Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn 1986-2016

Hình tượng cái tôi trữ tình trong 
thơ nữ Việt Nam giai đoạn 1986-2016
Thơ nữ Việt Nam giai đoạn 1986-2016 thể hiện ý thức phái tính một cách tự do và thành thật. Bằng sự tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn phụ nữ, các nhà thơ nữ đã thể hiện các quan hệ tình yêu thông qua đề tài đời tư - thế sự gần gũi mà khẩn thiết, day dứt, xuất phát từ nhu cầu thể hiện bản ngã, thể hiện cái tôi bên trong của mỗi nhà thơ nữ. Trong thơ nữ giai đoạn 1986-2016, ta nhận thấy, bên cạnh hình tượng cái tôi trữ tình khát khao yêu thương và dâng hiến, còn thường trực hình tượng cái tôi trữ tình đau thương và ngang trái. 
Thơ nữ Việt Nam sau 1986 thể hiện sự lên ngôi của ý thức phái tính với khát vọng và nhu cầu thể hiện bản ngã của người phụ nữ một cách chân thật. Có thể nói, các nhà thơ nữgiai đoạn này đã tạo nên một dòng văn học mang đậm sắc thái nữ giới trong nền thơ đương đại. Sắc thái nữ giới này, trước tiên, xuất phát từ nhu cầu thể hiện bản ngã, thể hiện cái tôi bên trong của mỗi nhà thơ nữ; sau đó, họ nhập vai và đại diện cho cả giới nữ để tự nói về thế giới chung quanh mình một cách khẩn thiết. Điều đó, không gì cụ thể và trực tiếp hơn từ chính sự thể hiện cái tôi trữ tình của tác giả - nhân tố quyết định quá trình kiến trúc bài thơ từ hình thức đến nội dung. Dưới cái nhìn truyền thống từ bình diện lịch sử - xã hội với quan niệm lấy nam giới làm trung tâm, người nữ từ bản chất sinh học nghiễm nhiên được xem như phái yếu, phụ thuộc vào nam giới. Địa vị gia đình và địa vị xã hội, địa vị kinh tế của họ được nhìn nhận trong mối quan hệ bất bình đẳng, lâu dài trở thành cái nhìn áp đặt, làm cho vai trò lịch sử và xã hội của họ không được bình quyền như nam giới. Vì vậy, đấu tranh cho nữ quyền, đấu tranh cho quyền được bình đẳng của họ đối với nam giới luôn là mệnh lệnh của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Hạt nhân trước tiên của bản thể nữ giới là quyền yêu và được yêu, quyền được đối thoại và khẳng định tình yêu của người phụ nữ. Bản thể giới trong thơ nữ thể hiện thường xuyên và mãnh liệt nhất là ở đề tài tình yêu. Tình yêu mang bản thể giới trongthơ nữ biểu hiện thành các dạng thái của cái tôi trữ tình gắn với các trạng huống cụ thể của từng chủ thể sáng tạo.
1. Cái tôi trữ tình khát khao yêu thương và dâng hiến 
Trong quan hệ với hiện thực lịch sử - xã hội, người phụ nữ luôn đối diện với muôn mặt của cuộc sống đời thường nhiều hơn nam giới. Vì vậy mà họ cũng bị ràng buộc bởi những quan hệ hữu hình và vô hình rất riêng so với nam giới. Có những quan hệ đã thành mặc định: “Là phụ nữ em trở về kim chỉ” (Lê Thị Mây) hoặc “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi/…/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay” (Xuân Quỳnh). Tại sao phụ nữ lại bị ràng buộc và nhiều hoài nghi, bi quan như vậy? Đó phải chăng là quan niệm và dư luận mà xã hội áp đặt cho họ, dù nguyên thủy khi sinh ra, họ vốn bình đẳng với nam giới. Câu nói của Simone de Beauvoir lại nhắc chúng ta hiểu sâu sắc về thực tế này ở người phụ nữ: “Người ta sinh ra không phải là phụ nữ. Người ta trở thành phụ nữ”. Lập luận này của Beauvoir xác quyết rằng “sự phân biệt giới, sự thống trị của đàn ông và sự tuân phục của đàn bà không phải là tiền định, càng không phải là yếu tố sinh học hay tính dục như người ta đã từng nói mà là hiện tượng mang tính xã hội được huyền thoại hóa, được xã hội, lịch sử duy trì và áp đặt trong suốt chiều dài lịch sử” (Thụy Khuê) [2, Tr. 18]. Ngay cả tình yêu - lĩnh vực bình đẳng nhất của cả nam và nữ cũng liền rơi vào sự bất bình đẳng cho nữ giới. Dư Thị Hoàn đã tinh tế nhận ra điều này trong từng khoảnh khắc và trạng thái yêu, đợi chờ và âu lo, thấp thỏm: “Em tỉnh dậy chưa kịp chải đầu/ Tiếng bước chân anh ngoài cửa?/ Em hồi hộp rút then ngang khe khẽ/ Anh đã đến với em…”, thì ngay sau đó đã là: “Nhưng có ngờ đâu/ Nắng buổi sáng/ Nắng chói chang/ Đã ùa vào ôm gọn em trước mặt anh/ Anh đến với em… muộn mất rồi” (Bước chân chậm). Trong quan hệ tình yêu, với Dư Thị Hoàn, người nữ vẫn là người thụ động khát khao và chờ mong. Họ thường nhận lấy sự lỡ làng và hụt hẫng, dù họ đã chủ động ngay từ đầu: “Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Bước chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vươn cây xấu hổ/ Em sợ nó khép cánh? Nhưng biết làm sao bây giờ/ Chính lối này dẫn em tới anh” (Lối nhỏ). 
Nếu những cây bút nữ trưởng thành sau 1975 cố gắng thể hiện mình bằng tiếng nói trẻ trung, có khi “tự sắm vai” để được là mình trong suy nghĩ và ước ao, thì Lệ Thu - nhà thơ lớp trước lại điềm tĩnh, thâm trầm, sâu sắc và triết lý hơn theo trải nghiệm của riêng mình. Thơ bà không lẫn vào thơ ai. Bà hướng về mình, sau đó nhìn ra tha nhân để đón nhận những thực tế đời thường mà người phụ nữ phải đối diện và chấp nhận. Chất triết lý trong thơ Lệ Thu thường là nỗi buồn đau gan ruột và đã chín thành cảm xúc: “Không điều kiện, không chút gì thắc mắc/ Nhận về mình tất cả nỗi đau thương/ Khi tuổi trẻ đi qua cùng nhan sắc/ Hoa cuối mùa xin gửi lại nguồn hương”. Cuối cùng, sự cứu rỗi cuộc sống vẫn là lòng nhân ái, bao dung mà người nữ phải mở ra để cưu mang và che chở: 
Muốn giữ mãi trong lòng mình yên lặng 
Để người đi như một khách qua đường 
Chỉ e ngại trong dặm dài trưa nắng 
Anh cháy lòng không thấy suối yêu thương 
(Hương gửi lại)  
Nhà thơ đã nói hộ tấm lòng cao thượng ấy: “Em muốn anh là đại dương/ Ngàn đời không thôi mới lạ/ Nhưng lại sợ lòng anh sâu thẳm quá/ Em làm sao đến được tận cùng”. Để rồi lại: “Em muốn anh là dòng sông/ Hào phóng ban phù sa bồi đắp/ Nhưng lại sợ sông dài tít tắp/ Nước trôi đâu dễ quay về” (Vần thơ của em). 
Và nhiều mong muốn khác cũng rất cụ thể, chân thật trong thơ Lệ Thu: “Em muốn anh là vầng trăng/ Của một đêm rằm tha thiết/ Nhưng lại sợ mai rồi trăng khuyết/ Tình yêu mờ nhạt theo mùa”. Cho nên cuối cùng, nhà thơ tự vỗ về, an ủi: “Thôi anh hãy là vần thơ/ Nhập vào tim em vậy nhé/ Để muôn sau tình ta vẫn trẻ/ Vẫn nồng nàn nguyên vẹn trong nhau!” (Vần thơ của em). 
Biểu hiện đầu tiên của bản thể giới là tình yêu - chủ đề lớn và xuyên suốt trong thơ nữ các thế hệ. Có thể xem Xuân Quỳnh là nhà thơ đại diện tiêu biểu, là “người đàn bà yêu và làm thơ” (Đoàn Thị Đặng Hương). Bà luôn đi tìm giá trị cao đẹp của tình yêu không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho nữ giới nói chung. Khát vọng cuối cùng của nhà thơ là giải đáp cho được chân lý muôn thuở của tình yêu, đó là được sống hết mình, yêu hết mình như biển và bờ nghìn năm ôm ấp: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ” (Sóng). Vì vậy mà được yêu, được sống hết mình cho tình yêu, cả khi không có mặt trên đời là một ước nguyện của Xuân Quỳnh, dù cuối cùng, bà phải nhận về mình đau khổ: “Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở/ Đến tận cùng đau đớn của tình yêu”. Cho nên khổ thơ sau trở thành chân lý của trái tim: Em trở về đúng nghĩa trái - tim - em 
Là máu thịt đời thường ai chẳng có 
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa 
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi 
(Tự hát) 
Lâm Thị Mỹ Dạ cũng thế, bà khát khao sống hết mình như “trăng non” và “lá xanh”: “Ta thành trái mà hồn còn như lá/ Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ” (Ngoảnh lại), dẫu có lúc tình yêu ấy vuột khỏi tầm tay: “Thôi đành vậy, đành thành sa mạc/ Cúi chào anh cơn mưa cuối chân trời/ Vịnh Hạ Long như người tình hư ảo/ Một người yêu không có thật trong đời” (Người tình hư ảo). 
Đời sống tính dục và tâm linh cũng là đề tài được các nhà thơ nữ quan tâm. Nó là một phần của bản năng sinh học, vừa là nguồn sống vừa là dục tính nói theo nghĩa tốt đẹp của nó. Ước muốn được yêu hết mình, được là mình trong tận cùng khát khao, Lê Thị Mây mạnh dạn nói lên sự nồng nàn giới tính một cách hết ngưỡng: “Nửa ly rượu mạnh/ Em dốc cạn/ Cuộc đời anh/ Và uống/ Cũng không sao hết khát một mình/ Em mới biết/ Nửa ly rượu mạnh/ Còn nửa kia là bí mật về anh” (Bí mật mùa xuân). Vì vậy mà tình yêu của Lê Thị Mây luôn đi cùng dài rộng cuộc đời: “Không ai yêu như tôi yêu nhiều đến thế/ Tuổi tình yêu dài trọn cuộc đời tôi” (Bi khúc). 
Xem tình yêu là một mặt bản chất/ bản thể của thiên tính nữ,các nhà thơ nữ trẻ đương đại có tiếng nói mạnh mẽ hơn các nhà thơ nữ lớp trước. Đó là cái tôi trữ tình khát khao yêu thương và dâng hiến. Với sự chân thành bộc lộ, họ đã công nhiên biểu hiện sức mạnh của tình yêu nữ giới theo cách riêng của thế hệ mình: bộc trực và có phần nổi loạn. Hãy nghe các nhà thơ nữ trẻ đòi hỏi: “Ngủ vùi trong anh/ nhịp tim còn lảnh lót/ Đòi gỡ/ Đòi buộc/ Đòi tỉnh dậy. Đòi/ do dự/ miên man” (Do dự - Phan Huyền Thư). Với Đường Hải Yến, đó là sự bình yên, cần được chở che: “Em chẳng khác em chỉ là phụ nữ/ Gọi tên anh cho yên ổn bản thân mình” (Em). 
Cái tôi trải nghiệm và ứng xử trong tình yêu ở nhà thơ trẻ Phương Lan ngập tràn khát khao, khoái cảm dâng hiến: “Buông tay/ Hình như cơn say/ Đang trễ nải trườn lên đỉnh ngực/ Khai mở vực triền trắng ngây hoa cúc/ Hơi thở sự sống mặn mùi biển nóng ấm/ Em đáp lại âm âm tiếng gọi bằng từng cơn run rẩy bật tung mình" (Những mảnh ghép của ngày). Nhận xét về thơ nữ giai đoạn này, nhà nghiên cứu Bích Thu viết: “Bằng góc độ cảm nhận và cái nhìn của giới, các cây bút thơ nữ đã mạnh dạn và táo bạo thể hiện nhục cảm bằng ngôn từ” [3,Tr. 133]. Qua ngôn ngữ tự nhiên và thành thật ấy, họ nói lên tiếng nói tình yêu và khát khao yêu thương, dâng hiến thành thật của mình trước nam giới. Đoàn Thị Lam Luyến thường trực khát yêu từ trái tim nóng bỏng: “Tôi khao khát một mối tình/ Một tình yêu chỉ riêng dành cho tôi/ Để ngày tôi ngắm tôi soi/ Để đêm đắp áo cho người xông hương” (Tôi khao khát đi tìm). Để sau đó là ước mơ lớn nhất trong đời - mục đích của tình yêu và hôn nhân: “Em sẽ đẻ cho anh một đứa/ Rồi một đứa” (Chẳng thể là Enxa). 
Xuân Quỳnh cũng tha thiết tâm nguyện: “Tay này đây, em may áo cho anh/ Bàn sẽ cắm hoa, tường sẽ treo tranh/ Em sẽ làm những điều anh mơ ước” (Thơ viết cho mình và những người con gái khác). 
Như vậy, về mặt quan hệ tình yêu trong cuộc sống đời thường, người nữ dù khát khao yêu thương và dâng hiến, nhưng họ lại thường gặp rủi ro, bất hạnh do những rào cản của quan niệm lỗi thời bên ngoài đưa đến. Thế hệ các nhà thơ trẻ như Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang, Lynh Bacardi, Nguyễn Thúy Hằng… mỗi người cũng gặp phải những ưu tư, dằn vặt khác nhau. 
Với Ly Hoàng Ly, nỗi đợi chờ là sự đổi thay sắc màu trong tâm tưởng: “Em ngồi đây/ Trên cỏ xanh/ Nhưng em thấy quanh mình là cỏ trắng/ Vì em đang chờ/ Một người chưa hề biết tên” (Cỏ trắng). Với Bình Nguyên Trang thì trống trải đến xóa nhòa, trống trải để biết nỗi đợi chờ là vô nghĩa: “Chỉ đợi anh về/ Em đâu cần anh tới/ Em đâu cần anh nói/ Và đâu cần anh biết nỗi đợi này” (Đợi). 
Với Vi Thùy Linh thì linh giác đã mách dùm cho chị những hồng hào sinh nở nhưng lại là sự mong mỏi, bất ổn trong hiện tại: “Tình yêu là thánh giá mang suốt đời/ Tình yêu bắt đầu từ khi là bào thai trong bụng mẹ” (Thánh giá). Có khi, si mê đến hóa thành hình của quỷ trong mơ: “Nếu anh không của em, em sẽ vắt mình đến giọt sương cuối cùng, làm nghiêng ngả mọi ổn định/ Nếu anh không đến với em, em sẽ tìm nơi trú ngụ của quỷ” (Liên tưởng)... Và chỉ thêm một thất vọng nữa thôi, thì ngụy tín sẽ là phép thắng lợi tinh thần: “Em mơ về đám cưới/ Những ngụy tín đứng bên ngoài đường viền của tấm chăn đơn chiếc” (Một mình). 
Người phụ nữ trong thơ Phan Huyền Thư còn lạ lùng hơn nữa, chong đèn đêm khâu nỗi nhớ thành tấm chăn ủ ấm cho mình trong xa cách để tự chia sẻ nỗi buồn, mong vơi đi nỗi nhớ: “Thiếu phụ chong đèn/ Khâu đợi chờ thành tấm chăn” (Chia sẻ). Không chỉ yêu mà người nữ trong thơ nữ còn chủ động dâng hiến hết mình cho tình yêu và hạnh phúc gia đình. 
Ta đã từng cảm nhận tình yêu và khả năng nổi loạn trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới dạng ẩn dụ hoặc hoán dụ qua các sự vật và hình ảnh mang tính phồn thực, dục năng như chiếc bánh trôi, quả mít, cái quạt, lá trầu xanh để che chắn, ý nhị: “Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào nguyên nước chửa thông” (Thiếu nữ ngủ ngày). 
Ca dao cũng thế, thường ẩn dụ bóng gió kiểu: “Gần đây mà chẳng sang chơi/ Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu”; hoặc trong thơ Nguyễn Bính: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu/ Chờ em ăn dập miếng trầu em sang” (Chờ nhau)hay: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn/ Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi” (Cô hàng xóm). Trái lại, người phụ nữ trong thơ nữ thời hiện đại thường mãnh liệt, chủ động và táo bạo hơn. Phạm Thị Ngọc Liên trực tiếp thổ lộ: “Em muốn giăng tay giữa trời mà hét/ Yêu anh” (Em muốn giăng tay giữa trời mà hét). Có lúc, cảm xúc dâng lên như điên như dại: “Cuộc sống ta đã điên lên cùng ngươi/ những đêm lửa tim rực cháy/ ngỏ với người tình/ Rằng Em Yêu Anh” (Tự khúc 1). 
Với Dư Thị Hoàn, tình yêu phải thật và cháy hết mình dù sau đó có thể rơi vào trạng thái bị động chia tay hay tan vỡ: “Hãy buông xuống…/ Giữa chúng ta/ Hãy để ánh lửa bập bùng soi sáng/ Dù đang lúc đôi mắt anh/ Phóng ra mũi tên tẩm thuốc/ Nhằm rơi rụng trái tim em” (Ánh lửa).Nhưng nhất định, tình yêu ấy, dù có dại ngộ, cũng phải đặt trên nền tảng và bệ phóng của văn hóa. Nếu không thì sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến tan vỡ: “Rồi tất cả sẽ qua đi/ qua đi/ Chúng ta sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần…/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ). 
Yêu và được yêu một cách chủ động và thành thật là phương thức sống của phụ nữ thời hiện đại. Có thể là sự “tự nguyện” hiến dâng, không đòi hỏi. Phan Huyền Thư chủ động: “Truất yêu đương - phế ghen tuông - giáng thù hận/ tôi nhường tôi cho anh” (Tự nguyện). Vì vậy mà nếu cần, người nữ trong thơ Vi Thùy Linh cũng tự nguyện làm phái yếu trong tình yêu: “Anh đừng xa nữa/ Em bỏ tất cả/ Em quên tất cả/ Quên cả tên mình/ Quên cả tuổi mình/ Quên cả lối đi/ Chỉ còn nhớ anh” (Nhật thực)… Dù không khỏi có lúc vượt quá ngưỡng của quan niệm đạo đức truyền thống, nhưng “trái tim có lý lẽ riêng của nó”, ai mà chẳng muốn sống thật vì nó, cho nó. 
Phạm Thị Ngọc Liên muốn được “mãn nguyện”, khi “Ta đã hòa lẫn trong chàng/ Vĩnh cửu trên cái chết”. Nơi thiên đường ảo mộng, chỉ có hai trái tim dại yêu và cuồng yêu. Cô gái trong thơ Dư Thị Hoàn thì cứng rắn hơn nhưng cũng mềm yếu đến si mê: “Đợi cú sút làm bàn/ Em sẽ bay đến/ Ngọt lịm trong vòng tay anh” (Tâm sự quả bóng đá). 
Tôn Nữ Thu Thủy thì điềm nhiên và tỉnh táo, nhưng cũng không kém phần gấp gáp và tiếc nuối khi phát hiện sự im lặng của mùi hương: “Bên trong và bên ngoài bức tường trong suốt/ Cuộc sống mấy cõi sinh thành/ Gió đi qua không nói gì/ Mưa rơi không nói gì/ Nắng chiều hôm không nói gì/ Cả cơn bão đi qua không nói gì/ Mặt trăng xuyên đêm không nói gì/ Mặt trời qua suốt ban ngày không nói gì”. Vậy còn lại gì sau hơi thở đứt quãng của người đàn bà leo dốc núi tìm lại mối tình xưa? Câu trả lời là còn lại không gian trắng: “Trong không gian trắng/ Có người biết mình yêu điều gì/ cần phải làm gì/ Cặm cụi bên những vi mạch từng ngôn ngữ/ kết nối sinh sôi cho đời./ Không gian trắng/ Hương của lặng im”(Hương lặng im). 
Còn Lâm Thị Mỹ Dạ thì dẫu có thất vọng trong tình yêu, vẫn còn niềm kiêu hãnh để đón nhận nỗi hoài nghi cô độc: “Em chết trong nỗi buồn/ Chết lặng thầm âm ỉ đau đớn/ Trời cho em nụ cười thật tươi/ Ai biết sau nụ cười/ Giọt nước mắt về đâu?” (Tặng nỗi buồn riêng). Nhưng rồi, nhà thơ vẫn không từ bỏ ước nguyền dang dở: “Ước gì/ Anh là dòng sông/ Cho em soi thấy mình như trời cao rộng/ Để tận cùng anh em gặp chính mình” (Tôi thấy mình), bởi vì tác giả tin cuộc đời cũng còn không gian cho sự bao dung và độ lượng: “Hãy ngước nhìn trời cao sẽ thấy/ Xuân còn đầy run rẩy, nôn nao”(Người đàn bà mặc áo choàng đen). Vậy mà trong thực tại, nhà thơ thấy phấp phỏng lo âu trước niềm tin và sự ngộ nhận lưỡng phân của chính mình. Để khi vỡ ra thì “Giật mình/ Hoang vắng/ Bởi tôi đã gieo tôi cằn kiệt không ngờ” (Không đề 4). Sự quên lãng chính mình nhiều khi chính là tâm lý tự vệ để biết mình luôn có mặt trong đời, đang ngơ ngác trước mọi đổi thay của thiên nhiên: “Như bất ngờ núi lửa/ Đột ngột sao băng/ Rực rỡ chói lên mạnh mẽ”dù cuối cùng: “Rồi tất cả lại trở về im lặng/ Nỗi im lặng của trăng non và lá xanh” (Không đề 1). Vậy là, một khắc khoải hiện sinh xuất hiện, giải tỏa mọi hoài nghi: “Ta thành trái mà hồn còn như lá/ Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ” (Ngoảnh lại). 
Tình yêu xuất phát từ tâm hồn, từ cảm xúc và nó cũng xuất phát từ bản năng, bản thể của con người. Thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của học thuyết Phân tâm với sự xác quyết vô thức là nguồn sống của hữu thể. Điều này làm khuấy đảo nhân loại khi ý thức không còn là chủ nhân trong căn nhà tâm hồn của con người nữa, mà ở đây, vô thức - bản năng mới là người chủ quyết định. Chính vì vậy, vấn đề bản năng trong tình yêu trở nên mạnh mẽ và rõ nét trong thơ của các nhà thơ nữ giai đoạn sau 1986, trở thành một trong những nhu cầu về giới nổi trội, gấp gáp, đặc biệt là của các nhà thơ từ thế hệ 6X, 7X trở về sau. 
Đoàn Thị Lam Luyến là “người đơn phương phát động cuộc chiến tranh tình ái” (Thái Doãn Hiểu) thể hiện mình một cách thành thật: “Trái tim em kiêu hãnh trước bao người/ Bỗng run rẩy bên anh rồi vỡ ra giọt lệ/ Bay mất áo tàng hình lại nguyên là đôi trẻ/ Trong ngỡ ngàng hai đứa hôn nhau” (Hai người cô đơn). Hôn như từ vô thức bản năng đòi thỏa mãn: “Em sẽ hôn anh mộc mạc làn môi/ Như mọi lứa đôi đều hôn nhau như thế” (Chẳng thể là En-xa). Đinh Thị Như Thúy là người có trái tim yêu không ghìm được dây cương tung vó ngựa: “Trái tim tôi là con ngựa bất kham/ Sải vó dài trên đồng cỏ/ Gió ngùn ngụt gió/ Tôi, người xà ích yếu hèn không đủ sức ghìm cương” (Một ngày tháng sáu). Có khi mượn giấc mơ để thỏa mãn những dục vọng vô thức: “Tôi mơ cánh tay anh duỗi dài trên cát êm như vòng nôi tuổi nhỏ/ Mơ đôi môi như sóng biển nhiệt cuồng… Mơ nửa không gian anh tạo dựng, những vết xước không dấu che, những sắc màu rối tung theo cảm xúc, những bùa mê ma mị” (Những giấc mơ). Nếu trước đây, Nguyễn Du đã từng để Thúy Kiều vượt qua giới hạn của một nữ nhi con nhà quyền quý phong kiến, vạch rào đi tìm Kim Trọng: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (Truyện Kiều), thì nay Đinh Thị Như Thúy cũng không kém phần mạnh bạo, chị để cho người con gái chủ động hoàn toàn trong hành động yêu và ân ái: “Em rủ anh đêm nay kín đáo, lặng lẽ ra vườn ngồi chìm trong bóng tối/ Góc vườn đó/ Chiếc ghế đá đó/ Dưới gốc mimosa đó/ Không là mùa trăng/ Trời tối/ Nên tha hồ rón rén/ Như thể trộm lén dự phần vào cuộc sống bí mật nơi này. Em bảo/ Một lần thử xem” (Rơi như giọt nước). Cùng tông giọng và quan niệm mãnh liệt, người phụ nữ trong thơ Vi Thùy Linh càng “nổi loạn”, luôn trong tư thế chủ động và lựa chọn theo nguyên lý khoái lạc: “Hiến dâng trong hạnh phúc tuyệt đích của nô lệ tình yêu không muốn được giải phóng” (Thánh giá). Trong các bài thơ như Người dệt tầm gai, Một mình tháng Tư, Anh và thời gian, Khi em tựa cửa, Chân dung, Liên tưởng, người phụ nữ luôn ở trong tư thế chủ động như thế. Thường trực trong liên tưởng và khát khao của người phụ nữ trong thơ Vi Thùy Linh là luôn có một người đàn ông cuồng nhiệt bên cạnh: “Anh là suy nghĩ của em khi mỗi ngày thức dậy/ Anh là niềm vui nỗi buồn, là những gì trong em đang có/ Anh là đỉnh cao khát vọng dâng hiến, là hơi thở của em” (Sóng). Còn nàng thì mãi sẵn sàng dâng tặng mùa ân ái nồng nàn: “Tất cả em ngày về, Anh hãy nhận/ Thể xác và linh hồn em, của Anh/ Hãy ghì lấy hòa vào em cuộc phục sinh dịu dàng khốc liệt/ Lấy mùa cho Linh dốc tình ân ái” (Bờ của chích bông). Nhận định về thơ Vi Thùy Linh, nhà nghiên cứu Thụy Khuê viết: “Linh đã muốn thoát khỏi tình yêu để làm thơ khác, Linh muốn làm thơ trí tuệ, thơ nhân sinh, nhưng mọi cố gắng dường như đều đưa Linh về với khát vọng tình yêu, như thể tất cả mọi con đường đều dẫn về La Mã” [1]. Đó chính là cái tôi trữ tình khát khao yêu và dâng hiến trong thơ các nhà thơ nữ giai đoạn 1986-2016. Bằng sự tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn phụ nữ, các nhà thơ nữ đã thể hiện các quan hệ tình yêu thông qua đề tài đời tư - thế sự gần gũi mà khẩn thiết, day dứt. Những quan hệ cuộc sống xã hội đời thường hiện lên nhiều lúc bình dị nhưng buốt nhức, đau đáu nỗi niềm nhân thế. Đó là thế giới đầy hương thơm, âm thanh và màu sắc, tin yêu và độ lượng dù nhiều lúc phải nhận lấy ngang trái, khổ đau. 
2. Cái tôi trữ tình chấp nhận đau thương và ngang trái 
Yêu và được yêu, yêu và tan vỡ luôn là những đối lập trong thực tế cuộc sống. Qua thơ nữ giai đoạn 1986-2016, ta nhận thấy, bên cạnh hình tượng cái tôi trữ tình khát khao yêu thương và dâng hiến, xuất hiện thêm hình tượng cái tôi trữ tình chấp nhận đau thương và ngang trái. 
Người phụ nữ trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên luôn trong tâm thế và trạng thái chấp nhận trớ trêu của tình yêu, dù ban đầu chị vẫn chủ động đón chờ và hy vọng, nhưng rồi cái gì đến nó sẽ đến. Ngang trái đi qua cuộc tình là có thật khi mọi hồng phúc không an bày nơi căn phòng hạnh phúc: “Sao anh không đến cùng em/ Người đàn ông đàn ông hơn tất cả đàn ông/ Để quất vào tim em những vệt roi đắng chát/ Cho em cười bằng nụ cười nước mắt/ Vinh quang số phận đàn bà” (Vệt sáng tiềm thức). Phạm Thị Ngọc Liên khát khao được yêu thương hết mình, được dâng hiến trọn vẹn, được chia sẻ đến tận cùng: “Đi quanh nỗi khát khao của mình/ Em như người hụt hơi mừng rỡ trước cơn gió lạ/ Háo hức đón lấy ánh nắng không phải của mình/ Vuốt ve vầng trán không phải của mình/ Và vẫn cứ cô đơn tiếp tục…/ em như người mộng du cứ đắm chìm trong tiềm thức tội nghiệp” (Tiềm thức). Hầu như trong thơ nữ Việt Nam hiện đại, trạng thái ly tan, bất ổn trong tình yêu là một đặc điểm làm nên sự bất bình đẳng giới mà các nhà thơ nữ muốn thể hiện để thấy được sự bất công và sự vô lý của chính mình và của cả chính người mình yêu. Sự bất ổn, tan vỡ, lỡ làng trong thơ Lệ Thu, Đoàn Thị Lam Luyến, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dư Thị Hoàn, trong thơ của thế hệ kế tiếp là Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Thu Vân, Tuyết Nga, Thảo Phương… đã chứng minh cho thực tế nói trên. Phạm Thị Ngọc Liên đã một mình uống từng giọt đắng để say trong chia cách: “Ôi nước mắt đắng cay đâu như rượu ấy/ Em uống một mình, riêng lẻ một mình say”. Đinh Thị Thu Vân có thể xem là người chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh nhất trong tình yêu. Thơ chị thể hiện cái tôi đầy xa xót, chịu đựng và nhận về mình bao đắng đót để kéo dài niềm vui cho người mình yêu: Em là sóng, em trở về với sóng 
Em là mây, đành mãi kiếp mây trời 
Là nước mắt, em về bên nước mắt 
Là cát bụi dưới chân người, thôi đành cát bụi… để anh vui 
Em chôn khuất đời em trong góc tối 
Một đời yêu bèo bọt chẳng dư âm 
Mòn mỏi ước một lần ngủ vùi bên mái ấm 
Mòn mỏi hão huyền từ lúc trót yêu anh… 
(Em là sóng, em trở về với sóng) 
Dẫu bị phụ tình, chị vẫn chấp nhận cô đơn để được kéo dài ra trong niềm vui của người mình yêu. Cao hơn nỗi bẽ bàng đó là khi chị nhận ra hai trái tim không thể mãi mãi thuộc về nhau: “hiểu rằng không có kiếp sau/ đành sao, khi chẳng vì nhau kiếp này?/ em vùi khóc những ngày mai/ ước mơ liệm giữa bàn tay đất trời” (khóc những ngày mai). Cuối cùng, chị chấp nhận vùi trong nỗi nhớ để nguôi ngoai: “Em nhói buốt nhận ra mình lạc lõng/ Thương trái tim bé bỏng tội tình!” (Không đề). Vậy nên, các trạng thái chấp nhận đau thương diễn ra với rất nhiều cấp độ. Trước hết là tự an ủi mình: “Phải tự mình ru nước mắt/ Tự mình nương bóng mình thôi/ Em tiếc đời em trôi nổi/ Sóng vùi trăm phía buông xuôi” (Xa biệt phía vai người). Nhưng rồi lại nhớ nhung, mong ngóng và van nài: 
Em nhớ lắm bàn chân anh bối rối 
Những ngón buồn không nỡ bước xa thêm 
Anh đừng đi, em không biết chi tìm 
Em biết trốn vào đâu cho bớt nhớ 
(Nhật ký) 
Trong Một ngày ngoái lại, Đinh Thi Thu Vân chợt nhận ra: "Không ai đợi tôi về sau cánh cửa/ không nồng nàn không ấm áp bao dung/ Tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa/ Một nửa dường đang khuất phía mông lung” nên chấp nhận ly tan để cho người mình yêu được yên lòng từ giã: “Đời chúng mình… tan vỡ một lần thôi/ Lòng đã hẹp một lần. Yêu đã hết/ Em quỳ xuống xin em đừng thương tiếc/ Đớn đau kia không đủ sức nhận hai lần!”. 
Hình như nỗi niềm trái ngang là mẫu số chung trong thơ của các nhà thơ nữ thời bình. Đoàn Thị Lam Luyến muốn một cuộc sống bình yên, giản đơn như cây lá nương tựa vào nhau: “Có lúc em muốn thành đứa bé/ Cho anh vuốt má, xoa đầu/ Ngày hè nấu cho anh ăn một bát canh rau/ Ngày đông pha cho anh một tách cà phê sữa/… Em chỉ muốn là người đàn bà của chính anh thôi” (Chẳng thể là En-xa). Ước mơ bình thường, đơn giản vậy mà nào hạnh phúc có đón chờ. Dẫu có lúc, chị đã chấp nhận sự trớ trêu: “Thản nhiên chị mối tình đầu/ Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm” (Chồng chị, chồng em). Lê Thị Mây, người phụ nữ đã từng cảm nhận hạnh phúc bất ngờ, “tái nhợt” khi gặp lại người yêu sau chiến tranh: “Anh khoác ba lô về/ Đất trời dồn chật lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày” (Vầng trăng mong chờ). Vậy mà vẫn thành lỗi hẹn với người mình yêu, đến nỗi chị phải van nài: “Nếu còn tro, em xin tro về bếp lửa mình/ Để em vùi vào đấy/ Cả trái tim anh và trái tim em nữa” (Nếu còn tro). 
Nỗi buồn, nỗi khổ đau và thất vọng đời thường hình như thường trực trong từng tế bào sinh học và trong ý thức nghệ thuật của các nhà thơ nữ, làm nên chất thơ mang đặc điểm nữ tính riêng trong nền thơ chung thời hiện đại. Với Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ bà cũng mang những đặc điểm trên. Nhà thơ đã trải qua những trạng thái kỳ lạ trong đợi chờ và vỡ mộng trước biển khơi xa thẳm “Khát chờ xoáy lốc tim em”, nhưng người tình vẫn nhạt nhòa, hư ảo để còn đây“Những đám mây ra biển”và chấp nhận “Niềm vui mắc cạn/ Nỗi sầu biển khơi”. Và khi ấy, chỉ còn tâm lý tự vệ là có sẵn trong tâm hồn để tự mình an ủi: “Cúi chào anh/ Cơn mưa cuối chân trời” với “Một người yêu không có thật trong đời” (Người tình hư ảo).Trạng thái đợi chờ trống rỗng là có thật, không thể khác: “Bây giờ ta như vỏ ốc/ Trống rỗng hết bao điều quên nhớ” (Trước Nha Trang). Một tâm lý khác lại hiện lên, muốn được “đập vỡ mình để đầy ắp”, muốn được bất cần trước “những nụ hôn có cánh” và “nỗi buồn biếc xanh” sau khi tự mình xóa đi “Từng vết/ từng mảng” những giọt mưa đồng hành trên gương mặt thiếu nữ đợi chờ cho đến khi “Chỉ còn/ Một giọt/ Ngơ ngác/ Trên lá xanh” (Mưa). Lâm Thị Mỹ Dạ chỉ còn biết tự vấn, tự thoại: “Còn ai hiểu ta bằng ta/ Còn ai yêu ta bằng ta/ Còn ai ghét ta bằng ta/ Còn ai thương ta bằng ta”. Những nghi vấn hiện lên không dứt: “Sao không là đất/ Thấm đẫm bao mồ hôi nước mắt/ Sao không là trời/ Giông bão cuồng say rồi tắt/ Sao ta là Con Người?” (Nhiều khi). 
Bên cạnh nhu cầu được hòa hợp, Xuân Quỳnh lại bày tỏ những hoài nghi và tự vấn: “Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại”, nhưng rồi nhà thơ thấy như có gì bất ổn: “Anh, con đường xa ngái/ Anh, bức vẽ không màu/ Anh, nghìn nỗi lo âu/ Anh, dòng thơ nổi gió/ Mà em người đời thường/ Biết là anh có ở?” (Anh). Một câu hỏi cháy bỏng hiện lên: “Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh?” (Mùa hoa doi). 
Tình yêu trong thơ Lê Thị Mây có nhiều đắng cay nhưng bao dung, độ lượng, chấp nhận nỗi đau riêng để kéo dài niềm vui cho người mình thương quý: “Em vẫn thường đi qua phố nhà anh/ Cầu chung thủy cho riêng người duy nhất/ Ngõ phù dâu hình như không có thật/ Em rao lầm cạn nước cả sông xanh” (Bài hát đi qua phố). Nhà thơ tự hỏi sự thủy chung có còn giữ nổi khi vết thương còn đó tái tê lòng: “Ngồi buồn cầm hết mung lung/ Vết thương năm cũ thủy chung dễ gì/ Ngó sen đứt nối từng khi/ Tơ lòng kim chỉ chia ly chợt về/ Áo sờn mảnh vá người chê/ Bây giờ tôi vá dầm dề gió mưa” (Kim chỉ). Nguyễn Thị Ánh Huỳnh lại đau đáu nhận ra sau ba mươi năm làm vợ, làm mẹ lại là sự đánh mất chính mình: “Suốt ba mươi năm/ anh bảo/ em phải quên mình/ vì chồng con/ Hơn năm mươi năm ra đời/ cuộc sống dạy/ em phải quên mình/ vì mọi người/ tóc bạc rồi/ anh lại bảo/ em phải là chính mình đi/ không là chính mình/ chán lắm/.../ anh ơi/ em còn mình đâu?/ Suốt ba mươi năm/ em toàn làm người khác/ giờ/ tìm mình/ ở đâu?”. Và cuối cùng, người đàn bà đã thật sự nhận ra dâu bể đời mình như là định số, giống như số phận của các sinh vật trần gian: “ôi chính mình của bươm bướm/ là sâu/ chính mình của giọt sương/ là hơi nước/ chính mình của hoa/ là nụ/ chính mình của nụ/ là cây/ chính mình của em/ là anh đó” (Chính mình). Đinh Thị Thu Vân thừa hiểu sự trái ngang và phũ phàng của người yêu dành cho mình. Còn lại trần trụi một tình yêu lạnh lẽo và chán chường: “Sẽ chẳng bao giờ em nhận ra được hết những phũ phàng anh đã tặng cho em/ Nếu không có một ngày trái tim em thuộc về người khác/ Em đã nhận ra/ Không gì thê thảm hơn/ Một tình yêu đã chết/ Không gì tẻ nhạt/ Không gì lạnh lẽo/ Chán chường hơn” (Trần trụi tình yêu). Tất cả chỉ còn lại nhạt nhòa, lầm lỡ, giờ lững lờ như khói, như sương: 
Anh ơi nắng gió quanh đời 
Em không chia được, thương rời rạc thương 
Chỉ là phơ phất lời suông 
Chỉ là như khói như sương lững lờ 
Em không chia được buồn xưa 
Những đêm thảng thốt, những mùa bão giông 
Tay anh em chẳng được cầm 
Bước chân ngày đó bận lầm lỡ trôi...
(Biết đâu còn lúc cô đơn) 
Cũng cùng tâm trạng đó, Trần Mai Hường đã linh cảm về một ngày người tình quay mặt. Thoáng ngỡ ngàng, nhưng rồi cũng sẽ quên như chẳng hề chi, chỉ thương những câu thơ lầm lụi bóng chữ tháng năm thừa: “Em đâu nghĩ một ngày tình quay mặt/ Rồi sẽ quên như chưa có trong đời/ Chỉ thương lắm những vần thơ lầm lụi/ Cõng bóng mình mong ngược khúc cầm chơi” (Linh cảm). Trái ngang, dang dở là điều có thật khi anh tay trong tay, vui với người yêu mới: “Anh đã có người đàn bà khác/ Tay trong tay/ Mắt trong mắt... lâu rồi/ Người ấy khóc - anh vỗ về/ Cười - anh cũng cười vui/ Em cay đắng nhận ra mình thừa thãi”. Hạnh phúc ngỡ là thiên đường giờ tan như ảo ảnh, khi anh đánh cắp mối tình xưa để dâng cho người yêu mới: 
Hạnh phúc từng đơm hoa kết trái 
Không phải em đánh mất đâu mà chính anh 
Chính anh đã lấy cắp tặng người 
Cứ mỏi mòn theo ngày tháng dần trôi 
Ngày tháng dần trôi... 
Anh xa lạ rồi 
Em cặm cụi nhặt giọt đời vụn vỡ 
Chút tình nghĩa anh sớt chia quá nhỏ 
Nhín lòng mình em chiu chắt dành con 
(Độc hành về phía cô đơn) 
Nhà thơ Thúy Nga cũng đã cảm nhận nỗi buồn khi đang đối diện với trạng thái cô đơn trong chiều hạ tím: “Người con gái có đôi mắt buồn/ Đi lang thang trong chiều mùa hạ/ Nỗi cô đơn lây sang cả đá”. Nguyên nhân của nỗi buồn cũng vô định, phải dựa vào giấc mơ để hiện hữu nỗi niềm: “Có phải nhiều đêm em đã khóc/ Cả trong mơ tiếng nấc cũng nghẹn ngào?/ Nước mắt sầu đọng vũng chiêm bao” (Nỗi buồn thiếu phụ). Quan hệ cá nhân và hoàn cảnh riêng không khỏi bị tác động bởi môi trường sống. Giấc mơ chính là không gian - thời gian để chủ thể tự an ủi lòng mình. 
Các nhà thơ nữ trẻ thế hệ 8X, 9X lại thể hiện cái tôi riêng theo cách của họ. Tình yêu trong tiềm thức của Lê Thị Kim chứa đựng cả niềm vui và nỗi buồn hòa quyện vào tâm hồn người phụ nữ để còn đây nỗi nhớ sương đêm vây phủ: “Làm sao anh biết được/ Đêm mưa bay gió phủ buốt đường phố/ Em lang thang/ Lang thang trong hành trình mộng tưởng của mình/ Cùng nỗi nhớ anh/.../ Ơi, mùa đông giá rét/ Như tiếng hú ngoài rừng xa buốt nhức/ Anh làm sao biết được/ Nỗi nhớ dẫn em qua đâu/ Nỗi nhớ đưa em về đâu/ Nỗi nhớ có tan như ngọn bấc đèn dầu”. Cuối cùng, còn đây nỗi nhớ sương đêm của một loài hoa tàn lạnh vẫn ấp ủ tin yêu một mùa xuân không tan vào cõi nhớ: 
Ơi anh, nỗi nhớ sương đêm của em 
Ơi anh, đóa hoa đầu tiên trong ngày
Dẫu có mất đi với âm u tàn lạnh 
Đóa hoa với nắng hồng, với gió heo may 
Đóa hoa ấp ủ - Em 
Cùng mùa xuân 
Xin đừng tan vào hư không… 
(Nỗi nhớ sương đêm) 
Chúng ta cũng bắt gặp nỗi đau thương và ngang trái như thế trong thơ của các nhà thơ nữ trẻ. Họ cũng trực tiếp bộc bạch nỗi mình, nỗi đời với những trắc ẩn riêng tư, cụ thể. 
Cái tôi trữ tình trong thơ Phan Thị Vàng Anh lại có một lối thể hiện riêng. Đau thương trong tình yêu hai giới có thể dễ dàng lý giải và cắt nghĩa. Còn xa lạ, độc ác và dửng dưng trong tình đồng loại mới là điều đáng sợ nhất ở cõi người nhân hậu này: “Khép mắt lại vẫn còn tiếng nói/ nhà tù khổ sai, tiếng nói rỉ rả trong đầu - cai ngục/ Suốt ngày dài” (Cơ thể tôi ngày chủ nhật). Sự dửng dưng lây sang cả đồ vật mà chức năng của nó là để thông tin, thông báo như chiếc điện thoại chẳng hạn: “cái điện thoại cả tối không một tiếng reng”. Nguyễn Ngọc Tư cũng nhận ra hiện tượng này: “Điện thoại câm/ Như nhân gian âm thầm cài chặt cửa/ Không phập phồng/ Không chớp nhói/ Không tiếng gọi/ Thẳm như vòi vọi” (Chờ điện thoại). Dửng dưng và lạnh lùng phải chăng là trạng thái của các quan hệ giữa con người và con người, giữa con người và thế giới đồ vật, khi con người có nguy cơ phụ thuộc vào đồ vật. Thơ nữ Việt Nam giai đoạn 1986-2016 phần nào đã nói hộ chúng ta về điều này. 
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng giá trị thẩm mỹ của thơ nữ thời hiện đại không ngừng vận động và kết tinh thành những phẩm chất mới, phù hợp với hằng số tâm lý - hiện thực mới. Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ nữ Việt Nam 1986-2016 cũng diễn ra theo quy luật đó nhưng với quan niệm nghệ thuật về con người riêng. Lịch sử, xã hội, văn hóa là cội nguồn của những khái quát nghệ thuật mang cảm thức giới biểu hiện ra thành những quan hệ gần gũi trong cuộc sống đời thường. 
Cùng với tình yêu là đề tài hôn nhân và hạnh phúc gia đình - những quan hệ gần gũi và thiêng liêng nhất của giới nữ. Hơn ai hết, các nhà thơ nữ đủ tư cách để nói về mình và giới mình một cách chân thật và xúc động như chính trạng thái và hoàn cảnh của mình. 
Yêu và bao dung, giúp đỡ nhau hoàn thiện là đức tính vốn có của hai trái tim không chia cắt. Nhưng như vậy, không có nghĩa là bỏ qua và xem thường nền tảng văn hóa, nhất là trong văn hóa ứng xử trước sự phản bội, ngoại tình của đàn ông. 
Trước sự đa tình, ngoại tình vượt ngưỡng: “Nơi nào anh cũng dễ say/ Nơi nào cũng sẵn vòng tay đợi chờ” của người đàn ông đã có vợ, Dư Thị Hoàn đã khái quát và cảnh cáo thay cho bao người phụ nữ khác về sự bất tín này ở người đàn ông: “Anh đến thăm em/ Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa/ Anh ngắm nhìn em/ Có thấy hình chị ấy ôm gối thở dài/ Anh ca tụng em/ Mà em ớn lạnh/ Như giọt nước mắt chị ấy tuôn chảy/ Anh ơi, anh mãi mãi là mặt trời/ Của người vợ đáng thương ấy/ Lẽ ra trên thế gian này/ Đừng nên có em” (Chị ấy). 
Trước sự bất tín của đàn ông, người phụ nữ cần lên tiếng nói, ít nhất là trong thi ca để định hướng giới nữ. Điên và say là một phản kháng: “Thì cứ say, cho xa đừng phải nhớ/ Thì cứ điên, cho đổ vỡ đừng phải buồn”. Và chỉ có thể là như thế mới cảnh báo và cảnh giác đàn ông: “Chỉ có thể là điên, điên chẳng thể một lần/ Điên để thế gian này không bắt chước/ Điên để trắng và đen không đảo ngược/ Để tình và hận mãi song đôi” (Vân dại). Thúy Kiều và Thúy Vân trót dại nên chịu oan khiên. Vậy tại sao phụ nữ ngày nay không phản tỉnh và phản kháng? Phản kháng sẽ trực tiếp nói lên sự thật, đồng thời là một thái độ dân chủ, tự tin của nữ giới để thông điệp ý nghĩ chân thành mà không hằn học của mình đối với nam giới: “Vâng một lần nếu anh làm hỏng/ Trừng phạt anh hoa tàn héo bất ngờ/ Những bông hồng đắm đuối nên thơ/ Nếu anh đã một lần lầm lỗi/ Những hoa kia chỉ còn lại gai hồng/ Ngôi vườn thơ mặc giá lạnh mùa đông/ Những thử thách của gió mùa tuổi tác/ Anh gìn giữ như bài ca khắc nghiệt/ Cả u buồn, cả phản trắc, thói quen” (Những bông hồng lãng mạn - Lê Thị Mây). Sự bất toàn của nam giới nhiều khi biến họ thành nạn nhân của chính mình. 
Tình yêu bắt đầu là cảm mến, rồi đến nhớ thương, đợi chờ trong xa cách. Khi có bất đồng thì giận hờn, trách móc, ghen tuông; khi hòa hợp thì ước mơ dâng hiến, sở hữu. Dù vậy, không phải bất kỳ mối tình nào cũng thuận buồm xuôi gió từ đầu đến cuối, mà thường người phụ nữ phải đón nhận đau khổ, cách xa. Vì vậy mà trong thơ nữ thời hiện đại, bên cạnh cái tôi trữ tình khát khao yêu thương và dâng hiến lại xuất hiện cái tôi trữ tình đau thương và ngang trái. Nhưng rồi cuối cùng, thiên tính nữ vĩnh hằng trong họ vẫn là khát khao một bến đỗ hạnh phúc với mái ấm gia đình hòa hợp, tương thân và tương ái. Vì vậy, hình tượng cái tôi trữ tình thể hiện đề tài tình yêu giới trong thơ nữ Việt Nam 1986-2016 luôn chân thật, cả niềm vui ngọt ngào lẫn trắc ẩn, trái ngang, đáng được đồng cảm và sẻ chia. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. Thụy Khuê (2006), “Vi Thùy Linh, nhục cảm sáng tạo”, xem 11/3/2019. 
2. Thụy Khuê (2018), Phê bình văn học thế kỷ XX, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội. 
3. Bích Thu (2015), Văn học Việt Nam hiện đại - Sáng tạo và Tiếp nhận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
9/7/2019
Hồ Tiểu Ngọc
Theo https:// jos.hueuni.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đ...