Các danh nhân được sử sách lưu danh
(Theo thứ tự A,B,C)
CHU
VĂN AN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tự Linh
Triệt.
- Quê quán: Xã Quang Liệt, Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, Hà Nội)
- Niên đại: 1292 - 1370
- Chức nghiệp: Nhà giáo, Thầy thuốc, Đại quan đời Trần
- Công trạng: Ông là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh mà không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc truyền bá giáo dục Khổng Tử vào Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy cho các Thái Tử nhà Trần. Đến đời Vua Dụ Tông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh nhưng Vua không nghe. Ông chán nản từ quan về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, bốc thuốc cho tới khi mất. Ông là tác giả sách: Tứ thư thuyết ước, tập thơ chữ hán: Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi tập… Ông mất năm 1370, thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
LÊ VĂN AN
- Tên húy, tên gọi khác:
- Quê quán: làng Mục Sơn nay là xã Xuân Bái huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Niên đại: ? - 1437
- Chức nghiệp: là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam
- Công trạng: Lê Văn An đi theo Lê Lợi từ ngày đầu, từng cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai năm 1416. Trong buổi thề đó, tên ông đứng hàng thứ ba. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Lê Lợi cho ông làm thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết đột. Ông theo Lê Lợi đánh nhiều trận lớn nhỏ, lập được nhiều công lao.
Năm 1424, trong trận Khả Lưu, ông xung phong đi đầu hãm trận, đánh lui quân Minh. Năm 1425, khi Lê Lợi cầm quân vây Nghệ An, sai Trần Nguyên Hãn đánh Tân Bình và Thuận Hoá, ông được cử cùng các tướng Lê Ngân, Lê Bôi mang thuyền tiếp ứng, phối hợp với Trần Nguyên Hãn đánh được hai thành.
Sau đó, ông được điều ra Nghệ An. Hai tướng Minh là Lý An, Phương Chính bỏ thành, vượt biển ra cứu Trần Trí ở Đông Quan, giao lại thành cho Thái Phúc. Lê Lợi bèn mang quân đánh Tây Đô (Thanh Hóa), để Lê Văn An ở lại vây thành Nghệ An. Một thời gian sau, Thái Phúc phải đầu hàng, giao thành cho quân Lam Sơn. Lê Văn An nhận hàng rồi dẫn quân ra Đông Quan.
Lê Lợi sai ông cùng Lê Lý mang 3 vạn quân đến tiếp ứng cho Lê Sát vây đánh Thôi Tụ và Hoàng Phúc là 2 tướng Minh sót lại sau khi Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh bị giết. Lê Văn An liên tục đánh bại quân Thôi Tụ, bao vây quân địch ở Xương Giang. Tháng 11 năm 1427, ông cùng các tướng tổng tấn công, bắt và giết toàn bộ quân địch. Đó là trận Xương Giang kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Văn An được phong làm nhập nội tư mã, Suy trung Bảo chính công thần, được tham dự triều chính. Năm 1429, khi Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, ông được phong làm Đình hầu. Năm 1432, ông lại được gia phong làm Tán trị hiệp mưu công thần, nhập nội kiểm hiệu đại tư không, Bình chương quân quốc trọng sự.
Tháng 6 năm 1437, ông mất, được truy tặng chức Tư không, ban tên thuỵ là Trung Hiến. Năm 1484, ông được Lê Thánh Tông truy tặng là Thái phó, Khác quận công
ĐẶNG XUÂN BẢNG
- Quê quán: Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
- Năm sinh - năm mất: 1828 - 1910
- Chức nghiệp Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ, làm quan từ giáo thụ đến tuần phủ (Nhà Nguyễn), thích sách và đọc sách đến già không biết mỏi. Ông tham khảo rộng rãi nhiều tư liệu để viết sách Nhân sự kim giám thư, Nam phương danh vật bị khảo, Cổ kim thiện ác kinh, Cổ nhân ngôn hành lục… Về quê dạy học, ông mộ dân khai khẩn đất hoang, khôi phục nghề thủ công truyền thống. Khi mất, ông được dân tôn làm Thành hoàng.
NGUYỄN BẶC
- Quê quán: Quê động Hoa Lư, Châu Đại Hoàng, Gia Viễn, Ninh Bình
- Niên đại: 924 - 979
- Chức nghiệp: Đại thần nhà Đinh
- Công trạng: Ông là khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 Sứ quân vào thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam. Ông được vua Đinh phong là Định Quốc Công. Ông được Việt Sử Tân biên liệt vào danh sách “giao châu thất hùng” (tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm có: Đinh Bộ Lĩnh, Định Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng)
HOÀNG TĂNG BÍ
- Quê quán: Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. - Năm sinh - năm mất: 1883 - 1939
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông đỗ Phó Bảng, không ra làm quan, tham gia mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tuyên truyền yêu nước. Lập công ty Đông Thành Xương ở Hàng Gai cạnh tranh với Hoa kiều. Sau vụ Hà Thành đầu độc, ông bị bắt rồi đưa đi an trí ở Huế. Ông còn viết báo Trung Bắc tân văn, dịch một số tiểu thuyết của Pháp và Trung Quốc. Tác phẩm chính là 3 vở tuồng: Thù chồng nợ nước, Nghĩa nặng tình sâu, Hoa tiên ký.
BÙI HUY BÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Tự là Hy Thương, hiệu là Tồn Am, Tồn Ông
- Quê quán: Định Công, Hà Nội
- Niên đại: 1744 - 1818
- Chức nghiệp: Danh nhân, danh sĩ dưới thời Vua Lê
- Chúa Trịnh - Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ năm 1769. Năm 1778, lên làm Hiệp Trấn. Về sau kiêm chức Tả Thị Lang Bộ Lại.
NGUYỄN QUANG BÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Ngô Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngự Phong
- Quê quán: Làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, Nam Định (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình)
- Niên đại: 1832 - 1890
- Chức nghiệp: Là quan nhà Nguyễn, chí sĩ chống Pháp
- Công trạng: Năm 1861, ông đỗ Cử nhân, bổ giáo thọ phủ Trường Khánh, Ninh Bình. 1869, ông đỗ Hoàng Giáp bổ các chức vụ: Án Sát Tây Sơn, Tế tửu Quốc Tử Giám, Án Sát Bình Định, Chánh sứ Sơn Phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa. Năm 1884, ông anh dũng chỉ huy giữ thành Hưng Hóa, khi thành bị mất, ông rút lên vùng Tây Bắc lập căn cứ chống Pháp lâu dài, không chịu theo lệnh bãi binh của triều đình nhà Huế. Năm 1885, hưởng ứng Phong trào Cần Vương, ông tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc Kỳ. Năm 1890, ông bị bệnh mất, hưởng thọ 58 tuổi.
NGUYỄN BIỂU
- Quê quán: xã Nội Diên, huyện Chi La, nay là Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - Năm sinh - năm mất:? - 1413
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông đỗ Thái học sinh đời Trần Trùng Quang, làm đến chức Điện tiền Thị ngự sử. Quân Minh sang xâm lược, ông về quê lập hương binh theo Trần Quý Khoáng khởi nghĩa (1409). Trương Phụ đánh Nghệ An, vua Trùng Quang cử ông sang trại giặc điều đình. Trước uy vũ dọa nạt của quân thù, ông điềm tĩnh ứng phó, ăn cỗ đầu người do quân Minh đưa ra thử. Chúng đã sát hại bằng cách buộc ông vào chân cầu sông Lam để thủy triều dâng lên dìm chết.
ĐỘI CẤN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Trịnh Văn Cấn hay Trịnh Văn Đạt - Quê quán: Làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, (nay thuộc xã Vũ Di, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
- Niên đại: 1881 - 1918
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh nghĩa quân chống Thực dân Pháp ở Thái Nguyên
- Công trạng: Nhà nghèo, năm 1910, ông đăng lính khố xanh thay cho anh trai với cái tên là Trịnh Văn Cấn, sau thăng dần lên chức đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp đóng ở Thái Nguyên, vì thế ông được gọi là Đội Cấn.
Tuy đi lính cho Pháp, nhưng Đội Cấn lại là người chịu ảnh hưởng và khâm phục tinh thần yêu nước chống Pháp của nghĩa quân Đề Thám. Thời gian ông đóng tại Thái Nguyên, ông kết bạn với các đồng ngũ người Việt tại đây như Đội Trường, Đội Giá, Cai Xuyên, Cai Mãnh, Ba Chén... thường bàn bạc việc khởi nghĩa, nổi dậy chống chính quyền của Pháp ở Thái Nguyên.
Giữa năm 1917, Lương Ngọc Quyến, một thành viên của Việt Nam Quang phục Hội bị Pháp bắt giữ và đưa biệt giam tại nhà lao Thái Nguyên với mức án "Chung thân cấm cố". Tại đây, Đội Cấn và các bạn đồng chí đã có những cuộc tiếp xúc với Lương Ngọc Quyến và được cổ vũ thêm tinh thần cũng như hướng dẫn các biện pháp tổ chức binh biến cướp chính quyền.
Đêm 30 rạng 31/8/1917, Khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ. Các binh lính người Việt đã giết chết viên giám binh Pháp tên là Noël, phá nhà tù Thái Nguyên, giải phóng 230 tù nhân. Đội Cấn được cử làm Tư lệnh trưởng, Lương Ngọc Quyến làm Quân sư. Nghĩa quân sau đó triệu tập dân chúng tại Thái Nguyên, tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng Đế quốc, ra Tuyên ngôn và Lời kêu gọi "Chúng ta hãy mau chóng lợi dụng cơ hội ngàn năm có một, cơ hội thật hiếm có để rửa nhục, để trả thù". Đội Cấn và các chiến hữu đã làm chủ Thái Nguyên được 5 ngày. Sáng ngày 5/9/1917, nhà cầm quyền Pháp điều 2 ngàn quân lên Thái Nguyên đàn áp. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân đành phải rút quân về vùng núi Tam Đảo, giáp Vĩnh Yên, xây dựng căn cứ chống giữ.
Đội Cấn và nghĩa quân cầm cự được hơn 5 tháng. Ngày 11/01/1918, trong một cuộc phản kích quân Pháp tấn công lên căn cứ tại núi Pháo, nay thuộc huyện Đại Từ, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, bản thân Đội Cấn bị thương nặng. Để không rơi vào quân Pháp, ông đã tự bắn vào bụng tự sát.
NGUYỄN HỮU CẦU
- Tên húy, tên gọi khác: Quận He; Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại tướng Quân
- Quê quán: xã Lôi Động (nay xã Tân An), huyện Thanh Hà, Hải Dương
- Niên đại: 1712 - 1751
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn
- Công trạng: xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi và hùng dũng nên được gọi là quận He (He là tên loài cá ở biển Đông).
Hữu Cầu theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa, được gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng là một viên tướng giỏi võ nghệ, dũng cảm gan dạ và nhiều mưu lược.
Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, Quận He giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại tướng Quân, thanh thế lừng lẫy. Sau đó bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc. Hữu Cầu chết vào tháng 3 năm 1751.
LÊ CHÂN
- Quê quán: Tương truyền Bà quê làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh)
- Niên đại: 20 - 43 TK-I
- Chức nghiệp: Nữ tướng của Hai Bà Trưng
- Công trạng: Bà là nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, có nhiều chiến công hiển hách. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất mà đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay. - Theo thần tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ bà là Trần Thị Châu. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, theo truyền thuyết, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, Bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống sông Đáy tự vẫn. Lê Chân trầm mình theo Hai Bà Trưng tự vẫn.
TRẦN KHÁT CHÂN
- Quê quán: Làng Hà Lăng, Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)
- Niên đại: 1370 - 1399
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương (Trần Bình Trọng). Năm 1389, quân Chiêm Thành đánh Thăng Long, Vua Trần Thánh Tông sai ông đem quân đi chặn giặc, ông giết được Vua Chiêm Chế Bồng Nga và được phong Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng. Sau khi cướp ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly giết ông cùng 370 tôn thất nhà Trần khi ông 29 tuổi.
LÊ CHẤT
- Tên húy, tên gọi khác: Thiếu phó, thụy hiệu là Trung Nghị.
- Quê quán: Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
- Niên đại: 1769-1826
- Chức nghiệp: Danh tướng của triều Tây Sơn
- Công trạng: Ông là danh tướng của triều Tây Sơn sau đó theo nhà Nguyễn làm quan. Lúc đầu, ông theo Tây Sơn lập được nhiều chiến công, được phong tới chức Đô Đốc. Sau khi Quang Trung mất triều Tây Sơn suy yếu rồi, ông theo Nguyễn Ánh được phong làm Tả đồn Đô thống chế, cùng với một số đại thần trông coi việc xây dựng kinh thành Huế. Năm 1810, Ông làm Hiệp tổng trấn Bắc Thành, năm 1818 làm Tổng trấn Bắc Thành. Ông mất năm 1826 thọ 57 tuổi, được truy tặng Thiếu phó, thụy hiệu là Trung Nghị.
MẠC ĐĨNH CHI
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự Tiết Phu
- Quê quán: Làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc Hải Dương)
- Niên đại: 1272 - 1346
- Chức nghiệp: Trạng Nguyên đời Trần Anh Tông
- Công trạng: Ông đỗ Trạng Nguyên lúc 24 tuổi dưới đời Trần Anh Tông, làm quan dưới 3 triều: Trần Anh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Minh Tông.
Thời vua Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi được tin dùng hậu đãi. Ông là người liêm khiết, vua biết muốn thử ông, sai người đem 10 vạn quan tiền để trước cửa nhà ông. Sáng hôm sau Đĩnh Chi đem túi tiền lên triều, tâu nhà vua, Vua nói: Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng. Mạc Đĩnh Chi cùng với các vị Trần Thời Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Độ Thiên Lư, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn,... được sử quan Ngô Thì Sĩ nhận định trong Việt sử tiêu án: Các ông này làm quan có phong độ, ngạnh trực dám nói thẳng, có phong độ đại thần và nhân tài thịnh nhất hơn triều các vua khác.
Thời vua Trần Hiến Tông ông làm chức Nhập nội hành khiển, Lang trung hữu ty, chuyển sang làm Lang trung tả ty trải đến chức Tả bộc xạ ở hàng quan to.
Năm 1308 đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi. Đó là lúc mới 20 năm sau chiến tranh chống quân Nguyên thứ 3 (1287 - 1288).
Tuy nhiên trong hoạt động bang giao ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng của mình. Hoạt động và tài năng văn chương của ông đã để lại nhiều giai thoại nổi tiếng.
NGUYỄN CHÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Lê Chích; Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ.
- Quê quán: ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam
- Niên đại: 1382 - 1448
- Chức nghiệp: Lê Nhân Tông truy tặng ông làm Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ. Thời Nguyễn, Gia Long liệt ông vào làm bậc công thần khai quốc nhà Lê thứ nhì (năm 1802).
- Công trạng: Năm Nguyễn Chích 25 tuổi, nước Đại Ngu của nhà Hồ mất do cuộc xâm lược của nhà Minh. Ông nuôi chí đánh đuổi người Minh để cứu nước. Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nghe tin thanh thế của Nguyễn Chích, Lê Lợi sai người mang thư đến mời ông về cùng tham gia quân Lam Sơn. Nguyễn Chích đồng ý theo Lê Lợi, nhưng thời gian đầu ông vẫn ở căn cứ Hoàng Nghiêu. Từ Hoàng Nghiêu, ông mang quân ra đánh Lương Nhữ Hốt ở đồn Cổ Vô, được Lê Lợi phong chức Vinh lộc đại phu Lân hổ vệ tướng quân. Sau đó Lê Lợi lại phong ông làm Đô đốc đạo phủ quản tổng đô đốc quân dân, tước Quan nội hầu.
Cuối năm 1420, ông mang toàn bộ lực lượng gia nhập với Lê Lợi - lúc đó đóng mở Mường Nanh. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết đột hữu vệ Đồng tổng đốc chủ quân sự. Từ năm 1421 đến 1423, ông tham gia nhiều trận đánh với quân Lam Sơn như trận Ba Lẫm (12/1421) và trận Sách Khôi (2/1422) đánh bại 10 vạn quân Minh của Trần Trí. Ông được Lê Lợi thăng lên chức thiếu úy.
Cuối năm 1427, viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh lại sang cứu Vương Thông. Nguyễn Chích cùng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Khuyển lên trấn ải Lê Hoa để chặn Mộc Thạnh. Nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt, Mộc Thạnh rút quân về nước. Quân Lam Sơn đuổi theo truy kích một trận nữa.
Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Hậu Lê. Năm 1429, Nguyễn Chích được phong tước Đình thượng hầu, ban cho họ Lê của vua. Từ đó ông được gọi là Lê Chích. Thời gian đầu, Lê Chích được tham gia triều chính nhưng sau đó ông bị Lê Lợi cách chức. Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, con là Lê Thái Tông lên thay. Lê Chích được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hóa, trấn thủ Thát Ải.
Quân Chiêm Thành hai lần cướp phá, ông đều chặn đánh tan, giữ yên biên giới phía nam. Sau đó, Lê Chích còn lập công trong 2 lần đi đánh Chiêm Thành, được phong tước Đình hầu. Ông mất tháng chạp năm 1448, thọ 67 tuổi.
NGUYỄN ĐÌNH CHIỀU
- Tên húy, tên gọi khác: Đồ Chiểu, Tú Chiểu; tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai
- Quê quán: Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, Tp Hồ Chí Minh)
- Niên đại: 1822 - 7/1888
- Chức nghiệp: Danh sĩ yêu nước, nhà thơ miền Nam nửa cuối TK XIX
- Công trạng: Ông đỗ Tú tài năm 21 tuổi, năm 1849, đang chờ thi khoa thi Kỷ Dậu thì nghe tin mẹ mất, ông phải về chịu tang. Trên đường đi vì thương mẹ ông đổ bệnh rồi bị mù cả hai mắt. Ông về Gia Định, rồi Ba Tri dạy học, bốc thuốc được nhân dân gọi là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu. Ông tham gia phong trào yêu nước với những vần thơ, ông để lại nhiều tác phẩm yêu nước như: Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp,…
Tháng 7/1888, Nguyễn Đình Chiểu qua đời tại Ba Tri, Bến Tre thọ 66 tuổi.
TRẦN CHÁNH CHIỂU
- Tên húy, tên gọi khác: Gilberd Chiếu, biệt hiệu là Đông Sơ, hiệu Quang Huy, bút danh là Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung
- Quê quán: Làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang
- Niên đại: 1867 - 1919
- Chức nghiệp: Văn sĩ yêu nước
- Công trạng: Ông là nhà văn, nhà báo yêu nước. Năm 1900, ông lên Sài Gòn làm báo, tham gia các tổ chức yêu nước, được coi là nhân vật trụ cột của phong trào Duy Tân, Đông Du ở Nam Kỳ. Năm 1907, làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn hô hào yêu nước. Năm 1908, ông bị bắt, đến năm 1910, ông được thả rồi bán hết tài sản giúp Phan Bội Châu đang ở nước ngoài. Năm 1917, lại bị bắt vi giặc Pháp cho rằng ông đã hỗ trợ cho Phan Xích long khởi nghĩa chống Pháp. Ông mất năm 1919 tại Sài Gòn.
PHAN HUY CHÚ
- Tên húy, tên gọi khác: Hạo, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong
- Quê quán: thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội
- Niên đại: 1782 - 1840
- Chức nghiệp: nhà thơ, nhà thư tịch lớn, nhà bác học Việt Nam
- Công trạng: Phan Huy Chú là con của Phan Huy Ích, một nhà nho có tiếng, đậu tiến sĩ đời nhà Hậu Lê và từng làm quan cho nhà Tây Sơn. Mẹ ông là Ngô Thị Thực, con gái của Ngô Thì Sĩ, em gái của Ngô Thì Nhậm, bà mất khi ông 10 tuổi. Phan Huy Chú có tên là Hạo, sau vì kiêng quốc húy của nhà Nguyễn mới đổi là Chú, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng biết tiếng Phan Huy Chú, cho triệu ông vào kinh đô Huế, cử giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám ở Huế. Năm Ất Dậu (1825), ông làm Phó sứ sang Trung Quốc. Khi về, được làm Phủ Thừa Thiên, rồi thăng Hiệp Trấn Quảng Nam (1829).
Năm Tân Mão (1831), lại sung Phan Huy Chú làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Nhưng khi về nước, thì cả đoàn sứ bộ đều bị giáng chức (ông bị cách chức), vì tội "lộng quyền".
Năm Nhâm Thìn (1832), cho ông làm phục dịch trong phái bộ sang Batavia (Giang Lưu Ba, Indonesia) để lập công chuộc tội.
Năm Giáp Ngọ (1834), ông được bổ làm Tư vụ bộ Công. Sau đó, vì chán chốn quan trường, ông cáo bệnh xin về hưu ở làng Thanh Mai, thuộc huyện Tiên Phong (nay là xã Vũ Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Ở đây, ông làm nghề dạy học và soạn sách cho đến khi mất.
Phan Huy Chú mất ngày 27/4 năm Canh Tý (28/5/1840) lúc 58 tuổi. Phần mộ của ông hiện ở tại thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì.
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
- Tên húy, tên gọi khác: Công chúa Huyền Trân
- Quê quán: Phủ Thiên Trường, Nam Định
- Niên đại: 1287 - 1340
- Chức nghiệp: Công chúa đời nhà Trần
- Công trạng: Bà là con gái Vua Trần Nhân Tông, em gái út của Vua Anh Thánh Tông, thuộc dòng dõi nhà Trần. Bà được nhà Vua gả cho Vua Chiêm Thành (vua Chế Mân) để đổi lấy hai châu: Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến bắc Quảng Trị ngày nay).
ĐẶNG TRẦN CÔN
- Quê quán: làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- Niên đại: Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời Lê trung hưng.
- Chức nghiệp: Danh sĩ, huấn đạo trường phủ; Tri Huyện Thanh Oai, Hà Nội; Ngự sử đài đại phu.
- Công trạng: Ông là người thông minh, hiếu học, là ông là tác giả của bản "Chinh phụ ngâm" kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam.
Chinh phụ ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời. Tác phẩm viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học chữ Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. Trong số có những bản dịch đó, có một bản dịch thành công nhất được gọi là Bài hiện hành.
Ngoài Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn có một số bài thơ, bài phú tả cảnh thiên nhiên, chỉ còn lưu lại một số bài như Tiêu tương bát cảnh, ba bài phú Trương Hàn tư thuần lô, Trương Lương bố ý, Khấu môn thanh. Khuynh hướng chung của thơ văn ông là đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào nỗi lòng trắc ẩn, phức tạp, sâu kín của con người, nhất là đối với người phụ nữ. Giống như những tác giả thơ văn ở thời này, ông cũng có những đóng góp lớn cho nền văn học thơ ca Việt Nam.
ĐỘI CUNG
- Tên húy, tên gọi khác: Trần Công Cung
- Quê quán: Kỳ Anh, Hà Tĩnh
- Niên đại: - 1885
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh một cuộc binh biến tại Nghệ An chống lại thực dân Pháp.
- Công trạng: Ông là một sĩ quan người Việt giữ chức đội trưởng lính Khố xanh trong quân đội Pháp, nên gọi là Đội Cung. Ông đã vận động binh lính Khố xanh mưu đồ khởi nghĩa chống Pháp. Tháng 01/1941, ông tổ chức đánh chiếm đồn Rạng (ở Đô Lương), sau đó kéo sang chiếm đồn Đô Lương (Anh Sơn), giết bọn Tây đoan, rồi kéo lực lượng về thành phố Vinh chiếm tỉnh lỵ Nghệ An. Nhưng giặc Pháp đã kịp đề phòng đồng thời tổ chức phản công, dồn lính đàn áp dập tắt cuộc binh biến. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và xử bắn.
HOÀNG DIỆU
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai.
- Quê quán: Làng Xuân Đài, Diên Phước, Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam)
- Niên đại: 1828 - 1882
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời nhà Nguyễn nửa đầu TK XIX
- Công trạng: Năm 20 tuổi, ông đỗ Cử nhân (khoa thi Mậu Thân), khi 25 tuổi ông đỗ Phó bảng, ông được Vua Tự Đức bổ nhiệm là Tri huyện Tuy Phước, rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định). Năm 1873, ông được triệu về Kinh đô Huế giữ chức Tham tri Bộ Hình, rồi Bộ Lại kiêm Quan đô sát viện. Đầu năm 1880, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức Thượng thư Bộ Binh, kiêm cả việc thương chính. Biết rõ âm mưu dã tâm của Thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý biên phòng. Mặt khác Hoàng Diệu quan tâm ổn định đời sống nhân dân trong công bằng và trật tự. Từ năm 1879 - 1882, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng Phụ cận. Ông đã lãnh đạo nhân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân Pháp bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25/4/1882, thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tự vẫn tại Võ miếu để không rơi vào tay đối phương. Mộ của ông được người dân Hà Nội mai táng tại khu vườn Dinh đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star, ở đường Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội).
TRẦN QUANG DIỆU
- Quê quán: Có 3 ý kiến khác nhau
1. Xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định
2. Xã Đức Ân, Mộ Đức, Quảng Ngãi
3. Xã Nam Ô, Hòa Vang, Quảng Nam
- Niên đại: ? - 1802
- Chức nghiệp: Danh tướng thời Tây Sơn
- Công trạng: Ông là một trong Tây Sơn thất hổ của Nhà Tây Sơn, chồng của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Ông là người góp công lớn trong chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh năm Kỷ Dậu 1789. Năm 1790, ông làm Đốc trấn Nghệ An trông coi việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
NGUYỄN DU
- Tên húy, tên gọi khác: Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ.
- Quê quán: Làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - Niên đại: 1765 - 1820
- Chức nghiệp: Đại thi hào dân tộc thế kỷ XVIII - XIX
- Công trạng: Là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ ở Việt nam. Ông là một nhà thơ lớn ở Việt Nam được nhân dân ta kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình Thế giới công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Nhân dân trong nước và thế giới biết đến ông với nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng nổi bật, đỉnh cao hơn cả là Truyện Kiều.
TRẦN KHÁNH DƯ
- Tên húy, tên gọi khác: Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
- Quê quán: Chí Linh, Hải Dương
- Niên đại: 1240 - 1340
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông nổi tiếng về tài cầm quân và góp công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của nhà nước Đại Việt. Được Vua Trần Thánh Tông lập làm Thiên tử nghĩa nam (con của Vua).
TRẦN NHẬT DUẬT
- Tên húy, tên gọi khác: Chiêu Văn Vương hay Chiêu Văn Đại Vương
- Quê quán: Sinh ra và lớn lên ở Thăng Long
- Niên đại: 1255 - 1330
- Chức nghiệp: Là Hoàng Tử, Võ tướng đời Trần
- Công trạng: là một nhà chính trị, quân sự Đại Việt thời Trần. Ông là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông và là một danh tướng của vương triều nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử, công lao hiển hách không thua kém Trần Quốc Tuấn hay Trần Quang Khải.
Không chỉ là một vị tướng đầy bản lĩnh với tài trị quốc và đánh giặc, Trần Nhật Duật còn là một con người khoan dung độ lượng và vốn hiểu biết sâu rộng về những thứ tiếng của các nước láng giếng như tiếng Tống, Ai Lao, Chiêm Thành và tiếng nói của các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ông còn có nhiều công trạng trong gây dựng, phát triển các sắc màu văn hóa Đại Việt về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ. Nhiều thành tựu về âm nhạc, múa hát dân tộc đến hôm nay vẫn còn mang dấu ấn sáng tác của ông. Ông sinh ra và lớn lên tại kinh thành Thăng Long, trải qua trên năm mươi năm làm trọng thần dưới triều đại năm vị Hoàng đế liên tiếp.
ĐẶNG DUNG
- Quê quán: Thiên Lộc, Nghệ An châu (nay thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh) - Niên đại: ?
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Hậu Trần
- Công trạng: Ông là con trai của Quốc công Đặng Tất. Ông cùng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy đem quân vào Nghệ An rước Vua Trùng Quang, được phong làm Tư Mã. Ông có bài thơ "Thuật hoài", được danh sĩ Lý Tử Tấn phê là: "Phi hào kiệt chí sĩ bất năng" dịch "không phải hào kiệt không lam được. Khi bị quân Minh bắt cùng Vua Trùng Quang ông đã gieo mình xuống biển tự vẫn.
VÕ VĂN DŨNG
- Tên húy, tên gọi khác: Vũ Văn Dũng
- Quê quán: Phú Phong, Tuy Viễn, Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
- Niên đại: ? - 1802
- Chức nghiệp: Danh tướng Tây Sơn
- Công trạng: Năm 1786, làm Tư Khất dưới quyền Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, sau thăng đến Đô đốc, tước Chiêu Vũ Hầu, một trong các võ tướng chỉ huy đánh thắng 29 vạn quân Thanh ở Đống Đa năm 1789. Năm 1792, ông được thăng Đại tư đồ võ quốc công.
LÊ VĂN DUYỆT
- Quê quán: Vàm Trà Lọt, thuộc làng Hòa Khánh (nay thuộc xã Hòa Khánh, Cái Bè, Tiền Giang)
- Niên đại: 1763 - 1832
- Chức nghiệp: Danh tướng, công thần nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông được biết đến khi tham gia phò tá chúa Nguyễn Ánh, trong cuộc chiến với quân Tây Sơn.
Sau khi chiến tranh kết thúc và Nhà Nguyễn được thành lập, ông trở thành một vị quan cấp cao trong triều đình và phục vụ hai triều vua Gia Long và Minh Mạng.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở gần Tiền Giang, Lê Văn Duyệt gia nhập quân đội của Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn từ năm 1781. Bởi tài năng quân sự của mình, Lê Văn Duyệt nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ của quân Nguyễn tới chức chỉ huy Tả quân vào thời điểm cuộc chiến kết thúc.
Sau khi nhà Nguyễn thành lập, ông trở thành một vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Ông mất năm 1832, thọ 69 tuổi, hiện phần mộ còn ở Bình Hòa (Tp Hồ Chí Minh) nhân dân quen gọi là Lăng Thượng Công hay Lăng Ông Bà…
TÔN THẤT ĐÀM
- Tên húy, tên gọi khác: Tôn Thất Đạm
- Quê quán: Xã Xuân Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Niên đại: 1864-1888
- Chức nghiệp: Danh tướng của Vua Hàm Nghi
- Công trạng: Ông là con của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Năm 1885, Hoàng thành thất thủ, quân Pháp hoàn toàn làm chủ tình thế. Tôn Thất Thuyết và Tôn Thất Đạm bảo vệ xa giá rước vua Hàm Nghi ra thành Quảng Trị, sau đó lên Sơn phòng Tân Sở rồi về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Tại Tân Sở, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua hạ chiếu Cần Vương, hai người con trai của ông đều tham gia chỉ huy trong phong trào Cần Vương. Sau khi giúp vua Hàm Nghi xây dựng căn cứ lãnh đạo phong trào kháng Pháp, nhận thấy tương quan lực lượng khá chênh lệch, vào tháng 2/1886, Tôn Thất Thuyết để cho hai con của mình tiếp tục duy trì “Triều đình Hàm Nghi” chống Pháp.
Trên cương vị Khâm sai Chưởng lý Quân vụ đại thần, Tôn Thất Đạm đóng quân ở miền núi tỉnh Hà Tĩnh, giữ mối liên lạc giữa nghĩa quân Cần Vương và vua Hàm Nghi. Ông giúp Phan Đình Phùng mở rộng phong trào Cần Vương, tổ chức kháng chiến chống Pháp ở Nghệ Tĩnh. Ông cùng với em trai là Tôn Thất Thiệp thay cha làm nhiệm vụ bảo vệ nhà vua trong khoảng thời gian từ tháng 2/1886 đến tháng 10/1888.
TRẦN NGUYÊN ĐÁN
- Quê quán: Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định
- Niên đại: 1325 - 1390
- Chức nghiệp: Danh sĩ đời Trần hiệu Băng Hồ
- Công trạng: Ông là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, làm quan tới chức Tư Đồ, tước Chương túc Quốc thượng hầu. Nguyên Đán là người hiền từ, nho nhã, có phong cách của bậc quân tử. Ông sáng tác nhiều thơ như: Băng hồ ngọc hác tập, Bách thế thông kỷ… Ông mất năm 1290, thọ 65 tuổi.
TÔN ĐẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Nùng Tông Đản, thường gọi là Tông Đản, hay Tôn Đản
- Quê quán: Châu Quảng Nguyên, thuộc đạo Thái Nguyên (Nay thuộc Cao Bằng)
- Niên đại:
- Chức nghiệp: Võ tướng nổi tiếng dưới thời Lý Thường Kiệt
- Công trạng: Ông là vị tướng tài ba của dân tộc Nùng, là người có công lớn cùng Lý Thường Kiệt đánh phá Ung Châu, Liêm Châu trên đất nhà Tống, làm ngăn chặn âm mưu thôn tính Đại Việt của Nhà Tống trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075 - 1077).
TRẦN HƯNG ĐẠO
- Tên húy, tên gọi khác: Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Hưng Đạo Vương,
- Quê quán: Phủ Thiên Trường, Nam Định
- Niên đại: 1228 - 1300
- Chức nghiệp: Tiết chế Hưng Đạo đại vương.
- Công trạng: Ông là nhà Chính trị, nhà Quân sự kiệt xuất nổi tiếng thời Trần. Ông là danh tướng kiệt xuất, tài năng của ông được thể hiện bằng việc 3 lần lãnh đạo Quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Ông là tác giả của Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ, Vạn kiếp tông bí truyền thư,… một dũng tướng yêu nước, thương dân.
Ông được xếp vào 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Ông mất năm 1300, được triều đình lập đền thờ ở Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương.
CƯỜNG ĐỂ
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Nguyễn Phúc Đan
- Quê quán: Sinh tại Huế
- Niên đại: 1882 - 1951
- Chức nghiệp: Nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng chống Pháp.
- Công trạng: Tháng 3/1903, ông được Phan Bội Châu tôn làm Minh chủ phong trào Đông Du, vận động chống Pháp. Sau đó, ông được cử làm Hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội. Tháng 1/1906, ông được đưa sang Nhật vào học Trường Chấn Võ Lục quân, rồi Trường Waseda, lấy tên là Lý Cánh Thành. Tháng 11/1908, ông sang Xiêm rồi về Hương Cảng. Khoảng năm 1912, ông về Nam Kỳ liên lạc với các nhóm chống Pháp. Ông để lại một số bài thơ hay như: Khuyến cáo quốc dân văn, Phổ cáo lục tỉnh văn...
ĐOÀN THỊ ĐIỂM
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu là Hồng Hà nữ sĩ
- Quê quán: Giai Phạm, Văn Giang (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên)
- Niên đại: 1705 - 1749
- Chức nghiệp: Nữ sĩ thời Lê Trung Hưng
- Công trạng: Bà được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp và tài văn chương bên cạnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh. Là tác giả tập truyện "Truyền kỳ tân phả" và là dịch giả bản "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn.
TRƯƠNG ĐỊNH
- Tên húy, tên gọi khác: "Bình tây đại nguyên soái"; Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định
- Quê quán: làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
- Niên đại: 1820 - 1864
- Chức nghiệp: Võ tướng, lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp thời Nguyễn
- Công trạng: Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản Cơ, hàm Lục phẩm. Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền lên đóng quân ở Thuận Kiều và từng đánh thắng quân Pháp ở Cây Mai, Thị Nghè. Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ 2, Trương Định cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền trấn giữ vùng Gia Định - Định Tường. Ở đây ông tự xưng là "Trung thiên tướng", nhân dân tôn ông là "Bình tây đại nguyên soái" xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Ngày 16/12/1862, Trương Định đã lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả 3 tỉnh Miền Đông Nam Bộ, đẩy quân Pháp vào thế bị động. Đến tháng 12 quân Pháp mở cuộc phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công và ông đã hy sinh tại đây.
TRẦN THỦ ĐỘ
- Quê quán: Tức Mặc, Long Hưng (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình)
- Niên đại: 1194 - 1264
- Chức nghiệp: Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương.
- Công trạng: Ông là người có ảnh hưởng lớn đến triều đại nhà Trần. Ông lập nên triều Trần bằng cách buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, trở thành nhân vật trụ cột của triều đình, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất với câu nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Ông được truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương.
Ông một tay cán đáng trọng sự, giúp Trần Thánh Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Đại Việt lúc bấy giờ được cường thịnh, có thể chống cự với quân Mông Cổ. Ông được nhiều nhà sử học qua các thời đại thừa nhận và đánh giá cao về tài năng, khả năng chính trị quyết đoán hiệu quả
LÊ QUÝ ĐÔN
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường
- Quê quán: Làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình)
- Niên đại: 1726 - 1784
- Chức nghiệp: Nhà Văn hóa, Sử gia thời Lê Trung Hưng
- Công trạng: Ông làm quan thời Lê Trung Hưng, là nhà thơ, nhà bác học lớn của Việt Nam thời Phong Kiến. Thủa nhỏ nổi tiếng là người ham học, thông minh. Năm 1743, ông đỗ Giải nguyên, năm 1752 đỗ Nhất giáp. Ông từng đi sứ Trung Quốc và giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Ông là tác giả của nhiều công trình đồ sộ về lịch sử, văn học, văn hóa, triết học… có thể kể đến như: Đại Việt thông sư, Phủ biên tạp lục, Quần thư khảo biên, Bắc sử thông lục, Vân đài loại ngữ…
TRỊNH HOÀI ĐỨC
- Tên húy, tên gọi khác: Tên An, tự Chỉ Sơn, hiệu Càn Trai
- Quê quán: Viễn tổ người Phúc Kiến (TQ), ông nội là Trịnh Hội sang ở Phú Xuân, sau thân phụ vào Trấn Biên, Biên Hòa lập nghiệp
- Niên đại: 1765 - 1825
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời Nguyễn sơ
- Công trạng: Ông là một công thần của Triều Nguyễn là một nhà thơ, là nhà văn và một sử gia nổi tiếng của Việt Nam, thế kỷ XVIII. Sinh thời, ông được nhà Nguyễn ban tước An toàn hầu. Đặc biệt quyển Gia định thành thông chí cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu sử học, địa lý của miền Nam, Việt Nam.
PHAN THANH GIẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu Lương Khê, Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên
- Quê quán: Bảo Thạnh, Bảo An, Vĩnh Long (nay thuộc Ba Tri, Bến Tre) - Niên đại: 1796 - 1867
- Chức nghiệp: Danh sĩ, đại thần triều Nguyễn
- Công trạng: Năm 1825, ông thi đậu Cử nhân, sau đó 1 năm, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ vào năm 30 tuổi, ông là người đầu tiên đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ. Từ đấy, ông làm quan trải cả 3 triều: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông từng giữ các chức: Hàn lâm viện biên tu, Lang trung bộ hình, Tham hiệp tỉnh Quảng Bình, Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam,… dưới triều Minh Mạng.
Dưới triều Thiệu trị: Ông từng làm chủ khảo trường thi Thừa Thiên, Phó đô Ngự sử Đô sát viện.
Dưới triều Tự Đức: Ông được giao giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, Thượng thư Bộ lại, Kinh lược sứ Nam Kỳ.
Năm 1862, đại diện triều đình ký hòa ước giao 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Năm 1863, ông được cử làm Chánh Phó sứ sang Pháp thương nghị chuộc lại 3 tỉnh này nhưng không thành. Ông mất năm 1867, thọ 72 tuổi, đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra, ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.
NGUYỄN TƯ GIẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Văn Phú, tự Tuân Thúc, hiệu Thạch Nông
- Quê quán: làng Du Lâm, tổng Hội Phụ (nay là xã Mai Lâm, Đông Anh), vốn gốc dòng họ Lý Đình Bảng - Năm sinh - năm mất: 1823 - 1890
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông nổi tiếng hay chữ, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1844) thời Thiệu Trị, được bổ làm Hàn lâm viện tư soạn, Thăng binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khang sung biên nội các sư vụ, rồi làm Lại bộ Hữu thị lang, sung biện lý Đê chính sự vụ Bắc Kỳ. Sau khi đánh tan loạn Tạ Văn Phụng ở An Thái, ông được hàm Hồng lộc tự khanh, tham gia sứ bộ sang triều Thanh. Ông có tư tưởng tiến bộ, trình bày với triều đình chương trình canh tân tự cường, mở rộng bang giao với phương Tây nhưng không được chấp nhận. Năm 1875, vì bất cẩn, ông bị cách chức ra làm Sơn phòng sứ Chương Mỹ, sau mới được phục chức ông xin về nghỉ. Tác phẩm để lại: Thạch Nông thi văn tập, Thạch Nông tùng thoại, Yên Thiều thi thảo. Ông còn tham gia duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
TRƯƠNG MINH GIẢNG
- Tên húy, tên gọi khác: Hạnh Thông, huyện Bình Dương, trấn Gia Định.
- Quê quán:
- Niên đại: ? - 1841 - Chức nghiệp: Danh thần nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông được đánh giá là một người "văn võ song toàn", là công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, vừa là một võ tướng vừa là một sử gia, từng giữ chức Tổng đài Quốc Sử giám. Ông cùng với Thượng thư Bộ Lễ Phan Huy Thực soạn bộ Liệt thánh thực lục, là người chủ trì biên soạn bộ Đại Nam Thực lục chính biên. Năm 1841, ông bị bệnh và qua đời tại An Giang.
LÊ NGỌC HÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Ngọc Hân công chúa, hay Bắc cung Hoàng hậu
- Quê quán: Sinh tại kinh thành Thăng Long - Niên đại: 1771 - 1799
- Chức nghiệp: Công chúa thời Hậu Lê, Hoàng hậu nhà Tây Sơn
- Công trạng: Bà là con gái thứ 9 của Vua Lê Hiển Tông, và là vợ của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và Hoàng tử Nguyễn Quang Đức.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng đế đột ngột băng hà. Bà viết bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng.
TRẦN NGUYÊN HÃN
- Quê quán: Xã Sơn Đông nay thuộc Lập Thạch, Vĩnh Phúc
- Niên đại: 1390 - 1429
- Chức nghiệp: Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
- Công trạng: là nhà quân sự Đại Việt thời Lê sơ. Ông là người thuộc dòng dõi nhà Trần, nổi bật với việc tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống sự đô hộ của đế quốc Minh. Ông từng giữ chức Tư đồ (1424-1425), Thái úy (1427), chỉ huy các trận đánh giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (1425-1426), bao vây Đông Quan, công phá thành Xương Giang và chẹn đường tiếp tế của quân Minh trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang (1427). Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ (1428). Trần Nguyên Hãn được phong làm Tả tướng quốc. Nhưng về sau vì tính đa nghi, Thái Tổ bắt tội ông khiến ông tự sát. Đến đời Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ, ông mới được ân xá và khôi phục chức vị.
SƯ VẠN HẠNH
- Tên húy, tên gọi khác: Vạn Hạnh
- Quê quán: Từ Sơn, Bắc Ninh - Niên đại: 938 - 1018
- Chức nghiệp: Thiền Sư, Quốc Sư
- Công trạng: Ông là một tu sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt, người châu Cổ Pháp (Bắc Ninh). Ông là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Ông được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong sử nước Việt.
THOẠI NGỌC HẦU
- Tên thật: Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy
- Quê quán: Làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam (nay thuộc Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng)
- Niên đại: 1761 - 1829
- Chức nghiệp: Danh tướng nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là người có công rất lớn trong việc phò tá Vua Minh Mạng và Gia Long trong việc bình định giang sơn, trị nước, phát triển kinh tế và bảo vệ bờ cõi. Đặc biệt ông có công trong việc khai phá vùng đất Nam Bộ (đào kênh ở Long Xuyên, kênh Vĩnh Tế ở Châu Đốc). Vua còn cho phép đổi tên ngọn núi nơi ông chấn thủ (Núi Sam) thành Thoại Sơn. Ông được giữ chức Khâm sai thống binh cai cơ, rồi cai cơ bảo vệ Chân Lạp, Cao Miên. Ông mất năm 1829, an táng trên sườn núi Sam, Châu Đốc, Kiên Giang (nay còn gọi là Lăng Ông Thoại Hầu).
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Đỉnh Nam, Đỉnh Thần, tên hiệu: Mai Sơn còn được gọi là Ông nghè Liên Bạt
- Quê quán: Làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội)
- Niên đại: 1868 - 1925
- Chức nghiệp: Chí sĩ, danh sĩ
- Công trạng: Ông là con rể quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên. Từ nhỏ Nguyễn Thượng Hiền đã nổi tiếng rất thông minh. Năm 1884, khi 17 tuổi, ông đỗ cử nhân ở khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Năm 1885, ông đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông phải về ở ẩn tại núi Nưa, Thanh Hóa. Đến năm 1892, ông ra thi Đình và đỗ Hoàng giáp. Lúc đó 24 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền được bổ làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, thăng Đốc học ở Ninh Bình, rồi thuyên sang Nam Định nên ông còn được gọi là Ông Đốc Nam. Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như: Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Sang Trung Quốc cùng Phan Bội Châu thành lập ra Việt Nam Quang Phục Hội.
Sau khi hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội thất bại, Nguyễn Thượng Hiền xuống tóc vào tu ở chùa Thường Tích Quang, Hàng Châu, tỉnh Triết Giang và mất tại đây ngày 28/12/1925. Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng, và tro rải xuống sông Tiền Đường. PHẠM ĐÌNH HỔ
- Tên húy, tên gọi khác:
- Quê quán: làng Đan Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nhưng sống ở phường Hà Khẩu, Thăng Long. - Năm sinh - năm mất: 1768 - 1839
- Chức nghiệp: Tế tửu Quốc Tử Giám
- Công trạng: Ông chỉ đỗ sinh đồ, nhưng do học rộng biết nhiều, nên từng làm Hàn lâm viện, sau đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông là tác giả nhiều sách nghiên cứu văn, sử, địa. Tác phẩm văn học chính của ông là: Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lực.
LÊ VĂN HUÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Lâm Ngu
- Quê quán: xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
- Niên đại: 1876 - 1929
- Chức nghiệp: là một chí sĩ theo đường lối kháng Pháp ở đầu thế kỷ XX trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: Ông sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Trung Lễ, huyện La Sơn (nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
Năm 1925, nhân ngày Quốc khánh Pháp (14/7) Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn cùng một số người khác đã họp ở núi Quyết (Nghệ An) quyết định thành lập Hội Phục Việt, nhằm truyền bá tư tưởng "hợp quần, ái quốc" trong nhân dân. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu lại bị thực dân Pháp bắt tại Hàng Châu (Trung Quốc), bị dẫn giải về Hà Nội. Nhà cầm quyền Pháp định thủ tiêu kín nhưng việc bại lộ phải đưa ông ra xét xử rồi kết án chung thân khổ sai. Hội Phục Việt liền cho rải truyền đơn phản đối việc kết án và được nhiều nơi hưởng ứng, buộc Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne phải ra lệnh ân xá Phan Bội Châu nhưng phải an trí ông ở Huế.
Năm 1926, Viện Dân biểu Trung Kỳ (tiếng Pháp: Chambre des Représentants du Peuple de l'Annam) được thành lập theo nghị định ngày 24/2/1926 của Toàn quyền Alexandre Varenne.
Ngày 14/7/1928, Việt Nam cách mạng đồng chí hội họp tại Huế quyết định cải tổ thành Tân Việt Cách mạng Đảng, và Lê Văn Huân được cử ra phụ trách Liên tỉnh bộ Nghệ Tĩnh.
Tháng 9/1929, nhân vụ ám sát viên mộ phu đồn điền Bazin, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các cơ sở cách mạng và cơ sở của đảng Tân Việt cũng bị vỡ gần hết. Ngày 13/9/1929, Lê Văn Huân bị bắt và bị đưa ra Vinh, trong nhà lao ông đã tuyệt thực rồi tự mổ bụng hy sinh vào ngày 20/9/1929 khi 53 tuổi.
NGUYỄN HỮU HUÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Thủ Khoa Huân
- Quê quán: Làng Tịnh Hà, Mỹ Tịnh An, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
- Niên đại: 1830 - 1875
- Chức nghiệp: Sĩ phu yêu nước, Lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp nửa cuối TK XIX
- Công trạng: Năm 1852, ông đỗ thủ khoa nên gọi là Thủ khoa Huân, sau đó được bổ làm Giáo thụ huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Ông cùng với Âu Dương Lân và Võ Duy Dương làm phó quản đạo tích cực chống Pháp. Ông bị Pháp bắt 3 lần, sau khi bị đi đày ở Angieri năm 1864. Sau khi được thả về năm 1871, ông lại tiếp tục kháng chiến ở Định Tường và bị bắt. Thơ ông còn được truyền tụng, nặng tình yêu nước.
HỒ XUÂN HƯƠNG
- Quê quán: Làng Quỳ Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An
- Niên đại: 1772 - 1822
- Chức nghiệp: Nữ sĩ được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm"
- Công trạng: Bà là nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bà được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm" và được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Văn học Việt Nam.
LÊ VĂN HƯU
- Quê quán: Làng Phủ Lý, Đông Sơn, Thanh Hóa (nay thuộc Thiệu Hóa, Thanh Hóa)
- Niên đại: 1230 - 1322
- Chức nghiệp: Nhà Sử học đời Trần
- Công trạng: Ông là nhà Sử học đời nhà Trần, tác giả của bộ "Đại Việt sử ký", bộ sách sử đầu tiên của Việt Nam. Ông từng thi đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi, từng giữ chức Binh bộ thượng thư, Hàn lâm viện học sỹ kiêm Quốc sử viện giám tu.
NGUYỄN SINH HUY
- Tên húy, tên gọi khác: Nguyễn Sinh Sắc; Thường gọi là Cụ Phó Bảng
- Quê quán: Làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An - Niên đại: 1862 - 1929
- Chức nghiệp: Chí sĩ, thân sinh Hồ Chủ Tịch
- Công trạng: Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) còn gọi là Nguyễn Sinh Huy, người dân còn gọi tắt là Cụ Phó Bảng là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là con của 1 gia đình nông dân nghèo, chất phác. Cha mẹ mất sớm, năm 4 tuổi ông phải vất vả lao động kiếm sống và có ý chí học hành. Là một cậu bé hiền lành, thông minh, ham học, Nguyễn Sinh Huy được nhà nho Hoàng Xuân Đường cảm cảnh nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế. Năm 1894, ông tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Ông được người cha nuôi, cũng là thầy giáo, gả con gái của mình là Hoàng Thị Loan làm vợ. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Sau khi đỗ Phó bảng, ông chỉ ra làm quan một thời gian ngắn rồi bị nhà Nguyễn cách chức do quan điểm chống tiêu cực chốn quan trường. Sau khi bị cách chức, ông vào Nam Bộ làm thầy thuốc giúp dân nghèo, sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời, được người dân mến mộ và thương tiếc. Ông mất năm 1929, lăng mộ của ông nằm ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Câu nói nổi tiếng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn).
NGUYỄN KHIÊM ÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Tên hiệu là Kính Trai
- Quê quán: Xã Kim Sơn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội)
- Niên đại: 1678 - 1740
- Chức nghiệp: Tể tướng
- Công trạng: Ông là cháu nội Tham Tụng, Tiễn sĩ Nguyễn Mậu Tài (1616 - 1288). Hai ông cháu, Nguyễn Mậu Tài và Nguyễn Khiêm Ích là 2 trong 39 người phò tá có công lao tài thời Lê Trung hưng được ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Trong 30 năm tham chính (1710 - 1740), Nguyễn Khiêm Ích tỏ rõ là một vị quan tài năng, liêm cần, đạo cao, đức trọng, là bậc đại thần lương đống của triều đình Lê Trịnh.
PHAN HUY ÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu là Dụ Am, Đức Hiên - Quê quán: Huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh)
- Niên đại: 1751 - 1822
- Chức nghiệp: Danh sĩ Hậu Lê
- Công trạng: Ông là con trai đầu của Tiến sĩ Phan Huy Cận, năm ông 20 tuổi (1771), thi đỗ Giải Nguyên, sau đó được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở Trấn Sơn Nam. Năm 1775, ông đỗ Tiến sỹ được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra bắc xuống chiếu cầu hiền Phan Huy Ích ra làm quan cho nhà Tây Sơn được phong chức Tả thị lang Bộ Hộ. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh ông được giao nhiệm vụ phụ trách công việc ngoại giao. Sau khi đi sứ sang Trung Quốc về nước ông được thăng Thị trung ngự sử ở Tòa nội các, rồi Thượng thư Bộ Lễ. Ông mất năm 1822 tại quê nhà.
NGUYỄN THIỆN KẾ
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Trung Khả, hiệu Đường Vân hay Nễ Giang
- Quê quán: Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên - Niên đại: 1849 - 1937
- Chức nghiệp: Danh sĩ
- Công trạng: Năm 1888 ông đỗ Cử nhân được bổ làm tri huyện Tùng Thiện, Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay.
Ông nổi tiếng về thơ văn, giỏi thơ Nôm, sở trường về thơ trào phúng, đả kích bọn bán nước cầu vinh, châm biếm xã hội trong buổi giao thời. Vì vậy ông bị nhà cầm quyền thời đó ghét bỏ, rồi cách chức sau đó ông được tái Bổ Huấn đạo huyện Hoàn Long (Hà Đông).
TRẦN QUANG KHẢI
- Tên húy, tên gọi khác: Chiêu Minh Đại vương
- Niên đại: 1241 - 1294
- Chức nghiệp: Tể tướng, Thượng tướng thái sư
- Công trạng: là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông làm đến chức Tể tướng đời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, coi cả mọi việc trong nước. Trong kháng chiến chống Nguyên Mông (1285), Hoàng đế Trần Nhân Tông phong ông chức Thượng tướng Thái sư; ông giữ vai trò nổi bật trong trận phòng thủ Thanh Hóa, Nghệ An và trận đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương Độ. Ông được Trần Thánh Tông khen là người bề tôi trung hiếu hiếm có; ngoài ra, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi nhận: "Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất". Ông còn là người học rộng, giỏi thơ phú, có làm Lạc Đạo tập lưu lại ở đời.
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- Tên húy: Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ, dân gian gọi là Trạng Trình
- Quê quán: Làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
- Niên đại: 1491 - 1585
- Chức nghiệp: Danh sĩ đời nhà Mạc
- Công trạng: Ông được biết đến là một nhà văn hóa lớn, nhà tiên tri, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời Nam - Bắc triều phân tranh. Sau khi đậu Trạng nguyên năm 1535, làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu, rồi phong tới Trình Quốc Công mà dân gian gọi là Trạng Trình. Người đời coi ông là nhà tiên tri số 1 của lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là "Sấm Trạng Trình". Làm quan 8 năm rồi ông lưu về ở ẩn ở Vân Am mở trường dạy học. Vua Mạc phong ông là Thượng thư bộ lại, Trình quốc công. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Bạch Vân thi tập, Bạch Vân Am tập, Bạch Vân Am quốc ngữ thi tập.
ÔNG ÍCH KHIÊM
- Tên húy, tên gọi khác: Mục Chi
- Quê quán: làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).
- Niên đại: 25/01/1829 - 1884
- Chức nghiệp: Danh tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: Tổ tiên Ông Ích Khiêm vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điều và mẹ là Võ Thị Cốt. Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, gồm 8 trai 5 gái, ông Khiêm là người con thứ tư sau ba chị gái, nhưng lại là người con trai đầu.
Thuở nhỏ, ông vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Ông thông minh, chăm học nhưng cũng rất nghịch ngợm. Khi lớn lên, ngoài tài gồm văn võ, ông còn nổi tiếng là người chính trực, là một vị tướng khẳng khái, mưu lược và biết thương yêu quân sĩ.
PHÙNG KHẮC KHOAN
- Tên húy, tên gọi khác: Tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, Mai Nham Tử, dân gian gọi là Trạng Bùng
- Quê quán: Làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất (nay thuộc Hà Nội)
- Niên đại: 1528 - 1613
- Chức nghiệp: Danh sĩ đời Lê Trung Hưng
- Công trạng: Năm 1580, ông thi đỗ Hoàng Giáp dưới thời Lê Thế Tông được thăng làm Đô cấp sự. Năm 1585, ông được phong làm Thị lang Bộ công. Năm 1592, Lê Trung Hưng đánh đuổi được Nhà Mạc ông được phong làm Tả thị lang Bộ Lại. Ông được coi là ông tổ của nghề dệt lụa Phùng Xá, ông mất năm 1613, thọ 85 tuổi, được phong chức Thái phó.
LÝ THƯỜNG KIỆT
- Quê quán: Thái Hòa, thành Thăng Long - Hà Nội
- Niên đại: 1019 - 1105
- Chức nghiệp: nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng, một hoạn quan đời nhà Lý. Ông cũng là vị tướng nổi tiếng nằm trong số 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: có công to lớn trong việc đánh bại hoàn toàn quân nhà Tống vào năm 1075 - 1077. Ông được cho là người đầu tiên viết ra tác phẩm khẳng định chủ quyền dân tộc (Nam Quốc Sơn Hà).
YẾT KIÊU
- Quê quán: Hạ Bì, Gia Lộc, Hải Dương (nay là xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương)
- Niên đại: 1242 - 1301
- Chức nghiệp: Võ tướng của Trần Hưng Đạo
- Công trạng: Ông là Danh tướng và là gia thần thân tín của Trần Hưng Đạo, là người có tài bơi lặn giỏi, dùng tài của mình để đục thuyền quân xâm lược trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
NGUYỄN TIỂU LA
- Tên húy, tên gọi khác: Nguyễn Thành
- Quê quán: làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Năm sinh - năm mất: 1863 - 1911
- Chức nghiệp - Công trạng: là một chí sĩ yêu nước thời Cận đại trong Lịch sử Việt Nam. Năm 1885, ông hưởng ứng Phong trào Nghĩa Hội đánh thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1887, khi phong trào Nghĩa Hội bị thất bại, ông vẫn tiếp tục tổ chức chiến đấu. Triều đình nhà Nguyễn tìm cách bắt, mua chuộc ông, nhưng không thành, bèn kết án quản thúc ông tại quê nhà. Năm 1904, ông là một trong những người có công lớn trong việc sáng lập và tổ chức Duy Tân hội. Sau khi Phan Bội Châu sang Nhật, ông bí mật hoạt động ở trong nước, vận động kinh phí, đưa thanh niên ra nước ngoài du học để chuẩn bị lực lượng cứu nước. Năm 1908, trong lúc phong trào Duy Tân hội đang phát triển mạnh, cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ đã nổ ra. Chính quyền Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước. Ông bị bắt giữ, bị kết án 9 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Ông qua đời tại đây, ngày 11 tháng 11 năm 1911.
LÊ LAI
- Quê quán: Lương Giang, Thanh Hóa
- Niên đại: ? – mất 4/1418.
- Chức nghiệp: Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thời đàu - Công trạng: Ông là một võ tướng có công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được phong chức Đô tổng quản. Năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn bị giặc vây chặt ở Chí Linh, Hải Dương, Lê Lai đã giả làm Lê Lợi liều chết giải nguy. Lê lợi có căn dặn: "sau này ta chết, đến khi giỗ ta, thì một ngày trước phải cúng tế Lê Lai" Dân gian sau này có câu: " Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi".
Ỷ LAN
- Tên húy, tên gọi khác: Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến, Lê Thị Khiết. Thụy hiệu: Linh Nhân Hoàng Hậu
- Quê quán: quê tại hương Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội)
- Niên đại: 1044 - 1117
- Chức nghiệp: Bà là Nguyên phi của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của Hoàng đế Lý Nhân Tông.
- Công trạng: Khi vua mất, Thái tử còn nhỏ, bà đã buông rèm nhiếp chính, chăm lo mở mang dân trí, khuyến nông, phát triển đạo Phật, khuyến khích thi cử học hành, được phong làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Bà có câu nói nổi tiếng khi bàn về kế trị nước: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh, Hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”.
ÂU DƯƠNG LÂN
- Quê quán: Phú Kiết - Tịnh Hà, tỉnh Định Tường (nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang)
- Niên đại: ? - 1875
- Chức nghiệp: Là quan nhà Nguyễn, chí sĩ chống Pháp
- Công trạng: Ông là một chí sĩ yêu nước sát cánh bên Thủ Khoa Huân cùng nhau đứng lên cứu nước. Sau khi bị bắt, ông bị Thực dân Pháp hành quyết bên bờ sông Mỹ Tho năm 1875.
PHẠM NGŨ LÃO
- Quê quán: Làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
- Niên đại: 1255 - 1320
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông là một danh tướng của nhà Trần, có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (12/1287), Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Năm Giáp Ngọ (1294) nhờ lập công khi đi đánh ở Ai Lao, ông được ban Kim Phù (tức binh phù làm bằng vàng). Năm Đinh Dậu (1297) cũng nhờ lập công khi đi đánh trận ở Ai Lao, ông được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây). Năm Tân Sửu (1301), ông được phong làm Thân Vệ Đại tướng Quân và được ban Quy Phù (tức binh phù có chạm hình con rùa). Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và 1318 vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java.
Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
NGÔ SỸ LIÊN
- Quê quán: Làng Chúc Lý, Chương Đức (nay thuộc Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)
- Niên đại: TK XV
- Chức nghiệp - Công trạng: Nhà Sử học thời Lê Sơ
Ngô Sĩ Liên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khá sớm, giữ chức vụ thư ký trong nghĩa quân, nhiều lần được Lê Lợi cử đi giao thiệp với quân nhà Minh trong những thời kỳ đôi bên tạm hòa hoãn để củng cố lực lượng
Tháng 3/1442, Ngô Sĩ Liên đỗ tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ, Ngô Sĩ Liên đã từng giữ các chức Đô ngự sử dưới triều Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân và Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiểm Sử quan tu soạn dưới triều Lê Thánh Tông.
Đóng góp to lớn mà Ngô Sĩ Liên còn để lại cho đời sau chính là bộ Đại Việt sử ký toàn thư mà ông đã biên soạn theo lệnh nhà vua, được hoàn tất biên soạn vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479) đời Lê Thánh Tông. Bộ sử gồm 15 quyển, chia thành hai phần:
- Phần một (ngoại kỷ), gồm 5 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời Bắc thuộc (năm 938).
- Phần hai (bản kỷ) gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô Quyền dựng nước (năm 938) đến khi vua Lê Lợi lên ngôi (Lê Thái Tổ) vào năm 1428.
DƯƠNG KHÔNG LỘ
- Tên húy, tên gọi khác: Không Lộ, Dương Minh Nghiêm, Nguyên Chí Thành
- Quê quán: Hải Thanh Giao Thủy tỉnh Nam Định.
- Niên đại: 1016-1094
- Chức nghiệp: Là Thiền Sư tiêu biểu của đời nhà Lý.
- Công trạng: Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Ông về tu tại chùa Hà Trạch. Không Lộ là một Thiền sư triều nhà Lý được phong làm Quốc sư, đã từng tu ở các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo), Hà Trạch, Chúc Thánh. Dương Không Lộ cũng được coi là vị tổ nghề đúc đồng. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường.
HOÀNG THỊ LOAN
- Quê quán: Làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, Nghệ An
- Niên đại: 1868-1901
- Chức nghiệp: Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công trạng: Sinh ra trong một gia đình Nho học có truyền thống tại làng Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An. Cuối năm 1883, bà lấy chồng là Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1884, bà sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh (1888), sau đó là con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm và năm 1890 là Nguyễn Sinh Cung chào đời, là lãnh tụ của Việt Nam sau này. Năm 1900, bà hạ sinh thêm một người con trai út, đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận. Từ đó cuộc sống trở nên quá thiếu thốn, vì vất vả, kham khổ bà bị đau ốm luôn. Ngày 10 tháng 2 năm 1901, tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý bà qua đời ở tuổi 33.
PHẠM CỰ LƯỢNG
- Tên húy, tên gọi khác: Phạm Cự Lạng
- Quê quán: làng Trà Hương, Khúc Giang (thuộc Nam Sách, Hải Dương)
- Niên đại: 944 - 984
- Chức nghiệp: Võ tướng đời Đinh Tiên Hoàng, được Lê Đại Hành phong chức Thái Úy
- Công trạng: Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.
Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lạng từ quê đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh. Ông trở thành tướng nhà Đinh, được phong chức Phòng Ngự sứ Tiên phong Tướng quân ra giữ cửa biển Đại Ác. Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Ông được phong Tâm phúc Tướng quân coi việc Thị vệ Quan thân cận của vua.
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, Ông được phong làm Thái úy. Năm Nhâm Ngọ (982), Ông được cử cầm quân đánh Chiêm Thành để trả đũa việc vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt. Mùa thu năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lạng được vua tin trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hòa, Tĩnh Gia Thanh Hoá ngày nay). Trên đắp thành đường lớn, dưới khai thành sông lớn để lưu thông thủy bộ. Cũng trong năm này, Ông còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu (tức Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay).
Ngày 12/ 9 năm Giáp Thân (tức 9/10/ 984), Phạm Cự Lạng mắc bệnh sốt rét, mất tại Đồng Cổ, nơi ông đang làm việc, hưởng dương 41 tuổi.
NGÔ CHÂN LƯU
- Tên húy, tên gọi khác: Đại Sư Khuông Việt
- Quê quán: Tĩnh Gia, Thanh Hóa
- Niên đại: 933 - 1011
- Chức nghiệp: Đại Sư, Tăng thống
- Công trạng: là vị thiền sư được phong Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đại sư là tước hiệu do vua Đinh Tiên Hoàng ban cho nhà sư Ngô Chân Lưu: phong tước Tăng Thống, đứng đầu tăng đạo, dự việc trọng trong triều đình. Ông tinh thông tam giáo, tu ở chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Quang Bích. Thiền sư còn giỏi việc đời, cùng Đỗ Thuận tiếp sứ nhà Tống và Lý Giác làm thơ đối đáp trên sông Hoàng Long được sứ giả rất phục tài.
GIANG VĂN MINH
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung
- Quê quán: Mông Phụ, Phúc Thọ, Sơn Tây (nay thuộc Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội)
- Niên đại: 1573 - 1637
- Chức nghiệp: Làm quan nhà Lê Trung Hưng
- Công trạng: Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi kỳ thi Đình lại đỗ Đình Nguyên Thám Hoa. Ông được mệnh danh là Sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn với triều đình Trung Quốc và bị Vua Minh Tư Tông hành hình năm 1638, thọ 65 tuổi. Sau khi chết ông được triều đình truy tặng chức Công bộ Tả thi lang.
ƯƠNG ĐÌNH NGHỆ
- Tên húy, tên gọi khác: Có sách chép là Dương Diên Nghệ
- Quê quán: Thanh Hóa
- Niên đại: - 937
- Chức nghiệp: Danh tướng của Khúc Hạo
- Công trạng: Ông làm Bộ tướng của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, là người khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La.
VÕ DUY NGHI
- Tên húy, tên gọi khác: Tá mạng công thần, Thượng trụ quốc, Thiếu bảo quận công.
- Quê quán: Phú Vang, Thừa Thiên Huế
- Niên đại: 1745 - 1801
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Nguyễn Sơ
- Công trạng: Thời tuổi trẻ của ông đầu quân, thiện chiến về thủy quân. Đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), ông chỉ huy các đội thủy quân. Khi nghĩa quân Tây Sơn đánh mạnh, Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, ông vẫn ở lại chống đỡ ít lâu, cuối cùng với cai đội Tô Văn Đoài rút quân vào Nam. Sau khi Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn giết, ông theo giúp Nguyễn Ánh. Năm 1772, ông làm Cai cơ Trung quân. Năm 1784, thua to ở trận Rạch Gầm, Nguyễn Ánh chạy sang Băng Cốc, ông cũng chạy theo. Năm 1788, Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, ông được phong Khâm sai thuộc Cai cơ. Ông mất năm 1801, hưởng 56 tuổi được truy phong Tá mạng công thần, Thượng trụ quốc, Thiếu bảo quận công.
NGÔ THÌ NHẬM
- Tên húy, tên gọi khác: Tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên
- Quê quán: Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
- Niên đại: 1746 - 1803
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời Hậu Lê - Tây Sơn
- Công trạng: Ông là Danh sỹ thời Hậu Lê - Tây Sơn. Năm 1765, ông đỗ thi Hương, năm 1779, đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, sau đổi làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Ông làm quan từ thời Hậu Lê tới thời Tây Sơn.
NGUYỄN XUÂN ÔN
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu Ngọc Đường, Lương Giang, Nghè Ôn
- Quê quán: làng Lương Điền, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - Năm sinh - năm mất: 1830 - 1889
- Chức nghiệp: An tỉnh hiệp đốc quân vụ Nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông đỗ tiến sĩ năm 1871, lần lượt nhận các chức Tri phủ, Đốc học cho đến Án sát ở Bình Thuận, đổi ra Quảng Bình rồi bị cách chức vì không theo phái chủ hòa. Về quê, ông chuẩn bị lực lượng chống Pháp, được vua Hàm Nghi phong làm . Ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiến đấu với địch, bị bắt (1886) giam ở Hải Dương, Diễn Châu, Vinh, rồi được thả, nhưng giam lỏng ở Huế cho đến khi mất. Từ năm 1878 đến 1883, Nguyễn Xuân Ôn có nhiều tấu sớ gởi lên triều đình, chủ trương đánh Pháp. Ông cũng có những ý kiến về việc khai hoang, bồi dưỡng sức dân. Thơ văn của ông được chép trong Ngọc Đường thi văn tập. Ngoài ra, còn có một số thơ Nôm và những giai thoại khá thú vị chung quanh cuộc đời ông.
ĐẶNG XUÂN PHONG
- Quê quán: làng Dũng Hòa, Tây Sơn Hạ (Bình Khê), phủ Quy Nhơn - Chức nghiệp: Võ Tướng cao cấp của phong trào Tây Sơn
- Công trạng: Đặng Xuân Phong tham gia vào phong trào Tây Sơn muộn hơn những tướng lĩnh khác như Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Lê Văn Hưng. Bùi Thị Xuân trọng tài tiến cử lên Nguyễn Văn Nhạc, từ đó Đặng Xuân Phong theo nghĩa quân đánh dẹp bắc nam. Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao thì Đặng Xuân Phong tham gia đánh dẹp hai cựu thần tôn thất nhà Nguyễn ở Quảng Nam là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân. Sau trận đánh này, Đặng Xuân Phong được cử ở lại giữ Quảng Nam thay thế cho Nguyễn Văn Xuân.
Khi đóng đô ở Phú Xuân, Lễ bộ Thị lang Bùi Đắc Tuyên muốn mua vui cho Thái tử Quang Toản đã khiến Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong đấu với nhau, Quang Trung Hoàng Đế biết được đã trách phạt Bùi Đắc Tuyên.
Ðặng Xuân Phong năm Cảnh Thịnh thứ ba, được thăng chức Thái phó, ban tước Huyện Công Tuy Viễn. Ðến khi Nguyễn Bảo bị giết, bà họ Trần đem con cháu lên An Khê lánh nạn, thì Ðặng Công từ quan lui về Dõng Hòa dưỡng lão. Ðược năm năm, nghe tin Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Thành, Công mở tiệc mời thân bằng cố hữu đến, nói:
Kẻ hào kiệt ra phò nhà Tây Sơn, phần nhiều đều là bậc trung nghĩa. Nhưng hầu hết đều dày công dày sức trong lúc xây dựng, mà không một ai đủ khả năng chống đỡ trong lúc ngã nghiêng! Nay mai mà Nguyễn Phúc Ánh thu trọn cả Bắc Nam, thì đất bằng nổi sóng, đám cựu thần nhà Tây Sơn, không còn chỗ đặt tay chân. Nếu đợi nước đến trôn, thì không còn nhảy kịp nữa.
Mấy hôm sau, có người đến thăm, thì thấy nhà không vườn trống. Ðặng công đưa gia quyến đi lúc nào và đi về đâu, không một ai hay biết. (Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao).
PHAN ĐÌNH PHÙNG
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu là Châu Phong
- Quê quán: Làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
- Niên đại: 1847-1895
- Chức nghiệp: Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp
- Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ năm 1877, làm quan đến chức Ngự sử. Năm 1883, do không tán thành việc Tôn Thất Thuyết phế vua Dục Đức, ông bị đuổi về quê.
Năm 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương, ông đứng ra mộ quân chống Pháp. Trong 10 năm kháng chiến gian khổ, nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông đã hoạt động rất mạnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Ông mất năm 1895, phong trào Cần Vương chống Pháp ở Nghệ - Tĩnh cũng suy yếu và tan rã từ đó.
NGUYỄN TRI PHƯƠNG
- Tên húy, tên gọi khác: Tên cũ là Nguyễn Văn Chương, hiệu Đường Xuyên, tự Hàm Trinh
- Quê quán: Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Niên đại: 1800-1873
- Chức nghiệp: Đại danh thần thời nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là vị tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Ông làm quan dưới 3 triều vua: Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức lập được nhiều công trạng trong việc trị nước, an dân. Ông mất ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi.
BÀ HUYỆN THANH QUAN
- Tên húy, tên gọi khác: tên thật là Ngô Thị Hinh (có tài liệu ghi là Nguyễn Thị Hinh)
- Quê quán: Làng Nghi Tàm, (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).
- Niên đại: 1805 - 1848
- Chức nghiệp: Nữ sĩ
- Công trạng: Bà là vợ ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời Nguyễn, nên được gọi theo chức vụ của chồng là bà Huyện Thanh Quan.
Bà là một nhà thơ nổi tiếng. Thơ của bà điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật, hàm súc giàu nhạc điệu. Nhờ vậy mà thời kỳ bà theo chồng vào làm việc ở Huế, bà được vua Minh Mạng sung vào triều làm Cung Trung giáo tập để dạy công chúa và các cung nhân học. Năm 1847, sau khi chồng mất, bà đưa các con về sống tại quê, năm sau thì qua đời, hưởng thọ 43 tuổi. Một số tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng của bà: Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long hoài cổ, Qua đèo Ngang….
ĐỖ QUANG
- Tên húy, tên gọi khác: Đỗ Mạnh Tông Quang
- Quê quán: thôn Phương Điếm, thị trấn Gia Lộc, Gia Lộc, Hải Dương.
- Năm sinh - năm mất: 1807 - 1866
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thân (1832), làm quan dưới 03 triều vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) với các chức vụ: Tham tri các bộ Lại, Lễ, Hộ, Hình và Thị lang bộ Công. Sau sung làm Kinh diện nhật giảng quan, Toản tu ở Quốc sử quán kiêm Hàn lâm viện trực học sĩ. Ông 9 lần được cử chấm thi, làm Chánh, Phó chủ khảo, được ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực.
CAO BÁ QUÁT
- Tên húy, tên gọi khác: Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, Cúc Đường
- Quê quán: làng Phú Thọ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc xã Phú Thọ, huyện Gia Lâm, Hà Nội
- Niên đại: 1809 - 1855
- Chức nghiệp: Quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
- Công trạng: từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, giỏi thơ văn. Trong thời gian làm quan, ông nhiều lần bị trách phạt, giáng chức, thậm chí chịu tù ngục do tính tình thẳng thắn cương trực. Năm 1854, ông cùng bạn bè dựng cờ khởi nghĩa Mỹ Lương song cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, Cao Bá Quát cũng hy sinh. Mặc dù thơ văn Cao Bá Quát sau đó bị cấm lưu hành, song nhiều tác phẩm vẫn được lưu truyền đến nay như Cao Chu Thần thi tập, Mẫu hiên thi loại, v.v...
Năm 1832, ông đi thi Hương, đỗ á Nguyên tại trường thi Hà Nội, sau đó vào kinh đô (Huế) thi Hội, nhưng thi mãi không đỗ (truyền rằng do các quan chấm thi ghét ông kiêu ngạo nên đánh hỏng). Năm 1841, nhờ sự tiến cử của quan tỉnh Bắc Ninh, Cao Bá Quát được vào kinh đô nhậm chức Hành Tẩu Bộ Lễ. Tuy làm quan, cuộc sống của ông cũng hàn vi, không thay đổi.
Chứng kiến những nỗi cơ cực của nhân dân, thông cảm với sự bất bình của đại chúng, ông đã bí mật kết giao với nhiều bạn bè, dựng cờ khởi nghĩa ở đất Mỹ Lương (1854). Nghĩa quân lấy danh nghĩa phù Lê, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quốc sư, chống lại triều đình. Song cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài được mấy tháng thì bị dập tắt. Cao Bá Quát bị viên suất đội Đinh Thư Quang bắn chết giữa lúc ông đang ở trận tiền. Nhà Nguyễn đã trả thù, tru di ba họ của ông. Các tác phẩm của ông đều bị cấm tàng trữ, thu hồi và đốt hết.
TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê
- Quê quán: Làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nay là Làng Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi
- Niên đại: 1794 - 1865
- Chức nghiệp: Danh sĩ, đại thần triều Nguyễn
- Công trạng: Ông là danh thần trải qua 4 triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Trong 43 năm làm quan, ông luôn giữ những trọng trách lớn. Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học. Năm 1819, ông làm Thượng thư Bộ Binh, Sung cơ mật viện rồi thăng Hiệp biện đại học sĩ. Đời Thiệu Trị làm Phụ tránh đại thần, Văn minh điện đại học sĩ. Sang đời Tự Đức thăng Cần chánh đại điện học sĩ, tước Quận Công.
Ông từng làm Tổng tài biên soạn Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục.
ĐỘI QUYÊN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên là Lê Quyên hay Lê Văn Quyên
- Quê quán: Làng Nội Yên (nay thuộc xã Đa Phúc, huyện Đức Thọ) Hà Tĩnh
- Niên đại: 1859-1917
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh nghĩa quân chống thực dân Pháp
- Công trạng: Thủ lĩnh nghĩa quân chống thực dân Pháp ở Hà Tĩnh. Từ năm 1885, ông theo Lê Ninh, Phan Đình Phùng chế tạo vũ khí đánh giặc. Sau theo Phan Bội Châu ra nước ngoài rồi về hoạt động tại Nghệ An. Ngày 20/8/1917, bị Pháp truy đuổi ông đã tự vẫn, thọ 58 tuổi.
TRƯƠNG HÁN SIÊU
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu - Quê quán: Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình)
- Niên đại: ? - 1354
- Chức nghiệp: Danh sĩ nổi tiếng đời Trần
- Công trạng: Ông là một danh sỹ nổi tiếng đời Trần, tham dự 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần 2 và lần 3. Năm 1308, ông được Trần Anh Tông bổ làm Hàn lâm học sĩ, sang đời Trần Minh Tông, ông giữ chức Hàn Khiển, đến đời Trần Dụ Tông năm 1342 đổi sang tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng tả gián nghị đại phu năm 1345, và năm 1351 làm tham tri chính sự. Sau khi ông mất Vua cho truy tặng hàm Thái Bảo và được thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
NGUYỄN VĂN SIÊU
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Tốn Ba, hiệu Phương Bình, Thần Siêu
- Quên quán: Làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội)
- Niên đại: 1799 - 1872
- Chức nghiệp - Công trạng: Đỗ bảng nhãn, làm án sát sứ Hưng Yên, rồi về dạy học, lập trường Phương Đình (số nhà 12-14 phố này). Ông giỏi văn chương, học rộng, được người đời gọi là Thần Siêu, cùng với Thánh Quát (Cao Bá Quát) là bạn, nổi tiếng thời ấy. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam thế kỷ 19. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị và có công tạo đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút (Hà Nội). Tại đây, hiện còn nhiều câu đối và đại tự do ông viết.
NGÔ VĂN SỞ
- Tên húy, tên gọi khác: Ngô Hồng Chấn, Ngô Văn Tàng
- Quê quán: Bình Khê, Quy Nhơn (nay thuộc Tây Sơn, Bình Định)
- Niên đại: ? - 1795
- Chức nghiệp: Danh tướng nhà Tây Sơn
- Công trạng: Ông là một Danh tướng nhà Tây Sơn, được Nguyễn Huệ tin dùng và phong chức Đại Tư Mã trấn thủ thành Thăng Long. Ông là người có công lớn trong trận thắng quân xâm lược Mãn - Thanh trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789.
NGUYỄN MẬU TÀI
- Quê quán: xã Kim Sơn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).
- Niên đại: 1616 - 1688
- Chức nghiệp: Tể tướng
- Công trạng: Tể tướng, tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài là một nhân vật lịch sử tiêu biểu, một nhà chính trị, văn hóa có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực trong thế kỷ XVII. Tên tuổi và hành trạng của Tế tướng - Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài được ghi chép khá đầy đủ trong thư tịch cổ Việt Nam như: Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Việt Sử ký, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều tạp kỷ, Kim sơn gia phả. Đặc biệt, trong Lịch triều hiến chương loại chí của sử gia Phan Huy Chú đã có một mục riêng viết về Tể tướng - Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài và được đánh giá là người có công lao và tài đức thời vua Lê Trung Hưng.
ĐẶNG TẤT
- Quê quán: Làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An châu (nay thuộc Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)
- Niên đại: 1357 - 1409
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Hậu Trần
- Công trạng: Là cha của Đặng Dung. Ông là Danh tương nhà Hậu Trần, có công lớn trong việc phò tá Vua Giản Định Đế.
Cuối đời Trần, ông làm Đại tri châu, tham gia khởi nghĩa chống quân Minh ở phủ Thiên Trường, đánh thành Đông Quan. Năm 1409, ông bị vua Giản Định giết oan cùng với Nguyễn Cảnh Chân.
HOÀNG HOA THÁM
- Tên húy, tên gọi khác: tên thật là Trương Văn Thám, lúc nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, hay còn gọi là Đề Dương, Đề Thám, Hùm xám Yên Thế.
- Quê quán: Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sau di cư lên Sơn Tây (Hà Tây), rồi đến Yên Thế (Bắc Giang).
- Niên đại: 1858 - 1913
- Chức nghiệp: Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp
- Công trạng: Ông là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885 - 1913).
Hoàng Hoa Thám tổ chức ra "Đảng Nghĩa Hưng" và "Trung Chân ứng nghĩa đạo". Đặc biệt, Hoàng Hoa Thám đã chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ngày 27-6- 1908 của binh lính yêu nước ở Hà Nội (gọi là vụ Hà thành đầu độc). Sự kiện này làm chấn động khắp cả nước. Ngoài ra, Hoàng Hoa Thám xúc tiến việc xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến, đồng thời bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên..
Ngày 18/3/1913, ông bị tên phản bội Lương Tam Kỳ sát hại thọ 55 tuổi, Nghĩa quân dần dần tan rã.
LÃNH BINH THĂNG
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng
- Quê quán: Mỹ Thạnh, huyện Tân An (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
- Niên đại: 1798 - 1866
- Chức nghiệp: Võ tướng nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là võ tướng của Vua Tự Đức, được thăng chức Lãnh binh đóng quân ở Gia Định. Năm 1859, giặc Pháp tấn công Cần Giờ rồi chiếm Gia Định, ông được lệnh trấn giữ đồn Thủ Thiêm, quân ông bị tổn thất nặng nề phải rút quân về Định Tường. Năm, 1862, Pháp chiếm Mỹ Tho, Gò Công, ông đã hy sinh tại đây. Hiện nay bài vị của ông được thờ với vị Thành hoàng và Đức Trần Hưng Đạo ở đình Nhơn Hòa, đường Cô Giang, quận 2 TP Hồ Chí Minh.
CAO THẮNG
- Quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh
- Niên đại: 1864 - 1893
- Chức nghiệp: Chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp TK XIX
- Công trạng: Ông là trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng, ban đầu ông được giao làm Quản Cơ. Ông mở xưởng đúc vũ khí ở chiến khu Vụ Quang để cung cấp cho nghĩa quân. Năm 1892, ông dùng mưu bắt sống Tuần phủ tay sai Pháp Đinh Nho Quang làm trấn động dư luận Nghệ Tĩnh. Ông chỉ huy đánh đồn tây và giành nhiều thắng lợi.
Năm 1885, khi Vua Hàm Nghi xuống hịch Cần Vương thì cụ Phan Đình Phùng được giao lãnh đạo phong trào ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hào kiệt khắp nơi kéo về xin gia nhập, trong số đó anh em Cao Thắng. Ông rất được trọng dụng vì là người tài.
Năm 1886, khi cụ Châu kéo quân ra Bắc, Cao Thắng được giao quyền chỉ huy khi mới 22 tuổi. Ông ra sức quy tụ người tài, thợ rèn đưa họ vào Lệ Đông để đúc súng. Sau bao tháng trời mày mò, rút kinh nghiệm, ông đúc được 200 khẩu súng. Đây là một loại súng phải nhồi thuốc nổ, hễ đốt lửa thì đạn bay ra khỏi nòng. Khẩu súng ra đời làm nghĩa quân nóng lòng và thanh thế của cụ Phan vang rộng khắp nơi. Nhưng Cao Thắng tự nhủ phải chế tạo được loại súng hiện đại như của Pháp. Suy tính nát óc mà không biết làm sao. May thay, ông đã cướp được 17 khẩu súng và 600 viên đạn của một toán lính Pháp khi chúng đi phát lương cho lính.
Ông đã tự mình tháo rời súng, đo đạc từng bộ phận, rèn đi đúc lại nhiều lần mà không nản lòng. Cuối cùng khẩu súng kiểu Pháp cũng ra đời. Không có thép cứng ông dùng cây gọng dù uốn lại, thiếu sắt ông cho gom móng ngựa, cày cuốc cũ về làm lại… Chính sự thông minh cần cù đã giúp họ tạo ra một cây súng hiện đại chứ không nhờ một loại máy móc nào cả. Có súng trong tay ông chủ động xin cụ Phan cho đánh trước để mở đường ra khỏi núi rừng. Ông đã quì xuống chân cụ Phan để nói lời tâm huyết: “Đại trượng phu đến chết là cùng, chứ có điều chi mà phòng sợ.”
Ông đã chọn những người ngoan cường để ra đi với trang phục màu đỏ tượng trưng cho Lửa, còn phương tây là Kim. Lửa đố vàng khắc chảy. Càng đánh khí thế của nghĩa quân càng lên cao. Đồn bót của giặc không tài nào chống cự nổi. Nhưng trong đêm 21/11/1893 trong trận đánh đồn Nổ, ông đã trúng đạn và hy sinh. Năm đó mới 29 tuổi,.
TÔ HIẾN THÀNH
- Quê quán: Xã Quang Liệt, Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, Hà Nội)
- Niên đại: 1292 - 1370
- Chức nghiệp: Nhà giáo, Thầy thuốc, Đại quan đời Trần
- Công trạng: Ông là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh mà không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc truyền bá giáo dục Khổng Tử vào Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy cho các Thái Tử nhà Trần. Đến đời Vua Dụ Tông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh nhưng Vua không nghe. Ông chán nản từ quan về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, bốc thuốc cho tới khi mất. Ông là tác giả sách: Tứ thư thuyết ước, tập thơ chữ hán: Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi tập… Ông mất năm 1370, thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
LÊ VĂN AN
- Tên húy, tên gọi khác:
- Quê quán: làng Mục Sơn nay là xã Xuân Bái huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Niên đại: ? - 1437
- Chức nghiệp: là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam
- Công trạng: Lê Văn An đi theo Lê Lợi từ ngày đầu, từng cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai năm 1416. Trong buổi thề đó, tên ông đứng hàng thứ ba. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Lê Lợi cho ông làm thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết đột. Ông theo Lê Lợi đánh nhiều trận lớn nhỏ, lập được nhiều công lao.
Năm 1424, trong trận Khả Lưu, ông xung phong đi đầu hãm trận, đánh lui quân Minh. Năm 1425, khi Lê Lợi cầm quân vây Nghệ An, sai Trần Nguyên Hãn đánh Tân Bình và Thuận Hoá, ông được cử cùng các tướng Lê Ngân, Lê Bôi mang thuyền tiếp ứng, phối hợp với Trần Nguyên Hãn đánh được hai thành.
Sau đó, ông được điều ra Nghệ An. Hai tướng Minh là Lý An, Phương Chính bỏ thành, vượt biển ra cứu Trần Trí ở Đông Quan, giao lại thành cho Thái Phúc. Lê Lợi bèn mang quân đánh Tây Đô (Thanh Hóa), để Lê Văn An ở lại vây thành Nghệ An. Một thời gian sau, Thái Phúc phải đầu hàng, giao thành cho quân Lam Sơn. Lê Văn An nhận hàng rồi dẫn quân ra Đông Quan.
Lê Lợi sai ông cùng Lê Lý mang 3 vạn quân đến tiếp ứng cho Lê Sát vây đánh Thôi Tụ và Hoàng Phúc là 2 tướng Minh sót lại sau khi Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh bị giết. Lê Văn An liên tục đánh bại quân Thôi Tụ, bao vây quân địch ở Xương Giang. Tháng 11 năm 1427, ông cùng các tướng tổng tấn công, bắt và giết toàn bộ quân địch. Đó là trận Xương Giang kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Văn An được phong làm nhập nội tư mã, Suy trung Bảo chính công thần, được tham dự triều chính. Năm 1429, khi Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, ông được phong làm Đình hầu. Năm 1432, ông lại được gia phong làm Tán trị hiệp mưu công thần, nhập nội kiểm hiệu đại tư không, Bình chương quân quốc trọng sự.
Tháng 6 năm 1437, ông mất, được truy tặng chức Tư không, ban tên thuỵ là Trung Hiến. Năm 1484, ông được Lê Thánh Tông truy tặng là Thái phó, Khác quận công
ĐẶNG XUÂN BẢNG
- Quê quán: Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
- Năm sinh - năm mất: 1828 - 1910
- Chức nghiệp Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ, làm quan từ giáo thụ đến tuần phủ (Nhà Nguyễn), thích sách và đọc sách đến già không biết mỏi. Ông tham khảo rộng rãi nhiều tư liệu để viết sách Nhân sự kim giám thư, Nam phương danh vật bị khảo, Cổ kim thiện ác kinh, Cổ nhân ngôn hành lục… Về quê dạy học, ông mộ dân khai khẩn đất hoang, khôi phục nghề thủ công truyền thống. Khi mất, ông được dân tôn làm Thành hoàng.
NGUYỄN BẶC
- Quê quán: Quê động Hoa Lư, Châu Đại Hoàng, Gia Viễn, Ninh Bình
- Niên đại: 924 - 979
- Chức nghiệp: Đại thần nhà Đinh
- Công trạng: Ông là khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 Sứ quân vào thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam. Ông được vua Đinh phong là Định Quốc Công. Ông được Việt Sử Tân biên liệt vào danh sách “giao châu thất hùng” (tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm có: Đinh Bộ Lĩnh, Định Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng)
HOÀNG TĂNG BÍ
- Quê quán: Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. - Năm sinh - năm mất: 1883 - 1939
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông đỗ Phó Bảng, không ra làm quan, tham gia mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tuyên truyền yêu nước. Lập công ty Đông Thành Xương ở Hàng Gai cạnh tranh với Hoa kiều. Sau vụ Hà Thành đầu độc, ông bị bắt rồi đưa đi an trí ở Huế. Ông còn viết báo Trung Bắc tân văn, dịch một số tiểu thuyết của Pháp và Trung Quốc. Tác phẩm chính là 3 vở tuồng: Thù chồng nợ nước, Nghĩa nặng tình sâu, Hoa tiên ký.
BÙI HUY BÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Tự là Hy Thương, hiệu là Tồn Am, Tồn Ông
- Quê quán: Định Công, Hà Nội
- Niên đại: 1744 - 1818
- Chức nghiệp: Danh nhân, danh sĩ dưới thời Vua Lê
- Chúa Trịnh - Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ năm 1769. Năm 1778, lên làm Hiệp Trấn. Về sau kiêm chức Tả Thị Lang Bộ Lại.
NGUYỄN QUANG BÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Ngô Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngự Phong
- Quê quán: Làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, Nam Định (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình)
- Niên đại: 1832 - 1890
- Chức nghiệp: Là quan nhà Nguyễn, chí sĩ chống Pháp
- Công trạng: Năm 1861, ông đỗ Cử nhân, bổ giáo thọ phủ Trường Khánh, Ninh Bình. 1869, ông đỗ Hoàng Giáp bổ các chức vụ: Án Sát Tây Sơn, Tế tửu Quốc Tử Giám, Án Sát Bình Định, Chánh sứ Sơn Phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa. Năm 1884, ông anh dũng chỉ huy giữ thành Hưng Hóa, khi thành bị mất, ông rút lên vùng Tây Bắc lập căn cứ chống Pháp lâu dài, không chịu theo lệnh bãi binh của triều đình nhà Huế. Năm 1885, hưởng ứng Phong trào Cần Vương, ông tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc Kỳ. Năm 1890, ông bị bệnh mất, hưởng thọ 58 tuổi.
NGUYỄN BIỂU
- Quê quán: xã Nội Diên, huyện Chi La, nay là Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - Năm sinh - năm mất:? - 1413
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông đỗ Thái học sinh đời Trần Trùng Quang, làm đến chức Điện tiền Thị ngự sử. Quân Minh sang xâm lược, ông về quê lập hương binh theo Trần Quý Khoáng khởi nghĩa (1409). Trương Phụ đánh Nghệ An, vua Trùng Quang cử ông sang trại giặc điều đình. Trước uy vũ dọa nạt của quân thù, ông điềm tĩnh ứng phó, ăn cỗ đầu người do quân Minh đưa ra thử. Chúng đã sát hại bằng cách buộc ông vào chân cầu sông Lam để thủy triều dâng lên dìm chết.
ĐỘI CẤN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Trịnh Văn Cấn hay Trịnh Văn Đạt - Quê quán: Làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, (nay thuộc xã Vũ Di, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
- Niên đại: 1881 - 1918
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh nghĩa quân chống Thực dân Pháp ở Thái Nguyên
- Công trạng: Nhà nghèo, năm 1910, ông đăng lính khố xanh thay cho anh trai với cái tên là Trịnh Văn Cấn, sau thăng dần lên chức đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp đóng ở Thái Nguyên, vì thế ông được gọi là Đội Cấn.
Tuy đi lính cho Pháp, nhưng Đội Cấn lại là người chịu ảnh hưởng và khâm phục tinh thần yêu nước chống Pháp của nghĩa quân Đề Thám. Thời gian ông đóng tại Thái Nguyên, ông kết bạn với các đồng ngũ người Việt tại đây như Đội Trường, Đội Giá, Cai Xuyên, Cai Mãnh, Ba Chén... thường bàn bạc việc khởi nghĩa, nổi dậy chống chính quyền của Pháp ở Thái Nguyên.
Giữa năm 1917, Lương Ngọc Quyến, một thành viên của Việt Nam Quang phục Hội bị Pháp bắt giữ và đưa biệt giam tại nhà lao Thái Nguyên với mức án "Chung thân cấm cố". Tại đây, Đội Cấn và các bạn đồng chí đã có những cuộc tiếp xúc với Lương Ngọc Quyến và được cổ vũ thêm tinh thần cũng như hướng dẫn các biện pháp tổ chức binh biến cướp chính quyền.
Đêm 30 rạng 31/8/1917, Khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ. Các binh lính người Việt đã giết chết viên giám binh Pháp tên là Noël, phá nhà tù Thái Nguyên, giải phóng 230 tù nhân. Đội Cấn được cử làm Tư lệnh trưởng, Lương Ngọc Quyến làm Quân sư. Nghĩa quân sau đó triệu tập dân chúng tại Thái Nguyên, tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng Đế quốc, ra Tuyên ngôn và Lời kêu gọi "Chúng ta hãy mau chóng lợi dụng cơ hội ngàn năm có một, cơ hội thật hiếm có để rửa nhục, để trả thù". Đội Cấn và các chiến hữu đã làm chủ Thái Nguyên được 5 ngày. Sáng ngày 5/9/1917, nhà cầm quyền Pháp điều 2 ngàn quân lên Thái Nguyên đàn áp. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân đành phải rút quân về vùng núi Tam Đảo, giáp Vĩnh Yên, xây dựng căn cứ chống giữ.
Đội Cấn và nghĩa quân cầm cự được hơn 5 tháng. Ngày 11/01/1918, trong một cuộc phản kích quân Pháp tấn công lên căn cứ tại núi Pháo, nay thuộc huyện Đại Từ, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, bản thân Đội Cấn bị thương nặng. Để không rơi vào quân Pháp, ông đã tự bắn vào bụng tự sát.
NGUYỄN HỮU CẦU
- Tên húy, tên gọi khác: Quận He; Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại tướng Quân
- Quê quán: xã Lôi Động (nay xã Tân An), huyện Thanh Hà, Hải Dương
- Niên đại: 1712 - 1751
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn
- Công trạng: xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi và hùng dũng nên được gọi là quận He (He là tên loài cá ở biển Đông).
Hữu Cầu theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa, được gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng là một viên tướng giỏi võ nghệ, dũng cảm gan dạ và nhiều mưu lược.
Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, Quận He giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại tướng Quân, thanh thế lừng lẫy. Sau đó bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc. Hữu Cầu chết vào tháng 3 năm 1751.
LÊ CHÂN
- Quê quán: Tương truyền Bà quê làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh)
- Niên đại: 20 - 43 TK-I
- Chức nghiệp: Nữ tướng của Hai Bà Trưng
- Công trạng: Bà là nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, có nhiều chiến công hiển hách. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất mà đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay. - Theo thần tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ bà là Trần Thị Châu. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, theo truyền thuyết, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, Bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống sông Đáy tự vẫn. Lê Chân trầm mình theo Hai Bà Trưng tự vẫn.
TRẦN KHÁT CHÂN
- Quê quán: Làng Hà Lăng, Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)
- Niên đại: 1370 - 1399
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương (Trần Bình Trọng). Năm 1389, quân Chiêm Thành đánh Thăng Long, Vua Trần Thánh Tông sai ông đem quân đi chặn giặc, ông giết được Vua Chiêm Chế Bồng Nga và được phong Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng. Sau khi cướp ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly giết ông cùng 370 tôn thất nhà Trần khi ông 29 tuổi.
LÊ CHẤT
- Tên húy, tên gọi khác: Thiếu phó, thụy hiệu là Trung Nghị.
- Quê quán: Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
- Niên đại: 1769-1826
- Chức nghiệp: Danh tướng của triều Tây Sơn
- Công trạng: Ông là danh tướng của triều Tây Sơn sau đó theo nhà Nguyễn làm quan. Lúc đầu, ông theo Tây Sơn lập được nhiều chiến công, được phong tới chức Đô Đốc. Sau khi Quang Trung mất triều Tây Sơn suy yếu rồi, ông theo Nguyễn Ánh được phong làm Tả đồn Đô thống chế, cùng với một số đại thần trông coi việc xây dựng kinh thành Huế. Năm 1810, Ông làm Hiệp tổng trấn Bắc Thành, năm 1818 làm Tổng trấn Bắc Thành. Ông mất năm 1826 thọ 57 tuổi, được truy tặng Thiếu phó, thụy hiệu là Trung Nghị.
MẠC ĐĨNH CHI
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự Tiết Phu
- Quê quán: Làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc Hải Dương)
- Niên đại: 1272 - 1346
- Chức nghiệp: Trạng Nguyên đời Trần Anh Tông
- Công trạng: Ông đỗ Trạng Nguyên lúc 24 tuổi dưới đời Trần Anh Tông, làm quan dưới 3 triều: Trần Anh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Minh Tông.
Thời vua Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi được tin dùng hậu đãi. Ông là người liêm khiết, vua biết muốn thử ông, sai người đem 10 vạn quan tiền để trước cửa nhà ông. Sáng hôm sau Đĩnh Chi đem túi tiền lên triều, tâu nhà vua, Vua nói: Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng. Mạc Đĩnh Chi cùng với các vị Trần Thời Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Độ Thiên Lư, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn,... được sử quan Ngô Thì Sĩ nhận định trong Việt sử tiêu án: Các ông này làm quan có phong độ, ngạnh trực dám nói thẳng, có phong độ đại thần và nhân tài thịnh nhất hơn triều các vua khác.
Thời vua Trần Hiến Tông ông làm chức Nhập nội hành khiển, Lang trung hữu ty, chuyển sang làm Lang trung tả ty trải đến chức Tả bộc xạ ở hàng quan to.
Năm 1308 đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi. Đó là lúc mới 20 năm sau chiến tranh chống quân Nguyên thứ 3 (1287 - 1288).
Tuy nhiên trong hoạt động bang giao ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng của mình. Hoạt động và tài năng văn chương của ông đã để lại nhiều giai thoại nổi tiếng.
NGUYỄN CHÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Lê Chích; Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ.
- Quê quán: ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam
- Niên đại: 1382 - 1448
- Chức nghiệp: Lê Nhân Tông truy tặng ông làm Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ. Thời Nguyễn, Gia Long liệt ông vào làm bậc công thần khai quốc nhà Lê thứ nhì (năm 1802).
- Công trạng: Năm Nguyễn Chích 25 tuổi, nước Đại Ngu của nhà Hồ mất do cuộc xâm lược của nhà Minh. Ông nuôi chí đánh đuổi người Minh để cứu nước. Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nghe tin thanh thế của Nguyễn Chích, Lê Lợi sai người mang thư đến mời ông về cùng tham gia quân Lam Sơn. Nguyễn Chích đồng ý theo Lê Lợi, nhưng thời gian đầu ông vẫn ở căn cứ Hoàng Nghiêu. Từ Hoàng Nghiêu, ông mang quân ra đánh Lương Nhữ Hốt ở đồn Cổ Vô, được Lê Lợi phong chức Vinh lộc đại phu Lân hổ vệ tướng quân. Sau đó Lê Lợi lại phong ông làm Đô đốc đạo phủ quản tổng đô đốc quân dân, tước Quan nội hầu.
Cuối năm 1420, ông mang toàn bộ lực lượng gia nhập với Lê Lợi - lúc đó đóng mở Mường Nanh. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết đột hữu vệ Đồng tổng đốc chủ quân sự. Từ năm 1421 đến 1423, ông tham gia nhiều trận đánh với quân Lam Sơn như trận Ba Lẫm (12/1421) và trận Sách Khôi (2/1422) đánh bại 10 vạn quân Minh của Trần Trí. Ông được Lê Lợi thăng lên chức thiếu úy.
Cuối năm 1427, viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh lại sang cứu Vương Thông. Nguyễn Chích cùng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Khuyển lên trấn ải Lê Hoa để chặn Mộc Thạnh. Nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt, Mộc Thạnh rút quân về nước. Quân Lam Sơn đuổi theo truy kích một trận nữa.
Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Hậu Lê. Năm 1429, Nguyễn Chích được phong tước Đình thượng hầu, ban cho họ Lê của vua. Từ đó ông được gọi là Lê Chích. Thời gian đầu, Lê Chích được tham gia triều chính nhưng sau đó ông bị Lê Lợi cách chức. Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, con là Lê Thái Tông lên thay. Lê Chích được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hóa, trấn thủ Thát Ải.
Quân Chiêm Thành hai lần cướp phá, ông đều chặn đánh tan, giữ yên biên giới phía nam. Sau đó, Lê Chích còn lập công trong 2 lần đi đánh Chiêm Thành, được phong tước Đình hầu. Ông mất tháng chạp năm 1448, thọ 67 tuổi.
NGUYỄN ĐÌNH CHIỀU
- Tên húy, tên gọi khác: Đồ Chiểu, Tú Chiểu; tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai
- Quê quán: Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, Tp Hồ Chí Minh)
- Niên đại: 1822 - 7/1888
- Chức nghiệp: Danh sĩ yêu nước, nhà thơ miền Nam nửa cuối TK XIX
- Công trạng: Ông đỗ Tú tài năm 21 tuổi, năm 1849, đang chờ thi khoa thi Kỷ Dậu thì nghe tin mẹ mất, ông phải về chịu tang. Trên đường đi vì thương mẹ ông đổ bệnh rồi bị mù cả hai mắt. Ông về Gia Định, rồi Ba Tri dạy học, bốc thuốc được nhân dân gọi là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu. Ông tham gia phong trào yêu nước với những vần thơ, ông để lại nhiều tác phẩm yêu nước như: Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp,…
Tháng 7/1888, Nguyễn Đình Chiểu qua đời tại Ba Tri, Bến Tre thọ 66 tuổi.
TRẦN CHÁNH CHIỂU
- Tên húy, tên gọi khác: Gilberd Chiếu, biệt hiệu là Đông Sơ, hiệu Quang Huy, bút danh là Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung
- Quê quán: Làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang
- Niên đại: 1867 - 1919
- Chức nghiệp: Văn sĩ yêu nước
- Công trạng: Ông là nhà văn, nhà báo yêu nước. Năm 1900, ông lên Sài Gòn làm báo, tham gia các tổ chức yêu nước, được coi là nhân vật trụ cột của phong trào Duy Tân, Đông Du ở Nam Kỳ. Năm 1907, làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn hô hào yêu nước. Năm 1908, ông bị bắt, đến năm 1910, ông được thả rồi bán hết tài sản giúp Phan Bội Châu đang ở nước ngoài. Năm 1917, lại bị bắt vi giặc Pháp cho rằng ông đã hỗ trợ cho Phan Xích long khởi nghĩa chống Pháp. Ông mất năm 1919 tại Sài Gòn.
PHAN HUY CHÚ
- Tên húy, tên gọi khác: Hạo, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong
- Quê quán: thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội
- Niên đại: 1782 - 1840
- Chức nghiệp: nhà thơ, nhà thư tịch lớn, nhà bác học Việt Nam
- Công trạng: Phan Huy Chú là con của Phan Huy Ích, một nhà nho có tiếng, đậu tiến sĩ đời nhà Hậu Lê và từng làm quan cho nhà Tây Sơn. Mẹ ông là Ngô Thị Thực, con gái của Ngô Thì Sĩ, em gái của Ngô Thì Nhậm, bà mất khi ông 10 tuổi. Phan Huy Chú có tên là Hạo, sau vì kiêng quốc húy của nhà Nguyễn mới đổi là Chú, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng biết tiếng Phan Huy Chú, cho triệu ông vào kinh đô Huế, cử giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám ở Huế. Năm Ất Dậu (1825), ông làm Phó sứ sang Trung Quốc. Khi về, được làm Phủ Thừa Thiên, rồi thăng Hiệp Trấn Quảng Nam (1829).
Năm Tân Mão (1831), lại sung Phan Huy Chú làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Nhưng khi về nước, thì cả đoàn sứ bộ đều bị giáng chức (ông bị cách chức), vì tội "lộng quyền".
Năm Nhâm Thìn (1832), cho ông làm phục dịch trong phái bộ sang Batavia (Giang Lưu Ba, Indonesia) để lập công chuộc tội.
Năm Giáp Ngọ (1834), ông được bổ làm Tư vụ bộ Công. Sau đó, vì chán chốn quan trường, ông cáo bệnh xin về hưu ở làng Thanh Mai, thuộc huyện Tiên Phong (nay là xã Vũ Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Ở đây, ông làm nghề dạy học và soạn sách cho đến khi mất.
Phan Huy Chú mất ngày 27/4 năm Canh Tý (28/5/1840) lúc 58 tuổi. Phần mộ của ông hiện ở tại thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì.
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
- Tên húy, tên gọi khác: Công chúa Huyền Trân
- Quê quán: Phủ Thiên Trường, Nam Định
- Niên đại: 1287 - 1340
- Chức nghiệp: Công chúa đời nhà Trần
- Công trạng: Bà là con gái Vua Trần Nhân Tông, em gái út của Vua Anh Thánh Tông, thuộc dòng dõi nhà Trần. Bà được nhà Vua gả cho Vua Chiêm Thành (vua Chế Mân) để đổi lấy hai châu: Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến bắc Quảng Trị ngày nay).
ĐẶNG TRẦN CÔN
- Quê quán: làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- Niên đại: Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời Lê trung hưng.
- Chức nghiệp: Danh sĩ, huấn đạo trường phủ; Tri Huyện Thanh Oai, Hà Nội; Ngự sử đài đại phu.
- Công trạng: Ông là người thông minh, hiếu học, là ông là tác giả của bản "Chinh phụ ngâm" kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam.
Chinh phụ ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời. Tác phẩm viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học chữ Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. Trong số có những bản dịch đó, có một bản dịch thành công nhất được gọi là Bài hiện hành.
Ngoài Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn có một số bài thơ, bài phú tả cảnh thiên nhiên, chỉ còn lưu lại một số bài như Tiêu tương bát cảnh, ba bài phú Trương Hàn tư thuần lô, Trương Lương bố ý, Khấu môn thanh. Khuynh hướng chung của thơ văn ông là đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào nỗi lòng trắc ẩn, phức tạp, sâu kín của con người, nhất là đối với người phụ nữ. Giống như những tác giả thơ văn ở thời này, ông cũng có những đóng góp lớn cho nền văn học thơ ca Việt Nam.
ĐỘI CUNG
- Tên húy, tên gọi khác: Trần Công Cung
- Quê quán: Kỳ Anh, Hà Tĩnh
- Niên đại: - 1885
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh một cuộc binh biến tại Nghệ An chống lại thực dân Pháp.
- Công trạng: Ông là một sĩ quan người Việt giữ chức đội trưởng lính Khố xanh trong quân đội Pháp, nên gọi là Đội Cung. Ông đã vận động binh lính Khố xanh mưu đồ khởi nghĩa chống Pháp. Tháng 01/1941, ông tổ chức đánh chiếm đồn Rạng (ở Đô Lương), sau đó kéo sang chiếm đồn Đô Lương (Anh Sơn), giết bọn Tây đoan, rồi kéo lực lượng về thành phố Vinh chiếm tỉnh lỵ Nghệ An. Nhưng giặc Pháp đã kịp đề phòng đồng thời tổ chức phản công, dồn lính đàn áp dập tắt cuộc binh biến. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và xử bắn.
HOÀNG DIỆU
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai.
- Quê quán: Làng Xuân Đài, Diên Phước, Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam)
- Niên đại: 1828 - 1882
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời nhà Nguyễn nửa đầu TK XIX
- Công trạng: Năm 20 tuổi, ông đỗ Cử nhân (khoa thi Mậu Thân), khi 25 tuổi ông đỗ Phó bảng, ông được Vua Tự Đức bổ nhiệm là Tri huyện Tuy Phước, rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định). Năm 1873, ông được triệu về Kinh đô Huế giữ chức Tham tri Bộ Hình, rồi Bộ Lại kiêm Quan đô sát viện. Đầu năm 1880, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức Thượng thư Bộ Binh, kiêm cả việc thương chính. Biết rõ âm mưu dã tâm của Thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý biên phòng. Mặt khác Hoàng Diệu quan tâm ổn định đời sống nhân dân trong công bằng và trật tự. Từ năm 1879 - 1882, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng Phụ cận. Ông đã lãnh đạo nhân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân Pháp bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25/4/1882, thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tự vẫn tại Võ miếu để không rơi vào tay đối phương. Mộ của ông được người dân Hà Nội mai táng tại khu vườn Dinh đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star, ở đường Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội).
TRẦN QUANG DIỆU
- Quê quán: Có 3 ý kiến khác nhau
1. Xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định
2. Xã Đức Ân, Mộ Đức, Quảng Ngãi
3. Xã Nam Ô, Hòa Vang, Quảng Nam
- Niên đại: ? - 1802
- Chức nghiệp: Danh tướng thời Tây Sơn
- Công trạng: Ông là một trong Tây Sơn thất hổ của Nhà Tây Sơn, chồng của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Ông là người góp công lớn trong chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh năm Kỷ Dậu 1789. Năm 1790, ông làm Đốc trấn Nghệ An trông coi việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
NGUYỄN DU
- Tên húy, tên gọi khác: Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ.
- Quê quán: Làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - Niên đại: 1765 - 1820
- Chức nghiệp: Đại thi hào dân tộc thế kỷ XVIII - XIX
- Công trạng: Là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ ở Việt nam. Ông là một nhà thơ lớn ở Việt Nam được nhân dân ta kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình Thế giới công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Nhân dân trong nước và thế giới biết đến ông với nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng nổi bật, đỉnh cao hơn cả là Truyện Kiều.
TRẦN KHÁNH DƯ
- Tên húy, tên gọi khác: Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
- Quê quán: Chí Linh, Hải Dương
- Niên đại: 1240 - 1340
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông nổi tiếng về tài cầm quân và góp công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của nhà nước Đại Việt. Được Vua Trần Thánh Tông lập làm Thiên tử nghĩa nam (con của Vua).
TRẦN NHẬT DUẬT
- Tên húy, tên gọi khác: Chiêu Văn Vương hay Chiêu Văn Đại Vương
- Quê quán: Sinh ra và lớn lên ở Thăng Long
- Niên đại: 1255 - 1330
- Chức nghiệp: Là Hoàng Tử, Võ tướng đời Trần
- Công trạng: là một nhà chính trị, quân sự Đại Việt thời Trần. Ông là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông và là một danh tướng của vương triều nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử, công lao hiển hách không thua kém Trần Quốc Tuấn hay Trần Quang Khải.
Không chỉ là một vị tướng đầy bản lĩnh với tài trị quốc và đánh giặc, Trần Nhật Duật còn là một con người khoan dung độ lượng và vốn hiểu biết sâu rộng về những thứ tiếng của các nước láng giếng như tiếng Tống, Ai Lao, Chiêm Thành và tiếng nói của các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ông còn có nhiều công trạng trong gây dựng, phát triển các sắc màu văn hóa Đại Việt về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ. Nhiều thành tựu về âm nhạc, múa hát dân tộc đến hôm nay vẫn còn mang dấu ấn sáng tác của ông. Ông sinh ra và lớn lên tại kinh thành Thăng Long, trải qua trên năm mươi năm làm trọng thần dưới triều đại năm vị Hoàng đế liên tiếp.
ĐẶNG DUNG
- Quê quán: Thiên Lộc, Nghệ An châu (nay thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh) - Niên đại: ?
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Hậu Trần
- Công trạng: Ông là con trai của Quốc công Đặng Tất. Ông cùng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy đem quân vào Nghệ An rước Vua Trùng Quang, được phong làm Tư Mã. Ông có bài thơ "Thuật hoài", được danh sĩ Lý Tử Tấn phê là: "Phi hào kiệt chí sĩ bất năng" dịch "không phải hào kiệt không lam được. Khi bị quân Minh bắt cùng Vua Trùng Quang ông đã gieo mình xuống biển tự vẫn.
VÕ VĂN DŨNG
- Tên húy, tên gọi khác: Vũ Văn Dũng
- Quê quán: Phú Phong, Tuy Viễn, Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
- Niên đại: ? - 1802
- Chức nghiệp: Danh tướng Tây Sơn
- Công trạng: Năm 1786, làm Tư Khất dưới quyền Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, sau thăng đến Đô đốc, tước Chiêu Vũ Hầu, một trong các võ tướng chỉ huy đánh thắng 29 vạn quân Thanh ở Đống Đa năm 1789. Năm 1792, ông được thăng Đại tư đồ võ quốc công.
LÊ VĂN DUYỆT
- Quê quán: Vàm Trà Lọt, thuộc làng Hòa Khánh (nay thuộc xã Hòa Khánh, Cái Bè, Tiền Giang)
- Niên đại: 1763 - 1832
- Chức nghiệp: Danh tướng, công thần nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông được biết đến khi tham gia phò tá chúa Nguyễn Ánh, trong cuộc chiến với quân Tây Sơn.
Sau khi chiến tranh kết thúc và Nhà Nguyễn được thành lập, ông trở thành một vị quan cấp cao trong triều đình và phục vụ hai triều vua Gia Long và Minh Mạng.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở gần Tiền Giang, Lê Văn Duyệt gia nhập quân đội của Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn từ năm 1781. Bởi tài năng quân sự của mình, Lê Văn Duyệt nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ của quân Nguyễn tới chức chỉ huy Tả quân vào thời điểm cuộc chiến kết thúc.
Sau khi nhà Nguyễn thành lập, ông trở thành một vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Ông mất năm 1832, thọ 69 tuổi, hiện phần mộ còn ở Bình Hòa (Tp Hồ Chí Minh) nhân dân quen gọi là Lăng Thượng Công hay Lăng Ông Bà…
TÔN THẤT ĐÀM
- Tên húy, tên gọi khác: Tôn Thất Đạm
- Quê quán: Xã Xuân Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Niên đại: 1864-1888
- Chức nghiệp: Danh tướng của Vua Hàm Nghi
- Công trạng: Ông là con của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Năm 1885, Hoàng thành thất thủ, quân Pháp hoàn toàn làm chủ tình thế. Tôn Thất Thuyết và Tôn Thất Đạm bảo vệ xa giá rước vua Hàm Nghi ra thành Quảng Trị, sau đó lên Sơn phòng Tân Sở rồi về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Tại Tân Sở, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua hạ chiếu Cần Vương, hai người con trai của ông đều tham gia chỉ huy trong phong trào Cần Vương. Sau khi giúp vua Hàm Nghi xây dựng căn cứ lãnh đạo phong trào kháng Pháp, nhận thấy tương quan lực lượng khá chênh lệch, vào tháng 2/1886, Tôn Thất Thuyết để cho hai con của mình tiếp tục duy trì “Triều đình Hàm Nghi” chống Pháp.
Trên cương vị Khâm sai Chưởng lý Quân vụ đại thần, Tôn Thất Đạm đóng quân ở miền núi tỉnh Hà Tĩnh, giữ mối liên lạc giữa nghĩa quân Cần Vương và vua Hàm Nghi. Ông giúp Phan Đình Phùng mở rộng phong trào Cần Vương, tổ chức kháng chiến chống Pháp ở Nghệ Tĩnh. Ông cùng với em trai là Tôn Thất Thiệp thay cha làm nhiệm vụ bảo vệ nhà vua trong khoảng thời gian từ tháng 2/1886 đến tháng 10/1888.
TRẦN NGUYÊN ĐÁN
- Quê quán: Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định
- Niên đại: 1325 - 1390
- Chức nghiệp: Danh sĩ đời Trần hiệu Băng Hồ
- Công trạng: Ông là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, làm quan tới chức Tư Đồ, tước Chương túc Quốc thượng hầu. Nguyên Đán là người hiền từ, nho nhã, có phong cách của bậc quân tử. Ông sáng tác nhiều thơ như: Băng hồ ngọc hác tập, Bách thế thông kỷ… Ông mất năm 1290, thọ 65 tuổi.
TÔN ĐẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Nùng Tông Đản, thường gọi là Tông Đản, hay Tôn Đản
- Quê quán: Châu Quảng Nguyên, thuộc đạo Thái Nguyên (Nay thuộc Cao Bằng)
- Niên đại:
- Chức nghiệp: Võ tướng nổi tiếng dưới thời Lý Thường Kiệt
- Công trạng: Ông là vị tướng tài ba của dân tộc Nùng, là người có công lớn cùng Lý Thường Kiệt đánh phá Ung Châu, Liêm Châu trên đất nhà Tống, làm ngăn chặn âm mưu thôn tính Đại Việt của Nhà Tống trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075 - 1077).
TRẦN HƯNG ĐẠO
- Tên húy, tên gọi khác: Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Hưng Đạo Vương,
- Quê quán: Phủ Thiên Trường, Nam Định
- Niên đại: 1228 - 1300
- Chức nghiệp: Tiết chế Hưng Đạo đại vương.
- Công trạng: Ông là nhà Chính trị, nhà Quân sự kiệt xuất nổi tiếng thời Trần. Ông là danh tướng kiệt xuất, tài năng của ông được thể hiện bằng việc 3 lần lãnh đạo Quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Ông là tác giả của Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ, Vạn kiếp tông bí truyền thư,… một dũng tướng yêu nước, thương dân.
Ông được xếp vào 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Ông mất năm 1300, được triều đình lập đền thờ ở Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương.
CƯỜNG ĐỂ
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Nguyễn Phúc Đan
- Quê quán: Sinh tại Huế
- Niên đại: 1882 - 1951
- Chức nghiệp: Nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng chống Pháp.
- Công trạng: Tháng 3/1903, ông được Phan Bội Châu tôn làm Minh chủ phong trào Đông Du, vận động chống Pháp. Sau đó, ông được cử làm Hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội. Tháng 1/1906, ông được đưa sang Nhật vào học Trường Chấn Võ Lục quân, rồi Trường Waseda, lấy tên là Lý Cánh Thành. Tháng 11/1908, ông sang Xiêm rồi về Hương Cảng. Khoảng năm 1912, ông về Nam Kỳ liên lạc với các nhóm chống Pháp. Ông để lại một số bài thơ hay như: Khuyến cáo quốc dân văn, Phổ cáo lục tỉnh văn...
ĐOÀN THỊ ĐIỂM
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu là Hồng Hà nữ sĩ
- Quê quán: Giai Phạm, Văn Giang (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên)
- Niên đại: 1705 - 1749
- Chức nghiệp: Nữ sĩ thời Lê Trung Hưng
- Công trạng: Bà được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp và tài văn chương bên cạnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh. Là tác giả tập truyện "Truyền kỳ tân phả" và là dịch giả bản "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn.
TRƯƠNG ĐỊNH
- Tên húy, tên gọi khác: "Bình tây đại nguyên soái"; Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định
- Quê quán: làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
- Niên đại: 1820 - 1864
- Chức nghiệp: Võ tướng, lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp thời Nguyễn
- Công trạng: Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản Cơ, hàm Lục phẩm. Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền lên đóng quân ở Thuận Kiều và từng đánh thắng quân Pháp ở Cây Mai, Thị Nghè. Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ 2, Trương Định cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền trấn giữ vùng Gia Định - Định Tường. Ở đây ông tự xưng là "Trung thiên tướng", nhân dân tôn ông là "Bình tây đại nguyên soái" xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Ngày 16/12/1862, Trương Định đã lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả 3 tỉnh Miền Đông Nam Bộ, đẩy quân Pháp vào thế bị động. Đến tháng 12 quân Pháp mở cuộc phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công và ông đã hy sinh tại đây.
TRẦN THỦ ĐỘ
- Quê quán: Tức Mặc, Long Hưng (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình)
- Niên đại: 1194 - 1264
- Chức nghiệp: Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương.
- Công trạng: Ông là người có ảnh hưởng lớn đến triều đại nhà Trần. Ông lập nên triều Trần bằng cách buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, trở thành nhân vật trụ cột của triều đình, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất với câu nói “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Ông được truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương.
Ông một tay cán đáng trọng sự, giúp Trần Thánh Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Đại Việt lúc bấy giờ được cường thịnh, có thể chống cự với quân Mông Cổ. Ông được nhiều nhà sử học qua các thời đại thừa nhận và đánh giá cao về tài năng, khả năng chính trị quyết đoán hiệu quả
LÊ QUÝ ĐÔN
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường
- Quê quán: Làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình)
- Niên đại: 1726 - 1784
- Chức nghiệp: Nhà Văn hóa, Sử gia thời Lê Trung Hưng
- Công trạng: Ông làm quan thời Lê Trung Hưng, là nhà thơ, nhà bác học lớn của Việt Nam thời Phong Kiến. Thủa nhỏ nổi tiếng là người ham học, thông minh. Năm 1743, ông đỗ Giải nguyên, năm 1752 đỗ Nhất giáp. Ông từng đi sứ Trung Quốc và giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Ông là tác giả của nhiều công trình đồ sộ về lịch sử, văn học, văn hóa, triết học… có thể kể đến như: Đại Việt thông sư, Phủ biên tạp lục, Quần thư khảo biên, Bắc sử thông lục, Vân đài loại ngữ…
TRỊNH HOÀI ĐỨC
- Tên húy, tên gọi khác: Tên An, tự Chỉ Sơn, hiệu Càn Trai
- Quê quán: Viễn tổ người Phúc Kiến (TQ), ông nội là Trịnh Hội sang ở Phú Xuân, sau thân phụ vào Trấn Biên, Biên Hòa lập nghiệp
- Niên đại: 1765 - 1825
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời Nguyễn sơ
- Công trạng: Ông là một công thần của Triều Nguyễn là một nhà thơ, là nhà văn và một sử gia nổi tiếng của Việt Nam, thế kỷ XVIII. Sinh thời, ông được nhà Nguyễn ban tước An toàn hầu. Đặc biệt quyển Gia định thành thông chí cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu sử học, địa lý của miền Nam, Việt Nam.
PHAN THANH GIẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu Lương Khê, Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên
- Quê quán: Bảo Thạnh, Bảo An, Vĩnh Long (nay thuộc Ba Tri, Bến Tre) - Niên đại: 1796 - 1867
- Chức nghiệp: Danh sĩ, đại thần triều Nguyễn
- Công trạng: Năm 1825, ông thi đậu Cử nhân, sau đó 1 năm, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ vào năm 30 tuổi, ông là người đầu tiên đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ. Từ đấy, ông làm quan trải cả 3 triều: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông từng giữ các chức: Hàn lâm viện biên tu, Lang trung bộ hình, Tham hiệp tỉnh Quảng Bình, Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam,… dưới triều Minh Mạng.
Dưới triều Thiệu trị: Ông từng làm chủ khảo trường thi Thừa Thiên, Phó đô Ngự sử Đô sát viện.
Dưới triều Tự Đức: Ông được giao giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, Thượng thư Bộ lại, Kinh lược sứ Nam Kỳ.
Năm 1862, đại diện triều đình ký hòa ước giao 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Năm 1863, ông được cử làm Chánh Phó sứ sang Pháp thương nghị chuộc lại 3 tỉnh này nhưng không thành. Ông mất năm 1867, thọ 72 tuổi, đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra, ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.
NGUYỄN TƯ GIẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Văn Phú, tự Tuân Thúc, hiệu Thạch Nông
- Quê quán: làng Du Lâm, tổng Hội Phụ (nay là xã Mai Lâm, Đông Anh), vốn gốc dòng họ Lý Đình Bảng - Năm sinh - năm mất: 1823 - 1890
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông nổi tiếng hay chữ, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1844) thời Thiệu Trị, được bổ làm Hàn lâm viện tư soạn, Thăng binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khang sung biên nội các sư vụ, rồi làm Lại bộ Hữu thị lang, sung biện lý Đê chính sự vụ Bắc Kỳ. Sau khi đánh tan loạn Tạ Văn Phụng ở An Thái, ông được hàm Hồng lộc tự khanh, tham gia sứ bộ sang triều Thanh. Ông có tư tưởng tiến bộ, trình bày với triều đình chương trình canh tân tự cường, mở rộng bang giao với phương Tây nhưng không được chấp nhận. Năm 1875, vì bất cẩn, ông bị cách chức ra làm Sơn phòng sứ Chương Mỹ, sau mới được phục chức ông xin về nghỉ. Tác phẩm để lại: Thạch Nông thi văn tập, Thạch Nông tùng thoại, Yên Thiều thi thảo. Ông còn tham gia duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
TRƯƠNG MINH GIẢNG
- Tên húy, tên gọi khác: Hạnh Thông, huyện Bình Dương, trấn Gia Định.
- Quê quán:
- Niên đại: ? - 1841 - Chức nghiệp: Danh thần nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông được đánh giá là một người "văn võ song toàn", là công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, vừa là một võ tướng vừa là một sử gia, từng giữ chức Tổng đài Quốc Sử giám. Ông cùng với Thượng thư Bộ Lễ Phan Huy Thực soạn bộ Liệt thánh thực lục, là người chủ trì biên soạn bộ Đại Nam Thực lục chính biên. Năm 1841, ông bị bệnh và qua đời tại An Giang.
LÊ NGỌC HÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Ngọc Hân công chúa, hay Bắc cung Hoàng hậu
- Quê quán: Sinh tại kinh thành Thăng Long - Niên đại: 1771 - 1799
- Chức nghiệp: Công chúa thời Hậu Lê, Hoàng hậu nhà Tây Sơn
- Công trạng: Bà là con gái thứ 9 của Vua Lê Hiển Tông, và là vợ của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và Hoàng tử Nguyễn Quang Đức.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng đế đột ngột băng hà. Bà viết bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng.
TRẦN NGUYÊN HÃN
- Quê quán: Xã Sơn Đông nay thuộc Lập Thạch, Vĩnh Phúc
- Niên đại: 1390 - 1429
- Chức nghiệp: Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
- Công trạng: là nhà quân sự Đại Việt thời Lê sơ. Ông là người thuộc dòng dõi nhà Trần, nổi bật với việc tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống sự đô hộ của đế quốc Minh. Ông từng giữ chức Tư đồ (1424-1425), Thái úy (1427), chỉ huy các trận đánh giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (1425-1426), bao vây Đông Quan, công phá thành Xương Giang và chẹn đường tiếp tế của quân Minh trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang (1427). Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ (1428). Trần Nguyên Hãn được phong làm Tả tướng quốc. Nhưng về sau vì tính đa nghi, Thái Tổ bắt tội ông khiến ông tự sát. Đến đời Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ, ông mới được ân xá và khôi phục chức vị.
SƯ VẠN HẠNH
- Tên húy, tên gọi khác: Vạn Hạnh
- Quê quán: Từ Sơn, Bắc Ninh - Niên đại: 938 - 1018
- Chức nghiệp: Thiền Sư, Quốc Sư
- Công trạng: Ông là một tu sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt, người châu Cổ Pháp (Bắc Ninh). Ông là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Ông được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong sử nước Việt.
THOẠI NGỌC HẦU
- Tên thật: Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy
- Quê quán: Làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam (nay thuộc Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng)
- Niên đại: 1761 - 1829
- Chức nghiệp: Danh tướng nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là người có công rất lớn trong việc phò tá Vua Minh Mạng và Gia Long trong việc bình định giang sơn, trị nước, phát triển kinh tế và bảo vệ bờ cõi. Đặc biệt ông có công trong việc khai phá vùng đất Nam Bộ (đào kênh ở Long Xuyên, kênh Vĩnh Tế ở Châu Đốc). Vua còn cho phép đổi tên ngọn núi nơi ông chấn thủ (Núi Sam) thành Thoại Sơn. Ông được giữ chức Khâm sai thống binh cai cơ, rồi cai cơ bảo vệ Chân Lạp, Cao Miên. Ông mất năm 1829, an táng trên sườn núi Sam, Châu Đốc, Kiên Giang (nay còn gọi là Lăng Ông Thoại Hầu).
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Đỉnh Nam, Đỉnh Thần, tên hiệu: Mai Sơn còn được gọi là Ông nghè Liên Bạt
- Quê quán: Làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội)
- Niên đại: 1868 - 1925
- Chức nghiệp: Chí sĩ, danh sĩ
- Công trạng: Ông là con rể quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên. Từ nhỏ Nguyễn Thượng Hiền đã nổi tiếng rất thông minh. Năm 1884, khi 17 tuổi, ông đỗ cử nhân ở khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Năm 1885, ông đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông phải về ở ẩn tại núi Nưa, Thanh Hóa. Đến năm 1892, ông ra thi Đình và đỗ Hoàng giáp. Lúc đó 24 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền được bổ làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, thăng Đốc học ở Ninh Bình, rồi thuyên sang Nam Định nên ông còn được gọi là Ông Đốc Nam. Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như: Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Sang Trung Quốc cùng Phan Bội Châu thành lập ra Việt Nam Quang Phục Hội.
Sau khi hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội thất bại, Nguyễn Thượng Hiền xuống tóc vào tu ở chùa Thường Tích Quang, Hàng Châu, tỉnh Triết Giang và mất tại đây ngày 28/12/1925. Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng, và tro rải xuống sông Tiền Đường. PHẠM ĐÌNH HỔ
- Tên húy, tên gọi khác:
- Quê quán: làng Đan Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nhưng sống ở phường Hà Khẩu, Thăng Long. - Năm sinh - năm mất: 1768 - 1839
- Chức nghiệp: Tế tửu Quốc Tử Giám
- Công trạng: Ông chỉ đỗ sinh đồ, nhưng do học rộng biết nhiều, nên từng làm Hàn lâm viện, sau đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông là tác giả nhiều sách nghiên cứu văn, sử, địa. Tác phẩm văn học chính của ông là: Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lực.
LÊ VĂN HUÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Lâm Ngu
- Quê quán: xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
- Niên đại: 1876 - 1929
- Chức nghiệp: là một chí sĩ theo đường lối kháng Pháp ở đầu thế kỷ XX trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: Ông sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Trung Lễ, huyện La Sơn (nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
Năm 1925, nhân ngày Quốc khánh Pháp (14/7) Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn cùng một số người khác đã họp ở núi Quyết (Nghệ An) quyết định thành lập Hội Phục Việt, nhằm truyền bá tư tưởng "hợp quần, ái quốc" trong nhân dân. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu lại bị thực dân Pháp bắt tại Hàng Châu (Trung Quốc), bị dẫn giải về Hà Nội. Nhà cầm quyền Pháp định thủ tiêu kín nhưng việc bại lộ phải đưa ông ra xét xử rồi kết án chung thân khổ sai. Hội Phục Việt liền cho rải truyền đơn phản đối việc kết án và được nhiều nơi hưởng ứng, buộc Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne phải ra lệnh ân xá Phan Bội Châu nhưng phải an trí ông ở Huế.
Năm 1926, Viện Dân biểu Trung Kỳ (tiếng Pháp: Chambre des Représentants du Peuple de l'Annam) được thành lập theo nghị định ngày 24/2/1926 của Toàn quyền Alexandre Varenne.
Ngày 14/7/1928, Việt Nam cách mạng đồng chí hội họp tại Huế quyết định cải tổ thành Tân Việt Cách mạng Đảng, và Lê Văn Huân được cử ra phụ trách Liên tỉnh bộ Nghệ Tĩnh.
Tháng 9/1929, nhân vụ ám sát viên mộ phu đồn điền Bazin, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các cơ sở cách mạng và cơ sở của đảng Tân Việt cũng bị vỡ gần hết. Ngày 13/9/1929, Lê Văn Huân bị bắt và bị đưa ra Vinh, trong nhà lao ông đã tuyệt thực rồi tự mổ bụng hy sinh vào ngày 20/9/1929 khi 53 tuổi.
NGUYỄN HỮU HUÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Thủ Khoa Huân
- Quê quán: Làng Tịnh Hà, Mỹ Tịnh An, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
- Niên đại: 1830 - 1875
- Chức nghiệp: Sĩ phu yêu nước, Lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp nửa cuối TK XIX
- Công trạng: Năm 1852, ông đỗ thủ khoa nên gọi là Thủ khoa Huân, sau đó được bổ làm Giáo thụ huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Ông cùng với Âu Dương Lân và Võ Duy Dương làm phó quản đạo tích cực chống Pháp. Ông bị Pháp bắt 3 lần, sau khi bị đi đày ở Angieri năm 1864. Sau khi được thả về năm 1871, ông lại tiếp tục kháng chiến ở Định Tường và bị bắt. Thơ ông còn được truyền tụng, nặng tình yêu nước.
HỒ XUÂN HƯƠNG
- Quê quán: Làng Quỳ Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An
- Niên đại: 1772 - 1822
- Chức nghiệp: Nữ sĩ được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm"
- Công trạng: Bà là nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bà được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm" và được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của Văn học Việt Nam.
LÊ VĂN HƯU
- Quê quán: Làng Phủ Lý, Đông Sơn, Thanh Hóa (nay thuộc Thiệu Hóa, Thanh Hóa)
- Niên đại: 1230 - 1322
- Chức nghiệp: Nhà Sử học đời Trần
- Công trạng: Ông là nhà Sử học đời nhà Trần, tác giả của bộ "Đại Việt sử ký", bộ sách sử đầu tiên của Việt Nam. Ông từng thi đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi, từng giữ chức Binh bộ thượng thư, Hàn lâm viện học sỹ kiêm Quốc sử viện giám tu.
NGUYỄN SINH HUY
- Tên húy, tên gọi khác: Nguyễn Sinh Sắc; Thường gọi là Cụ Phó Bảng
- Quê quán: Làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An - Niên đại: 1862 - 1929
- Chức nghiệp: Chí sĩ, thân sinh Hồ Chủ Tịch
- Công trạng: Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) còn gọi là Nguyễn Sinh Huy, người dân còn gọi tắt là Cụ Phó Bảng là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là con của 1 gia đình nông dân nghèo, chất phác. Cha mẹ mất sớm, năm 4 tuổi ông phải vất vả lao động kiếm sống và có ý chí học hành. Là một cậu bé hiền lành, thông minh, ham học, Nguyễn Sinh Huy được nhà nho Hoàng Xuân Đường cảm cảnh nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế. Năm 1894, ông tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Ông được người cha nuôi, cũng là thầy giáo, gả con gái của mình là Hoàng Thị Loan làm vợ. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Sau khi đỗ Phó bảng, ông chỉ ra làm quan một thời gian ngắn rồi bị nhà Nguyễn cách chức do quan điểm chống tiêu cực chốn quan trường. Sau khi bị cách chức, ông vào Nam Bộ làm thầy thuốc giúp dân nghèo, sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời, được người dân mến mộ và thương tiếc. Ông mất năm 1929, lăng mộ của ông nằm ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Câu nói nổi tiếng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn).
NGUYỄN KHIÊM ÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Tên hiệu là Kính Trai
- Quê quán: Xã Kim Sơn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội)
- Niên đại: 1678 - 1740
- Chức nghiệp: Tể tướng
- Công trạng: Ông là cháu nội Tham Tụng, Tiễn sĩ Nguyễn Mậu Tài (1616 - 1288). Hai ông cháu, Nguyễn Mậu Tài và Nguyễn Khiêm Ích là 2 trong 39 người phò tá có công lao tài thời Lê Trung hưng được ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Trong 30 năm tham chính (1710 - 1740), Nguyễn Khiêm Ích tỏ rõ là một vị quan tài năng, liêm cần, đạo cao, đức trọng, là bậc đại thần lương đống của triều đình Lê Trịnh.
PHAN HUY ÍCH
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu là Dụ Am, Đức Hiên - Quê quán: Huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh)
- Niên đại: 1751 - 1822
- Chức nghiệp: Danh sĩ Hậu Lê
- Công trạng: Ông là con trai đầu của Tiến sĩ Phan Huy Cận, năm ông 20 tuổi (1771), thi đỗ Giải Nguyên, sau đó được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở Trấn Sơn Nam. Năm 1775, ông đỗ Tiến sỹ được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra bắc xuống chiếu cầu hiền Phan Huy Ích ra làm quan cho nhà Tây Sơn được phong chức Tả thị lang Bộ Hộ. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh ông được giao nhiệm vụ phụ trách công việc ngoại giao. Sau khi đi sứ sang Trung Quốc về nước ông được thăng Thị trung ngự sử ở Tòa nội các, rồi Thượng thư Bộ Lễ. Ông mất năm 1822 tại quê nhà.
NGUYỄN THIỆN KẾ
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Trung Khả, hiệu Đường Vân hay Nễ Giang
- Quê quán: Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên - Niên đại: 1849 - 1937
- Chức nghiệp: Danh sĩ
- Công trạng: Năm 1888 ông đỗ Cử nhân được bổ làm tri huyện Tùng Thiện, Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay.
Ông nổi tiếng về thơ văn, giỏi thơ Nôm, sở trường về thơ trào phúng, đả kích bọn bán nước cầu vinh, châm biếm xã hội trong buổi giao thời. Vì vậy ông bị nhà cầm quyền thời đó ghét bỏ, rồi cách chức sau đó ông được tái Bổ Huấn đạo huyện Hoàn Long (Hà Đông).
TRẦN QUANG KHẢI
- Tên húy, tên gọi khác: Chiêu Minh Đại vương
- Niên đại: 1241 - 1294
- Chức nghiệp: Tể tướng, Thượng tướng thái sư
- Công trạng: là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông làm đến chức Tể tướng đời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, coi cả mọi việc trong nước. Trong kháng chiến chống Nguyên Mông (1285), Hoàng đế Trần Nhân Tông phong ông chức Thượng tướng Thái sư; ông giữ vai trò nổi bật trong trận phòng thủ Thanh Hóa, Nghệ An và trận đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương Độ. Ông được Trần Thánh Tông khen là người bề tôi trung hiếu hiếm có; ngoài ra, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi nhận: "Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất". Ông còn là người học rộng, giỏi thơ phú, có làm Lạc Đạo tập lưu lại ở đời.
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- Tên húy: Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ, dân gian gọi là Trạng Trình
- Quê quán: Làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
- Niên đại: 1491 - 1585
- Chức nghiệp: Danh sĩ đời nhà Mạc
- Công trạng: Ông được biết đến là một nhà văn hóa lớn, nhà tiên tri, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời Nam - Bắc triều phân tranh. Sau khi đậu Trạng nguyên năm 1535, làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu, rồi phong tới Trình Quốc Công mà dân gian gọi là Trạng Trình. Người đời coi ông là nhà tiên tri số 1 của lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là "Sấm Trạng Trình". Làm quan 8 năm rồi ông lưu về ở ẩn ở Vân Am mở trường dạy học. Vua Mạc phong ông là Thượng thư bộ lại, Trình quốc công. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Bạch Vân thi tập, Bạch Vân Am tập, Bạch Vân Am quốc ngữ thi tập.
ÔNG ÍCH KHIÊM
- Tên húy, tên gọi khác: Mục Chi
- Quê quán: làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).
- Niên đại: 25/01/1829 - 1884
- Chức nghiệp: Danh tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: Tổ tiên Ông Ích Khiêm vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điều và mẹ là Võ Thị Cốt. Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, gồm 8 trai 5 gái, ông Khiêm là người con thứ tư sau ba chị gái, nhưng lại là người con trai đầu.
Thuở nhỏ, ông vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Ông thông minh, chăm học nhưng cũng rất nghịch ngợm. Khi lớn lên, ngoài tài gồm văn võ, ông còn nổi tiếng là người chính trực, là một vị tướng khẳng khái, mưu lược và biết thương yêu quân sĩ.
PHÙNG KHẮC KHOAN
- Tên húy, tên gọi khác: Tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, Mai Nham Tử, dân gian gọi là Trạng Bùng
- Quê quán: Làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất (nay thuộc Hà Nội)
- Niên đại: 1528 - 1613
- Chức nghiệp: Danh sĩ đời Lê Trung Hưng
- Công trạng: Năm 1580, ông thi đỗ Hoàng Giáp dưới thời Lê Thế Tông được thăng làm Đô cấp sự. Năm 1585, ông được phong làm Thị lang Bộ công. Năm 1592, Lê Trung Hưng đánh đuổi được Nhà Mạc ông được phong làm Tả thị lang Bộ Lại. Ông được coi là ông tổ của nghề dệt lụa Phùng Xá, ông mất năm 1613, thọ 85 tuổi, được phong chức Thái phó.
LÝ THƯỜNG KIỆT
- Quê quán: Thái Hòa, thành Thăng Long - Hà Nội
- Niên đại: 1019 - 1105
- Chức nghiệp: nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng, một hoạn quan đời nhà Lý. Ông cũng là vị tướng nổi tiếng nằm trong số 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: có công to lớn trong việc đánh bại hoàn toàn quân nhà Tống vào năm 1075 - 1077. Ông được cho là người đầu tiên viết ra tác phẩm khẳng định chủ quyền dân tộc (Nam Quốc Sơn Hà).
YẾT KIÊU
- Quê quán: Hạ Bì, Gia Lộc, Hải Dương (nay là xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương)
- Niên đại: 1242 - 1301
- Chức nghiệp: Võ tướng của Trần Hưng Đạo
- Công trạng: Ông là Danh tướng và là gia thần thân tín của Trần Hưng Đạo, là người có tài bơi lặn giỏi, dùng tài của mình để đục thuyền quân xâm lược trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
NGUYỄN TIỂU LA
- Tên húy, tên gọi khác: Nguyễn Thành
- Quê quán: làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Năm sinh - năm mất: 1863 - 1911
- Chức nghiệp - Công trạng: là một chí sĩ yêu nước thời Cận đại trong Lịch sử Việt Nam. Năm 1885, ông hưởng ứng Phong trào Nghĩa Hội đánh thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1887, khi phong trào Nghĩa Hội bị thất bại, ông vẫn tiếp tục tổ chức chiến đấu. Triều đình nhà Nguyễn tìm cách bắt, mua chuộc ông, nhưng không thành, bèn kết án quản thúc ông tại quê nhà. Năm 1904, ông là một trong những người có công lớn trong việc sáng lập và tổ chức Duy Tân hội. Sau khi Phan Bội Châu sang Nhật, ông bí mật hoạt động ở trong nước, vận động kinh phí, đưa thanh niên ra nước ngoài du học để chuẩn bị lực lượng cứu nước. Năm 1908, trong lúc phong trào Duy Tân hội đang phát triển mạnh, cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ đã nổ ra. Chính quyền Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước. Ông bị bắt giữ, bị kết án 9 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Ông qua đời tại đây, ngày 11 tháng 11 năm 1911.
LÊ LAI
- Quê quán: Lương Giang, Thanh Hóa
- Niên đại: ? – mất 4/1418.
- Chức nghiệp: Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thời đàu - Công trạng: Ông là một võ tướng có công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được phong chức Đô tổng quản. Năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn bị giặc vây chặt ở Chí Linh, Hải Dương, Lê Lai đã giả làm Lê Lợi liều chết giải nguy. Lê lợi có căn dặn: "sau này ta chết, đến khi giỗ ta, thì một ngày trước phải cúng tế Lê Lai" Dân gian sau này có câu: " Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi".
Ỷ LAN
- Tên húy, tên gọi khác: Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến, Lê Thị Khiết. Thụy hiệu: Linh Nhân Hoàng Hậu
- Quê quán: quê tại hương Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội)
- Niên đại: 1044 - 1117
- Chức nghiệp: Bà là Nguyên phi của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của Hoàng đế Lý Nhân Tông.
- Công trạng: Khi vua mất, Thái tử còn nhỏ, bà đã buông rèm nhiếp chính, chăm lo mở mang dân trí, khuyến nông, phát triển đạo Phật, khuyến khích thi cử học hành, được phong làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Bà có câu nói nổi tiếng khi bàn về kế trị nước: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh, Hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”.
ÂU DƯƠNG LÂN
- Quê quán: Phú Kiết - Tịnh Hà, tỉnh Định Tường (nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang)
- Niên đại: ? - 1875
- Chức nghiệp: Là quan nhà Nguyễn, chí sĩ chống Pháp
- Công trạng: Ông là một chí sĩ yêu nước sát cánh bên Thủ Khoa Huân cùng nhau đứng lên cứu nước. Sau khi bị bắt, ông bị Thực dân Pháp hành quyết bên bờ sông Mỹ Tho năm 1875.
PHẠM NGŨ LÃO
- Quê quán: Làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
- Niên đại: 1255 - 1320
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông là một danh tướng của nhà Trần, có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (12/1287), Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Năm Giáp Ngọ (1294) nhờ lập công khi đi đánh ở Ai Lao, ông được ban Kim Phù (tức binh phù làm bằng vàng). Năm Đinh Dậu (1297) cũng nhờ lập công khi đi đánh trận ở Ai Lao, ông được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây). Năm Tân Sửu (1301), ông được phong làm Thân Vệ Đại tướng Quân và được ban Quy Phù (tức binh phù có chạm hình con rùa). Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và 1318 vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java.
Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).
NGÔ SỸ LIÊN
- Quê quán: Làng Chúc Lý, Chương Đức (nay thuộc Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)
- Niên đại: TK XV
- Chức nghiệp - Công trạng: Nhà Sử học thời Lê Sơ
Ngô Sĩ Liên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khá sớm, giữ chức vụ thư ký trong nghĩa quân, nhiều lần được Lê Lợi cử đi giao thiệp với quân nhà Minh trong những thời kỳ đôi bên tạm hòa hoãn để củng cố lực lượng
Tháng 3/1442, Ngô Sĩ Liên đỗ tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ, Ngô Sĩ Liên đã từng giữ các chức Đô ngự sử dưới triều Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân và Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiểm Sử quan tu soạn dưới triều Lê Thánh Tông.
Đóng góp to lớn mà Ngô Sĩ Liên còn để lại cho đời sau chính là bộ Đại Việt sử ký toàn thư mà ông đã biên soạn theo lệnh nhà vua, được hoàn tất biên soạn vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479) đời Lê Thánh Tông. Bộ sử gồm 15 quyển, chia thành hai phần:
- Phần một (ngoại kỷ), gồm 5 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời Bắc thuộc (năm 938).
- Phần hai (bản kỷ) gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô Quyền dựng nước (năm 938) đến khi vua Lê Lợi lên ngôi (Lê Thái Tổ) vào năm 1428.
DƯƠNG KHÔNG LỘ
- Tên húy, tên gọi khác: Không Lộ, Dương Minh Nghiêm, Nguyên Chí Thành
- Quê quán: Hải Thanh Giao Thủy tỉnh Nam Định.
- Niên đại: 1016-1094
- Chức nghiệp: Là Thiền Sư tiêu biểu của đời nhà Lý.
- Công trạng: Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Ông về tu tại chùa Hà Trạch. Không Lộ là một Thiền sư triều nhà Lý được phong làm Quốc sư, đã từng tu ở các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo), Hà Trạch, Chúc Thánh. Dương Không Lộ cũng được coi là vị tổ nghề đúc đồng. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường.
HOÀNG THỊ LOAN
- Quê quán: Làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, Nghệ An
- Niên đại: 1868-1901
- Chức nghiệp: Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công trạng: Sinh ra trong một gia đình Nho học có truyền thống tại làng Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An. Cuối năm 1883, bà lấy chồng là Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1884, bà sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh (1888), sau đó là con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm và năm 1890 là Nguyễn Sinh Cung chào đời, là lãnh tụ của Việt Nam sau này. Năm 1900, bà hạ sinh thêm một người con trai út, đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận. Từ đó cuộc sống trở nên quá thiếu thốn, vì vất vả, kham khổ bà bị đau ốm luôn. Ngày 10 tháng 2 năm 1901, tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý bà qua đời ở tuổi 33.
PHẠM CỰ LƯỢNG
- Tên húy, tên gọi khác: Phạm Cự Lạng
- Quê quán: làng Trà Hương, Khúc Giang (thuộc Nam Sách, Hải Dương)
- Niên đại: 944 - 984
- Chức nghiệp: Võ tướng đời Đinh Tiên Hoàng, được Lê Đại Hành phong chức Thái Úy
- Công trạng: Ông được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.
Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lạng từ quê đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh. Ông trở thành tướng nhà Đinh, được phong chức Phòng Ngự sứ Tiên phong Tướng quân ra giữ cửa biển Đại Ác. Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Ông được phong Tâm phúc Tướng quân coi việc Thị vệ Quan thân cận của vua.
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, Ông được phong làm Thái úy. Năm Nhâm Ngọ (982), Ông được cử cầm quân đánh Chiêm Thành để trả đũa việc vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt. Mùa thu năm Quý Mùi (983), Phạm Cự Lạng được vua tin trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hòa, Tĩnh Gia Thanh Hoá ngày nay). Trên đắp thành đường lớn, dưới khai thành sông lớn để lưu thông thủy bộ. Cũng trong năm này, Ông còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu (tức Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay).
Ngày 12/ 9 năm Giáp Thân (tức 9/10/ 984), Phạm Cự Lạng mắc bệnh sốt rét, mất tại Đồng Cổ, nơi ông đang làm việc, hưởng dương 41 tuổi.
NGÔ CHÂN LƯU
- Tên húy, tên gọi khác: Đại Sư Khuông Việt
- Quê quán: Tĩnh Gia, Thanh Hóa
- Niên đại: 933 - 1011
- Chức nghiệp: Đại Sư, Tăng thống
- Công trạng: là vị thiền sư được phong Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đại sư là tước hiệu do vua Đinh Tiên Hoàng ban cho nhà sư Ngô Chân Lưu: phong tước Tăng Thống, đứng đầu tăng đạo, dự việc trọng trong triều đình. Ông tinh thông tam giáo, tu ở chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Quang Bích. Thiền sư còn giỏi việc đời, cùng Đỗ Thuận tiếp sứ nhà Tống và Lý Giác làm thơ đối đáp trên sông Hoàng Long được sứ giả rất phục tài.
GIANG VĂN MINH
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung
- Quê quán: Mông Phụ, Phúc Thọ, Sơn Tây (nay thuộc Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội)
- Niên đại: 1573 - 1637
- Chức nghiệp: Làm quan nhà Lê Trung Hưng
- Công trạng: Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi kỳ thi Đình lại đỗ Đình Nguyên Thám Hoa. Ông được mệnh danh là Sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn với triều đình Trung Quốc và bị Vua Minh Tư Tông hành hình năm 1638, thọ 65 tuổi. Sau khi chết ông được triều đình truy tặng chức Công bộ Tả thi lang.
ƯƠNG ĐÌNH NGHỆ
- Tên húy, tên gọi khác: Có sách chép là Dương Diên Nghệ
- Quê quán: Thanh Hóa
- Niên đại: - 937
- Chức nghiệp: Danh tướng của Khúc Hạo
- Công trạng: Ông làm Bộ tướng của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, là người khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La.
VÕ DUY NGHI
- Tên húy, tên gọi khác: Tá mạng công thần, Thượng trụ quốc, Thiếu bảo quận công.
- Quê quán: Phú Vang, Thừa Thiên Huế
- Niên đại: 1745 - 1801
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Nguyễn Sơ
- Công trạng: Thời tuổi trẻ của ông đầu quân, thiện chiến về thủy quân. Đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), ông chỉ huy các đội thủy quân. Khi nghĩa quân Tây Sơn đánh mạnh, Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, ông vẫn ở lại chống đỡ ít lâu, cuối cùng với cai đội Tô Văn Đoài rút quân vào Nam. Sau khi Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn giết, ông theo giúp Nguyễn Ánh. Năm 1772, ông làm Cai cơ Trung quân. Năm 1784, thua to ở trận Rạch Gầm, Nguyễn Ánh chạy sang Băng Cốc, ông cũng chạy theo. Năm 1788, Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, ông được phong Khâm sai thuộc Cai cơ. Ông mất năm 1801, hưởng 56 tuổi được truy phong Tá mạng công thần, Thượng trụ quốc, Thiếu bảo quận công.
NGÔ THÌ NHẬM
- Tên húy, tên gọi khác: Tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên
- Quê quán: Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
- Niên đại: 1746 - 1803
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời Hậu Lê - Tây Sơn
- Công trạng: Ông là Danh sỹ thời Hậu Lê - Tây Sơn. Năm 1765, ông đỗ thi Hương, năm 1779, đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, sau đổi làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Ông làm quan từ thời Hậu Lê tới thời Tây Sơn.
NGUYỄN XUÂN ÔN
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu Ngọc Đường, Lương Giang, Nghè Ôn
- Quê quán: làng Lương Điền, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - Năm sinh - năm mất: 1830 - 1889
- Chức nghiệp: An tỉnh hiệp đốc quân vụ Nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông đỗ tiến sĩ năm 1871, lần lượt nhận các chức Tri phủ, Đốc học cho đến Án sát ở Bình Thuận, đổi ra Quảng Bình rồi bị cách chức vì không theo phái chủ hòa. Về quê, ông chuẩn bị lực lượng chống Pháp, được vua Hàm Nghi phong làm . Ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiến đấu với địch, bị bắt (1886) giam ở Hải Dương, Diễn Châu, Vinh, rồi được thả, nhưng giam lỏng ở Huế cho đến khi mất. Từ năm 1878 đến 1883, Nguyễn Xuân Ôn có nhiều tấu sớ gởi lên triều đình, chủ trương đánh Pháp. Ông cũng có những ý kiến về việc khai hoang, bồi dưỡng sức dân. Thơ văn của ông được chép trong Ngọc Đường thi văn tập. Ngoài ra, còn có một số thơ Nôm và những giai thoại khá thú vị chung quanh cuộc đời ông.
ĐẶNG XUÂN PHONG
- Quê quán: làng Dũng Hòa, Tây Sơn Hạ (Bình Khê), phủ Quy Nhơn - Chức nghiệp: Võ Tướng cao cấp của phong trào Tây Sơn
- Công trạng: Đặng Xuân Phong tham gia vào phong trào Tây Sơn muộn hơn những tướng lĩnh khác như Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Lê Văn Hưng. Bùi Thị Xuân trọng tài tiến cử lên Nguyễn Văn Nhạc, từ đó Đặng Xuân Phong theo nghĩa quân đánh dẹp bắc nam. Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao thì Đặng Xuân Phong tham gia đánh dẹp hai cựu thần tôn thất nhà Nguyễn ở Quảng Nam là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân. Sau trận đánh này, Đặng Xuân Phong được cử ở lại giữ Quảng Nam thay thế cho Nguyễn Văn Xuân.
Khi đóng đô ở Phú Xuân, Lễ bộ Thị lang Bùi Đắc Tuyên muốn mua vui cho Thái tử Quang Toản đã khiến Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong đấu với nhau, Quang Trung Hoàng Đế biết được đã trách phạt Bùi Đắc Tuyên.
Ðặng Xuân Phong năm Cảnh Thịnh thứ ba, được thăng chức Thái phó, ban tước Huyện Công Tuy Viễn. Ðến khi Nguyễn Bảo bị giết, bà họ Trần đem con cháu lên An Khê lánh nạn, thì Ðặng Công từ quan lui về Dõng Hòa dưỡng lão. Ðược năm năm, nghe tin Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Thành, Công mở tiệc mời thân bằng cố hữu đến, nói:
Kẻ hào kiệt ra phò nhà Tây Sơn, phần nhiều đều là bậc trung nghĩa. Nhưng hầu hết đều dày công dày sức trong lúc xây dựng, mà không một ai đủ khả năng chống đỡ trong lúc ngã nghiêng! Nay mai mà Nguyễn Phúc Ánh thu trọn cả Bắc Nam, thì đất bằng nổi sóng, đám cựu thần nhà Tây Sơn, không còn chỗ đặt tay chân. Nếu đợi nước đến trôn, thì không còn nhảy kịp nữa.
Mấy hôm sau, có người đến thăm, thì thấy nhà không vườn trống. Ðặng công đưa gia quyến đi lúc nào và đi về đâu, không một ai hay biết. (Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao).
PHAN ĐÌNH PHÙNG
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu là Châu Phong
- Quê quán: Làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
- Niên đại: 1847-1895
- Chức nghiệp: Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp
- Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ năm 1877, làm quan đến chức Ngự sử. Năm 1883, do không tán thành việc Tôn Thất Thuyết phế vua Dục Đức, ông bị đuổi về quê.
Năm 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương, ông đứng ra mộ quân chống Pháp. Trong 10 năm kháng chiến gian khổ, nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông đã hoạt động rất mạnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Ông mất năm 1895, phong trào Cần Vương chống Pháp ở Nghệ - Tĩnh cũng suy yếu và tan rã từ đó.
NGUYỄN TRI PHƯƠNG
- Tên húy, tên gọi khác: Tên cũ là Nguyễn Văn Chương, hiệu Đường Xuyên, tự Hàm Trinh
- Quê quán: Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Niên đại: 1800-1873
- Chức nghiệp: Đại danh thần thời nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là vị tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Ông làm quan dưới 3 triều vua: Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức lập được nhiều công trạng trong việc trị nước, an dân. Ông mất ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi.
BÀ HUYỆN THANH QUAN
- Tên húy, tên gọi khác: tên thật là Ngô Thị Hinh (có tài liệu ghi là Nguyễn Thị Hinh)
- Quê quán: Làng Nghi Tàm, (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).
- Niên đại: 1805 - 1848
- Chức nghiệp: Nữ sĩ
- Công trạng: Bà là vợ ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời Nguyễn, nên được gọi theo chức vụ của chồng là bà Huyện Thanh Quan.
Bà là một nhà thơ nổi tiếng. Thơ của bà điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật, hàm súc giàu nhạc điệu. Nhờ vậy mà thời kỳ bà theo chồng vào làm việc ở Huế, bà được vua Minh Mạng sung vào triều làm Cung Trung giáo tập để dạy công chúa và các cung nhân học. Năm 1847, sau khi chồng mất, bà đưa các con về sống tại quê, năm sau thì qua đời, hưởng thọ 43 tuổi. Một số tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng của bà: Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long hoài cổ, Qua đèo Ngang….
ĐỖ QUANG
- Tên húy, tên gọi khác: Đỗ Mạnh Tông Quang
- Quê quán: thôn Phương Điếm, thị trấn Gia Lộc, Gia Lộc, Hải Dương.
- Năm sinh - năm mất: 1807 - 1866
- Chức nghiệp - Công trạng: Ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thân (1832), làm quan dưới 03 triều vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) với các chức vụ: Tham tri các bộ Lại, Lễ, Hộ, Hình và Thị lang bộ Công. Sau sung làm Kinh diện nhật giảng quan, Toản tu ở Quốc sử quán kiêm Hàn lâm viện trực học sĩ. Ông 9 lần được cử chấm thi, làm Chánh, Phó chủ khảo, được ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực.
CAO BÁ QUÁT
- Tên húy, tên gọi khác: Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, Cúc Đường
- Quê quán: làng Phú Thọ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc xã Phú Thọ, huyện Gia Lâm, Hà Nội
- Niên đại: 1809 - 1855
- Chức nghiệp: Quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
- Công trạng: từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, giỏi thơ văn. Trong thời gian làm quan, ông nhiều lần bị trách phạt, giáng chức, thậm chí chịu tù ngục do tính tình thẳng thắn cương trực. Năm 1854, ông cùng bạn bè dựng cờ khởi nghĩa Mỹ Lương song cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, Cao Bá Quát cũng hy sinh. Mặc dù thơ văn Cao Bá Quát sau đó bị cấm lưu hành, song nhiều tác phẩm vẫn được lưu truyền đến nay như Cao Chu Thần thi tập, Mẫu hiên thi loại, v.v...
Năm 1832, ông đi thi Hương, đỗ á Nguyên tại trường thi Hà Nội, sau đó vào kinh đô (Huế) thi Hội, nhưng thi mãi không đỗ (truyền rằng do các quan chấm thi ghét ông kiêu ngạo nên đánh hỏng). Năm 1841, nhờ sự tiến cử của quan tỉnh Bắc Ninh, Cao Bá Quát được vào kinh đô nhậm chức Hành Tẩu Bộ Lễ. Tuy làm quan, cuộc sống của ông cũng hàn vi, không thay đổi.
Chứng kiến những nỗi cơ cực của nhân dân, thông cảm với sự bất bình của đại chúng, ông đã bí mật kết giao với nhiều bạn bè, dựng cờ khởi nghĩa ở đất Mỹ Lương (1854). Nghĩa quân lấy danh nghĩa phù Lê, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quốc sư, chống lại triều đình. Song cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài được mấy tháng thì bị dập tắt. Cao Bá Quát bị viên suất đội Đinh Thư Quang bắn chết giữa lúc ông đang ở trận tiền. Nhà Nguyễn đã trả thù, tru di ba họ của ông. Các tác phẩm của ông đều bị cấm tàng trữ, thu hồi và đốt hết.
TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê
- Quê quán: Làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nay là Làng Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi
- Niên đại: 1794 - 1865
- Chức nghiệp: Danh sĩ, đại thần triều Nguyễn
- Công trạng: Ông là danh thần trải qua 4 triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Trong 43 năm làm quan, ông luôn giữ những trọng trách lớn. Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học. Năm 1819, ông làm Thượng thư Bộ Binh, Sung cơ mật viện rồi thăng Hiệp biện đại học sĩ. Đời Thiệu Trị làm Phụ tránh đại thần, Văn minh điện đại học sĩ. Sang đời Tự Đức thăng Cần chánh đại điện học sĩ, tước Quận Công.
Ông từng làm Tổng tài biên soạn Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục.
ĐỘI QUYÊN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên là Lê Quyên hay Lê Văn Quyên
- Quê quán: Làng Nội Yên (nay thuộc xã Đa Phúc, huyện Đức Thọ) Hà Tĩnh
- Niên đại: 1859-1917
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh nghĩa quân chống thực dân Pháp
- Công trạng: Thủ lĩnh nghĩa quân chống thực dân Pháp ở Hà Tĩnh. Từ năm 1885, ông theo Lê Ninh, Phan Đình Phùng chế tạo vũ khí đánh giặc. Sau theo Phan Bội Châu ra nước ngoài rồi về hoạt động tại Nghệ An. Ngày 20/8/1917, bị Pháp truy đuổi ông đã tự vẫn, thọ 58 tuổi.
TRƯƠNG HÁN SIÊU
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu - Quê quán: Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình)
- Niên đại: ? - 1354
- Chức nghiệp: Danh sĩ nổi tiếng đời Trần
- Công trạng: Ông là một danh sỹ nổi tiếng đời Trần, tham dự 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần 2 và lần 3. Năm 1308, ông được Trần Anh Tông bổ làm Hàn lâm học sĩ, sang đời Trần Minh Tông, ông giữ chức Hàn Khiển, đến đời Trần Dụ Tông năm 1342 đổi sang tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng tả gián nghị đại phu năm 1345, và năm 1351 làm tham tri chính sự. Sau khi ông mất Vua cho truy tặng hàm Thái Bảo và được thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
NGUYỄN VĂN SIÊU
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Tốn Ba, hiệu Phương Bình, Thần Siêu
- Quên quán: Làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội)
- Niên đại: 1799 - 1872
- Chức nghiệp - Công trạng: Đỗ bảng nhãn, làm án sát sứ Hưng Yên, rồi về dạy học, lập trường Phương Đình (số nhà 12-14 phố này). Ông giỏi văn chương, học rộng, được người đời gọi là Thần Siêu, cùng với Thánh Quát (Cao Bá Quát) là bạn, nổi tiếng thời ấy. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam thế kỷ 19. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị và có công tạo đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút (Hà Nội). Tại đây, hiện còn nhiều câu đối và đại tự do ông viết.
NGÔ VĂN SỞ
- Tên húy, tên gọi khác: Ngô Hồng Chấn, Ngô Văn Tàng
- Quê quán: Bình Khê, Quy Nhơn (nay thuộc Tây Sơn, Bình Định)
- Niên đại: ? - 1795
- Chức nghiệp: Danh tướng nhà Tây Sơn
- Công trạng: Ông là một Danh tướng nhà Tây Sơn, được Nguyễn Huệ tin dùng và phong chức Đại Tư Mã trấn thủ thành Thăng Long. Ông là người có công lớn trong trận thắng quân xâm lược Mãn - Thanh trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789.
NGUYỄN MẬU TÀI
- Quê quán: xã Kim Sơn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).
- Niên đại: 1616 - 1688
- Chức nghiệp: Tể tướng
- Công trạng: Tể tướng, tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài là một nhân vật lịch sử tiêu biểu, một nhà chính trị, văn hóa có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực trong thế kỷ XVII. Tên tuổi và hành trạng của Tế tướng - Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài được ghi chép khá đầy đủ trong thư tịch cổ Việt Nam như: Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Việt Sử ký, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều tạp kỷ, Kim sơn gia phả. Đặc biệt, trong Lịch triều hiến chương loại chí của sử gia Phan Huy Chú đã có một mục riêng viết về Tể tướng - Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài và được đánh giá là người có công lao và tài đức thời vua Lê Trung Hưng.
ĐẶNG TẤT
- Quê quán: Làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An châu (nay thuộc Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)
- Niên đại: 1357 - 1409
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Hậu Trần
- Công trạng: Là cha của Đặng Dung. Ông là Danh tương nhà Hậu Trần, có công lớn trong việc phò tá Vua Giản Định Đế.
Cuối đời Trần, ông làm Đại tri châu, tham gia khởi nghĩa chống quân Minh ở phủ Thiên Trường, đánh thành Đông Quan. Năm 1409, ông bị vua Giản Định giết oan cùng với Nguyễn Cảnh Chân.
HOÀNG HOA THÁM
- Tên húy, tên gọi khác: tên thật là Trương Văn Thám, lúc nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, hay còn gọi là Đề Dương, Đề Thám, Hùm xám Yên Thế.
- Quê quán: Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sau di cư lên Sơn Tây (Hà Tây), rồi đến Yên Thế (Bắc Giang).
- Niên đại: 1858 - 1913
- Chức nghiệp: Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp
- Công trạng: Ông là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885 - 1913).
Hoàng Hoa Thám tổ chức ra "Đảng Nghĩa Hưng" và "Trung Chân ứng nghĩa đạo". Đặc biệt, Hoàng Hoa Thám đã chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ngày 27-6- 1908 của binh lính yêu nước ở Hà Nội (gọi là vụ Hà thành đầu độc). Sự kiện này làm chấn động khắp cả nước. Ngoài ra, Hoàng Hoa Thám xúc tiến việc xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến, đồng thời bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên..
Ngày 18/3/1913, ông bị tên phản bội Lương Tam Kỳ sát hại thọ 55 tuổi, Nghĩa quân dần dần tan rã.
LÃNH BINH THĂNG
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng
- Quê quán: Mỹ Thạnh, huyện Tân An (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
- Niên đại: 1798 - 1866
- Chức nghiệp: Võ tướng nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là võ tướng của Vua Tự Đức, được thăng chức Lãnh binh đóng quân ở Gia Định. Năm 1859, giặc Pháp tấn công Cần Giờ rồi chiếm Gia Định, ông được lệnh trấn giữ đồn Thủ Thiêm, quân ông bị tổn thất nặng nề phải rút quân về Định Tường. Năm, 1862, Pháp chiếm Mỹ Tho, Gò Công, ông đã hy sinh tại đây. Hiện nay bài vị của ông được thờ với vị Thành hoàng và Đức Trần Hưng Đạo ở đình Nhơn Hòa, đường Cô Giang, quận 2 TP Hồ Chí Minh.
CAO THẮNG
- Quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh
- Niên đại: 1864 - 1893
- Chức nghiệp: Chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp TK XIX
- Công trạng: Ông là trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng, ban đầu ông được giao làm Quản Cơ. Ông mở xưởng đúc vũ khí ở chiến khu Vụ Quang để cung cấp cho nghĩa quân. Năm 1892, ông dùng mưu bắt sống Tuần phủ tay sai Pháp Đinh Nho Quang làm trấn động dư luận Nghệ Tĩnh. Ông chỉ huy đánh đồn tây và giành nhiều thắng lợi.
Năm 1885, khi Vua Hàm Nghi xuống hịch Cần Vương thì cụ Phan Đình Phùng được giao lãnh đạo phong trào ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hào kiệt khắp nơi kéo về xin gia nhập, trong số đó anh em Cao Thắng. Ông rất được trọng dụng vì là người tài.
Năm 1886, khi cụ Châu kéo quân ra Bắc, Cao Thắng được giao quyền chỉ huy khi mới 22 tuổi. Ông ra sức quy tụ người tài, thợ rèn đưa họ vào Lệ Đông để đúc súng. Sau bao tháng trời mày mò, rút kinh nghiệm, ông đúc được 200 khẩu súng. Đây là một loại súng phải nhồi thuốc nổ, hễ đốt lửa thì đạn bay ra khỏi nòng. Khẩu súng ra đời làm nghĩa quân nóng lòng và thanh thế của cụ Phan vang rộng khắp nơi. Nhưng Cao Thắng tự nhủ phải chế tạo được loại súng hiện đại như của Pháp. Suy tính nát óc mà không biết làm sao. May thay, ông đã cướp được 17 khẩu súng và 600 viên đạn của một toán lính Pháp khi chúng đi phát lương cho lính.
Ông đã tự mình tháo rời súng, đo đạc từng bộ phận, rèn đi đúc lại nhiều lần mà không nản lòng. Cuối cùng khẩu súng kiểu Pháp cũng ra đời. Không có thép cứng ông dùng cây gọng dù uốn lại, thiếu sắt ông cho gom móng ngựa, cày cuốc cũ về làm lại… Chính sự thông minh cần cù đã giúp họ tạo ra một cây súng hiện đại chứ không nhờ một loại máy móc nào cả. Có súng trong tay ông chủ động xin cụ Phan cho đánh trước để mở đường ra khỏi núi rừng. Ông đã quì xuống chân cụ Phan để nói lời tâm huyết: “Đại trượng phu đến chết là cùng, chứ có điều chi mà phòng sợ.”
Ông đã chọn những người ngoan cường để ra đi với trang phục màu đỏ tượng trưng cho Lửa, còn phương tây là Kim. Lửa đố vàng khắc chảy. Càng đánh khí thế của nghĩa quân càng lên cao. Đồn bót của giặc không tài nào chống cự nổi. Nhưng trong đêm 21/11/1893 trong trận đánh đồn Nổ, ông đã trúng đạn và hy sinh. Năm đó mới 29 tuổi,.
TÔ HIẾN THÀNH
- Quê quán: Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội
- Niên đại: 1102-1179
- Chức nghiệp: Danh thần, Danh sĩ nổi tiếng đời nhà Lý Anh Tông
- Công trạng: Ông là viên quan văn, võ song toàn, nổi tiếng công minh, chính trực, được vua phong Tước Vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý.
NGUYỄN GIA THIỀU
- Tên húy, tên gọi khác: Ôn Như Hầu
- Quê quán: Liễu Ngạn, Liễu Lâm, Thuận Thanh (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh)
- Niên đại: 1741 - 1798
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời Lê Hiến Tông
- Công trạng: Ông là một nhà thơ thời Lê Hiến Tông, là tác giả của "Cung oán ngâm khúc", mượn lời một cung nữ để nói lên tâm trạng bế tắc của ông cũng là sự bế tắc của lớp nhà nho thời đại ông. Cung oán ngâm khúc là tác phẩm bằng chữ Nôm xuất sắc, nội dung phản ánh hiện thực và trình độ nghệ thuật, có đóng góp lớn cho lịch sử văn học Việt Nam.
Nguyễn Gia Thiều là con của quận chúa Quỳnh Liên. Ông gọi chúa Trịnh Cương là ông ngoại. Cha ông là một võ quan, được phong tước Đạt vị hầu. Ông được lui tới trong phủ chúa, do đó được nhìn thấy tận mắt cảnh ngộ của những cung nữ bị bỏ rơi. Ông đã dùng lối văn độc thoại, làm lời một cung phi tài sắc trình bày tâm trạng và nỗi đau đớn bị vua ruồng bỏ.
Nguyễn Gia Thiều xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa, phong tước Ôn Như Hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như Thiền. Ông là một thi nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm, Sở tư điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho đến khi mất.
NGUYỄN THÔNG
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt Độn Am
- Quê quán: Làng Bình Thạnh, phủ Tân An, Gia Định (nay thuộc Ngãi Trị, Châu Thành, Long An)
- Niên đại: 1827 - 1884
- Chức nghiệp: Danh sĩ nhà Nguyễn nửa đầu TK XIX
- Công trạng: Ông đỗ Cử nhân năm 1849, nhận chức Huấn Đạo ở phủ huyện Phong Phú, An Giang. Năm 1856, ông được thăng làm Hàn lâm Viện Tu soạn làm việc trong nội các, tham gia biên soạn bộ Khâm định nhân sự kim giám.
PHẠM PHÚ THỨ
- Tên húy, tên gọi khác: Phạm Hào. Khi đỗ Tiến sĩ, được vua Thiệu Trị đổi tên là Phú Thứ), tự: Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu: Giá Viên;
- Quê quán: làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (cũ), tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
- Niên đại: 1821 - 1882
- Công trạng: là một đại thần triều nhà Nguyễn, và là một trong số người có quan điểm canh tân nước Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho phong, tổ năm đời của ông vốn họ Đoàn, gốc Bắc Thành. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ ông là Phạm Thị Cẩm (người làng Trừng Giang, và là con gái một ông đồ).
Nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ thông minh, chăm chỉ, và từng được Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) dạy dỗ, nên ông Thứ sớm có tiếng là người học giỏi.
NGUYỄN THIỆN THUẬT
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Mạnh Hiếu, còn gọi là Tán Thuật
- Quê quán: làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương
- Niên đại: 1844 - 1926
- Chức nghiệp: Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
- Công trạng: Ông là một danh tướng tham gia Phong trào Cần Vương chống Pháp, lập căn cứ Bãi Sậy. Năm 1889, đánh chiếm tỉnh Hải Dương. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông sang Trung Quốc cầu viện (1890) và mất ở Nam Ninh. Cả gia đình Ông đều tham gia đánh pháp, hai con lớn đều là tướng tài giỏi của Đề Thám.
CẦM BÁ THƯỚC
- Quê quán: Bản Lùm Nưa, tổng Trịnh Vạn, châu Thường Xuân (nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
- Niên đại: 1858 - 1895
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh người dân tộc Thái tham gia phong trào Cần Vương
- Công trạng: Ông là thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Thanh Hóa, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Đình Phùng ông đã gia nhập cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương. Ông là thủ lĩnh các nhóm quân ở Thanh Hóa, từng được cử làm Bang Biện 2 châu Thường Xuân và Lang Chánh. Ông hy sinh tháng 5 năm 1895.
MAI XUÂN THƯỞNG
- Quê quán: Làng Phú Lạc, Bình Định
- Niên đại: 1860-1887
- Công trạng: Mai Xuân Thưởng người làng Phú Lạc, Bình Định, đỗ cử nhân năm 1884. Sau khi Huế thất thủ Ông khởi nghĩa chống Pháp. Nghĩa quân Mai Xuân Thưởng từng phát triển vào Phú Yên, bắt giam bọn quan lại đầu hàng Pháp, lại phát triển ra Quảng Ngãi định bắt tên Việt gian Nguyễn Thân, nhưng không thành. Thực dân Pháp cùng bọn tay sai dốc sức ra để đàn áp cuộc khởi nghĩa này. Tháng 6/1887, Mai Xuân Thưởng sa vào tay giặc, bị chúng sát hại.
TÔN THẤT THUYẾT
- Quê quán: Xuân Long, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
- Niên đại: 1839 - 1913
- Chức nghiệp: Danh tướng, nhà yêu nước
- Công trạng: Ông là hậu duệ của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) thuộc dòng tộc Nguyễn Phúc ở Huế. Năm 1869, làm án sát Hải Dương, rồi Tán tương Quân thứ Thái Nguyên rồi Tán lý quân thứ Sơn Hưng Tuyên.
Năm 1873, cùng quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp ở Ô Cầu Giấy, giết được sĩ quan chỉ huy Pháp Gacniê (F. Garnier). Năm 1875, ông chiến thắng ở Tây Sơn, bắt sống tướng giặc Cờ Vàng là Hoàng Sùng Anh. Ông được phong làm Hữu Tham tri Bộ Binh, tước Nam.
Đến năm 1881, ông làm Thượng thư Bộ Binh , sau vua Tự Đức mất (1883), ông làm Phụ chánh đại thần. Cùng Nguyễn Văn Tường phế vua Dục Đức (Nguyễn Phúc Ưng Châu) lập vua Hiệp Hòa (Nguyễn Phúc Hồng Dật), nhưng mới được 4 tháng, ông và Tường lại mưu giết Hiệp Hòa ngày 29-11- 1883, đưa vua Phúc Kiến (Nguyễn Phúc Ưng Đăng) lên ngôi. Nhưng chỉ được 8 tháng, Kiến Phúc mất vào ngày 31-7-1884, ông lập em Phúc Kiến là Ưng Lịch lên ngôi tức Hàm Nghi. Từ đây, ông ráo riết chuẩn bị chống Pháp, De Courty rất căm ghét muốn hại ông, nhưng không được.
Ngày 4/7/1885, chủ động tấn công Pháp ở Huế nhưng thất bại. Sau đó, rước vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, rồi Quảng Bình, Hà Tĩnh mở đầu phong trào Cần vương kháng Pháp. Năm 1886, ông để lại hai người con là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đàm phò vua Hàm Nghi, ra Miền Bắc rồi sang Trung Quốc (1887) cầu viện, nhất thời có một số kết quả, nhưng sau đó triều đình nhà Thanh thoả hiệp với Pháp quản thúc ông ở Long Châu rồi Thiều Châu và mất ở đó (1913), thọ 78 tuổi. Gia đình ông từ cha mẹ, vợ đến các em, các con, kể cả con rể (Nguyễn Thượng Hiền) đều giàu lòng yêu nước, chống Pháp. Hiện còn một số bài thơ chữ Hán, trong đó ông gửi gắm ít nhiều tâm sự như các bài "Họa thơ Nguyễn Quang Bích", "Chim én bay trong mưa", "Thơ gửi Cầm Bá Thước", Các tác phẩm của ông gồm một số thơ, liễn đối…điếu các nhà chí sĩ, yêu nước hi sinh vì đại nghĩa.
TUỆ TĨNH
- Tên húy, tên gọi khác: Tuệ Tinh; Tuệ Tĩnh thiền sư.
- Quê quán: Nghĩa Phú, Cẩm Giàng, Hải Dương
- Niên đại: 1330 - 1400
- Chức nghiệp: Ông tổ mở đầu cho nền y ngành dược Việt Nam,
- Công trạng: Ông được coi là ông tổ của ngành dược Việt Nam, mở đầu cho nền y dược Việt Nam. Ông là tác giả của các bộ sách "Nam dược thần hiệu", "Hồng nghĩa giác tư y thư" có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.
NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
- Tên húy, tên gọi khác: Còn gọi là Thầy Lân
- Quê quán: Làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
- Niên đại: 1830 - 1871
- Chức nghiệp: Danh sĩ, kiến trúc sư TK XIX
- Công trạng: Ông còn được gọi là Thầy Lân, một Danh sĩ, Kiến trúc sư, một Nhà cải cách xã hội Việt Nam thế kỷ XIX.
Ông sinh ra trong một gia đình công giáo. Năm 1858, ông được giám mục Gauthier đưa sang Pháp học ở Pari. Hơn 2 năm học tại Pháp, ông không những biết thêm nhiều về khoa học - kỹ thuật mà còn học rộng về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật…
Năm 1861, ông trở về nước, khi Sài Gòn - Gia Định đã bị quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha chiếm đóng.
Từ năm 1863 đến khi mất, ông đã gửi liên tiếp lên triều đình Huế 59 bản điều trần đề xuất canh tân xây dựng đất nước giàu mạnh. Các bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực về: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục... Tiếc rằng triều đình Huế hẹp hòi bảo thủ, bế quan tỏa cảng nên đã khước từ tất cả những đề nghị cải cách của ông.
Ông mất ngày 10/10/1871. Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng về khát vọng canh tân đất nước cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
TRẦN QUỐC TOẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Tước Hoài Văn Hầu
- Niên đại: 1267 - 1285
- Chức nghiệp: Tôn thất và cũng là Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông là một quý tộc nhà Trần, sống vào thời kỳ Vua Trần Nhân Tông, có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Được biết đến với lá cờ thêu 6 chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân"
LÊ HỮU TRÁC
- Tên húy, tên gọi khác: Danh y Lê Hữu Trác hay Hải Thượng Lãng Ông
- Quê quán: Làng Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc Yên Mỹ, Hưng Yên)
- Niên đại: 1720 - 1791
- Chức nghiệp: Đại Danh y
- Công trạng: Ông là người tinh thông Y học, Văn chương thế kỷ XVIII được nhiều người kính trọng.
NGUYỄN TRÃI
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu Ức Trai
- Quê quán: Chi Ngại, Phượng Sơn, Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương)
- Niên đại: 1380 - 1442 - Chức nghiệp: Danh sĩ, công thần của Vua Lê Thái Tổ
- Công trạng: Ông là con trai của Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) và bà Trần Thị Thái (con gái Trần Nguyên Đán).
Thi đỗ Thái học sĩ năm 1400, từng làm quan dưới triều đại nhà Hồ. Sau khi đất nước bị giặc Minh cai trị, Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày mưu, tính kế và soạn thảo các văn bản ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là Văn thần có uy tín thời đầu nhà Hậu Lê. Đến năm 1442, toàn thể gia tộc bị tru di tam tộc trong vụ án "Lệ chi viên". Đến năm 1446, Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất ở Việt Nam, là Danh nhân văn hóa của Việt Nam và Thế giới.
ĐINH CÔNG TRÁNG
- Quê quán: Trinh Xá, huyện Thanh Liêm (nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
- Niên đại: 1842 - 1887
- Chức nghiệp: Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Đình trong phong trào Cần Vương
- Công trạng: Đang làm chánh tổng, Đinh Công Tráng rời quê gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm. Năm 1885, ông hưởng ứng Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, Đinh Công Tráng đã chọn Ba Đình làm căn cứ kháng chiến. Nghĩa quân của Đinh Công Tráng có lúc đông tới hai vạn người, đã đánh nhiều trận giành thắng lợi như trận đánh vào năm Nhâm Ngọ (1882). Nghĩa quân đã tấn công nhiều phủ thành, chặn đánh các đoàn xe, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Đầu năm 1887, Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình trong nhiều ngày. Quân Pháp đã nã hàng chục ngàn quả đại bác trong vòng một ngày trời, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa. Đến sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp mới chiếm được Ba Đình. Sau đó, quân Pháp đã triệt hạ hoàn toàn cả ba làng của căn cứ Ba Đình. Thành vỡ, Đinh Công Tráng chạy về Nghệ An và hy sinh trong đêm 5/10/1887.
PHAN CHÂU TRINH
- Tên húy: hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán.
- Quê quán: người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.
- Niên đại: 1872 - 1926
- Chức nghiệp: Ông là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: Phát động phong trào Duy Tân. Ông viết bài Tỉnh quốc hồn ca, kêu gọi mọi người duy tân theo hướng dân chủ tư sản. Hưởng ứng, ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận, nhiều trường học, thư xã, thương hội, hội nghề nghiệp...lần lượt được lập ra. Phan Châu Trinh tham gia diễn giảng mỗi tháng 2 kỳ ở Đông Kinh nghĩa thục.
TRẦN BÌNH TRỌNG
- Quê quán: Xã Bảo Thái (nay thuộc Thanh Liêm, Hà Nam)
- Niên đại: 1259 - 1285
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông là một danh tướng đời Trần, có công lớn trong việc hộ giá bảo vệ cho 2 vua nhà Trần (Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2. Ông hy sinh tại bãi Thiên Mạc khi chặn quân Nguyên được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương. Ông nổi tiếng với câu nói "Thà làm ma nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc".
NGUYỄN CÔNG TRỨ
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Nghi Văn
- Quê quán: Làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
- Niên đại: 1778 - 1858
- Chức nghiệp: Nhà Quân Sự, Kinh tế, nhà Thơ
- Công trạng: Ông là một nhà Quân sự, Kinh tế, Nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Là nhà Quân sự, dưới triều Gia Long và Minh Mạng, tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, ông đánh đâu thắng đó. Năm 1827, dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, năm 1833, dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân. Ông cũng góp công lớn trong chiến tranh Việt - Xiêm.
Về kinh tế, ông có nhiều sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình)…
Về văn thơ: Ông còn là một tiền nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho việc phát triển nghệ thuật Ca trù…
NGUYỄN TRUNG TRỰC
- Tên húy, tên gọi khác: Có tên là Chơn sau đổi thành là Lịch (Nguyễn Văn Lịch)
- Quê quán: Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát)
- Niên đại: 1837 - 1868
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Thực dân Pháp cuối TK XIX
- Công trạng: là vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX có câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”, tên tuổi ông là niềm cảm phục và tự hào của người dân Nam bộ.
Trong lịch sử chống ngoại xâm vào nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu, và đặc biệt. Ông tham gia chống Pháp từ những năm đầu tiên Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Hai chiến công lừng lẫy của ông: Đốt cháy tàu L’ Espérance - tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868. Thực dân Pháp đem ông hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868, khi ông 31 tuổi.
ĐÀO DUY TỪ
Tên húy: Đào Duy Từ
- Quê quán: quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa
- Niên đại: 1572 - 1634
- Chức nghiệp: là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên
- Công trạng: Đào Duy Từ là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông chỉ làm quan với Chúa Nguyễn có tám năm, nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu
Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài Ngọa Long cương cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, và nói: Bài này là do thầy đồ của nhà tôi là Đào Duy Từ làm. Đọc bài Ngọa Long cương, chúa Nguyễn biết Đào Duy Từ là người có chí lớn liền cho gọi Duy Từ đến. Mấy hôm sau, Đào Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt Nguyễn Phúc Nguyên. Thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên chỉ mặc áo trắng sơ sài và đứng cửa nách đợi; Duy Từ dừng lại không vào. Thấy vậy, chúa liền vào thay đổi triều phục, áo mũ chỉnh tề rồi mở cửa lớn ra đón Duy Từ vào nói chuyện. Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền sau đó chúa họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính.
Từ đấy Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.
Tháng 3 năm Canh Ngọ (1630), Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến pha Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh xứ Đàng Trong. Năm Tân Mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, chúa Nguyễn lại cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải. Nhờ có hai cái lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được các cuộc tiến công của quân Trịnh trong một thời kỳ dài.
Ngoài giúp chúa Nguyễn đối phó chúa Trịnh, Đào Duy Từ còn nhiều lần khuyên khéo được chúa Nguyễn việc chính sự, ngoài ra còn tiến cử con rể của mình là Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Tiến về sau cũng trở thành một công thần của chúa Nguyễn như cha vợ mình.
Tháng 9 năm Canh Ngọ (1630), theo đề nghị của Đào Duy Từ, Nguyễn Phúc Nguyên cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố chánh, và chiếm được châu này.
DÃ TƯỢNG
- Chức nghiệp: Võ tướng của Trần Hưng Đạo
- Công trạng: Ông là Danh tướng và là gia thần thân tín của Trần Hưng Đạo, là người có tài và chỉ huy đội voi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
TRẦN CAO VÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Trần Cao Đệ, pháp danh Như Y, biệt hiệu là Hồng Việt, Chánh Minh, Bạch Sĩ, sau đổi tên thành Trần Cao Vân
- Quê quán: làng Tư Phú, Tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
- Niên đại: 1866 - 1916
- Chức nghiệp: Một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Kỳ do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng
- Công trạng: Năm 1882 trong lúc đi thi ông bị bệnh nặng, không dự thi được. Những năm tiếp đó do cảnh quốc phá gia vong, ông bỏ luôn cử nghiệp, dấn thân vào công cuộc cứu nước. Năm 1892, ông từ giã Quảng Nam vào hoạt động ở Bình Định, Phú Yên. Tại đây ông cùng các chiến hữu lập được nhiều cơ sở chống Pháp. Năm 1898, tham gia cuộc khởi nghĩa Võ Trứ. Khởi nghĩa bị thất bại, ông bị thực dân bắt giam ở ngục Phú Yên, sau đó đưa về giam ở Quảng Nam. Năm 1907, mới được trả tự do. Năm 1908, nhân phong trào chống thuế Quảng Nam, ông lại bị thực dân Pháp bắt lần nữa, bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1914.
Năm 1915, ông tham gia Hội Việt Nam Quang Phục. Theo chương trình của Hội, ông và Thái Phiên chịu trách nhiệm liên lạc với vua Duy Tân tổ chức khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt, thực dân kết án tử hình và xử chém cùng với nhiều đồng chí khác tại An Hòa (Huế). Ngôi mộ chung hai chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân và Thái Phiên sau nhiều lần cải táng, hiện tọa lạc trên đồi Từ Hiếu (Thành phố Huế), đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích quốc gia.
PHAN BÁ VÀNH
- Quê quán: Làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên (nay thuộc Vũ Thư, Thái Bình)
- Niên đại: ? - 1827
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh phong trào nông dân ở Nam Sơn Hạ, thời Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là thủ lĩnh phong trào nông dân ở Nam Sơn Hạ, thời Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn. Vào đầu TK XIX, đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực, ông cùng một số danh tướng nhà Hậu Lê giúp sức, cùng với nông dân đứng dậy khởi nghĩa, đánh đồn. Phong trào bị dập tắt và ông bị quân lính triều đình giết năm 1827.
LƯƠNG THẾ VINH
- Tên húy, tên gọi khác: Còn gọi là Trạng Lường, tên thật là Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên
- Quê quán: Cao Hương, Thiên Bảng, trấn Nam Sơn (nay thuộc Vụ Bản, Nam Định)
- Niên đại: 1441 - 1496
- Chức nghiệp: Nhà Toán học, Phật học, nhà Thơ thời Lê Sơ
- Công trạng: Năm 1463, ông thi đỗ Trạng Nguyên khi mới 23 tuổi, đời Lê Thánh Tông, ông từng giữ các chức: Trực học sĩ, Thị thư, Chưởng viện sự. Ông là Nhà Toán học, Phật học, làm quan tại viện hàn lâm, là một trong 28 nhà thơ của Hội Tao đàn do Lê Thánh Tông lập năm 1495.
BÙI THỊ XUÂN
- Quê quán: Tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc Phú Xuân, Bình Phú, Tây Sơn, Binh Định)
- Niên đại: 1771 - 1802
- Chức nghiệp: Đô đốc; Nữ kiệt thời Tây Sơn
- Công trạng: Bà là một trong Tây Sơn Ngũ phụng thư là vợ của Thái phó Trần Quang Diệu và là một đô đốc thời Tây Sơn. Bà là một trong những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn.
- Niên đại: 1102-1179
- Chức nghiệp: Danh thần, Danh sĩ nổi tiếng đời nhà Lý Anh Tông
- Công trạng: Ông là viên quan văn, võ song toàn, nổi tiếng công minh, chính trực, được vua phong Tước Vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý.
NGUYỄN GIA THIỀU
- Tên húy, tên gọi khác: Ôn Như Hầu
- Quê quán: Liễu Ngạn, Liễu Lâm, Thuận Thanh (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh)
- Niên đại: 1741 - 1798
- Chức nghiệp: Danh sĩ thời Lê Hiến Tông
- Công trạng: Ông là một nhà thơ thời Lê Hiến Tông, là tác giả của "Cung oán ngâm khúc", mượn lời một cung nữ để nói lên tâm trạng bế tắc của ông cũng là sự bế tắc của lớp nhà nho thời đại ông. Cung oán ngâm khúc là tác phẩm bằng chữ Nôm xuất sắc, nội dung phản ánh hiện thực và trình độ nghệ thuật, có đóng góp lớn cho lịch sử văn học Việt Nam.
Nguyễn Gia Thiều là con của quận chúa Quỳnh Liên. Ông gọi chúa Trịnh Cương là ông ngoại. Cha ông là một võ quan, được phong tước Đạt vị hầu. Ông được lui tới trong phủ chúa, do đó được nhìn thấy tận mắt cảnh ngộ của những cung nữ bị bỏ rơi. Ông đã dùng lối văn độc thoại, làm lời một cung phi tài sắc trình bày tâm trạng và nỗi đau đớn bị vua ruồng bỏ.
Nguyễn Gia Thiều xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa, phong tước Ôn Như Hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như Thiền. Ông là một thi nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm, Sở tư điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho đến khi mất.
NGUYỄN THÔNG
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt Độn Am
- Quê quán: Làng Bình Thạnh, phủ Tân An, Gia Định (nay thuộc Ngãi Trị, Châu Thành, Long An)
- Niên đại: 1827 - 1884
- Chức nghiệp: Danh sĩ nhà Nguyễn nửa đầu TK XIX
- Công trạng: Ông đỗ Cử nhân năm 1849, nhận chức Huấn Đạo ở phủ huyện Phong Phú, An Giang. Năm 1856, ông được thăng làm Hàn lâm Viện Tu soạn làm việc trong nội các, tham gia biên soạn bộ Khâm định nhân sự kim giám.
PHẠM PHÚ THỨ
- Tên húy, tên gọi khác: Phạm Hào. Khi đỗ Tiến sĩ, được vua Thiệu Trị đổi tên là Phú Thứ), tự: Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu: Giá Viên;
- Quê quán: làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (cũ), tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
- Niên đại: 1821 - 1882
- Công trạng: là một đại thần triều nhà Nguyễn, và là một trong số người có quan điểm canh tân nước Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho phong, tổ năm đời của ông vốn họ Đoàn, gốc Bắc Thành. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ ông là Phạm Thị Cẩm (người làng Trừng Giang, và là con gái một ông đồ).
Nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ thông minh, chăm chỉ, và từng được Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) dạy dỗ, nên ông Thứ sớm có tiếng là người học giỏi.
NGUYỄN THIỆN THUẬT
- Tên húy, tên gọi khác: Tên tự là Mạnh Hiếu, còn gọi là Tán Thuật
- Quê quán: làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương
- Niên đại: 1844 - 1926
- Chức nghiệp: Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
- Công trạng: Ông là một danh tướng tham gia Phong trào Cần Vương chống Pháp, lập căn cứ Bãi Sậy. Năm 1889, đánh chiếm tỉnh Hải Dương. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông sang Trung Quốc cầu viện (1890) và mất ở Nam Ninh. Cả gia đình Ông đều tham gia đánh pháp, hai con lớn đều là tướng tài giỏi của Đề Thám.
CẦM BÁ THƯỚC
- Quê quán: Bản Lùm Nưa, tổng Trịnh Vạn, châu Thường Xuân (nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
- Niên đại: 1858 - 1895
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh người dân tộc Thái tham gia phong trào Cần Vương
- Công trạng: Ông là thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Thanh Hóa, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Đình Phùng ông đã gia nhập cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương. Ông là thủ lĩnh các nhóm quân ở Thanh Hóa, từng được cử làm Bang Biện 2 châu Thường Xuân và Lang Chánh. Ông hy sinh tháng 5 năm 1895.
MAI XUÂN THƯỞNG
- Quê quán: Làng Phú Lạc, Bình Định
- Niên đại: 1860-1887
- Công trạng: Mai Xuân Thưởng người làng Phú Lạc, Bình Định, đỗ cử nhân năm 1884. Sau khi Huế thất thủ Ông khởi nghĩa chống Pháp. Nghĩa quân Mai Xuân Thưởng từng phát triển vào Phú Yên, bắt giam bọn quan lại đầu hàng Pháp, lại phát triển ra Quảng Ngãi định bắt tên Việt gian Nguyễn Thân, nhưng không thành. Thực dân Pháp cùng bọn tay sai dốc sức ra để đàn áp cuộc khởi nghĩa này. Tháng 6/1887, Mai Xuân Thưởng sa vào tay giặc, bị chúng sát hại.
TÔN THẤT THUYẾT
- Quê quán: Xuân Long, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
- Niên đại: 1839 - 1913
- Chức nghiệp: Danh tướng, nhà yêu nước
- Công trạng: Ông là hậu duệ của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) thuộc dòng tộc Nguyễn Phúc ở Huế. Năm 1869, làm án sát Hải Dương, rồi Tán tương Quân thứ Thái Nguyên rồi Tán lý quân thứ Sơn Hưng Tuyên.
Năm 1873, cùng quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp ở Ô Cầu Giấy, giết được sĩ quan chỉ huy Pháp Gacniê (F. Garnier). Năm 1875, ông chiến thắng ở Tây Sơn, bắt sống tướng giặc Cờ Vàng là Hoàng Sùng Anh. Ông được phong làm Hữu Tham tri Bộ Binh, tước Nam.
Đến năm 1881, ông làm Thượng thư Bộ Binh , sau vua Tự Đức mất (1883), ông làm Phụ chánh đại thần. Cùng Nguyễn Văn Tường phế vua Dục Đức (Nguyễn Phúc Ưng Châu) lập vua Hiệp Hòa (Nguyễn Phúc Hồng Dật), nhưng mới được 4 tháng, ông và Tường lại mưu giết Hiệp Hòa ngày 29-11- 1883, đưa vua Phúc Kiến (Nguyễn Phúc Ưng Đăng) lên ngôi. Nhưng chỉ được 8 tháng, Kiến Phúc mất vào ngày 31-7-1884, ông lập em Phúc Kiến là Ưng Lịch lên ngôi tức Hàm Nghi. Từ đây, ông ráo riết chuẩn bị chống Pháp, De Courty rất căm ghét muốn hại ông, nhưng không được.
Ngày 4/7/1885, chủ động tấn công Pháp ở Huế nhưng thất bại. Sau đó, rước vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, rồi Quảng Bình, Hà Tĩnh mở đầu phong trào Cần vương kháng Pháp. Năm 1886, ông để lại hai người con là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đàm phò vua Hàm Nghi, ra Miền Bắc rồi sang Trung Quốc (1887) cầu viện, nhất thời có một số kết quả, nhưng sau đó triều đình nhà Thanh thoả hiệp với Pháp quản thúc ông ở Long Châu rồi Thiều Châu và mất ở đó (1913), thọ 78 tuổi. Gia đình ông từ cha mẹ, vợ đến các em, các con, kể cả con rể (Nguyễn Thượng Hiền) đều giàu lòng yêu nước, chống Pháp. Hiện còn một số bài thơ chữ Hán, trong đó ông gửi gắm ít nhiều tâm sự như các bài "Họa thơ Nguyễn Quang Bích", "Chim én bay trong mưa", "Thơ gửi Cầm Bá Thước", Các tác phẩm của ông gồm một số thơ, liễn đối…điếu các nhà chí sĩ, yêu nước hi sinh vì đại nghĩa.
TUỆ TĨNH
- Tên húy, tên gọi khác: Tuệ Tinh; Tuệ Tĩnh thiền sư.
- Quê quán: Nghĩa Phú, Cẩm Giàng, Hải Dương
- Niên đại: 1330 - 1400
- Chức nghiệp: Ông tổ mở đầu cho nền y ngành dược Việt Nam,
- Công trạng: Ông được coi là ông tổ của ngành dược Việt Nam, mở đầu cho nền y dược Việt Nam. Ông là tác giả của các bộ sách "Nam dược thần hiệu", "Hồng nghĩa giác tư y thư" có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.
NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
- Tên húy, tên gọi khác: Còn gọi là Thầy Lân
- Quê quán: Làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
- Niên đại: 1830 - 1871
- Chức nghiệp: Danh sĩ, kiến trúc sư TK XIX
- Công trạng: Ông còn được gọi là Thầy Lân, một Danh sĩ, Kiến trúc sư, một Nhà cải cách xã hội Việt Nam thế kỷ XIX.
Ông sinh ra trong một gia đình công giáo. Năm 1858, ông được giám mục Gauthier đưa sang Pháp học ở Pari. Hơn 2 năm học tại Pháp, ông không những biết thêm nhiều về khoa học - kỹ thuật mà còn học rộng về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật…
Năm 1861, ông trở về nước, khi Sài Gòn - Gia Định đã bị quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha chiếm đóng.
Từ năm 1863 đến khi mất, ông đã gửi liên tiếp lên triều đình Huế 59 bản điều trần đề xuất canh tân xây dựng đất nước giàu mạnh. Các bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực về: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục... Tiếc rằng triều đình Huế hẹp hòi bảo thủ, bế quan tỏa cảng nên đã khước từ tất cả những đề nghị cải cách của ông.
Ông mất ngày 10/10/1871. Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng về khát vọng canh tân đất nước cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
TRẦN QUỐC TOẢN
- Tên húy, tên gọi khác: Tước Hoài Văn Hầu
- Niên đại: 1267 - 1285
- Chức nghiệp: Tôn thất và cũng là Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông là một quý tộc nhà Trần, sống vào thời kỳ Vua Trần Nhân Tông, có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Được biết đến với lá cờ thêu 6 chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân"
LÊ HỮU TRÁC
- Tên húy, tên gọi khác: Danh y Lê Hữu Trác hay Hải Thượng Lãng Ông
- Quê quán: Làng Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc Yên Mỹ, Hưng Yên)
- Niên đại: 1720 - 1791
- Chức nghiệp: Đại Danh y
- Công trạng: Ông là người tinh thông Y học, Văn chương thế kỷ XVIII được nhiều người kính trọng.
NGUYỄN TRÃI
- Tên húy, tên gọi khác: Hiệu Ức Trai
- Quê quán: Chi Ngại, Phượng Sơn, Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương)
- Niên đại: 1380 - 1442 - Chức nghiệp: Danh sĩ, công thần của Vua Lê Thái Tổ
- Công trạng: Ông là con trai của Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) và bà Trần Thị Thái (con gái Trần Nguyên Đán).
Thi đỗ Thái học sĩ năm 1400, từng làm quan dưới triều đại nhà Hồ. Sau khi đất nước bị giặc Minh cai trị, Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày mưu, tính kế và soạn thảo các văn bản ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là Văn thần có uy tín thời đầu nhà Hậu Lê. Đến năm 1442, toàn thể gia tộc bị tru di tam tộc trong vụ án "Lệ chi viên". Đến năm 1446, Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất ở Việt Nam, là Danh nhân văn hóa của Việt Nam và Thế giới.
ĐINH CÔNG TRÁNG
- Quê quán: Trinh Xá, huyện Thanh Liêm (nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
- Niên đại: 1842 - 1887
- Chức nghiệp: Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Đình trong phong trào Cần Vương
- Công trạng: Đang làm chánh tổng, Đinh Công Tráng rời quê gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm. Năm 1885, ông hưởng ứng Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, Đinh Công Tráng đã chọn Ba Đình làm căn cứ kháng chiến. Nghĩa quân của Đinh Công Tráng có lúc đông tới hai vạn người, đã đánh nhiều trận giành thắng lợi như trận đánh vào năm Nhâm Ngọ (1882). Nghĩa quân đã tấn công nhiều phủ thành, chặn đánh các đoàn xe, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Đầu năm 1887, Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình trong nhiều ngày. Quân Pháp đã nã hàng chục ngàn quả đại bác trong vòng một ngày trời, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa. Đến sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp mới chiếm được Ba Đình. Sau đó, quân Pháp đã triệt hạ hoàn toàn cả ba làng của căn cứ Ba Đình. Thành vỡ, Đinh Công Tráng chạy về Nghệ An và hy sinh trong đêm 5/10/1887.
PHAN CHÂU TRINH
- Tên húy: hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán.
- Quê quán: người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.
- Niên đại: 1872 - 1926
- Chức nghiệp: Ông là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.
- Công trạng: Phát động phong trào Duy Tân. Ông viết bài Tỉnh quốc hồn ca, kêu gọi mọi người duy tân theo hướng dân chủ tư sản. Hưởng ứng, ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận, nhiều trường học, thư xã, thương hội, hội nghề nghiệp...lần lượt được lập ra. Phan Châu Trinh tham gia diễn giảng mỗi tháng 2 kỳ ở Đông Kinh nghĩa thục.
TRẦN BÌNH TRỌNG
- Quê quán: Xã Bảo Thái (nay thuộc Thanh Liêm, Hà Nam)
- Niên đại: 1259 - 1285
- Chức nghiệp: Danh tướng đời Trần
- Công trạng: Ông là một danh tướng đời Trần, có công lớn trong việc hộ giá bảo vệ cho 2 vua nhà Trần (Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2. Ông hy sinh tại bãi Thiên Mạc khi chặn quân Nguyên được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương. Ông nổi tiếng với câu nói "Thà làm ma nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc".
NGUYỄN CÔNG TRỨ
- Tên húy, tên gọi khác: Tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Nghi Văn
- Quê quán: Làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
- Niên đại: 1778 - 1858
- Chức nghiệp: Nhà Quân Sự, Kinh tế, nhà Thơ
- Công trạng: Ông là một nhà Quân sự, Kinh tế, Nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Là nhà Quân sự, dưới triều Gia Long và Minh Mạng, tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, ông đánh đâu thắng đó. Năm 1827, dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, năm 1833, dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân. Ông cũng góp công lớn trong chiến tranh Việt - Xiêm.
Về kinh tế, ông có nhiều sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình)…
Về văn thơ: Ông còn là một tiền nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho việc phát triển nghệ thuật Ca trù…
NGUYỄN TRUNG TRỰC
- Tên húy, tên gọi khác: Có tên là Chơn sau đổi thành là Lịch (Nguyễn Văn Lịch)
- Quê quán: Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát)
- Niên đại: 1837 - 1868
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Thực dân Pháp cuối TK XIX
- Công trạng: là vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX có câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”, tên tuổi ông là niềm cảm phục và tự hào của người dân Nam bộ.
Trong lịch sử chống ngoại xâm vào nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu, và đặc biệt. Ông tham gia chống Pháp từ những năm đầu tiên Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Hai chiến công lừng lẫy của ông: Đốt cháy tàu L’ Espérance - tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868. Thực dân Pháp đem ông hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868, khi ông 31 tuổi.
ĐÀO DUY TỪ
Tên húy: Đào Duy Từ
- Quê quán: quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa
- Niên đại: 1572 - 1634
- Chức nghiệp: là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên
- Công trạng: Đào Duy Từ là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông chỉ làm quan với Chúa Nguyễn có tám năm, nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu
Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài Ngọa Long cương cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, và nói: Bài này là do thầy đồ của nhà tôi là Đào Duy Từ làm. Đọc bài Ngọa Long cương, chúa Nguyễn biết Đào Duy Từ là người có chí lớn liền cho gọi Duy Từ đến. Mấy hôm sau, Đào Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt Nguyễn Phúc Nguyên. Thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên chỉ mặc áo trắng sơ sài và đứng cửa nách đợi; Duy Từ dừng lại không vào. Thấy vậy, chúa liền vào thay đổi triều phục, áo mũ chỉnh tề rồi mở cửa lớn ra đón Duy Từ vào nói chuyện. Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền sau đó chúa họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính.
Từ đấy Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.
Tháng 3 năm Canh Ngọ (1630), Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến pha Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh xứ Đàng Trong. Năm Tân Mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, chúa Nguyễn lại cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải. Nhờ có hai cái lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được các cuộc tiến công của quân Trịnh trong một thời kỳ dài.
Ngoài giúp chúa Nguyễn đối phó chúa Trịnh, Đào Duy Từ còn nhiều lần khuyên khéo được chúa Nguyễn việc chính sự, ngoài ra còn tiến cử con rể của mình là Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Tiến về sau cũng trở thành một công thần của chúa Nguyễn như cha vợ mình.
Tháng 9 năm Canh Ngọ (1630), theo đề nghị của Đào Duy Từ, Nguyễn Phúc Nguyên cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố chánh, và chiếm được châu này.
DÃ TƯỢNG
- Chức nghiệp: Võ tướng của Trần Hưng Đạo
- Công trạng: Ông là Danh tướng và là gia thần thân tín của Trần Hưng Đạo, là người có tài và chỉ huy đội voi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
TRẦN CAO VÂN
- Tên húy, tên gọi khác: Tên thật là Trần Cao Đệ, pháp danh Như Y, biệt hiệu là Hồng Việt, Chánh Minh, Bạch Sĩ, sau đổi tên thành Trần Cao Vân
- Quê quán: làng Tư Phú, Tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
- Niên đại: 1866 - 1916
- Chức nghiệp: Một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Kỳ do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng
- Công trạng: Năm 1882 trong lúc đi thi ông bị bệnh nặng, không dự thi được. Những năm tiếp đó do cảnh quốc phá gia vong, ông bỏ luôn cử nghiệp, dấn thân vào công cuộc cứu nước. Năm 1892, ông từ giã Quảng Nam vào hoạt động ở Bình Định, Phú Yên. Tại đây ông cùng các chiến hữu lập được nhiều cơ sở chống Pháp. Năm 1898, tham gia cuộc khởi nghĩa Võ Trứ. Khởi nghĩa bị thất bại, ông bị thực dân bắt giam ở ngục Phú Yên, sau đó đưa về giam ở Quảng Nam. Năm 1907, mới được trả tự do. Năm 1908, nhân phong trào chống thuế Quảng Nam, ông lại bị thực dân Pháp bắt lần nữa, bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1914.
Năm 1915, ông tham gia Hội Việt Nam Quang Phục. Theo chương trình của Hội, ông và Thái Phiên chịu trách nhiệm liên lạc với vua Duy Tân tổ chức khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt, thực dân kết án tử hình và xử chém cùng với nhiều đồng chí khác tại An Hòa (Huế). Ngôi mộ chung hai chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân và Thái Phiên sau nhiều lần cải táng, hiện tọa lạc trên đồi Từ Hiếu (Thành phố Huế), đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích quốc gia.
PHAN BÁ VÀNH
- Quê quán: Làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên (nay thuộc Vũ Thư, Thái Bình)
- Niên đại: ? - 1827
- Chức nghiệp: Thủ lĩnh phong trào nông dân ở Nam Sơn Hạ, thời Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn
- Công trạng: Ông là thủ lĩnh phong trào nông dân ở Nam Sơn Hạ, thời Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn. Vào đầu TK XIX, đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực, ông cùng một số danh tướng nhà Hậu Lê giúp sức, cùng với nông dân đứng dậy khởi nghĩa, đánh đồn. Phong trào bị dập tắt và ông bị quân lính triều đình giết năm 1827.
LƯƠNG THẾ VINH
- Tên húy, tên gọi khác: Còn gọi là Trạng Lường, tên thật là Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên
- Quê quán: Cao Hương, Thiên Bảng, trấn Nam Sơn (nay thuộc Vụ Bản, Nam Định)
- Niên đại: 1441 - 1496
- Chức nghiệp: Nhà Toán học, Phật học, nhà Thơ thời Lê Sơ
- Công trạng: Năm 1463, ông thi đỗ Trạng Nguyên khi mới 23 tuổi, đời Lê Thánh Tông, ông từng giữ các chức: Trực học sĩ, Thị thư, Chưởng viện sự. Ông là Nhà Toán học, Phật học, làm quan tại viện hàn lâm, là một trong 28 nhà thơ của Hội Tao đàn do Lê Thánh Tông lập năm 1495.
BÙI THỊ XUÂN
- Quê quán: Tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc Phú Xuân, Bình Phú, Tây Sơn, Binh Định)
- Niên đại: 1771 - 1802
- Chức nghiệp: Đô đốc; Nữ kiệt thời Tây Sơn
- Công trạng: Bà là một trong Tây Sơn Ngũ phụng thư là vợ của Thái phó Trần Quang Diệu và là một đô đốc thời Tây Sơn. Bà là một trong những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn.
NGUYỄN XÍ
- Quê quán: Thượng Xá, huyện Chân Phúc (Nghi Lộc - Nghệ Tĩnh)
- Niên đại: 1397 - 1465
- Chức nghiệp: Thái Úy, Cương Quốc công Nhà Lê.
- Công trạng: Lên 9 tuổi, cha chết, được anh đưa ra Lam Sơn làm việc cho Lê Lợi, 21 tuổi tham gia nghĩa quân sớm trở thành một chỉ huy quân sự có tài, lập nhiều chiến công ở Tốt Động - Chúc Động, Chi Lăng - Xương Giang. Nhà Lê thành lập, làm quan đến chức Thái Úy, chỉ đạo việc dẹp loạn Nghi Dân, đưa Tư Thành lên ngôi (Lê Thánh Tông), được phong Cương Quốc công.
- Niên đại: 1397 - 1465
- Chức nghiệp: Thái Úy, Cương Quốc công Nhà Lê.
- Công trạng: Lên 9 tuổi, cha chết, được anh đưa ra Lam Sơn làm việc cho Lê Lợi, 21 tuổi tham gia nghĩa quân sớm trở thành một chỉ huy quân sự có tài, lập nhiều chiến công ở Tốt Động - Chúc Động, Chi Lăng - Xương Giang. Nhà Lê thành lập, làm quan đến chức Thái Úy, chỉ đạo việc dẹp loạn Nghi Dân, đưa Tư Thành lên ngôi (Lê Thánh Tông), được phong Cương Quốc công.
Theo https://daknong.gov.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét