Sơn Nam - Hương Rừng Cà Mau
Ông già xay lúa
Chú phó hương quản ngạc
nhiên, chưa dám trả lời. Ðây là lần đầu tiên mà chú nghe cậu xã Nê tuyên bố lạ
lùng như vậy. Cậu xã là người thanh niên độc nhất ở U Minh làng Ðông thái này
thi đậu bằng cấp tiểu học, học trường của nhà nước ở chợ. Nhiều lần, cậu xã
giải thích riêng cho chú hiểu: tên Nê của cậu do chữ Tây Rờ-Nê, Rê-Nê gì đó mà
ra. Chính cậu xã phổ biến cách chào hỏi mới, bắt tay “bủa xua” với ông đại
hương cả. Mỗi kỳ đi hầu ông Ðốc Phủ Xứ chủ quận, cậu xã Nê không mặc áo dài,
đội khăn đống như mấy ông hương chức khác. Cậu diện áo bành tô, cổ thắt “cà ra
quách”. Lại còn một việc lẫy lừng kì ác, thiên hạ đồn phong phanh chớ chú không
chứng kiến tận mắt: năm ngoái, lúc ông Chánh Soái đi tàu tới Cạnh Ðền mang theo
sắc thần của Bảo Ðại phong cho Hoàng tử Cảnh, cậu xã Nê bắt tay “bủa xua” với
ông Chánh Soái, rồi “bật” tiếng tây rôm rốp khiến quan Ðốc Phủ Sứ, mấy thầy
thong thầy ký và tất cả hương chức hội tề các làng trong quận đều khâm phục...
Cậu xã Nê nhắc lại câu
hỏi khi nãy:
- Phải không chú phó
hương quản, Tây cai trị đem lại lắm điều dở, chú nghĩ coi.
- Ðiều gì vậy cậu. Tôi
thiếu hiểu.
- Cờ bạc lộng quá. Dân
mình như tự do cờ bạc suốt năm. Ở chợ Ngã Năm, ở chợ Xẽo Rôn nhà “xẹt” đông
nghẹt dân nghèo.
Chú phó hương quản suy
nghĩ, giải thích:
- Tại cái máu cờ bạc. Dân
miệt này toàn là người tứ xứ tới làm ăn. Họ cờ bạc không cần ăn thua, cốt để
khuây khỏa nỗi nhớ nhà.
- Không phải đâu! Tại họ
ở không, quanh năm chỉ làm một nghề ruộng hoặc một nghề đốn củi. Thiếu tiểu
công nghệ...
- Thưa cậu, tiểu công
nghệ là cái gì?
- Là thuộc da, dệt chiếu,
may quần áo... Làng mình không có thứ tiểu công nghệ nào để cầm chưn họ.
Vùng rừng bùn lầy, khai
thác chưa xong, làm sao họ nói đến tiểu công nghệ? Chú phó hương quản mải lục
soát trong trí nhớ. Làng gồm bốn ấp, tháng Tết rảnh rang, ai nấy bỏ nhà đi
chơi. Ấp Ðông Bình, sát mé biển chuyên về chài lưới; thường thường mấy tay khá
giả ở đó đi ghe ra chợ Rạch Giá đánh me, đánh vố. Hết tiền thì họ ngồi nhà mà
đờn ca vọng cổ hoặc nói chuyện tiếu lâm. Hồi mùng ba Tết, chú phó hương quản
đến đó một lần, họ kéo chú lại bắt ép uống rượu đến say mèm rồi mới chịu thả
ra. Vui quá! Lại còn “ông Năm xay lúa” từ ngoài hòn Cổ Trơn vào xay lúa mướn!
Thiên hạ bao vây ổng, hỏi han rối rít. Cái ông già này mới cừ khôi, đứng xay từ
hừng sáng tới mười giờ đêm mà không nghỉ tay, sắc mặt luôn luôn tươi rói. Bất
chấp Tết nhứt, ông ra nghề từ bữa mùng bốn, xay lúa ròng rã tới hôm nay, ai cần
thì cứ gọi ông đến cho vui nhà vui cửa.
Chú phó hương quản nói:
- Ở xóm biển có người
chuyên môn xay lúa mướn. Ðó là tiểu công nghệ, phải không cậu ba?
Cậu xã Nê gật gù:
- Không phải... nhưng mà
có còn hơn không. Ai xay vậy?
- Dạ, ông Năm ở hòn Cổ
tron mới vô.
Nghe qua, cậu xã như bị
điện giựt, nhảy nhổm, sáng mắt lên:
- Chú nói sao! Hòn Cổ
Tron à! Thiệt không?
- Dạ, thiệt chớ.
- Trời đất ơi! Mấy năm
rồi tôi muốn biết cho rành cái... tụi người đó. Kỳ cục lắm kia. Tôi thấy tận
mắt một lần mà còn nhớ, còn giận hoài. Họ ở truồng.
Chú phó hương quản ngạc
nhiên:
- Sao lạ vậy cậu? Ông già
này... có bận quần. Hằng năm mùa Tết ổng vô đây xay lúa mướn. Qua tháng mưa,
ổng thất nghiệp trở về hòn; ổng đui hết một con mắt, nói chuyện sành sỏi, nghe
ngộ lắm.
- Ðây là lần thứ nhì tôi
gặp họ... Nếu không ở truồng thì họ cũng mang vô đây vài phong tục lạ lùng. Chú
đốt đuốc mau. Mình đi kiếm ổng nói chuyện... Dịp may hiếm có.
Còn trắng đêm hai mươi
lăm u ám quá; hai thầy trò đốt đuốc soi đường. Mùa hạn, đồng trống hoang cây cỏ
héo cằn, con rạch khô cạn. Ði bộ trong làng rạch đã mát chân lại được bảo đảm
nạn rắn rít.
Gió biển hiu hiu, hơi
lạnh như gió bấc, muỗi bay thưa thớt từng con bên cây đèn tọa đăng, tuy vặn tim
lên cao nhưng mãi lu câm vì ống khói không chùi sạch. Ông Năm nắm tay vào giàn
xay, đưa tới lui. Thớt cối quay tròn, lúa phun ra kêu rồ rồ, vang đều đều, mãi rồi
sanh nhàm tai, buồn ngủ, cơ hồ không có. Kế bên ông Năm, đờn dìm trổi giọng,
không na ná tiếng gà mổ vào nia. Ðờn “ghi ta” hòa theo, tuy nhanh nhưng buông
rõ rệt từng giọt đồng, kém dồn dập hơn giọng đờn ở bên Tây Ban Nha tuyệt vời.
Bãi biển sình lấy của vịnh Xiêm La chứng tỏ đủ năng lực hấp thụ và đồng hóa
những gì xa lạ!
Năm ba bạn bè đang nghe
bài Tây Thi quốc sự, nhắc gương chiến đấu của nhà chiến sĩ quốc gia Phan Châu
Trinh, Mấy chai “ắp xanh”, “con cọp đen” rượu rừng... lần lần cạn. Tuy bận rộn
xay lúa nhưng ông Năm vẫn lắng nghe, thưởng thức. Bỗng có kẻ chạy vào như tên
quân trong tuồng hát bội cấp báo:
- Thầy xã với phó hương
quản tới. Nghe không! Hai chả đốt đuốc... Lặn hụp giữa ruộng nãy giờ. Tôi thấy
rõ ràng.
Ai nấy ngưng đờn ca. Ông
Năm vẫn xay lúa rồ rồ... Họ vừa nói vừa cười, cãi cọ qua lại một cách thân ái:
- Mấy chả gan mật cùng
mình sao kìa! Hồi nào tới giờ họ chưa đặt chân tới xóm mình. Chắc có chuyện gì,
mình ăn thua đậm.
- Nói bậy đi. Hễ không
tới thì chê nghười ta nhát, kiêu căng. Bây giờ người ta tới thì công kích. Thầy
xã này là người có âm đức. Ba của thẩy, chú của thẩy hồi đó hiền lắm.
- Tết mà, thẩy đâu dám.
Tôi nghi thẩy làm “ăn kết” dân lạ mặt, thí dụ như ông Năm xay lúa. Mình cứ trả
lời rằng đã trình diện ổng với ông chủ ấp. Chủ ấp của mình bữa nay đi vắng, dể
nói dốc quá, đâu có mặt mà đôi chối. Nè ông Năm! Ngừng tay lại, nghe tôi dặn:
Lát nữa, ai có hỏi, ông làm bộ như câm, như điếc. Nói chuyện nhiều, nguy lắm.
Ông có “giấy lão” không?
Ông Năm nói:
- Không có giấy tờ gì
hết. Tôi tàn tật hư một con mắt mà... Muốn dẫn tôi đi đâu cũng được... Theo lẽ,
nhà nước phải nuôi tôi nữa kìa.
- Cha này coi vậy mà gan
ta!
Ánh đuốc sáng lòe trước
cửa. Ai nấy lặng im. Chú phó hương quản đập đuốc xuống đất để dụi tắt. Cậu xã
Nê bước vào, trong khi ông Năm mải xay lúa rồ rồ.
Cậu xã tươi cười, khoát
tay như bảo ai nấy cứ ngồi xuống, đừng đứng dậy chào.
- Ðược! Ðược! Phiền bà
con quá. Tết năm nay đầy đủ không? Ðờn địch vui quá hả? - Thầy nói.
Một người đáp lại:
- Dạ, nhờ... “bà cậu” nên
năm rồi cũng khá, tạm đủ tiền xây xài.
Chú phó hương quản lườm
mọi người:
- Bà con ăn nói vô ý tứ
quá. Tại sao nhờ... “bà cậu”? phải nhờ người này người kia chớ. Còn ông già kia
sao xay lúa hoài vậy? Nghỉ một chút để người ta nói chuyện. Bữa nay cậu xã
tới...
Cậu xã ngắt lời:
- Ổng xay để ổng xay. Nếu
dân mình ai nấy đều siêng năng như vậy thì quý lắm.
- Dạ đó là ông già Cổ
Tron mà tôi nói hồi nãy với thầy.
Cậu xã hơi phật ý vì thái
độ quá sốt sắng của người cộng sự:
- Chú phó hương quản để
mặc tôi. Tôi không muốn làm rầy ổng.
rồi giọng thầy ôn tồn:
- Ông ở hòn Cổ Tron hả!
Làm gì sanh sống ở ngoải?
Ông Năm ngưng tay, trả lời:
- Dạ, tôi đốn câu săn đá
để làm cối giã gạo, bán cho bà con trong bờ này.
- In là ông hư một con
mắt?
- Dạ bẩm, tôi tàn tật hồi
còn nhỏ chớ không phải vì nghề... cầm búa.
Một người nói tiếp như
muốn chứng minh sự lương thiện của ông Năm:
- Thưa thầy, ổng giỏi
lắm. Nghèo là tại trời... vậy thôi! Cây săn đá ngoài hòn Cổ Tron bền tới thiên
niên. Cối bằng săn đá giả gạo mau trắng. nhịp chày vô nghe bon... bon như
thiếng chuông đồng. Ở nhà đằng kia, còn một cây cối thứ đó.
Cậu xã gật đầu:
- Ðó là tiểu công nghệ,
nghe không chú phó hương quản.
Rồi cậu ngắm nghía ông
Năm. Nỗi thắc mắc của cậu vẫn chưa giải tỏa. Không lẽ dân ở hòn Cổ Tron lại
siêng năng, khéo léo, hiền hậu tới mức này. Day qua mấy cây đờn, mấy chai rượu,
cậu như hối hận:
- Bậy quá! Làm lỡ cuộc
vui chơi của bà con anh em. Thôi “làm” một bản vọng cổ nghe coi! Lựa thứ nào
văn chương hay một chút.
Vọng cổ mà văn chương
hay! Họ rao sơ sơ rồi bắt đầu:
- Ác ngậm non Ðoài, ngọn
gió Ðông Nam nó thổi đưa mặt nhựt hồi về nơi Tây Bắc...
Anh ca sĩ ngạc nhiên, tức
tồi vì thình lình cậu xã dơ tay lên, ra dấu hiệu chận lại, thiệt không đúng
“điệu”! hay là cậu hồ nghi câu hát này ẩn ý chuyện quốc sự, sấm truyền? Hồi
lâu, cậu xã mới nói:
- Câu hát khó hiểu quá!
Rắc rối và lại vô duyên.
- Thưa cậu, đó là tả cảnh
chiều, gió thổi nhè nhẹ mặt rời sửa soạn lặn... Bài này trích trong cuốn Vọng
cổ Bạc Liêu bán tại chợ Rạch Giá.
- Tôi hiểu... Bài ca lăng
nhăng quá, trật sách vở khoa học. Tại sao mọc ở Ðông Nam rồi lặn ở Tây Bắc?
Anh ca sĩ nhìn qua ông
Năm như cầu cứu. Cậu xã nói cố ý:
- Ông già xay lúa này cắt
nghĩa thử coi. Tôi nói câu hát trật văn chương mà!
Ông Năm vừa xay lúa vừa
nói chậm rãi:
- Dạ, lệ thường mặt trời
mọc hướng Ðông lặn hướng Tây. Nhưng gần sa mưa hay gần Tết thì mặt trời đi xéo.
Vì vậy ngày và đêm không đều, “tháng năm chưa nằm thì sáng, tháng mười chưa
cười thì tối”. Từ Ðông Nam hồi về Tây Bắc, tức là bài ca vọng cổ muốn nói lúc
tháng mười; ngọn gió đó là gió Tết. Mặt trời ít khi đi ngay hướng Ðông Tây,
thưa cậu.
Cậu xã Nê hoảng hồn vì
dường như ông già xay lúa nọ nói đúng, đúng theo cuốn sách địa lý mà cậu đã
học. Nhìn nhận rằng ổng nói đúng thì e mất thể diện mình, cậu đánh trống lảng:
- Ông học điều đó ở đâu
vậy? Ai dạy ông?
- Dạ, không ai dạy hết.
Tôi nghiệm ở hòn Cổ Tron. Ở ngoải buồn lắm. Tối ngày, tôi coi mặt trời mọc, mặt
trời lặn cho khuây khỏa. Ðiều đó, lần lần tôi hiểu được, không rõ hồi nào.
Cậu xã Nê hơi tức giận.
Chú phó hương quản nãy giờ ngồi im lại nói:
- Ông biết cái gì ông ơi!
Hòn Cổ Tron là nơi quê mùa, còn tệ hơn quê mùa nữa kìa! Dân hòn Cổ Tron chuyên
môn ở truồng, đàn ông đàn bà gì cũng vậy, cậu xã của tôi biết rõ.
Anh em đờn ca cảm thấy áy
náy vì bầu không khí hơi bất hòa. Họ muốn an ủi cái thể diện của cậu xã mà họ
không hề thù oán. Sẵn câu nói này, họ đồng hè trả lời:
- Cậu xã hay quá! Ở ngoài
hòn Cổ Tron có gì lạ vậy cậu, tụi tôi chưa biết. Ông Năm xay lúa mới ra hòn lúc
sau này, chắc cũng chưa biết, Xin cậu nói lại cho tui tôi nghe.
Thích chí, cậu xã Nê
thuật lại:
- Năm đó, hồi còn nhỏ mỗi
ngày tôi đi học, từ nhà muốn tới trường thì phải quẹo ra sân banh sát mé biển
chợ Rạch Giá. Bữa đó, hừng sáng, dân chài lưới la hoảng chạy về baó với ông cò
Tây. Tôi tới nơi xem: rõ ràng trên bãi biển có hai người đờn ông, hai người đờn
bà nằm dài lim dim con mắt, miệng chúm chím cười. Họ ở truồng đông đổng! Chập
sau, thầy đội mã tà ra tới, Thẩy kêu mấy người đó. Họ nhúc nhích rồi nằm yên.
có người bàn: “Chắc họ bị chìm ghe ngoài biển khơi trôi tấp vào đây, dọc đường
họ cởi quần áo để thân thể nhẹ nhàng, tiện bề bơi lội. Họ ở xa lắm, không chừng
ở ngoài hòn Cổ Tron”. Nghe qua họ vẫn chúm chím cười. Tiếng đồn ngày một lẹ,
mấy người ở chợ kéo nhau đến nghẹt tới mé biển mà coi cho rõ hư thiệt. Ông cò
Tây hoảng sợ, thầy đội mã tà cũng hoảng sợ. Làm sao giải tán được? Làm sao che
giấy chuyện ở truồng đó được! Sau rột, ông cò Tây bèn sai lính mã tà qua chợ
mua bốn chiếc chiếu đem xuống mé biển, phát cho mỗi người một chiếc, biểu họ
quấn chung quanh mình rồi lên bờ. Họ không trả lời. Mấy người mã tà bắt buộc họ
đứng chính giữa, rối căng chiếu che bốn bên, dẫn họ về bót. Họ bằng lòng đi.
Cái cảnh lạ lùng quá, như công chúa ngày xưa đi tắm có tỳ nữ che rèm bốn bên.
- Hay quá vậy câu xã. Nói
tiếp nữa đi.
Cậu xã nói tiếp:
- Ông cò không chịu chứa
mấy ông bà ở hòn Cổ Tron này trong bót, e xui xẻo. Ổng ra lịnh giam họ bên nhà
việc (nơi làm việc của chính quyền ở làng, xã) làng Vĩnh thanh Vân. Mấy ông hội
tề đành giam giữ họ.
- Rồi họ chịu bận quần áo
không? Có người hỏi.
- Chịu chớ sao không
chịu. Hương chức làng xuất tiền công nho, may cho mỗi người một bộ vải xiêm
láng. Họ cười, không nói không rằng, ra về.
Rồi cậu xã kết luận:
- Ðó, mấy người ở hòn Cổ
Tron theo tôi thấy rõ ràng thì như vậy đó. Ông Năm xay lúa nghĩ sao?
Ông Nam mỉm cười, trả lời
rằng không biết. Chú phó hương quản nói:
- Hồi đó, chắc ông già
này có tham dự quá!
Ai nấy cười rộ. Cười để
làm thỏa mãn lòng tự ái của cậu xã, hàng chấm dứt câu chuyện cho đúng lúc.
Cậu xã, chú phó hương
quản đốt đuốc ra về.
o0o
Ông Năm lại tiếp tục xay
lúa. Ông nói:
- Tôi không biết cái
chuyện ở truồng này! Chẳng qua là thiên hạ hiểu lầm hòn Cổ Tron. Mấy người ở
truồng nào đã tự xưng quê quán, danh tánh. Như cậu xã nói, họ im lìm từ hồi đầu
mùa kia mà! Cậu xã nói thiệt chớ không nói dóc đậu.
- Vậy thì vụ đó là vụ gì?
- Vụ này tôi nghe nhiều
lần phong phanh. Tôi hồ nghi đó là mưu mô của mấy người nào đó ở gần chợ rạch
Giá. Vì thiếu quần áo – nên nhớ là năm đó đồ khổ lắm, họ liều thân làm xấu để
xin quần áo của nhà nước. Nhà nước sợ họ; họ đã thành công. Dễ gì đi làm mướn
một buổi sáng mà sắm được bộ quần áo, hồi năm quần bao áo bố đó!
Ai nấy khen ngợi:
- Ông Năm cắt nghĩa hay
quá!
- Tôi nhắm chừng vậy
thôi. Người trong cuộc họ hiểu rõ sự thật hơn tôi. Họ không nói gì thì làm sao
mình biết; sự thiệt nó im lặng, không có lời nói. Bây giờ chắc họ cũng không
muốn nói ra, e bị ở tù về tội gạt hương chức làng.
- Vậy mình cũng nên kêu
cậu xã trở lại, nói cho cậu nghe. Cắt nghĩa như vậy chắc cậu chịu lắm mà lại
còn phục tài người ở hòn Cổ Tron như ông đây.
Ông Năm lẩm bẩm:
- Ðừng kêu trở lại nửa
chừng; ban đêm, cậu hồ nghi. Ðể cậu về ngủ. khuya, gió lạnh lắm. Mà chưa chắc
cậu chịu nghe. Nhưng không sao. Năm mười năm nữa, chừng tóc bạc hoa râm cậu
hiểu một mình, không cần ai cắt nghĩa. Muộn gì!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét