Nguyễn Hành (1771-1824) - Minh Quyên thi tập:
Tiếng chim đỗ quyên kêu bi thương
Nguyễn Hành cùng với chú là thi hào Nguyễn Du, năm người hay
thơ nhất nước Nam gọi là “An Nam Ngũ Tuyệt”. Trong bốn dòng họ thơ văn
danh tiếng nước Nam: Họ Nguyễn Tiên Điền có hai người; Họ Nguyễn Trường Lưu có
Nguyễn Huy Tự; họ Phan Huy gốc làng Thu Hoạch Hà Tĩnh có Phan Huy Ích; Họ Ngô
Thì, Tả Thanh Oai Hà Đông có Ngô Thì Vị.
Nguyễn Hành để lại trên đời Minh Quyên thi tập (VH. 109), và Quan
Đông Hải (A 1530, VN 1444, VH 81) bản chép tay lưu trữ tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm Hà Nội. Các văn bản được Trường Viễn Đông Bác Cổ từ năm 1901 mướn
người sao chép lại đều có hai bản, một bản lưu giữ tại Hà Nội và một
bản tại EFEO Paris.
Minh Quyên là tiếng kêu
đau thương của loài chim đỗ quyên, chim cuốc, Nguyễn Hành thấy thi ca
mình đồng cảm với tiếng kêu đau thương ấy. Quan Đông Hải là ngắm Biển
Đông. Mỗi con người đứng trước biển đều cảm nhận được sự kỳ vĩ của biển cả, từ
đó suy ngẫm về xã hội và bản ngã của mình. Cả hai tập đều viết
bằng chữ Hán, đó là chuyện bình thường trong thời quân chủ thi cử trước đây,
hành chánh đều dùng chữ Hán. Trong bài viết này tôi dịch thơ, chuyển ngữ
qua ngôn ngữ thi ca ngày nay để người Việt Nam có thể đọc và thưởng thức kiệt
tác thi ca của nước ta. Bài viết này tiếp theo bài “Nguyễn Hành nhà thơ
tài hoa trong An Nam Ngũ tuyệt”, cùng tác giả, đăng trên các site đã dịch
một số bài thơ Nguyễn Hành.
Nguyễn
Hành sinh ngày rằm tháng 4 năm Tân Mão tại Thăng Long, niên hiệu Cảnh Hưng năm
thứ 32 đời vua Lê Hiển Tông tức ngày 28-4-1771. Ông nội là cụ Xuân Quận Công
Nguyễn Nghiễm đặt tên là Đàm, sau được tập ấm: Hiển cung đại phu phó trung úy
Hành Nhạc bá, nên Xuân Quận Công bảo đổi tên là Hành theo tước hiệu. Thường được
gọi là Hai Hành, tự là Tử Kính, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu là Ngọ Nam, Tâm Trai,
Nhật Nam, Nam Song. Chánh quán làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh
Hà Tĩnh. Là con Nguyễn Điều, người anh thứ hai khác mẹ với thi hào Nguyễn Du,
con cụ Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm , mẹ là bà kế thất họ Nguyễn người xã
Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, Kinh Bắc. Em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Thiện, người
nhuận sắc Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự.
Link:http://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-H%C3%A0nh/author-lyTdxtgnS5iFtC9oyqQklg
Gọi Nguyễn Du bằng chú, nhưng Nguyễn Hành chỉ thua Nguyễn Du 5 tuổi. Nguyễn Du
mồ côi cha mẹ từ năm 12, 13 tuổi được anh là Thượng thư Nguyễn Khản (hơn Nguyễn
Du 31 tuổi) nuôi dưỡng cùng với các cháu Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Nguyễn
Hành.. tại dinh Kim Âu, bên cạnh hồ Kim Âu, (khu Cát Linh, Bích Câu, nhà
ga Hà Nội). Thuở nhỏ Nguyễn Hành sống tại Thăng Long, trong bài Đồng
Xuân ký ông viết :
“Các triều đại định đô ở Thăng Long, lập 36 phố phường, duy chỉ có phường Đồng
Xuân là đứng đầu. Thời ấy các danh công, quý thần đều dựng nhà tại đây. Nhớ lại
năm xưa đang thời bình thịnh, nhà Hành tôi, một ông, hai cha (ông nội là
Nguyễn Nghiễm quan Đại Tư Đồ và bác là Nguyễn Khản, cha là Nguyễn Điều) đều làm
việc trong Chính Phủ, chịu nhiều ơn móc triều đình. Các nơi ở Bích Câu trong
thành, phủ đệ đối mặt với nhau, xe ngựa võng lọng ngày ngày chầu chực trước cửa,
áo gấm, cơm thịt, dưới có tôi tớ hầu hạ. Hành tôi sinh muộn màng, vẫn còn được
thấy cảnh đó.” Năm Nguyễn Hành lên 9
tuổi, thì xảy ra vụ án Canh Tý 1780, Nguyễn Khản thầy dạy thế tử Trịnh
Tông bị giam lỏng, suýt bị giết, Nguyễn Khản viết bài trần tình chúa Trịnh
Sâm nghĩ tình bạn thân thiết xưa, thương tình tha cho. Thời gian này Nguyễn Du
về Hà Tĩnh học với chú Nguyễn Trọng kết bạn cùng Thực Đình..
Gia phả chép về Nguyễn Hành: “Ông rất thông minh, học rộng các sách.”
Nguyễn Hành kết bạn thân với Nguyễn Huy Vinh, con Nguyễn Huy Tự (1743-1790) tác
giả Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự con rễ Nguyễn Khản cưới Nguyễn thị Bành
(1750-1773) ; Bà Bành mất năm 23 tuổi, ông lại tục huyền với bà Nguyễn Thị
Đài (1752-1819) sinh 9 con trai và 4 con gái 3 người văn học có tiếng
là Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Vinh và Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) tác giả Mai
Đình Mộng Ký. Do đó Nguyễn Hành đồng vai vế với Nguyễn Huy Tự nhưng nhỏ hơn ông
38 tuổi. Nguyễn Huy Vinh đồng tuổi với Nguyễn Hành nhưng là vai cậu Nguyễn Huy
Vinh. Nguyễn Huy Vinh viết bài tựa cho Quan Đông Hải tập: “ Tôi thấy Tử
Kính là người thông tuệ, vừa 10 tuổi mà những câu văn viết ra từng làm cho mọi
người thảy đều kinh ngạc. Tiên công xem ông là thần đồng”
Năm Kỷ Mão, 1783. Nguyễn Hành 12 tuổi, chúa Trịnh Sâm mất, Trịnh Tông lên
nối ngôi, Nguyễn Khản giữ chức Thượng Thư Bộ Lại, hành Tham Tụng ( quyền Thủ Tướng)
kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa. Nguyễn Điều làm Trấn Thủ Sơn Tây. Khoa thi
Hương năm 1783, Nguyễn Thiện, Nguyễn Nể, Nguyễn Nhưng đỗ Tứ Trường. Nguyễn Du đỗ
Tam trường. Khoa thi Hương 3 hay 4 năm một lần tại các trường thi lớn cho
nhiều trấn, thí sinh được tuyển chọn sau khi qua kỳ thi sát hạch ở các trấn,
thi Hương gồm 4 kỳ: I: Kinh nghĩa. 2: Chiếu, chế, biểu. 3: Thi, phú. 4: Văn
sách. Trên hàng ngàn thí sinh chỉ lấy khoảng 30 hay 50 người đỗ tứ trường,
một trăm đỗ tam trường. Người đỗ bốn kỳ được gọi là đỗ tứ trường (cử
nhân) được tiếp tục vào thi Hội, thi Đình, đỗ tam trường (tú tài) phải thi lại.
Năm 1783. Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây, Nguyễn Hành theo cha. Nguyễn Du, 18
tuổi được anh phong chức Chánh Thủ hiệu quân hùng hậu hiệu đội quân mạnh nhất
Thái Nguyên. Quyền Trấn thủ là Nguyễn Đăng Tiến, tước Quản Vũ hầu tức Nguyễn Đại
Lang trong Thanh Hiên thi tập, Cai Già trong Hoàng Lê Nhất Thống chí, là thầy dạy
võ, cũng là anh kết nghĩa của Nguyễn Du.( Điều này trái với Gia phả cho rằng
Nguyễn Du được tập ấm cha nuôi họ Hà. Nguyễn Khản Thượng thư Bộ Lại (Nội Vụ)
hành Tham Tụng (kiêm Thủ Tướng) kiêm trấn thủ Hưng Hoá, Thái Nguyên bổ nhiệm
các em trấn đóng các nơi làm vây cánh cho mình, Nguyễn Du không cần một tập ấm
cha nuôi nào cả. Có lẽ Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền do Nguyễn Y viết lầm lẫn
Nguyễn Đăng Tiến là cha nuôi, trong Thanh Hiên thi tập, Nguyễn Du gọi là Nguyễn
Đại Lang (anh cả), do Nguyễn Đăng Tiến lớn tuổi hơn cả anh Nguyễn Khản (hơn
Nguyễn Du 31 tuổi) còn được gọi là Cai Già (trong Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao
Lãng). Đăng Tiến có kết nghĩa sinh tử với Nguyễn Du, cùng bị Vũ Văn Nhậm bắt và
cùng được tha trong khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Thái Nguyên năm 1787, sau đó họ
đi Vân Nam.(Sinh tử giao tình tại, Tồn vong đồng khổ khi .Bài Biệt Nguyễn
Đại Lang).
Năm 1784, Nguyễn Khản xử án chém 7 kiêu binh nhân bữa tiệc do
vua Lê khoản đãi. Kiêu binh cậy công lập chúa, lập vua từ trong tù ra, nổi loạn
phá tan dinh thự Kim Âu, Nguyễn Khản chạy trốn lên Sơn Tây với Nguyễn Điều toan
hợp binh các trấn dẹp kiêu binh. Nhưng kiêu binh giữ chặt chúa Trịnh Tông nên
không làm gì được. Hồ Sĩ Đống anh họ Hồ Xuân Hương , đang thọ tang cha được gọi
về giữ chức hành Tham Tụng cùng Bùi Huy Bích, kiêu binh tạm yên. Nguyễn Điều bị
giáng chức làm tri huyện Thanh Chương, Hương Sơn Hà Tĩnh. Nguyễn Khản cũng về
Hà Tĩnh. Nguyễn Hành 15 tuổi theo cha về Thanh Chương.
Năm 1786, vua Quang Trung cùng Nguyễn Hữu Chỉnh đánh chiếm Phú
Xuân, và đem quân ra Bắc diệt Trịnh. Nguyễn Khản từ Hà Tĩnh ra Thăng Long hiến
kế giữ Thăng Long “đóng quân theo lối vẩy sộp” nhưng không được nghe theo, ông
đi Hưng Hóa mộ quân và bị cảm bệnh mất được đưa về Hà Tĩnh an táng. Nguyễn Điều
uất ức trước sự sụp đổ của nhà Trịnh mà mất tại Thanh Chương.(Con cháu chi Nguyễn
Điều ở Thanh Chương ngày nay hơn 400 người). Nguyễn Hành viết bài văn bia lăng
mộ cha. Nguyễn Hành từ đó 15 tuổi, sống trong cảnh bần hàn, long đong khi về
Tiên Điền, Thanh Chương, Trường Lưu, nơi anh rễ là Nguyễn Huy Tự, Phúc Giang
thư viện do Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh thành lập với hàng vạn quyển sách,
là thư viện duy nhất trong lịch sử Việt Nam được triều đình sắc phong,
nơi đây Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh là bậc thầy, một nhà giáo danh tiếng
trong lịch sử đã đào tạo học trò: 36 vị tiến sĩ và hàng trăm vị cử nhân.
Thư viện họ Nguyễn Tiên Điền bị đốt cháy năm 1791, mười phần chỉ còn lại một
hai. Nguyễn Hành nương tựa nơi thư viện Phúc Giang. Nguyễn Huy Vinh viết:
“Đêm ngày đọc không ngừng nghỉ, thường mượn sách của tôi, hễ không phải sách thời
Tam Đại, Hán Ngụy thì quyết chẳng xem, dụng tâm rất cao minh, nhiều điều sở đắc.”
Cuộc đời Nguyễn Hành khi ở Thanh Chương, khi ở Tiên Điền, khi ở Thăng
Long sống trong nghèo khó túng quẩn. Ta chỉ biết được đời ông qua những dấu
tích thi ca ông viết. Năm 1788 Nguyễn Nể ra làm quan Tây Sơn,
đã dựng lại một phần dinh Kim Âu. Nơi đây thường được vua Quang Trung đến thăm
bàn việc nước và những buổi ca nhạc mời những người gảy đàn cung vua Lê cũ đến
đàn hát. Nguyễn Hành 17 tuổi lúc đó vẫn ở Thanh Chương
. Nguyễn Du sau ba năm đi giang
hồ Trung Quốc trở về Thăng Long sống với anh Nguyễn Nể tại dinh Kim Âu, Bích
Câu từ mùa xuân 1790 cho đến năm 1794 nhưng thường ở Gác Tía, nhà
câu cá , cạnh đài Khán Xuân, nơi đây quen biết yêu cô hàng xóm Xuân Hương Hồ
Phi Mai ngụ tại Cổ Nguyệt Đường.
Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Nể được triệu vào Phú Xuân làm quan
Đông Các giảng dạy sách Tiểu Học cho vua Cảnh Thịnh lên ngôi năm 1792 mới mười
tuổi. Nguyễn Nể giao trách nhiệm cho hai em Nguyễn Du và Nguyễn Ức về Tiên Điền
xây dựng lại từ đường, đền thờ, chùa Trường Ninh, cầu Tiên. . đã bị đốt
phá trong khởi nghĩa Nguyễn Quýnh năm 1791. Có lẽ Nguyễn Hành cũng theo
các chú về Tiên Điền, nên Nguyễn Hành có viết chuyện Nguyễn Du đi săn.
Nguyễn Huy Vinh trong bài tựa Đông Hải Quan viết: “Sau mấy độ đổi đời, văn
thơ ông có đến hơn trăm bài, phần nhiều uyên áo hùng hồn, không dễ ai theo kịp.
Đến như căn nguyên của thanh khí ấy, thì ngọn nguồn là sự chính đáng của tính
tình. Và nghĩa lý, lại chiết trung từ cái học của thánh hiền, nên mênh mang như
ngàn khoảng sóng trào mà không lắng, sôi sục mà không đục, làm sao có thể đo lường
được”. Thuở ấy vùng Thanh Nghệ có câu truyền tụng:
“Nghệ Hai Hành, Thanh Cả Triệu.” Cả Triệu tức Lê Triệu, hiệu Liêm Khê quê xã
Hoàng Phong, huyện Hoàng Hóa tác giả Nam Hành tạp vịnh. Nguyễn Hành còn
am tường lý số, thâm ảo về Phật học.
Khi Ngô Thì Nhiệm mở Thiền Viện tại nhà riêng ở Bích Câu viết Trúc
Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh vào cuối đời Tây Sơn khoảng 1798. Ngô có gửi biếu
Nguyễn Hành một chiếc áo lụa thâm cùng bản thảo: Đại viên giác nhị thập tứ
thanh, và giấy bút mực. Ngô đề nghị Nguyễn Hành dùng chữ trong kinh Phật, mỗi
thanh làm một bài kệ. Nguyễn Hành từ chối làm kệ nhưng viết một thiên Tiểu
Khấu, tóm lược nội dung chính văn và một bài thơ gửi ra. Nguyễn Hành lấy
pháp danh là Hải Điền. Ông còn viết tựa sách: Lan trì kiến văn lục của Vũ
Trinh, chồng Nguyễn Thị Diên là chị cùng cha cùng mẹ với Nguyễn
Du.
Mặc dù viết “Hưng phế là chuyện thường”, nhưng
Nguyễn Hành có lẽ ảnh hưởng bởi cái chết người cha, uất ức vì sự sụp đổ nhà Lê
- Trịnh.. Nguyễn Hành hoàn toàn không viết gì về ông chú Nguyễn Nể, được vua
Quang Trung trọng dụng, làm Hữu Trung Thư lĩnh, ngang hàng với quân sư Trần Văn
Kỷ, làm Phó Sứ sang nhà Thanh, làm chức Đông Các kiêm Cơ Mật Viện giảng dạy
sách cho vua Quang Toản. Nguyễn viết tập truyện những tấm gương trung
nghĩa, những người chống lại Tây Sơn như: Bùi Bật Trực, Trần Phương Bính,
Trần Duy Tự và ông chú Nguyễn Quýnh “những ai chống lại Tây Sơn đều đáng gọi là
hào kiệt.” Về Nguyễn Quýnh ông viết:
Đại
đạo thành nhân mỗi bất đồng, Lâm nguy khẳng khái nghĩa duy công.(Giữ đạo
thành nhân người mỗi khác. Riêng ông khẳng khái lúc lâm nguy). Nguyễn Quýnh chống
Tây Sơn tháng 11 năm 1791, bị Trấn thủ Tây Sơn Lê Văn Dụ bắt, làng Tiên Điền bị
làm cỏ, gia trang, từ đường họ Nguyễn bị đốt sạch, bị giết lúc tròn 30 tuổi.
Nguyễn Hành lúc đó 20 tuổi, đang trốn tránh ở biển Hội Thống.
Năm 1802, vua Gia Long ra Bắc khi Nguyễn Du từ Quỳnh Hải đến Sơn Nam
dâng sớ, dâng ngựa, lương thực và thủ hạ được vua phong chức Tri
Huyện Phù Dung trấn Sơn Nam. Sự kiện này giống Phi Tử thời Chiến Quốc dâng ngựa
cho vua Chu Hiếu Vương được chức Phụ Dung. Nguyễn Hành trong bài Đi săn gọi chú
là Phi Tử và tự gọi mình là Thạch Sinh.
Nguyễn Nể năm 1801 được lệnh vua Cảnh Thịnh đem cụ Nguyễn Thiếp ra Phú Xuân,
thì Phú Xuân bị mất Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, bị bắt giết cùng 200 tướng lĩnh.
Vua Gia Long tha cho các văn thần, cho gọi hai người ra, tha cho Nguyễn
Thiếp về quê quán, và đưa Nguyễn Nể cùng ra Bắc Thành để tham mưu trong việc đi
sứ cầu phong nhà Thanh. Tuy nhiên Gia Long không dùng Nguyễn Nể, Phan Huy Ích,
Ngô Thì Nhậm mà dùng em, con họ: Nguyễn Du, Nguyễn Ức, Ngô Thì Vị, Phan Huy Thực,
Phan Huy Vịnh..
Nguyễn Ức có tài xây dựng, từng tham gia xây dựng lại làng Tiên Điền, Phượng
Hoàng Trung Đô, được Gia Long phong làm Thiêm sự Bộ Công, chỉ huy,
vẽ kiểu xây dựng Kinh thành Huế thời Gia Long, Minh Mệnh. Một kiến trúc
sư tài ba công trình Kiến Trúc Kinh Thành Huế được Unesco công nhận Di sản văn
hóa thế giới, vẫn chưa được nghiên cứu ? Link: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_th%C3%A0nh_Hu%E1%BA%BF
Điện Thái Hòa trong Hoàng
thành Huế,
(với kiến trúc sư chính là Nguyễn Ức, cháu thi hào nguyễn
Du)(?)
Nguyễn Hành sau năm 1802, không ra thi cử, hay tự tiến cử như các ông
chú; ông về Tiên Đìền, dựng ngôi nhà nhỏ có nơi ăn ở yên ổn, trồng cây sửa cảnh
vườn: “Cúc vàng, trúc xanh, tùng biếc, đá lạ đều do nhã hứng sắp đặt, để lòng
được yên vui, thường đọc câu thơ của Uyên Minh Đào Tiềm: Ỷ nam song nhi
chí ngạo ( Tựa cửa sổ phía Nam mà tỏ ý chí mình) Nguyễn Hành lấy hiệu là
Nam Song ; Mỗi sớm tối nằm ngồi ở đó, tiếp bạn bầu ở đó, đọc sách dạy
con nói ở đó, thung dung làm sao. (Nam Song ký). Ông thường đi đây đó thăm Nghệ
An, vào Quảng Nam thăm Vũ Trinh bị lưu dày sau vụ án Nguyễn Văn Thuyên (Vũ
Trinh từng đi sứ, là thầy dạy con Nguyễn Văn Thành), qua lại Bắc Thành gặp
gỡ bầu bạn, gửi nỗi niềm văn chương. Các thơ, từ, phú, ký, tựa, bạt .. tập họp
thành Quan Đông Hải tập. Nguyễn Hành viết tựa cho tập Hoa
Trình tiêu khiển , thơ đi sứ của Nguyễn Nể, bàn bạc về phong thổ ký của Hiệp Trấn
Nhũ Sơn Ngô Nhân Tĩnh. Tựa sách Nghệ An phong thổ ký của Tồn Trai Bùi Dương Lịch.
Thời Gia Long Nguyễn Hành bị nghi ngờ và giam lỏng ở Thăng Long, vợ con nheo
nhóc, đói không cơm, rét không áo, thường ngày ông ngâm vịnh để tỏ chí khí xót
xa, sầu thảm. Cùng thời điểm này xảy ra vụ án bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên con
quan Trung Quân nguyên Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, bài
thơ Thuyên “muốn tụ tập danh sĩ Châu Hoan, châu Ái, để giúp nhau thay đổi hội
cơ này”, Thuyên bị án chém, Nguyễn Văn Thành tự tử. Thầy dạy Thuyên là Vũ
Trinh quan Hữu Tham Tri Bộ Lễ bị lưu đày 12 năm tại Quảng Nam, (Nguyễn
Hành có mối quan hệ gia đình và có viết tựa sách cho Vũ Trinh, Nguyễn Hành có
vào Quảng Nam thăm ông ). Binh Bộ Thượng Thư Đặng Trần Thường bị tội xử thắt cổ,
tội không khai báo ao ruộng. Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển chồng Hồ Xuân
Hương bị tử hình tội tham nhũng 700 quan tiền, Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng , thi
tướng tao đàn Cổ Nguyệt Đường chết đột ngột, có lẽ tự tử đều là những người văn
học tài giỏi . Nguyễn Hành bị nghi ngờ có liên hệ đến những nhân vật này
chăng ? Những bài thơ năm 1819-1820 được tập họp thành Minh Quyên phả.
Trong bài Đồng Xuân ký ông viết: “Nào ngờ đến bước đường cùng lại đến đây trú
ngụ. Hành tôi phải đến trong tình trạng đắng cay, có tập Minh Quyên Phả,
có thể làm chứng cứ. Từ sau khi sinh ra chưa bao giờ lại quá đáng như vậy.
Than ôi, ngày nay làm người lữ thứ ở Đồng Xuân là đền bù thời trước là công tử
Bích Câu, ấy là cái chí đương nhiên của sự vật. Ngày nay cùng quẩn ở Đồng Xuân
vị tất không phải là do ngày trước phấn phát ở Đồng Xuân vậy.”
Ông mất ngày 23 tháng chạp năm Quý Mùi (25-1-1824)
Nguyễn Hành có bài thơ viết năm 1804, năm đó ông 33 tuổi,
khi Nguyễn Du từ quan tri Phủ Thường Tín, xin về quê một tháng. Khi Nguyễn Du mất
năm 1820, Nguyễn Hành 50 tuổi có viết bài thơ thương khóc chú.
Tâm sự Nguyễn Hành đau thương như tiếng chim đỗ quyên. Theo sách Hoa dương quốc
chí, vua Đỗ Vũ nước Thục, hiệu là vọng đế, bị mất nước, đau xót mà chết
hóa thành chim đỗ quyên, cũng còn gọi là chim “tử quy” hoặc “ đỗ
vũ”. Ở nước ta các nhà nho nghe cuốc kêu vào cuối xuân, đầu hè, tiếng kêu tha
thiết như gọi hồn nước cũ, nên đã dịch hai chữ đỗ quyên thành chim cuốc.
LỜI DẪN TẬP THƠ MINH QUYÊN
Tiếng
kêu nghe đau thương thảm thiết không gì bằng tiếng kêu của chim đỗ quyên. Đỗ
quyên là loài chim phương Nam, kêu về hạ, ngày đêm không ngừng. Khi kêu tất
hướng về phương Bắc nghe như ‘ chẳng bằng về đi ‘. Tiếng thơ trong tập
này, ngẫu nhiên mà giống như thế, nên nhân đó mà đặt tên. Ngày xưa Trang Chu từng
mơ hóa thành bướm, vì vậy tiếng thơ của tôi nghe như từng tiếng kêu của chim đỗ
quyên, thì cũng chẳng có gì là lạ.
Tiếng kêu của chim vốn cũng có nguyên do. Triều chính hợp đạo, các bậc hiền tài
quy tụ hòa hợp, chim phượng chim hoàng cất tiếng hót thánh thót êm đềm ;
thời buổi suy loạn, dân đen ly tán oán hận, chim hồng chim nhạn kêu
thương, nghe bi thảm thiết tha. Sự cảm nhận không giống nhau, thì thanh âm cũng
khác. Còn như tiếng kêu của chim đỗ quyên thì nghe sau mà ai oán bi thương đến
thế, và tôi thì vì cớ gì mà cùng cất tiếng kêu đau thương ai oán như chim đỗ
quyên kia !
Chim hạc kêu nơi đầm sâu xa vắng, tiếng vang tới trời ;
hạc kêu nơi bóng mát, con nó hòa theo.. Còn kêu như chim đỗ quyên thì ai sẽ
nghe ? Ai sẽ hòa theo ? Phải chăng tiếng kêu của chim đỗ quyên, người
mới nghe thấy thì nhằm vào sự ly biệt. Người học theo thì thấy đau thương ai
oán như nhỏ máu. Ôi ! như thế thì quá lắm vậy. Tiếng thơ tôi cũng như
thế chăng ?
Tiếng
kêu của chim đỗ quyên, đau thương ai oán cùng cực, thì vấn vương lơ lững giữa
câu cành., còn tôi dùng chữ nghĩa lên tiếng kêu thương thì sự ai oán đến như ở
trong tập thơ này cũng là cùng cực rồi. May ra có thể chấm dứt được rồi
chăng . Rồi đây nếu tiếng thơ có đổi khác, có thể nghe lọt tai, có thể
hòa theo được, để nối tiếp tiếng kêu thương của tập thơ này thì tôi sẽ dựa vào
tiếng thơ ấy mà vâng theo mệnh Trời.
Năm Kỷ Mão, sau tiết thanh minh hai ngày
Nhật Nam, Nam Phủ Nguyễn Hành.
Viết tại nơi ở, phường Đồng Xuân, Bắc Thành.
* * *
Thơ Nguyễn Hành còn lại ngày nay 222 bài, tôi xin dịch thơ những bài tiêu biểu
nhất. Đến núi Phượng Hoàng thuộc địa phận huyện Chí
Linh, tỉnh Hải Dương, nơi Chu Văn An về ở ẩn. Chu Văn An (1292-1370) người thôn
Văn, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc huyện Thanh Trì ngoại thành Hà
Nội) Sau khi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sĩ), ông không ra làm quan, ở nhà mở trường
dạy học, người theo đến học rất đông trong đó có những người nổi tiếng như Lê
Quát, Phạm Sư Mạnh.. Dưới đời Trần Minh Tông (1314-1329) ông được mời giữ chức
Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đời Trần Dụ Tông (1341-1369), chính sự suy đồi, ông
dâng sớ xin chém đầu bảy gian thần nhưng không được triều đình chấp nhận, bèn
xin từ chức về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng lấy bút danh Tiều Ẩn. Sau khi mất, Chu
Văn An được nhà vua truy tặng tước Văn Trinh Công, được thờ ở Văn Miếu.
Núi Phượng Hoàng cao thay trên núi có vách Tiều Ẩn. Vách Tiều Ẩn nay đã
hoang vắng, nhưng di tích vẫn còn. Người hiền thuở trước khi bất đắc chí, liên
bỏ tìm nơi tỉnh lặng. Còn nỗi lòng của ta thế nào đây, mà cứ quanh quẩn nơi suối
đá này ?
NGẮM NÚI PHƯỢNG HOÀNG NHỚ VĂN TRINH CÔNG TRIỀU TRẦN
Cao thay núi Phượng Hoàng,
Núi có vách Tiều Ẩn.
Vách Tiều Ẩn vắng hoang,
Nhưng vẫn còn di tích.
Người xưa chí chẳng đạt,
Bỏ tìm nơi tịch nhàn,
Nỗi lòng ta như thế,
Nơi suối đá quẩn quanh.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
VỌNG PHƯỢNG HOÀNG SƠN HOÀI TRẦN TRIỀU VĂN TRỊNH CÔNG
Cao tại Phượng Hoàng Sơn,
Sơn hữu Tiều Ẩn bích.
Tiều Ẩn bích dĩ hàn,
Tiên hiền bất đắc chí.
Khứ hĩ y nhàn tịch,
Ngã hoài cánh hà như,
Không tự lai truyền thạch.
Lòng quê còn vương vấn, xa nhà lâu năm, đau đáu muốn về. Nhưng không ngại non
núi xa cách, mà chỉ sợ người và cảnh đổi khác. Lòng lo trước thiên hạ vẫn còn
đó. Nguyễn Hành nhắc tới câu thơ Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống bài phú Nhạc Dương
Lâu: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc. (Lo
trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau với niềm vui của thiên hạ). Kế lo thân
thường tính sai. Sách Mạnh Tử có câu: Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đại tắc
kiêm thiện thiên hạ. (Ở vào cảnh ngộ khốn cùng thì lo hoàn thiện bản thân, nếu
được thành đạt thì phải làm cho cả thiên hạ được hoàn thiện.) Nguyễn Hành trong
cảnh cùng khốn lo thân nhưng sợ mình tính sai. Sao có được đôi cánh chim bằng.
Sẽ cỡi gió tung cánh bay ngay. Sách Trang Tử, thiên Tiêu dao du viết: Lưng
chim bằng rộng không biết đều mấy ngàn dậm, khi chim bằng vỗ cánh bay lên, cánh
của nó như mây kéo ngang trời. Nhờ có gió to, chim bằng mới có thể nương tựa
trên lưng gió, đội trời xanh, không gặp gì trở ngại mà tính chuyện bay về
phương Nam.
NHỚ QUÊ
Quê hương xưa vương vấn,
Khách xa muốn về ngay.
Chẳng sợ sông núi cách,
Sợ cảnh người đổi thay.
Lo trước lo thiên hạ,
Rồi lo mình tính sai.
Sao như bằng đôi cánh,
Cỡi gió tung cánh bay.
TƯ HƯƠNG TÁC
Cố hương do vị tĩnh,
Cửu khách khổ tư quy.
Bất đạo sơn quan viễn,
Khủng tương dân vật phi.
Tiên ưu tâm tự tại,
Độc thiện kế đa vi.
An đắc đồ Nam dực,
Thừa phong nhất phấn phi.
Nguyễn Hành, vốn là một công tử, cha, bác, ông bậc nhất triều đình Lê Trịnh,
nay phiêu bạt khắp nơi dạy học từ nơi này sang nơi khác, không chịu thi cử để
ra làm quan thời nhà Nguyễn. Thời nhà Nguyễn kinh đô Phú Xuân, vua Gia
Long sai Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành phá thành cũ xây thành mới (1804-1807) gọi
là Bắc Thành. Bắc Thành là nơi chỉ huy 11 trấn chung quanh, đứng đầu là quan Tổng
Trấn, quan Tổng Hiệp Trấn phụ tá và ba vị quan ba Tào: Binh, Hộ, Hình.
Năm ngoái ở phủ Nam Sách, đêm nay ở thành Đại La (Thăng Long) tên cũ từ thời
Cao Biền trước khi đổi ra Thăng Long thời nhà Lý. Phiêu bạt không nơi cố định.
Đói rét vẫn sống yên lành. Đọc lại thơ mình thấy tứ thơ thường sầu khổ. Trước
rượu mới biết mình đa tình.” Đa tình dĩ tửu chung tình giả “ (người
đa tình thường lấy rượu để tình chung đúc vào
đó.)
BẮC THÀNH ĐÊM BA MƯƠI TẾT
Năm ngoái phủ Nam Sách,
Năm nay Đại La thành.
Phiêu bạt nơi vô định,
Đói rét vẫn yên lành.
Xem thơ thương tứ khổ,
Trước rượu biết đa tình.
Sáng mai năm mới đến,
Tiếng pháo nổ mà kinh.
BẮC THÀNH TRỪ TỊCH
Khứ niên Nam Sách phủ,
Kim dạ Đại La thành.
Phiêu bạt nguyên vô định,
Cơ hàn thượng hữu sinh.
Kiểm thi thương tứ khổ,
Đối tửu giác đa tình.
Minh đán minh niên sự,
Kinh nhân bộc trúc thanh.
Ngày xuân khai bút, Nguyễn Hành viết hai bài thơ đùa với bức tường hàng xóm:
Nhà hàng xóm phía Nam riêng được no. Nhà ta ở phía Bắc vẫn chịu đói. Chỉ có bức
tường cao ngăn cách. Cho nên gió xuân đến chậm. Cho dù bức tường cao ngăn
trở. Cũng không ngăn được cảnh sắc đẹp ngày xuân. Ta với người vốn tương đồng.
Đâu có phân chia Bắc với Nam.
NGÀY XUÂN ĐÙA ĐỀ TƯỜNG PHÍA NAM
I
Hàng xóm phía Nam no,
Nhà ta đói phía Bắc.
Vì tường cao ngăn cách,
Nên gió Đông chậm sang.
II
Dù tường cao ngăn trở,
Không ngăn cảnh xuân sang,
Ta với người tương đồng,
Đâu phân chia Nam, Bắc.
XUÂN NHẬT HÍ ĐỀ NAM LÂN TƯỜNG
I
Nam lân thiên đắc bão,
Bắc xá thượng hàm ky (cơ)
Tống bị cao tường cách,
Xuân phong lai dã trì.
II
Cao tường cẩu vi ngại,
Bất ngại dương xuân sắc.
Vật ngã bản tương đồng,
Hà nữu phân Nam Bắc.
Sầm Tham (715-770) người đất Nam Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) nhà thơ lớn đời
Đường, bạn thân của thi hào Lý Bạch. Trong bài Tương Tiến Tửu, Lý Bạch gọi là Sầm
Phu Tử. Chữ Phu Tử ngày xưa dùng cho bậc hiền triết đáng kính trọng như Khổng
Phu Tử, Tuyết Giang Phu Tử (Nguyễn Bỉnh Kiêm), La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp).
Dựa vào câu thơ Sầm Tham: Thân là chiếc thuyền trống rỗng.
Nguyễn Hành viết tiếp: Nổi trôi trên sóng gió cuộc đời. Giữ trung tín làm lái.
Giữa dòng vẫn yên ổn trôi xuôi. Người xưa quan niệm, sống trên đời giữ vững lấy
lòng trung tín, thì mọi việc nguy hiểm đều có thể qua được. Nguyễn Du trong bài
Minh Ninh Giang chu hành, trong Bắc Hành tạp lục lại viết: “Mọi người đều nói
đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng. Hóa ra đường Trung Hoa lại thế này. Sâu hiểm
quanh co giống lòng người. Nguy vong nghiêng đổ đều do ý trời. Tài cao văn
chương thường bị ghen ghét. Thịt người là thứ ma quỷ thích nhất. Sóng gió làm
sao yên hết được. Giữ trung tín nhưng rốt cuộc vẫn không đủ cậy nhờ.” Nguyễn
Du không tin lòng trung tín có thể vượt qua mọi nguy hiểm vì đường Trung Quốc
sâu hiểm và quanh co giống như lòng người.
ĐỀ THƠ “THÂN LÀ CHIẾC THUYỀN TRỐNG RỖNG “ CỦA SẦM THAM
“Thân là chiếc thuyền không,”
Nổi trôi sóng nước đời.
Giữ trung tín làm lái,
Giữa dòng bình yên trôi.
PHÚ ĐẮC NHẤT THÂN VI HƯ CHU
“Nhất thân vi khinh chu,”
Phong ba thế thượng phù.
Đán tháo trung tín đà,
Ổn diệc phiếm kỳ lưu.
Người đời ai bệnh cũng đều mong hết bệnh. Ai nghèo cũng mong thoát được nghèo.
Nhưng Nguyễn Hành lại viết: Có bệnh chớ chữa cho khỏi hẳn. Vì sợ lại
sinh mầm bệnh khác. Nghèo túng chớ nên gạt bỏ hết. Sợ phải gánh những điều còn
quá tệ hơn nghèo. Nghèo nên bớt được việc. Ốm nên được nhàn thân. Ý này nên tự
hiểu. Không nên truyền cho chứng nhân. Bài thơ này Nguyễn Hành tự an ủi, biết đủ,
nhưng thật sự thì ngược lại. Chính vì bệnh không chữa hết hẳn, mới là mầm
móng sinh ra bệnh khác. Các bộ phận trong cơ thể con người liên quan với nhau,
bệnh phổi, đường hô hấp ảnh hưởng đến tim, thận.. Nghèo túng nếu không tìm lối
thoát bằng nổ lực làm việc, bằng tiết kiệm thì nghèo đói cứ trong vòng lẫn quẩn
không thoát ra được. Nghèo chỉ lo chạy ăn ngày hai buổi, thì không thể làm việc
khác được, không ai giao trọng trách xã hội cho người nghèo chỉ biết có miếng
ăn, không tài năng gì khác, ngay cả làm thơ, nhà thơ không thể nhịn
đói làm thơ. Khi ốm người thân chăm sóc gánh vác việc cho mình nên được
nhàn. Nhưng không thể giả ốm đau để người thân cả đời thương xót.
Bài thơ Ngộ về nghèo bệnh của Nguyễn Hành không trở thành
giác ngộ về triết lý cuộc sống được, mà chỉ là một ý tưởng ngồ ngộ ngược
đời.
NGỘ VỀ NGHÈO BỆNH
Bệnh chớ chữa khỏi hẵn,
Sợ mầm bệnh khác sinh.
Nghèo túng chẳng bỏ hết,
Sợ gánh tệ hơn nghèo.
Nghèo nên bớt được việc,
Ốm nên được nhàn thân.
Ý này nên tự hiểu,
Không truyền cho chứng nhân.
BẦN BỆNH NGỘ
Hữu bệnh mạc liệu tận,
Khủng sinh tha bệnh căn.
Hữu bản mạc khử tận,
Cánh hữu thậm ư bần.
Duy bản nãi tỉnh sự,
Dĩ bệnh đắc nhàn thân.
Thử ý tự khả ngộ,
Bất tu truyền dữ nhân.
Tác giả xa quê hương, nhìn trăng trung thu ánh trăng soi sáng muôn dặm. Nơi gió
Nam xao động . Ngờ là từ quê hương thổi tới.
TRĂNG THUNG THU NĂM NAY
Trăng trung thu năm nay,
Ánh trăng soi muôn dặm,
Nơi gió Nam xao động,
Là ngọn gió quê hương.
KIM TUẾ TRUNG THU NGUYệT
Kim tuế Trung thu nguyệt,
Dung quang vạn lý khai.
Nam phong xung động xứ,
Nghi tư cố hương lai.
Trong đêm tĩnh mịch, Nguyễn Hành tự vấn lương tâm: Ba mươi năm trước
riêng tấm lòng này. Trong thơ Nguyễn Hành đó là tấm lòng lo cho nước vua Lê,
chúa Trịnh, lo cho nhà gia cảnh họ Nguyễn Tiên Điền, dinh thự tại Thăng Long bị
phá sạch. từ đường nhà cửa làng Tiên Điền bị đốt cháy, làng bị làm cỏ vì cuộc
khởi nghĩa Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn năm 1791. Tấm lòng này không đổi cho tới
tận nay. Giờ đây già rồi lại càng không thể đổi thay. Và càng thêm sâu sắc theo
tháng ngày.
LỜI TỰ VẤN LƯƠNG TÂM TRONG ĐÊM TĨNH MỊCH
Ba mươi năm trước tấm lòng này,
Tấm lòng chẳng đổi đến hôm nay.
Giờ đây, giờ lại càng không đổi,
Mà chỉ thêm sâu sắc tháng ngày.
TĨNH DẠ MÔN TÂM NGỮ
Tam thập niên tiền độc thử tâm,
Thử tâm bất cải đáo nhi kim.
Nhi kim lão hỉ vô dung cải,
Nhất tiết thâm tòng nhất tiết thâm.
Bài thơ Tặng Vợ, Nguyễn Hành phân bua: Nghèo và không có địa vị gì,
đó đều là do ta tự chuốc lấy. Cả đời chẳng oán trờì cũng chẳng giận người. Cổ
nhân rất quý trọng nghĩa tao khang. Mong so được giữ tình nghĩa ấy cho đến
khi bạc đầu. Tao, khang là bã rượu và cám, thức ăn của người nghèo khổ cùng cực.
Theo sách Hậu Hán Thư. Hán Võ Đế muốn đem chị là Hồ Dương Công Chúa hả cho Tống
Hoằng, khuyên Hoằng nên bỏ người vợ đã lấy từ trước. Tống Hoằng không chịu nghe
theo, nói rằng: Bạn bè kết giao lúc nghèo khổ không thể quên nhau, người vợ
thuở hàn vi từng lấy cám bã nuôi nhau cũng không thể từ bỏ. (Bần tiện chi giao
bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường.)
TẶNG VỢ
Không địa vị nghèo ta tự cầu,
Đời chẳng oán trời, giận người đâu !
Nghĩa tào khang cổ nhân xem trọng,
Mong giữ tình sao đến bạc đầu.
TẶNG NỘI
Bần tiện đô chuyên ngã tự cầu,
Bình sinh đà oán diệc hà vưu.
Cổ nhân tối ái tao khang nghĩa,
An đắc tao khang đáo bạc đầu.
Nơi đất khách không cách gì làm cho no bụng. Trâm, vòng cầm hết, áo cũng đem cầm
hết. Chỉ còn lại cái thân này không cầm đâu được. Bao năm rồi cứ quanh quẩn mãi
chưa biết tìm về quê hương.
CẦM CỐ
Đất khách cách chi no bụng dạ,
Trâm, vàng quần áo cũng cầm vay.
Chỉ còn thân sống không cầm được,
Chẳng về quê, quẩn tháng năm chày.
ĐIỂN
Lữ trung vô kế khả trung cơ,
Điển tận thoa hoàn điển tận y.
Thặng hữu thử thân vô điển xứ,
Trường niên cục tích vị tri quy.
Năm 1819, Nguyễn Hành 49 tuổi quay trở về Thăng Long, ông viết: Thuở trẻ ngày
xuân, đã từng ở chốn kinh đô này. Lúc ấy nhà với nước, vua với song thân, đều
chung niềm vui. Một lần ra đi nếp phong lưu thay đổi hết. Nay quay trở lại răng
tóc đã thành người già rồi. Đất khách lòng chẳng được yên, buồn đành chịu vậy.
Quê hương (Hồng Lĩnh) xa tít mù khơi, ngóng trông mãi không thôi. Bốn mươi chín
năm trôi qua một cách vô vị. Đường đời phía trước hãy nên nghe theo sự xếp đặt
của Trời.
NĂM KỶ MÃO 49 TUỔI NGÀY XUÂN Ở KINH ĐÔ CŨ
Niên thiếu tuổi xuân chốn cố hương,
Nước vua thân quyến đều vui chung.
Lần đi phong độ đà thay đổi,
Quay về già cỗi tóc răng long.
Đất khách chẳng yên lòng chịu vậy,
Quê hương xa tít ngóng trông lòng.
Bốn mươi chín tuổi qua vô vị,
Đường đời phía trước trời định phân.
KỶ MÃO TỨ THẬP CỬU TUẾ CỐ KINH XUÂN NHẬT
Thiếu niên xuân nhật thử kinh trung,
Gia quốc quân thân lạc sự đồng.
Nhất khứ phong lưu đô hoàn tận,
Trùng lai xỉ phát dĩ thành ông.
Thê thê lữ huống sầu vô nại,
Diểu diểu hương quan vọng bất cùng.
Tứ thập cửu niên nhàn quá liễu,
Tiên trình tu thả thính thiên công.
Đi qua Văn Miếu Quốc Tử Giám, còn gọi là nhà Thái Học, nơi đây, ông nội
là Xuân Quận Công từng làm chức Tế Tửu (Hiệu Trưởng). Ngẩng đầu ngắm nhìn cổng
nhà Thái Học cao rộng. Trước cổng là hàng cổ thụ có gốc rể lâu đời. Đạo của
thánh nhân lớn như Trời. Thủy tổ của Nho Giáo là Khổng Tử được tôn là thánh
nhân. Văn minh của nước ta được tôn sùng ở nơi đây. Thế tục bao lần đổi thay tiếng
đàn vẫn không dứt. Nho gia dùng lễ nhạc để giáo hóa dân chúng. Khoa danh
tồn tại dài lâu, bia đá nói nên lời. Bia khắc tên tuổi quê quán khoa thi các vị
tiến sĩ thời nhà Lê. Kẻ hậu sinh này không được dự vào hàng ngũ tư văn.
Tư văn dẫn lời Khổng Tử, chỉ di sản văn hóa Trung Quốc xưa để lạI, đây chỉ những
người đỗ đạt danh tiếng. Rất lấy làm xấu hổ khi nghe câu ’ làm rạng rỡ cửa
nhà có cháu con ‘ .
NỀN QUỐC HỌC
Ngưỡng vọng nguy nga Thái Học Môn,
Cổng vào cổ thụ gốc lâu bền,
Đạo của thánh nhân như trời rộng,
Văn minh nước Việt thảy tôn sùng.
Thế tục đổi thay đàn chẳng đứt,
Khoa danh tồn tại tấm bia truyền.
Hậu sinh chẳng dự hàng văn nghiệp,
Xấu hổ gia đường phận cháu con.
QUỐC HỌC
Cao ngưỡng nguy nguy Thái Học môn,
Môn tiền kiều mộc tích niên căn.
Thánh nhân đạo giáo như thiên đại,
Ngã quốc văn minh thử địa tôn.
Thế tục kỷ canh, huyền bất đoạn,
Khoa danh trường tại, thạch năng ngôn.
Hậu sinh vị dự tư văn tịch,
Thâm quý dương gia hữu tử tôn.
Khí lạnh lan tràn qua đông lại sang xuân. Ông trời nỡ để tai họa giáng xuống
muôn dân. Nếu trong số mệnh có cái lẽ ‘ thay thế ‘ được. Thì
ta chẳng tiếc đem thân này chịu nạn thay cho muôn vạn dân.
BỆNH DỊCH LẠI TÁI PHÁT
Khí lạnh tràn lan đông lại xuân,
Trời cao giáng họa xuống con dân.
Nếu trong số mệnh suy thay được,
Chẳng tiếc thân thay muôn vạn thân.
DỊCH TÁI TÁC
Lãnh khí lưu hành đông hựu xuân,
Hoàng thiên hồ nhẫn thứ tư dân.
Mệnh trung nhược hữu suy di lý,
Bất tích thân đương thiên bách tân.
Bài Tiễn Xuân Bắc Thành, Nguyễn Hành làm theo điệu Mãn giang hồng, bài thơ của
Nhạc Phi, tỏ ý chí mình căm giận, khi đang thắng trận thì bị Tần Cối mạo lệnh
vua gửi kim bài gọi về (và bị bắt giết). Là bậc vương tôn công tử, về
thăm cảnh sắc ngày xuân chốn đế đô. Ngoãnh nhìn lâu đài thành thị đều không còn
như xưa. Dinh Kim Âu của ông cha bị kiêu binh phá tan. Phủ đền chúa
Trịnh xây dựng trong 243 năm bị vua Lê Chiêu Thống cho người đốt cháy hàng
tháng trời. Thăng Long trở thành nơi chiến địa trận đánh Tôn Sĩ Nghị năm 1789.
Chuyện cũ vấn vương như trong mộng. Sầu nối nhau dài như tơ. Lưu lạc mãi không
thôi. Thương thay tấm thân quanh năm nơi đất khách quê người. Trong chốn trần
ai, ai hay biết. Sáng vừa qua đã để lại (lo ăn) chiều. Một chút vui xuân dễ
dàng quên hết. Vẻ đẹp tan tác rụng rời chẳng tiếc. Chỉ buồn hao phí uổng công.
Xót xa một nỗi hoài bão bình sinh chưa thực hiện được. Mà đầu luống bạc.
Khác với các ông chú Nguyễn Nể được vua Quang Trung trọng
dụng, đem tài năng giúp nhà Tây Sơn, đi sứ, dạy vua trẻ, cố vấn việc nước. Nguyễn
Du, giúp vua Gia Long, người đi tiếp sứ, đi sứ, cai trị huyện Phù Dung, Thường
Tín, doanh Quảng Bình. Nguyễn Ức vẽ kiểu, chỉ huy xây cất lâu đài cung điện.
Nguyễn Hành ta không rõ hoài bão của ông là gì, ông chỉ làm thơ ca tụng những
nghĩa sĩ chống Tây Sơn bị giết. Nhưng khi Tây Sơn sụp đổ, Gia Long
thống nhất thiên hạ, ông cũng chẳng thi cử hay tự tiến cử ra làm quan
giúp nước. Nguyễn Hành có tài nhưng không đủ ý chí nghị lực để thực hiện hoài
bão mình nên lẫn quẩn trong vòng hết lo ăn sáng lại lo buổi ăn chiều.
TIỄN XUÂN Ở BẮC THÀNH
điệu Mãn Giang Hồng
Vương tôn công tử
Về thăm xuân sắc thành vua,
Ngoãnh nhìn khắp lâu đài thành thị
Đều chẳng còn như xưa.
Chuyện cũ vấn vương như trong mộng,
Sầu mới nối nhau dài như tơ.
Lưu lạc mãi không thôi.
Thương thân năm tháng quê người.
Chốn trần ai ai hay ai biết,
Sáng vừa qua lại lo chiều,
Một chút vui xuân dễ dàng quên hết.
Vẻ đẹp tan tác người chẳng tiếc.
Chỉ buồn hao phí uông công.
Hoài bão bình sinh chưa làm được,
Đầu đã bạc phong trần.
BẮC THÀNH TỐNG XUÂN
Mãn giang hồng
Công tử vương tôn,
Trùng phỏng hoàng châu xuân sắc,
Hồi thủ xứ lâu đài thành thị, dĩ phi trù tích.
Vãng sự y y hồn nhược mộng,
Tân sầu lũ lũ trường như ti.
Tối thị vô đoan phiêu bạc,
Khả liên thân kinh niên khách,
Trần ai lý thùy tương thức,
Triêu tương quá liễu hoàn mưu tịch.
Bả bả nhất xuân lạc sự, đẳng nhàn vong khước,
Bất tích yên hoa linh lạc tận,
Chỉ sầu phao hư trịch trướng,
Bình sinh hoài bão vị tằng khai,
Đầu không bạch.
Hoa cúc nở vào mùa thu, trong khi các loài hoa khác nở vào mùa xuân. Nguyễn
Hành viết bài phú ca tụng hoa cúc: Tốt tươi thay hoa cúc trời phú cho đức thuần
túy và lương thiện. Thanh đạm không ham muốn gì, thực chẳng giống như các
thứ hoa thơm khác. Chưa gặp thời vận thì lui về ở ẩn như ông Y Doãn, tướng
nhà Thương. Như Chu Công Đán tướng nhà Chu giúp vua Vũ Vương. Bỗng nhiên bừng
lên áo mũ đường hoàng như Sào Phủ và Hứa Do hai cao sĩ thời Đường Nghiêu, hai
ông không màng danh lợi, cùng vào ẩn trong núi, vua Nghiêu đem thiên hạ nhường
cho cũng không nhận.
Hai câu này người chép văn bản lầm nên chữa lại: Chưa gặp thời may
thì như Sào, Do sống ẩn, Bỗng sưng bừng sáng áo mũ Y, Chu chốn miếu đường. Tính
chất chứa bên trong, anh hoa phát ra ngoài. Thực không cầu mà tự được, đạo vẫn
thầm lặng mà ngày một sáng thêm. Diễm lệ như hạt sương trong, huy hoàng như mặt
trăng sáng. Vẽ đẹp đủ vui lòng người, gió thoảng xa đưa hương thơm ngát. Nguyện
cùng người quân tử kết bạn lâu dài, dù năm hết hoa tàn cũng không quên nhau.
BÀI TỤNG HOA CÚC
Tốt tươi hoa cúc, đức trời thuần lương,
Thanh đạm vô dục, chẳng giống các hoa thơm.
Chưa gặp thời may như Sào, Do sống ẩn,
Bổng dưng bừng sáng áo mũ Y, Chu chốn miếu đường.
Tính chất bên trong, anh hoa phát tiết,
Thực không cầu được, đạo âm thầm ngày thêm sáng lên.
Diễm lệ sương trong, huy hoàng trăng sáng.
Vẻ đẹp vui lòng người, gió ngát hương thơm.
Nguyện cùng quân tử kết bạn lâu dài,
Năm hết hoa tàn mãi không quên.
CÚC TỤNG
Y y ngô tử, thiên đức túy lương,
Thanh đạm vô dục, hữu dĩ dị phù chúng phương,
Thời tai vị ngộ, nhược Sào, Do chi thoái tàng,
Bột nhiên nhi hưng, như Y, Chu chi quan miện hồ miếu lang.
Tính chất trung uẩn, anh hoa ngoại dương,
Thực vô cầu nhi tự hoạch, đạo ảm nhiên nhi nhật chương.
Lệ nghiêm sương chi tiết tháo, sán minh nguyệt chi huy quang.
Khương ý vị kỳ ngu nhân, phong tự viễn nhi văn hương.
Nguyện dữ quân tử hề kết trường hữu,
Tuế tịnh tạ hề, vô tương vương.
Bài Hồ Tây, Nguyễn Hành viết: Một làn nước Dâm Đàm xanh rờn rờn. Rõ ràng
đây là cõi đất xưa xứ Tây Việt. Khí đêm sinh ra, mỗi khi có trăng sáng. Cơ mầu
nhiệm lay động, nên không biết là có gió. Lờ mờ rặng cây che khuất hành điện .
Chùa Trấn Quốc xưa là hành điện, nơi vua thường đến nghỉ chơi. Văng vẳng
tiếng chày kình từ ngôi chùa vọng ra. Vốn là khách câu cá ngao trên mặt sóng.
Có thể đến làm ngư ông trên hồ này.
TÂY HỒ
Dâm Đàm làn nước biếc xanh xanh,
Tây Việt từ xưa đất rõ rành.
Đêm khí sinh ra trăng sáng chiếu,
Cơ mầu lay động gió hay chăng.
Lờ mờ cổ thụ che hành điện,
Văng vẳng chày kình chùa tụng kinh.
Vốn khách câu ngao trên sóng biếc,
Đến đây hồ rộng làm ngư ông.
TÂY HỒ
Dâm đàm nhất thủy bích dung dung,
Tây Việt phân minh cổ cảnh trung.
Dạ khí mỗi sinh thường hữu nguyệt,
Chân cơ trường động bất tri phong.
Y hy cổ thụ mê hành điện,
Thiều đệ hoa kinh huởng Phạm cung.
Bản thị điếu ngao ba thủy khách,
Khả lai hồ thượng tác ngư ông.
Bài Kính trung mỹ nhân, người đẹp trong gương viết: Da băng tuyết tinh thần
như trăng sáng. Riêng một vẻ yêu kiều, huyền ảo mà chân thực. Dồi phấn, đeo hoa
không bắt chước thói thường trước mắt. Chút duyên văn tự chỉ hẹn nhau bên ngoài
vật chất mà thôi. Đôi lúc lén ngoảnh nhìn, bóng như lay động. Ý tứ dấu kín
trong lòng, chưa biết có xuân. Treo bên cạnh chỗ ngồi, chủ nhân trân trọng. Đừng
để một hạt bụi làm vẩn bợn vẻ thanh quang.
NGƯỜI ĐẸP TRONG GƯƠNG
Da như băng tuyết, nguyệt tinh thần,
Một vẻ yêu kiều, huyền ảo chân.
Hoa phấn chẳng theo đời trước mắt.
Duyên văn hẹn với vật ngoài thân.
Ngoảnh nhìn đôi lúc lao xao bóng,
Dấu kín tình chưa biết có xuân.
Treo cạnh chổ ngồi, trân trọng chủ,
Đừng để thanh quang lấm bụi trần.
KÍNH TRUNG MỸ NHÂN
Băng tác cơ phu, nguyệt tác thần,
Nhất ban kiều diễm, huyền nhiên chân.
Duyên hoa bất nhiễm thời trung thái,
Hàn mạc thiên đề vật ngoại nhân.
Tư cố kỷ hồi như động ảnh,
Thâm tàng để ý vị tri xuân.
Chủ nhân tọa hữu nghi trân trọng,
Mặc khiển thanh quang lạc điểm trần.
Bài Phong thổ đất Nghi xuân: Biển hút khí sông Lam không bao giờ hết. Dãy
núi Hồng Lĩnh 99 ngọn chót vót và đảo Song Ngư ngoài biển đối mặt nhau.
Bao nhiêu sông núi đều ghi trong sách phong thổ châu Hoan. Tên các nhân vật đều
khắc trên bia để đời. Những áng văn chương rực rỡ đều có thể thuật lại.(Truyện
Kiều, Hoa Tiên..) Phong tục thuần hậu chưa hề bao giờ bạc bẻo. Ơn dầy các đấng
Tiên vương dân châu Hoan ca ngợi. Nghi Xuân không nên coi là nhỏ, thực là phải.
PHONG THỔ NGHI XUÂN
Sông Lam biển hút khí vô cùng,
Hồng Lĩnh, Song Ngư đối mặt chung.
Sông núi ghi tên Hoan trung ký
Danh nhân bia đá khắc tên truyền.
Văn chương rực rỡ lưu muôn thuở,
Phong tục thuần lương chẳng bạc lòng.
Ân đức Châu Hoan vua ngợi tiếng,
Nghi Xuân không nhỏ, đáng ghi công.
XUÂN NGHI PHONG THỔ
Hấp hấp lam dương vô tận kỳ,
Hồng phong ngư đảo tịnh nguy nguy.
Sơn xuyên tổng nhập Hoan trung ký,
Nhân vật trường lưu thế thượng bi.
Bính bính văn chương giai khả thuật,
Thuần thuần phong tục vị thường ly.
Tiên vương hậu trạch Hoan châu mỹ,
Bất tiểu Nghi Xuân huyện dã nghi.
Năm Canh Thìn 1820, một trận dịch lớn từ Xiêm, tràn qua Chân Lạp lan vào
đang trong đến Thăng Long, hơn hai trăm ngàn người chết. Khắp nơi náo động, tế
lễ cầu đảo. Thi hào Nguyễn Du qua đời trong trận dịch này. Dữ dằn đáng kiếp sợ,
như đạo quân lớn trẩy qua. Làm náo động kinh hoàng cả muôn dậm. Xưa nay chưa từng
có nạn dịch nào lớn như thế này. Kéo tràn tư đất Tiêm, đất Lạp rồi ra tới Thăng
Long. Mắt nhìn nhân dân chết quá thảm thương. Trong lòng nhớ đến đức hiếu sinh
của trời đất. Đáng giận là không có pháp thuật điều hòa âm dương. Để đem dâng
hiến cho các vị quan triều đình.
NẠN DỊCH LỚN
Kinh khiếp như đại quân,
Vạn dậm động xa gần.
Xưa nay chưa từng thấy,
Xiêm, Lạp đến Thăng Long.
Mắt nhìn dân chết thảm,
Nhớ lòng Trời hiếu sinh.
Đáng giận không pháp thuật,
Dâng lên quan triều đình.
ĐẠI DỊCH
Lẫm nhược đại quân hành,
Tao nhiên vạn lý kinh.
Cổ lai vô thử dịch.
Tiêm, Lạp chí Long Thành.
Mục thảm nhân dân tử,
Tâm hoài thiên địa sinh.
Vô hận điều nhiếp thuật,
Nhất vị hiến công khanh.
Nghe tiếng chim phượng, chim hồng kêu lẻ loi lưng trời, tiếng kêu sao mà thãm
thiết quá. Nhìn mây trắng lững lờ trôi. Hỏi ta đi đâu, ta nào chẳng biết. Theo
Sơn Hải Kinh trên núi Đan Huyệt có nhiều vàng ngọc. Sông Đan Huyệt phát nguyên
từ núi ấy chảy ra biển Bột Hải, ở đây có một loại chim lông năm sắc rực rỡ, gọi
là chim phượng hoàng. Ta giống như loài chim quý ấy nhưng thương thay chẳng gặp
thời, nên trôi dạt theo làn gió thổi mau. Bay trên biển cả mênh mông,. Giai
nhân là nơi nương tựa, trong thơ Khuất Nguyên, giai nhân tượng
trưng cho cái đẹp tuyệt mỹ. Bay lên cao nhìn bốn cõi, lòng nghĩ đến việc
cao xa. Lồng chim đại bàng là đất trời. chim ri, chim sẻ(người tầm thường) đậu
phên ngoài. Một mai rồng thiêng sẽ hóa thần kỳ, không phải là cá miết lội
trong ao bé tí. Vạn vật đều có riêng đức tính của mình. Nhà hiền triết phát
huy. Tâm tự tại siêu nhiên, người đời chẳng ai hay biết.
THEO LỐI XƯA
Một bài
Phượng lẽ kêu lưng trời,
Tiếng kêu sao thảm thiết.
Mây trắng lững lờ trôi;
Đi đâu hỏi ta biết ?
Đan huyệt chứa tinh đức,
Rực rỡ đủ muôn màu.
Thương thay thời chẳng gặp,
Trôi dạt theo gió mau.
Biển cả rộng mênh mông,
Giai nhân nơi nương tựa ;
Lên cao nhìn bốn cõi,
Lòng nghĩ xa vời vợi.
Lồng đại bàng đất trời.
Ri sẻ đậu phên ngoại.
Rồng thiêng hóa thần kỳ,
Cá miết lội ao tí.
Vạn vật có riêng tính,
Hiền triết cốt phát huy.
Siêu nhiên tâm tự tại,
Ngoài đời ai có hay.
NGHĨ CỔ
Nhất thủ
Cô phượng minh trung thiên,
Âm hưởng nhất hà bi.
Phù vân tiền trí tứ,
Vấn ngã nhất hà chi ?
Đan Huyệt hàm tinh đức,
Ngũ sắc sinh quang huy,
Thương tai ! thời bất dụng,
Phiêu bạt tùy phong nhi.
Hải thủy hạo mang mang,
Giai nhân đắc sở ý,
Đăng cao lâm tứ hoang,
Du du hữu hà tư.
Đại bàng lung vũ trụ,
Xích án tập phiên ly.
Thần long hảo biến hóa,
Ngư miết du ô trì,
Vạn vật cát hữu tình.
Triết nhân quý phát huy.
Siêu nhiên tâm tự lạc,
Thú ngoạ thúy khả vi ?
Nguyễn Hành có tài, nhưng cứ sống trong nghèo khó đợi chờ thời như chim bằng
bay cao, như cá hóa rồng. Ông không mặn mà gì với ông chú Nguyễn Du dâng ngựa
lên vua Gia Long, như Phi Tử để được chức tri huyện Phù Dung, rồi tiến thân
trên đường hoạn lộ. Khi ông chú làm tri phủ Thường Tín xin về nghỉ một tháng
ông vui mừng, ông chú về nơi quê nhà, an nhàn ăn cá vượt rau thuần. Ông phục
tài chú làm vẻ vang dòng họ, ông ca tụng ông chú một thời đi giang hồ, một thời
làm quan nơi long miếu, tài năng cầm, thư, thi họa đầy đủ, nhưng Nguyễn Hành
không làm được như chú, cũng không sáng tác gì nhiều, vỏn vẹn 222 bài thơ, ông
sống chờ thời, nhưng thời không bao giờ đến, và Nguyễn Hành chết trong
nghèo khó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tinh Tuyển Văn học Việt Nam tập 5 quyển 2. Văn học thế
kỷ XVIII.
Phạm Trọng Chánh. Nguyễn Hành, nhà thơ tài hoa trong An Nam
ngũ tuyệt. site Chimvietcanhnam..
Võ Nguyên Hanh (Vũ Trính) Kiến văn lục dịch giả Đàm Duy
Tạo. Trung Tâm Học Liệu BGD. Sàigon 1969
Nguyễn Hành. Minh Quyên phả.
Nguyễn Hành với Thăng Long site ditichnguyendu
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne
- Tác giả: Hồ Xuân Hương nàng là ai ? Khuê Văn 2000 ; Nguyễn Du , Mười
năm gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương, Khuê Văn Paris 2010; Truyện Thơ
Odyssée qua 12110 câu thơ lục bát, Khuê Văn 2005; Sử Thi Iliade qua 16933 câu
thơ lục bát, Khuê Văn 2009; Tự điển tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu, Khuê Văn
201; Giáo Dục Việt Nam thời Pháp thuộc (1940-1945) Paris 1976; Giáo Dục Miền
Nam Việt Nam 1954-1975, Paris 1980; Thơ tình Nhất Uyên (Huy Cận, Xuân Diệu đề tựa),
Paris, 1996; Công cha như núi Trường Sơn 1975. Cánh chim từ vùng lửa đỏ (thơ nhạc
với Tốn Thất Lập) HSVST 1974; Bóng thời gian, Thời gian ta mãi mãi còn xanh (với
Nguyễn Đăng Hưng Liège 1972); Chiêm Bao Trắng, Thơ Sàigon 1969.
Mời đọc những bài viết khác của cùng tác giả :
Phan Huy Ích
(1751-1822) – Tinh Sà Kỷ Hành: ký sự trên thuyền đi sứ (với vua Quang Trung giả)
năm 1790 - TS. Phạm Trọng Chánh
Tinh Sà Kỷ Hành, là tập thơ kiệt tác hàng đầu trong kho tàng
thi ca chữ Hán của Việt Nam, được vua Quang Trung khen ”thơ văn có khí ...
Trả lời ông
Phú Trường "Một quyển sách hoành tráng bên ngoài, sơ sài bên trong" -
TS Phạm Trọng Chánh
Nhân đọc bài viết ông Phú Trường đăng trên CAND điện tử viết
về quyển Lịch Sử Việt Nam, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 của Gs Lê
Thành ...
Nguyễn Du qua
Quản Trọng Tam Qui Đài - TS. Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du đi qua Đài Tam Qui của Quản Trọng ở Sơn Đông trên
đường đi sứ về trong khoảng thời gian 21 tháng 11 đến 11 tháng 12 năm ...
Nguyễn Du và
cây liễu xưa đền Mạnh Tử - TS.Phạm Trọng Chánh
Tại sao Nguyễn Du nói đến cây liễu trước đền, gỗ cây liễu tượng
trưng cho bản chất tự nhiên của con người, giáo dục như đẽo gọt gỗ thành ...
Tử Xuân Hàm
Nghi (1872 -1942), vị vua lưu đày thành nghệ sĩ - TS. Phạm Trọng Chánh
Năm 1926, để kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Bảo tàng Auguste
Rodin (1840-1917) Hotel Biron 79 rue de Varenne, Paris 7è, năm 1916,
Rodin nhà điêu khắc vĩ ...
Nguyễn Du qua
sông hoài nhớ Văn Thiên Tường - TS. Phạm Trọng Chánh
Đầu thế kỷ 20, những người Việt Nam đi làm cách mạng thuộc
lòng hai câu thơ : Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Lưu thủ đan tâm chiếu
hãn ...
Tiểu sử Nguyễn
Du qua những phát hiện mới - TS. Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du có quyển Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân
không phải lúc đi sứ năm 1813 mà có từ năm 1790 tại Hàng Châu. Giáo Sư ...
Đi tìm Cổ Nguyệt
Đường và mối tình Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du - TS.Phạm Trọng Chánh
Mùa hè 2011, sau một chuyến du hành khắp nước, tôi dành 5
ngày về ở tại Làng Nghi Tàm trên đường Xuân Diệu. Suốt năm ngày dù trời mưa ...
Tiếc thương Nhạc
sĩ thiên tài Nguyễn Thiên Đạo (1940-2015) - TS.Phạm Trọng Chánh
Sáng ngày 27-11-2015 tôi đến nghĩa trang Père Lachaise
để tiễn nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đến nơi yên nghỉ cuối cùng; sau khi hỏa táng,
anh sẽ nằm trong ...
Hoàng Hạc Lâu
qua thi ca các sứ thần nước Nam - Phạm Trọng Chánh
Hoàng Hạc Lâu được xây dựng tại Vũ Hán từ năm 223
do Tôn Quyền thời Tam Quốc : khi xây cổ thành Hạ Khẩu, phía Tây giáp Trường
Giang, góc ...
Nguyễn Du qua
đình Tô Tần - TS. Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du có hai bài thơ viết về đình Tô Tần
khi đi qua cố kinh Lạc Dương, nơi quê hương Tô Tần. Lạc Dương là một
trong 4 kinh ...
Nguyễn Du trên
quê hương Khuất Nguyên - TS.Phạm Trọng Chánh
Khi đi qua Trung quốc, Nguyễn Du đã nhiều lần đến nước Sở,
quê hương Khuất Nguyên: Năm 1788- 1790 trong thời tuổi trẻ đi
giang hồ Trung Quốc lượt ...
Nguyễn Du trên
quê hương Đỗ Phủ - TS.Phạm Trọng Chánh
Đỗ Phủ (712-770) thời nhà Đường, sống trong thời đại loạn
An Lộc Sơn trong 8 năm, làm tiêu hao 2/3 dân số Trung Quốc. Năm 755 nước
này có ...
Nguyễn Du đi sứ
trên quê hương Lý Bạch - TS.Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du lấy bút hiệu là Thanh Hiên, kết hợp từ chữ Thanh,
bút hiệu Thanh Liên của thi hào Lý Bạch (701-762), và chữ Hiên thường dùng của
gia ...
Đi theo hành
trình “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du - TS.Phạm Trọng Chánh
Đọc “Bắc Hành Tạp Lục” nhiều nhà nghiên cứu có cảm giác Nguyễn
Du rất cô đơn trước cảnh sắc và con người tại Trung Quốc. TS Nguyễn Thị
Nương ...
Tưởng nhớ Giáo
sư Trần Văn Khê - TS.Phạm Trọng Chánh
Thuở thư sinh lên đường du học Âu Châu năm 1970, túi
đàn cặp sách, tuổi hai mươi : « cầm kỳ thi họa đủ mùi ca
ngâm », hành trang tôi ...
Mối tình “ông
vua thơ Nôm” Lê Thánh Tông và Trường-Lạc hoàng hậu - TS.Phạm Trọng
Chánh
Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục quyển II, tr
232 có chép chuyện vua Lê Thánh Tông và Trường Lạc Hoàng Hậu, một chuyện tình
tuyệt đẹp, giữa ...
Kỷ niệm với Họa
Sư LÊ BÁ ĐẢNG (1921-2015) - Ts Phạm Trọng Chánh
Những năm 1973-1976, đến Paris tôi bắt đầu công việc
sinh viên, vừa làm vừa học, là ký tên và đánh số giùm tranh litho cho Họa
sĩ Lê Bá ...
Hồ Sĩ Đống
(1739-1785) - bậc thầy thi ca thời Lê trung hưng - TS. Phạm Trọng
Chánh
Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, bài Thi
ca kể tên cùng Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh là ba bậc thầy phục hưng ...
Đọc bài “Về cuốn
sách Lịch Sử Việt Nam được cho là kiệt tác sử học” - TS Phạm Trọng
Chánh.
Nhân đọc bài : Về cuốn sách được cho là kiệt tác sử học của
ông Tiến Anh Hồng Quang đăng trên Nhân Dân Điện tử thứ năm 27-1-2014. Bài viết
có nhiều hiểu lầm; Giáo sư Lê Thành Khôi nay đã lớn tuổi 93 tuổi, chẳng phải
bận rộn với bài viết nhỏ mọn này, là môn sinh Giáo sư Lê Thành Khôi tôi xin
thay mặt Giáo sư trả lời các điểm thắc mắc của ông Tiến Anh Hồng Quang.
Nguyễn Tông
Khuê - bậc thầy thi ca đời Lê Trung Hưng - TS. Phạm Trọng Chánh
Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút có nói đến ba nhà thơ lớn,
ba bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng : Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), Nguyễn
Huy ...
GS.Lê Thành
Khôi & lịch sử Việt Nam - TS.Phạm Trọng Chánh
Cuối tháng 8-2014 Nhà Xuất bản Thế Giới Hà Nội cho ra mắt
quyển « Lịch Sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XX » của Giáo
Sư Lê Thành ...
Đọc sách :
"Đạo Cao Đài và Victor Hugo" của TS.Trần Thu Dung - TS.Phạm
Trọng Chánh
Victor Hugo là một nhà văn lớn, nhà chính trị Cộng hòa
Pháp, chống lại Đế Chế Napoléon III, từng phải lưu vong xa nước 17 năm.
Ông qua đời ...
Patrick Modiano
giải Nobel văn chương 2014 - TS.Phạm Trọng Chánh
Sinh ngày 30-7-1945 tại Boulogne Billancourt, ngoại ô Paris,
tác giả hơn 30 quyển tiểu thuyết, truyện phim, giải thưởng Văn Chương Hàn Lâm
Viện Pháp, giải thưởng Goncourt, tác ...
Hồ Xuân Hương
đi buôn (1807-1811) : “mẹ già nhà túng, ăn ở không yên ổn” - TS. Phạm
Trọng Chánh
Trong bài tựa Lưu Hương Ký, Tốn Phong viết: “ Từ
đó (sau lần đến thăm xuân 1807) có những lúc tôi phải vào Nam, ra Bắc,
không thể cùng ...
Nguyễn
Du : Ra Bắc 1796, tình duyên tan vỡ - Ts.Phạm Ttrọng Chánh
Nguyễn Du cho rằng việc vào Nam từ năm 1794 đến 1796 là hoài
công, vô ích. Và mong rằng việc ra Bắc năm 1796 sẽ làm nên việc. Sau ...
Đọc sách : Nguyễn
Du trên đường gió bụi của Hoàng Khôi - Nhà Xuất bản Văn Học. Hà Nội- 2013 -
Ts.Phạm Trọng Chánh
Có gì vui hơn, khi những thành quả nghiên cứu văn học của
mình được bè bạn Hội Kiều Học trong nước hưởng ứng viết thành tiểu thuyết.
Nhận được ...
Hồ Xuân Hương
cô hàng bán sách phố Nam thành Thăng Long (1804-1807) - TS. Phạm Trọng
Chánh
Khoảng 10 năm trước năm 1813 Tốn Phong đã đến thăm Xuân
Hương Hồ Phi Mai tại hiệu sách Xuân Hương, Phố Nam thành Thăng Long, thuở ấy
nàng ở ...
Nguyễn Du :
những mỹ nhân trên đường mười năm gió bụi (1786-1796) - TS. Phạm
Trọng Chánh
Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc, Nguyễn Du trở về ở tại
Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm « Chữ tình ...
Nguyễn Du gặp
Đoàn Nguyễn Tuấn, sứ đoàn Tây Sơn tại Hoàng Châu 1790 - TS. Phạm Trọng
Chánh
Nguyễn Du sau khi đậu Tam Trường (1783) ở Trường thi Sơn Nam
lúc 17 tuổi, được anh là Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại kiêm Trấn thủ Hưng Hóa,
...
Nguyễn Du : nhà
sư Chí Hiên “Giang Bắc, Giang Nam túi tiền không” (1788-1790) -
TS. Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du, mang danh hiệu Chí Hiên, danh hiệu Nguyễn Du dùng
cho đến năm 1796, ký tên hai bài thơ tặng Hồ Xuân Hương, lưu lại trong
Lưu Hương ...
Nguyễn Du chia
tay Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Sĩ Hữu tại Liễu Châu 1788 - TS. Phạm Trọng
Chánh
Nguyễn Du gọi cuộc đời từ 20 đến 30 tuổi của mình là
« 10 năm gió bụi » (1786-1796), gia phả và sách vở giáo khoa trăm năm
qua lại viết ...
Nguyễn Du từ
Thái Nguyên sang Vân Nam cuối năm 1787 - TS. Phạm Trọng Chánh
Bao nhiêu năm nghiên cứu về Nguyễn Du, chúng ta đã biết hết
cuộc đời Nguyễn Du chưa ? Nguyễn Du có quyển Kim Vân Kiều truyện của
Thanh Tâm .
Dịch chương
“Nhã Ca”, một dâm thơ trong Cựu ước - TS. Phạm Trọng Chánh
“Nhã Ca” (CANTIQUES) là một tác phẩm văn chương cổ đại
của dân tộc Do Thái, cách chúng ta khoảng 630 năm trước Tây lịch. Một áng văn
chương trữ ...
Đọc Lưu
Hương Ký của Hồ Xuân Hương - TS. Phạm Trọng Chánh
Giữa thời điểm các nhà sách hải ngoại thi nhau đóng cửa, người
đọc tiếng Việt ngày càng thưa thớt, tác giả gửi sách đi cho các nhà sách, không
Hồ Xuân
Hương và quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán - Phạm Trọng
Chánh
Trần Ngọc Quán quê Nghệ An, trước làm quan Cai Bạ doanh Quảng
Đức (Chức vụ đứng đầu một doanh, tỉnh Thừa Thiên ngày sau). Tháng 2 năm Ất ..
Hồ Xuân
Hương và Phật giáo - TS. Phạm Trọng Chánh
Điều nghịch lý trong thơ truyền khẩu gán cho Hồ Xuân Hương là
Xuân Hương thường đi chùa, cuối đời có đi tu một thời gian, nhưng trong thơ lại...
* Đối thoại với Giáo hoàng: Sở tri chướng và kinh tế thị trường – Phạm Trọng Chánh, Ph.D., Paris, Pháp, Link :http://giaodiemonline.com/baiup/DTGH(3).htm.
Phạm Trọng Chánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét