Bùi Giáng, hồn thơ kỳ lạ,
giọng thơ xuất thần
Ở nửa cuối thế kỷ XX, nhà thơ có số phận xót thương nhất là
Bùi Giáng. Ông mắc bệnh tâm thần từ hồi trẻ, nhiều đợt phải vào nhà thương điều
trị, bệnh không khỏi hẳn. Khi qua những đợt cấp tính ông lại ra sống ngoài đời.
Triệu chứng tinh thần phân lập sống chung với tư duy thơ. Ông có những câu thơ
thật hay, hay bất ngờ, ngộ nghĩnh, ngỡ như huyên thuyên mà lại thành tinh tế,
đôi khi rất sâu sắc:
– Mộng chiều bủa tóc vàng hoe
Vào trong nắng rộng tìm nghe chân người
– Em người thôn nữ bờ nương
Ngồi nhìn cá nhảy lên vườn như chim
Ta người viễn khách đưa tin
Bỗng đờ đẫn đứng, chợt nhìn nhận ra
– Người điên cái bóng cũng điên
Người khùng cái mộng an khiên cũng khùng
Lục bát là thể thơ ông hay dùng, nó tạo một duyên riêng cho
thơ ông. Vần ở câu lục hay dắt câu tám đi viễn du, nghêu ngao bất định, rất
“tâm thần” mà có lý… Có lý bất ngờ, người có tư duy sáng rõ không viết được:
– Đau thương không có cội nguồn
Hoặc là rất có vui buồn gọi nhau
– Sự tình kể ngược kể xuôi
Khẩn trương vô cớ sụt sùi vô căn
– Em từ thiếu nữ bước ra
Thành nhân thục nữ tên là thuyền quyên.
Đôi khi ông nói như đùa mà duyên dáng, thâm trầm nữa:
– Sáng nay bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia
– Tiếc vì em vẫn quá xinh
Mà tôi lẩy bẩy rung rinh tuổi già
Có thể trích hàng vốc những câu thơ dễ mến như vậy trong thơ
Bùi Giáng nhưng lại khó tìm một bài hoàn chỉnh. Đó cũng là triệu chứng của tinh
thần phân lập. Nói ngắn thì có thể mạch lạc nhưng nói dài thì rối. Đọc Bùi
Giáng muốn thấy tâm tư cảm xúc ông, đừng bận tâm những chỗ thừa, chỗ rối. Nên
lùi xa mà thấy toàn cục một trạng thái tâm hồn.
Bùi Giáng hay hướng cảm xúc về một cõi nguyên khởi của đời, về
cái thời xa thẳm nào đấy trong mập mờ ký ức, thuở:
Trong vườn cây lá trổ bông
Ngoài vườn cây cỏ phiêu bồng trăm năm
Và con người, như Bùi Giáng, khi ấy, sướng lắm
Đùa với tuyết, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa
Thần tiên đắm đuối da ngà
Ông coi cõi nguyên khởi siêu hình ấy là chỗ xuất phát của đời
sống hôm nay. Ông thích truy nguyên nguồn cội Em từ… Tôi từ…Ông từ… Em từ thiên hạ
lênh đênh. Em từ tuyệt thể thơ ngây… và Tôi từ góp nhặt tuyệt tài… Tôi từ vô tận
ta bà… Cái cõi uyên nguyên ấy như cõi thần tiên mà cũng không hẳn thế, vì có cả
giẻ rách:
Con từ thiên nữ tán hoa
Ông từ giẻ rách thiết tha phụng bồi
Bùi Giáng lưu luyến một mùa Xuân xa lắc, có sông xanh, có núi
hồng, có tuyết màu trắng, sương màu đào, loài người đã đi qua không còn được trở
lại, chỉ có thể vọng ngóng, ngoảnh nhìn trong sầu muộn, tiếc nhớ:
– Dòng bất tuyệt xanh ngần Xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng
– Người lên ngựa ngoảnh đầu về có thấy
Bờ xa bay tuyết lạnh phủ sương đào
– Én đầu xuân, tuyết đầu đông
Vườn vô tịch ngóng nỗi đồng trổ hoa
Không gian, thời gian hiện diện trong những câu thơ rất đẹp ấy
là cõi thơ của Bùi Giáng. Ông tự tạo với nó để sống phiêu bồng và tìm thơ trong
đó, không điếm xỉa tới thực tại bên ngoài:
Ta mở mắt mở hai mi và mở
Một chân trời trùng điệp bên trong
Ông chứa cái không gian ảo ấy ở trong mình và không nguôi nhớ
nó trong một ký ức tiên thiên:
Con từ vô tận nhớ nhung
Trùng khơi ký ức song trùng nhớ quên.
Mạch lưu luyến thứ hai trong hồn thơ con người không tỉnh này
là tình yêu và người tình của ông, cũng mang vẻ đẹp nguyên khởi, siêu hình nhiều
hơn thực tại Anh đã đợi em từ lâu lắm (…) Em là em anh đợi khắp ngả đường. tình
yêu đầy khát khao trong đợi, trong nhớ nhưng hình như chưa gặp. Những câu thơ gợi
nhớ của ông thật bát ngát, đẹp hiếm có trong thơ Việt:
– Một trăm cây lá trong rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng vần mây
– Ngày đi bóng đổ sau người
Mộng hờ biết có buồn vui em về
Ông “bất khả tri” mọi thứ chỉ biết tình yêu, ông đuổi cả vũ
trụ sang bên kia để giữ nhan sắc ở bên này:
Không biết nữa trời tròn hay đất méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
(…) Trời bên kia nhan sắc ở bên này
Nhưng hình như không giữ được. Gặp là gặp trong chiêm bao,
hôn là hôn trong cõi mộng:
Chào nhau dở khóc dở cười
Hôn nhau như mộng chôn vùi chiêm bao
Nỗi nhớ hiu hắt, có khi rất trong, rất sáng Gió chiều hôm non
nước nhớ xanh trời. Nhưng thường gặp hơn là nổi xót đau. Người điên từng múc nước
cống mà uống ấy đã phải kêu lên, kêu hộ cả nhân loại tỉnh táo:
Dã man là cái giai nhân
Thuyền quyên mọi rợ tưởng gần tưởng xa.
Bùi Giáng từng tự biết mình ngôn ngữ hồ đồ và cũng thừa biết
ngôn ngữ của cả loài người thì cũng hồ đồ Mở môi ngôn ngữ hồ đồ. Đây là một tư
duy triết học. Bùi Giáng dịch và chú thích nhiều sách triết học. Đọc triết vốn
khó. Đọc triết do Bùi Giáng dịch còn khó hơn. Ông đem nguyên tác trộn lẫn với hồn
mình mà kiến giải. Ông làm việc chuyển ngữ nhưng coi ngữ là hồ đồ. Ấy nhưng đọc
thơ ông, theo tôi, lại nên học cách ông đọc triết: phải trộn hồn mình vào đó. Gặp
câu hay thì khoanh lấy mà hưởng thụ, gặp ngôn ngữ hồ đồ, thì vượt qua cái vỏ
ngôn ngữ ấy mà tìm đến tâm trạng. Ngôn ngữ của người điên dẫu có vô nghĩa cũng
mang dấu vết của tâm hồn họ.
Mà Bùi Giáng đâu phải lúc nào cũng điên và đặc tính của thơ
thì càng không phải lúc nào cũng tính.
Thơ của Bùi Giáng
Huệ Pháp - Huệ Nghiêm
Người định đi tu
Chong đèn từ một hôm mai
Hoa đầy xuân trước năm mây khuynh thành
Mười mưa sáu nắng sản sanh
Luống cây tục lụy giao tranh loạn mầu
Truyện kỳ trở ngọn còn lâu
Chỉ duy duyên nghiệp mầu nâu diện tiền
Sa mù bóng khuất sơn xuyên
Lời gieo tăm cá chim thuyền năm xưa
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
Ngàn mai cá sóng phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi ngự bên sông Hương
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
Mùa xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên màu Nữ Chúa trên ngày phù du.
Mình ơi tôi gọi bằng nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và không biết đi đâu.
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
Người qua tôi cũng đi qua
Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng
Giã từ cõi mộng điêu linh
Tôi về buôn bán với mình phôi pha.
Tâm tùy thị hiện sát na
Căn do Hoàng thị đầu hoa Chiêu Đàn
Cội hồng ánh ngọc cưu mang
Vũ Quần Phương
Theo http://phatgiaobaclieu.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét