Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Ca khúc vượt thời gian - “Tiếng thời gian”, “Hình ảnh một buổi chiều"”, “Tơ sầu”, “Khúc nhạc ly hương”, “Trở về dĩ vãng”

Ca khúc vượt thời gian - "Tiếng thời gian", 
"Hình ảnh một buổi chiều", "Tơ sầu", 
"Khúc nhạc ly hương", "Trở về dĩ vãng"

Nhạc sĩ Lâm Tuyền xuất hiện trong làng Tân Nhạc Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 1950, nhưng thân thế của ông thì cho đến nay người ta cũng biết rất sơ lược: Ông vốn người Huế, nhưng sớm vào Saigon, kiếm sống bằng mở lớp dạy guitar và chơi nhạc cho các phòng trà. Ông nổi tiếng là một nhạc sĩ độc tấu guitar rất độc đáo thời bấy giờ. Sau 1975 ông có tìm cách vượt biên nhưng không thoát. Ông mất ở Sài Gòn vào khoảng đầu thập kỷ 1990.
Nhà báo Hoài Nam trong 70 năm Tình Ca Việt Nam than:
“Với một nhạc sĩ để lại cho đời những ca khúc tuyệt vời như Khúc Nhạc Ly Hương, Hình Ảnh Một Buổi Chiều, Tiếng Thời Gian, Tơ Sầu, Trở Về Dĩ Vãng... thì cái sự không biết hay biết quá ít ấy quả là vô tình, đáng buồn và đáng trách”.
Nhạc sĩ Lâm Tuyền và ca sĩ Giao Linh

Nhà thơ Du Tử Lê coi trường hợp ông là một bằng chứng về tính đố kỵ của định mệnh:
“Một trong những tài hoa rất mực của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm, theo tôi, là cố nhạc sĩ Lâm Tuyền.
“Ông là tác giả của những ca khúc từng được những người cùng giới coi như kinh điển. Ðó là những tình khúc còn lưu truyền tới hôm nay, với nhịp đập của trái tim rực rỡ tài hoa trong tác phẩm, không vì thời gian mà giảm sút phần rưng rưng. Thổn thức”.


Ca sĩ Quỳnh Giao, là người trong giới, cũng viết:
“Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa “phôi thai”, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.
“Các nhạc trưởng có tài năng như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông”.
Ca sĩ Quỳnh Giao đã phân tích chi tiết hơn về một số khía cạnh chuyên môn trong các nhạc phẩm của Lâm Tuyền, vốn cũng không nhiều, chỉ chưa đầy 10 bài.
Dưới đây mình có các bài:
– Tác giả “Tiếng Thời Gian”, Lâm Tuyền, bằng chứng khác của định mệnh nghiệt ngã
– Tạp Ghi Quỳnh Giao: Lâm Tuyền và Giấc Mơ Sông Hồ
Cùng với 13 clips tổng hợp các ca khúc “Tiếng Thời Gian”, “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, “Tơ Sầu”, “Khúc Nhạc Ly Hương”, “Trở Về Dĩ Vãng” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
Theo Trở về dĩ vãng - Lâm Tuyền
Tác giả “Tiếng Thời Gian”, Lâm Tuyền, bằng chứng khác của định mệnh nghiệt ngã
Du Tử Lê
Tôi vẫn nghĩ, người lạc quan, rộng lượng cách mấy, cũng không thể không nhận ra, trong lãnh vực văn học, nghệ thuật, nếu có những tên tuổi được biết đến, nhắc nhở nhiều, không hề vì tài năng thật thì, chúng ta cũng có không ít, những…
… tài hoa lớn, bị định mệnh hàm hồ, đố kỵ đẩy vào quên lãng.
Tính đố kỵ hay bản chất nghiệt ngã của định mệnh trước những tài hoa ngoại khổ, dường không bỏ sót một vùng đất, một thời đại nào.
Lịch sử văn học, nghệ thuật thế giới ghi nhận, có những tài hoa xuất chúng, khi sống bị lãng quên, bằn bặt. Nhưng cuối cùng, trên nấm mồ của họ, khi cỏ đã xanh, những vồng hoa rực rỡ nhất, đã được nhân gian biết ơn. Ngợi ca. Tưởng tiếc. Dẫu muộn màng.
Nói vậy, không có nghĩa tài năng ngoại khổ nào, cuối cùng, khi đã nằm xuống, cũng được định mệnh tỵ hiềm, ganh ghét hồi tâm, buông tha! Thực tế, vẫn có những tài năng lớn, cuối cùng, khi nấm mồ được lấp thì, nó lại như một tầng lãng quên khác, phủ thêm lãng quên lên di hài người quá cố!
Cũng thế, đành hanh định mệnh kia, không quên Việt Nam.
Tôi muốn nói giai đoạn văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm, dù ngắn ngủi, nhưng chẳng vì thế mà được định mệnh miễn trừ.
Một trong những tài hoa rất mực của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm, theo tôi, là cố nhạc sĩ Lâm Tuyền.
Ông là tác giả của những ca khúc từng được những người cùng giới coi như kinh điển. Ðó là những tình khúc còn lưu truyền tới hôm nay, với nhịp đập của trái tim rực rỡ tài hoa trong tác phẩm, không vì thời gian mà giảm sút phần rưng rưng. Thổn thức.
Có thể chúng ta không biết tên những ca khúc như “Tiếng thời gian,” “Hình ảnh một buổi chiều” “Tơ Sầu, hay “Khúc nhạc ly hương,” “Nhắn người viễn xứ” hay “Lặng lẽ,” “Trở về dĩ vãng”… Nhưng tình cờ, đâu đó, chí ít cũng một lần, chúng ta đã nghe:
“Ðàn chim tung cánh xa khuất mờ
Chiều thu lưu luyến màu thương nhớ
Nhớ mái đầu ai nhuộm nắng vàng
Buồn biết bao giờ cho hết nguôi…” (1)
(Theo Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở)
Ðó là đoạn mở đầu của ca khúc “Hình ảnh một buổi chiều.”
Vẫn với ca khúc “Hình ảnh một buổi chiều” nhạc Lâm Tuyền, lời Dạ Chung (bút hiệu một thời của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc,” những người yêu nhạc ở thập niên (19), (19) 60, nhiều người chưa (nếu không muốn nó là sẽ) khó quên câu:
“Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả! Anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm thắm mái tóc em” in đậm đầu ca khúc. (1)
Hoặc:
“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng
Từng đàn chim bay trong hoàng hôn
Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi
Khuất bóng Kim Ô, chiều tàn lâm ly
Mây trời bao la!
Lòng buồn sầu ước, như lũ chim quyết tung cánh trời mây
Bao nhiêu giông tố hề chi
Bao nhiêu mưa gió biệt ly
Thề quyết ra đi từ đây…”
Ðó là đoạn đầu của “Khúc nhạc ly hương.” (2)
Hoặc nữa:
“Với ánh tơ sầu, sắc thắm muôn màu
Làm cho tim ta tê tái thương đau
Với ánh tơ sầu, ném xuống nhân loại
Làm cho bao giống người sầu đau.
Người nhạc sĩ kia ơi
Buồn thương, tương tư chờ ai?
Ðời người tươi thắm, sáng như ngàn sao
Nguồn nhạc tinh túy, xướng trong hồn người
Không bao giờ phai
Là suối rừng mai…” (3)
Ðó là “Tơ sầu”. Tình khúc được ghi nhận là đầu tay của tài hoa âm nhạc Lâm Tuyền, xuất thân từ cố đô Huế.
Ca sĩ Quỳnh Giao (cũng là giáo sư dương cầm), trong bài viết nhan đề “Lâm Tuyền và giấc mơ sông hồ,” có đoạn:
“… Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa ‘phôi thai’, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.
Các nhạc trưởng có tài năng như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông…” (4)
Phải chăng, chính vì tài hoa Lâm Tuyền được những tên tuổi lừng lẫy trong giới, cùng thời công nhận mà ông đã bị định mệnh vùi dập, tàn nhẫn như ghi nhận sau đây của Trần Áng Sơn, trong tác phẩm nhan đề “Những trang khép mở”:
“Sau 1975, tôi gặp lại nhạc sĩ Lâm Tuyền mấy lần - ông già đi là lẽ dĩ nhiên - nhưng nỗi buồn ẩn hiện trong những nét khắc khổ trên gương mặt, khiến làm tôi nao lòng! Ðã từng biết ông, từng được ông truyền những kỹ thuật solo, làm sao tôi có thể thản nhiên!!!
“Ðã bước sang năm thứ 2 của thế kỷ XXI, Lâm Tuyền không còn nữa, ông mất cách đây mấy năm, ra đi âm thầm, đúng theo cách mà người ta đối xử với ông…” (Nhà XB Trẻ, Saigon. Tập 2. Tr. 141-146) (5)
Tôi cố tình in đậm cụm từ “đúng theo cách mà người ta đối xử với ông” của tác giả họ Trần!.
Chú thích:
(1), (2), (3), (4), (5): Nđd.
NS Lâm Tuyền (giữa). (Hình yume.vn.com).
Bất hạnh nào gắn liền với tác giả “Hình ảnh một buổi chiều”? 
Du Tử Lê 
Trong ghi nhận của tôi, dường như bất cứ một văn nghệ sĩ nào của chúng ta, ở đời riêng của họ, đều có những bất hạnh mà, vì nhiều lý do, giới thưởng ngoạn có thể không hề hay biết!
Ngay với những tác giả được coi là có một đời sống tốt đẹp, êm ấm nhất trong đời thường, nhưng khi đọc nhật ký của họ, hoặc qua những tiết lộ của những người thân (khi họ đã qua đời), chúng ta mới biết, sự thực không hẳn như vậy.
Thực tế này cũng dễ hiểu, vì một văn nghệ sĩ dù tài hoa tới đâu, rốt ráo, cũng vẫn là một con người bình thường, như mọi người - - Hiểu theo nghĩa họ cũng bị chi phối bởi những nghịch cảnh, bệnh tật, những trớ trêu của định mệnh… Nên, trong thâm sâu, có thể họ có những uẩn khúc, những mất mát hoặc những bi kịch, đôi khi khốc liệt hơn cả chúng ta nữa!
Định luật ấy, đương nhiên không buông tha nhạc sĩ Lâm Tuyền, tác giả ca khúc “Hình ảnh một buổi chiều.”
Khác nhau chăng, những bất hạnh đã xẩy đến với ông một cách tàn nhẫn, cụ thể!!! Tựa ông được sinh ra để trở thành trò chơi tai ác trong đôi tay hận thù của nghịch cảnh.
Theo tác giả Trần Áng Sơn, trong một bài viết chúng tôi đã trích dẫn, cho biết, đại ý:
Nhạc sĩ Lâm Tuyền và bà chị họ, ca sĩ Mộc Lan, có một tình bạn đặc biệt… “hơn cả tình bạn; nhưng không vượt qua giới hạn cho phép” (5), nhạc sĩ Lâm Tuyền đẹp trai, khuôn mặt có góc cạnh, tiếng nói rổn rảng, trực tính. Ông vốn nóng tính, nhưng bình thường lại rất hiền hòa, dễ thương. Vậy mà cay nghiệt thay, vẫn theo họ Trần thì:
“… Không chỉ phụ nữ lâm vào cảnh tài sắc đố kỵ, căn bệnh đậu mùa quái ác đã hủy hoại gương mặt điển trai của ông, để lại trên gương mặt vốn cuốn hút ấy những nét lồi lõm loang lổ. Vào thời gian này, chị tôi hát bài ‘Tơ Sầu’ của Lâm Tuyền, nghe như nỗi buồn giăng mênh mênh mang mang.” (6)
Tuy Trần Áng Sơn chỉ nhắc tới “Tơ Sầu”, một tình khúc Lâm Tuyền viết sau khi bị bệnh đậu mùa, nhưng trong tạp ghi “Lâm Tuyền và giấc mơ sông hồ” của ca sĩ, giáo sư dương cầm Quỳnh Giao, đã kể thêm rằng:
“… Khi Lâm Tuyền viết ‘Trở Về Dĩ Vãng’ thì người viết (Quỳnh Giao, thuở đó) còn bé lắm, nhưng được cô Mộc Lan kể lại cho biết ông viết để tặng cho cô. Có lẽ vì mình bé nên cô mới kể, chứ không kể cho người lớn! Câu hát ‘Anh thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên’ ám chỉ cô, vì tên gọi chơi (nick name) của cô là Nhung, dù tên thật là Nga. Người viết suy đoán là ông dựa vào ý thơ của ‘Người Em Sầu Mộng’ của Lưu Trọng Lư, vì những câu như ‘tình em như tuyết giăng đầu núi, tình anh như sóng đưa ngoài khơi’…
“Ca khúc trữ tình này còn ai hát hay hơn chính Mộc Lan!” (7)
Vẫn theo tác giả Trần Áng Sơn thì, sau khi bị tàn phá diện mạo, Lâm Tuyền người đã để cho đời khá nhiều tình khúc bất tử, dường định mệnh vẫn chưa muốn lơi tay! Khi người nhạc sĩ có những ca khúc “lấp lánh như kim cương, một thứ kim cương đen, rất khó chấp nhận” (chữ của Trần Áng Sơn), là Lâm Tuyền, di chuyển vào Saigon, mở lớp dạy độc tấu guitar đủ trình độ, chấp nhận chơi đàn cho các vũ trường, đại nhạc hội, tên tuổi ông đã nổi lên như “một guitarist số 1”. Nhưng:
“… Tuy đã phải chấp nhận việc đem bán nghệ thuật ở nơi công cộng, nhưng cuộc sống của Lâm Tuyền vẫn không dễ chịu hơn, ông thường gặp chị tôi, mượn vốn và trả rất đúng hẹn. Thương bạn cũ có tài, không gặp thời; nên chị tôi không bao giờ từ chối. Và để khỏi nhận lại tiền cho mượn, chị tôi gửi tôi cho Lâm Tuyền đào tạo. Lớp dạy đàn của Lâm Tuyền tổ chức như một lớp học của một ông đồ, cũ kèm mới, lớn kèm bé. Tôi là kẻ thích chơi đàn, nhưng không có ý định theo đuổi nghiệp cầm ca, nên chỉ theo học mấy tháng; thuộc được dăm, ba bài solo, rồi nghỉ. Nghệ thuật độc tấu guitar của Lâm Tuyền vào thời gian này đã đạt tới trình độ độc tôn. Những ca khúc do ông độc tấu được dùng làm làm đài hiệu, phát trên Đài phát thanh Saigon. Đặc biệt là bài La Cumpasita do ông tự biên soạn hòa âm, dành riêng cho dân chơi guitar độc tấu. Người ta như quên mất một nhạc sĩ Lâm Tuyền sáng tác ca khúc, chỉ còn guitarist Lâm Tuyền, với cây guitar vật bất ly thân.
“Thế rồi, rất đột ngột, tôi nhận được tin Lâm Tuyền bị bắt, vì tội vượt biên sang Singapore để thực hiện giấc mộng chinh phục người yêu nhạc nước ngoài bằng tiếng đàn của mình.
“Sau biến cố này, người ta không còn nhắc tới Lâm Tuyền nữa. Nhạc của ông trước đây, rất ít ca sĩ hát, bây giờ lại càng lạnh ngắt…” (8)
Và, qua họ Trần, chúng ta đã biết, cuối cùng, người nhạc sĩ tài hoa rất mực Lâm Tuyền kia, đã “… ra đi âm thầm, đúng theo cách mà người ta đối xử với ông”.
Chú thích:
(5), (6): Ngđd.
Bất hạnh nào gắn liền với tác giả “Hình ảnh một buổi chiều”? 
Du Tử Lê
(7): Câu thơ “Người em sầu mộng” mà ca sĩ Quỳnh Giao nhắc trong bài tạp ghi của cô, nằm trong bài thơ nhan đề “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội trong cuốn “Lưu Trọng Lư - Tiếng Thu,” in lại vào tháng 11 năm 1992, theo đúng bản in lần đầu thì, bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư có ba phần khác nhau. Đánh số từ I tới IV. Phần thứ nhất, tác giả viết theo thể Ngũ ngôn, gồm 6 phân khúc. Phần thứ nhì, gồm 4 phân khúc, viết theo thể Lục ngôn, Thất ngôn rồi, trở lại Ngũ ngôn ở 2 phân đoạn cuối. Phần thứ ba, viết theo thể Thất ngôn, gồm 4 phân khúc. Và, phần thứ tư, có 6 câu, viết theo thể Thất ngôn.
Nếu đối chiếu từng ca từ trong ca khúc “Trở về dĩ vãng” của Lâm Tuyền với bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư, thì những câu sau đây trong ca khúc “Trở về dĩ vãng” có quá nửa từ là thơ Lưu Trọng Lư như: “Biệt ly tình đôi ta vời vợi” - Đi ra câu thơ “tình đôi ta vời vợi” (ở phân khúc 1, phần thứ I). Hoặc ca từ “về tràn trên gối chăn mờ phai” - Đi ra từ hai câu thơ “Cho tình tràn trước ngõ/ Cho mộng tràn gối chăn” (ở phân đoạn 4, thuộc phần thứ II của bài thơ). Riêng hai câu “Người em sầu mộng của muôn đời” và “Tình em như tuyết giăng đầu núi” là thơ của Lưu Trọng Lư, từng chữ.
Người thứ hai phổ nhạc “Một mùa đông” (với tựa mới “Mắt buồn”) là cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Trong phần ghi lại nguyên bản thơ, tới bài “Một mùa đông,” họ Phạm cũng ghi đủ 4 phần của bài thơ, tuy không đánh số… (Xem thêm “Mộng dưới Hoa - 20 bài thơ Phổ nhạc” của Phạm Đình Chương. Vincent & Company xuất bản tại California, 1991).
Chú thích:
(8) Trần Áng Sơn, ngđd.
Tạp Ghi Quỳnh Giao: Lâm Tuyền và Giấc Mơ Sông Hồ
(Quỳnh Giao - Nguồn: nguyenvolam.com - Jan 25)
Có một số nhạc sĩ sáng tác tương đối ít, mà nổi tiếng ngay nhờ tác phẩm có sắc thái riêng biệt, và nhất là âm điệu phong phú và nhiều màu sắc.
Sắc thái riêng biệt là nghe một lần rồi nhớ và còn tìm thấy cả “chữ ký” hay “dấu ấn” của họ trong cách viết nhạc. Có lẽ, những nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới từ xưa tới nay đều như thế cả.
Nghe Mozart, ta liền nhận ra nét nhạc cực kỳ trong sáng, hoặc nghe Beethoven là thấy niềm u uẩn, lãng mạn. Nhạc Schubert êm đềm và dịu dàng… đến “tội nghiệp” (như cách nhận xét của ông anh Bửu Minh của người viết, một tay concert master của một dàn nhạc Ðức). Qua đến Chopin, sắc thái nên thơ diễm ảo là điều dễ nhận ra nhất.
Nhạc cũng như thơ, văn, biểu hiện cá tính con người. Gần với chúng ta, thơ Vũ Hoàng Chương kiêu bạc, hào phóng trong khi Ðinh Hùng não nùng, mê ảo trong mùi hương…
Trong tân nhạc, Lâm Tuyền cũng có những sắc thái riêng. Lãng mạn với giấc mơ sông hồ ở lời từ và có nét nhạc trong sáng, với giai điệu dễ nhớ.
Lâm Tuyền nổi tiếng từ thập niên 50. Hình như sáng tác đầu tay của ông là “Tơ Sầu” viết trên điệu tango lả lướt. Ðây là ca khúc duy nhất ông viết trên điệu tango và viết ở âm giai thứ (minor). Các ca khúc khác của ông đều soạn trên cung trưởng, major.
Trong “Tơ Sầu”, Lâm Tuyền dùng hình ảnh để tả âm thanh. “Tơ” ở đây là tơ đàn, tiếng đàn đầy màu sắc và mãnh lực, làm tim ta tê tái thương đau. Rồi từ tiếng tơ, hình ảnh của sợi tơ lại dẫn qua mái tóc người yêu, tiếng nhạc là mái tóc!… Lâm Tuyền viết về mãnh lực đa năng của nhạc, và chú ý đến chất “sầu” trong nhạc.
Trong chương trình “Tây Hồ” ngày xưa, Hoàng Trọng thường giao cho Duy Trác trình bày ca khúc này, vì lời ca thích hợp với giọng nam nhẹ nhàng và đầy tình cảm.
Ông thật có lý.
Có lẽ, một ca khúc của Lâm Tuyền được yêu thích nhất là “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, soạn trên điệu slow chậm rãi và tha thiết cung ré trưởng. Vì chuyển đoạn có nhiều nốt cao “gắt”, viết thành chuỗi dài cùng một cao độ, khiến nhiều người không hát rõ được lời và phải xuống một cung (cung đô):
Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà
Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời.
Dù bao nhiêu cay đắng, đến làm nát lòng ta tan nát rồi không đoái hoài…
Dù bao nhiêu sóng gió, quyết đem chí tung hoành, sống quên hết bao hận bên lòng.
Hồn tha hương vương vấn,
Bóng người khuất ngàn mây, ai biết lòng ta những khi chiều tàn…
Lâm Tuyền sử dụng tây ban cầm Hạ Uy Di (Hawaiian guitar) rất thuần thục, nhạc của ông cũng có những láy lượn và quãng âm (intervalles) rộng rãi mềm mại như âm sắc của loại đàn này. Ðã có nhiều ca sĩ trình bày “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, từ Mộc Lan, Thái Thanh, Kim Tước, Anh Ngọc, đến Mai Hương và Quỳnh Giao… Theo ý riêng thì giọng Châu Hà thật thích hợp với tác phẩm, nhất là khi cô trình bày với hòa âm của Văn Phụng.
Giọng của Châu Hà xuống thật thấp ở những nốt trầm, mở đầu bản nhạc: Ðàn chim tung cánh xa khuất mờ, chiều thu luyến màu thương nhớ… Những chữ “đàn” và “mờ” cô hát thật trầm và thật dầy, nghe như lời mời gọi quyến rũ và gần gũi. Chúng ta phải lặng người nghe cho hết, trong niềm hạnh phúc…
Lời ca của “Hình Ảnh Một Buổi Chiều” là do đạo diễn kiêm tài tử Hoàng Vĩnh Lộc viết với biệt hiệu là Dạ Chung. Câu văn của ông in ngay trên bài hát khiến ca khúc thêm nét hấp dẫn của một truyện tình, làm thính giả nhớ mãi mỗi khi nghe bài hát:
Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả.
Mà chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.
Ngẫu nhiên, hình bìa của bản nhạc theo trí nhớ của người viết là hình Lệ Quyên, một nữ ca sĩ xuất hiện một thời gian rất ngắn đầu thập niên 50, cô có dòng máu lai, nên mái tóc trong ảnh nâu hung như có chiếu ánh nắng chiều…
Ca khúc thứ hai quen thuộc với đa số thính giả là “Khúc Nhạc Ly Hương” cũng được soạn theo điệu slow và cung ré trưởng. Chủ đề “ra đi”, “phiêu lưu”, “sống trên sông nước” bàng bạc trong nhiều tác phẩm của Lâm Tuyền. Dường như sự khao khát được phiêu bạt giang hồ (một kiểu dáng Nguyễn Tuân) ám ảnh tác giả rất nhiều, hầu hết lời ca của ông nói đến ước mơ đó, và ước mơ kéo dài đến ngày trở về:
Rồi một ngày nào ta sẽ hồi hương.
Trở về quê xưa thêm bao tình thương.
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân. Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong, mây trời bao la…
“Khúc Nhạc Ly Hương” thật ra dễ hát hơn “Hình Ảnh Một Buổi Chiều” và được nhiều nam ca sĩ trình bày, từ Anh Ngọc đến Thanh Vũ, Nhật Trường… vì lời từ cho giọng nam. Nhưng người hát bài này hay nhất vì chất giọng lảnh lót, cao vút và nhọn, lại là Thái Thanh. Nhất là khi cô nhấn mạnh chữ “chiều tà lâm ly”, nghe thấy ảo não thê thiết…
Trong tất cả tác phẩm của ông, mà chúng ta đếm không quá mười ngón tay, thì “Tiếng Thời Gian” có nhạc thuật cao nhất. Lời ca rất đẹp cũng do Dạ Chung viết càng làm tăng giá trị của ca khúc. Bài hát có đoạn mở đầu dìu dặt nhịp Í (Boston) trong cung sol trưởng, tả cảnh đêm mưa hiu hắt Mùa Ðông, có sương mờ buông nhẹ cùng tiếng chuông buồn ngân. Nhân vật trong ca khúc là người lữ khách dừng chân bên sông, chờ người mà không thấy đến, và nhớ lại cuộc đời đầm ấm cũ đã phai theo thời gian…
Ông tài tình chuyển đoạn qua nhịp 4/4, với câu nhạc ngắn gọn, nhịp nhàng và có nhiều syncopes (nhịp chỏi). Lời ca diễn tả nỗi tê tái khi nhìn cây lá rơi rụng mà chạnh nhớ tới những ngày Xuân đã phôi pha. Ðứng từ dưới nhìn lên lầu nguy nga, bèn than cho phận mình đã bao nhiêu Mùa Xuân qua trống vắng tình yêu… Câu nhạc chơi vơi để trở về nhạc đề chính nhịp Í, chấm dứt ở chủ đề “cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian”.
Quỳnh Giao nghe bài hát này lần đầu qua giọng ca của cô đào cải lương miền Bắc là Kim Chung.
Nhiều độc giả có thể ngạc nhiên vì chi tiết này!
Chẳng là trong nhà có người dì (chị họ của mẹ) mê xem cải lương. Cứ vài đêm thì bà lại đi đến rạp Aristo xem Kim Chung và Bích Hợp ca diễn. Bà thường đi cyclo, thong dong thư thả, vì đêm Sài Gòn mát mẻ, chiến tranh chưa lan rộng, chưa có giới nghiêm. Một ngày nọ, đang học lớp ba thì người viết được bảng danh dự cuối tháng. Vui đáo để, vì hiếm khi được! Chạy về khoe mẹ, khoe dì. Hỏi muốn thưởng cái gì, con bé bèn tâu: cho con đi coi cải lương!
Thế là ngay tối Thứ Bảy hôm sau được đi xem hát. Cho đến bây giờ Quỳnh Giao còn nhớ vở tuồng “Sóng Nhạc Hương Tình” của đoàn Kim Chung. Còn nhớ bộ quần áo kiểu “hương xa” như áo dạ hội mà cô mặc hôm ấy. Những người đóng vai hiền thì bôi má hồng thật đậm, còn vai gian ác mặt trắng bệch!
Nhớ nhất đoạn Kim Chung hát bài “Tiếng Thời Gian”, giọng cô cao nhưng hơi chua, và khi cô lên nốt “mi” cao của câu “cuộc đời đầm ấm, đã theo thời gian” thật não nuột và chua xót, khiến trẻ con mà cũng thấy mắt mình rưng rưng…
Bài này nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm thật độc đáo. Ông dùng cả dàn giây lẫn kèn và cũng chính ông thổi clarinette đoạn intro. Kim Tước và Châu Hà hát bản này tuyệt như nhau.
Quỳnh Giao chỉ tiếc là thời phong độ của nữ danh ca Minh Trang, thân mẫu của mình hát bài này như thế nào, mình bé quá không được thưởng thức. Chỉ nghe nhạc sĩ Vũ Thành lúc sinh tiền thường tấm tắc khen mỗi khi nghe ai hát cùng ca khúc: “Bài này bà Minh Trang hát vô địch, rất là tân kỳ!”.
Khi Lâm Tuyền viết “Trở Về Dĩ Vãng” thì người viết còn bé lắm, nhưng được cô Mộc Lan kể lại cho biết ông viết để tặng cho cô. Có lẽ vì mình bé nên cô mới kể, chứ không kể cho người lớn! Câu hát “Anh thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên” ám chỉ cô, vì tên gọi chơi (nick name) của cô là Nhung, dù tên thật là Nga. Người viết suy đoán là ông dựa vào ý thơ của “Người Em Sầu Mộng” của Lưu Trọng Lư, vì những câu như “tình em như tuyết giăng đầu núi, tình anh như sóng đưa ngoài khơi”…
Ca khúc trữ tình này còn ai hát hay hơn chính Mộc Lan!
Những người yêu nhạc và sành sỏi thì không thể không biết đến ca khúc “Lặng Lẽ” của Lâm Tuyền, một ca khúc có lời từ đẹp nhất của Dạ Chung, cho các thanh niên thiếu nữ tỏ tình. Nghe loại nhạc ngày nay, không còn thấy cách tỏ tình e ấp ấy nữa vì xã hội đã đổi khác.
Nàng từ đâu tới đây, gieo sầu Mùa Thu.
Lặng nhìn ta dưới hoa, nhìn thôi chẳng nói, cớ sao nhìn ta.
Rồi lòng ta từ đó đắm say mơ màng, chìm trong đôi mắt. Ôi đôi mắt nhung huyền, nhìn ta không nói, chiều thu êm ái…
Có đúng là lời tỏ tình tha thiết mà thầm lặng không? Nhạc phẩm này Sĩ Phú trình bày thành công nhất. Giọng ông nhẹ, thủ thỉ tâm tình.
Còn một bài của Lâm Tuyền mà người viết không biết và chưa bao giờ nghe là bài “Nhắn Người Viễn Xứ”.
Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa “phôi thai”, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.
Các nhạc trưởng có tài năng như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông.
Giờ đây ngẫm lại thì qua lời ca, Lâm Tuyền và Dạ Chung cùng nhiều nghệ sĩ khác của thời đại ấy đều mang một ước vọng phiêu lưu. Họ mơ được sống ở những chân trời xa cho thỏa mộng sông hồ, mà ít ai nghĩ rằng mình sẽ còn có ngày ra biển, thật sự ly hương. Và ra đi là không trở về nữa.
Chẳng biết đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đã có bao giờ xuất ngoại chưa, nhưng Lâm Tuyền thì chưa hề đi khỏi Việt Nam. Năm 1975, một số đông nghệ sĩ thoát ra hải ngoại, riêng ông vẫn kẹt lại. Sau nhiều năm tù đày, Hoàng Vĩnh Lộc mất trước. Lâm Tuyền sống lây lất đến 1997 thì qua đời tại Sài Gòn. Ngày nghe tin ông mất, Quỳnh Giao và anh Lê Ðình Ðiểu (cũng đã mất) đang thu thanh chương trình “Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật” cho đài VNCR. Hai người vội loan tin buồn tới thính giả, và cho phát thanh ca khúc bất hủ “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”…
Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà
Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời…
Cả Lâm Tuyền và Dạ Chung đều chỉ mơ như thế mà thôi.

Tiếng Thời Gian - Thái Thanh
Tiếng Thời Gian - Lê Dung
Tơ Sầu - Thái Thanh
Tơ Sầu - Duy Trác
Tơ Sầu - Khánh Ly
Hình Ảnh Một Buổi Chiều - Quang Tuấn
Hình Ảnh Một Buổi Chiều - Thái Thanh
Hình Ảnh Một Buổi Chiều - Khánh Ly
Hình Ảnh Một Buổi Chiều - Quỳnh Giao
Khúc Nhạc Ly Hương - Thái Thanh
Trở Về Dĩ Vãng - Anh Ngọc (thu âm trước 1975) 
Trở Về Dĩ Vãng - Duy Trác
Trở Về Dĩ Vãng - Sĩ Phú
23/10/2015
Trần Lê Túy Phượng
Theo https://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...