Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Mận trắng

Mận trắng
May cúi nhặt những bông mận trắng, thẫn thờ như ai vừa lấy mất hồn vía. Những bông mận đầu mùa đã bắt đầu rơi xuống mặt đất màu nâu sẫm, cánh vẫn còn tươi nguyên màu trắng sữa. Nhưng lòng May thì rượi buồn.
Tiếng sáo của San dìu dặt ở đâu đó, rất gần nhưng dường như May không còn để tâm nữa. Thêm một mùa mận nở là thêm một mùa xuân về trên bản của May. Bản làng đìu hiu buồn rũ trong những ngày cuối đông rét cắt da cắt thịt đến nỗi ngọn cỏ cũng chẳng buồn nhoi lên mặt đất, thì một ngày kia những cành mận khẳng khiu chợt nhú lên những búp nụ rồi bừng nở một thứ hoa màu trắng.
Những cây mận mọc trên lớp đất nâu mịn ở bản của May, nhiều cây nữa, có lẽ cả một rừng mận mọc trên đất, trên cả những mỏm đá đen trũi xù xì, chúng có lẽ còn nhiều tuổi hơn cả May.
Có những thân cây xù xì mốc thếch vẫn nở thật nhiều hoa. Khi mận nở, đất trời chợt ấm áp lạ kỳ, những cơn gió thôi mang theo mưa phùn và không còn rét nữa. Đám con gái, con trai trong bản của May rủ nhau mở hội dưới rừng mận nở đầy hoa trắng. Con trai thổi khèn, thổi sáo còn lũ con gái thì hát và múa xòe ô. May đã lớn, đã biết hồi hộp đợi chờ những mùa mận nở, đã biết xao xuyến khi nghe tiếng sáo gọi bạn của những chàng trai trong bản.
Trong đám con trai ấy, San thổi sáo hay nhất, tiếng sáo của San trong lắm. Dù May đang trỉa hạt trên nương hay giặt áo dưới suối vẫn cứ nhận ra. Tiếng sáo cứ theo miết May suốt đồi mận này đến đồi mận khác. Da May trắng như bông mận đầu mùa, San bảo May là cô gái xinh nhất bản. May ngượng nghịu, đôi má ửng hồng.
May lặng lẽ trèo qua những mỏm đá dựng, băng qua những đồng cải đang rộ hoa trắng, đi thật nhanh xuống suối. Tiếng sáo cứ quấn lấy chân May dùng dằng. May muốn trốn chạy nó, muốn trốn đâu thật nhanh. May không muốn gặp San. Không muốn chút nào. Chỉ ít ngày nữa thôi San sẽ đến nhà May bắt vợ. May sẽ về nhà họ Pía làm vợ. Đáng lẽ May phải vui mới đúng chứ.
Nhà họ Pía giàu, San lại là con trai duy nhất. Đám con gái trong bản đến tuổi May đứa nào chẳng muốn được người yêu bắt về làm vợ. Hơn nữa là một chàng trai như San. Chính May cũng không hiểu nổi mình nữa. Chính May đã mong chờ cái ngày đó lắm kia mà. San đã ngỏ lời với May từ mùa mận trước và chỉ còn hẹn ngày đến bắt vợ nữa thôi.
Nhưng lòng May đã thuộc về người khác mất rồi. Không phải chàng trai nào trong bản của May. Người ấy ở xa lắm, không biết cách nhà của May, bản của May bao nhiêu quả đồi, bao nhiêu con suối, bao nhiêu cái thung sâu nữa.
Bác sĩ Hùng lên bản của May từ mùa mận năm trước. Anh đi theo đoàn y tế dưới xuôi tình nguyện lên hỗ trợ cho bản người Mông của May. Bản của May nghèo lắm, chỉ mấy cái nhà sàn nằm rải rác chơ vơ ven sườn núi mà cái gì cũng thiếu. Nhiều đứa trẻ đến tuổi đi học còn chưa có cái quần để mặc, còn chưa biết trường lớp hay cái chữ là gì.
Người ốm bệnh cũng chẳng biết đến một viên thuốc. Bác sĩ Hùng cũng thấm thía đến tận cùng cái nghèo, cái thiếu thốn đủ bề của người miền cao nơi đây. Nơi anh và những cán bộ khác ở lại những ngày làm công tác tình nguyện trên bản cũng chỉ là một mái nhà sàn chênh vênh thông thống gió thổi. Anh lên bản vào đúng cái đợt rét căm căm của những ngày đông cuối năm. Cái rét cắt da cắt thịt lẫn trong những cơn gió rượt đuổi qua những bản làng hiu hắt.
Trên những đồng cải trải dài khắp các sườn đồi, những cành mận khẳng khiu đen xám chỉ mới bắt đầu nhú nụ sương giá không sao tan nổi, cứ giăng giăng mờ mịt. Cả bản của May chẳng ai muốn lên rẫy cuốc xới khi cái rét cứ như từng mũi dao cứa vào da thịt, đến con trâu, con ngựa cũng sợ lên núi, cứ dẫm chân mãi trong ràng chờ cỏ.
Ấy vậy mà bác sĩ Hùng sáng nào cũng đi khám sức khỏe cho dân bản. Chiếc áo blu trắng, cặp kính trắng lấp lánh trên gương mặt thư sinh điềm tĩnh khiến đám trẻ con không mặc quần, mũi thò lò, hai má đỏ au vì lạnh cứ ngơ ngẩn nhìn.
Cha của May đổ bệnh vào đúng đợt rét ấy. Ông đã già lắm rồi, yếu lắm rồi giờ lại thêm cơn bệnh nữa. Người lúc nóng như có lửa hun, lúc rét run như hòn đá lạnh, đốt bao nhiêu củi lửa cũng vẫn lạnh, cứ nằm  rên hời suốt đêm, người võ vàng như cái lá sắp rụng.
Đêm ấy, May phải chạy đi gọi thầy cúng về đuổi con ma bệnh cho cha. Ở bản của May, cứ hễ có ai đau ốm là lại cho người đi gọi thầy cúng về. Thầy sẽ thắp hương, làm phép, khấn vái trời đất, đốt bó lá rừng vẫy khói quanh người ốm  để đuổi con ma bệnh đi. Nhưng thầy cúng của bản đã làm như thế suốt ba ngày rồi mà con ma bệnh vẫn chưa chịu rời khỏi người của cha May. Ông ốm ngày càng nặng, nằm co quắp thở khò khè lay lắt trong mảnh chăn xơ tướp. May lo lắng ôm lấy mẹ già mà khóc.
Bác sĩ Hùng đến nhà May khi cha May đã rất gần cái chết. Thầy cúng của bản đã bỏ về từ hôm qua vì không thể đuổi được con ma bệnh, lúc về còn quay lại dặn May và mẹ già chuẩn bị đưa cha về sườn núi bên kia, nơi những người già, người bệnh xấu số đã nằm lại dưới những lớp đất nâu sẫm. Bác sĩ Hùng đến và lặng lẽ khám cho cha May, kê thuốc cho ông uống mỗi ngày. Khi anh dặn dò May, May chỉ kịp nhớ một đôi mắt rất sáng, giọng nói và cái nhìn ấm áp ẩn sau cặp kính trắng.
Lạ lùng thay những viên thuốc của bác sĩ Hùng. Cha May đỡ bệnh dần và khỏe lên từng ngày. Ông đã có thể ngồi dậy và nói chuyện. Bác sĩ Hùng mỗi ngày vẫn qua nhà khám bệnh cho cha May, nhắc nhở ông uống thuốc. May vui vô cùng, mẹ già cũng vui đến khóc.
Lần này thì May trông kỹ bác sĩ Hùng hơn. May thấy màu áo của anh trắng quá, trắng như bông mận mới nở, như hàng nghìn bông cải đang phủ một màu trắng tinh khôi trên những sườn đồi tít tắp của bản làng May. Anh cười thật hiền, bàn tay với những ngón dài thanh mảnh khi May vô tình chạm vào cũng thật ấm. Đến hôm nay, cha của May không chỉ ngồi dậy, nói chuyện được với mọi người mà còn thổi sáo cho bác sĩ Hùng nghe nữa. Ngày xưa cha May là người thổi sáo hay nhất bản này.
Những bài hát của lứa đôi yêu nhau khi mùa xuân về bỗng vút lên trong tiếng sáo của ông. Đây là nỗi lòng của chàng trai yêu cô gái ở bản bên mà không lấy được nàng, đây là nỗi đợi chờ phấp phỏng nhớ thương người yêu của cô gái trẻ… Khi cha thổi sáo, May lặng lẽ ngắm nhìn bác sĩ Hùng.
Dường như có thứ ánh sáng nào đó, niềm hạnh phúc mơ hồ xa xăm nào đó đang ngời lên trên gương mặt của anh. Cha May tặng lại cây sáo cho bác sĩ Hùng và còn bảo sẽ dạy anh thổi sáo để “bỏ bùa” cô gái nào mà anh yêu như những chàng trai ở bản này. Anh cười vui vẻ còn May bất giác đỏ mặt ngượng ngùng như thể cha đang nói về cô vậy.
Bác sĩ Hùng học thổi sáo rất nhanh. Anh đã có thể thổi được cả một điệu sáo gọi bạn như bất kỳ một chàng trai nào trong bản của May. Tiếng sáo ban đầu còn ngập ngừng, dè dặt rồi thuần thục dần, lúc vút cao lảnh lói, lúc réo rắt vui đùa, lúc lại bồn chồn da diết. May dắt tay anh băng qua những đồng hoa cải, qua những vườn mận đang bung nở một màu hoa trắng như mây xốp.
Tiếng sáo bay bổng, vấn vít ở quanh May. Vừa thổi sáo, anh vừa say sưa kể cho May nghe về nơi anh sống và làm việc, về Hà Nội đông vui tấp nập phố phường và về một cô gái nào đó rất thân thiết với anh. Cô gái cũng mang cặp kính trắng ngời sáng, đôi mắt cũng sáng trong, nụ cười trong trẻo. Hình ảnh của người con gái Hà Nội ấy vẫn thường thấp thoáng trong mỗi câu chuyện của bác sĩ Hùng. May không hề chạnh lòng, tiếng sáo của anh đã lấy mất hồn vía của May rồi.
Tất cả những gì thuộc về anh, Hà Nội huyên náo rực rỡ ánh đèn màu hay cô gái mang cặp kính trắng học cùng anh thời đại học với May là cả một thế giới lung linh ảo huyền và xa xôi mà chẳng bao giờ một cô gái miền cao như cô được bước tới.
May chỉ biết bản làng của May, những nếp nhà sàn đơn sơ bình lặng, những con suối hiền hòa chảy qua những quãng đồi xanh mượt cỏ, những chú ngựa thồ giương cặp mắt nâu ngơ ngác vào mỗi buổi sáng mai và những triền hoa mận trắng mênh mông như tự thuở nào. May chỉ biết cô đang được nắm tay anh đi dưới những vòm mận trắng ấy, hít thở không khí tinh khôi trong lành của núi rừng bản làng của cô và nhí nhảnh tung những nếp váy xòe hoa trong điệu khèn điệu sáo dặt dìu ở đâu đó.
Nhưng May không hề hay biết có một người vẫn đang thẫn thờ nhìn theo cô. San đã bỏ đám con trai, con gái đang thổi khèn xòe ô rộn ràng dưới kia để lặng lẽ đi theo May. Thấy May và bác sĩ Hùng, San dừng lại bên gốc cây mận già, ngơ ngẩn buồn như người mất hồn.
- May yêu người Kinh? - San hỏi May khi bác sĩ Hùng đã về nhưng May chỉ im lặng.
- May về nhà tôi đi. Nhà tôi thóc lúa đầy bồ, trâu ngựa đầy ràng...
May vẫn im lặng băng qua những vạt cải để về nhà. San vẫn lững thững theo sau.
- May nghe tôi đi. Về nhà tôi May sẽ không phải sợ cái rét, cái đói nữa đâu. Người Kinh thì hơn gì chứ?
Đang mãi bước, bất chợt May dừng lại nhìn thẳng vào đôi mắt van vỉ của San:
- Nhưng lòng tôi đã thuộc về người Kinh mất rồi.
Từng ngày qua đi như ngàn cơn gió lướt nhanh qua bản làng May. Những bông mận nở rồi tàn, những trái mận bắt đầu nhú một màu xanh non khắp các sườn đồi. Những ngày làm công tác tình nguyện của bác sĩ Hùng ở bản của May cũng sắp kết thúc, anh cũng đang sửa soạn để về dưới xuôi cùng với những đồng nghiệp của mình. Biết anh đã hoàn thành công việc nhưng lòng May thì lại buồn rất nhiều. May thức trọn hai đêm liền để dệt một chiếc khăn bằng thổ cẩm, trên ấy May thêu một cành mận trắng. May ấp ủ bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung trong đó để tặng cho bác sĩ Hùng.
Đêm cuối cùng trước khi anh về thành phố, người bản May từ người già em bé đều đứng chật cửa nhà bác sĩ Hùng để tiễn anh. Tiếng nói cười rộn vang cả nếp nhà sàn. Cha May và mẹ già cũng đến. Chỉ còn thiếu May. Cô đang bận dệt chiếc khăn thổ cẩm để tặng anh. Cô hồi hộp chờ đến ngày mai.
Buổi sáng mờ sương trên bản. Những chú ngựa non cũng vừa mới thức giấc chưa muốn dẫm chân trên cỏ ướt. May chạy trong sương sớm giăng mờ núi vội vã đến chỗ bác sĩ Hùng. Anh sắp về dưới xuôi rồi, đâu nhiều thời gian cho May nữa. Lòng cô hồi hộp khấp khởi như cô gái đang chờ người yêu đến bắt vợ. Bác sĩ Hùng chưa xuống núi, liếp nhà còn hé mở.
May định chạy ào vào cửa nhưng bất chợt bước chân cô khựng lại, có tiếng nói cười rúc rích của ai đó trong nhà của anh. May lẳng lặng nép mình bên vách nhà mà chưa dám vào, tim cô như muốn bật tung khỏi lồng ngực nhỏ bé. Có một người con gái dáng mảnh dẻ đang nhanh nhẹn gấp áo quần bỏ vào túi xách cho bác sĩ Hùng, vừa làm họ vừa nói cười ríu rít.
Cô gái ấy lên đây từ lúc nào, từ đêm qua hay sáng nay mà sao May không biết. Cô ấy không giống bất cứ cô gái nào trong bản của May. Cô ấy mặc trang phục của người Kinh, mái tóc đen suôn dài buông lửng ngang lưng. Và cặp kính trắng lấp lánh, hệt như trong câu chuyện của bác sĩ Hùng. Chắc cô gái từ thành phố lên đây đón anh về dưới xuôi. Họ đã soạn xong đồ rồi, còn mỗi cây sáo anh đang để trên bàn.
“Đây là kỷ vật của dân bản tặng anh - May thoáng nghe tiếng bác sĩ Hùng nói với cô gái - Anh sẽ mang về thành phố, và lúc nào đó sẽ thổi cho em nghe”. Cô gái vui vẻ gật đầu trong khi anh cẩn thận giắt cây sáo vào túi. Lòng May như thắt lại. Cô bần thần rút chiếc khăn vừa mới thêu xong đêm qua. Biết làm sao bây giờ, có nên trao cho anh nữa hay không? Chắc May không dám nữa rồi. Nước mắt May ở đâu bỗng chảy xuống hai má làm ướt một góc chiếc khăn nhỏ. Một cánh mận trắng trên chiếc khăn ấy như thẫm lại.
Họ đã bước ra khỏi ngôi nhà, mỗi người xách một túi lớn đựng khá nhiều đồ đạc và quần áo nhưng không có vẻ gì là nặng nhọc. Nhìn hai người, May biết là bác sĩ Hùng đang rất vui khi được trở về với thành phố náo nhiệt nơi anh đã sống và làm việc. May biết bây giờ không thể đến được gần anh, không thể cất nổi một tiếng nói. Cô đứng chôn chân sau gốc cây mận già xù xì tán lá che phủ mà buồn bã nhìn theo bóng hai người đã khuất dần xuống núi.
May lầm lũi trở về. Những tháng ngày còn lại trôi qua thật ảm đạm. Từ ngày bác sĩ Hùng về xuôi, trên gương mặt cô gái bản lúc nào cũng thoáng nỗi buồn. Cô ít nói ít cười, không còn thích ném còn hay múa xòe ô mỗi độ xuân về như ngày trước nữa. Thêm một mùa mận trắng nở bừng trên bản của May, cô hồi hộp chờ hoa mận nở, hồi hộp chờ một tiếng sáo, một bóng dáng quen thuộc sẽ trở lại, nhưng dường như người ấy đang ở đâu đó rất xa, nơi có những con phố nườm nượp người xe, nơi có những dãy nhà san sát và lung linh đèn đường, nơi mà May chưa bao giờ được đến. Cái bản làng heo hút ẩn sau những triền đồi xanh thẳm không biết có còn trong trí nhớ của anh nữa hay không.
San vẫn đến thổi sáo trước cổng nhà May, đêm nào cũng thế, khi con gà vừa vào ổ, khi con trâu, con ngựa vừa vào ràng, tiếng sáo đã cất lên da diết. San da diết chờ đợi một cái gật đầu của May và cứ chờ mãi như thế mặc cho mùa hoa mận tàn rồi lại nở, như mỗi mùa xuân về rồi lại lặng lẽ ra đi trên bản làng nhỏ bé này.
23/1/2015
Trần Hải Vân
Theo https://baodanang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...