Tình yêu mật
ngọt, mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời
Tình yêu như biển, biển rộng hai vai, biển rộng hai vai …
Tình yêu như biển, biển hẹp tay người, biển hẹp tay người lạc lối
Em đi về nơi ấy, nơi đâu nơi đâu, sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng, tan theo tan theo, chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi?
À ơi, nỗi đau này người
Tình yêu vô tội, để lại cho ai
Buồn như giọt máu, lặng lẽ nơi này
Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi
Đời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về … với tôi.
Hai.
Thưởng thức một bức hoạ và thưởng thức một bài nhạc có nhiều
điểm tương đồng, và cũng có nhiều điểm dị biệt. Đứng trước một bức hoạ tuyệt đẹp,
bạn cảm thấy choáng ngập vì mọi cá tính của bức hoạ hiện ra ngay trước mắt bạn,
mọi cảm xúc về bức hoạ ấy trong một khoảnh khắc gây ngay một dấu ấn trong trí
óc của bạn. Thưởng thức nhạc thì khác hẳn, người nhạc sĩ không thể nào gây một ấn
tượng ở bạn chỉ trong một vài giây, mà bạn phải nghe hết bài mới có thể ít ra cảm
nhận được cái hay của nó. Do vậy, nhạc sĩ phải dùng hết mọi vật liệu trong tay:
lời ca, ý nhạc, tiết tấu, tưong phản, bố cục, v.v. để tạo dựng bài nhạc nhằm
chuyển đạt tâm tình của họ đến bạn. Trong tiểu luận ngắn này, và trong sự giới
hạn về ngôn ngữ và hiểu biết của mình, người viết cũng hy vọng sẽ phác hoạ cho
bạn đọc một cảm nhận riêng về nhạc phẩm “Lặng Lẽ Nơi Này” của cố nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn (TCS).
Ba.
Như đã dẫn nhập ở phần trên, thưởng thức nhạc có cái hay riêng
của nó. Nghe nhạc, bạn được chính nhạc sĩ dìu dắt bạn theo dòng nhạc, ông bắt
ta dừng, ta phải dừng, ông bắt ta đi nhanh, ta phải đi nhanh. Ta không được quyền
chọn lựa cách ngắt câu hay đổi chữ. Nghe nhạc với tờ giấy in bài nhạc trước mặt,
bạn thấy hiển hiện tất cả những yếu tố đã làm nên thành công hay thất bại của bản
nhạc đó. Nghe nhạc, bạn bước đi lại từ đầu với nhạc sĩ, cùng sống lại tâm tưởng
hào hùng hay bi thương của nhạc sĩ ngay khi nhạc phẩm chào đời. Phân tích một
bài nhạc, do đó, phần nào cũng là đi tìm chủ đề của bài hát, cùng nơi chốn nào
đã tạo nguồn hứng khởi cho tác giả, làm cho người ấy không còn cách nào khác
hơn là ngồi xuống và ghi chép lại âm hưởng đó, khung cảnh đó, nỗi niềm nhung nhớ
khôn nguôi đó.
Bốn.
Bạn hãy cùng tôi tưởng tượng ra một bãi biển nào đó, khi trời
đã về khuya và không một bóng người, ngoài nhân vật chính là “ta” trong bài
hát. Nhân vật chính của chúng ta hoặc ngồi, hoặc đi dạo lang thang một mình, chỉ
có tiếng sóng biển từng cơn, từng cơn đập vào bờ, rồi lại rút về biển cả. Biển
mênh mông không cùng, chẳng thấy đâu là bờ. Trời về khuya tối đen, chỉ có ánh
trăng ở xa treo trên đầu con sóng, xa đến nỗi tưởng như một ngọn sóng thôi cũng
đủ làm nó tan theo với dòng nước, cùng với mối tình đã chết của “ta”. Tôi không
có khiếu làm văn sĩ, nhưng tôi hy vọng đã dựng được sơ khởi cái khung cảnh
(setting) của bài nhạc này.
Năm.
Như đã tường trình trong tiểu luận “Thử phân tích nhạc phẩm
Phôi Pha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, bài hát nào cũng phải có một ý nhạc hay
thì mới đủ để người nghe nhớ về nó như một căn cước riêng biệt, không giống các
bài khác. Trong bài này, căn cước đó là dòng nhạc có hình dạng răng cưa (zíc zắc),
thể hiện qua câu nhạc đầu tiên “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi”, và các
phát triển tiếp theo của ý nhạc trên. Cũng như phần lớn các bài nhạc khác, TCS
sử dụng âm giai thứ hoà điệu (harmonic minor) ở cung La thứ. Cũng giống như bài
trước, nhạc phẩm được viết theo nhịp ¾, và cũng giống như nhiều bài khác, nhạc
phẩm này lặp đi lặp lại nhiều từ (Ouch!). Vậy nhạc phẩm này hay ở chỗ nào???
Sự lặp đi lặp lại của ca từ có một chủ đích hẳn hoi mà người
viết sẽ “bật mí” sau với bạn, còn bây giờ thì ta hãy thử phân tích xem nó lặp
đi lặp lại ra sao. Trước tiên là lặp nhau về chữ kép: “mật ngọt” -> “mật ngọt”,
“mật đắng” -> “mật đắng”; rồi thì lặp lại về hai câu nhưng với giai điệu câu
sau là biến thể câu trước “ Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi” -> “tình
yêu mật đắng, mật đắng trong đời”; và sau cùng là một sự lặp lại (có tính toán,
tất nhiên :) của hai cặp bốn chữ “biển rộng hai vai” -> “biển rộng hai vai”.
Khác với bài viết trước, trong bài này người viết sẽ đi sâu
hơn về mặt ngôn ngữ để qua đó giải thích bố cục của bài nhạc cùng ngôn ngữ âm
nhạc đã minh họa rõ nét ý thơ ra sao. Trước hết, TCS đưa ra hai so sánh–định
nghĩa về tình yêu: Tình yêu là mật ngọt, và tình yêu cũng đồng thời là mật đắng.
Mật ngọt là những khi “uống môi em ngọt”, còn mật đắng thì ảnh hưởng dài hơn
nhiều, là nỗi sầu muộn cả đời người! Tại sao vậy, là tại vì “ta” đã định nghĩa
“Em” là “tình yêu”. Bạn hỏi tại sao ư? Thì rõ quá rồi còn gì nữa, tác giả nói về
biển, mà biển chỉ rộng có hai vai thôi, nếu không phải là “vai em gầy guộc nhỏ”
thì “còn ai trồng khoai đất này”???
Vì “Biển” là “Em” nên biển mới có tay, biển chỉ hẹp bằng hai
tay thôi, và một khi biển đã buông tay “ta” ra rồi thì “ta” chơi vơi và ta lạc
lối, chẳng trách tại sao TCS phải cảm khái những câu khác như “Không còn ai, dường
về ôi quá dài, những đêm xa người” …
Sáu.
Về phần nhạc thuật của Đoạn A, ngoài việc sử dụng các từ lặp
nhuần nhuyễn như trên, và phần nào dùng cung nhạc lên xuống để mô tả tiếng sóng
đập vào bờ rồi lại rút về, điều là mtôi thích thú nhất là cách bố cục câu của
ông. Ta thấy từ “Tình yêu mật ngọt” đến “biển rộng hai vai”, cả đoạn nhạc đó có
thể coi là hoàn chỉnh, và ta có thể yên chí tạo ra một verse khác cũng dựa trên
nền nhạc đó. Nhưng đây là dấu vết (clue) mà tôi đoán rằng TCS đã đặt lời đi trước
bản nhạc, do đó ông đã đi thẳng ngay vào “Tình yêu như biển, biển hẹp tay người,
lạc lối” So sánh về bố cục đoạn nhạc như vậy để thấy nó toàn hảo trong sự không
cân bằng, và sự trở về hợp âm La thứ đã làm cân bằng đoạn đó lại.
Trong hội hoạ, sự mất cân đối này có thể được minh hoạ bằng
tác phẩm sau của Gustav Klimt “Cái chết và Sự sống”. Nhìn thoáng qua với sự sống
chiếm chỗ nhiều và làm ta tưởng như bức tranh mất cân đối, nhưng thần chết với
màu tối hơn nhiều đã làm bức tranh này cân bằng trong sự bất đối xứng
(asymmetrical balance.) Cái nhìn soi mói của thần chết đối lại với sự e dè của
cô gái như hỏi thầm “Ông gọi tôi ?” đã nối kết hai phần của bức tranh với nhau,
còn trong bài nhạc thì TCS đã làm được việc liên kết này bằng cách lặp lại
“tình yêu như biển” cũng như phát triển ý nhạc dựa theo ý nhạc chính ở đầu đoạn.
Bảy.
Bây giờ ta hãy bước sang phân tích đoạn B (bridge). Trước hết,
nếu để ý kỹ, ta thấy đoạn đầu TCS có chủ đích là không hề nhắc đến chữ “ta” và
“em”. Đây là một sáng tạo nghệ thuật đặc trưng thông qua cách hành văn ẩn dụ,
và là “trade mark” (nhãn hiệu) của TCS. Liền lạc trong đoạn đầu này là ý tưởng
Ta <-> Em <-> Tình Yêu, đan kết với nhau vô hình bằng những so
sánh, do vậy nhân vật “em” ở đây đã bàng bạc xuất hiện rồi. Thành thử ra, nếu
ai chưa quen với lối viết ẩn dụ này của TCS sẽ cảm thấy ngôn từ của ông có vẻ
gì bí hiểm. Nhân tiện đây, người viết cũng xin thú thật là, có lẽ cũng như nhiều
người khác, khi ở độ tuổi mới vào đời đã bị lôi cuốn bởi giai điệu của nhạc TCS
nhiều hơn là ca từ. Nhưng có lẽ chính phần ca từ mới làm người nghe nghe hoài
không chán, với lối nói chung chung (không cụ thể) và đầy tính ẩn dụ, do vậy rất
phù hợp với tâm trạng của nhiều người. Ngôn ngữ TCS thật ra vẫn còn rất bí hiểm
với người viết, nhưng có lẽ vì vậy mới là cái thú để tạo động lực tìm hiểu thêm.
Trờ lại với chữ “Em”, tác giả đã khéo léo cho chữ em đứng lại
một chút (một nhịp rưỡi) để nhấn mạnh chủ thể của câu nhạc, và cũng để làm rõ
hơn câu hỏi chất chứa “nơi đâu nơi đâu”. Sở dĩ tôi nói vậy là vì câu “em/đi/về/nơi/ấy”
bạn có thể lấy bất kỳ 3 chữ đầu mà phổ nhạc: chẳng hạn “em đi … về nơi ấy”, hay
“em đi về … nơi ấy”, nhưng chữ “em” đứng một mình đắt giá hơn. Chữ “em” này
cũng khéo léo lồng vào để làm điệp khúc không bị trùng lắp như đoạn 1. Cặp chữ
“nơi đâu nơi đâu” được lồng vào rất thích hợp vì nó nhấn mạnh câu hỏi quắt quay
của “tôi” về hình bóng em. Vả lại, khi ta nhớ nhung về một người nào đó, ta đâu
có nhớ em ở “nơi đâu” một lần thôi, rồi quay sang suy nghĩ chuyện khác? Ta nhớ
đi, nhớ lại, nhớ tới, nhớ lui, lăng xăng trong tâm tưởng.
Trong điệp khúc này, “em” đã được ẩn dụ bằng “trăng”, vì nếu
so sánh hai câu đầu thì ta thấy rõ ngay là Em = Trăng. (Chẳng phải trong một
bài khác, TCS đã bật mí “từ khi em là Nguyệt” rồi sao?) Một lần nữa, với lối
hành văn ẩn dụ, người nghe nhạc tha hồ phiêu lãng theo nỗi nhớ riêng của họ về
một người tình cũ đã trở thành một phần ký ức của cuộc đời.
Tám.
“Làm sao ru được tình vơi?
Một lần nữa, TCS sử dụng cách đặt câu rất nghệ thuật để kết
thúc đoạn B. Trước tiên ông chuyển hoà điệu từ các hợp âm đầy tính cao trào
(dominant) như Dm và E7, và chuyển sang các hợp âm bình thản hơn (tonic) là Am
và G, rất phù hợp với lời nhạc. Ta tưởng chừng như sẽ đi cho trọn vòng quãng 5
(như trong bài Hello của Lionel Richie), và lời ru “à ơi” cũng đã bắt đầu gióng
lên, chuẩn bị tư tưởng cho việc nghe thêm các phát triển khác về ý nhạc, thì
TCS “cắt cái rụp” và chuyển nhanh về lại chủ âm la thứ. Chính ở điểm này đã làm
cho đoạn Bridge bị mất cân đối, nhưng đã tạo nên được một cảm giác hụt hẫng ở
người nghe, minh hoạ cho nỗi đau trống vắng của nhân vật “tôi”.
Chín.
Đoạn 2 của bài hát tiếp tục cho chúng ta thấy những hình ảnh
và sự tương phản mà nhân vật “tôi” cảm nhận, như so sánh mình với một giọt máu
đã lìa khỏi xác người, hoàn toàn vô dụng. Tiếp theo, TCS đã mô tả những không
gian thật rộng lớn, vô tận và tương phản với nó bằng hình ảnh lặp lại của “tôi”
bé nhỏ, với những bước chân đơn điệu và cô độc. Cuối cùng, tác giả đưa ra một kết
luận tuy bất ngờ những cũng đã có thể thấy trước, đó là “tôi về … với tôi”. Một
kết luận đơn giản, cam chịu, và rất hiển nhiên. Sau những sự lặp đi lặp lại của
những chữ đôi, cặp đôi, câu nhăc đôi, cái gì cũng có đôi hết, ta thấy cái “tôi”cũng
có đôi vậy, là “tôi với tôi”. Bạn tưởng tượng đem hết các từ câu lặp trong bài
này về môt phía của bàn cân, rồi bỏ câu “tôi về với tôi” này qua phía kia bàn
cân, mới cảm nhận được cái cô độc của nhân vật “tôi”.
Người viết cảm ơn đọc giả đã bỏ thì giờ cùng tôi tìm hiểu bài
nhạc “Lặng Lẽ Nơi Này”. Tôi cảm thấy trên mạng lưới toàn cầu cũng như trong
sách báo, người ta viết về TCS quá nhiều về nghệ thuật ca từ của ông, về nhân
sinh quan của ông, thậm chí còn tôn sùng ông là một nhà tư tưởng lớn hay là một
thiên tài. Tôi không có định nghĩa riêng về thiên tài, ngoài việc xác nhận Trịnh
Công Sơn là một nhạc sĩ có tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam hậu thế kỷ 20,
đã tạo được một “đột phá” (breakthrough) trong cách đặt lời ca, có một số lượng
nhạc phẩm được yêu thích rất đáng kể; và chắc chắn nhạc của ông đã có ảnh hưởng
rất nhiều đến các nhạc sĩ khác cùng thời cũng như các thế hệ nhạc sĩ sau này.
Tôi cũng cảm thấy bàn chung về ca từ và nhân sinh quan của ông, dầu rất bổ ích,
nếu có quá nhiều bài vở tương tự như vậy sẽ dễ trở thành nhàm chán – biết rồi,
khổ lắm, nói mãi. Trịnh Công Sơn trước tiên và trên hết là một nhạc sĩ, và
không có gì thiết thực hơn là đánh giá từng nhạc phẩm của ông, từng bài, từng
bài, một cách cặn kẽ để có thể cùng người đọc nhận ra công phu căn bản cùng tài
năng sáng tạo trong nhạc thuật của ông. Một nhạc phẩm hay không nhất thiết phải
có những biến đổi âm giai hay những hành âm phức tạp cầu kỳ. Nều viết nhạc với
lời ca phụ họa, thì bản nhạc phải nâng ca từ lên, và ca từ cũng phải làm cho
hành âm hoặc trơn tru, hoặc gãy cạnh tương xứng. Tôi tin TCS đã làm được việc
này. Tôi xin phép lập lại ý trong bài viết trước là để đạt được sự đơn giản như
trong “Lặng Lẽ Nơi Này”, TCS cũng phải mang nặng đẻ đau chứ cũng chẳng phải “lấy
nó dễ như từ trong túi” như nhiều người đã lầm tưởng.
Sau cùng, người viết hy vọng sẽ có nhiều người khác cũng viết
lên những cảm nhận riêng về từng bài ca của TCS, để chúng ta cùng nhau chia xẻ
những thành công về nhạc thuật của ông.
Lặng lẽ nơi này - Ngọc Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét