Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Những giai điệu tình yêu

Những giai điệu tình yêu
... Tình yêu biến "kẻ cắp thành soái ca - kẻ đánh cắp trái tim", biến xa mạc thành thảo nguyên xanh và nhiều khi biến hờn giận, căm phẫn thành dĩ hòa vi quý, hơn thế thành keo sơn. Tình yêu trong "Đá hát" có sức mạnh "biến những bình thường trở nên phi thường, biến không thể trở thành gần gũi gắn bó... “Đá hát” một tập thơ ý nghĩa, nhân bản và bát ngát tình để những ăp ắp trong mắt, đong đầy nơi tim của nhân vật trữ tình với khát khao yêu và được tin yêu thánh thót ngân nga trải rộng dài...đến với “Đá hát” là đến với những giai điệu tình yêu.
Ta thấy "đá" nói chung là vật vô chi vô giác, con người dùng tài trí, thổi hồn vào nó sự sáng tạo, thẩm mỹ, "đá" trở lên có "linh tính, lý tính” mang vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp đấy đọng lại trong cảm nhận của người đối diện ở những "phân tầng" ý nghĩa, cảm xúc. Chính ý nghĩa, cảm xúc đó, ta thấy đá “đỏm dáng” tự khoe vẻ đẹp, tự vút lên  cất cao tiếng hát ngân nga giai điệu trầm bổng... Song hành đó là một cảm quan khác: để sự vật hiện tượng xung quanh con người, vì những xúc cảm tịnh tiến, những biến thiên cảm xúc, trạng thái của con người mà những hiện hữu tưởng chừng "vô cảm", chai lì xúc cảm bỗng "vi diệu" đồng điệu, hoan ca. Cũng vậy, “đá” trong tập thơ “Đá hát” của nhà thơ Lương Mỹ Hạnh có rất nhiều biểu cảm, tầng nghĩa làm người đọc ngỡ ngàng trân trọng được thể như  trong bài “Đá hát” cùng tên với tiêu đề tập thơ “Đã bao đời in nhọc nhằn lên đá/... Sương trên đá/ Giọt ngọt ngào, giọt cay đắng lan xa/... Ai đã giấu tình yêu vào ngực núi/ Để một ngày hồn chạm đá ngân nga”. Hay trong “Viết trên lòng hồ” có câu “Người níu tình/ vách đá vọng tiếng quê./... Đá còn nặng bao nỗi niềm chất chứa” Và trong nhiều bài thơ khác đều có sự hiện diện của “đá”, như: “Những tư duy chắc như đá khó rời”, “Mùa xuân đá cũng nảy chồi”, “Tìm con đường đá hao gầy bóng chim. “Nắng mải mê dong chơi trên bãi đá/ Đá hay nước gợn sóng?/ Đá ngỡ ngàng hóa giọt nước bay lên”. “Nắng mải mê dong chơi trên bãi đá/ Đá hay nước gợn sóng?/ Đá ngỡ ngàng hóa giọt nước bay lên”... Đấy, đá trong “Đá hát” đẹp, sinh động “cá tính” là vậy để biết rằng “đá” như một con người cũng biết cảm nhận có nỗi niềm riêng, biết nhọc nhằn, cay đắng, ngọt ngào, đặc biệt biết “lan xa” những “hiện diện” đó bằng cách “hát”.
Nhà thơ Lương Mỹ Hạnh rất khéo, tinh tế trong việc đặt tiêu đề cho tập thơ. “Đá hát” là sự kết hợp giữa rắn rỏi dứt khoát trần trụi và ngọt ngào lãng mạn, mộng mơ. Sự kết hợp của chủ thể ở thế khẳng định và luôn tự khẳng định những rứt khoát và cũng rất nồng nàn. Sự kết hợp đó trở thành hình tượng nhạc, thi ảnh đẫm sức gợi, quyến rũ, lôi cuốn. Đồng thời qua đó một phần thể hiện sự nhạy cảm và tâm hồn nồng ấm biết yêu và được yêu, biết vì mình và vì người để cân bằng giữa cuộc sống thực trần trụi hà khắc với vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thiện lương và hết sức bay bổng. Khi đã biết cuộc sống là hành trình của những đám mây đa màu, mây “đậu, ngỡ ngừng trôi” nhưng không hề, mây luôn vì trời mà bay, cuộc sống cũng vậy “vì người cũng chính vì ta” nên cứ vui, cứ ca hát hết mình. Đây là ý nghĩa nhân văn, nhân đạo rất tích cực, rất tốt trong cuộc sống và trong thơ văn sáng tạo nghệ thuật.  Nhan đề tập thơ  cũng vì thế mà có tên “Đá hát” chăng?!
Trong tập thơ “Đá hát” có nhiều bài thơ mang vẻ đẹp văn hóa, khí trời núi rừng, mang cái hồn, cốt cách của con người Tây Bắc lãng mạn, mộng mơ, rắn rỏi kiên trung, lúc đằm mặn mộc mạc chu đáo, kín kẽ cẩn thận của con người Miền Trung nắng gió kiên cường. Vì thế thơ của Lương Mỹ Hạnh rất ngọt ngào da diết, lãng mạn mộng mơ và có lúc lại chỉn chu khuôn phép... nhưng đều hướng tới duy mỹ thi phẩm.
Thơ của Lương Mỹ Hạnh như giọt sương mai của núi rừng, nó trong mát lấp lánh, lung linh diệu vợi. "người làm thơ giống như thợ làm vườn, các bài thơ song hành với tâm trạng, hoạt cảnh thì tương thích vốn ngôn ngữ nào, độ dài ngắn ra sao. Cây cảnh trong vườn tương thích theo mùa, khả năng sinh tồn để cắt tỉa tạo cho cây có dáng, có thế, có lộc... sao cho tôn hết vẻ đẹp của cây. Người làm thơ cũng vậy, nhiều khi càng giảm từ, bớt từ là một cách "cắt tỉa" có chọn lọc, đầy sáng tạo, giảm ngôn ngữ đấy mà tạo ra tầng tầng lớp lớp những dụ ý, "chêm" vào đó bao ảo diệu. Thơ Mỹ Hạnh có dáng dấp đôi bàn tay thợ làm vườn cộng thêm cái mộng mơ sáng tạo của thi sĩ nên nhiều bài thơ mang vẻ đẹp "xum xuê mùa vụ, lộc non", ngôn ngữ mượt mà, uyển chuyển, đằm thắm, "tua tủa" sức sống và nhiều bài khác lại "kiêu hãnh" với tứ thơ trắc, lời thơ rứt khoát khoẻ khoắn, âm điệu ngân vang, độ sáng của thơ như "rạng đông bừng thoát". Trong tập thơ “Đá hát” các bài thơ có tứ thơ nhất quán trên thứ ngôn ngữ chọn lọc, chất lượng.
Nhân vật trữ tình trong thơ của Mỹ Hạnh nữ tính, đảm đang, đôi khi rất mạnh mẽ, khí chất phừng phừng, quyết đoán và rất cầu toàn. Thơ của Lương Mỹ Hạnh luôn tìm tới, đạt tới sự viên mãn chính vì vậy sự cách tân, làm mới thơ, khoác cho thơ "chiếc áo choàng nhiệm màu", nuôi dưỡng thơ bằng tâm hồn dung dị mộc mạc và nhiều lúc rất "hội nhập" tân tiến. Cách ngắt câu, cách xuống dòng nhiều khi như “dòng thác xuôi thuyền”, lúc lại như “ruộng bậc thang” đều tăm tắp...
Trong “Đá hát” có giai điệu về ‘Tình yêu quê hương yêu đất nước”, tình yêu đó thể hiệu trong cách yêu từng tấc đất, yêu “mùi” quê hương và xa xót với những “lát cắt khứ hồi” trong chiến tranh lưu tích sử ký trên đất mẹ được “phả đẫm chất liệu” trong bài “Điện biên” hay “Sau đổ nát”. Tình yêu đất nước còn trải rộng dài vương vít tới những địa điểm, danh lam thắng cảnh mà nhà thơ đến, những nơi lưu giữ kỷ niệm đẹp mà nhà thơ nghĩ, mong. Tình yêu đó được thể hiện bằng lời thơ ngọt ngào, trân yêu, lúc lại rạo rực, rộn rã và nhiều khi trầm lắng như mưa xuân thấm ngấm như bài “Chiều Hà nội” tác giả viết: Chông chênh chiều Hà Nội/ Chạm góc phố mưa bay/ Hương mùa thoảng lối cũ/ Chiều nhớ chiều nghiêng say”
Giai điệu yêu da diết nồng nàn được thể hiện trong tình yêu thiên nhiên, nắm bắt, hiểu được quy luật “lật mình”, “thở dốc” hay “khó ở” của người mẹ thiên nhiên, chỉ cần sự đổi màu khác lạ của hoa, của lá cây cũng biết rằng có sự thay đổi khí hậu của mùa, trong bài “Mắt bão” nhà thơ viết: “Chẳng tìm được màu hoa nông nổi/ Những màu hoa cất gió thay mùa/hoa nào báo bão/ Chớm thu sang lá nhao nhác đổi mầu”. Một cảm nhận tinh tế, một quan sát tỉ mỉ thấu đáo mới hiểu rõ nắm bắt kịp thời, và trên cả “một trái tim biết yêu” biết thổn thức cảm nhận những “rung động”, những biến đổi đời trần, đúc rút, chưng lọc vào thơ, để thơ “chân thực” đó mà đẹp đến nao lòng.
Thơ Lương Mỹ Hạnh nói chung và trong “Đá hát” nói riêng phảng phất giai điệu tình buồn, nét buồn “cô phụ”. Ở đó có sự chát chua, cay đắng, hờn giận... nó như “men rượu cay” rượu “càng uống, càng tỉnh”, càng thương thân phận, càng nồng nàn “hôi hổi” phận người. “yêu lắm đó và cũng buồn mênh mang” Trong “Cầu thang” nhà thơ viết “Tay mềm/ năm ngón thôi miên/ Chạm vào/ chín điệu/ ngọt mềm/ chát chua.../ Cầu thang nghiêng.../ tựa lá bùa/ Gái ngoan lỡ nhịp/ vào chùa sinh con”. Hay trong “Đêm mùa xuân” nhà thơ viết “Em chạm vào loang lổ những xanh rêu/ Đêm mùa xuân rạn vỡ giấc mơ đầu/ Phố im ắng phập phồng mong ước hẹn!”. Hay nét buồn trong “Hoa ngâu” có “Mình bén duyên không nợ/ Cà phê đắng lên mầu/ Chẳng bao giờ gặp mặt/ Ai bảo đã quen lâu?”. Và nữa, trong “Hoa xuyến chi” đầy giận hờn trách cứ “giá anh còn thủy chung như ngày cũ/ thì hồn rừng đâu giấu giấc mơ hoang”
“Đá hát” mang mang giai điệu khát vọng của nhân vật trữ tình nồng say hương đời, hướng tới những viên tròn, những tốt đẹp trong cuộc sống. Ở đó nhân ngã, bản ngã được “sống thật”, yêu thật và “mơ mộng thật”. Trong “Gánh” nhà thơ viết “Chông chênh/một gánh nâu sồng/ Đất vào thành thị/ nhuộm hồng ước mơ”. Còn trong “Chợ phiên” thì “Chợ phiên/ bán gió sông Đà/ Người mua/tìm cái thật thà trên nương... Chợ phiên/ai tỉnh ai say/ Xin em/ rót chén đắng cay kiếp người”
Tập thơ "Đá hát" của nhà thơ Lương Mỹ Hạnh ta thấy, không chỉ có "độc ca của đá" mà các giai điệu "thiêng" đặc vùng và song hành hội nhập văn hóa  được hòa quyện ngân nga từ vẻ đẹp của giọt sương mai, của hoa Ban, hoa Lau tinh khiết thanh trong, của “Hương chè ru ngọt đắng chiều thảo nguyên”, của cánh chim sải bay về tổ, của tiếng Khèn “dìu dặt hoa lá dậy hương”, của suối róc rách như tiếng đàn phiêu du... giai điệu đẹp trong "Đá hát" lúc thánh thót mát trong, lúc mộng mơ ảo diệu, lúc mạnh mẽ kiên cường, lúc dạn dĩ cần mẫn và lúc chất phác thảo thơm... tất cả đều tha thiết, đều hướng tới niềm khát khao, kiêu hãnh "vuông tròn" và viên mãn trong tình yêu với đất trời, với sử ký, với con người của nhân vật trữ tình và rộng hơn là của nhân loại. Đây là ý nghĩa, là "sợi chỉ đỏ" nhân văn và rất thẩm mĩ đã xuyên suốt tập thơ. Để vẻ đẹp trong mắt nhau nhiều khi không chỉ là những viên kim cương đã được mài giũa, đánh bóng bầy trong tủ kính tráng lệ mà vẻ đẹp được ghi nhận tôn vinh, mãn nhãn nhiều khi là những vật, những dụng cụ thô sơ, mộc mạc, chân chất như vốn sinh ra đã vậy và nghìn năm sau vẫn không hề đổi thay, giống như  vẻ đẹp của "đá" trong tập thơ "Đá hát"... “Đá” vốn thô sơ lắm nhưng đá hóa thân vào cỏ cây, hoa lá, vào giọt mồ hôi cần mẫn... thì "đá" hoàn thành sứ mệnh góp sức mình vào tiến trình của thành công. Tình yêu, con người trong "đá hát" mộc mạc, chân chất nhưng rất đỗi lên thơ. "tình yêu mà, không phân định ranh giới chỉ cần biết độ thơm thảo, đắm say khi yêu đến đâu mà thôi" thì những mê đắm, ngọt ngào phiêu du đó đã làm tròn nhiệm vụ của "những giai điệu tình". Vâng, “Đá hát” nồng nàn có “những giai điệu tình yêu” là thế.
Mùa thu Hà Nội 2019
Nguyễn Thanh Huyền
Theo https://www.vanchuongviet.org/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...