Bức
tranh quê
Mùa xuân, thời tiết như cô gái dậy thì đỏng đảnh, lúc he hé nụ
hồng như ánh mắt đong đưa, lúc sụt sùi nũng nịu như muốn giụi mái tóc thề vào
ngực người yêu, lúc nắng bừng ấm áp như đón nhận nụ hôn nồng thắm của chàng
trai đa tình, cuồng nhiệt. Cô ôm ghì tất cả, tận hưởng tất cả sự mê hồn của tạo
hoá ban cho. Đứng gần đấy, người nghệ sĩ bị “lây” chất men say, trái tim rạo rực
như cung đàn lỗi nhịp. Cố nén trong lòng, giữ một khoảng cách vừa đủ để bí mật
dõi theo đôi tình nhân trẻ du xuân.
Dòng sông xuân êm đềm như cô gái sau một đêm mơ mộng, giờ phẳng
lặng như chiếc gương thần cho cô thích làm duyên soi bóng. Một ngã ba sông, hai
ngã ba sông. Chỉ mấy cây số nơi trung tâm thị xã đã có năm sáu cây cầu soi đáy
nước lung linh. Cầu Ba Đa cũ cho người dân Phù Lão, Kim Bình chở rau xanh ra
vùng đô thị. Cầu Ba Đa mới cho xe chất lượng cao chở khách đi vãn cảnh mùa
xuân, thăm chùa Bà Đanh có hòn núi Ngọc như một chú tiểu đồng mới lớn, qua Khả
Phong vào chùa Hương thăm “Nam Sơn đệ nhất động”. Cầu Phù Vân suốt ngày nườm nượp
những sắc màu rực rỡ - rau xanh, quả chín, hoa tươi. Phù Vân, mảnh đất rau và
hoa nổi tiếng, giống như “Làng Ngọc Hà” của Phủ Lý, Hà Nam. Hoa ngoài đồng bãi,
hoa ở trong vườn và đài các cao sang hoa ngự trong nhà lưới. Đôi tình nhân dập
dìu như cánh bướm, cánh ong đi hút mật hoa thơm, lòng ngây ngất ngắm hoài không
chán mắt. Sương sớm long lanh đậu trên lá, trên hoa như những hạt ngọc châu.
Ông mặt trời hóm hỉnh thả những tia nắng mai như sợi tơ vàng óng, bằng sức hút
nam châm xuyên chuỗi hạt ngọc châu đánh cắp về trời.
Người nghệ sỹ ước mong, mảnh đất Phù Vân nhanh chóng quy hoạch
thành khu du lịch sinh thái ở ven đô, cho du khách thong dong sánh bước.
Văng vẳng đâu đây giọng hò của các cô pháo thủ Phù Vân, Lam Hạ
năm xưa, chắc tay súng ngày đêm bên trận địa đánh đuổi máy bay thù. Còn nhớ trận 1.10.1966, máy bay quần đảo suốt ngày, mười hai cán bộ, chiến sĩ, dân quân
đã hy sinh, trong đó có chín người con của Đình Tràng, có gia đình mất hai người
con gái thân yêu. Lưới lửa vẫn ken tầng cao tầng thấp, buộc máy bay thù thả bom
chệch mục tiêu. Cầu Phủ Lý vẫn hiên ngang cho đêm đêm tàu xe xuôi ngược. Yên
bình, Đình Tràng đã dựng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Giờ đây, cây cầu
Lê Công Thanh qua sông Châu sắp được khởi công. Khu du lịch tâm linh đang được
hình thành và chắc chắn sẽ có cây bồ kết giống như ở ngã ba Đồng Lộc. Những chiến
sĩ năm nào còn mãi với quê hương.
Từ Lam Hạ đi ngược trên đường một, qua Đồng Văn đến Yên Bắc -
đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Cải tạo cánh đồng chiêm, từ nhiều năm
nay Yên Bắc đã gieo trồng một năm ba vụ. Yên Bắc cũng là lá cờ đầu của tỉnh về
năng suất lúa, đã từ lâu đạt hơn mười tấn/ ha/ năm. Thật xứng đáng với bề dày
truyền thống. Đình Lũng Xuyên còn ghi dấu người con ưu tú Nguyễn Hữu Tiến đã hoạt
động, trưởng thành cùng chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Nam. Người trốn khỏi án tử
hình của thực dân Pháp ở Hà Nam nhưng “Anh Hai Bắc Kỳ đã ngã xuống trước họng
súng quân thù cùng với chị Minh Khai và nhiều đồng chí khác trên mảnh đất Nam Bộ
Thành Đồng”. Hình ảnh ông còn sống mãi với hình dáng lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay
trước gió.
Bè bạn gần xa có biết chăng? Trong lòng đất đồng chiêm Yên Bắc
ghi dấu tích người Việt cổ từng sinh sống cùng với nền văn minh lúa nước. Phải
chăng người xưa đã hẹn với người sau biết phát huy truyền thống? Vậy nên khi
Yên Bắc đón nhận danh hiệu anh hùng vào tháng 12/2000, sang tiết xuân âm áp năm
2001, nắng ngời lên đón nhận cổ nhân. Ngôi mộ thuyền ôm ấp người Việt cổ yên
nghỉ từ hơn 2.500 năm trước Công nguyên huyền bí. Thật linh thiêng và cũng lạ
lùng thay.
Từ Yên Bắc ra Mộc Nam thăm làng nghề Nha Xá. Tiếng thoi đưa
rộn rã vui tai. Gió cùng nắng hong khô những búp sợi muôn màu như đàn bướm rập
rờn. Những búp sợi riêng lẻ vừa đi qua dàn máy đã ra tấm lụa hoa mềm mại yêu kiều.
Pho tượng Trần Khánh Dư trong đình làng Nha Xá vẫn dõi theo sự phát triển của
nghề mà chính ông là người truyền dạy. Trút mũ áo quan, ông dạy dân dệt săm làm
vợt thay cho rổ rá vớt cá bột sông Hồng, đỡ vất vả lại nhanh, nhiều, chất lượng.
Từ những tấm săm thô mộc đến lụa hoa cao cấp là chặng đường lịch sử làng nghề,
cho hôm nay lụa Nha Xá đi từ sông Hồng đến sông Xen, sông Đa Nuýp xanh và nhiều
dòng sông khác khắp phương trời Đông Tây Âu Á. Tự hào thay mảnh đất Hà Nam.
Cũng vậy, ngôi đình đá An Mông thờ nữ tướng Nguyệt Nga, tướng
của Hai Bà Trưng, có công đánh đuổi giặc Đông Hán xâm lược, đầu Công nguyên,
người đã truyền nghề dâu tằm, canh cửi cho dân sở tại.
Dòng sông Hồng nơi đây còn chứa đựng những trang huyền thoại.
Đền Lảnh Giang có tiếng linh thiêng bởi hương hồn Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung vẫn
đi về nhớ lại thiên tình sử, công chúa thương chàng trai nghèo được trời đất xe
duyên. Xuôi xuống Lý Nhân, đền thờ nàng Mỵ Ê hay miếu thờ người thiếu phụ Nam
Xương vẫn luôn ngát hương thơm, minh chứng cho lòng người biết tôn thờ đạo vợ
chồng thuỷ chung son sắt. Vua Lý qua đây đã có đề thơ. Bao bọc đền thờ là bãi
ngô ngút ngàn quanh năm, hương sữa ngọt ngào kính dâng người thiên cổ.
Dời triền đê vào xóm làng Nhân Đạo, dâng nén tâm hương kính cẩn
nghiêng mình trước anh linh Hưng Đạo Đại Vương. Đền Trần Thương ghi dấu tích
kho lương của đời Trần luôn tích cốc cho muôn dân ăn no đánh thắng. Trần Hưng Đạo
dẫu cầm quân dẹp giặc nơi xa, khi ngã xuống cũng về với Trần Thương như một lời
nhắc nhủ. Trong dân gian luôn truyền miệng câu này: “Sống kiếp bạc, thác Trần
Thương, quê hương Bảo Lộc” dân cũng coi ngài như cha của muôn dân nên vẫn nhắc
nhau: “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Ngày giỗ Đức Thánh Trần 20-8, người
người đi hội Trần Thương có rước lễ tôn nghiêm, cũng giống như tháng ba đi hội
Phủ Giầy giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các ngài là một trong “Tứ bất tử” ở trong
lòng dân tộc. Lịch sử đã nhuốm màu huyền thoại.
Cũng ở Lý Nhân, đến Đại Hoàng ta gặp gỡ Nam Cao, nhà văn hiên
thực của một thời gần gũi. Ngôi nhà tưởng niệm ông lúc nào cũng sẵn sàng tiếp
khách. Hình như ông chưa hề đi vắng, ông vừa chạy đâu đây gọi Thị Nở, Chí Phèo
đem chuối Ngự vào mời khách gần xa. Chàng Chí đi vội trong vườn nên lá chuối vẫn
còn lay động. Thị Nở hồn nhiên vồn vã mời chào khoe cả hàm răng khểnh cười
tươi, chẳng ý tứ với những cô gái thời nay duyên dáng. Ngôi nhà Bá Kiến xưa còn
đó, thấp bé nhỏ nhoi nghễnh cổ nhìn những ngôi nhà cao tầng của ông bà nông dân
thời công nghiệp nông thôn, một ông chủ không phải trăm mẫu ruộng mà hàng trăm
máy dệt. Tiếng thoi đưa rộn rã cả một vùng. Những cô gái ngồi trong khung cửi đẹp
như nàng công chúa, chẳng phải đi hò hẹn dưới mưa xuân như trong thơ Nguyễn
Bính. Những sợi tơ tình vương trong nắng xuân cho trai gái nên đôi.
Hà Nam, điểm sơ bộ hơn 1280 di tích, trong đó hơn 100 di tích
đã được xếp hạng. Ví như Bình Lục có trống đồng Ngọc Lũ nằm trong văn hoá Đông
Sơn. Tiếng trống Bồ Đề năm 1930 của phong trào nông dân đứng lên làm cách mạng.
Thắng cảnh Chùa Tiên với văn hoá Liễu Đôi và hội vật mùa xuân, hay ngôi “mả dấu”
của ông nội Lê Hoàn đã được hổ con cúi mình tạ lỗi. Nhớ đến quê cha, Lê Hoàn
lên ngôi ở Hoa Lư, ông vua trung hiếu vẫn về với Hà Nam đi tịch điền khuyến
khích dân cày cấy. Những điểm du lịch, những di tích đó đây như nét chấm phá
trên cả bức tranh quê mà nền chính là màu xanh tươi mát.
Xưa, đồng chiêm trũng Hà Nam chiêm khê mùa thối, cấy cày hai
bát úp một vẫn còn vơi. Sóng lõng bõng trong câu thơ Nguyễn Khuyến vỗ vào chân
vách, đất vách nhão trôi đi, để lại những sợi rơm lũa tũa.
Hà Nam hôm nay, đồng chiêm trũng chỉ còn trong ký ức.
Nơi ngập úng đã chuyển thành vùng sản xuất đa canh: lúa - cá - vịt và trên bờ
trồng cây ăn trái, vừa mát ao vừa thu nhập quanh năm. Năng suất lúa của Hà Nam
lâu nay đã đạt hơn 10 tấn một ha/ năm. Sản lượng lương thực xấp xỉ 450 ngàn tấn,
đủ đảm bảo lương thực cho toàn tỉnh. Cùng với lúa là ngô khoai rau đậu bốn mùa
và hoa tươi rực rỡ. Tổng giá trị nông lâm thuỷ sản năm 2007 ước đạt 1.695 tỉ đồng,
vượt 2,55%. Bên cạnh trồng trọt là chăn nuôi phát triển. Với hơn 425 ngàn con lợn,
không kể những bầy lợn sữa của 68 ngàn con lợn nái. Hơn 48.500 con bò, trong đó
có 369 con bò sữa. Gần 4 triệu con gia cầm các loại. Có thể nói đàn thủy cầm
phát triển đã không khống chế nạn cháy rày trên đồng ruộng Hà Nam. Năm 2007, Hà
Nam đã xuất chuồng hơn 42 nghìn tấn thịt hơi, góp phần nâng cao đời sống của
toàn dân trong tỉnh. Mức sống của người dân hôm nay hơn hẳn mức sống của những
đại phú gia thuở Bá Kiến, Nam Cao. Hạnh phúc này chính là nhờ đổi mới!.
Hà Nam - dãy núi trập trùng ở phía Tây sông Đáy, nơi đang có
hàng chục nhà máy xi măng hoạt động, đứng đầu là nhà máy xi măng Bút Sơn, đơn vị
nộp ngân sách xấp xỉ 70 tỉ đồng/ năm. Thế mạnh của Hà Nam là vật liệu xây dựng.
Cùng với xi măng là những lò vôi là bột nhẹ đi vào công nghiệp. Và đá, đá to,
đá bé, đá mẹ, đá con. Đá xây cầu cống, đá rải đường từ quốc lộ thênh thang đến
ngõ xóm, bờ mương, đường ra đồng cũng không còn lầy lội. Từ vài chục năm nay,
Hà Nam đã là lá cờ đầu về giao thông nông thôn trong cả nước. Trong rừng xanh
còn ẩn chứa kho tàng đặc sản thị dê và vườn cây ăn trái- dứa thơm, na ngọt, vải,
hồng theo mùa vụ. Dê rừng hấp dẫn quanh năm. Dê diễn trò ảo thuật bước nhẹ trên
mỏm núi. Dê len lách đuổi nhau giữa các lùm cây, tiếng cười hê hê khoe hàm răng
trắng nhởn. Dê dâng hiến hết mình cho thực khách sành ăn. Đĩa tái dê với vừng
thơm, gừng cay, tương ngọt. Món lẩu dê nghi ngút bốc khói thơm quyến rũ. Bình
rượu dê cho ai đó thích cường gân cốt, chén bát song hành ly cụng lanh canh thả
tâm hồn phiêu diêu vào cõi ảo.
Núi! Vừa khai thác vừa giữ gìn lấy núi. núi chở che, tựa đỡ
cho ta kể từ thuở khai thiên lập địa đến muôn đời con cháu. Hà Nam có hình sông
thế núi. Dải núi giống như cái ghế sa lông cho ta ngồi thư giãn. Mỗi sớm mai
nhìn ngắm mặt trời lên, ánh bình minh thoa phấn hồng đôi má. Trẻ em tung tăng cắp
sách đến trường, công nhân vào nhà máy, cô thôn nữ ra đồng cấy lúa, hái hoa.
Trở về tâm điểm, nhà máy bia, nước giải khát đứng trong lòng
thành phố, hương vị bia Sài Gòn được sản xuất trong dây truyền giữa Phủ Lý quê
ta. Thành phố trẻ anh hùng ngồn ngộn những khu nhà máy mới. Hà Nam đang từng bước
chuyển mình, hòa nhập với tiến trình công nghiệp hóa trong cả nước. Rồi đây, nền
kinh tế của Hà Nam sẽ là nông công nghiệp vững bền. Người Hà Nam cần mẫn,
thông minh đang vươn tới những tầm cao mới.
Buổi chiều ông mặt trời gác núi còn ban tặng cho ta những dải
quạt màu mỡ gà vàng óng. Những con trai có cái lưỡi muôn hồng ngàn tía. Hoàng
hôn tím, sương buông. Từng đàn bò đủng đỉnh đi về nhuộm vàng ngõ xóm. Đàn cò trắng
chao nghiêng tìm về lũy tre xanh suýt bị lạc bởi bên dưới cánh cò là san sát những
khu nhà máy mới. Tất cả các huyện, thị của Hà Nam đâu đâu cũng có khu công nghiệp.
Hàng trăm nhà máy, xí nghiệp đã đi vào hoạt động. Hàng nghìn lao động nông nghiệp
đã trở thành công nhân thành thạo tay nghề. Chỉ tính riêng địa bàn Phủ Lý, khu
công nghiệp đang phát triển từng ngày. Đây là khu nam Châu Giang, nam đường Trần
Hưng Đạo, kia là khu công nghiệp Thanh Châu. Bên tây sông Đáy là khu công nghiệp
Châu Sơn với doanh nghiệp Trí Hường nổi tiếng doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của
Hà Nam và mấy chục nhà máy, xí nghiệp mới. Khu công nghiệp đang mở rộng hàng
trăm ha xuống đến Thanh Tuyền. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đến đầu
tư xây dựng.
Nhìn đất trời toàn cảnh của quê mình mà tôi thấy xốn xang, muốn
dang rộng vòng tay ôm trọn bức tranh quê yêu dấu.
8/6/2009
Nguồn: tạp chí Sông Châu
Theo http://www.duytien.gov.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét