Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Cái tâm trong nhạc

Cái tâm trong nhạc
Nhạc thính phòng là một loại nhạc khó tính. Nó không thể chung chạ với nhảy nhót, ăn uống. Cũng không thể sóng đôi với những tạp âm. Chỉ có tiếng hát, tiếng đàn và những lồng ngực treo lên theo những thanh âm thần quyền. Nhưng nhạc thính phòng cũng mang dáng vẻ dịu dàng của bàn tay vun lại những tâm hồn đa cảm. Người hát, người đàn, người nghe, tất cả như một trong lòng nhạc.
Nhạc là kỷ niệm, với Lệ Thu. Tiếng hát đã trên bốn chục năm ăn ở với nhạc, tiếng hát đã níu hồn người ngay từ khi mới cất lên, tiếng hát của những ngày xưa cũ dấu yêu, chính tiếng hát này, hôm nay, trong thính phòng sang trọng St. Lawrence Center for the Arts trong khu văn hóa của thành phố Toronto đã lại ru hồn người nghe. Kỷ niệm nào cho nửa hồn thương đau. Kỷ niệm nào cho xin còn gọi tên nhau. Người nghe, cũng ru hồn trong kỷ niệm. Kỷ niệm nào cho hương xưa. Kỷ niệm nào cho mùa thu chết. Trong những lời tâm tình với người nghe giữa những bài hát, Lệ Thu đã dẫn chúng ta về với những tháng ngày Saigon, những tháng ngày Tự Do, Ritz, thời gian mật ngọt đã chỉ còn lại như những kỷ niệm đẹp. Và tiếng hát lại cất lên, tiếng hát mang vẻ buồn bã của tiếc nuối. Trong giờ giải lao, tôi còn nhắc với Lệ Thu về một thời xa hơn nữa. Khi Lệ Thu chưa là Lệ Thu. Oanh còn nhớ những ngày chưa là Lệ Thu không? Ở đâu anh? Đường Hòa Hưng! Đang ngồi ký băng nhạc, Lệ Thu chồm người qua mặt bàn. Còn gì nữa, nói tiếp đi anh! Nhà hàng xóm của Oanh, anh Trần Cao S. ! Đúng rồi! Anh S. bây giờ ở đâu? Anh ấy mất rồi, mất ở bên Pháp! Tôi lặng người. Thuở ấy, tôi là bạn thân với S. và tới nhà S. hàng ngày để cùng nhau học thi Tú Tài. Nhà Lệ Thu ở khít bên, Lệ Thu lại là bạn thân với em gái của S., chạy qua chạy lại suốt ngày. Hai cô đều tên Oanh. Còn Oanh kia bây giờ ở đâu? Vẫn ở Cali! Lệ Thu cười. Nụ cười không còn tròn như nụ cười thuở trăng rằm!
Chân không vướng kỷ niệm, Diễm Liên và Nguyên Khang hát trong chất ngất đam mê. Hai tiếng hát trẻ này đã đẩy nhạc không trẻ lên tới tận cùng của rung cảm. Họ ngấu nghiến nhạc, phả sức trẻ cho nhạc, truyền sức sống tươi rói tới người nghe. Họ phả cho bài song ca Mai Tôi Đi cái hồn của cuộc chia tay tức tưởi. Trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của khán giả, Diễm Liên đã khôn khéo cám ơn khán giả đã chấp nhận những giọng ca trẻ trong nhạc thính phòng. Lời cám ơn như thừa thãi, bởi vì với cách phả đam mê vào nhạc như vậy, họ đã bắt trọn hồn người nghe.
Những tiếng hát hàng đầu này đã được dẫn dắt bằng những tiếng đàn đắt giá: tiếng dương cầm Vương Hương, tiếng vĩ cầm Hoàng Thi Thao, tiếng tây ban cầm Nguyễn Thế An. Những giọt dương cầm Vương Hương đang là những giọt ngọc của giới trẻ Việt Nam trình diễn nhạc thính phòng Việt Nam. Hoàng Thi Thao, thần đồng một thuở, nắn những phím vĩ cầm như nắn những ngón tay người yêu. Nguyễn Thế An, một tài năng hiếm có của cộng đồng Việt nam hải ngoại, làm bật ra tiếng tây ban cầm có phong thái riêng, một phong thái rất chững chạc. Nghe tên tuổi Nguyễn Thế An đã nhiều, đây là lần đầu tiên tôi được nghe anh trình diễn. Kỹ thuật đàn của anh, tôi mù tịt, nhưng theo một bài báo tôi đã được đọc, đó là kỹ thuật không phải ai cũng sở đắc được. Trên sân khấu, trước mắt tôi, là một cung cách nghệ sĩ, nghệ sĩ từ mái tóc dài tới ngang lưng được ơ hờ cột lại, nghệ sĩ từ dáng ngồi ôm đàn, nghệ sĩ từ ánh mắt đam mê, nhưng thanh thoát nghệ sĩ hơn cả là những ngón tay chạy trên cần đàn. Hình như anh không gảy đàn như từ mọi người thường dùng, mà anh vỗ về, nựng nịu, dỗ dành những dây đàn để nhả ra những âm thanh mê hoặc. Nghe tiếng đàn của anh như đón nhận những âm thanh lồ ô. Như tâm hồn được giải thoát ra khỏi những phiền toái thúc phọc của cuộc sống. Tiếng đàn nhảy nhót trong những sáng tác riêng của anh Ngẫu Hứng Tây Nguyên, Bèo Dạt Mây Trôi đưa chúng ta về với âm thanh dân tộc, âm thanh rất Việt Nam của anh, của chúng ta.
Nguyễn Thế Anh là một hãnh diện của Toronto, những tiếng hát Toronto trong đêm nhạc ngày 13 tháng 3 năm 2004 cũng đáng là một hãnh diện khác. Chúng đã vượt trên tầm mức địa phương để diễn tả rất tới những bản nhạc quen thuộc với khán giả với Trần Thái Hà, Tyti, Hoàng Lan, Duy Hùng, Điền Nguyên.
Đêm nhạc thính phòng này là đêm nhạc qui mô đầu tiên trong chương trình gây quỹ cho nhóm Hy Vọng Cho Tuổi Thơ (Hope For Kids) do một số anh chị em trẻ và có lòng với trẻ thơ Việt Nam thành lập. Hai con chim đầu đàn , Lê Hân và Hải Đường là những sinh viên du học từ trước 1975 và là những con người rất năng nổ trong các công tác thiện nguyện. Nhóm đã thành lập và đang điều hành một ngôi trường miễn phí cho các trẻ nghèo, con em những ngư dân trong vùng Mũi Né, Phan Thiết, ngay cạnh một trung tâm nghỉ mát thu hút rất nhiều du khách. Tất cả số tiền lời trong đêm nhạc này, tiền bán vé, tiền bán băng nhạc, tiền ủng hộ của các mạnh thường quân... đều sẽ trở thành những giấy bút, bàn ghế, áo quần...cho các em đáng thương tại Việt nam.
Nhìn những lượt người vây quanh bàn bán băng nhạc, nhìn những dáng người đang tiếp xúc để đóng góp thêm cho ban tổ chức, tôi như nhìn thấy cái tâm thiện của những đồng bào của tôi. Cái tâm cho nghệ thuật và cái tâm cho những mầm non của đất nước.
Theo http://www.songthao.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...