Ngày xanh nơi trường cũ
Nơi ấy bao ngày vui qua
Mùa xuân êm đềm quá
Yêu những khung trời hoa bướm
Dưới nắng tơ vàng êm
[Nhạc:
Ngày bướm hoa xưa]
Có phải trên đời này, con người ta vẫn có duyên nợ với
nhau? Không ai dám chắc, vì biết đâu đó cũng chỉ là kết quả tự nhiên
của những cố gắng cùng tìm đến? Nói như thế, điều “vô duyên đối diện
bất tương phùng” phải chăng chỉ là kết quả của việc con người ta có cơ hội gặp
nhau, nhưng người này không thấy cần thiết phải tìm đến với người kia?
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, việc tìm lại được vị thầy ở thời
trung học của tôi đã là một điều may mắn lớn, làm tôi đâm ra tin đôi khi giữa
người và người vẫn có duyên với nhau! Không có cơ duyên sao được, với trên 40
năm xa cách, trải qua bao nhiêu bể dâu, ngay bạn bè cùng trang lứa cũng đã có lắm
người đi sang cõi khác; những người còn lại thì tản mạn ra mọi nẻo, trong nước
và khắp năm châu; con người muốn tìm nhau chăng nữa, non cao đất rộng,
làm sao mà biết được!. Nhưng, thế mà rốt cục... bỗng nhiên tìm được
nhau, thật là kỳ diệu!. Xin cám ơn những ai đó, những con người vĩ đại,
đã đem đến cho nhân loại cái phát minh ra hệ thống email quá tiện nghi!
Thực là khó tả cái cảm giác đầu tiên khi mở máy ra và nhận được
tin của Thầy. Trước tiên là vui mừng, rồi sau đó - liên tiếp trong
nhiều ngày - cứ thấy trong lòng sao có một cái gì man mác đầy hoài niệm... Những
hình ảnh thuở hoa niên bỗng tự nhiên trở lại trong trí, xa vắng mà gần gũi, nhẹ
nhàng mà thật dạt dào! Cứ như thấy rõ mồn một trước mắt: Ngôi
trường cũ của tôi đấy, với hai hàng cây cao ở sân trước, những bãi cỏ xanh, những
con đường dẫn vào bên trong thẳng tắp, sạch sẽ, với những cây lan đất mọc lẻ tẻ
hai bên... Những người thầy của tôi đó, dáng điệu trang nghiêm mà rất thân
thương. Bạn bè của tôi đó, những gương mặt trẻ, mắt chưa vướng bụi đời,
cùng nhau nô đùa, phá phách... Lớp học của tôi đó, những chiếc bàn
gỗ con con rắn chắc mà phần nọ chỗ kia trên mặt còn ghi dấu vết của từng lớp học
đã đi qua... Dãy sân sau của trường tôi đó, những lúc ra chơi, hay
những khi tụ nhau xem tranh giải thể thao, bao giờ cũng đông đúc... Còn như
nghe được tiếng cười, tiếng nói, còn như thấy được những khuôn mặt rạng rỡ, nghịch
ngợm... Còn nghe đâu đó trong lòng cái âm hưởng:
Cây bàng năm xưa lá tốt xinh tươi
Ngồi chung quanh bóng mát cùng reo cười
Bao tình thơ ngây những lúc vui chơi
Chạnh lòng ai nhớ tiếc khôn nguôi...
[Nhạc
tiền chiến]
Trường cũ của tôi không phải chỉ có “hai gian lá đơn sơ ” như
ngôi trường làng trong bài hát quen thuộc ngày trước. Đó là một trường
rất lớn và có danh tiếng, nằm ngay giữa trung tâm của thành phố Sài
Gòn. Đây là một chi nhánh của hệ thống các trường La-San (La Salle)
trên toàn thế giới, nghĩa là một “trường đạo”, nhưng đó không có điều gì quan
trọng. Đối với tôi, ngày trước, đây là nơi để đến học tập - bây
giờ, là một trong những nơi để tâm tư tình cảm tìm về.
Tôi bắt đầu vào trường từ lớp Đệ Lục. Lý do thật
đơn giản: những người anh họ của tôi đã học sẵn trong đó, cho nên
gia đình tôi không phải tìm kiếm gì xa xôi. Lẽ ra như nhiều học sinh
khác, cha mẹ họ đem học bạ đến trình sư huynh giám học và thường thường thì được
nhận vô, nhưng gia đình tôi không được chỉ vẽ, thành ra tôi phải trải qua một
cuộc thi tuyển, và trở thành một chú học sinh “trường thầy
dòng”. Đây là trường dành cho con trai, cho nên (không biết hên hay
xui!) suốt trong bao nhiêu năm theo học ở đó, chúng tôi không có được mấy cô bạn
gái đồng song để cho đời học sinh thêm nhiều kỷ niệm... rắc rối!.
Năm đó (1960) có hai lớp Đệ Lục, tôi thuộc về Đệ Lục
B. Sư huynh phụ trách lớp đảm nhận đến 3 môn học: Giáo
Lý, Pháp Văn và Việt Văn. Giáo Lý là dạy về kinh điển và học thuyết
cơ bản của đạo Thiên Chúa. Môn này có sách giáo khoa soạn
sẵn, trình độ cao dần theo mỗi lớp. Không hiểu sao mà suốt cả năm thầy
tôi không dạy nhiều về Giáo Lý ngoài việc cho bài và bắt trả bài về những gì viết
trong cuốn sách. Thay vào đó, mỗi sáng Thứ Hai chúng tôi thường đến
thính đường, ngồi chung với học sinh của nhiều lớp khác để nghe giảng về Cựu Ước
và Tân Ước. Cũng có nhiều chuyện khá thú vị, dễ nhớ, tất cả xoay
quanh ý niệm tuyệt đối. Ví dụ như bà E-Và bị cám dỗ, xúi ông A-Dong
ăn trái cấm nên cả hai bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, từ đó con người bắt đầu
chịu cực khổ và ai sinh ra cũng đều mắc “tội tổ tông”. Có chuyện ông
già Abraham hơn 70 tuổi, đã có 1 đứa con với người thiếp rồi nhưng “thiên ý ”
muốn ông phải có thêm 1 đứa khác với bà vợ cả (bà cũng đã ngoại thất tuần). Đứa
nhỏ này là Isaac, tổ phụ dân Do Thái. Đứa kia, và mẹ nó, bị đuổi đi,
trở thành tổ phụ của dân Ả Rập. Lại có chuyện Do Duệ (Joshua) chỉ
cho mặt trời đứng lại để đánh nhau cho xong (không nhớ đánh
ai). Chuyện Isaac chúc phúc lộn cho đứa con thứ (Jacob? hay Cain?),
nguyên nhân sâu xa là do đứa con cả vì tiếc công sức cần lao nên khi cúng tế đã
hiến dâng toàn sản phẩm thặng dư. Lại có chuyện một người phụ nữ
không nghe lời dặn, dám quay đầu nhìn lại nên hóa thành đống muối, v.v... Qua
Tân Ước, chúng tôi nhớ được một số câu bất hủ: “Hãy trả lại cho
Ceasar những gì của Ceasar”, hay “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”, v.v...
Ngoài Giáo Lý ra, chúng tôi còn học nhiều bài
hát. Nói chung là ca tụng kiểu tôn giáo và xin cho mình sau này được
lên thiên đàng, xin cho bản thân và xã hội được bình an:
Giê Su, dưới chân chúa, con sấp mình
Muôn vàn tha thiết dâng lời cầu khẩn
Việt Nam trong lúc lâm nguy trong vòng đao binh
Chúa ơi, nỡ tâm ngảnh mặt làm ngơ sao đành...
Giê Su, hãy ban xuống ơn an bình
Mai này chinh chiến không đâu còn nữa
Việt Nam đã tốn máu xương bao ngàn sanh linh
Chúa ơi, nỡ tâm ngảnh mặt làm ngơ sao đành...
Thuở ấy tôi cũng hát rất thành tâm, mong cho đất nước thôi
chiến tranh loạn lạc, dù tôi không có đạo. Năm 1960, chiến tranh
chưa lan rộng, nhưng thế hệ “ngày mới lớn, tai nghe quen đạn mìn” của chúng tôi
cũng đã hiểu được cái lầm than của Việt Nam: chiến tranh vốn bắt đầu từ đời Tự
Đức và vẫn còn âm ỉ liên miên...
Dĩ nhiên không phải bài hát nào cũng thiên về nước Việt Nam
như trên. Hầu như 99% những bài hát đều có tính cách tôn giáo, cho
nên nói về bài hát, tôi thấy mình vẫn chỉ thích những bài ca được dạy ở trường
Tiểu Học từ những năm nào:
Hoa Lư ơi, muôn năm vẫn còn nghe tiếng
Đến bây giờ mà không dứt lời ca
Với tiếng gió Hoa Lư ơi
(Với tiếng gió Hoa Lư ơi)
Muôn đời nằm trong sương gió
Đứng oai hùng cùng với nước nhà
Trở lại chuyện học, có lẽ tất cả học sinh của Đệ Lục B lúc đó
đều còn nhớ được những kỷ niệm về học Hán Văn và Pháp Văn. Hán Văn
không phải là một môn trong chương trình của Bộ Giáo Dục, nhưng sư huynh phụ
trách lớp nghĩ rằng học sinh nên có chút chữ Hán, để có gì nối tiếp với mạch
văn học cũ của Việt Nam, thế thôi! Cuốn sách giáo khoa rất mỏng, do
linh mục Thích ở Huế soạn ra. Cuốn này viết theo lối sách Tam Tự
Kinh, nghĩa là theo thứ tự của NGỮ ÂM để khi đọc lên nghe thành một bài liên vận
dài, chứ không theo thứ tự từ dễ đến khó. Ví dụ như:
Thỉ – Thạch – Cung – Đao
Can – Qua – Trỉ – Lợi
Binh – Dân – Quan – Lại
Sĩ – Nông – Công – Thương
Chữ Đao chỉ có 2 nét, còn chữ Nông có đến 13 nét,
rất khó đối với người mới học. Rốt cục là anh em thuộc được chữ nào hay không
cũng tùy theo cái may của từng buổi.
Cách trả bài là thầy kêu khoảng nửa lớp lên bảng, rồi từng
người một sẽ lên bảng viết ra. Người đầu viết chữ thứ nhất, người thứ
nhì viết chữ thứ hai, lần lượt như thế theo thứ tự trong sách. Ai
rơi vào chữ dễ thì “thắng lợi vẻ vang”, được đi về chỗ, ai rơi vào chữ khó thì
không viết được, phải ở lại chờ hình phạt. Khi đám người cùng khổ đã
tự động xếp thành một hàng dài, thầy kêu từng người một bước tới và bảo “thượng
túc”, nghĩa là gác chân lên trên cái bục cao. Rồi thầy cầm cái thước
gỗ dài và chắc, đánh vào ống chân hay mắt cá. Một cái thôi, nhưng
trong đó cũng có đến 7-8 thành công lực. Những đứa học trò xuýt xoa nhăn nhó,
lê chân bước trở về.
Món “thượng túc” không phải chỉ dành riêng cho những đấng
“Hán tự chẳng biết Hán”’ mà thôi. Vị nào phá phách, bằng hành vi hay ngôn từ, đều
có hân hạnh được chiếu cố kỹ lưỡng. Có lần nọ trong sách học có câu:
Tiên sinh nhập – Đệ tử bái – Tiên sinh
tọa – Nãi toạ
Nghĩa là: Thầy đi vào, học trò bái chào, thầy ngồi
xuống (rồi) mới ngồi.
Bỗng một chàng ngồi gần cuối lớp, không biết vui tính hay sao
mà cao hứng đọc lớn: Tiên sinh toạ, nải... chuối! Thế
là được tiên sinh thỉnh ngay lên bảng để “thượng túc”! Ôi bể khổ
đong đầy!
Trả bài Pháp Văn cũng thế, người thứ nhất phải đọc chữ thứ nhất
(anh này luôn luôn thoát), người thứ nhì đọc chữ tiếp theo, v.v... theo thứ tự
in ra trong sách. Cứ lần nào cũng như thế, chứ không phải chuyện thầy
đưa ra tiếng Việt rồi bảo học sinh nói tiếng Pháp gọi là gì. Ngoài
ra, ai nói nhảy, ví dụ sau chữ thứ bảy mà đọc nhảy qua chữ thứ chín, thì cũng bị
vào “sổ đoạn trường”. Kết quả là cũng như môn Hán Văn, có người được
về chỗ bình yên, đám đông “les misérables” thì bị đứng lại. Nhưng thay vì “thượng
túc”, bây giờ học trò xoè bàn tay ra lãnh phạt. Cái thước dài bằng gỗ
vút xuống - bàn tay nào chả là xương thịt nhưng thước gỗ vốn là vật vô
tình. Một lần nọ, có một chàng (BT) người nhỏ con nhất lớp
nhưng mật lớn, dám rút tay lại - làm cái thước oai linh phải đánh hụt.
Thời gian như bỗng ngừng đứng lại: cả lớp xanh mặt ái ngại nhìn chiếc thân mảnh
khảnh trong phút chốc sớm trở thành “hoa lạc giữa rừng gươm”!
Sư huynh dạy lớp tôi là một người đa tài. Ngoài việc
dạy học, thầy còn làm trưởng biên tập cho tờ báo Liên San của trường. Qua
công việc của tờ Liên San, chúng tôi học được những câu thơ khá độc đáo
trong truyện Kiều như:
Còn non còn nước còn dài
Còn về còn nhớ tới người hôm nay
Hoặc là:
Này chồng này mẹ này cha
Này là em ruột, này là em dâu.
Hay là sự so sánh về ý niệm “lửa lựu” trong truyện Kiều và
Bích Câu Kỳ Ngộ:
Ngoài sân cuốc đã kêu hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông [Kiều]
Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông [BCKN]
Cũng qua Liên San, một số anh em chúng tôi được đọc tạp
chí Thời Nay. Đây là một tạp chí mới xuất bản, nội dung thì phỏng
theo tờ Readers’ Digest của Mỹ và có thêm một số bài viết của người
Việt. Đối với chúng tôi, Thời Nay là tạp chí hay nhất Việt
Nam thuở đó, nội dung nó phong phú hơn tạp chí Phổ Thông, và “dễ nuốt”, nghĩa
là hợp với trình độ cũng như lứa tuổi của chúng tôi hơn “Văn Hóa Nguyệt San”,
hay cả “Bách Khoa”.
Sư huynh còn phụ trách luôn cả đoàn Hiệp Hội Thánh Mẫu,
nhưng tôi không nhớ đoàn thể này làm những gì.
Trong năm này có một vài việc tôi còn nhớ được như hãng nước
ngọt Pepsi Cola mới vô thị trường Việt Nam nên có đem đến cho học
sinh uống thả cửa (nhưng không ai thích lắm vì có quá nhiều chất gas). Lại
có dịp sinh nhật sư huynh hiệu trưởng Bường, anh em xin được 1 ngày nghỉ học. Có
tổng thống Ngô Đình Diệm đến xem lễ vào 1 buổi sáng sớm ở nhà
nguyện của trường, ông về đã lâu mà các xe an ninh còn lảng vảng nên chúng tôi
đi học sớm mới nghe nói. Cũng trong năm này, đại tá Nguyễn Chánh Thi
và Vương Văn Đông làm đảo chánh (không phải tự phát) đòi ông Ngô Đình Diệm phải
tổ chức lại chính phủ, nhưng thất bại. 1960 cũng là năm Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam được thành lập, nhưng thuở ấy không mấy ai ở Sài Gòn
được biết, huống chi thứ học sinh còn nhỏ như chúng tôi!
Mùa hè tới, rồi qua, chúng tôi lên Đệ Ngũ, lớp học nằm trên lầu
ba của dãy nhà cao vừa mới cất. Thầy mới của chúng tôi là một sư
huynh có đôi mắt nhìn thẳng và cái cằm ngang cương nghị. Thầy phụ
trách các môn Giáo Lý, Toán và Vật Lý. Chúng tôi được thầy hướng dẫn
liên tiếp trong hai năm (Đệ Ngũ và Đệ Tứ). Dưới “triều đại”
mới, chúng tôi được đối xử như người lớn, không khí hằng ngày trong lớp học thoải
mái, tuyệt đối không có hình phạt trên thân thể, không có căng thẳng gì đáng kể. Học
về tôn giáo cũng thế, những bài giảng thiên về phần đạo ít hẵn xuống, trong khi
“phần đời” như rèn nhân cách, gương danh nhân v.v... có nhiều
hơn. Ngay cả trong phần giảng về đạo, thầy cũng chỉ gieo ý niệm vào
sự suy nghĩ của học sinh một cách gián tiếp, “như gần như xa”. Ví dụ
như bài giảng về sự tuyệt đối của Thiên Chúa Giáo: Có một ông thánh
(Augustin?) cứ suy nghĩ mãi mà không hiểu được điểm hợp lý (logic) của điều “Ba
Ngôi Một Chúa”. Một hôm, ông đi đi lại lại hằng mấy giờ trên bãi biển,
suy nghĩ liên miên, nhưng cũng không hiểu được. Bỗng ông để ý thấy
có một đứa bé cứ ngồi lấy cái vỏ sò múc nước đổ vào một cái lỗ cát, rất
lâu. Bèn hỏi, em bé đáp: Em múc cho hết nước biển
vào trong lỗ. Ông thánh kêu lên: Em ơi, làm sao mà hết được! Đáp:
điều em làm khó, nhưng có thể được hơn là điều mà ông đang suy nghĩ trong đầu! Nói
xong em bé biến mất, vì đó chính là một thiên thần..
Nhưng phần mà những kẻ thanh giáo ngoại thần, bàng môn tả đạo
như tôi (và hầu như tất cả mọi người trong lớp) rất thích là “phần đời” của
các bài giảng. Tôi vẫn cho rằng chính phần này là những điều lớn nhất
chúng tôi đã học được ở thầy trong hai năm Ngũ Tứ. Tôi nghĩ các bạn
cùng lớp với tôi, cho đến ngày hôm nay, vẫn công nhận rằng chính những điều thầy
đã dạy lúc đó đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những suy nghĩ của mình.
Những bài này đều là công trình của thầy đã sưu tập và tuyển
chọn ra từ nhiều nguồn sách vở khác nhau. Chúng tôi
đã nghe đến say mê, ngay cả bây giờ, tôi cũng còn nhớ được lời Quản
Trọng:
· Hoàn
Công cùng tả hữu dạo chơi đến vùng nọ, có gặp một người tên là
Ngu. Hỏi sao lại là Ngu, người đó đáp:
Nguyên tôi có một con bò, sinh ra một con bê rất đẹp. Tôi
đem đổi lấy một con ngựa con, cũng rất đẹp. Ngày nọ, có
một thiếu gia công tử đi ngang, bảo bò không thể sinh ra ngựa được, nên lấy cớ
đó bắt con ngựa đi. Tôi không biết làm sao, trơ mắt mà
ngó. Bởi vậy thiên hạ gọi tôi là Ngu.
Hoàn Công cười lớn: Như vậy thì ngu thật !
Quản Trọng tái mặt: Tâu Chúa Công, đây là lỗi của
thần. Thần được giao cho trông coi giềng mối trong nước, vậy mà để xảy
ra như thế. Thiếu niên công tử kia dám sang đoạt của người ta giữa
ban ngày chắc phải là con cái nhà quyền quý nào đó. Con người ta ai lại không
tiếc của, nhưng ông lão không dám kiện là vì biết cô thế, xưa nay huyện bênh
huyện phủ bênh phủ, thấp cổ bé miệng, kêu ca vào đâu. Đành chịu tiếng
ngu cho yên thân, cũng khổ tâm lắm.
Hoàn Công hối hận, bảo: Quả nhân đức bạc, mới có
thế này!
Trong các giờ giảng vào mỗi buổi sáng, chúng tôi vẫn thường
được nghe những chuyện như thế, bây giờ giấy viết đâu tôi kể lại cho hết? Nhưng
tôi chắc chắn tất cả học sinh của thầy đều có thể nhớ rõ những chuyện Hàng
Mẫu Kim Cương, Chim Uyên Sồ, Ngọc Bích Nước Triệu, Phù Sai
tha Câu Tiễn, Khoái Triệt khuyên Hàn Tín, Liêm Pha và Lạn Tương Như, vv...
Những sách đã dùng, sau này thầy cho tôi, nên tôi nhớ được nội dung, xin kể lại
một ít:
· Con ngựa
của vua Tề chết, vua giận, truyền chém người giữ ngựa. Án Tử
xin: Chết vậy sẽ không phục, cho tôi nói đôi lời. Vua thuận. Án
Tử nhìn người giữ ngựa, bảo:
Ngươi có ba tội rất lớn: Vua giao cho mà không cẩn
thận, để ngựa chết, đó là một tội. Con ngựa đó lại là con ngựa rất quý của vua,
đó là hai tội. Để cho vua vì quý ngựa mà phải giết người, làm cho cả
nước ai cũng oán vua, chư hầu nghe chuyện ai cũng cười vua, đó là ba tội.
Vua Tề lật đật khoác tay lia lịa: Thôi, Cô Gia hiểu
rồi, tha cho nó !
· Vua hỏi: Quả
nhân không từ chối được nữ sắc, có giữ được nghiệp lớn không?
Quản Trọng đáp: Không sao, miễn Chúa Công giữ cho
được ba điều: Một là yêu con nhỏ của người như con nhỏ của
mình. Hai là biết nghe phải trái, khi làm gì thì nghĩ chuyện có đáng
làm đến thế không. Ba là giữ chữ tín trong lời nói, chữ minh trong
luật lệ. Trăm họ cảm phục thì sự nghiệp lâu dài.
Thầy còn đọc các chuyện trong những tác phẩm của Nguyễn Hiến
Lê, Nguyễn Duy Cần, Sơn Nam, Nguyễn văn Tạo, tạp chí Bách Khoa vv... Trong số
những kho tàng đã kể có cả bài thơ của Rudyard Kipling (bài dịch). Phải
nói đây là món quà quí thầy cho, mang theo mãi bên mình từ ngày xa trường cũ:
Nếu con thấy cả cơ đồ tan vỡ
Lòng thản nhiên, hăm hở vẫn dựng xây
Hay trăm nghìn thắng lợi sẵn trong tay
Phút mất sạch, không cau mày rên siết
Nếu con biết yêu đương không mê mệt
Biết kiên cường, mà nết vẫn ôn hoà
Bị ghét ghen, lòng chẳng oán gần xa
Vẫn tranh đấu và lo xa tự vệ
Nếu con biết được, lòng đâu sá kể
Lời ghét ghen đặt để dối người khờ
Mặc tiểu nhân quen thêu dệt vẩn vơ
Riêng lòng con không bao giờ dối trá
Nếu con biết thân dân, không tự hạ
Khuyên quân vương, mà giữ giá người dân
Coi bạn bè như huynh đệ trong thân
Mà vẫn giữ chính tâm, không thiên vị
Nếu con biết suy tìm và hiểu nghĩ
Không hoài nghi, mà phá hủy cũng không
Ưa mơ mộng, không để mộng say lòng
Ham tư tưởng, song thoát vòng không tưởng
Nếu con biết cương minh, không nóng bướng
Vững can trường, khống sống sượng liều thân
Biết lo toan, cùng biết giữ lòng nhân
Không bắt chước hạng huyênh hoang tự đại
Nếu con biết coi thường điều thắng bại
Dù được thua, vẫn khẳng khái hào hùng
Mặc những ai hèn nhát hoặc điên khùng
Con bình tỉnh, vẫn ung dung mà xuất xử
Được như thế, nào thánh minh, thiên tử
Nào phúc thần, chiến thắng, tự qui hàng
Hơn vua chúa, và hơn cả vinh quang
Con sẽ nên người hiên ngang, con ạ !
Có lẽ về sau này mọi sự khác với lúc trước, nhưng tôi cho rằng
chương trình học của hai lớp Ngũ-Tứ của thưở ấy rất quan trọng cho sự phát triển
về lối suy nghĩ của học sinh . Chính ở hai năm này, học sinh bắt đầu được làm
quen với quan niệm sống của người trí thức Việt Nam theo truyền thống (Nho
Giáo). Cao Bá Quát là một tiêu biểu. Quan niệm của Nho gia được cụ ghi lại
rõ rệt: Những khó khăn ở đời chính là thử thách của tạo hoá trước
khi được giao trọng trách, và con người phải hiểu như vậy để biết cố gắng vượt
qua nghịch cảnh:
Ngất ngưởng thay con tạo khéo cơ cầu
Muốn đại thụ, hẵn dìm cho lúng túng
Thân hệ bang gia chung hữu dụng
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hư
Hãy bền lòng chớ chút oán vưu
Thời chí hỉ ngư long biến hoá
[Lẽ Cùng Thông]
Cụ Nguyễn Công Trứ là một tiêu biểu thứ hai. Trong
giòng văn học cũ của nước ta, không có ai có thể nêu rõ sứ mệnh của “ kẻ sĩ ”
rõ ràng như cụ :
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem hết cả sở tài làm sở dụng
Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
[Kẻ Sĩ]
Dĩ nhiên việc tìm hiểu về hệ tư tưởng truyền thống Việt Nam
là những điều không nằm trong các năm này. Nhưng phải nói cái mầm cần
thiết được gieo là từ thưở đó, cũng như lịch sử buồn vui của đất nước cũng đã
được gieo mầm từ ngày còn ở trường tiểu học xa xưa (và lập lại mỗi năm suốt thời
trung học).
Trong hai năm này cũng có một vài việc khác đáng ghi nhớ. Thứ
nhất là việc thầy tôi có làm một “Thư Viện” riêng cho mấy lớp chúng
tôi. Đây là cố gắng riêng của Thầy, vì trường tuy thế mà ... không
có thư viện! Thứ nhì là việc học về “sinh lý ” (sex education). Trường
tập hợp học sinh của nhiều “lớp lớn” lại để cùng nghe giảng
chung. Chúng tôi kháo nhau để xem người giảng là ai, nhưng đó cũng lại
là một ... sư huynh! Sau này mới biết được là ở các nước khác trên
thế giới người ta dạy học sinh cách giữ gìn sao cho đừng có “hậu quả không
hay”, nhưng hồi đó điều chúng tôi được giảng là ... nên cố gắng tiết dục
(!). Nói cách khác là ráng đừng buông thả để nghe theo những thúc dục
bậy bạ của cái cơ thể đang ... tuổi thanh xuân !
*
Thời gian qua nhanh, đến cuối năm Đệ Tứ, mùa Thi đã chờ sẵn
(việc thi Trung Hoc Đệ Nhất Cấp sau này mới bỏ, thời chúng tôi thì còn phải
thi). Thầy tự động mở một lớp “luyện thi” về ban đêm – chủ yếu là dạy
Toán cho những ai thấy cần học thêm. Ý Thầy là muốn kèm cho những
người cần “thêm sức”, nhưng đa số học viên lại là những tay vốn siêng năng ở
trong lớp. Dạy ban ngày rồi lại dạy ban đêm, chương trình kéo dài đến
cả mấy tháng, nhưng thầy vẫn vui vẻ. Tuy Thầy bận rộn, nội dung của những buổi
học ban ngày – kể cả những bài giảng “phần đời ” mà chúng tôi yêu thích
– vẫn không bị suy giảm chút nào.
(Thầy dạy Toán và Vật Lý rất hay, cách giải đáp của Thầy bao
giờ cũng ngắn gọn hơn cách trong sách giáo khoa. Nhờ đó hầu hết tất
cả chúng tôi đều xem Toán và Vật Lý là hai môn “dễ nuốt”).
Mỗi đêm, chúng tôi học từ bảy đến chín giờ. Có một
điều Thầy không bao giờ biết là khi học xong, những chú nhóc tì như tôi thì cắm
cổ đạp xe về nhà, còn các bạn lớn tuổi hơn thì to nhỏ với nhau rồi kéo đi hẹn
hò gặp gỡ gì đó. Mấy chàng im re vì sợ bọn nhóc hé môi ra lỡ Thầy biết, tôi chỉ
biết lờ mờ là “có gì lạ” mà thôi. Thưở đó tôi chưa bước vào cái lúc
“đến tuổi rồi ” như các bạn đó để thấy cần những chuyện như tình yêu, bạn gái
... Những ổ bánh mì thơm ngon mời mọc bán ở quán Hương Lan và Nguyễn Văn Ngãi
trước Bưu Điện, hay những ly nước ngọt có đá lạnh, uống vào thấy mát tận tim
can tì phế thận sau những lần chơi bóng rỗ vào buổi chiều vv... vẫn hấp dẫn tôi
hơn. Tình yêu còn là một cái gì mơ hồ, xa tít; không quan hệ tới mình,
có hiện diện chăng cũng chỉ nằm trong những câu hát diễu cợt để nghêu nghao đỡ
buồn:
Anh ơi nếu mộng không thành thì sao?
Hai chai thuốc chuột “quất dzô ” thì rồi !
Nói như thế không phải là những đứa thuộc loại nhỏ tuổi hơn
như tôi hoàn toàn không thích “phe kia” chút nào cả. Những lần trường
có buổi trình diễn chung với các trường nữ như Thiên Phước, Regina Pacis, Thánh
Linh vv..., chúng tôi cũng lăng xăng lắm chứ. Nhưng các cô cứ tỉnh
queo mà “nhìn ta như thể nhìn ... cái cột đèn! ”. Sau đó, đọc Liên San,
nghe kể lại khi chúng tôi xông ra chụp hình (hình đám đông chung chung !), cũng
có nhận được “ánh mắt khuyến khích của các đương sự ”, bọn chúng tôi rất hoài
nghi sự nhận xét vu vơ này của mấy anh phóng viên cà chớn! Bây giờ
nhìn lại, tôi nghĩ là văn hoá Việt Nam thời đó, với ảnh hưởng Nho Giáo nghiêm
khắc của nó, đã làm cho tình yêu đến chậm ở người học sinh (so sánh với các nước
Âu Mỹ ). Những ngày tháng đó, khái niệm về tình yêu còn mông lung xa
vời lắm. Ước mơ còn rất lãng mạn, còn quá lý tưởng kiểu con trai mới
lớn, nhưng thật nên thơ:
Nhiều khi, nhìn trời sao chiếu thần tiên
Lòng hằng mơ ánh sao hiền
Lặng lẽ, sáng giữa trời đêm
Nhưng đã
một lần xao xuyến giấc mơ
Mà lòng sao mãi ngẩn ngơ
Trọn đêm qua tôi nằm mơ
Và mơ
Trời vừa tan bóng hoàng hôn
Một vì sao rớt trong hồn
Dịu như ngàn câu luyến thương
[Hoàng Trọng: Tìm Một Ánh Sao]
Hè đến ! Lớp học ban ngày, và ban đêm, cùng chấm dứt
một lượt. Xa bạn, tôi không buồn gì cả, vì biết độ 2-3 tháng sau là
đám quỷ chúa ma vương này lại sẽ lục tục kéo nhau trở lại. Nhưng tôi
buồn phải xa thầy tôi, vì Thầy sẽ đi xa, không dạy chúng tôi vào năm
sau. Buổi cuối cùng của lớp học đêm, Thầy bước vào với hai đề Toán cầm
sẵn trong tay, nhưng thầy trò nhìn nhau bịn rịn nên không học hành gì được. Thầy
đưa cho tôi hai bài đó, tôi cất thẳng vào cặp, không buồn liếc qua xem nó như
thế nào. Trò chuyện một hồi, rồi thầy trò chia tay, thấy lòng mình cứ
như ở trên cao khi bước ra khỏi cổng. Con đường về nhà sao mà quạnh
quẻ! Đêm Sài Gòn mát lạnh, tôi cúi đầu đạp xe đi lầm lũi, không thấy
phố, chẳng thấy nhà ...
Kỳ thi năm đó, đám “dân học đêm” chúng tôi đều qua được hết. Còn
ở tuổi ngu ngơ quá, cả đám không có đứa nào biết bảo nhau làm một cử chỉ gì đó,
cùng nhau tìm một bó hoa chẳng hạn, để biếu Thầy!
*
Qua mùa Hè, hầu hết bọn chúng tôi trở lại trường để lên lớp Đệ
Tam, đứa nào cũng chuẩn bị để có một năm học “ lè phè ”, không lo lắng. Bây
giờ to xác thêm một chút, vậy mà không ai thèm học, dĩ nhiên chuyện phá phách
phải nhiều hẵn ra.
Nói chung thì đối tượng (của những phá phách) cũng không ai
khác hơn là thầy và bạn. Với thầy dạy Hoá Học ư? Thầy hay ngồi tréo
chân, để hở đôi vớ lỏng lẻo. Có ngay đứa mang vào một thứ gì nhỏ như hạt cỏ,
lén bỏ nhẹ vào vớ thầy. Hạt khô thấm mồ hôi thì nổ, ông thầy giật
thót mình rút chân lại, chả hiểu vì sao! Với thầy dạy Vạn Vật ư? Thầy
cho chuyền nhau xem những loại đá Hoa Cương, Thạch Anh,
vv... Mới được chốc lát là chúng được tráo đi với đủ loại
khác, kể cả đất khô, đá ong, gạch vụn, vv... vừa mới được lượm vô từ sân trường
hay bãi cỏ. Với thầy dạy Việt Văn ư? Thầy chép lời hay ý
đẹp lên bảng. Hôm sau, hàng chữ đã có bàn tay bí mật nào
sửa lại:
Ngọc bất trác bất thành khí
Nhân bất học bất tri lý
Ấu bất học, lão ... đi dạy Sử Ký !
Hết thầy đến bạn, và chỉ có mấy cái “bí danh” thôi mà bao
nhiêu kẻ đã phải ngậm mà nghe, không biết đến bao giờ. Tên
xấu tốt không cần, miễn sao nghe “hợp lý ”, hoặc làm cho cả lớp cười được, là
dính. Một chàng nọ than với anh em buồn ngủ quá. Hỏi tại
sao, bảo “phải đi gác Ấp Chiến Lược”. Thế là hắn lãnh ngay cái bí
danh “Ấp Chiến Lược” rất oan uổng. Một chàng, tóc phía sau có vài sợi hơi bạc,
bèn được gọi “Ông Già”. Chàng khác, nước da hơi ngăm ngăm một chút,
bị dính cứng vào cái tên “Fulro ”. Khi đã bị cả lớp “ban cho” một bí
danh gì đó, đừng hòng cãi chính hay vùng vẫy gì cả. Càng vùng vẫy
thì càng dính, trời cũng không cứu được.
Trò thì như thế mà sư huynh phụ trách lớp lại cưng, cho nên cứ
như cá gặp nước. Thậm chí có nhiều nghịch ngợm của chúng tôi bị Giám
Học rầy rà hay đặt thành vấn đề đều được sư huynh bao che êm thắm cả. Cách
làm là trước khi đối phó với Giám Học, cả lớp họp “Hội Nghị Diên Hồng”. Thầy
trò cùng nhau bàn bạc, rồi nghĩ chung cách giải quyết. Kết quả là
anh em tự đặt ra giới hạn cho mình, và theo những mực thước ... vừa phải !
Thầy chúng tôi có lối suy nghĩ của đường hướng giáo dục Pháp
lúc đó. Thầy vẫn nói: “Các anh là élites, phải sống
xứng đáng như thế ”. Thầy làm chúng tôi hãnh diện. Khi có
gì làm không được chu đáo, Thầy bảo: “Cách giải (hay cách làm) không khó, vì
các anh không đủ siêng năng. Mình không có tệ như vậy”.
Dĩ nhiên “cổ động tinh thần ” vẫn chưa đủ để làm lặng yên những
tâm hồn phiến loạn. Cần phải có thêm thứ gì khác “cho chúng nó khỏi
nhàn cư vi bất thiện”. Đó là những việc như thể thao, làm Bích Báo, và những
chuyện nho nhỏ .
“Nho nhỏ” như chuyện làm hang đá vào dịp Giáng Sinh chẳng hạn. Thầy
bảo phải làm sao thể hiện được việc chúng tôi học ban toán, nếu không thì cái
hang đá nào cũng như nhau. Với lứa tuổi lúc đó, đây là một vấn đề
hóc búa, nhưng rốt cục chúng tôi cũng làm được một “hang đá Toán”’ với cái nền
là một cái nón chúc đầu xuống (hình nón), những mái che bằng hình
tam giác “ê-ke” đan xéo nhau, cái “phông” phía sau là nửa vòng tròn, những ô
hình vuông và hình chữ nhật. Giáo sư Toán vào lớp thấy thế, khen
“anh nào có sáng kiến quá”. Thực ra đó là sáng kiến của Thầy, và
cách làm cũng là của Thầy.
Việc làm Bích Báo, anh em được chia làm bốn đội, mỗi đội phải
ra tờ báo trong vòng hai tháng. Đội của tôi cho ra mắt tờ Rạng
Đông vào lúc ... ba giờ chiều (!) một ngày Thứ Hai. Chắc là
cũng chỉ toàn những gì vớ vẩn, nhưng trong đó có bài “Màu Hoa Mimosa” của bạn
Giao viết khá hay. Truyện nói về một mối tình đầu, hình như rồi cũng
không đến đâu (như bất cứ mối tình đầu nào khác). Tôi còn nhớ được một
phần của câu cuối: “Như những cánh Mimosa màu vàng hoàng hậu”.
Chỉ có hai đội ra được báo, và đó là hai số duy nhất, rồi
chuyện báo chìm vào quên lãng.
Năm đó, năng lực của cả lớp hầu như tập trung vào cuộc tranh
giải vô địch bóng rỗ với “liên quân” của hai lớp Đệ Nhị. Lớp chúng
tôi may mắn có đủ nhân số cho một đội bóng, trong đó có Quang và Trung là hai
con rồng vàng cừ khôi. Cả Quang lẫn Trung đều ném banh rất chính
xác, và có những “tuyệt kỹ ” riêng. Quang có chiêu “phi long tại
thiên ” oai chấn giang hồ . Mỗi lần Quang đưa banh vào cấm địa
của địch, đối phương kéo quân về vây lấy Quang sát rạt. Khi đó Quang
ráng vào sát mục tiêu, nếu đối phương có kẻ hở, Quang “làm bàn”
ngay; nếu bị cản trở, Quang sẽ đưa banh ra và nhảy lên như muốn chuyền
cho đồng đội. Nhưng không phải thế! Khi thân hình còn lơ
lửng trên không, Quang sẽ xoay người 180 độ, và thẩy nhẹ một cái, trái banh bay
vào rỗ gọn bâng trong tiếng hò reo vang dậy của “ba quân lớn nhỏ trong ngoài ”.
Trung thì cao dong dỏng, và lanh như một con
báo. Mỗi lần vào cấm địa của địch, Trung lách bên này, né bên kia, đối
phương chưa kịp đoán ra ý của Trung thì Trung đã sà thấp xuống, và từ dưới thấp,
đưa bàn tay mặt vuốt trái banh lên ngọt xớt. Nó bay theo nửa vòng
cong, rồi đi gọn vào trong rỗ, ngọt ngào! Mấy em bé ở những lớp Tiểu
Học mê ngón “tiềm long quyển địa ” này của Trung lắm, nhiều lúc chạy ùa cả
ra sân để vỗ cho được vào người Trung!
Nhưng “người lành trời phụ ”, lần đó chúng tôi
thua! Chờ cho mọi sự yên lặng xuống một chút, thầy tôi phân tích: Họ
chơi với mình lâu nên biết nhau rõ quá – đợi Quang xoay
mình xong mới nhảy lên đập vào banh, chỉ cần đụng nhẹ là đường banh lệch quỹ đạo. Trung
thì họ kềm sát, luôn luôn giữ thế thủ. Họ giữ cho không thua nên
thắng. Chúng ta cố thắng, nên thua.
*
Thời gian thấm thoát, những ngày tháng hồn nhiên của năm học
Đệ Tam cứ thế trôi qua. Đầu mùa Hè năm đó, tôi về thăm lại xứ Huế. Có
đi xe lửa mới biết quê hương có nhiều cảnh đẹp, ví dụ như hòn đá Vọng Phu đứng
chơ vơ trên núi, tay bồng con chung thủy đợi người về – hay những bãi biển nhỏ
cát trắng đi viền theo làn nước trong xanh, có những rặng thông già bao quanh
kín đáo (làm nhớ chuyện những nàng tiên xinh xinh xuống tắm, rồi có một nàng bị
người trần thế giấu cánh đi). Khi xe đi sâu vào vùng đồi núi miền
Trung, có những cây leo hoang dại ửng ánh trăng cho ta thấy được cả một tấm thảm
bạc bao la đang trải lên suốt một vùng thiên nhiên bát ngát... Xe qua vùng đất
đỏ, cây cối thực tốt tươi. Qua Quảng Ngãi, nước sông Trà Khúc trong
veo, cái máy quay nước trên sông chuyển mình chầm chậm làm rơi xuống nhiều tia
nước bạc ...
Với cái tuổi của tôi lúc đó, Huế không phải là sông Hương núi
Ngự hay Hoàng Thành lăng tẩm gì cả. Huế là mấy đứa bạn “quen nhau từ
thưở trọc đầu”, là những nơi chốn ngày xưa quen thuộc. Hàng cây muối
trên đường Nguyễn Hiệu, mới vừa đủ lớn ngày tôi đi, nay đã trở thành những ông
khổng lồ nghều nghệu. Tôi tìm lại được cảnh hàng trăm con chuồn chuồn
vàng, chuồn chuồn đỏ đậu đầy cả mấy dãy hàng rào. Những cây chuối
xanh tươi vẫn thế, khi trời mưa, khẽ kéo bẹ chuối ra một chút là có thể thấy được
một chú nhái xanh lè hoảng hốt nhảy ra. Cây đào trong góc vườn vẫn
còn đó, lá vẫn xanh um. Nơi góc vườn này, mỗi năm khi nước lụt dâng
lên, mọi người vẫn chạy ra xem chừng ở đó trước nhất (vì nước lụt dâng lên từ
chỗ thấp). Trường tiểu học Trần Quốc Toản của tôi vẫn còn
đó. Tôi không vào trong sân để nhìn đủ mọi chi tiết nhưng biết chắc
nơi đó vẫn có những em nhỏ, áo quần chân tay lấm đầy đất cát, đang say mê chơi
với những hòn gạch, viên bi ... Trẻ con xứ Huế không có nhiều đồ để
chơi nên những hòn gạch viên bi kia chính là niềm hạnh phúc. Đi học,
chơi đùa với bè bạn, khi về nhà được cho cái kẹo, đốt mía, quây quần bên cha mẹ,
đó là niềm hạnh phúc, là sung sướng, ai mong chi những chuyện xa vời !
Nhưng tôi làm sao biết được, cũng ngay từ thời điểm đó, màn
đen đã từ từ bao trùm lên xứ Huế nói riêng, và đất nước tôi nói
chung. Mãi cho tới khoảng 40 năm sau, khi tôi đã bỏ công nghiên cứu
rất nhiều về lịch sử của một giai đoạn xáo trộn, tôi mới thấy được cái phần lớn
của cả một bức tranh, những điều mà khi còn là một thiếu niên về thăm Huế vào
cuối năm Đệ Tam tôi đã không bao giờ ngờ nó lại như thế.
*
Tất cả mọi sự bắt đầu ở Washington: tổng thống Mỹ
Kennedy mong được tái đắc cử trong năm 1964. Nhưng trên mặt đối ngoại,
từ vụ đổ bộ hụt ở Cuba cho đến vụ Nga phong toả Berlin, rồi chịu nhận giải pháp
trung lập ở Lào, rồi bức tường Berlin, Kennedy gặp thất bại liên tiếp. Để
có lại uy thế, Kennedy muốn chứng tỏ cho mọi người thấy ông ta cũng có thể làm
được việc. Kennedy biết nước Mỹ cũng sẽ bị tiêu diệt nếu có đụng độ lớn, chạm
trán nguyên tử, cho nên chỉ có thể “làm mạnh” trong khuôn khổ một chiến trường giới
hạn, và đó là Việt Nam. Muốn thế, phải cần tổng thống Ngô Đình Diệm
“yêu cầu” quân Mỹ vào đánh trực tiếp, và chính phủ Diệm phải hữu hiệu hơn,
nghĩa là có được sự ủng hộ của “số đông quần chúng”. Theo nhiều viên
chức cao cấp của Kennedy, ông Diệm chỉ dựa vào tín đồ Thiên Chúa Giáo
– đó là thiểu số, còn “số đông” là số tín đồ Phật Giáo.
Đây là một vấn đề nan giải cho tổng thống Ngô Đình Diệm. Trước
hết, ông là một người rất ngoan đạo, và rất vị nể giám mục Ngô Đình Thục. Ông
lại coi trọng vấn đề chủ quyền, ngay như cố vấn Mỹ không thôi, ông cũng không
muốn để họ sang nhiều quá. Cả ông Diệm lẫn ông Ngô Đình Nhu cũng đều
thấy được thế nào là viễn ảnh của hàng đoàn quân viễn chinh Mỹ ào ạt đổ
vào để “bình định” xứ Việt Nam.
Cho nên, khi ông Diệm nói “không”, người Mỹ cúp viện trợ. Ông
Nhu bí mật nói chuyện với Hà Nội để tìm một lối thoát: sẽ có
đình chiến, có một liên bang Bắc Nam sống chung hoà bình với sự ủng hộ
của nước Pháp, giới lãnh đạo của mỗi miền sẽ tiếp tục nắm chính quyền, Hà Nội sẽ
từ chối viện trợ của Trung Quốc, Sài Gòn sẽ chính thức yêu cầu Mỹ chấm dứt viện
trợ, và rút hết cố vấn quân sự. Mỹ không chịu vậy. Kennedy
dứt khoát: ra lệnh tiến hành âm mưu lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. (1)
Thực hành ra sao thì chỉ là phương cách hành động. Huntington,
chiến lược gia số một của Mỹ vẫn thường nói: Đảo chính ở các nước chậm
tiến không khó, chỉ cần vài chiếc xe tăng! Người Mỹ tin là họ sẽ làm
được việc họ nghĩ. Ngày trước, họ đưa ông Diệm lên, tạo dựng mọi sự
cho ông. Nếu đã thành công được với ông, thì họ cũng sẽ thành công
được với người khác!
Kennedy là người của đảng Dân Chủ nên quyết định giao “việc
phải làm” đó cho một rường cột của đảng Cộng Hoà (để có thành công hay thất bại
gì thì cũng không bị chỉ trích). Người đó là Henry Cabot Lodge
Junior. Ông này chỉ qua Sài Gòn nhậm chức Đại Sứ khi “vấn đề Phật
Giáo” của chính phủ Diệm đã gay go đến độ chín mùi.
*
Trước khi tôi về Huế, ở thành phố vừa mới có lễ lớn –
cờ xí ngập trời – mừng giám mục Phạm Ngọc Chi, nhưng không hiểu sao tin đồn lại
thành ra lễ mừng tổng giám mục Ngô Đình Thục. Dân “bên lương” kháo
nhau rằng đến ngày Phật Đản thì “mình cũng sẽ làm to như rứa”. Dân xứ
Huế vốn bảo thủ, thế hệ này sống nối qua thế hệ khác trong cái hoài niệm về quá
khứ, về “thiên kinh, địa nghĩa, thánh đạo, nho phong”, về nỗi niềm thổn thức
chuyện “khẳng khái cần vương dị, thung dung tựu nghĩa nan”(2). Những
lễ lạc rình rang do chính quyền trực tiếp hay gián tiếp làm, với cờ Vatican giăng
kết khắp nơi, người ta không thích. Nhưng Sài Gòn sống xa rời quần
chúng, không hiểu được tâm lý người Huế.
Buổi chiều trước ngày Phật Đản, tôi đang hí hoáy treo cái lồng
đèn dưới mái hiên thì người hàng xóm mới đi đâu về, nói: “Gỡ xuống,
có lệnh cấm. Ở ngoài phố, cờ đèn gì đều gỡ cả, không được
treo”. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng gỡ xuống, lòng thấy không vui.
Tối đó tôi ra phố đi “xem hội” với bạn bè (ở Huế không có bao
nhiêu dịp vui, cho nên những lúc như lễ Phật Đản, Giáng Sinh, người
ta hay ra phố xem đèn đuốc), thấy có những em bé trong các đoàn Phật Tử sắp
hàng đi biểu tình, hô khẩu hiệu phải cho treo cờ Phật Giáo. Một chiếc
xe phát thanh chạy đi chạy lại loan báo là không có cấm, nhưng loa
kêu rất nhỏ, không oang oang như bình thường. Sáng hôm sau, tôi đã
trở lại Sài Gòn, biết đâu được ngay chiều hôm đó ở đài phát thanh Huế lại có vụ
nổ. (3)
Rồi không bao lâu sau đó thì ở Sài Gòn có việc hoà thượng Quảng
Đức tự thiêu. Cả nước rúng động, thế giới rúng động. Lúc đó,
tôi cũng thấy bất bình với chế độ ông Diệm.
(Tôi lớn lên trong giai đoạn thành hình của chế độ
Ngô Đình Diệm. Từ khi tôi còn là trẻ con, những bài hát tuyên truyền về “cụ Ngô
” có ảnh hưởng lớn trên nhận thức – tự nhiên có cảm tình với “cụ”. Nhưng
vụ cấm treo cờ và việc nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam quyên sinh là hai điều
đã làm cho tôi có ấn tượng xấu về tổng thống Diệm. Sau này, khi
nghiên cứu về quan hệ giữa nước ta và Nhật Bản tôi mới biết thêm về ông Nguyễn
Tường Tam, nhưng lúc 1963, đối với tôi ông chỉ là nhà văn Nhất Linh, người sáng
lập Tự Lực Văn Đoàn, tác giả của “Đi Tây”, là Dũng của Loan
trong Đoạn Tuyệt... Làm cho ông phải tự vẫn là việc không
cần thiết. Ông không chống chính quyền bằng vũ lực, tại sao phải đẩy
ông đến như thế? Chuyện này, cũng như việc cấm thiên hạ treo đèn
treo cờ để mừng một ngày lễ, cũng là điều không cần thiết, rất kém về chính trị. Quần
chúng bao giờ cũng đòi hỏi nhà cầm quyền phải biết phải
trái. Điều cơ bản nhất của mọi thời đại vẫn là việc nhà cầm quyền phải
trả lời được câu hỏi “tại sao”).
Những ngày tháng kế tiếp là những ngày cả thành phố Sài Gòn sống
với đủ thứ tin đồn. Bây giờ nhìn lại, khi biết được rằng mọi sự đều
là chính trị, tôi hiểu được tại sao thưở đó mình giao động một cách dễ dàng như
rất nhiều người khác. Tuy nhiên, tôi còn nhớ là thiên hạ cũng có đồn
rằng trên mai những con cua bỗng dưng có hình Phật Bà. Trong nhà có
mua thử vài con về xem, nhưng chả thấy gì. Một hôm nọ, thiên hạ
trong xóm tôi bỗng ùn ùn kéo nhau đi xem “đám mây trên trời có hình Phật Bà
”. Tôi theo đoàn người đang hăng hái chỉ trỏ để xem thử, chỉ thấy trời
cao xanh ngắt, mây trắng lửng lơ, không gì khác lạ.
*
Mùa hè với nhiều mây xám chính trị trôi qua, chúng tôi trở lại
trường để lên lớp Đệ Nhị, nhưng chuyện học hành cứ như dậm chân tại chỗ vì những
biến động . Những khi ở ngoài sân hay trong lớp, câu chuyện nói với
nhau cũng chỉ xoay quanh các biến chuyển dồn dập hằng ngày. Học được
vài bữa thì có “vụ chùa Xá Lợi”, dư luận xầm xì là tối hôm đó, bà Nhu mặc quân
phục, đến trực tiếp chỉ huy. Không rõ thực hư ra sao nhưng những lời
tuyên bố của bà Nhu thủy chung chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa nhân tâm đang phừng
phực cháy. Kennedy không mơ ước gì hơn!
Không được vài tuần sau, một buổi sáng nọ, chúng tôi vào trường
thì đã thấy lính Thủy Quân Lục Chiến đóng đầy trong đó, có lẽ để phòng ngừa học
sinh biểu tình. Hai bên nhìn nhau, tình quân dân không thấy gì đằm
thắm! Có lẽ để tăng thêm “quân uy”, một khẩu đại liên, có gắn sẵn một
băng đạn mới toanh, đã được bố trí cẩn thận trên một chỗ cao, oai
phong lẫm liệt (Không hiểu ai ra lệnh này, nhưng dĩ nhiên người có trách nhiệm
tối cao vẫn là ông Diệm. Với 1 đám học sinh còn non choẹt, có lo sợ
đi nữa thì cỡ một tiểu đội cảnh sát tới cho có lệ là đủ, cần gì Thủy Quân Lục
Chiến với đầy súng ống và đại liên? Đem súng vào trường học, lỡ
có ai táy máy làm súng nổ người chết thì rắc rối to). Nhưng sau đó,
khi tất cả học sinh sắp vào lớp, chỉ có một tràng những tiếng ồ vang lên, rồi
... hết. Hôm sau, đám lính cũng rút êm.
Tuy nhiên, ở các trường khác thì tình hình không yên tĩnh,
cho nên có những lúc tất cả các trường học ở Sài Gòn đều phải đóng cửa. Vào
một sáng Chủ Nhật, anh bạn “nải chuối” bỗng đến gửi xe lại ở nhà tôi, bảo sắp
đi biểu tình. Bốn năm ngày sau mới thấy chàng trở lại, người có vẻ
phong sương. Hỏi ra sao, đáp: Bị hốt lên xe nhà binh, họ
chở thẳng lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đã được phát quân phục,
nhận số quân và chụp hình đàng hoàng, mỗi ngày hai lần ra bãi để tập chào và đi
ắc-ê, vv... Có gặp hai đứa cùng lớp mình, còn dân La-San tuy không
đông lắm nhưng cũng đủ để tụ lại ở chung với nhau. Chiều chiều cả
đám đứng nhìn qua hàng rào kẽm gai, thấy trẻ con chơi xích đu ngoài kia, mới biết
hình ảnh của sự tự do như thế nào ... Qua ba ngày thì được thả về hết,
hú vía, đã tưởng cứ thế rồi sẽ nhận súng, tập bò tập bắn trong vài tháng, rồi
ra trận ... Đêm nằm thao thức, cứ nhớ nhà, và nghĩ đi nghĩ lại chuyện:
Nặng nề thay hai chữ “quân nhân”
Đạo vi “tử”, vi “quỷ-thần” đâu có nhẹ
[phỏng thơ Nguyễn Công Trứ]
Ngày 1 tháng 11-1963, việc Kennedy muốn đến đã đến: Một số tướng
tá họp thành “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng”, ám sát tư lệnh Hải Quân và chỉ huy
trưởng của Lực Lượng Đặc Biệt, rồi tiến hành cuộc đảo chánh. Có đại
tá CIA Lucien Conein ngồi trên ghế của tổng tư lệnh ở Bộ Tổng Tham
Mưu để chỉ huy, còn tổng thống Kennedy thì giám sát từng diễn biến của tình
hình từ tòa Bạch Ốc. Ông ta gửi điện dặn đại sứ Lodge: “when
we go, we must go to win” (khi đã làm thì phải thắng!). Để chắc ăn, Kennedy để
các lực lượng xung kích Mỹ hờm sẵn ngoài ven biển Việt Nam, với đủ khu trục hạm,
những phi đội trực thăng chiến đấu, và tất cả các phương tiện hiện đại nhất để
chuyển quân khi tác chiến (quân xa, giang đỉnh, tàu đổ bộ, xe tăng và thiết vận
xa) vv... Từ hai ngày trước (30-10), Thủy Quân Lục Chiến Mỹ
ở Okinawa cũng đã súng ống sẵn sàng. Tất cả có lệnh là nếu phe đảo chính không
thắng được thì sẽ đổ ào vô Việt Nam để đánh lui bất cứ đội quân nào trung thành
với tổng thống Diệm.
Kết quả là tổng thống Diệm và ông Nhu bị giết, “Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng” được nắm quyền. Người Sài Gòn tuôn ra đường như đi
ăn mừng một ngày vui gì to tát. Vài nhóm người công kênh các tướng
làm đảo chính, đám đông thì lôi tượng Hai Bà Trưng xuống (vì cho là khuôn mặt
giống bà Nhu), nhiều đám khác thì hân hoan chào mừng lính đảo chính, vv... Hôm
sau chúng tôi đi học, sư huynh phụ trách lớp nói: “Khoan nghĩ là nước
mình rồi sẽ nhanh chóng trở thành văn minh như các nước tân tiến. Việc còn dài
”. Lúc ấy tôi không hiểu rõ ý của câu nói, nhưng thấy vui (với việc chế độ Diệm
sụp) là chuyện .. tự nhiên! Đến giờ khác, giáo sư toán vào lớp, anh em
nói: thầy cười đi! Thầy cười, bảo: “Hôm lính đến
là ngừa các lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất, nhưng thực sự nếu có gì là ở lớp Đệ
Tam”. Thầy trò vui vẻ như có điều vui lớn. Trong
cái hạn chế của mỗi người lúc đó, cứ ngỡ mình nghĩ đúng, mình có biết, thế mới
đáng tội nghiệp. Nào ai trong chúng tôi hiểu được nhân sinh vốn là
khổ hải, mà thân phận người dân một nước nhược tiểu là đại khổ hải, sinh
ra là đã có “cái quay búng sẵn trên trời”. “Dân trí nước ta so với
dân trí của nước Nhật, cứ như gà con so với con cắt già” lời cụ Phan Chu Trinh
nhận xét khi viếng Tokyo năm 1906, vẫn còn rất đúng!
Liên tiếp trong 12 tháng sau đó, Sài Gòn thay đổi chính quyền
đến 10 lần! Dưới các chính quyền mới, vẫn còn có tự thiêu, vẫn có đấu
tranh tôn giáo. Tướng Nguyễn Khánh nổi lên “chỉnh lý” các tướng đã đảo
chính ông Diệm và gọi họ có tội “thân Trung Lập”, rồi tuyên bố “quân đội là
cha” (của nhân dân!). Trong thời ông Khánh, Sài Gòn hầu như sống
trong tình trạng vô chính phủ. Sinh viên thì biểu tình đả đảo “Hiến Chương Vũng
Tàu” của ông Khánh. Các đoàn thể tôn giáo cũng liên tiếp thi nhau
“xuống đường”, rồi các thế lực đấu đá lẫn nhau ... ai cũng có thể đòi hỏi, hay
“biểu dương lực lượng”. Rất nhiều đoàn người, vũ trang với gậy gộc,
dao búa, gạch đá vv.. đi biểu tình và đập phá trong thành phố, kéo theo một số
trẻ con (và nhiều người lớn tò mò). Những đoàn người này đi lại tự
do, hễ có một tiếng còi nổi lên, và kẻ đi đầu đàn chỉ tay vào bất cứ một ai, là
đám đông sẽ nhào lại “làm thịt ”. Có đoàn của tôn giáo này xông vào
bộ Tổng Tham Mưu, lính gác phải nổ súng mới thôi. Có đoàn của tôn giáo kia đốt
một tiệm sách ở gần nhà tôi, xe cứu hoả tới, mấy người lính chữa lửa tay cầm
vòi rồng, hỏi kỹ: Có cho chữa không? Có mấy đứa trẻ gật đầu,
lúc đó nước mới bắt đầu phun ra được Cũng gần nhà tôi, có một
anh Mỹ (trắng) thuê một căn nhà. Anh ta vô tình trở về nhà vào lúc
đoàn người đang đi ngang. Thế là một tiếng còi thổi lên, cả đám đông
xông vào. May có nhiều người chần chừ nên anh nhanh chân thoát được,
chỉ có chiếc xe Honda bị đập nát và đốt cháy. Anh ta kêu điện thoại
sao đó mà có mấy xe cảnh sát chạy ngay lại, ném lựu đạn cay... Đây
là lần đầu tiên tôi nếm mùi lựu đạn cay. Nó làm cho không thở được, dù đã ráng
hít vào rất mạnh Tôi chạy ra xa, vẫn không thở được, phải mau chân
chạy xa hơn, càng xa càng tốt... Bây giờ nhớ lại, nghĩ nếu chỉ để giải
tán 1 đám đông, chỉ cần vài trái lựu đạn cay là đủ. Nếu chỉ muốn giải
tán ở đài phát thanh Huế trong đêm đó, lính của ông Diệm có cần tới vũ khí đâu
?
*
Những tháng ngày xáo trộn như thế cứ kéo dài liên miên trong
hoang mang làm mọi hoạt động bình thường của chúng tôi mất đi cả. Những
điều vui như tranh giải thể thao, văn nghệ , dự lễ lạc chung với các trường
“phe kia” vv... đều hầu như không có, cứ đến trường học xong là lo về
nhà liền. Những việc tôi còn nhớ được trong cả hai năm Nhị-Nhất
không nhiều như các năm khác một phần là vì thế.
Dù sao thì trường cũng lo cho việc học của chúng tôi rất đầy
đủ. Lớp tôi có ba giáo sư dạy toán (hình học, đại số và số học), môn
vật lý thì do sư huynh phó hiệu trưởng giảng dạy. Có lúc dạy về điện, thầy
nói: “sau này các con có muốn lãnh giải Nobel thì tìm vào ngành
khác, vì ngành điện lâu đời lắm, có bao nhiêu cái mới người ta tìm ra hầu hết rồi. Nhưng
mà thôi, ai có giải thưởng gì của thế giới cũng được cả, thầy cũng mong”.
Sư huynh phụ trách lớp tôi thì đảm nhận môn văn
chương. Trong những ngày tháng bên cạnh thầy, chúng tôi học được nhiều
điều hay về nhận xét của người xưa, ví dụ như những câu:
Minh quân lương tể tao phùng dị
Tài tử giai nhân tế ngộ nan
(Vua hiền tôi giỏi gặp được nhau tuy khó, nhưng còn dễ
Trai gái đa tài, đa tình và hợp nhau, có duyên được với nhau thì rất
khó)
Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại thâm sơn hữu khách tầm
(Có người dịch: Khó giữa chợ nào ai hỏi đến, chẳng
mua thù chuốc oán cũng thờ ơ.
Giàu trên non lắm kẻ tìm thăm, không ép dấu nài yêu mà rộn rịp)
Lúc đó trong lớp có một anh chàng vừa mới rửa tội. Học
trường đạo mà mới “trở lại đạo” thì rất được cưng. Một hôm, chàng ta
phá phách gì đó, nhưng chỉ bị phạt nhẹ là … bắt lên bảng chép bài thơ của Xuân
Diệu:
... Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Giữa vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy, rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy, xương mỏng manh
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò ...
Trong các bài thơ thầy cho chép, còn có hai bài không rõ ai
là tác giả, với những câu hay:
… Chết đấng nam nhi trả nợ trần
Chết bởi Đông Châu hồi liệt quốc
Chết vì Tây Hán buổi tam phân ...
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết ...
Thầy còn giảng thêm những câu như “Thiên Ngoại Hữu Thiên” (=
ngoài bầu trời còn có bầu trời khác), “Ý ư trung tức hình ư ngoại”, vv.. Câu thứ
nhì thì dễ hiểu, nhưng câu thứ nhất, lớn rồi mới thấy, thực là thâm thúy bao
la.
Ngày nay, nhớ về thầy, tôi chợt hiểu được một điều mà thưở đó
mình không biết: thì ra, dưới bề ngoài của manh áo tu hành nghiêm
nghị, bên trong của thầy tôi là một tâm hồn đa cảm, dạt dào.
Trong khoảng những năm tôi ở lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất, giới trẻ
Sài Gòn rất thích hai nhà thơ Nguyên Sa và Nhất Tuấn. Hầu như ai
cũng biết, ai cũng thích những bài như Cần Thiết , Áo Lụa Hà
Đông vv... của Nguyên Sa . Còn Nhất Tuấn là nhà thơ mới nổi. Thơ
Nhất Tuấn không có gì lạ – đây chỉ là một diễn dịch ý thơ của T.T.Kh. – lộng
trong một khung cảnh lãng mạn hiện đại có đượm không khí chiến
tranh. Nhưng Nhất Tuấn được yêu chuộng vì trong những tập đầu, bài
nào cũng tình tứ, nên thơ. Trong lớp tôi có bạn Huệ An rất thích Nhất
Tuấn và Nguyên Sa. Những giờ ra chơi, Huệ An hay đi bách bộ với tôi,
và đọc thuộc lòng cho tôi nghe những đoạn thơ Nhất Tuấn :
Chủ Nhật nào em cũng đợi chờ
Chỗ hẹn người ta đứng ngẩn ngơ
Hồi hộp lắng nghe từng tiếng máy
Nắng hồng làm thắm má ngây thơ ...
Dạo ấy xuân về em nhớ không
Anh ra vườn hái một bông hồng
Rồi cài lên tóc em anh bảo
Mừng tuổi cho em, vợ của chồng ...
Thưở mới yêu nên mộng rất nhiều
Chúng ta tình tứ biết bao nhiêu
Tranh nhau khi đặt tên con gái
Tưởng tượng tên con, bé Diễm Kiều ...
Chuyện tình này, chúng ta đoán được, là đến một lúc nào đó
thì tan vỡ. Để cho đượm màu thời sự, chàng thì đi khoác chiến y,
nàng vâng lời cha mẹ xuất giá tòng … người khác! Một thời gian sau,
nàng sinh con gái, viết thư cho chàng nhờ đặt hộ tên con. Chàng trả
lời :
Con người anh đặt làm sao được
Xin trả về em: Đặng Diễm Kiều
Huệ An họ Đặng, nên thích cái tên này lắm. Tôi cứ
tự hỏi, sau này giá như “đầu lòng nếu sẽ sinh con gái ”, không rõ Huệ An
có đặt tên con là Diễm Kiều hay không ?
Huệ An không chỉ dừng lại ở Nhất Tuấn và Nguyên
Sa. Một buổi sáng nào đó, Huệ An còn giới thiệu cho tôi bài “Mộng Dưới
Hoa” của Đinh Hùng (bài này về sau được phổ nhạc):
… Ôi mộng nào hơn giấc mộng này
Mùi phấn em thơm mùa Hạ cũ
Nửa như hoài vọng , nửa như say
Em đến như mây chẳng hẹn kỳ
Hương ngàn , gió núi đọng trên mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi, em nói đi ...
(Về sau, khi tôi đã đi du học đâu được mấy năm thì bạn bè viết
thư cho biết là Huệ An đã tử trận. Ôi thôi, cuộc chiến lại cướp mất
của tôi thêm một người nữa! Anh họ của tôi cũng đã mất, một viên đạn
bắn sẻ. Đứa bạn “trọc đầu” ở bên hàng xóm vẫn đánh bi đánh đáo chung
với nhau hồi còn tiểu học cũng đã mất, lũng ở lồng ngực! Trung “bóng
rỗ ” cũng đã mất ! An “bà già” cũng đã mất! Tôi không tin ở sự công
bằng của Thượng Đế . Ở đời này, cá lớn nuốt cá bé, các cường quốc đi
xâm lược các nước nhỏ, rồi dựng lên một chính quyền mà họ muốn để làm như trong
nước nhỏ có nội chiến với nhau. Khi con người đã trót nằm trong cái
vòng lẩn quẩn lầm than ấy, đừng mong gì phép lạ, đừng hòng chọn lựa. Một
hôm nào đó, bỗng dưng một tờ giấy kêu nhập ngũ hiện đến, thế là “phận trai già
cõi chiến trường”. Cầm khẩu súng mà không muốn đánh, nhưng rồi lâu
ngày mọi sự hoá thành quen. Tự nhiên trở thành phải tự vệ, giết hay
bị giết, cái ý niệm trăm con một mẹ ấp ủ ban đầu bị thui chột dần đi, chai đá
theo ngày tháng ... Vâng, xưa nay chinh chiến mấy ai về, nhưng
sao cứ phải là Huệ An, là Ngọc Trung, là Hồ Phi Hành? Sao
không chết đi những tên tướng tá buôn thuốc phiện lậu từ vùng Tam Giác
Vàng? Hay những tên tình nguyện đi lính cho quân đội thực dân Pháp,
sau này năm 1963 chỉ vì vài ngàn đô la mà làm trò dịch chủ tái nô ? (4) )
Đặng Huệ An, tuyển thủ đoàn bóng rỗ của toàn trường, một con
người hiền lành với nhiều mộng mơ cho cuộc sống, đã phải xuôi tay nhắm mắt lúc
còn rất trẻ, còn ở tuổi yêu đương nồng nhiệt ... Xin cho chưa có một
chị Huệ An, để đừng có một cuộc sinh ly tử biệt! Xin đừng có một bé
Diễm Kiều còn đang chập chững, vì Huệ An đã nằm xuống :
Nay vào đời đôi chân non vấp ngã
Sao nâng con qua vạn lớp sương mù !
[thơ Cao Tần]
*
Ngày tháng qua nhanh, năm cuối cùng rồi cũng hết. Vì
còn một kỳ thi Tú Tài sẽ đến khoảng một tháng sau đó nên thuở ấy không trường học
nào tổ chức lễ tốt nghiệp . Chúng tôi chia tay nhau, rồi “rợp trời
muôn vạn cánh tung bay ”, biết đâu trong đám anh em chúng tôi, nhiều cánh
chim sẽ không bao giờ có thể bay về để ghé ngang trường cũ.
Mùa Xuân năm sau, tôi đi sang Nhật Bản, một xứ tuy gần mà còn
rất xa lạ đối với người Việt. Trong những năm tháng mới qua, từ
phương xa ngó về quê hương với nhiều ái ngại: không quân Mỹ thì tăng
cường ném bom ào ạt trên đất Bắc, B-52 và thuốc khai quang rải khắp ở miền
Nam. Tình hình chính trị trong nước thì rối loạn, Đà Nẵng “ly khai”,
chính quyền đưa quân ra “tái chiếm” thành phố, nhiều đoàn thể tôn giáo mang cả
bàn thờ xuống dưới đường để ngăn cản ... Qua báo chí và các phương
tiện truyền thông của Nhật Bản, tôi biết dần về thực chất của cuộc chiến Việt
Nam. Thưỏ ấy, cả nước Nhật sôi động theo cuộc chiến trên đất Việt
: một bên là các đoàn thể dân chúng, sinh viên, giới trí thức,
vv... Họ rất có cảm tình với dân tộc Việt Nam, và không nỡ nhìn một
nước nghèo yếu bị bắt gánh chịu những khổ đau phi lý. Họ đặt vấn đề
với chính phủ họ, hỏi tại sao nhắm mắt đi theo trong một cuộc chiến
phi nhân? Bên kia là chính quyền Nhật và giới kỹ nghệ, ngân hàng,
hãng xưởng. Họ sung sướng với những thu hoạch “Đặc Nhu Việt Nam”,
nghĩa là những thu nhập lớn qua việc sản xuất quân dụng quân nhu, tiếp viện hậu
cần vv... cho quân đội Mỹ. Dư luận báo chí Nhật Bản đần dần hướng
theo những suy tư của đám đông quần chúng, đi từ vị trí nói theo chính quyền
sang việc viết lách với lập trường riêng. Nhiều cựu quân nhân Nhật, thuở trước
đã trải qua những khốc liệt của trận chiến Thái Bình Dương, cũng bày tỏ cảm
tình sâu xa với những khó khăn và sự bền bĩ kiên cường của dân tộc Việt.
Trong khoảng những năm tôi vừa xong đại học, tờ New York
Times tung ra những tài liệu mật của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers). Không
bao lâu sau đó, tôi tình cờ tìm được cuốn sách của Alfred McCoy, nói về dùng
Nha Phiến vào Chính Trị ở Đông Nam Á (The Politics of Heroin in Southeast Asia). Đó
là kết quả những gì Thượng Viện Mỹ muốn biết: Trong những năm khi
chiến tranh còn ở cao độ, lính Mỹ ở Việt Nam nghiện ma túy rất nhiều, nhưng
người Mỹ chỉ bắt đầu lo khi ma túy tràn vào xứ họ. Nhờ có điều
tra, Thượng Viện Mỹ biết rõ thêm chuyện các chính phủ của Mỹ đã tăng cường tái
thiết khu “Tam Giác Vàng” với mục đích lập lại cuộc Chiến Tranh Nha Phiến như
xưa, nghĩa là đẩy nha phiến vào phần đất lục địa cho dân Trung Quốc nghiện ngập
như hồi trước 1841. Việc thất bại, và nha phiến chạy ngược đường,
tràn qua Mỹ. Con đường chuyển hàng là trục Vạn Tượng hay Băng Cốc,
Nam Vang, Sài Gòn. Riêng ở Việt Nam, quân xa và các phương tiện khác
của quân đội như giang đỉnh, phi cơ, được dùng để chở “hàng” đi . Tên tuổi của
các tướng tá Việt Nam có quan hệ, kể cả cấp cao nhất, đều được công bố rạch ròi
đầy đủ.
Đọc cuốn sách, tôi bật ngữa. Ôi thôi, các bạn của
tôi, lúc đó nhiều người đã là lính tráng. Ngoài chuyện sống hằng
ngày trước mũi tên hòn đạn, các bạn có vô tình bị người ta âm thầm bắt đi bảo vệ
những chuyến hàng đó hay không? Nằm trong guồng máy, ai cho mình biết
cấp trên đang điều động mình làm những gì ?
Dĩ nhiên những việc như trên chỉ dễ dàng khi chiến tranh càng
được lên cao, mà cuộc chiến thì ngày càng sôi động ... cho đến khi nước Mỹ quyết
định rút ra khỏi Việt Nam . Họ dội bom, rồi đàm phán thương lượng, rồi
dội bom, rồi thương lượng. Rồi Hiệp Định Paris (1973) được ký kết, rồi
quân Mỹ rút. Hôm Hiệp Định Paris được ký kết, báo chí Nhật Bản loan tin lớn nơi
trang nhất: “Chiến Tranh Việt Nam Chấm Dứt”! Hai năm sau, chiến
tranh chấm dứt thật.
Bao giờ cho hết chiến chinh
Trở lại gia đình con mới gặp cha
Bao giờ cho hết can qua
Những đoàn chiến sĩ đường xa quay về
[tác giả?]
Nhưng chỉ có phân nửa tổng số của các chiến sĩ quay về thực sự. Những
người trong quân đội Sài Gòn, đa số là những quân nhân bất đắc dĩ, chỉ có trở về
một thời gian ngắn, rồi hầu hết đi vào các trại học tập cải tạo. Trên
phương diện an ninh, việc cách ly số cựu quân nhân rất đông đảo đang sống trong
lòng xã hội là một chiến lược cần thiết, nhất là trong giai đoạn chiến tranh vừa
mới xong. Nhưng cách ly không có nghĩa là trừng phạt, đó là điều không
cần thiết. Chỉ trừ một số người có tội thực sự, đa số đều là thanh
niên lớn lên ở miền Nam, bị vào lính mà không thể có chọn lựa nào
khác. Để cho thêm bao nhiêu nước mắt đổ ra, thêm bao nhiêu đau
thương tan vỡ sau khi hoà bình đã trở lại, là việc hoàn toàn không cần thiết. Đâu
là điều “thương yêu con nhỏ của người như con nhỏ của mình” ?
*
Mãi bao nhiêu năm sau 1975 tôi mới trở về được. Tính
ra cũng hơn 13-14 năm xa đất nước, tự nghĩ thôi mình cũng may mắn hơn ... nàng
Kiều !
Đến Sài Gòn thì đã xế chiều. Thành phố khá trầm lặng
hơn tôi nghĩ, chỉ có những chiếc loa thì thật ồn ào. Tôi chen ngay
vào giòng người xuôi ngược để “nghe xôn xao tiếng Việt ở quanh mình”, để tìm lại
cái mùi không khí “Sài Gòn” quen thuộc mà nơi xứ người không
có. Con đường Lê Lợi với phố xá nằm chỉ một bên vẫn còn đó, cái đồng
hồ lớn trước chợ Sài Gòn vẫn còn đó, nhà ga Sài Gòn vẫn còn đó ... Những ngày
xưa khi còn đi học, mỗi buổi sáng tôi thức dậy theo tiếng còi xe lửa hú khi đến
bến. Bao nhiêu năm xa cách, nhưng tiếng còi vẫn cứ như vọng vang
trong những khi nằm ngủ. Ôi cái nhà ga cũ kỹ, hôm nay tôi đã về đây,
xin cám ơn người vẫn còn đứng bao năm không mòn mỏi, chung thủy đợi ai về ...
Khoảng mười ngày sau, tôi đạp xe đạp tới trường, vừa đi vừa
miên man tưởng tượng: Hẵn vẫn còn những em bé đọc ê a trong dãy lớp
học dọc theo đường Lê Thánh Tôn? Hẵn cái sân chơi vẫn đầy tiếng hét
la, đùa giỡn? Cái cổng sắt to lớn đó, chắc tôi sẽ phải đi vào phía
bên trái như những lần đi học trễ ngày xưa? Hẵn các thầy cũ của tôi
sẽ rất ngạc nhiên và bỏ lững buổi giảng trong giây lát để chạy ra nắm tay
tôi? Rồi dần dà sẽ nói chuyện với nhau. Tôi sẽ xin nói với
thế hệ sau là tương lai của một nước nằm ở lớp người 15 tuổi, không phải ở lớp
tuổi như tôi hay lớn hơn. Với thầy cũ, sau những hàn huyên mưa nắng,
tôi sẽ nghe được các thầy nói những bước ban đầu bao giờ cũng khó, và nước ta
thì mới qua một cơn chiến tranh như ác mộng dài. Từ bao nhiêu năm, cả
hai miền xứ ta đều không hề sản xuất, thành ra
Hỏi thóc đâu mà cầu Công Cẩn
Lấy vàng đâu mà vận Tử Phòng?
[thơ Phan Bội Châu]
Tôi sẽ tìm lại những chiếc bàn cũ kỹ với nhiều dấu mực lem và
vết khắc ngây ngô, sẽ vuốt lên mặt bàn để có cái cảm giác như mình vuốt ve đụng
chạm được tuổi thơ. Sẽ bước dần theo những con đường nhỏ dưới mấy rặng
cây cao để nhớ những ngày đi bách bộ với Đặng Huệ An. Sẽ nhìn kỹ cái
chuông nhỏ vẫn hay giục giã chúng tôi vào học hay báo giờ ra về ... Sẽ tìm lại
những đoá hoa lan đất xinh xinh mọc trên bãi cỏ, và sẽ
Sờ hòn đất cho tay mình lấm bụi
Bụi quê hương mà gió mấy cuộc đời
[thơ Nguyễn Hồi Thủ ]
Thực ra tôi đã chủ quan quá mức: ngôi trường vẫn
còn đó, nhưng khi tôi đến nơi “thì đà cửa đóng then gài ”. Chỉ
có phía bên kia đường, nơi một khâu của nhà Bưu Điện Trung Ương, là có người vì
thiên hạ đang chen chúc nhau lãnh hàng quà từ ngoại quốc gửi về. Hỏi
thăm, không một ai biết trường bây giờ đã như thế nào. Đành ra về! Đây
không phải là sự việc đầu tiên. Mấy ngày trước đó, khi đi tìm bạn bè
thân quen thưở trước, nhiều lần tôi đã lâm vào cảnh
Hỏi nhà, nhà đã dời xa
Hỏi Vương Quan với cùng là Thúy Vân
Đều là sa sút khó khăn
May thuê viết mướn, kiếm ăn lần hồi
Nhưng cũng may, sau đó có người bảo tôi nếu đến trường La San
Hiền Vương thì có thể tìm được. Khi tôi đến hỏi, một bà còn trẻ –
hình như là hiệu trưởng – mặc quần đen áo bà ba, cho người đi vào trong kêu một
người khác. Lát sau, một vị sư huynh rất lớn tuổi xuất hiện. Chỉ
cho tôi xong, ông bỗng hỏi thêm: “Thầy ấy đi tu, chắc phải có tên
thánh là gì chứ?” Nghe tôi nói trúng, đôi mắt vị sư huynh bớt đi phần
ái ngại. Thưở ấy, vàng thau lẫn lộn, ai có thể yên tâm được việc gì
!
Rồi nhờ đó, tôi tìm được vị thầy cũ của tôi hồi Đệ Nhị (và Đệ
Nhất). Thầy đã già lắm, không còn cái nhanh nhẹn của những năm
xưa. Chuyện vãn hồi lâu, tôi hỏi thăm, thầy trả lời chậm
rãi: “bây giờ thầy chỉ dạy Pháp Văn thôi, không được dạy Văn Chương
nữa em ạ ”.
Tôi nhìn kỹ thầy: cơn thử thách của thời cuộc quá
lớn nên những dấu vết mệt mỏi hiện rõ ràng trên vầng trán. Thưở ấy,
nền kinh tế còn khốn khó, đồng lương của một nhà giáo nào thấm tháp được là
bao! Xưa nay, với cuộc sống tập đoàn trong trường cũ, có bao giờ thầy
phải lo lắng đến những chuyện như tự mình đi chợ, nấu ăn, hay tính toán về sinh
kế? Bỗng dưng vật đổi sao dời, tự nhiên phải tập quen dần với hoàn cảnh
mới trong một tình trạng vật chất thật eo hẹp, cái khó khăn như thế nào, chẳng
cần phải nói.
Nhưng phần tinh thần mới quan trọng. Đang là vị
giám học đệ nhị cấp, nắm hết quyền điều hành chương trình học cho bao nhiêu lớp
cấp cao – và làm giáo sư của một trường trung học rất
lớn, hàng ngày quen giảng dạy luận bàn với những lứa học trò đã hiểu được những
ý niệm như “minh quân lương tể”, “tịch tà cự bí”, “thiên ngoại hữu thiên”
vv... – nay được “lưu dụng” xuống dạy ở trường cấp dưới,
đã không phải ở trong sở trường và ý thích của mình đã đành, lại hằng
ngày cứ “đối thoại” với một đàn trẻ vừa mới qua cái tuổi ê a ... Mỗi khi ngừng
nghỉ lại, nhìn qua hàng ngang thì đồng nghiệp chỉ toàn là những giáo
viên được đào tạo cho các cấp thấp; ngó lên hàng dọc thì bên trên của
mình chưa chắc biết được thế nào là đối xử với trí thức, thế nào là
phương pháp giáo dục, có khi cũng chưa thấu suốt được chữ nghiã của thánh hiền
...
Cho nên phải nói là cái chén đắng của cuộc đời quá lớn, nhưng
vì tin vào thượng đế, thầy không thể ngẩng lên mà than trách “ngất ngưởng thay
con tạo khéo cơ cầu”. Tuổi đời cũng đã cao, thầy cũng không thể tự
an ủi mình rằng “thiên sinh hào kiệt bất ưng hư”. Điều duy nhất
mà thầy có thể làm được, là cố gắng và cam chịu – nhưng hẳn
cứ vơi đầy với những cảm nghĩ “ta sống mãi trong tình thương nỗi
nhớ ”,
Tiếc thân Kỳ Ký tra vào rọ
Rút ruột tang bồng trả nợ cơm
[Cao Bá Quát]
Chỗ thầy dạy là ngôi trường ở đường Phan Đình
Phùng. Nơi đó có hai trường khác nhau, nhưng tôi không biết (cứ ngỡ
chỉ có một). Những năm sau, tôi lại cứ đến trường Phan Đình Phùng mà
kiếm, nên chẳng gặp được thầy. Bẵng đi bao nhiêu năm, mãi
gần đây, mới được tin thầy đã qua đời do một tai nạn xe cộ. Ôi cái
chết bất ngờ, mang luôn theo trong tấm thân gầy gò ốm yếu đó cả một khối tinh
anh chữ nghĩa, và một tâm hồn lai láng dạt dào. Thầy ra đi trong lúc
làm việc giáo dục, thôi cũng là “chết đấng nam nhi trả nợ trần”, như thầy
vẫn hằng tâm nguyện.
Thầy không còn nữa, tôi mong cho thầy được gì
đây? Tôi không tin vào Thượng Đế, nhưng tôi
nghĩ – nếu có thật, Thượng Đế phải là một vị rất
công minh và tôn trọng sự công bằng trong trời đất, phải công bằng với một người
đã vì ngài mà suốt đời ấp ủ một niềm tin. Nếu cần phải có lòng thành
– và phải có van xin – thì tôi đây, một kẻ không tin vào
trời thần quỷ vật, nhưng sẽ xin rất thành tâm và khép nép để cầu nguyện, nếu
nguyện cầu có thể đem lại gì được cho thầy:
Cung chúc Trinh Vương, mẹ quyền phép khôn lường
Vì mẹ là mẹ Thiên Chúa, mẹ nữ vương muôn loài
Cung chúc Trinh Vương, là nhân ái yêu đương
Mẹ cứu giúp ai lạc bước, ai khốn khổ trên đời ...
Mẹ từ bi , ngày nay ai đến nép thân?
Dưới áo mẹ lành – che khuất bao u buồn nơi khóc than
… Ôi Maria , ôi mẹ từ bi lân tuất
Thương một linh hồn ngẩn ngơ trông ngóng, mẹ cực khoan !
[theo các bài thánh ca]
*
Trường cũ của tôi, nay không còn nữa. Tôi không rõ
cách xử lý như thế nào, nhưng thực tế thì trường đã trở thành của chính phủ (chỉ
trừ một ngôi nhà còn để làm nơi cư ngụ cho các thầy vẫn ở trong trường
xưa nay). Cũng không hiểu rõ đây chỉ là xử lý tạm thời hay như thế
nào, vì từ 1975 đến nay cũng đã 29 năm, không thể xem một việc gì là “tạm thời”
khi nó đã kéo dài đến thế!
Những trường khác ở Sài Gòn như Petrus Ký (Lê Hồng Phong),
Gia Long (Minh Khai), vv... là trường của chính phủ. “Những gì của
Ceasar trả lại cho Ceasar”’, “những trường của chính phủ, trả lại cho chính phủ ”, điều
đó rất phải. Nhưng trường cũ của tôi là trường tư, nghĩa là nó có chủ,
chủ của nó là những kẻ tu hành mà Thượng Đế thì không có mặt, vậy chủ nó là ai?
Một số rất ít những sư huynh đã lớn tuổi còn lưu ngụ trong đó, tuổi già cứ như
chiều nắng, còn được bao nhiêu ngày sót lại để sống nốt cuộc đời của những vị Ngu
Công?
Bảo rằng Sài Gòn bây giờ đất chật người đông, cho nên cần trường
sở. Nhưng đã thiếu thì có thêm một ngôi trường cũng không đủ, chuyện
không đáng, vì vấn đề trước sau vẫn là “trận địa đây mở giữa lòng người ”.
Tôi hiểu ban điều hành của trường ngày trước có khuyết điểm,
nhưng đó là vấn đề nhận thức chưa đủ, không phải cố ý. Tên trường
là La-San Taberd, có lẽ là được đặt từ thời Pháp thuộc và không ai nghĩ đến
chuyện phải đổi tên đi. Những linh mục như Taberd, Puginier, vv...
là những người đến Việt Nam để “xô con đỏ xuống hầm tai vạ”. Qua những
việc ông Taberd làm, cái tên Taberd đã đi liền với hình ảnh
Cờ tam tài đi đằng trước
Mút-cờ-tông, mi-trai-zét đi đàng sau (5)
Nhưng nếu chỉ vì một việc không đủ ý thức là đã để cho cái
tên một người nằm nghênh ngang trước lịch sử vùng lên của dân tộc mà thành có tội
thì quả thực chả đáng là tội. Trong thế giới mà chúng ta
đang sống, chúng ta thuộc về hạng nghèo yếu, trước mắt còn phải đương đầu với
biết bao nhiêu nước lớn nhỏ khắp nơi. Vừa yếu, vừa nghèo, chúng ta dựa
vào đâu? Phải chăng cái chọn lựa duy nhất là làm như Bình
Định Vương Lê Lợi :
Khắp tướng sĩ một lòng phụ tử
Ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ
Ngày trước, Hồ Hán Thương có nói: “không sợ việc khó làm,
nhưng chỉ sợ lòng người ly loạn”. Nguyễn Trãi cũng nói: “không sợ việc
khó thành, mà chỉ sợ lòng người không định”. Quang Trung Nguyễn Huệ
bao giờ cũng lo ngại: “khó thì không sợ, ta chỉ lo lòng nhân sĩ Bắc
Hà”. Cách nói có khác nhau, nhưng chung qui cũng chỉ nằm ở một điểm: “trăm
họ cảm phục thì sự nghiệp lâu dài ”.
Ở các nước chậm tiến, vấn đề tôn giáo là một vấn đề cũ mà mới.
Các ông Huntington của thời đại bây giờ chắc chắn sẽ không nói: “chỉ
cần vài chiếc xe tăng ”!
*
Nhờ có hệ thống email , tôi may mắn được gặp lại vị thầy cũ
thời Đệ Tứ để thầy trò vẫn còn có thể cùng nhau trò chuyện. Với cả
hai, bây giờ ngôi trường cũ là cả một vùng trời kỷ niệm, là một phần rất lớn của
tâm hồn. Thầy trò vẫn nói với nhau, từ khi có Darwin trở
đi con người mới để ý tới sự tiến hóa, nhưng tự ngàn xưa, con người đã luôn
luôn phải tiến hóa để tồn tại. Trường cũ của tôi – mang cái tên
LaSan Taberd lúc đó – là một việc không thuận theo sự tiến hóa, vô
tình đi ngược lại vòng quay của bánh xe lịch sử và niềm thổn thức của dân tộc. Sự
vô tâm đó còn được chứng minh ở chỗ này hay chỗ khác, dù là nó ở góc độ nhỏ
hơn. Nhưng lỗ nhỏ cũng chìm thuyền, không việc gì cứ phải hát đi hát
lại mỗi ngày mà không bao giờ suy nghĩ:
Và lòng tôi mừng vui chan chứa
Vì đấng muôn loài cứu chuộc tôi
Như hứa với tổ phụ Abraham
Và giòng dõi muôn đời Israel xưa !
[Magnificat]
Trong những ngày dầu sôi lửa bỏng ở miền Nam – khi vấn đề hài
hòa giữa tình dân tộc và đức tin được đặt ra – giới trí thức Công Giáo ở Việt
Nam có đưa ra câu hỏi: Người Việt Nam Công Giáo hay người Công Giáo
Việt Nam? Nghĩa là với một giáo dân, người đó là người Việt Nam trước
hay là một người Công Giáo trước? Chọn lựa cái nào trước đi nữa,
cũng nên nghĩ có liên quan gì đến ông Abraham và Israel hay không? “Thiên
ngoại hữu thiên”, ngoài cách mà chúng ta vẫn suy nghĩ vẫn còn những “bầu trời”
khác. Vấn đề nằm ở chỗ như thế này: ngay như Thượng Đế là
bậc chí công chí thánh đi nữa, con người cũng phải xích lại gần (hay có ý hướng
xích lại gần) cái đã, mọi sự mới bắt đầu được thay. “Bình an dưới thế
cho người thiện tâm ”, cái thiện tâm đó, ít ra cần phải trông thấy được, cảm
nhận được. Cái gì không tiến hóa thì sẽ tiêu diệt. Vạn vật
cỏ cây hay hành tinh vũ trụ đều thế cả, huống chi chỉ là con người?
Có lẽ tất cả chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ lại, để trong
tương lai, mọi điều sẽ được cải thiện.
Les hommes passent
Les monuments tombent
Ce qui reste
Ce qui survit
C’est la pensée humaine
Nhân loại qua đi
Đền đài sụp đổ
Cái còn lại
Cái sống sót
Đó là tư tưởng (hay sự suy nghĩ) của con người.
Đời người vốn ngắn ngủi mà thời gian thì lúc nào cũng trôi
nhanh vùn vụt. Ngày nào tôi trở lại Sài Gòn lần nữa, biết có sẽ còn
thấy được
Dưới bóng cây kia trường học ta
Đang chào đón
Lòng thiết tha
Như những lời đầy hoài niệm trong bài ca ngày cũ hay không?.
Chú thích:
1. Qua công điện DEPTEL 243 ngày
26-8-1963, và xác nhận qua công điện ngày 29-8-1963.
2. Khẳng khái hưởng ứng
việc cần vương (giúp vua) thì dễ, thung dung sống giữ nghĩa (với vua) là chuyện
khó. Đây là tâm trạng của các Văn Thân sau khi vua Hàm Nghi đã bị bắt,
phong trào Cần Vương do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo cũng bị tan rã.
3. Chính quyền
có gây ra vụ nổ hay không, đến nay vẫn còn là điều chưa rõ ràng.
4. Dịch chủ
tái nô = đổi chủ (khác) để lại làm đầy tớ.
5. Cờ tam tài là cờ ba
sắc, quốc kỳ nước Pháp. Mousqueton là loại súng trường
cũ. Mitraillette là súng tiểu liên.
4-2004Tôn Thất Phương
Tôn Thất Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét