Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Đi dưới rợp trời hoa phượng nở

Đi dưới rợp trời hoa phượng nở
Dịp về thăm phố cảng, tôi may mắn gặp cô em đồng hương Hà Nội đang theo học tại Trường Đại học Hải Phòng. Biết em thích chụp ảnh, tôi ngỏ ý sẽ dẫn đến một nơi thỏa niềm đam mê đó.
Dịp cuối tuần như đã hẹn, buổi sớm tôi đến khu ký túc xá sinh viên đèo em dạo phố. Nắng mới lên lấp ló trên từng vòm cây khóm lá. Xe từ đường Phan Đăng Lưu chạy qua các phố: Lê Duẩn, Trường Chinh, Trần Nguyên Hãn. Hai bên đường sắc đỏ phượng vĩ xen lẫn điệp vàng óng ả như điểm tô cho bức tranh thành phố cảng những mảng màu rực rỡ.
Vòng về đường Quang Trung, chúng tôi ghé vào bên lề rồi cùng nhau dạo bước ven hồ Tam Bạc. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh sắc nơi đây. Dòng sông lấp lánh ánh vàng. Hai bên hàng phượng vĩ nở đầy một góc trời ngập tràn hoa. Cái màu “như lửa cháy khát khao” ấy thuở còn bé tôi thường ví như một mâm xôi gấc khổng lồ, thì nay giữa miên man điệp trùng sắc đỏ tưởng như tất cả cùng nhau thắp lửa, hối thúc hè về. Nắng đượm màu càng làm cho phượng thêm rực rỡ. Những thân phượng vươn cao căng tràn sức sống được khoác lên mình bộ cánh đỏ rực rỡ đang phô diễn các vũ điệu đẹp nhất. Nồng cháy là vậy nhưng cũng thật tình tứ, nhẹ nhàng, phượng kiều diễm khẽ nghiêng mình buông tóc soi bóng mặt hồ, thi thoảng thả cánh hồng mỏng manh theo làn sóng nước. Tất cả đã hòa nhịp để làm nên hồn đất, hồn người quê hương đất cảng.
Hoa phượng tô điểm cảnh sắc trước Trung tâm 
triển lãm mỹ thuật TP Hải Phòng. Ảnh: Vũ Duy.
Tìm hiểu thêm lịch sử TP Hải Phòng mới hay, từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã mang một giống cây có nguồn gốc từ quần đảo Madagascar trồng ở Hải Phòng. Ban đầu giống cây lá nhỏ hoa thắm sắc ấy được người dân gọi là cây ba-giăng, sau nhìn bông hoa năm cánh có một cánh điểm trắng rất đẹp giống hình chim phượng đang nhảy múa nên hoa mới có tên là phượng vĩ. Phượng được trồng ở nhiều nơi nhưng đất Hải Phòng hợp thổ nhưỡng khí hậu khiến loài hoa này “bén duyên” gắn bó trở thành một danh xưng đầy tự hào “Thành phố hoa phượng đỏ”.Dạo bước trên từng con phố, nhiều thế hệ người dân Hải Phòng cùng đi dưới bóng phượng ngắm sắc hoa, chụp ảnh lưu niệm để gợi nhớ những ký ức xa xưa. Yêu thích hoa phượng, đứng tạo dáng bên hàng cây chụp ảnh, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng không giấu được cảm xúc, chia sẻ: “Khi tôi sinh ra, trên những con phố thân thuộc đã có bóng phượng. Nghe đâu loài hoa ấy đã gắn bó với thành phố này cả trăm năm nay. Chúng tôi yêu hoa cũng như yêu thành phố cảng này”.
Đất cảng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền có loài hoa làm biểu tượng, nhưng cái danh xưng ấy xuất hiện từ bao giờ chắc nhiều người chưa rõ. Lần giở tư liệu tôi biết rằng, tên gọi ấy đi vào lòng người từ những năm 70 của thế kỷ trước. Chuyện bắt nguồn từ một bài thơ của Hải Như. Mùa hè năm 1970, vợ chồng nhà thơ Simonov (Liên Xô) sang thăm Việt Nam được ông Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục Vận tải đường biển, mời đi tham quan Hải Phòng. Cùng đi có nhiều văn nghệ sĩ ở Trung ương, trong đó có nhà thơ Hải Như. Đến thành phố cảng hiên ngang trong những ngày đánh Mỹ, Hải Như đã viết nên bài thơ “Thành phố hoa phượng đỏ”. Sau đó bài thơ được nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc. Bài hát trở nên phổ biến khi phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Khúc ca đó được coi như “thành phố ca”, và thế là người Hải Phòng thêm tự hào khi thành phố được gắn với một loài hoa đẹp - “Thành phố hoa phượng đỏ”. Một điều rất tự nhiên nhưng dường như hữu ý khi loài hoa nở rực rỡ vào mùa hè cũng gắn liền với sự kiện trọng đại của Hải Phòng (ngày giải phóng thành phố 13-5-1955). 
Để giữ danh xưng đầy tự hào khi có một loài hoa làm biểu trưng, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng chủ trương trồng thêm nhiều cây phượng. Kể từ năm 2012, thành phố tổ chức lễ hội hoa phượng đỏ, phượng được trồng hầu hết trên các con đường, khu phố, địa điểm công cộng. Tính đến nay, Hải Phòng có đến hàng chục nghìn cây phượng vĩ. Mỗi dịp hè về, những khu vực như quanh hồ An Biên, hồ Tam Bạc, đường Quang Trung, Nguyễn Đức Cảnh… ngập trong sắc phượng. Ấn tượng nhất là tuyến đường Phạm Văn Đồng nối trung tâm thành phố với Khu du lịch Đồ Sơn trở thành con đường hoa phượng dài nhất Việt Nam. Các địa điểm trên được nhiều người tìm đến vui chơi, chụp ảnh bên hoa phượng. Loài hoa bình dị ấy gợi lại ký ức tuổi thơ với trò chơi ngoắc nhị hoa vào nhau rồi cùng giật hay ép hoa phượng thành cánh bướm trong sổ lưu niệm. Ngày hè, những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng mang theo nỗi nhớ khi bè bạn chia tay nhau. Tất cả trở thành một phần trong ký ức tuổi hồng của mỗi người. Thế nên tìm về hoa phượng chính là tìm về tuổi thơ với bao nỗi nhớ nhung.
Hoa không chỉ tạo cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn là sản phẩm “du lịch xanh”. Loài hoa ấy đã cùng đất và người Hải Phòng vượt qua bao bom đạn dẫu đau thương nhưng vẫn “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Bên những địa danh bến Bính, bến Phà, cầu Rào, cầu Đất nghe chừng thô mộc chẳng thơ chút nào lại có dáng hình phượng vĩ điểm tô làm đẹp phố cũ. Hôm nay, giữa thành phố năng động hiện đại, hoa vẫn dịu dàng phô diễn sắc đỏ. Hoa bền bỉ gắn bó với thành phố cảng thân yêu trở thành biểu tượng đẹp của vùng đất phía đông Tổ quốc. Hải Phòng nhộn nhịp hối hả nhưng vẫn giữ trong mình những nét đẹp quyến rũ để người dân thêm yêu, thêm tự hào về thành phố mình hơn. Đi trong thành phố giữa ngày hè chói ngời sắc đỏ, những thanh âm quen thuộc vang lên khiến ta thêm yêu mảnh đất này hơn: “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ôi Hải Phòng thành phố quê hương/ Ta yêu thành phố quê ta/ Như yêu chính người thương yêu nhất…”.     
29/6/2020
Vũ Duy  
Theo https://www.qdnd.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Pơ Thi – Truyện n   gắn của Phạm Đức Long 20 Tháng Bảy, 2023 Đã lâu lắm tôi mới có thông tin về làng Lơ Bơ. Tất cả đến từ câu chuyện v...