Não, cơ thể, và điện tử: hay như nghệ thuật tại Viện Franklin
Phó Đức Tùng
Về Philadelphia, về trục đại lộ Parkways. về ấn tượng khi vào Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, và
về tranh tường ở
Philadelphia
Philadelphia 10. 04. 2015
Viện Franklin. Ảnh của Bobak Ha’Eri
Bảo tàng kỹ thuật của viện Franklin nằm trên trục đại lộ Franklin, thuộc khu vực
bảo tàng của Philadelphia. Cùng với những tòa nhà trọng yếu khác như thư viện
thành phố, Đại học Mỹ thuật, Viện khoa học tự nhiên, nhà thờ thánh Peter, đền
thờ Pennsilvania, tòa bảo tàng này xác định không gian cho vòng xuyến Logan, có
thể coi như khu vực nền tảng của thánh địa acropolis về tín ngưỡng và tri thức
của Philadelphia, với bảo tàng mỹ thuật nằm ở đỉnh cao.
Viện Franklin bên trái hình, tại vòng xuyến Logan
Được thành lập từ năm 1824, viện Franklin là một viện nghiên
cứu khoa học hàng đầu của nước Mỹ. Nhưng điều đặc biệt đáng nói, viện này cũng
là cái nôi cổ nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong chiến lược đào tạo kỹ thuật
của nước Mỹ. Phần đào tạo này có lẽ còn nổi bật hơn phần nghiên cứu. Mục tiêu
đào tạo rất rõ ràng nhưng cũng rất khó khăn: làm thế nào truyền được cảm hứng
khám phá! Đúng là những gì đã đạt được, cho dù cao siêu đến đâu, tinh vi đến
đâu, cũng chỉ là sự thật tương đối một thời gian, chưa phải thứ đáng để học thuộc
lòng. Điều mấu chốt trong nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và cảm hứng khám
phá, đấy là cái cần phải dạy và học.
Bảo tàng kỹ thuật của viện Franklin là một trong những công cụ
cơ bản để thực hiện mục tiêu giảng dạy này, và đã trở thành bộ phận quan trọng
nhất của viện sau gần 200 năm phát triển. Chiến lược xuyên suốt của bảo tàng để
đạt mục tiêu là: muốn gây cảm hứng và in sâu ấn tượng, mọi thứ muốn truyền đạt
phải sờ được, tương tác được, dẫn tới cái hiểu trực tiếp và sự tò mò muốn hiểu
kỹ hơn. Những phần chú giải bằng chữ là phụ, góp phần thêm vào hiểu biết này.
Đây là chiến lược rất rõ ràng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, vì làm thế nào để
chuyển tải những kiến thức rất cao siêu, trừu tượng thành những thứ sờ được, mà
không bị biến thành vỡ lòng, ngô nghê, để người ta một mặt hiểu được, nhưng mặt
khác vẫn giữ được sự tôn kính đối với những tri thức mà nhân loại rất khó khăn
mới đạt được. Ta hãy lướt qua một số phòng cơ bản, để xem họ giải quyết bài
toán này như thế nào.
Khu vực đầu tiên chúng tôi vào là Thế giới Cơ thể – Body world, một triển lãm mới, với những
mô hình, tiêu bản nổi tiếng của Guenther Hagen về cơ thể người và các loài động
vật. Lĩnh vực học thuật cần chuyển tải là giải phẫu học động vật và người. Những
mục tiêu truyền đạt được đưa ra:
Một tiêu bản cơ thể người của triển lãm Body worlds, đang bày
tại Viện Franklin. Ảnh của Darryl
Moran
1. Cảm hứng: sự kinh ngạc, khâm phục, tôn kính trước vẻ đẹp,
độ tinh vi, phức tạp, đa dạng và hoàn hảo của thế giới cơ thể.
2. Tò mò: Thực ra mỗi hệ thống, mỗi cơ thể có cấu tạo cụ thể
như thế nào, và đặc biệt tại sao lại như vậy? Tại sao bộ xương con ếch lại có cấu
tạo cụ thể như thế, con chim lại khác, con thỏ lại khác nữa v.v.
3. Ứng dụng: liệu ta có thể học hỏi được điều gì từ thế giới
cơ thể này cho đời sống, lĩnh vực của chúng ta? Cách tổ chức, cấu trúc, hình
hài, vật liệu, design, quá trình v.v.?
Các tiêu bản xác người của von Hagen
Và làm thế nào để đạt được 3 mục tiêu trên ở người xem? Thì
đó chính là yếu tố sáng tạo,công nghệ vượt
bậc trong cách làm tiêu bản và trưng bày của Hagen. Chúng ta biết rằng
mọi tiêu bản giải phẫu đều làm từ xác chết, hoặc chỉ là mô hình giả. Cái giả
thì còn lâu mới đạt độ tinh vi như thật, để khiến cho người ta có cảm hứng một
cách trực tiếp, bởi lẽ đã làm giả được như thật thì cái thật đó cũng chưa thực
là tối tân, đáng khâm phục. Còn xác chết thì vốn có liên hệ trực tiếp với cái
chết, là mặt đối lập của sự sống. Muốn nói gì thì nói, cái chết liên tưởng đến
sự phân hủy, xấu xí, và khiến người ta sợ, tởm. Mà đã sợ, đã tởm thì khó mà chú
tâm học, khám phá được.Khi xưa, mặc dù rất thích sinh vật, tự nhiên, mình vẫn
ngại vào ngành sinh và y, vì nghĩ đến sẽ phải học trên những cái xác ngâm
phoóc-môn bệch bạc, kinh tởm.
Bằng công nghệ
polime hóa từng loại mô, Hagen đã đưa ra được giải pháp xử lý tiêu bản
và mô hình giải phẫu mang tính cách mạng, vượt qua được những trở ngại nói
trên. Về cơ bản, toàn bộ nước từ các mô cần làm rõ sẽ được rút ra và thay thế bởi
chất polime lỏng. Khi chất lỏng này cứng lại, các mô sẽ cứng, trong như hóa thạch.
Những mô khác không cần nghiên cứu sẽ được hủy đi, chỉ để lại phần hóa thạch. Kết
quả, ta có được những tiêu bản giải phẫu hoàn toàn như thật, chi tiết tới từng
tế bào, bóc tách ra từng thể loại, lại hoàn toàn không bị phân hủy, không có
mùi, không phải ngâm trong dung dịch bảo quản, có thể sờ tận nơi.
Mặt khác, những mô hình được chuẩn bị, tạo hình chu đáo, sinh
động như cơ thể sống, đẹp đẽ như những bức tượng. Những lát cắt trong như hổ
phách, đẹp như tranh. Tất cả những đặc điểm: độ chi tiết, sự sống động, vẻ đẹp
khiến cho chúng khác hẳn những mô hình giả và xác chết ướp trước đây. Khi những
rào cản chính về kỹ thuật này được vượt qua, thế giới cơ thể hiển lộ đầy hấp dẫn,
lung linh, sẵn sàng để tạo cảm hứng, gây tò mò và khiến mỗi người đều phải suy
ngẫm.
“Nếu con người mà có cơ thể như hươu cao cổ, chung ta sẽ bị
ngừng tim ngay,” von Hagens giải thích. Hệ tim mạch độc đáo của hươu cao cổ có
thể làm việc không ngừng nghỉ để đưa máu đi dọc cái cổ dài lên não. Đó là nhờ hệ
thống van tim đặc biệt cho phép con hươu có thể chuyển từ ngóng cổ bứt lá từ một
ngọn cây cao chót vót sang ung dung cúi đầu uống nước nơi dòng suối mà không
làm xáo trộn nhịp tim. Trong ảnh là một tiêu bản hươu cao cổ của von Hagen bày
tại New York. Ảnh của Action Press
Khu vực trưng bày thứ hai mang tên “Trái tim khổng lồ”. Phòng
này giới thiệu những kiến thức cơ bản về hệ tuần hoàn, từ các loại máu, các loại
tim, hoạt động của động mạch, tĩnh mạch, tim, cấu tạo của động mạch, tĩnh mạch,
cấu trúc của máu, vai trò của máu và từng thành phần trong máu, cho tới những bệnh
tim mạch, nguyên nhân, giải pháp trị liệu y học v.v. Tất cả đều là những kiến
thức rất cô đọng, hấp dẫn và hữu ích.
Nhưng kiến thức vẫn là chuyện phụ, quan trọng là làm thế nào
tạo cảm hứng? Thì đây, giữa phòng là một quả tim khổng lồ, lấy kích thước bằng
trái tim của bức tượng nữ thần tự do. Người xem có thể coi mình như một hồng cầu,
đi vào quả tim, từ tĩnh mạch chủ, qua các tâm nhĩ, tâm thất, phổi để rồi lại đi
ra mang oxy cho cơ thể. Mỗi bước đi đều có chỉ dẫn, chỗ nào là van tim, chỗ nào
tim nhận tín hiệu điện để quyết định nhịp đập, chỗ nào trao đổi khí v.v.
Ảnh của The
Franklin
Quả tim khổng lồ này là một phát kiến thiên tài về giáo cụ trực
quan, và nó là biểu tượng của bảo tàng này. Từ hình dạng, kích thước, đến việc
chui qua quả tim, tất cả đều thật ấn tượng. Mỗi đứa trẻ sẽ là một hồng cầu, đi
qua trái tim của nữ thần tự do, mang dưỡng khí đi nuôi cơ thể. Và khi những đứa
trẻ đã nhập vai hồng cầu, thật dễ dàng để giải thích tiếp cho chúng là trong một
thìa cà phê máu, có bao nhiêu bạn hồng cầu như chúng, có bao nhiêu loại bạch cầu,
hay thành phần của dòng huyết tương mà chúng sẽ phải bơi trong đó v.v. rồi khi
ngôi nhà trái tim của chúng bị già yếu, hỏng hóc thì sẽ có những loại trợ giúp
kỹ thuật gì.
Đường vào The Giant Heart. Ảnh của cdubya1971
Phòng thứ 3, thuộc loại trọng yếu của bảo tàng, là phòng
trưng bày não và hệ thần kinh. Đây là khu vực được đầu tư công phu nhất, nhiều
tiền nhất của bảo tàng, vì cũng nhằm giới thiệu một lĩnh vực công nghệ mũi nhọn
hạng nhất của thế kỷ tới. Nội dung của phòng này là giới thiệu về não, tế bào
thần kinh, hệ thần kinh, cũng như những nghiên cứu mới nhất về ngành não học, với
những chuyên sâu rất khác biệt về tâm lý, nghệ thuật, nhận thức, ngôn ngữ v.v.
Lướt qua một lượt, thấy không có mảng trọng yếu nào của ngành não học lại không
được giới thiệu, đề cập. Nhưng điều mà tôi muốn giới thiệu ở đây, không phải là
các kiến thức não học được trưng bày ở bảo tàng, mà là cách thức tạo cảm hứng
cho lĩnh vực này, một lĩnh vực rất khó, rất chuyên sâu.
Cũng như những gian trưng bày khác, khu vực não học gồm những
điểm nhấn nhằm tạo cảm hứng trước, rồi xung quanh đó mới bố trí những kiến thức
cụ thể. Đầu tiên vào phòng là một quầy tròn trưng bày những mô hình rất kỳ lạ.
Đó là những quan niệm từ những góc độ rất khác nhau về thế nào là bộ não. Có mô
hình thể hiện bộ não là một mớ dây rợ cuộn túm vào với nhau. Có người lại hình
dung não như một cái tủ rất nhiều ngăn, mỗi ngăn là một loại dữ liệu, công việc
v.v. Đấy cũng là một cách tạo cảm hứng rất hay, khiến người ta thoát khỏi hình ảnh
vật chất của một cục óc trăng trắng mềm mềm chỉ khiến ta liên tưởng đến mấy thứ
óc tiềm thuốc bắc, óc hấp ngải cứu. Não khi đó có thể hình dung là những thứ rất
xa. Xung quanh quầy này mới là những trưng bày về giải phẫu, cấu tạo v.v.
Một mô hình 3D tưởng tượng về quan hệ truyền dẫn trong não. Ảnh
của Bryon cho The New York Times
Sang phòng thứ hai, người xem bị hút hồn ngay vào một quả cầu
thủy tinh to đùng giữa nhà, giống quả cầu của những bà phù thủy, tiên tri trong
phim, nhưng rất to. Quả cầu màu trắng mờ, huyền ảo, bên trong có đủ những màu sắc
rực rỡ, biến đổi loang loáng, không thể nhận ra quy luật, nhìn vừa đẹp, vừa bí
hiểm như quả cầu tiên tri. Có thể ngắm rất lâu quả cầu không chán. Khi xem giới
thiệu, thấy nói rằng đây chính là não bộ. Thực tế cho thấy não làm việc liên tục
100%, 24/24, với nhịp biến hóa không mấy tăng giảm giữa lúc ngủ và lúc thức,
lúc làm việc, và về cơ bản người ta đang không biết nó làm cái gì. Quá hay, vừa
hấp dẫn, vừa cho thấy ngay tổng quan về câu hỏi chính và tình trạng của ngành
não học.
Quả cầu não
Xung quanh đó mới bày một loạt giới thiệu về các giả thuyết,
các nghiên cứu, phát kiến về hoạt động của não, các vùng chức năng của não v.v.
Phòng tiếp theo là cả một cấu trúc lưới to bằng cả cái phòng,
lên tận nóc, thể hiện như cấu trúc mô não. Người ta có thể leo lên đó, có nhiều
tầng bậc khác nhau, theo nhiều chiều. Cả cấu trúc đung đưa, không ổn định khi
có người leo lên, khiến người ta có nhu cầu bám lấy nhau, người nọ bám vào người
kia, tầng trên báo vào tầng dưới. khi mọi người di chuyển, thêm người lên, bớt
người xuống, những liên kết lỏng lẻo đó sẽ luôn thay đổi. Cho dù có bám vào
nhau hay chỉ bám vào lưới, thì mỗi cử động của một người sẽ khiến cả hệ thống
rung chuyển, và mọi người đều có thể cảm nhận.
Cấu trúc lưới
Hãy hình dung bạn là một nơron thần kinh, bạn sẽ có 7000 mối
liên hệ với các nơron khác cùng một lúc, và có thể phát ra 100 tín hiệu mỗi
giây. Những mối liên hệ này liên tục thay đổi, có nghĩa là não dưới góc nhìn của
“communication” là một tổ hợp luôn biến đổi. Nếu ta tồn tại vì ta suy nghĩ
(Decartes) và ta suy nghĩ nhờ có hardware là não, thì cái hardware này thay đổi
không ngừng với mỗi hoạt động nghĩ, vậy ai là ta, có cái ta hay không, hay chỉ
là một chuỗi suy tư liên tiếp? Sau đó lại vô vàn thông tin, vô số cứ liệu về những
nghiên cứu, thành tựu não học. Nói chung, cứ mỗi khi ta có vẻ bị sa đà, mệt mỏi
vì những kiến thức chi tiết, thì lại có một cái gì đó rất trực quan lôi ta về
trạng thái hưng phấn, ngạc nhiên.
Khu trưng bày điện tử là một trong những mảng cổ truyền
của bảo tàng, gắn liền với tên tuổi Franklin và viện nghiên cứu từ những ngày đầu.
Ở đây giới thiệu những kiến thức cơ bản về điện và từ, về hiện tượng điện trong
tự nhiên, bản chất của các loại nhà máy điện, các nguồn điện, tiêu thụ điện,
thiết bị điện tử, lịch sử phát minh ngành điện tử v.v. Vì là lĩnh vực khoa học
rất cổ truyền, lại khó có thể tạo cảm hứng, vì ai cũng đã từng nghe, từng biết
ít nhiều. Vậy nhưng cách làm của bảo tàng vẫn rất xuất sắc.
Bắt đầu vào phòng, ta đi qua một mảng sàn kính khá rộng, mỗi
bước đi, mỗi chuyển động sẽ sinh điện, khiến đèn ở dưới bật sáng. Nếu nhảy mạnh,
đèn càng sáng. Trẻ con khoái lắm, nhảy đùng đùng, vừa xả stress, vui vẻ, vừa cảm
thấy mình rất quyền năng. Xung quanh sân này là những trưng bày, giải thích về
các hiện tượng điện trong tự nhiên, về phát kiến cột thu lôi của Franklin v.v.
Sàn kính hiệu ứng tại triển lãm. Ảnh: Christine Lefebvre
Trẻ con sẽ tha hồ nhảy thế này
Rẽ sang gian bên cạnh, giữa phòng là một sa bàn đô thị cao tầng
như khu Manhattan, làm bằng vật liệu như thủy tinh mờ. Quanh bàn có ghi các loại
nhu cầu sử dụng điện của một đô thị. Mỗi nhu cầu có một nút vặn, cho phép ta chỉnh
từ nhu cầu tối thiểu tới tối đa. Nếu ta vặn nút, cả mô hình sẽ sáng lên hay tối
đi. Như vậy, ai cũng cảm nhận được tỷ trọng của mỗi loại nhu cầu điện và tác động
của việc thay đổi hành vi tiêu dùng của từng nhu cầu đối với tổng điện năng
tiêu thụ của đô thị. Quanh mô hình là cách sinh điện, các loại nhà máy điện,
nguồn điện, cũng như các loại hình thức tiêu dùng điện.
Đặc biệt hấp dẫn là gian tiếp theo, trưng bày những kiến thức
xung quanh vô tuyến điện. Cả một bức tường phòng rất lớn đen sì, có vô số đốm
đèn đỏ nhấp nháy, biến động liên tục rất vui mắt. Lại gần nhìn thì thấy đề: tường
này gồm toàn các sensor để bắt sóng vô tuyến trong không gian, mỗi tia sóng đi
qua, đèn sẽ sáng lên. Nếu bạn bật điện thoại, sẽ lập tức có một đèn nháy, vì điện
thoại của bạn phát ra sóng vô tuyến. Như thế, ta hình dung ngay quanh ta chi
chít sóng, bản thân ta lúc nào cũng bị hàng trăm tia sóng phi qua, và nếu ta mở
điện thoại, lập tức sẽ bị định vị và theo dõi. Hú vía.
Ảnh từ trang này
Sau cùng, chúng tôi lướt qua khu trưng bày vật lý. Khu này
bao gồm nhiều phòng: phòng thể thao với những nguyên tắc vật lý đằng sau các
môn thể thao, hiệu ứng thị giác, cơ học, máy móc, phòng thiên văn, phòng mô
hình simulation máy bay v.v. Đặc biệt là các phòng này được nối với nhau bởi một
phòng hẹp mà dài như cái hành lang nằm ở trung tâm. Bước vào hành lang, bạn đọc
thấy cả bức tường là một bức tranh vũ trụ, với công thức nổi tiếng E=mC2 và câu
giải thích của Einstein: “Không có gì xảy ra trước khi có gì đó chuyển động”. Bản
chất của hiện tượng, vật chất là sự chuyển động – hay ta nói là dịch. Một câu
nói chấn động, liên kết tri thức Đông-Tây, có thể nói là biểu tượng cho tri thức
toàn cầu. Và khi ta chuyển động bước đi dọc hành lang, bức tranh dần biến đổi.
Đến khi ta tới đầu kia hành lang, nhìn lại thì bức tường đã thành bức tranh
khác, với câu nói bất hủ của Bragg, cũng từng là một viện sỹ danh giá của viện
Franklin như Einstein: “Ánh sáng mang tới cho chúng ta thông điệp về thế giới”.
Một câu nói có sức thống nhất khoa học và tôn giáo. Thiên Chúa giáo nói: Chúa
là ánh sáng, và ban đầu là thông điệp. Nay nếu khoa học chứng nhận được ánh
sáng mang thông điệp thế giới, thì có nghĩa là khoa học đã đặt nền tảng thực chứng
cho tôn giáo.
Trên bức tường đối diện, có dòng chữ: “Cái bạn nhìn thấy phụ
thuộc vào chỗ bạn đứng.” Einstein hay Bragg, Đông hay Tây, khoa học hay tôn
giáo, cũng như mọi sự trên đời, vốn đều là sự thật, nhìn thấy cái gì, tùy thuộc
chỗ đứng và góc nhìn của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét