Sự phản biện giúp nhận ra những
ưu điểm và hạn chế
Nguyễn Anh Tuấn
Thân gửi mọi người đã quan tâm nhiều đến nhóm New Form và
tranh luận hăng hái trên Soi.
Tôi vốn dĩ ngại tranh luận với số đông, đặc biệt với những bạn
không rõ tên tuổi, tuy nhiên, có những trao đổi thẳng thắn từ anh Phó Đức Tùng và bác Trịnh Lữ, tôi viết vài dòng để trả lời về
câu chuyện của nhóm New Form.
Trong hai triển lãm New Form của chúng tôi bày tại
Manzi tháng trước và Module 7 đang diễn ra tháng này, mỗi tác phẩm của nghệ sỹ
đều có statement của tác giả viết về ý tưởng sáng tác, và ý tưởng nghệ thuật sử
dụng cho tác phẩm và triển lãm. Triển lãm cũng có statement chung, giới thiệu bước đi của dự
án New Form và tiêu chí chung cho triển lãm trong hai bài viết mà Soi
có đăng trên này. Câu chữ trong bài viết có thể gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm cho
người xem. Tôi xin giải thích thêm.
Chúng tôi làm New Form với mục đích đơn giản là đưa ra
những hướng sáng tác mới và khả năng mới cho điêu khắc, và hướng đến việc đưa
được điêu khắc kết nối với đời sống ở
những không gian thực tế. Một dự án được xây dựng thành ba giai đoạn, mỗi giai
đoạn được thực hiện trong 12 tháng, hoặc hơn. Trong giai đoạn một, chúng tôi thể
nghiệm các cách thức sáng tạo và trưng bày điêu khắc: chất liệu, kỹ thuật, bày
điêu khắc như một kết nối không gian, thay đổi chiều hướng của tác phẩm, hoặc một
tác phẩm có tính không gian (hơi tương tự thủ pháp của nghệ thuật Sắp đặt hoặc
Địa hình nhưng không quá phụ thuộc vào môi cảnh mà vẫn có tính độc lập cần thiết
của điêu khắc). Mỗi nghệ sỹ nghiên cứu và đưa ra những giải pháp của riêng mình
theo một hoặc nhiều hướng trên. Sang giai đoạn hai, nghệ sỹ phát triển sâu hơn
vào tìm tòi thể nghiệm của mình theo những cách khác nhau, và đưa tác phẩm kết
nối với không gian trong thực tế.
Dựa vào những thể nghiệm ở giai đoạn 1, nghệ sỹ lựa chọn cách
thức và ngôn ngữ nghệ thuật để làm tác phẩm đối với không gian và vị trí được lựa
chọn, và phát triển tiếp cá tính, sự độc lập và phương án nghệ thuật mình theo
đuổi, hoặc cũng có thể lựa chọn một hướng làm việc khác khi lần trước không hiệu
quả. Điều này có thể thấy rõ trong cách làm việc và sáng tác của Khổng Đỗ Tuyền,
Phạm Bảo Sơn, Thái Nhật Minh hay Lê Lạng Lương. Tôi cũng đã viết kỹ hơn về sự
phát triển của cá nhân và bước đi của dự án trong statement triển lãm bày tại
triển lãm ở Module 7. Để phân
tích những phát triển đó là gì, yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật như thế nào, tại
sao lại như thế này mà không như thế khác, sẽ cần nhiều hơn một bài trao đổi,
hoặc một vài tọa đàm nữa về dự án, và sự đối thoại nhiều hơn giữa mỗi cá nhân
nghệ sỹ với mọi người.
Tác phẩm của Lê Lạng Lương. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Tôi không tranh luận với những ý kiến khác của nhiều bạn trên
này. Mỗi người có quan điểm và cách đánh giá riêng về tác phẩm và nghệ thuật,
cũng như có những kỳ vọng riêng của mình với nghệ sỹ dựa theo nhận thức và
thang giá trị cá nhân. Tôi và các nghệ sỹ cũng không thể làm theo lời khuyên của bác Trịnh Lữ khi phải
cố đưa ra một lý thuyết cao siêu khó hiểu. Nếu có lý thuyết, chúng tôi cho rằng
nó nên bắt nguồn từ chính trong xã hội Việt Nam, hoặc hệ tư tưởng đó phải bắt rễ
được trong đời sống người Việt (ví dụ như Phật giáo hoặc Nho giáo trong quá khứ),
nếu không, đó vẫn chỉ là những thứ ngoại lai, xa vời, và không thể là nền tảng
tốt cho nghệ thuật. Thà bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, những thứ mình hiểu và nắm
được và phát triển nó lên, mới là con đường thực tế. Tôi tin rằng vẫn đang có
các trí thức, dịch giả, người làm nghiên cứu-phát triển liên tục tìm cách đưa
những tư tưởng mới vào Việt Nam, song có lẽ để một vài tư tưởng này bắt rễ và
đi vào đời sống vẫn cần thêm một quá trình nữa, và con đường này cũng không hề
đơn giản và nhanh chóng.
Nghệ thuật thể nghiệm chưa bao giờ dễ dàng, với nghệ sỹ – cần
có thời gian để não bộ chấp nhận và dung hòa cái mới, dẫn đến các thao tác bàn
tay, rồi kỹ thuật, công nghệ, kinh tế… để làm ra thứ mình muốn. Xã hội cũng cần
có nhiều thời gian để nhìn nhận, đánh giá, chấp nhận hay không chấp nhận. Trong
quá trình ấy biến số và yếu tổ rủi ro luôn xảy ra, nhất là với sự mong manh ở
Việt Nam, khi chưa có những nền tảng thực tế nào là chỗ dựa cho nghệ sỹ, nghệ
thuật cả về vật chất và lý thuyết, tinh thần. Sự nhầm lẫn, chệch hướng hoặc đứt
gãy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà không được báo trước. Tuy nhiên, đối với dự
án lần này, ít nhất sự phản biện trong các trao đổi cũng giúp chúng tôi nhận ra
những ưu điểm và hạn chế của mình. Cũng mong rằng những đóng góp, trao đổi với
chúng tôi nhiều tính xây dựng, ít cá nhân như của anh Tùng, bác Trịnh Lữ, bạn Phạm Quang Hiếu và Nobita như trong bài viết đầu tiên thì có ích
hơn nhiều với những người làm dự án.
Cảm ơn những trao đổi của mọi người. Mong rằng chúng ta sẽ gặp
lại trong các công việc lần sau của nhóm. Trân trọng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét