Hàn Mặc Tử: Trữ tình gợi cảm
Chất trữ tình trong thơ Hàn Mặc Tử khác biệt hẳn so với các
thi sĩ cùng thời. Nếu thơ của họ truyền thẳng cảm xúc đến người đọc thì thơ của
ông lại “gợi cảm” sâu xa bấy nhiêu.
Mỗi khi nhắc đến Thơ mới - một trong những thời đại thi ca rực
rỡ bậc nhất của văn học Việt Nam, cái tên Hàn Mặc Tử, bao giờ cũng hiện ra
trong tâm trí của độc giả, đặc biệt là những người yêu thơ ca bởi lẽ ông đã trở
thành tượng đài lớn.
Trong tạp chí Ngày mới xuất bản năm 1940, Chế Lan Viên từng
nhận định “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước sẽ biến đi và còn lại của
cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.
Thơ của Hàn Mặc Tử thấm đẫm chất trữ tình chủ đạo của thời đại
thi ca đó, nhưng vẻ trữ tình của ông mang nét khác hẳn. Nó không lao thẳng vào
cảm xúc người đọc một cách thuần khiết như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính,
cũng không chỉ mang màu sắc lãng mạn tương trưng như Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh
Hùng, Bích Khê…
Nó là sự hòa quyện tài tình của tượng trưng và siêu thực. Vì
thế mà thơ Hàn Mặc Tử không “truyền cảm” mà “gợi cảm” sâu xa để người đọc tha hồ
suy tưởng rồi run lên vì hay quá, điên quá, táo bạo quá!.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử
qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ.
qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ.
Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 14 tuổi. Chất trữ tình trong thơ
ông thủơ ban đầu là chất trữ tình cổ điển, với lối so sánh ước lệ và cách gieo
vần theo thể Đường luật. Điều đó được thể hiện rõ trong tập Lệ Thanh thi tập của
ông:
“Khóc giùm nhân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh, dế tạo đàn”
Buồn giúp công danh, dế tạo đàn”
(Đêm không ngủ)
Tuy nhiên, ngay trong những bài thơ Đường luật ấy, mầm mống của
sự cách tân khác biệt đã bắt đầu lộ rõ. Đó là ngày 11/10/1931, ba bài thơ gồm: Chùa
hoang, Gái ở chùa và Thức khuya (hay còn có tên khác
là Đêm không ngủ) được in trên Thực dân Nghiệp báo có ký tên P.T (tức
Phong Trần).
Ba bài thơ này đã được Ông già Bến Ngự - Phan Bội Châu chú ý
và hết lòng khâm phục. Cũng vẫn là thơ trung đại đấy, nhưng nội dung thơ đã chẳng
còn ngâm vịnh gió trăng hay bàn đến hào khí anh hùng, mà bao trùm lên đó là nhục
cảm và thân xác, điều gần như cấm kỵ thời bấy giờ lại là hai yếu tố chính trong
thơ Hàn Mặc Tử.
Thật chẳng quá lời khi có người nói rằng, Hàn Mặc Tử đã thực
sự đưa thơ ca Việt Nam sang một giai đoạn mới, phá tung xiềng xích của lễ giáo
cũ kỹ, chật cứng trong xã hội cổ, để mở ra một không gian mới, một hành trình
khám phá mới cho nghệ thuật chỉ với hai câu thơ:
“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”
(Đêm không ngủ)
Ở thời điểm đó, đã làm gì có ai dám “điên” như Hàn Mặc Tử,
“leo song” rồi “rờ rẫm” đều là những động từ nhạy cảm và có tính gợi cảm cực kỳ
cao độ, mùi xác thịt nằm cả ở gió trăng.
Trong nhiều bản in, bạn đọc sẽ bắt gặp “sờ sẫm gối” thay vì
“rờ rẫm gối”, em trai Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín cho rằng có thể do người bạn
thân Quách Tấn đã sửa, để câu thơ trở nên lịch sự hơn nhưng vô tình lại làm mờ
đi ý đồ của tác giả khi muốn mang lại cảm giác ram ráp, rạo rực cho người đọc
hơn là sự nhẵn bóng, trơn tru của âm “s” trong từ miêu tả.
Nhờ có cái chất trung đại từ thủơ ban đầu ấy, mà sau này khi
Hàn Mặc Tử chuyển sang thơ mới, ông lập tức định vị được cái vẻ trữ tình riêng
biệt cho mình thật khác với các thi nhân cùng thời. Chính bởi căn cốt phương
Đông đã ăn sâu mà sự tượng trưng của thơ ông mang dáng vẻ Đường thi, rõ hơn nữa
là tính siêu thực đậm chất liêu trai “điên cuồng” với trăng, hồn và máu.
Đọc thơ của Hàn Mặc Tử, có khi người ta cảm thấy bứt rứt kinh
khủng bởi lối nói đậm vẻ phương Đông vừa lộ liễu vừa kín đáo. Thơ ông không áp
đặt người đọc phải cảm nhận những gì ông cảm nhận, những con chữ chỉ đóng vai
trò đòn bẩy, là phương tiện mở ra những liên tưởng độc đáo, làm bật lên cảm xúc
riêng biệt trong mỗi người, từ đó mà ta đón nhận những mỹ cảm một cách tròn đầy
hơn, đã đời hơn mà reo lên thích thú:
“Trăng nằm sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi Hoa lá ngây tình không muốn động Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”
Đợi gió đông về để lả lơi Hoa lá ngây tình không muốn động Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”
(Bẽn Lẽn)
Chúng ta đều biết, Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, những ngày
tháng cuối đời trong trại phong Quy Hòa - Bình Định cũng là lúc chất trữ tình
siêu thực trong đau thương, điên cuồng trở nên rõ rệt nhất.
Cái thực - cái ảo vốn đã nằm sẵn trong ông, và nay khi căn bệnh
nan y xuất hiện làm chấn động tâm lý, kéo thi nhân vào nỗi đau cùng cực của cả
tinh thần lẫn thể xác, thì những ẩn sâu đó được phát lộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ông tan biến vào thế giới của riêng mình ở các bài thơ, nhìn
vạn vật đẹp mà đầy “đau thương”, “sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống
lòng tôi những giọt châu?”. Có những lúc, người đọc không khỏi rùng mình ám ảnh
bởi những vần “thơ điên”, thơ hay nhưng xót xa quá, xót cho con người cuồng loạn
mê man trong miền không gian hư ảo:
“Thưa, tôi không dám say mê
Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền Bây giờ tôi dại tôi điên Chắp tay tôi lậy cả miền không gian…”
Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền Bây giờ tôi dại tôi điên Chắp tay tôi lậy cả miền không gian…”
(Một miệng trăng)
Thật may mắn rằng, dù có mộng mị đến đâu, siêu thực nhường
nào, thơ của Hàn Mặc Tử vẫn có yếu tố lãng mạn níu kéo. Sự hòa hợp tài tình
này, đã khiến cho “đau thương” trong cuộc sống thường ngày của ông trở nên lộng
lẫy, kỳ ảo, huyền bí bằng phương tiện ngôn từ. Thơ ông quả thực có sức “gợi cảm”
mạnh liệt tới tận đáy sâu tâm hồn của tất cả những ai thưởng thức nó.
22/3/2017
Nam Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét