Hai vệt nắng chiều
Tứ thơ đẹp, ân tình và sâu sắc
Tôi đọc và chiêm nghiệm tập
thơ Hai vệt nắng chiều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành của nhà
thơ Xuân Trường. Suy tư của tôi sau khi đọc xong tập thơ này là hình như đất Quảng
Nam đã sinh ra nhà thơ Xuân Trường để viết về quê hương vùng “Đất Quảng Nam chưa
mưa đã thấm, Rượu Hồng đào chưa ngấm đã say” ấy, thấm đượm tình quê, tình người
sâu sắc đến vậy. Và anh cũng là người viết về miền Trung, Tây Nguyên đến huyền
diệu, say đắm, thao thức, hấp dẫn người đọc. Hai vệt nắng chiều là là
một tác phẩm thi ca đặc biệt của Xuân Trường.Bìa tập thơ “Hai vệt nắng chiều”
Về với quê, anh nâng cái ly tình, ly nghĩa, cùng với bè bạn
văn chương ở cái thời xưa với gặp gỡ hôm nay, thơ anh tâm tình thao thiết,
riêng những từ chật chội em cũng làm nên quyến rũ, làm cho người ta thích thơ
anh rồi:
Đâu thể nào ta ra khỏi bâng khuâng
Những chật chội em cũng làm nên quyến rũ
Đã cạn mấy lần rồi mà trưa còn đầy mãi trong ly
Ta mải mê trưa mà quên chiều… đã đến
Thời gian đã chảy ta qua dâu bể, để mà
Bình minh và hoàng hôn chất vấn nhau trong ta dữ dội
Nên để ta già hay trẻ, chút nữa đây
(Trưa Đà Nẵng)
Anh đang trở về với cái tuổi hôm nay giữa ban trưa Đà Nẵng,
trẻ trung huyền diệu, cùng chút say tình nghĩa. Đã cạn mấy lần rồi mà trưa còn
đầy mãi trong ly. Viết trong tâm tư với bè bạn như vậy là trải lòng khéo lắm. với
những thi ảnh rất đẹp. Và rồi anh lại: “Mải mê trưa mà quên chiều đã đến” hay “Bình
minh và hoàng hôn chất vấn nhau trong ta dữ dội/ Nên để ta già hay trẻ chút nữa
đây”… Đó là những suy tư day dứt dùng dằng quá đẹp, tạo cho người đọc ấn
tượng về hình tượng ngôn ngữ thơ anh.
Rồi anh được thưởng thức vị quê của ngày xưa ấy mà ý nghĩa bật
dậy đến xao lòng. Viết như thế này mới thật là người con xứ Quảng hiểu quê đến
ngọn nguồn da diết:
Chợt con cá Niên quẫy đuôi vào thơ hương vị đặc sản quê nhà
Cho ta thương về con cá bống Đại Lộc, Vu Gia
Đã bơi qua tuổi thơ ta những năm tháng chưa xa nhà, xa mẹ
Ấn tượng lần về lại là, môi em tràn ta tiếng Quảng…
Cảm ơn mưa chiều nay đã kín đáo Tam kỳ
Và cầm chân ta vào quán
Cảm ơn mì Quảng hương vị còn ấm đến cuối tô
Cảm ơn giọt cà phê đã rơi ta vào hư ảo
Tựa ta vào chiều cho lòng xa xôi
(Mưa hạ Tam Kỳ)
Viết về quê phải viết thật lòng mình như vậy nhưng trong cái thật
thà ấy của anh lại rất thơ, nên thơ, nó dội ngược người đọc trở về với kỷ niệm
vời vợi quê hương mà thèm con cá niên, cá bống, tô mì Quảng, ly cà phê, khát
thèm, sâu lắng những tiếng quê.
Tôi rót chiều đầy một ly không
Rồi nâng lên chạm vào mênh mông nỗi nhớ
Tuổi thơ tôi hiện về, tôi gặp lại tôi xưa
Quán vắng thưa ra hoàng hôn thị tứ
Gia Cốc lên đèn vội vã, em tôi.
(Chiều quê)
Viết cảm nhận một chiều quê, một ký ức giữa hôm nay trở về: “Ta
rót chiều đầy một ly không/ Rồi nâng lên chạm vào mênh mông nỗi nhớ”. Viết như
vậy hỏi còn ai sáng tạo ra cảm xúc đẹp đẽ nào mà viết được nữa, vì anh đã lấy hết
cái xao xuyến bồi hồi trong tâm can của người đọc thơ rồi.
Ta lại thấy tiếng thì thầm, lời tâm tình của anh với dòng
sông quê ân nghĩa, mặn mà sâu lắng:
Có phải Sơn Trà đang thủ thỉ với Mỹ Khê
Đi trong trưa xuân Đà Nẵng có bao nhiêu người con xa xứ trở về
Sông chảy vào ta lời ru của mẹ
Biển mặn vào ta thoang thoảng ca dao
(Huyền cảm sông Hàn)
“Sông chảy vào ta lời ru của mẹ/ Biển mặn vào ta thoang thoảng
ca dao”. Viết như vậy đọc lên là xúc động là lưu luyến, hai điệp từ vào ta
với mẹ và ca dao, sao mà đẹp và sâu sắc đến vậy. Người con xa xứ trưa nay trở về
với Hội An tâm sự:
Hội An bước ra từ cổ tích chào em
Bước nhẹ thôi nhé em, kẻo Hội An dễ vỡ
Hội An của ta đang già đi cho đất nước trẻ ra
Em có về Hội An ghé thăm tuổi thơ ta
Qua hương vị Cao lầu và mùi thơm mì Quảng
Đã theo gánh hàng rong chùa Cầu bay dọc mấy trăm năm
(Em có về Hội An)
Hương vị đặc trưng Quảng Nam qua lời mời thân thuộc, cùng với
lời dặn ân tình và giới thiệu ngon lành, sao mà Hội An đến thế. Có ai khéo bằng
anh không? “Hội An của ta đang già đi cho đất nước trẻ ra/ Cao lầu và mì Quảng/
theo gánh hàng rong bay dọc mấy trăm năm”. Anh nhắc khéo hôm nay, hãy nhớ rằng
lịch sử đang nuôi hiện tại. Quá khứ đang dẫn dắt tương lai. Tại sao lại không
bay ngang mà bay dọc? Bay dọc mới thấy hết chiều dài lịch sử và rõ hơn hương vị
quê nhà có từ xa xưa. Anh thật khéo trong phương pháp tu từ, triết lý nhân văn
đến độ không còn khéo hơn được nữa.
Kỷ niệm ngày gặp lại những người bạn tuổi học trò giữa những
năm sáu mươi thế kỷ trước, anh viết như được trở về tuổi thơ dữ dội:
Nhớ sao hết những tháng ngày thần tiên vụng dại
Quên sao đành những liếc mắt trộm nhìn nhau
Những nụ cười chân chim đã lắng trầm tích thời gian dâu bể
Bắt đầu từ đâu, để nhận diện ra mình
Chuyện nghìn câu, lẫn trong những nhớ quên
Mà thời lượng chỉ có trong nửa chiều Ái Nghĩa
Thần tiên vụng dại, trộm nhìn nhau, nhận diện ra mình, chỉ có
nửa chiều Ái Nghĩa… thế mà kết cấu nên thơ làm ta thắc thỏm lâng lâng như thấy
mình ở đó.
Còn nỗi đau của mẹ, của anh và cả gia đình anh hơn bảy mươi
năm đằng đẵng khi cha anh chết dưới họng súng của người Pháp xâm lăng mà đến
bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai:
Ngày cha chết dưới họng súng của giặc Pháp
Mẹ góa bụa giữa tuổi hai lăm xuân thì chín ửng
Bây giờ mẹ đang tuổi một trăm, còn cha vẫn ba mươi,
người đi kẻ đứng
Cha đợi mẹ bên ngoài thời gian nơi vô cùng thăm thẳm
Mẹ nhớ nhớ, quên quên, ngày giỗ thấy cha về…
(Cha)
Đau lắm anh mới viết như vậy, nỗi đau không có gì so sánh được,
khi chưa tìm được thân xác của cha trên sóng Vu Gia vỗ về miền cổ tích. Cầu
mong cho linh hồn ông siêu thoát cõi trời cao. Anh đi giữa hoàng hôn đời mình vẫn
ước vọng tìm cha.
Còn anh viết về miền Trung nắng gió, bão bùng mà thi vị biết chừng nào. Giọng
thơ Xuân Trường không lẫn vào đâu được, nó cứ xao xuyến lâng lâng, chắt ra từ
thi vị của cuộc sống giản dị, mà chân thành, vắt ra hồn cốt của thi ca. Ta hãy
dừng suy tư để cùng với anh trở về Phú Yên.
Em hãy qua mười lăm phút quanh co để nghe sông Cầu
thì thầm với biển
Đôi mắt Phú yên trưa vào ta thắm thiết
Bữa cơm sông Cầu ngon miệng nhất miền Trung
Em hãy ra Ô Loan nghe vết chiều sướt nhớ
Con sò cười nghiêng lửa đợi môi ai.
(Em có về Phú Yên)
“Nghe Sông Cầu thì thầm với biển, trưa vào ta thắm thiết.
Ngon miệng nhất miền Trung, nghe vết chiều sướt nhớ, nghiêng lửa đợi môi ai”.
Phải là con người yêu lắm, thương lắm, quý lắm và rành rọt Phú Yên lắm, mới bày
tỏ tâm tình thi ca được như vậy. Những câu chữ ngôn ngữ bình thường được anh lượng
hóa, đưa vào thơ ngon lành, không xưa cũ viễn vông mà ngọt lịm, lắng đọng ân
tình với vùng đất thi ca. Viết về Phú Yên như anh, chắc chắn người xưa và hôm
nay yêu anh nhiều lắm, bởi vì “con sò còn nghiêng lửa đợi môi ai…”
Rồi anh lại về với Quy Nhơn vùng đất ân tình mà đến tuổi
hoàng hôn, thơ anh vẫn nợ. Đây nhé ta hãy đọc xem:
Cảm ơn Quy Nhơn đã nuôi ta lớn lên
Bằng những hoàng hôn sân ga với bao lượt người đi đến
Bằng những vòng quay xe đạp, đo năm tháng học trò
Bằng ngọn núi có tự bao giờ đã đứng chong đôi cầu, đôi tháp
Chầm chậm tiếng guốc đi về, xóm núi khiến ta mơ
Ta cùng phố núp sau cái vịnh hình vòng cung của biển
Chân trời xa gần sát với nỗi lòng
Tựa vào biển nghe tiếng chiều xa lắc
Đâu đây, miên man câu thơ của “Tứ hữu Bàn thành”…
Có tháp bánh ít đứng nhúng chiều vào nước
Thương con sông mùa khô chảy nắng xuống Gò Bồi
Bằng những đêm long lanh Thị Nại
Nghe tiếng đầm chầm chậm gọi trăng lên
(Cảm ơn Quy Nhơn)
Cảm xúc ngày trở lại đã nối hiện tại với qua khứ lại gần, tạo
nên mối huyền cảm sâu sắc mà “đất bỗng hóa tâm hồn” ấy với ngôn từ đắt
quá. “Nhúng chiều vào nước/ tiếng đầm chầm chậm gọi trăng”. Hiểu lắm, yêu
lắm, sâu sắc lắm mới khai thông cảm xúc thi ca dồn nén bấy lâu như vậy.
Nhà thơ Xuân Trường gắn bó với Tây Nguyên sau cái thời bôn ba
của tuổi trẻ. Anh phác họa một Tây Nguyên thật tình sâu nặng, một Tây Nguyên với
lồng ngực căng tròn và những bắp chân trần trên đại ngàn hoang dại. Ôi sao mà
thơ mộng thế! Đây nhé:
Tôi muốn vẽ em trên phông chiều Tnùng giữa đại ngàn cổ tích
Gùi cõng đầy nắng gió giữa ngàn năm
Ôi chân trần, chân trần còn lắm bước xa xăm
Có đồng bằng thì cũng bắt đầu từ rừng núi
Có phố phường thì cũng bắt đầu từ lối mòn ngõ ngách sơn thôn
Chiều Tnùng
Không những chiều Tnùng hư ảo mà huyễn thoại như vậy anh khắc họa một Dăktopang
bằng cái nhìn toàn bích, một Tây Nguyên bao la hùng vĩ đáng yêu:
Có tiếng nắng mật ong rạo rực mái nhà Rông háo hức đầu ngày
Có tiếng cười cứ chạm vào leo dốc
Và tôi thở mùa bằng đôi mắt em nâu
Tôi cứ hồn nhiên trên mái tóc em, nghe thì thầm nắng gió
Mà hồng hoang tinh khiết mộng ngang đầu
Có cánh chim Chơrao rạch vào yên lặng
Những miếng nhạc rừng ngọt lịm cả hồn ta
(Nhớ Dăktopang)
Chất giọng Tây Nguyên cứ lâng lâng xao xuyến ấy đến lạ thường,
không lẫn với miền xuôi, cho ta chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hồn nhiên của Tây
Nguyên huyền thoại, mà hình như anh đã nhập tâm, trải nghiệm.
Nhà thơ Xuân Trường đưa ta về gặp gỡ những cô gái Bana xinh đẹp,
thắm đượm hương rừng:
Em cảm thông bằng tóc
Em lưu luyến bằng nhìn
Em gọi trời bằng ngực
Tôi gối đầu núi im
(Kôngchro ngày trở lại)
Phải nói rằng viết như vậy mới là Tây Nguyên, như vậy mới là
Xuân Trường, bởi: “Em gọi trời bằng ngực/ Tôi gối đầu núi im”. Viết về
Tây Nguyên bằng chất giọng chất phác, ẩn dụ ân tình mà lúng liếng, chất phác của
con gái núi rừng khơi gợi, hút hồn mà chân chất. Tôi hiểu và biết rằng, anh ân
tình với Tây Nguyên nhiều lắm. Cái mật danh anh Tư của anh với Tây Nguyên sao
mà trìu mến thế, mỗi khi anh trở lại với rừng, với tình em bên núi, các nàng đẹp
như cánh hoa Pơlang.
Với Hai vệt nắng chiều, nhà thơ Xuân Trường viết chủ yếu
là thơ tự do và cũng rất tự nhiên hấp dẫn, làm say người đọc, bởi một thứ men
thơ tình mà chỉ anh có được. Tính tự nhiên trong thơ anh là tứ thơ đẹp, bút
pháp gợi mở và lãng mạn, giàu chất thi ảnh cuốn người đọc vào hồn cốt câu chữ
trong thơ. Thơ anh có nhiều bài dài nhưng có độ nén cao, làm say người đọc ở
phương pháp tu từ. Ở cái tuổi viết Hai vệt nắng chiều ấy, anh ủ chín
trang thơ bằng những trăn trở suy tư, bằng những nốt trầm bổng của cung bậc thi
ca. Thơ anh là những cuộc hành trình trở về lãng mạn thi vị, có cả tình yêu cha
mẹ. Đó là những trang thơ đầy nhân ảnh, giàu ngôn ngữ đẹp và nhiều kỷ niệm xúc
động sâu sắc, vang mãi với thời gian.
T.p HCM, cuối tháng 11/2018
Nguyễn Vũ Quỳnh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét