Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Bài học sáng tạo trong văn nghiệp Trang Thế Hy

Bài học sáng tạo 
trong văn nghiệp Trang Thế Hy

Ngày 9 tháng 10 năm 2004 tới, giới nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đại diện cho giới nhà văn cả nước sẽ có dịp chúc mừng nhà văn Trang Thế Hy lên lão 80. Gần một thế kỷ sống và viết, đầy hứng khởi mà không lấy một giây phút dễ dàng! Bạn đọc giờ đây có thể bình tâm soi vào từng trang sách được chưng cất lên từ bao suy ngẫm về cõi đời và kiếp người của ông, để thêm một lần được thanh lọc tâm hồn như câu nói của Arixtốt được ông luôn xem là chức phận thiêng liêng của nghề cầm bút. Riêng với chúng tôi, những đồng nghiệp thế hệ sau của ông, lại có dịp nhận ra nhiều bài học sáng tạo thiết thực và hữu ích, càng ngẫm càng thấm.
Tôi nghe biết cái tên Trang Thế Hy đã từ lâu, cùng với những tên tuổi sáng danh khác như Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam, Viễn Phương… Đâu như ngay từ hồi Sài Gòn bị tạm chiếm 1956 - 1963. Ông là một trong số không nhiều các nhà văn miền Nam được tôn vinh bằng Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965). Tôi còn được nghe nói về sự bình tĩnh, lòng can đảm của ông, những phẩm chất quý giá mà văn chương đã đem lại cho bản thân người viết văn như sau này có lần ông đã thừa nhận. Mỗi người mỗi cá tính, đôi khi khá là ngang ngạnh, nhà văn mà! Ở đây, ông đã vượt lên trên cá tính riêng, vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo riêng, để có thể sống trung thực là mình, góp tiếng nói khẳng định nhân cách cứng cỏi của một người nghệ sĩ chân chính. Có lẽ do vậy mà so với nhiều nhà văn Nam Bộ, ông tách riêng ra một cõi, vừa nghiêm cẩn vừa sâu lắng, vừa Nam Bộ vừa Việt Nam, thậm chí có những nét gặp gỡ nhân loại bao la ở tầng thẳm sâu nhất. Vậy đâu là những bài học nghề nghiệp đáng nói nhất từ ông?
1. Như nhiều người đã biết, Trang Thế Hy viết không nhiều. Ngót nửa thế kỷ cầm bút, ông để lại cho đời đâu có dăm tập truyện chính: Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Người yêu và mùa thu, Vết thương thứ mười ba, Tiếng khóc và tiếng hát… Trung bình chừng mươi năm một tập. Với một nhà văn trải đời và trải nghề nhiều như ông, viết như thế phải nói là ít, ít lắm. Nhưng, bạn đọc sẽ có một may mắn khác: được dừng lâu, thật lâu trên những con chữ có hồn của ông, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ và rung động cùng ông. Ta như có dịp để kiểm nghiệm sức nặng của từng con chữ - sức nặng ấy có được là nhờ sự chiêm nghiệm về cuộc đời, mà trên hết là nhờ nỗi đau đời trong ý thức trả những món nợ nước mắt của nhân gian. Trả mãi, trả hoài cũng không hết. Xem ra không bao giờ hết nổi! Nghĩ về ông, tâm trí tôi luôn vang lên câu nói cháy bỏng của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Ông trời sinh ra tôi để kêu thét lên nỗi thống khổ của con người”.
Bạn bè cầm bút chúng tôi thường nhắc nhở nhau cái điều ai cũng thấy mà ít người làm nổi được như ông: cái nghiệp văn chương ấy, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Tôi nhớ tới tâm sự của Dư Hoa, một nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc. Ông sang Mỹ dạy học đâu chừng hơn nửa năm. Khi về nước, nhiều người hỏi ông về cảm xúc lớn nhất của chuyến đi. Ông trả lời, đó là sự “hổ thẹn”. Rồi ông giải thích, trước khi đi, hổ thẹn vì chưa viết được hai triệu chữ để bị coi là “nhà văn sản lượng thấp”. Thế nhưng, sang Mỹ, đến nhà sách Rangden, ông mới phát hiện ra các nhà văn tên tuổi được ông sùng bái viết ít hơn cả ông. Dư Hoa bộc bạch: “Lúc đó tôi càng thấy hổ thẹn hơn, hóa ra các nhà văn Âu - Mỹ này họ sử dụng tinh lực viết 5 cuốn sách dồn để viết lấy một cuốn; mà các nhà văn của chúng ra lại lấy sức lực viết một cuốn sách để viết ra cho được 5 cuốn… Vậy thì làm sao có thể như nhau được?” (Văn nghệ, số 30/2004). Xa hơn một chút, tôi nhớ tới câu chuyện cười ra nước mắt mà nhà văn V. Raxputin có lần kể lại. Một ông Hội trưởng của Chi hội Nhà văn địa phương nọ báo cáo như thế này: “Kể từ ngày đầu của chính quyền Xô Viết đến nay, chúng tôi đã thu được nhiều kết quả rõ ràng. Ai có thể phủ nhận được điều đó? Chúng tôi hiện có 50 nhà văn. Trước chúng tôi chỉ có 3 thôi: Bunhin, Lexkôv và Tuốcghênhiev. Thế mà…” (LangBian, số 1, tr.97). Nhà văn Trang Thế Hy chưa bao giờ nói thành lời chữ tinh trong nghề viết. Cuộc đời sáng tạo bền bỉ của ông lại mang sức biểu hiện sự thật trên hơn bất kỳ lời nói nào khác. Chính bởi vậy mà bài học rút ra từ ông trở nên đặc biệt thấm thía.
2. Một bài học khác nằm trong sự thể hiện con người và cuộc sống của văn chương. Đọc các cây bút trẻ, kể cả những cây bút đang có ý thức tạo nghiệp bằng văn chương, tôi thấy nhiều truyện  còn rơi vào tình trạng sơ sài về tình tiết, sơ lược trong xây dựng nhân vật, và sơ giản trong thể hiện những diễn biến phức tạp của đời sống. Vậy nên, chưa đọc xong truyện, ta đã đoán ra những gì tiếp theo sẽ xảy ra; nhân vật có tên, có tuổi mà không thơm da đỏ thịt; cuộc sống được thể hiện theo chiều hướng đã định sẵn, không có đường đột, bất ngờ như thường thấy. Sâu xa là bởi trong truyện, sự kiện lấn át nhân vật, lý trí lấn át cảm xúc, bề ngoài lấn át bên trong, ý thức lấn át tiềm thức, vô thức…
Phải nói Trang Thế Hy, cũng như các nhà văn bậc thầy khác, đã bỏ xa cái mà chúng ta quen gọi là chủ nghĩa sơ lược này. Viết truyện khó nhất có lẽ là khâu xây dựng nhân vật. Làm sao nhân vật vừa hoạt lại vừa thấm cái nhìn sâu xa của người viết. Đọc nhiều truyện của ta, nhân vật có thịt mà không có xương. Ngược lại, có truyện, nhân vật có xương lại không có thịt. Hướng tới sự hài hòa trong thể hiện bản chất và hiện tượng, giàu có và diễn biến như đời sống, tự nhiên như đời sống vẫn còn là một đòi hỏi gay gắt, thường xuyên đối với nhiều người cầm bút. Đọc Trang Thế Hy khác hẳn. Chẳng hạn, truyện Nợ nước mắt được ông viết năm 1977, ngay sau những năm tháng miền Nam vừa được hoàn toàn giải phóng. Nỗi đau, những giọt nước mắt và những tấn bi kịch, nói như văn hào L.Tônxtôi, mỗi người mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Thế mới là cuộc đời thật. Và văn chương thể hiện được sự phức tạp đó mới là thứ văn chương thứ thiệt. Nhân vật chính của truyện là chị Ba Hường. Chồng chị, một chiến sĩ quân giải phóng, hy sinh sau Đồng khởi 1960 không bao lâu. Trận ấy, “ta thắng không gọn, tình thế lại hơi ngặt, đơn vị phải rút đi ngay, việc mai táng những người hy sinh giao lại cho địa phương”. Nước thì ngập mênh mông, trận địa lại rối, nên mấy ngày sau mới tìm được xác các chiến sĩ, không còn nhận ra được nhân dạng nữa. Chị Ba Hường ôm xác của một chiến sỹ tưởng nhầm là chồng mình và khóc. Sau người ta chở về một cái xác khác, bảo đây mới đúng là anh Ba chồng chị. Nhiều người hỏi có thấy khang khác gì không, lúc ôm xác người khác khóc, tưởng là chồng mình ấy? Chị thật lòng bảo: “Tôi nhớ kỹ là tôi không có ngỡ ngàng chút nào hết… Nước mắt khóc những người chết vì Tổ quốc đâu phải là nước mắt dư mà mình mắc cỡ?”.
Chị Ba Hường còn âm thầm khóc vì những kẻ  bội bạc, nhạt tình nhạt nghĩa với đồng đội, những người từng cưu mang, vào sinh ra tử cùng mình trong chiến tranh. Giờ họ lại dễ dàng quên đi ân tình ân nghĩa thiêng liêng của một thời không thể nào quên. Nhân vật không tên này khi trước thổ lộ rất thật: “Cô Ba à, tôi nói như vậy có khi mang tội với má tôi, nhưng thật tình, trên đời này, ngoài má tôi ra, chắc không có ai chịu cực với tôi được như cô đâu”. Giờ hòa bình, lên xe, xuống xe bệ vệ, quan cách họ như hoàn toàn lột xác thành một con người khác… “Tôi nói thêm là - Chị Ba kể tiếp - bà con ấp Vàm Kinh nhắc nhở ổng hoài, hòa bình rồi không thấy ổng về thăm, cũng không nghe ai nói có gặp ổng, băn khoăn không biết ổng sống chết. Cơ khổ, ổng cũng hỏi lại tôi lần thứ hai bằng hai tiếng “vậy hả?” lạnh lùng“. Rõ ràng, dưới ngòi bút của Trang Thế Hy, thật nhiều cách rơi nước mắt. Ấy là chưa nói tới “nước mắt của người đã chết khóc cái chết của người còn đang sống” như trường hợp Năm Cuông. Sự đời như vậy có phức tạp không? Tôi nhớ tới câu trả lời hóm hỉnh của người kể chuyện: “Thịt bò người ta ăn tới 7 món còn ngon miệng. Nước mắt, chị mới dọn cho tôi vài món chưa ớn đâu”.
Nhìn cuộc sống, có nhà văn thích dùng kính viễn vọng để nhìn được xa. Xem ra, Trang Thế Hy lại ưa dùng kính hiển vi để thấy được gần. Vì thế mà nhìn được thật, những cái người khác dễ bỏ qua do thói quen hoặc do vô tình. Cũng vì thế mà ông góp phần đặt tên cho biết bao những tâm trạng uẩn súc, những nỗi lòng thầm kín được sinh ra từng ngày từng giờ chưa kịp có tên. Nhiều cây bút trẻ còn chưa có ý thức đi sâu vào nội tâm của nhân vật như ông. Đó là thế giới vô hình, khó nắm bắt, nhưng lại là một thế giới đầy bí ẩn cần khai phá, vì vậy mà khi khám phá được thì trang văn sẽ giàu sức cuốn hút. Làm được điều này, nhất là thể hiện đời sống nội tâm con người vừa đa dạng, đa chiều, lại vừa vận động và phát triển một cách biện chứng là một thách thức không nhỏ. Người cầm bút phải biết hóa thân, phân thân vào nhân vật. Lại phải biết điều khiển, dẫn dắt chúng đến nơi mình muốn, đồng thời cũng là cái nơi chúng cần phải đến. Trang Thế Hy như dạy ta phải thấu hiểu đến tận gốc gác, ngọn nguồn bề sâu của bao tấn bi kịch mà con người trong đời từng trải qua. Ông lại biết cách nói bằng nghệ thuật, rất trầm tĩnh, rất ưu tư, lật qua lật lại, cho thấu lẽ thế thái nhân tình. Để rồi ông phát hiện ra những cách trả nợ nước mắt rất khác nhau, như trường hợp nhân vật Liên trong truyện.
3. Một bài học quý giá khác có thể rút ra từ sáng tạo của Trang Thế Hy liên quan tới sự khám phá trong văn chương, điều mà bất cứ người cầm bút nghiêm túc nào cũng đều trăn trở. Không ít người nghĩ giản đơn về công việc viết văn. Họ cho rằng, chỉ cần trải nghiệm nhiều, biết nhiều chuyện, hiểu nhiều người, cặm cụi kể lại, dựng lại một cách tỉ mỉ, cụ thể là thành truyện, thành tiểu thuyết. Thật ra, vốn sống chỉ là chất liệu trong tay người viết văn, kể và tả chỉ là những kỹ năng cần có của người viết truyện. Thậm chí, ngay cả khi người viết có tài kể chuyện một cách duyên dáng và hấp dẫn, có tài dựng người, dựng cảnh, dựng vật một cách sống động và cuốn hút thì vẫn còn xa mới được xem là một nhà văn đích thực. Khám phá trong lĩnh vực văn chương trước hết là sự khám phá về mặt tư tưởng được bộc lộ qua cách nhìn, cách nghĩ của nhà văn. Đó là một trong những nguyên lý cốt tử của thứ văn đích thực, thứ văn của muôn đời. Đã gọi là khám phá thì phải có cái mới, mới về tư tưởng. Những nhà văn lớn đồng thời được xem là những nhà tư tưởng lớn, có khả năng soi sáng, dẫn dắt về tư tưởng là vì thế.
Tôi muốn nhắc tới Diên, nhân vật chính trong một truyện ngắn độc đáo khác của Trang Thế Hy có tên Về nhà trước cơn mưa. Nhà văn đưa ta tới một hoàn cảnh thương tâm của một đứa trẻ chừng hai, ba tuổi, có tật mút tay, bị mẹ bất đắc dĩ bỏ rơi. Chồng chị làm lơ xe đò đường dài, bị chết vì một tai nạn khủng khiếp trên một đoạn đường đèo. Chị đi cùng chuyến đó. Chỉ còn một vài người sống sót trong đó có chị lúc ấy đang mang thai. Chị ra viện với một chiếc chân què, phải đi cà nhắc suốt đời và lại còn bị mất một con mắt nữa. Thật là nghiệt ngã! Nuôi mình không nổi, nuôi con sao đây? Tình cảnh đó đập vào mắt Diên. Vốn học chữ Nho ngay từ nhỏ, mà học chữ Nho xưa tức là học đạo lý, anh thấm nhuần câu “kiến nghĩa bất vi vô dõng gia” ngay từ hồi còn nhỏ: “Trong đời tôi - anh kể - cả hai cái việc nghĩa lớn trong lịch sử đất nước của thế hệ mình: đánh Pháp và đánh Mỹ tôi đều có làm và làm tốt… Trong quá trình làm việc nghĩa lớn đó, gặp những việc nghĩa nhỏ hơn nhưng muốn làm cũng phải đem mạng sống ra đánh đổi, tôi không hề tính toán so đo… Ấy vậy mà trong giai đoạn cuối đời này, hồi năm kia, lúc sức khỏe còn bình thường, trí tuệ còn minh mẫn, đầu óc còn tỉnh táo, tôi đã hèn nhát bỏ chạy trong một việc nghĩa rất nhỏ, có thể nó là hết sức nhỏ…”. Anh muốn nói tới việc mình buộc phải làm ngơ, và thoái thác việc cưu mang đứa trẻ. Sự dằn vặt trong anh bắt đầu từ chỗ đó.
Nhiều lúc Diên muốn quên đi, cố nghĩ khác đi mà không được. Với anh, dẫu biện minh thế nào thì trước sau gì sự thật cũng lộ nguyên hình là sự thật: đây đích thực là sự bỏ chạy. Giấu người được, giấu mình sao nổi. Do vậy mà anh triền miên trong đau khổ, trong dằn vặt. Anh đã tìm đến truyện Về sự suy đồi trong nghệ thuật nói láo của nhà văn Mỹ Mark Twain như tìm đến một sự cứu rỗi cho tâm hồn, để dần dần có thể chạy trốn khỏi mình và hy vọng thoát tội một cách nhẹ nhàng. Vẫn bế tắc, vô vọng, không thể giải tỏa nổi. Cái sự thật rành rành kia cứ tiếp tục đeo đuổi, hành hạ anh. Theo tiêu chuẩn nghệ thuật nói láo của nhà văn Mark Twain thì sự nói láo trong trường hợp của anh là cao quý hay suy đồi? Câu hỏi ấy theo anh cho tới những ngày chờ chết vì căn bệnh ung thư hiểm ác đã di căn. Anh vẫn gắng biện giải: “Bằng ý thức hay bản năng, thì cũng vậy… Chẳng qua cũng vì miếng ăn mà thôi!”. Nhưng rồi vẫn không hết buồn vì anh “thấy cái thế giới anh sắp rời bỏ… không đẹp đẽ hơn chút nào so với lúc anh chào nó bằng tiếng khóc đầu tiên sau khi rời bụng mẹ”.
Trong cõi mông lung, khi cái chết đến gần mà chưa kịp được giải thoát, Diên  tìm đến ảo mộng. Tiếc là anh thấy mình không được may mắn như đứa trẻ Tây Ban Nha đã chết vì trò chơi giả đấu bò mà nhà văn Hêminhuê đã mô tả. Anh tâm sự:… “Cậu bé chết đem theo tất cả các ảo tưởng còn nguyên vẹn, chưa kịp đánh mất một ảo tưởng nào”. Tuy nhiên, đó có thật là ảo tưởng? Hay là hy vọng? “Thực ra - anh Diên nghĩ - mình chỉ xác định được một ảo tưởng nó đích thực là ảo tưởng khi nó đổ vỡ, chứ trước đó nó có tên là hy vọng”. Nhưng dẫu sao chăng nữa ước mơ hướng thẳng tới những điều chân thiện của nhân vật Diên ở cuối truyện cũng đáng để chúng ta suy nghĩ: “Hy vọng rằng những con người tự huyễn hoặc mình là “dõng giả” nhưng khi “kiến nghĩa” chỉ động lòng thôi rồi tìm đường bỏ chạy kiểu như tôi là số ít chứ không phải số đông trong mấy tỷ con người đang nhung nhúc bon chen trong ngôi nhà tập thể khổng lồ đã quá tải thuốc nổ, quá tải uế khí diệt môi sinh và độc tố tiêu đạo lý có tên là quả địa cầu này”. Ước vọng bùng cháy trong lòng người sắp giã từ cuộc đời có dịp sẽ bùng cháy trong lòng mỗi người chúng ta. Đọc truyện ngắn này, ai cũng như cảm thấy được soi sáng bởi tư tưởng nhân văn cao cả phát ra từ người viết.
Cố nhiên, đây là tư tưởng trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Tư tưởng nghệ thuật mà nói riêng là tư tưởng văn chương không tồn tại dưới dạng thuần lý, trần trụi mà thấm vào hình tượng, tới từng chi tiết, kể cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Sức cảm hóa đặc biệt của tư tưởng văn chương, nghệ thuật là ở chỗ đó. Nó thuyết phục con người một cách tự nhiên mà thật sâu lắng. Đặc biệt chan chứa cảm xúc. Nhà văn Mỹ gốc Nga V. Nabokov nói rất đúng rằng: “Phẩm chất cao nhất của nhà văn và nói chung của mọi nghệ sĩ - đó là khả năng khơi dậy rung động trong tâm hồn người khác” (Văn nghệ, số 34/2004). Đáng nói nhất là trong truyện ngắn trên của Trang Thế Hy, nhà văn không chỉ thể hiện tư tưởng mà còn chỉ ra con đường dẫn nhân vật đến tư tưởng. Theo chỗ tôi biết thì có rất ít nhà văn chúng ta chú trọng tới điều này.
4. Cuối cùng, tôi muốn nêu lên một bài học nghề nghiệp khác trong quan niệm sáng tạo của Trang Thế Hy mà cho đến tận giờ chưa hẳn đã hoàn toàn thống nhất trong nhận thức của những người cầm bút đi ra từ hai cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt mà vinh quang chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vừa qua. Xin được trở lại với truyện Nợ nước mắt mà theo tôi, trên một phương diện và ở một mức độ nào đó, có thể xem là Tuyên ngôn nghệ thuật của Trang Thế Hy. Với tư cách là một người cầm bút, mặc cảm vì mắc nợ nhiều trong chiến tranh, nhân vật nhà văn cảm thấy người đời nhìn mình có gì đó thật là tội nghiệp: “Tôi có tâm trạng của một đứa nhỏ ôm đồm tưởng mình khỏe, biểu người ta cứ chất hành lý lên vai nó cho đến lúc nó thấy sức mình không chịu nổi nữa”. Tâm trạng ấy là có thật và rất thực. Trang Thế Hy viết như trải lòng mình trên trang giấy: “Chất liệu mới của cuộc sống mới có sức lôi cuốn của nó. Điều đó rất chính đáng đối với mọi người cầm bút. Đối với tôi, đó lại là lời tự bào chữa cho sự bội bạc đối với những cái gì mình đã lượm lặt, tích lũy, ôm ấp, nâng niu, nung nấu để… quên đi… Chưa bao giờ tôi thấy lời tự bào chữa dễ dãi đó nó yếu ớt đến vô nghĩa như sáng nay… khi làm một cuộc hành hương đơn độc trở về một thời quá khứ…”. Tình cảnh ở đây nghĩ kỹ còn có một cái gì rất thánh thiện nữa. Nhân vật nhà văn trong truyện thừa nhận: “Xấp bản thảo viết dở dang về đời anh vẫn còn kia, gần hai năm rồi chưa được đọc lại. Bây giờ nó không chỉ là bản thảo mà còn là chứng tích của một món nợ ân tình vay của nhiều người, bằng nhiều thứ của cải trong đó có nước mắt của người đã chết…”.
Nghĩ được vậy thật đáng quý. Bắt tay vào làm, khó hơn nhiều. Trở ngại nhất là người viết chạm mặt ngay với một vấn đề cốt tử: giải quyết sao đây mâu thuẫn giữa tính chân thực của nghệ thuật và tính hiện thực của đời sống. Cuộc sống nhiều sắc màu, nhiều lớp lang, không hề đơn giản. Con người nhiều mặt bản chất, nhiều mảng khuất chìm, mờ tỏ. Biểu hiện sao đây, con người và cuộc sống như thế? Là một người viết luôn đòi hỏi cao với mình, Trang Thế Hy tất e ngại mọi sự tròn trịa, trơn chu. Thế nhưng cuộc chiến đấu gian khổ mà oanh liệt cả dân tộc ta vừa trải qua lại rất dung dị và chân chất. Cuối cùng, Trang Thế Hy cho nhân vật mình chọn lựa, và sự chọn lựa ở đây phải thừa nhận là đúng đắn: “Tôi kính phục cái dũng khí chịu đựng bất hạnh của chị trong khó khăn đen tối. Trong việc thằng Mỹ cuốn gói để tôi với chị còn gặp được nhau đây, cái dũng khí đó góp phần cụ thể hơn là cái thông minh tinh tế đi phân tích những ngóc ngách của lòng người”.
Ngay việc thể hiện mặt trái của hiện thực cũng vậy. Ban đầu, nhà văn định không đưa cái nhân vật bạc tình bạc nghĩa không tên kia vào tác phẩm. Cuối cùng thì ông đã quyết định khác và ông hoàn toàn có lý: “Nhưng khi đọc lại bản nháp đầu tiên, tôi lại thấy gạt bỏ anh trên trang giấy vẫn không ngăn được anh sẽ tiếp tục “vậy hả” mỗi khi nghe gợi lại sự nâng niu đùm bọc của những người quen thân cũ hiện vẫn còn nhắc nhở, nhớ thương anh… Và như vậy, chính vì sợ chất đắng trên trang giấy, mà người cầm bút lại rót thêm chất đắng vào cuộc sống có nghĩa là làm ngược lại cái điều mình mơ ước”. Thật khó xử! Không phải một lần. Cũng không phải trong một tình huống. Nên dứt khoát sao đây? Tôi nhớ tới câu nói của chị Ba Hường trả lời nhà văn, mỗi khi có chuyện gì vướng mắc, khó giải quyết trong đầu: “Anh làm sao coi cho được thì làm”. Trong cái vẻ thân ái, ngọt ngào, có cái gì đó rất dễ tính, dễ cho qua mà cũng rất nghiêm khắc.
Vâng, thưa các nhà văn, trong trường hợp này, và trong nhiều trường hợp khác nữa, hãy viết làm sao coi cho được thì viết! Đó là đòi hỏi của bạn đọc luôn trông chờ vào các nhà văn chúng ta mỗi ngày. Đó còn là đòi hỏi của chính nghệ thuật đích thực. Của hôm nay và của muôn đời mai sau. Bởi vậy, tôi dám chắc đây không chỉ là nỗi trăn trở của riêng cây bút kỳ lão Trang Thế Hy.
Đà Lạt, 8/9/2004
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...