Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Thế giới của riêng tôi

Thế giới của riêng tôi

Người bạn ấy bảo tôi hãy viết hoặc vẽ gì đó, anh biết tôi đang buồn. Viết thì không thể, nhưng vẽ? Đúng rồi, sao tôi không nghĩ ra nhỉ?
Tôi lật tung thang giường, tìm đống toan và sơn dầu cất dưới đấy khi chuyển nhà. Đêm đã khuya. Căn phòng và cả thế giới này yên tĩnh. Và tôi biết mình sẽ quên khi vẽ. Quên tháng ngày, quên thế giới và cả sự im ắng của nó. Để chỉ còn lại mặt toan trắng với những gam màu.
Tôi thích bắt đầu trên những mặt toan còn trắng tinh, ở đó tôi có thể tự mình sáng tạo ra một thế giới. Của riêng tôi, cái thế giới được tạo nên bởi sắc màu, cảm xúc và dù buồn hay vui thì nó cũng rất đẹp. Của riêng tôi, cái thế giới tràn trề sáng tạo và đam mê. Ở đó tôi có thể đắm mình vào mà ngủ, mà suy tư, mà yêu, mà lơ đãng, mà quên... Với sơn dầu, tôi trở thành kẻ sáng tạo. Tôi đắm đuối trong niềm vui ấy và hiểu rằng không còn gì lớn hơn nó, cao hơn nó, mang lại cho con người hạnh phúc nhiều hơn nó.
Nhưng vẽ gì lúc này? Vẽ gì để thấy được gương mặt tôi với từng nét buồn trên đó? Nghĩ mãi rồi tôi quyết định phác những nét đầu tiên trên toan. Một người đàn bà đang ôm một cây đàn guitar, tất cả chìm trong bóng tối. Bóng tối là nơi giấu được nỗi sầu. Tiếng đàn cũng vậy, nó giúp người ta đắm trong nỗi buồn để không còn thấy xa lạ với thế giới. Người đàn bà ngẩng đầu về phía có ánh sáng. Gương mặt chị toát lên vẻ kiêu hãnh của kẻ mang trong mình một bí mật lớn. Cả cuộc đời chị, cả tâm hồn trĩu nặng nỗi buồn, cả những âm thanh lạ lùng phát ra từ cây đàn và bàn tay ấy, đều giấu mặt trong bóng tối. Chị vừa ngưng chơi đàn. Dư âm của những nốt cuối cùng vẫn còn vương lại với đêm...
Âm nhạc là một khoảnh khắc còn hội họa là mãi mãi. Cả hai đều có sức mạnh cảm hóa ngang nhau. Một cái cảm hóa con người theo kiểu siêu thời gian, đẩy giây phút hiện tại lên cao ngất, biến nó thành duy nhất, thành tất cả; còn một cái cảm hóa bằng nỗi đam mê, như một thứ men say thấm dần vào tâm hồn và cứ thế mà da diết. Tôi không thích sửa tranh bởi mỗi bức tranh đối với tôi là một kỉ niệm. Giống như ta lúc còn bé dại. Vậy hãy cứ để cho đứa trẻ ấy ngây ngô.
Một người bạn bảo tôi hãy trở thành họa sĩ. Tôi không bao giờ có ý định ấy. Đơn giản, tôi chỉ vẽ, thế thôi. Vẽ để thấy rằng khi ta không hài lòng với thế giới này ta có thể hài lòng với thế giới khác. Vẽ để sống với riêng mình, sống trọn với mình. Vẽ để được ngây ngô, như một đứa trẻ.
Tháng 3/2008
Phạm Quỳnh An
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Trí viết văn như người nghệ sĩ dân gian kể truyện Như đã nói, trong cái thế “kiềng ba chân” ở tuyển tập truyện ngắn “Miền Đông” m...