Tự truyện và sức sống thể loại
trong đời sống văn chương
"Trend sách tự truyện những năm gần đây" là nội
dung cuộc tọa đàm trực tuyến giữa nhà thơ Hữu Việt với bạn đọc và các diễn giả
là nhà phê bình Văn Giá; nhà thơ Trần Đăng Khoa trong khuôn khổ Hội sách trực
tuyến quốc gia Books365.vn.
Sức sống mới của thể loại tự truyện
Buổi tọa đàm đã bàn luận sôi nổi về các vấn đề của thể loại tự
truyện: lý giải vì sao thời gian gần đây thể loại này lại nở rộ; vị trí của thể
loại này trong đời sống văn học nước nhà. Buổi tọa đàm cũng đã bàn luận sâu hơn
về cuốn sách "Tuổi thanh xuân còn mãi" do nhà thơ Hữu Việt chủ biên.Nhà thơ Hữu Việt - người dẫn của cuộc giao lưu trực tuyến về
chủ đề viết tự truyện. Lý giải về việc tại sao tự truyện lại nở rộ, nhà phê bình Văn
Giá nhận định, thời đại ngày nay, người ta được quyền nói về cá nhân một
cách công khai, khi những kho bí mật được công khai sẽ kích thích họ kể về nó.
Nhà phê bình Văn Giá cho rằng, mỗi nhân vật gắn liền với hoàn
cảnh sống và giai đoạn lịch sử khác nhau. Khi tác giả viết truyện, toàn bộ quá
trình đó được tái hiện một cách sinh động, khiến độc giả khao khát tìm hiểu.
"Như tác giả Bình Ca viết về những năm tháng chiến tranh
ở miền Bắc, thì toàn bộ đời sống miền Bắc năm tháng đó hiện lên. Độc giả
biết thêm được một thời kỳ mà có thể họ chưa biết, chưa trải qua", nhà phê
bình Văn Giá nói.
Nhà phê bình Văn Giá cũng thẳng thắn thừa nhận, văn chương hư
cấu đem lại sự chân thực cho con người hiện nay còn đang mờ nhạt, và để bù đắp
vào đó, tự truyện ra đời. Nó tạo ra sự chân thực tận cùng của văn chương.
Đồng tình với quan điểm của nhà phê bình Văn Giá, nhà thơ Hữu
Việt bổ sung thêm, chính sự cởi mở trong việc xuất bản tự truyện hiện nay khiến
cho con người có thể nói ra những suy nghĩ thầm kín của mình. Thêm vào đó, mạng
xã hội xuất hiện làm cho mọi người kết nối với nhau được dễ dàng. Nhiều cuốn
sách ra đời từ những những status trên mạng xã hội.
"Con người ngày càng có nhu cầu chia sẻ về quá khứ.
Khi đó, chúng ta được sống lại một đời sống của mình thêm một lần nữa",
nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.
Nguyễn Hy Hoài Nam - một facebooker rất hot trên mạng xã hội
cho rằng, khi tiểu thuyết bình thường không có quá nhiều tác phẩm xuất sắc thì
có sân chơi dành cho hồi ký nở rộ - họ có thể kể về một thời điểm lịch sử, cũng
có thể là một quãng thời gian gần nhưng lại có dấu ấn trong đời sống của họ.
Anh nói: "Ví dụ như gần đây có "Quân khu Nam Đồng"
của Bình Ca, nói nhiều về những năm 1960-1970, người Hà Nội thời đó đọc là hiểu
ngay, và họ giờ đã trưởng thành, đi khắp muôn nơi, họ vẫn tìm đọc, chính vì thế
cuốn sách được tái bản nhiều lần. Đó là một sự thành công".
"Cũng như cuốn Hồi ức tập thể "Tuổi thanh xuân còn
mãi" của chúng tôi - có thể chỉ hơn tờ "báo tường" nhưng nhiều
người tò mò về cuộc sống của lưu học sinh ở Liên Xô thời bấy giờ... Nó tạo
khung cảnh Đông Âu thời đó, có gì đó chân thực hơn những tiểu thuyết bình thường,
nên có đất sống riêng", Nguyễn Hy Hoài Nam tâm sự.
"Tuổi thanh xuân còn mãi" và sự hấp dẫn từ sự chân
thực
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói ông rất thích cuốn "Tuổi
thanh xuân còn mãi" - nó không nằm ngoài xu hướng chung của văn học trong
những năm gần đây đó là tự truyện hồi ức quá khứ.Cuốn hồi ký 'Tuổi thanh xuân còn mãi' "Những năm gần đây xu hướng viết tự truyện nổi trội rất
đặc biệt, người ta thích những điều không hư cấu. Nhưng nó đã manh nha từ rất
lâu rồi. Bắt đầu từ Duy Khán với cuốn "Tuổi thơ im lặng". Ông dành thời
gian rảnh để viết cho con, kể câu chuyện lặt vặt về những thứ xung quanh mình
như chuyện con gà, con chó, chị gái, cổng chùa... nhưng tập hợp lại thành một
quyển tự truyện rất hay.
Sau đó Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu - cái đó
cũng có thể xem như là một cuốn tự truyện. Một loạt như cuốn tự truyện "Nhật
ký Đặng Thùy Trâm", "Nhật ký Sống mãi tuổi hai mươi', "Biên
bản Chiến tranh" của nhà báo Trần Mai Hạnh... và tất cả chúng hấp dẫn
người đọc là bởi tính chân thực", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Xu hướng tự truyện xuất hiện nhiều nhưng theo nhà thơ Hữu Việt,
chất lượng của nó lại không đồng đều. Cuốn đầu tiên viết tốt, cảm giác như xuất
hiện một tác giả văn chương xuất sắc nhưng đến cuốn thứ hai lại không chất lượng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, sở dĩ có hiện tượng như vậy
là bởi có thể cuốn đầu tiên khi xuất bản đã là tinh túy, được "khơi trong gạn
đục rồi", đến cuốn thứ 2 chẳng còn gì để viết, thành ra có nhiều hạn chế.
Nhà phê bình Văn Giá khẳng định, đã là tự truyện tất nhiên được
quyền bộc lộ con người cá nhân nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó là thất bại. Nhưng nếu
qua đó, người viết cài cắm khiến độc giả hiểu được về một câu chuyện thời đại,
đời sống thì mới thành công. "Nếu quá nhiều chuyện riêng tư không có mối
liên hệ hệ xúc động giữa người kể với đời sống bên ngoài là thất bại", nhà
phê bình Văn Giá trao đổi.
Facebooker Nguyễn Hy Hoài Nam đồng ý với quan điểm của nhà
phê bình Văn Giá. Anh cho rằng, nếu tự truyện chỉ nói việc tôi đi đâu, ăn gì,
làm gì ở một thời điểm nào đó rất cá nhân thì đúng là thất bại thảm hại.
"Viết tự truyện làm sao để người ta nhìn giọt nước thấy
được đại dương mênh mông, nhìn cây nhỏ mà thấy đại ngàn, thế mới thành
công", nhà thơ Hữu Việt nói.
Về vấn đề này, nhà phê bình Văn Giá cho rằng: "Tất
nhiên, người viết có thể có động cơ PR cho chính mình, nhưng nếu đi qua giới hạn
cho phép thì sẽ là đánh bóng tên tuổi quá đà. Nếu thông qua đời sống của anh hiện
lên số phận của những người xung quanh, khiến cho người khác nghĩ ngợi về đời sống
này, sống tốt, sâu hơn và nhân ái hơn, thì đó là tự truyện thành công.
Còn nếu kể lể quá riêng tư, thể hiện cái tôi bản thân quá đà
thì tự truyện không có ý nghĩa gì cả. Cái này người ta gọi là đạo đức thể loại.
Nếu anh có đạo đức thể loại, anh biết mối quan hệ giữa cá nhân anh và những người
xung quanh, đặc biệt với cộng đồng xung quanh và đất nước. Lúc đó anh mới được
coi là giữ đạo đức thể loại, bạn đọc mới chấp nhận và đón đọc".
24/4/2020Thúy Hạnh
Nhà thơ Hữu Việt - người dẫn của cuộc
giao lưu trực tuyến về
chủ đề viết tự truyện.
Cuốn hồi ký 'Tuổi thanh xuân còn mãi'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét