Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Cảm nghĩ về ca khúc Vườn xưa

Cảm nghĩ về ca khúc Vườn xưa
Ca sĩ Quang Dũng đã có lần viết trên báo rằng mình có cái may mắn được trò chuyện cùng nhạc sĩ Trịnh công Sơn trước lúc ông mất, được nghe TCS kể về hoàn cảnh ra đời của một số tác phẩm, “mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ”. Ví dụ bài “Ru em từng ngón xuân nồng” là ru một cô gái trẻ đẹp đã nằm sâu dưới mộ. Riêng tôi thì cho rằng các thông tin đó chỉ có ích cho người hát còn người nghe thì không cần phải biết các thông tin đó vẫn thấy hay, đôi khi không biết còn thấy hay hơn vì mỗi người nghe đều có cách cảm nhận cho riêng mình về một tác phẩm. Lâu nay tôi vẫn thích “Ru em từng ngón xuân nồng” và vẫn nghĩ rằng bài hát ấy viết về một cô gái còn sống trên cỏi đời chứ đâu nghĩ rằng viết về một cô gái đã chết, bây giờ biết vậy tôi lại cảm thấy ghê ghê vì tôi là người hay liên tưởng mạnh
Nhân việc nói chuyện về tác giả và việc chuyển tải nội dung tác phẩm đến người nghe tôi thấy đôi khi hiểu đúng theo ý tác giả muốn viết lại không thật hay vì vẫn có những hạn chế mà tác giả không nhìn thấy bằng người nghe bởi người đứng ngoài bao giờ cũng nhìn rõ hơn còn tác giả phải làm nhiều việc quá tất nhiên sẽ không thể nào tránh khỏi sai sót, nhất là với một người viết 600 tác phẩm như Trịnh công Sơn. Một đơn cử khác (theo ý tôi) như ở bài “Trả nợ người” có đoạn ông viết “...em phụ tôi một thời bé dại. Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi. Thơ dại ra đi quên hết tình tôi”. Lúc đầu tôi nghe từ đĩa CD, do phát âm của ca sĩ, tôi tưởng là “thở dài ra đi”. Nhưng sau đó khi xem đĩa Karaoke tôi mới biết là “thơ dại” chứ không phải là “thở dài” nhưng rõ ràng “thở dài” nghe hay hơn “thơ dại” vì trước đó câu trên đã có từ “bé dại” rồi câu dưới lặp lại “thơ dại” ý nghĩa không khác mấy. Với lại từ “thở dài” biểu hiện một sự ra đi miễn cưỡng, hay ít ra sự ra đi ấy còn mang niềm quyến luyến , còn “thơ dại” ra đi thì đâu có gì đáng nói. Vậy nên điều tôi muốn nói ở đây là đôi khi thính giả hiểu theo ý mình tác phẩm có ý nghĩa hơn, hay hơn là theo đúng như ý tác giả muốn viết.
Bây giờ tôi muốn cảm nhận theo ý mình một tác phẩm khác của TCS bài “Vườn xưa”. Khi nghe bài này tôi tưởng tượng ra một câu chuyện mà không biết có đúng như hoàn cảnh sáng tác của TCS không?. Một ngày cuối đông, trời hửng nắng, người nhạc sĩ đột nhiên nhớ đến một người bạn gái lâu rồi không đến thăm Ông liền đến nhà người bạn gái ấy nhưng khi đến nơi ông thấy cửa đóng, then cài im ỉm như là đã lâu không có người ở. Người nhạc sĩ liền lên tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Hỏi thăm hàng xóm ông mới biết là người bạn ấy đã đi lấy chồng từ lâu: “Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông trời chợt nắng, vườn đầy lá non. Người lên tiếng hỏi người có không?. Người đi vắng về nơi bế bồng”. Câu chuyện tưởng như đến đó thì chấm dứt nếu là người bình thường bởi vì đến thăm bạn nhưng bạn không còn ở đó nữa thì đi về thôi chứ còn biết làm gì nhưng với TCS thì đâu có chấm dứt sớm như thế được, nếu chấm dứt thì làm sao có tác phẩm “ Vườn xưa” để lại cho đời, ông liền nhắn nhủ với người bạn ấy “Đừng phai nhé  một tấm lòng son”. Và tự hỏi “thuyền nào đã chở mất thuyền quyên ?”
Được tin bạn lấy chồng ai cũng có một đôi chút buồn, sợ rằng bạn sẽ vui với hạnh phúc mới mà quên hết người cũ nên lời nhắn nhủ ấy cũng là lời cầu mong rất tự nhiên như tâm lý chung, ai cũng thế. Hãy giữ “tấm lòng son” mãi mãi tươi hồng dù ở hoàn cảnh nào thì tình bạn vẫn mãi son sắt, đậm đà Một mặt thì nhắn nhủ, mong ước, mặt khác thì cũng hơi có chút ghen tức “thuyền nào đã chở mất thuyền quyên?”. Không biết thằng nào mà nhanh tay vậy ? (Ở đây ta thấy Trịnh Công Sơn đã dùng nghệ thuật chơi chữ rất hay giữa “thuyền” và “thuyền quyên” Chữ “thuyền quyên” dùng để chỉ người con gái “phận gái thuyền quyên” Chữ “ thuyền quyên” ấy vừa chỉ người bạn gái kia vừa đối với chữ “thuyền” ( thuyền hoa) chở cô dâu đi về nhà chồng để rồi sau đó ta lại được thấy “thuyền” thứ 3 xuất hiện trong bài này :” thuyền buồm” ở đoạn điệp khúc). Nhưng rồi đột nhiên qua phần điệp khúc người nghe cảm thấy như 2 đoạn chả ăn nhập gì với nhau: đang nói chuyện người bạn gái đi lấy chồng thì tự nhiên nhảy sang nói chuyện thuyền với biển: “với những thuyền buồm, lớp lớp ra khơi Xin có lời mừng giữa chén rượu nồng”. À không, tác giả muốn đưa ra hình ảnh thuyền buồm để so sánh hoặc là đối lập, liên tưởng  2 hình ảnh : những chuyến thuyền đi đánh cá và những cuộc tình “sóng gió” như những con thuyền ra khơi kia. Mới nghe thì tưởng như chả có gì giống nhau giữa những con thuyền và những cuộc tình nhưng ngẫm lại là giống nhau ở chổ đều “ sóng gió lênh đênh” thuyền cá và thuyền tình đều phải vượt qua sóng gió ấy. Nhưng khác nhau ở chổ thuyền cá vượt qua sóng gió thì uống rượu mừng còn thuyền tình đi qua sóng gió phải uống rượu buồn :“với những cuộc tình sóng gió lênh đênhsẽ có một ngày nhấp chén muộn phiền”sau một hồi liên tưởng về việc đi lấy chồng của người bạn gái chàng nhạc sĩ lai quay về thực tế. Chàng đứng trước cổng nhìn vào căn nhà, nhìn vào khu vườn: “nhà im đứng, cửa cài đóng then, vườn mưa xuống, hành lang tối tăm” cảnh tượng ngôi nhà hoang thật buồn, mọi thứ đều im lìm, câm nín, như phủ nhận cách đây không bao lâu có một người con gái xinh đẹp với nụ cười đẽ thương chạy ra mở cổng mời người bạn vào nhà.
Khu vườn ấy hai người đã từng ngồi trò chuyện vui vẻ dưới bóng cây râm mát, tất cả đã xóa nhòa sau cái cảnh hoang tàn không có hơi người kia, không một tiếng động nào còn vang vọng nữa. Thôi không còn ai để chào tạm biệt chàng đành chào chiếc cổng chào vô tri, vô giác đứng cuối sân, nhờ nó làm chứng cho tấm lòng son với bạn bè dù có hơi muộn màng “về thôi nhé cổng chào cuối sân”. Chàng cũng không quên nháy mắt với một đóa hồng trong sân im vắng đang nhìn chàng như một người xa lạ :“hờ hững thế loài hoa trắng hồng” rồi lại tiếp tục chào chiếc lá vừa bay đến “Chào chiếc lá về giữa vườn hoang”. Chàng thấy như chiếc lá kia mang một linh hồn, một thông điệp, một ẩn chứa nào đó của người bạn gái ấy để lại, nhắn lại cùng chàng một chút tình riêng, một lời chào, một lời xin lỗi vì nàng đã ra đi mà không kịp báo cho chàng biết. Chúng ta một lần nữa lại thấy rằng Trịnh Công Sơn là một người luôn gần gủi, hiểu biết thiên nhiên, đọc được ở cây, lá điều mà cây lá không nói được như trước đây ông đã từng đưa cây lá vào tác phẩm rất nhiều: “một hôm thức dậy, chuyện trò với lá cây” (Tình sầu), “đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi” (Rồi như đá ngây ngô)…. Nhưng có một điều mà qua bài viết này tôi muốn nói đến là khả năng viết nhạc của TCS thật vô tận. Với một câu chuyện đơn giản như trên ông có thể viết thành một ca khúc thành công đúng như nhận định của một nhạc sĩ về TCS khi ông mất: Trịnh công Sơn viết nhạc đễ dàng như rút từ trong túi áo ra vậy.   
Trần Văn Lộc

Vườn xưaTrịnh Vĩnh Trinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...