấc mơ không đẹp.
Có bữa, hai cậu cháu đang ngồi coi con sáo đang nhảy nhót trong lồng, bỗng thằng Hòa nói:
- Má con nhìn con sáo thì cười nhưng… lạ lắm, hễ mỗi lần thấy bông bần là má lại khóc hoài.
- Ủa, sao kỳ vậy, Hòa? Má khóc nhiều hông?
- Con cũng hổng biết nữa, nhìn con mắt má đỏ đỏ, con đoán đại vậy. Mà, hổng phải bông bần trên cây đâu, mấy cái bông héo queo, ép trong cuốn tập, rụng gần hết cánh rồi.
Con nghe người lớn nói người ta thương nhau hay tặng cho nhau đồ chơi, như cậu tặng con sáo cho con vậy. Người đó phải giữ hoài. Bông bần chắc của ba cho má hồi đó, chắc má nhớ ba.
Mấy cái bông bần héo queo ép trong quyển tập, lời của thằng Hòa làm Thái nghe mặn đắng trong lòng. Có phải chính mấy cái bông bần của đám học trò quê tặng cô trong dịp Tết nhà giáo năm nào?
Cô Minh muốn giữ mãi kỷ niệm đẹp ngày xưa? Vậy mà, trời bắt chi cô phải gượng gạo làm thím Út Hớn góa chồng, sống âm thầm như cái bóng trong ngôi nhà cổ.
Nhiều người trong xóm nói thím Út có số hưởng gia tài đồ sộ, là bà chủ căn nhà rộng thênh thang, ruộng thì cò bay thẳng cánh; người thì khen thím là cô giáo, có ăn học nên biết thủ tiết thờ chồng.
Mỗi lần lễ giỗ, anh em, bà con từ Sài Gòn về đều biết ơn thím Út trông coi ngôi nhà, vườn ruộng, nuôi nấng thằng cháu nội đích tôn để sau này nó thờ cúng tổ tiên.
Không phải thím vô trách nhiệm nhưng nghe người ta khen, nghe nhà chồng giao cho cái nhiệm vụ to lớn quá, thím lo không biết mình có làm tròn, có đủ bình tĩnh để đưa lý trí lên trên lời con tim đang nói. Phải chi Thái lấy vợ, phải chi mỗi ngày Thái đừng qua nhà thăm nom thằng Hòa… Nước mắt thím trào ra, xót xa.
Chiều nay, có một người đàn bà sống trong ngôi nhà cổ ngồi nhìn bông bần rơi mà như đang đếm thời gian chầm chậm trôi qua trong cuộc đời.
Chiều nay, có một gã thanh niên tóc đã điểm vài sợi bạc, ngồi trên xuồng ở bến cầu Đúc, rúm ró nỗi cô đơn, đăm đắm nhìn về ngôi nhà cổ để chờ đợi một điều gì đó rất xa xăm.
22/8/2020
Nguyễn Linh
Theo http://www.baovinhlong.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...