Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

“Cõi tình” của “Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly

“Cõi tình” của “Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly
 Đêm nhạc của Khánh Ly ở Hà Nội thành công đến nỗi không ít khán giả thấy… thòm thèm, chưa muốn ra về khi chương trình kết thúc. “Cõi tình” trong âm nhạc mà nữ danh ca mở ra đã không chỉ níu tai, níu mắt, níu chân, mà còn… níu tim cả khán phòng.
“Khánh Ly Live Concert” xứng đáng được coi là một trong những đêm nhạc hay nhất của Hà Nội trong vài năm trở lại đây vì có cả hát hay và câu chuyện. Rời khỏi Trung tâm Hội nghị quốc gia, khán giả có thể quên mức giá vé cao vào hàng kỷ lục để giữ lại trong trí nhớ về một giọng hát hiếm có và thông điệp tình yêu xuyên suốt chương trình.
Ngay khi giọng hát “live” rất thật của Khánh Ly cất lên cùng ca khúc “Diễm xưa”, khán giả đã có thể đoán biết đây sẽ là đêm nhạc tuyệt vời. Bao e ngại về khả năng hát trực tiếp cho cả chương trình, ở độ tuổi 70 của nhân vật chính tan biến. 
Giọng hát của nữ danh ca không khác biệt so với đĩa nhạc phòng thu hay trên các chương trình ca nhạc hải ngoại. Đó vẫn là một Khánh Ly, người ca sĩ có cuộc đời gắn cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn, với chất giọng liêu trai không thể lẫn lộn. Đó vẫn là ca sĩ suốt đời mặc áo dài trên sân khấu. Và đó không phải là một “huyền thoại” xa xôi ngỡ như được dệt thêu, sùng bái suốt bao năm… 
Lúc này, trên sân khấu Hà Nội, cùng Giám đốc Âm nhạc Hoài Sa và đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, nữ danh ca mang đến gam màu chung, hay nói cách khác là “chất” chính của toàn bộ chương trình ngay từ những khúc nhạc đầu. Đó là những bản nhạc xoay quanh chủ đề tình yêu, một phần lớn của Trịnh Công Sơn và phần nhỏ của các tác giả khác như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trần Quang Lộc, Trường Sa. Câu hát “ngày sau sỏi đá cùng cần có nhau” được nhấn nhá và bộc bạch về giá trị của tình yêu và kỷ niệm trong cuộc đời mà Khánh Ly ở những phút mở đầu đã thể hiện điều này.
Trong tà áo dài trắng, Khánh Ly đưa khán giả bước vào “cõi tình” của mình và nhạc Trịnh với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau, từ “Tình nhớ”, “Tình sầu” đến “Biển nhớ”, “Cát bụi”.Dẫu “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”, “cho trăm năm vào chết một ngày” thì con người cũng không thể sống thiếu tình yêu, không chỉ tình yêu đối lứa mà còn là tình yêu ruột thịt, tình yêu với cội rễ của mình. 
Nữ ca sĩ đã tâm sự sau trước khi hát “Ca dao mẹ” của Trịnh Công Sơn: “Tôi đã là mẹ, và trước khi là mẹ, tôi đã là con của một bà mẹ. Tôi hiểu tấm lòng của mẹ với con. Tấm lòng thương yêu vô hạn với mọi người con, trong đó có những người con thành đạt, có những người con thất bại, lại có những người mãi mãi nằm trong đất quê hương”. 
Nhịp thở về tình yêu ấy được Khánh Ly tiếp tục chia sẻ với khán giả qua những ca khúc khác thuộc dạng hay nhất trong gia tài nhạc Trịnh. Đó là nỗi khắc khoải “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng…” ("Như cánh vạc bay"), “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…” ("Hạ trắng"). Trong đôi phút ngừng hát, nữ ca sĩ trò chuyện về bài hát mà sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thích nhất là “Mưa hồng”.  Ca khúc duy nhất mà Lê Mai (tên thật của Khánh Ly)“nhờ anh Trịnh Công Sơn cắt nghĩa” trong một ngày tao ngộ sau bao năm là “Tuổi đá buồn”. Trên chính cuốn băng tư liệu được phát, lúc ấy, vị nhạc sĩ đã chia sẻ: Hình ảnh “giáo đường” ở đây là mơ ước của ông về một nơi mà bất cứ ai cũng có thể đến để ước nguyện về tình yêu, dù là niềm vui hay đau khổ. Thứ tôn giáo của tương lai, dành cho tất cả mọi người, chính là tình yêu.
Danh ca Khánh Ly tâm sự, cũng trong dịp gặp lại tại Canada vào năm 1992, sau nhiều năm xa cách, bà có hỏi “anh Sơn” về điều gì là quan trọng nhất với nhạc sĩ trong cuộc đời, ông đã hát“sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” ("Để gió cuốn đi"). “Tất cả những gì cuộc sống cần chỉ có như vậy thôi. Đó là con người sống tốt với nhau, sống tử tế với nhau”, Trịnh Công Sơn nói với “người tình” trong âm nhạc. 
Như vậy là từ tình yêu đôi lứa, không gian âm nhạc của “Khánh Ly Live Concert” dần mở rộng ra tình yêu giữa con người với con người và tình yêu xứ sở. Khánh Ly nhắc tới những ca khúc Da vàng trong nhạc Trịnh. Bà nói: “Tôi yêu những ca khúc Da vàng vì trong đó có thân phận con người, tình yêu và gương mặt quê hương. Nghe những ca khúc ấy, ta thấy hãnh diện vì là người Việt Nam và muốn mãi mãi xin cho quê hương an bình”. 
Cùng với những lời dẫn ấy, ca khúc “Xin cho tôi” của Trịnh Công Sơn được Khánh Ly cất lên trong phần song ca với Hà Anh Tuấn trở nên hợp cả tình và cảnh. Có lẽ, không ít khán giả sẽ không khỏi nghĩ về những biến cố có tính thời sự của đất nước mình qua những lời hát như:“Cho tôi đi xây lại chuyện tình/ Cho tôi đi nâng dậy hòa bình/ Cho tôi đi qua tận gập ghềnh/ Nhìn dòng máu trong tim anh…”
Trong đêm nhạc, Khánh Ly đã hát hơn mười ca khúc nhạc Trịnh. Những khách mời có mặt, toàn bộ là nam ca sĩ - Tuấn Ngọc, Thái Châu, Hà Anh Tuấn và Quang Thành, mỗi người đều có bài song ca với Khánh Ly và một ca khúc riêng không phải nhạc Trịnh Công Sơn. Còn một người nữa hát nhạc Trịnh, nhưng không xuất hiện trên sân khấu, đó là… nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 
Nữ ca sĩ đã gắn bó với nhạc sĩ họ Trịnh từ năm 1964 nói: Người ta cứ hay hỏi tôi ai là người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất. Theo tôi, đó là chính ông Trịnh Công Sơn! Cùng với chia sẻ đó, không ít khán giả đã không khỏi rưng rưng xúc động khi màn hình của sân khấu phát đi hình ảnh vị nhạc sĩ tài hoa – hiền triết cùng tiếng hát của ông qua những ca khúc như “Để gió cuốn đi”, “Ru đời đi nhé”. 
Những hình ảnh Khánh Ly ra viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước khi đêm nhạc diễn ra, với bó hồng vàng cũng được trình chiếu. Đó đây, có khán giả chấm nước mắt như thể tìm thấy sự đồng cảm, chia sớt nào đó, nhất là khi những lời nhạc của các ca khúc “Lặng lẽ nơi này” “Như một lời chia tay” cất lên. Đến đây, chính Khánh Ly cũng nói, có những lúc người ca sĩ như bà đem tới niềm vui, có lúc là nỗi buồn. “Nhưng nếu là nước mắt thì tôi xin được là những giọt nước mắt hạnh phúc”, nữ danh ca nói.
Nhiều khán giả, có cả những người từ rất xa về Hà Nội, có thể đã được thỏa nguyện với một đêm nhạc được đầu tư kỹ càng về âm thanh, dàn dựng. Nhưng trên hết, có thể họ đã cảm nhận được hạnh phúc khi được nghe và trực tiếp gặp Khánh Ly, cô ca sĩ từng đi chân trần để hát để rồi mang cái tên “Nữ hoàng chân đất”.  Một “cố nhân” như thế có thể đem đến niềm an ủi hoặc giúp gọi về những ký ức một thời còn nồng nhiệt “hãy yêu nhau đi…” 
Còn riêng với Khánh Ly, bà đã nói trên sân khấu: “Tôi mong đến một ngày được hát đến tắt tiếng, hát đến chết thôi…”. Khi nữ danh ca về hát lại ở Việt Nam sau 39 năm, về lại Hà Nội sau 60 năm, hẳn khán giả trong nước vẫn mong có ngày tái ngộ bà. Cũng bởi vì, “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…”  
Sự kiện văn hoá, giải trí khiến dư luận trong và ngoài nước xôn xao nhất trong những ngày vừa qua có lẽ là việc nữ danh ca Khánh Ly sẽ trình diễn tại Hà Nội. Ngoài Khánh Ly, trong tháng 5 và tháng 6, khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức hai giọng ca hải ngoại nổi tiếng trong những đêm nhạc đặc biệt, đó là Elvis Phương với “Sol Vàng”, và Hương Lan trong chương trình “Cầm tay mùa hè”.
Chùm bài “Những người trở về” của Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả những bài viết thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tựu chung đều đồng tình rằng: trải qua nhiều thế hệ, cái đẹp vẫn luôn được con người mến mộ, bất chấp những quan điểm về chính trị hay thể chế nào.
Danh Anh - Tuấn Đào


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...