Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Nguyễn Du và thời đại

Nguyễn Du và thời đại

Nói đến văn học trung đại Việt Nam, chúng ta nghĩ ngay đến Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, hai tác giả lớn đã xác lập hai loại điển phạm quan trọng của hai giai đoạn văn học chủ yếu của tiến trình văn học Việt Nam trung đại. Để hình dung đúng xác về tiến trình đó, để hiểu đúng vị thế và đóng góp với thời đại của mỗi tác giả, không thể thiếu sự so sánh giữa hai vị.
Nguyễn Trãi (1380-1442) sống trong những thế kỷ đầu tiên của sự nghiệp xây dựng quốc gia tự chủ và liên tục có nạn ngoại xâm nên mối quan tâm chính của cụ và các tác giả khác tập trung vào văn hóa chính trị và mô hình nhân cách lý tưởng đáp ứng những đòi hỏi của lịch sử. Không kể sự suy thoái của các triều đại, các vị vua sáng nghiệp thường là những người tài đức, biết thu phục nhân tâm, nhờ đó họ tạo ra một niềm tin về tính hiệu quả của nền đức trị, nhân chính. Nguyễn Trãi cùng nhiều tác giả giai đoạn từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15 dùng nhiều từ vựng thuộc văn hóa chính trị (nhân nghĩa, Nghiêu Thuấn, thân dân, dân vi bản...) và đạo đức chính trị (đức, trung hiếu, nghĩa...), vừa để khẳng định những khuôn mẫu đạo đức vừa nêu những chuẩn mực văn hóa chính trị ngầm ẩn sự đòi hỏi sự tự giác tu dưỡng đạo đức nơi tầng lớp lãnh đạo, từ quân vương đến các quan lại. Nguyễn Trãi viết những tác phẩm mang tính chức năng thấm đẫm chất văn chương và nhiệt huyết của nhà nho yêu nước thương dân như "Bình Ngô đại cáo", các thư từ trao đổi với tướng lĩnh đạo quân Minh xâm lược được tập hợp trong "Quân trung từ mệnh tập". Thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước; đau đáu nỗi niềm thương dân; kiên trì với đạo nghĩa. Tình yêu nước của cụ được diễn đạt bằng một hệ thống thi pháp đặc sắc, đặc biệt bằng nhiều bài thơ tiếng Việt (thơ Nôm) rất đẹp, rất trong sáng. Nhìn chung, Nguyễn Trãi đại diện cho văn học của thời đại chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế đang lên, các trí thức nho sĩ còn giữ niềm tin vào tư tưởng thân dân, lấy dân làm gốc, một niềm tin không phải không có chút ảo tưởng, không tưởng nhất định.   
Nguyễn Du (1765-1820) sống và sáng tác trong một thời kỳ lịch sử đã rất khác. Mô hình xã hội quân chủ chuyên chế trên thực tế vận hành dần bộc lộ những khiếm khuyết lớn và do đó, mơ ước một thời của các nhà nho về Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn ngày một xa vời. Cuộc đối đầu giữa hai tập đoàn Trịnh-Nguyễn (Đàng Ngoài-Đàng Trong), việc các chúa Trịnh lấn át quyền lực vua Lê; các tập đoàn phe phái tranh hùng tranh bá làm xáo trộn xã hội. Có những thời điểm vào khoảng từ năm 1782 đến 1789, như ta đã biết, đất nước Việt Nam chia thành 5 vùng khác nhau. Ở phía Bắc, mâu thuẫn vua Lê-chúa Trịnh vốn âm ỉ nay bộc lộ công khai dẫn đến sự diệt vong của phủ Chúa, sau đó cũng khiến triều Lê sụp đổ; phía Nam, xung đột giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn, rồi xung đột giữa anh em Tây Sơn. Đó là thời đại quần hùng tranh bá đồ vương, thời đại các anh hùng, võ tướng có thể chọn chủ mà thờ để thi thố tài năng và tham vọng chính trị, đó cũng là thời loạn, thời kỳ địa vị của kẻ sĩ xuống thấp chưa từng thấy, bị giới võ biền khinh bỉ chưa từng thấy. Thân phận của kẻ sĩ sẽ dẫn đến tâm trạng sinh bất phùng thời, "hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên", sẽ là tiền đề cho triết lý tài mệnh tương đố man mác khắp cả thế kỷ văn học, đặc biệt rõ trong sáng tác Nguyễn Du. Trong một xã hội rối loạn, địa vị của Nho giáo xuống thấp chưa từng thấy và điều này không khó hiểu: Chính quyền của chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã chà đạp lên đạo “trung quân” vốn là rường mối quan trọng đầu tiên của đạo Nho. Trong sáng tác của Nguyễn Du hầu như vắng bóng đề tài “tu thân” mà thế hệ nhà nho Nguyễn Trãi xưa tâm đắc.

Bức tranh "Nguyệt ước" của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. 
Ảnh do Nhà đấu giá Chọn cung cấp
Lớn lên trong một gia đình đại quý tộc, cha và anh có quan hệ gần gũi, thân cận với chúa Trịnh, Nguyễn Du có thể thấy rất rõ quyền lực nghiêng thiên hạ của phủ chúa so với cung vua. Đạo trung hiếu mà Nguyễn Trãi vốn coi như là lý tưởng, là điều kiện để kẻ sĩ thực hiện xã hội trị bình đến lúc này bị ngay những kẻ đứng ở đỉnh cao quyền lực chà đạp. Hành động của các thế lực, các phe nhóm thể hiện ý đồ tranh đoạt thiên hạ trong thời buổi nhiễu nhương nhiều hơn là lập lại một nền hòa bình vì nhân dân. Liệu có ai thực sự quan tâm đến người dân khốn khổ?. Cuộc sống xa hoa, vương giả của gia đình đại quý tộc như chính của gia đình mà Nguyễn Du được chứng kiến từ nhỏ và qua hồi ức của người cháu Nguyễn Hành rất giống với những thông tin về giới quý tộc cung đình của nhiều thiên bút ký, ký sự nở rộ chưa từng thấy trong quãng thời gian này. Thực tế lịch sử đã đập vỡ những niềm tin không tưởng về khả năng thực hành tư tưởng thân dân, về đức nhân nghĩa, hiếu sinh của người lãnh đạo, về nền nhân chính, về xã hội vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn. Chính vì thế mà Nguyễn Du không tiếp tục nêu những đòi hỏi, yêu cầu sẽ viết về "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", sẽ viết "Sở kiến hành" ghi lại bất công xã hội trầm trọng mà hầu như không nói đến đức trị, nhân nghĩa, Nghiêu Thuấn, sẽ viết về quan lại "Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" cùng nỗi oan kêu trời không thấu của người dân lành...
Mặc cho cuộc sống nhân dân cùng quẫn, giới quý tộc và thương nhân vẫn sống cuộc sống hưởng thụ, ăn và chơi. Thế kỷ 18 cũng chứng kiến sự phồn vinh của hát ả đào, mà sự phồn vinh này đến lượt mình, lại phản ánh lối sống thị dân đã trở thành một nhân tố nổi bật của đời sống văn hóa đô thị khi nhu cầu văn hóa giải trí đã phát triển. Nhiều tư liệu văn học và lịch sử cho thấy, giới quan chức và thương gia giàu có đã có thể nuôi trong nhà ca nhi. Nguyễn Khản thích hát xướng, gặp khi con hát tang trở, cũng cứ cho tiền bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc. Khi ông cư tang quan Tư đồ (Nguyễn Nghiễm, cha của Nguyễn Du giữ chức Đại tư đồ Xuân quận công), ngày rỗi cũng vẫn sai con hát độ khúc gọi là “ngâm thơ Nôm”. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra mối liên hệ như gợi ý của thân phận những ca nhi giữa đời thực đó và hình tượng Thúy Kiều nhiều bận gảy đàn trong nước mắt. Những yếu tố tiểu sử có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đề tài và cảm hứng sáng tác của thi văn nhân.
Từ hát ca trù, ả đào lại sinh ra những vấn đề văn hóa và nghệ thuật khác. Là một nghệ thuật giải trí, hát ca trù đã gợi lên những cảm hứng sáng tạo mới. Cái hay, cái đẹp, cái thú vị mà ca trù đem lại không thể tìm thấy trong thơ Đường luật, trong phú, trong tiểu thuyết chương hồi, trong sử sách Trung Hoa. Trong bài thơ "Long thành cầm giả ca", Nguyễn Du miêu tả cảnh các tướng lĩnh Tây Sơn ngả nghiêng, say sưa nghe tiếng đàn của cô Cầm và vãi tiền vàng thưởng cho cô, coi tiền như bùn đất-một trạng thái giống hệt như trạng thái lên đồng. Nguyễn Công Trứ nói đến chuyện Khi đắc ý mắt đi mày lại/ Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng hay là sự giao lưu tình cảm và nghệ thuật giữa văn nhân với các ả đào. Sang thế kỷ 20, Vũ Bằng kể lại xóm ca trù Khâm Thiên đã đem lại cảm hứng sáng tạo cho giới văn nghệ sĩ Hà Nội.
Thể hát nói trong hát ả đào gợi ý cho các văn nhân trước hết một phương thức biểu hiện mới khác với thơ Đường luật vì tính chất giải trí của nó. Sinh hoạt hát ca trù-ả đào còn đem lại cảm hứng về tình yêu tự do nam nữ, thứ tình yêu ngoài hôn nhân vốn bị xã hội Nho giáo lên án. Rất có thể từ không gian này mà nảy sinh ra cảm hứng tình yêu tài tử giai nhân, như một mảnh đất tâm lý có sẵn mà tiểu thuyết tài tử giai nhân cuối Minh-đầu Thanh chỉ việc gieo mầm cho đơm hoa kết trái. Từ hát ả đào đến những suy tư về con người, về quyền sống của cảm xúc, của tình yêu nam nữ, con đường vận động của tư tưởng dẫn đến sự thay đổi của mẫu hình nhân cách là một thực tế. Cuối cùng, cũng phải nói, từ hát ả đào, các văn nhân có sự quan sát về thân phận của những nữ nghệ sĩ tài sắc mà không thiếu bất hạnh, từ đó chạnh lòng liên tưởng đến thân phận của nhà thơ, nhà văn trong xã hội chuyên chế. Nguyễn Du bằng "Truyện Kiều" và thơ chữ Hán đã bắt đầu một mạch cảm hứng chạy dài suốt từ thế kỷ 18-19 sang nửa đầu thế kỷ 20 về thân phận của những người nghệ sĩ, những người rút ruột tằm dâng cho đời những lời ca, tiếng đàn, giọng thơ tuyệt mỹ nhưng phải chấp nhận kiếp sống bất hạnh, như một định mệnh. Từ cô Đạm Tiên của Nguyễn Du: Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi đến cô Kiều tài đàn, tài thơ đến cô đào của Trần Huyền Trân có chung một sợi dây liên hệ ("Sầu chung"-tặng Quách Thị Hồ, Trần Huyền Trân)
Triết lý tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc mệnh vốn rất phổ biến ở thời đại Nguyễn Du là kết tinh của nhiều trạng thái tâm lý, nhiều thân phận khác nhau, từ thân phận của những kẻ sĩ sinh bất phùng thời cho đến thân phận của các ả đào, ca nhi, đến những bậc tài năng sáng tác văn chương để phát tiết nỗi uất hận của lòng mình. Là một văn nhân ít nhiều tách khỏi nhà chính trị so với nhiều nhà nho khác, Nguyễn Du đã cất tiếng kêu thống thiết cho giá trị, cho tài năng, cho sắc đẹp bị đọa đày, vùi dập. Ông mở rộng phổ triết lý từ những phụ nữ với "Độc Tiểu Thanh ký", "Long Thành cầm giả ca" đến những nhà thơ nam giới với "Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ", "Phản Chiêu hồn", và tất nhiên, tiêu biểu nhất vẫn phải kể đến "Truyện Kiều". Thơ hay làm cho thi nhân cùng khổ hay người cùng khổ thì thơ hay? Dù theo cách nào thì đó vẫn là những suy tư chất vấn đặc sắc dành cho xã hội chuyên chế bất công về thân phận con người: Tài năng và sắc đẹp là một trong những yếu tố cơ bản làm nên giá trị con người.  
Thời đại của Nguyễn Du có những nét riêng so với thời đại Nguyễn Trãi kể cả từ góc nhìn về mối quan hệ giao lưu văn học. Có những hiện tượng văn học Trung Quốc đã diễn ra từ lâu nhưng mãi đến thế kỷ 18 mới gây hứng thú mạnh mẽ cho các tác giả văn học Việt Nam-đó là tinh thần chủ tình, phong lưu của các danh sĩ đời Ngụy Tấn (khoảng thế kỷ thứ 4-5). Lại cũng có những hiện tượng văn học có tác động nhanh hơn, chỉ lệch pha chừng một thế kỷ trở lại - trường hợp các tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc đối với nhóm truyện thơ Nôm bác học Việt Nam thuộc loại này. Tiểu thuyết tài tử giai nhân mới cả về nội dung (tình yêu nam nữ có tính chất chống lễ giáo) và nghệ thuật (kiểu tiểu thuyết chương hồi với quy mô không lớn, thường trên dưới hai mươi hồi, mô thức tự sự mới mẻ). Văn học Việt Nam trung đại thế kỷ 18-19 tiếp nhận ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân và đưa mô thức tự sự của tiểu thuyết chương hồi vào khuôn mẫu của truyền thống cổ xưa kể chuyện thơ, kể sử thi ở Đông Nam Á để cho ra đời một kiểu tiểu thuyết bằng thơ đặc sắc chúng ta quen gọi là truyện thơ mà "Truyện Kiều" là đỉnh cao. Những bước đi đầu tiên vận dụng mô thức tự sự của tiểu thuyết tài tử giai nhân vào truyện thơ đã được thực hiện bởi Nguyễn Huy Tự (với truyện thơ "Hoa tiên" mượn cốt truyện của ca bản "Đệ bát tài tử Hoa tiên ký"), Phạm Thái (với truyện thơ "Sơ kính tân trang", truyện thơ có cốt truyện tự sáng tác song có mô thức tự sự tương đồng với tiểu thuyết tài tử giai nhân). Nguyễn Du thừa kế những kinh nghiệm mà truyện Nôm đã tích lũy để đưa thể loại này phát triển lên đỉnh cao.
Nguyễn Du đại diện cho một giai đoạn văn học đưa con người từ những phạm trù thánh nhân, quân tử về con người bình phàm, đời thường. Có một sự tương ứng rõ rệt giữa quan niệm về con người và tự sự học của đại thi hào. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du khác xa với thơ nói chí của nhà nho. Mỗi bài thơ chữ Hán của cụ là một nỗi niềm khắc khoải về nhân thế, về đời, về con người. "Truyện Kiều" biểu hiện con người ở chiều sâu cảm xúc và rất thành công trong nghệ thuật phân tích tâm lý và khám phá phạm trù con người cá nhân cô độc. Nguyễn Du tôn trọng sự thực tồn tại của phần thân xác con người, vì thế mà hậu thế đồng thanh nói "Truyện Kiều" là tiếng nói thương thân, xót thân, trọng thân, quý thân. Phổ các vấn đề của thân trong "Truyện Kiều" rất rộng và Nguyễn Du dõi theo đường đi nước bước của thân, cụ kêu lên thống thiết: Dẫu là đá cũng nát gan lọ người khi nhân vật bị đánh đập; lắng nghe tiếng rạo rực của con tim Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu và đau đớn cho giá trị thân bị lăng nhục Thân ngàn vàng để ô danh má hồng...
Sáng tác của Nguyễn Du là tiếng vọng của thời đại cụ đã sống. Thời đại đã ủy nhiệm cho Nguyễn Du sứ mệnh vinh quang nói lên-bằng những giá trị nghệ thuật đặc sắc - những vấn đề cốt thiết của quyền sống con người. Có rất nhiều vấn đề về Nguyễn Du và "Truyện Kiều" đã và vẫn cần nói, trong đó, không thể thiếu sự định vị nhà thơ giữa thời đại. Với bất cứ tác giả văn học nổi tiếng nào, cũng cần sự định vị đó.   
24/9/2020
Trần Nho Thìn 
Theo https://www.qdnd.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...