Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt
Mặc áo dài cũng là hành động tôn vinh, gìn giữ trang phục áo
dài, khằng định bản sắc văn hóa. Tất cả xuất phát từ lòng tự hào tà áo dài Việt.
Chuỗi sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức nhằm góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đáng chú ý, từ 2/3 đến 8/3, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài. Hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”, hội viên, phụ nữ, cán bộ công chức viên chức, nữ thanh niên, sinh viên cả nước cùng nhau mặc áo dài đến công sở nhằm lan tỏa, tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam.
Mặc áo dài đến công sở nhằm lan tỏa,
tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam
Áo dài và phụ nữ Việt
Từ thành thị cho tới nông thôn, miền núi, các công sở đâu đâu
cũng tràn ngập hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, thiết tha trong tà áo dài. Với
phụ nữ Việt, dù ở lứa tuổi nào thì áo dài đã trở thành trang phục không thể thiếu,
Và áo dài cũng là trang phục chuẩn mực để họ mặc trong dịp đặc biệt, ngày lễ
quan trọng. Trang phục áo dài song hành với phụ nữ Việt trên mọi miền đất nước
và có mặt ở nhiều quốc gia. Mọi cuộc thi sắc đẹp trên thế giới dù ở quy mô nào
thì áo dài luôn được các người đẹp lựa chọn và trình diễn với sự tự hào dân tộc
để khẳng định với bạn bè quốc tế: “Tôi là người Việt Nam”.
Tuần lễ áo dài được phát động nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ
của chị em phụ nữ khắp cả nước. Chị Phạm Hiền, giáo viên trường THCS Đức Thành,
huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho rằng, chị và các đồng nghiệp trong trường đều
rất thích mặc áo dài. Bình thường giáo viên nữ trong trường chỉ mặc áo dài
trong các ngày lễ như 8/3, 20/10… nhưng chị Hiền mong muốn được mặc áo dài đi dạy
học hàng ngày.
Chị Phạm Hiền cùng các đồng nghiệp
thích hàng ngày đi dạy được
mặc áo dài
“Tôi rất thích mặc áo dài. Hiện nay ở trường, tôi đang động
viên các cô mặc áo dài đi dạy. Tôi thấy mặc áo dài nhìn người thon thả và tôn
dáng nhất là vòng hai của cơ thể. Nhiều người sẽ nghĩ mặc áo dài vướng víu nhưng
nếu mình thiết kế rộng rãi một chút, tà ngắn hơn chút để mặc đi làm sẽ thấy rất
thích. Cảm giác đứng trên bục giảng, mặc áo dài thấy thực sự đẹp. Không chỉ
mong các cô giáo mặc áo dài, tôi còn mong muốn học sinh nữ cũng mặc áo dài đến
trường”, chị Phạm Hiền cho hay.
Chị Trịnh Thị Hoàn công tác trong ngành giáo dục ở Quảng Ninh
cũng bày tỏ sự yêu thích khi được mặc áo dài đến trường. Với chị khi khoác lên
mình tà áo dài sẽ thấy phụ nữ Việt rất đẹp bởi áo dài được ví như là chiếc áo
thần kỳ. Ai cũng mặc được áo dài, không những thế mà áo dài còn tôn lên vẻ đẹp
của người phụ nữ. Ngày ngày đi dạy mặc váy hay đồ âu nhưng khi mặc áo dài bạn
như trở thành một người khác, nữ tính, dịu dàng và hấp dẫn.
Chị Trịnh Thị Hoàn cùng các đồng nghiệp khoe sắc
tím của tà
áo dài trong dịp "Tuần lễ áo dài"
Công tác trong lực lượng vũ
trang, trang phục bắt buộc phải mặc hàng ngày của chị Nguyễn Hằng đó là quân phục
của ngành. Nhưng chị Nguyễn Hằng lại vô cùng yêu tà áo dài. Chị thường xuyên chọn
mặc áo dài để chụp hình. Với chị mặc áo dài là một sở thích: “Tôi rất yêu
tà áo dài của Việt Nam. Áo dài giúp người phụ nữ sẽ trở lên dịu dàng, e ấp,
trang trọng và tinh tế. Áo dài không phân biệt tầng lớp, giàu nghèo, là phụ nữ
ai cũng có quyền được mặc, dù bộ áo dài vài trăm đến vài chục triệu. Áo dài còn
tôn vẻ đẹp hình thể, đường cong nữa, tôn dáng, cao thấp đều mặc được hết, khắc
phục được nhược điểm cơ thể, khiến một người làm trong môi trường công việc đặc
thù như tôi là điều tra tội phạm, ai nhìn vào cũng thấy lạnh và cứng, nhưng khi
cởi bỏ bộ quân phục, thì mình cũng như những người phụ nữ khác, áo dài làm mình
dịu dàng mềm mại hơn. Ngoài ra tôi còn thích mặc áo dài chụp ảnh là để lưu giữ
khoảnh khắc, theo năm tháng, hình ảnh, và quan trọng là phát huy giữ gìn quốc
phục của người phụ nữ Việt Nam”, chị Nguyễn Hằng chia sẻ.
Với chị Nguyễn Hằng, áo dài giúp người phụ nữ
sẽ trở lên dịu
dàng, e ấp, trang trọng và tinh tế
Còn chị Nguyễn Quỳnh hiện đang sinh sống
ở nước ngoài chia sẻ: “Rất tuyệt vời khi mặc chiếc áo dài mỗi người chúng
ta lại thấy quê hương mình trong đó với muối mặn tình người và lời ru của Mẹ
qua mỗi bước nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Khi ở trong nước cũng như khi ra nước
ngoài mặc lên người chiếc áo dài ta thấy yêu quê hương mình vô cùng. Tà áo dài
mang lại lòng tự tôn dân tộc mà không quốc gia nào có được”.
Tuần lễ mặc áo dài đã và đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt
tình của phụ nữ trên toàn quốc. Bởi phía sau đó không chỉ là câu chuyện về
trang phục mà còn là vấn đề khẳng định chủ quyền văn hóa cho áo dài Việt Nam.
Tự hào tà áo dài Việt
Với người phụ nữ Việt, trang phục không thể thiếu trong tủ quần
áo đó là áo dài. Và thói quen mặc áo dài trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện
quan trọng như đám hỏi, đám cưới… được truyền qua bao thế hệ phụ nữ Việt. Phụ nữ
mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà đó còn là trách nhiệm công dân về ý thức
dân tộc, là trách nhiệm khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa.
Cũng vì lẽ đó mà hàng năm các tỉnh thành tổ chức nhiều hoạt động
để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài, tầm quan trọng của áo dài trong đời sống người
phụ nữ Việt. Ở trong nước, từ năm 2019, vào ngày 8/3 và 20/10/2019, phụ nữ
trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến tham
quan di tích Huế đã được miễn phí vé 100%. Và TP.HCM đã 6 lần tổ chức “Lễ hội
Áo dài” thu hút hàng triệu lượt người tham gia…
Trong năm 2020, Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam sẽ kết hợp với Hội
LHPN để tổ chức những chương trình lớn, phát động phong trào, tạo nên những kỷ
lục mới, có thể là kỷ lục Guinness, ví dụ như phụ nữ cả nước mặc áo dài trong một
ngày.
Phụ nữ mặc áo dài không phải chỉ là đẹp,
mà đó còn là
trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc
Cộng đồng mạng cũng không đứng
ngoài cuộc việc tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài. Từ giữa tháng 2/2020, một nhóm
trên Facebook tạo tài khoản với tên gọi “Tự hào áo dài Việt Nam”. Tính đến nay
nhóm có 6.600 thành viên với lượng bài viết trung bình trên 100 bài viết mỗi
ngày. Hàng ngàn bức ảnh áo dài quý giá của các anh chị em nhiếp ảnh, nhà thiết
kế, người mẫu, thợ may, cô giáo, doanh nhân, thương nhân và người yêu Áo dài
thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đã được đăng lên nhóm với một tình yêu và niềm
tự hào về tà áo dài của quê hương Việt Nam yêu dấu.
Mặc áo dài cũng là hành động tôn vinh,
gìn giữ trang phục áo
dài, khằng định bản sắc văn hóa
Và tới đây, các hoạt động trình diễn áo
dài, diễu hành và đồng diễn áo dài dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng
10 và cao điểm là tại 6 tỉnh/ thành phố (Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Cần
Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam). Trong tháng 4 sẽ diễn ra Hội thảo “Áo dài Việt
Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối
hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, nhằm làm rõ hơn các
giá trị liên quan đến áo dài, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của
áo dài Việt Nam, góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia.
Tà áo dài mang lại lòng tự tôn dân tộc
mà không quốc gia nào
có được
Với các hoạt động đa dạng như vậy, hình ảnh của áo dài Việt không
chỉ đẹp hơn trong mắt người dân mà còn góp phần hình thành thói quen mặc áo dài
vào các dịp lễ, Tết. Mặc áo dài cũng là hành động tôn vinh, gìn giữ trang phục
áo dài, khằng định bản sắc văn hóa. Tất cả đều xuất phát từ lòng tự hào tà áo
dài Việt.
7.3.2020
Nguồn: vov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét