Lời bình bài thơ "Lý ngựa ô Đà Lạt"
LÝ NGỰA Ô ĐÀ LẠT
Trinh Đường
Bồng
bềnh núi lững lờ mây
Đương trăng hay nắng đương ngày hay đêm
Em ơi vén lại áo xiêm
Ngựa ô đã khớp thiên nhiên đã chờ
Rung bờm lục lạc đã khuya
Ta đi vào nhạc vào thơ vào mùa
Vào tuần trăng mật xa xưa
Suốt vừa reo ngọc trời vừa lên trăng
Băng qua ngọn tháp bảy tầng
Ta giong nước kiệu lên thăm đồi Cù
Nhẹ nhàng đánh thức hoang vu
Đọc trang huyền thoại dưới hồ Xuân Hương
Tiện tay vẫy bút thành chương
Hé mây nguyên thủy thả sương u huyền
Phòng hoa là cả thiên nhiên
Chén mời hợp cẩn rượu mềm đôi môi
Ngựa tra khớp bạc sẵn rồi
So cương cùng với đất trời về dinh.
Giữa đất trời Đà Lạt, có
lần Trinh Đường - người viết những câu thơ chân tình trên chợt thốt lên: “Tưởng
như bóng xe ngựa gõ móng trên đường nhựa cũng đi ra từ điệu Lý ngựa ô…”. Thì ra
nguyên cớ của bài thơ “Lý ngựa ô Đà Lạt” có lẽ được khởi đầu từ cái
“tưởng như” kia, cùng bao cái “tưởng như” khác nữa… Mà không thảng thốt sao được:
Bồng bềnh
núi lững lờ mây
Đương trăng
hay nắng đương này hay đêm
Khoảng không được gợi ra tạo nền
cho cảm nghĩ về một điệu lý mới. Chàng cùng nàng sẽ về dinh trong niềm vui hợp
cẩn. Vị hôn phu chủ động:
Em ơi
vén lại áo xiêm
Ngựa ô đã khớp
thiên nhiên đã chờ
“Thiên nhiên đã chờ” - Những
câu thơ sau chỉ còn mỗi việc đơn giản là “xác minh” cái sự thật ai cũng “nhìn”
mà không phải ai cũng “thấy”. Và trên hết là sự rung động - sự rung động ngọt
ngào, ngơ ngẩn của con tim:
Rung bờm
lục lạc đã khuya
Ta đi vào nhạc
vào thơ vào mùa
Nhạc và thơ ở đây được người
nghệ sĩ có tên “tạo hóa” sáng tạo ra trong tưởng tượng và nhờ tưởng tượng, vậy
mà vẫn dễ xác định hơn “mùa”. Vào “mùa” nào đây? Mùa yêu đương, mùa cưới xin,
mùa hạnh phúc đấy mà! Cứ thế, nhạc tấu lên, những câu thơ tỉnh mà say, say mà tỉnh
được hiện hình:
Vào tuần
trăng mật xa xưa
Suối vừa reo
ngọc trời vừa lên trăng
Thời nguyên sơ, đúng là thời
nguyên sơ! Mọi thứ như vừa được sinh ra. Trong trẻo quá! Trinh nguyên quá! Ta
như cùng đôi lứa đi vào tuần trăng mật sống lại thuở hồng hoang vừa như lạ vừa
như quen….
Đến đây, ta chưa thấy rõ những
nét riêng rất riêng của Đà Lạt. Ý tưởng ấy dường như được dồn nén để ào ra một
cách tự nhiên như thác chảy, như suối reo trong những vần thơ sau:
Băng
qua ngọn thác bảy tầng
Ta giong nước
kiệu lên thăm đồi Cù
Nhẹ nhàng
đánh thức hoang vu
Đọc trang
huyền thoại dưới hồ Xuân Hương
Đọc liền một hơi, ta chợt nhận
ra cái mạch không dứt của “hệ liên tưởng” làm nên cấu tứ của những dòng thơ được
dệt nên bởi sợi trăng diệu huyền của Đà Lạt. Không đúng vậy sao? Nghĩ cho
cùng cái vẻ nguyên sơ kia rất hợp với hồn cốt của những gì thật sự là Đà Lạt -
Một thứ Đà Lạt tinh chất chưa từng bị pha tạp vốn là nguồn cội của thi ca, của
nghệ thuật:
Tiện
tay vẫy bút thành chương
Hé mây nguyên thủy thả sương u huyền
“Tiện tay”… để “hé” cái này và
“thả” cái kia. Vô tình ư? Không đâu! Câu thơ xuất thần, “đa tình” và đa nghĩa đến
không ngờ. Thế rồi bài thơ đi vào đoạn kết đúng theo nghĩa đen của từ
này. Nghĩa là có “khép lại”:
Phòng
hoa là cả thiên nhiên
Và có “mở ra”, có nâng lên:
So
cương cùng với đất trời về dinh
Vẻ đẹp của bài thơ có xu hướng
trở thành “cổ điển”. Không tinh thông nghề không thể viết nổi. Nhưng trên hết
là chữ “tình”. Ôi! Một trái tim trẻ trung như Đà Lạt “đã trăm năm sống mà vẫn
còn nguyên tuổi dậy thì” (Trinh Đường). Xin nói thêm, đây là “tình sâu”. Bởi sự
trẻ trung này dễ gì có được! Tôi chợt nhớ đến câu nói của danh họa Picasso:
“Người ta cần thiết rất nhiều thời gian để trở nên trẻ”.
Đà Lạt, 3.4.1998 Phạm Quang Trung
Đà Lạt, 3.4.1998
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét