Đền Bạch Mã
Khi đặt chân lên đất Võ Liệt (Thanh Chương), tôi ngỡ ngàng
trước vẻ đẹp của mảnh đất trung du phía tây nam xứ Nghệ này. Rồi khi vào đền Bạch
Mã, tôi chợt hiểu rằng con người cứ bước đi, đôi khi vô tình, trên nhiều xứ sở
khác nhau mà không thực sự hiểu được mỗi mảnh đất, mỗi nhành cây, mỗi cụm khói,
mỗi nén trầm hương, mỗi gốc đa, gốc đề… là nhường ấy điều sâu kín linh thiêng của
đất trời. Trong nhịp sống hiện đại mà chúng ta đang có, mỗi phút giây ở nơi ấy
đối với tôi là một nỗi thanh thản màu nhiệm.
Nằm
trên vùng đất rộng 4002m2, đền Bạch Mã quay mặt ra dòng sông Rộ hữu tình, nơi
dòng nước xanh mềm mại sẽ đổ về sông Lam, rồi về biển. Đất, sông, biển cứ thế
mà giao hòa, trong bản nhạc bất tận của vũ trụ. Còn đây, đền yên ả nằm trên mảnh
đất rộng, thoáng của xã Võ Liệt, yên ả như bao đời nay vẫn thế, từ thời Lê Lợi
dấy binh khởi nghĩa chống giặc Minh. Tượng đôi voi quỳ gối bên cạnh người quản
tượng ở tam quan trông uy nghiêm và bình lặng. Bắt đầu từ đó, một không gian trầm
lắng và se lạnh buổi đầu xuân dẫn dắt tôi vào vùng tâm linh ấy. Bầu không gian
giống như một nốt nhạc trầm.
Chúng tôi ghi tên để
làm lễ, thắp hương ở hạ điện, trung điện, thượng điện. Khói hương bay bảng lảng
ảo hư. Khói tràn vào các ban thờ, làm nhòa mờ hương án. Khói xen vào từng nét
chạm rồng, chạm phượng. Khói bay cay xè mắt người… Không hiểu sao tôi thích cái
cảm giác ấy, lúc khói hương làm mắt như rưng rưng. Cảm giác như mình đã chạm đến
được vùng linh thiêng, hay ít ra đang thấy được nó hiện hữu. Bước vào khu tả
vu, hữu vu, tôi uống thứ nước chè xanh sóng sánh vàng của Thanh Chương, thấy
lòng dịu lại. Một vài người cạnh tôi tự tay têm trầu rồi nhai nhóp nhép. Một
chút nhăn mặt vì vị cay, một nụ cười đỏ thắm màu trầu, và gương mặt ửng đỏ vì
lâng lâng say… Người thủ từ ngồi xuống cạnh bàn. Ông tên là Phúc, có gương mặt
nhiều nếp nhăn và đôi mắt sâu. Khuôn mặt ông cũng như tự ngàn xưa. Ông kể về tuổi
thơ theo ông nội vào đền, về mấy chục năm gắn bó với mảnh đất này, về những lễ
hội hàng năm diễn ra vào tháng 6 âm lịch, người tới đông đến nghẽn đường từ cầu
Rộ… Bây giờ, lễ hội chuyển sang
tháng
Để hòa vào với không khí lễ hội đầu năm của toàn dân tộc.
“Lễ hội là một nét đẹp văn hóa của Thanh Chương, - người thủ từ nói - nhằm hướng
về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân ta. Đền Bạch Mã được lập từ thế kỷ XV để ghi nhớ công lao Phan Đà, một dũng tướng của Lê Lợi đã hy sinh khi còn rất
trẻ, trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh”. Tôi hỏi về cảm tưởng vào đền những
ngày còn nhỏ, ông Phúc kể 11 tuổi đã theo ông nội cũng làm thủ từ ngôi đền này
vào đây, lần đầu tiên đã thấy gắn bó với nó như một nơi thân thiết. Ông dần
quen với mùi hương trầm, dần quen với từng gốc cây trước cửa, quen từng nét câu
đối, từng góc đền cong. Ông quen để rồi thân, để rồi gắn bó cả cuộc đời…
Dành
một khoảng thời gian ngắn ngủi, tôi ra sân trước cửa chính của đền, một mình, để
ngắm khoảng trời Võ Liệt. Những cây cổ thụ vẫn còn giấu trên thân cành trơ trụi
chút lặng lẽ của một mùa giá lạnh. Nhưng mùa xuân đã đến rồi, trong mây trời hửng
sáng và trong gió nồng nàn. Đầu năm, người người cùng nhau đi hành
hương về một nơi linh thiêng để nhìn về quá khứ, lịch sử, để tưởng nhớ và để
nguyện cầu. Thật êm ái, thật dịu dàng khi ta có nơi nào đó quay về
chiêm bái.
Tp.
Vinh, 19/2/2008
Phạm Quỳnh An
Theo https://sites.google.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét