Cầm trên tay tập thơ “Chạm vào nỗi nhớ” của nhà thơ Nguyễn Thị
Bình, tôi nghĩ đến hình ảnh một người phụ nữ đoan trang, nhân hậu, vừa dịu dàng
vừa đa cảm và sâu sắc trước bao giông gió của cuộc đời.
Từ cuộc đời ấy, chị đã chắt chiu từng
khoảnh khắc, nỗi niềm trong cuộc sống thường nhật vào tận cùng sâu thẳm của
trái tim, để đến một ngày chị hoài niệm, nhớ nhung về quá khứ. Và thật lạ, đến
khi qua nửa dốc bên kia của cuộc đời, nhìn ở đâu và vào lúc nào, chị cũng “chạm
vào nỗi nhớ”. Nhớ về cảnh ngộ, nhớ về “người ấy”, nhớ về thiên nhiên những nơi
chị đi qua, và nhớ cả về chính mình một thuở đã qua!
Sinh ra trên mảnh đất Cố đô lịch sử, chị được đắm mình và
nuôi dưỡng trong nguồn mạch Văn hóa Cố đô. Hơn nữa, chị còn là nhà giáo và là một
cây bút nữ phê bình khá chắc tay, nhuần nhuyễn. Vì thế, trong thơ chị vừa có sự
nhạy cảm, tinh tế của một nữ sĩ đa cảm; vừa có độ đằm sâu, triết lý của một nhà
phê bình; vừa có sự chuẩn mực trong nếp sống, nếp nghĩ của một nhà giáo.
Khi “chạm vào nỗi nhớ” của chị, ta bắt gặp hình ảnh thiên
nhiên đầy yêu thương, kỉ niệm. Trăng xuất hiện khá nhiều trong thơ chị vừa dịu
dàng, điệu đà, ngẩn ngơ vừa nồng nàn, say đắm và khắc khoải. Hình như trăng
luôn đồng hành cùng chị. Cái tơ vương, rối lòng khiến nữ sĩ thức trắng đêm, đối
diện với nỗi cô đơn. Tôi thích nhất ở thơ chị chính là cách nói ẩn ý, lấp lửng:
Sáng trời đêm vẫn vầng Trăng/ Tơ vương ai vẫn mắc giăng… Rối lòng! hay: Mơ
trăng mộng gió… một ngày nữa qua/ Biển xanh sóng trắng hiền hòa/ Làm sao nối được
tình xa cho gần? (Về nghe biển hát)
Biển cũng là đối tượng được chị hướng đến để giãi bày tâm sự.
Nguyễn Thị Bình có sự sáng tạo về hình ảnh thơ, khi nhìn biển đục ngầu chị liên
tưởng đến đôi mắt của người phụ nữa chịu nhiều mất mát va đập của cuộc sống.
Hình ảnh “mắt biển” hiện lên trong thơ đầy sức gợi: Đục ngầu mắt biển chiều
mưa/ Tìm trong veo giọt em vừa đánh rơi (Với biển mùa đông). Trước biển, chị
luôn trăn trở nhớ - thương - nuối tiếc - xót xa, để rồi lại chìm vào nỗi cô đơn
không thể giải thoát được: Chỉ còn biển đó ta đây/ Mở bàn tay, nắm bàn tay… Một
mình! (Tâm tình biển). Người thơ ấy đứng trước biển, bắt gặp hình ảnh của mình.
Tôi đặc biệt chú ý sự tự nhận thức, thức tỉnh mình trong thơ chị: Đó là lúc biển
đùng đùng trút giận/ Còn gì đâu khi sóng mất khôn rồi/ Và ta nữa có bao giờ như
sóng/ Để vô tình vùi lấp mọi yên vui? (Ngày biển động).
Chị nói nhiều về tình yêu với nhiều cung bậc khác nhau. Đặc
biệt nhớ và thương luôn đồng hành cùng tình yêu, bởi vì khi hết “nồng nàn” thì
đồng nghĩa là tình yêu sẽ “nát tan”: Bỏ quên xưa cũ nồng nàn/ Mỗi người ôm một
nát tan… Cuộc tình)! (Dại khờ). Nhiều lúc chị băn khoăn, trăn trở để rồi chị
rút ra kết luận: Nói gì? Biết nói gì đây?... Buồn vui cũng một chữ tình. Người
con gái trong thơ tình yêu của chị có lúc dịu dàng, nũng nịu: Bắt đền là bắt đền…
Anh/ Hẹn em ở cuối mỏng manh đường tình (Bắt đền). Có lúc lại có những triết lý
sâu sắc về tình yêu. Với chị, tình yêu đích thực gắn liền với sự bao dung, độ
lượng, thấu hiểu để cùng nhau đi suốt cuộc đời: Cho dù Trời lắm lúc nổi bão
giông/ Đất muôn thuở vẫn bao dung thấu hiểu/ Nhân hậu vị tha chẳng bao giờ là
thiếu/ Để tình yêu đi đến cuối con đường (Những giây phút đợi chờ). Đó còn là nỗi
day dứt đến quặn lòng, vì chị không muốn lý giải về sự mê hoặc, nhung nhớ trong
tình yêu mà đó chỉ là cái cớ để chị tiếc nuối một cuộc tình dang dở: Sao anh lại
về chuốc tỉnh vào say/ Trộn lạ vào quen, khuấy quên vào nhớ/ Đẩy yêu thương dạt
bến bờ dang dở/ Chưa kịp bồi đã lở một đời sông (Sao anh lại về). Người con gái
ấy đầy mâu thuẫn khi chấp nhận sự chia xa: Đâu còn gửi nhớ tìm thương/ Thản
nhiên trong cõi vô thường nhân gian. Ấy thế mà hình ảnh “cố nhân” lại thường trực
xuất hiện trong sâu thẳm tiềm thức và đau đáu đến nhức nhối: Sao anh lại về vò
rối giấc mơ em. Đáng quý nhất ở chị đó là một người tình chung thủy: Yêu thương
một thuở đi về/ Cho dù trăng lặn, sao khuya… Vẫn chờ (Biết là). Suốt đời, Nguyễn
Thị Bình vẫn đau đáu một nỗi niềm mong ước “người xưa” với bao “chung chiêng”,
“chênh vênh” cõi người không yên trong nội tâm: Chung chiêng một gánh nợ đầy/ Ước
sao tay được cầm tay… Một lần (Lỗi hẹn Khâu Vai). Người phụ nữ ấy, luôn có những
giằng xé trong nội tâm, chị nhận ra: Làm sao giấu được tuổi đây?/Tóc thì sợi trắng
như mây cả rồi, nhưng chị lại ước: Ước gì trở lại xa xanh/ Trái tim có nắng…
Ngày anh hẹn hò. Chị mải miết đi tìm giấc mơ về hạnh phúc: Sao sa sương lạnh
trăng mờ/ Giấc mơ hạnh phúc bao giờ cầm tay? Và người đàn bà ấy tin rằng: Như
tình yêu chẳng bao giờ có lỗi/ Anh sẽ về - nhất định… Phải không anh? (Anh sẽ
trở về) Trước sau, chị vẫn ráo riết, thiết tha với tình yêu ấy: Vẫn biết rằng
tình yêu rất mong manh. Có thể thiên đường,có khi địa ngục. Khi anh đến bên em
là lúc. Địa ngục, thiên đường, em cược… cả hai (Cược với tình yêu).
Đọc “Chạm vào nỗi nhớ”, người đọc thảng thốt khi bắt gặp hình
ảnh người đàn bà yếu đuối, cam chịu, hiểu thấu nỗi khổ của mình, nhưng đồng thời
lại luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến với “người ấy” và cuộc đời: Oan ức
ngày xưa mình em gánh hết/ Mong đời này đừng ai khổ như em (Một cuộc đời). Chị
cũng là người vợ biết lo toan, hy sinh. Trong tập thơ này, chị dành nhiều tình
cảm cho mẹ của mình. Vừa thương mẹ đến quặn lòng vừa thương cho mình: Tháng bảy
đã về trong nắng rát, mẹ ơi! Nhớ thương con cứ bùng lên nhức nhối/ Lủi thủi
bóng cha âm thầm ngóng đợi/ Mẹ sinh em vào tháng bảy lỗi mùa. (Tháng bảy đã về).
Hình ảnh người mẹ thật đẹp, thật gợi, thật cảm động trong câu thơ: Mẹ gom ưu tư
giấu vào im lặng/ Gói bộn bề thong thả đợi giêng hai! (Tháng mười hai). Người
đàn bà ấy luôn đau đáu: Biết lấy gì để nhóm nhen?/ Một tia nắng có làm nên mặt
trời?. Đấy là nỗi đau đáu của người thơ và bao nhiêu người, khi cảm thấy mình
bé nhỏ, bất lực trước cuộc đời, nhưng vẫn luôn mong ngóng những điều tốt đẹp và
nỗ lực góp một phần nhỏ bé vào cuộc đời ấy với một nỗi hoài nghi, bất an.
Trong tập thơ, hiện lên hình ảnh người phụ nữ tần tảo, giàu đức
hy sinh, hết lòng vì gia đình: Em vất vả lặng thầm/ Như con tằm nhả kén (Đâu chỉ
có một ngày). Đọc thơ chị, ta cảm thấy xót xa, đồng cảm với tâm sự của một nàng
dâu luôn cam chịu. Bên cạnh đó, hình ảnh một người vợ với nhiều đau khổ, bất hạnh
cũng hiện lên trong thơ chị đầy nỗi niềm: Em như con thuyền chòng chành không bến
đợi/ Vật vờ chẳng biết về đâu, bởi chị nhận ra xung quanh mình: Cũng là tiếng một
gia đình/ Bốn bề trống vắng chút tình mỏng manh…(Một cuộc đời). Cái phương châm
xử thế mà chị đưa ra để gia đình ấm êm, hạnh phúc đó là “thấu hiểu, cảm thông”
từ phía người chồng: Biết cảm thông anh sẽ/ Có nhiều ngày cho em…Chị than thở
nhưng không oán trách, có thất vọng nhưng không chì chiết mà chỉ dặn dò: Ném
mình vào những cuộc say/ Tỉnh ra mới thấm đời này… Mất em! (Heo may cuối phố).
Bởi thế, chị đã nhẹ nhàng triết lý về hạnh phúc: Anh và em cả hai cùng giữ lửa/
Nếu thiếu một người hạnh phúc hóa tàn tro (Nói với anh về hạnh phúc). Đó là sự
hy sinh, vun vén, tất cả vì con của một người vợ, người mẹ: Nhưng rồi sự khó
qua nhanh/ Mẹ cam chịu để an lành phần con (Viết cho con nhân ngày sinh). Đó
còn là sự yêu thương, đầy bao dung khi chị làm mẹ chồng, chị đã cất lời gan ruột
để “Nói với con dâu”: Mẹ không sinh ra con, nhưng con về làm con của mẹ/ Mẹ được
làm mẹ của con - Điều kì diệu nhất trên đời/ Có phải hữu duyên? Hay vô tình?
Không biết?/ Mẹ con mình là phúc phận đấy thôi! Người mẹ ấy: Chỉ mong lớn lao
cho đến điều nhỏ nhặt/ Mẹ con mình cùng thấu hiểu bao dung.
Giọng điệu trong tập thơ “Chạm vào nỗi nhớ” là giọng tâm
tình, thủ thỉ, nhẹ nhàng nên dễ đi vào lòng bạn đọc, nhất là với phái nữ. Chị
nhuần nhuyễn với các thể thơ truyền thống nhưng luôn có ý thức sáng tạo. Về
ngôn từ, nữ sĩ sử dụng nhiều từ láy ấn tượng: Men câu lục bát tôi đi/ Chập chà
chập chững cũng khi lệch vần. Tác giả cũng thường sử dụng câu hỏi tu từ và dấu
chấm lửng. Đó cũng là dấu hiệu hình thức khá đặc biệt khởi phát từ tiếng lòng của
một người phụ nữ luôn đau đáu, khắc khoải về tình đời, tình người và nhất là
tình yêu một thuở.
Từ tập thơ “Giọt thời gian” (Tập thơ đầu tay) đến “Chạm vào nỗi
nhớ” có cả một bước chuyển về tư duy nghệ thuật, vẫn là giọng điệu tâm tình,
suy tư, ít nhiều mang tính triết lý, nhưng đề tài được mở rộng, từ ngữ trau chuốt
hơn, câu chữ, hình ảnh chắt lọc hơn. Điều đó cho thấy quá trình lao động sáng tạo
không mệt mỏi của chị. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn có sự bứt phá hơn nữa về tư
tưởng và sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong cách diễn đạt của người thơ. Bài viết
này đơn thuần là một tiếng nói tri âm với một người cô, một người chị trong
lĩnh vực văn chương mà tôi yêu quý, trân trọng. Hy vọng chị sẽ luôn: Trong cách
trở ấp iu niềm hy vọng/ Ươm hạt mầm tứ thơ bật chồi lên!.
5/12/2019
Hà Thị Vinh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét