Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Một mùa hè vắng bóng chim 3

Một mùa hè vắng bóng chim 3
Birdless Summer
Chương 13:
Tháng chín năm 1944, tôi vô trường Y Khoa ở đường Hunter, và bắt đầu lần thứ nhì đời sống sinh viên của tôi, mà vẫn không bỏ hẳn đời sống vợ một tùy viên quân sự, vì Pao vẫn còn đó.
Như vậy trong một thời gian, tôi là hai con người khác hẳn, nhưng do một sự ngẫu nhiên, hai đời sống nó làm trở ngại lẫn nhau. Người ta thấy tôi bận áo mưa đi ở đường Poond cùng với một bạn nữ sinh viên, và đáp lại lời chào ngạc nhiên của một quả phụ khả ái bạn của Pao. Tôi dắt một bạn sinh viên đi uống trà ở khách sạn Dorchester với một người trong giới ngoại giao. Nhiều người thấy vậy mà chưng hửng. Còn tôi, tôi không buồn quan tâm tới những cái đó nữa… tôi đã bỏ lại phía sau tôi mọi oán hận. Tôi không có trả thù Pao hay các bạn dễ thương của anh, những người đã làm cho tôi thêm khổ sở. Các bà quả phụ, các vị “danh giá” X và Y, những người có nhiều thiện ý và giữ đúng lễ nghi một cách nghiêm khắc đó, có vẻ như hạ cố đối với tôi. Họ thương hại cho Pao, gặp tôi thì lạnh lùng gật đầu chào, như vậy để tỏ rằng họ chê tôi, nhưng tôi không còn đau lòng vì vậy nữa.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trở về đời sống sinh viên là nỗi sợ sệt khi vô chỗ người ta gọi là Quad[133], một cái sân lớn chung quanh là một nhà tu kín, kiến trúc cổ điển hình cung nhọn, và đứng ở giữa một đám thiếu nữ chen chúc nhau, ồn ào, người nào cũng lớn tiếng, giọng chói tai, dùng một thứ tiếng mà tôi không hiểu, thứ tiếng lóng của sinh viên Anh.
Trong nửa giờ đầu hoảng hốt đó, một người lại hỏi tôi: “Này, chị muốn dùng chung tủ[134] với tôi không?” Tên người đó là Cherry Heath, sau thành bạn thân của tôi… Tôi ngoan ngoan theo chị ấy vô phòng để tủ. Hai thiếu nữ nữa cũng vô, giới thiệu nhau xong, chúng tôi lại phòng ăn đứng nối đuôi lấy phần xúp, thịt hầm (ragout) và bánh ngọt làm bằng đường tinh (saccharine).
Chị Cherry là một người bạn quí vô cùng: trung tín, giỏi giang, có tài xoay xở, cương quyết, biết rõ cách thức của đời sống sinh viên…
Ấn tượng thứ nhì của tôi là cái mùi trong phòng mổ, sau này chẳng những tôi thấy quen mà nỏ con thấm vào tất cả các quấn áo đồ dùng của tôi nữa. Ấn tượng thứ ba là trái khí cầu để che chở thành phổ, màu xám bạc, chằng chịt trên cả triệu ống khói, trải ra trên đầu chúng tôi, vừa che chở mà lại vừa gợi cho chúng tôi một niềm gở trong khi chúng tôi mổ các tử thỉ trong phòng thí nghiệm.
Cherry và các bạn của chị thấy tôi kì cục (kì cục một cách dễ thương… họ nói vậy), ngây thơ tức cười lắm, nhưng mãi đến hôm tôi dắt họ lại ăn bánh uống trà ở tiệm Gunthers[135], họ mới tin rằng tôi là vợ một nhà ngoại giao… Họ tin chắc rằng “không thể nào tôi đi tại nơi tôi chốn được”, nghĩa là thi sẽ rớt thôi, Cherry cũng nghĩ rằng đóng tiền để ghi tên thi vô dưỡng đường, chỉ là “liệng tiền qua cửa thôi”.
Lần lần và chẳng ngần ngại chút gì cả, tôi mượn các tập “ghi chép” của các bạn học tôi “chốp” kiến thức họ, luôn luôn lựa con đường tắt, siêng năng nhưng bề ngoài thì ngớ ngẩn… Cherry và các bạn của chị đều tử tế cả, chỉ bảo tôi cho, bài giảng nào tôi không dự được thì tóm tắt những điểm chính cho tôi. Nhờ vậy, tôi kéo lại được thời gian đã mắt, mà theo kịp được các bạn rất mau.
Cũng như họ, tôi hóa ra hơi lười tắm giặt, hơi coi thường các vết dơ trên quần áo; trái lại, bây giờ tôi mới được sống đổi sống ở Anh trong chiến tranh; đấy mới thực là nước Anh, với dân tộc Anh. Tôi san sẻ những nỗi khó khăn cực khổ thiếu tiện nghi, thiếu nước nóng, thiếu xà bông của dân chúng, tôi dùng mẹo để xoay xở, đứng nối đuôi trước phòng ăn, tôi chịu cảnh lạnh lẽo, mưa gió, đi bộ mệt nhọc, ăn uống thiếu thốn, thèm thuốc lá, vậy mà tôi thích từng phút một của thời gian khác khổ đó!
Bây giờ bom V1 và V2 bay trên nền trời Londres và rớt xuống thanh phố, nhưng chẳng ai sợ. Chúng tôi tiếp tục làm việc, mặc dù các chậu vĩ đại ngâm cốc, li ở trong phòng “la bô”[136] ở tầng trên dùng khá nguy hiểm đấy. Tôi mang theo một ve đầu thơm Chanel số 5 do một ông bạn của Pao, đại tá, đeo hai hàng mề đai ở ngực; (đem từ lục địa Châu Âu quá) cả vào phòng mổ, và trong các buổi tiếp tân ở khách sạn Claridge, tôi làm cho cả phòng sặc mùi Formol.
Rome đã thất thủ hồi tháng sáu 1944, quân Đồng Minh lần tấn tấn công lên phía Bắc bán đảo Ý, đánh những trận nhỏ trong hai chục tháng, rồi hăng hái hơn lên, khi có cuộc đổ bộ lên Normandie, ngày mùng sáu tháng sáu. Paris được giải phóng ngày 25 tháng tám; các phim “thời sự” chiếu cảnh dân chúng ôm hoa chen chúc nhau đi đón các vị anh hùng khải hoàn ngồi trên chiến xa; ít lâu sau chúng tôi cũng thấy, trong phần tin tức, hình những “phụ nữ Pháp” bị gọt đầu vì đã “hợp tác với Đức”, nhưng người ta không chiếu những hình xấu xa hơn về cách người Pháp trả thù bọn hợp tác với Đức, chúng tôi chỉ được nghe nói thôi.
Lúc đó Montgomery – mà chị Cherry và nhiều người Anh khác rất quí mến – được thăng chức Thống chế, sau khi thắng Rommel ở Bắc Phi, ông chỉ huy Đạo quân thứ nhất của Gia Nã Đại và Đạo quân thứ nhì của Anh, vượt dãy núi Ardennes (ở Pháp), trong bốn ngày tiến được 300 cây số, và Bruxelles được giải thoát ngày mùng ba tháng tám, Anvers ngày mùng bốn tháng chín.
Từ mặt trận Nga, tin tức thắng trận cung dồn dập đưa về trên màn ảnh, từng đoàn tù binh Đức diễn thành hàng trong đường phố Moscou; Von Paulus với bộ mặt bị chứng giật gân, tù binh Đức bị bắt trong sa mạc, rồi những người nối thành hàng dài bất tuyệt, vừa đi vừa hát bài Lili Marlène. Càng sắp tới lúc chiến thắng hoàn toàn thì Pao càng rầu rỉ. Bây giờ thì Đức sẽ đại bại, không còn nghi ngờ gì nữa. Pao phải trở về Trung Hoa vì “từ nay chúng ta phải chiến đấu với bọn Đỏ”. Cuộc nội chiến mà Tưởng đã chuẩn bị từ lâu sắp phát. Đầu năm 1945 ai cũng thấy rằng người Mĩ sẽ tiếp tục xen vào việc nội bộ Trung Hoa.
Tôi phải dậy sớm để tới lớp học đúng giờ, từ Barney Cottage ở Winkfield, lại đường Hunter ở Londres, đi mất trên hai giờ. Tôi mua một chiếc xe máy dầu để đi ra ga, cách nhà tôi bảy tám cây số, từ đó có chuyên xe lửa đi suốt lại Saint Pancras. Từ Saint Pancras tôi đi bộ lại đường Hunter, buổi tối có khi tôi khó về nhà được.
Sau tháng chạp 1944, Pao bán chiến xe hơi đi. Giờ làm việc của anh thất thường, anh đi dự (một mình) nhiều buối tiếp tân. Vừa mới ở giảng đường hoặc ở phòng thí nghiệm đường Hunter ra về, phải tắm rửa, thay y phục để dự các buổi tiệc ở nhà các vị ngoại giao. Việc đó đối với tôi mỗi ngày một thêm khó. Những tối thứ bảy tôi lại sống cuộc đời tiệc tùng, hội họp đó trong những câu lạc bộ sang trọng dành riêng cho một số người, còn chủ nhật thì gần suốt ngày và một phần ban đêm, tôi lo học, lo “nhồi” cho kì thi tới
Không phải chỉ có tôi là có chồng, còn một chị nữa cũng học một năm với tôi, chị Sanchia, có tới ba con, chị đầy sinh lực, tóc dài, hung hung, học rất siêng năng, kiên nhẫn, nhưng kì thi nào cũng rớt đều đều. Chị cương quyết tiếp tục học hàng năm, năm này qua năm khác nếu cần, và rốt cuộc chị thành một y sĩ rất giỏi. Tôi thấy rằng ở trường Y khoa, đa số các sinh viên chưa có gia đình cho bạn có gia đình là hạng “phá đám”. Một số giảng sư và giáo sư chắc cũng nghĩ như vậy, nhưng không bao giờ nói ra, và tỏ ra rất nhã nhặn với hết thảy chúng tôi. Chị Sanchia bồng em bé theo lại giảng đường, cho nó bú sau một thứ bình phong chị chế tạo ra, và đã tả dài dòng những cái vui trong đời sống hôn nhân cho cái phe ngưỡng mộ chị nghe. Tôi làm thinh về vấn đề hôn nhân vì lúc đó gần như li thân rồi, không những sự thèm khát nhục dục mà ngay đến cái ý niệm về tính dục cũng gần hoàn toàn bị diệt trong lòng tôi rồi, tình trạng lạnh như đá đó kéo dài bốn năm. Tôi, trước kia lành mạnh như một người, mà lúc đó hễ nghĩ tới nhục dục là muốn buồn nôn và trong những cuộc ái ân mà tôi bắt buộc phải chịu, tôi thấy cực kì đau đớn, gần như chịu không nổi. Nhưng Pao sắp đi rồi, đi tới nơi rồi, và tôi kiên nhẫn rán chịu chỉ vài tháng, vài tuần nữa thôi… cho nên tôi không từ chối anh, một phần vì bây giờ đã thắng cuộc, tôi đâm ra thương hại anh, một phần nữa vì không muốn cho anh có cơ hội rầy la, quát tháo tôi. Nhưng mùi thuốc sát trùng tôi đem ở phòng giải phẫu về cũng như cảnh sọ và xương tôi vất bừa trên bàn trong phòng ăn, thường làm cho Pao cụt hứng… lại thêm ở dưới giường ngủ của chúng tôi có một bộ óc ngâm formol trong một cái soong nữa; ấy là chưa kể hai bàn tay của tôi nhuộm đủ màu bởi các thí nghiệm hóa học.
Bốn năm mùa hè của đời tôi đó, từ hai mươi tám đến ba mươi hai tuổi, tôi chỉ ghi lại như một nhận xét lâm sàng. Đó là thời chịu cực, chịu khổ; nó giúp tôi hiểu nhiều phụ nữ khác hơn khi tôi thành y sĩ. Tôi không tưởng tượng, không mơ mộng ái ân gì cả. Cái ý niệm ái tình thể chất không phát hiện ra nữa, đã bị vùi sâu tới nỗi biến mất và bốn năm sau mới hồi phục lại.
Một hôm, một người bạn của tôi, chị M. và tôi so sánh những nhận xét của chúng tôi về điểm đó; chúng tôi sống cách biệt nhau nên có thể nói về đời sống của nhau được. Sự tàn nhẫn của người chồng đầu tiên của chỉ đã có một tác động ngược hẳn: chị hóa ra một thứ đàn bà say đắm xác thịt. Chị thú: “Tôỉ không nhớ đã ngủ với bao nhiêu người đàn ông nữa, chắc tới mấy trăm người, như vậy trong ba năm”. Rồi bỗng nhiên chị thấy mất cái nhu cầu khẩn thiết đó, không còn muốn tự chứng tỏ với mình rằng mình có duyên dáng, đàn ông thích mình nữa. Rồi chị cưới người chồng sau, thành người vợ hoàn toàn trinh thục.
Mặc dầu chị Cherry tiên đoán một cách bi thảm rằng thế nào tôi cũng thất bại, và chỉ bốn tháng sau, tôi đã truyền thụ những bí mật của môn sinh vật – hóa học ít nhất là cho một nữ sinh viên khác, vì cách tốt nhất để học một môn là dạy nó. Tôi tự nghĩ ra đầu đề những bài tập, bài toán để tôi làm, tôi tự đặt ra câu hỏi về giải phẫu học, sinh lý học rồi tôi lớn tiếng tự trả lời cho tôi. Tới một lúc tôi hốt hoảng thấy rằng tôi không thể học ôn môn giải phẫu cho kịp được, vì còn phải học nhiều quá. Tôi bèn quyết định bỏ một chương, chương về cẳng chân.
Mùa đông tới, tôi không lúc nào bỏ chiếc áo mưa vì tôi lạnh, mệt mỏi hoài nên lạnh, và vì không đi vớ dài, uống một chén trà nóng bỏng, pha sữa và đường, tôi thấy khỏe khoắn, khi đói hoặc mệt quá, tôi uống từng ít một. Tôi vô các quán ăn rẻ tiền, kêu món cá và món khoai tây rán, vì bụng đói, trời lại lạnh, mà trở về tới tận Barney Cottage thì thế nào cũng xây xẩm mặt mày.
Vào hồi nghỉ lễ Noël, một phái đoàn quân sự Trung Hoa nữa mới qua và tôi phải nấu nướng đãi họ, đi dự các cuộc tiếp tân với họ. Cũng may tôi nấu ăn dở quá, các ông ấy vội vàng rời Barney Cottage để đi ăn trong một tiệm cao lâu Trung Hoa có tiếng ở Londres.
Như vậy qua được mùa đông lạnh lẽo 1944-1945. Giá đóng trên những thân cây đen trơ trọi va lấp lánh như kim cương, đường trơn và nguy hiểm. Tôi lái xe máy dầu đi học, Gillie làm bếp, giữ nhà (vợ chủ làm vườn lại làm giúp những công việc nặng nhọc) và buổi tối về tôi thấy trong lò còn vài món ăn.
Bộ óc người mà tôi ngâm trong cái soong lớn đặt dưới gầm giường để học làm cho Yungmei tò mò muốn biết. Bây giờ nó đã bốn tuổi, khỏe mạnh. Nó rất thích dắt các bạn nó vô phòng, giở cái nắp soong, nhìn vào trong bảo: “Cái đó là óc của má đây, má cất ở dưới giường”. Những bà hàng xóm đàng hoàng nhất đều có ý ngầm chê phẩm hạnh của tôi, rồi chẳng bao lâu họ lên tiếng trách móc. Một bà dễ thương nọ mời tôi lại nhà uống trà và thuyết giáo cho tôi nghe về bổn phận làm vợ, làm mẹ, bảo tôi phải lo săn sóc con tôi chứ đừng bận thứ quần sinh viên mà “lê la” khắp nơi nữa. Tôi nhìn bà ta mà có vẻ buồn ngủ, vì mệt quá, không thể giảng giải được, nguy nhất là tôi suýt bật cười như điên, may mà nhịn được. Nhìn vẻ long trọng khi các bà ấy diễn thuyết, tôi thấy có cái gì rất nực cười… Các bà ấy không biết rằng tương lai của Pao bấp bênh tới mức nào…
Mà chính Pao cũng không biết: ảnh không thể tin rằng Tưởng Giới Thạch sẽ đổ. Nhưng tôi thì tôi cảm thấy trong xương tủy rằng thế nào cũng có một cuộc cách mạng. Tôi cảm thấy sự thay đổi lớn lao tương đối gần, tới gần… Một ngày kia, Pao sẽ không thành công như vậy nữa đâu; cái tham vọng hẹp hòi, khô khan của anh không có tương lai đâu… Tôi đã bảo anh, nhưng anh không nghe tôi. Một ngày kia, tôi phải nuôi Yungmei; tôi không muốn nó bị đem bán một lần nữa. Tôi chỉ trông cậy ở sức tôi thôi để tự nuôi tôi và nuôi nó.
Tôi hoàn toàn không tin gì ở Pao nữa, cho nên tôi nhất định không xin tiền anh. Tôi gặp nhiều bà Anh thuộc phe cổ và nghiêm, một hôm tôi cho một bà đó hay rằng vật giá ở Trung Hoa, lấy chỉ số là 100 cho năm 1937, thì tám năm sau, đã tăng lên 125.000, nhưng bà ta có vẻ không hiểu.
Hồi đó và ngay bây giờ nữa, hạng người mệnh danh là trí thức Anh mắc cái bệnh thiếu hiểu biết thông thường đó, cái bệnh không chịu nhìn biến cố nó bắt đầu xuất hiện, dự liệu trước nó: họ mắc có lẽ còn nặng hơn ở một xứ khác nữa… Có lẽ tại họ tin rằng cứ xoay xở, vụng hay giỏi gì rồi, thì cũng thành công? Cho nên không lấy làm lạ rằng những chương trình truyền hình và phát thanh của họ về các thời sự, biến cố chính trị “mới xảy ra” thường bị những lời bàn cổ lỗ làm cho mất hay.
Tới tháng hai 1945 đã mãn thời hạn ba năm tùy viên quân sự của Pao. Anh chuẩn bị để trở về Trung Hoa: phải đóng nhiều thùng đồ đạc, phải mời mọc những ai, đi thăm những ai… Sự bất đồng ý kiến giữa chúng tôi càng hiện rõ. Anh bảo sẽ phải dấn thân vào cuộc nội chiến nó sắp xảy ra. “Bởi vì bây giờ chúng ta phải chiến đấu với Cộng sản”, mà anh chưa bao giờ cầm quân ra trận, phải tập lại cho kịp người. Tôi bảo: “Anh chưa bao giờ chiến đấu với Nhật mà bây giờ lại muốn đánh nhau với người Trung Hoa, cái đó không nên. Em tin chắc rằng Cộng sản sẽ thắng. Rồi anh coi, sắp có một cuộc cách mạng ở Trung Hoa”. Năm trước mà tôi nói như vậy thì thế nào anh cũng nổi cơn lôi đình, đánh đấm tôi túi bụi, nhưng bây giờ anh cảm thấy anh thua rồi, tuyệt vọng rồi, thỉnh thoảng anh dò xét tôi trong khi tôi học. Và một hôm anh bảo tôi: “Trước kia anh không biết rõ em. Bây giờ anh mới thấy em ương ngạnh tới mức nào… khi em đã thực tâm muốn cái gì thì em làm việc chăm chỉ thật!”. Trong thâm tâm anh hiểu rằng suốt mấy năm đó, anh không coi tôi là một con người, chỉ coi là một đồ vật thuộc quyền sở hữu của anh, và càng ngày anh càng thấy rõ rằng tôi thắng, thành thử mấy tuần cuối cùng trước khi anh đi, giữa chúng tôi, tình nghĩa mong manh như thủy tinh.
Tôi ích kỷ, không muốn rằng Pao nản chí, chịu thua, mà ở lại Anh ăn bám tôi: anh ở không, quanh quẩn ở bên tôi giúp được gì cho tôi? Hai năm trước thì tôi không cương quyết tống khứ anh đi như vậy; tôi đã rán khuyên anh bỏ nghề đó đi, mà học một ngành khác, bây giờ tôi sợ anh thành một gánh nặng cho tôi, vì tôi biết rằng không khi nào anh chịu học, không khi nào chịu nghiêm trang làm một việc gì cả. Óc anh không như vậy được. Anh không thể nghĩ tới cái việc hiểu biết thêm, tới cái vui phụng sự, cái vui sáng tạo, làm một việc gì vì thích làm nó. Đối với anh, lời giảng nào hợp với mục đích anh muốn đạt là lời đó đúng, đáng gọi là chân lí. Kiến thức nào cũng phải được người khác nhìn nhận, thành công là leo lên tới tột định quyền hành trong chế độ quân phiệt của Tưởng Giới Thạch, mà phụng sự là nhắm mắt vâng lời một vị Thủ lĩnh
Bàn bạc, thảo luận, suy tư, kiên nhẫn làm việc trong bóng tối, không được nhiều người ưa… tất cả những cái đó đối với Pao không có ý nghĩa gì cả. Ngay cả những lần lâu lâu anh ước ao có một cái trại để về vườn sống đời sống “nông dân”, thì đời sống “nông dân’ anh gợi ra đó cũng vẫn là đời sống một địa chủ sống giữa ruộng đất của cha mẹ để lại.
Pao không thể tin rằng mục tiêu của tôi khi học Y khoa là để thỏa lòng khát khao hiểu biết và hành động, anh không thể hiểu rằng tôi không mong thành một vị Giám đốc bệnh viện hoặc một vị Tổng trưởng y tế… Và bây giờ tôi muốn anh giữ lấy riêng cho anh những mộng đã tan tành và cả trái tim tan nát của anh nữa, nếu thực sự nhận thấy rằng những cái đó đã tan nát. Và mặc dầu tôi tin rằng anh còn có thể lựa một cuộc đời khác, không phụng sự Tưởng Giới Thạch nữa, tôi cũng muốn rằng anh sống cuộc đời đó một mình anh. Tôi không muốn giúp đỡ anh nữa. Có lúc tôi thương hại anh hơn bao giờ hết đấy, nhưng tôi tự chống lại sự mềm lòng đó, để khỏi trở ngại cho sự học của tôi.
Vậy Pao đi chụp hình, may thêm vài bộ quần áo và vài bộ quân phục để đem theo, lại nhờ một họa sĩ chuyên vẽ các trận mạc, vẽ cho một bức chân dung nữa; các tuỳ viện quan sư khác, thết tiệc đãi anh, tặng anh một cái đĩa bằng bạc khắc những chữ đầu tên của họ. Anh giao đĩa cho tôi giữ và hiện nay nó vẫn còn đó.
Vài ngươi mời chúng tôi: ông bà Cripps, Kingsley và Dorothy Martin… Những người khác không dễ thương lắm: nhưng chỉ riêng đối với tôi họ mới nói cái vẻ nhã nhặn, cay chua và cái giọng cộc cằn thôi. Lại có người mời Pao dự những bữa tiệc tiễn đưa đầy nước mắt. Bận quần và khoác áo mưa, tôi hấp tấp chạy khắp Londres, lần lần có dáng dấp của hạng sinh viên nghèo – mà quả thực hồi đó tôi đã thành một sinh viên nghèo – Dáng dấp đó giống với cái tôi “thực sự” hơn là cái “tôi” vợ một tùy viên quân sự rất bảnh bao; hiển nhiên là tôi có cái gì đó không bình thường nữa, khác hẳn với Pao lúc nào cũng rất mực lịch sự trong bộ quân phục.
Pao thỉnh thoảng nói bóng tới tình yêu thắm thiết của anh đối với tôi mà bị tôi hiểu lầm… và bi đát nhất là khi nói vậy, anh hoan toàn thành thực. Vì quả thực anh yêu tôi, bây giờ đây tự biết lả thua cuộc, anh biết nói gì khác nữa. Nhưng anh chỉ có thể nói với cái đầu tôi cúi trên trang sách, nói với một cái “tôi không còn ở bên cạnh anh, thuộc quyền anh nữa, cái “tôi” đó đã trốn khỏi rồi, nấp trong các bộ xương và các cuốn sách rồi, một cái tôi” mà mắt lờ đờ nhìn qua anh chứ không thấy anh, tai cũng không nghe thấy anh. Anh dắt tôi đi ăn ở những cao lâu sang trọng, tôi ăn mà nghĩ đâu đâu, không biết mình ăn gì, không quan tâm tới. Tôi thường một mình lại những quán ăn tồi tàn, trả một shilling mười một penny rưỡi[137] rồi nuốt một đĩa canh đuôi bò (sự thật là đuôi ngựa), ăn món đậu với bánh phết bơ nước, mà thấy ngon lành, vui vẻ lắm.
Trong một bữa tiệc của nhà ngoại giao ở Dorchester, tôi nói chuyện về các con ếch rút óc ra để thí nghiệm: bàn tay dính các chất hóa học, thật không hợp với các “câu lạc bộ” sang trọng ở ngoại ô Londres này, mà thức ăn và rượu không bị hạn chế, khách hàng chỉ gồm những người Mĩ và các nhà ngoại giao. Trong các buổi tiệc vui vẻ đó, tôi thường ngủ gục. Chính bà Isobel cũng rất ngạc nhiên khi tôi tới ăn ở Café Royal, mà bận chiếc áo mưa, nồng nặc mùi xác người ngâm formol, sách cặp ở nách, giày đế thấp bê bết bùn mà không đi vớ. Tôi cứ tự nhiên, chẳng buồn xin lỗi. Tôi đã thề không bao giờ bận cái áo măng tô bằng da lông nữa vì tôi muốn Pao đi rồi, tôi sẽ đem bán nó.
Pao bắt đầu nghĩ tới cuộc hành trình về Trung Hoa. Anh có thể lựa chọn về bằng đường qua Mĩ hoặc bằng đường qua Nga và anh quyết định lựa con đường trên. Ở tòa Đại sứ Trung Hoa, vài nhân viên hành chánh trong Bộ Tham mưu đã tính qua Mĩ ở nếu “tình thế hỏng bét”. Có lẽ chỉ người Mỹ mới cho rằng Cách mạng Trung Hoa xảy ra một cách thật bất ngờ, như một tiếng sấm giữa mùa xuân, vì họ không để ý tới thực trạng tình thế Trung Hoa mà chỉ mãi đeo đuổi ý muốn của họ là làm cho Trung Hoa thành một lãnh thổ, một thị trường lớn nhất của họ. Còn đa số các nhà ngoại giao Trung Hoa ở Londres thì đã cảm thấy đất rung chuyển dưới chân họ rồi.
Một buổi sáng sớm tháng ba, trời mưa, gió lạnh lẽo, hồi sáu giờ rưỡi, Pao lại ga Euston đi xe lửa tới một hải cảng để xuống tàu qua Mĩ: tên hải cảng – chiếc tàu và ngày nhổ neo đều được giữ kín. Mấy ngày cuối cùng chúng tôi lại ở trong một khách sạn tại Londres mà phòng ăn bi thảm như một nhà mồ, còn bồi thì là những ông già run rẩy (họ quá tuổi nhập ngũ rồi) dọn cho chúng tôi những khúc xúc xích nhồi đầy ruột bánh mì, có thể là mạt cưa nữa, không có trứng, cũng không có bánh phết bơ. Tôi nhớ đã phản kháng và người ta đã đáp tôi: “Còn đương chiến tranh, bà không nhớ sao?”. Những lúc đó một số con buôn thích bắt khách hàng chịu những cảnh ngược đãi tệ nhất, thói quen đó tôi vẫn còn thấy ở Anh lâu lắm sau khi chiến tranh chấm dứt.
Pao và tôi không có gì nói với nhau cả. Ảnh đi, tôi ở lại, không ai có dự tính gì cả, không quyết định, không bàn về tương lai, vì cả hai đều sợ làm tan mất sự hoà hợp tạm thời trước khi chia tay nhau. Pao bảo anh về nước xem tình thế ra sao rồi sẽ viết thư bảo tôi về. Tôi đáp rằng muốn học xong, càng sớm càng tốt. Lời nói của chúng tôi có thể là thành thực, có thể là giả dối: việc sẽ xảy ra không tuỳ quyết định của chúng tôi. Bỗng Pao bảo tôi: “Biết đâu chừng chẳng có ngày anh bắt buộc phải lãnh một chân giáo sư Đại học”, như vậy là anh tính được một tương lai không còn quyền hành trong tay nữa. Tôi không cải lại anh rằng anh không thể dạy bất kì một môn gì được. Anh kêu điện thoại nói chuyện với Yungmei ở Barney Cottage, và anh khóc khi nghe nó vui vẻ chúc anh: “Ba đi mạnh giỏi”. Mặt anh nhăn nhó, đau khổ vì cảm thấy anh đã không luôn luôn có lí về mọi việc; nỗi nghi ngờ xâm chiếm, gậm nhấm anh, anh không chịu nỗi sự thiếu tự tin đó.
Đẹp trai, khỏe mạnh, thân hình ngay ngắn, tay cầm can, vẻ tự tin, anh đi đi lại lại như diễn binh ở sân ga, và tôi bước theo anh, mình phủ chiếc áo mưa, sách cắp dưới nách. Sau khi tiễn anh lên xe, tôi phải trở về thẳng đường Hunter vì ngày hôm đó bắt đầu kì thi, môn đầu là môn sinh lí học. Sân ga vắng tanh, lại thêm mưa phùn, lạnh, rót xuống cùng với mồ hóng luôn luôn có trong không khí Londres: cảnh thật hợp với một cuộc biệt li ảo não. Mưa đập vào mái tôn, bao tử tôi chưa tiêu hết tách cà phê ghê tởm ban sáng, không biết pha bằng thứ bột những hột quái quỉ gì đó. Pao bảnh bao, giày bóng láng (do tôi đánh) và áo choàng mới tinh. Chúng tôi chia tay nhau, anh leo len xe, nghiêng mình ra ngoài cửa sổ, và đưa chiếc can vẫy vẫy khi xe chuyển bánh.
Tôi trở về đường Hunter và ngay chiều đó tôi thi bài viết về môn Sinh lí học. Ở nhà ga Saint Pancras, có một hàng dài người nối đuôi nhau đợi một chén trà, và ở quày chỉ có mỗi một chiếc muỗng cột bằng một sợi dây gai. Phải đứng nối đuôi để lãnh một chén trà; đứng nối đuôi để khuấy trà rồi đặt trả chiếc muỗng, nước trà còn chảy ròng ròng, trên quày; nối đuôi để trả tiền chén trà nóng và nhờn đó vì đã có biết bao nhiêu người cầm rồi; tối đó tôi lái chiếc xe máy dầu về Barney Cottage, chiếc xe hổn hển mới leo nổi cái dốc khá dựng đứng ở Winkfield.
Mấy ngày sau, tôi bị kích thích dữ vì lo lắng và làm việc, tuỳ kết quả kì thi này mà tôi được học bổng của British Council hay không, và có học bổng thì mới tiếp tục học Y khoa được. Pao hứa sẽ gởi tiền cho tôi, nhưng tôi biết anh chỉ hứa hảo, vì làm gì có dư tiền mà gởi: một chén cơm hồi đó phải trả 6.000 đồng và một Mĩ kim ăn 100.000 đồng. Năm 1948, một Mĩ kim ăn một triệu đồng. Về Trung Hoa, Pao lãnh tiền Trung Hoa, không có ngoại tệ để đổi và mặc dầu, các nhà quân sự được đặc quyền buôn bán vàng nén và các xa xỉ phẩm, anh không sợ thiếu tiền tiêu, tôi cũng không mong gì được anh gởi tiền, vì dĩ nhiên, tôi nghĩ vậy là phải. Anh đã vẩy vẩy cây can, vẻ tự tín mà bước ra khỏi cuộc đời của tôi, thế là xong; bây giờ tôi có thể đoạn tuyệt hẳn với cuộc đời đó. Từ hôm đó, tôi không trở lại toà Đại sứ Trung Hoa nữa, trừ một lần năm 1947[138]. Cũng vậy, tôi tuyệt giao với tất cả bạn ngoại giao của tôi, bằng cách lánh mặt đi, không trở lại cuộc đời đó nữa.
Tiền mướn Barney Cottage đã trả được hai tháng, vậy chúng tôi còn được ở tới ngày mùng 1 tháng 5; sau đó tôi phải kiếm cách nuôi Yungmei và Gillie. Làm sao trả được tiền công của Gillie? Làm sao trả được tiền ăn, tiền ở? Xoay xở cách nào được đây? Tôi không biết nữa. Ba người có thể nào sống với ba chục Anh bảng mỗi tháng, số học bổng của Bristish Council được không? Nội tiền công của cô Gillie cũng nuốt hết nửa số đó rồi, không kể tiền ăn, tiền quần áo, tiền nhà. Rồi làm sao cho Yungmei học?… Những trước hết phải lo thi cho đậu đã.
Trong tuần lễ thi đó, một buổi tối, chiếc xe của tôi chết máy ở dọc đường. Tôi phải đẩy nó ba giờ đồng hồ mới về tới nhà vì xe thì nặng mà đường thì dốc. Mười một giờ khuya tôi tới Barney Cottage, mệt lã và năm giờ rưỡi sáng cô Gillie đã đánh thức tôi để ra Londres.
Tuần lễ đó, tôi gần như không ngủ được vì mệt và lo lắng… rớt thì tai hại quá. Tôi tiếc năm trước đã từ chối một sổ tiền, trọn gia tài mà anh Louis, vị hôn phu trước kia của tôi ở Bỉ, đã để lại cho tôi.
Vì Louis đã tái hiện; một buổi chiều năm 1943; Pao và tôi đương đi băng qua Piccadilly Circus (ở Londres) thì tôi thấy anh đứng cạnh hàng rào thay cái tượng Eros[139] dựng trên bệ, anh bận quân phục Không lực Hoàng gia và đăm đăm ngó tôi. Anh đã thoát khỏi tụi Đức, trốn qua Anh, đầu quân vô Không lực Hoàng gia…
Tôi nhìn anh nhưng thản nhiên bước qua, vì Pao đi với tôi. Đã đoạn tuyệt rồi. Vả lại, biết nói gì với nhau đây. Tôi không xúc động. Sự thật, khi một tình cảm đã hết ý nghĩa thì thái độ thẳng thắn nhất là coi nó như đã hết ý nghĩa.
Vài ngày sau tôi nhận được một hộp trà nhỏ. Không đề tên Louis. Anh không tìm cách lại thăm tôi. Rồi một buổi chiều năm 1944, một đại tụng (avoué) Bỉ ở tòa Đại sứ Bỉ kêu điện thoại lại trường học đường Hunter, trường lại chuyển về nhà tôi, cho tôi hay rằng Louis đã chết trong một phi vụ ở Assam, trong trận Miến Điên năm 1944. Phi cơ của anh đụng vào núi, rớt. Trong di chúc, anh muốn để lại cho tôi tất cả gia tài của anh, viên đại tụng hỏi tôi làm sao gởi tiền cho tôi được, ông ta vừa thận trọng vừa kín đáo. Tôi đáp rằng không muốn nhận số tiền ấy, phải gởi về Bỉ cho hai chị (hoặc em gái) của anh. Khoảng 640 Anh bảng đã chia cho hai người đó.
Trong khi lái chiếc xe máy đầu, trong khi uống trà nóng bỏng – để khỏi lạnh – tại các phòng ăn bẩn thiu, hư nát ở nhà ga, trong khi bới đầy những tờ giấy học trò, chép hết các chi tiết về hệ thống thần kinh phản giao cảm (système nerveux parasympathique), về phản ứng với chất acétylcholie, và các cơ năng của lá gan, tôi luôn luôn lo lắng về vấn đề tiền nong.
Ngày 25 tháng ba, chúng tôi hội họp ở trường để chờ kết quả; một nhân viên ban quản trị đọc tên những người đậu theo thứ tự cao thấp, rồi dán kết quả lên bảng. Nếu rớt, có lẽ tôi có thể xin một chân thư ký được… Tôi có thể kiếm được một phòng vừa là phòng làm việc, vừa là phòng ngủ, khá rộng để chứa ba chúng tôi không? Tất nhiên Gillie không thích sống ở Londres trong một phòng như vậy… Nếu cô bỏ tôi, đi làm chỗ khác thì tôi bắt buộc phải gởi Yungmei vào một trường mẫu giáo? Giáo sư Giải phẩu học bước vô đọc số hiệu các thí sinh đậu: Tôi đậu, chị Cherry rớt. Tối đó, để ăn mừng, chúng tôi gọi thêm một đĩa cá và khoai tây rán gói trong giấy báo, và uống ba chén trà nóng ở sân ga. Chị Cherry khóc, một chị bạn khác cũng khóc vì rớt. Hai chị ấy qua tháng 10 thi lại, đậu và sau thành những y sĩ rất giỏi.
Vậy trong ba năm sau tôi sẽ được lãnh ba chục Anh bảng mỗi tháng; còn Yungmei và Gillie, phải tính sao đây?
Pao tới Mỹ đúng vào lúc Roosevelt từ trần; anh buồn rầu tả cho tôi đám tang của Tổng thống, và hăng hái tán tụng Mĩ. “Họ thật tử tế… họ sẵn sàng giúp chúng ta tới cùng… họ khác hẳn bọn Anh keo kiệt…” Anh gởi tôi cuốn tự truyện của bà Wellington Koo: chỉ còn vài bản không bị ông chồng hủy bỏ. Như vậy Pao muốn tôi tha thứ thái độ trước kia của anh.
Sau đó, Pao viết thư cho tôi từ Trùng Khánh. Trước hết tôi trả lời mấy hàng vắn tắt cho anh hay rằng mọi sự đều tốt đẹp.
Dĩ nhiên anh không bao giờ gởi tiền cho tôi cả: tôi phải trả hóa đơn tiệm chụp hình, khoảng 45 Anh bảng, hóa đơn tiệm thợ may, trên 30 Anh bảng. Tôi bán chiếc áo da lông được 90 Anh bảng, đủ trả nợ.
Trở về Trung Hoa, Pao bị lôi cuốn ngay vào những cuộc thương thuyết giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản, người Mỹ đóng vai “trọng tài”. Người ta nói nhiều tới một chính phủ “liên hiệp”; ý đó rất hợp với thái độ của Mỹ đối với Trung Hoa, thái độ này do họ nghĩ rằng Trung Hoa sắp thành “bất động sản” lớn nhất tại Á châu của các nhà kinh doanh Mỹ. Họ mong thấy Trung Hoa được hòa bình, cải cách, những trước hết, họ muốn “ở lại” Trung Hoa và đó là lỗi lầm lớn của họ. Còn đâu nữa cái thời người Da trắng làm chủ châu Á, họ có vẻ như vẫn chưa thấy vậy.
Mùa thu 1945, Pao viết cho tôi: “Chúng ta không thể tin tụi Cộng sản được…” Nhưng hai năm trước anh đã nói sẽ dùng viện trợ Mĩ để diệt Cộng, thành thử tôi không mấy xúc động, sao bỗng nhiên anh lại phát ra đạo đức như vậy.
Tôi không tưởng tượng được Cộng sản mà lại buông khí giới để chiều lòng người Mỹ, chấp nhận một chế độ “liên hiệp” để rồi nhất định bị Tưởng Giới Thạch tàn sát. Chuyện đó đã xảy ra rồi; có lý gì bây giờ họ lại ngu xuẩn, buông khí giới để đổi lấy một sự thừa nhận có tính cách giả tưởng, không sao thi hành được?
Lần đó tôi không hồi âm; mà năm sau cũng vây, khi anh báo tin đã được thăng chức và lên phía Bắc; sự thật anh lên Hoa Bắc và Bắc Kinh, tại đó anh gặp ba tôi. Ba tôi kể lại cuộc gặp gỡ khác hẳn lời trong thư Pao viết cho tôi. Pao viết:
“Anh đã gặp ba em, thực tình ông không có một chút sinh khí nào cả. Ông chỉ mỉm cười và gật đầu khẽ chào… Anh muốn trách ông đã không biết cách dạy dỗ em Nếu anh biết tước em sinh trưởng trong một gia đình như vậy thì anh đã không cưới em để làm ô danh của anh đi”.
Anh viết vậy vì hai người em gái của tôi đã kết hôn với hai người lính Mỹ, anh nổi quạu vì vậy.
Lâu lắm sau này, đọc bài tự phê của ba tôi, tôi mới thấy ba tôi, kể lại cuộc gặp gỡ đó. Hồi mà chế độ cũ bị diệt, và Cộng sản lên cầm quyền, ba tôi cũng như mọi công chức, phải viết bài tự phê, không phải một lần mà nhiều lần.
“Tới lúc đó biết rằng con gái tôi đã kết hôn với một người tên là Tang Pao Houang. Năm 1946 anh ấy tới Bắc Kinh. Tôi đã được ông bạn tôi Ping Shih nói về anh ta và khuyên tôi nên lại thăm vì anh ta là một nhân vật rất quan trọng: tôi do dự, nhưng Tang Pao Houang viết cho tôi mấy chữ cho biết khách sạn anh ta ở. Tôi bèn lại thăm. Câu chuyện chúng tôi nói với nhau chẳng có gì quan trọng lắm… Sau đó anh ta lại đáp lễ tôi, nhưng không ngồi lâu lắm. Có tin đồn anh ấy sắp cưới một cô tên là Sun Chia Houei ái nữ của tướng Sun, một cựu quân phiệt. Cô đó đã theo Tang Pao Houang tới Bắc Kinh và hai người cùng ở một khách sạn. Tôi biết rằng con gái tôi và anh ấy không hòa thuận với nhau, nhưng trong câu chuyện tôi không nhắc tới chuyện ấy”.
Pao có chụp chung một tấm hình với ba má tôi đang trên bực thềm đưa từ vườn lên hàng ba. Năm 1956, khi trở về Trung Hoa, tôi thấy tấm hình đó cùng với nhiều tấm khác, trong cái rương cũ mà má tôi đã chở từ Bỉ qua từ bao nhiêu năm trước.
Đầu năm 1947 tôi nhận được một bức thư khác đã gởi từ lâu. Pao có giong đau khổ, phẫn uất. Câu chuyện anh kể lại rất rắc rối. Một sĩ quan khác và anh đứng gác phòng cho Tưởng Giới Thạch, trao đổi với nhau vài nhận xét, có người nghe lỏm được, thuật lại sai trong một tờ phúc trình gởi lên Tưởng… Pao bị trừng phạt: giáng chức và tống lên Mãn Châu trên mặt trận… Tội nghiệp cho Pao, từ bao lâu nay anh tránh được khỏi bị đày ra một trận…
Cùng lúc đó tôi nhân được thư của chị bạn Yuenling, lúc đó ở Bắc Kinh. Chị cho hay có gặp Pao, Pao phàn nàn với chị rằng không nhận được tin tức gì của tôi cả, chị khuyên tôi nên viết thư cho anh, vì chị nói thêm – Pao có tâm hồn cao thượng đẹp đẽ, chỉ phụng sự Tổ quốc thôi. Tôi hồi âm rằng tôi mạnh giỏi, Yungmei đá lớn thêm, nhưng tôi không đả động gì tới Pao cả. Cuộc thương thuyết đổ vỡ và nội chiến bắt đầu năm 1947 lan tới khắp nước. Tôi viết thêm một câu ước ao rằng sẽ không đổ máu. Yuenling đáp rằng phải diệt “bọn côn đồ”.
Trong khi tôi còn tìm hiểu bí mật đó thì báo Anh đăng tin chiến tranh đã phát, làm cho nhiều người xúc động. Tờ The Times long trọng khuyên rằng Trung Hoa đã bị chiến tranh xâu xé bây giờ phải “liên hiệp” với nhau để có hòa bình thì hơn. Có nhiều người đưa ra những đề nghị cải cách ảo dịu, người ta tin rằng một nhóm “trí thức không Cộng sản” có thể “cứu vãn được tình thế” bằng những biện pháp chí lý… Nếu Trung Hoa chịu nghe. Nhưng tôi biết rằng không thể có giải pháp dung hòa được, theo tôi tất cả những điều đăng trên báo chí phương Tây đều gần như vô lý cả. Tôi theo dõi các trận nội chiến, bỏ ngoài tai những tin tức lạc quan “hòa bình” và “ngưng bắn”. Kế hoạch tạm thời đó mà tác động được gì? Trước mắt tôi đã diễn ra những cảnh mà tôi mục kích: Hàng dãy người hấp hối cột với nhau bằng dây thừng, có khi bằng dây chì nữa, họ bị lùng bắt để nhốt vô trại linh. Đánh đập tan nhẫn. Tôi nhớ lại hình ảnh Pao một hôm ở ngoài đường nhảy bổ tới nắm cổ một người cu li trẻ chở mấy bành bông nặng tới nỗi không thấy đường nữa, phải vừa hổn hển vừa la: “Xin tránh giùm cho tôi đi qua, tôi mang nặng đây”.
Pao hất chú ta té xuống đường, các bành bông vung vãi ra, rồi Pao đá vào sườn chú ta chỉ vì chú ta đã lỡ chạm vào cánh tay Pao. Bây giờ tôi còn nghe thấy tiếng la khóc của chú ấy, mà Pao chỉ hành động như nhiều người khác trong hoàn cảnh đó thôi. Tôi không nghĩ rằng “hòa bình” hay “liên hiệp” mà thực hiện được.
Tôi tiếp tục học, không viết thư cho Pao nữa và đợi coi chung cuộc của nội chiến ra sao.
Năm 1946, khi thế chiến thứ nhì kết thúc, chú Ba đã gởi được hai người con trai ra ngoại quốc: người con lớn mà tôi gọi là em Ba qua Mỹ học, còn người thứ tư Kouangti thì qua Londres.
Kouangti ở cách xa nhà tôi, học một trường công nghệ ở khu Bắc Londres. Trường thường phái tôi lại các bệnh viện ngoại ô Londres thành thử chị em tôi họa hoằn mới gặp nhau, nhưng mùa hè 1947 tôi theo học một lớp ba tháng về các bệnh mũi, tai, họng ở Londres. Chị Cherry, tôi và một nữ sinh viên khác tên là Belty chia nhau một căn phòng, ở dưới mặt đất tại đường Doughty. Kouangti thỉnh thoảng lại đó thăm tôi, mặc dầu con đường từ Bắc Londres lại đó chẳng có gì đẹp. Em ấy cho tôi biết tin tức về chú Ba và thiếm Ba. Cũng cho biết tin lạm phát nữa. Một chén cơm bấy giờ phải trả 30. 000 Hoa kim, và vô tiệm ăn thì vừa ngồi xuống đã phải trả tiền liền vì đôi khi chưa ăn xong giá bữa ăn đã tăng lên 10 hoặc 20%. Kouangti vừa cười vừa bảo: “Thiên hạ phải chở giấy bạc bằng vali hoặc xe bồ ẹt để mua vé xe buýt”. Chúng tôi vẫn thường cười trước một tai vạ vô phương cứu vãn.
Sáng sớm ngày 17 tháng 10 năm 1947, ba tháng trước kì thi ra trường của tôi, Kouangti bổng lại phòng tôi: “Có hung tín, chị”, Pao đã chết một cách vẻ vang trên mặt trận ở Mãn Châu, gần mỏ than Fou Shou.
Dĩ nhiên tôi khóc, khóc ròng, tự cảm thấy có tội lớn… Tôi kêu điện thoại báo tin cho bà Isobel Cripps. Bà Margaret Godley lại phân ưu, ngồi một lúc với tôi để an ủi tôi. Tôi lại bệnh viện Elizabeth Garrelt Anderson, đi lang thang hết phòng này lên phòng khác rồi trở về nhà để khóc nữa. Pao chết rồi, Margaret Godley bảo: “Không, không phải lỗi của bà”. Tôi cãi lại “Đáng lẽ tôi phải can không cho anh ấy về”. Nhưng chưa qua hai ngày thì tôi đã hết hối hận.
Tôi không nhận được lời xác nhận chính thức của toà Đại sứ Trung Hoa… Có lẽ vì họ không biết địa chỉ tôi. Trước kia tôi đã nhất định không lại tòa Đại sứ nữa, lần này, Kouangti thúc tôi lại thăm ông Đại sứ. Cuộc hội kiến lạnh lẽo làm sao, viên Đại sứ (không phải là tiến sĩ Wellington Koo nữa mà là một người khác, tiến sĩ Tcheng) nào đó không hay gì cả. Ngồi vài phút rồi tôi ra về. Hôm sau tôi tới tòa Đại sứ và ngươi ta gởi cho tôi một tờ chứng tử lớn có gắn mấy con dấu bằng khằn đỏ cho hay rằng Pao đã “cao thượng hi sinh trên chiến trường” và tôi là quả phụ, được chính phủ cấp cho 10 triệu Hoa kim. Tháng 10 năm 1947 số tiền đó chỉ bằng khoảng 3 Anh bảng, tôi không mất công đi lãnh làm gì.
Sau đó tôi nhận được một bức thư của chú Ba hết lời khuyên tôi về Trung Quốc làm đám tang cho Pao. Quả phụ của một vị “anh hùng” thì thế nào cũng phải đi đưa đám “tay dắt con”. Chỗ tái bút, chú nói tới một “cô Sun nào đó tự cho là vợ chính thức của Pao, như vậy nếu tôi không về thì sẽ mất phần gia tài. Tôi nói với Kouangti rằng tôi không nghĩ tới việc hưởng gia tài.
Kouangti ngồi đối diện tôi, vẽ mặt nghiêm trang, cao cao, muốn cho tôi nghe lời khuyên của chú Ba mà giữ đúng tục cổ. Sao tôi lại có thế không phản kháng, để cho một người đàn bà khác xưng là quả phụ mà đi sau quan tài của chồng tôi, làm lễ táng cho chồng tôi được? Tôi đáp: “Được chứ, quan trọng gì cái đó?” Kouangti đánh điện cho hay tôi đau không thể về được, như vậy là mọi người hiểu rồi. Một bức thư khác của ba tôi, cũng khuyên tôi về để đòi lại “quyền” của tôi, vì cô Sun nói với mọi người rằng Pao đã để (li dị) tôi và chính cô ta mới là vợ chính thức… Nhưng những con chim bị giết mùa hè đó, đối với tôi đã chết hẳn rồi… [140] Tôi sẽ không đóng cái hài kịch để tang. “Lúc đó vào tháng 10 mà qua tháng giêng tôi phải thi ra trường để lấy bằng bác sĩ. Pao chết rồi. Tôi không có tiền về Trung Hoa rồi trở lại Londres”.
Vị Đại sứ Trung Hoa – một ông già đáng kính, sau này sống những ngay tàn ở Mỹ, làm chuyên viên về vấn đề Trung Hoa – cho mời tôi lại văn phòng ông, bảo tôi rằng tôi là vợ một vị anh hùng, phải đem con về ở trong gia đình của Pao, với thân mẫu của Pao, như vậy mới phải đạo, vì theo tục Trung Hoa thì bổn phận của tôi từ nay là nâng đỡ mẹ chồng trong nỗi đau khổ của bà. Tôi đáp rằng không có tiền về nước. Tiến sĩ Tcheng cho rằng tôi muốn xin tiền tòa Đại sứ (dù sao, tôi vẫn còn tờ thông hành ngoại giao mà) vội vàng bảo tôi: “Bà phải là một quả phụ gương mẫu. Phải viết thư về thăm mẹ chồng. Cứ 10 ngày viết một bức. Tục lệ như vậy”. Vậy là đám tang không có mặt tôi, bổn phận tôi theo tôi hiểu là thi lấy bằng bác sĩ, cách đó hai tháng… Kouangti và tôi bàn bạc với nhau một hồi lâu, lựa người nào trong họ có thể thay mặt tôi trong đám táng. Kế đó cả Mãn Châu sụp đổ, Hồng quân thẳng trận cuồn cuộn như làn sóng lan tràn khắp Trung Hoa, và tôi không nghe nói đến đám táng, đến tục lệ, đến cô Sun nữa.
Một ý nghĩ thoáng qua trong nỗi buồn của tôi: Pao đã muốn tôi tự tử sau khi anh chết, để lưu lại cái danh thơm là một quả phụ tiết nghĩa, làm cho gia đình đạo đức của anh được thêm tiếng tăm. Nhưng tôi không chịu hứa với anh như vậy. Không đầy một tuần sau, tôi lại chăm chỉ làm việc.
Khoảng cuối tháng 11, tôi nhận được một gói nhỏ: Tập nhật kí tâm tình anh gởi cho tôi cùng với một bức thư anh gởi cho tôi đầu tháng 10, khoảng 10 ngày trước khi anh mất.
Bức thư chỉ có năm sáu hàng chứ không hơn: “Anh ra mặt trận để chiến đấu đây. Anh không biết sẽ ra sao, nhưng anh ngờ rằng hỏng rồi, không cứu vãn được nữa. Anh đã đối xử với em không được tốt lắm, nhưng nếu trời cho anh sống thì anh sẽ đối xử với em tốt hơn”. Tập nhật ký đó ở trước mắt tôi; không có bìa, có lẽ ai đó đã xé đi cho nhẹ, chỉ còn những trang bên trong; chữ viết đều và khít, anh đã tập một thủ pháp để tự chủ về tình thần, leo được thang thành công: nét không xơ, không ốm, nhưng nét nhỏ viết rất cứng cáp, điều đặn, tỏ rằng tâm hồn bình tĩnh… Tôi lật coi qua rồi đem vào bếp đốt.
Tôi chỉ đọc đây một chữ, kia một đoạn, tôi biết anh muốn tôi đọc những tư tưởng cao thượng của anh; tôi nghĩ cái lòng trung thành bị ngược đãi của anh, tới tình yêu của anh đối với tôi… nhưng chỉ nội cái tên “nhật ký” cũng đủ làm cho tinh thần tôi mất quân bình và tôi nổi lên một cơn cười như điên. Trước hết tôi phải nghĩ tới kì thi ra trường của tôi đã, không thể phí thì giờ vào những giao động thần kinh, vào những xúc cảm mãnh liệt, buồn rầu, cảm kích, nhớ nhung, tiếc hận được… Phải tiến tới cho mau, tự vượt tôi đi, không có thì giờ để khóc, phải tiếp tục.
Năm năm sau, tôi ở Hương Cảng nhận được một bức thư của Yuenling cho tôi những chi tiết khác về cái chết của Pao. Lúc đó chị ở Đài Loan vì chị đã theo Tưởng Giới Thạch, chị mời tôi qua chơi với chị. Chị thành một họa sĩ vẽ phong cảnh, có chồng và một con trai, coi hình thấy chị cao lớn, duyên dáng, có vẻ sung sướng… Chị kể cho tôi nghe Pao đã chết ra sao.
Trong hai chục năm nay tôi không có ý tìm hỏi mà cũng đã được nghe về bốn thuyết về cái chết của Pao. Theo thuyết chính thức thì Pao đã anh dũng chống cự tới cùng, rồi bị đạn bắn đầy mình mà chết ở mặt trận.
Theo một báo cáo mật khác, quân lính của Pao cũng như nhiều đội quân khác của Quốc Dân đảng, đào ngũ từng đám theo Hồng quân và cuộc chiến đấu thành một cuộc bại tẩu. Chỉ còn trơ lại Pao với một bộ hạ; Pao bảo hộ hạ đâm thủng ngực mình đi, người đó không nỡ, Pao đã tự tử bằng một cách nào đó không ghi rõ.
Một thuyết thứ ba còn gây xúc động hơn nữa: quân lính của Pao nổi loạn và hạ sát anh.
Rùng rợn nhất là thuyết của Yuenling. Chị gởi cho tôi một bức họa đẹp, có núi sông và một hiền triết trầm tư mặc tưởng, do chị vẽ, với mấy chữ đề tặng: “Rất thân ái” ngỏ ý mời tôi qua Đài Loan, trở về với Tưởng Giới Thạch. Chị viết:
“Tụi đó là loài thú dữ. Chúng giết chóc một cách dã man không tưởng tượng nổi! Chị muốn làm gì thì làm, chúng cũng không tin chị đâu, chị ạ. Tôi sợ chị xiêu lòng, có lẽ chúng rán dụ dỗ chị… Chị nên nhớ chúng đã giết anh nhà ra sao? Chúng khoét mắt, lột da anh, cột vào một con ngựa cho nó lôi đi tới khi anh chết mới thôi…”
Năm 1958, tôi kể lại những thuyết đó cho một chị bạn tôi, Koung Peng ở Bắc Kinh, một phần buồn vì chuyện cũ, một phần vì mong biết được sự thật. Nhưng Koung Peng làm thinh, không thốt một lời nào cả.
Bao nhiêu máu đã đổ từ ba chục năm nay… Bao nhiêu người đã chết vì bom đạn trong cuộc chiến đấu bất tận đó, trong cuộc trường chinh, trong cuộc nội chiến; bao nhiêu người không biết vợ con, cha mẹ, người yêu… của mình ra sao; còn những người khác thì phải mục kích cảnh người thân của mình bị tra tấn; lại có người như Mao Trạch Đông trong cuộc trường chinh, gởi con cái lại cho một gia đình nông dân nuôi giùm rồi cha con không bao giờ gặp lại nhau…
Sự chiến thắng của Cộng đảng và Hồng quân đạt tới tột đỉnh năm 1949, điều đó dễ hiểu nếu ta coi chiến thắng đó chỉ kẻo dài thêm thiên anh hùng ca, sử gọi là cuộc Trường chinh. Cuộc Trường chinh này mới đầu là cuộc rút lui sau khi các căn cứ chính của Công sản ở Hoa Nam bị bao vây năm 1933. Tưởng Giới Thạch đã tập hợp non hai triệu binh sĩ với chiến xa và phi cơ để thực hiện chiến dịch vĩ đại thứ năm mục đích là diệt Cộng. Ông ta dùng chiến thuật gọng kềm đại qui mô, tàn phá những miền mênh mông, mong đánh bật Cộng sản xuống biển.
Hồng quân vượt qua những đồn lũy xi măng, các dàn đạỉ bác, các hầm mà Tưởng xây cất thành 4 lớp bao vây căn cứ của Cộng. Hồng quân mở một đường thoát ra mùa thu năm 1943 bắt đầu cuộc viễn chinh phi thường gọi là Trường chinh đó.
Mặc dầu thành công, Mao Trạch Đông đã bị một số lãnh tụ Cộng sản chỉ trích, Ủy ban Trung ương ẩn náu từ lâu ở Thượng Hải, rất quan trọng tới lý thuyết nhưng không áp dụng cụ thể vào hoàn cảnh Trung Hoa. Ảnh hưởng và danh vọng cua Mao trong quân, dân Trung Hoa thật lớn lao. Mặc dầu trong khoảng ba năm, ông khó khăn lắm mới làm cho Đảng chấp nhận ý kiến của mình, ông vẫn duy trì và cải thiện đường lối. Những kỹ thuật quân sự ông sáng tạo không được người ta theo, do đó sinh ra nhiều thất bại, sau ông phân tích những lầm lẫn đã mắc phải, trong số đó có thái độ bè phái đối với tướng Thái Đình Giải ở Phúc Kiến; Thái và Lộ quân thứ 19 của ông ta đã anh dũng kháng Nhật ở Thượng Hải năm 1932 rồi bị Tưởng Giới Thạch phản. Mao Trạch Đông khuyên phải liên lạc với những đạo quân ái quốc mà không Cộng sản, nhưng các người khác không nghe, vì lúc đó phe theo chính sách “khép cửa” thắng thế.
Tháng 10 năm 1934, sau những cuộc chiến đấu kinh khủng, đạo quân Cộng sản phá được vòng vây (quân đội và đảng viên gồm 130 ngàn người hết thảy) mà tiến về hướng Tây. Họ đi bộ từng dãy dài, vô miền Tứ Xuyên trong thời tiết lạnh lẽo mùa thu. Đàn bà đeo con nhỏ trên lưng, heo, gạo, máy móc (trong một xưởng binh công nhỏ), va ly; có vai chiếc xe bò để chở những đàn bà có mang, có gì họ mang đi hết.
Đoàn người đó dài 300 cây số; đoàn hộ vệ cách đoàn tiên phong bảy ngày đường. Ngày nào, giờ nào cũng bị tấn công, đêm cũng vậy, bị phi cơ thả bom; bị phục kích trên mọi con đường, nhưng họ cứ tiến.
Cuộc Trường chinh kéo dài hơn một năm, vượt qua 11 trên 18 tỉnh, 18 dây núi có những đèo tuyệt phủ cao 4.000 thước; đi bộ 12.000 cây số, mỗi ngày 40 cây số. Khi đi là 130.000 người, tới nơi còn 30.000 người mà trong số này có nhiều người mới nhập vô đoàn ở dọc đường.
Trong hai tháng đầu, các vị chỉ huy cãi nhau, chia rẽ nhau về hành trình phải theo, về mục tiêu, tới đâu thì ngừng lại.
Tháng giêng năm 1935 ba mươi phần trăm những người đi tiên phong (khoảng 40.000 người) đau. Tới một nơi gọi là Tsun Yi (Tuân Nghĩa) (?) họ quyết định tạm nghỉ chân và họp nhau để thảo luận. Chia làm hai phe chính: phe Mao Trạch Đông muốn lập một căn cứ ở Tây Bắc, từ đó xuất quân để kháng Nhật; và phe “thân Nga” của các sinh viên “Tây du” về, như Lý Lập Tâm và nhiều người khác muốn tấn công và chiếm những “thành phố lớn”[141] để thành lập những căn cứ tương lai vững vàng.
Cuộc hội nghị Tsun-Yi (Tuân Nghĩa) (?) đó quan trọng bậc nhất hồi đó, từ các nhà chỉ huy quân sự tới lính tráng đều thấy chủ trương của Mao Trạch Đông đúng. Ông được bầu làm Tổng Bí thư của đảng và của Ủy ban Trung ương, và chiến thuật của ông được mọi người chấp nhận.
Việc thứ nhất Mao thi hành là ra lệnh bỏ hết các gánh nặng vô ích làm cho cuộc Trường chinh chậm lại mà dễ bị Quốc Dân đảng tấn công. Đồ dùng, tiền bạc, cả tới súng trường nữa, cũng phải để lại ở dọc đường hoặc chôn giấu. Con nít cũng phải giao cho nông dân nuôi giùm, trong số đó có hai đứa con của Mao.
Trút nhẹ được rồi, họ tiếp tục đi. Nhờ chiến thuật uyển chuyển, tháng hai năm 1935, Mao đánh tan được bốn sư đoàn Quốc Dân đảng. Rồi Hồng quân bước vô giai đoạn gay go nhất, cực khổ nhất của hành trình, vượt những núi cao và những con sông ở nội địa.
Ở Bắc Kinh tôi làm quen một người đàn bà sống sót sau cuộc Trường chinh, đứa hài nhi của bà hồi đó đặt trong một cái giỏ trên lưng một con la cái, cùng chung với cái gói đồ. Khi leo một ngọn núi rất cao, chậm chạp đi ven một dốc núi rất hẹp, con la trượt chân té xuống đáy vực sâu gần 2.000 thước với đứa nhỏ và các gỏi đồ, không thể ngừng lại để tìm kiếm được, vì địch đuổi theo sau không xa… Sau cùng Hồng quân tới Diên An.
Từ 1937 đến 1945, trong chiến tranh Trung Nhật và thế chiến thứ nhì, Hồng quân chiến đấu không ngừng với Nhật và các quân Trung Hoa làm tay sai cho Nhật; họ tấn công cả phía trước lẫn phía sau của địch, dùng thuật du kích, cướp khí giới, lương thực của địch đề tồn tại và lần lần mạnh lên, qua miền nào cũng được dân chúng làm hậu thuẫn. Họ gieo khắp nơi những mầm du kích mới, gây thành những đạo quân mới, giải phóng được những khu vực mới.
Kế hoạch cửa Tưởng Giới Thạch là án hình bất động, để cho Cộng sản kháng Nhật mà tiêu ma sức lực đi, kế hoạch đó hoàn toàn thất bại. Hồng quân sở dĩ mạnh là nhờ chiến đấu không ngừng.
Vừa chiến đấu, Hồng quân vừa giáo dục quần chúng cho họ có ý thức về chính trị. Trong cuốn hồi kí về cuộc Trường chinh, Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai kể cách thức như sau:
“Các nữ đồng chí dự trong cuộc Trường chinh cũng cương quyết và can đảm như nam đồng chí… Trong Đạo quân thứ nhất, có ba chục nữ cán bộ – những chị nào mạnh nhất đều đeo trên lưng mùng mền và bao gạo. Bộ đội ngừng ở đâu để nghỉ ngơi là các chị ấy lợi đụng cơ hội để tuyên truyền chính trị trong dân chúng, săn sóc bệnh nhân và giúp đỡ trong việc nấu ăn. Tất cả các nữ đồng chí đều đi tới cuối đường Trường chinh, không một người nào bỏ dở hoặc chết ở dọc đường. Cả ba chục người đều tới nơi tới chốn”.
Chính Đặng Dĩnh Siêu bị lao phổi nặng, mà theo lời bà thì “thật lạ lùng, sau một năm sống vô cùng cực khổ trong cuộc Trường chinh, tôi chẳng chạy chữa gì cả mà khỏi bệnh”.
Cuối chiến tranh, năm 1945, quyền lực của Cộng sản tăng lên rất mạnh. Mới đầu chỉ có một triệu rưỡi dân ở một xó Tây Bắc nghèo, đất khô cằn, bây giờ họ đã mở mang rộng thêm đất đai và có một số dân là 93 triệu người. Đảng viên năm 1937 gần 40.000, năm 1945 lên tới 1.200.000.
Chiến tranh du kích và chiến tranh lưu động làm cho mấy trăm ngàn nông dân tình nguyện vô bộ đội: nhiều người tài giỏi về quân sự, về chính trị, nhiều cán bộ trẻ và nhiệt tâm chỉ huy bộ đội. Từ 35.000 người năm 1936, năm 1945 Hồng quân đã tăng lên 910.000 quân chính quy và 2.500.000 dân quân bổ trợ.
Tưởng Giới Thạch càng ngày càng dùng những biện pháp áp bức nghiêm khắc đối với Cộng sản, về cả hai phương diện quân sự lẫn kinh tế, cắt hết các nguồn tiếp tế ngay cả ở phía sau lưng họ. Họ bị đại tấn công bốn lần, còn tấn công nho nhỏ thì có tới mấy chục lần. Mà tuyệt nhiên họ không bao giờ nhận một chút viện trợ của Nga hoặc của Mỹ.
Trong hai chục năm mà Cộng sản thành lập được một cơ cấu Quân sự, kiểm soát được cơ cấu đó về chính trị và làm cho nó được sự ủng hộ rất mạnh của dân chúng, là nhờ những tư tưởng của Mao Trạch Đông khéo áp dụng vào hoàn cảnh Trung Hoa. Như nhà văn Anh John Gittinos đã nói, Mao Trạch Đông đã tạo được từ 1927 đến 1949, cái kiểu mẫu một quân đội cách mạng nhân dân, chỉ nhờ vậy mới thắng được. Ngày nay cuộc cách mạng Văn hóa vô sản đề cao kiểu mẫu đó, mà đả đảo những quan niệm khác về quân đội, tức quan niệm coi Quân đội là một “dụng cụ” có tính cách giai cấp của người cầm quyền, một giai cấp chuyên nghiệp phụng sự một nhóm nắm chủ quyền [142].
Tháng 8 năm 1945, Nhật vừa mới đầu hàng là Tướng Giới Thạch và Cộng sản chạy đua để chiếm các đất đai và thị trấn mà Nhật mới rút ra khỏi. Ngay từ lúc đầu, Tưởng đã được Mĩ giúp đỡ để đưa quân đội của ông ta tới những vị trí lợi nhất trong cuộc xung đột sắp xảy ra.
Tháng 8 năm 1945 vài ngày sau khi Nhật đầu hàng, tướng Mac Arthur, tư lệnh tối cao ở Tokyo ra lệnh số 1, bắt quân đội Nhật chỉ nộp khí giới cho Quốc Dân đảng thôi và trong khi chờ đợi, phải duy trì “trật tự và sự hợp pháp”, như vậy là xong được bước đầu. Những đạo quân Nhật đã rút khỏi vài khu vực ở Mãn Châu, bèn tấn công quân du kích Cộng sản ở Mãn Châu, và được Mĩ tán thành.
Trong thời gian đó, người ta tổ chức (trực tiếp dưới quyền Washington) sự dời quân bằng phi cơ Mĩ: một cầu hàng không được thành lập, 235 chiếc Dakota chở 110.000 lính của Tưởng lên Hoa Bắc và Mãn Châu.
Ngày 12 tháng 8, một số đơn vị Hồng quân ra khỏi Diên An để tiến vô Nội Mông, đi bộ qua Hoa Bắc, tới Mãn Châu, mục tiêu là kiểm soát các đường giao thông ở Hoa Bắc và Mãn Châu trước khi Tưởng chiếm được. Sự hành quân đó được công nhiên loan báo trên đài phát thanh Diên An.
Hạm đội thứ 5 của Mỹ cho đổ bộ thêm 50.000 lính thủy lên Trung Hoa. Và sau khi Nhật đầu hàng, số quân Mỹ đóng ở Trung Hoa tăng từ 60.000 lên 130.000.
Cô Anna Louise Strong, hồi đó làm thông tín viên Mỹ ở Mãn Châu kể lại giai đoạn dưới đây trong việc thành lập cầu hàng không Mỹ. Trong khi quân đội Quốc Dân đảng (và Mỹ) được chở tới bằng máy bay thì quân đôi Cộng sản phải cực nhọc đi bộ mỗi ngày 30 hoặc 40 cây số. Mao Trạch Đông ra lệnh cho Lâm Bưu tổ chức du kích chiến ở Mãn Châu. Nhờ được một chiếc phi cơ Mỹ cho quá giang một khúc đường nên Lâm Bưu tới chỗ mau hơn. Chiếc phi cơ đó được phải tới Diên An để kiếm các phi công Mĩ mà máy bay đã bị hạ ở Hoa Bắc. Cô Strong đặt câu hỏi: “Người Mỹ lúc đó có ngờ được rằng con người mảnh khảnh, có vẻ nhà trí thức đó, sau đóng một vai trò quan trọng bực đó không?” Dĩ nhiên là không, cho nên mới cho con người có vẽ vô hại đó “quá giang”, mà quân đội của Tưởng Giới Thạch mới đại bại trong các trận đánh chiếm Mãn Châu sau đó.
Lâm Bưu trong trận Mãn Châu đã theo các kế hoạch của Mao Trạch Đông mà hoạch định chiến lược. Vậy không lấy gì làm lạ rằng ngày nay, trong cuộc Cách mạng Văn hóa – một cuộc chiến đấu còn rắc rối, khó khăn hơn bất kỳ một cuộc nội chiến nào – Lâm Bưu vị tướng chiến thắng ở Ping Hing Kouan (Bình Hình Quan), chiến thắng ở Mãn Châu, ở Hoa Bắc, vượt Đại giang (túc sông Dương Tử) đổ xuống Hoa Nam, được coi là Mao Trạch Đông thứ nhì, người kế vị Mao, người đã hiểu rõ nhất và đã áp dụng đúng nhất tư tưởng quân sự của Mao mà thắng được trong cuộc Cách mạng năm 1949.
Cuối tháng 8 năm 1945, Mao Trạch Đông bay lại Trùng Khánh để thương thuyết thành lập một chính phủ “liên hiệp”, Mỹ sẽ đóng vai trò “trọng tài và trung gian” trong khi đó hai bên điều động quân sự như trên đã nói và đâu đâu cũng xảy ra những cuộc xung đột giữa Cộng sản và quân đội Quốc Dân đảng do Quốc Dân đảng cố ý gây ra và tấn công trước.
Ngày Song thập, hai bên hòa giải với nhau được, nhưng Mĩ chỉ viện trợ riêng cho Tưởng và Tưởng đưa quân đội vô tràn ngập cả Mãn Châu. Lâm Bưu tổ chức các đội du kích địa phương; các đội du kích đó, hợp với quân từ Diên An tới thành một đạo quân nhân dân gồm 300.000 chiến sĩ. Mỹ đặt các “đoàn hưu chiến” ở các thị trấn. Nga, vì ngày mùng 9 tháng 8 năm 1945 tuyên chiến với Nhật, nên cũng đã chiếm vài thị trấn Mãn Châu, và Tưởng yêu cầu Nga “hoãn lại” cuộc rút lui khởi Mãn Châu để quân đội Cộng sản không vô được những miền quân đội Nga chiếm đóng… Trong khi đó Mỹ tiếp tục gởi quân đội cho Tưởng bằng phi cơ, và ngày 12 tháng chạp năm 1945, Nga cho phép quân đội Quốc Dân đảng vô miền họ chiếm đóng.
Lâm Bưu không được Nga giúp một chút gì cả. Cô Anna Louise Strong nói rõ như vậy. Cô hỏi Lâm Bưu: “Ông được Nga giúp đỡ những gì?”. Lâm Bưu quả quyết: “Không được chút gì cả. Quân đội, không; khí giới, không; cố vấn cũng không, không có gì hết. Đạo quân Xô Viết đem gì vô Mãn Châu, từ người tới vũ khí, lại chở hết về Nga khi họ rút đi. Tất cả những khí giới và quân nhu họ tước được cửa Nhật, họ chở hết về Nga, hoặc hủy tại chỗ”.
Các nhân viên hành chánh Xô Viết che chở trong mấy tháng ròng những người mà Tưởng đã đặt ở các thị trấn Mãn Châu. Một thiếu tá Nga, nói với cô Strong: “Bọn cộng sản Trung Hoa rất bất bình khi chúng tôi đuổi họ ra khỏi Thẩm Dương (Moukden) để cho người của Tưởng vô thay. Nhưng chúng tôi biết làm sao bây giờ. Chúng tôi đã ký một hiệp ước với Tưởng”.
Về phía Mỹ, tướng Marshall đã được cử làm trọng tài để “tái lập hòa bình” ở Trung Hoa. Ngày mùng 10 tháng giêng năm 1946, Tưởng và Cộng sản lại ký một hoà giải nữa. Nhưng chiến tranh vốn tiếp tục, do Tưởng cố ý gây nên, chính các nhà quan sát Mĩ cũng xác nhận điểm đó. Chính Marshall cũng tuyên bố rằng: “Chính phủ (của Tưởng) bỏ hết các thủ tục dân chủ mà theo một chính sách võ lực độc tài”.
Có thể chia cuộc nội chiến làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất theo đúng chiến thuật của Mao. “địch tiến thì ta lùi”, giai đoạn này bắt đầu vào mùa hè 1946 và kéo dài tới mùa hè 1947. Mới đâu có vẻ như Quốc Dân đảng thắng ở khắp nơi. Ở Mãn Châu, các thị trấn lớn đều ở trong tay họ. Lâm Bưu bảo: “Tất cả các thị trấn đó… sẽ là những gánh nặng trên lưng Tưởng”.
Sức của Quốc Dân đảng tiêu ma lần vì phải chiếm đóng ở các thị trấn giống các đồn lũy, đóng quân ở đó, tự nhốt họ trong đó, các tướng lãnh không chịu ra khỏi mấy bức thành, không chịu giao chiến; và chẳng bao lâu xây ra nạn tham nhũng. Chung quanh các thị trấn đó, Cộng sản tự do tổ chức thôn dã.
Trong suốt một năm, dưới sự chỉ huy của Lâm Bưu, Hồng quân lo cải cách điền địa, khẩn hoang, trồng trọt (để khỏi thành một gánh nặng cho nông dân) và gặt hái; họ dạy dỗ nông dân hơn là chiến đấu. Nhờ chính sách đó mà họ thành công; Hồng quân sở dĩ vô được là vì họ không phải là một tổ chức tàn sát mà là một đạo quân ý thức hệ, dạy và thực hành các tư tưởng và phương pháp cách mạng.
Nhiều nhà chuyên môn quân sự ngoại quốc ngồi buồn đánh cá nhau: cá về Tưởng thì năm ăn một, cá về Mao thì ba ăn một. Công ít quân, Tưởng nhiều quân mà lại có khí giới Mĩ. Nhưng không thể nào so sánh Đạo quân Nhân dân Giải phóng được giáo dục, có ý thức về chính trị, hết sức làm nhiệm vụ, với những lệnh bắt buộc phải nhập ngũ, thiếu ăn, bị hành hạ và phản bội, của Tưởng.
Trong năm rút lui theo chiến lược đó, Mao Trach Đông dụng tâm để cho Hồ Tôn Nam chiếm Diên An. Cuộc rút lui ra khỏi Diên An thực vĩ đại không để lại một chút gì cả; các y sĩ và nữ y tá ở Bệnh viên Hòa bình quốc tế khiêng hết các bệnh nhân vô núi hai ngày trước khi quân đội ra đi. Các bà mẹ mới sanh được khiêng đi bằng cáng, từ trong những hang đục trên những đồi hiểm trở. Hai ngày sau khi Mao đi rồi, Hồ Tôn Nam cùng sĩ tốt ăn bận bảnh bao sau mấy năm ở không, tiến vô Diên An tuyên bố đã chiến thắng lớn mặc dầu Diên An đã trống rỗng. Để ăn mừng thắng lợi đó, Hồ Tôn Nam cưới vợ: hình như ông ta đã thề chiếm được Diên An rồi mới cưới vợ.
Cách đó khoảng vài chục cây số, ở Wah Yao Su, đảng Cộng sản hay tin: “Hồ Tôn Nam mắc bẫy”.
Sau đó là một trò chơi. Quân đội Mao Trạch Đông nhử cho quân đội Hồ Tôn Nam đi một vòng vĩ đại khắp Hoa Bắc. Để săn Cộng, Hồ thúc quân tiến tới, mà quân của ông không quen đi bộ, không quen chiến đấu: “Địch mệt thì ta đánh”. Hồ đã hết lương thực – các đường giao thông xấu lắm – mà lính đã mệt mỏi… Hồng quân lúc đó mới xung phong và giải quyết vụ đó rất mau.
Mùa hè 1947, Đạo quân Nhân dân Giải phóng chuyển qua thế công.
Trong ba tháng đầu năm đó ở Mãn Châu, Lâm Bưu tung ra năm cuộc tấn công để dò xét, theo chiến thuật “đánh rồi rút lui”, chỉ dùng ít quân đội, khoảng 60 ngàn người, mà làm cho quân Quốc Dân đảng mệt mỏi. Khi Cộng rút lui thì Quốc Dân đảng tuyên bố thắng trận, nhưng không dám truy kích mà rút vào trong đồn. Tháng năm, lần tấn công thứ tư được chuẩn bị kĩ, thi hành đúng và Cộng đại thắng, lần đó Lâm Bưu dùng ba trăm ngàn quân chánh qui, lại thêm dân quân nữa, thành tới hai triệu ngươi, vận động nhân dân, được dân Mãn Châu[143] tích cực tham gia để tấn công quân Tưởng Giới Thạch.
Từ đó bắt đầu sự sụp đổ: Hồng quân tràn tới bao vây các thị trấn Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm của Quốc Dân đảng. Tới tháng 7 thì một nửa đất đai Quốc Dân đảng đã chiếm được ở Mãn Châu lọt vào tay Hồng quân, quân lính đào ngũ rất nhiều, khiến lực lượng của Quốc Dân đảng giảm đi trên 50%.
Từng đoàn lính chạy tán loạn, bỏ lại hết các kho quân nhu, các toa tiếp tế, xe cộ và khí giới. Theo lời của Đại sứ Mĩ tại Thẩm Dương, cuối tháng năm năm 1947, Hồng quân mỗi ngày mỗi mạnh hơn, lại được các đơn vị bí mật giúp sức, còn quân Quốc Dân đảng thì “thờ ơ, oán hận, chủ bại, bị dân chúng ghét, ngay trong quân đội, sự bất bình càng ngày càng tăng, vì sĩ quan thì làm giàu mà quân lính thì lãnh số lương chết đói…”, chính vì vậy mà Quốc Dân đảng mau thua.
Tưởng Giới Thạch vẫn ương ngạnh, đưa các đạo quân thiện chiến nhất lên Mãn Châu; và chính ở Mãn Châu mà ông ta thua trận, do đó mất Trung Quốc.
Hai cuộc tấn công thứ 6 và thứ 7 của Lâm Bưu xảy ra trong sáu tháng cuối năm 1947. Ngay ở Mãn Châu dân chúng cũng ghét bọn tướng và quan lại Quốc Dân đảng, vì họ tham lam, tàn bạo không thể tưởng tượng được (họ cướp phá các lăng tẩm vua chúa).
Sự chỉ huy quân sự thật hỗn độn. Tưởng vẫn chơi cái trò ra lệnh rồi phản lệnh, ra lệnh thẳng cho cấp dưới, bất chấp các viên tư lệnh, đổi nhiệm sở của họ theo ý riêng nay vầy mai khác của ông ta, thực là vô trật tự, thác loạn.
Bọn sĩ quan Hoàng Phố cũng vẫn dùng những thuật cũ để chiếm quyền. Khi các trong lãnh thay nhau cướp bóc Mãn Châu thì giá một chân tư lệnh tăng lên dữ dội…
F.F. Lieou hồi đó ở trong quân đội Quốc Dân đảng, hiện nay dạy học ở Princeton viết một cách nhã nhặn rằng “sự bất bình len lỏi cả vào những giai cấp tầm thường nhất”.
Ngày 15 tháng 9 năm 1947, cuộc tấn công cuối cùng bắt đầu. Mục tiêu là chiếm con đường xe lửa Thẩm Dương để cắt Mãn Châu ra khỏi Hoa Bắc.
Hồng quân từ chiến thuật du kích chuyển qua dùng chiến xa và đại pháo. Tưởng Giới Thạch kêu viên tổng tư lệnh về, phái Tou Youming lại thay, với Hsiung Shihi-hui, tham mưu trưởng của viên thống chế Mãn Châu, ông này mấy năm trước đã cầm đầu một phái đoàn qua Anh. Ai cũng biết thói vênh váo của bọn sĩ quan Hoàng Phố đó. Chính Hsiung phái Pao chỉ huy một đạo quân ở Mãn Châu.
Trong khi đó, ở bản thổ Trung Hoa, Hồng quân dùng chiến thuật của Mao mà củng cố được những căn cứ lớn tại Thiểm Tây và Hà Nam. Ngày 25 tháng chạp năm 1947, Mao Trạch Đông viết: “Chúng ta tới một khúc quẹo lịch sử. Đây là điểm quyết định mà chính quyền phản cách mạng do Tưởng Giới Thạch nắm từ hai chục năm nay tới đường cùng rồi, sắp bị tiêu diệt. Đây là điểm quyết định mà chính quyền đế quốc sắp bị tiêu diệt ở Trung Hoa… Quân đội Nhân dân Giai phóng đã làm cho bánh xe phản cách mạng quay ngược lại; nó làm cho Đế quốc Mĩ tháo lui, cho cả cái bọn bất lương do Tưởng Giới Thạch cầm đầu phải tháo lui…”
Chính trong những trận do Lâm Bưu chỉ huy ở Mãn Châu vào mùa thu và mùa đông 1947, mà quân lính của Pao đã bỏ anh hoặc giết anh. Từng sư đoàn một, quân lính bỏ qua phía Cộng và qua bên đó rồi thì họ thay đổi hẳn đi, chiến đấu giỏi…
Mùa hè năm 1948, ba trăm ngàn quân Quốc Dân đảng bị cầm chân trong các thị trấn Mãn Châu, hoàn toàn nhờ phi cơ Mĩ tiếp tế lương thực và quân nhu, còn dân chứng thì chết đói.
Giai đoạn cuối cùng chia làm bốn chiến dịch chính từ tháng 9 tới tháng chạp năm 1948, và kết thúc bằng sự tan rã hoàn toàn của quân đội Quốc Dân đảng tại Mãn Châu.
Sau đó, bằng những cuộc cường hành từ bốn mươi tám tới năm chục cây số mỗi ngày, quân đội của Lâm Bưu vô Hoa Bắc và chiếm các thị trấn: Thiên Tân, Bắc Kinh tháng giêng năm 1949; kế đó Lâm Bưu xông xuống Hoa Trung, vượt sông Dương Tử tháng tư – trong hai ngày mà 300.000 người qua được con sông rộng 1.600 thước đó, tức là tới Hoa Nam.
Mùa hè năm 1949, mọi việc đều xong, Trung Hoa, được giải thoát sự thống trị của Tưởng Giới Thạch, Tai Lee và các Sơ-mi-lam chấm dứt.
Chương 14:
Mùa hè 1945 ở Anh rực rỡ hơn các năm trước, mặt trời chói lợi hơn; nhưng có lẽ cảm giác đó chỉ là do tâm trạng tôi hết buồn rồi. Tôi ngẩng đầu lên nhìn mặt trời quí báu đó, nhìn nền trời có chim bay ngang; những luồng gió nhẹ làm cho các hang rào và đồng ruộng gợn sóng, đạp xe mệt quá, tôi ngồi phệt xuống đám cỏ cao: cánh đồng Anh đẹp đẽ, êm dịu như nhung và phì nhiêu. Tôi hít hương thơm các loài lan nhỏ mọc tự nhiên trong đồng miền Dorset, hít mùi mật miền Wiltshire đầy những dốc, những đồi đường nét cong cong uốn lượn mềm mại, như chất phác mà gợi cảm, khinh thường tất cả những cảnh núi cao rừng rậm, cho rằng không địch nổi chúng.
Các phi cơ phóng pháo thường vu vù xuất hiện, bay đi bay về từng đoàn, phát lên tiếng kêu ai oán ghê rợn. Tôi nhớ một buổi chiều nọ, chúng tôi đạp xe trên nhưng đường ngòng ngoèo, nằm trũng xuống, hai bên là nhưng hàng rào đầy hoa sơn trà, mỗi bông là một ngôi sao mới rực rỡ, trên đầu tôi một trái bom bay rít lên khi đi ngang, nhưng cánh đồng mát mẻ, trong trẻo thản nhiên không biết tới… Chúng tôi đưa tay lên che mắt, vừa nhai bánh nhồi thịt, vừa ngó lên, không giận mà cũng không sợ.
Tôi đã bắt đầu tập sự ở bệnh viện từ tháng tư, vì trường Y khoa ở đường Hunter trúng một trái bom V1, nên người ta đưa chúng tôi lại các bệnh viện ở vùng ngoại ô Arlesy, Saint Albans… Trong hai năm sau tôi học từng thời hạn ba tháng một, về y khoa, mổ xẻ, trong nhiều bệnh viện ở vùng lân cận Londres…
Trong thời gian đó tôi ở trọ trong những căn phòng có sẵn đồ đạc, bữa ăn do người thuê phòng nấu; tôi dùng những rề sô nhỏ xíu đốt bằng khí, bỏ một đồng Shilling vào thì có khí để đốt; trời lạnh như cắt, tôi đạp xe trên những con đường đóng giá; ăn thì hầu như bữa nào cũng có món cá và khoai tây rán, phải đứng mà nuốt vội nuốt vàng, không có vớ dài, vớ ngắn bằng len, treo vào một sợi dây trên cái rê-sô, tám ngày một khô. Ở một phòng dưới mặt đất, chung với hai nữ sinh viên khác trong chín tháng năm 1947, trả hai Anh bảng, mười shilling mỗi tháng, như vậy đã là xa xỉ, sung sướng phong lưu rồi đấy. Trong phòng đó chúng tôi có được một cái bếp nhỏ xíu, một cái thùng tắm, và một con mèo cái đặt tên là Minnehaha.
Tôi bận áo bờ-lu trắng (không mấy sạch) bỏ ống thính chẩn trong túi, đi thăm bệnh. Tôi tưởng tượng sau mấy năm cực khổ tôi thành bác sĩ y khoa, và ý đó làm cho tôi phấn khởi trong cảnh thiếu thốn, trong thời gian đó tôi biết được nhiều tình bạn đáng quí, nhất là tôi thực sự tập sống như đa số người Anh sống trong và sau chiến tranh, nhận những phần thực phẩm như họ, cùng túng thiếu mà vẫn vui vẽ như họ. Tôi đi những chuyến xe lửa, đáng lẽ theo thời gian biểu phải chạy hồi mười bảy giờ, nhưng cứ nằm ỳ ở sân ga hằng mấy giờ nữa rồi mới chuyển bánh, một hôm nọ, tôi ngồi sáu giờ rưỡi trong một toa xe chật cứng, đợi xe chạy, mà không một người nào nói với một người nào lấy một lời. Tôi thường chịu lạnh, thường sống dơ dáy, vậy mà sung sướng; có được ít ngày đáng kể là sung sướng nhất trong đời tôi, vì những ngày đó trẻ trung mà vô tư lự, nhưng có nhiều ngày khác không vui.
Vì trong mua hè của đời tôi đó, lòng tôi dịu rồi, nhưng một niềm lo sợ ngấm ngầm vẫn lởn vởn chung quanh vì sức khỏe của Yungmei sút đi. Tôi chưa thành y sĩ thì nó đau.
Số ba chục Anh bảng học bổng của British Council đủ cho tôi sống và trả học phí, nhưng còn Yungmei và Gillie, thành thử thiếu. Tôi phải kiếm tiền bằng những cách khác: bán quần áo và bản quyền tác gia, tôi làm nhân viên quản thủ Viện Bảo tàng Bệnh lí học ở bệnh viện Royal Free được 5 Anh bảng mỗi tháng. Nhưng người giúp đỡ tôi nhiều nhất chính là cô Gillie. Gần trọn hai năm 1945 và 1946, cô nâng đỡ đời sống của mẹ con tôi. Cô vẫn tôn trọng các tập tục xã hội mà lại sống với con người kì cục nhất, đáng ngờ nhất (tôi muốn nói tôi), điều đó đa số các bạn của cô không sao hiểu nổi. Cô hi sinh cho Yungmei, tìm được những cách tài tính để ở gần chúng tôi, nhờ vậy tôi mới học được, mới chiến đấu để đạt được mục đích thành một bác sĩ trong một thời hạn ngắn nhất. Hễ còn có phương tiện thì tôi rán cho Yungmei có nhà cửa đàng hoàng chứ không thể dắt nó theo tôi, sống trong những phòng mướn nhơ nhớp, hoặc lôi nó từ bệnh viện này tới bệnh viện khác. Mức sống của Yungmei không giảm theo mức sống của tôi; được vậy là hoàn toàn nhờ cô Glllie tìm chỗ giữ trẻ trong các gia đình phong lưu, và dắt Yungmei theo và chỉ nhận của tôi mỗi tuần một Anh bảng thôi. Vậy là cô đã làm việc để nuôi Yungmeỉ.
Tôi cần nhấn vào điềm này; bất kỳ lúc nào cô cũng có thể thôi giúp việc cho tôi và tôi sẽ phải bận bịu về một đứa bé năm tuổi là Yungmei. Nhưng cô khăng khăng không chịu xa nó, và đưa điều kiện rằng cô chỉ có thể săn sóc các trẻ khác, nếu cô dắt Yungmei theo; thời đó thiếu hạng nữ phó, mà cô lại có tài không ai bằng (vì quả thực cô có nhiều khả năng lạ lùng) thành thử không biết bao nhiêu người nhờ cô giúp việc. Và bà hàng xóm chúng tôi ở Winkfield, bà F. mừng lắm khi cô nhận lời giúp. Cô săn sóc mấy đứa cháu nội của bà F. lãnh tiền công của bà, nhưng thấp hơn, vì có Yungmei.
Nhưng Yungmei mỗi ngày một suy yếu: nó hóa ra khó tính, hơi gây gổ, và ngồi ăn không ngoan nữa. Trong cuộc đời bé bỏng của nó có nhiều sự thay đổi quá, cái đó ảnh hưởng đến thái độ của nó đối với cô Gillie và bà chủ nhà. Nó không hiểu tại sao lâu lâu mới gặp tôi, tại sao tôi phải làm việc nhiều như vậy, tại sao một số người lại thăm bà F., thỉnh thoảng có những nhận xét vô ý, vô tứ (làm cho nó tủi). Nó có kiến thức rất rõ rệt rằng nó là một con bé Trung Hoa, nó biết tự trọng, nhận ra cái giọng hạ cố của mấy người đó, hễ tôi lại thì nó níu chặt lấy tôi, không chịu rời ra mà khi tôi đi rồi thì nó không chịu ăn, hóa ra khó tính. Làm sao giảng cho nó hiểu rằng tôi phải làm việc cho nó và cho tôi, để hai mẹ con sống được?
Cuối mỗi tuần tôi rán lại thăm nó. Tôi không dám ở lại lâu ngại lạm dụng long tốt của chủ nhà. Một hôm tôi đem nó đi, mướn một phòng trong khách sạn rất nhỏ để mẹ con ở với nhau hai ba ngày. Lần đó tôi bắt gặp chị bồi khách sạn có bệnh “suyễn” đương nựng và hôn hít nó. Khoảng hai tháng sau, nó “phải cảm” nhưng dây dưa không hết. Nó mửa, nóng sút cân, Bà F. cho mời bác sĩ lại ông này bảo nó bị chứng sưng khí đạo, như tôi ngờ rằng bệnh nặng hơn, đem nó ra Londres, nhờ bác sĩ chuyên môn về bệnh lao con nít, ở bệnh viên Royal Free chẩn bệnh cho. Tôi bảo trước với nhà chuyên môn đó rằng hình như nó bị bệnh lao phổi ở giai đoạn đầu.
“Có cái gì khiến cho chị nghĩ như vậy?”
Nữ bác sĩ đó không tin lời tôi, vì ai còn lạ gì, sinh viên Y khoa thường dễ cho rằng người thân của họ hoặc chính họ bị những bệnh do đương học và lúc đó chúng tôi đương học về bệnh lao ở giai đoạn đầu…
Tôi kể lại cho bác sĩ nghe rằng tôi bắt gặp chị bồi ở khách sạn hôn Yungmei, áp mặt vào mặt nó mà nói và chị đó tự cho là bị bệnh suyễn, có tiếng ho khan rất đặc biệt, giọng lại khàn khàn. Yungmei được vô nằm phòng của trẻ em để bác sĩ xem xét trong bốn mươi tám giờ, nó mất cái giọng thanh nhã, lịch sự đã khó khăn tập được, mà nói bằng cái giọng nghẹt mũi “cockney” giọng bình dân Londres.
Bốn tuần sau, đưa nó về cho cô Gillie săn sóc thì cô nghe giọng mới của nó mà đâm hoảng.
Rọi phổi thấy một lá phổi đã bị lao nặng, ở thời kì thứ nhất… Tuy nặng nhưng săn sóc, nghỉ ngơi, tẩm bổ thì cơ thể nó cũng thắng được.
Vậy Yungmei trở về ở với cô Gillie tại nhà bà F… Nó nói giọng “cockney”, cố ý làm cho cô bực mình; nó đương ở thời kì phản kháng quyết liệt, đêm nào cũng mửa vì nó muốn được ở với tôi. Tôi giảng cho cô Gillie hiểu rằng chứng mửa đó có nguyên nhân tâm lí. Vài ngươi có thiện ý đưa ra những lí do về huyết thống, chủng tộc để giảng giải tại sao Yungmei lại làm bậy, lấy dao rạch một cái ghế bành cổ, đẹp nhất của bà F. Tội nghiệp cô Gillie, bị tứ diện tấn công, mọi người tới tấp khuyên cô phải thế này thế nọ. Riết rồi tới phiên cô cũng đau nốt, điều đó không có gì lạ. Dù sao thì tôi đã giao phó Yungmei cho cô, nó gần như là con cô, chính cô săn sóc nó suốt ngày, chứ tôi chỉ lâu lâu, rảnh mới lại thăm nó được một lát. Tôi kiếm cách đưa Yungmei đi nghỉ cuối tuần ở gần Dorset gần Lulworth Cove; thế là phải tiêu một món trong số tiền tác quyền cuốn Destination Tchoungking mà tôi đã cố dành dụm, không đám động tới. Trong mấy ngày đó nó không mửa nữa mà ăn như hổ đói. Vậy tôi tin chắc rằng nguyên nhân chỉ tại nó thâm oán cô Gillie, có lần nó quay lại nói thẳng vào mặt cô: “Khi má về thì cô có thể cút đi”. Đó là vấn đề tâm lí, nó cố ý hủy hoại sức khỏe của nó, nó phản kháng không ngừng, vì nó rất đau khổ, tội nghiệp cô Gillie, cô yêu nó như con, hi sinh tiền công vì nó, làm tất cả những gì cô có thể làm được, như là vì nó, mà cũng vì tôi nữa. Mà cũng tội nghiệp cho Yungmei, mới 5 tuổi đầu đã muốn lập lại cái tổ ấm gia đình! Ban đêm tôi trằn trọc suy nghĩ về vấn đề đó mà không tìm được giải pháp… và tôi đi hỏi ý kiến một nữ y sĩ chuyên trị bệnh thần kinh. Bà khuyên tôi thử gửi nó vô trường Caldecott ở miền Nam nước Anh xem sao. Tôi viết thư cho trường và tuần sau, cô Rendall, hiệu trưởng của trường, có dịp lên Londres, chúng tôi hẹn ngày giờ gặp nhau. Cô to lớn, khá béo tốt, cực kỳ cương quyết và thông minh, nói chuyện một lát chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhau. Tôi nói nhiều về Yungmei cho cô nghe rồi tôi đi thăm trường. Trường là một ngôi nhà rất đẹp ở giữa một khu vườn mênh mông, trồng cây lớn và có nhiều bồn cỏ rộng. Trường nuôi trẻ ưu uất, có đứa lạc loài, hoặc cha mẹ đau khổ quá làm chúng chịu lây. Trẻ ở trong mọi cộng đồng, mọi giai cấp. Tôi hỏi ý cô Gillie. Cô còn đau lòng hơn nữa vì vẫn tưởng Yungmei được học một trường “đàng hoàng” như hầu hết các trẻ khác cô đã dạy dỗ. Nhưng tôi tin rằng Yungmei phải rời cái giới lịch sự, hoàn toàn thiếu thực tế mà tôi có lẽ đã dại dột cho nó sống thử, mong rằng nó sẽ được sung sướng, an toàn, cái giới sang trọng, trẻ phải thay quần áo rồi mới đi uống trà [144] không bao giờ chơi dơ, chủ nhật có nữ phó dắt lại giáo đường, và luôn luôn cảm ơn bằng một giọng thanh nhã nhất. Vậy Yungmei ở trường Caldecott trong hai năm 1947 và 1948, và cô Gillie đành xa hẳn chúng tôi làm cho tôi mấy đêm không ngủ được; nhưng như vậy có lợi cho cả cô lẫn Yungmei, vì những xúc động mạnh mẽ đó mà không khí phân biệt giai cấp xã hội ở Anh có thể làm cho phát sinh ra, sẽ khiến Yungmei dễ bị những thác loạn về cảm xúc. Phải cho nó tìm thấy cái mức độ của nó, mức độ của hạng người thường. Trường Caldecott sẽ giúp nó trong việc đó.
Trường đó rất tốt về mọi phương diện. Có nhiều trẻ, hầu hết là Anh, nhưng cũng có trẻ em Pháp, Ý, có đứa cha mẹ giàu có có đưa cha mẹ nghèo khổ. Yungmei sống chung với chúng thật là tốt, vì hết thảy đều đã đau khổ; Yungmei không cảm thấy lạc lõng “ở ngoài” nữa; nó không thấy tác hại vì tôi là mẹ nó, trái lại, trong một vũ trụ mà người ta chấp nhận sự mẹ con xa nhau là thường tình, và ai cũng phải chịu những cảnh khổ não – trong các gia đình sang trọng nó đã sống, người ta cho rằng không có những cảnh đó – nó bắt đau mở lòng ra tiếp nhận thế giới, trong thâm tâm không phủ nhận, từ chối thế giới nữa, mà bề ngoài thì không lộ vẻ phản kháng nữa.
Không ngờ gì cả, Yungmei được cứu thoát nhờ trường Caldecott, nó lớn lên, hết đau phổi. Tôi được phép đặc biệt mỗi tháng lại thăm nó một lần, chứ không phải ba tháng một lần theo lệ; và tháng nào tôi cũng đều đều đi hành trình dài đó (thời đó coi là dài), mất hơn bốn giờ – đi và về – bằng xe buýt, bằng xe lửa, và tuy mẹ con tôi chỉ ở với nhau có vài giờ mà rất có lợi cho nó. Bây giờ nó đã khoe với bạn nó: “Má cưng tôi lắm. Tháng nào má cũng lại thăm”. Những lần thăm viếng đó rất quý cho cả nó lẫn tôi, cũng như những tấm bưu thiếp, nhưng bức thư tôi rán gởi liên tiếp cho nó, để nó lúc nào cũng tin rằng nó được tôi yêu, quý, và sở dĩ nó phải sống xa tôi chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc thôi.
Được khoảng sáu tháng, tôi thấy hơi vững tâm, dám viết thư mời cô Gillie lại uống trà và cùng đi chơi với Yungmei và tôi một ngày. Cô thật có tinh thần sáng suốt và hiểu biết đáng phục, vì cô đã vui vẽ, đại lượng chấp nhận sự việc đã xảy ra: mà cô làm sao không đau khổ được sau khi hi sinh mấy năm cho chúng tôi như vậy. Cho nên cô vẫn còn là một trong những người bạn quí nhất của tôi, tình thân thiết không một chút gợn, hiện nay Yungmei đã có con (nó nuôi con giỏi hơn tôi), tình đó cũng không hề giảm.
Đời sống chúng tôi lại tiếp tục. Nhưng bấy giờ tôi phải trả tiền trường cho Yungmei tất cả vào khoảng bốn Guinée[145] mỗi tuần, thành thử mẻ một miếng lớn trong số ba mươi Anh bảng học bổng tôi nhận được mỗi tháng. Nhưng rồi khéo tính toán, tiết kiệm, nhịn tiêu, tôi cũng trả được tiền trường, tiền mua giấy xe lửa, lại thỉnh thoảng đưa Yungmei ra ngoài chơi cho nó ăn tiệm, mua cho nó đồ chơi, sách và kẹo. Chị Cherry cũng giúp tôi: nhiều khi chị trả tiền phòng, tiền ăn trọ chung cho tôi nữa.
Mùa hè 1947 lại có thể du lịch Châu Âu được rồi, mặc dầu mọi người chỉ có quyền mang theo năm Anh bảng. Yungmei lúc đó đương nghỉ hè, chị Cherry và tôi, cùng nhau đáp tàu qua Bỉ, vì có chị Georgette Acker mời qua chơi. Chị Georgette là bạn học của tôi ở Đại học Bruxelles mười năm trước, chị nhờ tòa Đại sứ Bỉ ở Londres cố tìm tôi cho được.
Hồi học với nhau, chị đã theo Cộng. Khi chiến tranh Trung Nhật xảy ra năm 1937, chị và chồng chị ở trong Hội Ái Hữu Trung – Bỉ, với tu viện trưởng Bolland mà tôi đã diễn thuyết giúp cho nhiều lần về Trung Hoa. Tôi nhớ nhất chị Georgette vì đức kiên nhẫn sắt đá của chị trong mọi công việc chị làm. Mười năm sau tôi thấy chị cũng như trước: dịu dàng, dễ thương, đời sống khó khăn mà vẫn vui vẽ, thành thực, hy sinh vì lý tưởng; trong thời chiến tranh, chị hoạt động cho quân đội giải phóng trong dãy núi Ardennes; rồi sau trở về Đảng, chị gặp “một bọn thanh niên trong chức vụ chỉ huy”, họ đặt chị trở về địa vị cũ của chị. Chị quả quyết tin rằng có Công sản mới tạo được một tương lai tốt đẹp hơn cho cả nhân loại và chị mỉa mai một cách nghiêm khắc đảng Cộng sản Bỉ là “một bọn tiểu tư sản chỉ lo đếm tiền lời các cổ phần”. Rồi chị cười, nói thêm: “Tương lai thế giới ở Trung Hoa, nên theo dõi kĩ cuộc cách mạng đương xảy ra ở đó, nó sẽ làm chấn động thế giới đấy…”
Chúng tôi ra bờ biển, ở Ostende, tôi bỏ ra ba ngày kiếm bà con bên ngoại, thấy nhiều người đã không còn; tôi gặp lại bác Hers. Một ông bạn của Georgette cho hay bác làm ở ngân hàng Bruxelles, tôi kêu điện thoại lại, nhận ra giọng nói của bác; bác không ngạc nhiên khi nghe tiếng tôi, nhưng tỏ vẻ hơi cách biệt. Nhưng bác cũng mời tôi lại ngân hàng, lúc đó 10 giờ sáng, tôi lại liền. Bác ngồi trong phòng giấy trang nghiêm, bàn ghế to lớn chắc chắn, láng bóng, bọc da màu nâu. Tôi bảo: “Ha, ha, bác đã lên chức rồi!”. Bác đáp: “Bây giờ tôi đã có vợ, phải, có vợ rồi!” – “Xin có lời mừng bác”. Rồi, mặt lạnh như bức tường, bác tiếp tục: “Bác đã cưới một thiếu nữ trẻ, rất trẻ: ghen một cách vô lý. Nó nghe ai kể chuyện về cháu, rồi không muốn gặp mặt cháu, nó ghen kinh khủng, ghen thời dĩ vãng của bác, ghen với tất cả những người bác đã quen; nó còn trẻ lắm. Bác không muốn giới thiệu cháu với nó đâu, vì bác muốn tránh chuyện rắc rối trong gia đình”. Tôi đáp: “Nhưng bác gái không có lý do gì để ghen với cháu” – “Bác biết chứ, nhưng nó bị thiên hạ đầu độc sao đó và nó ghét cháu lắm”. Tôi bật cười, thấy bác mà trước kia tôi vẫn tưởng là con người rất độc lập, có thể bắt bất kì ai cũng phải theo ý mình, bây giờ sao bỗng hóa ra nhút nhát tới mực đó. “Bác biết chứ, cháu từ hồi nào chỉ để ý tới những người đàn ông trạc tuổi cháu thôi mà!”. Tôi buột miệng nói ra như vậy rồi mới thấy rằng mình có giọng hiểm độc, vì năm 1947, bác Hers sáu mươi tuổi mà cô vợ mới khoảng đôi mươi.
Vài tuần sau, tôi làm quen với cô đó, thấy cô đẹp, dễ thương, thông minh, khác hẳn lời bác Hers tả. Bác lần lần hóa ra một đạo sĩ quá mức, nhà lúc nào cũng đầy cha cố, nữ tu sĩ… theo lời cô. Cô có tài điêu khắc mà chồng không cho phát triển, bằng cách giản dị này: bắt làm tối tăm mặt mũi các công việc trong nhà (họ có ba con) tôi nói cô phải phản kháng lại một cách tàn nhẫn như tôi đã cư xử với Pho.
Năm 1947, khi tôi thấy bác Hers lật lật các hồ sơ trên bàn một cách ngượng ngùng, tránh không nhìn thấy tôi, tôi suýt bắt cười. Tôi cho bác hay rằng tôi đương học Y khoa còn Pao cầm quân ở một nơi nào đó tại Trung Hoa, và tôi tính học xong sẽ trở về nước. “Trở về Trung Hoa? Cháu điên hả? Hồi nào tới giờ cháu vẫn điên, và bác tin chắc rằng cháu không học xong Y khoa được đâu” – “Bác nói vậy là “trễ tàu” rồi: cuối năm nay cháu học xong”.
Rồi tôi lại thăm Jeanne, chị của anh Louis. Chúng tôi bắt đầu viết thư cho nhau từ hồi tôi không chịu nhận gia tài của Louis, và từ đó chúng tôi tiếp tục hỏi thăm nhau. Chị mời Cherry, Yungmei và tôi về ở một tuần với chị tại miền quê. Chúng tôi đáp một chuyến xe lửa nó ỳ à ỳ ạch, lúc la lúc lắc đưa chúng tôi tới một làng quê miền Wallonie, nơi đó có cái trại của Jeanne. Trại có một sân rộng chất đầy phân – vài nơi miền Bắc nước Pháp cũng vậy – coi đống phân cao hay thấp mà người ta biết chủ nhà giàu hay nghèo. Nhưng người ta bảo chúng tôi rằng nước giếng ngọt (nó ngọt thật) và tha hồ ăn kem và sữa. Ruồi nhiều vô kể. Yungmei lại tỏ tài thích ứng: nó với đứa con trai nhỏ của Jeanne chạy khắp nơi, đánh nhau với trẻ con trong làng và học tiếng địa phương ở đó một cách dễ dàng tơi nỗi tôi ngại nó quên hết tiếng Anh. Nó lại nhiễm rất mau những thói xấu của đứa con chị Jeanne: đưa ngón tay ngoáy lỗ mũi, ăn bốc…
Tôi cũng như chị Cherry thấy cảnh thôn quê đó khó chịu, bực bội quá, lại thêm bao tử tôi không chịu nổi thứ kem trộn với ruồi đó, muốn mửa, và lúc nào cũng lo Yungmei gây lộn với bọn trẻ mất dạy trong trại, có lần bị chúng cầm gậy nhọn đâm lòi mắt ra thì khốn, cho nên chúng tôi nồng nàn từ biệt chủ nhân, lại đáp chuyến xe chạy chậm như rùa để trở về căn nhà thích thú của Georgette ở Bruxelles…
Chương 15:
… Làm nữ sinh viên trong chiến tranh và vài năm sau chiến tranh là phải sống cuộc đời thiếu tiện nghi, thiếu vệ sinh và chịu rét, thường chịu đói nữa, lâu lắm mới được tắm rửa, tới nỗi thành một thói quen ở dơ, khiến cho bà LLoyd Williams, giám đốc bệnh viện Royal Fee, một năm sau chiến tranh phải khuyên chúng tôi tập có thứ tự, sạch sẽ hơn.
Trong những tuần, những tháng đó, tôi gắng sức không ngừng, ương ngạnh xong tới, không hiểu được tại sao lại có những người cứ bình tĩnh thủng thẳng học, không rán rút thật nhiều kinh nghiệm khi theo giáo sư đi khám bệnh. Sau hai năm chín tháng, khi được phép, tôi ghi tên thi một lúc tất cả các môn, để có bằng cấp cho thật mau và thi đậu được bằng cấp Y khoa trong một thời gian kỉ lục, ít lâu sau tôi thi lấy bằng cấp của trường Y khoa Đại học Londres và đứng trong số bốn người đầu trên hai ngàn thí sinh.
Tôi hấp tấp, vội vàng, hung hăng tiến tới như vậy làm cho có người mến mà cũng có người không ưa. Tôi là một con quỉ làm việc, điều đó không ai chối cãi: những khi tôi thành nội trú về khoa mổ xẻ, nghị lực đó khiến tôi chiếm hết cả các giường trống, thành thử số bênh nhân tôi săn sóc nhiều gấp đôi số bệnh nhân của chị bạn nội trú kia như vậy, đối với chi, tôi nhất định là không lương thiện. Sau lưng tôi, tôi nghe thấy Thời gian và sự Túng thiếu thúc đẩy tôi phải chạy cho hết tốc độ. Ngoài việc lo cho Yungmei, tôi còn một niềm bận tâm nữa, và lần này cũng như mười năm trước, nỗi bận tâm đó là Trung Hoa.
Tôi tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ ở lại Anh làm việc. Thế nào tôi cũng phải về nước, con đường đó đã vạch rồi, tôi sẽ theo; tôi sẽ không lết lạii ở phía sau, ngồi đó thơ thẩn, ung dung hưởng đời… tôi sẽ hết sức chiến đấu, rồi trở về, trở về…
Tháng 8 năm 1945, trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima làm cho tôi đau khổ mấy ngày. Lúc đó chung quanh tôi ở Welwyn Garden City và tôi còn nhớ rõ buổi chiều tháng tám đẹp trời đó, hàng rào rất xanh, và những hàng tít lớn trên các tờ báo người nào cũng cầm trong tay. Nhiều năm tôi đọc Kingskey Martin, thấy phản ứng của ông như của tôi, cũng ghê tởm như tôi và nỗi bất bình giày vò tôi, không cho tôi yên. Tôi ép chị Cherry đi dạo phố dưới ánh nắng với tôi, tôi bảo chị rằng đó là hành động tội lỗi nhất, vô tiền trong lịch sử nhân loại… Tôi lại thấy trong lòng tôi nổi lên sự ghê tởm, tàn ngược, muốn nguyền rủa hết thảy loài người; chị Cherry, như hầu hết các sinh viên cho rằng trái bom đó “rút ngắn chiến tranh” làm cho tôi nổi giận không tưởng tượng được. Người Nhật muốn có tội gì thì tội, không đáng bị cảnh đó; những kẻ chết kia là dân trong một thành phố, đàn ông, đàn bà, trẻ em; nhưng chung quanh tôi, thái độ chung là tự đắc, vui mừng nữa, một chị nội trú còn nói rằng đáng lẽ phải thả bom nguyên tử tàn phá trọn nước Nhật kia. Thời gian qua đi, nỗi lo lắng không thể hiểu nổi của tôi khiến tôi lầm lì, làm thinh, nhưng nó không bao giờ mất hẳn.
Tháng 9 năm 1946, tôi qua Irlande để làm Y sĩ phụ khoa tại bệnh viện Rotunda. Chị Cherry và tôi xuống tàu đi Dublin (kinh đô Irlande). Ở Anh, thực phẩm còn phải hạn chế (một tuần được một quả trứng), mà ở Irlande trứng rất nhiều[146], hai ba quả để điểm tâm mỗi buổi sáng, chúng tôi cho là một sự xa xỉ không tưởng tượng được. Trái lại, chúng tôi kinh ngạc, trong các nhà nghèo, rệp sao mà nhiều thế. Tôi chưa hề thấy ở đâu rệp lớn và mập như vậy. Chị bồi phòng của chúng tôi bảo “Đó là rệp Cabra”.
Khu Cabra ở cách bệnh viện chúng tôi khoảng sáu cây số, chúng tôi đi xe đạp lại đó thăm bệnh nhân, và nhiều khi chúng tôi tới trễ. Ở khu đó thì phải là hạng người rất nghèo, thất nghiệp, có ít nhất là 5 con. Vậy mà chúng tôi luôn luôn được tiếp đãi với những lời chúc tụng niềm nở. Chúng tôi nghe giọng Irlande rung lên êm đềm như tiếng hát, các “bác sĩ” được đãi trà, bánh mì (trắng) phết bơ. Ngay thai phụ cũng chào chúng tôi nữa: “Thưa bác sĩ, tôi rầu quá, tôi đã rán giữ nó lại đợi bác sĩ tới mà không được”. Rồi các sản phụ đó xin lỗi chúng tôi như thể đã bất lịch sự với chúng tôi vậy; chúng tôi tiu nghỉu, cắt cuống rốn rồi bôi thuốc tím (teinture d’iode) lên.
Ở bệnh viện Rotunda, cả bên trong lẫn bên ngoài đều đồ sộ, chúng tôi không lúc nào thiếu việc. Ở trong vô số phòng đẻ, ngăn cách bằng bức bình phong, sản phụ nằm từng hàng, từng hàng, người nằm cũng chịu những nỗi đau đớn và hưởng những mềm vui như nhau. Có phòng không lúc nào ngừng sản xuất em bé. Chúng tôi đỡ đẻ cho họ, nhưng cũng tập đừng can thiệp một cách vô ích.
Bệnh viện Rotunda có nhiều nam sinh viên Y khoa rất sẵn sàng mời các nữ sinh lại các quán rượu ở Dublin. Qua Irlande, bệnh tởm đàn ông của tôi đã không hết mà còn tăng vì ngay cái đêm chúng tôi tới, bọn nam sinh viên liệng vào cửa phòng cài then kĩ của chúng tôi bốn mươi hai cái vỏ chai la ve, cứ mười phút một cái, như vậy suốt đêm…
Trong khi chúng tôi ở Rotunda, một thanh niên Anh tên là John Coast, thình lình lại Dublin thăm tôi. Mặc dầu tôi có ác cảm với toàn thể đàn ông mà John Coast vẫn tìm cách gây cảm tình với tôi. Tôi gặp ông ta là do Dorothy Woodman giới thiệu. Tính tình thực thà, cởi mở, rộng rãi và ân cần với tất cả mọi ngươi, bất kì nước nào sau chiến tranh, bà Dorothy tổ chức rất nhiều ủy ban giúp đỡ châu Á, mở rộng nhà ở Londres và ở thôn quê để tiếp đón nhiều sinh viên châu Á; những ngày “thứ năm” của bà, ai tới nhà bà cũng được, bà nấu vô số món ăn chay rất ngon để đãi một đám trí thức Á châu lơ mơ (nhưng cũng có ngươi thực sự) theo một tả đảng; những khi người chủ nhà của tôi keo kiệt quá về khoản ăn, thì nếu có thể được, tôi lại dự những bữa cơm chay đó.
Dorothy Woodman cũng như Kinesley Martin là sản phẩm của tài cai trị của người Anh: họ thuộc cánh tả của chế độ. Người Anh [147] ngây thơ săn sóc kẻ thù tương lai, nuôi họ cẩn thận và vui vẻ nghe họ chửi rủa, mạt sát mình, biết rằng hễ thời thế thay đổi thì những kẻ thù đó không quên lòng tốt của mình. Trong căn nhà rộng rãi của Dorothy, người ta tha hồ thảo luận, đưa những ý kiến cực kì táo bạo và chống đối, và nhiều người Á coi những giờ thảo luận đó là những giờ đẹp nhất trong đời.
Bán một chiếc áo dài may theo kiểu phương Đông, Dorothy mời mọc chúng tôi ngốn từng núi thức ăn, đưa những nhận xét tế nhị, mỉa mai để kích thích chúng tôi thảo luận, dắt các bạn Á châu của bà đi nghe hòa nhạc, coi hát bóng hoặc triển lãm họa phẩm.
Tôi không thuộc hạng “ngựa tơ” của bà, không bàn chính trị, không có tài tranh luận. Tôi chỉ đem cái háu ăn vĩ đại của tôi lại các cuộc hội họp đó thôi. Tôi còn mãi ăn, đâu có nói được, ăn mau ghê gớm (vì thì giờ của tôi hạn chế lắm), khiến Dorothy thất vọng chê tôi là “tài tử”, tiếng đó không đúng. Bà bảo tôi là “câm miệng như hến”. Tôi gật đầu, miệng đầy thức ăn, thì làm sao đáp được. Bà có thể nói thêm tôi là con hến miệng ngậm bánh “săng-duýt” (sandwich…). Mặc dầu vậy, bà đối với tôi rất tử tế, vì tôi có đáp lại được gì đâu. Bây giờ tôi còn trông thấy bà bận một cái longyi Miến Điên, hoặc một cái sà-rông Mã Lai, một cái sà-ri Ấn Độ, đeo chuỗi san hô, chạy tới nhóm này qua nhóm khác, vui vẻ khoe “Tôi đã sút được gần hai chục kí”. Số cân lúc tăng lúc giảm của bà là một đề tài quan trọng trong câu chuyên.
Dorothy rất quan tâm tới Trung Hoa và mời tôi dự một buổi mít tinh do Ủy ban Vận động cho Trung Hoa tổ chức trong buổi đó, Michael Lindsay sẽ nói về Diên An.
Hồi đó Lindsay chưa là “huân tước”, đã ở Hoa Bắc được vài năm, đã vô Diên An rất lâu, gặp Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức; đã cưới một thiếu nữ Trung Hoa ở Diên An. Ông trở về Anh và khen Diên An lắm…
Chính trong buổi đó, bà Dorothy Woodman giới thiệu John Coast với tôi; ông này đã bị Nhật bắt giam bốn năm, đã làm việc trên đường xe lửa mà Nhật xây cất ở Xiêm; lúc đó ông trở về Anh, thì cuốn Railroad of Death của ông mới xuất bản, John ngồi ở hàng ghế sau, ngay sau lưng tôi; ông ta cố mời tôi trưa hôm sau đó đi ăn tiệm, rồi hỏi cưới tôi liền, bảo rằng mê cái phía sau ót của tôi.
Tôi không còn nghĩ tới cái chuyện yêu một người đàn ông nào nữa nên lời nói đó chẳng làm cho tôi mất lòng mà cũng chẳng làm cho tôi xúc động. Tôi đáp rằng tôi biết ông ta nói đùa, và dĩ nhiên tôi không nhận lời được vì đã hoàn toàn không chú ý tới đàn ông nữa. Như vậy lại càng làm cho ông ta hăng hái đeo đuổi trong mấy tháng, cứ hai tuần một lần lại mời tôi đi nghe hòa nhạc hoặc coi các vũ khúc, hi vọng rằng tôi sẽ đổi ý.
Nhưng ông ta không hiểu rằng tôi mệt mỏi, lúc nào cũng mệt tới cái mức ngủ say trong khi nghe nhạc, ông ta không hiểu được tại sao tôi phải làm việc không ngừng, tại sao tôi không muốn đi chơi với ông: vì tôi thiếu ngủ. Chẳng lãng mạn chút xíu nào, quần áo, đầu tóc lôi thôi, tôi cứ tự nhiên như vậy. Ông ta tin chắc rằng có thể cải hóa tôi được: “Cô rất đẹp… nếu chịu bỏ bộ đồ nữ hướng đạo sinh đó đi…” Tôi không chịu bỏ, ông ta bảo tôi bị cái tật “quá nghiêm trang”. Đúng.
John Coast lại Dublin ba ngày trong khi tôi làm ở bệnh viện Rotunda. Ông ta chấp nhận hoạt động của tôi nhưng bắt đầu cảm thấy rằng khó mà cải hóa tôi thành một người đàn bà đẹp đẽ, lịch sự, tự tín mà lại vui vẻ được. Kế đó ông ta yêu một người khác, và chúng tôi vẫn giữ tình bạn với nhau. Sau ông ta làm ở Bộ Ngoại giao, được phái làm tùy viên Văn hóa ở Bangkok rồi ở Indonésia, viết được hai cuốn sách hay: Recruit to Revolution và Dancing out of Bali.
Trừ cuộc tình duyên không thành đó ra, không có gì khác xảy ra trong bốn năm học và nội trú đó. Không có gì làm cho tôi xúc động, từ trước tới sau vô tình như vậy; tất cả tinh lực của tôi chỉ hướng vào mỗi một chiều: yêu và săn sóc Yungmei. Mùa đó là một mùa khô khan, không có những sự thống khổ nó bồi dưỡng ta, không có những sợ sệt run rẩy, không giận, không ham, không thất bại, chỉ là một mùa làm việc không nghỉ, không ngừng. Tuy nhiên, mặc dầu chống với xu hướng mơ mộng, mà tôi vẫn cảm động trước các cảnh đẹp thiên nhiên…
… Nụ cười của Yungmei còn hơn niềm vui nữa, nó là không khí ấm áp bao bọc tôi, tiếng lá xào xạc trong những con đường nhỏ hai bên trồng cây mà mẹ con tôi dạo gót. Yungmei siêng năng, nghiêm trang hái hoa mao lương [148]. Nhìn nó vui chơi, sức khỏe dồi dào, đôi khi tôi nghĩ tới cái bệnh lao nó mang trong người, và tôi tự hỏi một ngày nào đó, bệnh có âm hiểm tái phát không… và tôi lạnh mình lo sợ, vội vàng trở lại làm việc, làm việc hăng hái, siêng năng… Chỉ có sự thành công của tôi là che chở cho Yungmei khỏi bị mọi tai họa thôi.
Tháng giêng năm 1948, tôi thi, mới đầu đậu bằng cấp L.R.C.P [149], rồi đậu bằng cấp M.R.C.S [150] để được vô làm nội trú trong bệnh viện Royal Free. Ngoài mấy giờ làm việc ở Viện Bảo Tàng Bệnh lí học đường Hunter, trong sáu tháng cuối tôi còn học ở Trường Y khoa miền nhiệt đới và vệ sinh công cộng. Vì tôi muốn trị những bệnh như dịch tả, typhus [151], dịch hạch, cùi, rất hiếm tại Âu châu mà lại hoành hành ở Trung Hoa. Sau tôi nhận được bằng cấp M.B.B.S [152] với khả năng riêng về Giải phẫu và Bệnh lý.
Suốt thời gian học, tôi có cảm tưởng rằng ngoài cách giải thích mà người dạy và truyền cho chúng tôi một cách nghiêm trang, long trọng còn có cách giải thích khác nữa. Về nội khoa, có sự chuyên môn đến cao độ (giải phẫu, phụ khoa, sản khoa) thì cũng vậy, tôi không đồng ý với các y sĩ chỉ xét riêng có bộ phận đau của bệnh nhân. Và ông hình như cho rằng cái gì cũng do tim hoặc gan hoặc bao tử gây ra cả, khuynh hướng đó không chỉ nực cười mà sinh ra biết bao sự lầm lần trong khi trị bệnh. Về khoa giải phẩu, có lẽ còn tệ hơn nữa; người ta cứ cắt đại bao tử, giáp trạng tuyến (glandes thyroides) và các bộ phận khác nữa, trong khi có thể trị bằng cách khác.
Nhưng tôi có tư cách gì mà dám tỏ ý nghi ngờ. Tôi chăm chú đọc các tác phẩm của Hans Selye viết về các bệnh tâm thể[153], về sự mệt nhọc, mà lí thuyết hồi đó bắt đầu được chấp nhận, và tôi càng cảm thấy rằng muốn trị cho công hiệu bất kì một bệnh gì cũng cần xét kì “toàn thể bệnh nhân”. Nhưng còn nhiều tin tưởng cổ lỗ nổi danh từ lâu về nó. Người ta dạy chúng tôi những qui tắc lầm lẫn, do tri thức còn thiếu sót. Người ta bảo rằng ở châu Á không có chứng sốt cấp tính do phong thấp [154] cũng không có chứng huyết áp cao vì người châu Á ăn gạo và tính khí “thụ động” hơn; hai huyền thoại đó nay không còn ai tin nữa. Tôi lo lắng vì nhiều sự chẩn đoán sơ sài quá. Sau này trong mười lăm năm trị bệnh ở châu Á cho người Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, tôi đã phải bỏ nhiều điều sai bét người ta đã dạy cho tôi, vì tôi cứ coi sách mà ra toa chứ không chịu xét toàn thể bệnh nhân, tinh thần lẫn thể chất. Khi lầm lẫn mà lại cho bệnh nhân chết hoặc tàn tật suốt đời, thì y sĩ không sao chuộc được tội của mình cả. Những yếu tố tinh thần của mỗi bệnh, những nguyên nhân sâu xa nằm trong thái độ của bệnh nhân, cách phản ứng với biến cố, cách chấp nhận hay không chấp nhận hoàn cảnh, khi gặp cảnh đau khổ, sợ sệt, thất bại hay rầu rỉ… những yếu tố đó cũng như những yếu tố vui vẻ hạnh phúc, tôi cho là rất quan trọng trong nghệ thuật trị bệnh, nhất là khi trị bệnh cho phụ nữ và cả trẻ em nữa…
Cuối tháng hai năm 1948, tôi đã xong một năm nội trú về khoa giải phẩu ở Bệnh viện Royal Free; và tôi có thể hoặc ở lại Anh, làm việc trong các bệnh viên, hoặc trở về Châu Á. Cách thứ nhất dễ mà lại hợp lí hơn cách thứ nhì.
Nội chiến ở Trung Hoa sắp kết thúc trong cơn bão tố của một cách mạng thành công. Những chiến thắng của Mao Trạch Đông làm cho tôi mừng lắm (bất kì chế độ nào cũng còn hơn chế độ Quốc Dân đảng): nhưng đồng thời tôi cũng lo vì không ai biết được sẽ xảy ra những gì. Cái lỗi thực điên khùng mà người Mĩ đã mắc khiến cho họ phải vĩnh viễn từ bỏ hết các tham vọng của họ là đã lựa chính sách ủng hộ triệt để (chỉ không chính thức liên kết thôi, may cho họ là biết ngừng ở đó) một kẻ thối nát đến xương tủy, bị 85% dân Trung Hoa oán ghét từ bỏ, tức Tưởng Giới Thạch. Vậy mà họ vẫn tiếp tục “tiêm” rất nhiều tiền bạc, khí giới cho Tưởng, họ vẫn cướp bóc, vì để kiếm tiền và khí giới, bọn Tưởng đã bán cho Mỹ cả không khí ở trên đầu, cả sông biển của Trung Hoa, và tất cả các đặc quyền thương mại, nếu Tưởng mà thắng thì Trung Hoa sẽ vĩnh viễn thành một thuộc địa của Mỹ.
Viện lẽ để giúp chính quyền hữu hiệu mà đưa quân đội ngoại quốc vô Trung Hoa thì chỉ làm cho chính quyền đó mau sụp đổ: như vậy là làm cho nỗi bất bình, oán hận của dân chúng tăng lên, là đồng hóa Mỹ với Tưởng Giới Thạch, mà chính Mỹ bị thêm cái bệnh ảo tưởng rằng mình tuyệt mạnh, rồi dùng những ngôn từ đạo đức huênh hoang để giảng sự can thiệp của họ và có tâm trạng tự cao, tự đại điên cuồng đó thì tới khi thất bại chỉ còn cách la om sòm rằng bị phản bội thì dân Mỹ mới nuốt trôi được.
Những hoạt động cuồng loạn (không thể gọi bằng tên nào khác được) của Mỹ ở Trung Hoa trong thời nội chiến chỉ giảng được bằng nguyên nhân này: họ muốn thực hiên một kế hoạch thống trị đại qui mô, vì cho tới ngày cuối cùng, bàn tay tham lam của bọn con buôn Mĩ làm áp phe, cố moi móc, vơ vét trong tòa nhà đổ nát của Trung Hoa, kí khế ước, lập kế hoạch độc chiếm thị trường, đem sản phẩm Mĩ vô tràn ngập các thị trấn Trung Hoa. Ngày nay, trước chiến tranh Việt Nam – tột đỉnh của chính sách tai hại thống trị châu Á – đa số dân chúng Mĩ đã bắt đầu hiểu rằng bao lâu nay họ đã bị chính quyền gạt gẫm.
Cuối năm 1946, năm mươi bảy sư đoàn Quốc Dân đảng gồm 707.200 người đã được Mỹ huấn luyện và cung cấp khí giới để dùng trong nội chiến; việc huấn luyện nhân viên mật vụ vẫn tiếp tục. Mười ba đạo quân Quốc Dân đảng gồm 473.000 người đã được phi cơ và tàu Mỹ chở đi đánh Hồng quân; tám trong số mười ba đạo quân và mười hai liên đội kỹ sư và kỹ thuật gia đó được chở bằng đường bộ và đường hàng không lên Mãn Châu để đánh Lâm Bưu. Từ 1945 đến 1949, Mỹ huấn luyện, cung cấp khí giới và trả lương 850.000 người để chiến đấu cho Tưởng Giới Thạch.
Như trong mọi cuộc cách mạng, phong trào bài Mỹ phát sinh từ giới sinh viên tại tất cả các thị trấn lớn vào tháng giêng năm 1947. Nguyên nhân gần là một thiếu nữ Trung Hoa bị một bọn “lính thủy” Mỹ hiếp dâm, nhưng đó chỉ là một vụ rắc rối nhỏ như nhiều vụ khác. Sau này chính ba tôi tả cho tôi nghe lòng dân chúng căm thù người Mỹ ra sao. “Chúng muốn làm gì thì làm, chửi người ta, đấm đá cu ly, buộc cu ly phải chạy đua như bầy súc vật”.
Và một ông bạn sau này tôi gặp ở Hương Cảng: “Tụi Mỹ đi tới đâu là mở ổ điếm tại đó. Họ là một đạo quân chiếm đóng. Họ chở tới rất nhiều vật dụng và họ phung phí cho hết. Cái gì họ cũng có quá nhiều, họ bán số thừa thải để lấy tiền. Bọn “lính thủy” bán thuốc lá, thịt, vớ… có một số đàn bà giao thiệp với họ để kiếm son bôi môi, hàng lụa, vớ ni lông, thức ăn. Họ mua quịt, họ hành hạ kẻ nào họ không ưa…Thành phố nào cũng hóa ra thối tha. Mọi người đều oán ghét họ, cả những người rút rỉa tiền của họ. Quả là đạo quân chiếm đóng”. Và bọn G.I [155] cũng biết rằng họ ghét: “Bọn đó ghét chúng ta. Mà tại sao chúng ta lại tới đây”. Sinh viên biểu tình lớn để bài Mỹ: “Mỹ cút đi!”. Ở Thượng Hải, ở Bắc Kinh, Nam Kinh, Thiểm Tây: “G.I cút đi!”.
Nhưng người Mỹ cứ bám tới cùng, không muốn Mỹ hóa hoàn toàn nội chiến Trung Hoa, như vậy phải cần một triệu G.I. để chiếm đóng vài thị trấn, mà cũng không chịu rút hết ra khỏi Trung Hoa.
Năm 1948, khi Tưởng Giới Thạch qua Đài Loan, ông ta mang theo được 450 triệu Mĩ kim bằng vàng thoi; Mỹ đã tốn vào trong chiến tranh đó 5,9 tỷ Mỹ kim [156]. Vì thất bại chua chát, họ xoay ra “săn bắt bọn phù thủy” [157] do đó mới có bi kịch của giai đoạn Mac Carthy [158] ở Mỹ.
Mặc dầu các bạn thân khuyên tôi ở lại, tôi cũng quyết định rời Anh để về Trung Hoa. Isobel Cripps cho rằng tôi làm vậy là mạo hiểm. Tôi bảo rằng dù tôi không vô lục địa Trung Hoa thì tôi cũng muốn về gần nó hơn chứ ở Londers xa quá. Tôi đã sống xa Trung Hoa sáu năm rồi và tôi bắt đầu thấy khó chịu, áy náy, vì tôi không có ý học Y khoa để rồi sống yên ổn, đông thân chủ ở Londres. Dĩ nhiên còn phải nghĩ tới Yungmei nữa, cô Rendell, hiệu tưởng trường Caldecott bất bình lắm: “Ở đó có cách mạng mà bà muốn lôi con bà về, bắt nó sống trong cái địa ngục khói lửa đó”. Tâm hồn tôi giao động. Một y sĩ giải phẩu mà tôi đã giúp việc, cho tôi một chỗ rất tốt, làm nội trú cho một bệnh viện khác. Tổ chức Burroughs Wellcome đề nghị với tôi một chỗ làm trong phòng bệnh lí của họ vì tôi đã đậu môn bệnh lý cùng với môn giải phẫu. Tôi lại hội kiến và rốt cuộc tôi từ chối.
Tôi bảo tôi phải về châu Á; thực khó giảng quá vì ai cũng mong tôi nhân lời. Người đề nghị tôi đâm ra bực mình bảo: “Bà không thể tiếp tục liệng bánh của bà xuống nước như vậy được”. Tôi từ chối vài nơi khác nữa.
Tháng chạp năm 1948, hai ngày trước khi hết hạn một năm nội trú, tôi sửa soạn hành lí, lại trường đón Yungmei ra, còn chút tiền tác giả về cuốn Destination Tchoungking, tôi mua hai vé máy bay và đầu tháng giêng 1949 chúng tôi đi Hương Cảng. Trong một năm nội trú ở bệnh viện Royal Free, tôi được lãnh khoảng 2 Anh bảng mỗi tuần, ăn ở trong bệnh viện.
Trong khi máy bay gầm thét và cất cánh (thời đó đi du lịch bằng máy bay thật là lãng mạn, mê hồn), tôi cảm thấy đã làm xong một nhiệm vụ. Tôi bỗng nghĩ tới con người của tôi mười năm trước, năm 1938 khi tôi rời châu Âu mà trở về Trung Hoa đương kháng Nhật. Lúc đó tôi thực là chân thành, thật thà, nhiệt tâm, mắt đăm đăm hướng về Trung Hoa - và về Trung Hoa tôi đã bị hành hạ tàn nhẫn - mà bây giờ tại sao tôi lại từ bỏ một cuộc đời an toàn, êm đềm, bỏ một nghề chắc chắn, lại dắt Yungmei theo nữa? Tôi sẽ làm gì bây giờ đây? Tại sao lại có cái nhu cầu không cưỡng được phải đi đó? Tôi lại sắp trở về cảnh địa ngục chăng?
Nhưng tôi gạt ngay ý nghĩ đó đi. Vì tôi đã học được chút ít gì rồi: tôi đã hóa ra thận trong hơn, đa nghi hơn, không ngây thơ như trước nữa. Mặc dầu tôi chưa hề lầm lẫn một cách ngu xuẫn đến nỗi coi tất cả đất nước Trung Hoa đều giống như Pao hết, mặc dầu có một sức tiềm tàng sâu trong lòng tôi hơn là sự an toàn, mặc dầu tình thương kéo tôi lùi lại [159] lần này tôi sẽ không mạo hiểm. Tôi sẽ không nhắm mắt xông bừa vào lò lửa đó, mà tôi sẽ đứng ở chung quanh, tôi sẽ nhận xét, đợi xem tình hình ra sao… Theo những tin tức cuối cùng tôi nhận được về Tòa Đại sứ Trung Hoa ở Londres thì một số nhà ngoại giao đã mua nhà, mua tiệm ăn, một số đã cuốn gói không phải để về Trung Hoa mà để qua Mỹ…
Chị Cherry bảo tôi: “Chị sắp nhảy vào miệng sư tử đấy”. Sai. Bây giờ tôi biết rằng có thiện chí chưa đủ, rằng tôi không phải ham làm một việc hữu ích với bất kì giá nào, rằng có thể có vô số Pao núp sau những khẩu hiệu mát xít… Tới lúc đó mà tôi cũng không tin rằng cách mạng đã thực hiện xong khi lật đổ được chính quyền Quốc Dân đảng… từ nay còn xảy ra gì nữa đây?
Tôi đã quá tin ở Trung Hoa thời kháng Nhật, tin một cách lãng mạn quá; tôi tự thuyết phục tôi rằng chính nghĩa làm cho những kẻ bênh vực nó cao thượng lên. Bây giờ tôi hiểu rằng, con người có thể tuyên bố những qui tắc rất đạo đức mà vẫn có thể phạm những tội ác ghê tởm… Cái đó lại tái diễn nữa không đây?
Cách mạng đã thắng về quân sự, còn nhiệm vụ quét sạch chế độ cũ với những thối nát của nó, nhiệm vụ đó, cách mạng sẽ làm không? Hay là những tệ hại thời trước lại tái sinh dưới những bộ mặt khác, bề ngoài khác? Mà cách mạng là gì? không trả lời những câu đó được, trừ những điều tôi được đọc, được nghe nói về cách mạng Nga. Và cái đó không làm cho tôi tin rằng tôi sẽ được tiếp đón niềm nở. Vì chính tôi cũng là con người của chế độ cũ; tôi là vợ của Pao; và một chế độ cách mạng có được công bằng không; bị cơn giông lôi cuốn, quét cả trăm triệu người… nó có thì giờ để ý tới tôi không? Trong khi con nước dâng lên, gầm thét tràn ngập Trung Hoa, trong khi cơn giông làm trốc gốc bao nhiêu chế độ cũ, thì một con người lẻ loi, vô nghĩa, ngu dốt như tôi có tránh khỏi họa được không?
Nhưng tôi không thể “sống yên ổn” ở Anh trong khi nước Trung Hoa lớn lao như con Phượng hoàng[160], đương tái sinh trên dàn lửa còn bốc khói của cuộc xung đột đại chúng đó. Không thể được. Ít nhất thì tôi cũng đứng ở bực cửa, coi chừng xem: tôi không từ bỏ Trung Hoa, tôi không quay lưng lại với nó…
Vì Trung Hoa không phải là Pao, không phải là sự tàn bạo mà tôi đã mục kích và chịu đựng, không phải là chế độ đáng khinh bỉ của Tưởng Giới Thạch và bọn quan liêu của ông ta. Trung Hoa hơn vậy nhiều: Trung Hoa là những kẻ tôi đã thấy vác những bao nặng toát mồ hôi, chết đói, chiến đấu và bị giết hàng triệu, hàng triệu… Cách mạng ở về phía họ…
- Bà đi đâu thưa bà?
Cô chiêu đãi viên cúi xuống đưa một chiếc kẹo nữa cho Yungmei.
- Hương Cảng, chúng tôi đi Hương Cảng.
Tôi giữ cho Yungmeỉ đứng trước cửa kính để nó ngó nhìn cảnh đồng bằng phẳng của Anh trôi qua ở dưới đất. Bờ biển, biển xanh viền bạc, trải ra, lấp lánh dưới ánh sáng buổi chiều. Tôi mở sổ thông hành ra, cho Yungmei thấy hình của nó hồi bé; theo sổ đó, tôi còn là vợ của Tang Pao Houang. Sổ thông hành ngoại giao đó còn có giá trị tới năm 1951.
Chỉ không đầy năm ngày sau, kể tất cả những chỗ ghé, chúng tôi sẽ tới Hương Cảng, cửa ngỏ của Trung Hoa: Hương Cảng tuy là thuộc địa Anh, nhưng vẫn là Trung Hoa. Tới đó tôi sẽ cho nó vô học một trường Trung Hoa. Và tôi sẽ nhận xét, đợi xem sao, rồi sẽ quyết định cho nó và cho tôi.
NHÂN DANH
Những nhân vật ai cũng biết tên như Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông… thì chúng tôi nghĩ không cần phải giới thiệu, còn những nhân vật khác chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược để độc giả hiểu được truyện thôi. Ở Âu Mỹ có ít nhất là ba lối phiên âm tên Trung Hoa, lối Wade Gila của người Anh, lối
E.F.E.O. (École Française d’Extrême Orient: Trường Viễn Đông bác cổ) của người Pháp, lối Bưu điện. Mấy lối đó đại khái hơi giống nhau như tỉnh Sơn Tây, Pháp phiên âm là Chansi, Anh phiên âm là Shansi. Từ năm 1958, Trung Quốc lại quy định một lối phiên âm khác gọi là pinyin (phiên âm), mà nhiều tên khác hẳn với những lối trên. Như Chu Đức, họ phiên âm là Zhu De, Anh là Chu Teh, Pháp là Tchou Teh; Tưởng Giới Thạch họ phiên âm là Jiang Jie-Shi, Anh là Ching Kai-shek, Pháp là Tchiang Kai-shek.
Những tên đặt trong dấu ngoặc đơn trong bảng dưới đây là theo trong bản tiếng Pháp của nhà Stock, người dịch Marcelle Sibon, đã dùng lối phiên âm của Pháp.
Bạch Sùng Hy (Pai Tchong-hsi) sanh năm 1893 ở Quảng Tây, học võ bị, một quân phiệt có tiếng cầm quân giỏi, từ 1937 đến 1946, làm tổng tư lệnh tỉnh Quảng Tây, đứng trong phe Tưởng Giới Thạch, nhưng không ưa Tưởng, có tinh thần độc lập.
Chu Ân Lai (Tchou En Lai) (1896-1976) sanh ở Giang Tô. Từng làm ngoại trưởng kiêm thủ tướng Trung Quốc trong nhiều năm cho đến khi qua đời. Trong cách mạng văn hóa có lúc bị tố “thiên hữu”. Lúc sống tới khi qua đời ông được nhiều người quí mến.
Chu Đức (Tchou Teh) sanh ở Tứ Xuyên 1886, một thống chế giỏi cầm quân, một nhân vật quan trọng của Trung Quốc, từng giữ chức Tổng tư lệnh Hồng quân Trung Hoa cho đến cuối đời (1979?) được mọi người nhất là quân đội tôn kính.
Đặng Dĩnh Siêu (Teng Ying-tchao) vợ Chu Ân Lai.
Đổng Hiển Quang (Hollington Tong) sanh năm 1887 ở Chiết Giang, học ở Mỹ, viết báo, sách. Từ năm 1938-48, làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Thông tin Quốc Dân Đảng; 1956-58 làm Đại sứ Trung Hoa ở Mỹ.
Đường Tung (Tang Tsung) có hồi làm Đại sứ Trung Hoa Quốc Dân đảng ở Nam Hàn; 1946-49 làm bộ trưởng Nội vụ.
Hà Ứng Khâm (Ho Ying Kin) sanh ở Quế Châu năm 1889, tướng lãnh hồi 1938-45, làm bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Tưởng Giới Thạch.
Hồ Tôn Nam (Hou Tsong Nan), một tướng được Tưởng tin cậy, đóng ở Tây An để phong tỏa Diên An của Mao Trạch Đông trong thời chiến tranh Trung Nhật
Khổng Tường Hy (Kung Hsiang hsi) sanh ở Sơn Tây năm 1881, từ 1947 qua sống ở Mỹ, làm Bộ trưởng Tài chánh trong những năm 1933-1944, từ 1947 qua sống ở Mỹ. Dòng dõi Khổng Tử mà rất giàu, người Trung Hoa gọi ông là Khổng tài thần.
Lâm Bưu (Lim Pao) (1907-1971) sinh ở Hồ Bắc năm 1907, học trường võ bị Hoàng Phố, có tài cầm quân, có công lớn với Trung Cộng, chỉ huy mặt trận Mãn Châu và Hoa Bắc hồi 1947-49. Trong cách mạng văn hóa năm 1966 là nhân vật thứ hai của Trung Cộng sau Mao Trạch Đông. Theo tin chính thức của Trung Cộng thì Lâm bị trục xuất ra khỏi Đảng, năm 1971 và bị mất tích trên một máy bay ở biên giới Trung Quốc - Mông Cổ. Theo Yao Mingle thì Lâm bị Mao thủ tiêu (cùng với vợ) sau một bữa tiệc ở Cẩm Thành vì Lâm muốn giết Mao.
Lý Lập Tam (Li Li-san) sanh ở Hồ Nam năm 1900, học ở Pháp, trong Ủy ban Trung ương của Trung Cộng, làm cố vấn chính trị cho Lâm Bưu năm 1940.
Lý Tôn Nhân (Li Tsong yan) sanh ở Quảng Tây năm 1890, học trường võ bị Quế Lâm, cùng với Bạch Sùng Hy cai trị tỉnh Quảng Tây từ 1929 đến 1937, làm phó tổng thống Trung Hoa Quốc Dân đảng từ 1948 đến 1954, sau qua Mỹ ở.
Mao Trạch Đông (l893-1976) (Mao Tse-tung) sanh ở Hồ Nam 1893 trong “một gia đình nông dân mà không phải là nông dân”. Người từng làm chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều năm. Theo Đặng Tiểu Bình: “Mao trước giải phóng là người có công lớn, sau giải phóng mắc sai lầm. Trong cách mạng văn hóa phạm nhiều tội ác”.
Phổ Nghi (Pou Yi) sanh ở Bắc Kinh năm 1906, ông là vua cuối cùng của Mãn Thanh, bị truất ngôi năm 1912, năm 1934 Nhật đưa lên làm vua Mãn Châu, bị quân đội Nga bắt năm 1945, từ năm 1956 sống ở Bắc Kinh với nghề làm vườn, sau khi bị cải tạo 9 năm. Mất năm 1967 vì bệnh ung thư.
Phùng Ngọc Tường (Fong Yu hiang), một quân phiệt nổi danh vì là người đầu tiên kháng Nhật năm 1932. Trước theo chủ nghĩa cộng sản, sau liên kết với Tưởng Giới Thạch, nhưng vẫn có tinh thần độc lập.
Quách Mạt Nhược (Koue Ma Jo), sanh ở Tứ Xuyên năm 1892, một cây bút nổi danh hiện sống ở Hoa lục. Từng giữ chức Chủ tịch Hàn lâm viện Khoa học Trung Quốc. Trong cách mạng văn hóa bị tố rồi mất chức.
Tăng Quốc Phiên (Tsang Koue fan) danh thần của triều đình Mãn Thanh, có tài cầm quân, thắng được Thái Bình Thiên quốc năm 1864, mất năm 1872, cuối triều vua Mục Tôn (sanh năm 1811).
Tôn Dật Tiên (1866-1925) (Sun Yat Sen), sanh ở Quảng Đông năm 1866. Mất năm 1925. Người sáng lập nền Cộng hòa Trung Quốc, người Hoa xưng tụng là “Quốc phụ”.
Tống Tử Văn (Soong T.V [161]) sanh ở Quảng Đông năm 1894, học ở Mỹ, em vợ Tưởng Giới Thạch. Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Trung Hoa từ 1935 đến 1943, Bộ trưởng Ngoại giao từ 1942 đến 1945, sau qua Mỹ ở, chết ở Mỹ năm 1970 hay 1971.
Từ Hy (Tso Hi) (1835-1908) Thái Hậu - Bà phi của vua Văn Tôn đời Thanh, mẹ vua Mục Tôn, chuyên quyền, dẹp cuộc chính biến Mậu Tuất (1898) dùng Nghĩa hòa đoàn tính để diệt người Âu ở Trung Hoa, làm cho nhà Thanh mau sụp đổ.
Tưởng Giới Thạch (Tching Kaỉ-shek) (1887-1975) sinh ở Chiết Giang năm 1887, vợ là Tống Mỹ Linh, em Tống Khánh Linh (vợ Tôn Văn), Tống Ái Linh (vợ Khổng Tường Hy), lãnh tụ Quốc Dân đảng. Sau năm 1945, chống lại đảng cộng sản Trung Quốc. Năm 1949 thua Cộng chạy ra Đài Loan.
Thái Diên Giải (Ts’ai Ting K’ai) sanh ở Quảng Đông năm 1890, học võ bị, nổi tiếng nhờ đánh Nhật năm 1932, sau theo Cộng.
Trần Lập Phu (Tcheng Li-fu) sanh ở Chiết Giang năm 1900, học ở Mỹ, Bộ trưởng Giáo dục Quốc Dân đảng từ năm 1938 đến 1947.
Tai Lee (Phong Để) (…-1946): cựu sinh viên Hoàng Phố, thủ lãnh hội Phục hưng đứng đầu Sở Tuân lệnh phục vụ, Giám đốc mật vụ của Quốc Dân đảng (đứng đầu sau Tưởng Giới Thạch) trông coi về an ninh mật vụ, buôn thuốc phiện của Quốc Dân đảng. Chết vì tai nạn máy bay trong năm 1946 ở Trung Khánh.
Trần Nghị (Tchen Yi) (1901-1972) sanh ở Tứ Xuyên năm 1901, học ở Pháp, theo Cộng, có nhiều quân công, làm Thống chế, năm 1958 làm bộ trưởng Ngoại giao. Trong cách mạng văn hoá bị tố là thiên hữu, rồi mất chức. Ông được Chu Ân Lai tín nhiệm.
Trương Học Lương (Tching Hsue liang) chưa tra được sanh năm nào, ở đâu, tướng có tài, nổi danh vì bắt cóc Tưởng Giới Thạch ở Tây An năm 1936 để ép Tưởng thoả hiệp với Cộng mà lập mặt trận kháng chiến chống Nhật. Sau năm 1949, bị Tưởng giam ở Đài Loan, đến năm 1956 mới được thả ra.
Uông Tinh Vệ (Wong King wei) chưa tra được sanh năm nào, ở đâu, hồi trẻ có tinh thần cách mạng, được Tôn Trung Sơn tin cậy, sau vì ghen với Tưởng Giới Thạch và tham vọng, theo Nhật, Nhật cho lập chính phủ bù nhìn ở Nam Kinh trong thời Trung Nhật chiến tranh.
Viên Thế Khải (Yuen Che K’ai) Tướng thời vua Đức Tôn (Mãn Thanh) được Từ Hy thái hậu tin dùng, khi cách mạng Tân Hợi 1911 thành công, làm bộ theo cách mạng, được Tôn Trung Sơn nhường cho chức Tổng thống, vì tham quyền, phản cách mạng, lên ngôi vua năm 1915 nên bị toàn dân phản đối, lo sợ mà chết năm 1916.
ĐỊA DANH
Bắc Bồn (Pei pei) một thị trấn ở tỉnh Tứ Xuyên, phía bắc Trung Khánh.
Bắc Kinh (Pekin) từ khi Tưởng Giới Thạch dẹp xong các quân phiệt phương Bắc, đổi tên là Bắc Bình (Peiping).
Cam Túc (Kam Sou) một tỉnh ở Tây Bắc Trung Hoa.
Cát Lâm (Ririn) một tỉnh và cũng là tên một thị trấn ở Mãn Châu.
Côn Minh (Kunning) Thủ phủ tỉnh Vân Nam.
Chiết Giang (Tche Kiang) tên một tỉnh ở bờ biển phía bắc tỉnh Phúc Kiến.
Diên An (Yenan) căn cứ lớn của Trung Cộng trong tỉnh Thiềm Tây.
Dương Tử (giang) (Yàngtsé) một trong hai con sông lớn nhất của Trung Hoa chảy qua Trùng Khánh, Hán Khẩu, Nam kinh.
Đài Nhi Trang (Tai Erchouny) tên một nơi ở gần ranh giới tỉnh Sơn Đông và tỉnh Giang Tô.
Giang Tây (Kiangsi) tên một tỉnh ở phía bắc tỉnh Quảng Đông.
Hải Nam (Hainan) một đảo lớn ở ngang Bắc Việt Nam.
Hán Dương (Han Yang) một thị trấn lớn ở sát Hán Khẩu trong tỉnh Hồ Bắc.
Hán Khẩu (Han Kisu) một thị trấn lớn ở tỉnh Hồ Bắc; Hán Khẩu cùng với Hán Dương và Vũ Xương hợp lại thành một thủ phủ gọi là Vũ Hán.
Hà Nam (Honan) tên một tỉnh ở phía nam sông Hoàng Hà.
Hành Sơn (Hang Shen) tên núi ở tỉnh Hồ Nam, đừng lộn với Hằng Sơn cũng là phiên âm là Hang shen, cũng là tên núi, ở tỉnh Sơn Tây.
Hồ Nam (Hounan) tên một tỉnh ở phía nam sông Dương Tử, phía Tây tỉnh Giang Tây.
Lan Châu (Lang Tchesu) tên một thị trấn ở tỉnh Cam Túc, trên bờ sông Hoàng Hà.
Lư Câu Kiều (Loulou Ki’eo) cũng gọi là cầu Marco Polo, cách Bắc Kinh khoảng 10 cây số. Năm 1937 Nhật đánh một đòn Trung Hoa ở đây, gây chiến tranh Trung Nhật 1937-1945.
Mân (Min) tên một con sông ở tỉnh Tứ Xuyên, đổ vào sông Dương Tử.
Nam Kinh (Nankin).
Nam Xương (Nan tch’eng) tên một thị trấn ở tỉnh Giang Tây.
Nội Giang (Nei K’iang) tên một nơi ở tỉnh Tứ Xuyên.
Phúc Kiến (Fu Kien) tên một tỉnh ở bờ biển, ngang đảo Đài Loan.
Quán Huyện (Kouon bsion) tên một thị trấn ở tỉnh Tứ Xuyên.
Quảng Châu (Canton) thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
Quảng Đông (Kouang Tong) tên tỉnh sát với biên giới Bắc Việt Nam.
Quảng Tây (Kouang Si) tên tỉnh sát với biên giới Bắc Việt Nam.
Quế Lâm (Koueilin) thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
Quế Châu (Koueitcheou) tên một tỉnh ở phía Bắc tỉnh Quảng Tây, phía Tây tỉnh Hồ Nam.
Sơn Tây (Shonsi) tên một tỉnh ở Hoa Bắc.
Tây An (Sian) tên một thị trấn ở tỉnh Thiểm Tây.
Tây Khang (Si Kang) tên một tỉnh ở phía Tây tỉnh Tứ Xuyên.
Tứ Xuyên (Setchouan) tên một tỉnh phía Tây, trên tỉnh Vân Nam và tỉnh Quí Châu, thủ phủ là Trùng Khánh. Tứ Xuyên là quê của thi hào Đỗ Phủ đời Đường.
Tương (sông) (Hsiang) tên một sông ở tỉnh Hồ Nam.
Thành Đô (Tchengtou) thị trấn lớn nhất của tỉnh Tứ Xuyên.
Thượng Hải (Changhai) tên một thành phố lớn nhất của Trung Quốc.
Thẩm Dương (Chen Yang) cũng có tên là (Moukeen), một thị trấn lớn của Mãn Châu.
Trà Long (Tchaling) tên một thị trấn ở tỉnh Hồ Nam.
Trùng Khánh (Tchoungking) thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, trên bờ sông Dương Tử.
Trường Sa (Tchongsa) thủ phủ tỉnh Hồ Nam.
Trường Xuân (Changchoun) tên một thị trấn ở Mãn Châu, phía Tây Cát Lâm.
Vân Nam (Yunnan) một tỉnh ở Hoa Nam, giáp giới Bắc Việt của ta, phía Tây tỉnh Quảng Tây.
Vũ Hán (Wouhan) coi Hán Khẩu.
Vũ Xương (Woutchang) coi Hán Khẩu.
Thiểm Tây (Shensi - đừng lộn với Shansi: Sơn Tây), tên một tỉnh ở Hoa Bắc, ở phía Tây tỉnh Sơn Tây.
Chú thích:
[1] Trong Đời viết văn của tôi, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng ghi nhan đề tác phẩm này là Mùa hè vắng bóng chim, nhưng bản in của Nxb Văn Hóa - Thông Tin mà chúng ta đang đọc, lại là Một mùa hè vắng bóng chim. (Goldfish).
[2] Tang Pao-Huang (Tang Pao Houang): tức Đường Bảo Hoàng
唐寶璜. (Goldfish).
[3] Tang Pao-Houang và Han Suyin làm đám cưới tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc), ngày 15.10.1938. (Goldfish).
[4] Tai Lee: tức Phong Để, cựu sinh viên Hoàng Phố, Giám đốc mật vụ của Quốc Dân đảng, đứng đầu sau Tưởng Giới Thạch (theo mục Nhân danh ở cuối sách). Theo cuốn Ba chị em nhà họ Tống thì trùm mật vụ của Tưởng Giới Thạch là Thái Lý, người này cũng từng theo học trường Hoàng Phố. (Goldfish).
[5] Nhiều tài liệu cho rằng đến năm 1935 bà mới qua Bỉ học Y khoa, năm 1938 thì hồi hương, tức bà ở ngoại quốc từ năm 18 tuổi đến năm 21 tuổi. (Goldfish).
[6] Thật ra là tới đầu tháng giêng năm 1949. (Goldfish).
[7] Rosalie Tchou (Bản tiếng Anh Birdless summer, phiên âm là Rosalie Chou): Wikipedia ghi tên bà là Chu Quang Hồ
周光瑚- Rosalie Elisabeth Kuanghu Chow. Sinh ngày 12 tháng 9 năm 1917. Về bút danh, có người bảo trước gọi là Hàn Tú Anh 韓素英, nay thường gọi là Hàn Tú Âm 韓素音. (Goldfish).
[8] Tchou Yen Tong (Chou Yentung): tức Chu Ánh Đồng
周映彤 (tên là Chu Vĩ 周煒, tự Ánh Đồng 映彤. (Goldfish).
[9] Marguerite Denis: sách in lầm là Marguevite Denis. Về sau, để khỏi rườm, tôi sẽ hạn chế tối đa việc ghi chú thích những chỗ sửa sai. (Goldfish).
[10] Bà làm thư ký tại bệnh viện Bắc Kinh. (Goldfish).
[11] Yen tching (Yenching): tức Yên Kinh
燕京. Năm 1949, Đại học Yên Kinh được sáp nhập vào Đại học Bắc Kinh. (Goldfish).
[12] Marianne Monestier trong một bài phòng vấn Han Suyin, (chúng tôi dịch trong cuốn 15 gương phụ nữ - Trí Đăng - 1970) đã lầm chăng khi bảo rằng, năm 1945 bà trở về Trung Hoa với Pao, sau trở qua Londes học lấy nốt bằng cấp y sĩ.
[13] Ở Việt Nam, Mĩ đã tiêu tới nay 210 tỷ.
[14] Có những quân phiệt bắt dân đóng thuế trước 50 năm.
[15] Có hồi họ “đúc” tiền bằng đất sét.
[16] Trùng Khánh cất trên núi, từ bờ sông Dương Tử lên thành phố phải leo 478 bực đục trong đá.
[17] NXB Nguyễn Hiến Lê, 1972, Sài Gòn,
NXB Văn học tái bản, 1999.
[18] Ba tác phẩm kể trên, theo Wikipedia, có nhan đề tiếng Anh và năm xuất bản lần lượt là: A Many-Splendoured Thing (1952), And the Rain My Drink (1956), The Mountain Is Young (1958). (Goldfish).
[19] Bản Việt dịch là Kiếp người - Lửa Thiêng XB, 1970, Sài Gòn. Văn học tái bản, 1992.
[20] Cũng theo Wikipedia, nhan đề tiếng Anh và năm xuất bản của ba cuốn đó là: The Crippled Tree (1965), A Mortal Flower (1966), Birdless Summer (1968). (Goldfish).
[21] Theo Wikipedia thì nhan đề tiếng Anh và năm xuất bản của cuốn này là Phoenix Harvest (1982), trước đó còn có cuốn My House Has Two Doors (1980).
[22] Khi ông giới thiệu cuốn đó thì cuốn Un été sans oiseaux chưa xuất bản.
[23] Nanyu: tức Nam Tự
南嶼. (Goldfish).
[24] Chin Kan shan (Chingkangshan): tức Tỉnh Cương Sơn
井崗山. (Goldfish).
[25] Có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê viết lầm hoặc sách in sai, trong mục Nhân danh và địa danh cụ ghi thêm phiên âm bằng tiếng Pháp. (Goldfish).
[26] Trong cuốn Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê viết: “Tôi đã nhờ cuốn đó (tức cuốn Một mùa hè vắng bóng chim) mà hiểu được một phần lịch sử Trung Hoa hiện đại, tôi đã dịch ra non 400 trang, nhưng Bộ thông tin Sài Gòn không cho in”. (Goldfish).
[27] Tang Pao Houang và Han Suyin quen nhau hồi nhỏ, ở Bắc Kinh. Sau xa cách nhau.
[28] Luật sư trẻ, tình nhân của Han Suyin.
[29] Tức Joseph Hers, người đã che chở, xin được học bổng cho Han Suyin và Han Suyin trọng như cha.
[30] Port Said: tên thành phố cảng ở Đông Bắc Ai Cập, bên bờ Địa Trung Hải, tại lối vào kênh Suez. (Goldfish).
[31] Ở Bỉ.
[32] Viết chữ Trung Hoa.
[33] Hồi nhỏ tác giả học tiếng Pháp và tiếng Anh nhiều hơn tiếng Trung Hoa.
[34] Tức như các tập “Ngôn hành lục” của các nhà Nho đời Tống.
[35] Yochow: là tên trên bản đồ bưu chính của Yueyang tức Nhạc Dương
岳陽, một thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam. (Goldfish).
[36] Young Womens Christian Association - Hội Thanh nữ Kitô giáo.
[37] Lễ cách mạng của Trung Hoa, ngày quân cách mạng chiếm Vũ Xuơng ngày 10 tháng 10 năm 1911 (dương lịch).
[38] Hồi nhỏ, Han Suyin ở gần nhà Pao tại Bắc Kinh, thường lại nhà Pao chơi, nên được gặp thân mẫu của Pao.
[39] Rivière des Perles.
[40] Brouette thứ xe một bánh do một người đẩy tới trước, ngoài Bắc gọi là xe cút-kit, vì tiếng bánh xe kêu cút-kít.
[41] Yi Tchang (Yichang): tức Nghi Xương
宜昌, thuộc tỉnh Hồ Bắc. (Goldfish).
[42] Tức chủ nghĩa Tam dân của Tôn Văn.
[43] Hsiang: tức sông Tương (Tương giang
湘江 hay Tương Thuỷ 湘水), là một chi nhánh của sông Trường Giang, chảy qua tỉnh Hồ Nam. (Goldfish).
[44] Luật sư Bỉ, tình nhân cũ của tác giả.
[45] Tsin Kang Chan (Chingkangshan): tức Tỉnh Cương Sơn
井岡山, thuộc ranh giới tỉnh Giang Tây và Hồ Nam. (Goldfish).
[46] Pin Hing Kuouan (Ping Hsing Kuan): tức Bình Hình Quan
平型關, thuộc đông bắc tỉnh Thiểm Tây. (Goldfish).
[47] Tiền đồn: sách in là đồn điền. Bản tiếng Anh chép là: military outpost. (Goldfish).
[48] Năm 1934, phe cộng bị Tưởng tấn công, phải bỏ Giang Tây chạy lên Thiểm Tây. Cuộc triệt thoái đó kéo dài non một năm, vượt 12.000 cây số, qua 11 tỉnh, sau cùng đầu năm 1936 họ lập chính phủ ở Diên An, cuộc triệt thoái đó trong sử gọi là cuộc “Trường hành” hoặc “Trường chinh”.
[49] Còn gọi là Uông Triệu Minh.
[50] Ying Jou-Keng (Yin Ju-keng): tức Ân Nhữ Canh
殷汝耕. (Goldfish).
[51] Nghĩa là “mọc sừng”.
[52] Miền bắc nước Bỉ.
[53] “Cuộc chiến đấu của tôi” do Hitler viết để vạch chương trình hành động của Đức Quốc Xã.
[54] Người dọn tuyết ly: chắc sách in sai. Bản tiếng Anh chép là “coolies” nghĩa là những người cu ly, phu. (Goldfish).
[55] Tổ chức này gọi là Hội Phục hưng hay Phục Hưng xã đứng đầu là Tưởng Giới Thạch, sau Tưởng là Tai Lee (Phong Để?). Hội có 13 thái bảo, gồm: Phong Để (Tai Lê) đứng đầu sau là Hạ Trung Hàn, Phan Hựu Cường, Quế Vĩnh Thanh, Đặng Văn Nghi, Cát Khải Vũ, Lương Can Kiều, Tiếu Tán Dục, Đằng Kiệt, Khang Trạch, Đỗ Tâm Như, Hồ Tôn Nam, Tằng Khuyết Thanh (B.T. theo Bí mật gia tộc họ Tưởng).
[56] Của Hitler.
[57] Phù hiệu của tổ chức này là ba vòng tròn tượng trưng Trời, đất, và người (Tam Tài).
[58] Hồi đó dân Trung Hoa gọi Khổng Tường Hy là “Khổng tài thần”: ông thần tài họ Khổng.
[59] Tống Khánh Linh, lớn hơn cả, là vợ Tôn Văn, Tống Ái Linh, ở giữa, là vợ Khổng Tường Hy, Tống Mỹ Linh, nhỏ hơn cả, lả vợ Tưởng Giới Thạch. Tống Tử Văn là em trai. Cũng gần như chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm.
[60] Tức Đức, Ý, Nhật.
[61] Meifeng: tức Mĩ Phong
美豐. (Goldfish).
[62] Orchidée de Lune.
[63] Bucheron.
[64] Cuốn Destination Tchoungking (Đường vô Trung Khánh).
[65] Ở Thành Đô người ta ăn Tết trọn tháng giêng.
[66] Tức Khổng Minh.
[67] Bản tiếng Pháp: nom de famille (tên họ) nhưng đọc đoạn sau chúng ta sẽ hiểu đây chỉ là tên đặt theo ngôi thứ trong họ, để người trong nhà, trong họ gọi, vì người Trung Hoa cũng như người mình, nhất là ở miền Nam này, không muốn gọi tên tục.
[68] Tục này ba bốn chục năm trước ở Nam Việt còn có một số ít người theo, điều đỏ chứng tỏ rằng trong Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nhiều hơn ngoài Bắc, vì những cuộc di cư của Dương Ngạn Đích, Mạc Cửu ở cuối thế kỷ XVIII.
[69] Tiếng này trỏ chung những người ở phương Bắc xuống phương Nam lập nghiệp - Quảng Đông đọc là Hạc Cá. Người Việt mình gọi là người Hẹ.
[70] Chúng tôi kiếm chưa ra được nguyên tác bài này.
[71] Đoạn trên trích trong bài “Tân An lại” (Tên lại huyện Tân An) của Đỗ Phủ. Nhượng Tống thơ như sau:
Khách qua đường Tân An
Nhộn nhịp nghe điểm binh
Hỏi thăm, thầy thông bảo:
- Huyện nhỏ không còn đinh
Hôm qua trát phủ xuống
Sung số tuyển cho nhanh
Số tuyển thấp bé quá
Giữ sao nổi đô thành?
Anh béo, mẹ đưa chân
Anh gầy nhìn loanh quanh
Nước bạc chiều chảy xuôi
Tiếng khóc vang non xanh!
Khóc chi cho hốc mắt?
Nín đi thôi các anh!
Dẫu cho khóc rũ xương
Trời đất vẫn vô tình
Quân ta lấy Tương châu
Hôm sớm mong thanh bình
Lính chạy, trại tan vỡ
Liệu giặc, ai người tinh!
Vận lương tới trước trận
Rèn lính ngay miền kinh
Đào hào chưa tới nước
Chăn ngựa việc cũng lành
Nuôi nấng rất phân minh
Quan tướng như mẹ cha
Khóc chi khi tiễn hành?
(Xem thêm nguyên văn chữ Hán và phiên âm tại https://www.thivien.net/. (Goldfish).
[72] Tseu-king: bản tiếng Anh chép là Tze Liu Ching. (Goldfish).
[73] Hay Bác?
[74] Taxe pour l’égalisation: không thể đoán nghĩa được.
[75] Thật là mỉa mai và khôi hài.
[76] Chẳng hạn văn hào Nga Dostoievski và Mahamel, người sáng lập Hồi giáo.
[77] Trong cuốn Destination Tehoungking - Nhà xuất bản Stock.
[78] Cơ quan mật vụ của Hitler.
[79] Ging Ko: bản tiếng Anh chép là Ginko, tức cây bạch quả. (Goldfish).
[80] Petit bambou céleste.
[81] Méthodisme.
[82] Tức các nước Lituanie, Livonlé, Estonie ở gần bờ biển Baltique.
[83] Giữa Nga và Đức.
[84] Nghĩa là nhượng bộ Nhật.
[85] I see a new China (Tôi thấy một Trung Hoa mới).
[86] Vợ Tưởng Giới Thạch họ Tống, tên là Mỹ Linh.
[87] Vague de printemps: Sóng mùa xuân.
[88] Thay cửa kính.
[89] Ngày mùng 4 tháng 5 năm 1919, sinh viên, các nhà trí thức ở Bắc Kinh biểu tình phản kháng phái đoàn Trung Hoa ở hội nghị Versailles đã bị Nhật và các cường quốc Châu Âu ăn hiếp, bắt phải để cho Nhật thay Đức làm chủ miền Sơn Đông. Phong trào lan ra tới mọi giới trong nước, một mặt đả đảo Nhật, Anh, Pháp, một mặt đòi duy tân.
[90] Chữ nữ:
. (Goldfish).
[91] Dunkerque: một thị trấn ở phía Bắc nước Pháp. (Goldfish).
[92] Ở Bắc Kinh.
[93] Tức Tống Ái Linh. (Goldfish).
[94] Cattie: khoảng trên 500 gam; có lẽ là một cân Trung Hoa.
[95] Việt Nam hồi này (1973) cũng gần như vậy.
[96] Thời này (1978-1980) ở Việt Nam cũng tương tự.
[97] Kharbine: bản tiếng Anh chép là Harbine. Theo Wikipedia thì Harbine, tức Cáp Nhĩ Tân, là thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc. (Goldfish).
[98] Một người năm 1927 chống Tưởng Giới Thạch, theo Mao Trạch Đông, sau chống đường lối của Mao bỏ trốn lại Vũ Hán năm 1938 hoạt động cho Tưởng, đào tạo cán bộ dùng phương pháp của Cộng để diệt Cộng, vì vậy gọi là “ngụy tả”.
[99] Piolet: đầu gậy có một lưỡi cuốc nhỏ.
[100] Tức vụ thanh trừng kinh khủng năm 1935.
[101] Cũng gọi là tứ bình, dùng hai chữ can chi như Tân Hợi, Giáp Dần, hai chữ của năm, hai chữ của tháng, hai chữ của ngày, hai chữ của giờ cộng lả tám chữ để đoán vận mạng.
[102] Maladies Psychomatiques: Tức những bệnh do tâm thần ảnh hưởng tới cơ thể như lo lắng quá sinh ra loét bao tử, tiểu đường v.v…
[103] Vì người thuê nhà, mướn ruộng và vay nợ phải trả họ bằng hiện vật chứ không bằng nền.
[104] Tuyên chiến miệng mà không đánh để vét tiền của Anh - Mỹ.
[105] Đoạn này bản tiếng Anh chép là: “Hongkong was attacked two days after Pearl Harbour, and fell on December 25th. Some hours before Pearl Harbour Japanese war vessels had steamed out of Cam Ranh bay in Indo-China to hit the British Far East Navy; Guam, Wake, the Marianas were attacked”. Tạm dịch: Hương Cảng bị tấn công hai ngày sau trận Trân Châu Cảng và thất thủ vào ngày 25 tháng chạp. Vài giờ trước trận Trân Châu Cảng, các chiến hạm của Nhật đã rời vịnh Cam Ranh ở Đông Dương để tấn công hạm đội Anh ở Viễn Đông; Guam, Wake, quần đảo Mariannes đều bị tấn công. (Goldfish).
[106] Phi cảng Lashio ở Miến Điện. (Goldfish).
[107] Đại sứ: bản tiếng Anh chép là Consul, tức Lãnh sự. (Goldfish).
[108] Yungmei: tức Dung Mai
蓉梅, một loài hoa quý ở Tứ Xuyên, được xưng tụng là “Dung Thành đệ nhất mai”. Dung Thành tức Thành Đô. Tuy gọi là “mai” nhưng thực ra là một loại địa lan. (Goldfish).
[109] Một tiếng Anh - Ấn trỏ hạng người làm thuê hoặc đi ở (Chú thích trong bản tiếng Pháp).
[110] Churchill, thủ tướng Anh hồi đó khi ra trước công chúng thường đưa ngón trỏ và ngón giữa lên thành hình chữ V, mẫu tự đầu tiên của tiếng Victory có nghĩa là chiến thắng…
[111] Ở đây, bản tiếng Anh cũng chép là consul, nghĩa là lãnh sự, chứ không phải là đại sứ. (Goldfish).
[112] Từ đầu thế kỷ trước, giòng họ Sassoon, Do Thái nhập tịch Anh đã là vua buôn thuốc phiện và võ khí ở Trung Hoa.
[113] Ám chỉ rằng Anh đã hết thời.
[114] Một thứ cây thuộc loại tử uy, hoa tím hoặc xanh lơ.
[115] Caste.
[116] Miền Trung châu.
[117] Auxiliary Territorial Service: Cơ quan địa phương hỗ trợ.
[118] Women’s Auxiliary Air force: Không lực bổ trợ của phụ nữ.
[119] Trong không gian thì tôi có thể hiểu được: Tác giả muốn sống ở Trung Hoa để giúp dân nghèo Trung Hoa, chứ không muốn sống ở Anh, trong đám sứ thần, nhưng còn trong thời gian…?
[120] Tiền Anh bằng 21 shilling, mà mỗi Anh bảng (pound) là 20 shilling.
[121] Ở Bắc Ai Cập Rommel (Đức) bị Montgomery (Anh) đánh cho đại bại, từ đó Đức lùi hoài ở Bắc Phi.
[122] Tức De Gaulle.
[123] Tác giả thường dùng những hình ảnh lạ lùng, như ở đây: prison viscérale (khám đường nội tạng) chúng tôi không sao dịch sát được.
[124] Chắc như thứ than quả bàng của mình.
[125] Chắc chỗ này là một ngả năm ngả sáu gì đó.
[126] Thuốc sáp để thoa dịu hoặc sáp xức tóc, nghĩa bóng là lời nịnh bợ, tán tụng, thoa dịu.
[127] Cả đoạn in ngã này, do chúng tôi tóm tắt.
[128] Lính biệt kích thành phần là Anh, Miến Điện và Népal.
[129] Chúng tôi không hiểu là gì, đoán là Vitoria Cross viết tắt, huân chương lớn nhất của Anh.
[130] Một miền rộng ở Đông Bắc Ấn.
[131] Tác giả mới học hết năm thứ ba thì về Trung Hoa.
[132] Đoạn in ngã này, chúng tôi đã tóm tắt.
[133] Quadrangle nói tắt, trỏ cái sân vuông, lớn ở giữa một trường Đại học.
[134] Thứ tủ làm vào trong tường để sinh viên cất đồ.
[135] Một tiệm bánh, trà chỉ khách sang mới tới.
[136] Labo: laboratoire, phòng thí nghiệm.
[137] Nghĩa là non hai shilling, non một phần mười Anh bảng.
[138] Đúng ra là ba lần sau khi nghe tin Pao tử trận (xem đoạn sau). (Goldfish).
[139] Thần ái tình.
[140] Chúng ta nhớ tác giả cho mấy năm sống với Pao là “Mùa hè vắng tiếng chim” của đời tác giả.
[141] Vì họ theo thuyết của Nga, trông cậy ở thợ thuyền hơn ở nông dân.
[142] Đoạn in ngả này do chúng tôi tóm tắt (Người dịch).
[143] 93% dân Mãn Châu là gốc Trung Hoa, chú thích bản tiếng Pháp.
[144] Bữa bánh và trà hồi 5 giờ chiều thành một tục lệ gần như trang trọng trong các gia đình quý phái Anh.
[145] Mỗi Guinée gần bằng một Anh bảng.
[146] Irlande là một quốc gia độc lập trong Liên hiệp Anh.
[147] Tác giả muốn nói giới cầm quyền và quý phái Anh.
[148] Bouton-d’or.
[149] Cử nhân Y khoa ở Đại học Hoàng gia.
[150] Hội viên Giải phẫu gia ở Đại học Hoàng gia.
[151] Tên gọi một số bệnh truyền nhiễm, như bệnh thương hàn, bệnh hoàng nhiệt…
[152] Tú tài Y khoa và Giải phẫu ở Đại học Londres.
[153] Maladies psychosomatiques: do tâm lý (lo sợ, buồn rầu) mà sinh ra bệnh cơ thể.
[154] Fièvre rhumatismale aigrié.
[155] Binh nhì Mỹ.
[156] Ở Việt Nam, Mỹ đã tốn gần 120 tỷ.
[157] Ám chỉ việc săn Cộng sản ở Mỹ.
[158] Một thượng nghị sĩ tố cáo bậy vô số nhân vật Mỹ là theo Cộng.
[159] Tôi không biết bản Pháp văn dịch có đúng không, tối nghĩa quá. Lùi lại có nghĩa là trở về Trung Hoa như năm 1939 chăng?
[160] Tên của một tác phẩm sau của tác giả: La Moisson de Phénix (Mùa gặt của chim Phượng).
[161] Tức Soong Tse-ven hoặc Soong Tzu-wen. (Goldfish).
Han Suyin (Hàn Tú Anh)
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
Nguồn: TVE
Theo https://diendanlequydon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...