Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đôi dòng cảm nhận bài thơ “Em đi” của Thục Uyên

Đôi dòng cảm nhận 
bài thơ "Em đi" của Thục Uyên
Chắc hẳn bạn cũng như tôi, đôi khi trong thâm tâm cứ vẫn vơ ẩn hiện những nỗi đợi chờ không tên. Với riêng tôi, mỗi ngày lên fb, “chạm” với hàng chục bài thơ, muôn màu muôn vẻ, mà mỗi thi phẩm, nói như tác giả Nguyễn Hữu Quý (NHQ): “là ánh chớp của đam mê, là bùng nổ của mắt bão, là trào vọt của nham thạch, là tràn dâng của đỉnh lũ”. Và dĩ nhiên, có nhiều thi nhân tài hoa mà thơ của họ khiến tôi phải cứ phải bồi hồi chờ đợi tác phẩm để đi tìm sự giao thoa đồng điệu giữa hai tâm hồn. Một trong số đó là nhà thơ nữ Thục Uyên (TU).
Để, bất chợt sáng nay, cảm giác mơ hồ vô căn ấy dội lại, khi TU đăng bài thơ EM ĐI, thì bỗng đâu đó trong tâm thức tôi đã bùng lên những tia sáng lấp lánh, chiếu rọi bằng ngọn lửa ấm của tâm hồn đa cảm và ngôn ngữ thơ đặc sắc của nhà thơ nữ tôi hằng quý mến và ngưỡng mộ.
“Thơ, là sứ giả của tình yêu, trong cuộc chạy tiếp sức của nhân loại, nó bồi đắp tiếp tế năng lượng cho tâm hồn, không chỉ cho một người mà cho nhiều người… Thơ gắn với đời, trong những lấm láp ruộng đồng, trong mặn mòi biển cả, trong khuất lấp nẻo rừng, trong xô bồ phố thị với từng hớn hở hay đớn đau của cuộc sống” (NHQ). Tôi trích dẫn NHQ vì bài thơ EM ĐI của Thục Uyên đậm đà biểu cảm tương đồng với nhận định trên.
Mở đầu bài thơ, TU viết:
Gió vẫn phất phơ chiều đông muộn
Nắng võ vàng thấp thoáng dáng em
Lũ chim trắng u hoài như phế tích
Vỗ cánh buồn luyến nhớ dấu chân êm..
Thế đấy, theo tôi, nỗi đời TU chia sẻ là những u trầm đau đớn trong cuộc sống. Hãy hình dung bóng dáng ai nhạt nhòa trong chiều đông lạnh, nơi những tia nắng võ vàng cuối chiều làm cho cả khung trời chấp chứa nàng thơ đau buốt tang thương. Lũ chim trắng bơ vơ lạc loài vỗ cánh mãi tận chân trời xa, có ai chăng ai luyến nhớ về những dấu chân thuở nào êm đềm mộng tưởng. Không gian hoài niệm bi tráng mà TU phác họa, tất cả xám lạnh u hoài, cái buồn thương hoang liêu của phế tích lụi tàn trong cô quạnh. Tôi thực sự ngạc nhiên vì nơi chốn sáng tác của tác giả là bang Texas, USA, đất nước TU định cư chắc hẳn ngót nghét hai ba chục năm. Vậy mà, ngòi bút TU đã kéo chúng ta đi về miền hoài niệm vẹn nguyên hồn Việt, nơi gió vẫn phất phơ chiều đông lạnh, với cánh chim trắng chấp chới trên phế tích u hoài. Cái gì đã làm nên điều diệu kì như thế? nếu không phải là triền miên hoài cảm ngậm ngùi mãi canh cánh bên lòng người xa xứ?
Lối em đi rừng xưa đã khép
Màu lá xanh chia biệt buốt cô đơn
Em chỉ còn phôi pha như ký ức
Trăng lụi tàn tan tác giấc mơ đêm..
Lối em đi. Tôi hiểu tại sao TU lại dùng từ lối mà không phải là con đường. Miền hoài niệm ngác ngơ trong tâm thức, chỉ có những lối mòn nho nhỏ, nơi chúng mình lớn lên trên quê hương điêu tàn. Nàng thơ đang sống chết trong cái không gian ấy, thực sự sống cùng, bởi lẻ, tác gả đã trút bỏ cái tôi hiện hữu, nên trong ngôn ngữ thơ TU không bén từ super highway, mà nhân vật trữ tình của nhà thơ men theo mé “rừng xưa đã khép”, (có lẽ TU rất yêu mến nhạc TCS) nơi màu lá xanh chỉ còn là sự xao xác biệt ly, chưa bao giờ là điệp trùng hy vọng. Và, trong cái thế giới đó, em phôi pha như ký ức, giấc mơ đêm tan tác theo bóng trăng lụi tàn. Tôi vương vào lòng cái cảm giác nhói đau khắc khoải trong bề bộn ngôn ngữ tưởng chừng quá đơn giản, mà sao nó xoáy như cơn bão rớt xuống đời, giống như bà Emily Dickinson (cây bút thơ đặc sắc nhất của Mỹ thế kỷ XIX) đã nói: “Nếu một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ. Nếu tôi cảm thấy mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ. Vâng, tôi đang giá lạnh và tôi đang cất cánh cùng EM ĐI của TU.
Em đã về chưa con ngõ vắng?
Dốc mơ cao, mùa cỏ úa hoang vu..
Tiếng gà gáy vọng trong trưa nắng
Em có còn thương nhớ tiếng mẹ ru?
Đây là bốn câu thơ theo tôi là đỉnh cao của sự chân thành, của phút tự vấn thẳng thắn, bằng biện pháp thế thân diệu kỳ. Chắc hẳn không có người xưa nào để trông mong đợi chờ nàng nơi chốn cũ, thế mà với sự tinh tế của ngòi bút, TU đã day trở cái cảm xúc tiếc nhớ bồi hồi tưởng chừng xa vắng khuất lấp quá lâu thật lâu rồi. Ai kia chờ ai hỏi ai nơi con ngõ vắng, hoặc không chừng, người ấy tìm đến hỏi thăm con ngõ này năm xưa đã thấy không bước chân nàng tìm về chốn cũ? TU nhắc nhở kín đáo, thầm lặng cho chính tâm tư mình? Cái tâm thế không hề nguôi ngoai nỗi nhớ thương cây cau bụi chuối quê nhà. Cũng có thể, đây là lúc nàng chắp tay hối lỗi bản thân, tự trách người đi vô tâm biền biệt, hững hờ? Những câu hỏi đau đáu tình làng nghĩa xóm, ray rứt tâm can kẻ xa nhà. Có nhớ gì không hỡi người? Đây con ngõ vắng, đây dốc cao cỏ úa, đây tiếng gà gáy trưa thê thiết, và đây lời mẹ ru kẻo kẹt võng đưa. Chơi vơi quá. Tôi chợt nghĩ rằng, thơ là sự khơi dậy nỗi chơi vơi trong tâm thức một con người. Các bạn đừng cười nghe.
Em đã xa, mịt mù như bóng tối...
Như loài chim vỗ cánh dị kỳ
Chỉ hiển linh trong cạn cùng nỗi nhớ...
Mất dấu rồi biền biệt cánh thiên di!
Vâng, em đã xa rồi và em mãi xa, xa mịt mù như bóng tối, so sánh của nhà thơ vượt ngưỡng của sự chia xa. Em là loài chim vỗ cánh dị kỳ, một định nghĩa vô thức không định hình. Tất cả chỉ còn là nỗi nhớ, còn em, biền biệt dặm xa, em chỉ là em đâu đó hiển linh trong cạn cùng nỗi nhớ. Hiển linh theo tôi chính là lúc tâm tư thao thức, là phút giây tìm về cội nguồn xa khuất, mà tìm về, có chăng, hỡi ơi, trong cạn cùng nỗi nhớ. Câu thơ quá đặc sắc của bài thơ hay. Thế nhưng, thực tại có cho phép người đi trở lại bao giờ? Em mãi là cánh chim thiên di từ ngàn năm xa vắng.
Không, cô gái trong thơ và cả nhà thơ, cả hai hãy còn tất cả. Nàng trong thơ chỉ là số mệnh mặc định để TU giải bày. Mà đúng như thế, với hàng triệu thuyền nhân, dẫu trong cuộc sống hôm nay nơi miền đất hứa, dù đời sống vật chất dư thừa, nhưng trong tâm linh, có biết bao những căn phần lênh đênh mỏi mòn như thế.
EM ĐI, theo tôi lại là một bài thơ hay của Thục Uyên. Chúc nhà thơ, em gái của tôi viết tiếp những bài ca tuyệt vời cho cuộc sống.
EM ĐI
Gió vẫn phất phơ chiều đông muộn
Nắng võ vàng thấp thoáng dáng em
Lũ chim trắng u hoài như phế tích
Vỗ cánh buồn luyến nhớ dấu chân êm...
Nắng bàng hoàng hôm em xa vắng
Đường em đi ngơ ngác lối rẽ hai...
Chiều hôm đó ngập tràn hoa lau trắng
Nắng rất vàng sao hiu hắt tàn phai..
Lối em đi rừng xưa đã khép
Màu lá xanh chia biệt buốt cô đơn
Em chỉ còn phôi pha như ký ức
Trăng lụi tàn tan tác giấc mơ đêm...
Em đã về chưa con ngõ vắng?
Dốc mơ cao, mùa cỏ úa hoang vu...
Tiếng gà gáy vọng trong trưa nắng
Em có còn thương nhớ tiếng mẹ ru?
Em đã xa, mịt mù như bóng tối...
Như loài chim vỗ cánh dị kỳ
Chỉ hiển linh trong cạn cùng nỗi nhớ...
Mất dấu rồi biền biệt cánh thiên di!.
Thục Uyên.
Nguyên Bình
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...