Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Lời bình bài thơ "Đà Lạt một lần trăng"

Lời bình bài thơ "Đà Lạt một lần trăng"

ĐÀ LẠT MỘT LẦN TRĂNG
Nguyễn Duy
Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
Tiếng gió ngựa gõ ròn trên dốc vắng
Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi
Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
Tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi
Em biết chứ chả ai lơ đãng cả
Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
Mùi nhựa thông theo ngọn khói đi vòng

1981
Trăng vốn là nguồn cảm hứng ngàn đời của thi nhân. Viết về đề tài đã trở thành muôn thuở kia, Nguyễn Duy đứng trước một thử thách lớn: Liệu có đào xới được gì thực sự mới mẻ không đây? Nhà thơ đã viết, nghĩa là dám chấp nhận thách thức sống còn “tồn tại hay không tồn tại” ấy rồi. Đáng mừng là Nguyễn Duy quả đã làm được cái điều mà một tài năng thi ca đòi hỏi và cho phép. Tôi muốn nói, anh đã sáng tạo ra một bài thơ lạ mà hay về Đà Lạt của chúng ta.
Cái lạ có được do đâu vậy? Một phần do cái lạ của Đà Lạt phả vào hồn anh đấy! Không đúng vậy sao? Chẳng phải nhiều người đã từng thừa nhận chỉ cần đặt chân đến Đà Lạt một lần trong đời là ấn tượng về con người và cảnh vật ở đây có thể giữ mãi suốt đời. Đây chính là báu vật mà Đà Lạt dâng tặng người cầm bút. Không phải vô cớ khi Nguyễn Duy chọn tựa đề “Đà Lạt một lần trăng”. Là thi sĩ, anh phải đi vào nét cá thể không lẩn khuất vào bất cứ đâu, vào bất cứ cái gì. Nói theo cách nói của Chế Lan Viên, cảnh vật đi vào thơ phải là “mưa ấy, sông này, trăng kia, cỏ nọ”. Tuy cái chính yếu là ở chỗ khác, là ở chỗ bên ngoài xâm chiếm hồn anh, lên men trong lòng anh ra sao? Và ở đây, Nguyễn Duy đã thực sự là mình. Ta xem nhà thơ của chúng ta nghe và thấy những gì?
Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
Trăng vốn đã huyền ảo (Trăng vừa đủ sáng để gây mơ), trăng trong sương càng lập lờ, nên thành ảo ảnh, thật mà hư, hư mà thật đến không ngờ.
Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
Trên là trăng, giờ là gió, gió thấp thoáng vì gió là vô hình, vô ảnh, có đấy mà như không, không đấy mà như có. Thêm một lần huyền ảo. Có sự hiện diện của không khí cổ tích hơn thế của môi trường huyền thoại xa xưa. Ngọn gió nhà ai, hỏi để mà gợi, hỏi để gia tăng chất huyền thoại. Gió thuộc quyền sở hữu của ai đâu! Vì gió nằm trong cái không cùng, vô thủy vô chung… Tuy nhiên núi đồi Đà Lạt thì có thật.
Đồi núi thấp cao từng bậc thang âm
Mới chạm vào phím hồn rung lặng lẽ
(Hoài Anh)
Cũng rất thật, cái “tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng”. Nhưng lập tức ngay sau đó là âm thanh của “lá thông rơi” để rồi không khí “mơ hồ” hư thật lại ngập tràn tâm hồn nhà thơ. Nhiều người để ý đến tiếng vó ngựa rất lạ ở trên, tôi thì tôi chú ý đến “một chiếc lá thông rơi” ở câu này. Ở đây, không gian trở nên tĩnh lặng hơn nhiều. Người ta nhẩm đếm (liệu có nhẩm đếm được không?) từng chiếc, từng chiếc lá thông nhỏ nhoi buông khỏi cành giữa trập trùng đại ngàn thông reo. Rồi tình yêu nảy nở từ đây:
Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
Chưa có gì là thơ cả nếu dừng lại chỗ này, phải đọc tiếp câu sau:
Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
Chất thơ bùng lên như ngọn lửa giữa hai dòng thơ, để rồi:
Tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
Siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi
Tình yêu đích thực là vậy chăng? Nó thường ẩn trong cái nhìn tưởng như vô tình, bâng quơ đến “lơ đãng”. Cũng may chính siêu nước “ấp úng sôi” kịp nói giúp ta tất cả những gì cần nói. Ta đến với nhau rồi đó, em có biết không?
Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả
Người viết nói toạc móng heo ra! (Thơ tình đố kỵ lối nói kiểu này). Tôi đọc trong cảm giác e ngại cho chính tác giả. Thế rồi hai câu “Hòn than kia đang đỏ hết lòng! Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói” ập tới đường đột đến bất ngờ, đẩy ý thơ lên một tầng mức mới. Câu thơ lấp lánh ý nghĩa. Thẳng thừng đấy mà cũng quanh co, vòng vèo lắm đấy. Nhất là câu cuối cùng:
Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng…
Tôi không gọi là câu kết. Nhà thơ của chúng ta không có ý định kết thúc. Anh để dấu ba chấm. Anh bỏ ngỏ. Ý thơ được mở ra đến… vô cùng. Như tình yêu vốn là vô cùng. Như tấm lòng của anh với Đà Lạt vốn là vô cùng vậy!
Đọc xong bài thơ, tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhận ra bản sắc Đà Lạt trong tâm tình rất riêng của Nguyễn Duy. Thơ hay chính là như thế chăng?.
Đà Lạt, 29.12.1997
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...